What's new
Vietnam - Điện Biên Phủ Kinh Tế

This is a sample guest message. Register a free account today to become a member! Once signed in, you'll be able to participate on this site by adding your own topics and posts, as well as connect with other members through your own private inbox!

Giáo sư John Vũ

LOBBY.VN

Administrator
Giáo sư John Vũ - Niềm tự hào của người Việt Nam
Giáo sư John Vũ - Nguyên Phong, là một nhà khoa học nổi tiếng ở Mỹ, đứng trong Top 10 người sáng tạo nhất thế giới (mà đứng đầu là Bill Gates và Steve Jobs). Ông chính là người dịch tác phẩm nổi tiếng Hành trình về Phương Đông, một trong những tác phẩm hay nhất về phương Đông từ trước đến nay. Giáo sư John Vũ cũng là một người rất quan tâm đến khoa học công nghệ, với trên 10.000 bài viết đã được đăng trên blog Science-Tecnology

Giáo sư John Vũ là một người Mỹ gốc Việt có những đóng góp rất lớn về nghiên cứu khoa học kỹ thuật, đặc biệt trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo đối với thế hệ trẻ. Giáo sư John Vu là một nhà khoa học nổi tiếng ở nước Mỹ đứng trong Top 10 những người sáng tạo nhất thế giới, đứng đầu là Bill Gates và Steve Jobs

Hiện nay, Giáo sư John Vũ kiêm Viện Trưởng Viện nghiên cứu phần mềm của Đại học Carnegie Mellon, và là Nghiên cứu viên kĩ thuật và Kĩ sư trưởng Công nghệ Thông tin tại Boeing. Trước khi công tác tại Tập đoàn Boeing, ông John Vũ làm việc tại Teradyne Semiconductor; Hewlett Packard, Litton Industries, Motorola và GTE

Ông có giữ nhiều chức vụ quan trọng và công trình lớn. Trong 15 năm làm việc ở Boeing, ông đã từng tham gia vào chương trình phần mềm hỗ trợ cho máy bay Boeing 777 và là nhà vô địch về cải tiến qui trình ở Boeing với những kết quả có ý nghĩa. Ông đã đào tạo hơn 10 000 kĩ sư phần mềm; tiến hành trên 100 cuộc thẩm định

Ông từng giữ vị trí Phó Chủ Tịch - Vice President phụ trách tất cả vấn đề về kỹ thuật của tập đoàn Boeing (CMM/CMMI). Ông cũng là sáng lập viên của SPIN Seatle và quản lý tổ chức này từ 1996 tới 2003. Ông đã từ chối nhận nhiều giải thưởng rất uy tín của Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ và từ chối các cuộc phỏng vấn của các hãng thông tấn uy tín. Gần đây Giáo sư John Vũ từ chối gặp Tổng thống Obama khi ông Obama đến thăm Đại học Carnegie Mellon

Giáo sư John Vũ cũng được biết đến như một nhà khoa học, kỹ sư phần mềm có nhiều đóng góp đến lĩnh vực Công nghệ Thông tin. Ông John Vũ là một nhà khoa học cố vấn tại Viện Kỹ sư Phần mềm (Software Engineering Institute – SEI). SEI là nơi ông John Vũ đã tập trung phát triển một số mô hình đánh giá năng lực sản xuất phần mềm (Capability Maturity Model – CMM) đang được áp dụng rộng rãi trong ngành CNTT hiện nay như SW-CMM, CMMI, People-CMM, Acquisition-CMM và e-Business CMM. Ngoài ra, ông được ngành công nghiệp phần mềm thế giới thừa nhận với việc đóng góp thiết lập các trung tâm chất lượng phần mềm ở Ấn Độ, Trung Quốc, Nga, Nam Triều Tiên, Nhật Bản và nhiều nước khác trên thế giới

Đặc biệt trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, Giáo sư John Vũ luôn quan tâm đến thế hệ trẻ - nguồn nhân lực chủ chốt về việc chọn lựa nghề nghiệp và hướng đến những ngành tiềm năng. Giáo sư John Vũ đã viết trên bốn mươi bài báo và xuất bản ba tập sách về phần mềm và các hệ thống thông tin nhằm cung cấp thông tin mới và hướng thế hệ trẻ tiếp cận những công nghệ hiện đại mới nhất. Quyển sách mới nhất của ông về công nghệ phần mềm đã được dịch sang tiếng Trung, tiếng Hàn và hiện đang được sử dụng như sách giáo khoa của một số trường địa học tại đó

Giáo sư John Vũ cũng đặc biệt quan tâm đến những ngành như Hệ thống Thông tin Quản lý và trong đó có chuyên mục chuyên sâu gồm 87 bài viết vô cùng hữu ích cho sinh viên Việt Nam được đưa lên website của ông. Trang Web tập hợp các thắc mắc của sinh viên cũng như cập nhật những vấn đề, thực trạng về chuyên ngành Hệ thống Thông tin Quản lý. Sau khi đọc những bài viết bổ ích của giáo sư John Vũ, các bạn sẽ được tháo gỡ những vướng mắc về chuyên ngành đang học cũng như có cái nhìn khái quát về ngành Hệ thống Thông tin Quản lý qua góc nhìn đa dạng, nhiều chiều của giáo sư John Vũ

GS John Vũ - http://science-technology.vn
 
Last edited:
Dạy khởi nghiệp
Một người bạn hỏi: “Nếu khởi nghiệp là “khoa học” mà có thể được dạy và được tái tạo lại thì làm sao các nước đang phát triển có thể dạy cho sinh viên là nhà doanh nghiệp, tạo ra các công ty khởi nghiệp để cải tiến nền kinh tế, và giải quyết vấn đề thất nghiệp ?”

