What's new
Vietnam - Điện Biên Phủ Kinh Tế

This is a sample guest message. Register a free account today to become a member! Once signed in, you'll be able to participate on this site by adding your own topics and posts, as well as connect with other members through your own private inbox!

EHC & Ngành công nghiệp y tế Việt Nam

'Cò' bệnh viện mời chào cả... lãnh đạo Bộ Y tế​

Chính đương kim Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế, khi đến BV Mắt trung ương cũng được “cò” mời chào mua sổ khám dịch vụ cho nhanh

Đã có hẳn một hội thảo để bàn biện pháp chống “cò” bệnh viện được ngành y tế phối hợp với các ban ngành chức năng tổ chức. Nhưng việc dẹp “cò” vẫn rất khó khăn bởi có sự tiếp tay của nhân viên y tế, thậm chí cả người bệnh

Bệnh nhân “bắt tay” với cò


Tình trạng “cò” y tế tung hoành tại nhiều cơ sở khám chữa bệnh không chỉ đơn thuần là việc chèo kéo gây phiền hà, thiệt hại cho người bệnh, mà không ít đối tượng trong đội quân này còn là những “đạo chích” chuyên nghiệp, trộm cắp tiền bạc, đồ đạc của bệnh nhân

Đại diện nhiều bệnh viện (BV) đều thừa nhận, việc dẹp được nạn “cò” thực sự là vấn đề nan giải, có chăng chỉ kiểm soát được phần nào. Cho dù BV phối hợp chặt với công an và chính quyền địa phương, thường xuyên kiểm tra, truy quét “cò”, nhưng cũng chỉ được một thời gian ngắn, xong đâu lại vào đó. Bởi lẽ, BV còn quá tải, người bệnh vẫn phải chịu vất vả, phiền hà mỗi khi đi khám, chữa bệnh, thì “cò” y tế vẫn còn đất hoành hành

Ông Nguyễn Xuân Hiệp, Phó Giám đốc BV Mắt Trung ương, thẳng thắn nhìn nhận: “Cò" đã tồn tại từ lâu, có lúc còn hoạt động công khai cả trong lẫn ngoài BV như bán sổ khám bệnh, môi giới làm xét nghiệm, phẫu thuật rồi dẫn bệnh nhân đến các phòng khám tư nhân…

Thực tế, BV đã tuyên truyền qua loa phóng thanh ngay từ cổng vào và dán những biển cảnh báo, nhưng người bệnh nhiều khi thấy đông đúc, chật chội nên vẫn thỏa thuận với “cò” để được khám bệnh nhanh. Mặt khác, xung quanh BV có tới 6 cơ sở khám mắt khác nên người bệnh dễ bị “cò” rủ rê, lôi kéo

Ông Phạm Đức Mục, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh, Bộ Y tế, cũng chia sẻ, chính ông khi đến BV Mắt trung ương cũng được “cò” mời chào mua sổ khám dịch vụ cho nhanh

Không thể xử lý triệt để

Còn ông Vũ Bá Quyết, Phó Giám đốc BV Phụ sản Trung ương, cho rằng, khó có thể xử lý và không thể biết được những đối tượng cò mồi, dụ dỗ, lôi kéo khách vào khám tại các phòng khám tư nhân. Tuy nhiên, nếu người dân có thông tin, BV sẵn sàng tiếp nhận và phản ánh với công an để xử lý

Đại diện BV Bạch Mai, cho rằng “cò” cũng giống nạn trộm cắp hay nhiều tệ nạn xã hội khác, khó trị tận gốc. BV đã dán ảnh những đối tượng cò mồi để bệnh nhân cảnh giác nhưng vẫn không thể xử lý triệt để

Còn ông Nguyễn Huy Quang, Vụ phó Vụ pháp chế, Bộ Y tế, nhận xét, tình trạng “cò” chủ yếu tập trung ở khu vực BV công. Đây là “khuyết tật” về mặt xã hội thuộc khu vực y tế công. Tuy nhiên, ông Quang cũng thẳng thắn, cần phải làm rõ khái niệm cò mồi là môi giới giữa người bệnh và nhân viên y tế, với BV

Quan hệ tay 3 làm xuất hiện “cò nội” và “cò ngoại”. “Cò ngoại” là môi giới ở ngoài, “cò nội” là ở bên trong phối hợp với “cò ngoại” để sắp xếp giường, bác sĩ mổ… cho người bệnh hoặc bản thân nhân viên y tế tự giới thiệu với bệnh nhân để đưa đến phòng khám riêng hoặc BV tư

Ngoài ra, “cò” BV đang hoạt động dưới nhiều hình thức, hoặc đơn lẻ hoặc biến tướng thành một tổ chức nên phức tạp, khó giải quyết. “Hiện nay đã có quy chế BV chứ không phải không có cơ chế xử lý, có điều cơ bản là giải quyết vấn đề này như thế nào…”, ông Quang nói

Trước việc “bắt tay” của nhân viên y tế với “cò”, các BV cho biết đều có chế tài xử lý thật nặng, thậm chí chấm dứt hợp đồng với y, bác sỹ nào móc ngoặc với “cò”, lấy tiền của bệnh nhân. Tuy nhiên, thực tế cho tới nay, số cán bộ y tế làm “cò” bị phát hiện và xử lý vẫn còn quá ít, thậm chí là không xử lý được

Đại diện BV Việt Đức cho biết, có hình thức phạt 5-10 triệu đồng khi nhân viên áo trắng đi đón bệnh nhân, giúp thanh toán viện phí hay khám bệnh, nhưng thực tế chưa ai bị phạt

Còn Phó Giám đốc BV Phụ sản Trung ương thông tin thêm, nhiều khi “cò” lại chính là những cán bộ đã từng làm tại bệnh viện mới nghỉ hưu, nay đưa người đến nhận là người nhà, họ hàng nên cũng khó có thể xử lý

Ông Nguyễn Việt Chức, Phó Trưởng phòng Cảnh sát hình sự, Công an Hà Nội, chỉ rõ, nhiều quận, huyện và BV chưa quan tâm đến việc phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm nói chung và “cò” BV. Hơn nữa, hiện nay mặt bằng nhiều BV chật hẹp, lượng bệnh nhân quá đông, đây chính là điều kiện thuận lợi để “cò”, trà trộn lôi kéo người bệnh và trộm cắp

Bên cạnh đó, khi bắt được “cò” giao cho công an phường xử lý, thì chỉ có thể xử phạt hành chính rồi thả ra. Ngày hôm sau, những đối tượng này lại tiếp tục hoạt động
 
Thủ tướng dự khánh thành Bệnh viện K Hà Nội​


Chinhphu.vn – Sáng 19/8, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đến dự lễ khánh thành Bệnh viện K, cơ sở Tân Triều giai đoạn I có 300 giường bệnh tại xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, Hà Nội

_BAC0040.jpg

Thủ tướng bày tỏ vui mừng khi các bệnh nhân ung thư đã có thêm cơ sở điều trị mới, hiện đại​

Bệnh viện K Hà Nội cơ sở Tân Triều được xây dựng trên diện tích 6,6 ha tại xã Tân Triều với mục tiêu đáp ứng nhu cầu khám, điều trị bệnh ung thư, thực hiện chức năng là bệnh viện chuyên khoa ung thư ở tuyến Trung ương với trang thiết bị hiện đại ngang tầm khu vực

Dự án có quy mô 1.000 giường bệnh, được thực hiện trong 2 giai đoạn, gồm các công trình chính như: nhà khám kỹ thuật nghiệp vụ cao (5 tầng với diện tích sàn 23.000 m2), nhà điều trị nội trú cao (7 tầng với diện tích sàn 27.000 m2), nhà xạ trị hậu cần (diện tích sàn 9.000 m2), các công trình phụ trợ. Dự án có tổng mức đầu tư trên 1.000 tỷ đồng và hiện đang phấn đấu hoàn thành vào năm 2013

