What's new
Vietnam - Điện Biên Phủ Kinh Tế

This is a sample guest message. Register a free account today to become a member! Once signed in, you'll be able to participate on this site by adding your own topics and posts, as well as connect with other members through your own private inbox!

Hanoi - Điện Biên Phủ kinh tế

LOBBY.VN

Administrator
Nội Bài sẽ trở thành “siêu sân bay”, công suất 100 triệu khách/năm
Đến năm 2030, sân bay Nội Bài - Hà Nội có thể đạt công suất 63 triệu khách/năm và 2 triệu tấn hàng hóa. Năm 2050 đạt 100 triệu khách/năm và 5 triệu tấn hàng hóa, khai thác 4 đường băng

Cục Hàng không Việt Nam vừa có báo cáo mới nhất gửi Bộ Giao thông vận tải (GTVT) về việc điều chỉnh quy hoạch Cảng hàng không quốc tế Nội Bài, giai đoạn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050

Theo đó, tư vấn ADPi (Pháp) đã cơ bản hoàn thành báo cáo cuối kỳ về quy hoạch cảng hàng không quan trọng bậc nhất cả nước này với nhiều nghiên cứu, bàn thảo kỹ lưỡng


noi-bai-1597458872026.jpg

Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài đang bị quá tải do lượng khách tăng nhanh

Cảng hàng không quốc tế Nội Bài được quy hoạch là sân bay dùng chung dân dụng - quân sự, đạt cấp 4F theo quy định của ICAO, có thể khai thác các loại tàu bay lớn nhất hiện tại như B777-X, B747-8, B777-300ER và A380

Đến năm 2030, sân bay Nội Bài có thể đạt công suất 63 triệu khách/năm và 2 triệu tấn hàng hóa/năm. Con số này sẽ tăng lên 100 triệu khách và 5 triệu tấn hàng hóa vào năm 2050

Giai đoạn đến năm 2030, Nội Bài sẽ có 3 đường cất-hạ cánh (CHC). Trong giai đoạn này, Nội Bài sẽ có 3 nhà ga hành khách, trong đó nhà ga T2 hiện hữu sẽ tiếp tục được mở rộng để đạt công suất chung giữa T1+T2 là 30 - 40 triệu khách/năm. Nhà ga T3 được xây mới ở phía Nam đạt công suất khoảng 30 triệu khách/năm

Đến năm 2050, một trong hai sân bay lớn nhất cả nước này sẽ có 4 đường CHK (tạo thành cặp đường CHC). Đường CHC thứ 4 sẽ được xây mới ở phía Nam. Trong giai đoạn này, Nội Bài sẽ có 4 nhà ga hành khách. Cụ thể, sẽ tiếp tục xây mới nhà ga hành khách T4 công suất 25 triệu khách/năm tại vị trí nhà ga T1 hiện hữu và xây mới nhà ga T5 đạt công suất khoảng 25 triệu hành khách/năm khi có nhu cầu

Theo tư vấn ADPi, Về quy hoạch sử dụng đất, nguyên tắc được tư vấn tuân thủ chặt chẽ là đảm bảo hạn chế mở rộng và điều chỉnh phạm vi quy hoạch sử dụng đất đã được duyệt trong quy hoạch Thủ đô Hà Nội (diện tích khoảng 2.230ha); đảm bảo đủ quỹ đất cho quốc phòng

Với Nội Bài, quan trọng nhất là việc ảnh hưởng đến khu dân cư như thế nào, thu hồi đất ra sao. Những phương án đòi hỏi phải thu hồi đất rất lớn hoặc ảnh hưởng quá nhiều đến đất quốc phòng sẽ không phải là phương án lựa chọn

Lãnh đạo Cảng hàng không quốc tế Nội Bài cho biết, từ năm 2015 đến nay, sản lượng hành khách, hàng hóa và tàu bay CHC thông qua Nội Bài tăng rất nhanh, trung bình trên 10%/năm, gây áp lực rất lớn lên hạ tầng cảng

Hiện dự án mở rộng nhà ga hành khách T2 Nội Bài đã được khởi động để nâng công suất nhà ga này thêm 5 triệu khách, song cũng chỉ đưa tổng công suất của Nội Bài lên được 30 triệu khách/năm

Được biết, ADPi là công ty tư vấn thiết kế kiến trúc và kỹ thuật sân bay của Pháp thuộc Aéroports de Paris Group (ADP). Công ty này quản lý và thiết kế các công trình phức hợp sân bay như nhà ga hành khách, tháp điều khiển, nhà ga để máy bay: Hangar, trung tâm bảo dưỡng máy bay... tại các sân bay ở Bắc Kinh, Thượng Hải, Seoul, Dubai và Jeddah...
 
