What's new
Vietnam - Điện Biên Phủ Kinh Tế

This is a sample guest message. Register a free account today to become a member! Once signed in, you'll be able to participate on this site by adding your own topics and posts, as well as connect with other members through your own private inbox!

Venezuela ThinkTank

LOBBY.VN

Administrator
Venezuela trở thành nước có trữ lượng dầu lớn nhất thế giới

oil.jpg

So với năm 2010, trữ lượng dầu của Venezuela đã tăng 85,3 tỷ thùng và hiện chiếm 18% tổng trữ lượng dầu toàn thế giới

Theo báo cáo thống kê về thị trường năng lượng thế giới của tập đoàn dầu mỏ BP công bố ngày 13/6, Venezuela đã chính thức vượt qua Ả Rập Xê Út để trở thành nước có trữ lượng dầu mỏ lớn nhất thế giới

Tính đến cuối năm 2011, quốc gia Nam Mỹ này nắm giữ trữ lượng 296,5 tỷ thùng, trong khi Ả Rập Xê Út chỉ là 265,4 tỷ thùng. So với năm 2010, trữ lượng dầu của Venezuela đã tăng 85,3 tỷ thùng

Theo báo cáo từ chính phủ Venezuela, tổng thống Hugo Chavez sẽ cho mở rộng khai thác nguồn dự trữ khổng lồ này nếu ông tái đắc cử vào tháng 10 năm nay. Tổng thống Chavez muốn đưa công suất hoạt động của các nhà máy lọc dầu nước này lên gấp đôi, đạt 6 triệu thùng/ngày vào năm 2019

Cũng theo báo cáo từ BP, thế giới hiện có tổng trữ lượng 1,65 nghìn tỷ thùng dầu, tăng 1,9% so với con số 1,62 nghìn tỷ thùng của năm 2010. Venezuela hiện chiếm 18% tổng trữ lượng toàn cầu

Ả Rập Xê Út trong khi đó chiếm 16% tổng trữ lượng dầu toàn cầu

Canada đang đứng thứ ba thế giới với 175,2 tỷ thùng trong trữ lượng, chiếm 11% tổng toàn cầu

Nga – nước sản xuất dầu thô lớn nhất thế giới – cũng ghi nhận mức tăng về trữ lượng với 88,2 tỷ thùng, so với 86,6 tỷ thùng của năm 2010
 
Last edited:
Thảm cảnh nông nghiệp Venezuela

c44e3_venezuelafood_003.jpg

Nhiều khu vực trong trang trại của ông Escobar bị bỏ hoang vì không thể duy trì hoạt động

- Vài năm nay, Chính phủ Venezuela đã giảm mạnh việc nhập khẩu lương thực do thiếu tiền mặt, nợ nần chồng chất. Lẽ ra, đây phải là cơ hội cho người nông dân. Nhưng thực tế là, trong khi các siêu thị trống rỗng, nạn đói lan rộng, thì các trang trại trên cả nước lại sản xuất ngày một ít đi

“Chúng tôi đói”

Vùng nông thôn ở ngoại ô thủ đô Caracas có mọi thứ mà người nông dân cần: đất đai màu mỡ, nước, ánh nắng mặt trời và hơn thế nữa, giá xăng chỉ có bốn xu một gallon, rẻ nhất trên thế giới. Song, nông dân ở đây trông cũng gầy nhẳng, như những người ở thành thị, vốn đang phải xếp hàng dài chờ đợi để mua bánh mì hoặc tệ hơn là đi lục lọi thùng rác, tìm những thứ còn sót lại

Sau nhiều năm duy trì nền kinh tế hoạt động với cách thức riêng, trái những quy tắc thông thường, Venezuela hiện phải đối mặt với những hậu quả tiêu cực

“Năm ngoái, tôi sở hữu đàn gà mái 200.000 con”, Saulo Escobar, người điều hành trang trại chăn nuôi gia cầm và heo ở bang Aragua, cách thủ đô Caracas một giờ xe chạy, tâm sự với phóng viên The Washington Post. Ông Escobar cho hay, giờ đây đàn gà của ông giảm hai phần ba, còn 70.000 con

Nhiều hệ thống chuồng của ông trống rỗng, bởi ông không đủ tiền mua thêm gà giống và thức ăn. Việc kiểm soát giá của chính phủ khiến cho công việc kinh doanh của Escobar không có lãi, và thêm nữa, ông bị vắt kiệt bởi các băng đảng có vũ trang tống tiền và cướp trứng

