What's new
Vietnam - Điện Biên Phủ Kinh Tế

This is a sample guest message. Register a free account today to become a member! Once signed in, you'll be able to participate on this site by adding your own topics and posts, as well as connect with other members through your own private inbox!

Bệnh viện Internet

LOBBY.VN

Administrator
Trung Quốc giải bài toán “khoảng cách” bằng công nghệ

- Trung Quốc, một đất nước đông dân, phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt bác sĩ, bệnh viện cùng với sự chênh lệch về hạ tầng cơ sở ở thành phố lớn - nhỏ, thành thị - vùng hẻo lánh… đang chứng kiến một sự thay đổi nhờ vào sự ứng dụng công nghệ một cách bài bản

Việc ứng dụng công nghệ đã có được một cú hích lớn khi chính phủ Trung Quốc ban hành luật lệ hỗ trợ mạnh mẽ các dịch vụ chăm sóc sức khỏe cơ bản dựa trên Internet. Trong nay mai, Trung Quốc có thể có cả Bệnh viện Internet - một cuộc cách mạng về thuốc cho bệnh nhân

Các công ty công nghệ Trung Quốc đang dùng công nghệ để giải quyết những vấn đề khó khăn trong việc chăm sóc sức khỏe y tế ở trong nước - một thị trường ước tính đạt giá trị đến 1.000 tỉ đô la vào năm 2020. Tại thành phố Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang (Trung Quốc), xe cứu thương chạy trên đường phố đã nhận được hỗ trợ của hệ thống quản lý giao thông City Brain tích hợp các công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) và dữ liệu lớn

8615f_f0f2b_a_screen_displaying_tencent_miying_600.jpg

Màn hình giới thiệu về Tencent Miying, dịch vụ hình ảnh y khoa tích hợp AI

Thúc đẩy sự hợp tác giữa người và máy móc


Hệ thống City Brain là một phần của cuộc thử nghiệm được tập đoàn công nghệ Alibaba Group Holding Ltd tiến hành. Tập đoàn này hy vọng việc tận dụng hệ thống điện toán đám mây và dữ liệu của họ để giải quyết những vấn đề đang gây cản trở hệ thống chăm sóc y tế, như tình trạng giao thông đông đúc làm chậm quá trình vận chuyển bệnh nhân hay sự quá tải bệnh nhân và thiếu hụt bác sĩ. Họ hiện làm việc với một bệnh viện ở thành phố Thượng Hải để sử dụng dữ liệu vào việc dự đoán các nhu cầu của bệnh nhân và điều phối lực lượng bác sĩ

Còn ở tỉnh Chiết Giang, Alibaba tập trung nghiên cứu phát triển công cụ chẩn đoán được hỗ trợ bởi AI để giúp phân tích các hình ảnh y tế, như ảnh chụp cắt lớp vi tính (CT) và cộng hưởng từ (MRI). “Bạn cần phải trải qua quá trình đào tạo chuyên môn để đọc những hình ảnh này, nhưng chúng tôi biết rằng hiện đang thiếu các chuyên gia làm việc đó”, ông Min Wanli, chuyên gia ở bộ phận đám mây của Alibaba, nhận định

Những bước đi nói trên của Alibaba cũng phản ánh một xu hướng rộng lớn hơn ở Trung Quốc, nơi các công ty công nghệ đẩy mạnh những nỗ lực thâm nhập vào thị trường chăm sóc sức khỏe trong nước, ước tính đạt giá trị đến 1.000 tỉ đô la vào năm 2020. Chẳng hạn như công ty AI hàng đầu iFlytek và trường Đại học Thanh Hoa đã bắt tay chế tạo loại robot AI có tên là Xiaoyi, được trang bị khả năng nắm bắt, phân tích thông tin về bệnh nhân và đưa ra sự chuẩn đoán ban đầu. Đáng chú ý là Xiaoyi gần đây đã đậu kỳ thi cấp giấy phép y khoa quốc gia, qua đó trở thành robot đầu tiên trên thế giới đạt được thành tựu này