Last edited:
Công ty năng lượng lớn nhất châu Âu muốn tiến vào Việt Nam
Vừa qua, tập đoàn năng lượng Enel (Ý) đã công bố ý định muốn tiến vào thị trường Việt Nam trong thời gian tới. Đây là thông tin từ một cuộc phỏng vấn giữa giám đốc mảng năng lượng tái tạo toàn cầu Antonio Cammisecra của công ty con Enel Green Power (EGP) với hãng thông tấn Reuters

Là một tập đoàn thuộc sự kiểm soát của chính phủ Ý, Enel hiện là công ty tiện ích công có giá trị vốn hóa lớn nhất châu Âu (48,2 tỷ euro). Enel hiện đang có mặt ở khoảng 30 quốc gia trên toàn cầu, với doanh thu năm rồi đạt 75 tỷ euro, còn lợi nhuận đạt 517 triệu euro

Ông Cammisecra cho biết: “Chúng tôi sẽ theo đuổi tăng trưởng ở những nơi chúng ta đã có mặt, và sẽ khai phá một số thị trường mới như Việt Nam và Senegal”

Ông này cũng cho biết EGP xem Đông Nam Á là một khu vực tăng trưởng quan trọng, và hiện chưa có kế hoạch gì với Trung Quốc: “Tuy nhiên, chúng tôi vẫn liên tục theo dõi Trung Quốc vì đây là một thị trường quá lớn để bỏ qua”

Là một trong những công ty năng lượng tái tạo lớn nhất thế giới, công ty con EGP của Enel hiện đang có mặt ở 29 quốc gia, và đang có kế hoạch đầu tư 8 tỷ euro từ đây đến 2019 để tăng tổng công suất từ 37 GW lên gần 46 GW

Tuấn Minh
 
Last edited:
Đề xuất 2 tập đoàn lập dự án 3 tuyến ĐSĐT Hà Nội
Văn phòng Chính phủ vừa lấy ý kiến các bộ, ngành liên quan về việc giao 2 nhà đầu tư là Tập đoàn Vingroup và Tập đoàn T&T tự bỏ kinh phí lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi (đề xuất dự án) các dự án đoạn, tuyến đường sắt đô thị (ĐSĐT) Hà Nội ưu tiên thực hiện từ nay tới năm 2025

duongsatdothi14984731591499661867898_OPFN.jpg

Trước đó, UBND TP Hà Nội đã trình Thủ tướng Chính phủ về chủ trương giao các nhà đầu tư lập đề xuất dự án các tuyến ĐSĐT số 5, số 2 và số 4. Đây là 3 tuyến ĐSĐT TP Hà Nội sẽ ưu tiên thực hiện trong giai đoạn đến 2025. Cụ thể, TP Hà Nội đề xuất Thủ tướng đồng ý về chủ trương giao Tập đoàn Vingroup lập đề xuất đầu tư thực hiện theo hình thức PPP (đối tác công - tư), hợp đồng BT (xây dựng - chuyển giao) các tuyến số 5 đoạn Văn Cao - Vành đai 4 - Hòa Lạc, dài 38,4km; tuyến số 2 đoạn Trầng Hưng Đạo - Thượng Đình, dài 5,9km. Giao Tập đoàn T&T đề xuất đầu tư thực hiện theo hình thức PPP, hợp đồng BT tuyến số 4 đoạn Mê Linh - Sài Đồng - Liên Hà, dài 54km

