What's new
Vietnam - Điện Biên Phủ Kinh Tế

This is a sample guest message. Register a free account today to become a member! Once signed in, you'll be able to participate on this site by adding your own topics and posts, as well as connect with other members through your own private inbox!

Vận động thành lập tập đoàn Bệnh viện

LOBBY.VN

Administrator
Vận động thành lập tập đoàn Bệnh viện
- Ông Nguyễn Trường Sơn, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy TPHCM, cho biết đã gửi Đề án thành lập tập đoàn bệnh viện Chợ Rẫy lên Chính phủ, trong đó có chiến lược và bước đi chắc chắn trên mô hình này. TBKTSG đã có cuộc trao đổi với ông về vấn đề này

TBKTSG: Thành lập tập đoàn, nghĩa là sau này Bệnh viện Chợ Rẫy sẽ hoạt động như một doanh nghiệp, mà doanh nghiệp thì phải quan tâm đến lợi nhuận. Liệu điều này có làm cho chi phí điều trị ở các cơ sở của Chợ Rẫy tăng lên không, thưa ông ?

- Ông Nguyễn Trường Sơn: Hiện nay Chợ Rẫy đang xây dựng thêm bệnh viện Chợ Rẫy Việt-Nhật ở huyện Bình Chánh (TPHCM) từ vốn ODA với quy mô 1.000 giường

Bệnh viện Chợ Rẫy cũng được Bộ Y tế đề xuất là một trong bốn bệnh viện trên cả nước xây dựng mô hình chi thường xuyên và tự chủ đầu tư phát triển thuộc nhóm 1 (tự chủ chi thường xuyên và đầu tư phát triển), buộc các cơ sở phải biết huy động nguồn lực trong xã hội và nội tại để thay đổi mô hình quản trị nhằm cung ứng dịch vụ y tế một cách đa dạng từ thấp đến cao, có tích lũy và phát triển. Đồng thời phải xây dựng được chính sách giá viện phí phù hợp với hoạt động của bệnh viện dựa trên những tiêu chí Bộ Y tế đề ra

Bệnh viện Chợ Rẫy với việc có thêm cơ sở 2 có thể phát triển theo mô hình hợp tác công tư (PPP) hoặc hỗ trợ chuyên môn đặc thù như Bệnh viện Chợ Rẫy Phnôm Pênh. Việc hình thành chuỗi bệnh viện là yêu cầu có thực, nhưng sẽ xây dựng theo mô hình nào ? Nếu theo mô hình như hiện nay sẽ rất khó khăn cho sự phát triển của các bệnh viện thành viên. Chính vì vậy, ban giám đốc đã đề xuất xây dựng một tập đoàn bệnh viện. Tuy nhiên, mô hình này khác so với tập đoàn của Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) đề xuất mà theo đó khi xây dựng xong là phải bán cổ phiếu, cổ phần. Còn tập đoàn Bệnh viện Chợ Rẫy sau này vẫn thu đúng giá viện phí của Bộ Y tế và Bộ Tài chính đề ra với 7/7 thành tố chi phí: thuốc, vật tư trực tiếp; điện nước, xử lý chất thải; duy tu, bảo dưỡng thiết bị, mua thay thế công cụ, dụng cụ trực tiếp sử dụng để thực hiện các dịch vụ; tiền lương, phụ cấp; sửa chữa lớn, khấu hao trang thiết bị; khấu hao nhà cửa; đào tạo nghiên cứu khoa học

Như vậy, mục tiêu của việc thành lập tập đoàn là để huy động các nguồn lực nhằm đa dạng hóa và nâng cao chất lượng điều trị, đảm bảo cạnh tranh tốt với các bệnh viện trong khu vực, góp phần trước hết là giảm nhu cầu ra nước ngoài chữa bệnh của người dân. Đây là thị trường hiện đang có giá tới 4 tỉ đô la Mỹ/năm. Đồng thời, Chợ Rẫy sẽ là trung tâm đào tạo thực hành cho các sinh viên và các bác sĩ, hình thành trung tâm nghiên cứu về lâm sàng

TBKTSG: Như vậy có thể hiểu là dù có hoạt động như một doanh nghiệp theo mô hình tập đoàn thì mục tiêu của Chợ Rẫy vẫn không phải là lợi nhuận ?

- Theo quan điểm chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Y tế, Chợ Rẫy có thể phát triển theo mô hình doanh nghiệp nhưng là doanh nghiệp không lợi nhuận, cũng có thể vẫn giữ nguyên mô hình của đơn vị sự nghiệp nhà nước như hiện nay với cơ chế tài chính vừa đảm bảo chi thường xuyên vừa là đơn vị đầu tư phát triển

Dù theo mô hình nào thì bệnh viện cũng bắt buộc phải tạo ra lợi nhuận để trang trải chi phí nhân sự và có tích lũy để đầu tư phát triển. Ngoài ra, để phát triển một cách hiệu quả, bệnh viện rất cần thiết phải huy động được các nguồn lực xã hội thông qua các hình thức như liên doanh, liên kết, xã hội hóa...

TBKTSG: Hôm 13-8 vừa qua, trình bày trước Bộ trưởng Y tế, ông cho biết “bệnh viện sẽ đi theo hướng doanh nghiệp nhà nước và tự định giá khám chữa bệnh cho phù hợp với mô hình tập đoàn bệnh viện và sẽ đẩy mạnh phát triển khám chữa bệnh dịch vụ...”. Ông có thể giải thích thêm nội dung này không ?

- Khi trở thành một bệnh viện tự chủ toàn bộ, việc định giá khám bệnh, xây dựng giá khám phù hợp cho các loại hình và chất lượng dịch vụ khác nhau là điều phải làm. Ví dụ, có những dịch vụ 50 người nằm chung một khoa, những dịch vụ một người một giường và phòng VIP... Mỗi bệnh viện đều có những gói dịch vụ bảo hiểm y tế cơ bản và Nhà nước khuyến khích người dân tham gia. Bên cạnh đó, còn có những dịch vụ bảo hiểm mở rộng với nhiều gói hơn để người dân lựa chọn tùy theo điều kiện cũng như mong muốn của mình

Việc thành lập tập đoàn bệnh viện có ưu điểm là san sẻ giữa các bệnh viện trong tập đoàn, giống như nhiều tập đoàn y tế tư nhân có đơn vị có lãi nhưng cũng có nơi đầu tư không đủ để trang trải, nhưng tập đoàn vẫn bảo đảm chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh cho tất cả. Hơn nữa, các bệnh viện thuộc tập đoàn còn điều chuyển, bổ trợ nhân lực cho nhau và có sự san sẻ về các nguồn lực tài chính, đào tạo...

Hiện nay nhiều người vẫn đi nước ngoài chữa bệnh vì trong nước chưa có cơ sở vật chất tốt, không có phòng dành cho những tỉ phú... Nhu cầu về chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh của người dân ngày một tăng, nên các bệnh viện cũng phải có đủ điều kiện phục vụ những người muốn có chất lượng dịch vụ cao hơn. Những dịch vụ chất lượng cao không chỉ phục vụ người giàu, mà đó cũng là con đường để các bệnh viện nâng dần mặt bằng chất lượng, đầu tư công nghệ mới và hạ chi phí khám và điều trị để phục vụ cho tất cả mọi người

TBKTSG: Nhiều người cho rằng chuyển các bệnh viện công từ mô hình đơn vị sự nghiệp sang thành tập đoàn sẽ rất khó khăn về vấn đề quản trị. Ông thấy thế nào ?

- Đội ngũ quản trị, lãnh đạo của các bệnh viện hiện nay phần lớn xuất phát từ người làm chuyên môn, có được đào tạo về quản lý ngắn hạn hoặc tự học, nên việc quản trị theo mô hình tập đoàn là một thách thức

Nhưng nếu vì thách thức mà không thay đổi thì chắc chắn sẽ không thể phát triển. Do đó, bắt buộc bệnh viện cũng phải tính toán đến nguồn lực quản trị bệnh viện, từ trong nước hoặc từ nước ngoài, đặc biệt quản trị về nhân lực và tài chính

Bộ Y tế khuyến khích thuê chuyên gia quản trị giỏi, nhưng đơn vị sự nghiệp công lập bị giới hạn bởi tiền lương. Nếu không có cơ chế mở và bệnh viện không đầu tư phát triển cơ sở vật chất riêng để phục vụ cho người giàu thì mâu thuẫn này sẽ khó giải quyết

TBKTSG: Có ý kiến cho rằng nên giữ nguyên Bệnh viện Chợ Rẫy hiện tại và thành lập các bệnh viện con cổ phần để kêu gọi xã hội hóa sẽ tốt hơn. Ông nghĩ sao về đề xuất này ?

