What's new
Vietnam - Điện Biên Phủ Kinh Tế

This is a sample guest message. Register a free account today to become a member! Once signed in, you'll be able to participate on this site by adding your own topics and posts, as well as connect with other members through your own private inbox!

Đối tác chiến lược Việt Nam - Hoa Kỳ

Làn sóng đầu tư Mỹ trở lại Việt Nam ?

- Đoàn doanh nghiệp Mỹ lớn nhất từ trước đến nay với đại diện của khoảng gần 40 tập đoàn đang có mặt ở Việt Nam

Khá lâu sau khủng hoảng kinh tế, Hội đồng Kinh doanh Mỹ - ASEAN (USABC) trở lại Việt Nam, mang theo đoàn doanh nghiệp Mỹ hùng hậu với khoảng gần 40 tập đoàn, công ty lớn

Kể từ hai làn sóng đầu tư của Mỹ vào Việt Nam sau khi bình thường hóa quan hệ và ký kết Hiệp định Thương mại song phương (BTA), đây là đoàn doanh nghiệp lớn nhất từ trước đến nay của Mỹ đến Việt Nam với đại diện của khoảng gần 40 tập đoàn

Trong cuộc gặp và làm việc của đoàn với Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh chiều 6/9 tại Hà Nội, Chủ tịch USABC Alexander Feldman cho hay mục đích chuyến thăm là nhằm tìm hiểu mục tiêu và các ưu tiên trong chính sách của Việt Nam sau khi có Chính phủ mới, các biện pháp đối phó với các thách thức kinh tế vĩ mô và duy trì tăng trưởng kinh tế

Bên cạnh đó, đoàn muốn tìm hiểu vấn đề thúc đẩy quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư Việt - Mỹ trong bối cảnh hai nước tiếp tục tăng cường và nâng tầm quan hệ, và các vấn đề hợp tác khu vực như tiến trình liên kết ASEAN và đàm phán Hiệp định đối tác Thái Bình Dương (TPP)

Theo ông Alexander Feldman, doanh nghiệp Mỹ mong muốn tăng cường hơn nữa quan hệ hợp tác với Chính phủ và doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực kinh tế, thương mại và đầu tư, cam kết sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong việc đối phó với các vấn đề toàn cầu như biến đổi khí hậu, môi trường, nhân đạo và xã hội

Năm 1994, Mỹ chính thức bãi bỏ cấm vận kinh tế Việt Nam, quyết định lịch sử mở đường cho các đại gia sản xuất tiêu dùng lớn của Mỹ bước vào thị trường Việt Nam. Năm 2001, Hiệp định Thương mại song phương Việt - Mỹ (BTA) được ký kết mở đường cho các nhà đầu tư Mỹ tiến hành làn sóng đầu tư vào thị trường Việt Nam

Hiệp định thương mại song phương có tính lịch sử này đã đưa giá trị thương mại song phương đạt mức tăng trưởng trên 700%. Tính đến cuối năm 2010, các công ty Mỹ đã đầu tư vào Việt Nam 48 dự án với tổng vốn hơn 1,9 tỉ USD

Thứ trưởng Thương mại Mỹ Francisco Sanchez mới đây phát biểu trong buổi chiêu đãi kỷ niệm lần thứ 66 Quốc khánh Việt Nam tại Mỹ, cho rằng Việt Nam là một trong những thị trường mà Mỹ mong muốn nhất để phát triển quan hệ thương mại và Việt Nam sẽ trở thành địa điểm ngày càng quan trọng để Mỹ xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ

Sau "sân chơi" WTO, Mỹ đang muốn đạt một hiệp định toàn diện cho các hoạt động thương mại song phương với Việt Nam: Hiệp định Đối tác thương mại Xuyên Thái Bình Dương (TPP)
 
Last edited:
Một loạt “đại gia” Mỹ muốn thúc đẩy đầu tư vào Việt Nam

Một dự án trị giá 7 tỷ USD giữa Chevron và Petro Vietnam dự kiến đi tới thỏa thuận đầu tư trong tháng 9 này, Boeing cam kết hỗ trợ Vietnam Airlines mua thêm 7 máy bay vào 2015…

Đó là một số thông tin đáng chú ý từ buổi làm việc giữa Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia và Hội đồng Kinh doanh Mỹ - ASEAN, diễn ra trong ngày 6/9

“Khó khăn đã qua”

Trong khuôn khổ chương trình làm việc của đoàn doanh nghiệp cấp cao Hội đồng Kinh doanh Mỹ - ASEAN tại Việt Nam từ 6 - 8/9/2011, nhằm tìm hiểu mục tiêu và các ưu tiên trong chính sách của Việt Nam sau khi bộ máy mới của Chính phủ đi vào hoạt động nhằm đẩy mạnh quan hệ đầu tư giữa Việt Nam và Mỹ, đoàn công tác này đã chọn Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia để thực hiện buổi đối thoại đầu tiên

Tại đây, ông Lê Xuân Nghĩa, Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia cho biết, nếu như quý 1/2011, tăng trưởng kinh tế Việt Nam chỉ đạt 5,43%, dự trữ ngoại tệ ở mức thấp nhất với 3,5 tuần nhập khẩu, lạm phát tính theo tháng từ 2 - 3%/tháng, tỷ giá hối đoái biến động mạnh với 22.500 VND/USD thì từ tháng 5/2011, những khó khăn nói trên bắt đầu dừng lại

Theo đó, tỷ giá ổn định, dự trữ ngoại tệ tăng từ 7,5 tỷ USD lên khoảng 15 tỷ USD, xuất hiện thặng dư thương mại ở một số tháng, lạm phát tính theo tháng giảm từ 3%/tháng xuống dưới 1%/tháng kể từ tháng 6, 7, 8/2011

Đặc biệt, lãi suất bắt đầu giảm, trong đó lãi suất liên ngân hàng giảm mạnh, mặc dù Chính phủ vẫn kiên trì thắt chặt tiền tệ và tài khóa. “Thời điểm này, có thể nói là giai đoạn khó khăn nhất của kinh tế Việt Nam đã qua”, ông Nghĩa nói với đoàn doanh nghiệp Mỹ

Tuy nhiên, khi dự báo tình hình thời gian tới, Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia cũng chỉ đưa ra những con số rất khiêm tốn so với dự báo của Chính phủ trước đây

Cụ thể, năm 2011, tăng trưởng GDP khoảng 5,8% và năm 2012 là 6,5%; chỉ số CPI ước 19% nhưng nếu loại bỏ giá lương thực phẩm và xăng dầu thì chỉ 13%. Năm 2012, CPI được dự báo 9%, nếu loại trừ giá lương thực phẩm và xăng dầu thì còn khoảng 6%

Ngoài ra, thâm hụt vãng lai (%/GDP) năm 2011 là 7% và 2012 là 8%; thâm hụt ngân sách năm 2011 là 5,1% và 2012 là 4,9%; dự trữ ngoại tệ được nâng từ 8 tuần nhập khẩu của năm 2011 lên 10 tuần nhập khẩu của 2012; tỷ lệ đầu tư tính theo GDP năm 2011 là 37% và 2012 là 38%

Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia cho rằng, năm 2012, nếu GDP tăng trưởng 6,5% thì đó là mức thấp so với tiềm năng nhưng phù hợp với diễn biến phức tạp của kinh tế thế giới và chính sách tài khóa, tiền tệ khắc khổ của Việt Nam trong thời gian tới

Thách thức phía trước

Nói về thách thức của kinh tế Việt Nam trong 18 tháng tới, Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia đưa ra 4 thách thức

Một là, GDP có thể tăng thấp hơn dự kiến, nếu có tác động suy thoái kép của kinh tế thế giới, dù điều này khó xảy ra

Hai là, áp lực đối với tỷ giá hối đoái vẫn cao, bởi lẽ: cán cân vãng lai tiếp tục thâm hụt sau 4 năm liên tiếp, tỷ giá hối đoái có thể biến động xấu vì tỷ lệ lạm phát của Việt Nam so với Mỹ vẫn còn rất cao, kể cả trong điều kiện năm 2011 và 2012, Việt Nam có thể thặng dư cán cân thanh toán tổng thể

Ba là, nếu kinh tế thế giới phục hồi chậm như dự báo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) thì giá vàng tiếp tục tăng và giá tài sản Việt Nam sẽ giảm sút. Một năm qua, giá bất động sản Việt Nam đã giảm 30%, thị trường chứng khoán giảm 50%

Chưa kể, một số thách thức khác từ hệ thống tài chính đang xuất hiện nặng nề thêm: nợ xấu hệ thống ngân hàng tăng từ 2,1% của 2010 lên 3,1% của 2011 và thời gian tới, không loại trừ một số ngân hàng nhỏ gặp sốc thanh khoản

Bên cạnh đó, Việt Nam có thể gặp một số cú sốc về cầu hàng hóa, nhất là đối với giá lương thực phẩm

Lo ngại cuối cùng là dự trữ ngoại tệ Việt Nam không tăng nhanh như mong muốn và điều này dẫn tới khả năng thanh toán nhanh những khoản nợ ngắn hạn bị giảm đi do tỷ lệ dự trữ ngoại tệ so với nợ ngân hàng giảm sút

Tuy nhiên, ông Nghĩa cũng trấn an các doanh nghiệp Mỹ rằng, Chính phủ Việt Nam đang áp dụng một số chính sách mạnh mẽ áp dụng cho năm nay, năm sau và đó là cơ sở để hy vọng rằng, tình hình đầu tư của doanh nghiệp Mỹ vào Việt Nam khởi sắc hơn

Cụ thể, trong các văn kiện của Chính phủ gần đây không chú trọng nhiều đến tăng trưởng, mà chủ yếu đề cập tới ổn định kinh tế vĩ mô và sự nhất quán này kéo dài ít nhất hết 2012

Cùng đó, Chính phủ tiếp tục chương trình tái cấu trúc lại khu vực tài chính với mục tiêu làm sạch bảng cân đối của các ngân hàng thương mại và áp dụng các chuẩn mực kế toán đúng theo thông lệ quốc tế

Tiếp theo, Chính phủ cũng tái cấu trúc lại các tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước theo hướng cổ phần hóa. Đến nay, các tập đoàn lớn đều đã nhận được những chỉ đạo ráo riết của Chính phủ về việc xây dựng kế hoạch cổ phần hóa

Trước mắt, Việt Nam đã cổ phần hóa xong Petrolimex, tiếp theo là Vietnam Airlines và các doanh nghiệp lớn trong ngành viễn thông. Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia cũng kiến nghị Chính phủ mở rộng “room” cho nhà đầu tư nước ngoài khi mua cổ phần các doanh nghiệp lớn của nhà nước, kể cả trong ngành ngân hàng

Song song, Chính phủ cũng sẽ thúc đẩy mạnh mẽ cải cách thủ tục hành chính

Doanh nghiệp Mỹ nói gì ?

