What's new
Vietnam - Điện Biên Phủ Kinh Tế

This is a sample guest message. Register a free account today to become a member! Once signed in, you'll be able to participate on this site by adding your own topics and posts, as well as connect with other members through your own private inbox!

Đầu tư vào Nông Nghiệp

LOBBY.VN

Administrator
Ngành chăn nuôi sẽ nhường sân cho nước ngoài ?
- Đến năm 2015, các sản phẩm thịt heo, thịt gà, trứng sẽ không được bảo hộ thuế, chính sách trợ cấp trong cam kết tham gia khu vực mậu dịch tự do ASEAN (AFTA)

Với thực trạng con giống, công nghệ, quy mô đàn, giá thành… như hiện nay, chắc chắn sản phẩm chăn nuôi trong nước khó cạnh tranh với các nước trong khu vực


Theo phản ánh của tiểu thương, sản phẩm thịt các loại đang rất ế ẩm

Khi chính sách bảo hộ bị dỡ bỏ, sản phẩm thịt heo, thịt gà, trứng của Thái Lan, Indonesia hay Malaysia có thể xuất khẩu tự do vào thị trường Việt Nam mà không qua bất cứ rào cản nào

Sáu giờ vận chuyển, gà Thái có thể có mặt ở chợ Sài gòn

Ông Phạm Đức Bình, tổng giám đốc công ty Thanh Bình, đồng thời là phó chủ tịch hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam khẳng định, ngành chăn nuôi trong nước còn kém xa về quy mô, năng suất, giá thành, chất lượng với các nước trong khu vực. Vì vậy, khi chính sách bảo hộ không còn, chắc chắn người chăn nuôi, doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn

Theo phân tích của một số chuyên gia trong ngành, mặc dù cũng phụ thuộc vào con giống, nhưng Thái Lan, Indonesia, Malaysia, ba quốc gia có ngành chăn nuôi phát triển nhất khu vực lại đi trước Việt Nam về trình độ công nghệ, kỹ thuật chăn nuôi, đặc biệt là quy mô đàn và năng suất lao động

Một nhân công nuôi gà ở Thái Lan có thể quản lý đàn gà công nghiệp 20.000 con, trong khi công nhân Việt Nam cao lắm cũng chỉ được 5.000 con. Bên cạnh đó, các nước trong khu vực, đặc biệt là Thái Lan có chính sách đầu tư cho chăn nuôi khá bài bản, doanh nghiệp tự chủ nguyên liệu thức ăn, các chất phụ gia, khoáng chất… chứ không phải nhập khẩu gần như hoàn toàn như Việt Nam

Họ có thêm các lợi thế về vốn vay rẻ, không phải chịu thuế VAT đầu vào thức ăn và có chính sách hỗ trợ chăn nuôi từ phía Chính phủ, nên giá thành sản phẩm thấp hơn Việt Nam ít nhất là 15 – 20%

Ông Phạm Đức Bình cho biết, cách đây mười năm ông đã khảo sát, nghiên cứu khá kỹ khả năng cạnh tranh của gà Thái Lan khi chính sách thuế bị dỡ bỏ và xét thấy không thể chống đỡ nổi, nên đến đầu năm 2013 công ty Thanh Bình đã rút lui khỏi nghề chăn nuôi gà. Doanh nghiệp Thái Lan, như ông phân tích, họ nuôi gà có giá thành rất rẻ nên đã xuất khẩu đi Nhật, Mỹ, các nước châu Âu và có thể xuất sang thị trường Việt Nam bằng đường bộ qua Campuchia

“Một số tỉnh vùng Đông Bắc nước Thái giáp ranh với Campuchia có tổng đàn lớn nhất nước. Các nhà máy giết mổ ở đây có công suất 2.000 con/giờ trở lên, có thể đưa gà vào giết mổ lúc 6 giờ chiều, đến 9, 10 giờ đêm là xong, sau đó đóng xe tải vận chuyển sang Việt Nam

“Tôi đảm bảo chỉ cần mất sáu tiếng, tức là khoảng 4 giờ sáng là gà Thái đã có mặt ở các chợ TP.HCM”, ông Bình nói

Việc có thể xuất khẩu được sản phẩm ra nước ngoài cũng đưa đến nhiều lợi thế cho doanh nghiệp chăn nuôi các nước trong khu vực. Các thị trường nhập khẩu Nhật, Mỹ, EU thường chuộng phần ức con gà nên giá thường cao hơn rất nhiều, doanh nghiệp các nước chỉ cần bán phần này có thể đảm bảo lợi nhuận. Phần chân, cánh, đùi, nội tạng vốn được người dân Việt Nam ưa chuộng, được bán sang Việt Nam với giá rẻ để cạnh tranh

Doanh nghiệp lớn cũng thua

Do thua lỗ kéo dài, các doanh nghiệp lớn nước ngoài đang áp dụng nhiều biện pháp để giảm đàn gà công nghiệp tại Việt Nam như kéo dài thời gian thả nuôi, giảm sản lượng. Ông Nguyễn Đăng Vang, chủ tịch hội Chăn nuôi Việt Nam cho biết, tổng đàn gà công nghiệp đang có sự giảm sút nghiêm trọng

Năm 2011, ba đại gia nước ngoài gồm C.P, Emivest, Japfa nuôi tới hơn 120 triệu con, đến năm 2012 giảm còn hơn 70 triệu và năm nay dự kiến còn thấp hơn rất nhiều. “Có tới 50% các trang trại gà công nghiệp ở các tỉnh phía Bắc ngưng nuôi, ở phía Nam cũng ngưng nuôi hàng loạt”, ông Vang nói

Chỉ cần 40 – 45 ngày có thể nuôi một lứa gà công nghiệp, nếu thị trường tốt lên, đàn gà sẽ tăng trở lại. Tuy nhiên, xét ở khía cạnh đầu tư lâu dài, bền vững, dễ nhận thấy việc giảm thuế nhập khẩu, bỏ trợ cấp trong khu vực AFTA sẽ quyết định đến sự tồn tại của ngành chăn nuôi trong nước

