What's new
Vietnam - Điện Biên Phủ Kinh Tế

This is a sample guest message. Register a free account today to become a member! Once signed in, you'll be able to participate on this site by adding your own topics and posts, as well as connect with other members through your own private inbox!

Lời nguyền tài nguyên

LOBBY.VN

Administrator
Lời nguyền tài nguyên hay hệ quả của nền quản trị kém ?

Điểm chung giữa các nhà lý thuyết về lời nguyền tài nguyên là một nền quản trị kém đóng vai trò là một nhân tố quan trọng để giải thích lời nguyền tài nguyên.

Cụm từ "lời nguyên tài nguyên" lần đầu được Richard Auty dùng trong cuốn sách của mình có tựa đề: Duy trì phát triển trong các nền kinh tế khoáng sản: giả thuyết lời nguyền tài nguyên vào năm 1993. Ông đã chỉ ra rằng "không chỉ các quốc gia giàu tài nguyên có thể thất bại trong việc làm lợi từ của trời cho, thậm chí các nước này còn hoạt động kém hiệu quả hơn các nước khác mà thiên nhiên kém ưu đãi hơn".

Các nghiên cứu cũng cho thấy việc khai thác tài nguyên thiên nhiên, và thậm chí hơn thế, là hiện tượng bùng nổ khai thác tài nguyên có thể gây ra các hậu quả tiêu cực tới tăng trưởng kinh tế và phát triển con người trong giai đoạn dài.

Như vậy, khồn nên coi tài nguyên thiên nhiên như là vận may vô tận, mà đòi hỏi cách quản lý kinh tế vĩ mô phù hợp và quản trị hiệu quả, cụ thể là dưới dạng thể chế minh bạch và có trách nhiệm giải trình.

Nhưng để làm được điều đó, điều đầu tiên cần là hiểu rõ hơn lời nguyền tài nguyên xảy ra như thế nào và tại sao.

Hai thành phần cơ bản của lời nguyền tài nguyên không nằm ngoài cái gọi là: căn bệnh Hà Lan và nền quản trị yếu kém.

Căn bệnh Hà Lan

Căn bệnh Hà Lan đề cập tới một tình huống hay hiện tượng ở đó một ngành phát triển mạnh kéo theo sự thụt giảm của các ngành khác, thường là ngành chế tạo, sản xuất. Thuật ngữ này liên hệ tới kinh nghiệm của Hà Lan trong thập kỷ 70 của thế kỷ trước, khi mà ngành chế tạo và sản xuất đột ngột sụt giảm trước việc khai thác lớn lượng dầu khí ở vùng Groningen, Biển Bắc.

Sự nghèo đói của nhiều nước châu Phi đối lập với sự giàu có về tài nguyên dầu khí của các nước này.

Trên thực tế, một ngành đang bùng nổ có thể liên quan tới bất kỳ các ngành khác của nền kinh tế do ngành này thu được các khoản tiền lớn từ xuất khẩu hay dòng ngoại tệ chảy vào nền kinh tế. Do đó mà gây ảnh hưởng tới các lĩnh vực kinh tế khác. Tuy nhiên, sự bùng nổ thường liên hệ chặt chẽ với tài nguyên thiên nhiên, đặc biệt là dầu mỏ và khoáng sản bởi lẽ các tài nguyên này thường có những biến động lớn về sản lượng hay nguồn thu do giá tăng đột ngột, việc phát hiện ra các mỏ mới hoặc các công nghệ mới làm tăng đáng kể sản lượng, vv.

Trong nguyên lý chính yếu của mô hình căn bệnh Hà Lan, một ngành phát triển bùng nổ sẽ làm lu mờ các ngành khác trên hai phương diện, thứ nhất qua việc chuyển nguồn lực qua ngành đang bùng nổ (hiệu ứng chuyển dịch nguồn lực) và làm tăng chi tiêu ở các ngành phi thương mại (hiệu ứng tiêu dùng).

Về phần hiệu ứng dịch chuyển nguồn lực, khi ngành khai thác tài nguyên phát triển mạnh nó đòi hỏi vốn và lao động, do đó mà tiền lương tăng lên. Điều này dẫn tới hàng loạt lao động chuyển dịch sang từ các ngành yếu thế hơn cho ngành khai thác tài nguyên.

Về khía cạnh hiệu ứng tiêu dùng, do sự bùng nổ của việc khai thác tài nguyên nên nhà nước thu được một lượng nguồn thu và ngoại tệ dồi dào. Việc dư thừa này có hại cho các ngành phi thương mại như sản xuất, chế tạo và nông nghiệp do chi phí đầu vào của các ngành này tăng lên. Đồng nội tệ sẽ tăng giá so với ngoại tệ và làm khó khăn cho các ngành sản xuất và chế tạo vì khả năng cạnh tranh quốc tế về giá giảm xuống do ngành này lệ thuộc vào xuất khẩu.


Căn bệnh Hà Lan trở nên nghiêm trọng khi việc khai thác tài nguyên đột ngột giảm do giá tài nguyên giảm hay nguồn tài nguyên bị cạn kiệt. Sự biến động này có thể tạo ra một sự mất ổn định cho nền kinh tế và có thể lan ra và ảnh hưởng tới các ngành khác, và dĩ nhiên là gây thiệt hại cho ngành sản xuất và chế tạo nhiều hơn

Tuy nhiên, một trong các vấn đề tranh cãi chủ yếu trong mối liên quan tới lời nguyền tài nguyên, là về vai trò của ngành chế tạo và sản xuất trong sự tăng trưởng của nền kinh tế quốc dân.

Davis (1995) đã lập luận rằng căn bệnh Hà Lan miêu tả một sự biến đổi của nền kinh tế quốc dân từ một giai đoạn dài cân bằng tới một giai đoạn khác. Ông gọi căn bệnh Hà Lan là "một giai đoạn ốm yếu" với các dấu hiệu giản đơn về "sự dịch chuyển đột ngột và tạm thời trong lợi thế cạnh tranh" nhưng không có ngụ ý là có một sự mất mát về kinh tế.

