What's new
Vietnam - Điện Biên Phủ Kinh Tế

This is a sample guest message. Register a free account today to become a member! Once signed in, you'll be able to participate on this site by adding your own topics and posts, as well as connect with other members through your own private inbox!

EHC & Ứng dụng ehealth tại Việt Nam

T

Trungvlkt

Guest
Ehealth được định nghĩa là ngành công nghiệp ứng dụng các thành tựu của công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông, internet vào trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe.

Tại Việt Nam có đủ năng lực công nghệ để làm các lĩnh vực sau trong ehealth:

  1. EHR/EMR: hồ sơ sức khỏe điện tử, bệnh án điện tử.
  2. Online/mobile EHR: hồ sơ sức khỏe online và trên di động
  3. Wireless/Mobile healthcare: theo dõi, khám bệnh, tư vấn từ xa. Rất hữu dụng cho các bệnh kinh niên. Hoặc các hệ thống theo dõi bệnh nhân trong bệnh viên thông qua wireless.
  4. Consumer Health Informatics: các ứng dụng cung cấp thông tin sức khỏe. Đó là các dạng thức web, internet, sách điện tử, SMS ... về sức khỏe.
  5. Health knowledge management: y tế và sức khỏe vốn là lĩnh vực đòi hỏi nhiều thực nghiệm, bằng chứng y khoa và kinh nghiệm. Chia sẻ các kiến thức điều trị thực tế giữa các bác sĩ và bệnh nhân để tìm phương pháp thích hợp nhất cho mỗi loại bệnh nhân là lợi ích của lĩnh vực này.
  6. Medical reseach/statistics: nhờ ứng dụng ehealth mà người ta dễ dàng có các thống kê, có các báo cáo thử nghiệm số lượng lớn ...
Tuy nhiên năng lực công nghệ là chưa đủ để đưa các ứng dụng đó vào cuộc sống, mà cần có thể các kiến thức y khoa, kiến thức quản lý y khoa, các xúc tác, bảo trợ ... để đưa các ứng dụng đó vào thực tế.
 
Hội nhập toàn cầu và cạnh tranh quốc tế trong ngành y và dịch vụ y tế​


i44_153542.jpg

TS Phan Toàn Thắng (phải) trong phòng thí nghiệm tại Singapore.​

Bác sĩ, TS Phan Toàn Thắng (ĐH Quốc gia Singapore) cho rằng, sau khi gia nhập WTO, Việt Nam đang đối mặt với cạnh tranh quốc tế trong ngành y và dịch vụ y tế khi ngày càng nhiều những người bệnh thu nhập cao ra nước ngoài khám và chữa bệnh.

Sau 20 năm đổi mới với những thành tựu kinh tế ngoạn mục, uy tín Việt Nam trên trường quốc tế và khu vực ngày càng nâng cao. Trong những năm gần đây Đảng và Nhà nước Việt Nam đang chuẩn bị và thực hiện một bước tiến lớn hơn cho nền kinh tế Việt Nam đó là gia nhập WTO. Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam đều nhận thức rõ gia nhập WTO sẽ tạo ra nhiều cơ hội tốt cho nền kinh tế Việt Nam nhưng đồng thời cũng phải đương đầu với rất nhiều thách thức lớn lao - đó là cạnh tranh quốc tế - một cuộc cạnh tranh tuy công bằng nhưng vô cùng khốc liệt. Ngành y và công nghiệp dịch vụ y tế Việt Nam không nằm ngoài cuộc cạnh tranh này.

Trong 10 năm làm việc, nghiên cứu và giảng dạy ở Singapore, tôi chứng kiến một số lượng lớn người bệnh Việt Nam qua Singapore chữa bệnh. Số lượng này ngày càng tăng, lúc đầu chủ yếu từ các thành phố lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, sau này thêm người bệnh từ các tỉnh khác như Nam Định, Ninh Bình, Lạng Sơn… Thành phần người bệnh cũng rất đa dạng, từ các vị lãnh đạo cao cấp trong Chính phủ, tới các doanh nhân và công chức. Nhu cầu dịch vụ y tế của họ cũng rất đa dạng, từ kiểm tra sức khỏe định kỳ tới điều trị ung thư, phẫu thuật cho tới thẩm mỹ, chăm sóc sắc đẹp.

