What's new
Vietnam - Điện Biên Phủ Kinh Tế

This is a sample guest message. Register a free account today to become a member! Once signed in, you'll be able to participate on this site by adding your own topics and posts, as well as connect with other members through your own private inbox!

Dịch vụ tư vấn mua bán Patent USA

LOBBY.VN

Administrator
Công bố phát minh, ai có quyền thẩm định ?

- Khi xuất hiện những kết quả nghiên cứu “phát minh” làm đảo lộn thế giới khoa học, như kiểu “phát hiện máy phát điện chạy bằng nước” của một nhóm nghiên cứu ở TpHCM vừa rồi, việc tổ chức hội đồng thẩm định là cần thiết. Vấn đề là hội đồng gồm những ai…

20120530165129_mayphatdien.jpg

Cho tới nay TS. Nguyễn Chánh Khê vẫn giữ bí mật về chiếc máy phát điện bằng nước của mình​

Trong khoa học, việc đánh giá một công trình nghiên cứu cần phải nghiêm chỉnh làm theo đúng qui trình khoa học. Trong qui trình đó, việc thẩm định của các đồng nghiệp có cùng chuyên môn đóng vai trò chủ đạo

Đối với những kết quả nghiên cứu mới từ trung bình cho đến những phát minh lớn, có thể gây chấn động cộng đồng khoa học thế giới thì các cơ quan hữu trách không nên tổ chức đánh giá một cách hời hợt, rồi đưa ra những kết luận qua loa hay chỉ mang tính phong trào. Cũng không nên công bố những kết quả này trên các phương tiện truyền thông và tranh luận trên đó khi mà kết quả chưa được giới chuyên gia bình duyệt một cách có hệ thống

Việc làm như thế (công bố trên báo chí đại chúng trước khi công bố trên tập san khoa học) rất tốn giấy mực và thời gian của nhiều người, và đôi lúc có thể gây phản cảm nếu những “phát minh” đó chỉ là những tuyên bố “giật gân”

Một qui trình chuẩn trong công bố khoa học là những bản tin trên BBC. Chuyên trang sức khoẻ của BBC thường xuyên giới thiệu những phát minh mới trong y học. BBC chủ yếu lấy thông tin từ các công trình đã công bố trên các tạp chí y học có tiếng, tức kết quả nghiên cứu đã được thẩm định (peer-review) bởi các chuyên gia

Sau đó họ liên hệ phỏng vấn tác giả và những người có cùng chuyên môn, và vì thế thông thường những bài báo trên BBC về vấn đề sức khỏe vừa mang tính khoa học lẫn tính thời sự. Người viết cho rằng đây là cách mà các phương tiện truyền thông ở các nước đang phát triển nên tham khảo

Những kết quả mang tính đột phá hay có tầm ảnh hưởng lớn cần phải được bình duyệt một cách thấu đáo. Các tập san khoa học lớn như Nature, Science, PNAS,... là những trung gian cho qui trình bình duyệt như thế, vì những tập san này chỉ công bố những công trình mang tính tiên phong

Thật vậy, khi xuất hiện những kết quả nghiên cứu như đã nêu từ bất cứ cá nhân hay tổ chức nghiên cứu nào, ví dụ như “phát minh” làm đảo lộn thế giới vật lý hay “phát hiện” máy phát điện chạy bằng nước, việc tổ chức hội đồng thẩm định là cần thiết

Nếu kết quả thật sự mới và gây chấn động như tuyên bố của các tác giả, hay nếu việc thẩm định phức tạp và khó có thể cho kết luận khách quan thì các cơ quan hữu trách nên tạo điều kiện cho tác giả công bố kết quả của mình ra cộng đồng khoa học thế giới. Khi đó kết quả nghiên cứu của các tác giả chắc chắn sẽ được các chuyên gia quốc tế thẩm định và đánh giá khách quan hơn

Nếu tác giả muốn giữ bản quyền công nghệ thì tác giả có thể đăng kí bằng sáng chế (patent). Và bằng sáng chế của Mỹ có uy tín cao trên thế giới. Ngay cả khi đăng ký bằng sáng chế, tác giả vẫn phải trình bày kết quả trên một tập san khoa học để đồng nghiệp thẩm định. Rất hiếm thấy ai công bố bằng sáng chế mà chưa từng công bố nghiên cứu của mình trên các tập san khoa học

Nếu nghiên cứu khoa học do công ty tài trợ thì công ty có quyền không công bố kết quả lên tạp chí quốc tế mà chỉ cần phải ký patent và sản phẩm sẽ được một hội đồng chuyên môn thẩm định