“Cơ hội đầu tư kiếm lợi nhuận cao chắc chắn là không còn nên việc các đại gia nước ngoài thu hẹp đàn, rút dần ra khỏi thị trường gà công nghiệp cũng là điều dễ hiểu”, ông Phạm Đức Bình phân tích

Nhiều ý kiến khác cũng cho rằng, nếu bỏ qua cạnh tranh đến từ AFTA, nhiều năm trở lại đây ngành chăn nuôi trong nước cũng đã phải đối mặt sức ép rất lớn từ sản phẩm nhập khẩu ngoài khu vực như Mỹ, Brazil, EU…

Ba, bốn năm trở lại đây, trung bình mỗi năm có đến hàng trăm ngàn tấn thịt nhập khẩu về với giá rẻ hơn nhiều so với sản phẩm chăn nuôi trong nước. Chỉ tính riêng bốn tháng đầu năm nay, thịt gà ngoại vẫn nhập về trung bình mỗi tháng từ 5.000 – 7.000 tấn, bằng 50% sản lượng nuôi trong nước

Nhiều doanh nghiệp cũng không sử dụng thịt heo trong nước mà tận dụng thịt heo đông lạnh giá rẻ từ Mỹ để chế biến xúc xích, thịt hộp, lạp xưởng…

Hoàng Bảy
 
Last edited:
Mới ra tỉnh đã quên mình "chân quê" ?
Không nên đặt nông nghiệp và công nghiệp lên bàn cân để xem chúng ta lập thành tích giảm tỉ trọng nông nghiệp được đến đâu mà phải đặt ra bài toán công nghiệp hóa nông nghiệp thế nào cho hiệu quả


Với lịch sử ngót ba thế kỷ, xuất phát từ các nước Tây Âu, công nghiệp hoá vẫn luôn được xem là một bước quan trong tiến trình phát triển kinh tế. Ở Việt Nam, từ những năm 1960, định hướng "công nghiệp hoá, hiện đại hoá" được coi là trọng tâm của thời kỳ quá độ lên CNXH

Mới chỉ nằm trên các... luận văn khoa học

"Công nghiệp hóa, hiện đại hóa" đã trở thành một khẩu hiệu được mặc định là đúng đắn, không cần bàn cãi hay xem xét. Công nghiệp hóa được xem như con đường duy nhất dẫn tới hiện đại và phát triển. Người ta gắn liền công nghiệp với sự giàu mạnh, tân tiến. Trong khi đó, nông nghiệp luôn đi kèm với sự nghèo nàn và lạc hậu

Chính vì thế, đã bao năm nay từ trung ương tới địa phương, ở đâu cũng chỉ thấy vô số chính sách thu hút đầu tư vào công nghiệp, dịch vụ

Trong khi đó, thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp là một vấn đề còn khá mới mẻ ở Việt Nam, hay nói đúng hơn mới chỉ nằm trên các... luận văn khoa học

Thế nhưng, nghiêm túc nhìn lại, chúng ta phải thừa nhận một thực tế đáng quan ngại là hiệu quả của quá trình công nghiệp hóa được đẩy mạnh một cách ồ ạt tại nước ta trong mấy chục năm qua chưa được như mong đợi

Sau năm 1975, do quá chú trọng công nghiệp nặng, nền kinh tế trở nên thiếu cân đối. Cùng với những chính sách ấu trĩ về thương mại, việc không quan tâm đúng mức tới chính sách nông nghiệp đã khiến cho những vùng chưa bao giờ biết tới nạn đói, như cũng phải điêu đứng vì thiếu lương thực trong những năm trước đổi mới

Kể từ đó tới nay, những ngành công nghiệp được cho là mũi nhọn của đất nước vẫn đang ngốn số vốn khổng lồ, được o bế bằng các chính sách bảo hộ nhưng hiệu quả kinh tế của các ngành này vẫn là một câu hỏi lớn.

Hàng năm, báo cáo về sản xuất công nghiệp vẫn nhắc lại những kết luận quen thuộc như hàm lượng giá trị gia tăng trong sản xuất công nghiệp còn thấp; tỷ lệ sản xuất gia công còn cao; công nghiệp phụ trợ chưa phát triển, sức cạnh tranh của sản phẩm công nghiệp chưa cao

Một thí dụ điển hình là ngành ô tô. Tỷ lệ lắp ráp trong nước của ngành này chỉ đạt khoảng 5 - 10% trong khi phần linh kiện, máy móc nhập khẩu từ nước ngoài chiếm tới 90 - 95%

Thật đáng suy nghĩ khi mà ở một đất nước với thu nhập bình quân mới vượt qua ngưỡng nghèo như Việt Nam, giá ô tô lại cao hơn so với các nước giàu nhất thế giới bởi các loại thuế, phí đã đội giá ô tô nhập khẩu lên nhiều lần. Thực chất, đây là một biện pháp nhằm mục đích bảo hộ ngành ô tô nội địa

Người viết dẫn ra những ví dụ này không nhằm mục đích phủ nhận những hiệu quả kinh tế tích cực nhất định mà chính sách công nghiệp hóa mang lại. Tầm quan trọng của công nghiệp trong nền kinh tế là điều cần thừa nhận. Đúng như lời bàn của Lê Quý Đôn rằng "phi công bất phú"- không có công nghiệp thì đất nước không thể trở nên phú cường được

Tuy nhiên, công nghiệp hoá cần phải có một hướng đi rõ ràng, cụ thể, phù hợp với điều kiện của đất nước, có cân nhắc đến nguồn tài nguyên và khả năng kết hợp với các lĩnh vực khác của nền kinh tế

Đẩy mạnh công nghiệp hóa trong khi không xem xét một cách toàn diện các nhân tố trên, không những không đem lại thành tựu tương xứng mà còn có thể gây ra nhiều tác hại, để lại những hậu quả nặng nề về sau