Ông Alexander C. Feldman, Chủ tịch Hội đồng Kinh doanh Mỹ - ASEAN cho rằng, các doanh nghiệp Mỹ rất quan tâm tới thị trường Việt Nam, nhất là khi tình hình kinh tế vĩ mô Việt Nam đang có dấu hiệu tốt lên

Vì thế, tại buổi làm việc này, Hội đồng đã mời khá nhiều đại diện lớn đến từ các lĩnh vực dầu khí, chế tạo, hóa chất, tài chính, công nghệ thông tin như ACE, Chevron, Cocacola, Ford Motor, IBM, Google, Boeing...

Ông Alexander C. Feldman cũng hy vọng rằng, Việt Nam sẽ giải quyết thành công những thách thức trong thời gian tới để các doanh nghiệp Mỹ tiếp cận sâu hơn với thị trường

Theo tinh thần này, đại diện Chevron cho biết, họ đang triển khai dự án điện khí gồm 3 cấu phần với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petro Vietnam) với tổng giá trị đầu tư 7 tỷ USD, trong đó 4 tỷ USD từ các nhà đầu tư nước ngoài (Chevron đóng góp 2 tỷ USD), phần còn lại do Việt Nam đảm nhiệm. Dự án sẽ triển khai 400 km đường ống dẫn, 3 nhà máy phát điện khí

Với mong muốn dự án đi vào hoạt động vào 2015, Chevron đang xúc tiến cùng Petro Vietnam để cuối tháng 9/2011, sẽ có được thỏa thuận đầu tư giữa hai bên, tất nhiên, Chevron rất mong muốn sự ủng hộ mạnh mẽ của Chính phủ để thống nhất được cơ chế giá khí

Đại diện Chevron khẳng định, khi đi vào hoạt động, ngoài ý nghĩa bổ sung nguồn năng lượng điện rất lớn cho hệ thống lưới điện quốc gia và mang lại tổng doanh thu có được trong suốt vòng đời dự án ước khoảng 14 tỷ USD, đã bao gồm tiền bán khí và thu thuế thì dự án còn góp phần tiết kiệm được khoảng 1 tỷ USD do tránh được khả năng phải nhập khẩu than để phát điện

Một tên tuổi khác là hãng Mastercard lại khẳng định mong muốn hợp tác chặt chẽ với Việt Nam trong lĩnh vực thanh toán điện tử và xây dựng ngành thanh toán điện tử chuyên nghiệp

Đặc biệt, đại diện đến từ hãng máy bay Boeing nhấn mạnh: từ nay đến 2015, hãng sẽ tiếp tục hỗ trợ Chính phủ Việt Nam các khoản vay để mua thêm 7 máy bay bổ sung vào đội máy bay của Việt Nam

Ông này cũng đề cập tới một sáng kiến có thể hỗ trợ Việt Nam trong quá trình thanh toán các đơn hàng lớn khi mua máy bay là tham gia vào “sáng kiến của các nhà tài chính” tại Nam Phi

Theo đó, nếu Việt Nam gia nhập và phê chuẩn thỏa thuận của sáng kiến này cùng các nhà tài chính thế giới thì ngay lập tức, có thể có ngay trong tay khoảng 25 tỷ USD để Vietnam Airlines thực hiện các đơn hàng mua máy bay trong tổng số 50 tỷ USD theo suốt thời gian tham gia thỏa thuận

“Tôi rất mong muốn Chính phủ Việt Nam xem xét và tham gia sáng kiến này”, đại diện đến từ Boeing nói
 
Last edited:
Chủ tịch nước 'đố khó' tân Đại sứ Mỹ

Tân Đại sứ Mỹ tại Việt Nam David Shear tiết lộ đã nhận lời "thách đố" của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang về việc sẽ nói chuyện được bằng tiếng Việt sau 3 năm ở Việt Nam

"Trong cuộc gặp của tôi với Chủ tịch nước Trương Tấn Sang hôm 21/8, ông nói tiếng Anh thành thạo và đã đưa ra lời thách đố tôi có thể nói chuyện với ông bằng tiếng Việt sau 3 năm làm việc tại Việt Nam. Tôi đã chấp nhận lời thách đố này." - Tân Đại sứ Mỹ David Shear hài hước chia sẻ trong cuộc ra mắt báo chí chiều qua (9/9) tại Hà Nội

Thúc đẩy hợp tác kinh tế là ưu tiên số 1

"Sứ mệnh của tôi là xây dựng lòng tin với Việt Nam để nâng tầm phát triển quan hệ kinh tế giữa hai nước lên một nấc thang mới, xứng tầm với mối quan hệ đối tác chiến lược." - Tân Đại sứ Mỹ tại Việt Nam tuyên bố

Qua 16 năm, quan hệ song phương Việt - Mỹ đã có những bước tiến dài. Hai nước đã và đang tạo dựng nền tảng vững chắc và khuôn khổ rõ ràng cho mối quan hệ trên nhiều lĩnh vực, từ chính trị - an ninh - quốc phòng đến kinh tế - thương mại - đầu tư, giáo dục, y tế, khoa học - kĩ thuật; các vấn đề nhân đạo như tìm kiếm người mất tích trong chiến tranh (MIA) và giải quyết hậu quả chất độc da cam; hợp tác trong các vấn đề khu vực và toàn cầu như ứng phó với biến đổi khí hậu, chống khủng bố và không phổ biến vũ khí hạt nhân

Đại sứ David Shear chia sẻ, vẫn phát huy thành công của người tiền nhiệm M.Michalak, tuy nhiên, trong nhiệm kỳ của mình, ông đặt thúc đẩy hợp tác kinh tế lên làm ưu tiên số 1. Theo đó, 3 trọng tâm của tân Đại sứ Mỹ lần lượt là: thúc đẩy hợp tác kinh tế, củng cố quan hệ đối tác chiến lược và giáo dục

Ông nhấn mạnh, Mỹ sẽ làm hết sức mình để gia tăng xuất khẩu sang Việt Nam trong khuôn khổ Hiệp định xuyên Thái Bình Dương (TPP) đang được đàm phán giữa hai bên. Theo ông David Shear, bài phát biểu mới nhất của Tổng thống Mỹ Obama cho thấy phát triển việc làm là ưu tiên cao nhất trong giai đoạn hiện nay, trong đó, tăng cường xuất khẩu là một giải pháp hỗ trợ gia tăng việc làm ở Mỹ

Kể từ khi Hiệp định Thương mại song phương Việt - Mỹ (BTA) được ký kết năm 2001, tổng kim ngạch thương mại giữa hai nước đã tăng từ 1,5 tỷ lên 18,6 tỷ USD. Mục tiêu của ông sắp tới là duy trì đà tăng trưởng này và thảo luận với Chính phủ Việt Nam về vấn đề cải thiện môi trường kinh doanh và đầu tư, giúp gia tăng xuất khẩu của Mỹ vào Việt Nam cũng như hỗ trợ các nhà đầu tư Mỹ ở Việt Nam

Đại sứ David Shear cho biết, một phái đoàn doanh nghiệp Mỹ gồm 70 đại diện của 30 tập đoàn hàng đầu nước Mỹ đang có chuyến thăm tới Việt Nam để tìm hiểu môi trường đầu tư và kinh doanh tại đây

Cơ sở của mối quan hệ là lòng tin

Ưu tiên thứ hai của tân Đại sứ David Shear là củng cố mối quan hệ đối tác chiến lược. Đại sứ nhận định, Việt - Mỹ có nhiều cơ hội để phát triển và tăng tốc mối quan hệ đối tác chiến lược; tuy nhiên, như bất kỳ mối quan hệ song phương nào, giữa hai nước vẫn còn tồn tại một số bất đồng, ví dụ như trong vấn đề nhân quyền. Ông cho biết, với những nỗ lực toàn diện, thúc đẩy kinh tế, đối tác chiến lược, đối thoại nhân quyền giữa 2 bên, ông mong muốn những bất đồng này rồi đây sẽ không còn tồn tại

Trong chuyến thăm Việt Nam tháng 10/2010, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã đề xuất thiết lập mối quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước. "Công việc của tôi là xác định mối quan hệ này là gì, hai nước muốn gì và sẽ tăng cường mối quan hệ đó như thế nào. Quan hệ Việt - Mỹ đứng trước nhiều cơ hội lớn." Đại sứ David Shear cho rằng phần lớn những bước tiến mà hai nước đạt được từ khi bình thường hóa quan hệ tới nay là dựa trên cơ sở những hiểu biết chung cũng như sự đồng cảm giữa hai bên

Ông khẳng định: "Điều đầu tiên tôi muốn làm khi đến Việt Nam là xây dựng lòng tin với đất nước và nhân dân Việt Nam. Cơ sở cho một mối quan hệ tốt đẹp, hiệu quả và bền vững là phải có lòng tin ở nhau. Và tôi sẽ làm mọi điều có thể để xây dựng lòng tin với đối tác Việt Nam"

Về ưu tiên thứ ba là giáo dục, tân Đại sứ Mỹ cho biết: "Người tiền nhiệm Michael Michalak đã đặt ưu tiên rất cao cho giáo dục và bản thân tôi cũng coi đây cũng là ưu tiên. Tôi mong muốn thấy nhiều sinh viên Việt Nam sang học ở Mỹ hơn nữa và tôi sẽ làm việc với các đối tác Việt Nam để tăng cường năng lực cho hệ thống giáo dục Việt Nam"

Ông nhấn mạnh, hợp tác giáo dục chính là cơ hội để sinh viên và học sinh hai nước học hỏi lẫn nhau. Đại sứ bày tỏ hy vọng sẽ có nhiều sinh viên Việt Nam sang Mỹ học hơn nữa và cho biết ông sẽ làm việc với đối tác Việt Nam để góp phần nâng cao chất lượng cho hệ thống giáo dục của Việt Nam

Phản đối đe dọa vũ lực trên Biển Đông

Tân Đại sứ Mỹ nhấn mạnh: "Không có gì quan trọng hơn là hòa bình, ổn định và thịnh vượng trong khu vực và cũng không có gì tốt hơn một mối quan hệ tốt đẹp giữa Việt Nam, Mỹ và Trung Quốc. Chính sách ngoại giao của Mỹ cũng hướng tới điều đó"