Theo Tiến sỹ Bùi Diệu, Giám đốc Bệnh viện K, tình trạng quá tải ở Bệnh viện K cũng như các bệnh viện tuyến Trung ương khác trong nhiều năm qua đã và đang là vấn đề nổi cộm. Hiện mỗi ngày, Bệnh viện K khám và điều trị cho khoảng 4.000 bệnh nhân

Vì vậy, cơ sở Tân Triều của Bệnh viện K giai đoạn I đưa 300 giường bệnh vào hoạt động có ý nghĩa quan trọng trong khám và điều trị cho các bệnh nhân ung bướu, góp phần giảm tình trạng quá tải của các bệnh viện tuyến Trung ương

GDbenhviengioiithieuvoiTTgtrangthietbicosocuabv.jpg

Giám đốc Bệnh viện K hướng dẫn Thủ tướng thăm cơ sở của bệnh viện​


Phát biểu tại lễ khánh thành, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng tình trạng quá tải ở các bệnh viện Trung ương đang là điều lo lắng, trăn trở, bức xúc của Chính phủ, ngành Y tế và của nhân dân. Việc giải quyết tình trạng quá tải của các bệnh viện nói chung và Bệnh viện K nói riêng luôn được Chính phủ, Bộ Y tế đặc biệt quan tâm

Bệnh viện K, cơ sở Tân Triều được triển khai xây dựng theo chủ trương của Chính phủ, nằm trong chương trình tổng thể đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp các bệnh viện chuyên khoa trong cả nước. Việc Bệnh viện K-cơ sở Tân Triều đi vào hoạt động có ý nghĩa thiết thực, góp phần nâng cao năng lực và giải quyết vấn đề quá tải trong khám và điều trị bệnh ung thư ở nước ta

Nêu rõ việc khánh thành Bệnh viện K cơ sở Tân Triều giai đoạn I mới là thành công bước đầu của dự án, tiếp theo vẫn còn rất nhiều việc phải làm

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, Bộ Y tế cần tiếp tục tập trung chỉ đạo Bệnh viện K khẩn trương hoàn thành toàn bộ dự án Bệnh viện K cơ sở Tân Triều vào năm 2013 như kế hoạch tiến độ đã đề ra, bảo đảm chất lượng, kỹ thuật, an toàn, trước hết là đưa 300 giường bệnh được khánh thành trong giai đoạn I đi vào hoạt động hiệu quả, nhằm phục vụ tốt nhất cho công tác khám và điều trị bệnh ung thư

TTgthamtangqua1benhnhandgdieutri.jpg

Thủ tướng ân cần thăm hỏi người bệnh đang điều trị​

Bên cạnh đó, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu, cùng với việc chỉ đạo hoàn thành giai đoạn II của dự án, Bộ Y tế cần tiếp tục chỉ đạo nâng cao năng lực khám và điều trị ung thư ở các bệnh viện, nhất là tuyến Trung ương và tuyến tỉnh; khẩn trương hoàn chỉnh và trình Chính phủ Đề án giảm quá tải bệnh viện
 
2.600 tỉ đồng phát triển bệnh viện vệ tinh

- Trong hội thảo trực tuyến “Phê duyệt đề án bệnh viện (BV) vệ tinh khu vực phía Nam” được tổ chức ngày 11-10, bảy BV tại TP.HCM đã báo cáo kế hoạch thực hiện đề án BV vệ tinh

Các BV gồm Chợ Rẫy, Từ Dũ, Nhân Dân Gia Định, Chấn thương chỉnh hình, Nhi Đồng 1, Nhi Đồng 2 và Ung bướu

593316_zps491ed9d6.jpg

Mạng lưới bệnh viện vệ tinh chuyên ngành nhi của Bệnh viện Nhi Đồng 1 và Nhi Đồng 2 ở khu vực phía Nam​

Theo đó, BV vệ tinh là mô hình BV ở tuyến dưới do các BV có thương hiệu và uy tín ở tuyến trên xây dựng và chuyển giao công nghệ, kỹ thuật, nhân lực nhằm giảm tải cho những BV đang quá tải

100 vệ tinh

Theo báo cáo của các BV tại hội thảo, khi triển khai các đơn vị vệ tinh ở địa phương sẽ xem xét kỹ các tiêu chí để quyết định có triển khai hay không. Các tiêu chí đó nhấn mạnh vào những yếu tố như: vị trí địa lý thuận lợi, mật độ dân cư đông, các BV tỉnh có chuyên khoa liên quan đến tình trạng quá tải của BV hạt nhân, có cơ sở vật chất, kỹ thuật tương đối và đặc biệt là có sự cam kết và quyết tâm thực hiện đề án của lãnh đạo địa phương đó

BV ở địa phương nào cam kết thực hiện BV vệ tinh thì UBND tỉnh đó đồng thời phải cam kết với Bộ Y tế để thực hiện một cách tốt nhất. Khi các tiêu chí này phù hợp, các BV hạt nhân mới nên triển khai BV vệ tinh ở đó để tránh tình trạng triển khai xong hoạt động èo uột vì không có đủ các yếu tố thuận lợi

Theo đề án BV vệ tinh giai đoạn 2012-2020 của Bộ Y tế thì nguồn kinh phí thực hiện dự kiến là 2.600 tỉ đồng, trong đó 2.000 tỉ đồng dành cho xây dựng 100 vệ tinh và 600 tỉ đồng là kinh phí đào tạo, chuyển giao kỹ thuật. Nguồn từ đề án 1816 (đề án giảm tải BV tuyến trên), đề án BV vệ tinh, kinh phí đối ứng của địa phương và các nguồn hợp pháp khác

Đề án của các BV đều được chia làm hai giai đoạn thực hiện: giai đoạn 1 sẽ tập trung xây dựng, thành lập các khoa và BV vệ tinh. Trong giai đoạn này các BV hạt nhân sẽ tập trung tư vấn, huấn luyện nhân sự và chuyển giao công nghệ cho các đơn vị vệ tinh của mình. Giai đoạn 2 các BV hạt nhân sẽ tập trung củng cố, duy trì hoạt động và nâng cao năng lực của các đơn vị vệ tinh

Nên tập trung vào các ngành đang quá tải

Theo góp ý của lãnh đạo Bộ Y tế cho đề án của các BV, không nên triển khai quá nhiều các đơn vị vệ tinh vì sẽ gặp khó khăn khi không đáp ứng được nhân lực và vật lực. Khi triển khai các BV vệ tinh, các BV hạt nhân nên tập trung vào các chuyên ngành đang thường xuyên quá tải: ung bướu, sản khoa, nhi khoa, tim mạch và chấn thương chỉnh hình. Vấn đề về mua sắm trang thiết bị kỹ thuật, bộ cũng lưu ý các BV nên lựa chọn, tư vấn kỹ để đầu tư hiệu quả, tránh lãng phí

Các BV cũng đã bày tỏ mong muốn Bộ Y tế nên xây dựng những chính sách, khung pháp lý và cơ chế hoạt động thống nhất cho các đơn vị vệ tinh để đề án được thực hiện tốt hơn, tránh sự chồng chéo trong chỉ đạo giữa bộ và sở

Nguồn nhân lực: quyết định sự thành công

Một vấn đề mà các BV đều gặp khó khăn trong quá trình thực hiện đề án là nhân lực. PGS.TS Nguyễn Tấn Bỉnh - giám đốc Sở Y tế TP.HCM - cho biết khó khăn lớn nhất hiện nay là nguồn nhân lực để triển khai đề án