Đã quên mình "chân quê"

Từ nhận thức đó, người viết muốn dẫn bạn đọc chuyển sang câu chuyện về nông nghiệp. Vai trò của nông nghiệp nên được đặt ở đâu trong tiến trình công nghiệp hóa là điều mà người viết muốn đề cập trong phần còn lại của bài viết

Người ta vẫn hay phê phán những ai mới "ra tỉnh" đã quên mình cũng "chân quê" nhưng ít ai nhận thấy cách ứng xử đó cũng đang diễn ra ở tầm vĩ mô

Như một nghịch lý, một đất nước thoát thai từ nông nghiệp, có điều kiện tuyệt vời để phát triển nông nghiệp như Việt Nam lại đang coi rẻ "bầu sữa" đã nuôi lớn mình để chạy theo giấc mơ nhanh chóng trở thành nước "công nghiệp hiện đại"

Những lý thuyết cơ bản về thương mại quốc tế đều khẳng định mỗi quốc gia nên tập trung vào những ngành sản xuất mà quốc gia đó có lợi thế so sánh. Khi tham gia vào thương mại quốc tế, một quốc gia sẽ xuất khẩu những mặt hàng mà quốc gia đó có nguồn lực sản xuất dồi dào

Đối với Việt Nam, các lý thuyết này đã được minh chứng trên thực tiễn. Nhờ có truyền thống nông nghiệp, với điều kiện thiên nhiên ưu đãi và lực lượng lao động nông nghiệp đông đảo, Việt Nam từ nhiều năm qua đã trở thành một trong những nước xuất khẩu nông sản hàng đầu thế giới

Thế nhưng, bất chấp những lý thuyết kinh tế và bằng chứng thực tiễn về vai trò lớn lao của nông nghiệp, nhiều nhà làm chính sách vẫn hùng hồn tuyên bố rằng không thể giàu lên nhờ nông nghiệp vì ... bao nhiêu tấn gạo mới đổi được một con chip điện tử. Đó là lối tư duy tiểu nông được che giấu bởi những lời ngụy biện chỉ hợp lý ở vẻ bề ngoài

Người viết cho rằng nông nghiệp hoàn toàn có thể làm cho đất nước giàu lên, và không dựa vào lợi thế so sánh sẽ là một bước đi sai lầm. Tại sao Việt Nam lại "cố sống cố chết" chạy theo giấc ảo mộng về việc trở thành nước công nghiệp hiện đại trong khi việc trở thành nước nông nghiệp hiện đại là một mục tiêu vừa tầm tay hơn rất nhiều ?

Đồng ý rằng có nhiều trường hợp hàng chục tấn gạo mới đổi được một con chip điện tử. Nhưng không lẽ vì thế chúng ta sẵn sàng đánh đổi hàng ngàn hecta đất nông nghiệp để xây dựng những khu công nghiệp, tập trung vào những ngành không có lợi thế so sánh trong khi thế giới đã bỏ xa chúng ta. Để rồi cuối cùng chỉ là kẻ làm công, chỉ đơn thuần thực hiện những công đoạn lắp ráp giản đơn

Nông sản có giá trị thấp hơn sản phẩm công nghiệp là một thực tế. Vấn đề đặt ra là làm sao để nâng cao được giá trị gia tăng của nông nghiệp. Có hai con đường là giảm chi phí sản xuất và tăng cường công nghiệp chế biến. Muốn làm được điều đó phải dựa vào công nghiệp

Do vậy, không nên đặt nông nghiệp và công nghiệp lên bàn cân để xem trong những năm qua chúng ta lập thành tích giảm tỉ trọng nông nghiệp được đến đâu mà phải đặt ra bài toán công nghiệp hóa nông nghiệp thế nào cho hiệu quả

Nhận thức của Việt Nam về vai trò và vị trí của nông nghiệp trong cơ cấu nền kinh tế nên có sự thay đổi cơ bản. Nông nghiệp cần phải trở thành trung tâm của nền kinh tế và các ngành công nghiệp, dịch vụ phải phát triển xoay quanh nông nghiệp, phục vụ cho nông nghiệp

Theo sau việc đầu tư phát triển nông nghiệp, ngoài công nghiệp chế biến được đẩy mạnh, còn cần công nghiệp sản xuất phân bón, máy móc trang thiết bị, sản xuất sản phẩm cao cấp từ nông nghiệp...

Các ngành dịch vụ như vận tải, phân phối cũng sẽ được nông nghiệp tạo đà phát triển. Những ngành công nghiệp không phù hợp vì thiếu lợi thế so sánh cũng sẽ nhờ đó được loại bỏ

Liên quan trực tiếp tới nông nghiệp là ẩm thực. Càng đi ra nước ngoài mới càng thấy sự tinh túy của nền ẩm thực Việt Nam. Giáo sư Marketing hàng đầu Philip Kotler từng nói, Việt Nam có thể trở thành đầu bếp của thế giới. Xét đến cùng đó cũng là câu chuyện xoay quanh lợi thế về nông nghiệp của nước ta

Nhưng thay vì trân trọng những gì đang có, chúng ta lại đang hủy hoại lợi thế của chính mình bằng cách "đầu độc" nền ẩm thực tinh túy đó với các loại thực phẩm và quy trình chế biến ô nhiễm, kém chất lượng

Điều đó cho thấy, trong cái nhìn của người làm chính sách, nông nghiệp vẫn chỉ là một viên sỏi thô ráp, đơn sơ chứ chất ngọc bên trong nó chưa được phát lộ

Phi nông bất ổn

Cùng với mức độ quan tâm chưa tương xứng tới nông nghiệp trong nền kinh tế, người nông dân Việt Nam - lực lượng chiếm đa số dân số cả nước - những người tạo ra khối lượng nông sản khổng lồ phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu cũng chỉ có tiếng nói yếu ớt trong xã hội. Mỗi khi nền kinh tế gặp khó khăn, người ta chỉ thấy những đại gia lên tiếng còn người nông dân chỉ biết "kêu trời"