Bình luận về tình hình Biển Đông, ông David Shear nói: "Bộ Ngoại giao Mỹ đã ra văn bản tuyên bố, Mỹ ủng hộ nỗ lực của tất cả các bên tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông trong việc giải quyết hòa bình, tự nguyện các tranh chấp; phản đối việc đe dọa sử dụng vũ lực từ bất cứ nước nào. Mỹ chia sẻ một số lợi ích quốc gia với các bên ở Biển Đông và không bỏ qua bất cứ sự cố nào gây quan ngại về an ninh hàng hải, bao gồm quyền tự do đi lại, phát triển kinh tế

Mỹ kêu gọi các bên có tuyên bố chủ quyền tuân thủ luật pháp quốc tế và các điều khoản trong Công ước Luật biển LHQ 1982. Mỹ ủng hộ Tuyên bố chung về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) năm 2002 giữa Trung Quốc và ASEAN, cũng như việc thúc đẩy đàm phán về Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC)

"Tôi đã bị Việt Nam quyến rũ"

Tại cuộc họp báo quốc tế đầu tiên này, Đại sứ David Shear cũng chia sẻ, ông đã bị cảnh sắc và sự hiếu khách của Việt Nam cũng như những món ăn ngon "hút hồn" khi đến Việt Nam du lịch cùng gia đình năm 2007. Đại sứ tiết lộ, ngay từ khi ấy, ông đã ấp ủ ý định quay trở lại đất nước này. Giờ đây, trên cương vị mới, ngoài việc tăng cường hợp tác giữa hai Chính phủ, sứ mệnh của ông là tăng cường sự gắn bó giữa nhân dân hai nước. Ông cho biết sẽ cố gắng đi thật nhiều và gặp gỡ càng nhiều người Việt Nam càng tốt

Ông David Shear là đại sứ Mỹ thứ 5 tại Việt Nam kể từ khi hai nước bình thường hóa quan hệ năm 1995. Với gần 30 năm công tác trong ngành ngoại giao, gần đây nhất giữ cương vị Phó Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ đặc trách khu vực Đông Á - Thái Bình Dương, ông là một chuyên gia đầy kinh nghiệm về quan hệ quốc tế trong khu vực với khả năng nói thành thạo 2 ngoại ngữ Trung, Nhật và sắp tới sẽ là tiếng Việt
 
Last edited:
Khai trương Lãnh sự quán Việt Nam tại New York
Lãnh sự quán Việt Nam tại New York thúc đẩy các lợi ích của Nhà nước, các thực thể hợp pháp của Việt Nam và công dân Việt tại Mỹ

Ngày 25/9, thực hiện thỏa thuận giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Mỹ, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã khai trương và đưa vào hoạt động Lãnh sự quán Việt Nam tại thành phố New York

Tham dự lễ khai trương có Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh, Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Nguyễn Quốc Cường và Đại sứ, Trưởng Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc Lê Hoài Trung, cùng đông đảo cán bộ Việt Nam đang công tác tại New York và các bang lân cận, bà con Việt kiều, bạn bè Mỹ cùng đại diện cộng đồng kinh doanh Việt Nam và Mỹ

Ngoài các dịch vụ lãnh sự như cấp thị thực nhập cảnh vào Việt Nam, gia hạn hộ chiếu, các thủ tục miễn trừ thị thực cho người Việt ở nước ngoài, Lãnh sự quán Việt Nam tại New York bảo vệ các quyền hợp pháp và thúc đẩy các lợi ích của Nhà nước, các thực thể hợp pháp của Việt Nam và công dân Việt Nam tại Mỹ cũng như tăng cường quan hệ giữa khu vực Đông Bắc nước Mỹ với các đối tác Việt Nam

Lãnh sự quán Việt Nam ở New York cũng đáp ứng nhu cầu của các cộng đồng kinh doanh Mỹ trong các giao dịch hàng ngày với Việt Nam, cấp thị thực kinh doanh hoặc hợp pháp hóa các văn bản liên quan đến kinh doanh theo luật pháp của Việt Nam

Lãnh sự quán Việt Nam tại New York là cơ quan lãnh sự thứ 3 của Việt Nam tại Mỹ, sau các cơ quan lãnh sự đã mở trước đây tại thành phố San Francisco ở bang California và thành phố Huston ở bang Texas
 
Last edited:
Việt Nam-Mỹ bàn cách tăng cường quan hệ đối tác
Ngoại trưởng Mỹ và Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam đã thảo luận cách tăng quan hệ đối tác song phương theo hướng đối tác chiến lược

Tại cuộc gặp diễn ra bên lề khóa họp Đại hội đồng Liên hợp quốc tại New York ngày 26/9, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton và Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh đã thảo luận biện pháp tăng cường quan hệ đối tác song phương theo hướng đối tác chiến lược

Tại cuộc gặp, Bộ trưởng Ngoại giao hai nước cũng thảo luận về cấu trúc khu vực tại châu Á-Thái Bình Dương cũng như tăng cường mối quan hệ Mỹ-Việt trong lĩnh vực khoa học và giáo dục

Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh yêu cầu Mỹ tiếp tục dành cho Việt Nam sự hỗ trợ nhân đạo trong việc giải quyết vấn đề chất độc da cam và HIV-AIDS, đồng thời hoan nghênh việc Mỹ sẽ tham dự Hội nghị Cấp cao Đông Á năm nay

Về phần mình, Ngoại trưởng Clinton nhấn mạnh mong muốn của Tập đoàn General Electric được phép đấu thầu cung cấp năng lượng cho Việt Nam

Bà cũng cảm ơn Việt Nam đã tiến hành những bước đi nhằm đổi mới hệ thống xin con nuôi cũng như quyết định của Việt Nam tham gia Hiệp ước La Hay

Bà Clinton cũng động viên Việt Nam tham gia Sáng kiến An ninh Phổ biến vũ khí hạt nhân

Bộ trưởng Phạm Bình Minh cho biết Việt Nam đang xem xét vấn đề này
 
Last edited:
Nhóm Thượng nghị sĩ Mỹ thăm Việt Nam
Bốn thượng nghị sĩ Hoa Kỳ có chuyến thăm Việt Nam, thảo luận quan hệ song phương và dự kiến cũng nói về tranh chấp Biển Đông

Phái đoàn bốn vị - John McCain, Joseph Lieberman, Sheldon Whitehouse, Kelly Ayotte – sẽ có cuộc họp báo tại Hà Nội vào tối thứ Năm 19/01

Tuần này, họ đã có ba ngày thăm Philippines từ 16 đến 18 tháng Giêng, và nói liên minh Hoa Kỳ - Philippines cần được thắt chặt

Nói về Trung Quốc

Tại Manila, Thượng nghị sĩ McCain tuyên bố: “Chúng tôi đã thảo luận với các lãnh đạo ở đây về nhiều vấn đề - thương mại, đầu tư, nhiều vấn đề và dĩ nhiên có chủ đề Trung Quốc”

“Cả chính phủ Philippines, chính phủ Mỹ và các thượng nghị sĩ Mỹ không tin rằng sẽ hay cần có đối đầu với Trung Quốc, nhưng chúng tôi cũng cảm thấy cần tái khẳng định và củng cố quan hệ”

Ông nhấn mạnh “chúng tôi sẽ làm mọi điều cần thiết để bảo vệ nguyên tắc tự do đi lại” ở Biển Đông

Một người khác, Joseph Lieberman, nói khi Trung Quốc đi lên, “xung đột không nhất thiết phải xảy ra và chúng tôi hy vọng nó sẽ không bao giờ xảy ra”

Có vẻ lấy lòng chủ nhà Philippines, ông Lieberman nói: “Chúng ta không thể cho phép một quốc gia, trong trường hợp này là Trung Quốc, kiểm soát bất hợp lý đường tàu bè đi lại”

Ông cũng tán thành việc tăng sức mạnh cho quân đội Philippines: “Có người nói cách tốt nhất để bảo đảm hòa bình là chuẩn bị cho chiến tranh, tức là phải mạnh mẽ”

Thượng nghị sĩ John McCain nói thêm việc tăng cường quân sự của Mỹ ở châu Á “không có nghĩa là sẽ có căn cứ ở Philippines”

Nhưng ông nói sẽ có thể có các hoạt động quân sự chung, cung cấp thêm tàu tuần tra cho Philippines

Tối hôm qua, 17/01, phái đoàn này đã gặp Tổng thống Benigno Aquino III ở dinh tổng thống tại Manila
 
Last edited:
Mỹ không chấp nhận việc độc chiếm Biển Đông
Thượng nghị sĩ Mỹ John McCain phát biểu tại Hà Nội rằng vì lý do an ninh hàng hải, Mỹ không chấp nhận việc một quốc gia nào độc chiếm Biển Đông, đồng thời bày tỏ mong muốn tăng hợp tác chiến lược với Việt Nam.
Thượng nghị sĩ bang Arizona, John McCain, cùng với nhóm Thượng nghị sĩ Joseph Lieberman (bang Connecticut), Sheldon Whitehouse (bang Rhode Island) và Kelly Ayotte (bang New Hampshire) tới Việt Nam hôm qua

Ông McCain cho biết ông và nhóm Thượng nghị sĩ Mỹ hôm nay đã có những cuộc gặp gỡ và trao đổi hiệu quả với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh và Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh. Nội dung được trao đổi là tình hình quan hệ song phương, và cả các vấn đề mà hai bên cùng quan tâm như vấn đề Biển Đông

"Hiện nay, đang có căng thẳng gia tăng với Trung Quốc liên quan tới vấn đề Biển Đông và những vấn đề khác, nhưng chúng tôi cho rằng phương pháp tiếp cận đa phương với Trung Quốc, cũng như là việc tăng cường mối quan hệ đối tác chiến lược giữa Mỹ và Việt Nam sẽ giúp giải quyết những vấn đề này", Thượng nghị sĩ McCain phát biểu mở đầu buổi họp báo

Thượng nghị sĩ bang Arizona cho biết nhóm thượng nghị sĩ Mỹ đã có những cuộc thảo luận với các nhà lãnh đạo Việt Nam về lĩnh vực an ninh hàng hải, cụ thể là về tìm kiếm và cứu nạn. Hai bên đã nói về những cách thức tiếp cận đa phương với những vấn đề như Biển Đông hay vấn đề tự do hàng hải

"Về hợp tác an ninh, trong Quốc hội Mỹ cũng có một số người muốn có thể bán được những vũ khí có sức tấn công cao cho Việt Nam, để giúp tăng cường an ninh hàng hải trên Biển Đông. Tuy nhiên, việc này sẽ chỉ đạt được sau khi những cuộc đối thoại giữa Mỹ và Việt Nam về nhiều vấn đề có được kết quả như mong muốn của cả hai bên", Thượng nghị sĩ Lieberman tiếp lời ông McCain

