What's new
Vietnam - Điện Biên Phủ Kinh Tế

This is a sample guest message. Register a free account today to become a member! Once signed in, you'll be able to participate on this site by adding your own topics and posts, as well as connect with other members through your own private inbox!

Tương lai của thế giới là ở Vietnam

LOBBY.VN

Administrator

Chủ tịch Tập đoàn Hyosung: Chúng tôi đặt tương lai 100 năm tới ở Việt Nam

Ông Cho Hyun Joon, Chủ tịch Hyosung - tập đoàn dẫn đầu Hàn Quốc về sản xuất máy biến áp điện, nói không chỉ muốn mở rộng quy mô mà còn muốn Việt Nam là cơ sở để phát triển bền vững

Chiều 23/6, Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp lãnh đạo các hiệp hội, doanh nghiệp lớn của Hàn Quốc. Đây là các thành viên thuộc phái đoàn 205 doanh nghiệp, quy mô lớn nhất từ trước đến nay, tháp tùng Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol trong chuyến thăm Việt Nam. Tại toạ đàm, chủ tịch nhiều tập đoàn lớn Hàn Quốc đã thể hiện quan điểm, Việt Nam là cứ điểm sản xuất hàng đầu

Chia sẻ với Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Tập đoàn Hyosung Cho Hyun Joon cho biết coi Việt Nam là thị trường chiến lược. Hyosung, thành lập năm 1962, là tập đoàn dẫn đầu Hàn Quốc về sản xuất máy biến áp điện xuất khẩu tới 70 nước trên thế giới. Tại Việt Nam, họ đã đầu tư 3,5 tỷ USD, hiện diện tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP HCM, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu với hơn 9.000 lao động. Năm ngoái, tập đoàn này ghi nhận lợi nhuận ròng khoảng 20,1 triệu USD

"Với nhiều hoạt động xúc tiến, chúng tôi không chỉ mở rộng quy mô mà còn muốn nơi đây trở thành điểm đầu tư bền vững để tập đoàn phát triển", ông Cho Hyun Joon nói

Chủ tịch Hyosung tại toạ đàm chiều 23/6. Ảnh: Giang Huy

Chủ tịch Tập đoàn Hyosung Cho Hyun Joon tại toạ đàm chiều 23/6

Theo ông, tập đoàn đang muốn đẩy mạnh phát triển các dự án lớn có hàm lượng công nghệ cao, mở rộng sang lĩnh vực công nghệ thông tin. Tới đây, Hyosung dự kiến tuyển thêm 10.000 lao động. Doanh nghiệp hy vọng được Chính phủ Việt Nam tiếp tục tạo điều kiện về môi trường kinh doanh, đặc biệt ở khâu xin giấy phép, thực hiện thủ tục hành chính. "Chúng tôi mong muốn đặt tương lai 100 năm tới tại Việt Nam", ông nói

Chia sẻ tại tọa đàm, Chủ tịch LG Koo Kwang Mo cũng khẳng định, tập đoàn đã lựa chọn Việt Nam là cơ sở sản xuất quy mô lớn, cứ điểm của mình. Theo ông, kể từ khi đầu tư vào Việt Nam năm 1995, doanh nghiệp đã rót vốn vào nhiều lĩnh vực. Hai bên có nhiều hợp tác phát huy được giá trị, ưu thế của mình. Chính phủ Việt Nam cũng hỗ trợ bằng các chính sách thúc đẩy các ngành mũi nhọn. Cuối năm ngoái, LG đã tiết lộ sẽ đầu tư thêm 5 tỷ USD vào Việt Nam

Chủ tịch SK Chey Tae-won thì nói Việt Nam là thị trường có tiềm năng tăng trưởng đầy hy vọng. SK đang tiếp tục xúc tiến để mở rộng quy mô tại đất nước hình chữ S, ví dụ hướng đến khoản đầu tư 1,3 tỷ USD vào năng lượng tái tạo

Không chỉ có các tập đoàn lớn, các doanh nghiệp Hàn quy mô vừa và nhỏ cũng muốn đẩy mạnh đầu tư vào thị trường hơn 100 triệu dân này. Đại diện của Liên đoàn Công nghiệp Hàn Quốc FKI nói, Việt Nam là đối tác chiến lược, muốn đẩy mạnh hợp tác trong các lĩnh vực như công nghệ cao, bán dẫn

Chủ tịch Hiệp hội thương mại quốc tế Hàn Quốc (KITA) Cha Yol Koo đề xuất hai nước có thể hợp tác để khai thác nguồn tài nguyên khoáng sản quan trọng như đất hiếm trong thời gian tới. Ngoài ra, cộng đồng doanh nghiệp Hàn tại Việt Nam cũng mong Chính phủ có những điều chỉnh về thuế, quy chế, chính sách để hoạt động ổn định tại Việt Nam

Trước những chia sẻ này, Thủ tướng Phạm Minh Chính nói, 30 năm trước không ai có thể hình dung Việt Nam - Hàn Quốc có mối quan hệ như lúc này. Ở lĩnh vực thương mại, hơn 9.000 doanh nghiệp Hàn Quốc đã đến Việt Nam với tổng số vốn đầu tư lên đến 82 tỷ USD

Do đó, Thủ tướng tin tưởng trong tương lai hợp tác giao thương giữa hai nước sẽ còn nhiều bước tiến hơn. Người đứng đầu Chính phủ Việt Nam bày tỏ mong muốn các doanh nghiệp Hàn tiếp tục xây dựng chiến lược đầu tư vào Việt Nam

"Tôi mong các doanh nghiệp Hàn tiếp tục có những đột phá, cùng nhau đạt kết quả gấp 3-4 lần trong những năm tới", Thủ tướng nói và đề xuất Hàn Quốc xem xét đầu tư thêm vào lĩnh vực công nghiệp văn hóa, giải trí

Bên cạnh yếu tố lợi nhuận, ông nói, doanh nghiệp cũng cần có trách nhiệm với Việt Nam ở các khía cạnh khác, hài hoà lợi ích giữa các bên. Với các đề xuất, trăn trở của doanh nghiệp, Thủ tướng cam kết Việt Nam sẽ tìm cách giải quyết phù hợp với tình hình

Thủ tướng Phạm Minh Chính chia sẻ tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc chiều 23/6. Ảnh: Giang Huy

Thủ tướng Phạm Minh Chính chia sẻ tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc chiều 23/6

Tại Diễn đàn kinh tế giữa hai nước diễn ra cùng ngày, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol nói, mục tiêu đến năm 2030, hoạt động giao thương giữa hai nước sẽ đạt 150 tỷ USD trên nhiều lĩnh vực. Ông hy vọng thông qua diễn đàn lần này, quan hệ thương mại hợp tác của hai nước sẽ lên tầm cao mới

"Việt Nam là đối tác quan trọng. Hàn Quốc sẽ giúp Việt Nam phát triển về công nghệ thông tin, công nghệ cao", ông nói và khẳng định doanh nghiệp hai bên sẽ tìm được nhiều dự án để hợp tác cùng nhau

Chiều nay, 106 biên bản ghi nhớ (MOU) thuộc nhiều lĩnh vực đã được ký kết giữa hai nước
 
Last edited:
Sẽ trình Bộ Chính trị đề án nâng cao hiệu quả đầu tư FDI


Samsung hiện là nhà đầu tư FDI lớn nhất tại Việt Nam
Tại cuộc họp, thứ trưởng Bộ Kế hoạch - đầu tư Vũ Đại Thắng cho biết VN đã có 30 năm thu hút đầu tư FDI, và FDI trở thành một thành phần kinh tế quan trọng, đóng góp phát triển đất nước

Số liệu của Bộ Kế hoạch - đầu tư ghi nhận, cả nước hiện có hơn 26.500 dự án FDI đến từ 129 quốc gia và vùng lãnh thổ, vốn đầu tư cam kết đạt trên 334 tỉ USD

Khu vực FDI đang chiếm khoảng 20% GDP, đóng góp 23,7% tổng vốn đầu tư toàn xã hội, trên 50% giá trị sản xuất công nghiệp, 70% kim ngạch xuất khẩu, tạo ra khoảng 4 triệu việc làm trực tiếp và 5-6 triệu việc làm gián tiếp

Nhưng đến nay, Trung ương Đảng, Bộ Chính trị chưa có một nghị quyết chuyên đề về thu hút FDI. Do đó, việc Ban cán sự Đảng Chính phủ chủ trì xây dựng đề án này để trình Bộ Chính trị thông qua bằng một nghị quyết chuyên đề có ý nghĩa quan trọng

Qua đó, tạo cơ sở thu hút FDI có chọn lọc, phù hợp với quá trình cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, phát huy lợi ích và hạn chế những bất cập trong đầu tư FDI

Đề án này được xây dựng dựa trên việc tổng hợp ý kiến tại hội nghị 30 năm thu hút đầu tư FDI, báo cáo tổng kết của 11 bộ, ngành, 63 địa phương, góp ý của Ngân hàng Thế giới, Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế

Dự thảo đề án tập trung vào 10 đóng góp và 6 hạn chế, bất cập của khu vực đầu tư FDI với nền kinh tế những năm qua

Về định hướng thu hút FDI thời gian tới, Bộ Kế hoạch - đầu tư đề nghị tiếp tục khẳng định quan điểm nhất quán, coi khu vực FDI là một bộ phận quan trọng của nền kinh tế, được khuyến khích phát triển lâu dài

Tuy nhiên, việc thu hút FDI sẽ chọn lọc, khuyến khích gắn kết doanh nghiệp FDI với doanh nghiệp trong nước, nâng cao vị trí hàng hóa VN trong chuỗi giá trị toàn cầu

Theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, việc xây dựng đề án FDI thời gian tới cần lắng nghe ý kiến các chuyên gia, tiếp thu các chỉ đạo của Thủ tướng tại hội nghị tổng kết 30 năm thu hút đầu tư FDI, thể hiện được xu hướng thu hút FDI và sự thay đổi, hoàn thiện chính sách thu hút đầu tư

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Kế hoạch - đầu tư làm rõ các vấn đề trong đề án như "có 2 nền kinh tế trong 1 đất nước", Nhà nước có ưu đãi quá mức cho FDI và để doanh nghiệp trong nước lép vế

Các bộ, ngành phải chứng minh để nhận định rõ các nội dung này để thiết lập quan điểm, giải pháp trong thu hút FDI, tăng cường nội lực khu vực kinh tế bản địa và xây dựng nền kinh tế độc lập, tự cường

Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Kế hoạch - đầu tư tiếp tục hoàn thiện dự thảo đề án, nêu bật được thực trạng, định hướng giải pháp quan trọng để phát huy hơn các thuận lợi, khắc phục những hạn chế để khu vực FDI tiếp tục đóng góp quan trọng cho sự phát triển của đất nước

Sớm thành lập tổ soạn thảo đề án, tổ chức chương trình làm việc với TP.HCM, Hà Nội và Bình Dương để ghi nhận các ý kiến, kiến nghị địa phương trong hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu quả thu hút FDI

Bảo Ngọc
 
Dự án điện chạy khí LNG
Nhiều dự án điện chạy khí LNG đã được các nhà đầu tư đề xuất trong khoảng 1 năm trở lại đây như một giải pháp để bổ sung nguồn điện mới

ao-at-xin-lam-dien-khi-lng-quy-mo-khung1584304169.webp

Nhiều nhà đầu tư và địa phương đang quan tâm phát triển các dự án nhiệt điện chạy khí LNG

Hàng chục ngàn MW điện LNG được đề xuất

Ngày 4/3 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý điều chỉnh các dự án nhà máy nhiệt điện Long An I và Long An II đã có trong Quy hoạch điện VII điều chỉnh, từ sử dụng nhiên liệu than sang dùng nhiên liệu khí LNG, với tổng công suất sau khi chuyển đổi là 3.000 MW

Trước đó, vào tháng 12/2019, Thủ tướng Chính phủ cũng đã đồng ý bổ sung Trung tâm Nhiệt điện LNG Bạc Liêu, quy mô 3.200 MW, sử dụng khí LNG vào Quy hoạch Phát triển điện lực quốc gia 2011 - 2030. Tỉnh Bạc Liêu sau đó cũng nhanh chóng trao Quyết định chủ trương đầu tư và Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho Công ty TNHH Delta Offshore Energy Pte. Ltd (DOE Singapore) để triển khai thực hiện dự án này

Xa hơn chút nữa, vào tháng 11/2019, Bộ Công Thương và Tập đoàn AES (Hoa Kỳ) đã ký kết Biên bản ghi nhớ (MOU) về việc triển khai thực hiện Nhà máy Điện khí Sơn Mỹ 2, sử dụng khí LNG với quy mô 2.200 MW

Tuy nhiên, danh sách dự án điện sử dụng khí LNG được đề xuất tới các cấp không chỉ có các dự án được nhắc tới ở trên

Trong giới đầu tư làm năng lượng đang có trên 10 dự án điện dùng khí LNG với quy mô công suất không hề nhỏ, thấp cũng xấp xỉ cả 1.000 MW và lớn lên tới 6.000 MW

Trong báo cáo của Bộ Công thương trình Chính phủ mới đây đã thừa nhận, hiện có nhiều nhà đầu tư và địa phương quan tâm phát triển các dự án nhiệt điện sử dụng LNG nhập khẩu

Cụ thể, ngoài các trung tâm/cụm điện khí LNG đã được quy hoạch và bổ sung Quy hoạch với công suất 9.200 MW, hiện còn có 9 trung tâm/cụm điện khí LNG mới đang được nghiên cứu ở các giai đoạn khác nhau với tổng công suất xấp xỉ 34.000 MW

Ngoài ra, còn có 2 đề xuất chuyển đổi nhiên liệu sử dụng từ than/dầu sang sử dụng LNG với tổng công suất sau chuyển đổi là 5.700 MW là Nhà máy Nhiệt điện dầu Hiệp Phước và Trung tâm Điện lực Long An vừa được Chính phủ đồng ý như thông tin đã đưa

So với công suất hệ thống điện hiện có là khoảng 58.000 MW ở thời điểm này, các đề xuất dự án điện khí LNG lên tới gần 50.000 MW, cho thấy sự đổ bộ của các dự án điện LNG chả kém cạnh gì so với làn sóng vào điện mặt trời và điện gió trong 2 năm qua

Lẽ dĩ nhiên, hậu thuẫn cho sự đổ bộ này là lý do điện từ khí LNG sạch, không ô nhiễm hay tàn phá môi trường như các nguồn điện than, dầu hay thủy điện

Dự án to, lo lắng nhiều


Khi được tỉnh Bạc Liêu trao quyết định chủ trương đầu tư và Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, nhà đầu tư là Công ty TNHH Delta Offshore Energy Pte. Ltd. đặt kế hoạch, đến cuối tháng 12/2020 sẽ hoàn thành khâu chuẩn bị đầu tư dự án và trong 3 năm tiếp theo triển khai việc xây lắp khu tiếp nhận, lưu trữ LNG và trạm tái hóa khí, đường đưa khí vào bờ và vận hành tổ máy tua-bin khí giai đoạn I (750 MW) vào cuối năm 2023. Sau đó, nhà đầu tư tiếp tục xây lắp và đưa vào vận hành các tổ máy còn lại của dự án để đạt đủ công suất 3.200 MW trước tháng 12/2027

Bình luận về tiến độ triển khai dự án mà nhà đầu tư đưa ra, các chuyên gia đến từ lĩnh vực năng lượng lẫn một số nhà tư vấn môi giới dự án và thu xếp tài chính cho rằng, có những thách thức nhất định về thời gian

“Việc đàm phán giá điện sẽ thực hiện theo đúng hướng dẫn hiện hành của Bộ Công Thương, theo đó, hồ sơ dự án đã được duyệt phải có trước khi đàm phán. Tuy nhiên, với dự án có quy mô lớn như Bạc Liêu thì ngay trong năm 2020 phải có Báo cáo khả thi là điều không dễ”, một chuyên gia nói và cho hay, dựa trên chi phí đầu tư, dòng tiền vào - ra, lợi nhuận nhất định, tỷ lệ chiết khấu… sẽ ra giá mua điện. Ra bao nhiêu mua bấy nhiêu nhưng không được vượt quá giá trần được Bộ Công Thương hay Thủ tướng phê duyệt. Còn việc nhà đầu tư hứa 7 UScent/kWh rồi thì phải ráng mà cố

