What's new
Vietnam - Điện Biên Phủ Kinh Tế

This is a sample guest message. Register a free account today to become a member! Once signed in, you'll be able to participate on this site by adding your own topics and posts, as well as connect with other members through your own private inbox!

Đạo đức và thủ đoạn chính trị

LOBBY.VN

Administrator
Đạo đức và thủ đoạn chính trị​

LD.jpg

Lửa đắng là tham vọng của nhà văn đã tham gia vào nước cờ chính trị. Nhưng khác với tham vọng chính trị ngoài đời thực, tham vọng chính trị trong văn chương đã khiến nhà văn quyết đoán một cuộc phiêu lưu chính trị, điều mà ở đời thực ít người dám làm

Người Việt có một đúc rút sâu sắc: "Thật vàng chẳng phải thau đâu/ Mà đem thử lửa cho đau lòng vàng" (Ca dao). Phép thử này duy về phía tình nghĩa, không hề đề cập đến một thao tác duy lý nghiêm ngặt. Vì vậy, tuy biểu hiện ra ngoài thì giống nhau nhưng so với phép thử sai của khoa học phương Tây thì về bản chất lại có nhiều khác biệt. Một cái duy lý, một cái duy tình, như nước với lửa, thật khó mà hòa hợp

vnthuquannet.jpg

Do thế, "thấu tình đạt lý" luôn là ước vọng của con người ta. Đọc tiểu thuyết, từ Luật đời và cha con đến Lửa đắng, nhất là Lửa đắng, tôi cứ mường tượng ra sự kết hợp của hai định đề trên. Hình như trong thế giới tiểu thuyết của mình, tác giả đã tham vọng một phép thử vào hai vấn đề cốt tử của đời sống đương đại (đạo đức và chính trị) bằng sự đan kết hai đòn cân ấy

Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên có lý khi xếp Lửa đắng (thậm chí, cả Luật đời và cha con) vào loại tiểu thuyết chính trị. Nhưng tiền đề của cả hai tiểu thuyết, trước hết vẫn là các vấn đề của loại tiểu thuyết thế - sự - đạo - đức

Cái làm nên sự khác biệt của tiểu thuyết này chính là ở chỗ, từ cái diện ấy, nhà văn đi sâu vào một điểm, thực ra là một kết hợp: đạo đức và chính trị, trong khát vọng vươn tới mục tiêu xây dựng văn hóa chính trị. Một vấn đề nhạy cảm và nóng bỏng. Điều này xem ra là một khó khăn nhưng không phải không thể không đạt được

Bởi xưa nay, nói đến chính trị người ta thường chỉ nhấn mạnh hai phạm trù khôn ngoan chính trị và thủ đoạn chính trị. Tuyệt nhiên, văn hóa chính trị, đặc biệt là đạo đức chính trị không được đặt ra. Điều đó hợp lý ở chỗ người ta đặt chính trị vào nửa phần của duy lý, giá trị nhân văn của hành động chính trị thường chỉ biểu hiện ở thành quả cách mạng của nó

Trong khi đó, xét một cách riết róng, phạm trù đạo đức quan thiết nhiều hơn con đường tới mục đích. "Sát thân thành danh" nhiều lúc đã được coi như một phẩm chất chính trị cao đẹp. Nhìn từ tiền đề ấy, tiểu thuyết Nguyễn Bắc Sơn trước nhất là cuộc hòa giải và kết nối không ngừng giữa hai đối trọng này. Luật pháp được ông đẩy về phía luật đời, chính trị được kéo gần lại đạo đức. Sống đúng pháp luật là sống hợp tình đời. Quyết sách chính trị đúng đắn là quyết sách phù hợp lòng người. Tất cả làm thành mạng lưới cố kết các nhân vật chính trị, các hoạt động mang màu sắc chính trị suốt theo hai cuốn tiểu thuyết

Phải nói ngay rằng, chính trị chưa phải là chủ âm trong tiểu thuyết Luật đời và cha con. Nhưng chính trị có ma lực hút hồn nên đã tham góp vào các vấn đề chính trị thì người ta không thể không dấn thân chính trị. Đó là một thực tế đời sống và cũng là một thực tế tâm lý, thực tế văn học

Lửa đắng là thành quả của ý hướng dấn thân chính trị của tác giả. Một dấn thân có tính xây dựng. Đó là một "định đề ngược" nữa. Cũng bởi văn học chính trị, xét một cách nghiệt ngã, là nỗ lực phủ nhận và lật đổ thiết chế chính trị hiện hành. Sức mạnh của văn học chính trị nằm ở chỗ này. Chính vì thế, hẳn nhiên, văn học chính trị sẽ bị thiết chế chính trị ngăn trở. Đó là một thực tế muôn thuở, một tất yếu lịch sử trên con đường hướng tới sự phát triển và tiến bộ xã hội

Nếu hiểu văn học chính trị như trên thì tiểu thuyết của Nguyễn Bắc Sơn nằm ở ô nào, ngăn nào của văn học chính trị? Tiểu thuyết của ông nằm ngoài khung khổ chật hẹp này. Nói nằm ngoài bởi hai lý do: Thứ nhất, nó đặt vấn đề về văn hóa chính trị chứ không phải bóc trần bản chất khôn ngoan và thủ đoạn của chính trị; thứ hai, nó góp phần xây dựng thiết chế chính trị chứ không phải xóa bỏ thiết chế như trong văn học chính trị

