What's new
Vietnam - Điện Biên Phủ Kinh Tế

This is a sample guest message. Register a free account today to become a member! Once signed in, you'll be able to participate on this site by adding your own topics and posts, as well as connect with other members through your own private inbox!

Chủ tịch Kim Jong-un

LOBBY.VN

Administrator
Triều Tiên nhờ chuyên gia Đức tư vấn ‘mở cửa theo kiểu Việt Nam’

Nhật báo Frankfurter Allgemeine (Đức) vừa loan tin chính phủ Triều Tiên đang tích cực đẩy mạnh các hoạt động chuẩn bị cho việc mở cửa nền kinh tế thông qua tham vấn các chuyên gia kinh tế và luật pháp của Đức để thu hút đầu tư nước ngoài, phát triển kinh tế theo mô hình của Việt Nam

Trong bài phát biểu chào mừng năm mới 2013 vừa qua, chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un đã gây bất ngờ cho cả thế giới khi lần đầu tiên lên tiếng kêu gọi “cải cách kinh tế trong nước, chấm dứt những sự đối đầu thù hằn với Hàn Quốc kéo dài suốt nhiều thập kỷ qua”

Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un phát biểu trên truyền hình chào mừng năm mới 2013, kêu gọi mở cửa - cải cách kinh tế và chấm dứt đối đầu với Hàn Quốc

Có vẻ như đó không phải là những lời nói suông. Nhật báo Frankfurter Allgemeine (Đức) số ra ngày 5/1/2013 đã cho biết, chính quyền Bình Nhưỡng đang xúc tiến việc tham vấn các chuyên gia kinh tế và chuyên gia luật pháp hàng đầu của Đức để xây dựng một nền tảng nhằm tiến tới mở cửa nền kinh tế và thu hút các nhà đầu tư nước ngoài

“Họ đã nói với tôi rằng đây là một kế hoạch tổng thể và rất quan trọng. Có điều họ muốn mở cửa ngay trong năm nay”, một chuyên gia kinh tế của Đức tiết lộ

Tờ Frankfurter Allgemeine đã không tiết lộ danh tính của vị chuyên gia này nhưng cho biết ông ta hiện đang làm việc tại một trường đại học rất danh tiếng của Đức và đã từng cố vấn cho nhiều chính phủ châu Á trong các kế hoạch cải cách và phát triển kinh tế

Cũng theo tiết lộ của ông này, chính phủ của ông Kim Jong-un đang tỏ ra đặc biệt quan tâm tới việc hiện đại hóa hệ thống luật pháp của họ và những vấn đề có thể sẽ liên quan đến việc đầu tư nước ngoài. Điểm nổi bật nhất của kế hoạch này là Triều Tiên sẽ không đi theo mô hình của Trung Quốc (mở cửa và thiết lập các đặc khu kinh tế dành cho nhà đầu tư nước ngoài)

“Thay vào đó, chính phủ Triều Tiên cho biết họ rất thích mô hình mở cửa và tăng trưởng của Việt Nam, trong đó sẽ xem xét và lựa chọn một số doanh nghiệp hay ngành kinh tế được phép tiếp nhận vốn đầu tư nước ngoài”, tờ Frankfurter Allgemeine cho biết thêm

Nếu kế hoạch này được thực thi, đó sẽ là một bước ngoặt mang tính cách mạng của đất nước Triều Tiên – quốc gia đã gần như tách biệt với cả thế giới trong nhiều thập kỷ qua. Hiện nay, nền kinh tế Triều Tiên đang phải gánh chịu rất nhiều hậu quả tồi tệ, người dân liên tục thiếu đói nhiều tháng trong năm và phải phụ thuộc rất nhiều vào các chuyến hàng hóa, lương thực cứu trợ của cộng đồng quốc tế

Tuy nhiên, kể từ khi ông Kim Jong-un lên nắm quyền điều hành đất nước thay cho cha mình, Triều Tiên đã bộc lộ khá nhiều dấu hiệu của sự thay đổi. Trong đó, bài phát biểu chào năm mới vừa qua chính là những biểu hiện rõ ràng nhất đồng thời nó cũng cho thấy Kim Jong-un đã quyết tâm chọn một con đường đi khác hẳn so với cha hoặc ông nội của mình

Chưa hết, dù vẫn còn khá “kín cổng cao tường” với thế giới nhưng Kim Jong-un lại cho thấy ông ta không hề giấu diếm về sự nghèo nàn và yếu kém của nền kinh tế Triều Tiên. Ông Kim nhấn mạnh và cam kết đổi mới nhưng yêu cầu sự đổi mới đó phải được đặt trên nền tảng của những tiến bộ công nghệ và cho rằng vụ phóng vệ tinh (tên lửa) hôm 12/12 vừa qua chính là một hành động để kích thích lòng tự hào dân tộc

Nhưng bài báo của Frankfurter Allgemeine cũng cảnh báo rằng “đây mới chỉ là kế hoạch” và họ vẫn không hiểu Triều Tiên sẽ mở cửa kinh tế kiểu gì bởi hầu hết các vị nguyên thủ quốc gia đều muốn mở cửa để thu hút đầu tư từ Nhật Bản, Hàn Quốc và các doanh nghiệp Phương Tây trong khi quan hệ của Triều Tiên với các quốc gia này vẫn chưa hề có sự cải thiện nào đáng kể

"Cái khó của chúng tôi là quân đội Triều Tiên vẫn không muốn từ bỏ vị thế quyền lực của mình", vị chuyên gia kinh tế Đức cho biết, “Nếu kiên quyết mở cửa, chắc chắn ông Kim sẽ phải vượt qua rất nhiều sự phản kháng của phe quân đội”