Ngoài ra, nếu tác giả muốn giữ bí mật phát minh của mình thì có thể gửi thông báo ngắn về kết quả nghiên cứu cho những tạp chí khoa học tổng quát nổi tiếng như Nature (Anh), PNAS (Mỹ). Theo thông tin từ hai tạp chí nổi tiếng này thì họ có thể nhận đăng các thông báo ngắn về các kết quả nghiên cứu mới, tác giả không nhất thiết phải công bố chi tiết các kết quả này

Ở một số nước đang phát triển, đã và đang có một hiện tượng đáng buồn trong việc đánh giá các kết quả nghiên cứu khoa học. Đó là hiện tượng “nghiệm thu và xếp vào ngăn kéo” đối với các đề tài khoa học. Một số nơi, có hiện tượng tổ chức các “hội đồng nghiệm thu” gồm cả những người không có cùng chuyên môn hoặc chuyên môn yếu kém

Nếu một đề tài được hội đồng nghiệm thu bỏ phiếu “thông qua” thì coi như việc nghiên cứu đề tài này được hoàn thành; trong khi giá trị khoa học của đề tài này có thể vẫn còn là dấu chấm hỏi

Đã đến lúc, các nước đang phát triển cần chỉnh đốn lại qui trình làm khoa học, từ duyệt đề cương, thực hiện và giám sát đến đánh giá thành quả. Khâu đầu và cuối phải qua quy trình phản biện. Riêng khâu cuối cần phải công bố quốc tế

Người viết cho rằng các nhà quản lí khoa học nên xem lại chuyện “nghiệm thu” đối với các đề tài khoa học. Chính cái gọi là nghiệm thu làm cho tình trạng mập mờ như hiện nay vẫn tồn tại, vì nếu kết quả nghiên cứu đã được công bố trên các tạp chí quốc tế thì đâu có ai phản đối !

Trong khi Việt Nam còn hạn chế về số bằng sáng chế cũng như số lượng công trình trên các tạp chí khoa học uy tín, việc đăng kí thành công bằng sáng chế quốc tế hay có được công trình nghiên cứu trên những tạp chí uy tín sẽ làm tăng thêm uy tín của khoa học Việt Nam trên trường quốc tế và sẽ góp phần thúc đẩy sự phát triển nền khoa học của đất nước

Điều này cũng sẽ tạo tiền đề cho khoa học Việt Nam sớm bắt nhịp với dòng chảy chung của khoa học quốc tế

TS. Lê Văn Út - Phần Lan
 
Last edited:
Làm giàu nhờ ứng dụng nghiên cứu khoa học​

Trong chuyến đi khảo sát và làm việc của Tổ biên tập xây dựng đề án “Phát triển KH-CN phục vụ sự nghiệp CNH – HĐH và hội nhập quốc tế” sẽ trình ra hội nghị Trung ương lần thứ 6 vào tháng 10/2012, Bộ KH-CN đã ghi nhận hoạt động của nhiều đơn vị nhờ đầu tư nghiên cứu khoa học và ứng dụng tiến bộ KH-CN vào sản xuất, kinh doanh nên phát triển tốt, bảo đảm được đời sống của người lao động

Một minh chứng điển hình là Tập đoàn Viettel (Bộ Quốc phòng). Khi mới ra đời cách đây hơn 10 năm với số vốn 2 tỷ đồng thì đến năm 2011, doanh số của Viettel tăng lên 116 nghìn tỷ đồng. Số lượng cán bộ công nhân viên (CBCNV) trong đơn vị lên đến 26000 người. Mức lương thu nhập trung bình ở đây là 12-17 triệu đồng/ người/ tháng

Ông Phan Xuân Dũng, Phó chủ tịch hội đồng quản trị Vietel khẳng định sự lớn mạnh của Viettel chính là việc dựa trên sự phát triển của KH-CN. Tại Viettel, các nhà khoa học chỉ tập trung nghiên cứu, không phải “động tay” đến cơ chế tài chính

Viettel ra lệnh toàn bộ bộ phận tài chính phải phục vụ các nhà khoa học. Các nhà khoa học cần tiền để làm nghiên cứu thì bộ phận kế hoạch tài chính của công ty phải cấp tiền. Mỗi năm, Vietel dành khoảng 1.000 tỷ đồng (khoảng 1% doanh thu) cho sự nghiệp nghiên cứu và phát triển KH-CN