Vậy là, trong nhận thức chính trị của mình, tác giả đã từ chối cách mạng xã hội để tiến hành một cuộc cải cách xã hội. Nhận thức ấy trở thành một giả thuyết làm việc của ông trong tiểu thuyết. Chỉ vậy thôi, một ý hướng chính trị trong một thế giới nghệ thuật, nó có thể đúng hoặc sai khi áp vào thực tế. Song tôi nghĩ tác giả không mơ hồ đến mức trông đợi vào sự hiện thực hóa ý tưởng này. Cái ông muốn làm trong tiểu thuyết, ấy là một khích động thức nhận, đối thoại và tranh biện. Không phải tìm một sự đồng thuận mà là đề xuất những ý hướng mới trong thực tiễn đời sống chính trị hiện thời. Nói như thế thì tiểu thuyết thực sự đã tham góp vào đời sống chính trị, thông qua người đọc

Nên nếu xét một cách khắt khe, tiểu thuyết này không thuộc loại văn học chính trị, nhưng xét một cách rộng rãi và tính cả tác động của tiểu thuyết tới đời sống, các tiểu thuyết này lại ưu thế ở nhiều điểm then chốt thuộc mục tiêu chính trị của văn học nên vẫn có thể xếp vào loại văn học chính trị. Một - kiểu - tiểu - thuyết - chính - trị - cho - riêng - mình

Vậy đâu là căn nguyên của những khác biệt trong tiểu thuyết chính trị của tác giả. Vấn đề nằm ở sự quy chiếu của đạo đức. Vấn đề này có vai trò như chủ âm trong Luật đời và cha con. Nói chủ âm là ở chỗ, tiểu thuyết bàn đến khác biệt giữa các thế hệ: ông bà Hòe - các con Đại, Tần, Kiên, Thụy Miên; Đại, Tần, Kiên - Cường, Thùy Dương. Nếu Thụy Miên là mạch âm (thuộc thế hệ con) thì Thùy Dương (thuộc thế hệ cháu) nối thế hệ ông bà với cháu, tức truyền thống với hiện thời. Truyền thống không hẳn là bất biến và hiện đại cũng không hẳn toàn đổ vỡ. Một quá trình chuyển dịch đầy sóng gió của đạo đức giữa các thế hệ đã làm thành sức lôi cuốn của tiểu thuyết

Ở đây xuất hiện một "nhiễu âm" (Thùy Linh, người tình của Cường sau là vợ của Đại) và một "nghịch âm" (việc ông Hòe đồng thuận với ý định cải cách trong nội bộ Đảng của Trần Kiên và ý định từ bỏ Đảng để phát triển kinh doanh của Đại). Vì vậy, trên nền "thuận âm", nếu "nhiễu âm" là cái éo le, bất thường của cuộc sống, làm thành kịch tính của nghệ thuật thì "nghịch âm" là cái dòng mạch, đường hướng cho sự phát triển, biểu lộ tính khả thể của nghệ thuật. Ba thanh âm này có thể được hiểu: thuận âm - nền tảng đạo đức truyền thống; nhiễu âm - mâu thuẫn nội tại của đạo đức truyền thống trong bối cảnh mới; và nghịch âm - xu thế đạo đức mới được nhen nhóm từ trong lòng đạo đức truyền thống. Chính trị trở thành ngòi nổ cho một cuộc cải biến, một phủ định biện chứng để hình thành một "thuận âm mới" từ sự manh nha của nghịch âm. Vì vậy, với Luật đời và cha con, tác giả đã tỏ ra nhạy cảm khi đặt quyền lực chính trị vào vị trí thống soái của cuộc chuyển đổi cơ cấu đạo đức

Lửa đắng là tham vọng của nhà văn đã tham gia vào nước cờ chính trị. Nhưng khác với tham vọng chính trị ngoài đời thực, tham vọng chính trị trong văn chương đã khiến nhà văn quyết đoán một cuộc phiêu lưu chính trị, điều mà ở đời thực ít người dám làm. Chỉ có điều, ý hướng đạo đức lấn lướt đã khiến đạo đức một lần nữa trở thành mục tiêu của cải biến chính trị. Cuộc phiêu lưu (dù có ly kì đến mấy) nhưng được biết trước đích đến vẫn làm cho tiểu thuyết mang tính luận đề, là điều mà nhiều nhà nghiên cứu đã chỉ ra

Tính luận đề, như một nguồn mạch từ Luật đời và cha con đến Lửa đắng, níu tiểu thuyết của nhà văn ở mạch thế - sự - đạo - đức. Chính trị nhiều lúc được xem là phương tiện chứ chưa phải là đối tượng để mổ xẻ dù ở Lửa đắng, chính trị có phần ưu trội hơn, nhà văn chú ý nhiều hơn đến việc cắt nghĩa, lý giải các ý định cải biến chính trị. Ở đấy, sự gặp gỡ giữa ông Hoè và Kiên, giữa Kiên và Diệu, giữa công luận (báo chí) và công quyền (hệ thống chính quyền từ trung ương đến địa phương) đã là bệ đỡ cho những cải cách quyết đoán và mạnh dạn của Kiên

"Hợp nhất về một mối" đã trở thành quan điểm chính trị xuyên suốt tác phẩm, thẩm thấu ở nhiều bình diện đời sống. Chỉ có điều, sự trong sạch, minh bạch và trong sáng của các nhân vật chính trị chính diện được đưa vào tác phẩm với mật độ dày dặn khiến người đọc lầm tưởng cuộc cải cách trong thực tế sẽ diễn ra một cách hanh thông. Xét từ tư duy chính trị, chưa chắc có thành quả ấy nhưng xét từ cảm tình đạo đức thì thành quả ấy hiển nhiên phải xuất hiện. Nó làm cho phép thử của Nguyễn Bắc Sơn, vì vậy, mang phẩm tính "thử lửa", có phần nghiêng lệch về thế thái nhân tình

