What's new
Vietnam - Điện Biên Phủ Kinh Tế

This is a sample guest message. Register a free account today to become a member! Once signed in, you'll be able to participate on this site by adding your own topics and posts, as well as connect with other members through your own private inbox!

Trái phiếu corona

LOBBY.VN

Administrator
Châu Âu phát hành trái phiếu corona
Các nước châu Âu đang cân nhắc tiến hành một bước đi chưa có tiền lệ: phát hành một loại trái phiếu chung của khu vực sử dụng đồng euro (eurozone) để huy động nguồn tài chính ứng phó với tác động của dịch Covid-19

ad0af_qq.jpg

Trong cuộc họp từ xa qua video của Hội đồng châu Âu, hôm 17-3, Thủ tướng Ý Giuseppe Conte kêu gọi phát hành trái phiếu corona để giúp các nước EU trang trải chi phí y tế và các chương trình giải cứu kinh tế

Theo hãng tin CNBC, các ngân hàng trung ương và một số nguyên thủ, nhà kinh tế ở châu Âu đang kêu gọi eurozone xây dựng một loại trái phiếu mới, có tên gọi “trái phiếu corona”, một công cụ tập hợp tài sản tài chính từ các nước thành viên của eurozone

Đây là chủ đề gây tranh cãi lớn nhưng sẽ giúp huy động nguồn tài chính để chống đỡ hậu quả kinh tế của cuộc khủng hoảng dịch Covid-19 đã gây tử vong hàng ngàn người và đang tàn phá các nền kinh tế trong khắp khu vực

Florian Hense, nhà kinh tế ở Ngân hàng Berenberg (Đức), cho biết: “Các rào cản chính trị đối với việc phát hành trái phiếu nợ chung ở eurozone vẫn rất lớn. Nhưng trong tình thế phải làm bất cứ điều gì có thể, các rào cản này có thể bị gạt bỏ”

Các nhà hoạch định chính sách bảo thủ ở các nước như Đức, Hà Lan và Áo thường thận trọng với ý tưởng phát hành trái phiếu nợ chung cùng với các nước có mức nợ cao khác như Ý, Hy Lạp và Bồ Đào Nha

Các nước eurozone từng đã thảo luận ý tưởng này vào thời điểm cao trào của cuộc khủng hoảng nợ công ở khu vực eurozone vào năm 2011 nhưng một số nước phản đối vì cho rằng quá mạo hiểm để gánh chung nợ với các nước đang có nguy cơ vỡ nợ cao

Song cú sốc tài chính bất ngờ và nghiêm trọng do dịch bệnh Covid-19 đang khơi lại cuộc thảo luận về việc phát hành trái phiếu chung của eurozone

Hôm 23-3, ông Carlos Costa, Thống đốc Ngân hàng trung ương Bồ Đài Nga kiêm thành viên của Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) kêu gọi 19 nước thành viên eurozone phân tích thêm về khả năng phát hành trái phiếu corona

Trong một bài viết gửi cho Reuters , ông nhấn mạnh: “Phải tìm tất cả các giải pháp để tránh tình hình nguy cấp của dịch Covid-19 dẫn đến một cuộc khủng hoảng nợ công lần thứ hai”

Ông tin rằng nếu phát hành trái phiếu chung với kỳ hạn hàng chục năm và chỉ sử dụng để ứng phó các hậu quả kinh tế của dịch Covid-19, điều này sẽ dễ dàng hơn đối với các chính phủ châu Âu

Hôm 22-3, Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez cũng lên tiếng ủng hộ ý tưởng phát hành trái phiếu corona để hỗ trợ “cuộc chiến chống dịch bệnh Covid-19”

Trong một bài báo đứng chung tên, 7 nhà kinh tế ở Đức cho rằng sự hỗ trợ mở rộng của các chính phủ là điều cần thiết để ứng phó cơn bùng phát dịch bệnh gây viêm phổi cấp. Họ hối thúc các chính phủ eurozone phát hành trái phiếu chung một lần duy nhất với trị giá lên đến 1.000 tỉ euro để trang trải phí tổn khổng lồ nhằm chống dịch bệnh Covid-19

Jens Sudekum, Giáo sư chuyên ngành kinh tế quốc tế ở Đức, một trong 7 tác giả của bài báo, nói rằng: “Chúng ta đang đối mặt với một cú sốc hệ thống khắp châu Âu mà không phải do lỗi của bất cứ nước nào. Công cụ chống khủng hoảng tài chính trước đây của eurozone (Cơ chế bình ổn châu Âu - ESM) được thiết kế để chống các cú sốc không đồng bộ do các sai lầm mang tính hệ thống của một số nước trong quá khứ, không giống như cuộc khủng hoảng lần này”

Hôm 17-3, trong cuộc họp từ xa qua video, các lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) đề cập đến khả năng phát hành trái phiếu corona

Tại cuộc họp này, Thủ tướng Ý, Giuseppe Conte, kêu gọi phát hành trái corona để giúp các nước EU trang trải chi phí y tế và các chương trình giải cứu kinh tế. Lúc đó, Thủ tướng Đức Angela Merkel không bác bỏ và còn nói bà sẽ để Bộ trưởng Tài chính Đức, Olaf Scholz, thảo luận vấn đề này

Hôm 20-3, Ursula von der Leyen, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC), nói rằng Brussels sẵn sàng xem xét ủng hộ phát hành trái phiếu chung của euzone để hỗ trợ khu vực này vượt qua tác động khổng lồ của dịch bệnh Covid-19

Tuy nhiên, trong cuộc trả lời phỏng vấn của nhật báo Handelsblatt hôm 24-3, Bộ trưởng Kinh tế Đức, Peter Altmaier, một đồng minh thân cận của bà Merkel thẳng thừng phản đối lời kêu gọi của Ý và các nước châu Âu khác về việc giới thiệu trái phiếu nợ chung

Ông nói: “Cuộc thảo luận về trái phiếu euro là một cuộc thảo luận hão huyền"

