What's new
Vietnam - Điện Biên Phủ Kinh Tế

This is a sample guest message. Register a free account today to become a member! Once signed in, you'll be able to participate on this site by adding your own topics and posts, as well as connect with other members through your own private inbox!

USA ThinkTank

LOBBY.VN

Administrator
Nghe Chủ tịch FED nói về thành công, tiền bạc, nhan sắc

Nếu bạn không hài lòng với chính mình thì ngay cả những thành tích xuất sắc nhất cũng không mang lại cho bạn sự hài lòng


Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang FED Ben S. Bernanke tại ĐH Princeton

Tại Lễ tốt nghiệp ĐH Princeton, Princeton, New Jersey, Mỹ

Ngày 2/6/2013

Mười Đề Xuất

Thật vui khi được trở lại Princeton. Thật khó để tin rằng đã gần 11 năm kể từ khi tôi rời những hội trường này để tới Washington. Mới đây tôi đã viết một bức thư hỏi thăm tình hình của trường kể từ khi tôi đi và nhận lại được bức thư viết rằng: “Thật tiếc, Princeton đã nhận được nhiều ứng viên thích hợp hơn cho các vị trí giảng viên”

Tôi sẽ gửi những lời chúc tốt đẹp nhất của mình tới các giảng viên sau. Trước tiên tôi muốn chúc mừng các bậc phụ huynh và các gia đình đang có mặt tại đây. Với tư cách là một phụ huynh, tôi biết rằng việc cho con cái học đại học trong thời buổi này không giống như đi dạo trong công viên

Cách đây vài năm, tôi có một đồng nghiệp gửi cả 3 con đến Princeton mặc dù cả hai vợ chồng họ đều không học trường này. Anh ấy và vợ đều rất tự hào về thành tích đó. Nhưng anh đồng nghiệp của tôi cũng hay nói rằng, từ góc độ tài chính, kinh nghiệm cho con học đại học giống như mua một chiếc xe Cadillac hàng năm, sau đó bạn lái nó lao xuống vực

Nhưng tôi cũng muốn cho các bạn biết rằng anh ấy luôn khẳng định vẫn sẽ làm vậy nếu được chọn lại. Vì thế, các bậc phụ huynh, người thân của các cử nhân ngồi đây, các bạn đã làm rất tốt

Đây thực sự là một ngôi trường thích hợp và ấn tượng cho một sự khởi đầu. Tôi chắc rằng, từ bục giảng này, bất cứ nhà lãnh đạo tinh thần nào cũng đã từng được nghe đi nghe lại những bài học về Mười Điều Răn. Tôi không có sự tự tin ấy và dù gì thì chuyện "tham của người khác" (một chi tiết trong Mười Điều Răn) giờ không còn hợp thời nữa. Vậy nên, tôi nghĩ là sẽ dành vài phút ngày hôm nay để đưa ra Mười Đề Xuất, hay có thể gọi là Mười Quan Sát về thế giới và cuộc sống sau khi rời Princeton

Nhưng các bạn hãy lưu ý rằng, việc tôi đủ khả năng đưa ra những đề xuất này, bên cạnh việc được Hiệu trưởng Tilghman mời tới phát biểu, cũng chỉ giống như lý do ông anh hay bà chị đáng ghét của bạn được phép đi ngủ muộn hơn, đó là tôi nhiều tuổi hơn các bạn. Tất cả những gì tôi nói dưới đây đều đã được trải nghiệm trong những tình huống thực tế, tuy nhiên những thành tích trong quá khứ không phải là sự đảm bảo cho thành công trong tương lai

1. Nhà thơ Robert Burns từng viết một bài thơ về việc “nhân tính không bằng trời tính”. Triết gia cùng thời Forrest Gump cũng từng nói những điều tương tự về cuộc sống và những chiếc hộp sô-cô-la, về việc bạn không hề biết điều gì sẽ tới với mình. Những gì họ nói đều đúng. Cuộc sống là thứ không thể đoán trước được. Bất cứ một người trẻ 22 tuổi nào nghĩ rằng anh ta hoặc cô ta biết 10 năm tới mình sẽ ở đâu, đơn giản là họ đang thiếu trí tưởng tượng

Hãy xem những gì đã xảy ra với tôi. Cách đây 12 năm, tôi đang bận rộn với việc dạy môn Kinh tế 101 ở Hội trường Alexander và cố gắng vịn ra những lý do hợp lý nhất để không phải tham gia những cuộc họp giảng viên. Sau đó tôi nhận được một cuộc điện thoại…

Trong trường hợp bạn đang hoài nghi về sự sáng suốt của Forrest Gump thì đây là một gợi ý cụ thể cho các bạn. Hãy dành một vài phút cho cơ hội đầu tiên mà bạn nhận được và hãy trò chuyện với một cựu sinh viên đã ra trường cách đây 25, 30, 40 năm. Hãy hỏi họ về việc họ đã ở đâu cách đây 25, 30, 40 năm

Nếu bạn có thể khiến họ chia sẻ, họ sẽ nói cho bạn biết rằng hiện họ có đang hạnh phúc và hài lòng hay không. Những câu chuyện cuộc đời họ sẽ đầy những tình tiết “bảy nổi ba chìm”. Nhưng tôi dám cá rằng chúng sẽ rất khác so với những gì mà họ trông đợi khi mới bước chân vào ngưỡng cửa cuộc đời. Đó là điều tốt, không hề xấu; chẳng ai muốn biết câu chuyện cuộc đời mình kết thúc như thế nào khi mới chỉ đang ở những chương đầu tiên. Hãy để câu chuyện đó diễn ra một cách tự nhiên

2. Như vậy, cuộc sống của chúng ta có thể thay đổi chỉ bởi những cơ hội, quyết định và hành động nhỏ. Điều đó có đồng nghĩa với việc chúng ta không cần phải lên kế hoạch và cố gắng thực hiện nó hay không? Hoàn toàn không. Cho dù cuộc sống có được định sẵn cho bạn hay không thì mỗi người đều cần có một kế hoạch dài hạn. Đó là sự phát triển của bạn thân bạn với tư cách là một con người

Gia đình, bạn bè và thời gian bạn học tập ở Princeton đã cho bạn một sự khởi đầu tốt đẹp. Bạn sẽ làm gì với nó ? Tiếp tục học tập, suy nghĩ kỹ càng về những câu hỏi quan trọng nhất? Sẽ trở thành một người mạnh mẽ hơn, sâu sắc hơn, giàu tình thương và đạo đức hơn ?...