ĐOÀN ÁNH DƯƠNG
 
Tiểu thuyết Lửa Đắng - Bức tranh tha hóa quyền lực​

Vẫn những ý tứ ấy, nếu viết dưới dạng những bài báo thì nhàn hơn đấy, nhưng có thể khó được chấp nhận, nhất là khó có sức thuyết phục. Vì phải nói thẳng, mà nói thẳng thì dễ mếch lòng. Ông chọn tiểu thuyết để gửi gắm, nhắn nhe đến bạn đọc, như thế tự nhiên hơn, vào tình cảm người đọc hơn, từ đó mới tác động đến lí trí họ

Trả lời phỏng vấn báo chí, tác giả bộ tiểu thuyết 2 tập Luật đời & cha con và Lửa đắng (LĐ) bảo, ông chỉ là loại công chức đầu binh cuối cán (phó hiệu trưởng trường cấp 3, trưởng phòng sở). Nhưng số phận lại đặt ông vào vị trí có quan hệ với rất nhiều cơ quan đảng và chính quyền, đoàn thể, phải đọc các loại báo chí xuất bản trên địa bàn Thủ đô nên có may mắn được đọc nhiều loại báo chí, từ đó lẩy ra những tư liệu cần thiết làm nên chất liệu cho tiểu thuyết sau này

Thật ra khi đọc ông không có ý thức làm việc ấy (không ghi chép, không lưu trữ). Một cách tự nhiên nó nhập vào bộ nhớ mình. Đến lúc viết, cần huy động loại tư liệu nào thì tư liệu ấy hiện ra cho mình sai khiến thôi

Đề tài ông chọn phản ánh trực tiếp là chính trị, là thể chế, thiết chế, cơ chế. Đấy là chuyện liên quan đến mọi người dân cộng đồng, nên ai cũng biết. Chỉ có quan tâm nhiều hay ít thôi. Dễ là thế, mà khó cũng là thế. Dễ, bởi ai cũng biết, cũng bàn luận, cũng có chính kiến cả đấy. Khó là bởi không mấy ai viết ra điều mình nghĩ. Cái khó nữa là phải tiểu thuyết hoá những nghĩ suy của mình bằng cốt truyện tiểu thuyết, nhân vật tiểu thuyết, ngôn ngữ tiểu thuyết, nghệ thuật tiểu thuyết

Vẫn những ý tứ ấy, nếu viết dưới dạng những bài báo thì nhàn hơn đấy, nhưng có thể khó được chấp nhận, nhất là khó có sức thuyết phục. Vì phải nói thẳng, mà nói thẳng thì dễ mếch lòng. Ông chọn tiểu thuyết để gửi gắm, nhắn nhe đến bạn đọc, như thế tự nhiên hơn, vào tình cảm người đọc hơn, từ đó mới tác động đến lí chí họ. Dĩ nhiên vất vả hơn rồi

Đầu tháng 12 vừa qua, giáo sư Michael Porter (Mỹ) có bài thuyết trình về cạnh tranh toàn cầu và lợi thế cạnh tranh của Việt Nam tại Tp Hồ Chí Minh, phát lại trên VTV1, lại có thêm chương trình Người đương thời. Khi được hỏi Việt Nam cần ưu tiên giải quyết những vấn đề gì, không cần suy nghĩ, vị cha đẻ của chiến lược cạnh tranh thế giới trả lời ngay: thứ nhất là chống tham nhũng, thứ hai là cải cách hành chính.... Tôi sững người

Người nước ngoài mà chỉ đúng gót chân Asin, bắt trúng tim đen cơ thể Việt Nam ta. Ông trả lời không cần suy nghĩ vì đã nghiên cứu về Việt Nam khá lâu, trước khi bay sang còn phái giáo sư trợ lí của mình sang trước tìm hiểu, chuẩn bị. Nhưng nếu được hỏi, tôi cũng có thể trả lời như ông, như nhiều người Việt Nam khác. Chợt liên tưởng tới LĐ của nhà văn Nguyễn Bắc Sơn, cũng hệt như vậy. Chính vì thế, tôi mới bàn trước về một trong hai vấn đề ấy trong LĐ - tham nhũng

Không thể đổ tội cho đồng lương không đủ sống nên mới phải nhận hối lộ, mặc dù đó cũng là một nguyên nhân, tất nhiên không chủ yếu. Nếu không thì giải pháp như mới đây, một thành phố đưa ra sẽ chấm dứt được nạn tham nhũng. Ấy là mở cho mỗi công chức một "quỹ khen thưởng" với một tỉ lệ nào đó tuỳ theo mức lương. Nếu hết năm vẫn trong sạch thì được nhận, không thì thôi. Chắc không ai tin giải pháp này, mặc dù nếu thực hiện sẽ có nhiều người được lĩnh thưởng. Nhưng phần lớn sẽ chỉ là những công nhân, viên chức, công chức không có điều kiện tham nhũng. Quỹ khen thưởng ấy làm sao lấp đầy lòng tham các quan tham

Người xưa đã chỉ ra rằng, phải trị dân thế nào cho dân không nỡ nói dối. (Đức độ quan trên phải như sao sáng, như đèn giời ấy cơ). Chưa đủ. Còn phải trị dân thế nào để dân không dám nói dối. (Bắt được đứa nói dối, trị sặc gạch cho cạch đến già). Lại còn phải trị làm sao để dân không thể nói dối (pháp luật phải đồng bộ, chặt chẽ). Thế là có cả đức trị và pháp trị đấy