Mặc dù, các đề xuất về thuyết lời nguyền tài nguyên đã lập luận rằng ngành chế tạo và sản xuất có các đặc điểm đặc biệt và khá là quan trọng với các nước đang trên đà phát triển và công nghiệp hóa. Họ lập luận vì cạnh tranh trong ngành sản xuất và chế tạo là phụ thuộc vào công nghệ, cạnh tranh khuyến khích cải tiến kỹ thuật, phát triển giáo dục và học thông qua làm việc (Sachs & Warner 1995; Gylfason, 2001).

Các khía cạnh này được liên tưởng tới "vẻ bề ngoài tích cực" của ngành chế tạo và sản xuất cái mà lan tỏa tới các ngành khác của nền kinh tế và thúc đẩy phát triển.

Nếu so sánh thì các ngành liên quan tới khai thác tài nguyên không tạo ra các khuyến khích tương tự để đầu tư vào giáo dục hay phát triển cong nghệ dù trên phương diện cá nhân hay nhà nước.

Ý tưởng về các vẻ bề ngoài tích cực của ngành chế tạo, sản xuất thì một chút nào đó vẫn mang tính suy đoán mà thôi (Sala-i-Martin & Subramanian, 2003).

Thậm chí Sachs & Warner (1997) đã thừa nhận rằng những giả định này phần lớn dựa vào các bằng chứng của các mối quan hệ thuận giữa tăng trưởng kinh tế và tăng trưởng của xuất khẩu của ngành chế tạo, sản xuất. Trong đó các nền kinh tế mà đa dạng hóa xuất khẩu thì thực hiện tốt hơn.

Vì lý do này, các đề xuất khác về lời nguyền tài nguyên có xu hướng nhằm nhấn mạnh những hiệu ứng của việc khai thác tài nguyên thiên nhiên tới các nhân tố phi kinh tế như quan trị và chất lượng thể chế...

Quản trị yếu kém

Một điểm chung giữa các nhà lý thuyết về lời nguyền tài nguyên là một nền quản trị kém đóng vai trò là một nhân tố quan trọng để giải thích lời nguyền tài nguyên.

Auty (2006) lập luận rằng việc khai thác tài nguyên thiên nhiên tạo ra khuynh hướng một đường cung địa tô cao được đo đếm bằng tỷ lệ của nguồn thu trên tổng đầu tư. Địa tô cao ảnh hưởng tới chính phủ và các thể chế công bằng các cách thức cá biệt.

Một cung đường địa tô cao sẽ có khuynh hướng ảnh hưởng tới chính phủ trong các chính sách tái phân bổ địa tô thứ mà có quyết định mang tính chính trị lớn hơn và trực tiếp hơn, trong khi cũng làm chệch hướng các khích lệ từ sự tạo ra thịnh vượng hiệu quả.

Nó cũng sẽ có khuynh hướng kéo dài sự ỷ lại của chính phủ vào xuất khẩu các mặt hàng, trong khi thất bại trong việc hấp thụ nguồn lực lao động nông thôn dư thừa, do đó tạo ra tình trạng tăng thu nhập một cách thiếu công bằng (Auty, 2006; Sachs & Warner, 1995).

Trái lại, một cung đường địa tô thấp như trong ngành sản xuất, chế tạo, sẽ xui khiến chính phủ thúc đẩy sự tạo ra thịnh vượng bằng việc cung cấp các mặt hàng và duy trì các khuyến khích đầu tư hiệu quả (do vậy mà chính phủ có thể thu hái được các nguồn thu từ thuế); khuyến khích một nền công nghiệp hóa mang tính cạnh tranh từ sớm với lực lượng lao động tăng cường và đòi hỏi việc đô thị hóa từ giai đoạn sớm hơn; gây ra một chu kỳ xã hội đạo đức với việc duy trì sự bình đẳng về thu nhập bởi lẽ một nền công nghiệp sản xuất và chế tạo từ sớm có khả năng giải quyết vấn đề lao động nông thôn dư thừa; và thu được một lượng tiết kiệm thực cao hơn (Auty, 2006).

Tổ chức Tiền tệ Thế giới (IMF) cũng liên hệ "hiệu ứng tham lam" của việc khai thác tài nguyên tới chất lượng công quyền (Sala-i-Martin & Subrmamanian, 2003).

Họ lập luận rằng địa tô cao cho khai thác tài nguyên thiên nhiên cổ vũ cho thói quan liêu và tìm kiếm địa tô tham lam, những thứ mà có thể là các bảo hộ thuế tới quen biết hoặc tham nhũng (Gylfason, 2001; Sachs & Warner, 1995).

Một số nhà lý thuyết cho rằng khai thác tài nguyên thiên nhiên sẽ có xu hướng cổ vũ cho một "nhà nước bóc lột" hơn là một nhà nước phát triển (Coxhead, 2007).

Ross (2001) cho rằng khi mà các chính phủ chủ yếu dựa vào nguồn thu từ việc khai thác tài nguyên thiên nhiên hơn là thuế thu nhập, các chính phủ này kém giải trình về các nhu cầu từ các công dân của họ.

Trong nghiên cứu ở trên, ông lập luận rằng các thuế cá nhân và đoàn thể cao hơn quan hệ chặt chẽ tới chính phủ dân chủ hơn.

Ông cũng chỉ ra sự giàu có về dầu mỏ và khoáng sản đã xúi giục các chính phủ đầu tư nhiều hơn vào an ninh nội địa. Dù rằng các lực lượng được tăng cường nhằm giải quyết các xung đột nổi cộm liên quan tới tài nguyên thiên nhiên hay phục vụ lợi ích bản thân của chính phủ là không rõ ràng, nhưng các lực lượng này luôn sẵn sàng để bảo vệ lợi ích của chính phủ.

Địa tô cao có thể dẫn tới tình trạng chính phủ chi tiêu lãng phí và dễ dàng, bao gồm mở rộng bộ máy chính phủ và vung tay chi tiêu cho xây dựng cơ sở hạ tầng. Ở cả hai khía cạnh chi tiêu này, các công chức có thể thu được các lại quả.

Davis (1995) ghi chú rằng bóng ma căn bệnh Hà Lan có thể châm ngòi cho các chính sách chủ nghĩa bảo hộ để hỗ trợ các ngành công nghiệp thiếu hiệu quả hoặc tạo ra một trạng thái lạc quan thái quá về kế hoạch kinh kế vĩ mô, dẫn tới các phỏng đoán sai. Đơn cử trường hợp Mehico đã vay mượn tài chính thiếu cân nhắc nhằm đối phó với các nguồn thu đột ngột được dự đoán.