Nhiều thứ sẽ xảy ra trong cuộc đời bạn, bạn có thể hài lòng hoặc không, nhưng hãy suy nghĩ về câu châm ngôn của Trường Woodrow Wilson – ngôi trường mà tôi từng theo học: “Nơi bạn đi đến là nơi bạn đã ở”. Nếu bạn không hài lòng với chính mình thì ngay cả những thành tích xuất sắc nhất cũng không mang lại cho bạn sự hài lòng

3. Khái niệm về thành công khiến tôi phải xem xét cái gọi là “chế độ nhân tài” (là chế độ mà bộ máy quản lý do những người có khả năng thực sự điều hành) và những tác động của nó. Chúng ta được dạy rằng xã hội và các cơ quan tổ chức của chế độ nhân tài là công bằng. Đặt sang một bên sự thật là không có hệ thống nào trong đó có cả hệ thống của chúng ta hoàn toàn là nhân tài thực sự, thì có thể nói chế độ nhân tài công bằng hơn, hiệu quả hơn một số lựa chọn khác. Nhưng công bằng theo nghĩa tuyệt đối ư ? Hãy suy nghĩ về điều đó

Chế độ nhân tài là một hệ thống mà trong đó có những con người may mắn nhất về sức khỏe, về gien, may mắn nhất về sự hỗ trợ, khuyến khích của gia đình và về thu nhập. Họ cũng là những người may mắn nhất về cơ hội nghề nghiệp và giáo dục, may mắn nhất trong nhiều lĩnh vực khác khó có thể kể ra hết. Đây là những người gặt hái được những thành công lớn nhất

Cách duy nhất để một chế độ nhân tài được đánh giá là công bằng là nếu những người may mắn nhất ấy cũng là những người có trách nhiệm nhất trong việc đóng góp vào sự tiến bộ của thế giới, để chia sẻ may mắn với người khác. Như Tin Mừng theo Thánh Luca có nói (tôi chắc rằng giáo sĩ Do Thái sẽ tha thứ cho tôi khi trích dẫn Tân Ước vì lý do tốt đẹp)

“Ai được ban cho nhiều, thì sẽ bị đòi lại nhiều; và ai đã được giao cho nhiều, thì sẽ bị đòi lại nhiều hơn” (Luca 12:48 (Tin Mừng theo Thánh Luca đoạn 12 câu 48), Kinh Thánh phiên bản chuẩn mới sửa đổi). Các bạn có thể cho rằng như thế là một hình thức phân biệt đẳng cấp

Nguyễn Thảo
 
Last edited:

4. Ai là người đáng khâm phục ?

Người đáng khâm phục là người sử dụng tốt nhất những điểm mạnh của mình, hay nói cách khác, họ là những người dũng cảm nhất trong việc đối mặt với nghịch cảnh. Tôi cho rằng phần lớn chúng ta đều đồng ý, những người ít được học hành chính quy nhưng lao động trung thực và siêng năng để chăm lo cho gia đình mình là những người đáng được tôn trọng và đáng được giúp đỡ hơn những người khác, thành công hơn nhưng dễ dàng hơn. Uống bia với họ có lẽ cũng vui hơn. Đó là tất cả những gì tôi biết về xã hội học

5. Lợi ích, tiền bạc và hệ tư tưởng – tất cả đều quan trọng khi bạn học về khoa học chính trị. Nhưng kinh nghiệm của tôi là hầu hết chính trị gia và các nhà hoạch định chính sách đều đang cố gắng làm những điều đúng đắn theo quan điểm và lương tâm của họ. Nếu bạn cho rằng những hậu quả xấu và khác biệt bắt nguồn từ Washington là do những động cơ và ý định xấu thì bạn đang đặt quá nhiều niềm tin vào khả năng làm việc hiệu quả của họ

Những hậu quả xấu là do họ giải quyết không tốt những vấn đề phức tạp và nan giải, nhiều hơn là do có động cơ xấu. Sức mạnh lớn nhất ở Washington là những kế hoạch và người ta chuẩn bị hành động dựa trên những kế hoạch. Dịch vụ công không phải là một lĩnh vực dễ dàng. Nhưng nếu bạn đang có ý định đi theo con đường này thì nó là hướng đi đầy thách thức và đáng cân nhắc

6. Tôi đã nói về khoa học chính trị và xã hội, giờ cho phép tôi nói về kinh tế. Kinh tế là một lĩnh vực tư duy rất phức tạp, là thứ mà người ta có thể dùng để giải thích chính xác cho các nhà hoạch định chính sách tại sao những lựa chọn của họ trong quá khứ là sai lầm, còn những lựa chọn trong tương lai thì không nhiều lắm

Tuy nhiên, những phân tích kinh tế cẩn thận đều mang lại một lợi ích quan trọng. Nó có thể giúp tiêu diệt những kế hoạch hoàn toàn thiếu nhất quán về mặt logic hoặc không phù hợp với dữ liệu. Những kế hoạch này chiếm ít nhất 90% các chính sách kinh tế được đề xuất

7. Tôi sẽ không nói với các bạn rằng tiền không quan trọng, bởi vì dẫu sao các bạn cũng sẽ chẳng tin tôi. Thực tế, đối với nhiều người trên thế giới, tiền là vấn đề sống còn. Nhưng nếu bạn là một trong số những người may mắn có khả năng chọn lựa, hãy nhớ rằng tiền là một phương tiện, chứ không phải là mục tiêu cuối cùng. Một quyết định nghề nghiệp chỉ dựa trên tiền bạc mà không hề có tình yêu công việc hay mong muốn tạo ra sự khác biệt chỉ là mầm mống cho sự bất hạnh

8. Không ai muốn thất bại nhưng thất bại là một phần tất yếu của cuộc sống và của quá trình học tập. Nếu bộ đồng phục của bạn chưa bẩn nghĩa là bạn chưa tham gia trò chơi

9. Trước đây tôi từng nói tới định nghĩa về sự thành công trong một thế giới đầy biến động. Tôi hi vọng rằng khi các bạn phát triển định nghĩa thành công của riêng mình, các bạn sẽ làm điều đó, nếu muốn, cùng với người bạn đồng hành của mình. Khi lựa chọn bạn đồng hành, hãy nhớ rằng vẻ đẹp thể chất chỉ là cách để tạo hóa đảm bảo rằng người kia không có quá nhiều ký sinh trùng đường ruột

Đừng hiểu nhầm ý tôi, tôi hoàn toàn không có ý phủ nhận tầm quan trọng của sắc đẹp, sự lãng mạn và những hấp dẫn tình dục. Hollywood và đại lộ thời trang Madison sẽ là gì nếu thiếu những thứ đó ? Nhưng dù vậy, đó cũng không phải là những thứ duy nhất mà bạn nên tìm kiếm ở một người bạn đời

Hai bạn sẽ phải cùng nhau đi một quãng đường dài, các bạn sẽ cần tới sự ủng hộ và đồng cảm của người kia nhiều hơn bạn nghĩ. Nói như một người đã sống hạnh phúc 35 năm bên bạn đời của mình: “Tôi không thể tưởng tượng được trên đời có một sự lựa chọn nào có tính chất hệ quả hơn việc lựa chọn bạn đời”

10. Hãy gọi điện thoại cho cha mẹ bạn dù chỉ một lần. Sẽ đến lúc bạn muốn những đứa con bận rộn và thành công của mình gọi cho bạn. Và hãy nhớ ai là người đã trả học phí cho bạn học ở Princeton

Trên đây là những đề xuất nho nhỏ của tôi – những chia sẻ của một người cũng có những tình cảm tuyệt vời dành cho ngôi trường này, của một người cầu mong những điều tốt đẹp nhất cho tương lai các bạn

Xin chúc mừng, các tân cử nhân !
 