Về vấn đề Biển Đông, ông Lieberman cho rằng Việt Nam và Mỹ rõ ràng có những mối quan ngại chung về việc Trung Quốc khẳng định chủ quyền đối với Biển Đông. "Đây là điều không chấp nhận được đối với cả Việt Nam và Mỹ", Thượng nghị sĩ Lieberman khẳng định. "Ở một khía cạnh nào đó, chúng tôi là đồng minh của Việt Nam và kể cả Philippines, vì chúng tôi không chấp nhận sự khẳng định chủ quyền của một cường quốc trên Biển Đông"

Theo vị thượng nghị sĩ bang Connecticut, việc khẳng định chủ quyền phải thông qua biện pháp thương lượng hòa bình hoặc thông qua luật pháp quốc tế. "Trong các cuộc thảo luận của chúng tôi với lãnh đạo Việt Nam, chúng tôi thấy các nhà lãnh đạo này cũng nhấn mạnh tầm quan trọng và vai trò lãnh đạo của khối ASEAN", ông Lieberman nói

Nhóm thượng nghị sĩ Mỹ do ông McCain dẫn đầu đang có chuyến công du châu Á

Trước khi tới Việt Nam, nhóm thượng nghị sĩ này đã tới Philippines. Tại Manila, ông McCain và các thượng nghị sĩ Mỹ đã nhất trí với phía Philippines trong việc tăng cường mối quan hệ quân sự, dù Mỹ chưa có kế hoạch thiết lập bất cứ một căn cứ quân sự nào tại quốc đảo Đông Nam Á

Sau Philippines và Việt Nam, nhóm thượng nghị sĩ Mỹ sẽ tới thăm Myanmar, trong bối cảnh hai nước có những bước đi rõ rệt trong việc bình thường hóa quan hệ

Thượng nghị sĩ McCain từng là phi công trong chiến tranh Việt Nam và từng có 5 năm ngồi tù tại nhà tù Hỏa Lò ở Hà Nội, sau khi máy bay của ông bị bắn rơi ở hồ Trúc Bạch vào năm 1967. Ông McCain được coi là một anh hùng và là một chính khách nổi tiếng ở Mỹ. Ông là người có nhiều đóng góp cho quá trình bình thường hóa quan hệ Việt Nam - Mỹ, cũng như việc phát triển quan hệ giữa hai nước những năm qua
 
Last edited:
Thúc đẩy hợp tác song phương Việt Nam - Hoa Kỳ

– Tiếp tục chuyến thăm Hoa Kỳ, ngày 9/2 (giờ Washington), Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đã có cuộc gặp Chủ tịch Thượng viện tạm quyền Hoa Kỳ Daniel Inouye, làm việc với Bộ trưởng Bộ Thương mại Hoa Kỳ Ron Bryson

Gặp Chủ tịch Thượng viện tạm quyền Hoa Kỳ Daniel Inouye

Tại cuộc gặp, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cảm ơn tình cảm và những đóng góp tích cực của cá nhân Chủ tịch và các nghị sĩ Hoa Kỳ trong việc thúc đẩy hợp tác song phương giữa hai nước

“Những tiếng nói khách quan của Ngài Chủ tịch và các Nghị sĩ, chính khách Hoa Kỳ đã có tác động rất tích cực, ủng hộ Việt Nam trên các vấn đề song phương và đa phương”, Phó Thủ tướng nói

Phó Thủ tướng đề nghị ngài Chủ tịch và các Nghị sĩ Hoa Kỳ tiếp tục có tiếng nói với Chính phủ Hoa Kỳ để sớm công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường đầy đủ; dành quy chế ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP) cho Việt Nam; kiến nghị Bộ Thương mại, Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ về các vấn đề hợp tác với Việt Nam, đặc biệt về việc áp thuế chống bán phá giá ở mức quá cao đối với một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam vào thị trường Hoa Kỳ như cá tra, cá ba sa, tôm, mật ong, và các mặt hàng công nghiệp như ống thép cuộn các bon, sản phẩm trụ điện gió, dệt may...

Phó Thủ tướng và Chủ tịch Thượng viện Hoa Kỳ đã trao đổi một số vấn đề liên quan đến hòa bình và phát triển ổn định trong khu vực

Trước đề nghị của Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh về việc tiếp tục đẩy mạnh vận động để hỗ trợ các nạn nhân chất độc da cam Việt Nam, Chủ tịch Thượng viện Daniel Inouye khẳng định sẽ làm tất cả những gì cần thiết để khắc phục hậu quả của chất độc da cam đối với người dân Việt Nam

Là người đã liên tục làm việc tại Thượng viện Hoa Kỳ trong 52 năm qua, trực tiếp chứng kiến những thời điểm khó khăn trong lịch sử quan hệ giữa hai nước, Chủ tịch Thượng viện Daniel Inouye cho biết cá nhân ông luôn dành cho Việt Nam tình cảm đặc biệt và bày tỏ ấn tượng với những kết quả phát triển mà Việt Nam đã đạt được trong thời gian qua cũng như những bước thay đổi căn bản trong quan hệ giữa hai nước

Chủ tịch Thượng viện tạm quyền Daniel Inouye khẳng định với trách nhiệm và cương vị của mình sẽ làm hết sức mình để thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa hai nước

Tăng cường hợp tác kinh tế - thương mại giữa hai bên

Sáng cùng ngày, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cùng đoàn cấp cao Chính phủ Việt Nam đã làm việc với Bộ trưởng Bộ Thương mại Hoa Kỳ Ron Bryson

Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh và Bộ trưởng Thương mại Hoa Kỳ Ron Bryson vui mừng trước sự tăng trưởng nhanh trong các lĩnh vực hợp tác thương mại, đầu tư giữa hai nước. Tổng kim ngạch thương mại hai chiều năm 2011 đạt 21,45 tỉ USD và Hoa Kỳ hiện đứng thứ 6 trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam

Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đã thông báo với Bộ trưởng Thương mại Ron Bryson một số nét về tình hình phát triển kinh tế - xã hội năm 2011 của Việt Nam, nhấn mạnh ưu tiên của Chính phủ trong năm 2012 là tiếp tục kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và bảo đảm an sinh xã hội, đồng thời tiến hành tái cấu trúc nền kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng

Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đề nghị Bộ trưởng Ron Bryson có những giải pháp thúc đẩy thương mại giữa hai nước, thực hiện nghiêm túc những cam kết thương mại song phương và đa phương, quan tâm, ưu tiên giải quyết những vướng mắc của doanh nghiệp hai nước

Việt Nam đề nghị Hoa Kỳ đưa ra những nhận xét khách quan, đầy đủ, tránh những rào cản thương mại một cách không công bằng đối với các doanh nghiệp xuất khẩu trong các lĩnh vực thủy sản, nông nghiệp, sản xuất, Phó Thủ tướng nói. Việt Nam sẵn sàng mời và tạo điều kiện để các cơ quan liên quan phía Hoa Kỳ sang kiểm tra, trên cơ sở đó có những đánh giá một cách khách quan, chính xác nhất

Phó Thủ tướng đề nghị Bộ trưởng Ron Bryson ủng hộ và sớm công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường đầy đủ, dành cho Việt Nam quy chế ưu đãi thuế quan phổ cập

Bộ trưởng Ron Bryson bày tỏ tin tưởng vào các giải pháp nhằm tái cấu trúc nền kinh tế của Chính phủ Việt Nam, đồng thời kiến nghị Chính phủ Việt Nam có các giải pháp nhằm duy trì sức hút về thương mại, đầu tư với các nhà đầu tư nước ngoài

Bộ trưởng cho biết, nhiều doanh nghiệp Hoa Kỳ đang tiếp tục nghiên cứu để mở rộng, tăng cường đầu tư vào Việt Nam. Trong năm 2012, Bộ Thương mại Hoa Kỳ cũng sẽ tổ chức hơn 30 sự kiện nhằm khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào Việt Nam và thúc đẩy thương mại song phương

Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh khẳng định Việt Nam tôn trọng các nhà đầu tư Hoa Kỳ cũng như các thỏa thuận thương mại song phương và đa phương mà Việt Nam đã ký kết. Việt Nam chỉ thực hiện những giải pháp không vi phạm các cam kết song phương và quốc tế. Chính phủ Việt Nam sẽ chỉ đạo các bộ, ngành xem xét, giải quyết một cách kịp thời những vướng mắc của các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có nhà đầu tư Hoa Kỳ

Cũng trong ngày, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đã có cuộc gặp với Thượng Nghị sĩ Jim Webb; ăn trưa làm việc với bà Sri Mulyani Indrawati -Tổng Giám đốc Ngân hàng Thế giới; gặp lãnh đạo Quỹ tiền tệ Quốc tế IMF; tiếp Lãnh đạo tập đoàn ADC/HAS

Xuân Tuyến
 
Last edited:
Mỹ muốn Việt Nam cải cách doanh nghiệp nhà nước

- Phó đại diện thương mại Mỹ Demetrios Marantis cho hay Mỹ muốn Việt Nam cải cách doanh nghiệp nhà nước, theo hướng đáp ứng những "tiêu chuẩn quốc tế", trong sân chơi thương mại khu vực rộng lớn của TPP - Hiệp định Thương mại xuyên Thái Bình Dương

Có mặt tại Hà Nội từ 21 đến 25/2, phó đại diện thương mại Mỹ đã có các cuộc trao đổi, làm việc mang tính kỹ thuật về đàm phán TPP giữa Mỹ với Việt Nam, đề cập cải cách doanh nghiệp nhà nước, sửa đổi luật lao động, quyền sở hữu trí tuệ, phát triển các dịch vụ thương mại...