Trong thời gian học tập ở Thụy Sĩ, người viết có cơ hội được chứng kiến đời sống nông dân ở một nơi mà nông nghiệp được hết sức quan tâm. Tại đây, không có cảnh những người nông dân chân lấm tay bùn đầu tắt mặt tối nhờ sản xuất nông nghiệp được công nghiệp hóa cao. Tỷ trọng giá nông sản so với sản phẩm công nghiệp cũng tương đối cao

Chưa kể người nông dân được bảo hộ và trợ cấp nên họ thực sự trở thành những "phú nông" với mức sống không kém bất cứ ngành nghề nào trong xã hội

Điều đó khiến người viết cảm thấy vô cùng day dứt khi nghĩ tới người nông dân Việt Nam. Không những lao động cực nhọc vì phương thức sản xuất lạc hậu, chí phí sản xuất lớn nhưng hiệu quả sản xuất chưa cao, người nông dân Việt Nam còn phải đối mặt với đủ các rào cản khi tham gia vào thương mại quốc tế

Nhưng mối đe dọa nghiêm trọng hơn cả có lẽ xuất phát từ chính thái độ coi rẻ vai trò nông nghiệp. Trong mối tương quan với công nghiệp, nông nghiệp luôn ở thế yếu hơn. Không những bị lép vế trong ưu tiên phát triển mà nông nghiệp còn sẵn sàng bị hi sinh để phát triển các ngành công nghiệp có khói và không khói

Đất đai sản xuất nông nghiệp không phải bỗng dưng mà có, mà phải mất hàng trăm năm vỡ hoang, cải tạo. Các nước trên thế giới đều tránh động chạm tới quỹ đất nông nghiệp

Vậy nhưng ở nước ta chỉ cần căn cứ vào một câu "thu hồi đất vì mục đích phát triển kinh tế" là đất ruộng sẽ trở thành nền khu công nghiệp, nền chung cư, biệt thự, sân golf

Điều đáng nói là chúng ta mới chỉ biết "phi công bất phú" nhưng lại quên mất câu "phi nông bất ổn." Sự ổn định mà nông nghiệp đem lại không phải chỉ là an ninh lương thực mà còn là những lợi ích trong bảo vệ, cải tạo môi trường, gìn giữ tài nguyên thiên nhiên, phân bố dân cư, lao động...

Hãy nhìn vào những nước đã đi lên từ nông nghiệp. Cho đến nay các nước này vẫn duy trì nền nông nghiệp như một phần không thể thiếu bên cạnh một nền công nghiệp phát triển, tạo sự cân đối, hợp lý cho nền kinh tế, hướng tới phát triển bền vững

Người viết tin chắc rằng để trợ cấp, bảo hộ nông nghiệp vẫn có những cách làm phù hợp. Bởi lẽ chính các quốc gia phát triển lại là những nước bảo hộ nông nghiệp mạnh mẽ nhất. Việc các nước lớn từ chối mở cửa thị trường nông nghiệp là một trong những nguyên nhân dẫn tới sự thất bại của vòng đàm phán Doha

Trong khi đó ở Việt Nam, nơi mà người nông dân vẫn chưa phải là đối tượng được quan tâm trong chính sách phát triển kinh tế thì việc được hưởng những khoản trợ cấp như thế sẽ còn là tương lai xa vời

Giờ đây, khi chúng ta vẫn tiếp tục "xà xẻo" nông nghiệp để phục vụ phát triển công nghiệp, hãy nhớ rằng chúng ta cũng sẽ phải chịu trách nhiệm với hậu thế về thái độ ứng xử tương tự mà chúng ta đang dành cho nông nghiệp

Khương Duy
 
Last edited:
Để có 100 tỷ USD

'Hiện GDP nông nghiệp chúng ta đang xoay quanh con số 20 tỉ USD, mục tiêu chúng ta phải là 100 tỷ USD

Muốn có được con số đó, phải dựa vào Khoa học công nghệ', ông Nguyễn Công Tạn, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ nói

Nông nghiệp bí chỗ nào ?

Thưa ông, đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp đã chỉ ra những định hướng phát triển khá chi tiết. Tuy nhiên, về mặt tổng thể, chiến lược dài hơi cho nông nghiệp Việt Nam có vẻ vẫn khiến nhiều người băn khoăn ?

Về cơ bản, phải khẳng định cả bốn ngành trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp và thủy sản mấy năm nay đều chững lại. Theo tôi có mấy căn nguyên cơ bản dẫn tới tình trạng này


Ông Nguyễn Công Tạn

Thứ nhất là thị trường, mà tiêu biểu là vấn đề lúa gạo. Lâu nay chúng ta đặt vấn đề an ninh lương thực, thực tế xét phạm vi cả thế giới thì nhu cầu tiêu thụ gạo những năm qua có tăng, nhưng xét về cá thể, đặc biệt ngoài khu vực nghèo đói thì ngày càng giảm

Nhu cầu gạo con người ngày càng ăn ít đi, chứ không thể mãi gia tăng. Dân Thái Lan bây giờ chỉ tiêu thụ tầm 100kg gạo/người/năm, Việt Nam rồi cũng sẽ tới mức đó. Như thế nếu quy ra dân số VN tương lai khoảng 100 triệu dân, cũng chỉ cần tầm 10 triệu tấn gạo, cứ cho tương đương 20 triệu tấn thóc là đủ

Trong khi đó, nước NK gạo nhiều rồi sẽ tự túc dần, còn các nước đói thì không có tiền mà mua gạo. Tóm lại, nếu không thay đổi thì kiểu gì chúng ta vẫn trở về cảnh thừa gạo

Thứ hai, SX chúng ta chững lại do nhiều nguồn lực, trong đó chủ yếu nguồn lực đất đai đã cạn. Cao su chỉ phát triển chừng ấy diện tích là hết, rồi cũng phải qua Lào, Campuchia... thuê đất trồng. Cà phê đến nay 600 nghìn ha, cũng đã hết chỗ, còn đất đâu nữa mà trồng ?