Trước cảnh tượng này cả hai trạng thái vui và buồn diễn ra trong tôi. Vui vì điều này chứng tỏ mức sống, thu nhập của nhân dân ta ngày càng cao, càng nhiều người có điều kiện ra nước ngoài chữa bệnh, vui vì điều này tốt cho nền kinh tế Singapore. Dù sao đi nữa tôi và gia đình tôi là thành viên của xã hội Singapore và sẽ được hưởng thành quả phát triển kinh tế của quốc gia này. Buồn vì không những nền kinh tế Việt Nam mất đi một khoản thu lớn, mà các đồng nghiệp trong nước bớt đi cơ hội thực hành những kỹ thuật và sản phẩm y tế mới, cao cấp. Vì chỉ có những bệnh nhân này mới có điều kiện chi trả cho các sản phẩm và dịch vụ đó. Đó là chưa nói đến một lượng người bệnh khác qua Thái-lan, Trung Quốc, Hàn Quốc, Malaysia, Australia, Nhật Bản, Mỹ và châu Âu.

Nếu cách đây 10 năm trở về trước, “xuất ngoại” là việc lớn của hầu hết các gia đình Việt Nam thì “xuất ngoại” đi chữa bệnh lại càng là chuyện lạ. Nay thì mọi chuyện đã hoàn toàn thay đổi, mức sống đã tăng và nhu cầu dịch vụ y tế cũng tăng theo. Việc cấp hộ chiếu trong nước ngày càng phổ biến, nhanh chóng và thuận tiện. Hàng rào visa đã hoàn toàn xóa bỏ trong khối ASEAN và sắp tới có thể với nhiều quốc gia khác. Sự ra đời gần đây của các hãng hàng không giá rẻ càng làm cho việc đi lại trở nên thuận tiện.

Với sự vĩ đại của công nghệ thông tin, các bệnh nhân Việt Nam có thể tiếp cận rất dễ dàng với các chuyên gia y tế hàng đầu khu vực và quốc tế qua email và internet để hỏi ý kiến chuyên môn và chẩn đoán.

Là một quốc đảo nhỏ bé với bốn triệu dân, không có tài nguyên thiên nhiên, đến nước sinh hoạt còn phải nhập khẩu, Singapore chỉ dựa vào nguồn tài nguyên duy nhất là con người. Từ lâu Singapore đã xác định muốn tồn tại phát triển và phồn thịnh, họ phải tập trung mạnh vào công nghệ và dịch vụ chất lượng cao trong đó công nghệ sinh y học và dịch vụ y tế.

Trong chiến lược phát triển kinh tế từ nay và trong tương lai, công nghệ sinh y học và dịch vụ y tế được coi là một trong những trụ cột chính của nền kinh tế Singapore. Nói đi đôi với làm, trong những năm vừa qua, chính phủ Singapore đã đầu tư rất mạnh cho công nghệ sinh y học, tăng cường hơn nữa việc “nhập khẩu chất xám” đầu tư cơ sở hạ tầng và đào tạo, quyết tâm biến Singapore thành trung tâm hàng đầu thế giới về công nghệ sinh y học.

Dịch vụ y tế cũng được đẩy mạnh tạo điều kiện tốt hơn nữa cho bệnh nhân nước ngoài. Trong rất nhiều hội nghị, các vị bộ trưởng trong chính phủ Singapore luôn nhắc chúng tôi cụm từ: “bán kính 5 giờ bay” (5 hour flight radius) ý nói chỉ trong 5 giờ bay Singapore đã có một thị trường khổng lồ với hơn 2,7 tỷ dân trong đó có 560 triệu dân ASEAN, và hơn hai tỷ dân Ấn Độ và Trung Quốc với tiềm năng kinh tế lớn. Và đương nhiên Việt Nam được coi là một điểm sáng trong “bán kính 5 giờ” này.