Phải nói thêm rằng cả 3 dự án ĐSĐT Hà Nội do Tập đoàn Vingroup và Tập đoàn T&T đề xuất đều được thực hiện theo hình thức đổi đất lấy hạ tầng. Và để thực hiện một số tuyến ĐSĐT trên địa bàn theo PPP, TP Hà Nội từng đề xuất Thủ tướng Chính phủ cho phép bổ sung vào quy hoạch sử dụng đất của TP giai đoạn 2011-2020 thêm 6.000ha đất, tổng giá trị tiền sử dụng đất ước tính lên tới 300.000 tỷ đồng (khoảng 15 tỷ USD) để làm quỹ đất đối ứng cho nhà đầu tư BT và đấu giá quyền sử dụng đất thực hiện các dự án giao thông

Các dự án ĐSĐT Hà Nội có vốn đầu tư lớn, vì vậy đến nay có nhiều dự án không huy động đủ vốn để thực hiện đúng tiến độ. Trong đó, tuyến số 2 đoạn Trần Hưng Đạo - Thượng Đình dự kiến thực hiện trong giai đoạn 2016-2020, sử dụng vốn vay ODA Nhật Bản, có tổng mức đầu tư dự kiến 23.023 tỷ đồng; tuyến số 5 Văn Cao - Vành đai 4 - Hòa Lạc thực hiện theo PPP; tuyến số 4 Mê Linh - Sài Đồng - Liên Hà dự kiến thực hiện sau năm 2030

UBND TP Hà Nội cho biết thêm, sau khi công khai quy hoạch các tuyến ĐSĐT Hà Nội và kêu gọi các nhà đầu tư tư nhân tham gia dự án, đã có nhiều nhà nhà đầu tư bày tỏ quan tâm, nghiên cứu đầu tư các tuyến ĐSĐT, nhưng đến nay mới chỉ có 2 nhà đầu tư (nêu trên) chính thức đăng ký xin triển khai thủ tục đề xuất dự án. Theo đó, Vingroup và T&T đều cam kết với TP Hà Nội, khi được giao nghiên cứu đề xuất dự án sẽ tự ứng vốn để triển khai. Hơn nữa, cả 2 nhà đầu tư này đều không yêu cầu được bồi hoàn kinh phí và sẵn sàng bàn giao lại toàn bộ hồ sơ, báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, báo cáo nghiên cứu khả thi của các dự án ĐSĐT cho TP và đơn vị được lựa chọn để tiếp tục triển khai đầu tư. Nhưng trong trường hợp được lựa chọn là nhà đầu tư chính thức, cả 2 nhà đầu tư này lại đề nghị được hạch toán chi phí vào chi phí của dự án

Trên cơ sở đề xuất của 2 nhà đầu tư Vingroup và T&T, UBND TP Hà Nội nhận thấy các DN này đều là nhà đầu tư trong nước, phù hợp với chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo 35/TB-VPCP về việc ưu tiên kêu gọi các nhà đầu tư trong nước, có năng lực quản trị, năng lực tài chính, đã thực hiện các dự án nhóm A. Cả 3 dự án ĐSĐT Hà Nội nêu trên đều là các dự án quan trọng quốc gia, việc quyết định chủ trương đầu tư thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ và Quốc hội. Để triển khai các thủ tục đầu tư theo quy định, TP Hà Nội phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp thuận giao Tập đoàn Vingroup và Tập đoàn T&T tự bỏ kinh phí lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi (đề xuất dự án) và báo cáo nghiên cứu khả thi (lập dự án). Sau khi được chấp thuận, UBND TP Hà Nội sẽ yêu cầu 2 nhà đầu tư khẩn trương thuê tư vấn nước ngoài có kinh nghiệm, năng lực để thực hiện

Đến nay, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội cũng đã đồng ý về chủ trương cho phép Tập đoàn Vingroup và Tập đoàn T&T lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi 3 tuyến ĐSĐT số 2, số 4, và số 5. Dự kiến, trong năm nay Hà Nội sẽ trình Thủ tướng xem xét, báo cáo Quốc hội thông qua