Lê Linh
 
G20 cam kết bơm 5.000 tỷ USD giải cứu thế giới trước đại dịch Covid-19

g-20-1585271276189.jpg

G20 cam kết bơm hơn 5.000 tỷ USD vào nền kinh tế thế giới giúp ứng phó Covid-19
Tại hội nghị qua video, các lãnh đạo G20 ngày 26/3 cam kết sẽ đảm bảo nguồn cung vật tư y tế thiết yếu và các hàng hóa khác và giải quyết tình trạng gián đoạn nguồn cung trên thế giới hiện nay do ảnh hưởng của dịch Covid-19

"Chúng tôi khẳng định cam kết xây dựng một mặt trận thống nhất chống lại mối đe dọa chung này. Chúng tôi sẽ bơm hơn 5.000 tỷ USD vào nền kinh tế toàn cầu, coi đó là một phần của chính sách tài khóa, biện pháp hỗ trợ kinh tế và các kế hoạch nhằm khắc phục tác động xã hội, kinh tế và tài chính do đại dịch gây ra”, tuyên bố chung của nhóm nhấn mạnh

Tuyên bố chung không nêu rõ số tiền này sẽ đến từ đâu, song dường như đây sẽ là tổng hợp các gói kích thích từ các chính phủ khác nhau của nhóm, trong đó có gói giải cứu trị giá khoảng 2.000 tỷ USD của Mỹ

Bày tỏ lo ngại về tác động của đại dịch đến các nước dễ tổn thương như các quốc gia châu Phi, hay bộ phận người tị nạn, G20 nhấn mạnh đến việc cần phải thúc đẩy hệ thống an toàn tài chính toàn cầu cũng như các hệ thống y tế quốc gia

G20 cũng hối thúc Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) “hỗ trợ các quốc gia khó khăn bằng tất cả nguồn lực có thể”. Giám đốc điều hành IMF Kristalina Georgieva dự kiến sẽ đề nghị ủy ban điều hành của IMF cân nhắc tăng gấp đôi ngân sách khẩn cấp hỗ trợ các quốc gia đang phát triển ứng phó với Covid-19 từ mức 50 tỷ USD hiện tại

Tuyên bố trên được đưa ra trong bối cảnh dịch Covid-19 lan ra gần 200 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, khiến hơn 500.000 người nhiễm bệnh, hơn 23.000 người tử vong. Giới chuyên gia kinh tế cho rằng, dịch Covid-19 có thể kéo theo tác động nghiêm trọng đến nền kinh tế thế giới hơn so với cuộc khủng hoảng tài chính 2008

Minh Phương
 
TT Trump ký gói cứu trợ kỷ lục 2.200 tỷ USD
TT Trump ký gói cứu trợ kinh tế kỷ lục 2.200 tỷ USD giữa lúc dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp ở nước này với số ca nhiễm bệnh vượt 100.000

TT Trump ngày 27/3 đã chính thức ký gói cứu trợ kinh tế kỷ lục 2.200 tỷ USD giữa lúc dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp ở nước này với số ca nhiễm bệnh vượt 100.000 trường hợp

1000_2020_03_28T061546.714.jpeg

TT Trump phát biểu sau khi ký gói cứu trợ kỷ lục hôm 27/3

Trọng tâm của gói cứu trợ khổng lồ nhất trong lịch sử Mỹ là cung cấp hỗ trợ tài chính trực tiếp tới người dân dưới dạng séc ngân hàng với số tiền dựa vào thu nhập

Các cá nhân có thu nhập 75.000 USD trở xuống sẽ nhận trực tiếp 1.200 USD mỗi người. Các hộ gia đình hai người lớn với thu nhập lên tới 150.000 USD sẽ nhận được 2.400 USD. Các gia đình cũng sẽ nhận thêm 500 USD cho mỗi trẻ nhỏ

Khoản trợ cấp giảm dần đối với những người có thu nhập cao. Cá nhân có thu nhập từ 99.000 USD hoặc cặp vợ chồng có thu nhập từ 198.000 USD trở lên mà không có trẻ nhỏ sẽ không được được nhận hỗ trợ dưới dạng tiền mặt

Thêm vào đó, gói cứu trợ cũng cung cấp hàng tỷ USD cho các bệnh viện đang vật lộn đối phó với đại dịch Covid-19, cũng như các bang và chính quyền địa phương thiếu tiền mặt để chi tiêu phục vụ công tác chống dịch

Cứu trợ cho các công ty là tranh cãi lớn nhất giữa hai phe Dân chủ và Cộng hòa. Trong phương án cuối cùng được thỏa hiệp, gói cứu trợ đã trao quyền giám sát cho một tổng thanh tra độc lập và ủy ban giám sát của quốc hội Mỹ

Gói cứu trợ cung cấp khoản vay doanh nghiệp 350 tỷ USD sẽ giúp các doanh nghiệp nhỏ thu hẹp chi phí trong tối đa 10 tuần

Thời hạn thanh toán lên đến 8 tuần nếu họ không sa thải nhân viên hoặc thuê lại nhân viên đã nghỉ việc vào tháng 6. Biện pháp này có thể giúp hàng nghìn công ty tồn tại, ít nhất là tạm thời

Trong khi đó, gói cứu trợ cung cấp 500 tỷ USD hỗ trợ các hãng hàng không và những tập đoàn lớn bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19
 
Đơn thuốc 7.000 tỷ USD cho kinh tế toàn cầu
Chính phủ Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Trung Quốc và Ấn Độ đang tung ra hàng nghìn tỷ USD để giữ nền kinh tế không chìm sâu vào suy thoái

Các nước trên thế giới đang đối phó với đại dịch bằng những chính sách với tốc độ và quy mô chưa từng có tiền tệ. Theo thống kê của CNN, tổng giá trị các cam kết của chính phủ và ngân hàng trung ương toàn cầu đến nay đã vào khoảng 7.000 tỷ USD. Con số này bao gồm chi tiêu chính phủ, bảo lãnh cho vay, giãn thuế, cũng như chính sách kích thích tiền tệ của các ngân hàng trung ương thông qua mua lại tài sản. Mức độ này đã vượt xa thời khủng hoảng tài chính 2008