Tôi bảo anh ấy: “Điều đó phải bắt đầu bằng việc thúc đẩy nhiều hơn về khoa học, công nghệ, kĩ nghệ và toán học (STEM) vì chúng là nền tảng của phát kiến. Không có phát kiến công nghệ, sẽ khó cho các nhà doanh nghiệp tạo ra các công ty khởi nghiệp mà có thể làm nên khác biệt cho nền kinh tế”

Khi tôi dạy ở châu Á, tôi nghe nhiều cuộc nói chuyện về khởi nghiệp và công ty khởi nghiệp nhưng tôi không thấy mấy hành động. Khi tới thăm các đại học, tôi thấy các lớp khởi nghiệp phần lớn được dạy trong trường Kinh doanh nơi sinh viên học về kinh tế, quản lí và tài chính. Một giáo sư bảo tôi rằng họ có chương trình để dạy cho sinh viên về cách bắt đầu công ty nhưng cho dù sinh viên có tạo ra công ty khởi nghiệp, sau một thời gian ngắn, phần lớn đều thất bại. Tôi giải thích cho ông ấy rằng khởi nghiệp công nghệ nên được dạy trong trường Công nghệ chứ không trong trường Kinh doanh. Sai lầm thường phạm phải của trường Kinh doanh là họ đối xử với công ty khởi nghiệp hệt như một công ty nhỏ. Nhưng công ti khởi nghiệp KHÔNG phải là công ty nhỏ. Công ty là một doanh nghiệp có tri thức về khách hàng, sản phẩm hay dịch vụ cũng như thị trường. Công ty khởi nghiệp là một “tổ chức lâm thời” đang tìm kiếm khách hàng và tìm cách kinh doanh nơi thị trường vẫn còn chưa được biết tới

Giáo dục về công ty khởi nghiệp nên hội tụ vào việc tạo ra các sản phẩm phát kiến mà có thể giải quyết các vấn đề hay đáp ứng một nhu cầu trước hết, chứ không phải là cách bắt đầu một công ty. Do đó việc dạy về khởi nghiệp cho sinh viên khoa học hay công nghệ là cách tiếp cận logic. Mục đích tối thượng của công ti khởi nghiệp công nghệ là phá vỡ thị trường bằng việc đem tới giá trị mới cho nhiều người, và đồng thời tạo ra việc làm mới, thị trường mới, và ngành công nghiệp mới. Vấn đề với đào tạo kinh doanh là sinh viên thường theo các qui tắc kinh doanh nào đó, các lí thuyết kinh tế, phương pháp luận tài chính và xây dựng bản kế hoạch kinh doanh để cho mọi điều họ cần là tuân theo cùng các qui trình mà phần lớn các công ty lớn đang làm để đưa sản phẩm ra thị trường. Nhưng khởi nghiệp không giống như thế vì sản phẩm của họ còn chưa được biết tới, khách hàng của họ còn chưa được biết tới, thị trường của họ là chưa được biết tới và doanh nghiệp của họ cũng không được ai biết tới. Vì có nhiều bất định thế, bạn không thể coi công ty khởi nghiệp là công ty nhỏ được

Về căn bản, khởi nghiệp không phải là việc làm; nó là việc kinh doanh rất mạo hiểm. Nó không dễ nhưng mọi người thường tô điểm thành công của nó cho dù có nhiều thất bại tới mức cần phải được dạy để cho sinh viên có thể học được từ sai lầm của người khác. Mọi người đều muốn là Bill Gates hay Steve Jobs và vấn đề là nhiều đào tạo khởi nghiệp đang hội tụ chủ yếu vào vinh quang chứ không vào thất bại. Sinh viên được mong đợi sẽ làm ra nhiều tiền trước khi họ được dạy cho về gia tăng giá trị cho thị trường. Chủ định của khởi nghiệp không phải là làm ra tiền mà để tạo ra các sản phẩm có giá trị có thể làm thay đổi cách mọi người làm việc hay làm cho thế giới này thành chỗ tốt hơn. Tiền chỉ là kết quả của việc cung cấp giải pháp thành công để giải quyết vấn đề.

Vì có nhiều công ty khởi nghiệp thế bị thất bại, sinh viên phải được dạy cho cách xử trí với thất bại trước hết. Nếu họ không sẵn lòng vượt qua thất bại, họ không bao giờ thành công. Vấn đề chính cho nhiều nhà doanh nghiệp, đặc biệt ở châu Á là họ không có môi trường nơi họ có thể trao đổi các ý tưởng và học từ người khác. Rất khó tìm ra người cố vấn giỏi. Phần lớn các nhà doanh nghiệp châu Á đều tự họ làm việc, ở chỗ biệt lập, dựa trên suy nghĩ và tính sáng tạo riêng của họ. Tôi nghĩ đại học nên tạo ra môi trường cho những nhà doanh nghiệp này để đáp ứng và thảo luận về các ý tưởng của họ với nhau. Các lớp khởi nghiệp nên là chỗ mà ở đó sinh viên dành thời gian cùng người khác hay các nhà doanh nghiệp có kinh nghiệm để thảo luận về các ý tưởng về cách đưa ý tưởng của họ ra thị trường

Khởi nghiệp phần nhiều là về làm vì nó là về việc biết, sinh viên phải học bằng cách làm thay vì ghi nhớ các lí thuyết về khởi nghiệp. Đó là lí do tại sao cách tiếp cận “học qua hành” là hoàn hảo cho kiểu học này. Để dạy khởi nghiệp, sinh viên sẽ phải thất bại vài lần xem như “kinh nghiệm học tập” trong các bài tập của lớp để cho họ có thể xây dựng nên tính kiên cường và tính cách của họ. Một nhà doanh nghiệp thành công nổi tiếng đã nói: “Sai lầm lớn nhất của tôi đã đưa tôi tới kinh nghiệm học tập lớn nhất và chung cuộc tới thành công của tôi.” Thay vì dạy về tài chính, kinh tế và quản lí, lớp khởi nghiệp phải dạy về tổn thất tâm lí liên kết với thất bại, giảm thiểu rủi ro, và phát triển cá nhân và đó là lí do tại sao tôi tin dạy khởi nghiệp trong chương trình kinh doanh là không hiệu quả
 