Đăng Tuân
 
Thúc đẩy nguồn lực tập trung vào các mô hình phát triển mới

Thế giới chuyển đổi mô hình phát triển sang hướng mới là kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế carbon thấp, với yêu cầu ngày càng cao về chất lượng nguồn nhân lực. Việt Nam cần thúc đẩy phát triển nhân lực chất lượng cao để tạo động lực cho mô hình phát triển mới

insights-2022-research-and-development-tax-credit-960x600-1.jpg

Nguồn nhân lực R&D thuộc khu vực doanh nghiệp chỉ chiếm 15,17%

Đây là một trong những nội dung được Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đưa ra, nhằm làm rõ thêm các giải pháp phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, tại phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung tại Quốc hội vào chiều 6-6

Quochoi.vn đưa tin, tại phiên chất vấn và tranh luận với Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, đại biểu Quốc hội đã dẫn báo cáo của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), phần lớn nhân lực nghiên cứu và phát triển của các quốc gia trong OECD thuộc khu vực doanh nghiệp, trong khi đó ở Việt Nam, nguồn nhân lực này thuộc khu vực doanh nghiệp chỉ chiếm 15,17%, tỷ trọng rất nhỏ so với yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước

Đại biểu đề nghị lãnh đạo bộ, Chính phủ cho biết đã thực hiện cơ chế, chính sách như thế nào để thúc đẩy phát triển cũng như chuyển dịch, nâng cao tỷ trọng nhân lực nghiên cứu và phát triển R&D trong khu vực doanh nghiệp, nhất là khi các dự án về nghiên cứu phát triển AI trong doanh nghiệp gia tăng…

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho biết nguồn nhân lực R&D hết sức quan trọng và Đảng, Nhà nước đã, đang dành nhiều cơ chế, chính sách ưu tiên nhưng rất tiếc cho đến nay, năng suất lao động chưa đạt được tính bứt phá. Nhân lực R&D trong khu vực doanh nghiệp ở Việt Nam mới chiếm được trên 15% trong khi đó tại các doanh nghiệp khối Á – Âu, nhân lực R&D chiếm đến trên 50% và châu Âu là 56,3%

Để đáp ứng nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực nghiên cứu trong các kết nối có tính liên thông, từ giáo dục phổ thông cho đến giáo dục chất lượng cao, ông cho rằng cần phải có sự phân bổ nguồn lực tập trung vào lĩnh vực công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo (AI), Blockchain, công nghệ liên quan đến dược sinh học, kết nối vạn vật (IoT) và công nghệ liên quan đến máy tính, lượng tử cũng như rất nhiều công nghệ về năng lượng mới, năng lượng tái tạo

Đây chính là tiềm năng có thể tạo ra công ăn việc làm mới, tạo ra những ngành nghề mới, nhưng xuất phát điểm vẫn liên quan đến con người và nguồn lực

Vì thế thời gian tới, Chính phủ sẽ rà soát lại các vấn đề liên quan đến chính sách tăng trưởng xanh, các vấn đề liên quan đến phát triển nguồn nhân lực giáo dục và đào tạo, khoa học công nghệ và tập trung đẩy mạnh cho nghiên cứu, đổi mới sáng tạo

Nếu chúng ta thay đổi được những vấn đề mang tính chất chủ trương và tư duy mới để phát triển theo mô hình thế giới đang áp dụng, Việt Nam dù đi sau vẫn có thể đón đầu, đặc biệt trong vấn đề chuyển đổi số, chuyển đổi xanh và chuyển đổi năng lượng…, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh
 
Khi nhà đầu tư Trung Quốc ồ ạt vào Việt Nam

Bức tranh về thu hút đầu tư nước ngoài nửa đầu năm nay cho thấy sự gia tăng mạnh mẽ của nhà đầu tư đến từ Trung Quốc. Họ đã vượt qua các nhà đầu tư Hàn Quốc, Nhật Bản hay Singapore… để dẫn đầu số dự án đầu tư vào Việt Nam

Bên cạnh sự đóng góp vốn, tạo việc làm và phát triển kinh tế thì sự gia tăng đầu tư từ nước láng giềng này cũng được cho là không ít thách thức