Cái ông thường vụ, chánh văn phòng thành uỷ Thanh Hoa trong LĐ, mới chỉ cầm cái công văn văn phòng Trung ương gửi về, tay đã run run, sống lưng đã lạnh toát vì cảm thấy chuyện chẳng lành. Rõ là có tật giật mình. Rồi Bí thư thành uỷ (cũ) họp ngay với mấy người tâm phúc trước. Rồi cả ban thường vụ mở rộng họp bàn cách đối phó. Khi nhận được công văn thông báo Tổng Bí thư hoãn về. Lại càng sợ đẫy. Đến lúc vào cuộc họp mới thấy hết chân tướng các vị. Cứ kể thành tích, cứ loanh quanh bao biện, đổ tội cho nhau và đều yên chí rằng đã đưa ra tập thể bàn bạc, ra nghị quyết thì không thể sai được, mà nếu có sai, không lẽ kỉ luật cả ban thường vụ?

Cuối cùng khi Tổng Bí thư dồn vào đường cùng "...đồng chí nói là chưa gây hậu quả nghiêm trọng chứ gì? Nhưng đã mất rồi. Mất danh dự, mất uy tín của Đảng bộ, của chính quyền thành phố. Ai đời, một tay ất ơ như báo chí gọi, chuyên phe vé máy bay ở Matxcơva, học hành nửa đời nửa đoạn, mà chỉ bằng tiền, tiếng lóng gọi là đạn chứ gì, chắc phải là đạn khoan mới có sức xuyên thủng cả một hệ thống chính quyền từ phường lên quận lên thành phố đến tận Trung ương. Lẽ nào triết lí "cái gì không mua được bằng tiền thì có thể mua được bằng rất nhiều tiền" lại đúng hả các đồng chí.... Đau quá các đồng chí ơi!" (LĐ tr 198)

Con mắt chính trị tinh tường của một nhân cách lớn đã nhìn thấu tim đen bọn quan tham. Đã chỉ ra tính hệ thống của nạn tham nhũng. Lỗi là ở cơ chế đây. Đêm ấy, trong sổ công tác của ông hiện lên một sơ đồ gồm: Bí thư thành uỷ - Ban thường vụ - UBND TP. Tất cả đều có ba mũi tên châu đầu vào từ "đất". Sau đó là ba cái gạch đầu dòng: - Quan hệ? - Trách nhiệm?

- Vì sao hệ thống kiểm tra Đảng, thanh tra chính quyền và thanh tra nhân dân không phát huy tác dụng? Qua buổi làm việc ấy, ông rút ra mấy vấn đề phải tiếp tục đi sâu mổ xẻ: một là chế độ trách nhiệm. Hai là cơ chế lãnh đạo chính quyền, ba là "việc này chắc chắn không chỉ có ở Thanh Hoa, vấn đề là ở bộ máy, ở hệ thống. Là cơ chế vận hành bộ máy ấy"

Nguyễn Bắc Sơn là nhà văn đầu tiên xây dựng nhân vật Tổng Bí thư Đảng. Hẳn không phải để cho lạ, cho oai, để "doạ" người đọc. Vấn đề quốc gia, phải có nhân vật tầm quốc gia tham gia giải quyết

Mỗi nơi một kiểu tha hoá khác nhau. Ở một huyện nọ, nơi Kiên, Bí thư kiêm Chủ tịch quận Lâm Du và đoàn công tác đến trao nhà tình nghĩa, chỉ tiếp có bốn người khách, kể cả lái xe mà toàn bộ lãnh đạo, và cán bộ chủ chốt huyện kéo đến nhà hàng sang nhất huyện lị tiếp khách. Còn ở một tỉnh khác thì người ta chia một bộ hài cốt liệt sĩ làm nhiều phần mộ khác nhau để lấy nhiều suất thù lao đã có thành tích quy tập hài cốt liệt sĩ. Thậm chí lấy cả xương lợn cho vào tiểu xành (tr 162). Ông giám đốc sở LĐTBXH phải "tặng" một sấp tiền cho gia đình Kiều Linh để gia đình giữ kín chuyện này. Không ai tin được mấy công nhân làm việc vô đạo như thế dám ăn mảnh mà vẫn được cấp trên nghiệm thu chót lọt

Trần Đương, Phó giám đốc sở Quy hoạch và kiến trúc không biết đã làm những gì để có được cơ ngơi bề thế đến vậy. Chỉ xem tác giả tả kiến trúc ngôi biệt thự xây kiểu Pháp đầu thế kỷ XX có cả bể bơi, nhà để xe và nhất là trang thiết bị hiện đại nhất thời nay, lại còn trang trại làm nhà nghỉ cuối tuần, còn căn hộ cao cấp cho thuê cũng đủ hiểu ông ta nhơ nhớp đến mức nào trong vũng bùn tham nhũng. Chỉ cần nhớ đến động tác khách vừa về, ông ta đã đưa tay xuống ngăn dưới bàn nước cầm chiếc phong bì khách kín đáo để lại, mở ra, nhấm nước bọt đếm... Chỉ cần biết chính ông ta đã nghĩ ra cách giúp Sán gian lận phiếu khi bầu cấp uỷ, nhưng không nói ngay, lại để lần khác Sán phải đến, vì biết rõ không bao giờ hắn dám đến tay không cũng đủ thấy bộ mặt ăn của đút ấy kinh tởm thế nào. Tác giả không nói, nhưng ta cũng có thể suy ra, rất có thể bản thân ông ta trước kia cũng trúng đảng uỷ bằng cách thức người khác dạy như thế