Lần cuối cùng tăng trưởng kinh tế toàn cầu chịu sức ép lớn thế này trong thời bình là năm 1938, Chetan Ahya – kinh tế trưởng tại Morgan Stanley cho biết. Trong cuộc họp hôm thứ năm, lãnh đạo các nước G20 cũng khẳng định sẽ "làm tất cả những gì có thể" để giảm thiểu thiệt hại kinh tế từ đại dịch và khôi phục tăng trưởng toàn cầu

"Quy mô của các chính sách lần này sẽ đưa kinh tế toàn cầu về đúng quỹ đạo, đồng thời tạo ra nền tảng vững mạnh để bảo vệ việc làm và tăng trưởng toàn cầu", các lãnh đạo cho biết trong thông báo chung. G20 cam kết bơm 5.000 tỷ USD để kích thích kinh tế thế giới

nyc-5262-1585374367.jpg

Một người vô gia cư sang đường tại Quảng trường Thời đại vắng vẻ ở New York (Mỹ)

Tuy nhiên, các nhà kinh tế học lo ngại nó thậm chí vẫn chưa đủ nếu tình hình hiện tại kéo dài qua tháng 6. "Gói 2.000 tỷ USD của Mỹ có thể chỉ là con số tối thiểu để bù đắp sự sụt giảm hiện tại từ đại dịch", Joseph Song – nhà kinh tế học tại Bank of America cho biết hôm thứ năm, "Nền kinh tế có thể cần đến gần 3.000 tỷ USD kích thích tài khóa, nếu không muốn nói là hơn"

Bên cạnh đó, dù trợ cấp thất nghiệp và phát tiền cho người dân đã là hỗ trợ tài chính đáng kể, nền kinh tế sẽ không thể hồi phục cho đến khi các quán bar và nhà hàng mở cửa, mọi người quay lại làm việc và đi du lịch. Mà kể cả đến lúc đó, mọi thứ cũng sẽ mất thêm thời gian nữa mới quay lại bình thường, như những gì đang diễn ra tại Trung Quốc

Dưới đây là những gì chính phủ và ngân hàng trung ương các nước đã thực hiện để hỗ trợ nền kinh tế

Mỹ

Cách đây vài giờ, Tổng thống Mỹ đã ký duyệt gói trợ cấp kinh tế trị giá 2.200 tỷ USD. Gói này đã được thông qua tại Quốc hội Mỹ trước đó

Đây là gói kích thích lớn nhất lịch sử nước này. Trong đó gồm 500 tỷ USD hỗ trợ các ngành công nghiệp chịu ảnh hưởng nặng, 290 tỷ USD chi trả trực tiếp cho hộ gia đình, 350 tỷ USD cho vay doanh nghiệp nhỏ, 250 tỷ USD mở rộng trợ cấp thất nghiệp và ít nhất 100 tỷ USD cho các bệnh viện và hệ thống y tế

Trước đó, Quốc hội Mỹ đã thông qua chi hơn 112 tỷ USD để tăng tốc nghiên cứu vaccine Covid-19 và cung cấp 2 tuần nghỉ trả lương cho những người phải xét nghiệm hoặc chữa Covid-19

Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) cũng đã tung hàng loạt kích thích tiền tệ trong những ngày gần đây. Họ ban đầu cam kết mua lại 700 tỷ USD trái phiếu chính phủ Mỹ và chứng khoán đảm bảo bằng tài sản thế chấp (MBS). Nhưng giờ, kế hoạch này không còn giới hạn nào nữa cả. Fed cũng hỗ trợ thêm 300 tỷ USD vốn vay mới để duy trì dòng chảy tín dụng cho các doanh nghiệp và người tiêu dùng

Anh

Chính phủ Anh đã công bố 330 tỷ bảng (397 tỷ USD) bảo lãnh vay vốn và hoãn nộp thuế cho các doanh nghiệp trong nước ngành bán lẻ, du lịch – khách sạn và giải trí trong 12 tháng. Họ cũng trả 80% lương cho người lao động trong ít nhất 3 tháng tới, tối đa 2.500 bảng một tháng. Chính sách này hiện chưa rõ sẽ tiêu tốn bao nhiêu

Thêm vào đó, chính phủ Anh hôm thứ năm cam kết cấp cho lao động tự do số tiền mặt tương đương 80% lợi nhuận trung bình hàng tháng của họ, tối đa 2.500 bảng một tháng trong quý tới

Ngân hàng trung ương Anh cũng sẽ tăng mua 200 tỷ bảng trái phiếu chính phủ và doanh nghiệp

Liên minh châu Âu

Các nền kinh tế hàng đầu châu Âu đều đã tung những gói kích thích khổng lồ đề ngăn nền kinh tế vốn đã mong manh tiếp tục rơi tự do. Đức công bố gói giải cứu trị giá 750 tỷ euro (825 tỷ USD), gồm các biện pháp kích thích cho vay doanh nghiệp và mua cổ phần trực tiếp trong các công ty

Pháp chấp thuận 45 tỷ euro hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và người thất nghiệp. Họ cũng bảo lãnh 300 tỷ euro cho các doanh nghiệp đi vay

Italy bật đèn xanh cho 25 tỷ euro hỗ trợ người lao động và hệ thống y tế trong nước. Còn Tây Ban Nha tung gói kích thích 220 tỷ euro

Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) thì cho biết sẽ chi 750 tỷ euro mua lại trái phiếu chính phủ và các loại chứng khoán tư nhân khác đến hết năm nay. Họ khẳng định sẽ làm nhiều hơn nếu cần thiết. Trước đó, họ đã tăng quy mô chương trình mua lại tài sản thêm 120 tỷ euro

Trung Quốc

Đến nay, Trung Quốc đã công bố ít nhất 117 tỷ nhân dân tệ (16,4 tỷ USD) hỗ trợ tài chính và kích thích kinh tế, cộng với 800 tỷ nhân dân tệ giảm thuế phí. Tuy nhiên, nếu cần thiết, quốc gia này rất có thể chi tới hàng nghìn tỷ USD và vay số tiền khổng lồ để củng cố nền kinh tế

Ngân hàng trung ương Trung Quốc thì đã áp dụng hàng loạt chính sách nới lỏng, bơm ra ít nhất 1.150 tỷ nhân dân tệ để giúp doanh nghiệp đối phó đại dịch