Thương mại công bằng

Cải cách doanh nghiệp nhà nước luôn là một trong những vấn đề trung tâm của đàm phán giữa hai bên mà theo ông Demetrios Marantis, Mỹ muốn có những quy định, tiêu chuẩn mang tính quốc tế đối với thành phần kinh tế quốc doanh này trong khuôn khổ TPP

Trong khi, xuất phát điểm đàm phán, Việt Nam muốn bảo lưu luật chơi của WTO, tức doanh nghiệp nhà nước tuân theo những luật lệ, quy định chung của tổ chức thương mại quốc tế toàn cầu này mà không cần đặt ra thêm những quy định mới trong TPP

"Điều chúng tôi muốn đạt trong TPP, đó là tạo sân chơi công bằng. Chúng tôi muốn đảm bảo rằng doanh nghiệp tư nhân và nhà nước cạnh tranh trên sân chơi công bằng, không thể doanh nghiệp nhà nước được lợi hơn chỉ vì họ là doanh nghiệp nhà nước. Và điều này liên quan đến các cải cách doanh nghiệp nhà nước của Việt Nam" - ông Demetrios Marantis nói với báo giới tại Hà Nội sáng 24/2

Ông khẳng định TPP bao gồm các cam kết giúp Việt Nam cải cách nói chung, đạt tiêu chuẩn quốc tế trong các lĩnh vực khiến cho Việt Nam "trở nên hấp dẫn hơn"

Việt Nam và Mỹ cùng các thành viên đàm phán TPP là Australia, New Zealand, Chile, Peru, Singapore, Brunei, Malaysia đang trong giai đoạn đàm phán nước rút để tiến tới việc ký kết chính thức Hiệp định Thương mại xuyên Thái Bình Dương - TPP trong năm nay như ý chí của nguyên thủ cấp cao 9 nước đồng thuận tại hội nghị ở Hololunu - Mỹ năm ngoái

Xét tổng thể về đàm phán TPP, phó đại diện thương mại Mỹ nói ông lạc quan về lộ trình đàm phán và hy vọng vòng đàm phán tiếp theo tại Melbourne sắp tới sẽ có bước đột phá quan trọng, bất chấp một số khó khăn mới nảy sinh liên quan đến những vấn đề lợi ích thực chất, cốt lõi giữa các bên liên quan

Ông Demetrios Marantis cũng khẳng định, giữa 9 nước thành viên đàm phán TPP, những vấn đề lợi ích đặt lên bàn đối thoại không phải là "gây ngạc nhiên" lẫn nhau. Với Việt Nam, ông hy vọng Mỹ sẽ dàn xếp ổn thỏa trong đàm phán về những vấn đề lợi ích cốt lõi để đạt được thỏa thuận chấp nhận được cho cả hai bên

Nếu như Hiệp định Thương mại song phương (BTA) đi vào lịch sử bởi tạo ra kỳ tích thương mại khởi sự từ 400 triệu USD kim ngạch vào năm 1994 lên 21,8 tỷ USD vào năm 2011, thì TPP sẽ đẩy nhanh hơn nữa tốc độ tăng trưởng thương mại, đầu tư giữa Việt Nam và Mỹ. Ông Demetrios Marantis khẳng định chắc nịch điều này khi cho hay đàm phán TPP đang tiến triển rất nhanh, chuẩn bị kết thúc để đi đến ký kết chính thức

Song song với đàm phán, 9 nước cũng đang tiến hành tham vấn nội bộ riêng ý tưởng ba nước Nhật Bản, Canada, Mexico ngỏ ý muốn gia nhập TPP. Sau khi TPP chính thức ký kết, việc tiếp nạp 3 nước mới gia nhập đàm phán sẽ khiến TPP trở nên mạnh mẽ với việc thiết lập một vành đai kinh tế, thương mại xuyên vùng Thái Bình Dương

25 đại diện doanh nghiệp Hoa Kỳ với những tên tuổi lớn như Omnicom, Medtronic Asia Pacific, Food Industry Asia... đã có chuyến thăm và làm việc tại TP.HCM và Hà Nội từ 21-24/2 để tìm hiểu cơ hội hợp tác, đầu tư trong các lĩnh vực như y tế, giáo dục, giao thông, truyền thông, công nghệ thông tin, thực phẩm...

Chuyến đi do Phòng Thương mại Hoa Kỳ (AmCham) tại Singapore tổ chức. Đoàn do Đại sứ Hoa Kỳ tại Singapore David Adelman dẫn đầu đã gặp phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, lãnh đạo các Bộ Công Thương, Tài chính, Y tế và Kế hoạch - Đầu tư. Đại sứ Adelman đánh giá các cuộc gặp này hữu ích, mở ra nhiều cơ hội hợp tác đầu tư cho hai bên

Giám đốc điều hành AmCham Singapore Josie Tulipano cho biết đây chỉ là 25 đại diện cho một số lượng lớn hơn nhiều các doanh nghiệp Mỹ đăng ký tham gia chuyến đi, "minh chứng cho sức hấp dẫn của Việt Nam, một điểm đến cho đầu tư và kinh doanh"

Đại sứ Mỹ tại Việt Nam David Shear nhận định: "Khi Việt Nam tiếp tục phát triển, ngày càng có nhiều cơ hội cho các công ty Mỹ". Ông hy vọng các công ty này sẽ tạo ra nhiều việc làm và thịnh vượng cho cả hai nước

Đại sứ Shear cũng mong kết thúc thành công các cuộc đàm phán TPP để Việt Nam, Mỹ, Singapore cùng sáu quốc gia khác gia nhập một thoả thuận thương mại tự do tiêu chuẩn cao.
 
Last edited:
Quan hệ Việt – Mỹ "Thả con săn sắt bắt con cá rô"
- Vấn đề không phải là bỏ qua lùm xùm để thu về món lợi lớn hơn. Với tư cách là một trong những chìa khoá để cân bằng lực lượng ở khu vực, Việt Nam trước sau nhất định sẽ vô hiệu hoá những cái bẫy đang cản trở sự thăng hoa trong quan hệ Việt – Mỹ

Nhưng liệu những thông điệp ông Panetta mang đến Hà Nội lần này đã được đón nhận một cách thuận lợi, để nâng cấp hơn nữa mối quan hệ quan trọng không chỉ đối với hai nước ?

Trong chuyến thăm Việt Nam năm 2000, cựu Tổng thống Bill Clinton giúp cho Dan và David Evert, đi phía sau ông, tìm hài cốt của cha họ, một phi công

Chuyến thăm còn hơn cả một biểu tượng

Bộ trưởng Panetta đã khẳng định với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Chính phủ Mỹ coi trọng quan hệ với Việt Nam trong tổng thể chính sách châu Á – Thái Bình Dương của Mỹ, và mong muốn quan hệ hai nước tiếp tục phát triển hơn nữa trong thời gian tới trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là lĩnh vực an ninh, quốc phòng. Ông Panetta bày tỏ hài lòng về hợp tác quốc phòng Việt Nam – Mỹ thời gian qua, mong muốn hai nước tiếp tục tích cực triển khai thực hiện bản ghi nhớ về hợp tác quốc phòng được hai bộ Quốc phòng ký năm 2011

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đáp lại: Việt Nam luôn xem Mỹ là đối tác hàng đầu có ý nghĩa rất quan trọng và mong muốn Mỹ với tư cách là cường quốc châu Á – Thái Bình Dương, sẽ đóng góp tích cực vào việc duy trì hoà bình, an ninh, ổn định, hợp tác và phát triển trong khu vực

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định Việt Nam mong muốn cùng với phía Mỹ thúc đẩy mạnh mẽ quan hệ giữa hai nước, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư, khoa học, công nghệ, giáo dục, đào tạo và nhiều lĩnh vực khác trong an ninh truyền thống lẫn phi truyền thống

Những cái bẫy trong quan hệ Việt – Mỹ

Trong tiếp xúc với ngoại trưởng Phạm Bình Minh, cả hai bên đều không nhắc đến thuật ngữ “tiến tới quan hệ đối tác chiến lược”, vốn đã trở nên rất quen thuộc và được đón đợi đối với truyền thông Việt – Mỹ lẫn quốc tế trong mỗi dịp trọng đại như vừa qua. Nhiều dự đoán được đưa ra

Có thể chuyến thăm của ông Panetta thu được những kết quả vượt dự kiến, nên cả hai bên đều không muốn làm nóng thêm phản ứng trong khu vực ?

Có thể mỗi bên đều có lý do để kìm bớt sự hưng phấn trong bối cảnh quan hệ song phương vẫn còn những “khúc nhôi” chưa giải toả hết ?

“Khúc nhôi” hay “cái bẫy” cũng thế thôi! Đó là quá trình Việt – Mỹ cần vượt qua cái bóng khổng lồ của Trung Quốc trong nâng cấp quan hệ

Thông cáo về cuộc tiếp kiến của bộ trưởng Quốc phòng Mỹ với Thủ tướng Việt Nam đã khẳng định: “Những hợp tác quốc phòng song phương giữa Việt Nam và Mỹ không làm phương hại đến an ninh của các nước láng giềng”

Lập trường của nhiều nước ASEAN như Indonesia, Philippines hay Singapore tại Đối thoại Shangri-La vừa qua cho thấy các nước đó đều tự tin vượt qua cái bóng khổng lồ ấy như thế nào

Đó còn là cả Việt Nam lẫn Mỹ đều phải hoá giải được “cặp bài trùng” dân chủ – nhân quyền trong quá trình thúc đẩy quan hệ song phương, vốn được cho là do phía Mỹ đưa ra để gây sức ép với Việt Nam. Ở đây có những nhân tố về văn hoá và lịch sử cần được xem xét lại

Đối với một Việt Nam mà cuộc vận động “tranh tự chủ, chống ngoại xâm” như cuộc Cách mạng tháng 8.1945 ngay từ đầu đã được Hồ Chí Minh coi là “noi gương Cách mạng của Mỹ và Cách mạng của Pháp”, thì dân chủ – nhân quyền chính là mục tiêu thiêng liêng của toàn dân tộc !

Còn những ai đó chưa hiểu được tầm quan trọng của việc vun trồng và nâng cấp quan hệ Việt – Mỹ, thì nên xem lại đánh giá gần đây nhất của trung tâm Nghiên cứu chiến lược an ninh mới của Mỹ, một tổ chức được đánh giá là thân cận với Tổng thống Obama: “Việt Nam là nước nắm giữ chiếc chìa khoá tạo thế cân bằng lực lượng trong khu vực Biển Đông

Nếu Việt Nam không kháng cự nổi trước đà gia tăng sức mạnh của Trung Quốc thì các quốc gia yếu hơn, ít cương quyết hơn… có ít khả năng ngăn chặn được sự bành trướng của Trung Quốc”

Hoàng Dũng Nhân
 
Last edited:
Đàm phán TPP và chuẩn mực kép của Mỹ

Vòng đàm phán lần thứ 12 Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) diễn ra tại Dallas, Texas (Hoa Kì) giữa tháng 5 vừa qua được giới quan sát đặc biệt chú ý khi khái niệm "chuẩn mực kép" được trình làng, gây ra nhiều tranh cãi, và "hứa hẹn" sẽ mang đến nhiều thách thức cho phía Việt Nam, đặc biệt là ngành may mặc và da giày

"Chuẩn mực kép" như cách gọi của một nhà báo thương mại kỳ cựu Greg Rushford hàm ý cách hành xử nước đôi của Mỹ, chính xác hơn là chính quyền Obama trên bàn đàm phán. Một mặt Mỹ kêu gọi các nước đàm phán TPP phải đẩy mạnh tự do hóa thương mại, tháo bỏ các hàng rào bảo hộ mậu dịch, cắt giảm và tiến tới xóa bỏ các loại thuế và hàng rào phi thuế

Từ phía Mỹ tự do thương mại thông qua TPP chính là động cơ thúc đẩy tối đa lợi ích các nước tham gia, qua đó như lời đương kim tổng thống Obama xây dựng "khuôn mẫu không chỉ cho khu vực châu Á-Thái Bình Dương mà cho cả các hiệp định mậu dịch trong tương lai"