Hiện nay, Viettel nghiên cứu và áp dụng phần mềm do chính Tập đoàn thiết kế lập trình cho các hoạt động sản xuất kinh doanh, quản lý… Nhiều sản phẩm nghiên cứu của Viettel đã có mặt không chỉ ở Việt Nam và còn ở các thị trường khác như: Dây chuyền lắp rắp điện tử; máy thu phát sóng ngắn dùng trong quân đội; nghiên cứu hệ thống điều hành quản lý cho các cơ quan chính phủ, trung ương; hệ thống chữ ký số CA; hệ thống khai thuế điện tử V-Tax; hệ thống quản lý nhà trường… Chỉ tính riêng năm 2011, tại Viettel đã có 244 sáng kiến được công nhận, 417 sáng kiến đăng ký, tiết kiệm 359 tỷ đồng

Một đơn vị khác là Công ty Cổ phần bóng đèn phích nước Rạng Đông. Với doanh thu gần 2.000 tỷ đồng, hàng năm công ty luôn dành từ 20 – 30 tỷ đồng cho nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ. Nhờ đầu tư phát triển KH-CN, công ty đã có mức tăng trưởng bền vững suốt 22 năm qua

Đặc biệt, trong giai đoạn khủng hoảng tài chính toàn cầu khốc liệt, doanh nghiệp vẫn đạt mức tăng trưởng kỷ lục 27 – 28%. Thu nhập của CBCNV nhờ đó tăng từ 2,5 triệu đồng/người/tháng lên 7,9 triệu đồng/người/tháng...

Hiện nay, Viện Lúa ĐBSCL của Việt Nam được đánh giá là một trong những trung tâm nghiên cứu về giống lúa lớn nhất Châu Á. Nếu trước đây, Viện Lúa IRRI tại Philippines là nơi cung cấp đa số giống lúa tốt với chất lượng cao cho khu vực thì hiện nay Viện Lúa ĐBSCL đã cung cấp lúa cho nhiều vùng trong nước và một số nước trong khu vực. Các cán bộ KH-CN của Viện Lúa IRRI cũng sang làm việc với Viện Lúa ĐBSCL về việc nhập và cho phép được chuyển những giống do Viện Lúa ĐBSCL cung cấp để áp dụng trong khu vực

Gần đây nhất là sự kiện các bác sỹ Việt Nam đã chữa được bệnh ly thượng bì bọng nước, một bệnh hiếm gặp, do nguyên nhân di truyền. Hiện nay, trên thế giới chỉ có 2 bệnh viện ở Mỹ và Việt Nam đã nghiên cứu và áp dụng chữa trị thành công bệnh này bằng phương pháp ghép tế bào gốc từ tủy xương. Với thành công này, Bệnh viện Nhi Trung ương đã góp phần khẳng định vị thế của nghiên cứu khoa học trong y tế của Việt Nam trên thế giới. Hiện nay đã có một số bênh nhi ở nước ngoài có nguyện vọng đến Việt Nam chữa trị căn bệnh này

Thứ trưởng Bộ KH-CN Trần Văn Tùng: Vấn đề đặt ra trong thời điểm hiện nay là cần phải có nghị quyết mới của Trung ương để xã hội thấy rằng đã đến lúc không thể dựa trên nguồn tài nguyên thiên nhiên sẵn có, không thể dựa vào những thế mạnh về đất đai, nguồn lao động trình độ chưa cao nữa mà phải đầu tư cho KH-CN để KH-CN phát huy sức mạnh phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Trong thời gian tới các cấp ban, ngành cần có chỉ đạo quyết liệt để đưa KH-CN thực sự đi vào cuộc sống
 
Mỹ muốn đơn giản hoá quy trình chuyển giao công nghệ cho đồng minh châu Á​

Bộ trưởng BQP Mỹ thể hiện rõ mong muốn các phương tiện và công nghệ nước này được tiếp cận một cách rộng rãi hơn trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương

Trong buổi họp báo hôm 6/6, ông Leon Panetta cho rằng: “Quy trình chuyển giao công nghệ thực sự là một cơn ác mộng về thủ tục hành chính. Những công nghệ này luôn bị xếp vào hàng giới hạn xuất khẩu, còn các quan chức quan liêu lại tìm mọi cách trì hoãn hoặc cấm những thương vụ buôn bán dạng này"

Lầu Năm Góc đang tìm cách thúc đẩy quá trình chuyển giao công nghệ theo lời yêu cầu của chính phủ nhiều nước. “Chúng tôi đang cố gắng thay đổi một số điều trong luật kiểm soát xuất khẩu để xoá bỏ hoặc nới lỏng những rào cản do một số cơ quan còn nặng tính quan liêu đặt ra”, ông Panetta nói