Rồi cây điều, tiêu, chè... cũng cơ bản hết tiềm lực đất đai, rồi sẽ đi xuống. Trong khi đó, nhiều diện tích cây trồng sau năm 1975 đến nay đã hết chu kỳ khai thác, việc tái canh chiến lược vẫn không đầy đủ...

Thứ ba, KHKT là căn cứ đầu tiên để hoạch định chính sách và chiến lược phát triển, nhưng KHKT nông nghiệp chúng ta quá yếu, không bắt kịp và đón đầu được sự phát triển của nền nông nghiệp trước những thử thách

Chúng ta rối và thiếu định hướng phần lớn là do không có khoa học định hướng trước

Tiềm lực tự nhiên cho nông nghiệp ở VN là “tam sơn, tứ hải, nhất phần điền”. Trong đó “nhất phần điền” như ĐBSH, ĐBSCL, Tây Nguyên làm cái gì cũng dễ thì bây giờ đã khai thác hết. Chúng ta buộc phải phát triển tới “tam sơn, tứ hải”, nhưng do khoa học không định hướng được nên còn hạn chế

“Tam sơn” của chúng ta (trừ Tây Nguyên), còn mười mấy triệu ha, chiếm trên 20% dân số khắp Bắc tới Nam Trung bộ, đến nay đều bí về phương hướng. Lúc nào Đảng, Nhà nước cũng phải đặt câu hỏi trồng cây gì, nuôi con gì hiệu quả ? Trong những khuyết tật về khoa học nông nghiệp của VN thì khuyết tật lớn nhất đang nằm ở miền núi

Tôi khẳng định, SXNN chúng ta trì trệ trong mấy năm gần đây là lỗi chính do khoa học, chứ không phải do đầu tư. Khoa học nói cái gì hiệu quả, chẳng cần tới Nhà nước, dân họ đầu tư ngay

Khó từ tư duy

Ông đề cập tới xu hướng tất yếu “kiểu gì rồi cũng thừa gạo”. Vậy việc khó khăn trong XK gạo hiện nay, có phải do việc dự báo xu hướng sản xuất và tiêu dùng lúa gạo thế giới chúng ta kém ?

Thực ra việc dự báo chúng ta có làm, nhu cầu lúa gạo thế giới ra sao chúng ta biết rõ chứ không phải không biết. Nhưng cái cốt lõi khiến đến nay ta phải gặp cảnh khó khăn ấy chủ yếu là do tư duy


Lâu nay chúng ta đặt vấn đề an ninh lương thực giống như một lá bùa, khiến người ta không thể, hoặc không dám suy nghĩ khác đi, không dám thay đổi. Ngay cả vấn đề an ninh lương thực, tôi nghĩ chúng ta cũng đã hiểu sai, hiểu hẹp

Thế giới họ hiểu là Food Security phải là an ninh lương thực – thực phẩm, nghĩa là phải có cả trứng, sữa, khoai, đường, hoa quả nữa...chứ đâu chỉ có lương thực, đâu chỉ có an ninh lương thực là gạo ?

Thành thử lúa gạo VN lâu nay chịu tất cả sức ép đè lên nó, khiến những nhà lãnh đạo không dám thay đổi. Chúng ta bị trói vào tư duy ấy quá lâu, chứ không phải chúng ta không biết dự báo xu hướng tiêu dùng lúa gạo

Bộ NN-PTNT đang lấy ý kiến các địa phương về việc chuyển đổi một phần diện tích đất lúa kém hiệu quả sang cây trồng khác có giá trị hơn, trong đó chú trọng vào cây nguyên liệu thức ăn chăn nuôi như ngô, đậu tương... Quan điểm của ông về định hướng này thế nào ?

Phải khẳng định tiềm lực SX lúa gạo chúng ta còn lớn. Tuy nhiên, nông dân lại không muốn làm, căn bản do thu nhập quá thấp. Lúa năng suất có cao tới 10 – 12 tấn/ha đi chăng thì cũng chỉ có 50 – 60 triệu đồng/ha, mà toàn là đất bờ xôi ruộng mật chứ không phải là xấu

Công bằng mà nói là không xứng đáng với công sức của dân, trong hoàn cảnh mặt bằng giá mọi thứ đã quá cao như hiện nay

Về diện tích lúa, theo tôi tương lai chỉ cần giữ để đạt 20 triệu tấn lúa là quá đủ cho an ninh lương thực rồi. Còn lại tùy vào các địa phương mà chuyển đổi linh hoạt, có thể là ngô, đậu tương, chăn nuôi hay thủy sản...

Hoặc vẫn có thể giữ lúa ở những vùng có lợi thế, nhưng nếu giữ thì phải có chiến lược phục vụ chuyển sang chế biến thức ăn chăn nuôi. Lúa Q5 ở phía Bắc, IR50404 ở ĐBSCL hoàn toàn có thể giữ lại để làm nguyên liệu cho thức ăn chăn nuôi

Nhưng làm thế thì cơ cấu ngành chăn nuôi lại phải thay đổi theo để phù hợp. Chẳng hạn chúng ta có vịt, gà... hoàn toàn có thể sử dụng lúa, tại sao không sử dụng ?

Để có nền nông nghiệp 100 tỷ USD

Xin ông cho biết một số quan điểm về việc cơ cấu, sắp xếp lại một số lĩnh vực SXNN chủ chốt trong giai đoạn tới ?