Lê Trí
 
Last edited:
Ông Kim Jong-un rơi nước mắt thuyết phục cấp dưới ủng hộ đàm phán
Mỹ - Triều Tiên


photo1527757004047-1527757004047745582666.jpg

Gần đây tại Triều Tiên cho đăng tải một đoạn video, trong đó nhà lãnh đạo Kim Jong-un xuất hiện với hai hàng nước mắt lăn dài, ngay lập tức có thông tin cho rằng ông đã khóc khi cố gắng thuyết phục cấp dưới ủng hộ đàm phán Mỹ-Triều

Hình ảnh này xuất hiện trong một bộ phim tài liệu giáo dục được chiếu cho các quan chức thuộc Đảng lao động Triều Tiên và lãnh đạo công ty nhà nước, theo Asahi Shimbun

Khoảnh khắc yếu đuối hiếm có này của nhà lãnh đạo Triều Tiên được cho là xuất hiện vào khoảng đầu tháng 4, thời điểm ông Kim vừa có cuộc gặp với Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo và không lâu sau khi thông tin về cuộc gặp giữa 2 lãnh đạo Mỹ-Triều được công bố

Theo nguồn tin từ Asahi Simbun tiết lộ, ông Kim đã rất xúc động khi thuyết phục các quan chức cấp cao trong Đảng Lao động Triều Tiên và cấp dưới ủng hộ quyết định của ông tham gia đàm phán với Tổng thống Mỹ. Đây là một quyết định có thể thay đổi hoàn toàn tương lai của Triều Tiên và mang vấn đề phi hạt nhân hóa lên bàn đàm phán còn có thể chứa đựng nhiều rủi ro

Tuy nhiên lãnh đạo Kim Jong-un đã rất kiên định về việc mở cửa kinh tế, mong muốn cải thiện mức sống cho người dân và phát huy tiềm lực kinh tế của Triều Tiên nếu một viễn cảnh Mỹ và Liên Hợp Quốc đồng ý gỡ bỏ cấm vận. Ông đồng thời tuyên bố thay vì khiêu khích quân sự sẽ nỗ lực để Triều Tiên có nền kinh tế phát triển và được đảm bảo về an ninh

Sau những phát ngôn thiếu thiện chí xuất phát từ các quan chức Mỹ và hành động tổ chức cuộc tập trận chung Mỹ-Hàn ngay trước thềm hội nghị thượng đỉnh, các chuyên gia đánh giá rất cao phản ứng kiềm chế của nhà lãnh đạo Kim Jong-un đặc biệt là việc ông chủ động đề nghị nối lại đối thoại sau khi Tổng thống Trump tuyên bố hủy bỏ đàm phán cho thấy thiện chí và quyết tâm của ông Kim mong muốn tạo ra một bước ngoặt lịch sử cho sự phát triển của Triều Tiên và tương lai hòa bình của khu vực

Song Hy
 
Ông Kim Jong-un dốc sức vực dậy nền kinh tế Triều Tiên
Hãng thông tấn quốc gia Triều Tiên (KCNA) ngày 21/8 đã đưa tin về chuyến thăm của ông Kim Jong-un tới nhà máy thiết bị y tế Myohyangsan. Tại đây, ông đã phê bình ban quản lý nhà máy và chỉ trích họ “ngủ đông” suốt nhiều năm

Nhà máy Myohyangsan là một trong 30 cơ sở nhà lãnh đạo Kim Jong-un từng tới thị sát từ cuối tháng 6. Trong mỗi chuyến thị sát, ông Kim Jong-un thường đi cùng các sĩ quan quân sự cấp cao của Triều Tiên. Ông đã hoàn tất một loạt chuyến đi vòng quanh đất nước và bây giờ bắt đầu thăm lại các cơ sở đặc biệt quan trọng. Truyền thông nhà nước Triều Tiên cũng công bố những bức ảnh ghi lại khoảnh khắc ông Kim Jong-un dầm mưa hoặc ướt đẫm mồ hôi dưới thời tiết oi bức khi tới thăm các cơ sở trên cả nước

Kể từ sau hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều hồi tháng 6 và mối đe dọa bị Washington tấn công quân sự giảm xuống mức đáng kể, nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã chuyển từ nỗ lực phát triển vũ khí hạt nhân sang tăng cường sức mạnh kinh tế. Quyết định chuyển mình của ông Kim Jong-un diễn ra khi nền kinh tế Triều Tiên bị đình trệ nặng nề sau nhiều năm đối mặt với các lệnh trừng phạt của cộng đồng quốc tế

Liên Hợp Quốc ước tính GDP Triều Tiên năm 2016 ở mức 16,79 tỷ USD, thấp hơn một chút so với Campuchia và chỉ bằng 0,1% so với Mỹ. Theo số liệu thống kê của ngân hàng trung ương Hàn Quốc, quy mô nền kinh tế Triều Tiên đã giảm 3,5% trong năm 2017 do sản lượng khai thác mỏ và sản xuất sụt giảm

Theo Nikkei, nếu nhà lãnh đạo Kim Jong-un không mở rộng nền kinh tế và cải thiện điều kiện sống của người dân, ông khó có thể giữ vững quyền lực tại Triều Tiên. Tần suất thị sát dày đặc bất thường của ông Kim Jong-un là dấu hiệu cho thấy mối lo ngại ngày càng tăng của ông khi nền kinh tế chưa có nhiều tiến triển kể từ sau hội nghị thượng đỉnh