TP.HCM mặc dù đã có lợi thế là có riêng trường đào tạo cán bộ y tế (Trường đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch) nhưng vẫn rất khó khăn để đáp ứng được nhu cầu về nhân lực cho các đơn vị vệ tinh

Bác sĩ Phạm Xuân Dũng, phó giám đốc BV Ung bướu TP.HCM, cho biết mục tiêu đề án BV vệ tinh của BV Ung bướu là ở giai đoạn 1 sẽ đào tạo 60 bác sĩ thực hành ung thư cơ bản và nâng cao, 30 bác sĩ phẫu thuật cơ bản, nâng cao, 40 bác sĩ xạ trị, hóa trị và lực lượng đội ngũ điều dưỡng, y tá... Đ

ể đào tạo được đội ngũ nhân lực này, theo bác sĩ Dũng, là cả một vấn đề lớn, rất khó khăn chứ không hề đơn giản

Tại hội thảo, một số ý kiến bày tỏ lo ngại nếu không đào tạo nhân lực và chuyển giao được kỹ thuật cho các đơn vị vệ tinh thì sau một thời gian đi vào hoạt động đơn vị đó sẽ không thể hoạt động được độc lập, phụ thuộc vào BV hạt nhân

Khi đó BV vệ tinh không những không làm được nhiệm vụ giảm tải mà còn trở thành gánh nặng cho BV hạt nhân. Vì vậy, vấn đề đào tạo nguồn nhân lực tốt là cực kỳ quan trọng, quyết định sự thành công của đề án

* BV Chợ Rẫy: dự kiến sẽ thực hiện đề án trong năm năm (2012-2017) với phạm vi thực hiện ở BV đa khoa của sáu tỉnh lân cận: Đồng Nai, Tiền Giang, Bình Dương, Sóc Trăng, Long An, Khánh Hòa. Và tiếp tục mô hình đơn vị vệ tinh tại sáu BV trong TP.HCM: 7A, Điều dưỡng và phục hồi chức năng, Chấn thương chỉnh hình và phục hồi chức năng, Đa khoa Phổ Quang 1, Tân Sơn Nhất, Ngoại thần kinh quốc tế để hỗ trợ, giảm tải cho BV Chợ Rẫy. Tổng kinh phí dự kiến cho đề án là 120 tỉ đồng

* BV Từ Dũ: dự kiến sẽ thực hiện đề án trong bảy năm (2013-2020) với tám địa điểm: BV Phụ sản Tiền Giang, BV Đa khoa Cần Thơ, BV Lê Lợi (Bà Rịa - Vũng Tàu), BV Đa khoa Tây Ninh, BV Đa khoa Lâm Đồng, BV Ngọc Hồi (Kon Tum), BV Đa khoa Bình Định, BV Đa khoa Ninh Thuận, với kinh phí dự kiến là 201 tỉ đồng

* BV Nhân Dân Gia Định: sẽ thực hiện trong bốn năm (2012-2016) với hai đơn vị vệ tinh tại BV Đa khoa Lâm Đồng và Trung tâm y tế liên doanh Việt - Nga, kinh phí dự trù là 28,3 tỉ đồng

* BV Chấn thương chỉnh hình: dự kiến sẽ xây dựng các đơn vị vệ tinh của mình tại các tỉnh thành: Khánh Hòa, Đắk Lắk, Kiên Giang, Cần Thơ, Đồng Nai, chưa xây dựng được kinh phí dự trù

* BV Ung bướu: sẽ thực hiện đề án trong vòng tám năm (2012-2020) tại năm đơn vị: BV Đa khoa Bình Định, BV Đa khoa Khánh Hòa, BV Đa khoa Đồng Nai, BV Ung bướu Cần thơ, BV Đa khoa Kiên Giang, với tổng kinh phí dự trù là 300 tỉ đồng

* BV Nhi Đồng 1: sẽ thực hiện trong bốn năm (2013-2017) tại bốn đơn vị: BV Đa khoa Long An, BV Đa khoa Tiền Giang, BV Nhi Đồng Cần Thơ, BV Sản nhi Cà Mau, với kinh phí dự kiến hơn 41 tỉ đồng

* BV Nhi Đồng 2: sẽ thực hiện đề án trong vòng tám năm (2012-2020) với kinh phí dự trù hơn 500 tỉ đồng tại BV Nhi Đồng Đồng Nai, BV Đa khoa Bà Rịa - Vũng Tàu, BV Sản nhi Đà Nẵng và một số BV ở Tây nguyên

Ngọc Nga
 
Ngỡ ngàng… sự nghiệp ứng dụng CNTT ở ngành Y​

avatar_zps5c2c337f.jpg

Hội nghị Quốc gia về ứng dụng IT ngành Y tế lần thứ VI​

Câu hỏi đặt ra cho ngành y là: ai cũng biết, nhiệm vụ chính của Bác sỹ là khám chữa bệnh, nhưng hiện nay các bác sỹ lại phải dành tới 75% thời gian làm việc cho công tác hành chính, giấy tờ (tức 6/8 giờ làm việc hàng ngày cho thủ tục hành chính - PV) thì lấy thời giờ đâu tập trung cho công tác chuyên môn ?

Tại các tuyến y tế cơ sở, đơn cử một số trạm y tế xã phường, vẫn tồn tại việc mỗi ngày cán bộ y tế phải nhập dữ liệu cho khoảng 25 sổ báo cáo, điều mà đáng lẽ hoàn toàn có thể nhờ ứng dụng CNTT để giảm đáng kể thời gian nhập dữ liệu theo cách thủ công, giấy tờ

Đó là một trong những vấn đề được chính Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long “bộc bạch” tại Hội nghị Quốc gia về ứng dụng CNTT ngành Y tế lần thứ VI, diễn ra tại Hà Nội vào giữa tháng 5 vừa qua khi nói về thực trạng ứng dụng CNTT của ngành Y tế

Với chủ đề “Các giải pháp ứng dụng Công nghệ thông tin góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, giảm tải bệnh viện”, Hội nghị kể trên đã tập trung đánh giá thực trạng triển khai ứng dụng CNTT và kế hoạch tổng thể triển khai ứng dụng và phát triển CNTT ngành Y tế giai đoạn 2011-2015, trong đó khâu ứng dụng các giải pháp đột phá được coi là điểm nóng của ngành

Kém ứng dụng, lãng phí cao

Nhìn thẳng vào sự thật, Thứ trưởng Long cho biết: trong ngành Y tế việc ứng dụng CNTT vô cùng yếu; hạ tầng phần cứng chưa được đầu tư tương xứng; phần mềm sử dụng không thống nhất, các phần mềm ứng dụng tại các cơ sở y tế hầu hết đầu tư theo các dự án riêng biệt “mỗi nơi một phách” gây lãng phí

Chính vì vậy việc quản lý dữ liệu không có sự kết nối, liên thông được với nhau trong quản lý bệnh nhân cũng như quy trình khám chữa bệnh

Về mức độ ứng dụng CNTT, hệ thống tuyến y tế TW tuy có ứng dụng CNTT khá nhưng vẫn theo kiểu, việc ai nấy làm; tuyến y tế cơ sở, nhất là tuyến y tế dự phòng thì vừa thiếu vừa yếu. Nhiều nơi CNTT vẫn chưa tới được do khó khăn cả về vốn lẫn nhân lực

Cụ thể, tuyến y tế TW mức độ ứng dụng các dịch vụ công mới dừng ở cấp độ II, nhưng cũng không đồng đều giữa các bệnh viện. Trong khi tuyến bệnh viện các tỉnh thành, hầu như việc ứng dụng CNTT rất hạn chế, mọi thủ tục hành chính, quản lý vẫn dựa trên giấy tờ là chủ yếu