Các nhà đầu tư khác cũng cho rằng, do Chính phủ khẳng định không cấp bảo lãnh nào, nên chuyện làm nhà máy điện độc lập đòi hỏi nhà đầu tư phải rất nỗ lực. “Bỏ ra mấy tỷ USD để làm dự án, trong đó vay nước ngoài lớn mà không có bảo lãnh chuyển đổi ngoại tệ, thì khi có các tình huống bất ngờ xảy ra, nhà đầu tư sẽ không dễ dàng xử lý được dòng tiền của mình”, ông Nguyễn B, người từng làm đại diện cho một số quỹ đầu tư vào lĩnh vực năng lượng sạch chia sẻ

Vẫn theo ông này, nguồn khí cấp cho dự án cũng phải đảm bảo 20-25 năm và phải tính hết các biến động chứ không thể chỉ nhìn vào giá dầu thế giới hiện ở mức 30-35 USD/thùng mà tự tin cho cả đời dự án. “Giá LNG về dài hạn được các tổ chức dự báo ở mức 10 USD/triệu BTU, khi đó giá điện cũng phải quanh mức 9 UScent/kWh, chứ không thể ít hơn”, vị này nói
 
Vingroup muốn xây thêm 500 ha đô thị ở Hòa Lạc
Tập đoàn Vinroup đề nghị huyện Thạch Thất (Hà Nội) tạo điều kiện để xây dựng 2 khu đô thị ở gần Hòa Lạc rộng 500 ha. Huyện Thạch Thất chưa có văn bản phản hồi

Tập đoàn Vingroup vừa có văn bản gửi UBND huyện Thạch Thất (Hà Nội) đề nghị xây dựng 2 khu đô thị trên địa bàn. Trong văn bản, Vingroup cho biết huyện có lợi thế về vị trí địa lý, thuận lợi trong kết nối với trung tâm Hà Nội qua đại lộ Thăng Long

Việc đầu tư xây dựng các khu đô thị hiện đại sẽ tạo thêm quỹ đất, thu hút, giãn dân trong các quận nội thành. Do đó, Vingroup đề xuất xây 2 khu đô thị trên địa bàn Thạch Thất. Cụ thể, khu đô thị số 1 dự kiến khoảng 200 ha, nằm giáp đại lộ Thăng Long và giáp khu công nghệ cao Hòa Lạc

Khu đô thị số 2 dự kiến khoảng 300 ha, nằm giáp với huyện Quốc Oai, cách đường đại lộ Thăng Long khoảng 500 m, giao thông tiếp cận từ trực chính nối từ Đại lộ vào trung tâm huyện Thạch Thất

“Vingroup đề nghị UBND huyện Thạch Thất xem xét, báo cáo UBND TP. Hà Nội và Sở Quy hoạch Kiến trúc cho phép điều chỉnh quy hoạch”, văn bản nêu

Trao đổi với Zing.vn, ông Nguyễn Mạnh Hồng, Phó bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Thạch Thất, xác nhận đã nhận được văn bản của Vingroup. “Chúng tôi sẽ báo cáo theo đúng thẩm quyền và quy trình”, ông Hồng nói

Vingroup là doanh nghiệp đa ngành, nổi tiếng với nhiều dự án bất động sản khắp cả nước

Khu đô thị vệ tinh Hòa Lạc nằm trong quy hoạch thủ đô, rộng khoảng 17.000 ha. Quy mô dân số được thiết kế đến năm 2030 là khoảng 600.000 người
 
Coronavirus khiến đối tác của Apple đẩy nhanh kế hoạch rời Trung Quốc
Vietnam là cái tên được nhắc nhiều lần


foxconn-01-15854944811532011060694-crop-15854945745031218855069.jpg

Việc dịch chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc đã được tiến hành kể từ khi chiến tranh thương mại Mỹ - Trung diễn ra. Và bây giờ dịch Covid-19 tiếp tục thúc đẩy quá trình này. Các quyết định của những công ty hàng đầu có thể định hình lại chuỗi cung ứng công nghệ


Wistron Corp, một trong những đối tác sản xuất của Apple, trong tuần này cho biết công ty sẽ chuyển một nửa công suất sản xuất khỏi Trung Quốc trong vòng 1 năm. Tuyên bố này minh hoạ cho việc các nhà sản xuất buộc phải thay đổi chiến lược vì đã phụ thuộc vào một quốc gia

Việc dịch chuyển sản xuất khỏi Trung Quốc đã được tiến hành kể từ khi căng thẳng thương mại Mỹ - Trung đạt đỉnh vào năm ngoái. Và giờ dịch Covid-19 đang tiếp tục thúc đẩy quá trình đó. Các quyết định của những công ty như Wistron hay đối tác khác của Apple như Hon Hai Precision Industry Co. , Inventec Corp. và Pegatron Corp. có thể định hình lại chuỗi cung ứng công nghệ

Wistron đang nhắm đến Ấn Độn, nơi mà họ đã sản xuất một phần iPhone, cùng với Việt Nam và Mexico. Họ đã dành ra 1 tỷ USD để đầu tư cho mở rộng sản xuất trong năm nay và năm tới

"Nhiều khách hàng đã phản hồi với chúng tôi về việc này, và chúng tôi tin rằng đó là điều buộc phải làm", Simon Lin, Chủ tịch Wistron cho biết. Theo đó, khách hàng của Wistron cảm thấy hài lòng nếu tập đoàn có thể đẩy nhanh quá trình di dời khỏi sản xuất khỏi Trung Quốc. "Họ sẽ tiếp tục làm ăn với chúng tôi

Pegatron – nhà lắp ráp iPhone cũng đang đa dạng hoá nơi sản xuất. CEO Liao Syh-jang cho biết hôm thứ 5 (26/3) rằng công ty hi vọng sẽ sản xuất tại Việt Nam trong năm 2021 sau khi thiết lập một nhà máy ở Indonesia hồi năm 2019. Mặt khác, Pegatron cũng đang nhìn về Ấn Độ. Pegatron cũng đã đồng ý mua đất và một nhà máy ở phía Bắc Đài Loan hôm thứ 6 (24/3)

Inventec, đối tác lắp ráp chính AirPod cũng cho biết hôm thứ 3 là đang chuẩn bị xây dựng cơ sở mới ở Việt Nam

Hơn bất kỳ nhà lắp ráp nào khác, Hon Hai (hay Foxconn) đã tận mắt nhận thấy cách Covid-19 khiến nền kinh tế lớn thứ hai thế giới rơi vào bế tắc. Foxconn tiên đoán từ trước về khả năng thay đổi trong mô hình sản xuất toàn cầu, đã chi phối ngành thiết bị điện tử trong hơn 30 năm qua. Công ty cũng có cơ sở sản xuất ở Ấn Độ và Việt Nam, trong đó, nhà máy tại Ấn Độ đã bắt đầu sản xuất iPhone từ năm 2019. "Coronavirus sẽ tạo ra một thế giới rất khác trong thập niên tới", ông Alex Yang, Giám đốc quan hệ nhà đầu tư Foxconn, cho biết

Những điều này không có nghĩa Trung Quốc sẽ mất đi vị trí công xưởng sản xuất thiết bị điện tử hàng đầu. Nguyên nhân các quốc gia khác khó lòng đáp ứng được mạng lưới cung ứng, nhận lực, hạ tầng hay quy mô thị trường như Trung Quốc. Mặt khác, việc di dời quy mô lớn cũng cần có thời gian để triển khai

Cuối tháng 2, Tim Cook, CEO Apple cho biết công ty sẽ không nhanh chóng chuyển ra khỏi Trung Quốc chỉ vì đại dịch Covid-19 gây gián đoạn chuỗi cung ứng

"Chúng tôi đang nói đến việc điều chỉnh một số thứ chứ không phải thay đổi toàn diện hay căn bản chuỗi cung ứng", ông nói

Dù vậy, xu hướng chuyển dịch sản xuất ra khỏi Trung Quốc đang được đẩy nhanh, nhất là các nhà sản xuất quy mô nhỏ. Không chỉ vậy, các nhà sản xuất thiết bị cho các công ty khác ngoài Apple cũng đang tính chuyện chuyển sản xuất ra nước khác

Meiloon Industrial, doanh nghiệp sản xuất loa cho biết họ đang tìm nơi sản xuất thay thế và đẩy nhanh tiến độ chuyển sản xuất sang các nơi như Đài Loan và Indonesia

Kinh nghiệm đối phó với đại dịch Covid-19 ở Trung Quốc sẽ còn được truyền lại sau khi dịch Covid-19 lắng xuống. Theo đó, đặt ra câu hỏi về mô hình kinh doanh toàn cầu hoá của các tập đoàn hiện đại

Ông Joerg Wuttke, Chủ tịch Phòng thương mại Liên minh châu Âu đã gọi đây là một tiếng chuông cảnh báo. Theo ông Trung Quốc từng là nơi có cơ sở hạ tầng hoàn hảo cho sản xuất, mua bán. Tuy nhiên, đã đến lúc phải xem xét lại các kịch bản để đối phó với Trung Quốc trong tương lai

Châu Nguyễn
 
Nhiều công ty sản xuất thiết bị công nghệ trên thế giới đã sẵn sàng rời khỏi Trung Quốc

np_file_3851-870x579.jpeg

Công nhân làm việc tại dây chuyền lắp ráp trong nhà máy của Rising Stars Mobile, công ty con thuộc Foxconn tại Ấn Độ

Với thực tế hiện nay, các nhà sản xuất thiết bị điện tử trên thế giới đang tích cực tìm cách đa dạng hóa chuỗi cung ứng của họ và giảm sự phụ thuộc vào bất kỳ quốc gia nào, bất kể nó hấp dẫn đến đâu

Xu hướng mới nhất bắt đầu với cuộc chiến thuế quan giữa Mỹ và Trung Quốc đã đạt đến đỉnh điểm vào năm ngoái. Đại dịch Covid-19 nhanh chóng đẩy nhanh các kế hoạch đó và thúc đẩy quan chức bày tỏ quan điểm thẳng thắn về nỗ lực rời bỏ Trung Quốc của họ

Hiện tại, có nhiều cuộc trao đổi với các nhà quản lý công nghệ Đài Loan xoay quanh việc chọn vị trí tốt nhất bên ngoài Trung Quốc đại lục để sản xuất thiết bị. Họ thích Việt Nam vì có vị trí địa lý gần với Trung Quốc dù chi phí nhân công đang tăng lên. Trong khi đó, nếu sản xuất tại Đài Loan, họ phải chịu chi phí nhân công quá đắt do mức lương ở đây tương đối cao

Trước đây, các nhà quản lý công nghệ không muốn đề cập đến việc rời bỏ Trung Quốc vì họ không muốn chọc giận Bắc Kinh. Nhưng gần đây họ đã công khai cung cấp chi tiết về sự rời khỏi Trung Quốc, xu thế này hiện được coi là không thể tránh khỏi. Không ai muốn bị coi là tụt hậu trong việc phòng ngừa rủi ro

Simon Lin, Chủ tịch công ty lắp ráp iPhone Wistron Corp, thậm chí còn táo bạo nói với các nhà phân tích rằng công ty của ông có thể vận hành 50% công suất bên ngoài Trung Quốc vào năm 2021. Hai nhà lắp ráp khác của Đài Loan cũng công bố kế hoạch tiếp tục tăng cường năng lực sản xuất ngoài Trung Quốc của họ trong bảy ngày qua

Covid-19 đang đẩy nhanh những động thái như vậy. Eric Tseng, Giám đốc điều hành của công ty Isaiah Research có trụ sở tại Đài Bắc, cho biết một số công ty đã không thể đưa ra bất kỳ quyết định lớn nào về chuỗi cung ứng và họ đang chờ xem liệu sẽ có bất kỳ giải pháp lâu dài nào đối với hoạt động thương mại giữa Washington và Bắc Kinh. “Tuy nhiên, Covid-19 đang gây nguy hiểm đến tính mạng của mọi người. Hiện tại, rất nhiều công ty sẽ đẩy nhanh kế hoạch rời bỏ Trung Quốc”, ông nói

Sẽ không dễ dàng để nhân rộng mạng lưới phức tạp của các nhà cung cấp vì nó liên quan đến một số yếu tố như công nhân có tay nghề, hệ thống phân phối hiệu quả và người tiêu dùng nội địa lớn mà Trung Quốc đang có. Bên cạnh đó, chính quyền cũng đang góp phần để các nhà sản xuất ở lại. Tại Trịnh Châu, nơi có khu phức hợp iPhone City, chính quyền địa phương đã chỉ định các quan chức tham gia vào việc giúp Apple - một đối tác của Foxconn - để giải quyết các vấn đề liên quan đến hậu cần và thiếu lao động do sự lây lan của Covid-19

Apple cũng cho biết họ không muốn thực hiện bất kỳ động thái nhanh chóng nào trong việc rời khỏi Trung Quốc vì những gián đoạn liên quan đến Covid-19. Tuy nhiên, Foxconn đã bắt đầu tung ra những chiếc iPhone đời cũ ở Ấn Độ vào năm 2019, động thái dường như báo hiệu sự quan tâm ngày càng tăng của Apple nhằm tăng cường sự hiện diện của nó trên thị trường điện thoại thông minh lớn thứ hai thế giới

Phan Văn Hòa
 
Dữ liệu cho thấy các công ty Mỹ chắc chắn đang rời Trung Quốc
Việt Nam là một trong những nơi được hưởng lợi đầu tiên

960x0-15869214128611241875604-1586921458234356273765-crop-158692147552213160355.png

Việc toàn cầu hóa do Trung Quốc dẫn đầu đang dần trở nên lỗi thời. Các công ty Hoa Kỳ đang di dời nhà máy của mình ra khỏi Trung Quốc do ảnh hưởng từ cuộc chiến thương Mỹ-Trung và đại dịch Covid-19


Công ty tư vấn sản xuất toàn cầu A.T. Kearney đã công bố chỉ số Reshoring Index (chỉ số đo lường quá trình chuyển dịch doanh nghiệp hoặc một phần doanh nghiệp có trụ sở tại một quốc gia khác trở về quốc gia ban đầu) thường niên lần thứ 7 cho thấy sự đảo ngược đầy kịch tính. Sản phẩm nội địa Mỹ năm 2019 chiếm tỷ trọng lớn hơn nhiều so với 14 nhà xuất khẩu châu Á được nghiên cứu. Sản phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc bị ảnh hưởng nặng nề nhất

Năm ngoái, các công ty đã chủ động cân nhắc lại về chuỗi cung ứng của họ bằng cách thuyết phục các đối tác Trung Quốc di dời nhà máy đến Đông Nam Á để tránh thuế quan hoặc thay thế hoàn toàn nguồn cung từ Trung Quốc

"Ba thập kỷ trước, các nhà sản xuất của Mỹ bắt đầu sản xuất và tìm nguồn cung ứng ở Trung Quốc vì một lý do: chi phí thấp. Cuộc chiến thương mại đã mang đến một khía cạnh thứ hai làm cân bằng bài toán của các nhà sản xuất. Đó là rủi ro khi thuế quan và mối đe dọa hàng gia công nhập khẩu của Trung Quốc bị gián đoạn. Các công ty phải đưa rủi ro lên bàn cân cùng với các lợi ích về chi phí. Covid-19 mang đến một khía cạnh thứ ba lần đầu tiên xuất hiện, và đầy đủ hơn: khả năng phục hồi (khả năng dự đoán và thích nghi với những cú sốc hệ thống không lường trước được)", theo Patrick Van den Bossche, tác giả của Báo cáo Kearney chia sẻ

Những người hưởng lợi lớn trong việc này là các quốc gia Đông Nam Á, dẫn đầu là Việt Nam. Và thông qua Hiệp định Mỹ-Mexico-Canada (USMCA), Mexico sẽ trở thành nguồn cung ứng được ưa thích ở châu Mỹ

Năm 2020, cuộc chiến thương mại dường như tạm dừng. Đáng buồn thay, nó đã nhường chỗ cho một đại dịch toàn cầu xuất phát từ tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc. Covid-19 đã gần như đóng cửa các nền kinh tế phương Tây và tạo ra một cơn ác mộng tại Trung Quốc

Không chỉ vậy, các công ty không thể có được nguồn cung trực tiếp trong tháng 2 và đầu tháng 3 do các nhà máy Trung Quốc đóng cửa, khiến doanh nghiệp tại Hoa Kỳ bị đình trệ

Khi Trung Quốc bắt đầu vực đậy và phục hồi nền kinh tế, Hoa Kỳ đã bị hạ đo ván bởi Covid-19 do tốc độ lây lan nhanh chóng của virus. Ngay cả khi Trung Quốc đang được phục hồi, Hoa Kỳ vẫn bị mắc kẹt trong vũng lầy dịch bệnh

Báo cáo Kearney dự đoán các công ty sẽ buộc phải tính xa hơn trong việc lên kế hoạch tìm nguồn cung ứng cho mình