Các tập đoàn y tế nhà nước và tư nhân của Singapore đã mở văn phòng đại diện ở Việt Nam như: Singhealth, NHG, Parkway, Raffles. Để tạo thuận lợi cho người bệnh nước ngoài, tập đoàn Raffles mở cả văn phòng tại sân bay quốc tế Changi, để đón tiếp bệnh nhân sau khi hạ cánh. Họ còn l iên doanh hợp tác với các cơ sở y tế trong nước và k hi thị trường Việt Nam đủ lớn , họ có thể xây cơ sở dịch vụ y tế ngay trên đất Việt.

Phải đối diện với cạnh tranh quốc tế với trình độ công nghệ và dịch vụ cao là một thực tế và thách thức với ngành y và công nghệ dịch vụ y tế Việt Nam. Ngành y Việt Nam có truyền thống rất lâu đời và có nhiều thành tích tốt đẹp được thế giới ghi nhận như tiêm chủng mở rộng, chăm sóc sức khỏe ban đầu, kết hợp tốt hai nền y học cổ truyền và hiện đại, giải quyết tốt đại dịch SARS và dịch cúm gia cầm, thực hiện tốt ghép tạng trong điều kiện hết sức thiếu thốn và khó khăn. Nếu có những cải cách cần thiết trong đào tạo, nghiên cứu, quản lý và dịch vụ, y tế Việt Nam sẽ thực hiện tốt và hiệu quả hơn, nâng cao khả năng cạnh tranh quốc tế.

BS.TS. Phan Toàn Thắng
Phó GS, Bộ Môn Ngoại, Khoa Y
ĐH Quốc Gia Singapore
 
Roche giới thiệu phòng xét nghiệm y tế tự động​

- Hôm 9-7, tập đoàn Roche Diagnostics đã lần đầu tiên giới thiệu tới các chuyên viên xét nghiệm, các nhà nghiên cứu khoa học và các bác sĩ lâm sàng ở nước ta tiêu chuẩn tự động hóa hoàn toàn phòng xét nghiệm

Theo ông Anton Gutscher, Trưởng bộ phận công nghệ thông tin (IT) và các giải pháp phòng xét nghiệm của Roche Diagnostics châu Á Thái Bình Dương, hai mục tiêu chính mà bất kỳ một phòng xét nghiệm nào cũng mong muốn đạt được là thời gian trả kết quả nhanh và bảo đảm kết quả xét nghiệm chính xác. Điều này có thể đạt được nhờ vào thiết bị chẩn đoán hiện đại và việc tự động hóa hoàn toàn phòng xét nghiệm

"Tự động hóa hoàn toàn phòng xét nghiệm" là khái niệm xác định tất cả các giai đoạn xét nghiệm cũng như dữ liệu của từng giai đoạn được kết nối và quản lý bởi giải pháp IT dành cho phòng xét nghiệm

Ông Anton Gutscher cho rằng, tự động hóa hoàn toàn phòng xét nghiệm là điểm cốt yếu để tăng cường hiệu quả xét nghiệm, đảm bảo các bác sĩ và bệnh nhân có được kết quả xét nghiệm kịp thời cho các quyết định y khoa và điều trị; đồng thời đảm bảo cho kết quả xét nghiệm chính xác, giảm thiểu các rủi ro dẫn đến nhầm lẫn hoặc nhiễm bẩn mẫu cũng như các lỗi có thể phát sinh do sự biến đổi trong môi trường hoặc các thiết bị xét nghiệm