Last edited:
Heritage Foundation
Think Tank quyền lực đằng sau chiến thắng của Donald Trump

photo1534989381928-15349893819281256852198.jpg

Năm 2016, tỷ phú Donald J. Trump bất ngờ đắc cử Tổng thống Mỹ, dù trước đó dư luận gần như nghiêng hẳn về bà Clinton. Tờ Wall Street Journal tiết lộ rằng Trump được hỗ trợ đáng kể bởi Heritage Foundation


Liên minh bất ngờ của Donald Trump

Cả thế giới có thể bất ngờ về việc Trump đắc cử, nhưng Heritage Foundation đã chuẩn bị cho điều này. Mùa hè năm 2014, một năm trước khi Trump tuyên bố ứng cử, đội nghiên cứu của cánh hữu đã bắt đầu tập hợp cơ sở dữ liệu với 3.000 cái tên của các thành viên Bảo thủ đáng tin cậy từ khắp nơi trên đất nước, những người sẵn lòng phục vụ trong chính phủ hậu Obama. Dự án này mang tên Khôi phục nước Mỹ (The Project to Restore America), một lời kêu gọi đến số đông một cách thầm lặng như báo trước khẩu hiệu cho chiến dịch của Trump


photo-1-1534989217327743950096.jpg

Liên minh giữa Heritage Foundation và Trump là một trong những yếu tố không ngờ nhất trong thời gian cuộc bầu cử diễn ra. Mới chỉ một năm trước, Heritage Foundation đã bác bỏ Trump vì sự thiếu kiên định, không có chủ kiến với các chủ trương bảo thủ

Còn hiện nay, tầm ảnh hưởng của tổ chức này thể hiện trên hầu hết các chính sách mà Trump ủng hộ, từ chương trình nghị sự kinh tế đến các ứng cử viên của Tòa án Tối cao. Sự hợp tác giữa Trump và Heritage Foundation đại diện cho sự trở lại ấn tượng của một think tank bảo thủ

Heritage Foundation là một think tank bảo thủ, đã tồn tại hơn 40 năm và được công nhận bởi các giá trị như tự do hóa nhiều hơn cho doanh nghiệp, hạn chế sự can thiệp của chính phủ, tự do hóa cá nhân, đề cao "giá trị truyền thống của Mỹ" và đóng góp cho một nền an ninh quốc phòng vững mạnh

Trong nhiều thập kỷ, Heritage Foundation là nơi sản sinh ra nhiều chính sách cho Washington. Tháng 1/1981, tổ chức này đã phát hành "Nhiệm vụ Lãnh đạo" (Mandate for Leadership) - một bản tóm lược với hơn 2.000 đề xuất chính sách bao trùm gần như mọi khía cạnh của chính phủ liên bang. Ronald Reagan đã thông qua các bản sao tại cuộc họp Nội các đầu tiên của ông. 60% các ý tưởng của think tank này - từ chính sách thuế đối với phòng thủ tên lửa đã được áp dụng trong năm đầu tiên của chính quyền Reagan

Bản thân Reagan sau đó cũng ghi nhận Heritage vì sự thành công của nhiệm kỳ tổng thống của mình. Heritage đã tiếp tục viết Nhiệm vụ Lãnh đạo với hai phần tiếp theo, tạo nên kịch bản chính sách đối ngoại dưới thời George H.W. Bush, Hợp đồng với Mỹ ( Contract with America ) dưới thời Newt Gingrich, và Cải cách phúc lợi (Welfare reform) dưới thời Bill Clinton

photo-1-1534989218435738610447.jpg

Hai thập kỷ thất sủng

Dưới thời George W. Bush, ảnh hưởng của Heritage bắt đầu suy yếu. Không giống như cha mình, Bush Junior ủng hộ những ý tưởng của hai think tank khác là New American Century và American Enterprise Institute. Mặc dù một vài thành viên cũ của Heritage vẫn làm việc cho Tổng thống Bush - đáng chú ý nhất là Bộ trưởng Giao thông vận tải Elaine Chao - thì Heritage Foundation vẫn chỉ trích một số chính sách của Bush là không đủ bảo thủ. Tom DeLay đã loại bỏ Heritage khỏi vị trí tại Capitol sau khi phản đối việc mở rộng Medicare của Bush

Dưới thời Tổng thống Obama, Heritage đã trở lại với tư cách là một đồng minh đặc biệt của Tea Party - một động thái đã giúp họ liên minh tốt với Trump. Heritage trả tiền cho các cuộc biểu tình và thúc đẩy phong trào chống Obama mạnh mẽ giữa các đảng viên Cộng hòa

Vào năm 2010, Heritage thành lập Heritage Action, một tổ chức phi lợi nhuận tham gia vào các hoạt động chính trị một cách rõ rệt; và năm 2012, think tank này thuê DeMint, đại biểu Tea Party từ Nam Carolina, làm chủ tịch của tổ chức

Ban đầu, nhiều đảng viên Cộng hòa phàn nàn về sự thiếu trung thành với tư tưởng bảo thủ chính thống. "Họ đang phá hủy danh tiếng và uy tín của Heritage Foundation", Mickey Edwards - một cựu nghị sĩ từng là ủy viên sáng lập của think-tank này tuyên bố

Thượng nghị sĩ Orrin Hatch thậm chí còn gay gắt hơn nữa, ông nói với Meet the Press: "Rất nhiều thành viên Đảng Cộng hòa đang băn khoăn rằng: Liệu Heritage có dấn sâu vào chính trị đến nỗi nó thực sự không hoạt động trong lĩnh vực nào khác nữa ?"

photo-2-15349892184381360795062.jpg

Thế nhưng, những xung đột như vậy đã giúp Heritage trở thành cầu nối quan trọng giữa Trump và các đảng viên bảo thủ. Bất chấp việc ban đầu think tank này phản đối Trump, DeMint đã lặng lẽ tiếp cận ứng cử viên từ năm 2016 và ngỏ ý hỗ trợ ông

Mùa xuân năm ngoái, Heritage đã cung cấp cho Trump một danh sách ứng cử viên Tòa án Tối cao tiềm năng, giúp ông giảm bớt bất đồng bảo thủ và bắt đầu chiếm được sự ủng hộ của các đảng viên Cộng Hòa. Một sự kiện khác diễn ra vào tháng 7, Trump chọn Pence, một đồng minh lâu năm của Heritage và DeMint, là ứng cử viên Phó tổng thống đồng hành trong cuộc tranh cử Tổng thống Hoa Kỳ

"Chiến dịch tranh cử vướng mắc bởi nhiều vấn đề mà Donald Trump gặp phải - loại bỏ Obamacare, bảo vệ biên giới và ngăn chặn ân xá, và thoát khỏi bị sa lầy - đó là những thứ mà Heritage phải hỗ trợ Trump trong nhiều năm", DeMint cho biết

Sự trở lại

Hiện tại, sau hai thập kỉ rơi vào thất sủng, Heritage đã lấy lại được vị thế của mình trong Nhà Trắng. Trong bốn năm tới, think tank này sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc chỉ đạo chính sách nội địa. Đặc biệt là trong các cơ quan chính phủ, nơi Trump có kế hoạch ủy quyền cho các thư ký của ông - một số người như giáo sư Betsy DeVos, đã đóng góp hàng triệu đô la cho Heritage Foundation

photo-3-1534989218441536749788.jpg

Trong việc thúc đẩy việc bãi bỏ một số quy định của chính phủ và đặt mức thuế thấp hơn cho người giàu, Heritage sẽ có ảnh hưởng mới tác động lên các nhà tài trợ của họ, những giàu có nhất nước Mỹ

"Chiến thắng đến với những người có sự chuẩn bị sẵn sàng." DeMint nói "Heritage không tìm kiếm danh vọng hay tín nhiệm, những gì chúng tôi muốn, là thay mặt cho những người ủng hộ chúng tôi - củng cố lại đất nước với những khuyến nghị chính sách tốt. Hóa ra đó là một sự kết hợp rất hoàn hảo với những gì Donald Trump muốn làm"

Tại thời điểm này, với những thách thức cả Heritage và Trump phải đối mặt trong chính trị, sự liên minh của họ có thể phát triển mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Nhưng sự khởi đầu của nhiệm kỳ Kay Coles James tại Heritage đặt ra một số câu hỏi trong tương lai

Liệu James có thể xây dựng lại các mối quan hệ với các đảng viên Đảng Cộng hòa trong quốc hội, mà vẫn có sự ân sủng của các đồng minh của Trump như Steve Bannon? James sẽ làm gì với Heritage Action, gần đây đã được xem là định hướng xác định và đề ra hoạt động cho think tank, thay vì sử dụng bè cánh chính trị theo chỉ dẫn của người đứng đầu ?