Sự đồng thuận ngày càng tăng giữa các nhà lý thuyết về nguyên nhân đầu tiên của lời nguyền tài nguyên là từ một nền quản trị yếu kém kết hợp với các quyết định chính sách nghèo nàn, đặc biệt là trong sản xuất dầu mỏ và khoáng sản.

Davis (1995) đã tóm tắt "các chính sách công nghiệp hóa mang tính tự cung tự cấp, bảo hộ các ngành đang ngắc ngoải, các chính sách bất ổn về tỷ giá hối đoái và một chính phủ can thiệp nặng nề với việc kéo dài các giai đoạn điều chỉnh thông qua cách cấm đoán các biến chuyển mang nhân tố ngành là phản ứng chung của căn bệnh Hà Lan"
 
Last edited:
Lời nguyền tài nguyên ?

Tin xấu: Mozambique vừa phát hiện ra khoảng từ 6-8 nghìn tỉ mét khối khí ngoài bờ biển - khá đủ cho sản xuất thương mại. Phát hiện này đóng góp thêm cho thực tế ngành công nghiệp khai thác than đang bùng nổ gần đây để biến quốc gia này thành một nhà xuất khẩu tài nguyên tự nhiên.

Cùng với nước Đông Phi bất hạnh này là Papua New Guinea, dự kiến sẽ bắt đầu xuất khẩu khí tự nhiên trị giá 30 tỉ USD và Afghanistan - với việc phát hiện ra các trầm tích sắt, đồng, coban, vàng và Lithi với tổng giá trị vào khoảng 1 nghìn tỉ USD. Và, thật đáng tiếc, mọi cơ hội để họ có thể duy trì một nền dân chủ kinh tế ổn định lại chỉ là những cái hố đào ngổn ngang

Tại sao lại như vậy? Hãynói tới lời nguyền tài nguyên - với ý tưởng rằng, càng nhiều sản phẩm đào ra từ bề mặt hay dưới lòng đất của một quốc gia, thì nước ấy sẽ càng tăng trưởng chậm và càng có nguy cơ rơi vào một cuộc nội chiến. Những phiên bản của lời nguyền này từng xảy ra. Trở lại những năm 1970, các nhà kinh tế học đã lo lắng về "Căn bệnh Hà Lan". Các nước xuất khẩu nhiều dầu khí sẽ chứng kiến tỉ giá hối đoái giá tăng. Điều này đổi lại, có thể làm cho sản xuất xuất khẩu của họ không cạnh tranh

Nhưng ý tưởng này thực sự được chú ý là vào giữa những năm 1990, khi Jeffrey Sachs và Andrew Warner, đều ở Đại học Harvard phát hiện ra rằng, các quốc gia càng xuất khẩu nhiều sản phẩm nông nghiệp, khoáng sản và nhiên liệu lại càng chứng kiến tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm hơn.

Sachs và Warner đã nhấn mạnh Căn bệnh Hà Lan và những hậu quả của nó như là nguyên nhân thích hợp. Nhưng những nhà nghiên cứu khác nhìn vào cùng dữ liệu lại lập luận rằng, có thể có sự liên quan giữa những nhà lãnh đạo độc tài nắm quyền với cho thuê tài nguyên hoặc tác động mất ổn định chính trị của việc dễ dàng có được lợi nhuận. Trong khoảng vài năm, xuất khẩu tài nguyên phải trả giá bằng hàng loạt tác động xấu - chi tiêu giáo dục thấp, chính phủ bất ổn, nội chiến, tham nhũng, quản trị kém.

Năm 1997, Ngân hàng Thế giới đưa ra một số biện pháp đánh giá về sự giàu có nguồn tài nguyên tự nhiên - bao gồm đất nông nghiệp, khoáng sản và trữ lượng dầu, các khu vực phòng hộ. Những quốc gia giàu nhất trong xếp hạng tài nguyên tính theo đầu người là Australia, Canada, New Zealand, và Na Uy. Thu nhập trung bình theo đầu người của họ năm 2008 là 24.430 USD. Jordan và Malawi đứng cuối danh sách. Jordan có thu nhập bình quân theo đầu người là 5.702 USD; Malawi là 744 USD. Chỉ nhìn riêng vào nguồn tài nguyên khoáng sản, Venezuela và Na Uy xếp đầu bảng, trong khi Bỉ, Benin, Ghana (trước những phát hiện dầu khi gần đây) và Nepal đứng cuối cùng. Trừ số ít ngoại lệ, danh sách cho thấy rõ rằng, khan hiếm tài nguyên dưòng như là bí quyết của tăng trưởng nhanh.

Nhìn vào sự phát triển gần đây ở các quốc gia, nhà kinh tế học Thuỵ Sĩ Christa Brunnschweiler kết luận rằng, các nền kinh tế có nguồn tài nguyên giàu có hơn thường phát triển nhanh hơn trong giai đoạn từ 1970-2000 so với các nước nghèo tài nguyên. Bà không tìm ra bằng chứng nào chứng tỏ mối liên quan giữa nguồn tài nguyên giàu có hơn với các thể chế yêú ớt hơn, theo như phát hiện của Daron Acemoglu tại Học viện Công nghệ Massachusetts.

Cùng với cộng sự Erwin Bulte, Brunnschweiler cũng nhìn ra sự liên quan giữa tài nguyên tự nhiên với mối bẩn ổn dân sự. Theo họ, các nước có nhiều tài nguyên hơn ít có khả năng rơi vào nội chiến hơn trong giai đoạn đầu tiên. Mặt khác, Stephen Haber và Victor Menaldo của Đại học Stanford và Đại học Washington, đã nghiên cứu về mối quan hệ giữa doanh thu dầu mỏ và nền dân chủ ở các quốc gia.

Theo đó, nền dân chủ thực sự "sôi động" hơn bởi thu nhập dầu mỏ gia tăng - trong khi họ không thể tìm ra một ảnh hưởng theo cách này hay cách khác khi nó tiến đến chế độ chuyên quyền . Chắc chắn là có những trường hợp nơi doanh thu dầu mỏ và sự chuyên quyền gia tăng cùng nhau. Nhưng ít nhất nhiều trường hợp đã không xảy ra điều này, và nhiều trường hợp nền dân chủ trở nên vững mạnh hơn khi doanh thu tăng lên.