Lê Việt Bắc, Giám đốc sở Giao thông Công chính có cách bóp nặn tiền thiên hạ thật trơ trẽn. Ấy là gợi ý để mỗi em từ mẫu giáo, nhà trẻ, đến học sinh phổ thông, sinh viên đại học có trường lớp đóng trong quận góp một bữa quà sáng "động viên" quân ông ta làm đường. Lại còn chi tiết cụ thể đến mức dặn Thanh Diệu, Phó chủ tịch quận, cứ bảo ban phụ huynh học sinh đứng ra thu là xong hết. Không sợ mang tiếng nhà trường. Ngoài cái tính dâm dê dậm dật có hạng, hắn còn có lối moi tiền nhà nước bằng cách nặn ra các đề tài cũng gọi là nghiên cứu khoa học, mà toàn là những thứ vô bổ, vô lí như: đánh số nhà, công tơ nước - vấn đề và giải pháp, gạch lát hè - vấn đề và giải pháp... Còn cái dự án thoát nước thì như báo chí đã mỉa mai, tất cả đều thoát trừ nước

Điển hình của sự tha hoá, sa đoạ là Vũ Sán. Móc nối được với người lơ lớ - một người nước ngoài dùng mọi thủ đoạn đầu tư vào Việt Nam, nhờ thế hắn ta chạy được đủ thứ, cả bằng tiến sĩ, cả chức vụ đảng uỷ viên, rồi chức phó giám đốc (thay Trần Đương). Khi bị người cùng cơ quan tố cáo, báo chí phanh phui, hắn dám thuê bọn đầu gấu bắt cóc con gái Tổng biên tập Phạm Năng Triển để trả thù. Chi tiết hắn "vãi linh hồn" ngay trước mặt người nữ sĩ quan công an trẻ tuổi thật nhục nhã hết chỗ nói

Bài phóng sự điều tra nhiều kỳ của phóng viên Thu Phong và cách Triển góp ý cho người yêu tổng kết đời hắn bằng bốn chữ nhẫn (kiên nhẫn chờ thời cơ, tạo thời cơ leo lên, nhẫn nhục luồn cúi cầu cạnh, nhẫn tâm chà đạp người khác và dùng nhẫn vàng để mua chức quyền) là một cách dân gian tổng kết, tố cáo một loại cán bộ mà nhân cách, năng lực và quyền lực không bao giờ là ba trong một

Kể ra trong LĐ vẫn còn nhan nhản công chức tha hoá nhiều dạng, nhiều kiểu khác như trưởng ban tổ chức (mới) thành uỷ, trưởng ban kiểm tra thành uỷ, thanh tra xây dựng quận Lâm Du, thẩm phán toà án nhân dân Thanh Hoa trong vụ xét xử Trần Thanh Định. Định là phó chủ tịch UBND thành phố bị lộ, đúng ra là bị tố cáo với đầy đủ chứng cớ trước toà vì tội tham nhũng; còn những "đồng chí chưa bị lộ" chắc không ít

Cơ chế có quá nhiều điều bất hơn lý (kể cả việc bầu cử, tuyển chọn cán bộ mà LĐ đã đề cập) đẻ ra một loại công chức bất tài, cơ hội như vậy. Sự phê phán của LĐ là trực diện, quyết liệt, đích đáng. Đấy là một trong những khoái cảm đạo đức Nguyễn Bắc Sơn mang đến cho người đọc

Chị Lục Thị Thảo, trong khoá luận mang tên "Thế giới nhân vật trong tiểu thuyết Luật đời & cha con của NBS", tốt nghiệp năm 2008 tại trường Đại học Sư phạm Vinh có nhận xét: "Tiểu thuyết đương đại mang đậm chất đời tư, những số phận trong hạnh phúc không trọn vẹn, thể hiện những khía cạnh của đời sống cá nhân và những quan hệ thế sự đan dệt nên cuộc sống đời thường phức tạp có những đổi mới trong trần thuật và trong bút pháp để tạo nên tính đa thanh của tác phẩm

Các tác phẩm đã đi thẳng vào những vấn đề gai góc cuộc sống, cách viết táo bạo hơn, tiếp cận cuộc sống trực tiếp hơn, quan sát kỹ lưỡng hơn, vì thế đòi hỏi ngôn ngữ văn chương phải mang tính đa nghĩa, biểu tượng và ẩn dụ

Trong những người viết ấy, Nguyễn Bắc Sơn là một gương mặt nổi bật. Ông không né tránh những vấn đề phức tạp của cuộc sống, mà mổ xẻ mọi vấn đề một cách tường tận. Ông thấy hiện thực cuộc sống không đơn giản là hiện thực "nhìn thấy", mà quan trọng hơn là hiện thực "tự cảm thấy". Nhà văn đã phơi bày ra những mặt trái còn bị che khuất, lên án những lực lượng, những thói quen, nếp sống, cách hành xử lạc hậu, lỗi thời làm cản trở quyền sống, quyền mưu cầu hạnh phúc chính đáng của con người cũng như sự phát triển của xã hội"

Đấy là nhận xét xác đáng đối với tiểu thuyết Luật đời và cha con (đã chuyển thể thành phim truyền hình 26 tập mang tên Luật đời), càng xác đáng hơn với LĐ (Nxb Lao động ấn hành tháng 6/2008)

Nhà báo & Công luận
 
Từ Lửa Đắng ngẫm về bệnh "ăn bẩn" của công chức có quyền​


Viết cuốn Lửa Đắng trong một năm, nhưng Nguyễn Bắc Sơn mất năm rưỡi để tác phẩm “chạy” qua 7 nhà xuất bản từ Bắc vào Nam. Những người không sẵn sàng làm “bà đỡ” cho Lửa Đắng, họ e ngại điều gì?