Có nhiều ý kiến lo ngại rằng, nếu thành lập các bệnh viện cổ phần tách ra khỏi bệnh viện mẹ thì các bệnh viện đó phải có tên riêng, pháp nhân riêng và cơ chế hoạt động cũng độc lập, nên sẽ không tận dụng được ưu thế về uy tín, tên tuổi của bệnh viện mẹ, sẽ rất khó thu hút bệnh nhân

Mong muốn hình thành hệ thống tập đoàn bệnh viện là mong muốn cho phát triển, bởi vì chủ động điều tiết được nguồn nhân lực là rất quan trọng

Người dân dễ rơi vào tình trạng không đủ khả năng chi trả

Theo TS.Trần Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo phát triển cộng đồng, nhiều nước đã trả giá cho việc tư nhân hóa dịch vụ y tế công, bởi tiết kiệm từ giảm chi ngân sách chưa chắc đã bù được sự gia tăng giá dịch vụ y tế, khiến toàn xã hội phải chịu đựng. Xã hội hóa công tác chăm sóc y tế không đồng nghĩa với đẩy y tế công sang vận hành quản lý theo mô hình tư nhân, cũng không đồng nghĩa với hình thành mô hình “công-tư hợp tác”

Xã hội hóa công tác y tế là tạo ra một môi trường pháp lý để các nguồn lực trong xã hội tham gia cao nhất vào công tác chăm sóc sức khỏe, cả dự phòng, điều trị và phục hồi chức năng. Do vậy, hệ thống y tế phải tồn tại ba loại hình dịch vụ, đó là dịch vụ y tế công, y tế tư và dịch vụ chăm sóc y tế phi lợi nhuận. Thiếu loại hình này, “xã hội hóa dịch vụ chăm sóc y tế” đã triệt tiêu ý nghĩa đích thực của nó

Hoàng Nhung
 
Last edited:
Sài Gòn sẽ chi 5.700 tỉ đồng xây dựng mới 3 bệnh viện vệ tinh


Dự án xây dựng mới Bệnh viện Đa khoa khu vực Thủ Đức

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý cho TPHCM xây dựng mới 3 bệnh viện vệ tinh từ tiền ngân sách thành phố với tổng mức đầu tư gần 5.700 tỉ đồng

Cụ thể, xây dựng mới Bệnh viện Đa khoa khu vực Củ Chi, xây dựng mới Bệnh viện Đa khoa khu vực Hóc Môn và xây dựng mới Bệnh viện Đa khoa khu vực Thủ Đức

Mục tiêu là xây dựng mới các bệnh viện trên hiện đại, đạt chất lượng cao, hình thành các khoa chuyên sâu với các thiết bị y khoa đồng bộ, hiện đại nhằm giảm tải cho các bệnh viện tuyến cuối và khu vực nội thành

Ngoài ra, tạo điều kiện về cơ sở vật chất, thiết bị, kỹ thuật và trình độ chuyên môn tốt hơn cho việc chăm sóc sức khỏe người dân tại tuyến đầu thuộc khu vực huyện Củ Chi, huyện Hóc Môn, huyện Thủ Đức và các vùng lân cận

Mỗi bệnh viện đầu tư, xây dựng khu khám, điều trị ngoại trú, khu cận lâm sàn về chuẩn đoán y khoa, khu hành chính, hệ thống hạ tầng kỹ thuật và các công trình phụ trợ đảm bảo công suất cho quy mô 1.000 giường và hoàn chỉnh khu điều trị nội trú 500 giường bệnh

Kinh phí xây dựng 3 bệnh viên trên đều tư ngân sách TPHCM với tổng mức đầu tư gần 5.700 tỉ đồng. Trong đó, Bệnh viện Đa khoa khu vực Củ Chi có tổng mức đầu tư 1.854 tỉ đồng, Bệnh viện Đa khoa khu vực Hóc Môn là 1.895 tỉ đồng và Bệnh viện Đa khoa khu vực Thủ Đức có tổng mức đầu tư 1.915 tỉ đồng

Minh Quân
 
Tạo điều kiện hình thành chuỗi BV trực thuộc các BV lớn
(Chinhphu.vn) - Sắp tới một số BV lớn sẽ được tạo điều kiện để đổi mới mô hình quản trị, hình thành chuỗi BV trực thuộc tại các địa phương, tham gia sâu hơn vào đào tạo nhân lực y tế

DDN_4766.jpg

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam lưu ý “để một BV đi vào hoạt động hiệu quả, ngoài cơ sở vật chất, trang thiết bị thì điều quan trọng nhất là đội ngũ thầy thuốc"

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh như vậy tại lễ khánh thành khu khám bệnh cơ sở 2 của BV Bạch Mai và BV Hữu nghị Việt - Đức tại TP. Phủ Lý, Hà Nam, chiều 21/10

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chúc mừng cán bộ, nhân viên BV Bạch Mai, BV Hữu nghị Việt - Đức sau nhiều năm chờ đợi, cố gắng, tự mở rộng cơ sở vật chất, mua sắm thêm trang thiết bị thì lần đầu tiên đã được nhà nước đầu tư với tiêu chuẩn cao hơn nhiều so với tất cả các BV trước đây. Bộ Y tế và các đơn vị liên quan cũng hết sức nỗ lực trong suốt quá trình triển khai hai dự án. Quá trình xây dựng cơ sở 2 của BV Bạch Mai, BV Hữu nghị Việt - Đức cũng nhận được sự ủng hộ, “ưu ái” của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân tỉnh Hà Nam

Theo Phó Thủ tướng, đề án xây mới 5 BV tuyến cuối (2 cơ sở tại miền Bắc, 3 cơ sở tại TPHCM) đặc biệt quan trọng và được tạo thuận lợi tối đa như nguồn vốn luôn sẵn sàng, có mặt bằng sạch, Bộ Y tế được giao toàn quyền và các bộ như Bộ Tài chính, Bộ KH&ĐT, Bộ Xây dựng cũng hết sức phối hợp, trách nhiệm. Tuy nhiên, do nhiều khó khăn nên dự án cơ sở 2 của BV Bạch Mai, BV Hữu nghị Việt - Đức chậm so với tiến độ ban đầu

DDN_4783.jpg

Phó Thủ tướng dự lễ cắt băng khánh thành khu khám bệnh trong cơ sở 2 của BV Bạch Mai

“Bộ Y tế, các đơn vị liên quan và các nhà thầu phải cố gắng hết mức, theo đúng các quy định của pháp luật để hai cơ sở này được đưa vào sử dụng sớm nhất", Phó Thủ tướng yêu cầu và lưu ý “để một BV đi vào hoạt động hiệu quả, ngoài cơ sở vật chất, trang thiết bị thì điều quan trọng nhất là đội ngũ thầy thuốc”

Đây là nhiệm vụ hết sức nặng nề của đội ngũ cán bộ, bác sỹ của BV Bạch Mai, BV Hữu nghị Việt - Đức và các BV trên địa bàn tỉnh Hà Nam. Việc đào tạo, chuyển giao là một quá trình cần phải linh hoạt, chịu khó và nhất là sự phối hợp đồng bộ, chặt chẽ giữa các BV. “Làm sao để BV Bạch Mai, BV Hữu nghị Việt - Đức ở Hà Nam luôn có uy tín như BV Bạch Mai, BV Hữu nghị Việt - Đức ở Hà Nội”

Phó Thủ tướng nhắc lại yêu cầu rất quan trọng của Nghị quyết Trung ương về chăm sóc sức khoẻ nhân dân trong tình hình mới là phải nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, giảm quá tải BV, đồng thời tăng cường nghiên cứu khoa học, phát triển đội ngũ chuyên gia y tế đầu ngành, phấn đấu trước hết để người Việt Nam bớt phải ra nước ngoài chữa bệnh

“Muốn làm được điều này, trước hết phải đổi mới mô hình quản trị BV. Sắp tới một số BV lớn như BV Bạch Mai, BV Hữu nghị Việt - Đức… sẽ được tạo điều kiện để bước đầu hình thành mô hình gồm một chuỗi các BV trực thuộc tại địa phương, tham gia sâu hơn vào đào tạo nhân lực y tế”, Phó Thủ tướng nói

Phó Thủ tướng cũng đánh giá cao định hướng trở thành trung tâm khoa học chăm sóc sức khoẻ trình độ cao của tỉnh Hà Nam bằng cách thu hút các cơ sở chăm sóc sức khoẻ, đào tạo nhân lực y tế đến đầu tư tại địa phương

DDN_4800.jpg

Phó Thủ tướng thăm một phòng khám bên trong cơ sở 2 của BV Bạch Mai đang thực hiện khám từ thiện

Tại buổi lễ, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, cơ sở 2 của BV Bạch Mai và BV Hữu nghị Việt - Đức là 2 dự án thuộc đề án đầu tư xây mới 5 BV tuyến cuối ở miền Bắc và TPHCM với mục tiêu xây dựng các BV mới theo hướng hiện đại, kỹ thuật cao, ngang tầm các nước tiên tiến trong khu vực, góp phần giảm quá tải BV

Cơ sở 2 của BV Hữu nghị Việt - Đức và BV Bạch Mai được xây dựng trên diện tích 12,5ha/BV với vốn đầu tư ban đầu gần 5.000 tỷ đồng/BV (sau giảm còn trên 4.000 tỷ đồng/BV)

So với diện tích cơ sở 1, cơ sở 2 của BV Bạch Mai lớn gấp 4 lần với 1 tầng hầm, 6 tầng nổi và BV Việt Đức lớn gấp 10 lần với 1 tầng hầm, 9 tầng nổi

Trong đó cơ sở 2 của BV Bạch Mai phát triển theo hướng là BV đa khoa hoàn chỉnh hiện đại chữa các bệnh nặng, chuyên khoa sâu như: tim mạch, nội khoa, ung bướu, thận tiết niệu, hô hấp, có quy mô 1.000 giường bệnh nội trú, đáp ứng khoảng 5.000 lượt khám/ngày