Làm thế nào để dung hoà các kết quả trên để tìm ra một lời nguyền? Các nghiên cứu trước nhìn vào tầm quan trọng của xuất khẩu tài nguyên trong một khoảng thời gian cụ thể. Ở đó, mối quan hệ là sự phụ thuộc lớn giữa xuất khẩu tài nguyên với tăng trưởng thấp và nguy cơ nội chiến. Nhưng đó là cách kỳ lạ để đánh giá "lời nguyên tài nguyên". Theo một câu chuyện thông thường, lời nguyền liên quan đến bất hạnh của việc ngồi trên một mỏ dầu hoặc tảng đá có kim cương.

Và còn rất nhiều điều khác bên cạnh trữ lượng khoáng sản. Thực tế là rất nhiều quốc gia phụ thuộc lớn vào xuất khẩu tài nguyên tự nhiên thường nghèo và bất ổn. Đó là bởi những quốc gia nghèo và bất ổn ấy hiếm có sự cạnh tranh trong hệ thống ngân hàng hay công nghệ cao. Tài nguyên tự nhiên là thứ duy nhất để những nước ấy có lợi thế so sánh trong giao dịch. Một lần nữa, những quốc gia ấy không thể giàu có nếu tất cả những gì họ làm là sản xuất cây tròng và đào bới mặt đất. Chỉ giàu có khi lĩnh vực dịch vụ phát triển mạnh và ít nhất có một số ngành ssản xuất. Nên những nước chỉ đào bới mặt đất gặp khó khăn vì họ đã thất bại thảm hại trong việc tạo ra một môi trường để các dịch vụ và sản xuất có thể phát triển mạnh.

Có phải nhiều chế độ độc tài khai thác tài nguyên tự nhiên để lấp đầy các tài khoản của họ trong ngân hàng, mua chuộc đối thủ hay thậm chí tậu vũ khí thị uy? Dĩ nhiên là họ làm vậy. Khai khẩn, nhồi nhét, hối lộ và ức hiếp là những gì mà họ làm tốt nhất. Nhưng họ là những người khai thác với cơ hội ngang bằng. Nếu tài nguyên tự nhiên cho thuê không sẵn có, họ sẽ làm thứ gì khác, và có thể làm những thứ tồi tệ để có nó. Ví dụ từng đồng trong số hàng tỉ USD của tướng Sani Abacha kiếm được từ dầu mỏ Nigeria đã đẫm máu hàng nghìn người Uganda mà không cần viện trợ hay động lực đáng kể từ các mỏ khoáng sản.

Những quốc gia trông chờ vào tài nguyên tự nhiên cho phần lớn sản lượng của họ trên thực tế đã chịu lời nguyền - bởi một chính phủ chất lượng thấp và một môi trường thể chế kiềm chế sự tăng trưởng của sản xuất và dịch vụ. Đó có thể là tin tốt cho Afghanistan, Mozambique, và Papua New Guinea rằng: Họ sẽ không nghèo hơn hay bất ổn hơn nhờ có trữ lượng khoáng sản phong phú. Nhưng sau đó cũng là những tin xấu: với tình trạng tổ chức tương đối kém, các nước này khó có thể sử dụng tiền kiếm được để trở thành một Na Uy tiếp theo.

Đó là lý do tại sao những chiếc bùa hữu hiệu nhất chống lại lời nguyền tài nguyên - cải tổ thể chế thông qua giám sát và minh bạch lớn hơn - tạo ra cảm giác bất cần. Trên thực tế, vì nguồn lợi nhuận quá lớn từ các ngành công nghiệp khai khoáng chảy qua các chính phủ, cải thiện giám sát có thể là sự trợ giúp đặc biệt sau khi tìm thấy một mỏ khoáng sản. Sáng kiến Minh bạch Các ngành Công nghiệp Khai khoáng, ví dụ, đưa ra báo cáo kiểm toán về các khoản thanh toán từ các ngành công nghiệp với chính phủ các khoản tiền bản quyền và thuế. Một cách tiếp cận khác, do Todd Moss tại Trung tâm Phát triển Toàn cầu theo đuổi, là chuyển các khoản lợi nhuận trực tiếp từ dầu mỏ tới người dân - một mô hình được thông qua ở Alaska. Đây là những ý tưởng tốt, và có những tin tức vui rằng, Mozambique và Afghanistan đã ký Sáng kiến Minh bạch.

Nhưng trong thâm tâm, chúng thực sự là ý tưởng tốt bởi tất cả các chính phủ nên minh bạch hơn, tăng cường dòng chảy tài nguyên đến cộng đồng, mà không quan trọng những gì nằm dưới đất đai của họ

Đổ lỗi nghèo đói vì có nhiều dầu mỏ chả khác nào đổ lỗi cho sự tồn tại của kẻ trộm cướp vì của cải châu báu

* "Căn bệnh Hà Lan" là một thuật ngữ trong kinh tế học ra đời năm 1977 để mô tả sự suy giảm của khu vực sản xuất Hà Lan sau khi nước này tìm ra mỏ khí gas lớn. Từ đó về sau, thuật ngữ này được sử dụng để nói về mối quan hệ giữa việc phát hiện những nguồn tài nguyên thiên nhiên mới với sự tụt hậu của sản xuất trong nước của một quốc gia
 
Last edited:
Việt Nam với lời nguyền tài nguyên

Phụ thuộc khá nhiều vào lợi nhuận từ các nguồn tài nguyên, Việt Nam có nguy cơ mắc phải lời nguyền tài nguyên hay căn bệnh Hà Lan nếu không có các biện pháp quản lý vĩ mô tốt

Nguy cơ cao

Việt Nam được coi là một nước giàu tài nguyên hydro-carbon (dầu mỏ và than đá), trong đó xuất khẩu của các mặt hàng này chiếm 31,2% tổng lợi nhuận từ xuất khẩu (IMF, 2007; GSO, 2007). Nếu tính cả xuất khẩu các loại khoáng sản khác, đặc biệt là kim loại như titan, đồng, kẽm...thì tỷ lệ đóng góp của tài nguyên thiên nhiên tới tổng xuất khẩu cũng như tổng thu nhập quốc dân sẽ cao hơn nhiều

Rõ ràng là Việt Nam phụ thuộc khá nhiều vào lợi nhuận từ các nguồn tài nguyên này và có nguy cơ mắc phải lời nguyền tài nguyên hay căn bệnh Hà Lan nếu không có các biện pháp quản lý vĩ mô tốt.