Đặc biệt có những thông tin được lãnh đạo Bộ Y tế tiết lộ khiến nhiều người không khỏi… giật mình như: trụ sở cơ quan Bộ Y tế có 2 địa điểm trên đường Giảng Võ và phố Núi Trúc, tuy rất gần nhau nhưng việc liên thông đơn giản nhất là mạng LAN giữa các Cục, Vụ trong Bộ vẫn chưa làm được

Hoặc đơn cử như bệnh viện lớn tuyến TW như Bạch Mai được coi là triển khai ứng dụng CNTT khá của ngành nhưng việc ứng dụng CNTT và các phần mềm quản lý bệnh viện (quản lý hành chính, quản lý bênh nhân, quản lý quy trình khám chữa bệnh/ cấp phát thuốc/ theo dõi tình trạng tiến triển…) cũng rất tùy tiện, lãng phí và chưa hiệu quả

Cụ thể, tại hầu hết các Khoa, phòng khám trong bệnh viện triển khai Chương trình ứng dụng khám bệnh từ xa (Telemedicine) lại sử dụng tới 18 phần mềm quản lý thuộc 9 công ty khác nhau xây dựng. Chính việc đầu tư chồng chéo, không thống nhất và thiếu đi “nhạc trưởng” điều phối khiến mục đích áp dụng CNTT vào quản lý tại bệnh viện Bạch Mai không đạt yêu cầu, gây lãng phí vô cũng lớn

Hệ lụy là khi dữ liệu quản lý không thể liên thông giữa các Khoa nên trong cùng bệnh viện, khi bệnh nhân muốn chuyển khác lại phải khai báo thông tin cá nhân/tình trạng bệnh lý lại từ đầu. Trong khi đó ứng dụng đặt lịch khám (yêu cầu đầu tiên của chương trình khám từ xa -PV) tại nhà cũng chưa thực hiện được

Bệnh nhân vẫn phải đến trực tiếp bệnh viện xếp hàng lấy số, khiến khâu đón tiếp/xét nghiệm và khám chữa tại bệnh viện luôn trong tình trạng quá tải, nhất là Khoa khám bệnh theo yêu cầu

Trong khi đó mảng đào tạo, ứng dụng CNTT tại tuyến y tế cơ sở cũng được Bộ Y tế tự đánh giá là vô cùng yếu kém. Cán bộ ngành y sau khi ra trường làm việc vẫn phải thường xuyên cập nhật thông tin, học tập kiến thức mới, nhất là những thành tựu KHCN trong khám và điều trị

Tuy nhiên, do chưa có hệ thống đào tạo trực tuyến thống nhất nên muốn đào tạo nâng cao hay phổ biến thông tin cho cán bộ ngành y là vô cùng khó khăn. Lấy ví dụ như E-learning (đào tạo điện tử) – một nghiệp vụ mang tính bắt buộc để bồi dưỡng chuyên môn cho cán bộ y tế, nhưng hiện này mỗi nơi thực hiện một kiểu, rất lãng phí nguồn lực đầu tư mà hiệu quả đem lại không cao

Chính vì vậy Bộ Y tế đang gấp rút xây dựng Đề án Tin học hóa y tế cơ sở, với mục tiêu giúp cán bộ y tế dễ dàng tiếp cận thông tin KHCN về khám chữa bệnh, khắc phục tình trạng nhiều nơi không hề được đào tạo và cập nhật tin tức như hiện nay

Đặc biệt khâu quản lý hành chính đang chiếm quá nhiều thời gian của đội ngũ y bác sỹ, theo ông Nguyễn Thanh Long, việc ứng dụng CNTT trong ngành y tế chỉ mới dừng lại ở mức độ tính toán, ít phục vụ cho chuyên môn kỹ thuật của bệnh viện

Theo báo cáo, hệ thống y tế dự phòng, y tế cơ sở còn quá nhiều biểu mẫu thống kê, sử dụng nhiều loại sổ sách khác nhau (cá biệt có đơn vị sử dụng đến 25 loại sổ sách), khi mà những dữ liệu này hoàn toàn có thể nhập một lần vào máy tính

Tuy nhiên, khi việc ứng dụng CNTT không thống nhất, đồng bộ thì hiệu quả không thấy đâu, mà theo một vài đại biểu tại hội thảo còn cho rằng, nó còn tạo thêm gánh nặng cho nhân viên y tế khi mà vừa phải ghi chép sổ sách vừa phải nhập dữ liệu vào máy tính

Tăng tốc ứng dụng IT vào nghiệp vụ

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho rằng ứng dụng CNTT trong ngành y tế còn manh mún, dàn trải, thiếu các dự án tổng thể và chất lượng các dự án không cao; Nhân lực chuyên môn về CNTT tại các cơ sở y tế và các đơn vị y tế thiếu, mất cân đối, tự phát, không thống nhất và đây được coi là điểm yếu rất cơ bản, những “nút thắt” cần sớm khắc phục…

Hiện nay Bộ Y tế đã xác định được 247 thủ tục hành chính được thực hiện tại cơ quan Bộ trong các lĩnh vực như dược, mỹ phẩm; khám chữa bệnh; y học cổ truyền; sức khỏe sinh sản; trang thiết bị và công trình y tế; y tế dự phòng và môi trường; an toàn vệ sinh thực phẩm; tổ chức cán bộ…

Mục tiêu đặt ra trong thời gian tới là 100% dịch vụ công đơn giản liên quan đến hành chính phải được cung cấp thông tin trên môi trường mạng, số dịch vụ công trực tuyến ở mức 2 là 245 dịch vụ (chiếm 99,2%) phải sớm được hoàn thành

Về ứng dụng phần mềm, do đặc thù ngành y nên hầu hết các cơ sở y tế đã đưa vào sử dụng các phần ứng dụng như: quản lý nhân sự, vật tư - tài chính, quản lý công văn… đều chưa đáp ứng được yêu cầu của công việc chuyên môn

Thực tế đã có tới hơn 65% bệnh viện toàn quốc ứng dụng phần mềm báo cáo thống kê của bệnh viện; 20% bệnh viện ứng dụng phần mềm quản lý tổng thể bệnh viện. Một số bệnh viện tuyến trung ương đã hình thành bệnh viện vệ tinh có hệ thống y tế từ xa như Bệnh viện Nhi T.Ư, Việt Đức, Bạch Mai… nhằm tư vấn cho các bệnh viện tuyến dưới

Tuy nhiên, việc ứng dụng các phần mềm vẫn chưa có được kết quả như mong muốn. Chính vì vậy, Bộ Y tế xác định các đơn vị cần hỗ trợ để các nhà cung cấp dịch vụ tin học xây dựng các phần mềm ứng dụng chuyên biệt trong một số lĩnh vực như quản lý bệnh viện, quản lý trang thiết bị, quản lý đào tạo,… đồng thời Bộ Y tế cho sử dụng một số chuẩn quốc tế làm cơ sở xây dựng các phầm mềm ứng dụng

Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long đề nghị việc cần làm ngay là đánh giá đúng thực trạng về những khó khăn, yếu kém đối với việc ứng dụng CNTT trong ngành y tế, nhất là ở y tế cơ sở. Như vậy ngay trong năm 2012, Bộ Y tế sẽ tập trung triển khai một số dự án ưu tiên nhằm tăng cường ứng dụng CNTT phục vụ công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân như xây dựng trung tâm tích hợp dữ liệu Bộ Y tế; đăng ký vốn năm 2013 cho dự án “Bệnh án điện tử và quản lý hệ thống khám chữa bệnh”; xây dựng chuẩn CNTT trong ngành y tế; nâng cao năng lực hệ thống thông tin y tế; xây dựng dự án quản lý bệnh nhân sử dụng công nghệ Smartcard với mã bệnh nhân thống nhất; hoàn thiện báo cáo nghiên cứu khả thi cho dự án "Xây dựng dịch vụ tư vấn y tế, khám chữa bệnh từ xa"...