Phải chăng Lửa Đắng chạm đến những "vùng cấm", phải chăng Lửa Đắng có điều gì "phạm húy"? Và vì sao, khởi đầu truân chuyên ấy cũng không ngăn được nó ra đời, có một sinh mệnh riêng trong đời sống văn học một cách an bình và tự tại?

Kế thừa tuyến nhân vật cũ của cuốn tiểu thuyết Luật Đời - cha và con (đã được chuyển thể thành phim truyền hình dài tập), mở rộng thêm nhiều nhân vật khác, Lửa Đắng đã sải bước sang một chủ đề mới

Không chỉ là những vấn đề cá nhân, hôn nhân, gia đình...mà mạnh dạn tấn công trực diện vào đề tài chính trị xã hội nhức nhối ở nhiều bình diện, nhiều lĩnh vực như: cơ chế, thể chế, cải cách hành chính, việc thay đổi, cải tiến những cái đã trở nên cũ kỹ, lạc hậu trong hệ thống chính trị không còn phù hợp với sự phát triển. Kéo theo nó, là những vấn đề xung quanh không kém phần gai góc như tham nhũng, hối lộ, bầu cử, chạy chức chạy quyền, vấn đề dân chủ, dân biết dân bàn, dân kiểm tra, là vai trò và cả những tổn thất của những người làm báo trong cuộc đấu tranh xây dựng cơ chế mới...

Thông qua hai tuyến nhân vật, một chính diện, một tha hóa, Lửa Đắng đã xây dựng được một cuộc chiến vừa công khai, vừa âm thầm giữa cái cũ và cái mới, giữa những kẻ cản đường và những người đang tiến lên trong xây dựng xã hội.

Những nhân vật cản đường nằm trong bộ máy công quyền, họ có cái thiện và cái không thiện bên trong, vì không thắng nổi nhau trong cuộc vật lộn giữa cái cũ và cái mới nên cái không thiện vẫn kéo họ xuống. Một ông Trưởng ban Kiểm tra của Thành ủy mệnh lệnh, quyền hành vô lối, một ông Bí thư Thành ủy và đa số những người trong thường vụ, vì những lợi ích cá nhân mà bao che, lấp liếm, quanh co, đối phó và đổ lỗi cho tập thể để trốn tránh trách nhiệm.

Điển hình cho những công chức mắc bệnh "tha hóa quyền lực" là Vũ Sán, một công chức biến chất, hạn chế về năng lực, ham tiền, hám gái, dùng thủ đoạn để thăng chức, dùng xã hội đen để dằn mặt báo chí, đáng khinh đến độ nữ cảnh sát điều tra phải thốt lên: "Khinh cơ bản, toàn diện, vững chắc".

Họ làm lên cái lỗi của hệ thống, cái khiếm khuyết trong cơ thể chính trị, hiển hiện trong đời sống mà nhân vật "Tổng bí thư" đã nhận ra: "Một vấn đề có tính phổ biến là sự bất hợp lý, sự quan liêu, sự chồng chéo, sự trì trệ, bùng nhùng, cái không minh bạch, cả cái bẩn thỉu đang ẩn nấp đâu đây trong bộ máy hành chính này". Ông nhận ra cái căn bệnh trong đạo đức của cán bộ, "nhiều người ăn bẩn, ăn chặn, ăn bớt, ăn mảnh, ăn của đút đến thế. Không phải những kẻ, mà là những bọn, thậm chí cả một tập thể". Ông nhận ra cái căn bệnh "lãnh cảm thẩm mỹ cộng đồng" nói lên thói thờ ơ, vô trách nhiệm nhập nhèm, lem nhem trong xây dựng, đất đai, quy hoạch đô thị...Ông cũng nhận ra hệ thống kiểm tra giám sát của Đảng, của chính quyền đều làm chưa tốt chức năng của mình, nên "các đồng chí bị lộ còn ít quá", vì thế mà "các đồng chí chưa bị lộ mới dám làm liều".

Bên cạnh những nhân vật cản đường nằm trong bộ máy công quyền, Nguyễn Bắc Sơn đã thành công khi xây dựng được nhân vật ẩn danh, phiếm chỉ - "người lơ lớ", kẻ luôn đứng sau Vũ Sán, kẻ mà "không ai biết là ai" kể cả khi Vũ Sán đã bị lột trần bản chất. Hắn như con sâu, con mọt, gặm khoét cái cơ thể chính trị - xã hội.


Điều làm người ta phải chột dạ, phải giật mình, là hắn, có thể là bất kỳ ai đó, lẩn quất đâu đó, dù có là số ít thì cũng có sức mạnh phá hủy ghê gớm. Và trong mối quan hệ của hắn, trên hắn, lại có một nhân vật thấp thoáng được gọi là "người ngoài hành tinh", ám chỉ một quyền lực nào đó, một thế lực mà người ta biết là có tồn tại, quyền lực ảnh hưởng ghê gớm, nhưng không thể định danh, định tính, định hình.

Tác giả theo đuổi chủ đề "nhất thể hóa" trong hệ thống chính trị, mà Trần Kiên là nhân vật đại diện. Trăn trở từ thực tiễn lãnh đạo, quản lý khiến anh nung nấu xây dựng một nền hành chính sạch. Trải qua nhiều thăng trầm, có lúc bị vu cho là chuyên quyền, độc đoán, tập trung quyền lực, có lúc bị kỷ luật, bị bôi nhọ... Trần Kiên vẫn vững vàng, kiên định và đầy bản lĩnh theo đuổi và thực hiện cái gọi là "nhất thể hóa" bí thư và chủ tịch ở ngay quận của mình.