Hơn nữa, tình trạng tham nhũng ở Việt Nam được đánh giá là nghiêm trọng. Theo tổ chức Minh bạch quốc tế (Transparency International), trong năm 2009, Việt Nam xếp thứ 120 trên 180 quốc gia trên thế giới về tham nhũng (Transparency International, 2009). Thứ hạng về tham nhũng không có tiến triển đáng kể trong một thời gian dài.

Trong khi đó, một trong các nguyên nhân chủ yếu dẫn tới lời nguyền tài nguyên là nạn tham nhũng. Do vậy, Việt Nam có nguy cơ cao mắc phải cạm bẫy lời nguyền tài nguyên.
Biết hi sinh lợi ích trước mắt

Việc hội nhập toàn cầu ngày càng sâu rộng đã bày ra những cơ hội lớn cũng như những thách thức đáng kể cho Việt Nam trong công cuộc phát triển đất nước. Những ảnh hưởng (tiêu cực lẫn tích cực) xuất phát từ yếu tố nội tại cũng như yếu tố bên ngoài đã và đang tác động mạnh mẽ tới Việt Nam trong chiến lược quản lý và sử dụng nguồn tài nguyên thiên nhiên nói chung vốn đã có nhiều bất cập.

Ngành khai khoáng của Việt Nam đang phải đối mặt với sự phát triển thiếu bền vững do nhiều yếu tố như cơ sở pháp lý chưa chặt chẽ, mức độ thực thi pháp luật kém và ảnh hưởng từ các yếu tố bên ngoài.

Theo Coxhead (2007) thì sự tăng cường ảnh hưởng thương mại và đầu tư của Trung Quốc sẽ có ảnh hưởng xấu tới các nước trong khu vực ASEAN. Hơn nữa, những nước có nền công nghiệp kém đa dạng như Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng hơn.

Các ngành công nghiệp như da giầy và các ngành liên quan sẽ dễ bị tổn thương nhất. Khi các ngành này suy giảm sẽ tạo ra hậu quả trên diện rộng trong việc điều chỉnh thị trường lao động.

Những nước trong khu vực Đông Nam Á như Campuchia, Lào, Myanmar hay các vùng cao và biên giới ven biển của Việt Nam nơi mà chính quyền trung ương kiểm soát yếu nhất sẽ có nguy cơ lớn nhất trước ảnh hưởng tiêu cực mà Trung Quốc mang lại. Do đó, Việt Nam cần xây dựng và áp dụng các chính sách cũng như thể chế tốt hơn về quản lý tài nguyên thiên nhiên cho các vùng dễ bị ảnh hưởng nhằm giảm thiểu cũng như loại bỏ những rủi ro mang lại.

Hy sinh lợi ích trước mắt là điều cần thiết để đảm bảo tăng trưởng cao hơn trong tương lai.

Hơn nữa, nhận biết rõ ràng những phí tổn có thể xảy ra khi khai thác quá mức các nguồn tài nguyên và hiểu rõ những ảnh hưởng của các thay đổi từ bên ngoài về thị trường toàn cầu nói chung là bước khởi đầu để thảo luận về các đổi mới chính sách và thể chế nhằm giải quyết lời nguyền tài nguyên cũng như nguồn gốc của nó.

Quản chặt dòng tiền

Tùy theo cấu trúc của nền kinh tế và điều kiện xã hội ở mỗi nước mà mức độ thiệt hại từ hậu quả của lời nguyền tài nguyên hay chỉ đơn thuần là căn bệnh Hà Lan sẽ khác nhau. Tuy nhiên, những ảnh hưởng tiêu cực từ căn bệnh Hà Lan như tăng tỷ giá tiền tệ có thể được giảm thiểu hoặc loại bỏ phần lớn nhờ vào những chính sách tài khóa phù hợp. Chẳng hạn như Chính phủ không nên chấp nhận những nguồn thu đột ngột từ các công ty đa quốc gia dưới bất kỳ dạng nào như thuế, tiền thuê mỏ hay quà tặng (Davis, 1995).

Mặt khác, theo Mikesell (1997), những thu nhập đột ngột có thể được điều chỉnh qua các quỹ bình ổn vốn. Hiện nay, hầu hết lợi nhuận từ các hoạt động khai khoáng đều do nhà nước quản lý, do vậy Chính phủ có thể điều chỉnh các nguồn thu bột phát thông qua hệ thống ngân hàng trung ương.

Một chính sách khác có thể giúp ngăn chặn đà tăng giá đồng nội tệ là yêu cầu các công ty khai khoáng bán trực tiếp các khoản thu đột xuất cho ngân hàng trung ương hay ngân hàng trung ương có thể mua ngoại hối từ thị trường nhằm ngăn chặn giá trị tỷ giá hối đoái danh nghĩa (nominal exchange) của đồng nội tệ. Những khoản thu đột ngột từ xuất khẩu khoáng sản nên được đầu tư vào phát triển giáo dục, các dự án sinh lợi hoặc vào dự trữ ngoại hối và tài sản nước ngoài nhằm duy trì đầu tư trong các giai đoạn lợi nhuận thu được từ xuất khẩu thấp cũng như tránh rủi ro và bảo tồn nguồn vốn.

Các chính sách này cần được đan xen với các chính sách tiền tệ và tài khóa phù hợp để ngăn chặn lạm phát và thâm hụt ngân sách do tăng cường chi tiêu công.

Minh bạch ngành khai khoáng

Nhằm ngăn chặn cạm bẫy lời nguyền tài nguyên cũng như tăng cường khả năng giám sát và đánh giá của chính phủ, thì những qui định và cơ chế về minh bạch trong ngành công nghiệp khai khoáng, đặc biệt là về nguồn thu là rất cần thiết.