DDN_4835.jpg

Phó Thủ tướng cắt băng khánh thành khu khám bệnh trong cơ sở 2 của BV Hữu nghị Việt - Đức

Cơ sở 2 của BV Hữu nghị Việt - Đức có quy mô 1.000 giường bệnh nội trú và đáp ứng khoảng 3.500 lượt khám/ngày, là BV ngoại khoa hoàn chỉnh chữa trị các chấn thương: xương, sọ, não, đầu mặt, cổ, lồng ngực, cột sống, vi phẫu tim mạch

Đến nay, sau gần 4 năm xây dựng, khu khám bệnh của 2 BV đã chuẩn bị đi vào hoạt động giai đoạn 1, dự kiến sẽ tiếp nhận 300-700 bệnh nhân đến khám/ngày

So với kế hoạch ban đầu, tiến độ xây dựng cơ sở 2 của BV Bạch Mai và BV Hữu nghị Việt - Đức đã chậm gần 2 năm. Trong thời gian tới, Bộ Y tế sẽ tiếp tục đốc thúc chủ đầu tư và nhà thầu đẩy nhanh tiến độ, dự kiến hoàn tất dự án vào quý III/2019

Hà Nam
 
Bệnh viện công mời chuyên gia 5 sao làm dịch vụ chuẩn như resort
Việc trao quyền tự chủ cho bệnh viện công đem lại kết quả tích cực khi cả bệnh viện và người dân cùng được lợi, còn ngân sách “nhẹ gánh”. Song, cần hoàn thiện hệ thống văn bản để các bệnh viện đỡ “bối rối”

Mời quản lý khách sạn 5 sao về bệnh viện

Thành lập năm 1894, là bệnh viện tây y đầu tiên tại Việt Nam, Bệnh viện Trung ương Huế có 3 cơ sở, trong đó tách riêng phần dịch vụ sang Bệnh viện quốc tế TƯ Huế. GS.TS Bác sĩ Phạm Như Hiệp, Giám đốc Bệnh viện, kể rằng, nhờ cơ chế tự chủ, bệnh viện được trang bị nhiều trang thiết bị hiện đại, đội ngũ bác sĩ giỏi chữa trị được bệnh nặng. Ngoài ra, bệnh viện còn mở thêm các dịch vụ khác như chăm sóc da, thẩm mỹ, tiêm chủng,... Khuôn viên bệnh viện có không gian xanh, phòng sạch đạt chuẩn với các dịch vụ giặt là, gội đầu, căng tin dinh dưỡng,... như khách sạn sang

“Đó là bởi chúng tôi đã mời quản lý khách sạn Furama về làm nên các tiêu chuẩn dịch vụ, buồng phòng, chăm sóc bệnh nhân như khách sạn 5 sao”, bác sĩ Hiệp chia sẻ

Tới đây, bệnh viện còn triển khai dịch vụ khám bệnh cho khách du lịch, đầu tư thêm trang thiết bị y tế hiện đại và mở rộng đầu tư thêm hai bệnh viện nữa ở Hà Tĩnh và Đà Nẵng


Một phòng bệnh nhân ở bệnh viện có tiêu chuẩn 5 sao

Tại bệnh viện Việt Đức, năm 2018, số lượt người bệnh lựa chọn dịch vụ khám theo yêu cầu tăng tới 270%, số ca phẫu thuật loại đặc biệt tăng 120%. Tự chủ đã giúp bệnh viện phát triển toàn diện theo yêu cầu, thay vì thụ động trông chờ nguồn NSNN như trước

Cùng nhờ cơ chế tự chủ, thu nhập của cán bộ nhân viên bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM tăng lên bình quân 27 triệu đồng/tháng/người, gấp đôi so với năm 2014 (13 triệu người/tháng)

Bệnh viện quốc tế TƯ Huế cũng như các bệnh viện trên là một vài nét chấm phá trong bức tranh đặc sắc về kết quả thành công của cơ chế tự chủ với bệnh viện công

Theo Thạc sĩ Nguyễn Nam Liên, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính (Bộ Y tế), đến nay 100% số đơn vị sự nghiệp trong cả nước đã được phân loại, giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm

Tính đến năm 2018, cả nước có khoảng 160 đơn vị đã tự đảm bảo chi thường xuyên, và con số này ngày càng tăng. 1.364 đơn vị đã tự chủ một phần thì mức này cũng rất cao, nhiều bệnh viện tự chủ được 80-90% chi thường xuyên. 23 bệnh viện tự đảm bảo được toàn bộ thu chi

“Không chỉ tiết kiệm tiền ngân sách, điều quan trọng là các bệnh viện thuộc Bộ đã giảm được 25.362 người hưởng lương ngân sách, với số tiền khoảng 2.127 tỷ đồng/năm. Con số đó là mới tính riêng các bệnh viện thuộc Bộ Y tế, chưa kể các tuyến tỉnh, huyện, xã”, ông Liên cho hay

Tuy nhiên, mặc dù được triển khai từ năm 2012, khi Chính phủ ban hành NĐ 85 quy định về cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính đối với các đơn vị sự nghiệm y tế công lập, TS. Lê Đình Thăng, Kiểm toán trưởng Kiểm toán Nhà nước (KTNN) chuyên ngành III, cho rằng, hiện vẫn có nhiều quan điểm khác nhau, tóm lược vào 2 trường phái: 1/tự chủ đồng nghĩa với việc các cơ sở khám chữa bệnh công lập phải tự lo kinh phí và tất cả cả chi phí này chuyển hết vào dịch vụ khám, chữa bệnh, do người bệnh chi trả, cắt tiền từ ngân sách; 2/tự chủ các bệnh viện vẫn dựa vào ngân sách đồng thời phát triển nhiều dịch vụ khám, chữa bệnh theo yêu cầu

Cả hai cách hiểu này đều chưa đúng. Trao đổi với PV.VietNamNet, ông Thăng cho rằng, các bệnh viện công được tự chủ trên cơ sở chức năng nhiệm vụ của Nhà nước giao là khám chữa bệnh, và bệnh viện được sử dụng các nguồn lực hợp pháp như thu một khoản tiền, mở ra các dịch vụ khác để thực hiện chức năng nhiệm vụ ấy

“Vậy mà trong quá trình kiểm toán, rất nhiều bệnh viện tuyến tỉnh, huyện vẫn hiểu cơ chế tự chủ rất khác. Họ cho rằng đó là dịch vụ của họ, do họ làm chủ, thậm chí không cho kiểm toán”, ông Thăng nói


Tự chủ giúp các bệnh viện công có thêm nguồn chi, giảm áp lực lên ngân sách

Tự chủ nhưng không biết làm thế nào

Phát biểu tại Hội thảo “Cơ chế tự chủ đối với bệnh viện công lập - Vấn đề đặt ra và vai trò của KTNN”, diễn ra ngày 18/1, GS.TS Đoàn Xuân Tiên, Phó Tổng KTNN, nhận xét, vẫn còn không ít vướng mắc trong quá trình thực hiện cơ chế tự chủ

Chẳng hạn, việc quản lý tài chính của các bệnh viện chưa hiệu quả, vẫn còn tình trạng ít lại trông chờ ngân sách; chưa khuyến khích các bệnh viện tiến tới tự chủ 100%; thiếu hệ thống các tiêu chuẩn, định mức kinh tế kỹ thuật làm cơ sở cho các bệnh viện,... Tất cả dẫn tồn tại trên là do thiếu một cơ chế tự chủ rõ ràng, tường minh

TS. Lê Đình Thăng dẫn chứng, trao quyền tự chủ, vậy các bệnh viện có nguồn thu thì được quyền chi những thứ gì? Viện phí, dịch vụ y tế khám chữa bệnh có dịch vụ đi kèm, bệnh viện có được thu hay không, thu như thế nào, mức bao nhiêu thì không hề có quy định

Chính điều này khiến các bệnh viện đang lúng túng. Ông Phạm Đình Cường, chuyên gia kinh tế, kể rằng khi ông đi giảng, học viên là quản lý tài chính các bệnh viện đều có một yêu cầu: “Hãy cho chúng tôi một bộ sách quy định cái gì được làm, cái gì không được làm để chúng tôi rõ”. Vì thiếu hệ thống pháp lý cụ thể mà có hiện tượng mỗi bệnh viện làm một kiểu

Theo ông Lê Đình Thăng, ngay cả nguồn viện phí từ BHYT thanh toán cũng là một câu chuyện tranh luận giữa các bệnh viện và bảo hiểm y tế (BHYT). Đó là sự vênh nhau giữa chi phí khám chữa bệnh thực từ bệnh nhân có BHYT và BHYT chi trả thực, dẫn tới thiếu hụt nguồn chi trả, mặc dù cơ quan BHYT đã kiểm tra đến 2-3 lần

Qua số liệu từ báo cáo kiểm toán, chỉ riêng các bệnh viện thuộc Bộ Y tế, đến cuối năm 2017 nguồn mà BHYT nợ các bệnh viện lên tới 5.000 tỷ, trong khi đó các bệnh viện lại nợ nhà thuốc 7.000 tỷ, gây mất cân đối khoảng 2.000 tỷ. “Một Bộ mà mất cân đối tới 2.000 tỷ đồng là rất khó để cân đối, đây là vấn đề cơ chế cần giải quyết”, ông Thăng lưu ý

