What's new
Vietnam - Điện Biên Phủ Kinh Tế

This is a sample guest message. Register a free account today to become a member! Once signed in, you'll be able to participate on this site by adding your own topics and posts, as well as connect with other members through your own private inbox!

Dòng họ Lý tại Hàn Quốc

LOBBY.VN

Administrator
Lý Long Tường

Lý Long Tường là Hoàng tử nhà Lý nước Đại Việt, Hoa Sơn Tướng quân (Hwasan Sanggun) nước Cao Ly và là ông tổ của một dòng họ Lý ngày nay tại Hàn Quốc.

Lý Long Tường sinh năm 1174 (Giáp Ngọ), là con thứ bảy của vua Lý Anh Tông (trị vì 1138-1175) và Hiền Phi Lê Mỹ Nga. Ông được vua Trần Thái Tông phong chức: Thái sư Thương trụ quốc, Khai phủ Nghi đồng Tam ty, Thượng thư Tả bộc xạ, lĩnh Đại đô đốc, tước Kiến Bình Vương.

Năm 1225, Trần Thủ Độ lật đổ nhà Lý bằng cách đưa cháu là Trần Cảnh vào hầu Lý Chiêu Hoàng, dàn xếp để Trần Cảnh lấy Lý Chiêu Hoàng và nhường ngôi để lập ra nhà Trần. Sau đó Trần Thủ Độ tiến hành tàn sát con cháu nhà Lý, buộc con cháu nhà Lý đổi qua họ Nguyễn, đày con cháu nhà Lý đi lên vùng núi non hiểm trở phía bắc.


Tị nạn


Năm 1226 (tức niên hiệu Kiến Trung thứ hai đời Vua Thái Tông nhà Trần), để bảo toàn tính mạng và lo việc thờ cúng tổ tiên, Lý Long Tường đã mang đồ thờ cúng, vương miện, áo long bào và thanh Thượng phương bảo kiếm truyền từ đời Vua Lý Thái Tổ cùng sáu ngàn gia thuộc qua cửa Thần Phù, Thanh Hóa chạy ra biển Đông trên ba hạm đội. Sau một tháng lênh đênh trên biển, đoàn thuyền gặp bão lớn phải ghé vào Đài Loan. Khi Lý Long Tường quyết định lên đường thì con trai là Lý Long Hiền ốm nặng nên phải ở lại cùng 200 gia thuộc. Trên đường đi tiếp đoàn thuyền bị bão dạt vào Trấn Sơn, huyện Bồn Tân, tỉnh Hoàng Hải, trên bờ biển phía tây Cao Ly (gần Pusan ngày nay). Tương truyền rằng trước đó Vua Cao Tông của Cao Ly nằm mơ thấy một con chim cực lớn bay từ phương Nam lên, vì vậy ông lệnh cho chính quyền địa phương tiếp đón ân cần, và đồng ý cho Lý Long Tường ở lại dung thân.

Tại đây Lý Long Tường cùng tướng sĩ, gia thuộc trồng trọt, đánh cá, chăn nuôi. Ông cho mở Độc thư đường dạy văn (thi phú, lễ nhạc, tế tự) và Giảng võ đường dạy võ (binh pháp, võ thuật). Học trò theo học rất đông, lúc nào cũng trên nghìn người.

Chống quân Nguyên Mông

Năm 1232, Đại hãn Oa Khoát Đài đem quân tiến đánh Cao Ly bằng hai đường thủy bộ. Về đường thủy, quân Nguyên Mông vượt biển tiến đánh Hoàng Hải nhưng bị Lý Long Tường lãnh đạo tướng sĩ, gia thuộc và quân dân địa phương đẩy lui. Khi ra trận, ông thường cưỡi ngựa trắng đôn đốc quân sĩ, nhân dân gọi ông là Bạch Mã Tướng quân.

Năm 1253, Đại hãn Mông Ca lại đem quân đánh Cao Ly lần thứ hai. Quân Nguyên Mông do Đường Cơ chỉ huy tấn công Hoàng Hải cả đường thủy lẫn đường bộ. Lý Long Tường lãnh đạo quân dân trong vùng chống trả quân Nguyên Mông suốt 5 tháng ròng. Sau chiến công này, Vua Cao Ly đổi tên Trấn Sơn thành Hoa Sơn, phong Lý Long Tường làm Hoa Sơn Tướng quân. Nơi quân Nguyên Mông đầu hàng gọi là Thụ hàng môn và Vua Cao Ly cũng cho lập bia tại đây để ghi công ông (di tích này hiện nay vẫn còn).

Khi mất, ông được chôn tại chân núi Di Ất, gần Bàn Môn Điếm bây giờ. Thời gian sống ở Hoa Sơn, Lý Long Tường thường lên đỉnh núi ngồi trông về phương Nam mà khóc, nơi ấy gọi là Vọng quốc đàn.

Một vài tờ báo hải ngoại phong đùa ông là "Ông tổ tị nạn" hay "Ông tổ thuyền nhân". Ngày nay hậu duệ họ Lý dòng dõi Lý Long Tường có khoảng hơn 600 người.

Hậu duệ

Ngày 6 tháng 11 năm 1958, trong dịp viếng thăm Việt Nam Cộng hòa, Lý Thừa Vãn, Tổng thống Đại Hàn Dân Quốc đã tuyên bố rằng tổ tiên ông là người Việt. Theo nhà nghiên cứu Trần Đại Sỹ thì Lý Thừa Vãn là hậu duệ đời thứ 25 của Lý Long Tường.

Cũng có giả thuyết rằng Cựu Tổng thống Đài Loan Lý Đăng Huy là hậu duệ của Lý Long Hiền - con trai Lý Long Tường.

Năm 1994, ông Lý Xương Căn, cháu đời thứ 26 (có tài liệu là đời thứ 31) của Lý Long Tường, qua Việt Nam, tìm đến từ đường họ Lý ở làng Đình Bảng, huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh để bái tổ tiên.


Dòng họ Lý gốc Việt thứ hai


Ngoài Lý Long Tường là ông tổ họ Lý gốc Việt tại Hàn Quốc và Triều Tiên, tại đây còn có một họ Lý gốc Việt khác mà ông tổ là Lý Dương Côn con nuôi của Vua Lý Nhân Tông. Năm 1150, Đô đốc Thủy quân Lý Dương Côn đã cùng tông tộc dùng thuyền sang Cao Ly tị nạn để tránh bị giết trong cuộc tranh giành ngôi báu lúc bấy giờ.

Hậu duệ đời thứ sáu của Lý Dương Côn là Lý Nghĩa Mẫn (Lee Ui Min) trở thành nhân vật kiệt xuất trong lịch sử Cao ly
 
Last edited:
Đi tìm dòng họ Lý ở Hàn Quốc - Hoàng tử ra đi

Khoảng 800 năm trước, sau một biến cố lịch sử, nhiều người trong dòng họ nhà Lý của đất Việt đã lên thuyền vượt biển đến xứ Cao Ly (tức bán đảo Triều Tiên). Qua bao vật đổi sao dời, dòng họ Lý ly hương đã xây dựng cơ nghiệp trên đất khách đến tận ngày hôm nay với những hậu duệ thành đạt.

Phóng viên Tuổi Trẻ lần giở lại sự kiện này, đồng thời tìm gặp trực tiếp hậu duệ dòng họ Lý sinh sống tại Hàn Quốc - những người luôn mang nỗi niềm hoài hương.

- 800 năm đã qua, giờ đây có quá ít tư liệu về sự kiện lịch sử này. Những tư liệu hiếm hoi tìm được lại ít nhiều khác nhau về dữ kiện.

Hoàng tử là ai ?

Ngày 17-10-2006, trong bài viết “Hàn Quốc và Việt Nam ngày càng xích lại gần nhau” đăng trên website của Đại sứ quán Hàn Quốc tại VN có viết về sự kiện này như sau: “Khoảng 800 năm trước, một vị hoàng tử của VN đã phải chạy trốn sang vương quốc Goryeo, chính là Hàn Quốc ngày nay. Vua Kojong của vương quốc Goryeo (1192-1259) nồng nhiệt tiếp đón vị hoàng tử của VN cùng những tùy tùng của ông và ban tặng cho họ tên gọi “dòng họ Lý ở Hwasan” vào năm 1226”. Vị hoàng tử đó là ai?