Tại Ấn Độ, Thứ trưởng Bộ quốc phòng Mỹ Ashton Carter được giao trọng trách đàm phán với giới chức lãnh đạo Ấn Độ để tìm ra một quy trình thủ tục hợp lý hơn, giúp những thương vụ buôn bán vũ khí đơn giản, thuận lơi và hiệu quả

Trong bài phát biểu trước Viện Nghiên cứu và phân tích Quốc phòng Ấn Độ, Bộ trưởng Panetta nói: “Để phát huy hết tiềm năng trong mối quan hệ thương mại quốc phòng giữa hai nước, chúng ta phải xoá bỏ hết tệ quan liêu. Bộ quốc phòng Mỹ muốn mở rộng hơn mối quan hệ quân sự với Ấn Độ và dần dần chuyền mối quan hệ kẻ mua - người bán thành mối quan hệ hợp tác cùng sản xuất, cùng nghiên cứu và phát triển”

“Tôi tin rằng Mỹ có một nền công nghệ tốt nhất thế giới, chúng tôi cũng đang nỗ lực giảm thiểu những phiền hà trong qui trình thủ tục, chúng tôi có những loại vũ khí, máy bay đáng tin cậy và đã được kiểm chứng”- Panetta nói trong buổi họp báo

Hiện nay, số lượng các bản hợp đồng quân sự đang suy giảm do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính thế giới. Nhiều nước tìm đến những nhà thầu có giá chào hàng thấp hơn, mà không phải là Mỹ để tránh những khoản phụ chi vào việc huấn luyện, đồ thay thế - những khoản thường có trong gói thầu của nước này

Ông Panetta cho rằng vũ khí và thiết bị quân sự Mỹ rất phù hợp với quá trình hiện đại hoá quân sự của Ấn Độ. Trong vòng hơn một thập kỉ qua, Mỹ đã bán cho Ấn Độ số lượng vũ khí trị giá hơn 8 tỉ USD

qp-hienthao-76-ando-450.jpg

Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Leon Panetta và thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh tại Dehli, Ấn Độ​

Đáp lại, Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ A.K. Antony cho biết nước này mong muốn hai bên tiến hành những dự án phát triển chung về lĩnh vực vũ khí và thiết bị quân sự. Với những công nghệ được Mỹ chuyển giao, Ấn Độ có thể tự phát triển được nền quốc phòng của mình

Trong tương lai gần, Việt Nam và Ấn Độ có thể là 2 nước có tầm quan trọng trong chiến lược quân sự mới của Mỹ. Đây cũng chính là điểm nhấn trong chuyến thăm 9 ngày của Panetta tới khu vực này

Ấn Độ là quốc gia duy nhất được nhắc tên trong "chiến lược nặng cân" tại khu vực Thái Bình Dương của Lầu Năm Góc. Mỹ coi Ấn Độ là một mắt xích quan trọng trong khu vực, mà ở đó, Trung Quốc là quốc gia có tốc độ phát triển quốc phòng rất nhanh

Theo lời ông Panetta, cả Ấn Độ và Việt Nam đều đang có hứng thú với công nghệ Mỹ. Cả 2 đều mong muốn được hợp tác với Mỹ , được cung cấp tư vấn và sự hỗ trợ cần thiết để nâng cao năng lực quân sự nước mình
 
Sẽ có các tổ chức trung gian về định giá tài sản trí tuệ
Định giá tài sản trí tuệ là một trong những công việc có ý nghĩa quan trọng trong hoạt động thương mại hóa tài sản trí tuệ, từ đó tạo điều kiện hình thành và phát triển thị trường khoa học và công nghệ

Theo Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng, đây là hoạt động rất bình thường thường trong các cuộc mua, bán tài sản trí tuệ giữa nhà khoa học và nhà đầu tư của các nước nhưng lại là vấn đề còn khá mới mẻ ở Việt Nam. Thứ trưởng Trần Văn Tùng đã có cuộc trao đổi với phóng viên TTXVN về vấn đề này

- Định giá tài sản trí tuệ là hoạt động còn khá mới mẻ ở Việt Nam, xin Thứ trưởng cho biết Bộ Khoa học và Công nghệ đang có những bước triển khai hoạt động này như thế nào ?