Chỉ số đa dạng hóa Trung Quốc (CDI) của Kearney theo dõi sự thay đổi trong nhập khẩu hàng hóa gia công của Hoa Kỳ từ Trung Quốc và các nước châu Á khác. Trung Quốc vẫn dẫn đầu nhưng quốc gia này ngày càng mất thị phần trong những năm ông Trump làm Tổng thống Mỹ

Năm 2013 (năm cơ sở của báo cáo CDI), Trung Quốc nắm giữ 67% tất cả hàng hóa sản xuất có nguồn gốc châu Á tại Hoa Kỳ. Đến quý II năm 2019, quốc gia này chỉ còn chiếm 56%

Trong số 31 tỷ đô la hàng nhập khẩu của Hoa Kỳ đã rời khỏi Trung Quốc, khoảng 46% đã được Việt Nam thay thế, đôi khi bởi chính các nhà sản xuất Trung Quốc nhưng đã rời khỏi Trung Quốc đại lục. Việt Nam đã xuất khẩu thêm 14 tỷ đô la hàng hóa gia công sang Hoa Kỳ vào năm 2019 so với năm 2018 do sự thay đổi này

Trong năm nay, Kearney cho ra mắt tỷ lệ thương mại gần xa (NTFR). Tỷ lệ này theo dõi sự dịch chuyển của hàng nhập khẩu Hoa Kỳ sang các khu vực sản xuất gần Mexico

Kể từ năm 2013, NTFR dao động ổn định giữa mức 36% và 38%, có nghĩa là với mỗi đô la hàng hóa gia công từ châu Á thì có khoảng 37 đô la hàng hóa gia công nhập khẩu đến từ Mexico

Điều đó đã thay đổi sau khi Hiệp định USMCA được ký. Trên cơ sở giá trị đồng đô la, tổng nhập khẩu sản xuất từ Mexico sang Mỹ đã tăng 10% trong giai đoạn 2017-2018, từ 278 tỷ đô la lên 307 tỷ đô la, và thêm 4% từ năm 2018 đến 2019, với tổng giá trị nhập khẩu là 320 tỷ đô la, dựa trên báo cáo Kearney

"Cánh cửa cho những kẻ nổi dậy này đã được mở ra rõ ràng bởi các tranh chấp thương mại đang diễn ra ở Hoa Kỳ, vì lợi ích của các quốc gia này chủ yếu đến từ các loại sản phẩm bị ảnh hưởng bởi thuế quan", Yuri Castano, giám đốc Kearney chia sẻ. "Rõ ràng, cuộc chiến thương mại đã khiến các công ty Hoa Kỳ bắt đầu cân nhắc và định hình lại mạng lưới cung ứng của họ"
 
Vietnam là điểm đến lý tưởng từ khi làn sóng dịch chuyển nhà máy khỏi Trung Quốc bắt đầu

cososanxuat_151611609.png

Nhiều tập đoàn đa quốc gia đã thành lập các cơ sở sản xuất mới tại Việt Nam chứ không phải ở Trung Quốc
Mặc dù đại dịch COVID-19 ảnh hưởng đến toàn cầu nhưng Việt Nam vẫn là một điểm đến đầy hứa hẹn

Các ngành đều dễ dàng chuyển sang Việt Nam

Theo khảo sát từ tổ chức JLL, mặc dù đại dịch COVID-19 ảnh hưởng đến toàn cầu nhưng Việt Nam vẫn là một điểm đến đầy hứa hẹn. Đặc biệt, từ khi làn sóng dịch chuyển nhà máy khỏi Trung Quốc bắt đầu. Các ngành đều có thể dễ dàng chuyển sang Việt Nam sau đại dịch, tổ chức JLL cho biết

Hiện tại, nhiều tập đoàn, công ty lớn đều phải tính đến kế hoạch di chuyển nơi sản xuất khi đóng cửa tại Trung Quốc. Từ năm 2019, nhiều đơn vị lớn đã lên kế hoạch di chuyển sản xuất, nhằm giảm áp lực hàng rào thuế quan mới đối với hàng hóa xuất khẩu từ Trung Quốc sang Mỹ và tìm kiếm thị trường thay thế phòng khi giá tăng cao

Cụ thể, các công ty đa quốc gia như Samsung, LG và rất nhiều nhà sản xuất Nhật Bản đã đang chuyển các nhà máy từ Trung Quốc sang Việt Nam, hoặc đã thành lập các cơ sở sản xuất mới tại Việt Nam chứ không phải ở Trung Quốc. Các công ty như Foxconn và các nhà cung cấp khác của Apple đã cho biết rằng, họ đã có ý định thiết lập sản xuất cơ sở tại Việt Nam từ nhiều năm qua

Hãng trò chơi điện tử Nintendo đã chuyển một phần hoạt động sản xuất máy chơi game Switch Lite sang Việt Nam. Công ty sản xuất xe cơ giới và máy móc xây dựng Komatsu gia công sản xuất linh kiện tại các nhà máy của công ty này và của các đối tác tại Trung Quốc. Nhưng vì dịch COVID-19 nên Komatsu đang chuyển dây chuyền sản xuất linh kiện sử dụng cho khung xe cơ giới và bộ dây dẫn điện về Nhật Bản và sang Việt Nam

Từ trước khi đại dịch COVID-19 diễn ra, VinaCapital là một trong những đơn vị đầu tiên dự đoán rằng cuộc chiến thương mại sẽ xảy ra thúc đẩy sự dịch chuyển của các cơ sở sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam. Giờ đây, quỹ đầu tư này kỳ vọng sự bùng phát của dịch COVID-19 sẽ thúc đẩy các công ty cố gắng tái định vị sản xuất ra khỏi Trung Quốc, một phần vì thương chiến sẽ lại nóng lên sau khi tình trạng khẩn cấp y tế vì dịch COVID-19 lắng dịu

VinaCapital cũng từng nhìn nhận đại dịch lần này có hai ý nghĩa tích cực đối với Việt Nam: Một là, lạm phát tiền lương có xu hướng gia tăng sau khi đại dịch lắng dịu, điều này sẽ khuyến khích các công ty sản xuất phải di dời các nhà máy từ Trung Quốc sang Việt Nam. Hai là, lợi nhuận đầu tư có xu hướng giảm mạnh trong một thập kỷ sau đại dịch (không giống như sau chiến tranh), mà cùng với cái gọi là Nhật Bản hóa nền kinh tế Mỹ, sẽ đảm bảo một làn sóng FII đổ vào các thị trường chứng khoán các thị trường cận biên và mới nổi (bao gồm cả Việt Nam) trong nhiều năm tới

Xu hướng đầu tư trong dài hạn

Bên cạnh nhận nhận định trên, ông Stephen Wyatt, Tổng Giám đốc JLL Việt Nam cũng cho biết: "Việt Nam là một điểm đến đầy hứa hẹn từ khi làn sóng dịch chuyển nhà máy khỏi Trung Quốc bắt đầu. Mặc dù đại dịch COVID-19 đang gây ra những khó khăn nhất định đối với các quyết định cũng như hoạt động di dời, nhưng nhiều chủ đầu tư vẫn tự tin tăng giá đất trong quý đầu năm 2020 bởi đây là xu hướng đầu tư trong dài hạn"
giam-doc-jll_15166684.png


Theo khảo sát từ JLL, quý I/2020, miền Bắc thu hút phần lớn các tập đoàn lớn muốn đa dạng hóa danh mục sản xuất bên cạnh cơ sở tại Trung Quốc, với nền tảng cơ sở hạ tầng phát triển khá tốt và vị trí cần kề với Trung Quốc

Giá đất trung bình đạt 99 USD/m2/chu kỳ thuê, tăng 6,5% so với cùng kỳ năm trước. Nhà xưởng xây sẵn – lựa chọn yêu thích của các doanh nghiệp vừa và nhỏ - vẫn giữ ở mức giá thuê ổn định dao động từ 4,0-5,0 USD/m2/tháng, và đều đã được lấp đầy

Còn ở khu vực miền Nam, ghi nhận số lượng yêu cầu thuê đất tăng cao và các chủ đầu tư đã trở nên tự tin hơn trong việc tăng giá thuê đất. Giá đất trung bình trong quý 1/2020 đạt 101 USD/m2/chu kỳ thuê, tăng 12,2% so với cùng kỳ. Nhà xưởng xây sẵn ở miền Nam có giá thuê dao động từ 3,5-5,0 USD/m2/tháng, tăng nhẹ ở Bình Dương, TP.HCM, Long An và giữ mức ổn định ở các tỉnh còn lại

Tuy nhiên, tổ chức này cũng đưa ra nhận định, không phải tất cả các ngành sản xuất đều có thể dễ dàng chuyển sang Việt Nam. Mức lương công nhân sản xuất tại Trung Quốc hiện cao gấp ba lần Việt Nam, nhưng trình độ tay nghề của công nhân nơi này cũng cao hơn. Quy mô của Trung Quốc không thể được nhân rộng: lượng lao động công nghiệp di cư ở Trung Quốc còn cao hơn dân số Việt Nam. Hơn nữa, một khối lượng lớn ngành hàng sản xuất là để phục vụ thị trường nội địa Trung Quốc
 
Apple sắp mở nhà máy tại Việt Nam

apple-1588465965290142771586-crop-1588465972532450336564.jpg

Việc Apple liên tục đăng tin tuyển dụng tại Việt Nam có thể phục vụ mục đích đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sản xuất, nhất là khi các nhà máy tại Trung Quốc phải đóng cửa dài hạn do dịch Covid-19. Chưa kể, động thái tuyển dụng cả vị trí quản lý cho thấy dấu hiệu hãng dự tính mở văn phòng tại Việt Nam, nhiều ý kiến cho hay

Thời gian gần đây, trang tuyển dụng của Apple liên tục cập nhật tuyển dụng hàng loạt vị trí tại Tp.HCM và Hà Nội. Cụ thể, Apple đang tuyển dụng vị trí kỹ sư kiểm nghiệm camera, kỹ sư cơ khí màn hình, quản lý chất lượng màn hình, kỹ sư phần mềm cùng nhân sự cho khâu F.A.T.P (quy trình đóng gói, kiểm thử cuối cùng trước khi xuất xưởng)

Ngoài ra, Apple cũng tuyển vị trí quản lý vận hành và quản lý phát triển sản phẩm. Mô tả công việc cho biết, các vị trí tuyển dụng tại Việt Nam sẽ tham gia vào quá trình phát triển sản phẩm, làm việc với các đối tác để đảm bảo về nguồn cung và đáp ứng thời hạn. Bởi, Apple có "một đội ngũ nhỏ đang phát triển tại Việt Nam, và cần người hỗ trợ mở rộng nó"

Các vị trí tuyển dụng hầu hết đều yêu cầu khả năng giao tiếp tiếng Anh tốt, với tiếng Hàn và tiếng Trung là điểm cộng. Bên cạnh đó, ứng viên còn được yêu cầu phải am hiểu văn hoá, thị trường tại Việt Nam và có phong thái làm việc quốc tế


Thông tin trên website tuyển dụng của Apple

Việc Apple liên tục đăng tin tuyển dụng tại Việt Nam có thể phục vụ mục đích đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sản xuất, nhất là khi các nhà máy tại Trung Quốc phải đóng cửa dài hạn do dịch Covid-19. Chưa kể, động thái tuyển dụng cả vị trí quản lý cho thấy dấu hiệu hãng dự tính mở văn phòng tại Việt Nam, nhiều ý kiến cho hay

Được biết, đây không phải lần đầu Apple phát đi tín hiệu tại thị trường Việt Nam. Trước đó, trung tuần tháng 7/2019 Apple được cho là sẽ chuyển nhà máy sản xuất tai nghe không dây AirPods (một trong những phụ kiện quan trọng) từ Trung Quốc sang Việt Nam, như một cách để giảm dần sự phụ thuộc vào Trung Quốc trong bối cảnh căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc vẫn đang tiếp tục, Nikkei Asian Review dẫn lời một nguồn tin thân cận với sự việc cho biết

Nguồn tin cũng cho hay, đối tác sản xuất tai nghe chính cho Apple là Goertek sẽ đầu tư vào nhà máy sản xuất tai nghe AirPods thế hệ mới nhất của Apple tại Việt Nam. Hiện tại Goertek đang có 2 nhà máy lắp ráp tại khu công nghiệp Quế Võ (Bắc Ninh)

Động thái trên diễn ra giữa bối cảnh nhiều hãng đang xem xét việc di dời nhà máy sản xuất từ Trung Quốc, giữa bối cảnh tỷ lệ sinh giảm sút, chi phí lao động ngày càng tăng cao, đặc biệt là căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Đến nay, dịch Covid-19 như một chất xúc tác đẩy nhanh quá trình di dời nói trên

Lúc này, Việt Nam là điểm đến thuận lợi với về cả vị trí địa lý cũng như chi phí lao động thấp. Trung Quốc được xem là quốc gia đóng vai trò quan trọng với thành công của Apple trong thập kỷ vừa qua, khi phần lớn các sản phẩm của Apple đều đang được sản xuất và lắp ráp tại đây
 
Ngoại trưởng Pompeo "Mỹ đang hợp tác với Việt Nam để thúc đẩy kinh tế toàn cầu"
Trả lời Reuters, các quan chức Mỹ cho biết chính quyền Tổng thống Donald Trump đang thúc đẩy một sáng kiến để đưa các chuỗi cung ứng công nghiệp toàn cầu khỏi Trung Quốc

“Chúng tôi đã bàn về việc giảm sự phụ thuộc trong các chuỗi cung ứng của chúng tôi vào Trung Quốc trong vài năm qua và đang đẩy nhanh sáng kiến đó”, Keith Krach, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ phụ trách tăng trưởng kinh tế, năng lượng và môi trường, nói. “Tôi nghĩ điều quan trọng là phải hiểu nơi nào là khu vực quan trọng, nơi nào tồn tại các nút thắt cổ chai quan trọng”

Theo Krach, đây là vấn đề then chốt với an ninh Mỹ và Washington có thể sớm thông báo hành động mới

Mỹ đang thúc đẩy thành lập một liên minh “các đối tác tin cậy” có tên “Mạng lưới Kinh tế Thịnh vượng”, một quan chức Mỹ nói. Mạng lưới này sẽ bao gồm các công ty, tổ chức dân sự xã hội đang hoạt động với cùng tiêu chuẩn trong mọi vấn đề, từ kinh doanh số, năng lượng và hạ tầng đến nghiên cứu, thương mại, giáo dục và thương mại

Chính phủ Mỹ hiện phối hợp với Australia, Ấn Độ, Nhật Bản, New Zealand, Hàn Quốc và Việt Nam để “thúc đẩy kinh tế toàn cầu tiến về phía trước”, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nói ngày 29/4

download-2-jpeg-5747-1588582509.jpg

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo

Bộ Thương mại Mỹ, Bộ Ngoại giao Mỹ và các cơ quan khác xem xét các cách để thúc đẩy doanh nghiệp Mỹ chuyển nguồn cung ứng và sản xuất khỏi Trung Quốc. Một số quan chức Mỹ đương nhiệm và đã về hưu tiết lộ trong số các biện pháp được cân nhắc có ưu đãi thuế và trợ giá cho doanh nghiệp quay về quê nhà

“Đây là một nỗ lực của toàn chính phủ Mỹ”, một quan chức cho biết. Các cơ quan đang đánh giá xem hoạt động sản xuất nào được coi là “thiết yếu” và cách sản xuất hàng hóa ngoài Trung Quốc

Trung Quốc soán ngôi quốc gia sản xuất hàng đầu thế giới của Mỹ hồi năm 2010 và tạo ra 28% sản lượng toàn cầu năm 2018, theo số liệu Liên Hợp Quốc

Tổng thống Trump từ lâu đã cam kết sẽ đưa sản xuất từ nước ngoài quay trở lại Mỹ. Sau khi nhậm chức hồi đầu năm 2017, ông liên tục gây sức ép lên Trung Quốc, dẫn đến cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, gây ảnh hưởng đến thị trường thế giới

Mỹ đã áp thuế với khoảng 370 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc nhập khẩu. Gần đây, ông chủ Nhà Trắng tiếp tục cảnh báo có thể áp thêm thuế với Trung Quốc liên quan đến cách nước này ứng phó đại dịch Covid-19

Các quốc gia Mỹ Latinh cũng có thể góp sức. Đại sứ Colombia tại Mỹ Francisco Santos hồi tháng 4 cho biết ông đã trao đổi với Nhà Trắng, Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ, Bộ Tài chính Mỹ và Phòng Thương mại Mỹ về cách khuyến khích doanh nghiệp Mỹ chuyển chuỗi cung ứng của họ khỏi Trung Quốc về gần quê nhà hơn