Nhật Bản

Chính phủ Nhật Bản đang cân nhắc gói kích thích có quy mô 30.000 tỷ yen (274,2 tỷ USD), gồm phát tiền cho người dân và cho vay doanh nghiệp vừa và nhỏ

Ngân hàng trung ương Nhật Bản thì thông báo sẽ tăng quy mô mua chứng chỉ quỹ hoán đổi danh mục (ETF) thêm 6.000 tỷ yen (55 tỷ USD), tăng mua chứng chỉ quỹ tín thác đầu tư bất động sản thêm 90 tỷ yen. Họ cũng nâng hạn mức mua lại thương phiếu và trái phiếu doanh nghiệp thêm 2.000 tỷ yen

Ấn Độ

Chính phủ Ấn Độ đã thông báo gói giải cứu trị giá 22,6 tỷ USD chỉ 36 giờ sau khi phong tỏa toàn quốc. Gói này gồm hỗ trợ lương thực, chăm sóc y tế và trợ cấp cho người lao động
 
Ám ảnh “siêu bong bóng” nợ công
“Siêu bom” kích hoạt

Lãi suất thấp và các quy định lỏng lẻo đã nuôi dưỡng bong bóng nhà ở. Khi giá nhà tăng vọt, các chủ nhà có thể lấy được tiền mặt từ chính căn nhà của họ. Nhưng sau “giấc mơ Mỹ” thì nhiều gia đình đã mất tất cả, đó là tình cảnh sau khủng hoảng tài chính năm2007

Quay lại xa hơn chút, thời khủng hoảng dot.com năm 2001. Hãy thử xem những chính sách cắt giảm thuế cho người giàu (chủ nghĩa phúc lợi doanh nghiệp), giải pháp tài chính tiền tệ mà cựu Tổng thống George W. Bush đã tuyên bố là “liều thuốc” dành cho mọi căn bệnh kinh tế có giống những gì Tổng thống Donald Trump đang làm hay không ?

Nếu đúng, thử xem thêm Jerome Hayden Powell có giống Alan Greenspan (cựu Chủ tịch FED) đã giảm lãi suất, thị trường tràn ngập thanh khoản. Nhưng với năng lực dư thừa trong nền kinh tế, không ngạc nhiên khi thấy lãi suất thấp đã không dẫn đến mức đầu tư nhiều hơn cho nhà xưởng và thiết bị. Hậu quả là sự thay thế bong bóng công nghệ bằng một bong bóng bất động sản… đã gây khủng hoảng tín dụng dưới chuẩn năm 2007

Thị trườngnăm2020 cũng sẽ tràn ngập thanh khoản với liều lượng gấp nhiều lần so với năm 2007. Ứng phó với cuộc khủng hoảng kinh tế do đại dịch COVID-19 gây ra, CụcDự trữ Liên bang Mỹ (FED) cho biết sẽ triển khai chương trình mua trái phiếu với số lượng không xác định trước để hỗ trợ thị trường hoạt động thông suốt. Bên cạnh đó, FED cũng thực hiện nhiều biện pháp khác nhằm giúp đỡ doanh nghiệp và người dân như “rải tiền trực thăng” (Helicopter money), phát cho mỗi người hơn 1.000 USD để chi tiêu kích cầu, giữ tổng cung không quá suy giảm

Cùng với gói cứu trợ 2000 tỉ USD và hàng ngàn tỉ nới lỏng định lượng (QE) trước đó, song hành mức lãi suất cận âm và giảm thuế cho người giàu, có lẽ bong bóng bất động sản đã được nhường sân cho một “siêu bong bóng” mới: Nợ công
Khi bong bóng nợ công đổ vỡ, bong bóng bất động sản cũng sẽ vỡ theo. Dù khủng hoảng toàn cầu đợt này chưa thể xảy ra và lạm phát vẫn thấp, nhưng trong tất cả các dạng khủng hoảng kinh tế, khủng hoảng nợ công mới là “siêu bom” làm tê liệt khả năng trả nợ và điều hành quốc gia của các chính phủ. Chính phủ có thể giải cứu thị trường, nhưng chính phủ không thể tự giải cứu chính mình​

screen-shot-2020-04-04-at-10.05.25-am_4106887.png

Bộ ba “giảm phát, dân số già hoá và vỡ nợ trái phiếu”

QE hiểu nôm na là “in tiền”. Khi FED nới lỏng định lượng để mua nợ chính phủ, về cơ bản đây là việc rút ngắn cơ cấu đáo hạn nợ chính phủ do công chúng nắm giữ. QE thực sự chỉ hoán đổi khoản nợ này sang khoản nợ khác. Bằng cách giảm nguồn cung nợ chính phủ dài hạn nằm trong tay công chúng, chính phủ hy vọng sẽ hạ thấp lãi suất dài hạn vì các quỹ hưu trí, công ty bảo hiểm và những nhà đầu tư nợ dài hạn thuần tuý khác bị buộc vào thế phải cạnh tranh nguồn cung nhỏ hơn của trái phiếu chính phủ dài hạn. Liều lượng QE trên GDP lớn nhất là Nhật với hơn 70%, Mỹ mới hơn 25%, vẫn có thể vỗ béo thêm các tập đoàn thuộc "chủ nghĩa phúc lợi doanh nghiệp"

Trên lý thuyết, người ta vẫn tin rằng nếu tốc độ tăng trưởng GDP cao hơn mức lãi vay thì nợ công tạm thời chưa có vấn đề. Như Nhật nợ công đã vượt 200% GDP, Anh là 85% GDP năm 2019. Ngược lại, nguồn cung nợ ngắn hạn nằm trong tay công chúng tăng lên sẽ có vấn đề và thông thường sẽ dẫn đến lãi suất ngắn hạn gia tăng nhằm thúc đẩy khu vực tư nhân nắm giữ nguồn cung cao hơn
screen-shot-2020-04-03-at-3.32.57-pm_315334.png

Đây cũng là thỏi nam châm hút ròng nguồn vốn quốc tế quay về Phố Wall- nơi trú ẩn mỗi khi kinh tế thế giới bất ổn. Rõ đây không phải là “bữa trưa miễn phí”, vì khi chính phủ Mỹ - con nợ vĩ đại sẽ trở nên dễ tổn thương hơn với sức ép đột ngột từ lãi suất toàn cầu gia tăng. Nhưng hiện tại thì EU, Nhật, Anh… lãi suất vẫn cận âm và có xu hướng âm, nên vẫn tạm ổn​