Đặc biệt năm 2012, Bộ Y tế cũng sẽ gấp rút kiện toàn tổ chức CNTT, như việc thành lập Cục Công nghệ thông tin thuộc Bộ Y tế và phòng Công nghệ thông tin ở tất cả các bệnh viện hạng I và hạng đặc biệt; ưu tiên một số dự án trọng điểm quốc gia như phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông thực hiện dự án Internet cộng đồng nông thôn - Hợp phần Bộ Y tế

Bộ Y tế phấn đấu đến năm 2015 có các phần mềm hỗ trợ 100% hoạt động quản lý, điều hành tại cơ quan Bộ Y tế; 100% cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ Y tế ứng dụng CNTT để quản lý mọi mặt hoạt động quản lý, chuyên môn, nghiệp vụ hành chính. Qua đó rút ngắn thời gian cho thủ tục hành chính, để bác sỹ có điều kiện chuyên tâm vào công tác chuyên môn

Thiếu “tài” hay thiếu tầm ?

Tài chính và tầm nhìn là 2 chủ đề được nói đến nhiều nhất tại Hội nghị ứng dụng CNTT ngành Y tế vừa qua. Nhân lực CNTT ngành y nói chung đang thiếu, ngay Bộ Y tế cũng chưa thành lập được Cục ứng dụng CNTT để làm đầu mối chỉ đạo và thực hiện các dự án CNTT toàn ngành theo hướng tập trung, thống nhất. Trong khi đó, nguồn lực tài chính đầu tư cho các dự án CNTT cũng thiếu và không được các đơn vị chú ý đầu tư đúng mức

Theo ông Nguyễn Hoàng Phương - Phó Vụ trưởng Vụ KHĐT: kinh phí cho CNTT đã có mục chi tiêu riêng, nhưng kinh phí được duyệt cho mỗi dự án rất ít, khoảng 500 triệu đồng trên mỗi dự án. Cụ thể, có những dự án hàng chục, hàng trăm tỷ đồng nếu muốn triển khai khiến nhiều đơn vị sau khi được phê duyệt không hề thực hiện, hoặc nếu làm một “mẩu”, hết tiền thì dừng lại gây lãng phí lớn

Đặc biệt sau Hội nghị ứng dụng CNTT ngành Y tế lần thứ V (năm 2009), Bộ Y tế đã có chỉ thị 02/CT-BYT về việc đẩy mạnh ứng dụng CNTT toàn ngành, trong đó cho phép ưu tiên dành tối thiểu 1% kinh phí từ các nguồn cho đầu tư CNTT. Tuy nhiên, nhiều nơi đã không thực hiện việc này

Đau lòng hơn, theo ông Phương trăn trở, rất nhiều địa phương chỉ trông chờ tiền hỗ trwoj, tiền dự án của Chính phủ rót về khiến việc triển khai ứng dụng CNTT tại các đơn vị được thực hiện theo kiểu có tiền dự án thì có ứng dụng, hết tiền thì… thôi

Tiền thì thiếu, trong khi tầm nhìn của lãnh đạo đơn vị - liệu pháp cuối cùng giải quyết vướng mắc việc triển khai ứng dụng CNTT liệu có thiếu ? Thật bất ngờ khi lãnh đạo Bộ Y tế thẳng thắn nhìn nhận: nhân lực - công nghệ - phần mềm… thiếu thì có thiếu, nhưng không thực sự là vấn đề trọng yếu, mà ngành y đang thiếu những “thuyền trưởng” tại các đơn vị

Ứng dụng CNTT ngành y đang không được đầu tư tương xứng với yêu cầu, lấy ngay ví dụ như Trung Quốc, dù là nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới, nhưng thu nhập đầu người còn thấp, chăm sóc y tế còn kém phát triển. Tuy nhiên nước này đã mạnh dạn đầu tư rất lớn cho hệ thống khám chữa bệnh ngay từ tuyến cơ sở, đặc biệt là tích cực ứng dụng CNTT cho các trung tâm ý tế lớn, qua đó các bệnh viện tuyến dưới đã “chia lửa” rất tốt đối với các bệnh viện tuyến trên, không có hiện tượng quá tải, dồn về Trung ương như ở Việt Nam

Có thể nói, câu chuyện ứng dụng CNTT ngành Y chỉ còn trông chờ vào tầm nhìn và quyết tâm của lãnh đạo đơn vị, mà nếu điều này cũng thiếu thì rất khó để việc ứng dụng CNTT ngành Y tế có được “quả ngọt” để tổng kết, để báo cáo tại Hội nghị Quốc gia về ứng dụng Công nghệ Thông tin ngành Y lần VII, tức là sau 2 năm nữa…

Nam Phương
 
Đầu tư y tế lẫn lộn công - tư​

- Đầu tư công cho y tế ở VN chỉ 75 USD/người/năm, bằng... 1/20 so với Singapore, bằng 1/2 so với Thái Lan, nên đang có rất nhiều hệ lụy liên quan đến chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh

Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - tài chính Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn cho biết như vậy tại hội thảo lần 2 về tài chính y tế, được Bộ Y tế và Hội Kinh tế y tế VN tổ chức trong hai ngày 27 và 28-11 tại Hà Nội

Vốn tư nhân trong bệnh viện công

Theo ông Tuấn, đầu tư tư trong bệnh viện công xuất hiện ở hai hình thức: góp vốn mua sắm trang thiết bị và mở các khoa - phòng khám chữa bệnh theo yêu cầu. Dù không có chủ trương cổ phần hóa các bệnh viện công lập hiện có, nhưng thực tế các thiết bị y tế có vốn tư nhân xuất hiện trong bệnh viện công ngày càng nhiều

Có thể kể đến các máy PET CT ở Bệnh viện Việt Đức, Bạch Mai, máy chụp CT 256 lát cắt và hầu hết máy chụp cộng hưởng từ, máy chụp CT scanner ở Bệnh viện Bạch Mai. Thiết bị y tế có vốn của các nhà đầu tư tư nhân cũng xuất hiện ở tất cả các bệnh viện tuyến tỉnh, thậm chí ở tuyến huyện của các khu vực đông dân cư

“Thực tế hoạt động ở các bệnh viện công đang rất cần quy định pháp lý, về sử dụng nhà đất của các bệnh viện công để liên doanh liên kết hoặc xây dựng các khu điều trị theo yêu cầu, tránh lẫn lộn tài sản công, tư” - ông Tuấn đánh giá

Ông Tuấn còn cho rằng hoạt động của các khoa khám bệnh theo yêu cầu, vốn tạo nhiều thuận lợi cho người bệnh có khả năng chi trả, thực chất cũng là hình thức cung cấp dịch vụ của tư nhân trong bệnh viện công, dễ dẫn đến tiêu cực như sử dụng cơ sở vật chất và nhân lực công cho hoạt động tư, nghiêm trọng hơn là dẫn đến khuynh hướng biến bệnh viện công thành bệnh viện tư

Trao đổi bên lề hội thảo, ông Lưu Hoài Chuẩn - Hội Kinh tế y tế VN - cho rằng hình thức đầu tư tư vào bệnh viện công “nói có vẻ hay”, nhưng thực chất là hình thức góp vốn để chia lãi, nên rất dễ dẫn đến lạm dụng dịch vụ, thuốc, thiết bị, vật tư y tế đắt tiền, tạo mâu thuẫn trong cặp “giá trị - giá cả” khi khám chữa bệnh. Chẳng hạn như bệnh ấy chỉ tốn món tiền x, nhưng do có mục tiêu chia lãi, càng lãi nhiều càng mừng, nên có khi người bệnh phải trả thêm các dịch vụ không cần thiết

