What's new
Vietnam - Điện Biên Phủ Kinh Tế

This is a sample guest message. Register a free account today to become a member! Once signed in, you'll be able to participate on this site by adding your own topics and posts, as well as connect with other members through your own private inbox!

VinFast

LOBBY.VN

Administrator
Hợp tác chiến lược VinFast với BMW

photo1538453757529-15384537575291103517229.jpg

Việt Nam có thương hiệu xe đầu tiên là VinFast, các công ty Đức thì nhận được hàng triệu, hàng tỉ linh kiện đặt hàng – tất cả điều này có được, theo tờ Handelsblatt của Đức, là nhờ một người đàn ông...

Chỉ còn vài giờ nữa, 2 mẫu xe đầu tiên của VinFast là chiếc sedan LUX A2.0 và SUV LUX SA2.0 sẽ chính thức trình làng trong khuôn khổ Paris Motor Show 2018. Thương hiệu xe đầu tiên của Việt Nam bước ra biển lớn tại một trong những sự kiện quan trọng nhất năm bằng 2 mẫu xe được chắp bút bởi hàng loạt tên tuổi lớn, có uy tín trong làng xe thế giới

Tuy vậy, tới thời điểm này, trong chúng ta có lẽ không ai là không biết các mẫu xe của VinFast thành hình là nhờ công nghệ của người Đức, máy móc của người Đức. Chúng dựa trên nền tảng dòng BMW 5-Series của Đức, sử dụng một số linh kiện được người Đức chế tạo và lắp ráp bởi các công nhân được đào tạo theo tiêu chuẩn Đức

vietnamese-car-company-vinfast-reveals-first-two-models-pic1-15374846375021426683870.jpg

Do vậy, theo Handelsblatt, VinFast cũng là một thành công lớn cho ngành công nghiệp Đức. Nhà máy tại Hải Phòng được coi là dự án công nghiệp lớn nhất tại Việt Nam với con số đầu tư lên tới 3,5 tỉ USD từ tập đoàn VinGroup – chủ quản của thương hiệu VinFast. Theo nguồn tin của Handelsblatt, phần lớn trong số này được rót vào các công ty Đức – một bất ngờ rất lớn khi biết rằng thị trường ô tô Việt Nam bị thống trị bởi các thương hiệu Nhật Bản, Hàn Quốc và đâu đó là Trung Quốc và Mỹ

Đức chiếm chưa đầy 3% kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam trong khi hơn một nửa lại tới từ 3 cái tên phía trên: Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản. "Bất ngờ" giúp các công ty Đức xâm nhập được thị trường Việt Nam, như phía trên đã nói, mang tên Võ Quang Huệ

vinfast-6-1538429989292790429338.jpg

Người đàn ông đang nắm giữ chức vụ Phó Chủ tịch Vingroup phụ trách VinFast đứng giữa tòa nhà tổng hành dinh hình cầu như 1 chiếc đĩa bay của VinFast tại Cát Hải với nụ cười rạng rỡ và phần nào đó tinh ranh. "Anh có biết ai phát triển tòa nhà này không? Công ty kiến trúc Henn của Đức", ông chia sẻ. Đây chính là cái tên đã thiết kế nên Trung tâm sáng tạo của BMW đặt tại Munich hay studio thiết kế Porsche tại Weissach – những cái tên với đẳng cấp và chất lượng đã được chứng minh

Rất nhiều kỹ sư Đức hiện có mặt tại tổng hành dinh VinFast để hỗ trợ việc xây dựng nhà máy tại đây: máy nén từ Schuler, dây chuyền lắp ráp của Eisenmann, nhà máy sản xuất động cơ do Grob đảm nhiệm, xưởng sơn tới từ Durr, robot của ABB và hệ thống mạng của Siemens. "Gần như 100% dây chuyền này là của Đức", ông Huệ cho biết

Khởi nguồn từ thập niên 70

Tại trung tâm đào tạo nằm trong khuôn viên tổng hành dinh VinFast, 200 con người Việt Nam đã được đào tạo theo quy trình chứng chỉ do Phòng Thương mại Quốc tế Đức đặt ra. Ở cấp cao nhất, chứng chỉ này ngang hàng với bằng kỹ sư công nghiệp hoặc kỹ sư cơ điện tử ô tô tại Đức

Tất nhiên, quy mô cùng công nghệ tân tiến và mức độ phát triển của ngành công nghiệp ô tô Đức là một phần nguyên nhân dẫn tới việc họ có mặt trong hầu hết các vị trí thuộc dự án của VinFast. Tuy nhiên thành công của người Đức cũng là kết quả của một chuỗi phản ứng dây chuyền xuất phát từ những năm 70 của thế kỷ trước mà xuất phát điểm chính là ông Võ Quang Huệ