Bất kể James chọn lối đi nào, lịch sử về các cựu tổng thống và các think tank đều có thể cung cấp một số hướng đi cho hành động của Heritage, và các think tank khác nói chung. Xét cho cùng, chấm dứt liên minh giữa Trump và think tank nếu xảy ra sẽ gây tổn hại cho cả hai bên

Nguyễn Thái Quỳnh Trang
 
ThinkTank có ảnh hưởng lớn nhất nước Mỹ với đề án ‘Sứ mệnh của người đứng đầu’

photo1535097926449-15350979264492055712163.jpg

"64% các chính sách được đề xuất trong đề án ‘Sứ mệnh của người đứng đầu’ do Heritage xuất bản đã được ghi nhận trong dự thảo ngân sách của Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump hoặc đang được thỏa thuận điều chỉnh để đưa vào thực thi", một bài phân tích của The Heritage Foundation cho biết

Trong năm 2018, Chương trình Think Tanks và xã hội dân sự của Đại học Pennsylvania đã đánh giá The Heritage Foundation là Think Tank có tác động lớn nhất đến các chính sách công. Chỉ số xếp hạng Think Tank được xây dựng thường niên thông qua cuộc khảo sát với sự tham gia của hơn 7.500 học giả, các nhà tài trợ, nhà hoạch định chính sách và các chuyên gia để xếp hạng hơn 6.600 Think Tank

Được thành lập từ năm 1973, The Heritage Foundation đã và đang thúc đẩy những chính sách công dựa trên nguyên tắc doanh nghiệp tự do, hạn chế sự can thiệp của chính phủ, tự do cá nhân, đề cao những giá trị truyền thống của nước Mỹ và củng cố một nền quốc phòng vững chắc. Trong suốt 40 năm xây dựng và phát triển, tổ chức này đã cho thấy những lợi ích đáng kể đóng góp cho chương trình nghị sự bảo thủ

Với hơn 100 chuyên gia, Heritage chuyên giải quyết những vấn đề chính sách phức tạp bằng những giải pháp đơn giản và hiệu quả mang tính bảo thủ. Họ tuyên truyền những giải pháp đến 10 triệu người dân nước Mỹ thông qua website The Daily Signal và mạng xã hội của mình

Những chuyên gia của tổ chức này cũng xuất hiện trên truyền hình và phát thanh liên tục mỗi tuần, phát hành hàng trăm báo cáo về nghiên cứu chính sách và tổ chức rất nhiều hội nghị với sự tham gia của các nhà lãnh đạo cơ sở, công chức địa phương và nhà nước hàng năm

photo-1-15350976983541102953944.jpg

Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu tại cuộc gặp mặt nhà lãnh đạo các quốc gia 2017 tổ chức tại The Heritage Foundation

Dưới đây là một số đề xuất chính sách điển hình của The Heritage Foundation đã được chấp thuận và thực thi bởi chính quyền Tổng thống Trump

1. Rút khỏi Hiệp định Paris về Khí hậu

Trong tháng 8/2017, Tổng thống Donald Trump tuyên bố Mỹ sẽ cắt đứt khoản tài trợ và tư cách thành viên của mình trong Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu

"Ước tính việc tuân thủ Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu có thể ngốn khoảng 2,5 tỷ USD trong vòng 10 năm", Tổng thống Donald Trump phát biểu tại Harrisburg trong lễ kỷ niệm ngày nhậm chức thứ 100 của mình

Số liệu trên đưa trích ra từ báo cáo của 3 chuyên gia từ Tổ chức Heritage là Kevin Dayaratna, Nicholas Loris và David Kreutzer

"Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu đã làm suy yếu nền kinh tế Mỹ, khiến nhiều người mất việc làm, làm suy yếu chủ quyền quốc gia và đặt Mỹ vào thế bất lợi so với các nước khác trên thế giới", ông chủ Nhà Trắng giải thích

Tuy nhiên, ông Trump cũng khẳng định Washington sẽ xúc tiến các cuộc thương lượng để tìm kiếm một thỏa thuận khác "công bằng hơn với nước Mỹ, với các doanh nghiệp, công nhân, người dân và những người đang đóng thuế cho nước Mỹ"

2. Loại bỏ sự bình đẳng trên Internet (Net Neutrality)

photo-1-15350977002401634054386.jpg

Vào tháng 12/2017, Ủy ban truyền thông liên bang Mỹ (FCC) đã bỏ phiếu bãi bỏ các điều luật về bình đẳng trên Internet được đưa ra vào năm 2015 bởi chính quyền cựu Tổng thống Barack Obama. Điều luật này yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ mạng cần phải coi tất cả mọi gói dữ liệu được truyền đi trên mạng internet là bình đẳng

Khi việc bãi bỏ này được thông qua, các nhà cung cấp dịch vụ mạng (ISP) sẽ có quyền chặn các ứng dụng, website mà họ không thích, chặn, bóp băng thông dịch vụ của đối thủ hoặc yêu cầu người dùng trả thêm phí nếu muốn truy cập các dịch vụ này

Phần lớn những người sử dụng Internet tại Mỹ đều ra sức phản đối quyết định này. Cụ thể, theo thống kê trước đây của FCC, 98,5% người sử dụng Internet ở quốc gia này phản đối việc bãi bỏ net neutrality. Nhưng thống kê là vậy, còn sự thật thì FCC không quan tâm đến ý kiến của người dân, và kết quả biểu quyết nội bộ đã thể hiện rõ điều đó

photo-2-1535097700242268981112.jpg

3. Giới hạn lại các khu danh thắng quốc gia

Đề xuất giới hạn và giảm diện tích các khu danh thắng quốc gia của Heritage đã được ông chủ Nhà Trắng thông qua khi ông ban hành hai sắc lệnh nhằm thu hẹp đáng kể diện tích của các khu danh thắng quốc gia ở bang Utah

Cụ thể, Trump đã ký hai lệnh thu hẹp diện tích các khu di tích Bears Ears và Grand-Escalante. Bears Ears nằm ở phía đông nam Utah, được cựu Tổng thống Barack Obama chỉ định vào năm 2016, sẽ bị cắt hơn 80% diện tích. Trong khi đó, Grand-Escalante, do cựu Tổng thống Bill Clinton chỉ định năm 1996, sẽ bị cắt còn khoảng một nửa