Mặt khác Mỹ vẫn không sẵn sàng trong việc dỡ bỏ bảo hộ một số ngành sản xuất trong nước. Hoa Kì là đối tác lớn nhất trong TPP và là động lực chính thúc đẩy TPP vì vậy những điều kiện mà nước này đặt ra trong các vòng đàm phán có ảnh hưởng lớn đến các thành viên, đặc biệt là Việt Nam, một nước đang phát triển và chưa được Hoa Kỳ công nhận là nền kinh tế thị trường

Cụ thể, đối với Việt Nam, Nhà Trắng thúc ép Hà Nội có những đồng thuận với những điều kiện, quy định mới nhằm cải tổ các công ty quốc doanh kém hiệu quả (chiếm 38% nền kinh tế VN) theo quy luật thị trường. Tuy vậy, các nhà đàm phán thương mại Hoa Kì kịch liệt phản đối việc tự do hóa ngành may mặc và da giày- một đòi hỏi của Hà Nội để đổi lại việc cải cách các tập đoàn quốc doanh. Việt Nam hiện là nước xuất khẩu hàng may mặc lớn thứ hai vào Hoa Kỳ, với mức thuế phải chịu là 18% - 36%

Trong đàm phán TPP, nội bộ Hoa Kì tồn tại hai phe với hai lập trường đối chọi nhau. Một bên là các tập đoàn lớn Boeing, General Electric, Intel, Microsoft, New York Life, Citi và Federal Express ủng hộ "hiệp định của thế kỉ XXI". Một bên là các công ty may mặc và da giày phản đối TPP với việc dỡ bỏ bảo hộ mậu dịch, tự do hóa. Hiện thời, phe thứ hai đang rất có lợi thế vì tổng thống Obama phải "chịu ơn" những tổ chức hậu thuẫn cho ngành may mặc vốn ủng hộ ông trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2008

Các tổ chức này đã thuyết phục Nhà Trắng rằng tất cả các đối tác TPP phải đồng ý với nguyên tắc xuất xứ tính từ sợi trở đi (yarn-forward) đối với quần áo và giày dép các nước này xuất khẩu. Tức là các nước ký TPP sẽ chỉ được nhượng bộ thuế quan đối với hàng xuất khẩu của họ sang Hoa Kỳ nếu họ mua sợi và vải từ các nước thành viên TPP. Hiện tại, nguyên liệu cho ngành xuất khẩu may mặc của Việt Nam chủ yếu nhập từ Trung Quốc (nước không là thành viên TPP)

Có thể thấy, khi tham gia đàm phán TPP, Việt Nam, một nước đang phát triển, khá chật vật trong việc thương thuyết để bảo vệ những lợi ích của mình. Các mặt hàng Việt Nam xuất khẩu chủ yếu sang Hoa Kì là đồ gỗ, thủy sản chưa chế biến, da giày, các sản phẩm của ngành dệt may. Hàng thủy sản chưa chế biến hay đồ gỗ thực tế đã đang được hưởng mức thuế suất gần bằng 0 khi xuất sang Mỹ, vì vậy có TPP hay không cũng không quan trọng

Đối với những mặt hàng khác, nhất là dệt may, da giày, cơ hội tăng xuất khẩu với giá cạnh tranh là rất lớn, nhưng sự tồn tại của những rào cản dưới dạng quy định kỹ thuật, vệ sinh dịch tễ hay kiện phòng vệ thương mại có thể sẽ làm cho việc giảm thuế quan không còn hiệu quả. Khó khăn cơ bản là Hoa Kì chưa công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường (theo chuẩn của Hoa Kì) nên nước này vẫn còn áp dụng những hàng rào kĩ thuật nghiêm ngặt với quy chế kinh tế phi thị trường lên hàng xuất khẩu của Việt Nam

Thêm nữa, do cuộc bầu cử tổng thống Mỹ đang đến gần, ông Obama không thể xem nhẹ sự ủng hộ của các nhóm lợi ích dành cho mình, trong đó có Hội đồng Quốc gia các Tổ chức Dệt may. Vì thế sự tháo gỡ những rào cản thương mại, trước tiên phải là sự tháo gỡ về những rào cản chính trị. Trong khi đó, đảng Cộng Hòa - phe luôn cổ xúy và nhiệt tình với các chính sách tự do thương mại, đặc biệt là TPP - sẽ tận dụng thời cơ này để thúc đẩy bảo vệ quyền lợi cho lợi ích các nhóm mà mình đại diện, mà chủ yếu là đến từ các tập đoàn

Và như thế tuy không gây khó chịu cho Việt Nam bằng các hàng rào bảo hộ từ các mặt hàng may mặc, gia dày nhưng sẽ tạo sức ép mạnh trong việc tạo điều kiện cho phía Mỹ xâm nhập mạnh hơn vào các thị trường đang còn được Nhà nước che chắn ở nước ta

Có vẻ như, đối với nước Mỹ hiện nay mọi thứ thường không ổn định và đang vào buổi giao thời. Đợi đến sau bầu cử, chính sách thương mại Hoa Kì sẽ rõ ràng hơn, khi đó các nước tham gia đàm phán TPP sẽ có những cơ sở chắc chắn hơn để định ra những hướng đi và cách tiếp cận mới

Đồng Dao
 
Last edited:
Ngành công nghiệp Mỹ sẽ hồi sinh ?
Năm ngoái, Jeff Immelt, Tổng giám đốc của Tập đoàn General Electric, đã tuyên bố rằng việc sản xuất bên ngoài nước Mỹ đã trở nên “lỗi thời”. Khu sản xuất đồ da dụng danh tiếng Appliance Park của GE ở Louisville, Kentucky, đang mở một chuỗi các dây chuyền lắp ráp mới để sản xuất tủ lạnh, máy nước nóng, máy giặt, mang việc làm quay về Mỹ thay vì sản xuất tại Trung Quốc và Mexico

Chính phủ của Tổng thống Barack Obama cũng đã thông báo về làn sóng bùng nổ sản xuất trong nước - “insourcing” này, trong khi Hal Sirkin của Tập đoàn Boston Consulting dự báo về một “sự phục hưng của ngành sản xuất ở Mỹ”

Sự phục hưng này thực sự là như thế nào? Theo kinh nghiệm thực tế, ngành sản xuất luôn có sự suy giảm tương đối ổn định ngay cả đối với các nền kinh tế tiên tiến. Giữa năm 1980 và 2010, ngành sản xuất của Đức đã giảm từ 30% của GDP xuống 21%, theo số liệu của Ngân hàng Thế giới, trong khi Nhật Bản giảm từ 27% xuống 19%

Tuy nhiên, vẫn có một vài trường hợp ngoại lệ như đối với Thụy Điển. Sau cuộc khủng hoảng tài chính vào năm 1992, Thụy Điển đã tăng giá trị sản xuất và đem lại lợi ích cho quốc gia này trong hơn một thập kỷ

Câu hỏi đặt ra là liệu các điều kiện của Thụy Điển có tồn tại ở Mỹ. Yêu cầu đầu tiên là một loại tiền tệ yếu. Sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 1992, tỷ giá của Thụy Điển đã giảm 27%, theo Ngân hàng Thanh toán quốc tế. Kể từ khi đồng đô la lên đến đỉnh điểm vào năm 2002, nó đã giảm 21%, đủ để tạo ra một sự khác biệt lớn. Năm 2000, mức lương ở Mỹ cao hơn gần 22 lần so với Trung Quốc, tuy nhiên dự báo đến năm 2015 con số này sẽ giảm đến bốn lần

Ở Thụy Điển, có các yếu tố khác nữa là sự bùng nổ sản xuất. Năm 1995, Thụy Điển gia nhập Liên minh châu Âu EU và nền kinh tế mở cửa cho đầu tư nước ngoài. Các nhà công nghiệp của quốc gia này phản ứng bằng cách đầu tư gấp đôi cho đào tạo nghề so với các đối thủ khác trong EU và chuyển dịch cơ cấu mạnh mẽ

Kết quả, từ năm 1996 đến 2009, năng suất sản xuất của Thụy Điển tăng 57%, theo Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế OECD. Ngược lại, ngành công nghiệp của Đức chỉ đạt 17%

Dù những con số của ngành sản xuất Thụy Điển đã rất ấn tượng, song so với cùng thời kỳ, các nhà sản xuất Mỹ đã tăng năng suất thậm chí còn lớn hơn 69%. Thời điểm đó là khi Mỹ tham gia Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ và Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và nền kinh tế Mỹ tạo ra rất nhiều cạnh tranh nội địa. Tuy nhiên, trong trường hợp của Mỹ, thúc đẩy thương mại và cạnh tranh đã được tạo ra bởi những “cú hích” từ công nghệ

Trong khi đó, các ngành công nghiệp khác như công nghệ khai thác mới đã góp phần giảm giá khí đốt tự nhiên ở Mỹ. Nhưng, như Viện McKinsey Global quan sát gần đây, các ngành công nghiệp sử dụng nhiều năng lượng lại thực sự không dễ thu hút thương mại. Nhà máy giấy và nhà máy lọc dầu sẽ được hưởng khí giá rẻ nhưng sản xuất không nhiều

Một cuộc điều tra hoạt động quản lý của 30.000 cơ sở sản xuất của Mỹ được thực hiện cuối tuần qua. Hai trong số các tác giả, Nick Bloom và John Van Reenen, đã chỉ ra rằng các công ty Mỹ quản lý tốt hơn hơn so với các đối thủ nước ngoài. Một kết luận nổi bật của nghiên cứu là nhà sản xuất Mỹ tiếp tục nhận được đánh giá tốt hơn từ phía khách hàng cũng như đối với sản phẩm

Vì vậy, ít nhất giai đoạn này đã có một nửa cơ sở cho sự phục hồi sản xuất của Mỹ. Nhưng sự hồi sinh thực sự có nghĩa là gì ? Đó còn là một “phương thuốc” để cứu tình trạng thất nghiệp đang diễn ra ở Mỹ. Kể từ tháng 1 năm 2010, Mỹ chỉ tạo ra hơn nửa triệu việc làm mới nhưng tình trạng thất nghiệp tăng, phản ánh sự sụp đổ trong cuộc khủng hoảng. Đối với một nền kinh tế tiên tiến, để tạo ra việc làm trong ngành sản xuất là rất khó khăn