Anh-bai-Trung-Quoc-1-1.jpg

Doanh nghiệp Trung Quốc ngày càng gia tăng đầu tư vào Việt Nam. Trong ảnh là công nhân làm việc trong một nhà máy sản xuất phụ tùng động cơ ô tô của Công ty Weichai Power ở tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc

Dẫn đầu số dự án đầu tư vào Việt Nam

Tập đoàn HKC Overseas Limited (Trung Quốc) mới đây đón giấy chứng nhận đầu tư từ Ban quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai (DIZA) để xây dựng nhà máy tại địa phương này. Với tổng vốn đầu tư đăng ký 10 triệu đô la Mỹ, dự án sẽ được triển khai tại Khu công nghiệp Nhơn Trạch 2 – Lộc Khang nhằm sản xuất màn hình, tivi…

Tập đoàn HKC Overseas Limited tiếp tục nối dài danh sách nhà đầu tư Trung Quốc tăng cường rót vốn đầu tư vào Việt Nam trong những năm gần đây, nhất là trong 6 tháng đầu năm nay, số dự án từ quốc gia láng giềng tỉ dân này dẫn đầu được cấp phép đầu tư ở Việt Nam

Cụ thể theo số liệu báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong nửa đầu năm nay, cả nước có hơn 1.290 dự án FDI được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, tăng gần 72% so với cùng kỳ năm ngoái

Đáng chú ý, nhà đầu tư đến từ Trung Quốc đã vượt qua các nhà đầu tư có nhiều đầu tư vào Việt Nam như Hàn Quốc, Nhật Bản, hay Singapore… để dẫn đầu số dự án đầu tư vào nền kinh tế gần 10 triệu dân, chiếm 18% tổng số dự án FDI mới được cấp phép trong nửa đầu năm nay. Năm ngoái, ngôi vị này đến từ các nhà đầu tư Hàn Quốc chiếm 20,4% số dự án FDI mới của cả nước

Trên thực tế trong những năm gần đây, doanh nghiệp và nhà đầu tư Trung Quốc ngày càng gia tăng rót vốn vào nền kinh tế gần 100 triệu dân. Chẳng những thế, các doanh nghiệp ở đất nước tỉ dân này còn liên tục tăng vốn, mở rộng sản xuất kinh doanh

Đơn cử như Yadea – Tập đoàn phát triển và sản xuất xe hai bánh chạy điện của Trung Quốc sau hơn 4 năm có mặt tại Việt Nam, gần đây đã quyết định đầu tư thêm dự án mới tại tỉnh Bắc Giang. Với tổng vốn đăng ký 100 triệu đô la Mỹ, dự án sẽ được thực hiện trên diện tích hơn 23 ha, công suất dự kiến khoảng 2 triệu xe/năm

Bên cạnh đó, Yadea cũng sẽ tiếp tục mở Trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) tại tỉnh Bắc Giang; đồng thời khuyến khích các doanh nghiệp vệ tinh cùng liên kết để phát triển sản phẩm

Trong khi đó, với các nhà đầu tư nước ngoài ở Trung Quốc thì không ngừng dịch chuyển đầu tư ra các nước, trong đó Việt Nam cũng được hưởng lợi khi không ít nhà đầu tư FDI chọn là một trong những điểm đến

Việc dịch chuyển dòng vốn FDI theo xu hướng “Trung Quốc +1” vẫn tiếp tục đang diễn ra. Hàng loạt tập đoàn nước ngoài sẽ không dồn tất cả vốn đầu tư vào Trung Quốc mà sẽ phân tán và đa dạng hóa đầu tư sang một nước khác, trong đó Việt Nam là sự lựa chọn nhiều trong khu vực Đông Nam Á

Đẩy mạnh dịch chuyển, đa dạng hóa nhà xưởng ngoài Trung Quốc

Trên thực tế, việc chuyển dịch đầu tư từ Trung Quốc đã diễn ra cách đây hơn 10 năm, bắt đầu từ các nhà đầu tư Nhật Bản, Hàn Quốc có nhà máy, phân xưởng đặt tại Trung Quốc… Sau đó xảy ra xung đột thương mại Mỹ – Trung khiến các nhà đầu tư chuyển dịch hoặc đa dạng hóa phân xưởng sản xuất sang khu vực Đông Nam Á (ASEAN), để né tránh các chính sách thuế cùng biện pháp phòng hộ thương mại giữa 2 cường quốc