Từ sau khi lên nắm quyền lãnh đạo tại Triều Tiên hồi năm 2012, ông Kim Jong-un đã theo đuổi các chính sách kinh tế theo định hướng thị trường. Vào năm 2014, cách thức quản lý kinh tế mới do chính quyền Triều Tiên đưa ra đã nới lỏng đáng kể quyền kiểm soát tập trung của khối doanh nghiệp nhà nước

Những thay đổi này đã tạo điều kiện thuận lợi hơn cho tầng lớp giàu có mới nổi tại Triều Tiên trong việc mượn các cơ sở và đất đai từ các doanh nghiệp nhà nước để tự xây dựng các mô hình kinh doanh riêng. Điều này đã dẫn tới sự gia tăng của khối doanh nhân tư nhân tại Triều Tiên. Taxi đã phổ biến hơn tại thủ đô Bình Nhưỡng, tăng từ 1.500 chiếc hồi năm 2016 lên 2.000 chiếc ở thời điểm hiện tại

Mô hình “thị trường hóa” nền kinh tế cũng góp phần nâng cao mức sống của người dân Triều Tiên. Vào mùa hè này, một ứng dụng giao nhận đồ ăn trên điện thoại thông minh đã trở nên phổ biến tại Bình Nhưỡng, cho phép chuyển món mì lạnh tới tận tay những người không muốn ra ngoài do thời tiết nắng nóng

Tăng cường hợp tác

Những người Triều Tiên giàu có đang rót tiền vào các hoạt động phát triển và đầu tư bất động sản. Theo báo Korea JoongAng Daily của Hàn Quốc, giá của những căn hộ ở khu thương mại Bình Nhưỡng tăng từ 50.000 USD hồi năm 2005 lên 100.000 USD, thậm chí 200.000 USD, ở thời điểm hiện tại. Giá nhà cũng có xu hướng tăng lên tại các thành phố nhỏ hơn như Sinuiju - nơi giáp biên giới với Trung Quốc

Giáo sư Yang Moon-soo tại Đại học Nghiên cứu Triều Tiên ở Seoul nhận thấy có nhiều điểm tương đồng giữa Triều Tiên hiện nay với giai đoạn đầu của Trung Quốc thời kỳ cải cách và mở cửa

Theo Giáo sư Andrei Lankov tại Đại học Kookmin Hàn Quốc, chính phủ Triều Tiên sẽ cho phép sự phát triển của nền kinh tế theo định hướng thị trường miễn là điều đó không gây ra bất kỳ mối đe dọa nào, đồng thời thúc đẩy tăng trưởng thông qua việc tái đầu tư nguồn vốn nội bộ

Tuy vậy, tốc độ phát triển kinh tế tại Triều Tiên hiện chủ yếu mang lại lợi ích cho người dân sống ở khu vực đô thị. Tại các vùng nông thôn - nơi từng có khoảng thời gian dài sống trong tình trạng thiếu hụt lương thực, nhiều người dân vẫn đang phải chật vật để có thể duy trì cuộc sống. Các trang thiết bị dành cho hoạt động trồng trọt và tưới tiêu bị hư hỏng, trong khi vấn nạn tham nhũng vẫn còn lan rộng

Những mùa hè khô nóng gần đây càng khiến cho việc trồng trọt gặp khó khăn hơn. Tổ chức Nông Lương Liên Hợp Quốc ước tính Triều Tiên đã thu hoạch 1,4 triệu tấn gạo năm ngoái, ít hơn so 300.000 tấn so với năm 2016

Một nửa trong số các cơ sở được ông Kim Jong-un tới thị sát kể từ cuối tháng 6 là các nông trường hoặc trại cá. Thực tế này cho thấy tình trạng thiếu lương thực tại Triều Tiên ngày càng đáng báo động

Trong bối cảnh các lệnh trừng phạt vẫn đang cản trở các khoản đầu tư nước ngoài đổ vào Triều Tiên, những cải cách theo hướng kinh tế thị trường không đạt được nhiều hiệu quả trong việc thúc đẩy kinh tế Triều Tiên phát triển. Vào mùa hè năm nay, một trung tâm thương mại lớn đã được mở ra tại Rason bên bờ sông Đồ Môn gần biên giới Trung Quốc. Đây là nơi bán các sản phẩm của Triều Tiên cho lượng khách du lịch ngày càng tăng từ Trung Quốc

Tuy nhiên, trung tâm thương mại này không mang lại nhiều nguồn thu như kỳ vọng. Các lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc cấm khách du lịch mang hải sản, mặt hàng phổ biến nhất của Triều Tiên, đi qua khu vực biên giới

Các lệnh trừng phạt cũng chặn đứng các nguồn thu ngoại tệ của Triều Tiên thông qua các hoạt động xuất khẩu hải sản và khoáng sản. Khi các lệnh trừng phạt chưa được nới lỏng trong thời gian tới, một trong số ít lựa chọn còn lại để Triều Tiên có thể thu ngoại tệ nhanh chóng là du lịch. Mục tiêu phát triển các điểm thu hút khách du lịch đã thể hiện rõ trong các chuyến thị sát của nhà lãnh đạo Kim Jong-un gần đây

Ông Kim Jong-un đã tới thăm một công trình xây dựng khu nghỉ dưỡng ven biển ở thành phố Wonsan phía đông Triều Tiên. Trong chuyến thị sát này, ông Kim Jong-un đã chỉ đạo xây dựng một khu nghỉ dưỡng “không có đối thủ” trên thế giới và mong muốn công trình này sẽ hoàn tất vào tháng 10 năm sau