Mặc dù công khai minh bạch thông tin đã được đề cập trong Luật doanh nghiệp số 60/2005/QH11, Luật phòng chống tham nhũng số 55/2005/QH11 cũng như trong các Văn kiện Đại hội Đảng IX và X, tuy nhiên chưa có một hệ thống rõ ràng để thúc đẩy minh bạch hóa thông tin trong ngành khai khoáng. Việc tham gia vào sáng kiến minh ngành công nghiệp khai thác -EITI sẽ là một trong các lựa chọn đúng đắn. Việt Nam sẽ thu được nhiều lợi ích từ việc tham gia sáng kiến này.

Cụ thể là nhà nước sẽ thu được tối đa nguồn thu từ các hoạt động khai khoáng, giảm thiểu tham nhũng và căng thẳng/xung đột xã hội, tăng cường dân chủ thông qua việc tạo điều kiện cho người dân tham gia vào quá trình lập định chính sách; tạo môi trường đầu tư tốt hơn và củng cố lòng tin với các đối tác, đặc biệt là với các nhà đầu tư quốc tế về cam kết của chính phủ trong cuộc chiến chống tham nhũng và thúc đẩy quá trình minh bạch hóa thông tin.

Tránh bẫy tài nguyên, cách nào

Một vài kiến nghị cho Việt Nam để tránh lời nguyền tài nguyên:

Một là, duy trì các chính sách tài khóa chặt chẽ trong các thời kỳ bùng nổ tài nguyên, đặc biệt khi các tài nguyên thiên nhiên này chiếm một phần chủ yếu của nền kinh tế địa phương hoặc quốc gia.

Một lựa chọn là gửi nguồn thu từ hoạt động khai thác khoáng sản vào một quỹ tài chính. Ví dụ về thành công này có thể thấy trong trường hợp Na Uy, Ả Rập Saudi và các nước khác (Larsen, 2005).

Tuy nhiên, theo nghiên cứu của Sala-i-Martin & Subrmamanian (2003), không có lựa chọn tốt nhất cho một quốc gia mà tính minh bạch còn yếu kém hoặc thiếu tính minh bạch. Trong điều kiện đó, việc giảm khai thác là một lựa chọn tốt hơn.

Cũng theo Sala-i-Martin & Subramanian (2003): " Chưa khai thác dầu khí và khoáng sản dưới lòng đất là một hình thức tiết kiệm".

Tái phân phối các khoản thanh toán là một lựa chọn khác để kiểm soát chi tiêu trong giai đoạn bùng nổ tài nguyên. Quỹ tiền tệ thế giới khuyên rằng các khoản thanh toán phân phối lại phải được dành cho người trưởng thành, mà tốt hơn là cho phụ nữ, và sau đó nguồn thu của chính phủ từ khai khoáng sẽ được tái thu thông qua các loại thuế (Sala-i-Martin & Subramanian, 2003).

Ross (2001) cho rằng, điều này sẽ nâng cao trách nhiệm giải trình của chính phủ bởi vì các khoản thu sẽ bắt nguồn từ một căn cứ tính thuế rộng rãi.

Ba là, cần tái đầu tư nguồn thu từ dầu mỏ để tăng cường cho các ngành phi thương mại. Như trường hợp của Indonesia, điều này sẽ giảm thiểu các hiệu ứng trì trệ trong sản xuất, chế tạo và nông nghiệp, trong khi cũng có khả năng giúp đỡ để tránh lãng phí hay chi tiêu bừa bãi.

Bốn là, hãy duy trì nếu không thể tăng đầu tư giáo dục, cả ở Việt Nam và đặc biệt tại các tỉnh có hoạt động khai thác khoáng sản nơi mà phụ thuộc chặt chẽ vào khoáng sản,. Đầu tư vào giáo dục cũng là một phương tiện để đạt được phát triển bền vững ngành khai khoáng bằng cách giúp chuyển vốn tự nhiên vào vốn con người (Crowson, 2009)

Năm là, cải thiện tính minh bạch và trách nhiệm giải trình của các tổ chức công trong việc quản lý phát triển khoáng sản. Thể chế minh bạch và trách nhiệm giải trình là những cơ chế cần thiết để tránh nạn tham nhũng và tìm kiếm địa tô không mong muốn trong ngành khai khoáng. Một trong các biện pháp nhằm tăng cường tính minh bạch và trách nhiệm giải trình là tham gia vào sáng kiến minh bạch ngành công nghiệp khai thác -EITI (Extractive Industries Transparency Initiative)
 
Last edited:
Tài nguyên thiên nhiên: tai họa hơn là vận may

- Những phát hiện tài nguyên thiên nhiên mới ở một số nước châu Phi – kể cả Ghana, Uganda, Tanzania, và Mozambique – đặt ra một câu hỏi quan trọng

Liệu “của trời cho” này có là một vận may bất ngờ mang lại thịnh vượng và hy vọng, hay là một tai họa về kinh tế và chính trị, như đã từng xảy ra ở nhiều quốc gia ?

Ghi nhận trong một thời gian, người ta nhận thấy những nước giàu tài nguyên “làm ăn” còn kém hơn những nước không có tài nguyên. Tăng trưởng chậm hơn, và bất bình đẳng nhiều hơn – trái ngược hẳn với những gì người ta mong đợi

Ngoài ra, đánh thuế tài nguyên thiên nhiên ở mức cao sẽ không làm cho nguồn tài nguyên biến mất, có nghĩa là các nước mà nguồn thu nhập chủ yếu là tài nguyên thiên nhiên có thể sử dụng lợi ích này để tài trợ cho giáo dục, y tế, phát triển, và tái phân phối

Một khối lượng tài liệu kinh tế học và khoa học chính trị đã được vận dụng để giải thích “tai ương tài nguyên” này, và những nhóm đoàn thể - dân sự (như là Revenue Watch và Extractive Industries Transparency Initiative) được thành lập để cố gắng chống chọi. Người ta đã nhận ra ba trong số những thành phần kinh tế của mối họa

- Các nước giàu tài nguyên thường có đồng tiền mạnh, xu hướng này cản trở những ngành xuất khẩu khác

- Do khai thác nguồn tài nguyên sẵn có thường kéo theo ít việc làm mới, nạn thất nghiệp tăng lên

- Giá tài nguyên hay thay đổi làm tăng trưởng bất ổn, và bất ổn hơn do các ngân hàng quốc tế đổ vào khi giá hàng hóa cao và tháo lui khi kinh tế suy sụp (phản ánh nguyên tắc cổ điển là các chủ ngân hàng chỉ cho vay những đối tượng nào không cần tiền của họ)