Làm thế nào để Mỹ “lo liệu” được khoản tiền 2.000 tỉUSD? Câu trả lời là đi vay. Chỉ cần Quốc hội cho phép, Bộ Tài chính Mỹ có thể phát hành bao nhiêu trái phiếu cũng được, nhằm chi trả cho các khoản chi của chính phủ. Bộ Tài chính Mỹ bán trái phiếu cho các nhà đầu tư - chính phủ nước ngoài, ngân hàng, quỹ đầu tư, hay bất cứ ai muốn một khoản đầu tư an toàn. Và trái phiếu chính phủ Mỹ thuộc loại an toàn nhất trong các loại chứng khoán, vì chính phủ Mỹ luôn có thể in tiền trả lại gốc
FED lần đầu tiên thực hiện mua vào trái phiếu doanh nghiệp, những chứng khoán được xếp hạng đầu tư trên thị trường sơ cấp và thứ cấp thông qua các quỹ giao dịch ETF. Đầu tư nắm giữ tài sản tư nhân vốn không phải là ưu tiên của của các Ngân hàng trung ương do tính rủi ro cao hơn nợ chính phủ. Nhưng rõ là, khi nợ chính phủ là khó có thể tăng thêm, gia tăng nợ tư nhân sẽ là lựa chọn cuối để kéo dài thêm dây sợi dây nổ chậm. FED sở hữu nhiều công cụ để điều tiết cung tiền, hấp thụ các lượng thanh khoản dư thừa, như các gói QE ngược - tức bán trái phiếu dài hạn để hút tiền về

FED cũng có thể tăng lãi suất đối với dự trữ ngân hàng để duy trì nhu cầu. Tuy nhiên, cả hai chính sách đều sẽ cộng thêm chi phí trả nợ của chính phủ và sẽ khiến lãi suất thực tế tăng nhanh hơn trên thị trường tư nhân. Con nợ càng khát tiền thì lãi suất sẽ càng cao. Không quốc gia nào là không thể vỡ nợ, kể cả Mỹ với những “đặc quyền tài chính” vô đối​

screen-shot-2020-04-03-at-3.32.19-pm_3153427.png

Tính đến thời điểm này, tổng dư nợ thế giới đã hơn 250.000 tỉ USD, tức hơn 3 lần GDP toàn cầu. Riêng thị trường trái phiếu Mỹ là hơn 40.000 tỉ USD, lớn hơn nhiều so với 30.000 tỉ USD thị trường chứng khoán Mỹ​

Để mua nợ chính phủ, FED phải phát hành dự trữ ngân hàng ở phía bên kia bảng cân đốinhưng khoản này lại không tính vào nợ liên bang. Trong môi trường lãi suất bằng không - đến âm - nếu phải xảy ra, dự trữ của ngân hàng hầu như không mất chi phí gì

Vấn đề là khi nền kinh tế phục hồi, FED không thể sử dụng nợ trái phiếu kho bạc đang nắm giữ để hấp thụ lượng thanh khoản dư thừa và kiềm chế lạm phát. Vay ngắn hạn trong môi trường lãi suất thấp đến âm thì chỉ vỗ béo cho các hoạt động vay đầu cơ toàn cầu, được hậu thuẫn bởi sự tự do dòng chảy vốn và nới lỏng quy định kiểm soát tài chính

Suy thoái thì đã, còn khủng hoảng thì đợi... chu kỳ tới vỡ nợ trái phiếu và quả bom nợ công toàn cầu phát nổ. Dù điều tồi tệ nhất là chưa tới, nhưng nó có thể đến bất kể khi nào… còn tuỳ vào cục diện và trật tự thế giới hậu COVID-19
Khi các cường quốc kết thúc nợ nần cùng nhau thì cục diện kinh tế thế giới mới sẽ bắt đầu. Nhưng trước hết, các nước với đồng tiền yếu hơn lo lạm phát là vừa. Khi thị trường toàn cầu cùng suy thoái, mảng xuất khẩu sẽ cạnh tranh khó hơn nhiều

Phạm Việt Anh
 
Chủ tịch IMF "Covid-19 còn tồi tệ hơn cả khủng hoảng và đại suy thoái"

photo-1-1586608882068796363722-15866089577941478388013-crop-1586608970153526998779.png

Theo Chủ tịch Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), đại dịch Covid-19 sẽ càn quét kinh tế thế giới và dẫn tới tăng trưởng âm vào năm 2020, gây ra sự sụp đổ tồi tệ nhất kể từ sau cuộc đại suy thoái năm 1930 đến nay và sẽ chỉ phục hồi một phần vào năm 2021

Theo đó, Kristalina Georgieva - Giám đốc điều hành IMF đã mô tả bức tranh về tác động kinh tế xã hội của đại dịch Covid-19 cụ thể và chi tiết hơn so với những gì đã đưa ra trước đây sau khi Chính phủ các nước tung ra các gói cứu trợ kinh tế trị giá tới 8 nghìn tỷ USD

Đại diện IMF cho biết cuộc khủng hoảng này sẽ tác động mạnh nhất tới các thị trường mới nổi – những thị trường này sau đó sẽ cần tới hàng trăm tỷ USD từ viện trợ nước ngoài để có thể hồi phục

"Chỉ mới 3 tháng trước, chúng tôi còn dự đoán tăng trưởng bình quân đầu người tích cực tại hơn 160 quốc gia thành viên IMF vào năm 2020", đại diện IMF cho biết trong một bài phát biểu ngày 9/4 chuẩn bị cho cuộc họp chính sách mùa xuân giữa IMF và World Bank vào tuần tới

"Cho tới hôm nay, mọi dự đoán đều đi ngược dòng. Theo số liệu dự báo của chúng tôi, 170 quốc gia thành viên IMF sẽ không thể đạt mức tăng trưởng thu nhập bình quân đầu người như mong đợi trong năm nay", bà Georgieva cho biết