"Tôi thấy mình như một cầu nối giữa Đức và Việt Nam", ông Huệ cho biết. Vào thời điểm đó, gia đình ông quyết định gửi ông sang Đức để học tập và trở thành kỹ sư tại đây. Ông theo học tại Cologne và Aachen trước khi bước chân vào làm việc tại BMW

vinfast-7-15384300334472144517629.jpg

Sau đó, ông Huệ được nhập quốc tịch Đức và xây dựng cho BMW các nhà máy sản xuất tại nhiều quốc gia trên thế giới như Ấn Độ, Mexico và tất nhiên cả Việt Nam. 2 năm về trước ông đang là Tổng Giám đốc của Bosch Việt Nam trước khi nhận "cuộc gọi định mệnh" từ ông Phạm Nhật Vượng – người đứng đầu tập đoàn Vingroup. Vị lãnh đạo nằm trong top những người giàu nhất Việt Nam muốn cái tên Việt Nam xuất hiện trên bản đồ ô tô thế giới và ông Huệ là 1 mảnh ghép cần thiết để đạt được mục tiêu đó

Ngay từ đầu, VinFast đã xác định sẽ phải mua lại rất nhiều công nghệ và ý tưởng. Thiết kế xe được đảm nhiệm bởi Pininfarina, studio Italia nổi tiếng đã từng đặt bút phác lên vẻ đẹp đầy quyến rũ của nhiều dòng xe Rolls-Royce, Maserati và đặc biệt là Ferrari

Mảng còn lại là công nghệ được VinFast và ông Huệ xác định sẽ tới từ người Đức. Ông Huệ lúc đó đã thương thảo đồng thời với nhiều thương hiệu xe Đức danh tiếng và cuối cùng nhận được cái gật đầu từ công ty mình từng làm việc: BMW. Hãng xe xứ Bavaria bán lại bản quyền sử dụng của động cơ lẫn khung gầm cơ bản của 5-Series cũ – nền tảng của cả 2 chiếc VinFast LUX A2.0 và LUX SA2.0 sau này

45% linh kiện tới từ Đức

Ngay cả khi xét tổng thể thị trường ô tô toàn cầu, cách tiếp cận của VinFast vẫn tương đối lạ. "Chúng tôi đang đi 1 con đường mới", ông James Deluca, cựu Phó chủ tịch của GM phụ trách mảng sản xuất toàn cầu và hiện là CEO của VinFast chia sẻ

Bởi nền tảng cơ bản của xe VinFast là một chiếc BMW, thương hiệu Việt Nam không chỉ cần tới các kỹ sư cơ khí đạt chuẩn Đức mà còn cả những nhà cung ứng Đức. Theo ông Deluca, 45% linh kiện sản xuất xe VinFast tới từ các công ty Đức. Ngay cạnh nhà máy chính của VinFast tại Cát Hải là nhà máy trị giá 18 triệu euro do nhà cung ứng hộp số ZF dầu tư xây dựng sẽ sẵn sàng đi vào hoạt động vào tháng 12 tới đây

nha-may-vinfast-autopro-hai-phong-o-to-viet-nam-4-15374841789021873773664.jpg

Lịch trình của toàn bộ dự án rất chặt chẽ và gắt gao – VinFast kỳ vọng mẫu xe đầu tiên của mình sẽ lăn bánh khỏi nhà máy lắp ráp vào hè 2019. Tuy vậy đây là cột mốc họ có thể làm được khi ta nhớ rằng họ chỉ mất một năm để biến vùng đất vốn là những đầm tôm, đồng muối tại Hải Phòng thành một tổ hợp sản xuất ô tô, xe máy điện quy mô nhất Việt Nam với những công nghệ hiện đại hàng đầu thế giới

Trong tương lai lĩnh vực kinh doanh của VinFast sẽ không ngừng mở rộng. Họ đã ký hợp đồng sản xuất xe buýt điện với công nghệ và linh kiện tới từ đối tác Siemens. Ngoài ra concept xe điện đầu tiên của VinFast cũng đang được đối tác kỹ thuật Edag phát triển và hứa hẹn sẽ trình làng chỉ trong 1, 2 năm tới

Nhiều chuyên gia trong ngành công nghiệp ô tô nhận định cơ hội cho VinFast là rất lớn, đặc biệt là khi họ có được những đối tác quốc tế hùng mạnh. "Nhờ mối hợp tác chặt chẽ với BMW, VinFast có một lợi thế rất lớn so với những đối thủ chẳng hạn như Proton", ông Titikorn Lertsirrirungsun – giám đốc khu vực Đông Nam Á thuộc công ty tư vấn LMC Automotive chia sẻ. Proton – thương hiệu xe quốc dân của Malaysia từng có tham vọng trở thành thế lực của nền công nghiệp ô tô toàn cầu nhưng không bao giờ đạt đủ "tầm" để hiện thực hóa giấc mơ của mình

vinfast-italdesign-sedan-suv-15364489646561986393265.jpg

Về phần VinFast, họ cũng có dự định sẽ xuất khẩu xe sang các thị trường quốc tế - một lĩnh vực quan trọng để có thể nhận xét họ có thành công hay không. Nhà máy xe VinFast cho công suất tối đa 250.000 xe mỗi năm – tương đương với tổng doanh số thị trường ô tô trong nước, do đó lượng xe lăn bánh khỏi nhà máy sẽ thừa đủ cho cả thị trường nội địa và quốc tế trong thời gian tới