Theo các chỉ số y tế công cộng mới nhất vừa công bố, Venezuela đang ở trong tình trạng thảm họa vì... “thiếu chất”. Bộ Y tế nước này cho hay, tình trạng khan hiếm thuốc và suy dinh dưỡng tăng cao đã khiến hơn 11.000 trẻ sơ sinh bị tử vong vào năm ngoái, đưa tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh tăng thêm 30%. Hai ngày sau khi công bố số liệu trên, người đứng đầu Bộ Y tế Venezuela đã bị Tổng thống Nicolás Maduro sa thải ngay lập tức

Nhưng con số của Bộ Y tế chưa phải tất cả. Một báo cáo mới của tổ chức từ thiện Caritas phát hiện 11,4% trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng ở mức độ vừa và nghiêm trọng, 48% các em có nguy cơ bị đói. Tổ chức này cho rằng nạn đói của trẻ em ở Venezuela hiện nay là “một cuộc khủng hoảng nhân đạo”

Trên đường phố ở thủ đô, những người biểu tình phản đối Tổng thống Maduro trong suốt bảy tuần qua đã la hét: “Chúng tôi đói!”

Trong một cuộc khảo sát gần đây do các trường đại học hàng đầu của Venezuela tiến hành đối với 6.500 gia đình, ba phần tư người lớn thừa nhận họ bị giảm cân trong năm 2016 - trung bình là 9 ki lô gam. Tình trạng thiếu đói ở Venezuela nghiêm trọng đến mức tương đương với những nước ở trong tình trạng chiến tranh, hay vùng các khu vực bị tàn phá bởi bão, hạn hán và bệnh dịch

Các nhà kinh tế chỉ ra rằng, thảm họa ở Venezuela hiện nay là do... con người. Đó là kết quả của việc quốc hữu hóa nông nghiệp, sự biến dạng tiền tệ và sự can thiệp của chính phủ đối với việc phân phối thực phẩm

Hơn nữa, trong khi hàng triệu người Venezuela không có đủ lương thực, nước này đã từ chối cho phép các nhóm cứu trợ quốc tế cung cấp thực phẩm. Quốc gia dầu mỏ từng là ân nhân của nhiều nước nghèo này không chấp nhận việc mình giờ đây trở thành địa chỉ dành cho các nhà từ thiện

Carlos Machado, một chuyên gia nông nghiệp Venezuela, nhấn mạnh: “Đó không chỉ là vấn đề quốc hữu hóa đất đai. Chính phủ quyết định mình vừa là nhà sản xuất, chế biến và phân phối. Vì vậy toàn bộ dây chuyền sản xuất lương thực bị ảnh hưởng từ một bộ máy nông nghiệp quan liêu kém hiệu quả”

Trong khi sản lượng công nghiệp sụt giảm, nông dân Venezuela buộc phải nhập khẩu thức ăn, phân bón và phụ tùng, nhưng họ không thể làm như vậy vì không có tiền mặt. Chính phủ đã phải tích trữ số tiền thu được từ xuất khẩu dầu để trả nợ cho các khoản vay lãi suất cao từ Phố Wall và các chủ nợ nước ngoài khác

Escobar cho biết, cứ mỗi ba tháng ông cần 400 tấn thức ăn chăn nuôi nhập khẩu hàm lượng protein cao để duy trì hoạt động của trang trại, nhưng ông chỉ có thể nhập được 100 tấn. Vì vậy, giống như nhiều người khác, ông buộc phải tìm kiếm ở thị trường chợ đen. Nhưng tại đây, ông chỉ có thể mua được loại thức ăn rẻ tiền, ít dinh dưỡng. Điều này khiến cho gà mái bị thiếu chất, giảm trọng lượng, và chất lượng trứng của chúng cũng vậy

Heo của ông Escobar cũng gầy hơn. Một con heo cỡ trung bình, cách đây hai năm, nặng khoảng trên một tạ, nhưng hiện giờ sút xuống còn 0,8 tạ. Năm ngoái, ông bị mất 2.000 con heo trong ba tháng khi chúng bị bệnh và ông thì không thể tìm được để vaccin chữa trị

Maria Arias, bác sĩ thú y tại nông trại, cho biết những con heo mới sinh ra cũng bị còi cọc, nhiều con có vết thương chảy máu ở tai. “Khi một con vật có chế độ ăn uống nghèo nàn, nó sẽ tìm nguồn dinh dưỡng ở nơi khác. Trong trường hợp này, chúng nhai tai của nhau”, Maria Arias giải thích