Last edited:
Một người bạn đồng nghiệp của tôi tại Carnegie Mellon, giáo sư Luis Von Ahn, người đã sáng tạo ra nhiều công ty khởi nghiệp như CAPTCHA (Google đã mua công ty này) ESP games (Google đã mua công ty này nữa) và reCAPTCHA (Google cũng mua luôn) Tôi vẫn thường nói đùa rằng mỗi khi nghe nói Von Ahn khởi nghiệp gì đó thì Google lập tức đến thăm hỏi ngay nên Von Ahn kiếm khá lắm

Tuy nhiên Von Ahn không ngừng ở đó, hình trong anh có giòng máu khởi nghiệp thì phải. Mặc dù anh cũng dạy nhiều môn như tôi và cũng viết rất nhiều tài liệu nghiên cứu giá trị, anh vẫn liên tiếp nghĩ về những điều mới lạ để thách thức chính mình. Vài năm trước, anh nói với tôi "Toàn cầu hoà đòi hỏi mọi người trao đổi, giao dịch nhưng không phải ai cũng biết tiếng Anh, do đó anh lại khởi nghiệp thêm một lần nữa và tạo ra Duolingo, một phần mềm dạy ngoại ngữ cho tất cả mọi người muốn học"

Dù bạn già hay trẻ, trình độ học vấn cao hay thấp, bạn đều có thể học ngoại ngữ, không phải một ngôn ngữ mà rất nhiều ngôn ngữ trên thế giới. Bạn muốn học tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Tây Ban Nha, tiếng Ý, tiếng Nga, tiếng Trung, tiếng Hàn, tiếng Nhật và cả tiếng Việt nữa. Duolingo dậy được hết và miễn phí

Bạn chỉ việc bỏ ra ít giờ mỗi ngày, trong vài tháng là có thể thông thạo ngoại ngữ. Bạn có thể dùng Laptop, điện thoại thông minh, máy tính bảng để học và học bất cứ lúc nào miễn phí

Hiện nay Duolingo được Apple săn đón rất kỹ và được coi là phần mềm hay nhất của iPhone (iPhone App of the Year) va Google cũng đề cao phần mềm này như phần mềm dạy ngôn ngữ tuyệt vời nhất năm 2013, 2014

Nếu các bạn muốn học ngoại ngữ, thử học Duolingo xem sao ?

https://incubator.duolingo.com/
https://www.duolingo.com/
 
Last edited:
Hè năm ngoái tôi đã đi dạy với Bill G. và học được rất nhiều qua kinh nghiệm của người giám đốc điều hành doanh nghiệp này. Khi đi qua nhiều nước, chúng tôi thường xếp hàng ở sân bay. Bill quan sát: “Ông có thể thấy ở một số nước, mọi người chờ đợi kiên nhẫn cho đến lượt họ nhưng ở các nước khác, mọi người thường chen lấn xô đẩy. Mọi người mua vé đều có chỗ trên máy bay rồi vậy sao họ phải xô đẩy người khác ? Dường như là giáo dục của họ thiếu đào tạo phép xã giao và sự tự trọng

Nước này vẫn muốn trở thành quốc gia lãnh đạo thế giới nhưng cứ nhìn vào dân chúng sô bồ, hỗn loạn, chen lấn và thiếu tự trọng này thì còn lâu họ mới lấy được sự kính trọng của những quốc gia khác. Họ có thể có sức mạnh kinh tế nhưng muốn đi xa hơn thì còn lâu lắm vì kinh tế là một chuyện nhưng dân trí lại là một chuyện khác. Không phải to tát, lớn lao là quan trọng nhưng thường những điều nhỏ bé xác định ra hệ thống giáo dục của họ tốt thế nào. Chính hành vi của những người dân xứ đó xác định ra liệu một nước đó có là “đẳng cấp thế giới” (World Class) hay không. Một con heo có thể thoa son dồi phấn nhưng nó vẫn là một con heo phải không ?”

Khi rời khỏi nước này, Bill kết luận: “Quốc gia này còn phải học nhiều vì không có hệ thống dịch vụ tốt ở đây. Cả nước đang hội tụ vào phát triển sản phẩm để xuất khẩu tối đa nhưng họ sẽ không đi xa được nữa. Họ có thể hiểu kinh doanh sản phẩm nhưng không hiểu kinh doanh con người. Toàn thể nền kinh tế là về xây dựng thật nhiều cơ xưởng, sao chép mọi thứ, và xây dựng nhiều sản phẩm giá rẻ nhưng không cần chất lượng cao nghĩa là họ không nghĩ gì đến khách hàng mà chỉ nghĩ đến quyền lợi của họ. Họ muốn xây dựng mọi thứ, sản phẩm lớn, sản phẩm nhỏ nhưng họ sẽ không bao giờ thành công vì không hiểu nhu cầu của khách hàng; họ không có ý tưởng nào về sự thoả mãn của khách hàng. Từ người quản lí khách sạn tới người phục vụ nhà hàng, từ quan chức mức cao tới công nhân mức thấp, tất cả họ đều hành động y hệt như nhau, cứ vội vàng làm gì đó nhanh chóng mà không suy nghĩ. Chúng ta đã tham quan rất nhiều cơ xưởng và nếu chú ý, ông sẽ thấy rằng phần lớn các cơ xưởng đều có giám thị người ngoại quốc và phần lớn các công ty đều có người tiếp thị ngoại quốc bởi vì người của họ không thể làm điều đó. Đó là làm kinh doanh “nửa đường” vì sản phẩm không thể thành công nếu không có dịch vụ, và chính dịch vụ đem khách hàng trở lại.”