Tới khi đại dịch Covid-19 diễn ra dẫn tới đứt gãy chuỗi cung ứng, dòng vốn tiếp tục dịch chuyển để đảm bảo chuỗi cung ứng không lặp lại tình trạng đứt gãy như thời kỳ đầu đại dịch

Với vị trí chiến lược quan trọng, tiếp giáp với Trung Quốc, nơi cung ứng nguồn hàng hóa, nguyên liệu quy mô lớn và là một thị trường lớn, Việt Nam có điều kiện để nhà đầu tư tiết giảm chi phí vận chuyển và kết nối ổn định chuỗi cung ứng tại Trung Quốc. Do đó, Việt Nam được đánh giá là lựa chọn hàng đầu ở khu vực ASEAN trong xu hướng này

Bên cạnh đó, cuộc đối đầu giữa Mỹ và Trung Quốc vẫn chưa có tín hiệu cải thiện. Hiện Mỹ đánh thuế vào các hàng hóa từ Trung Quốc rất cao, áp đặt mức thuế nhập khẩu tới 25% đối với nhiều hàng hóa nhập khẩu, buộc các doanh nghiệp tại nước này phải tìm kiếm thị trường khác để tiêu thụ số hàng hóa không thể xuất khẩu sang Mỹ, đồng thời gia tăng đầu tư ra nước ngoài để đối phó với các biện pháp của Mỹ

Đáng chú ý, 15 Hiệp định thương mại tự do (FTAs) đang có hiệu lực với hàng hóa sản xuất của Việt Nam vào các thị trường này thuế suất bằng 0 hoặc rất thấp sẽ là cơ hội rất lớn cho các nhà đầu tư

Riêng nhà đầu tư Trung Quốc tăng tốc dịch chuyển đến Việt Nam trong những năm gần đây cũng được cho là bắt đầu từ cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung manh nha từ những năm trước đã thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư từ Trung Quốc chuyển một phần vốn sang một nước khác trong khu vực ASEAN, trong đó có Việt Nam

Cùng với chi phí nhân công rẻ, sự ổn định về môi trường chính trị – xã hội, vĩ mô… các yếu tố này đã được các doanh nghiệp Trung Quốc nhận ra, tìm kiếm cơ hội để mở rộng quy mô thương mại hai chiều, tăng nhanh các dự án đầu tư trực tiếp

Có thể nhận thấy hoạt động sản xuất chỉ tập trung ở Trung Quốc không còn được xem là giải pháp an toàn với các nhà sản xuất, ngay cả doanh nghiệp và nhà đầu tư chính quốc. Bởi vị thế là công xưởng của thế giới của Trung Quốc dù vẫn còn nhưng không còn mạnh như trước đây

Theo tờ South China Morning Post, doanh nhân Norman Cheng, chủ sở hữu Strategic Sports, một trong những nhà sản xuất mũ bảo hiểm lớn trên thế giới cho biết, việc dịch chuyển hoạt động ra ngoài Trung Quốc được xem là một giải pháp sống còn đối với doanh nghiệp

Ông Cheng đang có ý định mở một nhà máy thông minh tại Việt Nam vào năm tới với tổng mức đầu tư khoảng 30 triệu đô la. Đây sẽ là một bản sao của nhà máy mà ông đã mở ở tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc gần đây

Kế hoạch của Strategy Sports được đưa ra sau thời gian dài cân nhắc và nguyên nhân không phải là lo ngại về năng lực sản xuất. Ông Cheng cho rằng, Strategy Sports đang có rất nhiều thứ ở Trung Quốc – nơi nhà máy tự động hóa đầu tiên của công ty đã đi vào hoạt động cách đây hơn 2 năm và công suất được tăng thêm hàng triệu mũ bảo hiểm trong mỗi năm