Như Tâm
 
Việt Nam có thể đóng vai trò quan trọng trong tương lai của thế giới
- VietnamFinance trân trọng giới thiệu bài viết thể hiện nhận định của ông Chris Freund, nhà sáng lập và Tổng Giám đốc quỹ đầu tư Mekong Capital sau những nỗ lực của Việt Nam trong cuộc chiến chống COVID-19

Chris-Freund.webp

Ông Chris Freund, nhà sáng lập và Tổng Giám đốc quỹ đầu tư Mekong Capital

"Việt Nam đã khống chế thành công dịch COVID-19 với 270 ca nhiễm, 0 ca tử vong, và không có thêm ca nhiễm trong cộng đồng suốt hai tuần qua, trở thành quốc gia đông dân đầu tiên đánh bại đại dịch COVID-19

Việt Nam đạt được thành tích này là nhờ tài lãnh đạo sáng suốt và phối hợp nhịp nhàng từ các cấp chính quyền. Ngay khi khủng hoảng bắt đầu manh nha tại Trung Quốc từ tháng 1, Việt Nam đã nhanh chóng hành động bằng cách đóng cửa trường học từ đầu tháng 2, hạn chế đi lại và cấp thị thực, cách ly người từ nước ngoài về nước và đỉnh điểm là đóng cửa biên giới. Việt Nam thực hiện biện pháp theo dõi những người có tiếp xúc với các ca nhiễm và cách ly nghiêm ngặt những ai có nguy cơ phơi nhiễm. Việt Nam còn cung cấp thông tin minh bạch về các ca bệnh, chi tiết về địa chỉ, nơi làm việc của những bệnh nhân mắc COVID-19. Việt Nam cũng thực hiện xét nghiệm trên diện rộng. Với tỉ lệ cứ 650 xét nghiệm là có 1 ca nhiễm, Việt Nam là nước có tỉ lệ xét nghiệm trên số ca nhiễm cao nhất thế giới. Nhờ chủ trương hành động sớm và quyết liệt, Việt Nam đã chiến thắng COVID-19

Việt Nam cũng là quốc gia đầu tiên có thể mở cửa đất nước một cách an toàn, trong bối cảnh hầu hết các quốc gia khác có thể phải đợi đến nhiều tháng sau. Chỉ số GDP của Việt Nam vẫn được dự báo tăng khoảng 4,9% trong năm 2020. Ngược lại, Mỹ hiện đã có hơn 1.100.000 ca nhiễm và còn tiếp tục tăng nhanh. Tình hình này khiến cho các chuyên gia ước tính cứ mỗi tháng nước này kéo dài biện pháp phong tỏa một phần, GDP sẽ giảm 5%. Thế nên, giả sử Mỹ thực hiện phong tỏa trong 3 tháng, GDP sẽ giảm 15%

Để hiểu rõ vì sao Việt Nam có thể ứng phó hiệu quả với cuộc khủng hoảng này, và quan trọng hơn, làm thế nào để Việt Nam có được kinh nghiệm, tư duy, giá trị và khả năng để trở thành một đất nước có vai trò quan trọng trong tương lai của thế giới, ta hãy cùng nhau khám phá Việt Nam từ quá khứ đến hiện tại và tương lai

Lần đầu tôi đến Việt Nam là vào năm 1992 khi đi du lịch bụi. Tôi những tưởng Việt Nam sẽ trông giống như chiến trường, một đất nước nghèo nàn bị khói lửa chiến tranh tàn phá. Tôi những tưởng người dân nơi đây sẽ ghét tôi vì tôi là người Mỹ. Nhưng không, điều tôi tìm thấy là sự cởi mở, suy nghĩ cầu tiến, lạc quan, những con người đề cao các mối quan hệ và sự gắn kết, một dân tộc yêu chuộng hòa bình. Tôi bị choáng ngợp bởi tính thân thiện, cởi mở và hiếu khách của những người tôi gặp qua. Đến cả những người sống ở nơi từng là chiến trường hay có người thân chiến đấu ở cả hai bờ chiến tuyến đều cực kỳ thân thiện, cởi mở, thích giao lưu kết bạn, thậm chí là với các cựu thù. Đất nước này thật lạ kỳ ?

Tỉ lệ nghèo giảm nhanh và sự xuất hiện của tầng lớp trung lưu

Như chim phượng hoàng trỗi dậy từ tro tàn của 100 năm thê lương, Việt Nam tái thiết, tái thiết và tái thiết. Ngày nay, Việt Nam là một đất nước hòa bình, sôi động và ổn định, trở thành một trong những nước đang phát triển thành công nhất ở nửa sau thế kỷ 20

Việt Nam là một trong những nước có tỉ lệ nghèo giảm nhanh nhất thế giới. Năm 1992 toàn quốc có 94% dân số sống trong nghèo đói, đến năm 2018, con số này chỉ còn 29%. Cùng lúc đó, tầng lớp trung lưu mạnh mẽ của Việt Nam xuất hiện: 91% dân số Việt Nam sở hữu nhà riêng, và đại đa số không vay thế chấp. Điều này biến Việt Nam trở thành một trong những quốc gia có tỉ lệ người dân sở hữu nhà cao nhất thế giới, đặc biệt là tỉ lệ sở hữu nhà không vay vốn. Việc sở hữu nhà và quyền được tiếp cận nền giáo dục cao cấp hình thành nên một tầng lớp trung lưu mạnh mẽ. Mặc dù có một bộ phận người Việt giàu có đang nổi lên gần đây, chẳng hạn như giới doanh nhân khởi nghiệp thành công, nhưng sự phát triển của Việt Nam vẫn phụ thuộc rất nhiều vào tầng lớp trung lưu đang trỗi dậy ngày càng nhanh

Cam kết hòa bình và trung lập

Việt Nam đã chuyển mình trở thành một quốc gia luôn nhìn về phía trước và yêu chuộng hòa bình. Ngay sau khi thống nhất đất nước vào năm 1975, Việt Nam liền gia nhập Phong trào Không liên kết vào năm 1976. Phong trào Không liên kết là một diễn đàn gồm 125 quốc gia đang phát triển không liên kết hay chống lại bất kỳ một khối cường quốc nào

Mục đích của Phong trào Không liên kết là nhằm giúp các quốc gia thành viên duy trì độc lập dân tộc, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, đặc biệt là khi bị đe dọa bởi chủ nghĩa thực dân, phân biệt chủng tộc, bị nước ngoài xâm lược hoặc can thiệp, cũng như hỗ trợ lẫn nhau để tránh bị cuốn vào vấn đề chính trị của các siêu cường như Mỹ, Nga và Trung Quốc

Với quan điểm tôn trọng độc lập, tự do của các quốc gia yếu thế hơn và quyền miễn can dự vào vấn đề địa chính trị của các siêu cường quốc, Việt Nam đã duy trì việc đối thoại, gắn kết và quan hệ ngoại giao thân thiện với tất cả các nước mà không chọn phe, hoặc không bị cuốn vào các khối cường quốc chính trị. Theo đó, Việt Nam xây dựng mối quan hệ hữu hảo không chỉ với Mỹ, mà còn với Iran, Bắc Triều Tiên, Cuba và Palestine

Tính trung lập và cởi mở của Việt Nam cũng được thể hiện qua số lượng lớn các hiệp định thương mại mà Việt Nam ký kết, ví dụ

• Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO)

• Hiệp định thương mại tự do ASEAN (AFTA)

• Hiệp định thương mại song phương Mỹ-Việt

• Hiệp định đối tác kinh tế Nhật Bản — Việt Nam

• Hiệp định thương mại tự do Hàn Quốc-Việt Nam

• EU-Việt Nam (thỏa thuận thương mại duy nhất giữa Liên minh Châu Âu và một quốc gia đang phát triển ở châu Á)

• Hiệp định toàn diện và tiến bộ về quan hệ đối tác xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), trong đó Việt Nam là quốc gia thành viên kém phát triển nhất và là nước hưởng lợi nhiều nhất

Vai trò lãnh đạo của phụ nữ tại Việt Nam

Cùng với New Zealand và Bắc Âu, Việt Nam đặt ra một tiêu chuẩn toàn cầu cho các nhà nữ lãnh đạo, đặc biệt là ở châu Á. 27% thành viên Quốc hội Việt Nam là nữ. Tỉ lệ phụ nữ tham gia lực lượng lao động tại Việt Nam là 72,5%, thuộc hàng cao nhất thế giới. Khoảng 25% giá trị của các công ty niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam là các công ty do các nữ CEO lãnh đạo, và các công ty này thường vượt trội so với các công ty có CEO nam. Một số công ty niêm yết nổi tiếng tại Việt Nam có phụ nữ đảm nhiệm vị trí CEO hoặc Chủ tịch bao gồm Vinamilk, Vàng bạc đá quý Phú Nhuận, VietJet, REE, Dược phẩm Hậu Giang, Traphaco, và nhiều công ty khác

Việt Nam cam kết với các mục tiêu phát triển bền vững

Năm 2015, Việt Nam đã ký vào thỏa thuận Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs) của Liên Hợp Quốc. Mười bảy Mục tiêu Phát triển Bền vững toàn cầu đã được sửa đổi thành 115 Mục tiêu Phát triển Bền vững của Việt Nam (VSDG), thuộc “Kế hoạch hành động quốc gia trong Chương trình Phát triển Bền vững 2030”, dựa trên bối cảnh và ưu tiên phát triển của Việt Nam. Năm 2018, Việt Nam là một trong 46 quốc gia tiến hành đánh giá tự nguyện về tiến trình hướng đến Mục tiêu Phát triển Bền vững mà quốc gia đó đã cam kết

Lượng carbon thải ra môi trường ít hơn

Tuy còn nhiều việc phải làm để đưa mức thải carbon xuống con số 0, Việt Nam hiện vẫn có lượng khí thải carbon tương đối ở mức 1,8 tấn/người mỗi năm. Trong khi đó, con số này ở Trung Quốc là 7,5 tấn và ở Mỹ là 16,5 tấn. Dẫu vậy, trồng rừng vẫn là ưu tiên hàng đầu đối với Việt Nam và đây là một trong những lĩnh vực mà Việt Nam có thể đóng vai trò lãnh đạo trên thế giới

Phật giáo và chánh niệm

Tình yêu dành cho giáo lý nhà Phật vốn đã tồn tại ở Việt Nam suốt gần 2.000 năm qua. Ngày nay, Việt Nam sản sinh ra nhiều giảng sư, thiền sư nổi bật như Thích Nhất Hạnh, người đã truyền cảm hứng cho hàng chục triệu người trên khắp thế giới thực hành chánh niệm và biết yêu thương từng khoảnh khắc sống. Biết cách chấp nhận cuộc sống, thực hành chánh niệm là những phương pháp nhẹ nhàng, không hề ép buộc người học phải đạt được mục tiêu ra sao. Nó đơn giản chỉ là một lời mời. Tư tưởng nhẹ nhàng, biết nâng niu từng phút giây của hiện tại đã thấm nhuần vào văn hóa Việt Nam

Ẩm thực ngon miệng và tốt cho sức khỏe

Ẩm thực Việt Nam cùng với ẩm thực Nhật Bản là một trong những nền ẩm thực cung cấp chế độ ăn uống tốt nhất cho sức khỏe. Người Việt sử dụng rất nhiều rau tươi và hải sản nuôi trồng. Không chỉ vậy, món ăn Việt Nam còn cực kỳ ngon miệng, phong phú với hàng ngàn món ngon để khám phá. Với tỉ lệ béo phì là 2,1%, Việt Nam hiện là quốc gia có tỷ lệ béo phì thấp nhất thế giới

Thiên tai và hiện tượng nóng lên toàn cầu

Là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi sự nóng lên toàn cầu, Việt Nam cũng đang đối mặt với một số mối đe dọa nghiêm trọng. Với đặc điểm đường bờ biển dài, sở hữu vùng châu thổ và bãi bồi rộng lớn, cộng với vị trí địa lý nằm trên đường đi của nhiều cơn bão nhiệt đới, Việt Nam bị xếp vào nhóm có nguy cơ chịu ảnh hưởng cao. Mực nước biển dâng cao khiến ngày càng nhiều đất nông nghiệp ở Việt Nam bị ngập mặn. Hạn hán đang trở nên phổ biến hơn, và hiện tại đồng bằng sông Mekong đang gánh chịu một đợt hạn hán tàn khốc. Miền trung Việt Nam luôn đối mặt với nguy cơ lũ lụt, và nguy cơ này ngày một tăng do sự nóng dần lên của Trái Đất khiến bão xuất hiện ngày càng nhiều

Việt Nam sẵn sàng đảm nhận vai trò lãnh đạo thế giới

Lịch sử đau buồn với chiến tranh, thiên tai và kinh nghiệm đối phó với SARS, H1N1 đã giúp cho Việt Nam có sự chuẩn bị kỹ càng để ứng phó nhanh chóng, quyết liệt trước các tình huống khẩn cấp tầm cỡ quốc gia và các mối đe dọa toàn cầu. Khả năng lãnh đạo của Việt Nam đã được chứng minh bằng chiến thắng chóng vánh trước COVID-19

COVID-19 chỉ là một hiệu ứng nhỏ, kết quả từ việc con người gây hại đến thiên nhiên. Trong tương lai sẽ còn nhiều đại dịch xảy ra nữa. Sẽ ngày càng có nhiều đất nông nghiệp bị nước biển nhấn chìm. Hạn hán và lũ lụt sẽ xảy ra nhiều nơi, thời tiết sẽ thay đổi thất thường. Sẽ có thêm nhiều loài động thực vật tuyệt chủng. Và khi mức độ đa dạng sinh thái tiếp tục suy giảm, khi con người ngày càng mất kết nối với thiên nhiên, thế hệ con cháu của chúng ta sẽ phải gánh chịu chất lượng cuộc sống ngày một tồi tệ

Việt Nam có thể giải quyết vấn đề này. Bằng chứng là Việt Nam đã luôn tuân thủ Mục tiêu Phát triển Bền vững của Liên Hợp Quốc và có những tiến bộ đáng kể trên con đường hoàn thành các mục tiêu trên. Việt Nam đã từng bước khẳng định mình, trở thành hình mẫu phát triển bền vững cho các nước đang phát triển và là quốc gia ủng hộ nhiệt thành hợp tác quốc tế

Sau cuộc khủng hoảng COVID-19, các tổ chức toàn cầu sẽ càng có vai trò quan trọng hơn trong việc chia sẻ các mục tiêu chung nhằm giải quyết các vấn đề quốc tế, gồm: y tế thế giới, hòa bình thế giới, bình đẳng giới, tình trạng nóng lên toàn cầu và khả năng duy trì sinh thái. Việt Nam có vai trò quan trọng trong các vấn đề này

Thế giới cần Việt Nam đóng vai trò lớn hơn trong việc dẫn dắt thế giới đến một tương lai bền vững

Đề cao khoa học và nâng tầm ảnh hưởng của khoa học là một mô hình tuyệt vời ở Việt Nam mà thế giới cần học tập. Trong các trường hợp khẩn cấp quốc gia, Việt Nam dùng kiến thức khoa học và tư duy giải quyết vấn đề thực tế làm kim chỉ nam chứ không phải lợi ích chính trị hay tôn giáo. Do đó, Việt Nam cần phải đưa các dữ liệu, tư duy dựa trên cơ sở khoa học và cách giải quyết vấn đề thực tế vào các cuộc đối thoại bàn về phương pháp đạt được Mục tiêu Phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc trên toàn cầu

Cách Việt Nam gìn giữ môi trường thiên nhiên cũng có thể là hình mẫu của thế giới. Việt Nam có thể là nước tiên phong trong lĩnh vực nông nghiệp bền vững, sử dụng nước và kiểm soát ô nhiễm. Việt Nam là một đất nước xinh đẹp với hệ sinh thái phong phú, và chúng ta có thể bảo vệ nó

Cũng giống như các quốc gia khác được lãnh đạo bởi các “nữ tướng” và hoàn thành xuất sắc cuộc chiến chống COVID-19, Việt Nam sở hữu các “nữ tướng” đóng vai trò quan trọng trong việc lãnh đạo đất nước tiến đến tương lai mà họ cam kết. Điều này có thể truyền cảm hứng cho nhiều phụ nữ dám dấn thân vào vị trí lãnh đạo trên thế giới, đóng góp vào hòa bình và bền vững toàn cầu. Hẳn nhiên thế giới sẽ bình yên, bền vững và hợp tác nhiều hơn nếu ngày càng có nhiều phụ nữ đảm nhiệm vị trí lãnh đạo ở các cấp cao nhất của chính phủ và các tổ chức toàn cầu