Một ngày ở Hàn Quốc, chúng tôi phạm sai lầm bởi việc đi sai chỗ cách xa khách sạn của chúng tôi vài dãy phố. Trời tối khi chúng tôi hỏi đường nhưng không mấy ai nói được tiếng Anh. Cuối cùng một sinh viên đi tới, anh chỉ cho chúng tôi hướng đi tới khách sạn nhưng ngần ngại: “Dễ lạc lắm vì có vài chỗ rẽ phải và rẽ trái và bây giờ đã khuya rồi và rất khó đi khi trời tối, các ông có thể bị lạc lần nữa. ” Thế là anh ta đề nghị đi cùng chúng tôi tới khách sạn để chắc rằng chúng tôi sẽ không bị lạc. Chúng tôi bước đi quãng mười lăm phút cho tới khách sạn. Khi chúng tôi cám ơn người sinh viên, Bill đề nghị anh ta ăn tối với chúng tôi nhưng anh từ chối vì cần về nhà. Vào lúc đó chúng tôi thấy rằng anh ta phải đi lộn lại theo hướng ngược với chỗ chúng tôi bị lạc. Sự kiện là một thanh niên sẵn lòng giúp người lạ cho dù phải đi ngược lại trong đêm tối đã gây ấn tượng cho cả hai chúng tôi

Bill bảo tôi “Khi một thanh niên của một quốc gia hành động như vậy, nước đó có tương lai. Đó là điều một quốc gia có đẳng cấp thế giới (World Class)”

Theo Bill, “đẳng cấp thế giới” không phải là nền kinh tế mạnh hay có bao nhiêu triệu phú hay tỉ phú, bao nhiêu đại học hay nhà chuyên môn mà đẳng cấp thế giới là về cách công dân của nó hành động ra sao”
 
Last edited:
Tuần trước tôi đọc một bài ngắn của tác giả Vernon Gunnarson về công ty Amazon mà tôi muốn chia sẻ với các bạn

Amazon là một trong những công ty trực tuyến lớn nhất ngày nay với hàng tỉ đô la thu nhập nhưng mười lăm năm trước, nó chỉ là một công ty khởi nghiệp nhỏ bán sách trực tuyến. Làm sao một công ty nhỏ trở thành một công ty trực tuyến lớn nhất trên thế giới trong thời gian ngắn như thế ?

Theo bài báo này, chính viễn kiến của người sáng lập ra công ty, Jeff Bezos đã góp phần phát triển từ một công ty khởi nghiệp tí hon trở thành một công ty toàn cầu khổng lồ. Trong bức thư gửi cho những nhân viên quản lí ngay sau khi Amazon thành lập, ông Bezos đã viết về chiến lược thuê người cho công ty

“Không khởi nghiệp nào có thể đạt được kết quả thành công trong môi trường năng động như Internet nếu không có những nhân viên phi thường với kĩ năng kỹ thuật chuyên môn thật rộng và thật sâu. Công ty của chúng ta phải xây dựng trên căn bản tìm ra được những người này ...”

Ngay trong những năm đầu, Amazon đã chú trọng đến việc thuê những công nhân tài năng nhất dựa trên viễn kiến của ông ấy gồm ba yếu tố

Yếu tố thứ nhất là về sự “ngưỡng mộ.” (Admiration): Người quản lí phải biết “ngưỡng mộ” những nhân viên mà họ thuê vào làm việc cho họ. Ngoài ra người quản lí phải làm gương cho nhân viên của mình qua cách cư xử với họ và có kĩ năng gì mà các nhân viên có thể học được. Từ tiêu chí này, chuẩn thuê người từ cấp quản lí đến cấp nhân viên đều được được giữ rất cao

Yếu tố thứ hai là về sự “tăng trưởng công ty”. Tất cả nhân viên sẽ phải góp phần phát triển cho công ty trong việc tăng trường kinh doanh với các ý tưởng mới, kĩ nàng mới và phát kiến mới. Điều này có nghĩa là mọi người đều phải hướng tới tương lai và có kĩ năng mới đóng góp cho công ti. Jeff Bezos viết: “Mỗi năm chuẩn thuê người phải liên tục tăng lên. Tôi yêu cầu mọi người hình dung (Visualize) về công ty trong năm năm sắp đến sẽ như thế nào, phat triển ra sao ? Với công nghệ mới nào? Phải liên tục cải tiến không ngừng. Điều này có nghĩa, mọi nhân viên đều phải nhìn vào tiêu chuẩn mới hàng năm và trả lời “Mặc dù tiêu chí lên cao thế nhưng tôi vẫn đạt được nó ’”

Yếu tố cuối cùng là "Văn Hóa công ty" (Company culture) hay mối quan tâm đóng góp cho văn hoá của công ty và nâng cao môi trường làm việc. Việc làm không phải khô khan hãy nhàm chán mà nhân viên phải có thêm những thứ giải trí khác và hoạt động khác không liên quan tới việc làm. Ông ấy nêu ví dụ về một nhân viên cũng là nhà vô địch chính tả quốc gia (National Spelling Bee) hay đúng hàng thứ hai trong hoạt động thể thao trong tiểu bang

Đã hơn 15 năm từ khi Bezos đưa ra viễn kiến này cho Amazon nhưng nó vẫn được coi như "khuôn vàng, thước ngọc" cho mọi nhân viên. Với thành công tăng trưởng và mở rộng trên nhiều lĩnh vực, từ bán hàng trực tuyến (online business) đến điện toán mây (cloud Computing), và giao hàng bằng phi cơ không người lái (Drone delivery) và gần đây là phóng phi thuyền lên không gian (Satellite and Space business) người ta phải công nhân rằng chính việc tìm kiếm những người có kĩ năng kỹ thuật cao ngay từ lúc đầu đã là yếu tố quan trọng dẫn lái cho thành công của Amazon.
Năm nay (2016) Jeff Bezos đã trở thành người giàu thứ nam trên thế giới, sau Bill Gates, Amancio Ortega, Carlos Slim và Warren Buffett. Amazon hiện là một trong những công ty có nhiều triệu phú hơn những công ty khác. Tôi không ngạc nhiên khi thấy mỗi tháng hàng nghìn người nộp đơn xin vào làm việc nơi đây