Tuy nhiên, ông Liu Qingfeng, Chủ tịch iFlytek, cho biết Xiaoyi ra đời không nhằm thay thế bác sĩ mà thúc đẩy sự hợp tác giữa người và máy móc nhằm tăng cường tính hiệu quả về chăm sóc y tế. Cụ thể, robot này ban đầu được sử dụng để trợ giúp bác sĩ với hy vọng cải thiện sự hiệu quả điều trị trong tương lai. Khác với hệ thống Watson tích hợp AI của hãng công nghệ IBM (Mỹ) vốn chỉ tập trung điều trị ung thư và những bệnh nặng khác, iFlytek đang thăm dò cách sử dụng AI vào việc đào tạo bác sĩ đa khoa đang thiếu hụt trầm trọng ở các vùng nông thôn

Trong khi đó, công ty WeDoctor đang cung cấp dịch vụ tư vấn, đặt lịch hẹn khám bệnh qua mạng. Công ty ra đời năm 2010 này được sự hậu thuẫn của công ty công nghệ Tencent và thu hút được khoản đầu tư 500 triệu đô la vào tháng 5 vừa qua. WeDoctor khoe có hơn 110 triệu khách hàng đăng ký sử dụng dịch vụ, một mạng lưới 2.700 bệnh viện, 220.000 bác sĩ và hơn 15.000 nhà thuốc khắp Trung Quốc. Ấn tượng không kém, Ping An Good Doctor, một nền tảng tương tự được hỗ trợ bởi công ty bảo hiểm Ping An, đã gọi vốn được 1,1 tỉ đô la trong lần phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng năm nay

Cú hích lớn từ Chính phủ


1af08_a_woman_touches_a_screen_on_a_robot_developed_by_iflytek_600.jpg

Robot Xiaoyi được sử dụng tại một bệnh viện ở thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc

Các bệnh viện Trung Quốc cũng đang tăng cường sử dụng công nghệ để thu hẹp khoảng cách giữa các đô thị lớn và vùng hẻo lánh, nơi không có đủ bác sĩ đáp ứng nhu cầu khám, điều trị bệnh. Sử dụng hệ thống chia sẻ tài liệu và phát video trực tiếp trên Internet (livestream), các chuyên gia có thể hướng dẫn nhân viên y tế tại vùng xa xôi chẩn đoán bệnh nhân. Là một trong những mạng lưới bác sĩ trực tuyến lớn nhất Trung Quốc, DXY đang cung cấp tư vấn trên nền tảng truyền thông xã hội WeChat cho bệnh nhân mắc các bệnh mãn tính, như tiểu đường

Hệ thống chăm sóc sức khỏe Trung Quốc lâu nay phải vật lộn với tình trạng thiếu hụt bác sĩ, đồng nghĩa với việc bệnh nhân thường tập trung vào các bệnh viện lớn ngay cả khi họ chỉ bị bệnh nhẹ. Công nghệ giờ đây có thể là câu trả lời cho bài toán khó này. Chẳng hạn như một số chuyên gia chỉ ra rằng điện thoại thông minh có thể giúp cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe nhanh và rẻ hơn. Việc ứng dụng công nghệ nhận được cú hích lớn khi chính phủ Trung Quốc ban hành luật lệ hỗ trợ mạnh mẽ các dịch vụ chăm sóc sức khỏe cơ bản dựa trên Internet. Bắc Kinh thậm chí có thể chấp thuận việc bán một số thuốc theo toa trên mạng, mang lại cơ hội lớn cho các công ty trong và ngoài nước

Cuộc cách mạng về thuốc cho người bệnh


Ông Li Tiantian, người sáng lập và Chủ tịch DXY, cho biết Bộ Y tế Trung Quốc đang lên kế hoạch sớm phát hành chính sách về “Bệnh viện Internet”, từ đó mở ra cánh cửa đối với việc bán thuốc trên mạng. Chính sách này sẽ cho phép một số bệnh viện được tham vấn, kê đơn và bán thuốc cho bệnh nhân mãn tính trên Internet. Động thái này, nếu được chấp thuận trên toàn quốc, sẽ gây ra sự xáo trộn đáng kể trên thị trường thuốc đang chịu sự chi phối của các nhà phân phối thuộc sở hữu nhà nước và bệnh viện công, nơi hầu hết thuốc men được kê toa và bán