Nghèo vì chữa bệnh

Theo nghiên cứu của nhóm tác giả thuộc Cục Quản lý khám chữa bệnh Bộ Y tế công bố tại hội thảo, dựa trên số liệu thống kê từ 84 bệnh viện, nhóm nghiên cứu đã tính toán chi phí một ngày điều trị nội trú ngoại khoa (tính trên tổng thu viện phí ở tuyến tỉnh và trung ương) là 47,5 USD

Ở các bệnh viện có tính khấu hao tài sản và trang thiết bị, một ngày điều trị nội trú ngoại khoa chi phí 101,72 USD/bệnh nhân; với điều trị nội khoa, chi phí là 20,08 USD/ngày/bệnh nhân. Trong số này, người bệnh sẽ phải chi trả từ tiền túi 44,64-77,92% chi phí

Nhóm nghiên cứu ước tính ảnh hưởng của chi trả viện phí cho thấy sau một đợt điều trị nội trú ngoại khoa ở tuyến trung ương hoặc tuyến tỉnh, hoặc một đợt điều trị nội trú nội khoa ở tuyến trung ương sẽ ngay lập tức đẩy hộ gia đình cận nghèo không có bảo hiểm y tế hoặc nguồn chi trả gián tiếp khác xuống nhóm hộ nghèo

Theo tính toán của Bộ Y tế công bố tại hội thảo, khoảng 47% chi phí y tế hiện nay do người dân tự chi trả, chứng minh sự bất công trong tiếp cận dịch vụ y tế. Theo ông Chuẩn, kể cả nhóm đã có bảo hiểm y tế, khi đi khám chữa bệnh vẫn phải cùng chi trả các dịch vụ ngoài danh mục bảo hiểm y tế. Nếu kết hợp với tình trạng lạm dụng dịch vụ, thuốc men do công - tư lẫn lộn thì phần chi trả từ tiền túi người dân sẽ lên rất cao

Lan Anh
 
Chợ Rẫy chi 25 tỉ đồng cho phần mềm FPT.eHospital
- Công ty hệ thống thông tin FPT (FPT-IS) vừa trúng gói thầu kỷ lục cung ứng phần mềm quản lý bệnh viện trị giá 25 tỉ đồng cho bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM)

FPT.eHospital là chương trình quản lý tổng thể bệnh viện, hỗ trợ liên thông các quy trình nghiệp vụ; tăng cường quản lý bằng bệnh án điện tử; ứng dụng khám bệnh từ xa…

Phần mềm với 35 phân hệ chức năng gồm bốn nhóm chính: quản lý điều trị; điều hành; phần mềm hỗ trợ; và cổng thông tin điện tử

FPT.eHospital đã được triển khai tại khoảng 50 bệnh viện trên cả nước. Gần đây, phần mềm này được triển khai ở bệnh viện Ung thư Đà Nẵng trị giá 17,3 tỉ đồng và bệnh viện quốc tế Thành Đô với 10 tỉ đồng
 
Mang 2 tỉ đô ra nước ngoài chữa bệnh mỗi năm

- Theo thống kê chưa đầy đủ của Bộ Y tế, hiện mỗi năm, Việt Nam mất 2 tỉ USD do hơn 40.000 bệnh nhân mang ra nước ngoài để khám chữa bệnh, làm giàu cho đất nước khác

Dù trình độ chuyên môn của bác sĩ trong nước không thua kém các nước trên thế giới nhưng bệnh nhân vẫn đổ xô ra nước ngoài để trị bệnh. Theo thống kê chưa đầy đủ của Bộ Y tế, hiện nay, mỗi năm, Việt Nam mất 2 tỉ USD do hơn 40.000 bệnh nhân ra nước ngoài để khám chữa nhiều bệnh như tim mạch, ung thư, tiêu hoá, mạch máu, thẩm mĩ…

Điều đáng nói, nhiều kỹ thuật mới ở Việt Nam đã phát triển tương đương khu vực và các nước phát triển như ghép tạng, tim mạch, mắt, thẩm mỹ, nha khoa, kỹ thuật nội soi…và còn giảng dạy cho các BS nước ngoài nhưng vẫn không thể chiếm được lòng tin của người bệnh

Theo so sánh giá một số dịch vụ điều trị của Việt Nam và Singapore do TS/BS Nguyễn Đình Phú, Phó giám đốc bệnh viện Nhân Dân 115 đưa ra thì sự chênh lệch hiện đang ở mức quá lớn, cụ thể: “Nếu thực hiện kỹ thuật thay khớp háng và khớp gối tại Việt Nam chỉ cần 90 triệu trong khi thực hiện tại Singapore là gấp hơn 6 lần; chụp động mạch vành thực hiện dịch vụ tại Việt Nam là 8,4 triệu nhưng chụp tại Singapore tốn 64 triệu, chụp can thiệp động mạch vành và đặt stent thường là 38 triệu trong khi thực hiện tại Singapore cao gấp gần 10 lần…”

Như vậy, nếu người bệnh thực hiện tại Việt Nam thì chúng ta đạt được một hiệu quả rất lớn về kinh tế nhưng làm thế nào để “kéo” bệnh nhân có nguồn tài chính dồi dào quay trở lại Việt Nam điều trị ? Cách tuyên truyền như thế nào cho hiệu quả ? Thế mạnh của các bệnh viện trong nước hiện nay ra sao ? Các vấn đề nhức nhối này đã được thảo luận tại Hội thảo: “Thành tựu y học thời kỳ đổi mới - Người Việt Nam ưu tiên khám chữa bệnh tại Việt Nam” diễn ra ngày 26/1 tại TPHCM

Theo phân tích của hầu hết các bác sĩ đầu ngành tại hội thảo, hiện người bệnh đang mất lòng tin vào việc điều trị trong nước. Tình trạng quá tải, thủ tục khám chữa bệnh rườm rà, cơ sở vật chất xuống cấp, thiếu trang thiết bị hiện đại, trình độ bác sĩ còn chưa đồng đều, thái độ chăm sóc phục vụ bệnh nhân… khiến người bệnh không an tâm giao phó tính mạng của mình cho các bác sĩ nội

Hiện nay, các bác sĩ có tay nghề cao, trình độ chuyên môn, y đức vững vàng đều công tác tại các bệnh viện công trong khi đó chức năng phát triển kỹ thuật cao, chuyên sâu của tuyến bệnh viện công đang bị hạn chế, ràng buộc về cơ chế tài chính, giới hạn bởi khung giá viện phí phát triển kỹ thuật vẫn phụ thuộc nhiều vào đầu tư ngân sách của nhà nước

Các bệnh viện tư tại Việt Nam dù có tiềm lực để phát triển các dịch vụ kỹ thuật cao nhưng nguồn lực về con người lại rất hạn chế do đó họ cũng không dám đầu tư phát triển những kỹ thuật chuyên sâu hiện đại. Nhu cầu của người bệnh trong việc tiếp cận với các kỹ thuật điều trị hiện đại nhất ngày càng tăng cao nhưng khả năng đáp ứng của các bệnh viện trong nước lại hạn chế... nên người bệnh tìm ra nước ngoài là một hệ quả khó tránh khỏi

PGS/TS/BS Lê Hành nhận định: “Việt Nam đang lép vế trong sự cạnh tranh khốc liệt về lĩnh vực y tế với các nước Hàn Quốc, Singapore, Thái Lan, Trung Quốc…

Họ biết thu hút người bệnh đến điều trị kết hợp với tham quan, mua sắm mang lại nguồn ngoại tệ khổng lồ từ bệnh nhân ngoại quốc”

Phân tích của BS Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Y khoa MEDIC lại chỉ đó chính khu vực này lại ra rằng việc thất thoát một nguồn kinh phí lớn do bệnh nhân ra nước người điều trị là hệ quả từ chính sách y tế của Việt Nam