Ngoài ra, các nước giàu tài nguyên thường không theo đuổi những chiến lược tăng trưởng bền vững. Họ không nhận ra rằng nếu họ không tái đầu tư của cải tài nguyên của mình vào những phương thức đầu tư sinh lợi trên mặt đất, họ đang thực sự trở nên nghèo hơn

Hoạt động chính trị khác thường làm vấn đề thêm trầm trọng, khi xung đột do khả năng tiếp cận nguồn thu từ tài nguyên dẫn đến tệ tham nhũng và những chính phủ phi dân chủ

Có những giải pháp được biết nhiều cho từng vấn đề trong số này: một tỉ giá ngoại hối thấp, một quỹ bình ổn, thận trọng đầu tư nguồn thu tài nguyên (kể cả dành cho người dân trong nước), một lệnh cấm vay mượn, và sự minh bạch (ít nhất người dân có thể nhìn thấy dòng tiền chảy vào và đi ra)

Nhưng người ta ngày càng nhất trí rằng những biện pháp này không đủ, cho dù cần thiết. Những nước mới giàu lên cần thực hiện thêm một số biện pháp nữa để tăng khả năng có một “vận may tài nguyên”

Đầu tiên, những nước này phải làm nhiều hơn để bảo đảm rằng người dân của họ nhận được toàn bộ giá trị tài nguyên. Một xung đột lợi ích không thể tránh khỏi giữa các công ty khai thác tài nguyên thiên nhiên (thường là nước ngoài) và nước sở hữu tài nguyên: công ty luôn muốn giảm thiểu cái họ chi trả, trong khi nước “chủ nhà” cần tăng tối đa khoản thu này

Những cuộc đấu thầu minh bạch, có tính cạnh tranh và được chuẩn bị tốt có thể tạo ra nhiều lợi nhuận hơn là những giao dịch riêng tư. Các hợp đồng cũng nên minh bạch, và nên bảo đảm là nếu giá cả tăng vọt – như từng lặp đi lặp lại – thu nhập từ “của trời cho” không chỉ đổ vào két sắt công ty

Tiếc thay, nhiều nước đã ký kết những hợp đồng xấu đem lại một phần không cân xứng trong giá trị tài nguyên cho các công ty tư nhân nước ngoài. Một giải pháp đơn giản: nếu đây là điều không thể, hãy ấn định một mức thuế lợi nhuận từ tài nguyên

Khắp thế giới, các nước đang thực hiện bước này. Tất nhiên, các công ty khai thác tài nguyên sẽ phản đối, nhấn mạnh tính ràng buộc của hợp đồng, và đe dọa thoái lui. Nhưng kết quả tiêu biểu là khác. Một quá trình tái thương lượng hợp lý có thể là cơ sở cho một mối quan hệ lâu dài tốt hơn

Botswana đã tái thương lượng những hợp đồng như thế và xây dựng nền tảng để tăng trưởng đáng kể trong bốn thập niên qua. Hơn nữa, không chỉ các nước đang phát triển chấp nhận tái thương lượng, như Bolivia và Venizuela, mà những nước đã phát triển như Israel và Australia cũng làm như vậy. Ngay cả Mỹ cũng đã đánh thuế lợi nhuận từ tài nguyên

Một điều quan trọng không kém là số tiền thu được từ tài nguyên thiên nhiên phải được sử dụng để thúc đấy phát triển. Những cường quốc thực dân cũ xem châu Phi chỉ như một nơi để họ bòn rút tài nguyên. Một số trong các nước mua tài nguyên mới cũng có thái độ tương tự

Họ xây dựng cơ sở hạ tầng (đường bộ, đường sắt, và bến cảng) chỉ với một mục tiêu trong đầu: vơ vét tài nguyên ra khỏi nước sở hữu với giá càng thấp càng tốt, mà không có nỗ lực nào chế biến tài nguyên từ trong nước, huống chi là phát triển các ngành công nghiệp địa phương dựa vào tài nguyên đó

Phát triển thực sự đòi hỏi khai thác tất cả những mối liên hệ có thể có: huấn luyện nhân công địa phương, phát triển những công ty vừa và nhỏ để cung cấp đầu vào cho hoạt động khai khoáng và các công ty dầu khí, chế biến trong nước, và đưa tài nguyên thiên nhiên vào trong cơ cấu kinh tế của đất nước

Hiện nay, tất nhiên là những nước sở hữu nguồn tài nguyên có thể không có một lợi thế tương đối trong nhiều hoạt động này, và một số người sẽ cho rằng các nước đó nên kiên trì bám chặt thế mạnh của mình. Từ cách nhìn này, lợi thế tương đối của các nước giàu tài nguyên là nhờ những nước khác khai thác tài nguyên của mình

Đây là sai lầm. Điều quan trọng là lợi thế tương đối có tính năng động, hay lợi thế tương đối về lâu dài, vốn có thể được định hình. Cách đây 40 năm, Hàn Quốc có một lợi thế tương đối là trồng lúa. Nếu bám lấy sức mạnh đó, họ sẽ không phải là một cường quốc công nghiệp như ngày nay

Có lẽ họ sẽ là nước trồng lúa năng suất cao nhất thế giới, nhưng họ vẫn nghèo

Các công ty sẽ yêu cầu Ghana, Uganda, Tanzania, và Mozambique hành động nhanh chóng, nhưng có một lý do tốt để các nước này hành động cân nhắc hơn: tài nguyên sẽ không biến mất nhưng giá hàng hóa đang tăng

Đồng thời, những nước giàu tài nguyên có thể xây dựng những thể chế, chính sách và luật lệ cần thiết để đảm bảo rằng tài nguyên làm lợi cho tất cả người dân của họ

Tài nguyên nên là một vận may, không phải là tai họa. Chúng có thể là tai họa, nhưng tai họa sẽ không tình cờ xảy ra, và sẽ không dễ dàng xảy ra

Võ Phương
 
Last edited:
Lời nguyền tài nguyên ở miền đất của Thành Cát Tư Hãn
Sau khi đã “đốt cháy” gần như toàn bộ dự trữ ngoại hối, Chính phủ Mông Cổ đang đối mặt với gánh nặng nợ khổng lồ và thậm chí không thể trả tiền cho công nhân viên chức