Giống như Thiền sư Thích Nhất Hạnh, người Việt có thể tạo cảm hứng cho thế giới, mời thế giới đến với cuộc sống thực hành chánh niệm, nâng niu thiên nhiên, vui sống trong hiện tại với những người xung quanh và chọn lấy hạnh phúc

Để khép lại bài viết này, tôi xin trích dẫn một đoạn văn của Hoài Sơn, một học sinh lớp 4, được sáng tác vào năm 1965, trong giai đoạn Kháng chiến chống Mỹ. Mặc dù không sinh ra ở Việt Nam nhưng tôi đã dành nửa đời người sống ở mảnh đất này, hai cô con gái của tôi cũng là người Việt. Tôi rất quý mến tinh thần lạc quan, yêu thiên nhiên của người Việt

Tôi là một người dân Việt, sinh giữa lòng của đất nước tổ tiên tôi

Nước tôi là một nước bé nhỏ ở ven bờ bể cả, có núi lớn làm thành, sông sâu làm lũy, có những danh lam thắng cảnh trang hoàng

Dân tôi là một giống dân hiền lành nhưng quả cảm, kiên nhẫn và kiêu hùng, một giống dân giàu tình cảm và nhân đạo

Tôi yêu nước tôi, tôi mến dân tộc tôi, lòng yêu mến của tôi vô lượng vô biên, thiêng liêng cao cả. Vì nước tôi là nơi chôn nhau cắt rốn của tôi, vì dân tôi đã biết giữ gìn đất nước tôi

Tôi sống trên mảnh đất tổ tiên tôi đã sống, tôi thở không khí của tổ tiên tôi đã thở; những đồi núi sông ngòi, những cỏ cây hoa lá, đâu đâu cũng phảng phất in hình dấu vết tổ tiên tôi

Tôi tin rằng đã đến lúc phải xem xét lại định nghĩa thế nào là một quốc gia “siêu cường” trên thế giới. Việt Nam có thể là một siêu cường mới, không dựa trên sức mạnh quân sự, quy mô hay tăng trưởng kinh tế bất bền vững, mà dựa vào cam kết hợp tác và gắn kết toàn cầu, hòa hợp với thiên nhiên, nâng cao tiêu chuẩn y tế và giáo dục, khai mở sức mạnh của nữ giới trong đội ngũ lãnh đạo, đề cao hòa bình và sống cho hiện tại"

Hồ Mai
 
Last edited:
Khoảng 30% tổng sản lượng AirPods truyền thống được sản xuất tại Việt Nam
- Loại tai nghe không dây AirPods nổi tiếng của Apple nay đã được sản xuất tại Việt Nam ngay trong quí 2 này với số lượng lên đến hàng triệu chiếc. Đây được cho là một trong những dấu hiệu cho thấy hãng Apple đang đa dạng hóa việc sản xuất các mặt hàng của hãng này ở bên ngoài Trung Quốc

afcef_apple_airpods_1online.jpg

Sản phẩm tai nghe không dây AirPods

Theo hãng tin Nikkei Asian Review hôm 8-5, khoảng từ 3 triệu đến 4 triệu chiếc, tương đương khoảng 30% tổng sản lượng AirPods truyền thống trong quí này, sẽ là "Made in Vietnam: được sản xuất tại Việt Nam". Việc sản xuất hàng loạt sản phẩm AirPods này tại Việt Nam đã bắt đầu vào tháng 3 vừa qua

Tuy nhiên, theo hãng tin này, việc dịch chuyển sản xuất này chưa bao gồm AirPods Pro, phiên bản cao cấp với các chức năng chống ồn mà Apple giới thiệu vào tháng 10 năm ngoái 2019

Phần lớn các dòng AirPods – bao gồm AirPods và AirPods Pro – vẫn được sản xuất tại Trung Quốc dù một số thiết bị điện tử đeo tay bị áp thuế bổ sung do chính quyền Tổng thống Donald Trump áp đặt từ năm ngoái

Các sản phẩm chủ chốt khác của Apple, iPhone và MacBook, vẫn chưa bị áp thuế và hiện chủ yếu vẫn được lắp ráp tại Trung Quốc

Cơ sở sản xuất ngoài Trung Quốc - sự dịch chuyển khó cưỡng

Vào trung tuần tháng 1-2020, khi Hoa Kỳ và Trung Quốc ký một thỏa thuận giai đoạn 1 xoa dịu cuộc thương chiến, Apple đã làm chậm các nỗ lực để chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc – nơi đặt cơ sở sản xuất lớn nhất của hãng. Tuy nhiên, đại dịch toàn cầu như một lời nhắc nhở cho các công ty công nghệ về tầm quan trọng của sự đa dạng hóa và sản xuất bền vững bên cạnh chi phí thấp, theo Nikkei Asian Review

Mặt khác, sự căng thẳng thương mại giữa Bắc Kinh và Washington đã bùng phát trở lại khi các quan chức chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump lên kế hoạch rút chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc như là hình phạt cho việc xử lý dịch bệnh của nước này. Nhật Bản cũng cho biết họ sẽ tài trợ cho các kế hoạch dịch chuyển sản xuất của các công ty Nhật Bản nhằm cắt giảm sự phụ thuộc của nước này vào Trung Quốc

"Đây vẫn là một xu hướng không thể đảo ngược khi các công ty công nghệ lớn của Mỹ sẽ cần tìm kiếm các cơ sở sản xuất bên ngoài Trung Quốc", một giám đốc điều hành chuỗi cung ứng khác nói với Nikkei. Các công ty Hoa Kỳ bao gồm Apple đang tìm kiếm các cơ sở sản xuất bên ngoài Trung Quốc. Một số doanh nghiệp thích Việt Nam và một số khác thích Thái Lan, Ấn Độ, châu Mỹ hay các quốc gia Đông Nam Á khác

Trong khi đó, sự bùng phát của dịch Covid-19 cũng đã ảnh hưởng đến nhu cầu của AirPods, vì Apple buộc phải đóng cửa nhiều cửa hàng chính thống. Apple đã thông báo với các nhà cung cấp của mình giảm sản lượng trong nửa đầu năm 2020 hơn 10% so với đơn đặt hàng ban đầu khoảng 45 triệu chiếc, được đặt vào tháng 1. Kế hoạch giới thiệu bản cập nhật của AirPods vào cuối năm nay hiện cũng bị ảnh hưởng và trì hoãn bởi sự gián đoạn của Covid-19, theo Nikkei

AirPods là tai nghe không giây bán chạy nhất thế giới, và đây là mặt hàng có sức tăng trưởng nhanh nhất trong danh mục sản phẩm phần cứng của Apple, chiếm khoảng 50% thị phần toàn cầu vào năm ngoái, bán khoảng 65 triệu chiếc, theo Counterpoint Research, dự đoán doanh số sẽ tăng lên tới 100 triệu chiếc cho năm 2020

Cơ hội cho Việt Nam

Apple từ chối bình luận. Các nhà lắp ráp AirPods gồm GoerTek và Luxshare đã không trả lời yêu cầu bình luận của Nikkei Asian Review

Apple đã yêu cầu các nhà cung cấp đánh giá các kế hoạch chuyển khoảng 15% đến 30% sản lượng phần cứng của họ ra khỏi Trung Quốc ở đỉnh điểm của căng thẳng thương chiến Washington-Bắc Kinh vào năm ngoái

Nhà lắp ráp AirPods chủ chốt GoerTek có trụ sở tại Trung Quốc, bắt đầu chuẩn bị chuyển sản xuất sang Việt Nam từ đầu tháng 10 năm 2018 và bắt đầu sản xuất thử nghiệm vào mùa hè năm ngoái. Goertek hiện đang có hai nhà máy lắp ráp tại Việt Nam, đặt tại khu công nghiệp Quế Võ (Bắc Ninh)

Luxshare Precision Industry, còn được gọi là Luxshare-ICT, đã bắt đầu đầu tư mới vào năm ngoái tại Việt Nam và cũng đã thông qua sự kiểm tra của Apple để sản xuất hàng loạt tai nghe không dây ở đó. Inventec, một nhà lắp ráp AirPods khác, hiện đang xây dựng một nhà máy tại Việt Nam, theo yêu cầu của Apple, một nguồn tin nói với Nikkei

Apple đã dần dần hình thành một chuỗi cung ứng âm thanh hoàn chỉnh hơn ở khu vực phía bắc Việt Nam, nơi mà gã khổng lồ công nghệ Cupertino từ lâu đã hợp tác với các nhà máy tại đây để sản xuất EarPods truyền thống - tai nghe có dây đi kèm với iPhone

Trong khi đó, nhà cung cấp linh kiện âm thanh, Merry Electronics, đang hợp tác với Luxshare để xây dựng cơ sở tại Việt Nam dự kiến sẽ bắt đầu hoạt động sớm nhất là vào mùa hè này. Nhiều nhà cung cấp chính của Apple, như hai nhà sản xuất iPhone lớn Foxconn và Pegatron và nhà sản xuất iPad Compal Electronics, đều đang mở rộng sản xuất tại phía bắc Việt Nam dù hiện tại họ chưa sản xuất các sản phẩm Apple tại đây. Nhiều đơn vị cung cấp khác cũng đang giúp các công ty công nghệ, như Google và Amazon đa dạng hóa sản xuất

Willy Shih, giáo sư thực hành quản lý tại Trường Kinh doanh Harvard, nói với Nikkei rằng đại dịch toàn cầu sẽ buộc nhiều công ty công nghệ phải có cái nhìn khác về các vấn đề duy trì sự liên tục của chuỗi cung ứng

"Cho đến nay, về mặt chuỗi cung ứng công nghệ, Trung Quốc có cơ sở hạ tầng, giao thông, công nhân lành nghề và dịch vụ hậu cần tốt nhất. Nhưng chúng ta sẽ thấy sự đa dạng hơn trong những năm tới, chắc chắn cho ngành công nghiệp điện tử, vì họ đã nhận không thể bỏ tất cả trứng vào một giỏ"

"Theo tôi kịch bản nhiều khả năng là các công ty lớn này sẽ tìm kiếm Trung Quốc + 1, Trung Quốc +2 hoặc thậm chí Trung Quốc ở các quốc gia khác trong dài hạn", giáo sư Shih nói

Lê Hoàng
 
Mỹ mời Việt Nam đối thoại với "Bộ tứ kim cương" để tái cấu trúc chuỗi cung ứng
Để dịch chuyển chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc, Mỹ đang lên kế hoạch thành lập "Mạng lưới kinh tế thịnh vượng" bằng cuộc đối thoại nhóm "Bộ tứ kim cương"(Nhóm QUAD), gồm Mỹ, Australia, Nhật Bản, Ấn Độ và mời thêm 3 quốc gia khác là Việt Nam, Hàn Quốc và New Zealand

photo1589271326615-1589271327148420743439.jpg

Thời gian gần đây, nhóm 4 quốc gia Ấn Độ - Thái Bình Dương, bao gồm Australia, Nhật Bản, Ấn Độ và Hoa Kỳ đã chính thức nối lại cuộc đối thoại 4 bên sau 10 năm gián đoạn, nhóm đã nâng cấp thành đối thoại của các ngoại trưởng. Vào ngày 20/3, nhóm "Bộ tứ kim cương" đã mời thêm 3 quốc gia khác gồm Việt Nam, Hàn Quốc và New Zealand cùng thảo luận, nhóm mới này được tờ
India Times gọi là "Bộ tứ mở rộng" (QUAD Plus)

Các quan chức ngoại giao từ các quốc gia đã tập trung thảo luận về vấn đề nóng nhất: COVID-19, cũng như bàn thảo phương thức chống lại sự lây lan của đại dịch. Trên trang chủ của tổ chức Heritage (chuyên đăng tải các cuộc đối thoại ngoại giao của Mỹ), nội dung cuộc đối thoại chỉ xoay quanh về COVID-19, nhưng các phóng viên thạo tin của Reuters (Anh) và Đài Truyền hình CGTV (Trung Quốc) đã chỉ ra rằng, "giảm thiểu tác động lên kinh tế toàn cầu" mới chính là vấn đề mấu chốt của cuộc đối thoại Bộ tứ mở rộng

Để khẳng định cho nguồn tin này, Reuters dẫn lời phát biểu của ông Mike Pompeo, Ngoại trưởng Mỹ, trên sóng truyền hình CNN về việc mở rộng thành viên đối thoại: "Chúng tôi đang làm việc cùng những người bạn để thúc đẩy phát triển chung kinh tế toàn cầu"

Động thái của Mỹ và nhóm Bộ tứ mở rộng khiến truyền thông thế giới dậy sóng. Reuters hàm ý, Mỹ đang hướng đến việc xây dựng nhóm quốc gia "Mạng lưới kinh tế thịnh vượng", còn Đài Truyền hình CGTV của Trung Quốc cho rằng, Mỹ đang đặt ra mục tiêu chuyển dịch chuỗi cung ứng rời khỏi Trung Quốc càng nhanh càng tốt

Reuters nhận định, chưa rõ những quốc gia nào sẽ nằm trong Mạng lưới kinh tế thịnh vượng, tuy nhiên, theo ông Pompeo đề cập, chính quyền Mỹ đang hợp tác chặt chẽ với Việt Nam, Hàn Quốc, New Zealand, Úc, Ấn Độ và Nhận Bản, thì đây sẽ là những quốc gia được Mỹ hướng đến nhằm tái cấu trúc chuỗi cung ứng toàn cầu

Từ trước đến nay, các chuỗi cung ứng như nguyên liệu dược phẩm, thực phẩm, các thiết bị y tế, thiết bị điện tử... của Mỹ phụ thuộc vào Trung Quốc. Tờ Wall Street Journal chỉ ra rằng, COVID-19 đã phơi bày việc lệ thuộc của Mỹ vào nguồn cung ứng dược liệu thuốc, khi các nhà máy ở Trung Quốc đóng cửa, thì thị trường dược phẩm của Mỹ rơi vào tình trạng đóng băng. Do đó, chính quyền của Tổng thống Donald Trump cần phải nhanh chóng dịch chuyển khỏi Trung Quốc

Bản tin kinh tế ngày 4/5 của Reuters cũng nhấn mạnh, Mỹ đang thúc đẩy các sáng kiến rút chuỗi sản xuất ra khỏi Trung Quốc. Reuters dẫn lời một nhà phân tích giấu tên, Mạng lưới kinh tế thịnh vượng là phương án đa phương đầy bất ngờ của Mỹ

Trước động thái của Mỹ, CGTV đăng tải bài góc nhìn của Chuyên gia phân tích chính trị Andrew Korobko (Nga) vào ngày 4/5: "COVID-19 chỉ là cái cớ để Mỹ thực hiện cuộc dịch chuyển, và là cơ sở để Mỹ thúc đẩy kế hoạch xây dựng Mạng lưới kinh tế thịnh vượng. Kế hoạch "Mỹ và những người bạn" như ông Pompeo phát biểu là tín hiệu cho cuộc chuyển dịch bắt đầu

Trong khi đó, Nikkei đăng tin độc quyền về việc Apple sẽ sản xuất khoảng 3 đến 4 triệu tai nghe không dây (Airpods) tại Việt Nam ngay trong quý 1/2020. Phải chăng Mạng lưới kinh tế thịnh vượng đã bắt đầu được kích hoạt ?