Hơn nữa, trong hoạt động liên doanh liên kết với các nhà đầu tư, nhiều bệnh viện phản ánh gặp khó khăn. Vướng ở chỗ là theo Luật Đầu tư công, trình tự thủ tục rất lâu, đôi khi mất cơ hội của các bệnh viện. Điển hình, thiết bị y tế toàn thiết bị điện tử, chờ từ lúc làm dự án đến khi được phê duyệt thì thiết bị đã lạc hậu

Ngọc Hà
 
Trường Đại học Y dược và Bệnh viện Đại học Y dược TP HCM
Vận động chính sách tạo chuỗi bệnh viện

Sáng 23-1, Đoàn công tác do Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam làm trưởng đoàn đã đến thăm và làm việc với Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM về việc tháo gỡ vướng mắc giữa trường đại học và bệnh viện trực thuộc


img-4945_nnrw.jpg

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam thăm hỏi bệnh nhân đang điều trị tại Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM

Báo cáo với Phó Thủ tướng, PGS-TS Nguyễn Hoàng Bắc, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM cho biết, mỗi năm bệnh viện khám ngoại trú cho trên 2 triệu lượt người, trung bình mỗi ngày 7.000 lượt khám. Bệnh viện cũng điều trị nội trú với 70.000 lượt mỗi năm. Đặc biệt, số lượng khám bệnh, điều trị đang ngày càng tăng, trung bình 6-10%/năm, bệnh viện phải từ chối và chuyển bệnh sang các cơ sở y tế khác vì quá tải

Mặc dù, Bệnh viện Đại học Y dược đã tự chủ tài chính nhưng vẫn trực thuộc Trường Đại học Y dược TPHCM nên việc liên kết, hợp tác với các đối tác để xây mới, mở rộng hoạt động gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Bên cạnh đó, việc đề xuất mua sắm trang thiết bị cho bệnh viện phải thông qua Trường Đại học Y dược khiến cho tiến độ mua sắm chậm trễ và mất thời gian

“Để tạo điều kiện để bệnh viện mua sắm trang thiết bị một cách đơn giản, nhanh chóng cần bỏ qua khâu trung gian là báo cáo cáo cho trường. Cùng với đó, Chính phủ cũng cần có cơ chế mới để bệnh viện mở rộng hệ thống khám chữa bệnh, còn trường thì chuyên tâm vào đào tạo nhân lực y tế” - PGS-TS Nguyễn Hoàng Bắc đề xuất

Còn theo PGS-TS Trần Diệp Tuấn, Hiệu trưởng Trường Đại học Y dược TPHCM, dù bệnh viện tự chủ về tài chính, hạch toán như một doanh nghiệp nhưng bệnh viện vẫn trực thuộc trường; do đó, các thủ tục, quy trình hành chính vẫn phải tuân theo các quy định của một đơn vị công lập

Đánh giá kết luận tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, hiện vẫn chưa có cơ chế chính xác giữa trường đại học và bệnh viện thuộc đại học để giải quyết các vấn đề phát sinh giữa 2 đơn vị, nhất là về tài chính, về đất đai, về nhân sự….

Bệnh viện và trường cần ngồi lại cố gắng tháo gỡ những vướng mắc để cả bệnh viện và trường đại học cùng phát triển. Nếu không có trường chắc chắn sẽ không có đội ngũ nhân sự y tế chất lượng cao để tạo nên uy tín cho bệnh viện, nhưng nếu không có bệnh viện thì trường cũng không có nguồn thu để chuyên tâm nghiên cứu, đào tạo. Do vậy, cả hai phải tìm được tiếng nói chung để phát triển hài hòa

Bên cạnh đó, với uy tín và chất lượng của Trường Đại học Y dược và Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM, thời gian tới cần mạnh dạn mở phân hiệu khám chữa bệnh ở các tỉnh, thành khác, tạo nên chuỗi bệnh viện nhằm giảm bớt thời gian, công sức đi lại của người dân

“Chúng ta không thể để cho bệnh nhân từ các tỉnh xa xôi như Cà Mau, Bạc Liêu, Khánh Hòa, Lâm Đồng phải lặn lội hàng tháng đến Bệnh viện Đại học Y dược chỉ để khám bệnh tiểu đường, huyết áp. Nếu có các phân hiệu của Bệnh viện Đại học Y dược ở các tỉnh này thì người dân không còn phải đi lại vất vả" - Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh

Thành Sơn
 
Ngành dịch vụ y tế và chăm sóc sức khỏe Việt Nam

Đến năm 2020, trung bình mỗi người Việt Nam sẽ chi 85 USD (khoảng 2 triệu VND) một năm tiền thuốc


Nghiên cứu thị trường mới đây của Ngân hàng Thế giới đã dự báo: tính đến năm 2020, thị trường ngành y tế dịch vụ chăm sóc sức khỏe của Việt Nam sẽ tăng trưởng gấp ba lần kể từ năm 2010. Nghiên cứu cũng cho biết, thị trường chăm sóc sức khỏe Việt Nam sẽ sớm vượt qua các quốc gia trong khu vực như Malaysia, Thái Lan và Indonesia

Tăng trưởng kinh tế và dân số đang thúc đẩy nhu cầu về các dịch vụ chăm sóc sức khỏe trên khắp đất nước Việt Nam, đặc biệt là hai trung tâm kinh tế Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Chính phủ đang tài trợ cho các bệnh viện công cấp tỉnh để nâng cấp cơ sở vật chất và mở các khoa mới, đáp ứng điều trị chuyên khoa. Những phát triển như vậy đang tạo ra cơ hội mới cho các thiết bị y tế tại Việt Nam

Thị trường y tế và thiết bị y tế Việt Nam có tiềm năng rất lớn. Theo Business Monitor International (BMI), chi phí chăm sóc sức khỏe của người Việt Nam ước tính đạt khoảng 16,1 tỷ USD trong năm 2017, chiếm 7,5% GDP. BMI dự báo chi tiêu y tế sẽ tăng lên 22,7 tỷ USD vào năm 2021, ghi nhận tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) khoảng 12,5% từ năm 2017 đến năm 2021

Trong giai đoạn 2011-2015, Việt Nam là một trong những thị trường dược phẩm tăng trưởng nhanh nhất ở châu Á. Các chuyên gia cho rằng tốc độ tăng trưởng này sẽ còn được duy trì trong 20 năm tới. Giá trị thị trường chung của ngành trong năm 2015 vào khoảng 4,2 tỷ USD và dự kiến sẽ đạt 10 tỷ USD vào năm 2020


Trước khi được bán tại Việt Nam, các loại thuốc phải được đăng ký với Bộ Y tế. Bộ Y tế sẽ cấp giấy phép tiếp thị, thường có hiệu lực trong 5 năm. Hết 5 năm, sản phẩm phải được đăng ký lại

Chi tiêu cho dược phẩm bình quân đầu người là 44 USD vào năm 2015. Ước tính con số này sẽ tăng gấp đôi lên 85 USD vào năm 2020 và tăng gấp bốn lần lên mức 163 USD vào năm 2025

Chính phủ khuyến khích nhập khẩu thiết bị y tế vì sản xuất trong nước chưa đủ để đáp ứng nhu cầu. Thiết bị y tế nhập khẩu hưởng mức thuế nhập khẩu thấp và không có hạn chế hạn ngạch. Tuy nhiên, các thiết bị này phải tuân thủ các yêu cầu về quy định và cấp phép của Bộ Y tế. Chỉ những công ty có pháp nhân kinh doanh đăng ký tại Việt Nam và có giấy phép nhập khẩu mới đủ điều kiện để phân phối thiết bị y tế

Tăng trưởng kinh tế, thu nhập, dân số và quá trình đô thị hóa, cùng với già hóa dân số là nguyên nhân gây ra sự tăng trưởng nhanh chóng của nhu cầu dược phẩm tại Việt Nam. Mặt khác, một số tác động tiêu cực như ô nhiễm, mất vệ sinh an toàn thực phẩm hoặc điều kiện sống và làm việc không an toàn cũng khiến người dân phải chi cho thuốc thang nhiều hơn

BMI đưa ra lời khuyên: nếu Việt Nam mong muốn hiện đại hóa hệ thống chăm sóc sức khỏe để tạo ra nhiều cơ hội kinh doanh trong những năm tới, khu vực đầu tiên cần cải thiện là mạng lưới bệnh viện

Hiện đại hóa các bệnh viện sẽ đòi hỏi đầu tư và tài trợ lớn, Việt Nam cần phải huy động nhiều nguồn vốn đầu tư khác nhau: cả nhà nước, tư nhân và các công ty nước ngoài. Hiện nay, ngành Y tế và dịch vụ chăm sóc sức khỏe trong nước vẫn chưa đáp ứng được hoàn toàn nhu cầu của người dân. Tạp chí Quốc tế về Nghiên cứu Môi trường và Sức khỏe Cộng đồng ước tính, mỗi năm có khoảng 40.000 bệnh nhân Việt Nam ra nước ngoài khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe

Thái Trang
 
Ngành Y tế Việt cực kỳ hấp dẫn


Các diễn giả tại hội thảo chuyên đề: "Ngành Y tế cần làm gì để thu hút đầu tư" do Hội Y học TP.HCM và Hội Hành Nghề Y Tư Nhân TP.HCM cùng Thời báo Kinh tế Sài Gòn và Công ty DG Medical tổ chức cuối tháng 3/2019

Số liệu của Vụ Tài chính hành chính sự nghiệp, Bộ Tài chính cho biết, tổng chi toàn xã hội cho chăm sóc sức khỏe so với GDP ngày càng tăng. Từ năm 2008 đến nay, tốc độ tăng chi từ ngân sách Nhà nước (NSNN) cho y tế đã cao hơn tốc độ tăng chi bình quân chung của NSNN và đạt khoảng 7-8% tổng chi ngân sách, đồng thời Việt Nam cũng đang đẩy mạnh xã hội hóa, hợp tác công tư, thu hút các nguồn lực cho đầu tư phát triển trong lĩnh vực y tế

Trong 9 năm qua, Chính phủ đã ưu tiên ngân sách, vốn ODA, trái phiếu Chính phủ để có bước đầu tư đột phá cho hệ thống khám chữa bệnh (KCB). Chính phủ đã đầu tư hơn 60.000 tỷ đồng cho các dự án cải tạo, nâng cấp bệnh viện. Cơ sở KCB tư nhân phát triển nhanh, từ chỗ không có bệnh viện tư, năm 1993 tới nay đã có 206 bệnh viện tư nhân với 15.475 giường bệnh và trên 35.000 phòng khám tư nhân

Chia sẻ tại hội thảo, Bác sĩ Dilshaad Ali, Cố vấn chuyên môn của DG Medical - nhà cung cấp các giải pháp y khoa toàn diện tại Đông Nam Á cho rằng, Việt Nam là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới hiện nay với thu nhập người dân tăng cao, rất nhiều gia đình đã chi nhiều hơn cho tiêu dùng, và đây là cơ hội cho việc đầu tư các dịch vụ y tế cao cấp

Bên cạnh đó, trong thời gian qua Việt Nam đã cho phép đầu tư vào hệ thống y tế để phát triển mạnh các chuyên khoa lâm sàng, cải thiện trải nghiệm của bệnh nhân. Do đó nhu cầu của người dân ngày càng tăng đối với các dịch vụ y tế cao cấp. Vì vậy nhiều nhà đầu tư cũng đã bắt đầu có được lợi nhuận nhờ đầu tư vào hệ thống khám chữa bệnh

Đẩy mạnh xã hội hóa, hoạt động M&A trong ngành y tế bùng nổ

Phó Giám đốc Sở Y tế TP. HCM cho biết, hiện tất cả các bệnh viện công lập ở TP. HCM đã chuyển sang mô hình tự chủ tài chính, vì vậy có sự cạnh tranh lành mạnh giữa bệnh viện công và bệnh viện tư trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh

TP.Hồ Chí Minh cũng chủ trương đẩy mạnh xã hội hóa, liên kết hợp tác nhằm thu hút vốn đầu tư cho cơ sở hạ tầng khám chữa bệnh hiện đại, chuyển giao công nghệ, đào tạo đội ngũ y bác sĩ nhằm đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh cho người dân

Tiêu biểu của tiến trình xã hội hóa ngành y tế ở TP. Hồ Chí Minh là hợp tác giữa Bệnh Ung bướu Thành phố và Bệnh viện Hồng Đức, Bệnh viện Nhân dân 115 và Bệnh viện Gia An 115. Sự hợp tác này bước đầu đã mang lại hiệu quả nhất định giúp người dân được khám chữa bệnh bởi đội ngũ bác sĩ công lập có trình độ cao, người bệnh được hưởng chất lượng dịch vụ ngang hàng với bệnh viện tư

Ông Tăng Chí Thượng nhấn mạnh khi có được sự kết nối giữa bệnh viện công – bệnh viện tư sẽ nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, giảm tải cho các bệnh viện tuyến cuối, người dân sẽ được chăm sóc sức khỏe tốt hơn. Việc kết nối cũng sẽ kích thích các nhà đầu tư bỏ vốn vào các bệnh viện tư nhân, đúng như chủ trương xã hội hóa y tế của thành phố

Không chỉ dừng lại ở hợp tác đầu tư Bệnh viện, từ năm 2015 đến nay, làn sóng đầu tư vào lĩnh vực y tế ngày càng nóng với rất nhiều thương vụ mua bán - sáp nhập (M&A) có giá trị đã được công bố

Nha khoa Mỹ đã sáp nhập vào Sun Medical Center hay Taisho, một công ty chế tạo thuốc của Nhật Bản đã mua 35% vốn CTCP Dược Hậu Giang (mã DHG) sẽ chi ra ước tính hơn 3.400 tỷ đồng để gom cổ phiếu DHG nâng tỷ lệ sở hữu tại đây từ 35% lên 56,68%

Trước đó, năm 2009, VinaCapital cùng DWS Vietnam Fund của Deustche Bank chi 20 triệu USD để nắm giữ 44% vốn của bệnh viện đa khoa Hoàn Mỹ (2 năm sau VinaCapital đã thoái vốn khỏi Hoàn Mỹ). VinaCapital cũng đầu tư vào CTCP Y khoa Tâm Trí, CTCP Dược Hậu Giang (đã thoái vốn), CTCP Xuất nhập khẩu Y tế Domesco….

Xu hướng M&A hứa hẹn sẽ tiếp tục phát triển trong tương lai khi mà Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) có kế hoạch thoái vốn khỏi nhiều doanh nghiệp ngành dược tới năm 2020, trong đó có các thương hiệu đáng chú ý như Traphaco, Domesco Đồng Tháp, CTCP Trang thiết bị kỹ thuật y tế TP.Hồ Chí Minh … Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn nhiều tồn tại trong ngành y tế mà các nhà đầu tư quan tâm trước khi quyết định rót vốn

Nhà đầu tư muốn “xuống tiền” nhưng không dễ !

Theo ông Dilshaad Ali, hiện tại có rất nhiều nhà đầu tư quan tâm đến lĩnh vực y tế Việt, nhưng họ mong muốn Việt Nam đơn giản hóa thủ tục đầu tư, thuận tiện cho họ khi muốn bỏ vốn vào các ngành, trong đó có ngành y tế. Một khi các thủ tục đầu tư được đơn giản, thuận tiện, Việt Nam sẽ có lợi thế cạnh tranh để trở thành điểm đến đầu tư y tế hấp dẫn

Ở góc độ nhà quản lý, Phó Giám đốc Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh mong muốn, việc thu hút đầu tư vào ngành y tế dù thế nào cũng phải lưu ý ba yếu tố: tối ưu hóa đầu tư, tối đa hóa hiệu quả và phân bố rủi ro hợp lý

Từ góc nhìn các chủ thể trong ngành y, bác sĩ Phạm Xuân Dũng, Giám đốc Bệnh viện Ung bướu TP.Hồ Chí Minh cho rằng, hành lang pháp lý của Nhà nước đối với việc đầu tư vào ngành y tế vẫn chưa thật sự rõ ràng, cụ thể (đặc biệt là quy định về việc sau khi thoái vốn của nhà đầu tư hay việc nhà đầu tư được sử dụng lợi nhuận thu được từ đầu tư vào bệnh viện) để có thể chia sẻ rủi ro với các nhà đầu tư khiến họ e dè khi quyết định đầu tư vào lĩnh vực này

Hơn nữa, ngoài hành lang pháp lý, để thu hút sự đầu tư của các nguồn lực bên ngoài vào y tế hoặc sự phối hợp công – tư, Nhà nước cũng cần mở rộng thêm mức chi trả bảo hiểm y tế, đặc biệt đối với các cơ sở y tế tư nhân. “Chính sách Bảo hiểm y tế cũng cần mở rộng đến các đối tượng là các phòng khám tư nhân bởi đây là mạng lưới y tế giải quyết rất hiệu quả nhu cầu khám chữa bệnh cho người dân” - bác sĩ Phan Thanh Hải, Chủ tịch Hội hành nghề y tế tư nhân TPHCM bày tỏ quan điểm

Ở góc độ nhà đầu tư, ông Andy Hồ, Giám đốc điều hành Vinacapital chia sẻ, VinaCapital thuyết phục các nhà đầu tư nước ngoài rót vốn vào lĩnh vực y tế là không khó, vì lợi nhuận ở ngành này dù không cao như các lĩnh vực hàng tiêu dùng hay xây dựng, nhưng rủi ro cũng thấp hơn

Ông Andy Hồ đồng tình với ý kiến của các bác sĩ rằng, chính sách nhà nước cần thay đổi, các khung luật phải thay đổi để phù hợp hơn để nhà đầu tư thấy an toàn hơn khi đầu tư vào lĩnh vực y tế dưới hình thức PPP

Nhà nước cũng cần xem xét lại bảo hiểm y tế (nhà nước và tư nhân) - hiện không phù hợp với tình hình phát triển của ngành. Hoạt động R&D phải phát sinh từ các trường Đại học, nên Nhà nước cần có quỹ để đầu tư vào R&D của trường Đại học. Một khi 3 yếu tố nói trên thay đổi, ngành y tế Việt Nam sẽ thu hút được nhà đầu tư đầu tư vào cũng như tái đầu tư vào ngành còn cao hơn nữa