Ngày nay bài học chính cho mọi công ty khởi nghiệp là phải có những nhân viên kĩ năng cao và chuyên sâu vì sự cạnh tranh rất gay go. Thành công tuỳ thuộc vào tài năng của người trong công ty và nếu không biết điều này, bạn phải học từ bài học này. Để tăng trưởng công ty, bạn phải trước nhất có những chuẩn thuê người chọn lọc. Chừng nào bạn có thể liên tục nâng chuẩn lên cao, bạn sẽ có tài năng giỏi nhất trong bất kì điều gì bạn làm
 
Last edited:
Đối thoại ở thung lũng Silicon
Trong bữa tối với những người bạn ở Thung lũng Silicon, bạn tôi Vikash nói “Phần lớn công ty khởi nghiệp công nghệ ở đây được tạo nên bởi các kỹ sư Ấn Độ”

Bốn mươi năm trước, khi những người di cư Ấn Độ bắt đầu tới Mỹ, họ không bao giờ nghĩ mình có thể thành công như người đi trước - Trung Quốc hay Nhật Bản. Nhưng trong hai mươi năm qua, rất nhiều người Ấn Độ đã làm việc và thành công ở đây hơn những nhóm người di cư khác. Chẳng hạn, Sundar Pichai - CEO của Google, Satya Nadella - CEO của Microsoft, Santana Narayen - CEO của Adobe, và nhiều nghìn người nắm những vị trí quản lý cấp cao. "Chúng tôi thậm chí còn vươn tới các ngành công nghiệp khác, các bạn có thể thấy Indira Nooyi - CEO của Pepsi Cola, Vikram Pandit - CEO của Citi group, và nhiều người nữa", Vikash tiếp

Tôi ngạc nhiên: "Đó là thông tin thú vị đây, nhưng tôi tự hỏi cái gì đã xảy ra cho những nhóm khác như người Trung Quốc và Nhật Bản?". Vikash giải thích, rằng phần lớn người di cư Trung Quốc đều hội tụ vào kinh doanh nhỏ, như thương mại, nhập khẩu, xuất khẩu hay nhà hàng; đa số người Nhật Bản đã quan tâm tới việc làm trong chính phủ, nhưng ít người chú ý tới khu vực công nghệ. Người Ấn Độ nắm lấy cơ hội này và trở nên thành công nhất trong số những người di cư trong công nghiệp công nghệ

Vikash lý giải tiếp cho câu hỏi tại sao sau đó của tôi. Một trong những thành công then chốt của người Ấn là họ có nhiều thông tin về thị trường việc làm. Chẳng hạn, phần lớn người di cư Trung Quốc đều lấy thông tin từ gia đình và họ hàng. Truyền thống gia đình vẫn ảnh hưởng tới quyết định của họ. Nếu bố mẹ sở hữu nhà hàng, con cái đi theo bằng việc mở nhà hàng. Còn người Ấn đều đi theo cái mới một cách cẩn thận. Họ đọc nhiều về thị trường việc làm và xu hướng xã hội, và họ chia sẻ thông tin về công nghệ và cơ hội việc làm rộng rãi bằng hàng nghìn blogs, tài khoản mạng xã hội

Khi thị trường công nghệ Mỹ đòi hỏi các kỹ năng đặc biệt, nhiều người Ấn biết điều đó, nhanh chóng để học những kỹ năng này. Mơ ước của thanh niên Ấn Độ là thoát khỏi nghèo nàn bằng cách làm việc ở Mỹ. Và việc thiếu hụt kỹ năng ở Mỹ mở ra cánh cửa cho họ

Ramesh, một người bạn khác, nói thêm: "Một trong những ưu thế là chúng tôi nói tiếng Anh rất tốt khi so sánh với những người di cư khác". Vì ưu thế này, sinh viên Ấn Độ học tốt ở đại học cũng như làm tốt ở công ty vì có kỹ năng giao tiếp. Nếu nhìn xa hơn, ta sẽ thấy người Ấn không chỉ thành công ở Mỹ mà còn ở các nước khác như Singapore, Anh, Đức, Australia, và Scandinavia

Tôi không chịu: "Nhưng ngày nay nhiều người Trung Quốc và người Nhật Bản cũng nói tiếng Anh tốt nữa. Cái gì ngăn cản họ đạt tới thành công mà người Ấn có được?". Vikash trả lời ngay: "Đó là khía cạnh văn hoá. Bởi lý do nào đó, nhiều người không chia sẻ thông tin với người khác mà giữ nó cho bản thân họ. Chẳng hạn, khi Google đi tìm những kỹ năng nào đó, trong vòng vài phút, phần lớn các blogs và trang Facebook ở Ấn Độ đều đăng tin này nhưng anh không thấy điều đó ở các nước khác"

Có nhiều blogs cung cấp lời khuyên và hỗ trợ kỹ năng trên khắp Ấn Độ. Những người khác nắm bắt và tìm cách đáp ứng. "Chúng tôi tin cách tốt nhất để khuyến khích thanh niên học là cung cấp nhiều thông tin hơn, nhiều tin tức công nghệ hơn về các cơ hội việc làm và điều công nghiệp cần - không chỉ ở Mỹ mà mọi nơi khác", Vikash nói