Tự động hóa hoàn toàn phòng xét nghiệm cho phép quy trình xét nghiệm được tự động hóa hoàn toàn xuyên suốt cả ba giai đoạn; từ tiền phân tích (nhận dạng, phân loại và định vị các mẫu xét nghiệm) đến phân tích (xét nghiệm thực tế các bệnh phẩm để xác định tình trạng sức khỏe và các bệnh khác nhau) đến hậu phân tích (báo cáo và lưu trữ bệnh phẩm, kết quả xét nghiệm)

Roche Diagnostics cũng triển lãm bộ sưu tập các thiết bị xét nghiệm hiện đại lớn nhất lần đầu tiên được ra mắt tại Việt Nam
 
Ericsson triển khai y tế điện tử tại Việt Nam​

- Tập đoàn thiết bị truyền thống Ericsson (Thụy Điển) hôm qua 25-3 đã công bố sẽ triển khai thí điểm hệ thống kết nối thông tin trong y tế (giải pháp y tế điện tử) tại một bệnh viện tư nhân ở Hà Nội

Theo đại diện Ericsson, sau khi được ứng dụng thành công tại nhiều quốc gia trên thế giới, giải pháp y tế điện tử sẽ được Ericsson phối hợp triển khai tại bệnh viện đa khoa tư nhân Tràng An ở Hà Nội, hỗ trợ cho bệnh viện khám chữa bệnh thường xuyên cho một số bệnh (hen, tim mạch, huyết áp). Một trong những tiện ích của giải pháp này là bác sĩ và bệnh nhân của bệnh viện Tràng An có thể liên lạc để khám bệnh qua điện thoại di động mà không cần gặp nhau trực tiếp như phương thức truyền thống

Bệnh viện Tràng An được chọn để triển khai thí điểm giải pháp này theo sự tư vấn của Bộ Y tế. Dự kiến sau khi thí điểm ở bệnh viện này có kết quả tốt thì Ericsson sẽ triển khai ra các bệnh viện khác trong cả nước

Hệ thống kết nối thông tin trong y tế của Ericsson gồm nhiều thành phần có thể hoạt động độc lập và phối hợp lại thành từng gói giải pháp tùy theo quy mô và các cấp độ đầu tư. Các thành phần này gồm: cơ sở dữ liệu về bệnh án y tế, cơ sở dữ liệu về bệnh nhân, cơ sở dữ liệu các cơ sở y tế, các dịch vụ tích hợp cơ bản, cung cấp đơn thuốc điện tử, chỉ định tư vấn bác sĩ điện tử, đặt chỗ khám điện tử, hệ thống báo cáo và phân tích v.v...

Đại diện Ericsson Việt Nam cho biết, theo nhận định của các chuyên gia Ericsson, Việt Nam có phần giống Ấn Độ, nơi có 70% dân số sống ở nông thôn, và chỉ 10% trong số đó tiếp cận được với dịch vụ y tế. Người dân ở vùng sâu phải đi rất xa, có khi vài chục cây số, mới được gặp bác sĩ hoặc trung tâm y tế gần nhất. Giải pháp Ericsson Mobile Home giúp người dân Ấn Độ ở vùng sâu, vùng xa tiếp cận với dịch vụ y tế dễ dàng hơn, có thể được chẩn đoán bệnh từ xa sau khi gửi thông tin về triệu chứng bệnh qua đường truyền internet băng rộng trên điện thoại di động. Bác sĩ sẽ xem xét thông tin bệnh nhân gửi tới để qua đó đưa ra khuyến nghị cách điều trị tốt nhất

Được biết, Ericsson đã phát triển dịch vụ y tế điện tử ở Hà Lan, Tây Ban Nha, Đức... với kết quả là giảm 50% những trường hợp không cần đến bệnh viện mà vẫn được điều trị. Bệnh viện cũng được tiết kiệm được chi phí vận hành, các nhà bảo hiểm cũng không phải trả nhiều chi phí trong khi các mạng di động được lợi nhờ dịch vụ truyền tải dữ liệu