4. Khôi phục lại chính sách Mexico City

Sắc lệnh này nghiêm cấm việc hỗ trợ thuế cho các tổ chức quốc tế liên quan đến nạo phá thai và chấm dứt tài trợ cho Quỹ Dân số Liên hợp quốc. Vào ngày 23/1/2017, trong hành động đầu tiên của mình để phản đối việc phá thai, ông Trump đã ký một sắc lệnh khôi phục lại Chính sách Mexico City

Chính sách Mexico City là một chính sách không liên tục của chính phủ Hoa Kỳ yêu cầu tất cả các tổ chức phi chính phủ nước ngoài (NGO) nhận tài trợ liên bang để kiềm chế không thực hiện hoặc cổ võ các dịch vụ phá thai là một phương pháp kế hoạch hóa gia đình

Chính sách này là một điểm nóng chính trị trong cuộc tranh luận phá thai, với chính quyền của đảng Cộng hòa áp dụng nó và chính quyền đảng Dân chủ hủy bỏ: được ban hành bởi Tổng thống Ronald Reagan năm 1984, hủy bỏ bởi Tổng thống của đảng Dân chủ Bill Clinton vào tháng 1 năm 1993, tái thiết lập vào tháng 1 năm 2001 khi Tổng thống đảng Cộng hòa George W. Bush nhậm chức, bãi bỏ vào ngày 23 tháng 1 năm 2009, ba ngày sau khi Tổng thống đảng Dân chủ Barack Obama nhậm chức

Giờ đây, chính sách này tái thiết lập vào ngày 23 tháng 1 năm 2017, khi Tổng thống đảng Cộng hòa Donald Trump lên nắm quyền

photo-3-15350977002462054120980.jpg

Tổng thống Donald Trump ký ban hành sắc lệnh khôi phục lại chính sách Mexico City

5. Tăng chi tiêu quân sự

Dự thảo ngân sách của ông Trump huy động thêm 54 tỷ USD cho chi tiêu quân sự nhằm nâng cao năng lực, khả năng và sự sẵn sàng tác chiến của lực lượng vũ trang Hoa Kỳ

6. Cải cách chương trình Hỗ trợ tạm thời cho các hộ gia đình nghèo

Chương trình cải cách thuế được thông qua là một "chiến thắng lịch sử dành cho người dân Mỹ", một "món quà Giáng sinh tuyệt vời cho những người Mỹ chăm chỉ", Tổng thống Trump vui mừng

Nội dung chính của cải cách gồm giảm thuế cho các doanh nghiệp và người giàu, sửa đổi cách tính thuế với các công ty đa quốc gia, giảm thuế cho chủ sở hữu các doanh nghiệp "truyền từ đời này sang đời khác"

Tổng thống Trump tuyên bố, gói đề xuất mới sẽ mang lại nhiều lợi ích cho tầng lớp trung lưu, hỗ trợ người lao động và kiến tạo việc làm

7. Cho phép khai thác tài nguyên thiên nhiên

Ông Trump đã tiến hành khai thác ngoài khơi và trên đất liền. Bên cạnh đó ông còn ký sắc lệnh số 13783 chỉ thị cho Bộ trưởng Bộ Nội vụ Ryan Zinke thúc đẩy phát triển nguồn năng lượng sạch và an toàn, đồng thời giải quyết các vấn đề về năng lượng đã cản trở phát triển kinh tế

photo-4-1535097700249940649802.jpg

8. Cải cách bộ máy chính phủ

Tổng thống Trump chỉ thị cho từng thành viên trong nội các chính phủ của mình phải chuẩn bị các đề án chi tiết về kế hoạch tinh giản bộ máy hoạt động mà vẫn đảm bảo vận hành hiệu quả và thu thuế một cách phù hợp

9. Rút khỏi UNESCO

Trong tháng 10/2017, ông Trump tuyên bố Mỹ sẽ chấm dứt tư cách thành viên của mình trong Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) – một hành động được Tổ chức The Heritage Foundation tán thành từ rất nhiều năm qua

"Heritage là Think Tank duy nhất đề xuất việc Mỹ rút khỏi UNESCO và một chuyên gia của Heritage đã từng làm việc tại UNESCO và nhiều cơ quan khác của Liên hợp quốc là Brett Schaefer đã đưa ra những đề xuất tác động lớn đến quyết định này của chính quyền Tổng thống Donald Trump", giám đốc Trung tâm Tự do Margaret Thatcher của Heritage khẳng định

Dù các đề xuất mà The Heritage Foundation đưa ra với chính quyền Tổng thống Trump là tích cực hay tiêu cực, những ảnh hưởng của tổ chức này đến các chính sách công của Mỹ là không thể phủ nhận. Từ đó có thể thấy các Think Tank đang đóng một vai trò rất quan trọng trong việc định hướng xu thế phát triển của toàn thế giới và giúp hoàn thành các mục tiêu vĩ mô thông qua những nghiên cứu, phân tích mang tính chuyên môn cao

Thùy Linh
 
Giới tinh hoa Mỹ và cách tiêu tiền kiểu mới
Cô con gái quyền lực của Donald Trump thích làm vườn, CEO Facebook Mark Zuckerberg chuyên mặc áo thun quần bò khi xuất hiện trước công chúng… Đó là những đại diện cho một tầng lớp tinh hoa mới ở nước Mỹ

Ivanka Trump đầu tư cho khu vườn hữu cơ của gia đình, Mark Zuckerberg không chi tiền mua xe hơi hạng sang mà cống hiến tài sản cho các quỹ từ thiện giáo dục và trẻ em, Bill Gates dành phần lớn số tiền trong tổng tài sản hơn 90 tỷ USD để giúp cả thế giới chống lại căn bệnh AIDS, chống lại nghèo đói và cải thiện giáo dục ở các nước nghèo... Đó là những đại diện tiêu biểu của một tầng lớp tinh hoa mới ở Mỹ


Những hàng hóa xa xỉ phẩm như túi xách Louis Vuitton không còn là biểu tượng của giới tinh hoa nước Mỹ

Elizabeth Currid-Halkett, tác giả cuốn The Sum of Small Things, đã miêu tả trong cuốn sách của mình về tầng lớp văn hóa mới đang hình thành này: "Những người có tiền nhưng tiêu tiền rất khác với tất cả tầng lớp xã hội khác". Trong cuốn sách của mình, tác giả đã gọi nhóm người này là “Giai cấp khát khao”

Tạp chí Time miêu tả “Giai cấp khát khao” của Currid-Halkett là những người không nhất thiết phải giàu có, nhưng có chung quan điểm về ý thức xã hội, đặc biệt là trong cách chi tiêu tiền bạc: Họ không mua hàng hóa vật chất xa xỉ phẩm, họ dành tiền của mình để làm những việc theo họ là có giá trị thiết thực hơn như làm từ thiện, cống hiến cho xã hội hoặc đầu tư vào giáo dục, đầu tư cho môi trường sống. Họ đang định hướng cho một “phiên bản loài người tốt hơn”, ở đó, “một quả cà chua trồng theo cách truyền thống giá 2 USD mang một sức nặng biểu tượng mà một chiếc Range Rover không thể có”

Xu hướng này ngoài quan điểm của việc xây dựng một ý thức xã hội tốt hơn, còn là phong cách thể hiện sự giàu có khác biệt so với những người vốn vẫn thể hiện đẳng cấp giàu có thông qua việc chi tiêu thật nhiều tiền cho hàng hóa xa xỉ phẩm