Với những người bệnh và cả các bác sĩ tận tâm, điều này thực sự là một bước khởi đầu cho một cuộc cách mạng về thuốc điều trị. Tập đoàn Merck KGaA (Đức) gần đây thông báo đã bắt tay với công ty Alibaba Health Information Technology trong thỏa thuận tập trung phát triển hệ thống giúp theo dõi thuốc để đối phó nạn giả mạo và bán thuốc trực tuyến

Vẫn còn không ít sự trở ngại trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe đang chờ các công ty công nghệ Trung Quốc ở phía trước. Chẳng hạn như họ phải tìm cách thuyết phục bệnh nhân chịu khám bệnh qua mạng hoặc chịu đóng thêm phí cho những công cụ công nghệ cao được kỳ vọng sẽ giúp cải thiện sự hiệu quả điều trị. Trong khi đó, các nhà quản lý vẫn lo ngại về việc bán thuốc trực tuyến. Chưa hết, nhiều bác sĩ và chuyên gia y tế cho rằng chỉ công nghệ thôi không thể giải quyết được mọi vấn đề trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe. Ông Li Tiantian không bác bỏ lời nhận định này nhưng vẫn nhấn mạnh đến lợi ích trước mắt của công nghệ là tạo ra các kênh mới cho việc chăm sóc sức khỏe thông thường

Ông Wang Aihu, một bác sĩ tim mạch tại Bệnh viện Beijing Chaoyang, ghi nhận ngày càng có nhiều trung tâm y tế sử dụng hệ thống đặt lịch hẹn khám bệnh và thanh toán trực tuyến. Bản thân ông cũng tiến hành tham vấn bệnh nhân ở các vùng hẻo lánh thông qua Internet. Dù vậy, vị bác sĩ này nhận định hệ thống hình ảnh y tế tích hợp AI hoặc bác sĩ robot không thể thay thế con người. “Những công nghệ đầy hứa hẹn này sẽ giúp đẩy nhanh và cải thiện hoạt động chẩn đoán nhưng sẽ không thay thế bác sĩ giỏi bởi vẫn cần đến họ để kiểm chứng và chỉnh sửa kết quả chẩn đoán nếu có sai sót”, ông Wang giải thích


Minh Huy
 
Việt Nam đứng ngoài thị trường thiết bị y tế tỉ USD

ge-1_12237479.jpg

Việt Nam chủ yếu nhập khẩu công nghệ, thiết bị y tế từ nước ngoài

Bộ Y tế triển khai y tế điện tử, với công nghệ và thiết bị chủ yếu nhập khẩu và cơ sở dữ liệu không được chia sẻ

Ông Nguyễn Văn Tiên, Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội, tại họp báo Diễn đàn Y tế tương lai 2018, chiều 12.11, cho biết, Việt Nam chủ yếu nhập khẩu công nghệ, thiết bị y tế từ nước ngoài

Theo ông Tiên, Nhật Bản, châu Âu, Singapore và Trung Quốc là những thị trường nhập khẩu chính công nghệ và thiết bị y tế của Việt Nam. Đến nay, Việt Nam chỉ sản xuất được những dụng cụ giản đơn, như giường, tủ, banh, kéo…, lĩnh vực chiếm tỉ lệ tài chính thấp. Sản xuất trong nước chiếm từ 1,5-2% tổng thị phần trong nước