“Ericsson chọn thời điểm này mới đưa giải pháp vào Việt Nam vì đây là lúc mạng di động băng rộng (3G) đã sẵn sàng. Thêm nữa, y tế và sức khỏe luôn luôn là ưu tiên hàng đầu của mọi người Việt. Trong các gia đình Việt Nam, người ta luôn nói về sức khỏe,” ông Jan Wassenius, Tổng giám đốc Ericsson Việt Nam nói
 
Phần mềm “giám sát” tiểu đường​

Bệnh nhân bị tiểu đường bị giám sát bởi phần mềm ứng dụng True track về chế độ ăn uống kiểm soát lượng đường trong máu

Theo hãng AFP ngày 25/11, Bệnh viện Samsung Seoul (Hàn Quốc) vừa phát triển thành công ứng dụng từ dòng điện thoại thông minh mang tên True track, nhằm “giám sát” hàm lượng đường trong máu và quy định chế đọ ăn kiêng cho người dùng

phanmemungdungtheodoitieuduonganhbai.jpg

Ứng dụng True track “giám sát” bệnh nhân tiểu đường​

Ứng dụng này có cơ sở dữ liệu về thông tin dinh dưỡng của 800 món ăn yêu thích của nhiều người

Với cách lấy máu đơn giản từ ngón tay để kiểm tra hàm lượng đường trong máu hàng ngày, ứng dụng sẽ để chế độ báo cho người sử dụng biết về mức cân bằng dinh dưỡng giữa thức ăn và hàm lượng calorie có trong món ăn để kiểm soát lượng đường trong món ăn

Ước tính Hàn Quốc có khoảng 4 triệu người, tương đương 10% dân số bị mắc bệnh tiểu đường. Phần mềm này có giá trị ứng dụng trên thị trường Samsung Apps, T Store và Android
 
Y tế điện tử - tiềm năng lớn, khai thác chậm

Ứng dụng công nghệ thông tin để chăm sóc sức khỏe người dân - Y tế điện tử (e-Health), trở nên thông dụng từ năm 1998. Trải qua hơn 25 năm, nhiều nước trên thế giới đã đạt được những thành tựu khả quan trong lĩnh vực này. Nước ta, được đánh giá là có tiềm năng lớn về e-Health, nhưng việc áp dụng vào đời sống lại chậm hơn nhiều so với các ngành khác. Vì sao ?

Bước khởi đầu gây hứng khởi

Kể từ ngày 1/7/2016, khi các cơ sở khám chữa bệnh cả nước triển khai thực hiện giám định bảo hiểm y tế (BHYT) điện tử, tới nay đã có hơn 13.000 cơ sở trong tổng số 14.000 cơ sở y tế trên toàn quốc kết nối thành công vào hệ thống thông tin giám định BHYT của Bảo hiểm xã hội Việt Nam (BHXH). Phải mất hơn 4 năm dự án này mới hoàn thành và lần đầu tiên, một dịch vụ công nghệ thông tin (CNTT) đã kết nối đồng bộ với tất cả các cơ sở y tế toàn quốc trên một nền tảng ứng dụng quản lý điều hành thống nhất

Hệ thống hoạt động trực tuyến này cung cấp các công cụ giúp cơ sở y tế khai thác thông tin, tra cứu thẻ BHYT, lịch sử khám chữa bệnh của người bệnh có BHYT và quản lý thông tuyến trên cả nước, giúp cho việc thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT hiệu quả, kịp thời hơn trước. Người bệnh giảm được thời gian chờ khám bệnh, thanh toán viện phí, được cung cấp đầy đủ thông tin về chi phí được quỹ BHYT chi trả, tham gia giám sát quyền lợi được hưởng. Với việc ứng dụng CNTT, các chi phí ngoài quy định được phát hiện và xử lý kịp thời, tránh được tình trạng lạm dụng quỹ BHYT