Những người ủng hộ Trần Kiên, Phó Chủ tịch Quận Thanh Diệu, bà Bội Trân, ông Thụ, Trưởng ban Tư tưởng - Văn hóa trung ương, ông Trân, Bí thư Thành ủy Thanh Hoa mới nhậm chức và cả vị Tổng Bí thư đáng kính... là tuyến nhân vật được Nguyễn Bắc Sơn dành cho nhiều sự ưu ái. Lần đầu tiên trong văn học, những nhân vật ở chóp bu của hệ thống chính trị được khắc họa cụ thể và gần độc giả đến vậy. Họ là những người lãnh đạo tâm huyết, tranh luận và biện luận quyết liệt để bảo vệ cho lý tưởng sống, biết lắng nghe phản biện, biết ủng hộ cái mới, cái hợp lý.

Dù ít nhiều còn mang tính tượng trưng nhưng đây là những nhân vật mà tác giả gửi gắm niềm tin, sự hy vọng và lý tưởng của mình. Những nhân vậy ấy có thể làm yên lòng bạn đọc, yên lòng chính người cầm bút, bởi họ như những chiếc chân cột vững chắc làm trụ, chỗ dựa tinh thần cho những trăn trở nội tại để cho một sự sinh thành cơ chế - dẫu có vật vã, cũng được ghi nhận, được nâng đỡ để mà kiên định hơn.

Thành phố Thanh Hoa có lẽ cũng nên được xem là một nhân vật có nhiều cá tính, mang trong lòng nó tất cả sự bộn bề và nhức nhối mà vị Tổng Bí thư đã gọi tên. Nó khiến ông đau đáu: "Việc này chắc chắn không chỉ có ở Thanh Hoa. Vấn đề là ở bộ máy, ở hệ thống. Là cơ chế vận hành bộ máy ấy". Vị Bí thư trong truyện quả quyết tin rằng giải pháp chính là: "Kiên quyết tháo khớp những đốt nào hoại tử. Nếu được thì lọc máu. Cần nữa thì thay máu".


Ngọn lửa đắng đót, không ngọt ngào nhưng có thể phân định vàng, thau.
Lời cuối sách, tác giả dường như để tạo ra cái barie an toàn, đã viết: "Mọi sự hao hao, na ná, giống giống, thậm chí giống như in giữa tiểu thuyết và cuộc đời, nếu có chỉ là ngẫu nhiên trong sáng tạo của tác giả". Bởi đọc hơn 600 trang, nhiều người có thể thấy một Thành phố Thanh Hoa quen quen và giông giống một thành phố nào đó mà họ biết hoặc họ suy luận, có thể thấy những nhân vật mà "hình như" có một nguyên mẫu nào đó. Nhiều hiện tượng của cuộc sống mà có thể độc giả cũng đã từng trải qua, từng chứng kiến sẽ được lý giải sau khi đọc xong Lửa Đắng.

Gai góc nhưng không sắc lẻm làm người ta sợ hãi, luận đề nhưng không nặng nề lý luận làm người ta mệt, chán, vì tác giả biết cách khéo léo đứng sang bên làm một người kể chuyện, không bình luận, không "tự" lý luận khô khan mà biết lồng các vấn đề khó nói nhất, nhức nhối nhất vào lời của các nhân vật, thông qua những cuộc chuyện trò, tranh luận, những cuộc họp...Đôi lúc, đã biết làm mềm đi các vấn đề tư tưởng, chính trị, thế sự, bằng cách nói dân gian, khẩu ngữ, những câu thành ngữ mới xuất hiện để diễn đạt sinh động những tệ nạn của xã hội mới. Đôi lúc, lại xen vào những đoạn trữ tình ngoại đề, những khắc họa nhân vật có phần lãng mạn và lý tưởng. Đến độ, làm cho người ta đau nhưng không bi lụy. Người ta buồn, nhưng vẫn nhận thấy một thái độ sống tích cực, thái độ xây dựng, dám đấu tranh cho cái mà người ta tin là đúng, là đẹp, là lý tưởng

Phải chăng, Lửa Đắng chính là ngọn lửa của cuộc đấu tranh giữa những chiến tuyến tư tưởng và lối sống trong cuộc sinh thành cái mới, cơ chế mới. Ngọn lửa đắng đót, không ngọt ngào nhưng có thể phân định vàng, thau
 
Bàn chuyện chính trị: Vẫn hời hợt và "nhút nhát"​

Nhà văn Nguyễn Bắc Sơn đã trả lời phỏng vấn báo chí sau khi tác phẩm Lửa Đắng xuất bản, các nhân vật từ Luật đời – cha và con đã đi đến tận cùng tính cách và số phận của mình. Đọc cả Luật đời – cha và con, cả Lửa Đắng, tôi không thấy như vậy

Là một độc giả đã đón đọc cuốn sách ngay khi mới "ra lò" (năm 2008) tôi có cảm tưởng rằng lửa đắng vẫn chưa đắng đủ độ, chưa chua chát như mong đợi của khán giả về cuốn thiểu thuyết này

1. Đúng là, tác giả có con mắt sáng, có tấm lòng trong, nhìn được nhiều vấn đề, tỉ mẩn nhặt nhạnh, ghi nhớ để làm chất liệu cho tác phẩm, giải quyết các nút thắt một cách rất có hậu. Song, thiết nghĩ, một tác phẩm, để đạt đến hiệu ứng cực đại của nó, cần phải đi xa hơn việc khơi ra, mở ra vấn đề, cần phải làm thế nào đánh mạnh được vào nhận thức và cảm xúc của người đọc, khiến người ta phải đau đáu, suy ngẫm và hành động