Ngày nay, tầng lớp trung lưu đang chi nhiều tiền hơn cho hàng hóa cao cấp. Họ có đủ tiền để mua túi xách Louis Vuitton, mua những chiếc xe hạng sang như Mecerdes hay thậm chí là Rolls Royce. Điều này đã khiến việc chi tiền mua đồ đắt giá không còn mang nhiều ý nghĩa thể hiện đẳng cấp và sự khác biệt giai cấp nữa


"Công chúa nước Mỹ" Ivanka Trump tìm đến với vườn tược và rau quả hữu cơ để thể hiện đẳng cấp của tỷ phú

Cho rằng giờ đây tất cả mọi người đều có thể mua những chiếc túi xách tay được thiết kế riêng hay những chiếc xe mới, người giàu bắt đầu sử dụng những tín hiệu ngầm riêng để thể hiện vị trí xã hội của mình

Không phải hầu hết người giàu đều đi theo xu hướng này. Vẫn có những người trong giới siêu giàu thể hiện đẳng cấp bằng những chiếc Bentleys hay biệt thự đắt giá. Nhưng một nhóm trong giới này đã thay đổi xu hướng bằng những cách khác. Giới tinh hoa mới xây dựng một tượng đài mới cho nhóm của mình thông qua việc chi tiêu cho kiến thức, xây dựng các trung tâm văn hóa, đầu tư cho giáo dục và các loại hàng hóa hữu cơ

Có thể thấy rõ sự gia tăng dân số của “Giai cấp khát khao” tại nước Mỹ. Theo số liệu khảo sát chi tiêu tiêu dùng Mỹ được công bố, kể từ năm 2007, nhóm 1% người giàu có của nước này (những người có thu nhập trên 300.000 USD/năm) đã chi tiêu ít hơn vào hàng hóa vật chất. Trong khi đó, nhóm trung lưu (thu nhập từ 70.000 USD/năm) có mức chi cho hàng hóa vật chất ngang ngửa nhóm trên, và xu hướng chi tiêu của họ đang ngày càng gia tăng

Dần từ bỏ chủ nghĩa vật chất công khai, người giàu Mỹ đang có dấu hiệu đầu tư nhiều hơn cho các hàng hóa phi vật chất như giáo dục, hưu trí và sức khỏe... – những dạng chi tiêu còn tốn kém hơn nhiều so với bất cứ chiếc túi xách nào mà tầng lớp trung lưu có thể mua được

Nhóm tinh hoa giờ đây cống hiến nhiều nhất cho các dạng chi tiêu không phổ biến, đặc biệt là cho giáo dục. Theo tạp chí Quaz trích dẫn, giới tinh hoa Mỹ dùng 6% tổng tài sản của mình cho giáo dục, trong khi giới trung lưu chỉ dành 1% đầu tư cho giáo dục. Trên thực tế, giới tinh hoa Mỹ đã chi tiêu cho giáo dục tăng 3,5 lần kể từ năm 1996, trong khi giới trung lưu hầu như giữ nguyên mức chi cho lĩnh vực này trong cùng một giai đoạn

Khoảng cách chi tiêu cho giáo dục giữa tầng lớp trung lưu và giới tinh hoa Mỹ đặc biệt đáng chú ý bởi không giống như hàng hóa vật chất, giáo dục đang ngày càng trở nên đắt đỏ trong những thập kỷ gần đây. Hơn nữa, cần có một khoản dự phòng lớn để chi tiêu cho giáo dục bởi nó cần một quá trình đầu tư lâu dài, nếu không phải là một gia đình khá giả, rất khó để theo đuổi cả một khóa học trị giá đến cả gia tài của người thuộc giới trung lưu

Theo số liệu khảo sát chi tiêu Mỹ từ năm 2003- 2013, chi phí cho các kỳ học đại học đã tăng lên 80%, trong khi đó chi tiêu cho trang phục phụ nữ chỉ tăng 6% trong cùng kỳ


Phong cách sống của CEO Facebook Mark Zuckerberg đang là điển hình cho "Giai cấp Khát khao" mới ở Mỹ

“Giai cấp khát khao” không chỉ gói gọn trong giới tinh hoa chiếm 1% dân số Mỹ, đó còn là một xu hướng chi tiêu mới, có thể không đắt đỏ hơn nhưng có những dấu hiệu rõ rệt thể hiện chính họ hơn

Họ tự xây dựng cho mình một bức tường văn hóa mới và ngầm thể hiện nó ra cho cả thế giới cùng thấy. Có thể nhìn thấy sự khác biệt đó trong hộp cơm trưa mang tới trường của trẻ nhỏ. Trong khi hầu hết các bà mẹ chuẩn bị một bữa ăn với các món ăn chế biến sẵn và không có hoa quả thì ngược lại, hộp cơm của các bà mẹ thuộc nhóm khác biệt này lại được chuẩn bị từ hạt diêm mạch và hoa quả hữu cơ – những thực phẩm tốt cho sức khỏe

Sự cống hiến cho công việc cũng là một cách thể hiện đẳng cấp kiểu mới của giới tinh hoa Mỹ. Những người càng giàu có, càng nhiều tài sản càng cống hiến thời gian nhiều hơn cho công việc của mình

Tờ The Guardian từng thống kê số liệu cho biết, CEO Tim Cook của Apple chia sẻ ông làm việc từ 3h45 sáng mỗi ngày. CEO Jeff Immelt của General Electric làm việc 100 giờ mỗi tuần trong suốt 24 năm, còn CEO của Yahoo từng dành đến 130 giờ làm việc mỗi tuần. Với họ, sự giàu có của bản thân không phải ở số tiền có trong két sắt, mà chính ở việc họ cống hiến được bao nhiêu thời gian và khả năng của mình cho xã hội

Tuy vậy, thật bất ngờ khi những tưởng tư duy và xu hướng chi tiêu khác biệt này của giới tinh hoa Mỹ có thể khiến xã hội trở nên văn minh và tốt đẹp hơn thì tác giả Currid-Halkett, trong cuốn sách của mình, đã khẳng định, nó chỉ khiến bất bình đẳng xã hội trầm trọng hơn rất nhiều. Bởi những người giàu chi nhiều hơn cho giáo dục và y tế sẽ làm gia tăng sự phân chia giai cấp và hạn chế các cơ hội cho trẻ em nghèo

Phan Sương
 
'Cánh tay phải' kín tiếng giúp ông Trump đối phó Trung Quốc
Trong đội ngũ cố vấn cấp cao của Nhà Trắng, Michael Pillsbury dường như là người được Tổng thống Mỹ Donald Trump tín nhiệm nhất khi cần lời khuyên hoặc các đề xuất đối phó với Trung Quốc

Thứ ba tuần trước (27/11), ông Pillsbury mới dùng xong món salad ở câu lạc bộ Cosmos thì nhận được một tin nhắn từ Nhà Trắng: "Tổng thống đang cố gắng liên lạc với ông. Hãy gọi lại". Một ngày sau, ông Pillsbury tới Phòng Bầu dục để họp cùng Tổng thống Trump, cũng như các thành viên cấp cao thuộc nhóm cố vấn kinh tế cho Nhà Trắng, trước khi lãnh đạo Nhà Trắng có cuộc gặp quan trọng với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 ở Buenos Aires, Argentina vào cuối tuần