Thị trường thiết bị và vật tư y tế Việt Nam có tốc độ tăng trưởng mạnh. Tổng vốn đầu tư vào trang thiết bị y tế tại Việt Nam năm 2010 ước đạt 515 triệu USD, nhưng đến năm 2016 tổng vốn đầu tư là 950 triệu USD và đến năm 2017 con số này tăng lên 1,1 tỉ USD, theo số liệu của Bộ Y tế

thiet-bi-y-te_13834235.jpg

Bộ Y tế đặt mục tiêu đến năm 2020, 100% số bệnh viện trực thuộc Bộ có hệ thống thông tin quản lý bệnh viện, trong đó có 70% số bệnh viện tích hợp hệ thống quản lý xét nghiệm, 50% tích hợp hệ thống thông tin lưu trữ và truyền hình ảnh y học, 100% các đơn vị có hệ thống thông tin tích hợp phục vụ công tác điều hành…

Chủ trương ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực khám chữa bệnh, Bộ Y tế đang triển khai ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ công tác khám, chữa bệnh, ưu tiên tập trung triển khai ba chương trình y tế điện tử

Thứ nhất, xây dựng cơ sở hạ tầng, triển khai thống kê y tế điện tử để từng bước hình thành trung tâm dữ liệu quốc gia về y tế

Thứ hai, thực hiện hồ sơ sức khỏe điện tử, bệnh án điện tử và phần mềm quản lý trạm y tế xã theo tiêu chuẩn chung để bảo đảm kết nối liên thông các phần mềm này với nhau và với giám định khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế

Thứ ba, xây dựng và vận hành hệ thống dịch vụ công trực tuyến một cửa Bộ Y tế, thực hiện cơ chế một cửa quốc gia và cơ chế một cửa ASEAN nhằm phục vụ người dân và doanh nghiệp, góp phần minh bạch hóa hoạt động của cơ quan nhà nước

Dù vậy, việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ công tác khám, chữa bệnh, của nước ta tiến triển chậm, trong khi tỷ lệ dân số già hóa ngày càng nhanh, nhu cầu chăm sóc sức khỏe gia tăng

Những trở ngại trong lĩnh vực y tế ngày một rõ ràng trong bối cảnh đầu tư cho lĩnh vực chăm sóc sức khỏe người dân của Việt Nam còn hạn chế. Đặc biệt, nhu cầu chăm sóc sức khỏe chất lượng cao đang rất lớn, nhưng nguồn cung ứng để giải quyết vấn đề này còn khiêm tốn, trong khi cơ sở dữ liệu không được chia sẻ giữa các cơ sở y tế và khám chữa bệnh

Bà Nguyễn Thị Xuyên, chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam, cho biết, Diễn đàn Y Tế Tương Lai năm nay sẽ nhấn mạnh vào những vấn đề cốt lõi đặt ra đối với hệ thống chăm sóc sức khỏe tại châu Á cũng như cách tiếp cận hiệu quả trong bối cảnh tốc độ lão hóa dân số đang diễn ra nhanh chóng tại khu vực

Đại diện Novartis, một tập đoàn trong lĩnh vực y tế của Thụy Sỹ, ông Roeland Roelofs, cho biết, vấn đề bảo mật thông tin người dân sẽ tốt hơn khi hệ thống kỹ thuật số được đầu tư đầy đủ. Theo ông, Diễn dàn Y tế tương lai năm 2018 sẽ đưa ra nhiều giải pháp, trong đó nổi bật là hai giải pháp về công nghệ dịch vụ chăm sóc sức khỏe và đầu tư sáng tạo đổi mới

“Việc đầu tư vào lĩnh vực kỹ thuật số sẽ tạo điều kiện cho người dân Việt Nam bảo vệ sức khỏe tốt hơn”, Đại diện Novartis nói. Ông Roeland Roelofs cũng tin rằng công nghệ phát triển sẽ tạo sự tương tác tốt hơn giữa cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức và các công ty trong lĩnh vực y tế

Diễn đàn Y tế tương lai 2018 đang diễn ra tại Hà Nội, trong hai ngày 12 và 13.11, các nhà hoạch định chính sách, các chuyên gia đầu ngành y tế khu vực châu Á cùng thảo luận, đưa ra các giải pháp chăm sóc sức khỏe người dân trong khu vực

Vân Nguyễn
 
Top