Theo CEO VinFast James Deluca, các dòng xe của họ, với 175 mã lực, sẽ nằm ngoài tầm với của không ít người tiêu dùng Việt Nam, do đó các thị trường quốc tế là cần thiết. Tại Paris có thể ông sẽ công bố những thị trường mà xe VinFast sẽ được xuất khẩu sang. Ông cũng chia sẻ rằng họ sẽ không ngần ngại tiếp thị 2 mẫu xe Vinfast là xe Việt Nam với những công nghệ hàng đầu của người Đức

Quang Phong
 
VinFast ký biên bản ghi nhớ với LG
Hợp tác sản xuất pin cho hệ sinh thái công nghệ

Ngày 7/9/2018, Công ty TNHH Sản xuất và Kinh doanh VinFast (Tập đoàn Vingroup) và Công ty LG Chem (Tập đoàn LG) đã ký Biên bản ghi nhớ hợp tác trong lĩnh vực sản xuất các dòng pin tiêu chuẩn quốc tế. Pin sẽ được sử dụng cho các sản phẩm trong hệ sinh thái của Vingroup, bao gồm xe điện, điện thoại và các sản phẩm công nghiệp – công nghệ trong tương lai

LG Chem là một trong các đối tác đang nắm giữ nhiều công nghệ pin hàng đầu thế giới như pin Lithium-ion, pin năng lượng mặt trời…Trong thỏa thuận hợp tác với VinFast, hai bên thống nhất sẽ sản xuất các sản phẩm pin chất lượng cao, đạt tiêu chuẩn quốc tế và thân thiện với môi trường

Theo đó, pin sẽ có chủng loại đa dạng, từ pin dùng cho các dòng xe máy, ô tô hay xe buýt điện VinFast đến điện thoại thông minh Vsmart và nhiều dòng sản phẩm khác trong tương lai. Trước mắt, hai bên sẽ ưu tiên hợp tác sản xuất pin cho xe máy điện VinFast

VinFast chịu trách nhiệm đầu tư nhà xưởng và dây chuyền sản xuất tại Khu công nghiệp phụ trợ (Supplier Park) thuộc Tổ hợp sản xuất ô tô – xe máy điện VinFast ở Hải Phòng, dự kiến hoạt động từ quý II/2019. LG Chem cung cấp công nghệ sản xuất pin và hỗ trợ đào tạo nhân lực

Hợp tác giữa VinFast và LG Chem nhằm đảm bảo các sản phẩm dùng pin của hệ sinh thái Vingroup có hiệu suất sử dụng tối ưu, giá cả phù hợp với thị trường Việt Nam. Bên cạnh đó, sự hợp tác sẽ góp phần tăng tỷ lệ nội địa hóa trong sản phẩm của VinFast và các công ty thành viên thuộc Tập đoàn

Phát biểu tại lễ ký kết, ông Võ Quang Huệ - Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Vingroup cho rằng: “Sự hợp tác giữa VinFast với LG Chem là bước khởi đầu quan trọng để Công ty nói riêng và Tập đoàn Vingroup nắm bắt công nghệ tiên tiến trên thế giới. Mục tiêu là sản xuất ra những sản phẩm vượt trội, góp phần thúc đẩy ngành công nghiệp phụ trợ Việt Nam”

LG Chem là công ty hóa chất đa ngành lớn nhất Hàn Quốc, hoạt động trong 3 lĩnh vực chính gồm: Hóa dầu, Công nghệ thông tin & vật liệu điện tử, Giải pháp năng lượng. LG Chem được thành lập năm 1947 và hiện có hơn 29.000 nhân viên trên toàn cầu

Công ty có một danh mục sản phẩm hóa chất đa dạng, từ các sản phẩm hóa dầu đến vật liệu nhựa có giá trị gia tăng cao. Công ty cũng mở rộng hoạt động sang các lĩnh vực công nghệ cao như vật liệu điện tử, pin Lithium - ion

Với hơn 20 năm kinh nghiệm phát triển và sản xuất pin, LG Chem là một trong những nhà sản xuất pin Lithium - ion hàng đầu thế giới, có mối quan hệ hợp tác với các hãng sản xuất điện thoại di động, xe điện, xe hybrid...