Trước khi lên đường sang Hàn Quốc tìm gặp hậu duệ dòng họ Lý ở xứ người, chúng tôi đã tìm lại nhiều tài liệu chính sử như Đại Việt sử ký toàn thư, Việt Sử tân biên, Khâm định Việt sử thông giám cương mục... để biết thêm về sự kiện này. Các tài liệu này đều viết rất rõ về các đời vua nhà Lý, song tuyệt nhiên không có một chi tiết nào nhắc đến “vị hoàng tử chạy trốn”. Riêng trong Đại cương lịch sử Việt Nam (tập I, NXB Giáo Dục 1997) có một chi tiết ngắn ngủi: “Mùa xuân năm Bính Tuất (1226), Trần Thủ Độ giữ chức thái sư thống quốc, truất bỏ ngôi thượng hoàng của Lý Huệ Tông... Trần Thủ Độ thực hiện nhiều biện pháp kiên quyết, diệt trừ thế lực còn lại của nhà Lý. Một số hoàng thân tìm cách di cư ra nước ngoài như Lý Long Tường chạy sang Cao Ly”.

Triều đại nhà Lý trị vì trong 216 năm (1010 -1225) với chín đời nối tiếp nhau: Lý Thái Tổ - Thái Tông - Thánh Tông - Nhân Tông - Thần Tông - Anh Tông - Cao Tông - Huệ Tông - Chiêu Hoàng. Vua Lý Thái Tổ có công dời kinh đô về Thăng Long (Hà Nội ngày nay).

Thời vua Lý Nhân Tông đạt đỉnh cao sự thịnh trị, có danh tướng Lý Thường Kiệt phạt Tống bình Chiêm, mở rộng cương thổ. Đến đời Cao Tông triều Lý bắt đầu suy yếu. Lý Huệ Tông đã chấm dứt triều Lý bằng việc truyền ngôi cho con gái (Chiêu Hoàng) và tin dùng họ Trần nên mất ngôi vào năm 1225.

Vậy hoàng thân Lý Long Tường sang Cao Ly chính là vị hoàng tử chạy trốn? Theo tài liệu lịch sử, vua Lý Anh Tông có bảy người con là Long Xưởng, Long Minh, Long Đức, Long Hòa, Long Ích, Long Trát và Long Tường. Hoàng tử Long Trát được đưa lên ngôi lúc 26 tháng tuổi, hiệu là Cao Tông, sau truyền ngôi cho con là Long Sảm, hiệu là Huệ Tông. Như vậy Lý Long Tường là con thứ của vua Lý Anh Tông, em của vua Lý Cao Tông và là chú của vua Lý Huệ Tông. Một tài liệu khác còn xác định Lý Long Tường do hiền phi Lê Mỹ Nga hạ sinh vào năm Giáp Ngọ 1174.

Trở lại bối cảnh lịch sử lúc giao thời nhà Lý - Trần, vào năm 1225 Trần Thủ Độ tổ chức một cuộc đảo chính khôn khéo đưa cháu là Trần Cảnh, tức Trần Thái Tông lên ngôi, lật đổ nhà Lý lập ra nhà Trần (chính thức vào ngày 12 tháng chạp năm Ất Dậu, tức ngày 11-1-1226).

Năm 1226, Trần Thủ Độ thanh trừng 300 người trong hoàng tộc họ Lý vào ngày giỗ tổ Lý Công Uẩn ở Đông Ngàn. Chính sự kiện đẫm máu này đã khiến nỗi lo sợ của Lý Long Tường (lúc bấy giờ là thân vương duy nhất nắm nhiều quyền hành, tước Kiến Bình vương) lên đến đỉnh điểm, sớm muộn gì ông cũng sẽ bị diệt trừ nên đã mang gia quyến và đội thủy quân thực hiện cuộc di cư bằng đường biển.

Hành trình sóng gió

Cuộc di cư vượt biển của Lý Long Tường và gia quyến có nhiều tình tiết lẫn nhiều dị bản. Theo tài liệu của Bách khoa từ điển mở Wikipedia: “Lý Long Tường đã mang đồ thờ cúng, vương miện, long bào và thanh thượng phương bảo kiếm truyền từ đời vua Lý Thái Tổ cùng sáu ngàn gia thuộc qua cửa Thần Phù, Thanh Hóa chạy ra biển Đông trên ba hạm đội. Đoàn thuyền bị bão dạt vào Trấn Sơn, huyện Bồn Tân, tỉnh Hoàng Hải, trên bờ biển phía tây Cao Ly (gần Busan ngày nay)”. Cuối tháng 10-2006, phóng viên Tuổi Trẻ đã đến cảng Busan (Hàn Quốc), có dịp xác minh qua gia phả và hậu duệ dòng họ Lý, nhưng chưa tìm được bất cứ manh mối nào cho thấy đoàn thuyền của Lý Long Tường dạt vào khu vực gần Busan.

Một dữ liệu khác ở diễn đàn lịch sử - văn hóa sinh viên Đông du tại Nhật viết: “Lý Long Tường cùng với Lý Quang Bật (là em của học sĩ Lý Quang Châm đã bị Trần Thủ Độ giết trong cuộc diệt trừ dòng họ Lý) mang đồ thờ cúng chạy ra biển Đông. Một thuyền bị bão dạt vào Trung Hoa không rõ sống chết ra sao”.

Theo tiểu thuyết dã sử Hoàng thúc Lý Long Tường của nhà văn, nhà nghiên cứu Kang Moo Hak thì Lý Long Tường có ghé Nam Kinh, Trung Hoa, nhưng khi ấy nhà Tống đã chấp nhận sứ thần nhà Trần (đồng nghĩa với việc công nhận vương triều mới của nước Đại Việt) nên ông đành phải tiếp tục đi tìm nơi nương tựa khác.

Theo thu thập cứ liệu lịch sử của nhà văn Vũ Ngọc Tiến (Hà Nội), đoàn thuyền vượt biển của Lý Long Tường “lênh đênh trên biển gần một tháng thì gặp bão lớn, phải ghé vào Đài Loan lúc đó hoang vu, thưa vắng người. Ở đó ít lâu, người chết vì đói hoặc say sóng, bệnh tật mất già nửa. Long Tường quyết định đi tiếp, nhưng con trai là Lý Long Hiền (có tài liệu viết tên là Lý Đăng Hiền) ốm nặng, cùng gia đình và 200 thuộc hạ ở lại đảo Đài Loan”.

Chính chi tiết này đã làm nảy sinh một dấu hỏi khác từ nhiều học giả quốc tế thời gian qua: liệu cựu lãnh đạo Đài Loan Lý Đăng Huy có phải là hậu duệ của Lý Đăng Hiền - con trai Lý Long Tường năm xưa không? Cho đến nay vấn đề lịch sử này vẫn còn tồn nghi.

Gia phả hậu duệ dòng họ Lý tại Hàn Quốc mà phóng viên Tuổi Trẻ có được cho biết vào mùa thu năm 1226, hạm đội của Lý Long Tường đã tấp vào cửa biển Ongjin-gun (Khang Linh), tỉnh Hwanghae (Hoàng Hải) thuộc phía đông bắc bán đảo Triều Tiên. Toàn bộ đoàn thuyền còn hơn 1.000 người sống sót đều lấy họ Lý để tỏ lòng trung thành và biết ơn Lý Long Tường
 
Last edited:
800 năm hoài cố hương

- Tích xưa kể rằng nhà vua Cao Ly Kojong nằm mộng thấy một con chim lớn bay từ phương Nam đậu lại bên bờ Tây Hải, như báo điềm gặp được dũng tướng phương xa.

Sau đêm mộng báo điềm, nhà vua Kojong sai người đến Tây Hải tìm kiếm và gặp được hạm đội của Kiến Bình vương Lý Long Tường vừa trôi dạt vào bờ. Vị hoàng thân nước Nam được diện kiến nhà vua và các đại thần triều Goryeo.


Tướng quân tha hương


Theo các tài liệu phóng viên Tuổi Trẻ thu thập được qua chuyến đi Hàn Quốc, nhà vua Kojong đối đãi rất tốt với hoàng thân Lý Long Tường, đồng ý cho trú ngụ tại một khu đất rộng ở Hae-ju, tỉnh Hwang-hae (Hoàng Hải). Từ đó, hoàng thân Lý Long Tường cùng tướng sĩ, thân bằng quyến thuộc bắt tay xây dựng cuộc sống lưu vong trên đất khách bằng các nghề trồng trọt, chăn nuôi, đánh cá và cả mở trường dạy thi phú, lễ nhạc, võ thuật...

Những hậu duệ Lý Long Tường đang sinh sống tại Seoul khi kể lại dòng dõi của mình đã không giấu niềm hãnh diện về sự kiện vẫn còn lưu trong nhiều sách sử cổ hay truyện dã sử Hàn Quốc về “Hoa Sơn tướng quân”: “Năm Quí Sửu 1253, quân Mông Cổ cậy binh hùng tướng mạnh xâm lăng Cao Ly. Lý Long Tường năm ấy đã vào tuổi thất thập cổ lai hi, nhưng vẫn cưỡi ngựa trắng đôn đốc binh sĩ, dân chúng trong vùng xây thành An Nam chống trả quân Mông Cổ suốt năm tháng ròng.