Quyết định của Strategy Sports được đưa ra sau thời gian dài cân nhắc và nguyên nhân không phải là lo ngại về năng lực sản xuất. Việc dịch chuyển bắt nguồn từ nỗ lực mang tính chiến lược nhằm phòng ngừa rủi ro chính trị đang ngày càng gia tăng và mong muốn giữ chân các khách hàng phương Tây

Ông Cheng cho biết, có rất nhiều khách hàng nước ngoài của công ty ngày càng tỏ ra lo lắng và thận trọng hơn về chuỗi cung ứng, họ muốn phòng ngừa rủi ro bằng cách tìm kiếm nguồn cung từ nhiều quốc gia khác bên ngoài Trung Quốc

“Nếu chỉ xét về vấn đề năng lực sản xuất thì chúng tôi sẽ không phải xây nhà máy mới ở Việt Nam, nhưng ở góc độ địa chính trị, chúng tôi buộc phải làm vậy. Các khách hàng Mỹ đã thúc giục chúng tôi dịch chuyển sản xuất sang Việt Nam. Vì họ cam kết sẽ đặt đơn hàng từ Việt Nam, nên chúng tôi quyết định đến quốc gia này”, South China Morning Post dẫn lời vị doanh nhân này

Tuy nhiên, kể cả khi có kế hoạch mở rộng sản xuất sang quốc gia khác, doanh nghiệp không có ý định bỏ Trung Quốc. Ngược lại, kể cả khi việc mở cửa nhà máy ở Quảng Đông bị trì hoãn gần 2 năm do các biện pháp phòng chống dịch, cơ sở này vẫn là một bánh răng quan trọng trong cỗ máy sản xuất của công ty. Ông Cheng chọn Quảng Đông bởi trung tâm sản xuất này đã hình thành các cụm công nghiệp phức tạp trong nhiều thập kỷ qua

Nhưng thực tế cho thấy chỉ phụ thuộc vào hoạt động sản xuất ở Trung Quốc không còn được xem là giải pháp an toàn nhất đối với các nhà sản xuất. Bởi vị thế là “công xưởng của thế giới” của Trung Quốc không còn mạnh như trước đây. Cùng với nỗi lo về vấn đề địa chính trị, mối quan ngại rằng Trung Quốc đang đối mặt một cuộc khủng hoảng nhân khẩu học khiến các doanh nghiệp ở đây gặp khó khăn trong việc tuyển dụng lao động có tay nghề

Tại Việt Nam, nhà máy đang dự kiến xây dựng của ông Cheng sẽ được tự động hóa ở mức độ cao, cho phép 400 công nhân có thể sản xuất được khoảng 8 triệu mũ bảo hiểm mỗi năm. Nhà máy này cũng sử dụng năng lượng xanh với tấm năng lượng mặt trời và hệ thống tái chế nước mưa

Cơ hội nhiều nhưng thách thức không ít

Theo giới phân tích làn sóng dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam được xem vừa là cơ hội nhưng cũng là không ít thách thức

Xét ở góc độ thu hút đầu tư đơn thuần cũng như đối với các doanh nghiệp phát triển hạ tầng bất động sản công nghiệp tại Việt Nam thì đây là một tín hiệu tốt. Trong bối cảnh đất nước mở cửa chào đón đầu tư FDI dù là nhà đầu tư đến từ quốc gia nào thì doanh nghiệp làm hạ tầng cũng sẽ thu được tiền thuê đất, có dự án là sẽ có vốn đầu tư được giải ngân, qua đó sẽ tạo nhiều việc làm, đóng góp kinh tế, các loại thuế vào ngân sách…

Tuy nhiên, đằng sau bức tranh thu hút đầu tư được cho là khá tích cực đó các chuyên gia cũng đặt ra không ít băn khoăn khi các nhà đầu tư Trung Quốc ngày càng đẩy mạnh đầu tư vào Việt Nam thời gian qua

Nếu nhà đầu tư Trung Quốc chủ yếu đưa thiết bị lạc hậu, công nhân, chuyên gia của họ sang Việt Nam thì được cho là thách thức hơn là thuận lợi. Bởi lẽ Trong bối cảnh cuộc thương chiến Mỹ – Trung hiện nay, Việt Nam sẽ có nguy cơ bị biến thành “cứ điểm” để các doanh nghiệp Trung Quốc gian lận nguồn gốc xuất xứ hàng hóa. Việc này cũng khiến hàng Việt Nam có nguy cơ bị áp thuế trừng phạt với mức cao từ các quốc gia nhập khẩu trong đó có Mỹ và các nước châu Âu,…