Như lời anh nói, ngày nay internet là công cụ mạnh kết nối những người Ấn Độ làm việc ở hải ngoại và sống ở nước nhà. Ta có thể thấy rằng ở bất kì nước nào có công nghiệp công nghệ mạnh sẽ có các kĩ sư Ấn Độ ở đó. Anh tiếp: "Công nghệ càng tiến bộ, càng tốt hơn cho người Ấn vì tất cả chúng tôi đều biết cách nắm lấy cơ hội để tạo ra việc sống trong thế kỉ 21"

Báo cáo Công nghiệp năm 2019 toàn cầu dùng từ "nóng" cho thị trường kỹ sư phần mềm ở Mỹ do thiếu hụt người có kỹ năng và cạnh tranh trong các công ty hàng đầu như Google, Facebook, Microsoft và Apple. Năm năm qua, số sinh viên ghi danh vào ngành Khoa học máy tính, Kỹ nghệ phần mềm đã tăng trên 30% nhưng vẫn không đủ đáp ứng nhu cầu. Điều được dự báo là việc thiếu hụt này sẽ tiếp tục trong ít nhất bảy năm nữa

Phải học cái gì để có nghề nghiệp thành công trong một thế giới nơi công nghệ đang dẫn lái mọi thứ? Điều gì xảy ra nếu tôi không thể vào được đại học? Cách tốt nhất là gì để sống còn trong thị trường thay đổi thường xuyên này? Đó là những câu hỏi tôi đã nhận được mọi tuần từ nhiều người trên khắp thế giới kể từ khi blog của tôi được dịch sang nhiều thứ tiếng. Nhiều bố mẹ đã hỏi tôi: "Thầy sẽ khuyên con tôi học khoa học máy tính hay công nghệ thông tin chứ? Thầy sẽ khuyên chúng vào đại học nào đó như thầy đã vào chứ?". Câu trả lời của tôi là: "Điều đó phải tuỳ vào con bạn sau khi chúng nghiên cứu về trường và môn học chúng muốn"

Phần lớn các bố mẹ đều muốn con họ vào đại học và có bằng cấp. Nhưng đại học không dành cho mọi người, một số người sẽ học tốt nhưng những người khác có thể không học tốt và bị phí thời gian ở đó. Ngày nay, bằng cấp không đảm bảo cái gì nhưng nhiều bố mẹ vẫn muốn con họ vào đại học vì đó là niềm tự hào của gia đình và là một phần của văn hoá đã tồn tại trong nhiều thế kỷ

Tuy nhiên, có nhiều phương án khác như trường trực tuyến, các môn học trực tuyến mở cho đại chúng (MOOCs) và các chương trình đào tạo được thiết kế cho một lĩnh vực đặc thù nhưng giúp người học phát triển những kỹ năng cần thiết để họ có việc làm tốt. Phần lớn các môn học trực tuyến tại edX, Coursera, Udemy đều hội tụ vào kết quả vì chúng ngắn và thực tế. Và phần lớn các môn học trực tuyến trên mạng mở cho bất kỳ ai, không tính tiền (nếu bạn cần chứng chỉ thì mới phải nộp 20 tới 50 USD). Nhưng bằng việc đi qua các môn này, người học sẽ có kết quả ngay lập tức và hiểu ra điều họ muốn và có thể không muốn. Tôi cho rằng, rất đáng dành ra vài tháng học các môn này trước khi quyết định rằng vào đại học có thể tốt hơn cho bạn hay không

Người học ngày nay cần chủ động hơn vì học để thành người độc lập và để xác định tương lai, điều mình muốn làm với cuộc đời, để nhận biết bản thân cũng như thị trường việc làm. Người có giáo dục không phải là người có tri thức chuyên môn hay bằng cấp mà là người hiểu biết bản thân mình và phát triển một tâm trí mạnh để có thể học bất kì cái gì muốn học. Người có giáo dục cũng thường đọc nhiều sách hữu dụng để giáo dục bản thân mình vì việc đọc có thể ảnh hưởng tới tâm trí và thái độ của họ trong cuộc sống. Vấn đề là ngày nay, nhiều người không đọc gì thêm mà để các phương tiện khác kiểm soát họ. Xem thụ động video trên YouTube, đọc mọi thứ trên Facebook, Twitter có thể làm lãng phí nhiều thời gian

Hiện tượng người Ấn Độ thành công ở Thung lũng Silicon cho thấy, trong thế giới đang thay đổi nhanh chóng này, có kỹ năng tốt là chưa đủ. Bạn phải có tính dự ứng bằng việc liên tục chia sẻ, tìm hiểu và tự học nếu bạn muốn giữ việc làm tốt

Giáo dục chính thức (tại trường học) kết thúc và bạn có bằng cấp. Nhưng nó chỉ là bắt đầu. Bạn phải liên tục tự học khi mọi thứ thay đổi quá nhanh, bạn cần giữ cho mình bắt kịp thế giới và sẽ được đánh giá bởi điều bạn biết. Khi ở trong trường, bạn dành vài tuần để học trước kì thi và đỗ nó, quan trọng để được điểm tốt và bằng cấp. Nhưng sau khi tốt nghiệp, bạn sẽ khám phá ra rằng "giáo dục thực" bắt đầu sau giáo dục chính thức khi bạn học về việc làm, về trách nhiệm, về tương tác với người khác và các kỹ năng mềm mà bạn đã không được học trong trường. Khi đó, bạn bắt đầu cuộc sống độc lập riêng của bạn. Không có điểm số, không bằng cấp, không đánh giá, không đỗ hay trượt nhưng bạn phải tạo ra qui tắc riêng của bạn, việc học riêng của bạn, và cuộc sống riêng của bạn

Bạn sống thế nào, bạn làm việc thế nào, bạn phản ứng thế nào, bạn hỗ trợ gia đình, xã hội và bạn giáo dục bản thân thế nào để đối diện với "cuộc sống thực" - điều đó sẽ định vị hạnh phúc và thành công của bạn

John Vũ
 
Thế giới của ngày mai đang và sẽ rất khác so với ngày hôm nay
Thư Giáo sư John Vu từ phương xa gửi các bạn trẻ Việt Nam