Tuy nhiên, thành quả trên mới chỉ là một bước, một khâu của e-Health. So với châu Âu, một vài nước ở châu Á, e-Health của nước ta vẫn là "người học trò nhỏ". Trao đổi với anh Hoàng Văn Nam, Giám đốc công ty xuất khẩu lao động đã từng sống ở Nhật Bản, anh cho biết: "Nền y tế Nhật Bản là y tế không giấy tờ. Người dân Nhật ai cũng có Thẻ sức khỏe điện tử. Tất cả các dữ liệu bệnh viện đều online. Các thư viện y khoa online rất phổ biến. Vào các bệnh viện, bạn chỉ cần một tấm thẻ đưa vào máy thì toàn bộ quy trình thủ tục hành chính sẽ được tự động hóa. Sau khi bác sĩ khám bệnh, nhân viên y tế điều khiển máy phát thuốc miễn phí cho bạn"

Bác sĩ Vương Văn Quý, Đặng Thị Dinh đều làm việc tại các bệnh viện lớn ở Hà Nội và có nhiều dịp công tác ở châu Âu cho biết: "Người bệnh ở các nước này chỉ cần mang một Thẻ Y tế điện tử từ khi khám đến lúc điều trị mà không cần thêm bất kỳ giấy tờ tùy thân hoặc sổ khám bệnh, thẻ BHYT nào, mặc dù bệnh nhân đã khám chữa bệnh ở nhiều bệnh viện khác nhau. Nhờ có mạng lưới e-Health, đơn thuốc có thể kê qua mạng chỉ sau vài phút, giúp tiết kiệm rất nhiều thời gian. Hệ thống e-Health của châu Âu có sự tham gia của hơn 27 nước thành viên sử dụng CNTT đã tăng chất lượng dịch vụ y tế lên nhiều"

Khi hỏi về e-Health ở nước ta hai bác sĩ đều cho rằng, "cái gì cũng có, nhưng manh mún và chậm so với khu vực". Và qua các bác sĩ tôi càng hiểu về phạm vi rộng lớn, phức tạp của e-Health: Từ khám bệnh từ xa, hội chẩn từ xa, điều trị từ xa, huấn luyện, đào tạo chuyên môn trực tuyến cho các bệnh viện tuyến dưới, đội ngũ chăm sóc ảo... cho đến hồ sơ y tế điện tử (EHR) và đây là khâu quan trọng

EHR tích hợp các thông tin: Lịch sử bệnh nhân và nhân khẩu học, ghi chú lâm sàng của bác sĩ, danh sách đầy đủ các loại thuốc và dị ứng của bệnh nhân, mua thuốc theo toa qua mạng, kết quả chẩn đoán hình ảnh... EHR được bệnh viện quản lý chặt chẽ nhưng cũng được chia sẻ thông tin với các tổ chức khác như phòng thí nghiệm, các chuyên gia, phương tiện chẩn đoán hình ảnh, các cơ sở cấp cứu, trường học… Các bác sĩ cho rằng: "Sử dụng dữ liệu giấy truyền thống chậm hơn nhiều so với tìm trong EHR. Tốc độ xử lý các phác đồ điều trị sẽ nhanh hơn nhờ các thông tin y khoa được truy vấn và truy xuất một cách tiện lợi. Quy trình giao-nhận kết quả xét nghiệm từ các phòng ban và tính năng kê đơn thuốc điện tử cũng nhanh hơn. Kết quả xét nghiệm cận lâm sàng được công nhận giữa các bệnh viện nên người dân không phải khám nhiều lần, tiết kiệm cả về vật chất và sức khỏe. Vì thế các y, bác sỹ được giải phóng khỏi các công việc liên quan đến thủ tục giấy tờ, họ sẽ dành thời gian để thăm và khám bệnh cho bệnh nhân được nhiều hơn"

Giám định BHYT điện tử mà chúng ta thực hiện từ 1/7/2016 là cơ sở bước đầu của việc xây dựng EHR, đã gây được hứng khởi trong ngành. Để trở thành e-Health theo đúng nghĩa còn rất nhiều bước, nhiều khâu phải triển khai. Làm sao đẩy nhanh được tiến độ ? Phải chăng "xã hội hóa" ứng dụng CNTT y tế là một biện pháp ?