Bằng cả hình thức ngầm và công khai, Triều Tiên đã vận động hành lang Nga và Hàn Quốc để kêu gọi hợp tác với Bình Nhưỡng. Đài Radio Free Asia gần đây đưa tin Nga đã tăng cường xuất khẩu xăng dầu tinh chế cho Triều Tiên trong khi Trung Quốc hạn chế cung cấp các sản phẩm xăng dầu cho Bình Nhưỡng

Hàn Quốc cũng quan tâm tới việc mở lại đặc khu kinh tế Rason với Triều Tiên. Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in từng thể hiện tầm nhìn của ông trong việc xây dựng một mạng lưới tàu hỏa kết nối Nga, Hàn Quốc và Triều Tiên. Trong khi đó, ông Kim Jong-un dự kiến sẽ gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Moon Jae-in vào tháng tới

Thành Đạt
 
Last edited:
Hàn-Triều tuyên bố chấm dứt tình trạng chiến tranh

photo1537349617557-15373496175571172325091.jpg

Tuyên bố này được thể hiện qua các thỏa thuận được ký kết giữa 2 nhà lãnh đạo của Hàn Quốc và Triều Tiên tại Hội nghị Thượng đỉnh ở Bình Nhưỡng

10h sáng 19/9 (giờ địa phương), Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un bắt đầu cuộc thảo luận trong ngày làm việc thứ hai của Hội nghị Thượng đỉnh liên Triều, nhằm tìm cách thiết lập hòa bình lâu dài trên Bán đảo Triều Tiên. Hai nhà lãnh đạo đã có cuộc thảo luận riêng tại nhà khách chính phủ Triều Tiên Paekhwawon ở thủ đô Bình Nhưỡng

photo-1-1537349509646691344431.jpg


Sau thảo luận, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã ký thỏa thuận hòa bình và chứng kiến Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Song Young-moo và người đồng cấp Triều Tiên No Kwang-chol ký kết thỏa thuận toàn diện về giảm căng thẳng quân sự dọc biên giới 2 nước. Trong đó, 2 bên đồng ý “không bao giờ sử dụng vũ lực để đối phó với nhau trong bất cứ tình huống khó khăn nào”

Theo người phát ngôn phủ Tổng thống Hàn Quốc: “Các nhà lãnh đạo của Hàn Quốc và Triều Tiên đã thực sự tuyên bố kế thúc tình trạng chiến tranh trên Bán đảo Triều Tiên bằng những thỏa thuận của mình”

Tuyên bố chung Hàn-Triều

Phát biểu tại cuộc họp báo chung tại nhà khách chính phủ Triều Tiên Paekhwawo sau đó, Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tuyên bố: “Chúng tôi đã nhất trí với Thỏa thuận Hòa bình Bình Nhưỡng”

Tuyên bố chung đưa ra tại cuộc họp báo có đoạn: “Hàn Quốc và Triều Tiên có chung quan điểm rằng Bán đảo Triều Tiên phải là một khu vực không có vũ khí hạt nhân và không có các mối đe dọa hạt nhân”. Cam kết này cũng được chính nhà lãnh đạo Triều Tiên khẳng định: “Chúng tôi nhất trí có những nỗ lực tích cực để đưa Bán đảo Triều Tiên trở thành một mảnh đất của hòa bình... Thỏa thuận ký kết tại Bình Nhưỡng hôm nay sẽ đưa quan hệ liên Triều lên một cấp độ mới và Hội nghị Thượng đỉnh lần này sẽ thúc đẩy kỷ nguyên hòa bình và thịnh vượng trên Bán đảo Triều Tiên”, ông Kim Jong-un nhấn mạnh tại cuộc họp báo

Trong tuyên bố chung, hai nhà lãnh đạo nhất trí sẽ nhanh chóng thành lập một ủy ban quân sự chung để đánh giá việc triển khai các biện pháp giảm căng thẳng và liên lạc khẩn cấp để ngăn chặn các cuộc xung đột trong tương lai

Ông Kim Jong-un cũng có một tuyên bố bất ngờ nói rằng ông sẽ sớm tới thăm Seoul trong tương lai gần. Nếu điều này thực sự diễn ra thì đây sẽ là chuyến thăm Hàn Quốc đầu tiên của một nhà lãnh đạo Triều Tiên sau hàng chục năm Bán đảo Triều Tiên bị chia cắt

Hai nhà lãnh đạo cũng nhắc tới những điểm nhấn đạt được tại Hội nghị Thượng đỉnh lần này. Trong đó, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in cho biết: “Chúng tôi đã nhất trí loại bỏ mọi nguồn gốc của xung đột khỏi Bán đảo Triều Tiên. Và chúng tôi lần đầu tiên nhất trí được các bước phi hạt nhân hóa cụ thể. Phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên sẽ không còn xa”

Những bước cụ thể được Tổng thống Hàn Quốc đề cập là đóng cửa vĩnh viễn cơ sở hạt nhân Yongbyon cũng như bãi thử tên lửa Dongchang-ri tại Triều Tiên

Bên cạnh đó, hai bên đạt được những thỏa thuận phi quân sự liên quan đến thúc đẩy hợp tác quan hệ liên Triều, bao gồm việc nối lại tuyến đường sắt và đường bộ liên Triều vào cuối năm nay hay khôi phục hoạt động tại khu công nghiệp chung Keasong và các tour du lịch tới vùng núi Kim Cương (Geumgang) nếu các điều kiện được đảm bảo. Hai bên cũng nhất trí mở trung tâm đoàn tụ các gia đình bị ly tán