Đông A
 
Last edited:
VinFast được CHLB Đức bảo lãnh khoản vay 950 triệu USD

photo1539133689154-153913368915428832165.jpeg

Gói tài chính trị giá 950 triệu USD, có lãi suất thấp, trong thời hạn lên tới 12 năm, nhằm hỗ trợ VinFast nhập khẩu máy móc, thiết bị từ các nhà cung cấp thiết bị và dịch vụ chính của CHLB Đức

Ngày 9/10, Công ty TNHH Sản xuất và Kinh doanh VinFast đã được Euler Hermes – cơ quan Tín dụng xuất khẩu thuộc Chính phủ Đức – bảo lãnh khoản vay 950 triệu USD nhằm nhập khẩu máy móc thiết bị, phục vụ sản xuất. Giao dịch do Credit Suisse AG HSBC đồng thu xếp

Gói tài chính trị giá 950 triệu USD, có lãi suất thấp, trong thời hạn lên tới 12 năm, nhằm hỗ trợ VinFast nhập khẩu máy móc, thiết bị từ các nhà cung cấp thiết bị và dịch vụ chính của CHLB Đức. Đây là giao dịch đầu tiên được Euler Hermes bảo lãnh cho một công ty tư nhân tại Việt Nam

Với số lượng đối tác tham gia đông đảo (9 nhà cung cấp); quy mô vốn lớn (gần 1 tỷ USD); thời hạn vay dài (12 năm) và triển khai thu xếp trong thời gian rất ngắn – giao dịch đã trở thành một thương vụ kỷ lục, mang tính bước ngoặt, khẳng định uy tín và vai trò tiên phong của VinFast nói riêng và Tập đoàn Vingroup nói chung trên thị trường vốn quốc tế

Giữ vai trò đồng thu xếp vốn và đồng giữ sổ đối với khoản tài trợ vốn vay trị giá 950 triệu đô la Mỹ trên là ngân hàng Credit Suisse và HSBC

Trước đó, vào tháng 07 năm 2018, VinFast cũng đã hoàn thành việc phân phối khoản vay thương mại hợp vốn trị giá 400 triệu USD đầu tiên, do bốn ngân hàng nước ngoài đồng thu xếp và tài trợ. Giao dịch nhận được sự quan tâm và tham gia của hơn 10 ngân hàng châu Á và châu Âu, khẳng định uy tín và vị thế của VinFast cũng như Vingroup trên thị trường quốc tế

Trường An
 
VinFast giúp công nghiệp ô tô Việt Nam bứt phá
VinFast có những năng lực tự sản xuất ở nhiều công đoạn quan trọng, có thể bứt phá trở thành nhà sản xuất ô tô thành công

Công ty tư vấn độc lập Altera Solutions (Mỹ) trong báo cáo độc lập phân tích sự cạnh tranh của VinFast so với các ông lớn trong ngành công nghiệp ô tô quốc tế nhận định, VinFast có những năng lực tự sản xuất ở nhiều công đoạn quan trọng, có thể bứt phá trở thành nhà sản xuất ô tô thành công

Tự sản xuất nhiều công đoạn quan trọng

Theo Altera Solutions, với một ngành công nghiệp trong đó chu kỳ sản phẩm và thời gian phát triển trung bình 5 năm, việc bắt đầu với một cánh đồng hoang để cho ra những chiếc xe đầu tiên trong vòng 2 năm là một điều hầu như chưa từng nghe thấy và đó là minh chứng cho tầm nhìn của VinFast, những người sáng lập và đội ngũ tâm huyết của họ

Để có kết luận trên, Altera Solutions đã thực hiện một phân tích so sánh thương hiệu ô tô VinFast của VN với các hãng ô tô ở khu vực châu Á như Mazda, Toyota, Suzuki, Tata; các hãng ở châu Âu như BMW, Jaguar, Land Rover và Ford ở Mỹ. Theo đó, nếu tính theo phần trăm các công đoạn tự làm, VinFast sẽ có năng lực tương đương với Daimler, vượt Mazda, Suzuki, Jaguar, Land Rover, Ford, Tata... Còn tính tổng các cấu phần mua ngoài, năng lực của VinFast sẽ tương đương với Toyota, BMW. Về phần thân xe, nghiên cứu cho rằng, các khâu như dập, hàn, sơn thân xe của VinFast có năng lực tự làm tương đương như các nhà sản xuất BMW, Daimler, Land Rover, Jaguar, Toyota, Ford, General Motors. Đặc biệt, Altera nhấn mạnh, hãng xe VN có khả năng tự sản xuất các công đoạn quan trọng của động cơ như gia công và nhiệt luyện trục khuỷu, gia công xi lanh, gia công thân máy và lắp ráp động cơ