Bên cạnh đó, người đứng đầu Quỹ tiền tệ quốc tế cũng hi vọng, nền kinh tế thế giới có thể phục hồi một phần vào năm 2021 nếu đại dịch chết chóc này có thể kết thúc vào nửa cuối năm nay. Tuy nhiên, bà cũng cảnh báo, tình hình có thể trở nên tồi tệ hơn trong bối cảnh hiện tại

"Tôi xin nhấn mạnh rằng sẽ không có triển vọng tươi sáng nào cho kinh tế thế giới ở thời điểm hiện tại. Bên cạnh đó, mọi thứ còn có thể trở nên tồi tệ hơn nếu chúng ta không kiểm soát tốt dịch bệnh và những tác động xung quanh nó, bao gồm thời gian kéo dài dịch bệnh này", đại diện IMF chia sẻ

IMF hiện có 189 quốc gia thành viên, dự kiến sẽ công bố dự báo chi tiết về triển vọng kinh tế thế giới vào thứ ba tuần sau (14/4)

Theo số liệu từ Reuters, dịch bệnh Covid-19 khởi phát từ Trung Quốc hồi tháng 12 năm ngoái và hiện nay đã lây lan ra toàn cầu với tốc độ chóng mặt. Tính đến ngày 9/4, thế giới đã có hơn 1,5 triệu người nhiễm bệnh và hơn 95.000 người chết vì Covid-19

"Đại dịch này tấn công cả nước giàu lẫn nước nghèo; trong đó khu vực châu Phi, Châu Á và Châu Mỹ Latinh có nguy cơ tử vong cao hơn do họ có hệ thống y tế yếu kém hơn. Bên cạnh đó, họ cũng khó để thực hiện giãn cách xã hội ở các thành phố đông dân và khu ổ chuột nghèo đói", người đứng đầu IMF nhấn mạnh

Bà Georgieva tiết lộ, chỉ trong 2 tháng vừa qua, các nhà đầu tư đã rút khoảng 100 tỷ USD vốn đầu tư từ các thị trường mới nổi do ảnh hưởng của dịch bệnh. Con số này lớn gấp 3 lần dòng vốn tháo chạy khỏi thị trường trong giai đoạn khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008

Khi giá hàng hoá giảm mạnh, các thị trường mới nổi và quốc gia đang phát triển sẽ cần tới hàng ngàn tỷ USD để chống lại dịch bệnh và giải cứu nền kinh tế

"Khi đó, họ cần sự cứu trợ. Hàng trăm tỷ USD sẽ phải được bơm vào từ các nguồn bên ngoài vì Chính phủ các nước này chỉ có thể chi trả một phần chi phí trong khi nhiều nước đã có tỷ lệ nợ công cao", đại diện IMF nói

Theo bà Georgieva, IMF đang kêu gọi các Chính phủ hành động, hiện tại đã có khoảng 8 nghìn tỷ USD được bơm ra để giải cứu thị trường

Để đảm bảo nền kinh tế thế giới có thể phục hồi trong tương lai, bà Georgieva kêu gọi Chính phủ các nước cần nỗ lực ngăn chặn sự lây lan của virus, cải thiện hệ thống y tế; đồng thời kiểm soát tốt hoạt động xuất khẩu để ngăn dòng chảy xuất khẩu thiết bị y tế và thực phẩm thiết yếu ra bên ngoài

"Những hành động thiết thực mà chúng ta thực hiện bây giờ sẽ quyết định tới tốc độ và thời gian phục hồi nền kinh tế", bà nói

Một điều không kém phần quan trọng là Chính phủ các nước cần kịp thời hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi Covid-19 càng sớm càng tốt như trợ cấp lương, trợ cấp thất nghiệp và điều chỉnh các điều khoản cho vay, giảm bớt áp lực về tài chính

Bên cạnh đó, các nước cần tăng cường chính sách tài khoá phối hợp, duy trì chính sách tiền tệ ổn định và giữ lạm phát ở mức thấp

"Những nước có nguồn lực và khoảng không chính sách rộng hơn sẽ cần điều chỉnh nhiều hơn. Trong khi đó, những nước có nguồn lực hạn chế cần sự hỗ trợ từ bên ngoài nhiều hơn", đại diện IMF cho biết

Bà cũng nhấn mạnh rằng IMF đã chuẩn bị và sẵn sàng tung ra thị trường gói tín dụng trị giá 1.000 tỷ USD nhằm giải cứu các nền kinh tế đang gặp khó khăn

Hội đồng điều hành IMF cũng đồng ý thông qua đề xuất tăng gấp đôi gói viện trợ khẩn cấp của mình lên 100 tỷ USD để đáp ứng nhu cầu của hơn 90 quốc gia thành viên

Cũng trong bối cảnh này, Quỹ tiền tệ quốc tế tìm cách cung cấp hỗ trợ thanh khoản bổ sung bao gồm việc tạo ra các dòng thanh khoản ngắn hạn mới và các giải pháp cho vay ngay cả đối với các quốc gia có nợ không bền vững

"Trong cuộc đời tôi, tôi cho rằng đây là những ngày tháng đen tối nhất của lịch sử loài người, một mối lo ngại lớn với toàn nhân loại. Nó đòi hỏi tất cả chúng ta phải đoàn kết và cùng chung tay bảo vệ cộng đồng, bảo vệ cho những người dễ bị tổn thương bởi dịch bệnh hơn chúng ta", lãnh đạo IMF nhấn mạnh
 
Giá điện âm xuất hiện nhiều ở châu Âu do Covid
- Tình trạng đóng cửa hàng loạt công sở, cơ sở kinh doanh, nhà máy, trường học theo lệnh phong tỏa kiểm soát Covid-19 đã đẩy giá điện giảm sâu ở Mỹ và châu Âu. Đặc biệt, số lần giá điện âm ở châu Âu xuất hiện nhiều hơn trong thời gian gần đây do tác động của dịch bệnh

c3279_a2.jpg

Các cao ốc văn phòng, cửa hiệu mua sắm và các nhà máy đóng cửa theo lệnh phong tỏa khiến nhu cầu điện ở TP. New York giảm mạnh, kéo giá điện giảm theo