Nguồn tin từ giới chức Hàn Quốc cho biết, sau cuộc họp báo chung sáng 19/9, ông Moon Jae-in và ông Kim Jong-un tiếp tục có bữa trưa làm việc tại nhà hàng Okryukwan, nổi tiếng với món mỳ lạnh ở Bình Nhưỡng. Theo kế hoạch, Tổng thống Moon Jae-in sẽ trở lại Hàn Quốc vào sáng sớm ngày 20/9. Song theo thông tin mới từ Chánh Văn phòng phủ Tổng thống Hàn Quốc Im Jong-seok, chuyến bay về Seoul của ông Moon Jae-in có thể sẽ lùi lại để Tổng thống tham gia một sự kiện hữu nghị với Nhà lãnh đạo Kim Jong-un. Sự kiện này có diễn ra hay không còn phụ thuộc vào kết quả làm việc giữa hai nhà lãnh đạo

Tổng thống Trump thấy Thượng đỉnh liên Triều thú vị

Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 19/9 có dòng tweet hoan nghênh những tuyên bố tốt lành được truyền đi từ Bình Nhưỡng

“Ông Kim Jong-un đã đồng ý thanh sát hạt nhân, chấp nhận đàm phán và đóng cửa vĩnh viễn bãi thử tên lửa trước sự chứng kiến của các chuyên gia quốc tế. Trong khi đó sẽ không có thêm rocket hay các vụ thử hạt nhân...”, ông Trump viết trên trang Twitter cá nhân

Trong một dòng tweet khác được đăng chỉ vài phút sau đó, ông Trump thể hiện sự hào hứng với thông tin Triều Tiên và Hàn Quốc sẽ cùng ứng cử để đăng cai Olympic 2032

Trước đó, trong cuộc thảo luận đầu tiên sau khi Tổng thống Moon Jae-in tới Bình Nhưỡng ngày 18/9, Nhà lãnh đạo Triều Tiên đã gửi lời cám ơn Tổng thống Moon khi đã đứng ra làm trung gian cho Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều hồi tháng 6 tại Singapore. Ông Kim hy vọng tiến triển hơn nữa trong đàm phán phi hạt nhân với Mỹ

Hoàng Lê
 
Công nghệ Triều Tiên dưới thời Kim Jong-un
Triều Tiên đã đạt được những tiến bộ nhất định ở lĩnh vực công nghệ dành cho dân sự, điều trước đây chưa từng có hoặc chưa được nhắc đến

Đất nước của ông Kim Jong-un đang thể hiện sự cởi mở hơn, khi dần bỏ "lớp áo bí mật" trước thế giới, công bố nhiều thứ hơn về đất nước mình, trong đó có đời sống công nghệ

Đẩy mạnh công nghệ phục vụ người dân

Cuối năm 2018, truyền thông nhà nước Triều Tiên liên tục công khai các thành tựu về công nghệ cao. Tháng 11/2018, họ trình diễn "hệ thống nhà thông minh" do Đại học Kim Nhật Thành thực hiện, với khả năng điều khiển bằng giọng nói, tự động vận hành thiết bị điện tử như quạt, điều hòa, tivi và đèn

104798661-wifi-5582-1551005915.jpg

Một chiếc Ariang 171 đang truy cập Wi-Fi miễn phí Mirae

Bên cạnh đó, các thiết bị số tiên tiến khác cũng được trưng bày tại một triển lãm công cộng ở thủ đô Bình Nhưỡng. Ngày 21/11/2018, nhóm nghiên cứu khác cũng từ đại học này đã chế tạo thành công hệ thống ứng dụng trí tuệ nhân tạo, có thể nhận dạng giọng nói địa phương tốt. Một bài báo trên Rodong Sinmuncho biết, Viện Công nghệ Thông minh của Đại học Kim Nhật Thành đang "cháy hết mình với tham vọng kiểm soát lĩnh vực trí tuệ nhân tạo của quốc gia"

Wi-Fi công cộng cũng được chú trọng hơn. Một trong những hệ thống mới được đưa vào sử dụng là Mirae, cho phép thiết bị di động truy cập mạng Internet nội bộ mà nhà nước phê duyệt. Đài truyền hình trung ương Hàn Quốc ngày 8/11/2018 cũng phát hiện một smartphone "cây nhà lá vườn" của Triều Tiên có tên Arirang 171 sử dụng để truy cập Mirae trong một triển lãm công nghệ

104798389-gettyimages-10287199-9832-7305-1551005915.jpg

Nhiều người trải nghiệm kính thực tế ảo trong một văn phòng ở Bình Nhưỡng

Theo 38North, website chuyên theo dõi về Triều Tiên có trụ sở tại Mỹ, đây là lần đầu một dịch vụ Wi-Fi công cộng được truyền thông công khai. Martyn Williams, cây viết chuyên phân tích về Triều Tiên, cũng cho biết đời sống công nghệ tại đất nước của ông Kim Jong-un đang phát triển mạnh. "Họ có đội ngũ kỹ sư phần mềm tài năng và các hệ thống cao cấp", Williams nói

'Cách mạng công nghiệp 4.0' phiên bản Triều Tiên

Theo Thông tấn xã Trung ương Triều Tiên (KCNA), nước này nhắm mục tiêu đầu tư vào công nghệ, với mục đích tái cấu trúc nền kinh tế và thúc đẩy sức mạnh quốc gia. Trong cuộc họp Đảng Lao động hồi tháng 4/2018, Kim Jong-un nói rằng khoa học và giáo dục nên "đóng vai trò nền tảng cho việc xây dựng nhà nước và là một chỉ số quan trọng của sức mạnh quốc gia". Đồng thời, ông cũng đưa ra chính sách sớm "thực hiện một cuộc cách mạng" về lĩnh vực này