Thế giới của ngày mai đang và sẽ rất khác so với ngày hôm nay

Tuổi trẻ một đời người là quí nhất - đã qua đi không bao giờ trở lại

Nhưng ở một góc nhìn khác - hãy trẻ trung, rộng mở trong tâm hồn - dù năm tháng thời gian có trôi qua - dù bạn vẫn có thể chưa kịp hiện thực một số việc cần làm

Bởi vì chỉ có người trẻ và có tâm hồn trẻ mới chịu học hỏi, thay đổi và điều chỉnh mình - người lớn tuổi hay người già trong tâm hồn làm điều đó khó hơn rất nhiều

“Với nhân cách, tính cách, ý chí mạnh, bạn sẽ có khả năng vượt qua tất cả để làm nên điều lớn lao”

Các bạn trẻ thân mến, khi nhiều người trong các bạn đang nhìn tới tương lai, bạn nên biết rằng thế giới của tương lai sẽ rất khác với thế giới của ngày nay. (Những biến cố đang diễn ra trên thế giới này từng ngày đã minh chứng cho điều đó)

Cho dù là sinh viên, bạn cần được chuẩn bị để giải quyết với những khác biệt này. Bạn sẽ phải đối diện nhiều vấn đề, nhưng phần lớn vấn đề sẽ không được giải quyết bởi một cá nhân, một công ty, hay thậm chí bởi một quốc gia mà bởi tập thể nhiều người và nhiều nước cùng làm việc với nhau. Tuy nhiên, vào lúc này, tôi không thấy khả năng của điều đó sẽ xảy ra vì cách nhìn của nhiều người vẫn còn giữ cái nhìn cô lập, hạn hẹp

Một người quản lí cấp cao có lần đã nói với tôi: “Nếu điều đó không xảy ra cho tôi, tôi không phải lo nghĩ về nó.” Nhưng tôi hi vọng rằng là người có giáo dục, bạn và những bạn trẻ thuộc thế hệ của bạn sẽ có cái nhìn khác

Vấn đề thứ nhất mà nhiều người trong các bạn sẽ phải đối diện là việc phá huỷ môi trường. Mặc dầu nó xảy ra ở mọi nơi, ở mọi nước, nhưng một số nước có vấn đề nghiêm trọng hơn các nước khác. Ngày nay, nhiều con sông, ao, hồ và thậm chí cả đại dương bị ô nhiễm cao bởi các chất phế thải độc hại của các cơ xưởng

Theo một số khảo cứu, trong vòng mười năm tới, không sinh vật dưới nước nào có thể sống sót được trong loại nước độc này và điều đó sẽ gây ra sự thiếu hụt lương thực và nạn đói. Một nhà kinh tế nổi tiếng đã cảnh báo: “Các nước có đủ lương thực và nước sạch sẽ kiểm soát thế giới trong thế kỉ 21”

Chẳng bao lâu thế hệ các bạn sẽ đối diện với những câu hỏi: “Điều gì sẽ xảy ra nếu môi trường độc thế và không có nước sạch ? Điều gì sẽ xảy ra nếu đất nước đối diện với nạn đói và khan hiếm lương thực ?

Điều gì sẽ xảy ra một khi suy thoái kinh tế toàn cầu phải đến”. Bạn có thể chấp nhận được quan niệm rằng một khi nếu nó chưa xảy ra, bạn không phải lo nghĩ về điều đó phải không ?

Vấn đề thứ hai là mất việc làm do tiến bộ công nghệ. Với các cơ xưởng được tự động hoá đầy đủ và rô bốt thông minh, không chỉ công nhân cơ xưởng sẽ mất việc của họ, mà cả công nhân văn phòng cũng mất việc. Với tiến bộ của trí tuệ nhân tạo (AI), nhiều máy móc đang trở nên thông minh hơn và có thể làm được nhiều điều mà con người không thể hình dung được chúng có thể làm

Nhiều tháng trước, tại Carnegie Mellon, chúng tôi đã lập trình cho nhiều rô bốt chơi cờ dùng thuật toán thông minh phức tạp. Điều làm chúng tôi ngạc nhiên là các rô bốt học cách lừa lẫn nhau để thắng trò chơi. Trong nhiều năm, rô bốt chỉ làm bất kì cái gì chúng ta lập trình cho chúng làm, nhưng gần đây sau khi chúng tôi thêm các thuật toán “học máy” thì rô bốt có thể nghĩ cho bản thân chúng. Đột nhiên, chúng tôi quan sát thấy rằng nhiều rô bốt bắt đầu cộng tác với robot khác để lừa

Bây giờ chúng ta đang đối diện với nhiều câu hỏi: Điều gì sẽ xảy ra cho thế giới của chúng ta ? Điều gì sẽ xảy ra nếu trí tuệ nhân tạo sẽ vượt trí tuệ con người? Điều gì sẽ xảy ra khi rô bốt thông minh hơn con người

Trong nhiều năm dạy ở nhiều nước, tôi đã thấy nhiều việc làm biến mất và bị thay thế bởi các qui trình “tự động hoá” nhưng bao nhiêu người chú ý tới vấn đề thất nghiệp cao trong các công nhân lao động và những người có việc làm đang bị thay thế. Cách nhìn của họ là “nếu nó không xảy ra cho họ, họ không lo nghĩ về nó.” Nhưng bao nhiêu người đã thấy hiệu quả tàn phá của thất nghiệp cao trong những thanh niên mà không có hi vọng và không có tương lai ?