Trước hết, phải xem thu nhập của nông dân là sự bền vững quan trọng và nhân văn nhất. Còn KHCN và hoàn thiện chuỗi giá trị từ SX tới chế biến phải được coi là sản nghiệp của ngành nông nghiệp

Hiện nay, GDP nông nghiệp chúng ta đang xoay quanh con số 20 tỉ USD, mục tiêu chúng ta phải là 100 tỷ USD. Muốn có được con số đó, phải dựa vào KHCN, mà khâu chế biến để hoàn thành chuỗi giá trị cho SXNN là mấu chốt. Ở các lĩnh vực SXNN cụ thể, tôi cho rằng có mấy hướng

Về chăn nuôi, lợn và gia cầm lấy thịt hiện chúng ta đã bão hòa, tình cảnh chẳng khác gì SX lúa (số lượng vào loại lớn nhất khu vực, nhưng khả năng cạnh tranh kém)

Vì thế, chăn nuôi chỉ có hướng vào gia cầm lấy trứng. Bên cạnh đó, bò sữa trước đây ta tưởng là không làm được, nhưng bằng chứng là làm được rất tốt. Nếu chúng ta nâng lên được 1 triệu con bò sữa thì sẽ tạo được đột phá khủng khiếp trong nông nghiệp

Về thủy sản, cần phải chú ý đến thủy sản nước ngọt. Nói ngay như hồ Hòa Bình, lưu vực nước ngọt ước dăm vạn ha, có thể là vựa thủy sản lắm chứ !

Về lâm nghiệp, cần thay đổi tư duy quản lí lẫn chiến lược khoa học, đổi dần tư duy sinh thái sang tư duy thương mại. Dân không thể dựa vào mấy trăm nghìn đồng/ha để giữ rừng, mà phải có thương mại, có tiền mới có thể quay lại giữ rừng

Sinh khối nông nghiệp tương lai sẽ giải quyết cả vấn đề năng lượng cho con người, mà nguyên liệu gỗ sẽ là át chủ bài để giải quyết nhu cầu năng lượng sinh học. Mỗi năm, nếu chúng ta giải quyết được công nghệ, chỉ riêng tận dụng sinh khối chất thải nông nghiệp, đầu tư chỉ cần 15 tỉ USD thì sẽ thu về 50 tỉ USD

Ngoài phụ phẩm, sẽ phải bổ sung sinh khối rừng bằng cây cao sản, thậm chí lấy đất lúa trồng cây gỗ, điều này một số nước họ cũng đã làm như thế, chúng ta làm được thì hoàn toàn có thể nâng lên 100 tỉ USD/năm nhờ năng lượng sinh học

Có thể đây sẽ là một hướng mở ra bình minh cho nền nông nghiệp VN sau năm 2020

Nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn

“Nói thật, đừng có lo rằng dân họ sẽ bỏ hết lúa để chuyển sang làm thứ khác! Có chỗ họ có thể bỏ lúa trồng cây khác, nhưng có chỗ, vụ đông thì may ra mới chuyển được, chứ vụ xuân, vụ hè, vụ mùa nước ngập, trồng màu không được, nuôi thủy sản cũng đâu có dễ

Thế nên phần lớn đất lúa hiện nay, trồng lúa vẫn là thích hợp nhất, dân vẫn sẽ trồng lúa chứ lo gì chuyện không giữ được diện tích lúa ?

Nông nghiệp là lĩnh vực có đặc thù riêng, muốn tái cơ cấu, thay đổi chiến lược, tạo giá trị cho nông nghiệp không phải ngày một ngày hai là làm được ngay, ít nhất phải có bước chuẩn bị 10 năm, 15 năm

Muốn có ngày “bình minh” của nông nghiệp hiện đại sau năm 2020, ngay từ bây giờ, phải có bước chuẩn bị dài hơi về khoa học, sẵn sàng tiếp cận cái mới ít nhất từ nay tới 2015

Lê Bền
 
Last edited:
Nông sản mất giá, Bộ trưởng nghĩ nhiều
- "Khi được mùa mất giá, nông dân được lãi ít, trong khi thành phần khác lợi nhiều hơn, đây là vấn đề lớn, chúng tôi suy nghĩ rất nhiều" - Bộ trưởng Cao Đức Phát phát biểu tại phiên chất vấn sáng 13/6

Tiếp tục trả lời chất vấn tại Quốc hội sáng 13/6, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát trả lời câu hỏi ĐBQH đưa ra từ chiều qua

ĐB Y Thông (Phú Yên) cho rằng, hiện nay sản xuất nông nghiệp của gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là người dân sản xuất ra sản phẩm nông nghiệp bán với giá thấp không đủ bù đắp chi phí cho sản xuất, nhất là sản phẩm lúa gạo và sản phẩm chăn nuôi. Tuy nhiên, đối với người tiêu dùng mua các sản phẩm lại đắt và rất cao

“Với tư cách là cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực này, Bộ trưởng có thấy nhóm lợi ích nào thao túng ở lĩnh vực này hay không? Bộ trưởng có giải pháp nào để tháo gỡ nhằm giúp cho người nông dân đỡ khó khăn trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp?”, ĐB Thông chất vấn

Không để ép giá nông dân

Bộ trưởng nông nghiệp cho hay, khi có thông tin phản ánh về lợi ích nhóm, ông đã chỉ đạo phối hợp kiểm tra để có biện pháp ngăn ngừa. Tuy nhiên, ông khẳng định, cho tới nay vẫn chưa có cơ sở để xác định những nhóm lợi ích như ĐB nghi vấn trong lĩnh vực nông nghiệp

Ông cũng cho hay: "Chúng tôi hết sức chia sẻ và trăn trở trước tình hình hiện nay, khi nông dân vất vả làm ra nông sản song bán giá thấp. Chúng tôi đang cùng bộ ngành tìm mọi giải pháp khắc phục và đề xuất giải pháp lâu dài. Khi được mùa mất giá, nông dân được lãi ít, trong khi thành phần khác lợi nhiều hơn, đây là vấn đề lớn, chúng tôi suy nghĩ rất nhiều"


Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Bộ trưởng cũng cho biết một số giải pháp như hướng dẫn bà con tập trung sản xuất những cây trồng vật nuôi có thị trường và cần làm ra với năng suất cao, giá thành hạ so với "đối thủ". Không để tổ chức, đơn vị có ưu thế trên thị trường ép giá nông dân...

Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé về việc nông dân được lợi gì trong chính sách tạm trữ lúa gạo của Chính Phủ, Bộ trưởng khẳng định, đây chỉ là biện pháp tình thế. Khi thị trường tốt lên thì không cần tạm trữ

ĐB Nguyễn Văn Rinh (Hải Dương) đặt câu hỏi tình trạng tiêm vaccim "ăn bớt, quá hạn" cho trẻ em xảy ra gần đây làm cho người dân rất nghi ngại và càng nghi ngại hơn đối với việc sử dụng vacxin trong chăn nuôi. “Bộ trưởng đã có giải pháp gì để bảo đảm tính minh bạch, tin cậy để người dân yên tâm sử dụng” - ĐB Rinh hỏi

Trả lời, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho hay ông đã thường xuyên chỉ đạo các cơ quan chuyên môn của các địa phương để kiểm tra giám sát và xử lý nghiêm nếu vi phạm được phát hiện. “Chúng tôi chưa phát hiện được việc ăn bớt vác xin, có lẽ bởi vì giá trị của vaccim trong chăn nuôi cũng rất thấp, thấp nhất là vác xin tai xanh cũng chỉ có giá 33.000 đồng một liều”, ông Phát nói

Tuy nhiên, Bộ trưởng Cao Đức Phát cũng khẳng định đang chỉ đạo thanh tra trước thông tin một số nơi cán bộ không tiêm nhưng khai đã tiêm rồi rút vaccim bán kiếm lời

Chế tài không thiếu

Kết thúc phiên chất vấn Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã gói những vấn đề đặt ra cho ngành nông nghiệp. Một trong những quan điểm Chủ tịch Quốc hội không đồng tình với Bộ trưởng Nông nghiệp đó là thiếu chế tài xử phạt mạnh với gian thương nông sản nên dẫn đến không chỉ người sản xuất mà người tiêu dùng nông sản cùng thiệt

"Nói chế tài xử phạt nhẹ chưa thật đầy đủ. Phạt Quốc hội thông qua tới mức 2 tỷ đồng. Bên cạnh phạt còn có khắc phục, đền bù thiệt hại. Rồi tước giấy phép kinh doanh, tạm dừng kinh doanh...có thể làm được

Thực ra chúng ta làm chưa tốt. Cần phải làm tốt để đầu vào cho người sản xuất, đầu ra cho người sản xuất hợp lý, người nông dân có lợi, chứ không đợi Nhà nước bù...." - Chủ tịch Quốc hội cho hay

Để ngành nông nghiệp phát triển cả số lượng, chất lượng, hiệu quả, Chủ tịch Quốc hội thúc giục việc công nghiệp hóa nông nghiệp bằng công nghiệp, đưa nhanh khoa học công nghệ vào nông nghiệp. Giải quyết các vấn đề liên quan từ giống, sản xuất, dự trữ, lưu thông, phân phối trong khoa học công nghệ, học tập kinh nghiệm quản lý của nông nghiệp thế giới

"Cần quản lý sản xuất lưu thông phân phối, khắc phục tiêu cực, hàng giả, kém chất lượng, buôn gian bán lậu, rà soát thực tiễn để thắt chặt quản lý sản xuất, kinh doanh. Sản xuất kinh doanh áp dụng khoa học công nghệ không phải là sản xuất kinh doanh làm ra sản phẩm gian dối..."

Chủ tịch Quốc hội cũng cho rằng, cần chú trọng xây dựng thương hiệu nông sản góp phần gia tăng xuất khẩu, giúp ổn định kinh tế vĩ mô

"Xây dựng cho được thương hiệu, phát triển thị trường bình đằng cạnh tranh, tiến tới nền nông nghiệp được thế giới công nhân sản tốt, sạch, sản phẩm giá trị, người tiêu dùng không chỉ Việt Nam mà thế giới yêu chuộng, trân trọng hàng nông sản Việt Nam" - Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh

Ngoài phát triển nông nghiệp bền vững, hiệu quả, hỗ trợ trực tiếp, giúp nông dân làm giàu, ông cũng nhấn mạnh bảo vệ rừng và trồng rừng. Liền rừng là thủy điện, các bộ trưởng hứa sớm giải quyết quy hoạch thủy điện hạn chế mất lòng hồ, mất rừng...

Tá Lâm
 
Last edited:
Sau 24 năm 'cường quốc', Việt Nam có gì ?
Vì sao tiếng kêu của người làm nông nghiệp không "rầm rộ" như lĩnh vực khác trong thời điểm đầy khó khăn, nguy nan ? Phải chăng là do "Bộ trưởng hiền quá !", như nhận xét của đại biểu Trần Hoàng Ngân ?

Đã khá lâu, người nông dân và những ai quan tâm đến nông nghiệp - nông thôn mới nghe được những lời chất vấn sắc nét, rõ vấn đề như đại biểu Trần Hoàng Ngân với Bộ trưởng Bộ NN - PTNT Cao Đức Phát ! Dù rằng, hàng loạt vấn nạn của ngành NN - PTNT lâu nay cứ "đến hẹn lại lên", thậm chí ngày một trầm kha

Trầm kha và xót xa nhất là lúa nông dân làm ra bán không được, ế thừa khắp nơi. Trả lời chất vấn của phóng viên làm sao đảm bảo cho nông dân lãi 30% như yêu cầu của Chính phủ, ông chủ tịch Hiệp hội lương thực VN, kiêm TGĐ Tổng Công ty lương thực miền Nam đã cáu kỉnh: "Lúc này chỉ nói bán được hay không thôi! Không bán thì đem cho vịt ăn !"

Sau 24 năm, tức gần 1/4 thế kỷ, nông dân VN được xưng tụng như những anh hùng đã đưa đất nước từ chỗ nhập khẩu lúa gạo lớn, thành quốc gia xuất khẩu lúa gạo thứ hai thế giới.