Từ những phân tích trên, Altera cho rằng, tân binh ô tô đến từ đất nước hình chữ S bên bờ Thái Bình Dương này “đang từng bước hoàn thiện quy mô và tự lực nhiều công đoạn trong dây chuyền sản xuất ô tô đầu tiên ở VN”

"Là công ty sản xuất ô tô quy mô hoàn thiện đầu tiên của VN, VinFast đã đầu tư vào công nghệ, con người và tài chính để sản xuất ra chiếc xe rất riêng của mình. Các khoản đầu tư của họ tại VN, có nghĩa là từ tấm kim loại dập đến công nghệ gia công bằng laser, hàn robot, VinFast đã đưa VN và nội địa hóa lên một cấp độ hoàn toàn mới", Altera Solutions đánh giá

Giám đốc Công ty công nghệ Việt - Đức, chuyên gia ô tô Nguyễn Minh Đồng cho biết: VinFast đã nhập nhiều động cơ máy móc để tự sản xuất nhiều công đoạn cho ra chiếc ô tô. “Họ mua bản quyền để làm trục khuỷu, xi lanh... Có bản vẽ rồi mới phát triển thiết kế. Như vậy, phải mất cả năm mới làm ra sản phẩm được. Mới nghe thông tin VinFast có thể làm những động cơ, người Việt chắc chắn sẽ ngạc nhiên. Nhưng theo tôi, họ làm được vì có khả năng về tài chính, con người và thời gian. Xe làm xong phải qua quy trình kiểm định khắt khe mất 3 - 6 tháng trước khi ra thị trường. Với ý chí của VinFast, tôi nghĩ họ làm được mà trong đó, yếu tố tài chính và con người rất quan trọng”, ông Đồng đánh giá và cho rằng, muốn đạt 80% nội địa hóa, theo xu hướng đầu tư của VinFast, doanh nghiệp phải có thời gian chuẩn bị mất ít nhất 2 năm

5b4625645dnang_luc_va_quy_trinh_san_xuat_cua_vinfast_do_voi_cac_nha_san_xuat_o_to_khac__theo_altera__cwqs.png

Năng lực và quy trình sản xuất của VinFast so với các nhà sản xuất ô tô khác

TS Trương Mạnh Hùng, giảng viên Khoa Cơ khí, Trường ĐH Giao thông vận tải, cho rằng để có thể sản xuất ra một chiếc ô tô, quan trọng nhất là sở hữu công nghệ nhiệt luyện để tạo ra các chất, hợp kim tốt cho máy. Hiện nay ngành luyện kim của VN chưa mạnh, nhiều kỹ thuật chưa theo kịp sự phát triển mạnh mẽ của thế giới nên việc có thể tự sản xuất tất cả các thiết bị, tự thực hiện các công đoạn quan trọng nhất như gia công và nhiệt luyện trục khuỷu, gia công xi lanh, gia công thân máy, lắp ráp động cơ... là điều cực kỳ khó. Tuy nhiên nếu mua đứt công nghệ, chúng ta vẫn có thể làm được

Theo TS Trương Mạnh Hùng, từ trước đến nay, ngành ô tô nói chung, công nghệ nhiệt luyện trong sản xuất ô tô nói riêng chưa được đầu tư, nghiên cứu đúng mức nên dù có nhiều doanh nghiệp cũng mong muốn tự sản xuất ra một chiếc ô tô “cộp mác” VN nhưng bao năm vẫn chưa thành công. VinFast với giấc mơ ô tô Việt đã khơi mào, tạo hứng khởi cho nền công nghiệp ô tô VN

“Các hãng ô tô lớn trên thế giới cũng đều phải bắt đầu từ con số 0, từ việc nhập phụ tùng, linh kiện về lắp ráp cho đến chuyển giao, học hỏi công nghệ... Vingroup cũng vậy, cũng phải đi từng bước. Nhưng chúng ta có cơ sở để kỳ vọng vì rõ ràng tất cả các lĩnh vực từ bất động sản đến nông nghiệp, giáo dục... Vingroup đều đã làm rất tốt. Với tiềm lực tài chính như vậy, tập đoàn này hoàn toàn có khả năng để tuyển được nhân tài, mua được công nghệ, đưa ra mẫu ô tô của VN, do người Việt làm ra”, ông Hùng nhận định

Ông Nguyễn Minh Đồng cũng cho rằng thực tế, công nghiệp ô tô Việt đã quá chậm chân so với các nước trong khu vực. Cách đây 4 năm, Ford mở rộng đầu tư 250 triệu USD tại Thái Lan để đón chào năm 2018 thuế nhập xe trong khu vực ASEAN về 0%, Toyota cũng đầu tư mở rộng tại Indonesia...