2-3059-1551005915.jpg

Ông Kim Jong-un trong chuyến thăm một trụ sở công nghệ thông tin

Để hiện thực hóa, chính phủ Triều Tiên đã có những đãi ngộ cao đối với các nhà khoa học và kỹ sư, bằng cách cấp căn hộ xa hoa cũng như các đặc quyền khác

Ri Ki-song, giáo sư viện Kinh tế thuộc Học viện Khoa học Xã hội Triều Tiên, cho biết nền kinh tế nước này đang dần dịch chuyển sang công nghệ cao, gọi là "nền kinh tế tri thức", đẩy mạnh công nghệ thông tin, công nghệ nano, công nghệ sinh học cũng như các ngành khoa học khác lên tầm thế giới. Trang Rodong Sinmun mô tả nước này "phát triển theo hướng đổi mới hơn bao giờ hết" và "ưu tiên nội địa hóa, tập trung vào khoa học và kỹ thuật cho nền kinh tế quốc gia"

"Triều Tiên nhận thức rõ rằng công nghệ cao sẽ đẩy nhanh nền kinh tế. Họ đã bắt đầu cuộc cách mạng công nghiệp thứ tư của riêng mình", Lim Eul-chul, giáo sư tại Đại học Kyungnam của Hàn Quốc, nói với Yonhap

Những thách thức

Theo Williams, đất nước của ông Kim Jong-un đang trên đường đổi mới để trở thành một cường quốc công nghệ, nhưng nhiều khả năng họ sẽ vấp phải khó khăn so với "người hàng xóm phía Nam" Hàn Quốc. "Triều Tiên không có nhiều tài liệu sản xuất tiên tiến. Họ phụ thuộc vào nước ngoài. Ví dụ, điện thoại hay máy tính mà họ khoe trong nước, chủ yếu có nguồn gốc từ Trung Quốc", Williams nhận xét

104798395-gettyimages-92242471-2110-5467-1551005915.jpg

Không nhiều người Triều Tiên được dùng Internet

Bên cạnh đó, quốc gia này cũng bị tố nhiều lần đánh cắp tài sản trí tuệ. Tháng 5/2018, họ bị Trend Micro cáo buộc sao chép bất hợp pháp mã nguồn từ công cụ SiliVaccine. Năm 2017, thương hiệu iPad của Apple cũng bị một công ty Triều Tiên sử dụng cho sản phẩm có tên "iPad Ryonghung". Họ cũng cấm Facebook, nhưng lại tạo ra một bản sao giống cả về giao diện lẫn tính năng

Một báo cáo do Ngân hàng Phát triển Seoul (Hàn Quốc) công bố năm 2017 nhận định ngành công nghiệp trí tuệ nhân tạo của Triều Tiên có thể "đâm vào tường" do nguồn tài chính hạn hẹp, tình hình kinh tế và lệnh trừng phạt quốc tế

"Ngay cả khi lệnh trừng phạt được dỡ bỏ, một số quốc gia và doanh nghiệp có thể né tránh làm ăn với Triều Tiên bởi lo sợ hình ảnh của mình bị ảnh hưởng", chuyên gia Williams nói. "Tất nhiên, nếu có khuyến khích của chính phủ, các công ty láng giềng như Hàn Quốc không ngại đầu tư"

Tuy vậy, nhiều chuyên gia cũng lo ngại sự bảo thủ của chính quyền Triều Tiên về cả chính sách lẫn cách truyền bá thông tin sẽ làm kìm hãm sự đổi mới, ngăn cản đầu tư nước ngoài

Bảo Lâm
 
Cuộc gặp phá vỡ mọi chuẩn mực ngoại giao của Trump - Kim
Lời mời gặp đưa ra trên Twitter và các nhà ngoại giao hai nước dường như không đủ thời gian để thống nhất một kế hoạch chi tiết cho cuộc họp

2019-06-30T093203Z-1811212807-1926-9460-1561896428.jpg

Tổng thống Mỹ Trump và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại DMZ ngày 30/6
Hai hội nghị thượng đỉnh đầu tiên giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un là những sự kiện được sắp xếp trong thời gian dài, thông qua các kênh ngoại giao và quy trình chính thức. Thế nhưng, cuộc gặp thứ ba giữa hai lãnh đạo dường như là kết quả của một quyết định ngẫu hứng, phá vỡ mọi quy tắc ngoại giao thường thấy

Mọi việc bắt đầu bằng bài đăng trên Twitter của Tổng thống Trump vào sáng sớm 29/6. "Sau một số cuộc họp rất quan trọng, bao gồm cuộc gặp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, tôi sẽ rời Nhật Bản đến Hàn Quốc để gặp Tổng thống Moon Jae-in. Trong thời gian tôi ở đó, nếu Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un nhìn thấy dòng tweet này thì tôi sẵn sàng gặp ông ấy ở biên giới Hàn - Triều, Khu Phi quân sự bán đảo Triều Tiên (DMZ) chỉ để bắt tay và chào hỏi", Trump viết

Thông báo của Trump dường như làm tất cả mọi người bất ngờ, kể cả các cố vấn thân cận của ông. Chỉ ba giờ trước đó, Nhà Trắng ra thông báo về chuyến thăm của Tổng thống tới Hàn Quốc, nhưng không đề cập đến kế hoạch tới DMZ gặp lãnh đạo Triều Tiên