Ngược dòng lịch sử, cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20, VN và Myanmar từng là hai quốc gia xuất khẩu gạo lớn ở châu Á. Do hoàn cảnh chiến tranh, xung đột, hai nước vắng bóng suốt thời gian dài

Đến năm 1989, nhờ công cuộc Đổi mới, cụ thể là Khoán 10 và Chỉ thị 100, VN đã "xuất thần" trở lại ngôi vị cường quốc xuất khẩu lúa gạo trước sự ngỡ ngàng của thế giới và cả chính chúng ta

Thành tựu này vĩ đại đến mức, suốt hàng chục năm sau đó, trong báo cáo thành tích của các ngành đều có câu "góp phần đưa đất nước thành cường quốc xuất khẩu gạo" !

Ngành NN- PTNT, Hội Nông dân VN viết vào báo cáo như vậy còn có lý. Nhưng nhiều ngành chẳng dính dáng đến nông nghiệp cũng "chia sẻ" thành tích này với niềm tự hào to lớn

Nhắc lại để thấy rằng, thành tích kỳ diệu sau khi trở lại ngôi "cường quốc" lúc ấy có tác động to lớn không chỉ về kinh tế, mà lan rộng ra tất cả các lĩnh vực khác

Tuy nhiên, ánh hào quang lấp lánh của ngôi vị đã lụi tàn vào giai đoạn sau. Đến hôm nay, nếu không chấp nhận bán đổ bán tháo, nông dân phải "để cho vịt ăn", thì quả là đáng buồn !

Không chỉ cây lúa "chịu đời đắng cay"

Năm 2012, ngành NN - PTNT được xem là "điểm sáng" vì đã làm trụ đỡ cho nền kinh tế gặp khủng hoảng. Kim ngạch xuất khẩu vẫn cao hơn năm trước

Nhưng cái giá phải trả cực đắt: Nông dân càng làm ra nhiều sản phẩm càng lỗ! Càng xuất khẩu càng khó khăn. Những đồng ngoại tệ mang về cho đất nước lúc khủng hoảng quý giá vô ngần chính là mồ hôi, nước mắt của nông dân

Không chỉ người trồng lúa, mà cả người chăn nuôi, trồng cây trái, hoa quả, rau màu, v.v... Mặt trận nông nghiệp gần như đều chung số phận thua lỗ! Báo chí phản ánh nhiều đến nỗi nhàm chán. Một số chính sách, chương trình đã được đưa ra nhưng gần như chưa có tác dụng

Đại biểu Trần Hoàng Ngân trong phiên chất vấn tại Quốc hội ngày 12/6 đã "nói hộ" nỗi lòng của người nông dân. Theo ông, trong khi các ngành gặp khủng hoảng như bất động sản người ta lăn xả, đánh động, sùng sục tìm giải pháp, kiến nghị Chính phủ, đưa ra Quốc hội... thì tiếng kêu của người làm nông nghiệp tắt lịm trước khi đến cấp cao !

Tại các kỳ họp trước, ở cơ sở người làm nông nghiệp lo toan mất ăn mất ngủ, thua lỗ, phá sản, tuyệt vọng...còn chương trình nghị sự của Quốc hội vẫn thường xuyên đề cập đến những biện pháp, gói cứu nguy cho bất động sản !

Vì sao tiếng "kêu cứu" của người làm nông nghiệp không "rầm rộ" như lĩnh vực khác trong thời điểm đầy khó khăn, nguy nan? Phải chăng là do "Bộ trưởng hiền quá!", như nhận xét của đại biểu Ngân ?

Nông nghiệp đang đi về đâu ?

Ở Hà Lan, 1 ha đất nông nghiệp đem lại 40.000 USD/năm. Gần với nước ta là Đài Loan, mỗi ha hàng năm đạt 12.000 USD

So sánh hiệu quả với các quốc gia và vùng lãnh thổ khác về hiệu quả thì không khỏi khập khiễng. Song điều cần nói là một nền nông nghiệp cứ "giậm chận tại chỗ" và thụt lùi mãi về hiệu quả sản xuất thì không thể gọi là bình thường, nếu không nói là bất thường !


Không chỉ cây lúa "chịu đời đắng cay"

Sau 1/4 thế kỷ trở lại ngôi vị, khả năng cạnh tranh của hạt gạo VN không những vẫn thua xa Thái Lan, mà còn thua luôn cả những "cường quốc" mới nổi như Ấn Độ, Myanmar. Và thua luôn cả gạo của Campuchia, quốc gia mới làm ra lúa gạo đủ ăn mấy năm nay !

Cũng sau 1/4 thế kỷ sản xuất gạo bán ra thế giới, ngoài thành tích sản lượng ngày càng tăng, VN vẫn chưa thật sự có được thị trường của mình. Chỉ cần một quốc gia nhỏ như Campuchia tham gia xuất khẩu cũng khiến cho sản phẩm của chúng ta điêu đứng, xiêu vẹo

Những tiến bộ mới trong canh tác như cơ giới hóa, kỹ thuật, chăm sóc, v.v... đã giúp tăng năng suất. Tuy nhiên, vấn đề lớn nhất, bao trùm nhất là tổ chức sản xuất nền nông nghiệp hiện đại, kết nối với nhu cầu, thị trường của thế giới gần như chưa có kết quả đáng kể

Những tiếng nói về cải cách, tổ chức lại nền Sản xuất nông nghiệp cũng "đến hẹn lại lên", như điệp khúc "được mùa mất giá", chỉ có tác dụng "thuốc an thần" tạm thời. Sau đó, đâu lại vào đấy !

Rõ ràng, vị tư lệnh của ngành Nông nghiệp không thể "hiền quá" như nhận xét của đại biểu Trần Hoàng Ngân ! Bởi ông là người đứng mũi chịu sào cho số phận của gần 70% dân số là nông dân; của một ngành sản xuất nền tảng của nền kinh tế đất nước !

Duy Chiến
 
Last edited:
Top