“Từ lâu nhà nước đã phân bổ tiền thuế của người dân vào bệnh viện công, khu vực đang nắm vai trò chủ đạo trong chăm sóc sức khỏe nhưng đã rơi vào quá tải, người bệnh có tiền không dại gì đâm đầu vào đây chầu chực để được chữa bệnh. Trong khi đó, hệ thống y tế tư nhân thì không đủ cơ chế để có thể mở rộng đầu tư phát triển theo nhu cầu của người bệnh”

Theo BS Thanh Hải: “Cái cốt lõi để giải quyết vấn đề bệnh nhân ra nước ngoài điều trị nằm ở việc đảm bảo chính sách y tế của Chính phủ. Chính phủ mới đủ sức để phân bố các cơ chế chính sách tạo sự thông thoáng cho y tế công và tư để phát triển y tế mang tính đồng bộ, hiện đại

Cơ chế mở sẽ tạo điều kiện để những người thuộc lĩnh vực y tế trong và ngoài nước có thể làm kinh tế cho quốc gia, giữ được nguồn tài chính trong nước không thất thoát ra nước ngoài đồng thời mang nguồn ngoại tệ về cho đất nước từ những bệnh nhân của quốc gia khác”

Vân Sơn
 
Tranh cử chức danh giám đốc Sở Y tế
- Trong một giờ, mỗi ứng cử viên trình bày kế hoạch hành động của mình nếu được bổ nhiệm.

Tranh cử chức danh giám đốc Sở Y tế (23/02)

Chiều 22-2, Sở Y tế Quảng Ngãi đã tổ chức hội nghị cán bộ chủ chốt ngành y tế để bỏ phiếu tín nhiệm giám đốc Sở Y tế, đồng thời nghe các ứng cử viên chức danh giám đốc Sở Y tế là ông Lê Báy (phó Ban chăm sóc sức khỏe cán bộ tỉnh), ông Nguyễn Tấn Đức (phó giám đốc Sở Y tế) và ông Nguyễn Xuân Mến (phó giám đốc Sở Y tế kiêm giám đốc Bệnh viện Đa khoa Quảng Ngãi) trình bày chương trình hành động của mình

Trong một giờ, mỗi ứng cử viên trình bày kế hoạch hành động của mình nếu được bổ nhiệm làm giám đốc sở, đồng thời giải đáp những câu hỏi của các đại biểu

Đây là lần đầu tiên tỉnh Quảng Ngãi tổ chức bỏ phiếu tín nhiệm chức danh giám đốc sở theo hình thức tranh cử. Trước đó ông Phạm Hồng Phương, nguyên giám đốc Sở Y tế, đã được điều động sang giữ chức chánh văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh Quảng Ngãi
 
Nhiều bệnh viện ở Hà Nội khó khăn tài chính
Ngày 10.3, thông tin từ Sở Y tế Hà Nội cho biết thủ đô thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao, thiếu các bác sĩ giỏi vì đang có xu hướng bác sĩ giỏi về bệnh viện (BV) T.Ư

Nguyên do các BV Hà Nội hạn chế về tiền lương, chính sách đãi ngộ trong khi làm việc tại BV T.Ư ngoài thu nhập tốt hơn còn nâng cao danh tiếng, thuận lợi hơn khi mở phòng mạch tư

Ngoài ra, một số BV của Hà Nội đang rất khó khăn về tài chính, có BV nợ hàng chục tỉ đồng tiền thuốc, vật tư tiêu hao. Sở Y tế Hà Nội đề xuất điều chỉnh tăng viện phí (70-75% so với khung giá viện phí mới) nhằm đảm bảo cân bằng thu chi
 
Đề xuất thành lập mã số y tế cho người dân
- Giải quyết vướng mắc trong thanh toán bảo hiểm y tế (BHYT) là nội dung buổi làm việc giữa Bộ Y tế và Bảo hiểm xã hội VN. Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, để góp phần giảm tải cho bệnh viện và hạn chế bệnh nhân phải chờ đợi các cơ quan chức năng sẽ triển khai ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động khám chữa bệnh

Theo đó, Bộ Y tế và Bảo hiểm xã hội VN thống nhất cùng với bệnh án điện tử sẽ thiết lập chữ ký điện tử nhằm giảm thời gian chờ đợi của người bệnh. Hai bên cũng đề xuất cấp mã số cho từng bệnh viện, mã số cho từng nhóm bệnh, mã số cho danh mục thuốc (nhóm thuốc), mã số cho các danh mục kỹ thuật…

Ông Nguyễn Thanh Long cho rằng, hai đơn vị cần phối hợp để thành lập mã số an sinh xã hội. Cụ thể, mã số an sinh xã hội sẽ được thiết kế mã riêng cho từng cá nhân trong việc khám chữa bệnh và thanh toán BHYT. Mã số này dùng để khám chữa bệnh suốt đời
 
8.200 tỉ đồng phát triển y tế biển đảo
Hội nghị triển khai đề án Phát triển y tế biển đảo đến 2020 đã được Bộ Y tế tổ chức ngày 24.4 tại Hà Nội

Khảo sát của Bộ Y tế cho thấy, 33% cán bộ y tế vùng biển đảo thiếu kiến thức xử trí cấp cứu trên biển; thiếu kiến thức xử trí các trường hợp thiết yếu: bị ngộ độc hải sản, bị động vật nguy hiểm đốt, cắn...

Năng lực của các trung tâm y tế, bệnh viện, trạm y tế xã đảo còn hạn chế; các dịch vụ y tế (đặc biệt là chuyên khoa, kỹ thuật cao) chưa bao phủ hết với quân và dân đang sinh sống, làm việc trên biển đảo; thiếu hệ thống chuyển cấp cứu hiệu quả trên biển

Đề án Phát triển y tế biển, đảo Việt Nam đến năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt sẽ được triển khai tại 151 quận, huyện, thị xã, TP trực thuộc 28 tỉnh, TP ven biển với tổng ngân sách là 8.200 tỉ đồng

Đề án giúp nâng cao năng lực chuyên môn, tăng cường nhân lực, thiết bị y tế cấp cứu và điều trị, nâng cao năng lực vận chuyển khám chữa bệnh, dự phòng bệnh dịch và phòng bệnh đặc thù vùng biển đảo
 
Thuốc giá ‘bèo’, kém chất lượng tràn vào bệnh viện

Mặc dù đã được kiểm soát gắt gao nhưng mỗi năm, Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) đều ban hành hàng loạt các quyết định thu hồi thuốc kém chất lượng trên thị trường. Thuốc ngoại nhập bị thu hồi phần lớn có xuất xứ từ Ấn Độ, Hàn Quốc, Trung Quốc, Pakistan...