Ông còn mang binh pháp Đại Việt ra để tham mưu cho các tướng lĩnh Cao Ly và kết quả cùng lập chiến công lớn khi đánh bại giặc Nguyên Mông”. Vua Kojong đã phong Lý Long Tường làm tướng quân, cho lập bia ghi ơn công trạng Lý Long Tường tại nơi quân Nguyên Mông đầu hàng (gọi là “Thụ hàng môn”), đổi tên nơi họ Lý trú ngụ là Hoa Sơn. Nên từ đó dân chúng trong vùng suy tôn Lý Long Tường là Hoa Sơn tướng quân hay Bạch mã tướng quân (dũng tướng cưỡi ngựa trắng).

Một điều khiến hậu duệ họ Lý ngày nay không khỏi xúc động là chi tiết gia phả kể lại năm xưa, dù được vua sở tại trọng thị, lập chiến công hiển hách nhưng Hoa Sơn tướng quân vẫn không nguôi nỗi nhớ về quê cha đất tổ. Ông cho xây dựng một ngôi đình kiểu Đại Việt để thờ các vị vua Lý và muốn mọi người có một nơi chốn cụ thể để hoài niệm cố hương. Vào cuối đời, ông hay lên đỉnh núi Quảng Đại, ngồi nhìn về phương Nam xa xăm mà lệ tuôn trào vì nỗi nhớ quê. Vì thế ngày nay nơi này được gọi là Vọng quốc đàn.

Theo văn bia nơi “Thụ hàng môn” ở Ongjin, con cháu Hoa Sơn tướng quân có rất nhiều người đỗ đạt làm quan, giữ học vị cao hoặc có chức tước trọng thị trong triều đình Cao Ly. Một chi tiết phóng viên Tuổi Trẻ ghi nhận được tại Hàn Quốc là đến hậu duệ đời thứ 6 của Lý Long Tường, danh sĩ Lee Maeng Woo trung thành với triều đình Goryeo đến nỗi khi triều đại vua Chosun bắt đầu thì ông quyết từ quan trở về quê ở ẩn để thể hiện lòng trung nghĩa “một tôi trung không thể thờ hai vua”. Các hậu duệ họ Lý cho rằng cha ông họ “đã thể hiện truyền thống về sự trung thành và chính trực rất đáng tự hào trên đất khách!”.

Gia phả Lý Hoa sơn cho biết trên đất Cao Ly, dòng dõi họ Lý lại chia làm hai nhánh rẽ. Một số hậu duệ của Lý Long Tường từ Hoa Sơn đã di cư xuống miền Nam (tức Hàn Quốc ngày nay), lập nghiệp tại vùng An-dong và Bong-hwa (gần thành phố lớn Daegu). Qua nhiều đời, đến khi xảy ra cuộc chiến Triều Tiên thập niên 1950, cũng như nhiều người Triều Tiên, con cháu dòng họ Lý lại thêm một lần chia ly sống ở hai miền Triều Tiên. Hiện nay dòng họ Lý Long Tường ở Hoa Sơn ngày xưa còn khoảng 1.500 hộ ở CHDCND Triều Tiên, còn ở Hàn Quốc thì trên 600 người. Hằng năm vào dịp Tết Nguyên đán, các hậu duệ họ Lý lại về Hoa Sơn dự lễ tế tổ, gióng lên chín tiếng trống tượng trưng cho chín đời vua triều Lý để mọi người tưởng nhớ quê hương.

“Tuy sống xa vạn dặm…”

Trải qua mấy trăm năm, các hậu duệ họ Lý ly hương đã có nhiều người tìm đường quay trở về cố hương. Báo chí Sài Gòn trước năm 1975 đã đưa tin tổng thống Đại Hàn dân quốc lúc bấy giờ là Lý Thừa Vãn (Syngman Rhee) khi sang Nam VN (ngày 6-11-1958) đã tuyên bố rằng tổ tiên ông là người Việt.

Dòng họ Lý gốc Việt tại Hàn Quốc thừa nhận cựu tổng thống Lý Thừa Vãn là hậu duệ đời thứ 25 của hoàng thân Lý Long Tường. Nhiều người thuộc dòng họ Lý tại Hàn Quốc còn cho biết trước năm 1975, ông Lý Khánh Huân - hậu duệ đời thứ 30 của Lý Long Tường - đã cất công sang Sài Gòn tìm kiếm cội nguồn nhưng ông chưa thể toại nguyện trong lúc đất nước VN còn chiến tranh.

Tại Seoul, qua sự giúp đỡ của các đồng nghiệp Hàn Quốc, phóng viên Tuổi Trẻ đã có được một bộ phim tư liệu quí giá do Đài truyền hình quốc gia KBS thực hiện về dòng họ Lý gốc Việt tại Hàn Quốc (phát sóng cuối năm 1995).

Bộ phim chứa thông tin về một cột mốc quan trọng: Ngày 18-5-1994, người con của ông Lý Khánh Huân là ông Lý Xương Căn - hậu duệ đời thứ 31 - đã sang VN, lần đầu tiên về đến tận từ đường họ Lý ở làng Đình Bảng, huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh để làm lễ cúng bái tổ tiên ở đền Lý Bát Đế (thờ tám vị vua Lý).

Ông Lý Xương Căn (từng làm chủ tịch ủy ban tổ chức những người họ Lý gốc Việt ở Hàn Quốc) đã ghi vào sổ lưu niệm tại đền Lý Bát Đế rằng: “Cháu chắt xin thề nguyện không làm điều gì tổn thương đến vong linh tổ tiên bằng cả tinh thần và sứ mệnh đặc biệt”. Các hậu duệ họ Lý cho rằng có thể hiểu “sứ mệnh đặc biệt” ở đây chính là việc tìm lại được quê cha đất tổ như nỗi mong đợi hàng trăm năm qua của dòng dõi.

Năm 1995, người con hậu duệ đời thứ 31 ấy lại trở về VN nhiều lần. Ông dự lễ kỷ niệm Quốc khánh 2-9 tại quảng trường Ba Đình, được gặp Tổng bí thư Đỗ Mười và đã tặng nhà lãnh đạo VN tấm liễn có dòng chữ đầy ý nghĩa: “Tuy sống nơi xa vạn dặm. Nhưng lòng vẫn luôn hướng về Việt Nam”. Năm 2001, ông Lý Xương Căn thành lập Công ty cổ phần Việt Lý hoạt động trong ngành xử lý nhựa ở Hà Nội. Năm 2005, ông bắt đầu xúc tiến việc xây nhà thờ tổ tại huyện Từ Sơn.

Sau bộ phim tư liệu của Đài KBS, đến lượt Đài truyền hình tư nhân SBS cũng sang VN thực hiện phóng sự tài liệu về chuyến đi tìm về cội nguồn của những hậu duệ Lý Long Tường mang tên “Trở về quê hương sau 800 năm”. Phóng sự này phát sóng tại Hàn Quốc năm 2002 tiếp tục tạo nên sự xúc động đối với nhiều người mang dòng họ Lý sống trên đất khách.

Có hai họ Lý

Trước khi Lý Long Tường sang Cao Ly năm 1226, đã có một người thuộc vương triều Lý là Kiến Hải vương Lý Dương Côn, chức tước đô đốc thủy quân, cũng mang gia quyến lên thuyền lưu vong đến Cao Ly vào năm 1150 (tức trước Lý Long Tường 76 năm). Lý Dương Côn là hoàng tử con nuôi của vua Lý Nhân Tông, khi vua Lý Thần Tông băng hà, triều thần muốn đưa Lý Dương Côn lên làm vua nhưng không được, rốt cuộc ông phải ra đi để tránh bị diệt trừ hậu họa trong cuộc tranh giành ngôi báu lúc bấy giờ.

Tại Hàn Quốc, giáo sư sử học Pyun Hong Kee đã công bố công trình nghiên cứu của mình về dòng họ Lý gốc Việt thứ hai tại Hàn Quốc, được gọi là dòng họ Lý Tinh thiện - hậu duệ của Lý Dương Côn. Theo gia phả “Tinh thiện Lý thị tộc phả” lưu tại Thư viện quốc gia Hàn Quốc, hậu duệ đời thứ 6 của Lý Dương Côn là một nhân vật kiệt xuất trong lịch sử Cao Ly: tướng quân Lý Nghĩa Mẫn nổi lên dưới triều vua Uijiong, kế đó theo phò tướng Jeong Jung-bu, sau này giữ chức tể tướng suốt 14 năm.