Có thể ngành sản xuất Mỹ sẽ phục hưng nhưng người Mỹ sẽ phải luôn nhớ tới những nhà tiên phong đầu tiên của lĩnh vực sản xuất - đó là Siemens, hãng vận chuyển tubin do Mỹ sản xuất tới Ả-rập Xê-út; đó là Toyota, giúp xuất khẩu các dòng ô tô do Mỹ sản xuất tới 21 quốc gia trên thế giới; và tất nhiên đó là người luôn hướng tới sản xuất trong nước - chủ tịch của GE ông Immelt

Thủy Tiên
 
Last edited:
Nhà đầu tư Mỹ ngày càng quan tâm đến Việt Nam
Với quy mô dân số lớn, lực lượng lao động trẻ dồi dào cùng vị trí địa lý thuận lợi, Việt Nam có nhiều cơ hội để đầu tư, kinh doanh

Ngày 5/3, hội thảo thu hút đầu tư vào Việt Nam tổ chức tại thành phố New York, Mỹ với sự tham gia của hơn 70 đại diện các công ty, quỹ đầu tư, các cơ quan tổ chức thương mại Mỹ tại New York

Đại sứ Lê Hoài Trung, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc, nhấn mạnh với quy mô dân số lớn, lực lượng lao động trẻ dồi dào cùng vị trí địa lý thuận lợi, Việt Nam có nhiều cơ hội để đầu tư, kinh doanh

Về cấp độ địa phương, Bình Dương là tỉnh có môi trường đầu tư hàng đầu ở Việt Nam. Hiện tại, rất nhiều công ty, tập đoàn Mỹ có mặt tại Bình Dương, trong đó phải kể đến khu công nghiệp nổi tiếng Việt Nam-Singapore, thu hút hàng trăm công ty đầu tư kinh doanh tại đây

Tại hội thảo, đại diện các công ty, tập đoàn Mỹ bày tỏ quan tâm đến các thủ tục đầu tư tại Việt Nam nói chung và Bình Dương nói riêng, cũng như mối quan hệ thương mại song phương Mỹ-Việt

Ông Walter Blocker, Chủ tịch Công ty Vietnam Trade Alliance (VTA), hiện đang hoạt động tại TPHCM, khẳng định Việt Nam đạt được bước tiến dài trong cải cách môi trường đầu tư và hiện VTA đang kinh doanh khá thành công tại đây

Trong khi đó, ông Marc Mealy, Phó Chủ tịch Hội đồng kinh doanh Mỹ-ASEAN (USABC) lại nhấn mạnh đến vị trí quan trọng của Việt Nam trong kết nối kinh tế, thương mại với ASEAN. Theo ông, chính sách trở lại châu Á của chính quyền Mỹ và khả năng Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) được ký kết, sẽ là những cơ hội lớn cho các doanh nghiệp Mỹ tới đầu tư kinh doanh tại Việt Nam

Ông Võ Sơn Điền, Giám đốc tiếp thị của Becamex IDC Bình Dương cho biết mục tiêu của khi tổ chức hội thảo này là thu hút đầu tư từ các quỹ đầu tư, công ty vừa và nhỏ của Mỹ vì những tập đoàn lớn của nền kinh tế lớn nhất thế giới này đều đã có mặt tại Việt Nam
 
Last edited:
Thủ tướng tiếp Bộ trưởng Y tế và Dịch vụ con người Hoa Kỳ
Chinhphu.vn – Chiều 17/6, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tiếp Bộ trưởng Y tế và Dịch vụ con người Hoa Kỳ Kathleen Sebelius đang có chuyến thăm làm việc tại nước ta
Hoan nghênh bà Kathleen Sebelius sang thăm và làm việc tại Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao kết quả hội đàm giữa Bộ trưởng Kathleen Sebelius với Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến và các thỏa thuận hai bên đã đạt được trong chuyến thăm, đặc biệt là Hiệp định Y tế và khoa học y học giữa hai Chính phủ vừa được ký kết là đóng góp quan trọng trong thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa hai nước

Cảm ơn Hoa Kỳ đã ủng hộ, hỗ trợ Việt Nam trong công tác phòng chống HIV/AIDS, phòng chống cúm gia cầm, đào tạo cán bộ y tế… Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng mong muốn hai Bộ tiếp tục hợp tác chặt chẽ, triển khai có hiệu quả Hiệp định vừa ký kết, thúc đẩy hợp tác đào tạo nguồn nhân lực ngành y tế...

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đề nghị Hoa Kỳ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam về tài chính và kỹ thuật trong phòng chống HIV/AIDS, hợp tác trong kiểm soát dịch cúm gia cầm…

Chính phủ Việt Nam luôn ủng hộ các hoạt động hợp tác giữa hai Bộ, đặc biệt là trong việc triển khai các thỏa thuận đã ký kết, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định

Cảm ơn Thủ tướng dành thời gian tiếp, bà Kathleen Sebelius nhấn mạnh, ngành Y tế Hoa Kỳ và Việt Nam có mối quan hệ hợp tác rất chặt chẽ thông qua Trung tâm dự phòng và kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ, đặc biệt là trong phòng chống HIV/AIDS, phòng chống các dịch bệnh mới nổi như dịch Sars, cúm gia cầm…

Đánh giá cao Việt Nam trong phòng chống dịch bệnh, bà Kathleen Sebelius khẳng định Hoa Kỳ cam kết hợp tác chặt chẽ với Việt Nam trong phòng, chống dịch bệnh mới nổi, nhất là dịch bệnh lây lan và chyển giao công nghệ cho Việt Nam trong phòng chống HIV/AIDS

Nguyễn Hoàng
 
Last edited:
Việt Nam ủng hộ thương mại tự do
(Chinhphu.vn) - Tiếp Đại diện Thương mại Hoa Kỳ Robert Lighthizer, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định Việt Nam ủng hộ thương mại tự do trên cơ sở công bằng và cùng có lợi; coi trọng và mong muốn tiếp tục tăng cường quan hệ kinh tế, thương mại với Hoa Kỳ

NQH_3813.jpg

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp Đại diện Thương mại Hoa Kỳ Robert Lighthizer

Sáng 20/5 tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp Đại diện Thương mại Hoa Kỳ Robert Lighthizer.

Hoan nghênh ông Robert Lighthizer thăm Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết tại buổi tiếp Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN vừa qua, nhiều doanh nghiệp Hoa Kỳ bày tỏ sự quan tâm và có ý định đầu tư sản xuất kinh doanh tại Việt Nam bởi Chính phủ và cơ quan chức năng của Việt Nam ủng hộ và tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có các doanh nghiệp Hoa Kỳ đầu tư, làm ăn tại Việt Nam.

Hiện tại, các cơ quan chức năng của Việt Nam và Hoa Kỳ đang tích cực bàn thảo, hoàn thiện cơ chế hợp tác thương mại theo hướng hiệu quả, thuận tiện hơn và đôi bên cùng có lợi.

Thủ tướng khẳng định Việt Nam ủng hộ thương mại tự do trên cơ sở công bằng và cùng có lợi; coi trọng và mong muốn tiếp tục tăng cường quan hệ kinh tế, thương mại với Hoa Kỳ.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng Hoa Kỳ có vai trò rất quan trọng trong khu vực hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương và khối ASEAN; mong muốn Hoa Kỳ phát huy hơn nữa các hoạt động hợp tác của mình, nhất là về kinh tế thương mại, đóng góp vào sự thịnh vượng chung của khu vực và thế giới.

NQH_3840.jpg

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và phái đoàn đại diện thương mại Hoa Kỳ

Về phần mình, ông Robert Lighthizer cho biết Việt Nam cũng là điểm đến đối ngoại đầu tiên của ông trên cương vị Đại diện Thương mại Hoa Kỳ. Hoa Kỳ cũng luôn coi trọng việc phát triển hợp tác, kinh tế thương mại với Việt Nam.

Bày tỏ cảm ơn những đóng góp quan trọng của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong việc thúc đẩy quan hệ hợp tác thương mại, kinh tế giữa Việt Nam- Hoa Kỳ thời gian qua, ông Robert Lighthizer tin tưởng, chuyến thăm chính thức Hoa Kỳ của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tới đây sẽ đạt được thành tựu tốt đẹp, góp phần nâng cao hơn nữa hiệu quả hợp tác toàn diện giữa hai nước.

Đại diện Thương mại Hoa Kỳ đánh giá cao vai trò chủ nhà của Việt Nam trong việc tổ chức các hội nghị trong khuôn khổ APEC, khẳng định Hoa Kỳ sẽ tiếp tục hợp tác và hỗ trợ Việt Nam tổ chức thành công Năm APEC 2017.

Ông Robert Lighthizer cũng cho biết, trong khả năng của mình sẽ nỗ lực đóng góp tích cực vào chuyến thăm Hoa Kỳ của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, đồng thời cũng sẽ tăng cường hợp tác với các cơ quan chức năng của Chính phủ Việt Nam nhằm xúc tiến nhiều hơn nữa các chương trình, dự án hợp tác; góp phần vào việc phát triển quan hệ hợp tác kinh tế thương mại song phương giữa hai nước.

Cảm ơn thiện chí của ông Robert Lighthizer, Thủ tướng đánh giá cao sự ủng hộ và phối hợp chặt chẽ của Hoa Kỳ trong Năm APEC 2017; mong Hoa Kỳ, đặc biệt cá nhân Đại diện Thương mại sẽ phối hợp để bảo đảm thành công của Hội nghị các Bộ trưởng phụ trách Thương mại APEC và Năm APEC 2017 nói chung.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng bày tỏ mong muốn với kinh nghiệm quý báu của mình, ông Robert Lighthizer tiếp tục có những chuyến thăm Việt Nam trong thời gian tới để xúc tiến các hoạt động hợp tác thương mại song phương bởi trên thực tế, đây là một nhu cầu lớn giữa doanh nghiệp và nhân dân hai nước.

Đức Tuân
 
Quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ
Câu chuyện của 'Tự do' và 'Công bằng'

Chinhphu.vn - Khi nói đến việc tái khởi động lại các vòng đàm phán cho TPP-11, thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe luôn nhấn mạnh hai giá trị làm nền tảng cho Hiệp định Mậu dịch khu vực châu Á-Thái Bình Dương thế hệ mới này là: “Tự do” và “Công bằng”

Ông Abe tin rằng hai khái niệm này sẽ khiến Mỹ quay trở lại với TPP. Chúng ta không thể biết được điều mong muốn của Thủ tướng Nhật có thành hiện thực hay không, nhưng Việt Nam chắc chắn sẽ luôn đi theo hướng đó, tức là “Tự do” và “Công bằng” trong xây dựng mối quan hệ song phương Việt-Mỹ

TPP và APEC

Không phải ngẫu nhiên mà Tổng thống Donald Trump mời Thủ tướng Việt Nam đến Mỹ từ 28-31/5/2017, khi Việt Nam đang thực hiện rất tốt các chương trình, hoạt động trong vai trò nước chủ nhà của Hội nghị Thượng đỉnh APEC 2017, hay Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương, dự kiến sẽ diễn ra vào tháng 11 tới tại Đà Nẵng.