“Các nước đó đều buộc nhà đầu tư phải chuyển giao công nghệ. Chúng ta cũng có thông tin như họ, nhưng chúng ta đã mất nhiều năm không quan tâm, chậm do lơ là và để cho các hãng xe ngoại chỉ có việc nhập về bán ra, không phát triển công nghiệp hỗ trợ nên mới như ngày nay. Với những gì Altera Solutions nói về VinFast, tôi nghĩ có cơ sở để đưa ra những nhận định trên”, ông Đồng phân tích

Lam Nghi
 
Sở hữu 49% VinFast, tỷ phú Phạm Nhật Vượng sẽ chi 2 tỷ USD để bán ôtô sang Mỹ
Theo Bloomberg, ông Phạm Nhật Vượng đang lên kế hoạch xuất khẩu xe điện sang Mỹ vào năm 2021, một việc mà ngay cả Toyota và Hyundai cũng không thể thành công trong những năm đầu. Để đạt được mục tiêu này, ông Vượng dự kiến đầu tư 2 tỷ USD từ tài sản cá nhân. Như vậy, ông Vượng sẽ đóng góp khoảng một nửa vốn đầu tư của VinFast

"Mục tiêu cuối cùng của chúng tôi là một thương hiệu quốc tế. Đó là một đường đầy khó khăn và sẽ phải nỗ lực rất nhiều nhưng cũng chỉ có một con đường phía trước", vị tỷ phú 51 tuổi nói trong cuộc phỏng vấn tại trụ sở của Vingroup (HoSE:VIC) tại Hà Nội, công ty mẹ của VinFast do ông Vượng thành lập và làm Chủ tịch

phamnhatvuong-5211-1575944058.jpg

Ảnh chụp ông Phạm Nhật Vượng được phóng viên Bloomberg thực hiện tại cuộc phỏng vấn ngày 5/12

Những chiếc xe của VinFast sẽ phải đối mặt với một cuộc cạnh tranh khốc liệt để có thể thành công ở nước ngoài. Bởi những hãng xe như Tata Motors của Ấn Độ và Proton Holdings của Malaysia cũng đang chật vật để giành được niềm tin từ người tiêu dùng khi xuất ngoại. Ngay cả ở Việt Nam, VinFast cũng đang có những đối thủ đáng gờm đến từ nước ngoài như Toyota, Ford và Hyundai

Trước VinFast, nhiều hãng sản xuất ôtô của Trung Quốc cũng có tham vọng bán hàng sang Mỹ trong hơn 10 năm qua. Mặc dù kế hoạch này vẫn chưa được hiện thực hóa, Guangzhou Automobile Group Co., Zotye Automobile Co. và một số công ty khác đã thiết lập được văn phòng bán hàng và trung tâm nghiên cứu - phát triển tại Mỹ. Một số thương hiệu thậm chí tích cực tham gia triển lãm ôtô tại Mỹ trong những năm gần đây

Theo dữ liệu Bloomberg, tài sản của Chủ tịch Phạm Nhật Vượng trị giá 9,1 tỷ USD. Vingroup từng bán một phần cổ phần vào năm ngoái và ông Vượng có kết hoạch 10% để huy động cho dự án đầy tham vọng này. Cá nhân ông Vượng sở hữu 49%, trong khi Vingroup sở hữu 51% cổ phần tại VinFast

1x-2-2536-1575949252.jpg

Để sản xuất và bán thành công một chiếc xe điện là một thách thức

Theo doanh nhân này, VinFast sẽ không có lãi trong 5 năm, thị trường nội địa quá nhỏ và bán hàng ra thị trường nước ngoài là chìa khóa mang lại lợi nhuận. Ông Phạm Nhật Vượng sở hữu trực tiếp 26% cổ phần Vingroup, theo dữ liệu của Bloomberg, trong khi Tập đoàn Đầu tư Việt Nam, công ty do ông Vượng sở hữu 92%, giữ 31,6% cổ phần

Muốn thâm nhập vào thị trường Mỹ, VinFast sẽ phải chiến thắng được những người tiêu dùng khó tính tại Mỹ và các thị trường phát triển khác, nơi mà tiêu chuẩn về khí thải và tai nạn rất nghiêm ngặt

Để sản xuất và bán thành công một chiếc xe điện là một thách thức. Nhiều startup của Trung Quốc đặt cược vào triển vọng của xe điện tại thị trường ôtô lớn nhất thế giới đã được đầu tư hàng tỷ USD nhưng rất ít trong số đó tạo ra lợi nhuận. BAIC BluePark New Energy Technology Co., hãng sản xuất xe điện lớn nhất Trung Quốc, dự báo lỗ cho cả năm 2019. NIO Inc. cũng chưa có lợi nhuận và đang lo ngại sẽ cạn tiền mặt

Chiếc xe điện đầu tiên của VinFast dự kiến được lắp ráp từ cuối năm 2020, nhưng Chủ tịch Vingroup cho biết dự kiến xuất khẩu những chiếc xe này sang Mỹ, châu Âu và Nga vào năm 2021