Tiếc là một cuộc binh biến trong triều đã hạ sát Lý Nghĩa Mẫn cùng các con trai, chỉ còn một người anh bà con trốn thoát. Từ đó dòng họ Lý Tinh thiện phát triển không mạnh mẽ dù hậu duệ vẫn còn đến hôm nay (như giáo sư Lý Gia Trung ở Đại học Seoul). Công lao của tể tướng Lý Nghĩa Mẫn từng được phản ánh trong một bộ phim truyền hình nhiều tập thể loại dã sử do Đài truyền hình KBS phát sóng cuối năm 2002, trong đó đề cập cụ thể Lý Nghĩa Mẫn có dòng dõi từ vua nhà Lý ở An Nam
 
Last edited by a moderator:
Đừng gọi tôi là người nước ngoài

- “Hồi nhỏ, cha tôi vẫn luôn nói với tôi: “Tổ tiên của con là người VN”. Lúc nhỏ tôi chưa tin điều này. Nhưng giờ đây tôi có thể tự hào: Tôi là người VN!” - người con hậu duệ đời thứ 36 của dòng họ Lý Long Tường, ông Lý Tường Tuấn, nói với phóng viên Tuổi Trẻ như vậy vào một chiều thu ở Seoul (Hàn Quốc).

Gia đình ông Tuấn ở trong một căn hộ chung cư đơn sơ, ông là chủ tịch Tập đoàn tài chính Golden Bridge có trụ sở ở trung tâm Seoul.

Ngày trở về

Tuy không sử dụng được tiếng Việt để nói chuyện nhưng ánh mắt Lý Tường Tuấn ngời niềm hạnh phúc khi kể về cội nguồn của mình: “Tôi sinh ra ở Myungdong (trung tâm Seoul). Tôi luôn nhớ ơn cha vì chính cha đã cho tôi biết nguồn gốc và tổ tiên của mình. Sinh thời, ông là một người làm việc có đạo đức và luôn dạy chúng tôi tính siêng năng cũng như tính chịu đựng vượt qua thử thách, và điều quan trọng là phải biết yêu kính nguồn cội của mình”.

“Khi xem tivi hoặc nghe những câu chuyện nói về VN, cha mẹ và những người thân trong gia đình tôi thường nhắc nhở: con chính là hậu duệ của hoàng thân Lý Long Tường, có nguồn gốc từ VN, phải sống sao cho xứng đáng với con dòng cháu giống” - ông Tuấn kể. Rồi lớn lên, dù cuộc sống với biết bao bộn bề trong công việc kinh doanh, ông vẫn dành thời gian để tìm hiểu cội nguồn của mình. “Trước khi đến VN, tôi cũng chỉ ý thức một cách mơ hồ về nguồn gốc của mình. Tuy nhiên, những lần đến VN đã thôi thúc trái tim tôi: cội nguồn, gốc rễ Việt đã nằm sâu trong máu thịt và từ đây một nửa cuộc đời tôi thuộc về quê hương thứ hai” - ông Tuấn tâm sự.

Ông Tuấn bồi hồi nhớ lại: “Tôi vẫn nhớ như in giây phút đầu tiên đặt chân đến VN vào năm 2003, lúc cửa máy bay vừa mở ra ở sân bay Nội Bài, tôi đã cảm nhận được một cảm giác thật khác lạ: người Hàn vốn không quen với khí hậu nóng bức, nhưng với cơ thể tôi lúc đó, cái nóng này dường như rất dễ chịu và thân quen”. Kể từ đó, ông Tuấn bắt đầu tìm đến VN đều đặn. Chỉ trong ba năm qua, ông đã trở về đất tổ hơn 30 lần.

Ấn tượng nhất với ông Tuấn là khi về dự lễ hội kỷ niệm dòng họ Lý ở làng Đình Bảng (Bắc Ninh) vào ngày rằm tháng ba âm lịch hằng năm. Khi được người dân ở đó xem như người thân xa quê lâu ngày trở về, ông đã không kìm được nước mắt. “Mỗi lần về quê hương, tôi có dịp hình dung công lao của triều đại nhà Lý thời xưa.

Việc cụ tổ Lý Long Tường đã rời VN đến Triều Tiên là sự kiện lịch sử cho thấy mối lương duyên gắn bó giữa hai dân tộc. Điều làm tôi sung sướng và cảm thấy hạnh phúc nhất là đi đâu, gặp người VN nào họ đều xem tôi như người thân trong nhà, không còn hàng rào khoảng cách. Là hậu duệ dòng họ Lý, tôi khao khát góp tay giúp đỡ sự phát triển kinh tế của VN” - ông Tuấn bộc bạch.

Bắc một nhịp cầu
Và người hậu duệ dòng họ Lý ấy đã không nói suông. Ông Lý Tường Tuấn quyết định đầu tư lớn về VN thông qua Tập đoàn tài chính Golden Bridge (Cầu Vàng) do ông thành lập vào năm 2000. Hiện nay, Golden Bridge đang sở hữu nguồn vốn khoảng 300 triệu USD với mười công ty con bao gồm công ty cho vay tài chính, công ty điều hành quĩ đầu tư, công ty chứng khoán, tái cơ cấu doanh nghiệp...

Ông nói rằng dòng máu Việt trong ông đã đưa ông trở về với đất Việt yêu dấu. Đầu năm 2006, ông thành lập văn phòng đại diện Golden Bridge tại Hà Nội và đến tháng 9-2006 Golden Bridge chính thức khai trương công ty của mình tại Hà Nội với số vốn ban đầu hơn 1 triệu USD. Ngày khai trương, ông mời 150 nhân viên của mình sang VN, vì như ông nói, “để cho họ thấy quê hương của tôi xinh đẹp và có tiềm năng phát triển như thế nào”.

Nói về mục tiêu lâu dài sắp tới tại VN, ông chủ tịch họ Lý rạng rỡ: “Chúng tôi sẽ hoạt động lâu dài ở VN, Golden Bridge cũng đang có kế hoạch đầu tư vào lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng, bất động sản, giáo dục... Chúng tôi sẽ tài trợ sinh viên VN du học MBA, hỗ trợ hoạt động quảng bá VN tại Hàn Quốc. Chúng tôi muốn Golden Bridge không phải là một công ty Hàn Quốc mà còn là một công ty của VN, là một nhịp cầu nối giữa hai quốc gia”.

Ông Lý Tường Tuấn có năm người con. Ban đầu, khi ông Tuấn nói với các con rằng tổ tiên của chúng là người VN, chúng đã lắc đầu nguầy nguậy hệt như năm xưa cha chúng chưa hiểu lời ông nội. “Bây giờ, các con tôi đã bắt đầu hỏi han về đất nước VN, rất muốn đến đất nước này - ông Tuấn kể và quả quyết - Tôi sẽ luôn dạy bảo con tôi rằng chúng là người gốc VN và phải tự hào về điều này”. Mỗi lần sang VN, ông đều lân la vào các quầy sách tìm mua cho các con những quyển sách về văn hóa VN.

Ông bảo: “Tuổi thơ tôi đã trải qua một thời gian thiếu thông tin về VN nên tôi không muốn con mình thiếu thốn như vậy nữa. Chúng phải biết, phải hiểu và hiểu thật rõ về quê cha đất tổ của mình”. Bốn con đầu của ông Tuấn đang du học ở Mỹ, Anh và Trung Quốc. Riêng với con út Lee Roo Lee mới lên 9, ông Tuấn cho biết ông đã quyết định cho sang VN học sau khi cháu học hết chương trình cấp II tại Hàn Quốc. Ông kể: “Tôi đã nói chuyện với cháu rồi và cháu đã rất vui vẻ đồng ý khi hiểu ra rằng việc sang VN học chính là về với đất tổ của mình, về với cội nguồn của mình”.

Ông Tuấn cảm thấy tiếc khi giờ đây công việc kinh doanh vẫn còn bộn bề nên ông chưa thể ở lại luôn VN. Tuy nhiên, ông sẽ phấn đấu đúng vào dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội tới đây, tức vào năm 2010, ông sẽ chính thức nhập cư sống lâu dài ở Hà Nội. “Đó là niềm khát khao lớn nhất của tôi trong quãng đời còn lại” - ông chủ tịch họ Lý ao ước.

Một điều ưu tư nữa của ông Tuấn là mỗi lần ông sang VN, nhiều người cứ luôn gọi ông là người Hàn Quốc, người nước ngoài. Ông nói: “Xin đừng gọi tôi là người nước ngoài nữa, tôi là người VN mà. Cũng đừng gọi tôi là ông Lý, hãy gọi tôi là ông Tuấn theo cách gọi của người Việt”. Ông nói bây giờ ông đang là người sống xa quê Việt, song dòng máu Việt trong ông không ngừng thôi thúc...