Khủng hoảng dây chuyền

Venezuela từ lâu đã dựa vào việc nhập khẩu một số thực phẩm nhất định, chẳng hạn như lúa mì, do khí hậu nhiệt đới ở nước này không thích hợp để trồng trên quy mô lớn. Nhưng các thống kê thương mại cho thấy, chính sách về đất đai của chính phủ đã làm cho Venezuela ngày càng trở nên phụ thuộc nhiều vào thực phẩm nhập khẩu

Khi giá dầu tăng cao thì việc này không thành vấn đề. Nhưng hiện nay, dầu thô của Venezuela chỉ khoảng 40 đô la Mỹ/thùng và sản lượng dầu mỏ của nước này đang ở mức thấp nhất trong vòng 23 năm qua. Tình trạng này một phần do các nhà máy lọc dầu và đường ống đang bị hỏng, trong khi đầu tư vào cơ sở hạ tầng mới không đáp ứng kịp

Chính phủ Venezuela không công bố dữ liệu về nuôi trồng trong nhiều năm. Nhưng ông Machado, một chuyên gia nông nghiệp, cho biết đất nước nhập khẩu lương thực trung bình hàng năm khoảng 75 đô la Mỹ cho một người, cho đến năm 2004, sau đó con số này tăng mạnh khi chính phủ đẩy nhanh quá trình quốc hữu hóa các trang trại, và thu hồi hơn 10 triệu mẫu đất. Chính phủ cũng quốc hữu hóa các nhà máy khiến sản lượng lương thực của Venezuela giảm mạnh

Đến năm 2012, nhập khẩu lương thực bình quân đầu người hàng năm đã tăng lên 370 đô la Mỹ, nhưng trớ trêu thay, kể từ thời điểm đó, giá dầu lại sụt giảm mạnh, và nhập khẩu lương thực theo đó cũng giảm tới 73%

Thay vì thúc đẩy tăng trưởng nông nghiệp trong nước, chính phủ lại siết chặt nó, theo phàn nàn của người nông dân. Hiệp hội Liên đoàn nông dân Venezuela cho biết, sản lượng gạo, bắp và cà phê giảm hơn 60% trong vòng một thập kỷ. Gần như tất cả các nhà máy đường được quốc hữu hóa bởi chính phủ từ năm 2005 đều bị tê liệt hoặc sản xuất dưới công suất

Hiện nay, chỉ có một thiểu số người Venezuela khá giả có thể mua được nhiều thực phẩm trên thị trường chợ đen. Tại đây, một cân gạo nhập khẩu từ Brazil hoặc Colombia được bán với giá khoảng 6.000 bolivare, bằng với mức lương cả ngày của một công nhân Venezuela

Người Venezuela không có tiền phải phụ thuộc vào các cửa hàng mậu dịch quốc doanh, hoặc chờ đợi xếp hàng dài trong các siêu thị để mua những mặt hàng kiểm soát giá, với số lượng hạn chế

Theo ông Vicente Carrillo, cựu Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia súc của Venezuela, tổng diện tích đàn của cả nước trong vòng năm năm qua đã giảm từ 13 triệu xuống còn khoảng tám triệu con. Bản thân ông Carrillo đã phải bán trang trại của mình từ cách đây hơn một thập kỷ. Ông mệt mỏi vì những mối đe doạ từ những kẻ xâm chiếm hay các nhà hoạt động nông thôn, luôn chỉ trích ông là một nhà tư bản bóc lột

Gia đình ông Carrillo đã sở hữu đất trong hơn một thế kỷ. “Tôi đã dành hơn 30 năm cuộc đời để làm công việc này, nhưng đã phải để mọi thứ lại đằng sau”, ông tâm sự

Trở lại với ông chủ trang trại Escobar, ông này cho biết cách duy nhất để nông dân duy trì hoạt động kinh doanh hiện nay là phải vi phạm pháp luật và bán sản phẩm theo giá thị trường. “Nếu tôi bán theo giá nhà nước quy định, tôi thậm chí còn không thể mua được chỉ một ký thức ăn cho gà”, ông nói

Chưa kể, ông Escobar còn phải thuê các băng nhóm xã hội đen bảo vệ để tránh bị cướp. Tháng 12 năm ngoái, một xe tải hàng của ông đã bị cướp và kể từ đó, Escobar phải trả tiền cho một ông trùm mafia, điều hành hoạt động từ trong tù. Mỗi thứ Sáu, ba chiếc xe máy dừng lại ở nông trại để thu tiền bảo vệ. Ông cho hay gọi cảnh sát không giải quyết được gì cả

“Tôi chỉ biết đối phó với gà và lợn chứ không biết đối phó với tội phạm”, Escobar chua chát nói

Minh Đức
The Washington Post
 
Top