QUAD – gọi tắt của Đối thoại an ninh bốn bên, gồm Mỹ, Nhật Bản, Úc và Ấn Độ, được Thủ tướng Shinzo Abe đưa ra vào năm 2007. QUAD tập trung thảo luận hợp tác các vấn đề kinh tế, quân sự và được giới phân tích nhận định, làm đối trọng với sức ảnh hưởng của Trung Quốc
 
Ấn Độ và Việt Nam - tâm điểm của nỗ lực chuyển dịch chuỗi sản xuất của Apple
– Câu chuyện Apple chuyển bớt hoạt động sản xuất tai nghe không dây AirPods từ Trung Quốc sang Việt Nam - giữa lúc giới phân tích nhận định đại dịch Covid-19 sẽ thúc đẩy nhanh tiến trình đa dạng hóa chuỗi cung ứng của các công ty đa quốc gia để giảm bớt sự phụ thuộc vào Trung Quốc - đang thu hút sự quan tâm của cả thế giới

cae09_anh_bai_1.jpg

Công nhân làm việc tại một nhà máy lắp ráp iPhone của Foxconn tại TP. Sri, bang Andhra Pradesh, Ấn Độ

Lâu nay, nhờ thế mạnh lực lượng lao động có tay nghề khổng lồ và vai trò trung tâm chuỗi cung ứng điện tử toàn cầu, Trung Quốc được Apple chọn làm “đại bản doanh” cho các hoạt động lắp ráp các sản phẩm. Nhưng bắt đầu từ năm ngoái, khi cuộc chiến tranh thương mại Mỹ-Trung trở nên căng thẳng đỉnh điểm, Apple phát thông điệp sẽ di dời một phần đáng kể của các chuỗi cung ứng tại Trung Quốc sang các nước khác, trong đó, Ấn Độ và Việt nam nằm trong số những điểm đến hàng đầu

Tuy nhiên, Trung Quốc sẽ không mất ngôi vị công xưởng hàng điện tử lớn nhất thế giới sớm vì rất khó để thay thế mạng lưới các nhà cung cấp phức tạp và đội ngũ lao động có kỹ năng cũng như hệ thống phân phối hiệu quả và thị trường nội địa khổng lồ của Trung Quốc. Hơn nữa, việc chuyển dịch quy mô lớn hoạt động sản xuất đòi hỏi nhiều thời gian

90% sản phẩm của Apple được lắp ráp ở Trung Quốc

Không có báo cáo đầy đủ nào về việc Apple sản xuất, lắp ráp linh kiện và sản phẩm ở đâu và Apple cũng không công bố chi tiết điều này. Nhưng giới phân tích ước tính Apple đang lắp ráp khoảng 90% sản phẩm từ iPhone, iPad, MacBook cho đến Apple Watch, AirPods tại Trung Quốc

Bất kỳ ai mua iPhone hay bất kỳ sản phẩm nào khác của iPhone thường nhìn thấy dòng chữ in trên sản phẩm cho biết sản phẩm được “thiết kế ở California, lắp ráp tại Trung Quốc”

Mỗi chiếc iPhone sử dụng đến hàng trăm linh kiện của hàng trăm nhà sản xuất khác nhau nên không thể liệt kê tên của mọi nhà sản xuất linh kiện trên iPhone. Vì vậy, cũng rất khó để biết chính xác các linh kiện này được sản xuất ở đâu vì đôi lúc, một nhà cung cấp của Apple có thể sản xuất một linh kiện cụ thể cho iPhone tại nhiều nhà máy khác nhau trên thế giới

Chẳng hạn, mặt kính cường lực của dòng sản phẩm iPhone 5S, iPhone 6 và iPhone 6S do hãng Corning (Mỹ) cung cấp nhưng hãng này có các nhà máy sản xuất đặt ở hàng chục nước trên thế giới

Có nhiều công ty tham gia lắp ráp các thiết bị của Apple nhưng nhìn chung, hoạt động lắp ráp các sản phẩm như iPod, iPhone và iPads đều do hai công ty Đài Loan đồng thời là hai nhà gia công hàng điện tử lớn nhất thế giới Hon Hai Precision Industry (thường biết đến với cái tên thương mại Foxconn) và Pegatron đảm nhận. Foxconn là đối tác lắp ráp thiết bị lâu đời nhất của Apple

Hiện nay, Foxconn này lắp ráp phần lớn iPhone ở các nhà máy khổng lồ tại hai thành phố Thâm Quyến và Trịnh Châu của Trung Quốc dù công ty này vận hành một chuỗi nhà máy khác trên thế giới bao gồm ở Thái Lan, Malaysia, Cộng hòa Czech, Hàn Quốc, Singapore và Philippines. Bên cạnh đó, Wistron, một công ty khác của Đài Loan, cũng đang tham gia lắp ráp iPhone trong những năm gần đây

Apple xây dựng chuỗi cung ứng thiết bị âm thanh ở Việt Nam

Hôm 8-5, tờ Nikkei Asian Review dẫn các nguồn tin cho biết Apple sẽ sản xuất khoảng 3-4 triệu tai nghe không dây AirPods truyền thống ở Việt Nam trong quí 2. Con số này đương đương khoảng 30% tổng sản lượng AirPods truyền thống của Apple quí 2

Hiện tại, đa số các sản phẩm AirPods bao gồm AirPods truyền thống và AirPods Pro vẫn được sản xuất tại Trung Quốc

Năm ngoái, Apple đốc thúc các nhà cung cấp lớn thẩm định kế hoạch chuyển 15-30% công suất sản xuất các sản phẩm phần cứng của Apple khỏi Trung Quốc để tránh tác động của cuộc chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc

Các nhà cung cấp này bao gồm Foxconn, Pegatron, Wistron (lắp ráp iPhone), Quanta Computer (lắp ráp MacBook), Compal Electronics (lắp ráp iPad), Inventec, Luxshare và GoerTek (lắp ráp AirPods). Luxshare và GoerTek là hai công ty của Trung Quốc và các nhà cung cấp còn lại là các công ty của Đài Loan

Các nước được cân nhắc trong nỗ lực đa dạng hóa sản xuất của Apple gồm Mexico, Ấn Độ và các nước Đông Nam Á như Việt Nam, Indonesia và Malaysia. Các nguồn tin cho biết Ấn Độ và Việt Nam là sự lựa chọn được yêu thích nhất của các nhà cung cấp trên

Khi Mỹ và Trung nước đạt được thỏa thuận thương mại giai đoạn một hồi giữa tháng 1-2020, kế hoạch đa dạng hóa chuỗi sản xuất của Apple bị chậm lại. Song tình trạng gián đoạn các chuỗi cung ứng toàn cầu ở Trung Quốc do đại dịch Covid-19 trong tháng 2 nhắc nhở các công ty công nghệ đa quốc gia về tầm quan trọng của các nỗ lực đa dạng hóa và tình bền vững sản xuất cũng như chi phí thấp

AirPods, mặt hàng tăng trưởng doanh thu nhanh nhất trong danh mục sản phẩm phần cứng của Apple, là tai nghe Bluetooth không dây bán chạy nhất thế giới. Theo hãng nghiên cứu thị trường Counterpoint Research, năm ngoái, Apple bán được 65 triệu AirPods, chiếm 50% thị phần tai nghe Bluetooth không dây toàn cầu. Counterpoint Research dự báo doanh số AirPods trong năm 2020 có thể đạt 100 triệu đơn vị

Năm ngoái 2019, Luxshare đã khởi động đầu tư ở Việt Nam và được Apple cấp phép sản xuất AirPods hàng loạt tại đây. Trong khi đó, Inventec đang xây dựng một nhà máy ở Việt Nam theo yêu cầu của Apple.
Apple đang dần hình thành chuỗi cung ứng thiết bị âm thanh đầy đủ ở miền bắc Việt Nam, nơi nhiều nhà cung cấp đang sản xuất tai nghe có dây EarPods cho các sản phẩm iPhone

Merry Electronics, nhà cung cấp linh kiện âm thanh đến từ Đài Loan, đang hợp tác với Luxshare để xây dựng một nhà máy ở Việt Nam có thể đi vào hoạt động sớm nhất là vào mùa hè này. Nhiều nhà cung cấp khác của Apple bao gồm Foxconn và Pegatron cũng như Compal Electronics, cũng đang mở rộng sản xuất ở miền bắc Việt Nam dù hiện tại họ chưa sản xuất các sản phẩm của Apple tại đây

Hồi tháng 2, trang tin Appleinsider.com cho hay Apple có thể “giao việc” cho Luxshare nhiều hơn trong hai năm tới, bao gồm nhiệm vụ lắp ráp các iPhone đời cũ của Apple bắt đầu từ năm 2021. Hiện tại, Luxshare không chỉ lắp ráp AirPods mà còn đồng hồ thông minh Apple Watch

Vào đầu năm nay, hãng tin Bloomberg đưa tin Pegatron đang theo chân hai nhà lắp ráp iPhone khác của Đài Loan, Wistron và Foxconn sang Việt Nam để phát triển cơ sở sản xuất mới hoặc tăng công suất tại cơ sở hiện tại của công ty này ở Việt Nam. Pegatron đang thuê một cơ sở ở Hải Phòng và dự định sản xuất bút cảm ứng cho smartphone của Samsung tại đây

Đến tháng 3, Giám đốc điều hành Pegatron, Liao Syh-jang, cho biết Pegatron hy vọng sẽ khởi động sản xuất ở cơ sở mới ở Việt Nam vào năm sau. Phát biểu ẩn ý rằng Pegatron có thể chuyển bớt hoạt động lắp ráp iPhone từ Trung Quốc sang Việt Nam

Công ty này xây dựng một nhà máy mới ở Indonesia hồi năm ngoái và đang nhắm đến Ấn Độ để xây dựng thêm nhiều nhà máy mới khác. Hồi cuối tháng 3, Bloomberg cho biết Wistron cho biết chuyển bớt 50% công suất sản xuất ra khỏi Trung Quốc trong vòng một năm và sẽ dành ra 1 tỉ đô la Mỹ để phục vụ nỗ lực này. Những địa điểm sản xuất mới mà công ty này nhắm tới là Ấn Độ, Việt Nam và Mexico

Hồi tháng 5 năm ngoái, Thứ trưởng Bộ Công nghiệp Indonesia, Warsito Ignatius, cho hay Pegatron đã ký một văn bản ghi nhớ đầu tư đến 1 tỉ đô la cho một nhà máy liên doanh sản xuất chip cho iPhone tại TP. Batam

iPhone “lắp ráp tại Ấn Độ” sẽ sớm tràn ngập thị trường ?

Tờ Economic Times (Ấn Độ) hôm 11-5 cho hay Apple đang có kế hoạch chuyển bớt 20% công suất lắp ráp iPhone ở Trung Quốc sang Ấn Độ trong vòng năm năm tới

Một quan chức cấp cao của Ấn Độ nói: “Chúng tôi kỳ vọng Apple lắp ráp 40 tỉ đô la trị giá iPhone, phần lớn để phục vụ xuất khẩu thông qua các nhà sản xuất gia công Wistron và Foxconn”

Hiện tại, doanh số iPhone ở Ấn Độ xấp xỉ 1,5 tỉ đô la mỗi năm nhưng lượng iPhone được lắp ráp tại Ấn Độ chỉ đáp ứng khoảng 0,5 tỉ đô la của mức doanh số này. Trong khi đó, tại Trung Quốc, hãng “quả táo cắn dở” gia công lắp ráp khối lượng sản phẩm có trị đến 220 tỉ đô la trong năm tài chính 2018-2019

Nếu kế hoạch trên được triển khai, Apple sẽ trở thành nhà xuất khẩu lớn của Ấn Độ và những chiếc iPhone có in dòng chữ “thiết kế tại California, lắp ráp tại Ấn Độ” sẽ tràn ngập trên thị trường quốc tế trong những năm tới

Hồi tháng 3, Chính phủ Ấn Độ đã thông qua khai ba chương trình ưu đãi trị giá 48.000 crore (6,3 tỉ đô la) dành cho các nhà sản xuất điện tử nước ngoài để nâng công suất sản xuất điện thoại di động ở Ấn Độ lên mức 190 tỉ đô la Mỹ vào năm 2025, trong đó, xuất khẩu 110 tỉ đô la. Chương trình PLI chiếm đến 5,4 tỉ đô la giá trị ưu đãi này. Để được nhận các lợi ích từ chương trình PLI, một công ty phải sản xuất ít nhất 10 tỉ đô la giá trị điện thoại di động trong giai đoạn 2020-2025

Trên thực tế, Apple đã âm thầm mở rộng chuỗi cung ứng tại Ấn Độ trong hơn ba năm qua. Wistron đang lắp ráp các iPhone đời cũ thuộc dòng SE và 6S và 7 của Apple tại một nhà máy tại Ấn Độ. Trong khi đó, Flextronics (Singapore) và Salcomp (Phần Lan) sản xuất sạc iPhone tại các cơ sở của họ ở đất nước đông dân thứ hai thế giới

Vào tháng 2 vừa qua, Reuters dẫn các nguồn tin cho biết Wistron sẽ sản xuất bảng mạch in của iPhone tại một nhà máy ở miền nam Ấn Độ. Họ cũng tiết lộ nhà máy lắp ráp iPhone thứ hai của Wistron ở Ấn Độ sẽ đi vào hoạt động trong tháng 4-2020. Nhà máy này, tọa lạc ở TP. Bengaluru, có công suấi lắp ráp 8 triệu iPhone 7 và iPhone 8 mỗi năm

Còn vào tháng 10 năm ngoái, Foxconn bắt đầu lắp ráp dòng điện thoại iPhone XR cho Apple tại một nhà máy ở TP. Chennai, Ấn Độ. Nhà máy lắp ráp điện thoại di động đầu tiên của Foxconn tại Ấn Độ đi vào hoạt động vào năm 2015 tại thành phố Sri, một đặc khu kinh tế ở bang Andhra Pradesh. Nhà máy sử dụng 15.000 công nhân và lắp ráp điện thoại cho nhiều thương hiệu khác nhau bao gồm Xiaomi. Năm ngoái, nhà máy bắt đầu lắp ráp iPhone X

Tháng 4 vừa qua, trang tin iHelpBR (Brazil) cho biết Apple có thể sản xuất một phần của dòng iPhone SE giá rẻ mới tại Brazil trong những tháng tới. Cơ sở cho dự báo này là sau khi Apple thông báo ra mắt iPhone SE phiên bản năm 2020, trang web của Apple tại Brazil đã công bố các hình ảnh iPhone SE có in dòng chữ “Indústria Brasileira”, hiểu nôm na là “được lắp ráp ở Brazil”

Khánh Lan
Bloomberg, Reuters, Economic Times, LifeWire

 
Khởi công khu công nghiệp lớn nhất Vietnam
Đón đầu làn sóng đầu tư dịch chuyển từ Trung Quốc

Chia sẻ tại buổi lễ khởi công dự án Khu công nghiệp (KCN) Việt Phát ngày 17/5 tại tỉnh Long An, nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang kỳ vọng KCN lớn nhất nước này sớm lớn mạnh, đóng góp nhiều hơn cho đời sống người dân

Đón đầu làn sóng đầu từ dịch chuyển từ Trung Quốc

Dự án KCN Việt Phát do Công ty CP đầu tư Tân Thành Long An làm chủ đầu tư, đặt tại xã Tân Long, huyện Thủ Thừa. Dự án được quy hoạch theo mô hình kết hợp giữa KCN và khu đô thị. Trong đó, diện tích đất dành cho KCN là hơn 1.200ha và đất dành cho khu đô thị là hơn 625ha

Đây là một trong những KCN có quy mô diện tích lớn nhất nước hiện nay. Việc khởi công dự án được giới chuyên gia đánh giá là đúng thời điểm để đón nhận làn sóng đầu tư đang dịch chuyển trên toàn cầu thời hậu Covid-19, nhất là ở Trung Quốc


Nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang chia sẻ tại buổi lễ khởi công dự án KCN Việt Phát

Không phải đến bây giờ, làn sóng dịch chuyển đầu tư ra ngoài Trung Quốc mới xuất hiện. Đại dịch Covid-19 là chất xúc tác mới, thúc đẩy làn sóng dịch chuyển chuỗi cung ứng từ Trung Quốc diễn ra nhanh hơn, mạnh mẽ hơn

Trước làn sóng chuyển dịch đầu tư đó, các chuyên gia và giới phân tích đã nhận định Việt Nam sẽ là một trong những điểm đến hấp dẫn, có nhiều cơ hội đón nhận vốn đầu tư dồi dào từ các quốc gia phát triển có trình độ công nghệ cao

Đặc biệt, những thành công của Việt Nam trong việc kiểm soát đại dịch Covid-19 đã củng cố thêm niềm tin cho các nhà đầu tư nước ngoài; góp phần định vị Việt Nam trở thành điểm đến an toàn cho hoạt động kinh doanh của các nhà sản xuất quốc tế


Nguyên Chủ tịch nước trao đổi với nhà đầu tư

Chia sẻ tại buổi lễ, nguyên Chủ tịch Trương Tấn Sang cho biết, thế giới đã thừa nhận nỗ lực cũng như kết quả chống dịch của Việt Nam thời gian qua. Chính phủ cũng có chủ trương cải thiện môi trường đầu tư, phát triển kinh tế hậu dịch

Các địa phương cần phải hiểu môi trường đầu tư ở đây, nôm na là phải làm sao cho "xịn" hơn; thái độ đón tiếp phải ân cần hơn và không chờ đợi. "Bởi vì ngay lúc phòng chống dịch Covid-19, các nhà đầu tư đã có mặt và quan sát rất rõ động thái trong nước", nguyên Chủ tịch nước nói