Ngay cả người được mời, lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, cũng bị bất ngờ. Trong cuộc gặp ở Khu vực An ninh Chung sau đó, ông Kim thừa nhận rằng đã rất ngạc nhiên khi Tổng thống Mỹ gửi lời mời gặp mặt qua Twitter và đến tận chiều muộn ngày 29/6, ông mới có thể nhận lời

Những gì diễn ra ở DMZ chiều 30/6 hoàn toàn trái ngược với hai hội nghị thượng đỉnh ở Singapore và Hà Nội, nơi mọi thứ được sắp xếp tỉ mỉ đến từng chi tiết. Tại Singapore, hai lãnh đạo tiến ra từ hai bên sân khấu vào cùng một thời điểm, dừng lại ngay chính giữa bục và bắt tay, phía sau là những lá cờ Mỹ, Triều Tiên được sắp xếp xen kẽ, với số lượng bằng nhau

Còn lần này, không ai dám chắc hai lãnh đạo sẽ tiến về phía đường phân định biên giới Hàn - Triều vào lúc nào. Với lời mời được đưa ra chỉ một ngày trước đó qua Twitter, các nhà ngoại giao hai nước dường như không đủ thời gian để thống nhất một kế hoạch chi tiết cho cuộc gặp

Khi Trump chuẩn bị bước tới đường phân định, ai đó ngó ra từ Nhà Tự do bên phía Hàn Quốc, vẫy vẫy tay về phía Triều Tiên, như ra hiệu rằng Tổng thống Mỹ sắp xuất hiện. Vài giây sau, Trump bước ra khỏi cánh cửa kính, trong khi Kim bắt đầu rời khỏi tòa nhà Panmungak ở phía bắc

Dù Trump đã cố gắng đi chậm hết mức có thể, ông vẫn đến đường phân định sớm hơn Kim vài giây. Sau khi bắt tay, Trump bất ngờ ngỏ lời với Kim: "Ông có muốn tôi bước qua ranh giới không?" Trump sau đó thừa nhận rằng ông không biết trước Kim sẽ trả lời như thế nào và cũng không ai hình dung được Tổng thống Mỹ sẽ phản ứng ra sao nếu đề nghị đó bị từ chối

Ngay khi lãnh đạo Triều Tiên nói rằng đây là "niềm vinh hạnh", Trump liền bước sang đường biên giới, trở thành Tổng thống Mỹ đương nhiệm đầu tiên đặt chân lên lãnh thổ Triều Tiên. Ông tiến 20 bước, bắt tay lãnh đạo Triều Tiên. Thực tế, theo lệnh cấm do chính quyền Trump đặt ra, các công dân Mỹ không được phép đến Triều Tiên nếu không có sự cho phép đặc biệt

Khi mọi người chưa hết ngạc nhiên, Trump lại có hành động bất ngờ khi mời Kim bước vào lãnh thổ Hàn Quốc, dù ông không phải là lãnh đạo nước này

Chung-in Moon, cố vấn đặc biệt của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, nói rằng việc Tổng thống Mỹ mời lãnh đạo Triều Tiên vào lãnh thổ Hàn Quốc là "điều khá bất thường và đáng ngạc nhiên"

Các quan chức cấp cao của Hàn Quốc dường như cũng bất ngờ khi thấy Trump - Kim bước vào họp riêng tại Nhà Tự do trên lãnh thổ Hàn Quốc. Trump ban đầu nói rằng ông chỉ "chào hỏi và bắt tay Kim trong hai phút", nhưng rốt cuộc họ lại hội đàm riêng cùng nhau gần một giờ, trong khi các cố vấn thân cận nhất của Trump cũng không được tham dự

Nhưng những bất ngờ trái quy tắc ngoại giao đó đã đem lại kết quả khả quan, khi Mỹ và Triều Tiên nhất trí sẽ tái khởi động tiến trình đàm phán phi hạt nhân hóa. Cuộc đàm phán này đã bị đình trệ kể từ sau hội nghị thượng đỉnh hồi tháng hai, bất chấp nỗ lực trung gian hòa giải của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in hay những tín hiệu phát đi từ Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo

Chun Young-woo, cựu cố vấn an ninh quốc gia Hàn Quốc, cho rằng sự "tuyệt vọng" vì đàm phán bế tắc đã thúc đẩy Kim Jong-un nhanh chóng chấp nhận lời mời gặp mặt không theo bất cứ quy chuẩn ngoại giao nào của Trump. "Tôi có thể thấy rằng Triều Tiên rất muốn thoát khỏi tình cảnh kinh tế hiện nay, nhưng không rõ cuộc gặp có phải là dấu hiệu cho thấy Bình Nhưỡng sẽ thay đổi lập trường và điều kiện với Washington hay không", Chun nói

Leif-Eric Easley, giáo sư Đại học Ewha của Hàn Quốc, thì cho rằng cuộc gặp Trump - Kim lần này chỉ mang tính biểu tượng khi được tổ chức quá gấp gáp, không đủ làm chất xúc tác cho tiến trình hòa bình thực sự trên bán đảo Triều Tiên

"Tiến trình hòa giải cần một nền tảng chính trị lâu dài, và trong trường hợp Triều Tiên, điều đó cần đến phi hạt nhân hóa và cải thiện nhân quyền", Easley nói

Trong khi đó, Hong Min, chuyên gia nghiên cứu tại Viện Thống nhất Quốc gia Hàn Quốc, cho rằng cuộc gặp đầy bất ngờ ở DMZ đã tạo ra bầu không khí tích cực để các bên tìm ra điểm chung trong các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa sau này