Hoa Kỳ rút ra khỏi TPP không phải vì “tự do” mà Tổng thống Donald Trump muốn “công bằng” cho hàng hóa và dịch vụ Mỹ. Trong thương mại hay buôn bán, các bên luôn đi tìm sự sòng phẳng, hai bên cùng có lợi. Nước Mỹ luôn là thị trường xuất khẩu hấp dẫn của các nước, nhất là các nước đang phát triển như Việt Nam. TPP là châu Á-Thái Bình Dương, APEC cũng là châu Á-Thái Bình Dương, cũng đi tìm các giá trị kinh tế tương tự.

Nhưng Hoa Kỳ là nền kinh tế lớn nhất thế giới nên luôn có cảm giác bị vượt lên, bị “đối xử không công bằng” cũng là điều dễ hiểu trong thế kỷ 21, khi mà những chàng tí hon David hoàn toàn có khả năng cạnh tranh “công bằng” với những gã khổng lồ Goliah. Song, cũng là không công bằng nếu gã khổng lồ Goliah cạnh tranh với những chàng tí hon David theo những tiêu chuẩn của mình.

Thế kỷ 21 sẽ chứng kiến những nghịch lý đại loại như sự trỗi dậy của các công ty nhỏ, các nền kinh tế nhỏ, bất chấp sự tiếp tục mở rộng quy mô của các công ty lớn, các nền kinh tế lớn.

Không phủ nhận rằng Việt Nam và Hoa Kỳ đã có một lịch sử cay đắng, nhưng như Nhật Bản trước đây, Việt Nam đang trở thành đối tác mới nổi, đáng tin cậy của Mỹ. Ông Lương Văn Tự, cựu Thứ trưởng Thương mại Việt Nam, Trưởng đoàn đàm phán WTO của Việt Nam, từng nói: “Tính cách con người Việt Nam và người Mỹ có điểm giống nhau là cởi mở và rất thực tế. Lịch sử cũng rất lạ. Ít quốc gia nào trên thế giới mà tuyên ngôn độc lập lại trích một đoạn của tuyên ngôn độc lập của Hoa Kỳ như Việt Nam. Hoa Kỳ cũng là quốc gia có số lượng Việt Kiều đông nhất thế giới. Tôi đi dự nhiều hội nghị quốc tế, đoàn Việt Nam luôn ngồi cạnh đoàn Hoa Kỳ. Mặc dù lúc đó quan hệ chưa như bây giờ. Đoàn Việt Nam và đoàn Hoa Kỳ nhiều lúc chỉ chào và bắt tay xã giao rồi thôi. Dù muốn hay không muốn thì theo vần ABC, chúng ta cũng ngồi bên nhau”.

Thành tựu Việt-Mỹ về kinh tế

Tuy vậy, kinh tế vẫn là kết quả rõ nhất và thuyết phục nhất khi Việt Nam và Hoa Kỳ tái lập bang giao vào năm 1996. Tiến sĩ kinh tế Huỳnh Thế Du, một cựu sinh viên Harvard với học bổng Fulbright cho rằng chính sự tái lập bang giao Việt-Mỹ đã mở ra “thời kỳ hoàng kim” cho phát triển kinh tế Việt Nam. “Cho dù bị ảnh hưởng của khủng khoảng tài chính trong khu vực vào năm 1997-1998, nhưng giai đoạn từ khi hai nước bình thường hóa quan hệ đến khi ký hiệp định thương mại song phương (1995-2001) là giai đoạn hoàng kim lần thứ nhất trong việc thu hút đầu tư nước ngoài và mở rộng giao thương của Việt Nam kể từ sau đổi mới 1986.”

Quan hệ thương mại Việt Nam-Hoa Kỳ không ngừng tăng trưởng, từ 15 tỷ USD năm 2008 tăng lên 52 tỷ USD năm 2016. Năm 2016, xuất khẩu của Hoa Kỳ sang Việt Nam đạt trên 10 tỷ USD, tăng 43% so với năm 2015. Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và Tập đoàn ExxonMobil đã ký Thỏa thuận khung phát triển dự án và Thỏa thuận khung hợp đồng bán khí Cá voi Xanh với tổng giá trị khoảng 10 tỷ USD, dự kiến góp phần đưa Hoa Kỳ trở thành một trong những nhà đầu tư hàng đầu ở Việt Nam.

Hiện nay, Hoa Kỳ xếp thứ 8 trong các quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam.

Giáo dục

Nhưng theo chúng tôi thành tựu sâu sắc và chiến lược nhất trong bang giao Việt Mỹ, chính là giáo dục.

Từ những năm 90 của thế kỷ trước, ngay khi còn bị cấm vận, các tổ chức nhân dân Hoa Kỳ đã cấp học bổng cho người Việt Nam, trong đó có cán bộ nhà nước.

Vào những năm tháng rất khó khăn trong quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ, vẫn có một học bổng đẳng cấp cao là VEF (Vietnam Education Fund) dành cho những sinh viên ưu tú của Việt Nam. Dù làm việc ở đâu trên thế giới nhỏ bé này, những hạt giống trí tuệ Việt Nam đó, sẽ là một minh chứng lặng lẽ và hùng hồn, cho mối quan hệ vừa cởi mở và vừa thực tế Việt-Mỹ.

Dưới nhiều hình thức khác nhau, giáo dục Hoa Kỳ với những giá trị toàn cầu và nhân văn, đã tác động vào nhiều lãnh vực ở Việt Nam.

Theo báo cáo của “The University World News” ngày 25/5/2017, với 28.883 sinh viên đang học tập tại Mỹ, Việt Nam đã vượt qua Nhật Bản, chỉ xếp thứ ba sau Ấn Độ (20,7%) và Trung Quốc (19,4%) về số lượng sinh viên du học tại Mỹ.

Năm 2009, con số này mới ở vị trí thứ 8 với 15.994 sinh viên cho đến cuối năm 2015.

Điều thú vị là có 54,7% sinh viên Việt Nam học tập ở Hoa Kỳ là nữ và 45,3% nam.

Đây sẽ là một nguồn lực vô giá cho tương lai và sẽ là nhân tố đóng góp tích cực vào mối quan hệ Việt Nam và Hoa Kỳ.

Họ sẽ góp phần hiện thực hóa “giấc mơ Việt Nam”.

Tổng thống Obama, đã đến Việt Nam năm 2016 và tuyên bố Mỹ dỡ bỏ lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam. Đó là cụ thể hóa của quan hệ Việt Mỹ đã trở nên toàn diện.

Điều phải đến đã đến.

Tổng thống Donald Trump sẽ đến Việt Nam năm nay (2017) sau chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.

Hy vọng rằng quan hệ song phương Việt Mỹ không chỉ ấm lên cho Việt Nam hay cho Hoa Kỳ, mà cho cả vùng châu Á-Thái Bình Dương.

Tại Hội nghị thượng đỉnh APEC vào tháng 11/2017 tại Đà Nẵng, các nhà lãnh đạo chắc chắn sẽ bàn về TPP. Những gì phải đến sẽ tiếp tục đến, miễn là tất cả các bên đều cảm thấy được “Tự do” và “Công bằng.”

Trần Ngọc Châu

Phó Chủ tịch Hội Việt-Mỹ TPHCM
 
Doanh nghiệp Hoa Kỳ
Quan tâm tới 7 lĩnh vực hợp tác- đầu tư với Việt Nam


Quang cảnh buổi làm việc

Ngày 2.5, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã tiếp ông Michael Kelly - Chủ tịch Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ

Tại cuộc tiếp, ông Michael Kelly cho biết, Việt Nam là thị trường có tốc độ phát triển mạnh nhất Châu Á trong thời gian tới, sẽ tạo ra nhiều cơ hội hợp tác, đầu tư hiệu quả cho các doanh nghiệp Hoa Kỳ

Phía Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ cho biết, các doanh nghiệp nước này quan tâm tới 7 lĩnh vực hợp tác - đầu tư với Việt Nam là y tế, thuế, kinh tế số, tạo thuận lợi thương mại, ngân hàng và các vấn đề liên quan tới quốc phòng - an ninh, đặc biệt là việc bảo đảm về năng lượng cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam

Bên cạnh đó, cả Hoa Kỳ và Việt Nam chưa triển khai các kết nối cho khối doanh nghiệp nhỏ và vừa để khai thác được tính năng động, hiệu quả của cộng đồng doanh nghiệp và hai nền kinh tế

Tại buổi làm việc, ông Đỗ Thắng Hải - Thứ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam cho biết, tăng trưởng thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ tích cực ở mức 23% thời gian qua. Tuy nhiên, ông cho rằng, “việc hợp tác - đầu tư giữa 2 bên, tạo ra cân bằng thương mại là do các doanh nghiệp, trên cơ sở các thoả thuận hợp tác giữa Chính phủ hai nước. Việc thuế nhập khẩu của Hoa kỳ dành cho Việt Nam không có ưu thế gì lắm, thậm chí còn cao hơn mức thuế của các nước khác dành cho Việt Nam. Việt Nam xuất khẩu thép sang Hoa Kỳ ít hơn nhập khẩu thép từ Hoa Kỳ vào Việt Nam mà lại chịu mức thuế nhập khẩu như Hoa Kỳ áp với Trung Quốc thì không công bằng”

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng, Việt Nam và Hoa Kỳ là hai nền kinh tế có tính bổ sung lẫn nhau. Việt Nam không có chủ trương xuất siêu sang Hoa Kỳ mà chỉ tập trung xuất khẩu các mặt hàng lợi thế trong nước và tăng cường nhập khẩu các hàng hoá công nghệ cao, thân thiện với môi trường từ phía Hoa Kỳ, đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp và người dân hai quốc gia

Đồng thời với cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, Chính phủ Việt Nam sẽ tạo điều kiện thuận lợi cao nhất cho doanh nghiệp Hoa Kỳ, phù hợp với khả năng và các quy định pháp luật trong nước, quốc tế liên quan. Chính phủ Việt Nam tin tưởng các vướng mắc sẽ được giải quyết thoả đáng, thúc đẩy hợp tác- đầu tư, thương mại giữa hai nước và hướng tới cần bằng lợi ích hai bên

Chủ tịch Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ khẳng định, sẽ phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp của Việt Nam để thúc đẩy hợp tác- đầu tư giữa hai bên cũng như tìm kiếm các giải pháp để tư vấn cho Chính phủ Hoa Kỳ, Việt Nam giải quyết các vấn đề nổi lên trong thương mại- đầu tư giữa hai nước

HL
 
Top