Ông Michael Pillsbury là cố vấn về Trung Quốc rất được Tổng thống Trump tin tưởng

Trong hơn một tiếng đồng hồ, Tổng thống Trump, ông Pillsbury và các cố vấn khác như Steven Mnuchin, Wilbur Ross, Larry Kudlow, Jared Kushner và Peter Navarro đã vạch ra chiến lược đàm phán với Trung Quốc, đúng vào lúc cuộc chiến tranh thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đang làm xáo trộn các thị trường toàn cầu và kéo căng quan hệ ngoại giao Washington - Bắc Kinh

Ông Trump đã lắng nghe các đề xuất trái ngược nhau từ nhóm cố vấn kinh tế về cách đối phó với Trung Quốc. Song, các ý kiến tư vấn của ông Pillsbury dường như được lãnh đạo Nhà Trắng lưu tâm nhất. Tại cuộc gặp song phương ở Buenos Aires ngày 1/12, hai nguyên thủ Mỹ và Trung Quốc rốt cuộc đã đi đến thỏa thuận "đình chiến thương mại" trong vòng 90 ngày

Theo báo New York Times, ông Pillsbury đang nổi lên như một cố vấn then chốt của Tổng thống Mỹ. Chính ông Trump đã nhiều lần công khai gọi ông Pillsbury là "người có thẩm quyền hàng đầu về Trung Quốc"

Trong vài tháng trở lại đây, cuốn "Cuộc chạy đua trăm năm: Chiến lược bí mật của Trung Quốc nhằm thay thế Mỹ thành siêu cường toàn cầu" của ông Pillsbury đã trở thành kim chỉ nam cho những người thuộc chính quyền Trump muốn thúc đẩy một phản ứng mạnh mẽ hơn trước mối đe dọa từ sự trỗi dậy của Trung Quốc đối với Mỹ

Chính Stephen K. Bannon, cựu chiến lược gia trưởng của Tổng thống Trump và cũng là người tuyển chọn ông Pillsbury làm cố vấn năm 2016, từng phân phát các cuốn sách này khắp Nhà Trắng

Cuốn sách được xuất bản từ khi ông Pillsbury còn làm chuyên gia cố vấn Lầu Năm góc cho chính quyền cựu Tổng thống Barack Obama. Nó thể hiện quan điểm coi Trung Quốc như một kẻ thù khôn ngoan với kế hoạch ngấm ngầm vượt mặt Mỹ trở thành cường quốc thống trị thế giới vào năm 2049, tức là một thế kỷ sau khi nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa được thành lập

Vào thời điểm phát hành, cuốn sách của ông Pillsbury đã bị đông đảo dư luận chế nhạo. Nhiều học giả, chẳng hạn như Jude Blanchette, cựu trợ lý giám đốc Chương trình nghiên cứu Trung Quốc thế kỷ 21 thuộc Đại học California (Mỹ) thậm chí chỉ trích các lập luận của ông Pillsbury "đầy rẫy các lỗi sai, hiểu lầm và thiếu sót khó hiểu", dựa trên những nguồn tài liệu "chưa được kiểm chứng"


Theo ông Pillsbury, chương trình nghị sự của ông Trump xung đột với mục tiêu hiện đại hóa Trung Quốc của ông Tập Cận Bình

Ông Pillsbury tất nhiên phản bác những lời chỉ trích nói trên. Ông có cùng quan điểm với Tổng thống Trump khi cho rằng, căng thẳng Mỹ - Trung bùng phát khi chương trình nghị sự của ông Trump nhằm khôi phục "sự vĩ đại" của nước Mỹ xung đột trực tiếp với học thuyết hiện đại hóa Trung Quốc của ông Tập Cận Bình

Ông Pillsbury không phải là một chuyên gia bình thường. Ông từng đảm đương các trọng trách khác nhau trong chính phủ Mỹ, với vai trò một chuyên gia về Trung Quốc và an ninh quốc gia cho nhiều thế hệ tổng thống kể từ thời Richard Nixon

Với ngoại hình cao to, hói đầu, thông thạo tiếng Trung và có trong tay một bằng tiến sĩ về khoa học chính trị do Đại học Columbia (Mỹ) cấp, ông Pillsbury, 73 tuổi, nổi tiếng trong giới học giả về Trung Quốc vì khả năng tiếp cận nhiều quan chức tình báo và quân sự của quốc gia Đông Bắc Á này, cũng như sở trường sưu tầm và chuyển dịch các tài liệu hé lộ tư tưởng của các lãnh đạo Bắc Kinh

Không giống những người khác trong chính quyền Trump, ông Pillsbury từng tự nhận mình là "kẻ ôm gấu trúc", ám chỉ người xem Trung Quốc có thể trở thành một đồng minh về kinh tế và chính trị. Song, ông bắt đầu có cái nhìn đen tối hơn về Trung Quốc, cũng như các tham vọng của nước này sau nhiều cuộc phỏng vấn và trò chuyện với các quan chức tình báo, quân sự hàng đầu ở Bắc Kinh. Và rồi, ông tìm thấy người bạn tâm giao ở ông Trump

Ông Pillsbury gia nhập đội ngũ của ông Trump trong giai đoạn chuyển giao quyền lực năm 2016, sau khi tổng thống mới đắc cử điện đàm với lãnh đạo Đài Loan, phá vỡ các nghi thức ngoại giao và khiến Trung Quốc nổi giận

Theo một cựu quan chức Nhà Trắng, ông Pillsbury phối hợp chặt chẽ với Matthew Pottinger, lãnh đạo cấp cao phụ trách các vấn đề châu Á trong Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ. Nhà Trắng đã cân nhắc giao cho ông đảm trách một cương vị chính thức, nhưng cũng có nhiều lo ngại về việc ông có thể tiếp cận các thông tin mật. Bản thân ông Pillsbury nói, tất cả hiện vẫn là khả năng và ông muốn trở thành Đại sứ Mỹ ở Trung Quốc một ngày nào đó

Khi Tổng thống Trump ngày càng chú trọng vào an ninh kinh tế và an ninh quốc gia cũng như coi sự trỗi dậy của Trung Quốc là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia Mỹ, vốn hiểu biết của ông Pillsbury về Trung Quốc ngày càng trở nên cần thiết

Nhóm cố vấn kinh tế của ông Trump đang có sự chia sẽ sâu sắc về cách tiếp cận Trung Quốc, giữa một bên là những người theo chủ nghĩa dân tộc quốc gia như Giám đốc Hội đồng Thương mại quốc gia Navarro và Trưởng đoàn đàm phán thương mại Mỹ Lighthizer với phe có quan điểm ôn hòa gồm Bộ trưởng Tài chính Mnuchin và Giám đốc Hội đồng An ninh quốc gia Kudlow

Dù có cái nhìn tương đối tiêu cực về Trung Quốc, nhưng ông Pillsbury luôn cố gắng giải thích cho giới chức Nhà Trắng rằng, các lãnh đạo Bắc Kinh cũng đối mặt với sự chia rẽ nội bộ. Ông cũng cố vấn cho tổng thống cách khoét sâu các chia rẽ này để chiếm lợi thế trước Trung Quốc

Một số nhà phân tích nhận định, ông Pillsbury thể hiện giọng điệu mềm mỏng hơn nhằm chiếm thiện cảm của người Trung Quốc. Trong vòng 18 tháng qua, ông đã công du Trung Quốc tới 4 lần và đang lên kế hoạch quay trở lại đây trong tháng 12 này để chia sẻ các quan điểm của Mỹ với các cơ quan tư vấn, viện nghiên cứu của Trung Quốc