Hồng Quân
 
Hình thành tập đoàn y tế công, phá sản y tế tuyến huyện
Thạc sĩ Huỳnh Bảo Tuân cho rằng, tự chủ hoàn toàn thực ra đang đầu tư mạnh tư nhân hóa và bệnh viện và hình thành các tập đoàn y tế công và phá sản y tế tuyến huyện

Mới đây, 4 bệnh viện tuyến trung ương được Chính phủ cho thí điểm tự chủ hoàn toàn. Đằng sau việc tự chủ hoàn toàn với 4 bệnh viện trên cũng có nhiều ý kiến cho rằng đây là việc quá dễ dàng cho các siêu bệnh viện

Về vấn đề này, Infonet.vn có cuộc trao đổi với Thạc sĩ Huỳnh Bảo Tuân - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu & đào tạo về Quản trị doanh nghiệp, Đại học Bách Khoa TP. HCM

Câu chuyện tự chủ bệnh viện người cười, kẻ khóc. Các bệnh viện tuyến trung ương được chắp thêm cánh còn các bệnh viện tuyến dưới đặc biệt là tuyến huyện rơi vào tình trạng khó khăn. Dù cố phát triển nhưng không ít rào cản với bệnh viện tuyến huyện khi tự chủ. Xin ông cho biết quan điểm của ông như thế nào về vấn đề này ?

Thạc sĩ Huỳnh Bảo Tuân: Các chính sách tự chủ trong y tế có làm phá sản hệ thống y tế không? Có xung đột với những chính sách về hệ thống khám chữa bệnh, phân tuyến không đó là nỗi băn khoăn lo lắng của nhiều người

Nghịch lý của y tế Việt Nam là rất nhiều bệnh viện tuyến cuối chữa những bệnh thông thường, đáng ra chỉ dừng lại ở bệnh viện tuyến huyện, nhưng giao thông ngày càng thuận lợi, người ta “lên” luôn tuyến trên cho “yên tâm”

Ngành y chưa bao giờ công bố con số vượt tuyến của các bệnh viện tuyến cuối. Nhưng nếu ta giả sử con số này là 80% lượt bệnh nhân đến khám chữa bệnh tại tuyến cuối đáng ra nên và chỉ nên khám ở tuyến dưới, thì chuyện gì sẽ xảy ra khi các bệnh viện tuyến cuối, tuyến trung ương tự chủ

Cốt lõi của tự chủ là thu hút vốn đầu tư của xã hội cho sự phát triển của y tế (xã hội hóa). Nhà đầu tư sẽ đổ tiền vào các bệnh viện tuyến cuối để gia tăng năng lực khám chữa bệnh của bệnh viện tuyến cuối này và để hút thêm 80% lượt bệnh tuyến dưới. Thế thì xu hướng hình thành các tập đoàn y tế công (thực chất là tư nhân đầu tư vào khá nhiều) là quá rõ. Và nó sẽ làm trầm trọng thêm, thậm chí là phá sản bệnh viện tuyến dưới, đặc biệt là bệnh viện tuyến huyện. Dẫn đến một sự lãng phí rất lớn nguồn lực đầu tư những năm qua. Thực tế hiện nay bệnh viện tuyến huyện đã và đang sụt giảm lượng bệnh hay chưa, cần một khảo sát đánh giá tác động

Nhưng nguy hiểm nhất của xu hướng này là lực lượng y bác sĩ. Chắc chắn, xu hướng dịch chuyển về các Tập đoàn y tế Công này sẽ không gì cản được, và thật sự do nhu cầu mở rộng, các bệnh viện này cũng bằng mọi cách hút lực lượng y bác sĩ (từ tuyến dưới) này

Viễn cảnh tự chủ của các bệnh viện tuyến cuối sẽ làm cho các bệnh viện này càng ngày càng quá tải dẫn tới phải hút vốn thêm để mở rộng, càng mở rộng thì càng khổng lồ. Do đó trong tương lai 5-10 Tập đoàn y tế công sẽ khổng lồ và phải tải 80-90% tổng nhu cầu khám chữa bệnh

Đứng ở góc độ người dân và nhân viên y tế, xu hướng trên có thể là một xu hướng tích cực, vì người dân thụ hưởng được một quá trình khám chữa bệnh liên tục về chuyên môn, gia tăng hiệu quả khám chữa bệnh hơn. Nhân viên y tế cũng vậy, tiếp cận được cơ hội phát triển sự nghiệp liên tục hơn.

Tuy nhiên, cấu trúc và mô hình y tế phân tuyến của Việt Nam sẽ phá vỡ. Phải chăng ngành y đang muốn dịch chuyển mô hình y tế phân tuyến hiện nay? Thế thì bài toán BHYT sẽ phải dịch chuyển theo, nếu không thì sẽ làm mất tác dụng của BHYT và người dân phải gia tăng gánh nặng chi trả cho y tế

Bài toán đặt ra ở đây như thế nào để tự chủ trong y tế không trở nên méo mó ?

Thạc sĩ Huỳnh Bảo Tuân: Để đảm bảo sự phát triển hài hòa, và không phá vỡ hệ thống y tế tuyến dưới, thiết nghĩ chính sách tự chủ, và chính sách hợp tác công tư PPP, BOT trong y tế cần

Thứ nhất: Lập danh mục ưu tiên, và hạn chế đầu tư thông qua hợp tác công tư cho từng bệnh viện tuyến cuối, tuyến trung ương. Để hướng dòng tiền của xã hội vào những nơi thực sự cần, cũng như tránh được đầu tư tư nhân liên kết với nhóm lợi ích trong bệnh viện công hớt những mảng chuyên môn béo bở (đầu tư ít, ít rủi ro, nhu cầu cao, dễ làm dịch vụ), khi đó thực chất là một quá trình “tham nhũng” thương hiệu, uy tín của một bệnh viện dày công xây dựng (thực chất đó là tài sản công)

Trong khi những mảng chuyên môn “ít béo bở” trong mắt nhà đầu tư (đầu tư lớn, nhu cầu không cao, thu hồi vốn chậm), thì không ai muốn đầu tư hết, dẫn đến mất tính đồng bộ trong chuyên môn y tế và làm suy giảm năng lực khám chữa bệnh chung cho toàn hệ thống. Bản chất của đầu tư là sự vị lợi, cho nên phải có giải pháp hạn chế dòng vốn xã hội vào những nơi làm trầm trọng thêm sự ổn định của cấu trúc y tế, trừ khi ngành y thực sự muốn dịch chuyển cấu trúc

Thứ hai: Công khai minh bạch các danh mục đầu tư này. Cũng như phải công khai minh bạch các đề án tự chủ của các bệnh viện cho dù là tuyến nào

Thứ ba: Các địa phương cần cởi mở hơn với đầu tư tư nhân vào hệ thống y tế tuyến cơ sở, đặc biệt là những chính sách khuyến khích đầu tư phải thể hiện sự cam kết ổn định, không dể dàng bị điều chỉnh cho dù có thay đổi nhân sự ở các cấp quản lý địa phương

Vâng xin cảm ơn ông !

Phương Thúy
 
Hợp tác y tế
Đối tác công - tư hay hợp tác kinh doanh

- Mặc dù, hình thức đầu tư đối tác công - tư (PPP) trong lĩnh vực y tế được Chính phủ đưa ra bàn bạc và mở lối từ hơn 10 năm nay nhằm giúp y tế tư nhân phát triển để qua đó hỗ trợ giảm tải y tế công lập, nhưng do pháp lý không rõ ràng nên không thể triển khai... Nhiều nhà đầu tư ngoài nước lẫn trong nước có nhu cầu đầu tư, các cơ sở y tế rất muốn mời hợp tác, nhưng hai bên không thể gặp nhau, hoặc gặp nhau nhưng lại “đứt gánh” giữa đường

a69de_hoptacyte_650.jpg

Mô hình xã hội hóa y tế được xem là thành công hơn PPP
Hiện chỉ mới là... hợp tác kinh doanh

PGS.TS.BS. Tăng Chí Thượng, Phó giám đốc Sở Y tế TPHCM, cho biết TPHCM hiện có khoảng 37.000 giường bệnh nhưng y tế tư nhân chỉ có khoảng 4.000 giường. Nhiều bệnh viện tư có số giường bệnh rất thấp, chỉ có khoảng 10 bệnh viện tư có trên 300 giường bệnh. Năm 2018, TPHCM có hơn 45,3 triệu lượt khám chữa bệnh ngoại trú (chiếm hơn 1/4 tổng số lượt khám, chữa bệnh của cả nước) và hơn 2,5 triệu lượt điều trị nội trú tại 7.086 cơ sở khám, chữa bệnh. Nhiều bệnh viện công đang quá tải trên 100%, thậm chí có bệnh viện 3-4 bệnh nhân nằm chung một giường như: Bệnh viện Ung bướu, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Nhi đồng 1...