Hậu duệ dòng họ Lý Long Tường thành đạt tại Hàn Quốc không phải là ít. Một trong những người nổi tiếng tại Seoul là ông Lý Hy Luận (hiện là chủ tịch cộng đồng họ Lý xuất thân từ Hoa Sơn) là cựu tổng giám đốc Tập đoàn xây dựng lớn Booyoung lẫn tham gia Tập đoàn công nghiệp chế tạo Hyundai. Ông Luận nói với phóng viên Tuổi Trẻ: “Tôi rất hạnh phúc khi biết được tổ tiên mình là người VN. Tôi đã về thăm quê hương nhiều lần và vui mừng khi thấy VN đầy tiềm năng phát triển kinh tế”.

Ông Lý Xương Căn, người họ Lý đầu tiên làm được “sứ mệnh tổ tiên” về thăm quê cha đất tổ, đã mời cha mình (ông Lý Khánh Huân) sang VN sống nốt tuổi già còn lại ở quê hương. Ông Lý Xương Căn mang cả gia đình (vợ là bà Kim Min Sun) sang sinh sống tại Hà Nội từ năm 1999 đến nay. Cả ba người con ông Căn đều đang học hành tại VN: cô con gái lớn 18 tuổi Lee You Jin, con trai Lee Hyuk Chan và riêng cậu út được đặt cái tên đầy ý nghĩa: Lý Việt Quốc. Lee Hyuk Chan (học sinh Trường Liễu Giai, Hà Nội) nói tiếng Việt rất giỏi, cậu bảo: “Bố tôi đã dạy cho tôi về tình yêu quê hương và gốc gác tổ tiên. Tôi yêu và tự hào về cả hai quê hương Hàn Quốc và VN”
 
Last edited by a moderator:
Nguyên tổ hai giòng họ Lý tại Đại Hàn

Đi tìm con cháu thuyền nhân Việt Nam cách nay 849 năm

Ngày 17 tháng 9 năm 1957, Tổng thống miền Nam là Ngô Ðình Diệm công du Ðại Hàn. Năm sau, ngày 6 tháng 11 năm 1958, Tổng thống Ðại Hàn dân quốc là Lý Thừa Vãn, viếng thăm Việt Nam

Trong dịp này ông đã tuyên bố rằng tổ tiên ông là người Việt. Báo hồi ấy có tường thuật sơ sài. Còn chính quyền thì gần như không để ý đến chi tiết lịch sử này

Trong chuyến đi này, Tổng thống Ngô Đình Diệm cho một sĩ quan tháp tùng, mà người ưu ái vì lòng yêu nước, tin tưởng vì lòng trung thành là Dương Văn Minh. Nhưng cũng tương đương với ngày tháng này, sáu năm sau, Dương Văn Minh tuân lệnh Hoa Kỳ, giết chúa

Bấy giờ, đệ nhất Cộng hòa thành lập chưa quá hai năm, mới chỉ có viện Khảo cổ, không có cơ quan nghiên cứu lịch sử. Cho nên không ai nghĩ đến việc sang Ðại Hàn tìm hiểu xem họ Lý từ Việt Nam, đã di sang đây từ bao giờ? Ai là nguyên tổ của họ ?

Thời gian này tôi mới 18 tuổi, vừa bước chân vào đại học. Nhưng nhờ thấm nhuần Nho giáo, nên đã chững chạc lắm rồi. Tôi viết thư cho sứ quán Ðại hàn tại Việt Nam để hỏi về chi tiết này. Dĩ nhiên tôi viết bằng chữ Nho. Hơn tháng sau tôi được thư trả lời của tộc Lý tại Nam hàn

Trong thư, họ cho tôi biết rằng: "Tổng thống Lý Thừa Vãn là hậu duệ đời thứ 25 của Kiến bình vương Lý Long Tường. Kiến Bình vương là con thứ 6 của vua Lý Anh Tông. Người cùng tông tộc sang Cao Ly vào đầu thế kỷ thứ 13 vì quốc nạn". Ánh sáng đã mở ra trước mắt tôi. Nhưng tôi tra trong Ðại Việt sử ký toàn thư (ĐVSKTT), trong Việt sử lược (VSL), trong Khâm Ðịnh Việt sử thông giám cương mục (KĐVSTGCM), không bộ nào nói đến Kiến Bình vương Lý Long Tường cả

Theo thu thập cứ liệu lịch sử của nhà văn Vũ Ngọc Tiến (Hà Nội), đoàn thuyền vượt biển của Lý Long Tường “lênh đênh trên biển gần một tháng thì gặp bão lớn, phải ghé vào Đài Loan lúc đó hoang vu, thưa vắng người

Ở đó ít lâu, người chết vì đói hoặc say sóng, bệnh tật mất già nửa. Long Tường quyết định đi tiếp, nhưng con trai là Lý Long Hiền (có tài liệu viết tên là Lý Đăng Hiền) ốm nặng, cùng gia đình và 200 thuộc hạ ở lại đảo Đài Loan”

Chính chi tiết này đã làm nảy sinh một dấu hỏi khác từ nhiều học giả quốc tế thời gian qua: Liệu cựu lãnh đạo Đài Loan Lý Đăng Huy có phải là hậu duệ của Lý Đăng Hiền - con trai Lý Long Tường năm xưa không ? Cho đến nay vấn đề lịch sử này vẫn còn tồn nghi

Hoàng thúc Lý Long Tường là cuốn tiểu thuyết lịch sử viết về vị Hoàng tử triều Lý tên là Lý Long Tường vì để bảo toàn gia tộc đã vượt biển rời xa Tổ quốc Đại Việt ra đi từ năm 1226...

Điều đáng nói là cuốn sách được viết bởi một nhà văn, nhà nghiên cứu Đông Phương người Hàn Quốc, ông Khương Vũ Hạc (Kang Moo Hak)

Sách dày gần 500 trang do Nhà xuất bản Chính trị quốc gia xuất bản tháng 5/2010. Theo Tiến sĩ Lưu Trần Luân, Trưởng ban Kinh điển lý luận của NXB, cuốn sách ra đời có sự nỗ lực của ông Lý Xương Căn, hậu duệ đời thứ 31 Vua Lý Thái Tổ và là hậu duệ của Hoàng tử Lý Long Tường từ Hàn Quốc về Tổ quốc làm ăn và vừa được Chủ tịch nước quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam. Cuốn sách như một ấn phẩm chào mừng Thăng Long - Hà Nội 1.000 năm. Trong Lời giới thiệu Giáo sưsử học Phan Huy Lê - Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam đã viết: “Đối chiếu tư liệu họ Lý ở Hàn Quốc với tư liệu Việt Nam thì Lý Long Tường là em vua Lý Cao Tông (1176–1210)... Lý Long Tường lớn lên khi vương triều Lý đang suy vong và trong cung đình diễn ra nhiều biến cố dồn dập dẫn đến sự sụp đổ của triều Lý và sự thay thế của triều Trần (1226-1400)

Trước bối cảnh đó, Lý Long Tường cùng một số tôn thất nhà Lý đã tìm cách vượt biển ẩn tránh ra nước ngoài... Long Tường được vua Cao Ly ưu ái ban cấp cho đất cư trú. Ông cùng con cháu nhanh chóng hoà nhập vào cuộc sống của vương quốc Cao Ly và được nhân dân trong vùng yêu mến

Năm 1253, quân Mông Cổ tấn công Cao Ly đánh vào quốc đô và một cánh quân đánh vào Ủng Tân. Lý Long Tường đã đứng ra tổ chức kháng chiến cùng với quan quân trong phủ thành và nhân dân địa phương chiến đấu dũng cảm, mưu trí. Sau năm tháng quân giặc bị thua phải xin hàng...

Nghe việc ấy vua rất khen ngợi sai đổi Trấn Sơn thành Hoa Sơn, phong cho ông tước Hoa Sơn quân vì An Nam có núi Hoa Sơn... Kể từ vị Tổ Lý Long Tường các thế hệ con cháu dòng họ Lý Hoa Sơn ngày càng phát triển và hoà nhập vào cộng đồng như cư dân Cao Ly trước đây cũng như Hàn Quốc sau này. Cuộc đời và sự nghiệp của Hoàng thúc hay Hoàng tử Lý Long Tường cùng tấm lòng của hậu duệ Lý Hoa Sơn không những là đề tài nghiên cứu khoa học hấp dẫn mà còn gây cảm hứng sáng tác văn học nghệ thuật...”

Cuốn tiểu thuyết dành những trang xúc động miêu tả hai mối tình đẹp của Hoàng thúc với Ngô Anh Cơ, một cô gái tài danh của nước Đại Việt và tiểu thư Trịnh Anh Cơ, một trang quốc sắc của đất nước Cao Ly...

