What's new
Vietnam - Điện Biên Phủ Kinh Tế

This is a sample guest message. Register a free account today to become a member! Once signed in, you'll be able to participate on this site by adding your own topics and posts, as well as connect with other members through your own private inbox!

Lobby IoT Club

LOBBY.VN

Administrator
Ai làm chủ CMCN 4.0
Những ai quan tâm đến Cách Mạng Công Nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0) đều biết đây là cuộc cách mạng giúp tự động và thông minh hóa trên diện rông các cơ sở hạ tầng cứng (tự động hóa các dây chuyền sản xuất dùng robot, giao thông thông minh với xe hơi tự lái,…) và thay đổi cơ bản cách thức con người tiếp cận dịch vụ hay tương tác với thế giới thực (ứng dụng trí tuệ nhân tạo và khoa học dữ liệu vào y tế, thương mại trực tuyến,…)

Từ đây có thể cho rằng những doanh nhân công nghệ thiên tài dẫn dắt các tập đoàn công nghệ lớn như Tesla, Google, Uber, Facebook… sẽ là lực lương chính làm CMCN 4.0 vì những doanh nhân như Elon Musk (CEO của Tesla và SpaceX) luôn tiên phong trong việc tự động hóa các dây chuyền lắp ráp xe hơi (tiến tới hoàn toàn tự động bằng robot) hay dẫn đầu trong việc phát triển xe hơi tự lái. Câu trả này không sai nhưng chưa đủ. Không thể phủ nhận các CEO thiên tài như Musk, Mark Zuckerberg (CEO Facebook),… ngoài việc có tầm nhìn xuất sắc và đầy tham vọng, họ rất tài giỏi trong việc lên kế hoạch, tổ chức, huy động người và vốn (từ các nhà các nhà đầu tư) để biến các kế hoạch “điên rồ” thành hiện thực. Việc phát triển thành công tên lửa có thể tái sử dụng nổi danh toàn cầu của SpaceX là một thí dụ hay

Tuy nhiên, câu chuyện CMCN 4.0 không thể thành công chỉ bằng ý chí và tầm nhìn vì nó liên quan nhiều công nghệ rất khó và hiện đại như trí tuệ nhân tạo, robot, tự động hóa, kết nối viễn thông và truyền thông không dây (như các công nghệ 4G/5G, IoT,…),… Những anh chàng như Musk hay Zuckerberg không phải là “chuyên gia” phát triển các công nghệ này. Thực ra Zuckerberg bỏ học tại Havard trong khi Musk bỏ học PhD chỉ sau vài ngày đến Stanford. Vì thế sẽ không ngạc nhiên khi biết các tập đoàn công nghệ đã và đang “săn lùng” và cạnh tranh khốc liệt để “chiếm giữ” các chuyên gia hàng đầu trong các ngành khoa học then chốt như trí tuệ nhân tạo từ các đại học (DH) và tập đoàn khác. Những chuyên gia này sẽ là những “bộ não” hay kiến trúc sư trưởng cho các chương trình nghiên cứu phát triển (R&D) lớn và tham vọng liên quan đến CMCN 4.0. Câu chuyện đại học Carnegie Mellon (CMU) của Mỹ đã mất đến 50 chuyên gia hàng đầu từ trung tâm nghiên cứu robot (NREC) về tay Uber là một câu chuyện đầy sống động (những nhà khoa học này giúp Uber phát triển công nghệ xe hơi tự lái)

Tương tự hai nhà khoa học người Canada hàng đầu thế giới trong công nghệ học sâu (deep learning, một ngành hẹp nhưng quan trọng bật nhất trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo) là Yoshua Bengio và Geoffrey Hinton đang bị “săn lùng” ráo riết bởi các tập đoàn công nghệ Mỹ. Khi không thể “mua” được Bengio, Google đầu tư ngay một lab nghiên cứu trị giá vài triệu đô tại Montreal để tiếp cận các kết quả nghiên cứu từ nhóm nghiên cứu của nhà khoa học này (Bengio là GS của DH Montreal tại thành phố Montreal) hay Microsoft nhanh tay mua tập đoàn Maluuba mà Bengio là kiến trúc sư trưởng