Mùa hè năm ngoái, tôi đã có buổi nói chuyện tại cuộc hội nghị giáo dục và đã nêu ra vấn đề này, một người trong các thính giả đã bình luận: “Tại sao ông bận tâm tới vấn đề thất nghiệp trong cuộc hội nghị về giáo dục ? Đó là vấn đề của chính phủ và vấn đề kinh tế, không phải vấn đề giáo dục”

Tôi trả lời: “Không thưa ngài, nó là vấn đề của chúng ta vì nếu chúng ta không giải quyết vấn đề giáo dục để cung cấp việc làm cho mọi người, chúng ta sẽ phải giải quyết vấn đề của những người không có tương lai, không việc làm, không phương hướng và ông nghĩ những người giận dữ này sẽ làm gì? Ông có thể thấy câu trả lời rõ ràng trong một số nước ở Trung Đông và châu Phi nơi những kẻ cực đoan và kẻ khủng bố đang hoạt động bây giờ. Nếu mọi người không được giáo dục thích hợp về việc bảo vệ môi trường của họ, chúng ta sẽ phải giải quyết các vấn đề về nạn đói và bệnh tật lan khắp thế giới. Nếu mọi người không được giáo dục thích hợp để cho họ có thể làm cho việc sống khá lên và chăm nom tới gia đình họ, chúng ta sẽ phải giải quyết các vấn đề về các hoạt động chống đối xã hội hay thậm chí những kẻ khủng bố lan rộng từ nước này sang nước khác. Điều này không phải là vấn đề của bất kì nước nào mà là vấn đề của toàn thế giới, và cả hai nguyên nhân và giải pháp là có liên quan tới vấn đề giáo dục”

Khi tiến bộ của công nghệ bùng nổ khắp thế giới, hệ thống giáo dục phải thay đổi nhanh chóng để đáp ứng cho nhu cầu của xã hội. Nó phải thay đổi từ cách tiếp cận “truyền thụ tri thức” truyền thống sang cách tiếp cận “giải quyết vấn đề”. Hiện thời, chúng ta có nhiều vấn đề cần được giải quyết, nhưng phần lớn trong chúng sẽ không được đề cập tới bởi cá nhân, bởi công ty hay thậm chí bởi một nước mà bởi tập thể những người và nước làm việc cùng nhau. Để làm điều đó, chúng ta cần thay đổi cách nghĩ của chúng ta từ cách nhìn cô lập sang cách nhìn tập thể

Hệ thống giáo dục hiện thời phải thay đổi từ việc tập trung vào cá nhân, nơi học sinh ganh đua với người khác, sang tập trung vào sự cộng tác, nơi họ làm việc cùng nhau để giải quyết vấn đề vì chúng ta đang sống trong thế giới được kết nối, nơi mọi thứ đều có quan hệ

Bất kể bạn sống ở nước nào hay bạn học lĩnh vực nào, mọi học sinh đều phải trở thành người học cả đời để giữ cho tri thức của họ được cập nhật. Thanh niên phải đọc nhiều hơn, học nhiều hơn, để phát triển tri thức và kĩ năng đúng để sống sót trong thế giới cạnh tranh này. Tuy nhiên, giáo dục không những phải cung cấp tri thức và kĩ năng kĩ thuật mà còn phải tập trung phát triển thế hệ mới với những người tốt nghiệp có tính cách đạo đức và luân lí mạnh

Trường học phải là nơi phát triển học sinh trong cả kĩ năng và tính cách. Học sinh có tri thức sâu và tính cách mạnh có thể làm lợi cho xã hội và nhân loại, nhưng tính cách đạo đức là quan trọng hơn vì người kĩ thuật mà không có tính cách đạo đức có thể gây hại cho xã hội và đất nước

Là sinh viên, các bạn cần có phương hướng rõ ràng, động cơ mạnh, và đủ kiên nhẫn để theo đuổi các mục đích giáo dục của bạn. Bao giờ cũng sẽ có những thứ lỗi thời và khó khăn trong bất kì cái gì bạn làm, nhưng với tính cách đạo đức mạnh, bạn sẽ có khả năng vượt qua tất cả để làm điều lớn lao. Chỉ bằng việc đạt tới điều đó, bạn sẽ không làm thất vọng gia đình bạn và mọi thầy cô những người đã nuôi dưỡng và giáo dục bạn. Vì bạn là tương lai của đất nước, tôi muốn dành cho bạn đôi lời khuyên

1) Học cách nói ít đi, bớt phản ứng nhanh và lắng nghe, phân tích nhiều hơn thì bạn sẽ học được và trưởng thành nhiều hơn

2) Học cách đặt câu hỏi khác đi để có thể hiểu mọi thứ sâu sắc hơn

3) Học nghĩ theo góc nhìn và hoàn cảnh của người khác, để bạn có thể hiểu họ và biết cảm thông với họ

4) Học cách sống đúng với chính mình, thực thà và chân thực với bản thân

5) Học cách giúp đỡ, khi bạn giúp người khác, trái tim chúng ta sẽ rộng mở hơn vì bạn có thể làm cho người khác và bản thân bạn hạnh phúc hơn. Giúp người hay trao tặng sẽ mang đến niềm vui thực sự cho cả người trao lẫn người nhận

5) KHÔNG sống gấp, vội vàng, mà hãy nắm bắt “khoảnh khắc” để khám phá, tận hưởng “niềm vui cuộc sống"

Không vội vàng, băng quá nhanh hay lệ thuộc vào các thứ trong cái smartphone sẽ cho phép bạn cảm nhận được điều kì diệu vốn rất đẹp của vạn vật trong đời chúng ta như ngắm cây xanh, nhìn hoa nở, tận hưởng trăng tròn, vẻ đẹp của bình mình, hoàng hôn...

Qua việc cảm nhận sâu sắc như thế về tự nhiên, chúng ta sẽ dần dần trở nên đích thực với chính mình hơn. Một khi bạn trở nên đích thực với chính mình hơn - bạn sẽ có khả năng xây dựng cuộc sống kì diệu với nhiều cảm hứng niềm vui và ít hối tiếc, khổ đau hơn rất nhiều”

Giáo sư John Vu
 
Top