Tác giả cũng chỉ "dám" dừng ở việc nêu ra và mô tả lại, phản ánh hiện thực thông qua nhận thức của nhân vật. Có một điều đánh mạnh được vào cảm xúc của độc giả hơn, làm người ta đau hơn, nhức nhối hơn, đó là số phận nhân vật thì tác giả lại khá giản đơn

Với cái kết truyện giống như kết cấu thông thường của truyện cổ tích: người tốt được ghi nhận, kẻ xấu phải trả giá... làm độc giả thở phào nhẹ nhõm nhưng cũng chẳng suy nghĩ thêm nhiều

Nếu có suy nghĩ thêm, sẽ là sự hoài nghi, bởi thực tế nghiệt ngã, có phải lúc nào cũng có những kết thúc có hậu như thế không? Đọc sách, có thể hốt hoảng vì một lúc nào đó những người tốt bị đày đọa, thăng trầm. Nhưng lại bình tâm vì sóng gió sẽ qua, vẫn có những người tốt khác, có quyền, có tâm, có tầm làm chỗ dựa. Người đọc có thể nghĩ, những vấn đề nhức nhối của truyện thì gần cuộc đời thực mà những điều tốt đẹp thì lại xa vì có vẻ "lãng mạn" và "lý tưởng"

Tác giả trả lời phỏng vấn báo chí sau khi tác phẩm xuất bản là ở Lửa Đắng, các nhân vật từ Luật đời - cha và con đã đi đến tận cùng tính cách và số phận của mình. Đọc cả Luật đời - cha và con, cả Lửa Đắng, tôi không thấy như vậy

Truyện kết thúc khi Trần Kiên được sự tín nhiệm của trên, vừa làm Bí thư, vừa làm Chủ tịch quận. Giả thiết đặt ra là chặng đường tiếp theo của Kiên liệu có xuôi chèo mát mái.

Một cán bộ như Kiên liệu có thể có lúc nào đó đi sai đường, có thể do anh không vượt qua được những phút yếu lòng, có thể từ những sức ép từ trên xuống, từ dưới lên, từ những phức tạp và biến động khôn lường của đời sống. Liệu rồi một ông Bí thư Thành ủy, hay một ông Tổng Bí thư đáng kính như thế có mãi ở đó để làm chỗ dựa tinh thần cho anh thực hiện lý tưởng sống của mình?

Giả thiết rằng, một ông Tổng Bí thư khác, không được như Tổng bí thư trong truyện. Giả thiết rằng, một ông Trân - Bí thư thành ủy, không còn được như thế nữa. Thì sao nhỉ?

Gấp sách lại, tôi ao ước những nhân vật như Tổng bí thư, như ông Trân, như Trần Kiên bước ra ngoài đời thực, có thể nhìn đâu cũng thấy

2. Cảm tưởng về tác giả là mắt có sáng, lòng có trong, nhưng bút vẫn còn thiếu sắc. Hoặc có thể, ông là người cố tình hiền lành đi để giới hạn mình trong sự an toàn. Có phải đó là sự nhạy cảm chính trị của một người đã từng làm báo, làm quản lý báo chí và là một nhà văn - đảng viên?

Mong rằng, tác giả sẽ viết tiếp một Luật đời thứ ba hay một Lửa Đắng phần hai. Đẩy số phận nhân vật đi đến tận cùng. Truyện sẽ dữ dội và thuyết phục hơn nếu khắc họa được tính cách nhân vật phải tự đấu tranh từ trong chính bản thân nó, phải vật vã vượt qua những hệ lụy của một cơ chế còn nhiều bất cập, thậm chí có lúc thất bại đến bi kịch. Có thể bất nhẫn, khiến độc giả phải đau xót, nhưng đi tận cùng nỗi đau, nỗi nhức nhối, là sự trăn trở, là suy ngẫm, đấy cũng là cách thể hiện tư tưởng, thái độ và quan điểm của tác giả và tác phẩm rõ ràng, quyết liệt và thuyết phục hơn

Vả lại, khi văn học "gần" với đời hơn, những gì mà người đọc còn "thòm thèm", còn chưa "thỏa mãn" sẽ được giải quyết. Nó sẽ khiến người ta dừng lại lâu hơn để ngẫm nghĩ sau khi gấp trang sách lại. Như vậy, chắc cần tác giả phải đanh đá hơn, bớt hiền lành và yếu lòng đi để nhìn thẳng vào nỗi đau của những người thuộc phe thiện

Hơn nữa, Lửa Đắng còn rất nhiều đất để "vỡ hoang". Tuyến nhân vật "người lơ lớ", "người ngoài hành tinh" vẫn còn có thể khai thác triệt để và sắc nhọn hơn. Một số nhân vật đã được xây dựng chỉ là nhân vật phụ có thể đẩy lên thành chính yếu để tiếp tục khắc hoạ một hiện thực ngổn ngang, một cơ thể chính trị - xã hội với nhiều đốt hoại tử của nó, làm rõ những căn bệnh thời đại hiển lộ trong họ, đưa được vào tác phẩm nhiều vấn đề nóng, mới nảy sinh trong vài năm gần đây

Tôi cho rằng, Lửa Đắng là tác phẩm không gây nhiều tranh cãi. Viết thêm và đẩy Lửa Đắng đi xa hơn, nhiều vấn đề đụng chạm, nhạy cảm nữa mới có thể gây tranh cãi hay làm chấn động dư luận
 
Top