Long An thu hút nhà đầu tư

Tỉnh Long An thu hút dự án đầu tư có diện tích quy mô lớn nhất cả nước đã cho thấy nỗ lực của tỉnh này. Với vị trí ở gần cảng Sài Gòn, lại có cảng nước sâu, Long An có những lợi thế lớn và thực tế đã có khá nhiều KCN trước đó

"KCN Việt Phát đi sau, phải tận dụng lợi thế, sớm trở thành KCN kiểu mẫu cả nước, từ đó có những đóng góp nhiều hơn cho kinh tế địa phương, cho nhân dân", nguyên Chủ tịch nước kỳ vọng


Phối cảnh KCN Việt Phát

Ông Lê Thành – Chủ tịch HĐQT Tân Thành Long An cho biết, dự án nằm giữa 2 con sông lớn nên sẽ tận dụng lợi thế đường thủy, rồi đi ra các cảng nước sâu. Đồng thời kết nối tốt với hệ thống giao thông đường bộ thông qua quốc lộ N2 đến TP.HCM và các tỉnh phía Nam thuận tiện

Đây là mô hình phát triển bền vững. KCN sẽ tạo việc làm cho lực lượng lao động địa phương, góp phần vực dậy kinh tế địa phương, từ đó tạo ra nhu cầu sinh sống trong khu vực từ công nhân, quản lý xí nghiệp

Lúc này, khu đô thị sẽ cung cấp nhiều giải pháp nhà ở, tiện ích đa dạng, thu hút dân cư đến lập nghiệp và tạo thành một cộng đồng bền vững cộng hưởng cho khu công nghiệp


Long An là tỉnh có vùng nguyên liệu nông sản lớn ở ĐBSCL

Ông Thành kể, từ năm 2014, lãnh đạo công ty đã đầu tư Nhà máy chế biến nông sản Lavifood tại Long An. Long An là mảnh đất đã ươm mầm cho khởi nghiệp nông nghiệp công nghệ cao

Tân Thành Long An mong muốn có một KCN đủ lớn, tận dụng lợi thế logictis để nối TP.HCM và ĐBSCL. "Đặc biệt Long An là tỉnh có vùng nguyên liệu nông sản lớn của ĐBSCL. Chúng tôi cam kết sẽ ưu tiên thu hút chế biến nông sản ở KCN lớn nhất của tỉnh", ông Thành nói


Nhà máy chế biến nông sản của Lavifood đặt tại Long An
Theo ông Nguyễn Văn Út - Phó Chủ tịch tỉnh Long An, Việt Phát là dự án thứ 2 được tỉnh khởi công sau đại dịch Covid-19. Các dự án này đánh dấu sự hoạt động trở lại của hoạt động kinh tế trên địa bàn tỉnh kể từ sau ngày Thủ tướng Chính phủ quyết định nới lỏng giãn cách toàn xã hội, để tập trung phát triển kinh tế

Việc khởi công KCN Việt Phát là kết quả của nỗ lực, trách nhiệm của nhà đầu tư và chính quyền tỉnh Long An, để chủ động đón đầu thu hút vốn FDI chất lượng cao trước làn sóng chuyển dịch chuỗi cung ứng toàn cầu sau dịch Covid-19

"Thời gian qua, cả tỉnh phải tập trung mọi nguồn lực để chống dịch nhưng vẫn kịp thời và tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp triển khai các KCN nhằm phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng đời sống cho người dân trong tỉnh", ông Út chia sẻ

 
Dịch chuyển FDI sang Việt Nam - miếng bánh ‘phải chốt thật nhanh’
Hàng tuần, ông Thành họp với đồng nghiệp ở Thái Lan, Malaysia, Philippines, nơi doanh nghiệp FDI đang liên hệ đầu tư. Trong cuộc đua mời gọi FDI, Việt Nam cần nhanh chân nữa

Đại dịch Covid-19 phơi bày hạn chế khi chuỗi thương mại lệ thuộc quá nhiều vào một nước, và các cường quốc đang khuyến khích công ty của mình thay đổi

Nhiều chính phủ châu Á, vừa ứng phó dịch bệnh, vừa chạy đua mời gọi các tập đoàn chuyển sản xuất về nước mình

Indonesia đang “dẫn trước” khi vừa “chốt” được 27 nhà máy Mỹ sẽ chuyển đến, sau cuộc điện đàm giữa lãnh đạo Indonesia - Mỹ. Jakarta cũng cam kết dành 4000 ha đất khu công nghiệp tại Trung Java cho các ông chủ Mỹ. Trong khi đó, Ấn Độ lập quỹ đất 461.589 ha để thu hút doanh nghiệp từ Trung Quốc

Trao đổi với Zing, ông Vũ Tú Thành, Phó giám đốc điều hành khu vực của Hội đồng Kinh doanh Mỹ - ASEAN, phụ trách Việt Nam, cho biết “tin vui” là các nhà đầu tư đã ở Việt Nam đang tăng lượng sản xuất tại Việt Nam

Nhưng để bắt kịp cuộc đua đón thêm doanh nghiệp FDI, các địa phương phải tính trước các ưu đãi và “chốt thật nhanh”

hoalac_zing.jpg

Khu công nghệ cao Hòa Lạc nhìn từ trên cao, nơi định hướng thu hút các dự án công nghệ cao

Covid-19 thêm động lực dịch chuyển sản xuất

Ông Thành cho biết nhiều công ty Mỹ đã dành nguồn lực đi khảo sát, nghiên cứu đầu tư vào Đông Nam Á từ cách đây hai năm, khi thương chiến bắt đầu

Hội đồng Kinh doanh Mỹ - ASEAN, nơi ông Thành làm việc, đại diện cho hơn 160 tập đoàn Mỹ hàng đầu thế giới, thúc đẩy thương mại giữa họ với 10 nước thành viên ASEAN

WhatsApp_Image_2020_05_19_at_6.21.21_PM.jpeg

Vũ Tú Thành, Phó giám đốc điều hành khu vực của Hội đồng Kinh doanh Mỹ - ASEAN, phụ trách Việt Nam

“Nếu nhìn lại lịch sử, thì cách đây cả chục năm, các công ty đã nói đến chiến lược Trung Quốc + 1, vì nguyên tắc của họ là không bỏ trứng vào một giỏ, nên cần có cơ sở sản xuất dự phòng”, ông Thành nói. “Đến khi xảy ra thương chiến, như là người ta lôi (kế hoạch đó) trên ngăn kéo xuống, phủi bụi đi và nghiên cứu lại”

“Rồi đến Covid-19, người ta có động lực hơn để làm (đa dạng hóa sản xuất)”, ông Thành nói

Nhưng việc đa dạng hóa sản xuất nhìn chung được triển khai chậm, chỉ một số ít công ty làm được. Nhiều năm nay, các công ty vẫn muốn đề phòng rủi ro, nhưng cơ hội kiếm lợi nhuận ở Trung Quốc quá lớn, chiếm trọn sự chú ý của họ

ASEAN là điểm đến ưu tiên cho việc chuyển dịch, đa dạng hóa, vì là một trong những động lực của tăng trưởng kinh tế thế giới trong tương lai

“Trong ngắn hạn, quan tâm thì quan tâm vậy thôi, nhưng với hạn chế đi lại, chưa ai sang được Đông Nam Á ngắm nghía khảo sát được cả, trước mắt vẫn sẽ chưa có kết quả cụ thể”, ông Thành nói

Theo chuyên gia từ Hội đồng Kinh doanh Mỹ - ASEAN, dấu hiệu của dịch chuyển sản xuất đang nằm ở các con số thương mại, thay vì con số đầu tư. Lượng đặt hàng ở Việt Nam đã tăng trong 12 tháng qua

“Chẳng hạn trong mảng thiết bị điện, để lập thêm một nhà máy sản xuất thiết bị điện là khá nhanh. Họ muốn tránh thuế cao do thương chiến nên chuyển dịch, nhập linh kiện qua Việt Nam để lắp ráp”

Các công ty đã sản xuất ở Việt Nam thì theo đà này mở rộng sản xuất. Chẳng hạn, một số hãng bán lẻ của Mỹ - vốn đã có nhà máy ở Việt Nam - đang mở rộng ra để sản xuất thêm mặt hàng khác. Một số công ty thiết bị y tế, dược phẩm đã có nhà máy ở Việt Nam đang mua thêm nhà máy hoặc xây mới

“Thương chiến đã đẩy mạnh điều này... khiến lượng xuất khẩu Việt Nam sang Mỹ tăng vọt”, ông Thành nói

“Nhưng lượng đầu tư sẽ tăng chậm hơn nhiều... quy ra các con số về USD thì chưa có gì”, ông phân tích thêm. “Chưa công ty nào kịp đa dạng hóa một cách rõ ràng, vì thời gian vẫn là quá ngắn... chiến lược di chuyển vẫn đang trên giấy tờ”

Đà dịch chuyển có thể gia tăng do chính sách từ các cường quốc. Cuối tháng 4, Nhật Bản tuyên bố dành hơn 240 tỷ yên (khoảng 2,2 tỷ USD) để hỗ trợ công ty Nhật chuyển nhà máy từ Trung Quốc về nước hoặc đa dạng hóa sản xuất sang Đông Nam Á

Mỹ cũng muốn lập quỹ 25 tỷ USD hỗ trợ công ty chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc, theo Reuters. Tại Washington, hàng loạt dự luật đang được đề xuất để kiềm chế các ảnh hưởng của Bắc Kinh

VLN_9955_zing.jpg

Lượng xuất khẩu Việt Nam sang Mỹ tăng vọt trong 12 tháng qua
Tập đoàn Mỹ yêu cầu gì về nơi đầu tư ?

Các công ty đã liên hệ với ông Thành và Hội đồng Kinh doanh Mỹ - ASEAN để đặt vấn đề đầu tư vào Việt Nam có một số kỳ vọng chung, trong đó có những yếu tố mà Việt Nam cần cải thiện

Các công ty thường cân nhắc về khuôn khổ pháp lý, chi phí để tuân thủ các điều kiện, đặc biệt là mức độ nhất quán giữa các luật lệ, quy định (luật đầu tư, luật doanh nghiệp, luật thuế), kèm các ưu đãi về thuế và đất đai

“Các luật khi áp dụng có nhất quán không, giữa trung ương với địa phương, giữa các địa phương với nhau, hay theo thời gian?”, ông Thành giải thích. “Về tiêu chí này, so với các nước khác thì Việt Nam chưa được đánh giá cao”

Ông Thành nêu một ví dụ, về ưu đãi đầu tư và thuế. Trong đó, luật đầu tư quy định ưu đãi thuế một kiểu và Bộ Kế hoạch - Đầu tư nói được miễn giảm thuế. Nhưng luật thuế, do Bộ Tài chính triển khai, lại không ghi rõ, dẫn đến nhiều doanh nghiệp bị kẹt ở giữa

Các công ty Mỹ mà ông Thành tiếp xúc cũng hỏi về sự sẵn sàng của nguồn nhân lực, “mà là nhân lực chất lượng trung bình, không phải nhân lực giá rẻ”

Về trình độ tay nghề, thì so với Trung Quốc, Việt Nam “cũng đạt được”, nhưng về số lượng, Việt Nam “không thể đáp ứng được”, và đây là một điểm yếu, theo ông Thành

“Nhiều nhà đầu tư đến nhưng Việt Nam không đáp ứng được tiêu chí của họ về số lượng lớn”, ông nói. “Như một chị ở hiệp hội cơ khí từng nói về ngành thiết bị cơ khí, thì khách hàng ở Canada lại phù hợp với doanh nghiệp nhà mình, còn Mỹ và EU mình lại không đáp ứng được, vì đơn hàng lớn quá”

Nhà đầu tư cũng hỏi ông Thành về mức độ sẵn sàng của năng lượng, tức “điện có ổn định không?”. Họ quan tâm đến hạ tầng, cảng để họ nhập và xuất hàng. Một số hàng phải xuất đi bằng đường hàng không

Một số hãng công nghệ lớn, mảng “big tech” hay Thung lũng Silicon còn hỏi thêm về năng lượng mặt trời, năng lượng gió ở Việt Nam

“Nhiều khả năng họ muốn định vị sản phẩm, dán mác ‘sản xuất với năng lượng sạch’”, ông Thành giải thích, nhưng cho rằng yêu cầu năng lượng sạch chưa phải xu hướng đại trà, mà dành cho các sản phẩm tính giá cao

Giá điện của Việt Nam cạnh tranh so với khu vực, nhưng điểm yếu là thiếu điện. Bản thân ngành điện Việt Nam cũng dự báo Việt Nam có thể thiếu điện trầm trọng trong các năm tới

KCN_zing.jpg

Khu công nghiệp VSIP Bình Dương
Cần ‘nhanh chân’ khi ưu đãi, mời gọi

Đội ngũ của ông Thành họp giao ban hàng tuần với các đồng nghiệp ở Hội đồng Kinh doanh Mỹ - ASEAN, phụ trách thị trường các nước Đông Nam Á khác như Thái Lan, Philippines, Malaysia

“(Họ) thấy được đây là xu hướng”, ông Thành nói về việc các công ty liên hệ, hỏi cơ hội đầu tư

Theo ông Thành, so với các nước, nhà đầu tư thích nhất ở Việt Nam là chính trị ổn định, “còn ở Thái Lan, Philippines, Malaysia, Indonesia, mỗi khi chính quyền mới lên là chưa rõ ý định thế nào”. Nhưng ưu điểm của các nước là có hệ thống pháp luật về kinh doanh tương đối ổn định

“Còn Việt Nam thì ngược lại, chính sách chung của chính quyền ổn định, chủ trương luôn là chào đón các nhà đầu tư, nhưng triển khai cụ thể lại thay đổi nhiều, không nhất quán”, ông Thành nhận định

Nha_may_Thaco_Mazda_Zing.jpg

Sự nhất quán giữa các luật lệ, quy định là một mối quan tâm lớn của các doanh nghiệp FDI

Sắp tới, số lượng, mức độ quan tâm của doanh nghiệp nước ngoài với Việt Nam có thể rất lớn, phạm vi quan tâm có thể rất rộng, nhưng “mình chưa nên mừng sớm”, ông Thành cảnh báo

“Khi tự nhiên có quá nhiều lựa chọn, có thể không biết chọn đúng... (các địa phương) phải chủ động rà soát thế mạnh và nhược điểm của mình... rút ngay các đối tượng mình cần theo đuổi”, ông đưa ra lời khuyên

“Đối tượng khả thi cao nhất, tốt nhất thì mình chốt nhanh. Cần thông qua chính sách ưu đãi gì thì làm trước, để chốt được ngay”, ông giải thích thêm. Nếu Việt Nam chậm chân so với các nước, có thể mất cơ hội

Chẳng hạn, Ấn Độ, đã hơn 8 tuần phong tỏa và có hơn 122 triệu người thất nghiệp (tính đến đầu tháng 5), đã liên hệ với hơn 1.000 công ty Mỹ để mời gọi, chỉ tính trong tháng 4, theo Bloomberg

“Nếu không có thứ tự ưu tiên, chờ họ hỏi mới đối chiếu với những gì mình có, lúc ấy muộn rồi... Cả trăm, nghìn người đến hỏi mà câu trả lời của anh không phù hợp thì họ đi cả loạt, nhưng nếu chỉ mời vài chục người, mà được 2/3 trong số đó thì cũng thành công rồi”, ông Thành nói

Trọng Thuấn
 
Panasonic dời dây chuyền tủ lạnh, máy giặt từ Thái Lan sang Việt Nam
Theo Nikkei, nhằm cắt giảm chi phí và tiếp cận tốt hơn thị trường Việt Nam, Panasonic sẽ sớm đóng cửa nhà máy tại Bangkok để dời đến cơ sở tại Hà Nội

Theo nguồn tin của Nikkei, Panasonic sẽ đóng cửa một nhà máy sản xuất đồ gia dụng lớn ở ngoại ô Bangkok (Thái Lan) sớm nhất vào mùa thu 2020 và chuyển dây chuyền sản xuất tới một cơ sở lớn hơn tại Việt Nam nhằm cắt giảm chi phí và tăng tính hiệu quả

Dây chuyền tại Thái Lan sẽ dừng sản xuất máy giặt vào tháng 9 và tủ lạnh vào tháng 10. Công xưởng này sẽ chính thức đóng cửa vào tháng 3/2021, trong khi tòa nhà phục vụ nghiên cứu và phát triển của hãng tại đây cũng sẽ bị phá hủy