Canada đã sớm nhận ra “mối nguy” của việc mất các nhà khoa học hàng đầu về tay các tập đoàn nước ngoài, sau khi DH British Columbia mất đến ít nhất 2 GS hàng đầu trong ngành trí tuệ nhân tạo về tay Google, và họ đã bắt đầu hành động. Chính quyền của quốc gia nay gần đây cấp các khoản tài trợ cực lớn để hỗ trợ các nhóm nghiên cứu tại 2 thành phố Montreal và Toronto (mỗi nơi hơn 100 triệu đôla) với ít nhất hai mục tiêu lớn: xây dựng các doanh nghiệp startup trong ngành trí tuệ nhân tạo với sự hỗ trợ của hai nhà khoa học hàng đầu (Bengio và Hinton) và giúp các DH tại hai thành phố này đào tạo thế hệ các nhà khoa học và kỹ sư trẻ liên quan CMCN 4.0

Các câu chuyện trên gợi ý, ít nhất 3 lực lượng chính sẽ làm CMCN 4.0: các doanh nhân công nghệ (entrepreneurs) tài năng; các nhà khoa học hàng đầu từ các tập đoàn công nghệ và DH; lực lượng kỹ sư công nghệ giỏi và được đào tạo bài bản. Xây dựng thành công các lực lượng trên cho CMCN 4.0 đòi hỏi một hệ sinh thái tốt và các chính sách thông minh và hiệu quả từ chính quyền. Trường hợp Canada mang đến một thí dụ hay và sống động

Long Bao Le
 
Trí tuệ thật và Trí tuệ Nhân tạo với Cách mạng 4.0
Câu chuyện “cách mạng công nghiệp lần thứ tư”, viết tắt là CM 4.0 hay CMCN 4.0, được nói nhiều ở khắp hang cùng ngõ hẻm nước ta, trong đó có những lời tán dương, như “Việt Nam có thể đi đầu cách mạng công nghiệp 4.0”. Vậy điều này thực hư ra sao ?

smart-traffic-770x440.jpg

Trên phạm vi toàn cầu còn nhiều tranh cãi và chưa ai vẽ được chính xác mặt mũi CM 4.0 thế nào, kể cả người khởi xướng ra thuật ngữ này, nhưng đại khái người ta cho rằng cốt lõi của cách mạng công nghiệp lần thứ tư là sản xuất và dịch vụ thông minh dựa trên các đột phá của công nghệ số với sự tiếp sức của trí tuệ nhân tạo. Ông Eric Yeo, Tổng giám đốc IBM Việt Nam, nhận định công nghệ số và trí tuệ nhân tạo sẽ hiện diện trong mọi ngành nghề, lĩnh vực từ giao thông, y tế, ngân hàng cho tới thời trang, ẩm thực, âm nhạc… Lấy thí dụ một lĩnh vực bị ảnh hưởng là ngành vận tải, có thể thấy rõ qua câu chuyện rất nhỏ là Uber, Grab tác động như thế nào đến ngành taxi truyền thống

Nhà Toán học nổi tiếng thế giới, GS Seymour Papert thuộc Viện Công nghệ Massachusetts (Mỹ) từng sang Việt Nam tham dự hội nghị về giảng dạy toán học bằng công nghệ số. Khi nhìn thấy cảnh tượng giao thông kỳ dị của Hà Nội đã bàn với đồng nghiệp Việt Nam là phải nghĩ cách dùng khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ số, để giải quyết vấn nạn giao thông xe máy cho Hà Nội. Ngay khi vừa trao đổi ý kiến đó thì ngày 7/12/2006 ông đã bị tai nạn xe máy nghiêm trọng tại ngã ba Giải Phóng - Đại Cồ Việt, Hà Nội. Nhà khoa học hơn 70 tuổi, chưa nói hết được ý định của mình thì đã chìm sâu vào hôn mê (và chết sau khi được đưa về Mỹ), nhưng đã đủ nhắc chúng ta rằng, khoa học và công nghệ số hiện đại có thể góp phần giúp giải quyết được vấn nạn giao thông xe máy. Dưới cách nhìn của CM4.0, giải pháp ấy chính là hệ thống giao thông thông minh - STS: Smart Traffic System