Ông Lý Xương Căn cho biết, cuốn sách đã làm ông rất xúc động và đã có tác dụng nâng cao hiểu biết, khắc sâu tình cảm của con cháu họ Lý đối với tổ tiên và cố quốc. Ông có nhã ý muốn dịch ra tiếng Việt và xuất bản cuốn tiểu thuyết lịch sử trên tại Việt Nam để con cháu họ Lý ở quê Tổ cũng như ở nước ngoài và mọi người Việt Nam được thưởng thức tác phẩm và qua đó, hiểu thêm về cuộc đời sóng gió và anh hùng của Hoàng tử Lý Long Tường cũng như tấm lòng luôn hướng về quê cha đất tổ của hậu duệ họ Lý Hoa Sơn

Bản dịch của ông Trần Văn Thêm, chuyên viên Bộ Ngoại giao. Năm nay kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, ông Lý Xương Căn có ý định tái bản cuốn tiểu thuyết lịch sử Hoàng thúc Lý Long Tường. Ông Trần Văn Thêm tuy tuổi cao nhưng cũng dành nhiều thời gian và công sức để chỉnh lý nâng cao chất lượng bản dịch...

Cuốn sách ra mắt tại Hà Nội như một sự kiện chào mừng 1.000 năm Thăng Long. Nhân dịp ra mắt cuốn sách, có việc công bố quyết định của Chủ tịch nước Cộng hoà XHCN Việt Nam công nhận quốc tịch Việt Nam của ông Lý Xương Căn

Như vậy kể từ chuyến vượt biển gần 800 năm trước của Hoàng tử Lý Long Tường, đến nay ông Lý Xương Căn là người đầu tiên họ Lý Hoa Sơn chính thức được mang quốc tịch Việt. Hà Nội có thêm một người nhập hộ khẩu vào thành phố sau gần 800 năm lưu lạc xứ người...

Yên Tử Cư Sỹ Trần Đại Sỹ
 
Last edited:
Mẹ vua Lý Thái Tổ là ni cô ?

Trong số các truyện kể mờ ảo về người cha của vua Lý Thái Tổ, có thuyết cho hay ông vốn nhà nghèo phải đi làm thuê tại chùa Tiên Sơn, ở đây ông đã phải lòng một tiểu nữ và làm cô có thai, sau này sinh ra ông

Giấc mơ của nhà chùa

Câu chuyện cũng kể rằng, biết chuyện này, nhà chùa không cho họ ở đó nữa mà buộc phải đi chỗ khác, hai người đành dẫn nhau đến một khu rừng rậm gọi là rừng Báng, mệt quá bèn dừng lại nghỉ chân. Để vợ ngồi chờ, người chồng khi tìm nước uống để qua cơn khát, đến bên một bờ giếng giữa rừng, ông cúi xuống lấy nước, chẳng may sẩy chân, ngã xuống chết đuối. Người vợ đợi mãi mà chồng không quay về bèn đi tìm nhưng chẳng thấy; đến giếng xem thì đất đã đùn lấp kín cả giếng. Biết chuyện chẳng lành xảy ra với chồng, người phụ nữ khóc lóc một hồi, rồi xin vào nghỉ nhờ ở một ngôi chùa gần đó

Đêm hôm trước, sư trụ trì của chùa nằm mơ thấy Long thần báo mộng rằng: "Hãy dọn chùa cho sạch, ngày mai có Hoàng đế đến". Tỉnh dậy, nhà sư sai người làm theo lời nói đó rồi chờ đợi, thế nhưng mãi chẳng có ai tới chùa ngoài một thiếu phụ có thai đến xin ngủ nhờ

Vài tháng sau, vào một đêm ở khu Tam quan của chùa bỗng rực sáng, hương thơm lan toả, người thiếu phụ kia chuyển dạ sinh một con trai trên hai bàn tay có 4 chữ “sơn hà xã tắc”, sau đó trời bỗng nổi gió lớn mưa to như trút nước, người mẹ sinh xong thì mất, mối đùn lên một đống lớn; từ đó người dân gọi chùa Ứng Tâm bằng một tên khác là chùa Rặn (gọi chệch là chùa Dận). Nghe tiếng khóc lớn của đứa trẻ, các nhà sư vội chạy ra đưa vào trong Phật điện dỗ dành nhưng ai bế cũng không nín. Khi sư trụ trì chùa là Lý Khánh Văn đưa tay bồng thì cậu bé im bặt và còn nhìn sư nhoẻn miệng cười. Biết đây là cơ duyên đưa tới, nhà sư liền nhận làm con nuôi, lấy theo họ Lý và đặt tên là Công Uẩn…

Tháng 2 năm Canh Tuất (1010), sau khi lên ngôi ít lâu, Lý Thái Tổ từ kinh đô Hoa Lư về thăm quê hương Cổ Pháp, khi đến khu rừng Báng, nơi cha mẹ mình từng nghỉ chân, ông “trông thấy cây cối xanh tốt, loài chim bay liệng, cảm động rớt nước mắt, sai đo mười dặm đất, chọn làm cấm địa Sơn Lăng” và lấy đây là nơi yên nghỉ của mình. Các vua Lý sau khi mất đều an táng ở đó, gọi là Thọ Lăng Thiên Đức, ngoài ra tại đây còn có lăng của một số bà hoàng triều Lý như lăng Phát Tích (Lý Thánh mẫu), lăng Nương Dâu (Ỷ Lan),.... Khu vực “sơn lăng cấm địa” này ngày nay thuộc thôn Cao Lâm, xã Đình Bảng, huyện Từ Sơn (Bắc Ninh)

Bát Long, Bát Thủ, cùng chầu vào lăng Phát Tích

Theo phong thủy, Thọ Lăng Thiên Đức có 8 đường cao và 8 dọc nước, từ trên cao nhìn xuống, tựa như những đầu rồng nên còn được gọi là Bát Long, Bát Thủ, cùng chầu vào lăng Phát Tích, nơi an nghỉ của Lý Thánh Mẫu Minh Đức Hoàng Thái Hậu Phạm Thị (tức bà Phạm Thị Ngà, mẹ vua Lý Thái Tổ). Trong tấm bia “Cổ Pháp điện tạo bi” dựng năm Giáp Thìn (1604) đời vua Lê Kính Tông có đoạn viết: “Vận trời sinh ra chúa sáng đều ứng vào người có đức, có tài. Mở đầu khi sinh ra chúa sáng tuy rằng mệnh trời hưng vượng, thực có nơi thắng địa; đất Cổ Pháp là nơi thắng địa bậc nhất Kinh Bắc. Lăng Phát Tích, đất gối đầu của tám con rồng, hình tượng đẹp muôn hình muôn vẻ, vượng khí tốt toát lên nơi này rất linh thiêng, cho nên nảy sinh tám vua triều Lý được lâu dầy độc đáo”

Sách sử cho biết, ngày mồng 3 tháng 3 năm Mậu Thìn (1028), Lý Thái Tổ lâm bệnh mất, thọ 54 tuổi. Dã sử thì truyền rằng trước khi băng hà, vua đã căn dặn các quan: "Khi ta mất, không được xây lăng to đẹp bằng gạch đá mà mộ chỉ cần đắp bằng đất để đỡ tốn tiền bạc của dân. Quân lính và thường dân nếu có thương nhớ vua thì cứ lấy đất đắp lên, càng cao càng quý. Khi mộ cao, cỏ mọc nhiều thì trâu bò sẽ có thức ăn trở nên béo khoẻ, có sức để cày ruộng cho dân. Đây cũng là nơi vui chơi của trẻ mục đồng; càng gần với vua, các em càng nhớ tới công ơn của các vị tiền nhân, sẽ trở thành người tốt"

Theo lời truyền dặn của ông, chỗ an táng các đời vua Lý đều không xây lăng mà chỉ xây mộ nhỏ, sau đó phủ đất lên trên. Tuy chỉ là mộ nhưng vì là nơi yên nghỉ của các bậc đế vương nên các triều đại sau đó đều gọi là lăng, đặc biệt đến đời Hậu Lê ngoài việc trùng tu, mở rộng nơi thờ các Ngài là đền Lý Bát Đế (còn gọi là đền Đô, đền Cổ Pháp…) triều đình đã đắp đất lại và cho xây gạch tại các mộ vua Lý cho cao hơn mặt ruộng từ 15-20m, gọi khu vực đó là Lý triều lăng miếu, đồng thời cho biết tại Đống Cao xứ có 2 lăng, Đống Sáo xứ có 1 lăng, Vườn Vọng xứ có 1 lăng, Đường Muội xứ có 1 lăng, Đường Phong xứ có 2 lăng và Thổ Liệt xứ có 1 lăng