Chính vì quá tải nên nhu cầu hợp tác công - tư giữa các bệnh viện với các nhà đầu tư tư nhân rất lớn

Ông Trần Duy Hưng, chuyên gia tư vấn của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam, cho biết Việt Nam hiện có 73 dự án PPP y tế. Tuy nhiên, chỉ có 15 dự án đã có báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, trong đó có 6 dự án triển khai đến bước lựa chọn nhà đầu tư. Trong số 15 dự án nghiên cứu tiền khả thi, có đến 9 dự án tại TPHCM

Năm 2018, dự án PPP giữa Bệnh viện Nhân dân 115 và Bệnh viện Gia An 115 được UBND TPHCM phê duyệt. Ông Trương Vĩnh Long , Tổng giám đốc Bệnh viện Gia An 115, cho biết Bệnh viện Nhân dân 115 hỗ trợ tuyển dụng, đào tạo nguồn nhân lực, đồng thời cử cán bộ y tế có trình độ chuyên môn phù hợp phối hợp trong chẩn đoán, khám chữa bệnh tại Bệnh viện Gia An 115. Bệnh viện Nhân dân 115 có thể chuyển bệnh nhân sang Bệnh viện Gia An 115 khi có nhu cầu. Bệnh viện Gia An 115 đầu tư toàn bộ vốn xây dựng Bệnh viện Gia An 115 với đầy đủ trang thiết bị y tế theo đúng quy hoạch và thiết kế được phê duyệt

Tuy nhiên, bác sĩ Hồ Mạnh Tường, Chủ tịch Hội Nội tiết sinh sản TPHCM, cho rằng thực chất trong trường hợp này bệnh viện tư đầu tư cơ sở vật chất, tận dụng nguồn nhân lực, uy tín... của bệnh viện công để kinh doanh. Đây không phải hợp tác công - tư, mà là mô hình hợp tác kinh doanh. Bởi theo định nghĩa của WB, PPP trong lĩnh vực y tế là một hợp đồng dài hạn giữa tư nhân và một cơ quan chính phủ để cung cấp một tài sản hoặc dịch vụ công, trong đó nhà đầu tư tư nhân chịu rủi ro và trách nhiệm quản lý đáng kể, và thù lao sẽ được thanh toán dựa trên kết quả thực hiện

Ông Nguyễn Thanh Nguyên, Giám đốc tập đoàn TWG, cho biết dự án PPP của TWG với Bệnh viện Đa khoa quận Tân Phú TPHCM được khởi động từ hai năm nay, nhưng các cấp có thẩm quyền vẫn lúng túng nên chưa thể phê duyệt

Mò mẫm vì thiếu hành lang pháp lý


Nói về khó khăn khi triển khai các dự án PPP trong lĩnh vực y tế, ông Trần Duy Hưng cho rằng các văn bản pháp lý về PPP hiện có cơ bản không phù hợp với lĩnh vực y tế. Ông Nguyễn Thanh Nguyên cho biết thêm, Nghị định 63 của Chính phủ về đầu tư theo hình thức đối tác công tư quy định tám loại hợp đồng: xây dựng - chuyển giao (BT); xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT); xây dựng - chuyển giao - kinh doanh (BTO); xây dựng - chuyển giao - kinh doanh (BOO); kinh doanh - quản lý (OM); xây dựng - chuyển giao - thuê dịch vụ (BTL); xây dựng - thuê dịch vụ - chuyển giao (BLT) và hợp đồng hỗn hợp của các hình thức trên. Tuy nhiên, các hình thức BT, BTL, BLT dường như không phù hợp với đầu tư y tế

Đối với đầu tư mới, trong các hình thức trên, hình thức BOT và BTO khá tốt nhưng phải chuyển giao cho Nhà nước sau một thời gian vận hành. Với công trình y tế, thời gian hòa vốn dài và việc dự đoán bao lâu để đạt điểm hòa vốn rất khó chính xác. Hình thức BOO khả dĩ tốt cho nhà đầu tư nhưng hiện nay chưa có hướng dẫn hết chu kỳ dự án thì Nhà nước tính toán cho nhà đầu tư ra sao. Hình thức OM khá hấp dẫn nhưng cũng không rõ khi nhà đầu tư nhận cả dự án điều hành thì quy định ra sao

Theo ông Nguyên, trở ngại khiến PPP trong lĩnh vực y tế chưa thực thi được ở Việt Nam có thể do pháp luật chưa rõ, nhà đầu tư chưa biết chắc dòng tiền bỏ ra có mang lại lợi nhuận không

Ngoài ra, theo ông Hưng, hiện không có quy định rõ ràng đối với hai hình thức bệnh viện công và bệnh viện PPP trong phạm vi dịch vụ, giá dịch vụ y tế, nhân lực y tế, đấu thầu thuốc; không có hướng dẫn trong việc chuẩn bị và kiểm soát các dự án PPP trong lĩnh vực y tế; không có nguồn tài chính hỗ trợ cho các dự án PPP trong lĩnh vực y tế, không có các quỹ chuẩn bị dự án, quỹ bù đắp thiếu hụt, không có bảo lãnh của Chính phủ...

Cũng vì mô hình PPP trong lĩnh vực y tế còn nhiều trở ngại, nên việc “xã hội hóa” y tế hiện nay chủ yếu vẫn là các bệnh viện công tự đi vay để đầu tư hoặc hợp tác với tư nhân theo hình thức hợp tác kinh doanh. Theo Bộ Y tế, các bệnh viện công đã vay khoảng 2 tỉ đô la Mỹ để thực hiện các dự án xã hội hóa. Đồng thời, 19 bệnh viện công trực thuộc Bộ Y tế đã thực hiện 185 đề án liên doanh, liên kết để tư nhân đặt thiết bị ở bệnh viện với tổng mức đầu tư khoảng 100 triệu đô la Mỹ. Trong khi đó, đến nay, vẫn không có dự án PPP y tế nào được thực hiện, ngoại trừ các dự án BT. Tuy nhiên, theo định nghĩa của WB thì PPP trong lĩnh vực y tế không bao gồm dự án BT do các dự án này không chuyển rủi ro cho khu vực tư nhân và không có cơ chế thanh toán dựa trên kết quả thực hiện của khu vực tư nhân

Hoàng Nhung
 
Phê duyệt Đề án Thí điểm tự chủ Bệnh viện Bạch Mai
- Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Đề án Thí điểm tự chủ của Bệnh viện Bạch Mai giai đoạn 2020 - 2021

kh%C3%A1m-b%E1%BB%87nh-%E1%BB%9F-b%E1%BB%87nh-vi%E1%BB%87n-B%E1%BA%A1ch-Mai-1-1024x449.jpg

Bệnh viện Bạch Mai tại thành phố Hà Nội

Trong đó, tự chủ về tổ chức bộ máy và nhân sự, Bệnh viện Bạch Mai sẽ thực hiện theo quy định tại Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 19/5/2019 của Chính phủ về thí điểm tự chủ 4 Bệnh viện thuộc Bộ Y tế (Nghị quyết số 33) và quy định của pháp luật

Hội đồng quản lý bệnh viện (Hội đồng quản lý ) gồm 11 thành viên. Bộ trưởng Bộ Y tế chỉ định thành viên Hội đồng quản lý, Chủ tịch Hội đồng quản lý. Hội đồng quản lý là cơ quan quản lý cao nhất của Bệnh viện cho tới khi Bộ trưởng Bộ Y tế phê chuẩn thành viên Hội đồng quản lý theo quy định

Trong thời hạn 6 tháng, Hội đồng quản lý quyết nghị trình Bộ trưởng Bộ Y tế phê chuẩn: Quy chế hoạt động của Hội đồng quản lý, thành viên Hội đồng quản lý, Giám đốc, Phó Giám đốc Bệnh viện

Hội đồng quản lý có các chức năng, nhiệm vụ quy định tại Nghị quyết số 33 và quy định tại Quy chế hoạt động của Hội đồng quản lý

Ban Kiểm soát có 7 thành viên. Tiêu chuẩn; thành phần; quy trình bầu, phê chuẩn Trưởng ban và thành viên Ban kiểm soát; cách thức hoạt động của Ban kiểm soát; phê duyệt quy chế hoạt động của Ban kiểm soát được thực hiện theo quy định tại Nghị quyết số 33. Quyền và nghĩa vụ của Ban Kiểm soát thực hiện theo quy định của Luật doanh nghiệp năm 2014 và Quy chế hoạt động của Bệnh viện, Ban Kiểm soát Bệnh viện

Về tổ chức và bộ máy lãnh đạo của Bệnh viện Bạch Mai, Quyết định nêu rõ: Bệnh viện Bạch Mai có các bệnh viện thành viên như quy định tại Nghị quyết 33, bao gồm Bệnh viện Bạch Mai tại thành phố Hà Nội, Bệnh viện Bạch Mai tại thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam. Bộ máy lãnh đạo của Bệnh viện Bạch Mai gồm: Hội đồng quản lý và Ban Giám đốc. Ban Giám đốc Bệnh viện gồm Giám đốc và phó Giám đốc

Bệnh viện thực hiện cơ chế tự chủ tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định của pháp luật về đơn vị sự nghiệp công và Nghị quyết số 33; phân phối kết quả tài chính trong năm đảm bảo công khai, minh bạch, tăng tỷ lệ trích Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp và Quỹ hỗ trợ người bệnh

Bệnh viện được Nhà nước tiếp tục bố trí vốn để hoàn thành các dự án đầu tư công thuộc kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020