Kể từ đó, khoảng mười năm nay, không biết bao nhiêu tâm huyết, công sức và tiền bạc của các chuyên gia, doanh nghiệp Việt Nam đã đổ ra để nghiên cứu, xây dựng phương án và thuyết phục các nhà lãnh đạo áp dụng STS cho các thành phố và đường giao thông Việt Nam. Nhiều kiến nghị, giải pháp, đề án… đã được gửi đến tận tay các vị bộ trưởng, thứ trưởng và bí thư, chủ tịch thành phố, nhưng hầu như trong một giai đoạn dài chúng ta không hề thấy một dự án nào được triển khai. Điều này thật kỳ lạ bởi rõ ràng vấn đề là rất cần thiết và khả thi, lại ở trong tầm tay của công nghệ Việt Nam, dùng cho thị trường Việt Nam và không ai hiểu biết các điều kiện, tập tục, luật lệ giao thông Việt Nam hơn người Việt Nam

Tuy nhiên, cuối cùng thì cũng có một sự kiện tích cực, đó là ngày 25.6.2017 UBND TP Hà Nội đã ký thỏa thuận hợp tác với tập đoàn FPT triển khai Hệ thống Giao thông Thông minh (STS) cho TP.Hà Nội với tổng mức đầu tư của FPT dự kiến là 1.700 tỉ đồng (~75 triệu USD). Nghe tin này, giới công nghệ thông tin Việt Nam ít nhất có thể vui mừng trước tín hiệu cho thấy một tập đoàn từng làm giàu bằng buôn bán thiết bị và gia công phần mềm nay đã chuyển nhanh sang việc sáng tạo ra các sản phẩm công nghệ cao như STS bằng nội lực của Việt Nam

Có thể nói thị trường STS của Việt Nam được các chuyên gia ước tính vào khoảng 1,5 tỷ USD, khá hấp dẫn với các tập đoàn nước ngoài. Vì thế, năm 2016, một doanh nghiệp Mỹ từng đề nghị được triển khai một dự án STS có giá trị 300 triệu cho TP. HCM với nguồn vốn do Ngân hàng Morgan Stanley tài trợ – và nếu phần lớn chiếc bánh ngọt này rơi vào tay các tập đoàn nước ngoài thì đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp Việt Nam bị mất đi một phần nguồn lực quan trọng để tồn tại và phát triển

Chúng ta cần mạnh dạn nhìn vào sự thật đáng buồn là suốt hơn hai mươi năm phát triển với bao nhiêu tuyên bố hùng hồn, nghị quyết và đề án dày cộp, mà công nghệ thông tin Việt Nam vẫn èo uột, không lớn lên được. Các công ty CNTT siêu tý hon đầy tài năng thì chỉ còn biết âm thầm cố gắng kiếm sống khi bị chặn trên chặn dưới đủ đường, còn các đại gia, ví dụ các công ty viễn thông, tuy bề ngoài có vẻ cao sang hơn, nhưng về bản chất kinh doanh cũng giống như công ty taxi, mua xe về chở khách lấy tiền dân ta mà thôi – hoặc là buôn bán thiết bị nước ngoài ăn chênh lệch giá, hay làm gia công phần mềm với tên gọi mỹ miều là outsourcing (về bản chất giống như may gia công, chỉ có khác là trí tuệ và nhân lực cao cấp hơn)

Nhìn lại, quả thật chỉ có mấy sản phẩm phần mềm của các chàng tí hon BKAV, MISA, Cốc Cốc… còn có chút tên tuổi nội địa. Về phần cứng, khi BKAV dũng cảm thử sức với BPhone (dù có thể họ chưa chắc đã lựa chọn đúng sản phẩm đi nữa) thì bị ném đá tới tấp, đến nỗi có chuyên gia nước ngoài mỉa mai than thở, sao các nhà mạng của nhà nước Việt Nam không khuyến khích phát triển phần cứng như Bphone, và nếu người Việt Nam cứ tẩy chay nhau như cách họ ứng xử với Bphone thì các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam làm sao có thể phát triển lên được!

Nhà nước và người dân Việt Nam không thể và không nên tin vào những lời tán dương “Việt Nam có thể đi đầu cách mạng công nghiệp 4.0”, cũng nên thận trọng với các con số cùng viễn cảnh rằng “năm 2020 Việt Nam sẽ nằm trong top 10 thế giới về cung cấp dịch vụ gia công phần mềm và nội dung số với khoảng 1 triệu lao động làm việc trong lĩnh vực công nghệ thông tin”. Cũng không nên và không đáng kỳ vọng Việt Nam sẽ trở thành cường quốc về công nghệ trong tương lai gần, nếu được các doanh nghiệp hàng đầu thế giới trợ giúp. Chẳng có chuyện giúp đỡ vô tư đó đâu, Việt Nam chỉ có thể và cần đạt các kỳ vọng đó bằng chính nội lực của mình!