Tấm bia “Cổ Pháp điện tạo bi”còn có đoạn viết về lệnh cấm của triều Lê như sau: “Ruộng phụng sự cày cấy dùng vào việc thờ cúng, tế lễ đền Cổ Pháp không ai được chiếm đoạt. Các sơn lăng cấm địa ở khu Đường Thuẫn, Long Vĩ, Đống Sáo, Ngõ Lọ, Đồng Găng, đường Cây Găng, đường Ruột Bến đều là lăng nội cấm địa, mọi người không được khai phá, đẵn cây cối, nhà cửa của dân phải dời ra nơi khác”. Sách “Đại Nam nhất thống chí” soạn vào đời Nguyễn cũng có đoạn viết: “Khu đất rộng chừng trăm mẫu, cây cổ thụ um tùm, là cấm địa và là thang mộc ấp của nhà Lý. Ruộng Sơn Lăng được coi là ruộng công vĩnh viễn, giao cho dân xã sở tại chia nhau cầy cấy, nộp một phần hoa lợi để chi phí vào việc thờ phụng các vua nhà Lý, sửa sang và bảo vệ lăng tẩm”

Ngoài lăng Lý Thái Tổ hình lòng chảo (còn gọi là lăng Lòng Chảo), lăng các vua Lý khác đều xây hình chóp nón được gọi bằng các tên dân dã như lăng Cả (lăng Lý Thái Tông), lăng Hai (Lý Thánh Tông), lăng Ông Voi (Lý Nhân Tông), lăng Đường Gio (Lý Thần Tông), lăng Đường Thuẫn (Lý Anh Tông), lăng Thủ Sơn (Lý Cao Tông), lăng Long Trì (Lý Huệ Tông); riêng mộ Lý Chiêu Hoàng được đặt bên bìa rừng Báng được gọi là lăng Cửa Mả

Nơi yên nghỉ của các vua triều Lý từ bao đời nay, trải qua bao mưa gió thời gian và những cơn binh lửa chiến tranh nhưng vẫn được người dân chăm sóc, bảo vệ, giữ gìn cẩn thận. Thời gian gần đây chính quyền và nhân dân địa phương đã xây dựng thêm trước mỗi mộ vua một gian thờ nhỏ và xây tường gạch bao quanh, trên mộ có dựng tấm bia hai mặt chữ Quốc ngữ và chữ Nho khắc chữ ghi miếu hiệu, tên húy, thời gian ở ngôi báu, tuổi thọ và ngày giỗ của các vua nhà Lý
 
Last edited:
Hội thảo họ Lý và mối quan hệ hợp tác Việt Nam - Hàn Quốc

- Ngày 19-5, tại Trường Đại học Ngoại ngữ - Tin học TPHCM (HUFLIT) đã diễn ra hội thảo khoa học quốc tế “Hoàng thúc Lý Long Tường và mối quan hệ hợp tác Việt Nam - Hàn Quốc từ quá khứ đến hiện tại”

Dư luận xã hội quan tâm đến Hoàng tử Lý Long Tường từ năm 1994, khi hậu duệ đời thứ 31 của nhà Lý là ông Lý Xương Căn cùng đoàn gia tộc họ Lý Hoa Sơn lần đầu tiên về thăm cố quốc, dâng hương tại đền Lý Bát Đế (Bắc Ninh). Gia phả họ Lý chép đến nay là 32 đời (tính từ đời vua Lý Thái Tổ), trong đó 6 đời đầu ở Việt Nam và 26 đời sau ở Hàn Quốc (và cả CHDCND Triều Tiên)

Đến nay, con cháu họ Lý Hoa Sơn đã hoàn toàn hội nhập vào cuộc sống văn hóa của Hàn Quốc, có nhiều người thành đạt. Tuy nhiên, trải qua dòng chảy thời gian trên 7 thế kỷ với biết bao biến thiên lịch sử, con cháu nhà họ Lý vẫn lưu truyền từ đời này đến đời khác cội nguồn ở Việt Nam và không lúc nào quên ý thức tìm về quê cha đất tổ

Ý thức và tình cảm này được dày công vun trồng từ đời thủy tổ Lý Long Tường. Hiện nay, cháu đời 31 vua Lý Thái Tổ là ông Lý Xương Căn đã chuyển cả gia đình về sống ở Việt Nam, nhập quốc tịch Việt Nam và góp phần đầu tư phát triển kinh tế Việt Nam, phát triển quan hệ hữu nghị hợp tác và giao lưu kinh tế văn hóa Việt - Hàn

Hội thảo tạo điều kiện cho học giả và sinh viên tìm hiểu thêm mối quan hệ hiếm có trên thế giới giữa hai cộng đồng nhân dân sống trên hai lãnh thổ cách xa nhau về địa lý nhưng lại có nhiều điều giống nhau về số phận lịch sử
 
Last edited:
Tăng cường quan hệ hữu nghị Việt Nam - Triều Tiên

Chinhphu.vn – Ngày 6/8, tại Hà Nội, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã tiếp thân mật Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Hội nghị nhân dân tối cao Triều Tiên Kim Yong Nam đang thăm hữu nghị chính thức Việt Nam. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cũng đã hội đàm với Chủ tịch Kim Yong Nam

Tại buổi tiếp, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch Kim Yong Nam khẳng định coi trọng và mong muốn không ngừng củng cố và tăng cường quan hệ hữu nghị và hợp tác truyền thống giữa hai nước do Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Kim Nhật Thành đích thân xây dựng

Hai bên nhất trí cần tiếp tục duy trì các chuyến thăm và tiếp xúc giữa lãnh đạo cấp cao cũng như giữa các cấp, các ngành và địa phương hai nước, tăng cường trao đổi tìm biện pháp thiết thực nâng cao hiệu quả hợp tác song phương trên các lĩnh vực

Hai bên cũng nhất trí tăng cường phối hợp trên các diễn đàn khu vực và quốc tế. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định lại lập trường nguyên tắc của Việt Nam về các vấn đề trên Bán đảo Triều Tiên

Cũng trong ngày 6/8, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã hội đàm với Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Hội nghị Nhân dân tối cao Triều Tiên Kim Yong Nam

Hai bên nhất trí tiếp tục duy trì các chuyến thăm và tiếp xúc giữa lãnh đạo cấp cao hai nước, trao đổi đoàn các cấp, các ngành và địa phương; nhất trí tăng cường hợp tác kinh tế theo hướng thực chất hơn, trên nguyên tắc cùng có lợi, phù hợp với tình hình thực tế và tận dụng tốt thế mạnh của mỗi bên

Trước mắt, Ủy ban liên Chính phủ về hợp tác kinh tế, khoa học kỹ thuật Việt Nam-Triều Tiên cần tập trung trao đổi biện pháp tháo gỡ rào cản về cơ chế, chính sách, tăng cường trao đổi thông tin về hợp tác kinh tế

Hai bên nhất trí tăng cường hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp, văn hóa, nghệ thuật, thể dục thể thao, giáo dục đào tạo và giao lưu nhân dân

Về các vấn đề quốc tế và khu vực, hai bên nhất trí tiếp tục duy trì phối hợp chặt chẽ trong các diễn đàn quốc tế và khu vực như ARF, Phong trào Không liên kết..., tăng cường trao đổi về những vấn đề hai bên cùng quan tâm

Về vấn đề bán đảo Triều Tiên, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khẳng định Việt Nam nhất quán ủng hộ một Bán đảo Triều Tiên hòa bình, ổn định và phi hạt nhân. Việt Nam mong muốn các bên liên quan phát huy tính linh hoạt, nỗ lực thúc đẩy đối thoại và có hành động thực chất nhằm thúc đẩy tiến trình phi hạt nhân hóa trên Bán đảo Triều Tiên; ủng hộ đối thoại, hòa giải, hợp tác, hòa bình thống nhất giữa hai miền Triều Tiên; không ủng hộ sử dụng hay đe dọa sử dụng vũ lực

Đề cập đến vấn đề Biển Đông, Chủ tịch Kim Yong Nam bày tỏ ủng hộ giải quyết tranh chấp và các vấn đề nảy sinh thông qua đối thoại hòa bình nhằm tăng cường quan hệ hữu nghị giữa các nước và bảo đảm hòa bình, ổn định tại khu vực

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã gửi tới Chủ tịch Kim Yong Nam và qua Chủ tịch Kim Yong Nam tới nhân dân Triều Tiên lời thăm hỏi và cảm thông sâu sắc trước những thiệt hại nghiêm trọng về tính mạng và mùa màng do thiên tai gây ra gần đây tại Triều Tiên

Nhân dịp này, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thông báo Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam quyết định tặng 5.000 tấn gạo nhằm chia sẻ và giúp đỡ nhân dân Triều Tiên

Chủ tịch Kim Yong Nam đã chân thành cảm ơn và nhấn mạnh, khoản viện trợ lần này của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam sẽ là nguồn cổ vũ, động viên to lớn giúp nhân dân Triều Tiên sớm khắc phục khó khăn