Giá điện bán sỉ ở New York giảm về mức 387 đồng/kWh

Tại Mỹ, mức suy giảm giá điện thể hiện rõ nhất ở TP. New York, tâm điểm của dịch Covid-19 ở nước này và cũng là nơi quy tụ nhiều ngành dịch vụ khổng lồ thường tiêu thụ rất nhiều điện

Theo Công ty thông tin năng lượng và hàng hóa S&P Global Platts, giá điện bán sỉ ở New York đạt mức trung bình 16,57 đô la/MWh, tương đương 1,66 cent (387 đồng)/KWh trong 6 ngày đầu tiên của tháng 5, giảm hơn 25% so với mức giá đầu năm 2020 và giảm hơn 50% so với mức giá trung bình trong 5 năm qua

Giá điện giảm sâu vì nhu cầu giảm khi chính quyền New York yêu cầu đóng cửa các văn phòng, cửa hiệu không thiết yếu để kiểm soát dịch Covid-19

Tại Mỹ, phần lớn các công ty sản xuất điện ở Mỹ bán điện cho các công ty dịch vụ tiện ích thông qua một thị trường buôn bán điện giá sỉ rất cạnh tranh

Sau đó, các công ty dịch vụ tiện ích phân phối điện lại cho người tiêu dùng. Các công ty sản xuất điện và các công ty dịch vụ tiện ích bảo vệ họ trước những biến động giá quá lớn bằng các hợp đồng điện tương lai

Điểm khác biệt quan trọng giữa điện và dầu là điện rất khó để lưu trữ. Khi có quá nhiều điện, đặc biệt là những ngày có nhiều gió, giúp sản lượng điện gió tăng, các nhà sản xuất điện đôi lúc phải bán điện với giá âm, tức trả tiền cho khách hàng để họ sử dụng lượng điện dư thừa

Giá dầu thô tương lai tại Mỹ từng có diễn biến tương tự hồi tháng 4 khi lao xuống mức giá âm lần đầu tiên trong lịch sử do giới đầu tư không muốn nhận những thùng dầu không còn nơi để chứa

Giá điện ở Mỹ giảm ngay cả trước khi đại dịch Covid-19 xảy ra nhờ nguồn cung dồi dào của khí đốt tự nhiên giá rẻ, theo Paul Cusenza, Giám đốc điều hành Sàn giao dịch Nodal, nơi khách hàng mua bán các hợp đồng phái sinh giá điện ở các thị trường điện Bắc Mỹ. Giá khí đốt tự nhiên ở Mỹ đã giảm 30% trong năm qua

Dan Eager, nhà phân tích thị trường điện châu Âu ở Công ty tư vấn thị trường năng lượng Wood Mackenzie, nhận định giá điện giảm vì nhu cầu điện giảm và nguồn cung khí đốt giá rẻ, nguồn cung điện có chi phí sản xuất thấp tăng

Tại Mỹ, dòng điện được vận hành từ các nhà máy sản xuất điện đến các thiết bị sử dụng điện thông qua lưới điện cao áp có chiều dài tổng cộng 260.000km và lưới điện thấp áp dài hàng triệu km phủ rộng khắp nước Mỹ

Phần lớn giá điện bán sỉ ở Mỹ được thiết lập một ngày trước khi điện được cung cấp. Các công ty quản lý lưới điện cấp vùng sẽ dự báo theo từng giờ về nhu cầu điện ở địa phương mà họ quản lý vào ngày hôm sau dựa trên nhiều yếu tố bao gồm thời tiết. Sau đó, các nhà sản xuất điện sẽ đấu giá để đáp ứng nhu cầu điện đó

Nhu cầu điện bắt đầu tăng lên ở những bang nới lỏng lệnh phong tỏa. Tuy nhiên, nhà phân tích Manan Ahuja ở S&P Global Platts cho biết nhu cầu điện ở Mỹ đầu tháng 5 đang giảm 5% so mức bình thường (tức không có các lệnh phong tỏa)

Giá điện ở Mỹ thường giảm vào mùa xuân trước khi tăng trở lai vào mùa hè khi máy điều hòa được sử dụng nhiều. Theo Công ty điều hành dịch vụ độc lập New York (NY-ISO), đơn vị quản lý lưới điện ở bang New York, nhu cầu điện của New York giảm 14% trong mùa xuân này (từ tháng 3 đến tháng 5), mức giảm mạnh hơn thường lệ do tác động của dịch Covid-19

Giá điện âm xuất hiện nhiều hơn ở châu Âu

0fc55_aq.jpg

Sản lượng điện gió dồi dào cộng với nhu cầu tiêu thụ điện giảm do tác động của Covid-19 khiến giá điện bán sỉ ở nhiều nước châu Âu có nhiều lần rơi xuống vùng âm

Tại châu Âu, giá điện âm là tình trạng khá phổ biến trong những năm gần đây khi cung vượt cầu nhờ sản lượng điện gió và điện mặt trời dồi dào. Giá điện âm xuất hiện thường xuyên ở các thị trường ngắn hạn, chẳng hạn như các hợp đồng cung cấp điện theo các thời lượng 15 phút, 30 phút, 60 phút

Các nhà sản xuất điện chấp nhận bán với giá âm vì mức chi trả cho khách hàng sẽ thấp hơn so với chi phí dừng hoạt động và sau đó tái khởi động một nhà máy điện

Số lần giá điện âm ở châu Âu xuất hiện nhiều hơn trong thời gian gần đây do tác động của dịch Covid-19

Khi phần lớn châu Âu đều nằm dưới lệnh phong tỏa, mức tiêu thụ điện ở khu vực này giảm 20% so với thường lệ, khiến giá điện rơi về vùng âm ở Pháp, Đức, Bỉ và một số nước Bắc Âu khác hồi đầu tháng 4

Trong tuần đầu tháng 4, mức tiêu thụ điện ở Bỉ giảm trung bình 16% so với tuần đầu tháng 3. Trước đó, giá điện bán sỉ ở Bỉ giảm về dưới mức zero vào các ngày cuối tuần trong 4 tuần liên tục. Thông thường, giá điện bán sỉ ở Bỉ dao động ở mức 40-50 euro/MWh nhưng vào ngày 5-4, các trang trại điện gió và các nhà máy sản xuất điện khác ở nước này phải bán điện với giá âm 115 euro/MWh