Câu chuyện một số sản phẩm đồ gỗ Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Mỹ tăng cao trong những năm qua cũng từng bị nước này nghi ngờ ngành gỗ Việt Nam đang trở thành điểm đến đầu tư “núp bóng” của một số nhà đầu tư ngoại và Trung Quốc để lẫn tránh thuế, dẫn đến nhiều rủi ro thương mại. Điều này khiến doanh nghiệp nội địa hoang mang vì tạo ra nhiều rủi ro cho xuất khẩu gỗ của Việt Nam

Theo đại diện các Hiệp hội gỗ các địa phương, có trường hợp một số nhà đầu tư rót vốn vào ngành này của Việt Nam chỉ thực hiện những công đoạn giản đơn, không đầu tư dây chuyền máy móc quy chuẩn để hoạt động lâu dài mà chủ yếu chủ yếu đưa sản phẩm từ Trung Quốc đến lắp ráp rồi cho xuất khẩu. Và cũng có hiện tượng nhà đầu tư ngoại thâu tóm doanh nghiệp gỗ trong nước để xuất khẩu vào thị trường Mỹ và các nước

Tuy nhiên, để đưa ra những bằng chứng cụ thể về lượng doanh nghiệp đầu tư chui hoặc đầu tư núp bóng như thế nào thì cần phải có cuộc điều tra cụ thể từ nhiều đơn vị, cơ quan quản lý và cả doanh nghiệp trong ngành

Có thể thấy xu hướng dịch chuyển các dòng vốn đầu tư ra khỏi Trung Quốc và nhiều quốc gia phát triển để tận dụng các Hiệp định tự do thương mại (FTA) được ký ngày càng nhiều. Việc tăng ưu đãi nguồn gốc xuất xứ cho các nước tham gia hiệp định và siết chặt nhập khẩu, đánh thuế cao với các sản phẩm của các nước ngoài các FTA khiến các doanh nghiệp, nhà đầu tư phải toan tính những bước đi mới đến các nước được hưởng ưu đãi nguồn gốc xuất xứ, điển hình như Việt Nam

Không chỉ ngành gỗ mà thực tế thời gian qua, hàng hóa từ Việt Nam đã thâm nhập được nhiều thị trường lớn, tạo ra áp lực cạnh tranh đối với các ngành sản xuất tại nước nhập khẩu. Điều này khiến các ngành sản xuất của nước nhập khẩu yêu cầu chính phủ họ sử dụng các biện pháp phòng vệ thương mại như chống bán phá giá, chống trợ cấp, tự vệ để bảo vệ mình

Do đó, các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam ngày càng có khả năng trở thành đối tượng bị điều tra, áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại…

Theo các chuyên gia, việc cần làm trong việc thu hút đầu tư cần nghiên cứu bổ sung những quy định pháp luật chưa chặt chẽ hoặc còn có khoảng trống để vừa thu hút được vốn FDI lại vừa tránh được nhưng nguy cơ cho kinh tế và an ninh quốc phòng

Quan trọng nhất là việc xây dựng luật pháp và các chế tài liên quan cần chặt chẽ, khoa học và toàn diện, vừa thu hút đầu tư, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, vừa đảm bảo phát triển kinh tế xã hội

Đã đến lúc Việt Nam không cần phải thu hút vốn FDI bằng mọi giá, mà cần kiểm soát công nghệ từ Trung Quốc chuyển vào Việt Nam, tuyệt đối ngăn chặn những dự án có công nghệ lạc hậu, thâm dụng nhiều lao động và gây ô nhiễm môi trường đến Việt Nam. Ngoài ra, Việt Nam cũng cần cảnh giác tránh trở thành xưởng gia công của thế giới, tránh trường hợp các doanh nghiệp Trung Quốc “mượn” sản xuất Việt Nam để xuất khẩu vào Mỹ
 
Top