1x-3-5723-1575949252.jpg

VinFast, sở hữu một nhà máy rộng 335 ha tại Hải Phòng, đặt mục tiêu đạt sản lượng 500.000 xe mỗi năm đến năm 2025

VinFast phải vượt qua nhiều rào cản lớn để cạnh tranh với thị trường bên ngoài, theo ông Michael Dunne, CEO của công ty tư vấn ZoZo Go LLC chuyên về thị trường ôtô châu Á. "Họ sẽ phải mất thời gian để có thể sẵn sàng chiến đấu ở Mỹ, thị trường khó tính nhất thế giới. Bạn cần phải có một thương hiệu vững mạnh"

Nhiều người tiêu dùng thích mua những chiếc ôtô đã qua sử dụng của thương hiệu Honda hay Toyota hơn là một chiếc xe mới nhưng có thương hiệu không quen thuộc, ông Dunne nói. VinFast sẽ cần phải sản xuất ít nhất 100.000 chiếc xe mỗi năm với giá cạnh tranh, phát triển một thương hiệu toàn cầu và thiết lập một mạng lưới cung cấp dịch vụ hỗ trợ. Theo ông Dunne, VinFast vẫn có cơ hội ở thị trường Đông Nam Á

VinFast, sở hữu một nhà máy rộng 335 ha tại Hải Phòng, được cho là đang bán các dòng xe, gồm hatchback, sedan và SUV, với giá thấp hơn chi phí sản xuất. Giá bán lẻ cho mỗi chiếc hatchback là 17.000 USD, sedan là 47.400 USD và SUV là 60.400 USD. Công ty đặt mục tiêu đạt sản lượng 500.000 xe mỗi năm đến năm 2025. Ngoài ra, công ty này cũng sản xuất xe máy điện

Trong những năm tới, Vingroup dự kiến phải chi tới 18.000 tỷ đồng mỗi năm để bù lỗ cho VinFast, trong đó gồm chi phí tài chính, khấu hao và khoản lỗ 7.000 đồng mỗi năm do giá bán thấp hơn chi phí sản xuất, ông Vượng nói

Vingroup sẽ thoái vốn khỏi những mảng khác để dồn tiền cho VinFast, đồng thời những công ty con khác đang được yêu cầu giảm chi phí. VinFast cũng sẽ tìm cách vay thêm bên cạnh khoản vay khoảng 1,95 tỷ USD. Ông Vượng cho biết dự kiến niêm yết VinFast trên một sàn chứng khoán ở Việt Nam và có thể ở nước ngoài

"Chúng tôi mong muốn xây dựng một thương hiệu Việt Nam mang tầm cỡ thế giới. Thách thức lớn nhất của chúng tôi là các sản phẩm của Việt Nam không có thương hiệu quốc tế. Đối với nhiều bạn bè quốc tế, Việt Nam vẫn là một đất nước nghèo và lạc hậu. Chúng tôi sẽ phải tìm cách để tiếp thị và chứng minh sản phẩm của chúng tôi đang đại diện cho một Việt Nam năng động, phát triển cũng như đáp ứng được tiêu chuẩn cao nhất của thế giới", chủ tịch Vingroup chia sẻ
 
Xem xét không thu thuế tiêu thụ đặc biệt và lệ phí trước bạ với ô tô điện
Bộ Công Thương cho biết có thể xem xét việc áp dụng thí điểm chính sách không thu thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) và lệ phí trước bạ trong 5 năm để khuyến khích sản xuất và hỗ trợ người tiêu dùng sử dụng xe ô tô điện thân thiện với môi trường

Cơ quan này cho biết việc xây dựng và ban hành các chính sách ưu đãi để khuyến khích sản xuất và kích thích người tiêu dùng sử dụng xe ô tô điện thân thiện với môi trường, góp phần giảm lượng khí thải phát tán ra môi trường của phương tiện giao thông, góp phần bảo vệ môi trường là cần thiết

Ngoài ra, việc này cũng phù hợp với định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, theo Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị và Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 của Thủ tướng

Việc áp dụng thí điểm chính sách ưu đãi không thu thuế tiêu thụ đặc biệt và lệ phí trước bạ áp dụng trong thời gian 5 năm để khuyến khích sản xuất và hỗ trợ người tiêu dùng sử dụng xe ô tô điện thân thiện với môi trường là có thể xem xét, theo Bộ Công Thương

Vì vậy, cơ quan này đã đề nghị Bộ Tài chính nghiên cứu, tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét và chỉ đạo

Tương tự, Bộ Giao thông vận tải cho biết việc phát triển phương tiện giao thông cơ giới sử dụng năng lượng điện nói chung phù hợp với chủ trương của Đảng nêu tại Nghị quyết số 55/NQ-TW của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả năm 2010; Luật bảo vệ môi trường năm 2020; Chỉ thị số 03-CT/TTg ngày 18-1-2021 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí

Ngoài ra, đây cũng là biện pháp giảm phát thải khí nhà kính của ngành giao thông vận tải trong Đóng góp do quốc gia tự quyết định của Việt Nam đã được Thủ tướng gửi Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu

Vì vậy, cơ quan này cho rằng cần điều chỉnh chính sách ưu đãi phù hợp với phương tiện giao thông cơ giới sử dụng năng lượng điện

Trước đó, Bộ Tài chính cho biết nhu cầu sử dụng phương tiện giao thông cá nhân của người dân rất cao khi nhiều quốc gia trên thế giới đã phát triển các dòng xe ôtô thân thiện với môi trường, góp phần bảo vệ môi trường. Ngoài ra, phương tiện này đang dần trở thành sự lựa chọn có nhiều ưu thế thay cho xe động cơ đốt trong

Hiện nhiều nước trên thế giới ô tô điện chạy pin được coi là giải pháp tối ưu để giảm thiểu tình trạng ô nhiễm không khí, theo Bộ Tài chính. Cụ thể, tốc độ tăng trưởng của ô tô điện hiện rất nhanh, năm 2019 thế giới ghi lượng nhận tiêu thụ hơn 3,2 triệu xe điện, nâng tổng số xe điện tiêu thụ lên đến 10 triệu xe

Theo báo cáo của InsideEVs.com, doanh số xe điện năm 2019 ở thị trường Mỹ tăng 21% so với năm 2018, tương ứng lượng xe điện bán ra hơn 200.000 chiếc. Trong đó Tesla Model 3 có lượng bán ra hơn 160.000 chiếc

Tại châu Âu, lượng xe ô tô điện bán ra xấp xỉ 195.000 chiếc tính đến hết tháng 6-2020, tăng 42% so với năm 2019. Na Uy là quốc gia dẫn đầu với lượng ô tô điện bán ra hơn 36.500 xe, chiếm tỷ trọng 37%

“Xe ô tô điện chỉ chiếm 2,6% tổng lượng xe bán ra trên toàn cầu hàng năm, nhưng mức tăng trưởng ghi nhận ở mức 50%”, Bộ Tài chính cho biết

Cũng theo Bộ Tài chính, ô tô điện là phương tiện sử dụng những vật liệu có lợi cho môi trường và có nhiều tiện ích như tiết kiệm chi phí, không phát thải khi sử dụng ngoài môi trường, giảm tiếng ồn và cải thiện chất lượng không khí

Tại Việt Nam ô tô điện chiếm tỷ lệ rất nhỏ và hiện chỉ có VinFast đầu tư, sản xuất. Tháng 4, hãng này mới cho ra mắt chiếc xe đầu tiên, dự kiến công suất xe chạy pin của VinFast có thể lên đến 250.000 chiếc mỗi năm và có thể nâng lên 500.000 đến 1 triệu chiếc mỗi năm

Bộ Tài chính cho biết trở ngại lớn nhất của Việt Nam trong phát triển ô tô điện là cơ sở hạ tầng. Cụ thể, trạm sạc còn thiếu; năng lượng cung cấp điện chủ yếu từ nguồn nhiên liệu có phát thải CO2 cao - chiếm gần 50% tổng sản lượng điện huy động, trong khi nguồn điện từ năng lượng tái tạo (mặt trời, sức gió, sinh khối) chỉ chiếm 4,3% và được coi là nguồn điện không ổn định

Về thuế, Bộ Tài chính cho biết thuế tiêu thụ đặc biệt với ô tô điện có 3 mức, tương ứng với ba chủng loại xe khác nhau. Theo đó, xe dưới 9 chỗ ngồi có thuế suất là 15%, xe có 10-16 chỗ ngồi có thuế suất là 10%, xe có 16-24 chỗ ngồi có thuế suất là 5%

Với lệ phí trước bạ, cơ quan này cho biết hiện chỉ có ưu đãi với xe buýt sử dụng năng lượng sạch để khuyến khích phát triển phương tiện vận tải công cộng thân thiện với môi trường, chưa ưu đãi đối với xe cá nhân

Để khuyến khích sản xuất và tiêu dùng sử dụng ô tô điện, Bộ Tài chính đã kiến nghị sửa đổi Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và nội dung này thuộc thẩm quyền Quốc hội. Vì vậy phải trình Quốc hội sửa luật

Về lệ phí trước bạ, Bộ Tài chính cho biết đây là thẩm quyền của Chính phủ. Để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong bối cảnh đại dịch, Bộ Tài chính cho biết sẽ trình Chính phủ theo trình tự, thủ tục rút gọn, nếu phải ban hành chính sách sớm hơn
 
Top