Tư vấn và viết lách là nghề đem lại thu nhập cao cho ông Pillsbury. Ông đang hoàn thành một cuốn sách mới và nói đùa về việc sẽ cho ra mắt một bộ phim. Ông đang sống cùng vợ, một cựu vũ công ballet gốc Anh, trong một dinh thự trị giá tới 7,5 triệu USD tại Georgetown. Ông sở hữu trong tay một bộ sưu tập các tác phẩm nghệ thuật châu Á giá trị cùng một chiếc máy bay cỡ nhỏ Cessna phục vụ nhu cầu riêng

Tuấn Anh
 
Mỹ đề xuất huy động mọi nguồn lực để đầu tư 562 tỷ USD cho điện mặt trời
Để mục tiêu sản xuất 44% tổng sản lượng điện từ năng lượng mặt trời vào năm 2050, Bộ Năng lượng Mỹ cho biết cần huy động nguồn lực công tư với tổng ngân sách 562 tỉ đô la để đầu tư phát triển nguồn năng lượng sạch này trong 30 năm tới

Anh-bai-7.jpg

Một trang trại điện mặt trời khổng lồ ở El Centro, bang California, Mỹ
Lợi ích vượt trội so với chi phí đầu tư

Báo cáo của Bộ Năng lượng Mỹ (DOE), công bố hôm 8-9, cho biết Mỹ có thể sản xuất 37% tổng sản lượng điện từ năng lượng mặt trời vào năm 2035 và tỉ lệ này có thể lên 44% vào năm 2050 nếu Mỹ theo đuổi một chương trình làm việc đầy tham vọng để cắt giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch. Các báo cáo của DOE là nền tảng để định hướng chính sách liên bang đối với ngành điện mặt trời

Theo DOE, điện mặt trời mới chỉ chiếm 3% trong cơ cấu sản lượng điện của Mỹ, do vậy cần phải được đầu tư mạnh mẽ nếu Mỹ muốn loại bỏ khí nhà kính từ ngành công nghiệp sản xuất điện. Để tỉ lệ này lên mức 44% vào năm 2050, báo cáo của DOE cho rằng cần phải huy động nguồn lực nhà nước và khu vực tư nhân để đầu tư tổng công 562 tỉ đô la cho điện mặt trời trong giai đoạn 2020-2050

Bộ trưởng DOE, Jennifer Granholm nhấn mạnh lợi ích của sự chuyển đổi sang năng lượng sạch vượt trội so với chi phí

Bà nói: “Các nghiên cứu cho thấy thực tế rằng điện mặt trời, nguồn năng lượng rẻ nhất và tăng trưởng nhanh nhất của chúng ta, có thể sản xuất đủ lượng điện để phục vụ nhu cầu của tất cả hộ gia đình ở Mỹ vào năm 2035 và giúp tạo 1,5 triệu việc làm trong quá trình phát triển nguồn năng lượng này”

Báo cáo của DOE chỉ ra rằng đầu tư cho điện mặt trời và các nguồn năng lượng sạch khác với quy mô ngân sách như trên có thể mang lại lợi ích kinh tế 1.700 tỉ đô la, một phần là nhờ giảm chi phí y tế để điều trị các bệnh do môi trường ô nhiễm gây ra

Tăng tốc phát triển ngành công nghiệp điện mặt trời là một trọng tâm trong chương trình nghị sự của Tổng thống Joe Biden. Trong quá trình vận động tranh cử tổng thống, ông cam kết tái định hình ngành điện để chấm dứt hẳn sử dụng các nhiên liệu phát thải khí nhà kính trong ngành này vào năm 2035. Ông cũng xem việc phát triển điện mặt trời và điện gió sẽ là nguồn quan trọng tạo ra việc làm mới

Tiềm năng lớn, rào cản cũng lớn

Trong một báo cáo khác, Ngân hàng đầu tư Evercore ISI gọi cuộc chuyển đổi sang năng lượng mặt trời là một nhiệm vụ đầy thách thức, đòi hỏi trong 4 năm tới, Mỹ phải tăng gấp đôi công suất lắp đặt điện mặt trời mỗi năm sao với năm 2020

Các nhà phân tích của ngân hàng này cho rằng lưu ý rằng bất kỳ kế hoạch chi tiêu ngân sách nào để phát triển điện mặt trời cũng đối mặt với tiến trình đàm phán chông gai tại Quốc hội Mỹ

Tiềm năng của điện mặt trời là rất lớn nhưng các rào cản cũng lớn không kém. Ngành điện mặt trời phụ thuộc lớn và các nguyên vật liệu và tấm quang năng từ Trung Quốc, nước bị Mỹ cáo buộc sử dụng lao động cưỡng bức trong chuỗi cung ứng điện mặt trời

Chính phủ của ông Biden đã cấm nhập khẩu vật liệu sản xuất tấm quang năng từ Công ty Hoshine Silicon Industry Co. của Trung Quốc bị cáo buộc sử dụng lao động cưỡng bức ở Tân Cương và tiếp tục duy trì các biện pháp áp thuế trừng phạt lên các vật liệu điện mặt trời được áp dụng từ thời Tổng thống Donald Trump

Các chủ đất ở những khu vực có nhiều nắng và gió ở Mỹ đang phản đối triển khai các dự án năng lượng sạch quy mô lớn trên đất của họ

Chi phí tấm quang năng giảm cộng với chính sách trợ cấp của chính phủ đã thúc đẩy ngành điện mặt trời tăng trưởng ở Mỹ lẫn nước ngoài. Theo DOE, 25% công suất điện mặt trời ở Mỹ được lắp đặt trong năm 2020

Năm nay, Mỹ có thể lắp đặt thêm 26 GW công suất điện mặt trời và con số này được dự báo sẽ đạt 33 GW vào năm 2023, theo báo cáo của hãng tư vấn năng lượng Wood Mackenzie và Hiệp hội ngành năng lượng mặt trời Mỹ (SEIA)

Michelle Davis, nhà phân tích của Wood Mackenzie, nói: “Ngành điện mặt trời của Mỹ rõ ràng đang tăng trưởng với tốc độ nhanh. Câu hỏi đặt ra là liệu tốc độ đó đã đủ để giúp Mỹ đạt mục tiêu phi carbon hóa trong ngành điện vào năm 2035 không?”

Bà cho rằng giá cả đang đắt đỏ của vật liệu như thép, nhôm cùng với tình trạng khan hiếm bán dẫn và các biện pháp áp thuế trừng phạt Trung Quốc đang gây khó khăn cho chuỗi cung ứng điện mặt trời. Bên cạnh đó, ngành công nghiệp sản xuất pin toàn cầu đang không theo kịp nhu cầu trữ điện trong ngành nặng lượng sạch

Hôm 8-9, 748 công ty điện mặt trời đã gửi thư cho Quốc hội Mỹ để kêu gọi gia hạn và tăng tín dụng thuế đầu tư cho ngành điện mặt trời

Abigail Ross Hopper, Giám đốc điều hành SEIA, cho biết tăng mạnh công suất lắp đặt điện mặt trời là điều có thể đạt được nhưng đòi hỏi phải có sự tiến triển lớn về chính sách
 
Top