Năm 2008, để tưởng nhớ Thành Cát Tư Hãn – người được là đã “khai thiên lập quốc”, Mông Cổ dựng một mức tượng bằng thép khổng lồ bên bờ sông Tuul, nơi cách thủ đô Ulannbaatar nửa giờ xe chạy. Tên tuổi của nhân vật lịch sử từ thế kỷ 13 cũng được đặt cho sân bay quốc tế của Mông Cổ và hình ảnh ông xuất hiện trên những tờ tiền giấy của đất nước này

Sau khi đã “đốt cháy” gần như toàn bộ dự trữ ngoại hối, Chính phủ Mông Cổ đang đối mặt với gánh nặng nợ khổng lồ và thậm chí không thể trả tiền cho công nhân viên chức. Ngày hôm qua, NHTW nước này tăng tỷ lệ lãi suất cơ bản thêm 4,5 điểm phần trăm, lên 15% nhằm vực dậy tugrik – đồng tiền có diễn biến tệ nhất thế giới kể từ đầu tháng đến nay

Mông Cổ - đất nước giàu tài nguyên khoáng sản nằm giữa Nga và Trung Quốc với bốn bên đều là đất liền – đang ở bên bờ khủng hoảng kinh tế. Tình hình sức khỏe kinh tế Mông Cổ không có nhiều ý nghĩa đối với thị trường tài chính toàn cầu, nhưng đây là bài học nhãn tiền dành cho những nền kinh tế lớn khác cũng đang dựa vào tài nguyên như Brazi, Venezuela, Nga và Saudi Arabia

Kinh tế Mông Cổ sẽ đem lại một ý nghĩa mới cho cái mà các chuyên gia kinh tế gọi là “lời nguyền tài nguyên”. Một quốc gia có quá nhiều tài nguyên thiên nhiên có thể rơi vào cảnh tăng trưởng kinh tế chậm chạp, chi tiêu lãng phí và những chu kỳ bùng nổ rồi lại lao dốc thất thường khiến nền tài chính kiệt quệ

“Mông Cổ đáng ra phải giàu có hơn”, Lutz Roehmeyer, chuyên gia quản lý tiền tệ tại quỹ Landesbank Berlin Investment và là người đang đầu tư vào trái phiếu Mông Cổ nói. “Chẳng có nơi nào trên thế giới mà bạn có thể dễ dàng tìm thấy tài nguyên và bán chúng sang Trung Quốc dễ dàng hơn Mông Cổ”

Khi siêu chu kỳ trên thị trường hàng hóa đạt đỉnh năm 2011, kinh tế Mông Cổ cũng bùng nổ. Một nghiên cứu được IMF xuất bản năm đó nói rằng những tài nguyên thiên nhiên như vàng, bạc, đồng nằm dưới lòng đất Mông Cổ có giá trị lên tới 1000 – 3000 tỷ USD

Nhờ nhu cầu hàng hóa mạnh mẽ của kinh tế Trung Quốc và dòng vốn FDI dồi dào, Mông Cổ là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới trong giai đoạn 2005 – 2015. Tốc độ tăng trưởng GDP trung bình là 8%/năm, trong khi thu nhập bình quân đầu người đạt khoảng 4.000 USD

Tuy nhiên khi kinh tế Trung Quốc không còn duy trì được mức tăng trưởng 2 con số cũng là lúc Mông Cổ lạc lối. Năm 2012, nước này phát hành 1,5 tỷ USD trái phiếu chính phủ được biết đến với tên gọi trái phiếu Thành Cát Tư Hãn để tài trợ cho các dự án làm đường xuyên quốc gia. Khi cơn sốt qua đi, đường đến khủng hoảng đã được dọn sẵn

Đồng nội tệ sụp đổ trong tháng 8 như vừa qua là một hệ quả tất yếu. Bộ trưởng Tài chính Choijilsuren Battogtokh lên kênh truyền hình quốc gia để tuyên bố kinh tế Mông Cổ đã rơi vào khủng hoảng. Trên tivi liên tục xuất hiện những hình ảnh về bệnh viện và nhà trẻ quá tải vì các quan chức nói rằng họ không thể hoàn thành những dự án đang dang dở. Dự trữ ngoại hối giảm xuống còn 1,3 tỷ USD vào cuối tháng 6, tức giảm 23% so với năm ngoái

Một số viên chức nhà nước bị giảm lương tới 60%

Không khó để chỉ ra nguyên nhân khiến kinh tế Mông Cổ rơi vào thảm cảnh hiện nay. Nước này phụ thuộc quá nhiều vào trữ lượng đồng, quặng sắt, than đá và vàng khổng lồ. Xuất khẩu tới Trung Quốc đóng góp 80% GDP. Đất nước này không có kế hoạch B để đối phó với đà lao dốc của kinh tế Trung Quốc

Tỷ lệ nợ/GDP có thể lên đến 78% trong năm nay – ngang bằng với Ukraine, nước đã phải tái cấu trúc các khoản nợ nước ngoài trong năm ngoái và giờ vẫn có 18% khả năng vỡ nợ

Chính phủ Mông Cổ sẽ phải trả 650 triệu USD nợ trái phiếu trong năm 2018 và 1,5 tỷ USD nữa vào năm 2021. Tổng cộng nước này có 5 tỷ USD nợ Chính phủ

Mông Cổ - đất nước có 3 triệu dân và hơn 70 triệu con gia súc – đã nhiều lần cầu cứu IMF. Lần gần đây nhất là năm 2009, trong khủng hoảng tài chính toàn cầu. Sau đó nền kinh tế này đã hồi phục mạnh để đạt tốc độ tăng trưởng 17% nhưng một phần nguyên nhân cũng là do dự án xây dựng mỏ khai thác đồng và vàng khổng lồ có tên Oyu Tolgoi

Chính phủ mới nhậm chức cách đây 2 tháng đang tìm kiếm trợ giúp với những cam kết về các biện pháp thắt lưng buộc bụng

Mông Cổ có thể chống chọi được với cuộc khủng hoảng mới nhất này, nhưng ngoài Thành Cát Tư Hãn, chắc hẳn đất nước này sẽ còn được nhắc đến nhiều lần như một minh chứng hùng hồn khi ai đó muốn giảng giải về khái niệm “lời nguyền tài nguyên”

Thu Hương
 
Last edited:
Top