Nhà nước Việt Nam không cần và cũng không thể lấy tiền nộp thuế của dân nghèo để nuôi các công ty CNTT Việt Nam lớn mạnh. Chỉ cần tạo ra thể chế, chính sách kiến tạo khả thi cho họ mà thôi. Nên nhớ thị trường nội địa cho công nghệ số và trí tuệ nhân tạo là rất lớn, chỉ nói riêng phần dữ liệu quốc gia (và xử lý nó như một dạng big data) với 90 triệu dân là khổng lồ, không dưới 5 tỷ USD. Một thị trường như vậy, nếu không rơi vào tay nước ngoài, thì đủ để tạo nên tiềm lực cho các doanh nghiệp công nghệ số và trí tuệ nhân tạo Việt Nam lớn mạnh, làm nền tảng cho CM 4.0. Trước kia, người khổng lồ công nghệ IBM của Mỹ và thế giới cũng không thể hình thành nếu từ những năm đầu đời không được nhà nước Mỹ dành cho những dự án khủng của thị trường nội địa như xử lý điều tra dân số, tính toán an sinh xã hội, chưa kể những dự án về máy bay hay chế tạo bom nguyên tử sau này…

Ai cũng hiểu trí tuệ nhân tạo sẽ không thay thế con người mà chỉ hỗ trợ họ làm việc hiệu quả hơn, đưa ra những quyết định đúng đắn hơn. Vì vậy chăm lo cho sự phát triển trí tuệ của đất nước, mà phản ánh rõ nhất là sự đổi mới sáng tạo mới chính là chìa khóa của CM 4.0. Khi một đất nước được xem là kém cỏi trong Đổi mới/Sáng tạo, thì đồng nghĩa với việc đất nước ấy không thể tự phát triển được, chỉ có thể bán cho đến cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên, vắt cho đến cùng cực sức cơ bắp để làm thuê cho người khác, trong khi những trí tuệ ưu tú không có điều kiện để phát huy buộc phải đem bán rẻ đi làm thuê, hoặc phải tìm cách ra nước ngoài.

Điều đó sẽ gây thiệt hại khôn lường cho đất nước, dẫn tới một tương lai đáng buồn khi người dân Việt chỉ có thể được hưởng thành quả của CM 4.0 bằng cách bán lúa, lợn, rau... để nhập về ngắm những con robot có trí tuệ nhân tạo như người thực!


Untitled-1h.jpg

Một đất nước muốn tự phát triển được thì phải có nội lực. Muốn phát triển nội lưc thì phải dựa vào trí tuệ thật (không phải nhân tạo). Nhưng trí tuệ thật sự của một quốc gia không phải đơn thuần là phép cộng của trí tuệ từng cá nhân, nó là do sự cộng năng (Synergetic) cả một hệ thống tạo lập nên. Hệ thống đó bao gồm tổ chức nhà nước, các cơ sở nghiên cứu, các doanh nghiệp công và tư (lớn hoặc nhỏ), các trường đại học và các cơ quan chính phủ... Các mối tương tác giữa các chủ thể này bao gồm các vấn đề thuộc về chính sách, kỹ thuật, thương mại, pháp lý, xã hội và tài chính… của các hoạt động dưới các dạng thức như sự phát triển, bảo hộ, tài trợ hoặc quy phạm… Để phản ánh phần nào vấn đề phức tạp này, tức trí tuệ thật của một quốc gia, Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới WIPO thuộc Liên Hợp quốc từ năm 2007 đã cùng một số đại công ty, tổ chức phi chính phủ cho ra đời hệ thống Chỉ số Đổi mới/Sáng tạo toàn cầu - Global Innovation Index (GII) và lập ra bảng xếp hạng hằng năm của các quốc gia trên thế giới. Năm 2012, GII của Việt Nam đã tụt xuống dưới trung bình thế giới, đến mức báo động đỏ[7]. Năm 2013 vẫn không khá hơn, nhưng sau đó đã có những dấu hiệu tích cực, tiến dần lên trên trung bình thế giới, năm 2017 vượt qua được Thái Lan, nhưng chưa thật bền vững (xem bảng xếp hạng và đồ họa kèm theo) và thua rất, rất xa những nước như Singapore, Hàn Quốc. Dẫu sao sự tiến bộ vất vả đó cũng là một dấu hiệu tích cực, đáng mừng

Trần Xuân Hoài
 
Top