Thứ trưởng Trần Văn Tùng: Vấn đề định giá tài sản trí tuệ ngày nay đã trở thành mối quan tâm không chỉ của doanh nghiệp mà còn đối với các nhà lập pháp, hoạch định chính sách và quản lý kinh tế vĩ mô. Đinh giá tài sản trí tuệ tốt sẽ giúp cho việc ra quyết định phù hợp trong lĩnh vực bảo hộ, khai thác, thương mại hóa tài sản trí tuệ

Hiện nay ở Việt Nam, các công ty tư vấn luật vẫn tham gia định giá tài sản trí tuệ nhưng những vấn đề thuộc về phương pháp, cách thức định giá và những người định giá một cách khách quan và có chuyên môn, có nghiệp vụ thì Việt Nam đang rất thiếu

Vì vậy, trong thời gian tới, Bộ Khoa học và Công nghệ tập trung xây dựng các văn bản, chính sách hướng dẫn cho việc định giá tài sản tuệ và khi xác định được các vấn đề, chúng ta sẽ hình thành các tổ chức trung gian, có chức năng làm nhiệm vụ đánh giá, xác định giá trị tài sản trí tuệ, giúp nhà khoa học yên tâm khi chuyển giao tài sản trí tuệ của mình và những nhà đầu tư yên tâm sẽ nhận được kết quả nghiên cứu xứng đáng với kinh phí mình bỏ ra. Đây là một hướng đi mà Bộ Khoa học và Công nghệ đang chỉ đạo thực hiện

- Vậy thực tế hiện nay ở Việt Nam các phương thức mua bán tài sản trí tuệ được dựa trên cơ sở nào, thưa Thứ trưởng ?

Thứ trưởng Trần Văn Tùng: Vấn đề định giá tài sản trí tuệ chưa được thực hiện nhiều tại Việt Nam. Phần định giá phụ thuộc lớn vào sự năng động của nhà khoa học và sự thỏa thuận giữa nhà khoa học và nhà đầu tư

Hiện nay, việc mua bán, chuyển giao công nghệ đều là sự thỏa thuận giữa nhà khoa học và doanh nghiệp. Hai bên có thể đưa ra rất nhiều phương án, nên rất cần sự tư vấn của các tổ chức trung gian với phương pháp khoa học để định giá tài sản trí tuệ của nhà khoa học

Khi đó, nhà đầu tư cũng cảm thấy hài lòng khi mua được bí quyết công nghệ sát với giá trị thật, nhà khoa học cũng cảm thấy công sức, trí tuệ của mình được trả giá thỏa đáng

Việc định giá tài sản trí tuệ sẽ góp phần quan trọng để phát triển thị trường chuyển giao công nghệ ở nước ta. Nếu không có công việc này sẽ gây nên sự ách tắc và là khó khăn lớn nhất bởi nhà khoa học sẽ không dám chuyển giao vì sợ thiệt thòi, các nhà đầu tư sẽ không dám mua vì sợ mua đắt, sợ đầu tư sẽ không hiệu quả

Nếu có những tổ chức trung gian có kiến thức thì hai bên sẽ có cơ hội gặp nhau và sớm có tiếng nói chung. Nếu chúng ta sớm xây dựng được tổ chức định giá sẽ giúp nhà khoa học và nhà đầu tư đi đến một điểm gần nhau hơn, tạo nên sự hài lòng cho cả hai bên

- Vậy Thứ trưởng đánh giá như nào về nhân lực đánh giá và định giá tài sản trí tuệ hiện nay ở Việt Nam ?

Thứ trưởng Trần Văn Tùng: Hiện nay lực lượng hoạt động trong lĩnh vực đánh giá, định giá tài sản trí tuệ ở Việt Nam còn ít. Một số công ty tư vấn luật đã bắt đầu thực hiện việc này nhưng ở các mảng khác dễ hơn như xây dựng, giao thông hay các vấn đề cụ thể…

Với tài sản trí tuệ - thứ tài sản vô hình thì việc đánh giá phải dùng những phương án, kinh nghiệm mà các nước trên thế giới đã thực hiện và chắc chắn rằng chúng ta không thể đi ngoài quy luật đó. Không có nguyên mẫu, thước đo nào cho mỗi đợt chuyển giao công nghệ mà phụ thuộc vào phương pháp luận để tính toán một cách hợp lý

Vì vậy, cần dần dần tiếp thu kinh nghiệm và phương pháp của thế giới để đưa vào áp dụng tại Việt Nam một cách khoa học để phát triển trong thời gian tới

Nguyên tắc của hoạt động này là các tổ chức dịch vụ, sẽ ra đời dựa trên hệ thống pháp luật do Bộ Khoa học và Công nghệ và các đơn vị có liên quan xây dựng, tạo môi trường pháp lý cho các tổ chức đó hoạt động. Đó là những tổ chức tư vấn, dịch vụ hoạt động có lợi nhuận do các cá nhân, những người có tâm huyết thành lập

Bích Thủy
 
Top