"Khi hai lãnh đạo nỗ lực xây dựng lại niềm tin lẫn nhau, họ sẽ từ bỏ những phương pháp cũ từng áp dụng trước đây và thể hiện sự linh hoạt nhất định trong những vòng đàm phán cấp làm việc tới đây", Hong nhận định

Phương Vũ
 
Ông Kim Jong-un cưỡi bạch mã lên đỉnh núi thiêng

kim-8-1571197649783.jpg

Hãng thông tấn quốc gia Triều Tiên (KCNA) ngày 16/10 đưa tin nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã “leo núi Paekdu và cưỡi một con ngựa trắng trong đợt tuyết rơi đầu tiên”. KCNA cũng công bố một loạt bức ảnh ông Kim Jong-un cưỡi ngựa trên ngọn núi phủ đầy tuyết

kim-5-1571197649319.jpg

Núi Paekdu là ngọn núi cao nhất tại bán đảo Triều Tiên. Tương truyền đây là nơi cố lãnh đạo Kim Jong-il, cha của ông Kim Jong-un, chào đời
kim-7-1571197648745.jpg

Nhà lãnh đạo Kim Jong-un thường tới thăm núi Paekdu, một trong những nơi thiêng liêng nhất trên bán đảo Triều Tiên, trước khi đưa ra các quyết định hoặc tổ chức các sự kiện quan trọng về chính trị hoặc ngoại giao
kim-6-1571197649467.jpg

Ông Kim Jong-un từng tới thăm núi Paekdu vào tháng 12/2017 trước khi bầu không khi hòa dịu trên bán đảo Triều Tiên bắt đầu vào năm 2018. Ông Kim Jong-un cũng từng tới thăm núi thiêng vào tháng 11/2014, 3 năm sau ngày cố lãnh đạo Kim Jong-il qua đời
 
Ông Kim Jong-un thừa nhận thất bại của Triều Tiên trong hầu hết lĩnh vực kinh tế
Các mục tiêu trong kế hoạch phát triển kinh tế 5 năm của Triều Tiên đã không đạt được ở hầu hết các lĩnh vực. Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un tuyên bố điều này tại phiên khai mạc Đại hội lần thứ VIII đảng Lao động Triều Tiên ngày 5/1

000_8Y9222.webp

Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un

Kỳ Đại hội đảng Lao động Triều Tiên lần VIII chính thức khai mạc tại thủ đô Bình Nhưỡng ngày 5/1. Đây là kỳ đại hội thứ 2 được tổ chức dưới thời Chủ tịch Kim Jong-un, người lên nắm quyền lãnh đạo đất nước vào năm 2011 sau khi cha ông, nhà lãnh đạo Kim Jong-il qua đời. Kỳ Đại hội trước được tổ chức vào năm 2016

Phát biểu trong phiên khai mạc, ông Kim Jong-un thừa nhận sự thất bại gần như hoàn toàn trong kế hoạch phát triển kinh tế 5 năm (2016-2020) của nước này

“Chiến lược phát triển kinh tế 5 năm đã kết thúc năm ngoái nhưng kết quả trên hầu hết lĩnh vực không đạt được như mục tiêu của chúng ta”, Thông tấn xã Triều Tiên KCNA ngày 6/1 dẫn lời ông Kim Jong-un

Theo ông, những sai sót mắc phải cần được phân tích kỹ lưỡng

Nhà lãnh đạo Triều Tiên gọi giai đoạn vừa qua là thời kỳ khó khăn bậc nhất trong lịch sử Triều Tiên khi mà các thách thức trong và ngoài nước gây tổn hại đến quá trình phát triển

20210106164749contentPhoto1.webp

Phiên khai mạc đại hội lần thứ VIII của đảng Lao động Triều Tiên tại Bình Nhưỡng ngày 5/1
Dù vậy, ông Kim cũng ghi nhận những “thành công rực rỡ” của Đảng lao động và nhân dân Triều Tiên, những người đã “nỗ lực vượt qua khó khăn” trong đại dịch Covid-19

Đồng thời, ông kêu gọi phải tăng cường năng lực tự chủ của Triều Tiên để vượt qua những khó khăn mà họ đang đối mặt

Ông Kim nêu bật vai trò của các ngành công nghiệp chủ chốt, bao gồm luyện kim, hóa chất, điện, than, máy móc và công nghiệp khai khoáng cho nhiệm vụ phát triển trong tương lai

Dự kiến, kế hoạch kinh tế 5 năm tới sẽ được thông qua tại Đại hội đảng Lao động Triều Tiên lần VIII. Những chính sách ngoại giao mới với Mỹ và Hàn Quốc cũng sẽ được công bố

Ở động thái liên quan mới nhất, ông Kim Jong-un ngày 1/1 đã đánh dấu năm mới 2021 bằng một bức thư gửi người dân cả nước thay vì gửi thông điệp qua sóng truyền hình như mọi năm

Trong bức thư, ông Kim gửi lời cảm ơn tới người dân vì đã tin tưởng và ủng hộ Đảng cầm quyền ngay cả trong những thời điểm khó khăn nhất

Chủ tịch Triều Tiên trước đó cũng đã lên tiếng xin lỗi người dân vì đã không hoàn thành được những lời hứa cải thiện kinh tế và những khó khăn mà người dân phải chịu đựng do các lệnh trừng phạt quốc tế và các biện pháp nghiêm ngặt nhằm ngăn chặn bùng phát đại dịch Covid-19
 
Top