Chí Kiên
 
Bệnh viện tư nhân chuẩn bị lên sàn giao dịch chứng khoán

2020-image001-1582342031941542158625-0-63-751-1266-crop-1582342039893-637179721452508750.jpg

Với quy mô hơn 2000 giường bệnh ở 3 cơ sở, luôn trong tình trạng quá tải vì nhu cầu khám chữa bệnh cao. Bệnh viện quốc tế Thái Nguyên (mã chứng khoán: TNH) với tiềm năng phát triển lớn mạnh sẽ là ứng cử viên sáng giá nếu "chào sàn" theo đúng kế hoạch vào quí II/2020 sắp tới

Thị trường chứng khoán Việt Nam 2020 cơ hội lớn cho ngành y tế

Hoạt động đầu tư chứng khoán là một trong những lĩnh vực khó, có nhiều diễn biến khó lường. Nếu như cuối năm 2019, các chuyên gia đánh giá thị trường chứng khoán trong năm 2020 sẽ có nhiều bứt phá nhờ các tín hiệu tích cực từ bối cảnh vĩ mô. Tuy nhiên, chỉ chưa đầy 2 tháng đầu năm 2020, các nhà đầu tư đã chứng kiến sự thay đổi rõ nét của thị trường chứng khoán

Giai đoạn trước kỳ nghỉ Tết nguyên đán, chỉ số tích lũy trên thị trường chứng khoán đi lên, nhưng đến giai đoạn 2 sau kỳ nghỉ Tết chỉ số này đã giảm nhanh chóng, lấy đi toàn bộ giá trị tích lũy của cả năm trước đó. Có sự biến động đột ngột này là do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 bùng phát tại Trung Quốc

Covid-19 đã làm đảo lộn mọi dự báo trước đó và tác động trực tiếp khiến thị trường chứng khoán quý 1 rơi vào trầm lắng. Trong khi bất động sản, tài chính ngân hàng, kinh doanh bán lẻ lao đao vì đại dịch Covid-19, thì cơ hội lại mở ra cho ngành y tế. Ngay từ khi dịch Covid-19 bùng phát ngành y tế vượt lên dành được sự quan tâm lớn và trở thành điểm sáng trên thị trường chứng khoán


Sự bùng nổ của Covid-19 khiến ngành y tế trở nên nóng hơn bao giờ hết

Nhu cầu chăm sóc sức khỏe, bảo vệ bản thân và gia đình được đưa lên hàng đầu trong thời gian vừa qua. Tất cả mọi sự quan tâm trong thời gian này đều được dồn vào ngành y tế. Nắm bắt cơ hội này, Bệnh viện Quốc tế Thái Nguyên với nền tảng tài chính vốn có chính thức ra nhập thị trường chứng khoán Việt Nam theo kế hoạch vào quý II/2020

Được sự hỗ trợ quản lý và tư vấn của hai đơn vị có uy tín hàng đầu trên thị trường chứng khoán là Công ty Chứng khoán FPT và Chứng khoán SHS, Bệnh viện Quốc tế Thái Nguyên với mã chứng khoán niêm yết TNH sẽ mang đến cơ hội đầu tư mới mẻ cho thị trường chứng khoán vốn đang tĩnh lặng

Bệnh viện Quốc tế Thái Nguyên – mở ra cơ hội mới cho nhà đầu tư chứng khoán

Dù mới đi vào hoạt động được 6 năm bệnh viện đã thu hút được người bệnh của Thái Nguyên và các tỉnh lân cận như Thái Nguyên, Bắc Cạn, Cao Bằng, Hà Giang, Tuyên Quang, Lạng Sơn… với số lượng tăng trưởng từ 150-200% so với năm trước

Năm 2017, tổng số lượt khám bệnh là: 221,932 (số lượng lớn nhất trong ngành y tế Thái Nguyên, kể các các bệnh viện công lập có quy mô giường bệnh lên tới 560 giường). Tổng số bệnh nhân điều trị nội trú là 12,658 bệnh nhân, tổng số phẫu thuật, thủ thuật là 21,232 ca v…v… Hiện nay, Bệnh viện có quy mô trên 2000 giường bệnh ở cả 3 cơ sở với đội ngũ y bác sĩ chất lượng cao, đáp ứng tốt nhu cầu chăm sóc sức khỏe của toàn khu vực phía Bắc

Với lượt thăm khám tăng đều qua các năm, kết quả kinh doanh của Bệnh viện Quốc tế Thái Nguyên tăng trưởng khá tốt cả về doanh thu cũng như lợi nhuận. Theo báo cáo kiểm toán của Bệnh viện, năm 2018 ghi nhận tổng lợi nhận trước thuế sau kiểm toán là 89 tỷ đồng. Năm 2019 ghi nhận tổng lợi nhuận trước thuế từ hoạt động kinh doanh của bệnh viện mang lại hơn 100 tỷ đồng, tăng trưởng khoảng 115% so với năm 2018

Với tiềm lực mạnh mẽ, nguồn lực tài chính vững chắc và kết quả kinh doanh khả quan, Bệnh viện Quốc tế Thái Nguyên đang phát triển mạnh mẽ trở thành một trong những bệnh viên tư nhân hàng đầu miền Bắc. Nếu theo đúng kế hoạch, Bệnh viện Quốc tế Thái Nguyên – mã chứng khoán TNH sẽ là cái tên có sức nặng trên thị trường chứng khoán và là cơ hội không thể bỏ lỡ của các nhà đầu tư
 
Bệnh viện công đầu tiên áp dụng mô hình hội đồng quản lý
Sáng nay, 18.3, Bộ Y tế công bố và trao các quyết định bổ nhiệm quyền Chủ tịch Hội động quản lý và Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai

Theo đó, giáo sư - tiến sĩ Ngô Quý Châu (60 tuổi), Phó giám đốc, phụ trách Bệnh viện Bạch Mai, giữ chức quyền Chủ tịch Hội đồng quản lý

Giáo sư - tiến sĩ Nguyễn Quang Tuấn (53 tuổi, bác sĩ chuyên ngành tim mạch), Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội, giữ chức Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai

Quyết định có hiệu lực từ thời điểm công bố

Trước khi được bổ nhiệm quyền Chủ tịch Hội đồng quản lý, ông Ngô Quý Châu đã giữ chức vụ Phó giám đốc Bệnh viện Bạch Mai từ 2.2007, Giám đốc Trung tâm Hô hấp Bệnh viện Bạch Mai

Từ tháng 11.2019, ông là Phó giám đốc phụ trách, quản lý điều hành Bệnh viện Bạch Mai thay cho phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Quốc Anh nghỉ hưu

ts-tuan-bv-tim-hn_jduf.gif

Ông Nguyễn Quang Tuấn được bổ nhiệm giữ chức Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai
Ông Nguyễn Quang Tuấn, nguyên là Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội (từ năm 2012) và là Đại biểu Quốc hội khóa XIV, nhiệm kỳ 2016 - 2021, thuộc Đoàn Đại biểu Quốc hội TP.Hà Nội. Trước khi là Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội, ông Nguyễn Quang Tuấn công tác tại Viện Tim mạch, Bệnh viện Bạch Mai

Bệnh viện Bạch Mai là đơn vị y tế công đầu tiên của Việt Nam được Thủ tướng phê duyệt đề án thí điểm tự chủ, giai đoạn 2020 - 2021, tại Quyết định 268/QĐ-TTg, ngày 12.2.2020

Thực hiện đề án này, Bệnh viện Bạch Mai được tự chủ về đầu tư, mua sắm, quản lý và sử dụng tài sản; tự chủ về tài chính, tiền lương, giá dịch vụ y tế, được nhà nước tiếp tục bố trí vốn để hoàn thành các dự án đầu tư công thuộc kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2016 - 2020

Bệnh viện phải quản lý, sử dụng hiệu quả vốn và tài sản, không để thất thoát, lãng phí. Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, thực hiện việc chăm sóc toàn diện cho người dân, giải quyết được tình trạng quá tải

Thực hiện quản trị bệnh viện minh bạch, tăng trách nhiệm giải trình… Đặc biệt là hạn chế tối đa tình trạng lạm dụng các dịch vụ, thuốc, vật tư, xét nghiệm không cần thiết để tăng thu; giảm tỷ lệ giường bệnh điều trị theo yêu cầu; tiết kiệm chi từ bảo hiểm y tế và từ người bệnh

Bệnh viện tự chủ được điều hành cấp cao nhất bởi hội đồng quản lý gồm 11 thành viên. Bộ trưởng Bộ Y tế chỉ định thành viên hội đồng quản lý, chủ tịch hội đồng quản lý. Đây là bệnh viện công đầu tiên tại Việt Nam áp dụng mô hình này

Bộ Y tế cho biết, các bệnh viện tự chủ, trong đó có tự chủ về tai chính nhưng không được tự động tăng giá dịch vụ y tế. Bệnh viện không phải là doanh nghiệp nên nhiệm vụ đầu tiên và quan trọng nhất là khám chữa bệnh bảo hiểm y tế và phải thực hiện mức giá theo Bộ Y tế quy định. Tự chủ để trao thực quyền hơn cho người đứng đầu trong điều hành hoạt động, liên quan đến việc nâng cao chất lượng phục vụ người bệnh
 
Top