Trong các cuộc đấu giá điện ở thị trường điện chung Đức và Luxembourg thông qua Sàn giao dịch điện châu Âu (EPE) vào 4 tháng đầu năm nay, giá điện có 5 lần xuống mức âm, chiếm hơn 50% số lần điện xuống mức âm trên sàn này trong các cuộc đấu giá của cả năm 2019. Hôm 13-4, giá điện bán sỉ trong một hợp đồng 15 phút ở Đức giảm về mức âm 123 euro/MWh

Tại Anh, hàng ngàn hộ gia đình được Công ty điện Octopus Energy trả 0,04 pound (1.150 đồng) cho mỗi KWh điện mà họ sử dụng từ 9 giờ sáng đến 4 giờ chiều hôm 21-4 do nhu cầu giảm nhưng nguồn cung dồi dào nhờ sản lượng điện gió và điện mặt trời tăng mạnh

Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) dự báo trong năm nay, các nguồn carbon thấp như điện gió, điện mặt trời, điện hạt nhân và các nguồn năng lượng tái tạo khác sẽ cung cấp 40% sản lượng điện của thế giới, mức cao kỷ lục trong lịch sử

IEA cũng dự báo thế giới sẽ tiêu thụ điện ít hơn 5% so với mức tiêu thụ trong năm 2019. Mức suy giảm đó cao hơn 8 lần mức suy giảm trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2009. Con số nhu cầu mất mát 5% này tương đương 1.000 TWh, đủ đáp ứng cầu điện tổng cộng của Đức và Pháp trong một năm

Khánh Lan
 
ADB: Kinh tế thế giới mất gần 8.800 tỷ USD vì Covid-19
- Trong Báo cáo cập nhật đánh giá về tác động kinh tế toàn cầu do đại dịch Covid-19 công bố hôm nay (15-5), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) nhận định, nền kinh tế toàn cầu có thể bị thiệt hại lên tới 8.800 tỷ USD (tương đương từ 6,4 - 9,7% tổng sản phẩm GDP toàn cầu) do đại dịch Covid-19 gây ra. Con số này lớn hơn nhiều so với con số ADB đã dự báo trước đó (mức 5.800 tỷ USD)

39254656_earg.jpg

Theo báo cáo của ADB, những tổn thất về kinh tế ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương có thể dao động từ 1.700 tỷ USD trong kịch bản dịch được ngăn chặn trong khoảng thời gian ngắn (3 tháng) và có thể lên tới 2.500 tỷ USD nếu như dịch Covid-19 kéo dài (có thể ngăn chặn trong 6 tháng)

Mức thiệt hại kinh tế của khu vực Châu Á – Thái Bình Dương chiếm khoảng 30% tổng mức sụt giảm GDP toàn cầu. Trung Quốc là quốc gia trong khu vực có mức tổn thất kinh tế do Covid-19 cao nhất, ước tính nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này thiệt hại khoảng từ 1.100 – 1.600 tỷ USD

Đối với các kịch bản ngăn chặn dịch Covid-19 ở cả trong ngắn hạn và dài hạn, báo cáo của ADB cũng lưu ý rằng, những biện pháp đóng cửa biên giới, hạn chế đi lại và phong tỏa mà các nền kinh tế nơi dịch bùng phát đã thực hiện để ngăn chặn sự lây lan của Covid-19 cũng là nguyên nhân chính khiến thương mại toàn cầu sụt giảm từ 1.700 – 2.600 tỷ USD. Điều này cũng sẽ kéo theo thế giới sẽ giảm từ 158 - 242 triệu việc làm, trong đó khu vực Châu Á - Thái Bình Dương là khu vực có tỷ lệ mất việc cao nhất (chiếm 70% tổng số việc làm bị mất của thế giới). Thu nhập của lao động trên toàn thế giới cũng sẽ giảm từ 1.200 – 1.800 tỷ USD

Ông Yasuyuki Sawada, Chuyên gia Kinh tế trưởng của ADB, cho biết: “Phân tích mới này trình bày một bức tranh tổng thể về tác động kinh tế tiềm tàng to lớn của Covid-19. Nó cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của những can thiệp chính sách nhằm giúp giảm thiểu thiệt hại đối với các nền kinh tế. Những nghiên cứu này có thể cung cấp định hướng chính sách phù hợp cho các chính phủ, khi họ xây dựng và thực thi những biện pháp để ngăn chặn và đẩy lùi đại dịch, cũng như giảm nhẹ tác động của đại dịch tới nền kinh tế và người dân của mình”

Hiện nay, chính phủ các nước trên thế giới đã và đang hành động nhanh chóng trước những tác động của đại dịch, thực thi các biện pháp như nới lỏng tài chính và tiền tệ, tăng chi tiêu cho y tế và hỗ trợ trực tiếp để bù đắp những thiệt hại về thu nhập và doanh thu

Theo đánh giá của ADB, các nỗ lực được duy trì bởi các chính phủ có thể làm giảm bớt tác động về kinh tế của Covid-19 ở mức từ 30-40% (tương ứng với mức giảm tổn thất kinh kế toàn cầu do đại dịch gây ra từ 4.100 – 5.400 tỷ USD)

Báo cáo của ADB cũng khuyến nghị, bên cạnh việc tăng chi tiêu cho y tế và tăng cường các hệ thống y tế, sự bảo vệ mạnh mẽ đối với thu nhập và việc làm là hết sức cần thiết để tránh việc công cuộc phục hồi kinh tế “hậu Covid-19” sẽ kéo dài và khó khăn

Cụ thể, chính phủ các nước cần thực hiện đồng bộ các giải pháp như: quản lý sự gián đoạn trong chuỗi cung ứng; hỗ trợ và tăng cường thương mại điện tử và logictics để cung cấp hàng hóa và dịch vụ; tài trợ cho các biện pháp bảo hộ xã hội tạm thời, trợ cấp thất nghiệp và phân phối các hàng hóa thiết yếu (đặc biệt là lương thực) để ngăn chặn sự sụt giảm mạnh mẽ hơn trong tiêu dùng…

Lưu Thủy
 
Top