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang chân thành cảm ơn Chủ tịch Kim Yong Nam đã mời Chủ tịch nước Trương Tấn Sang sang thăm chính thức Triều Tiên

Thùy Linh
 
Last edited:
ASEAN muốn làm trung gian dàn xếp khủng hoảng Triều Tiên

Ngoại trưởng các nước ASEAN cho biết họ có ý định thiết lập một cơ chế đàm phán giữa CHDCND Triều Tiên và Hàn Quốc nhằm tháo ngòi nổ cuộc khủng hoảng trên bán đảo Triều Tiên

“Các ngoại trưởng bày tỏ lo ngại sâu sắc về tình hình đang xấu đi trên bán đảo Triều Tiên và kêu gọi các bên xung đột hãy kiềm chế và thực thi những biện pháp nhằm tái lập sự yên tĩnh và hạ nhiệt căng thẳng”, Bộ Ngoại giao Malaysia thông báo sau cuộc họp của ngoại trưởng các nước ASEAN ở Brunei hôm 11.4

Tờ Brunei Times cho hay các ngoại trưởng tỏ thái độ sẵn sàng làm trung gian điều đình cho các cuộc đàm phán giữa Seoul và Bình Nhưỡng ở diễn đàn khu vực ASEAN tại Brunei vào tháng 6, khi đại diện của Hàn Quốc và Bình Nhưỡng dự kiến tham dự

Căng thẳng đã leo thang trên bán đảo Triều Tiên sau khi Liên Hiệp Quốc áp đặt thêm các lệnh trừng phạt với Bình Nhưỡng vì vụ thử hạt nhân vào tháng 2

CHDCND Triều Tiên đã đe dọa tấn công hạt nhân phủ đầu Mỹ và các căn cứ của nước này trong khu vực

Tờ Brunei Times dẫn lời Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario cho hay mục tiêu của các nước ASEAN là nối lại cuộc đàm phán sáu bên về chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng

Các cuộc đàm phán sáu bên, gồm CHDCND Triều Tiên, Hàn Quốc, Mỹ, Trung Quốc, Nhật và Nga, được mở ra sau khi Bình Nhưỡng rút khỏi hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân vào năm 2003. CHDCND Triều Tiên đã rời bỏ bàn đàm phán để nối lại chương trình làm giàu uranium

Ngoại trưởng Indonesia Marty Natalegawa thúc giục thiết lập kênh ngoại giao không chính thức với Bình Nhưỡng, nói rằng cần phải tái xây dựng lòng tin

“Trước tháng 6, chúng ta cần phải thiết lập kênh liên lạc không chính thức với mọi bên. Chúng ta cần tránh tình huống diễn đàn bị biến thành một nơi để các bên cáo buộc qua lại”, ông Natalegawa nói

Sơn Duân
 
Last edited:
Hậu duệ vua Lý Thái Tổ ở Hàn Quốc ứng cử Đại sứ Du lịch Việt Nam
Ông Lý Xương Căn, hậu duệ đời thứ 31 của vua Lý Thái Tổ và hậu duệ đời thứ 26 của hoàng tử Lý Long Tường vừa gửi đơn lên Tổng cục Du lịch Việt Nam để ứng cử vào vị trí Đại sứ Du lịch Việt Nam tại Hàn Quốc

Ông Lý Xương Căn (tên tiếng Hàn là Lee Chang Kun) sinh năm 1958 tại Seoul (Hàn Quốc). Hơn 800 năm, trước những biến động dữ dội của việc chuyển giao vương triều Lý - Trần, hoàng tử Lý Long Tường (người được xác định là con vua Lý Anh Tông, em vua Lý Cao Tông và là chú vua Lý Huệ Tông) cùng một số tôn thất đã bí mật vượt biển ra nước ngoài, sang Cao Ly

Dòng họ Lý Hoa Sơn gắn liền với hoàng thúc Lý Long Tường trở thành một dòng họ nổi tiếng tại Hàn Quốc. Ông Lý Xương Căn chính là hậu duệ đời thứ 31 của vua Lý Thái Tổ, hậu duệ đời thứ 26 của hoàng tử Lý Long Tường

Năm 1994, ông Lý Xương Căn đại diện cho dòng Lý Hoa Sơn trở về Việt Nam và tìm lại quê tổ ở Đình Bảng, Từ Sơn, Bắc Ninh. Năm 2010, 16 năm sau ngày đầu tiên tìm về cố quốc với những cố gắng đóng góp cho mối quan hệ hữu nghị Việt - Hàn, hậu duệ của dòng họ Lý năm xưa đã được Chủ tịch nước quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam

Ông Lý Xương Căn đã cùng những người nhiệt tâm lập Hội giao lưu Văn hóa Hàn - Việt nhằm thúc đẩy quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa hai nước và Hội kỷ niệm Hoàng tử Lý Long Tường nhằm nhắc nhở con cháu nhớ về cội nguồn, tổ tiên. Từ tháng 9/2014, ông Lý Xương Căn làm Ủy viên Uỷ ban Trung Ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Hiện tại, ông và gia đình vẫn đang sinh sống, làm việc tại Việt Nam

ong-ly-xuong-can-1506667569891.jpg

Ông Lý Xương Căn, hậu duệ của nhà Lý

Trong đơn xin ứng cử Đại sứ Du lịch Việt Nam, ông Lý Xương Căn viết: “Tôi luôn tự hào là người con của quê hương Việt Nam, tìm lại đất mẹ với tâm nguyện sẽ góp hết sức mình cho sự nghiệp phát triển của quê hương mình và cho sự hợp tác hữu nghị tốt đẹp giữa hai nước Việt Nam - Hàn Quốc. Cùng với đó, tôi mong muốn đóng góp một phần công sức nhỏ bé cho đất nước Việt Nam để nhanh chóng trở thành trung tâm du lịch nổi tiếng của thế giới”

Theo ông Lý Xương Căn, để có thể duy trì và thu hút ngày càng nhiều du khách Hàn Quốc đến tham quan Việt Nam, cá nhân ông nghĩ rằng Bộ VHTT&DL, Tổng cục Du lịch Việt Nam cần có Đại sứ Du lịch Việt Nam tại thị trường Hàn Quốc. Đại sứ Du lịch không những có năng lực, khả năng và tâm huyết phục vụ cho sự phát triển du lịch của đất nước mà còn hiểu biết rõ tình hình và các hoạt động du lịch tại Hàn Quốc

“Nhiều lần tôi đã đề xuất ý tưởng phát triển du lịch Việt Nam, thu hút khách đến từ thị trường Hàn Quốc với các lãnh đạo TP. Đà Nẵng. Và cũng đề xuất ý tưởng này với lãnh đạo của Chính phủ Việt Nam từ năm 201”, ông Lý Xương Căn chia sẻ

Bày tỏ trong đơn, ông Lý Xương Căn nhấn mạnh rằng, nếu được bổ nhiệm làm Đại sứ Du lịch Việt Nam tại Hàn Quốc, ông sẽ tự túc thu xếp các chi phí cho hoạt động của mình. Các hoạt động đầu tiên của Đại sứ Du lịch Việt Nam tại Hàn Quốc là sẽ xây dựng trung tâm quảng bá giới thiệu đất nước Việt Nam và trang web bằng tiếng Hàn, thiết kế các quảng cáo và tờ rơi hướng dẫn du lịch Việt Nam bằng tiếng Hàn, hướng dẫn luật pháp liên quan đến du lịch Việt Nam,quảng bá và hợp tác với các công ty du lịch lớn tại Hàn Quốc

Ông Nguyễn Văn Tuấn - Tổng cục trưởng Tổng Cục Du lịch Việt Nam cho biết, Tổng cụ Du lịch Việt Nam đã nhận được đơn ứng cử vị trí Đại sứ Du lịch Việt Nam tại Hàn Quốc của ông Lý Xương Căn. Theo quy trình, sau khi tiếp nhận đơn của ông Lý Xương Căn, Tổng cục Du lịch Việt Nam sẽ gửi hồ sơ sang Cục hợp tác quốc tế - Bộ VHTT&DL để thẩm tra lý lịch sau đó trình Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện

Ông Ngô Hoài Chung - Phó Tổng cục trưởng Tổng Cục du lịch Việt Nam cũng chia sẻ, việc ông Lý Xương Căn có được đồng ý bổ nhiệm làm Đại sứ Du lịch Việt Nam tại Hàn Quốc hay không phải có Hội đồng thẩm định, xem xét và bỏ phiếu. Ở thời điểm hiện tại, Tổng cục Du lịch Việt Nam vẫn đang trong quá trình trao đổi để hoàn thiện hồ sơ trình lên Bộ VHTT&DL và Cục hợp tác quốc tế

Hà Tùng Long
 
Top