Cảnh báo thuốc giá “bèo” chất lượng thấp sẽ tràn vào BV​

Nhan nhản thuốc kém chất lượng bị thu hồi

Mới đây nhất, Cục Quản lý dược đã có quyết định đình chỉ lưu hành và thu hồi trên toàn quốc thuốc viên nén bao tan trong ruột Diclofocal (Diclofenac tablets B.P. 50mg, điều trị ngắn hạn viêm đau sau chấn thương hoặc sau phẫu thuật, các tình trạng viêm khớp cấp và mạn...), lô số: B620, hạn dùng: 19.6.2016, số đăng ký: VN-5689-10, do Cty XL Laboratories Pvt, Ltd., Ấn Độ sản xuất. Nguyên nhân thu hồi do thuốc không đạt tiêu chuẩn chất lượng về chỉ tiêu định lượng và tạp chất liên quan theo BP 2010


Trong số 137 thuốc bị đề nghị thu hồi do vi phạm chất lượng trên thị trường kể từ đầu năm 2011 đến ngày 15.7.2013 của Cục Quản lý dược thì thuốc có xuất xứ từ Ấn Độ đã chiếm 56. Thuốc nhập từ Ấn Độ, Trung Quốc... khi vào Việt Nam đều có giá rất rẻ

Trước đó, cục cũng ra quyết định rút số đăng ký, đình chỉ lưu hành và thu hồi trên toàn quốc các thuốc S-Valapro, viên bao tan trong ruột valproate 200mg (điều trị động kinh, co giật...), số đăng ký: VN-8549-09, Cty CP XNK Y tế TPHCM (Yteco) nhập khẩu; thuốc Cefixime 200mg (điều trị nhiễm khuẩn đường niệu, viêm tai giữa, viêm họng...), viên nén phân tán, số đăng ký: VN-7563-09, Cty CP Y dược phẩm Vimedimex nhập khẩu. Các loại thuốc thu hồi trên do Cty AMN Life Science Pvt. Ltd., Ấn Độ sản xuất

Cũng trong thời gian này, Sở Y tế TPHCM cũng có văn bản gửi đến các cơ sở y tế trên địa bàn TP về quyết định đình chỉ lưu hành thuốc viên nén Ikomel (Meloxicam 7,5mg, hộp 10 vỉ x 10 viên, số lô: IML 101, hạn sử dụng đến ngày 29.6.2014, số đăng ký: VN-10898-10). Thuốc này do Cty Iko Overseas của Ấn Độ sản xuất và được Cty CP Dược phẩm Cửu Long nhập khẩu do không đạt chất lượng về chỉ tiêu độ hòa tan

Không chỉ thuốc có xuất xứ từ Ấn Độ, Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) vừa có quyết định rút số đăng ký của thuốc Streptomycin Sulfate, bột pha tiêm 1gr (điều trị bệnh lao và những chứng bệnh nhiễm khuẩn ngoài lao) có xuất xứ từ Trung Quốc. Thuốc Streptomycin Sulfate do Cty North China Pharmaceutical Group Formulation Co. Ltd sản xuất, có số đăng ký: VN-5413-08 bị đình chỉ lưu hành và thu hồi do sản xuất không đúng với hồ sơ đăng ký

Sở Y tế TPHCM vừa có văn bản đình chỉ lưu hành và thu hồi trên địa bàn loại thuốc y học cổ truyền cốm Nhiệt Lâm Thanh, lô 100402, do Cty Guizhou Warmen Pharmaceutical Co., Ltd của Trung Quốc sản xuất

Thuốc Ấn Độ, Trung Quốc lấn lướt

Trong số 137 thuốc bị đề nghị thu hồi do vi phạm chất lượng trên thị trường kể từ đầu năm 2011 đến ngày 15.7.2013 của Cục Quản lý dược thì thuốc có xuất xứ từ Ấn Độ đã chiếm 56

Trong 107 cơ sở sản xuất có thuốc vi phạm về chất lượng thì 5 đơn vị sản xuất của Ấn Độ có số vi phạm 3 - 4 lần. Chẳng hạn, Cty XL Laboratoires Pvt., Ltd, India (4 lần); Cty Umedica
laboratories.Pvt. Ltd., India (4 lần); Cty AMN Life Science Pvt Ltd - India (3 lần); Cty Flamingo Pharmaceuticals Ltd.India (3 lần); Cty Minimed Laboratories Pvt Ltd. - India (3 lần). Trong khi số lượng thuốc từ Ấn Độ, Pakistan, Trung Quốc... thường xuyên bị thu hồi do chất lượng không đảm bảo, thế nhưng khi tham gia đấu thầu vào BV luôn thắng thế vì... giá thấp

Chẳng hạn, qua khảo sát sơ bộ thuốc trúng thầu vào BV của chín tỉnh, thành trong tháng 6 vừa qua, thì Ấn Độ đang dẫn đầu về thuốc ngoại trúng thầu, còn Trung Quốc lần đầu tiên nhanh chóng đứng ở hàng thứ 5

Một dược sĩ (xin giấu tên) bức xúc: Lâu nay, thuốc nhập từ Ấn Độ, Trung Quốc... khi vào Việt Nam đều có giá rất rẻ, có khi rẻ hơn cả chục lần so với thuốc nhập từ Châu Âu thì không thể có chất lượng tương đương. Vì thế, thuốc vào BV theo quy chế đấu thầu kiểu đấu giá nên chắc chắn các loại thuốc giá nhỉnh hơn sẽ bị loại ngay

Nguyên tắc đấu thầu thuốc vào BV hiện nay là: Cùng một loại thuốc, cùng hoạt chất nếu thuốc của hãng nào có giá rẻ hơn, dù chỉ là 500 đồng sẽ vẫn trúng thầu, không phân biệt đó là thuốc có nguồn gốc xuất xứ từ nước nào

Một ví dụ để dễ so sánh: Giá trúng thầu mới đây loại kháng sinh tiêm Ceftriaxone 1gr của Trung Quốc có giá chưa tới 9.000đ/lọ. Trong khi đó, giá nguyên liệu để sản xuất ra loại kháng sinh này nếu nhập từ Châu Âu thì đã ở mức 8.000 đồng và cộng với chi phí sản xuất như bao bì, đóng lọ thuỷ tinh, điện nước, nhân công, quản lý, khấu hao thì ít nhất phải cộng thêm 6.000 -7.000 đồng. Vì vậy, giá thành lọ kháng sinh này khi sản xuất xong phải lên đến 14.000 - 15.000 đồng/lọ. Hay nguyên liệu Cefoperazon sản xuất kháng sinh khi nhập khẩu từ Thụy Sĩ có giá hơn 360USD/kg thì nếu nhập từ Trung Quốc chỉ có giá 200USD

Quy định đấu thầu mới khiến các BS điều trị lo ngại là thang điểm đấu thầu không phân biệt thuốc đạt chất lượng hay không. Cụ thể, bất kỳ Cty nào có thuốc được cấp phép vào Việt Nam đều đạt trên 70 điểm. Vì vậy, họ có quyền tham gia đấu thầu. Nhưng khi xét về giá thì chắc chắn các loại thuốc rẻ như của Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan sẽ được chọn

Như vậy, việc đấu thầu mặt hàng đặc biệt đã áp dụng theo phương án đấu giá. Một trưởng khoa dược BV cảnh báo: “Không thể cào bằng chất lượng giữa chất lượng thuốc giá rẻ từ Ấn Độ, Trung Quốc với thuốc của Mỹ, Pháp, Bỉ, Italia... được

Cần phải có hàng rào tiêu chuẩn kỹ thuật khi đấu thầu giá thuốc vào BV. Nếu không, một hệ lụy lớn đó là tại các BV ở VN sẽ chỉ toàn các loại thuốc giá bèo có xuất xứ từ Ấn Độ và Trung Quốc”

Xin đưa ra ý kiến của một BS tại BV Chợ Rẫy: “Chúng tôi không dám kê toa cho bệnh nhân những loại thuốc rẻ tiền có xuất xứ các nước hay bị Cục Quản lý dược thu hồi. Thuốc không chất lượng lọt vào danh mục, khi điều trị không hết bệnh thì người bệnh vừa mất tiền và tốn thời gian”

PGS - TS Phạm Khánh Phong Lan - Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM - khi trả lời với báo chí đã đưa ra ý kiến: “Chính vì thuốc giá rẻ sẽ được chấm thầu nên thời gian qua đã có nhiều DN sản xuất đã chuyển qua mua nguyên liệu từ Trung Quốc thay vì nguyên liệu của Châu Âu giá đắt hơn gấp 10 lần. Nguyên liệu sản xuất thuốc nên được xem là tiêu chí trong quá trình xét thầu bởi đây là một trong những yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng thuốc”

Võ Tuấn
 
Top