01_201303PAPVN_thumb_628x314_170306.jpg

Nhà máy cùng khu nghiên cứu và phát triển của Panasonic tại ngoại ô Hà Nội

Hiện có khoảng 800 công nhân làm việc tại cơ sở sản xuất này và lượng lao động sẽ được cho thôi việc cũng như hỗ trợ tìm công việc mới trong tập đoàn

Với việc chuyển nhà máy về Việt Nam, Panasonic mong muốn giảm giá thành nhờ cải thiện việc sản xuất các chi tiết. Nhà máy tại Việt Nam, nằm ở ngoại thành Hà Nội, là trung tâm sản xuất lớn nhất của tập đoàn này tại Đông Nam Á với các sản phẩm như tủ lạnh, máy giặt và đang dư thừa công suất

Việc dịch chuyển này cũng đánh dấu giai đoạn mới trong gia công sản xuất tại Đông Nam Á. Từ những năm 1970, các doanh nghiệp điện tử Nhật đã chuyển từ sản xuất nội địa sang sản xuất tại Singapore và Malaysia khi đồng yên Nhật tăng giá mạnh, làm giảm tính cạnh tranh về giá của Nhật Bản

Sau đó, việc sản xuất được chuyển sang các nước như Thái Lan trong bối cảnh nhân công tại Singapore ngày càng đắt đỏ. Hiện các công ty Nhật tiếp tục tìm kiếm nơi rẻ hơn nữa để sản xuất cũng như tiếp cận dễ hơn những thị trường tiềm năng về tủ lạnh, máy giặt, lò vi sóng tại những nước Đông Nam Á đông dân như Indonesia, Philippines hay Việt Nam

Với việc chuyển dây chuyền sang Việt Nam, dự kiến công suất của dây chuyền sẽ không đổi so với khi hoạt động tại Thái Lan

Panasonic hiện có 8.000 lao động tại Việt Nam. Ngoài đồ gia dụng lớn, dây chuyền của hãng tại đây cũng sản xuất cả TV, điện thoại để bàn không dây, thiết bị thanh toán thẻ hay các thiết bị công nghiệp khác

Panasonic đang trong quá trình tái cấu trúc với mục tiêu cắt giảm chi phí khoảng 100 tỷ Yên (khoảng 930 triệu USD) tới tháng 3/2022. Hãng đang tiếp tục cân nhắc nhiều thay đổi trong dây chuyền sản xuất đồ gia dụng
 
BĐS công nghiệp sẽ mang lại dòng tiền thường xuyên cho Vingroup
Tỷ phú Phạm Nhật Vượng cho biết Vingroup xác định trong tương lai bất động sản công nghiệp sẽ là mảng chính và quan trọng bởi lĩnh vực này mang lại dòng tiền thường xuyên

Sáng 28/5, Tập đoàn Vingroup (VIC) đã tổ chức đại hội cổ đông. Tại đây, chủ tịch HĐQT Phạm Nhật Vượng giải đáp một số câu hỏi của cổ đông

Mục tiêu không phải lợi nhuận mà là thị phần


Ông Vượng cho biết Vinhomes đang tìm kiếm và phát triển các dự án bất động sản công nghiệp tại Hải Phòng, Quảng Ninh và dự kiến cuối năm 2021 sẽ đưa vào hoạt động

"Vingroup xác định trong tương lai bất động sản công nghiệp sẽ là mảng chính và quan trọng bởi lĩnh vực này mang lại dòng tiền thường xuyên", ông Vượng nói

Pham_nhat_vuong_1549929687976_1.jpg

Tỷ phú Phạm Nhật Vượng cho biết Vingroup xác định trong tương lai bất động sản công nghiệp sẽ là mảng chính

Ông cũng cho biết hiện toàn bộ khu công nghiệp VinFast hiện đã được chuyển cho Vinhomes. Theo đó, VinFast là một khách thuê. Hiện nay, VinFast đang sử dụng khoảng 335 ha, trong đó 7 ha làm khu dịch vụ

Vinhomes cũng đang mời gọi thêm các doanh nghiệp bên ngoài vào thuê. Ngoài ra, khu công nghiệp còn 2.000 ha đang được nhiều đối tác quan tâm, đặt vấn đề sản xất linh kiện ôtô tại Việt Nam

Nói về mảng sản xuất, ông Vượng cũng chia sẻ một số thông tin. Ông cho biết Vingroup xác định đây là lĩnh vực đầu tư lớn, quyết liệt nhưng chấp nhận bù lỗ 3-5 năm tới mới có thể hòa EBITDA và hướng đến là thị phần

Trong thời gian đó, VinFast chắc chắn chiếm thị phần rất tốt ở Việt Nam và bắt đầu có tên tuổi nhất định ở thị trường Mỹ. VinFast đã chạy thử nghiệm ôtô điện đầu tiên. Dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến việc bán hàng của VinFast. Công ty đã triển khai chương trình siêu khuyến mại tháng 5 để cạnh tranh. Dù thị trường giảm, miếng bánh còn rất lớn

"Mục tiêu chúng ta không phải lợi nhuận mà là thị phần", ông Vượng chia sẻ với cổ đông

Tỷ phú cũng cho biết cả VinFast và VinSmart đều định hướng ngoài Việt Nam chỉ tập trung một thị trường duy nhất là Mỹ. Sau thành công thị trường Mỹ mới triển khai các thị trường khác. Thị trường Mỹ là thị trường rất khó, nếu làm được cái khó thì sang các thị trường khác đơn giản và dễ dàng hơn

VinFast và VinSmart tập trung vào bán hàng trong nước


Tại đại hội cổ đông, CEO Nguyễn Việt Quang thay mặt ban giám đốc báo cáo kết quả kinh doanh 2019. Tổng doanh thu 2019 của Vingroup đạt hơn 130.036 tỷ đồng, lợi nhuận sau thế đạt hơn 7.717 tỷ đồng, lần lượt tăng 7% và 24% so với năm 2018

Năm 2020, Vingroup đặt kế hoạch doanh thu 145.000 tỷ đồng, lợi nhuận 5.000 tỷ, lần lượt tăng 11,5% và giảm 35,2% so với kết quả đạt được năm 2019. Công ty sẽ không thực hiện chia cổ tức năm 2019

Năm 2020, Vinhomes sẽ tiếp tục mở bán các phân khu mới thuộc 3 đại dự án Vinhomes Ocean Park, Vinhomes Smart City và Vinhomes Grand Park, mở bán phân khu thấp tầng tại dự án Vinhomes Wonder Park tại Đan Phượng, Hà Nội

Vinhomes cũng bắt đầu hiện thực hóa chiến lược phát triển các mảng kinh doanh nhằm tạo dòng tiền đều cho công ty bao gồm phát triển hệ thống văn phòng cho thuê và khu công nghiệp

Vincom Retail sẽ đẩy mạnh số hóa và hiện thực hóa mô hình mua sắm - giải trí

Vinpearl tập trung thúc đẩy kinh doanh với số cơ sở đã đi vào hoạt động và ưu tiên các dự án tối ưu chi phí vận hành

VinFast và VinSmart tập trung vào bán hàng trong nước, tận dụng tối đa hệ sinh thái Vingroup

Tại đại hội, cổ đông thông qua không chia cổ tức cho năm 2019, dùng toàn bộ lợi nhuận còn lại để đầu tư kinh doanh. Đây là năm thứ 2 liên tiếp, Vingroup giữ lại lợi nhuận, không chia cổ tức
 

Attachments

  • upload_2020-5-28_13-58-37.png
    upload_2020-5-28_13-58-37.png
    277 bytes · Views: 1
Cơ hội vàng thu hút vốn ngoại có chất lượng từ EU
- Việt Nam có cơ hội vàng thu hút dòng vốn đầu tư chất lượng từ các quốc gia thành viên liên minh châu Âu khi Quốc hội vừa thông qua hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), theo Đại sứ Pier Giorgio Aliberti, Trưởng phái đoàn liên minh châu Âu tại Việt Nam

Tại buổi họp báo diễn ra ngày 8-6, đại sứ Pier Giorgio Aliberti cho hay, sau 10 năm đàm phán Quốc hội Việt Nam đã phê chuẩn EVFTA, hiệp định được cho sẽ tác động tới mọi mặt kinh tế. Những lợi ích từ hiệp định là rất lớn khi người tiêu dùng trong nước sẽ được tiếp cận hàng hóa chất lượng, giá thấp hơn trước đây; doanh nghiệp được tiếp cận thị trường xuất khẩu với sức tiêu thụ lớn, chất lượng cao; cả người lao động và doanh nghiệp Việt Nam được sống và làm việc trong môi trường lao động, môi trường kinh doanh tốt hơn

Ngay khi hiệp định có hiệu lực (ngày 1-8), 71% hàng hoá của Việt Nam xuất khẩu sang EU sẽ được hưởng thuế 0%; và gần như toàn bộ hàng hóa từ Việt Nam sang EU sẽ được miễn thuế hoàn toàn 10 năm sau đó

Trích dẫn số liệu từ Ngân hàng Thế giới, ông Pier Giorgio Aliberti cho rằng, nhờ EVFTA, tốc độ tăng trưởng kinh tế và giá trị xuất khẩu hàng hoá của Việt Nam cũng sẽ tăng thêm lần lượt 2,4% và 12%

Một điểm được ông Pier Giorgio Aliberti đặc biệt nhấn mạnh là dòng vốn FDI chất lượng từ EU sẽ chảy vào Việt Nam khi thương mại giữa hai nước tăng lên

“Đầu tư thường đến sau hoạt động thương mại”, ông Pier Giorgio Aliberti nói. “Khi chúng ta có hoạt động thương mại mạnh mẽ, những nhà đầu tư mới bắt đầu quan tâm. Họ cần phải biết nhiều hơn về Việt Nam, con người Việt Nam. Liệu nền kinh tế Việt Nam có tăng trưởng tốt hay không? Sau đó họ mới cân nhắc tới đầu tư”

Đặc biệt, sau đại dịch Covid, các nhà đầu tư bắt đầu nhận thấy tầm quan trọng của việc đa dạng hoá chuỗi cung ứng, tránh tập trung vào một thị trường đơn lẻ. Việt Nam hoàn toàn có lợi thế hơn so với các nước trong khu vực trong việc thu hút vốn từ thị trường này

Hiệp định EVFTA đến trong bối cảnh đại dịch đang ảnh hưởng nặng nề tới kinh tế toàn cầu, trong đó có EU, một trong những thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam. Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, các doanh nghiệp bớt hào hứng hơn với hiệp định vì Covid 19

Song nhìn về dài hạn, theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, cơ hội thu hút dòng vốn từ EU rất lớn. Trong khu vực, ngoài Singapore, chỉ duy nhất Việt Nam có FTA với khu vực này. Trong khi đó, Singapore chỉ tập trung vào lĩnh vực dịch vụ, các doanh nghiệp EU nếu muốn dịch chuyển sản xuất khỏi Trung Quốc sẽ nghĩ tới Việt Nam đầu tiên

“Việt Nam chính là nơi sẽ bù đắp một phần công xưởng sản xuất của Trung Quốc trước đây. Dòng vốn này sẽ giúp Việt Nam phát triển tốt hơn trong quá trình công nghiệp hoá, tạo ra giá trị gia tăng nhiều hơn, chứ không chỉ làm gia công như trước kia", bà Lan nói

Theo ông Trần Việt Tiến, thường vụ Ban chấp hành của Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TPHCM (HAWA), hội kỳ vọng lớn vào dòng vốn FDI từ EU vào Việt Nam hơn là xuất khẩu. Bởi hiện dòng thuế xuất khẩu gỗ nội thất sang EU đã khá thấp, việc miễn giảm thuế về 0% cũng tốt nhưng không tạo ra tác động lớn

“Ngành gỗ mong muốn đón nhận dòng vốn từ EU trong lĩnh vực thiết kế, thương mại, công nghiệp cơ khí, công nghiệp phụ trợ", ông Tiến nói. “Đây là những lĩnh vực sẽ hoàn thiện chuỗi giá trị cho toàn ngành gỗ Việt Nam"

Nhiều ngành khác cũng đang chờ nguồn vốn FDI từ EU để lấp đầy chuỗi giá trị đang còn trống tại thị trường trong nước

Tuy vậy, ông Pier Giorgio Aliberti, Hiệp định bảo hộ đầu tư Việt Nam EU (IPA), hiệp định giúp các nhà đầu tư EU yên tâm đổ vốn vào Việt Nam, vẫn chưa được phê chuẩn cùng với EVFTA mà phải chờ các quốc hội thành viên thông qua mới có thể đi vào thực thi

Người đứng đầu phái đoàn liên minh EU tại Việt Nam cũng nhấn mạnh rằng, quyết định dịch chuyển đầu tư sang một quốc gia nào đó là quyết định phức tạp, dựa trên nhiều yếu tố. Trong đó, ưu đãi thuế chỉ là một phần, các doanh nghiệp EU sẽ đặc biệt quan tâm tới môi trường đầu tư, thủ tục hành chính minh bạch, khả năng thực thi và giải quyết tranh chấp, khả năng dự đoán chính sách

Dù vậy, sau đại dịch Covid 19, cùng với việc quốc hội Việt Nam phê chuẩn hiệp định, Việt Nam đã có lợi thế hơn nhiều so với các nước trong khu vực ASEAN trong con mắt nhà đầu tư EU

Vũ Dung
 
Foxconn muốn chi hơn 7.400 tỷ đồng xây nhà ở cho công nhân
Foxconn đề xuất xây 3 dự án nhà ở xã hội tại miền Bắc, cạnh các khu công nghiệp của tập đoàn này với tổng vốn đầu tư hơn 7.400 tỷ đồng

Thông tin trên được Tập đoàn Khoa học Kỹ thuật Hồng Hải (Foxconn) nói trong kiến nghị gửi Chính phủ, Bộ Xây dựng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư về những vướng mắc khi thực hiện đầu tư phát triển dự án nhà ở xã hội cho người lao động

Foxconn cho biết đang nghiên cứu và đề xuất đầu tư xây 3 dự án nhà ở xã hội cạnh các khu công nghiệp có lao động của tập đoàn. Đồng thời, phương án này cũng đáp ứng nhu cầu tối thiểu cho việc tuyển dụng lao động đang thiếu trầm trọng cho các doanh nghiệp FDI trong khu công nghiệp

Theo đó, Foxconn dự tính đầu tư xây 3 dự án nhà ở xã hội tại Bắc Ninh, Bắc Giang và Vĩnh Phúc. Trong đó, dự án tại huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang có quy mô lớn nhất với 16,7 ha, vốn đầu tư 3.422 tỷ đồng (khoảng 150 triệu USD). Hai dự án còn lại ở huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh có quy mô 6,3 ha, vốn đầu tư 2.925 tỷ đồng (hơn 125 triệu USD) và ở Vĩnh Phúc có quy mô 9,9 ha, vốn đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng

Doanh nghiệp Đài Loan cho biết các dự án trên đều đồng bộ công trình nhà ở chung cư và các tiện ích hạ tầng xã hội như y tế, trường học, chợ... đảm bảo mục tiêu an sinh xã hội, phục vụ sinh hoạt cho cư dân trong và ngoài dự án

Tuy nhiên, Foxconn cho biết đang gặp rất nhiều khó khăn từ các chính sách liên quan đến việc phát triển nhà ở xã hội. Do đó, tập đoàn này đang kiến nghị cho phép doanh nghiệp trong khu công nghiệp có thể đại diện cho người lao động đứng ra thuê, mua và bố trí cho công nhân viên của mình ở. Ngoài ra, Foxconn cũng kiến nghị điều chỉnh một số nội dung liên quan đến thủ tục hồ sơ về miễn tiền sử dụng đất và chuyển nhượng dự án

Foxconn bắt đầu đầu tư vào Việt Nam từ năm 2007, chủ yếu tại Bắc Ninh, Bắc Giang và Vĩnh Phúc. Năm ngoái, doanh nghiệp này tiếp tục mở rộng đầu tư tại Quảng Ninh và tăng thêm quy mô đầu tư tại Bắc Giang

Cách đây vài ngày, nhà lắp ráp chủ lực cho Apple lần đầu tiên cho biết Việt Nam hiện là nơi sản xuất lớn nhất tại khu vực Đông Nam Á. Năm nay, Foxconn dự kiến đạt doanh thu xuất khẩu 6 tỷ USD tại Việt Nam, tăng 3 tỷ USD so với năm ngoái và tạo việc làm cho 50.000 lao động Việt Nam, với thu nhập bình quân 10 - 12 triệu đồng một tháng

Bên cạnh sản xuất, Foxconn cũng có 2 công ty khai thác hạ tầng khu công nghiệp ở Bắc Giang và Vĩnh Phúc
 
Top