"Xã hội hóa" ứng dụng CNTT y tế


Theo các chuyên gia y tế, điều kiện, tiềm năng để thực hiện e-Health ở nước ta khá lớn: Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ tăng trưởng internet cao nhất thế giới, hơn 35% dân số sử dụng internet, đường truyền đã có 4G. Trong tương lai, khi dân số ngày càng già đi, mô hình bệnh tật của con người chuyển dần sang các bệnh mạn tính cần được điều trị lâu dài, công nghệ, thiết bị y tế càng hiện đại, thì e-Health sẽ đóng vai trò chủ chốt trong ngành Y tế, mà cụ thể là hình thức y tế từ xa - khám, chữa bệnh, tư vấn cho bệnh nhân qua điện thoại di động (m-Health) và các thiết bị cầm tay khác - sẽ phát triển. Thêm nữa, trình độ CNTT nước ta vào loại khá, nếu biết kết hợp chặt chẽ với ngành Y có thể thực hiện e-Health ở nhiều hình thức, cấp độ khác nhau

Thực hiện e-Health ở nước ta, nếu kể từ khi xuất hiện hình thức khám chữa bệnh từ xa đến nay, có bề dày hơn 10 năm, nhưng bước đi để đạt được đúng nghĩa của e-Health rất chậm. Từ năm 1997, thành phố Hồ Chí Minh là địa phương đi đầu thực hiện e-Health, đến nay mới chỉ có vài bệnh viện trong số 113 bệnh viện có hệ thống công nghệ và CNTT khá hoàn chỉnh để thực hiện e-Health. Còn các cơ sở khác, nếu có hệ thống CNTT thì chỉ tạm đáp ứng nhu cầu bình thường và manh mún, đơn lẻ, chưa có khả năng liên kết một cách quy mô giữa các đơn vị y tế

Để đẩy nhanh tiến trình thực hiện e-Health, thiết nghĩ, cần "xã hội hóa" ứng dụng CNTT y tế. "Xã hội hóa y tế" nói chung là một chủ trương đúng đắn của nhà nước và trong thực tế đã đạt được một số kết quả, như việc vay vốn, hợp tác với các doanh nghiệp để xây dựng cơ sở hạ tầng một số bệnh viện công, nhưng liên doanh, liên kết để phát triển kỹ thuật mới, trang bị được nhiều loại thiết bị y tế hiện đại, có hệ thống CNTT tốt thì còn rất hạn chế

Lâu nay các bệnh viện, cơ sở y tế chỉ quen với việc "xin tiền" Chính phủ để được là chủ sở hữu, chủ đầu tư mua sắm thiết bị y tế, hệ thống CNTT, để không "đi thuê". Nay chính phủ mới yêu cầu đổi mới phương thức hoạt động trong mọi lĩnh vực kinh tế-xã hội: "Các cấp, các ngành, các địa phương, các doanh nghiệp cần nâng cao nhận thức về cuộc cách mạng số, đồng thời quyết liệt đẩy mạnh việc ứng dụng CNTT để nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả quản trị hoạt động của mình. Đây phải được coi là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu, là trách nhiệm cao nhất của người đứng đầu trong các cơ quan, tổ chức Nhà nước từ trung ương tới địa phương" (Trích phát biểu tại Diễn đàn cấp cao CNTT-Truyền thông 2016 của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc)

Để hiện thực hóa yêu cầu đó, các bệnh viện cũng nên "xã hội hóa" ứng dụng CNTT y tế. Bản chất của hình thức này chính là thay đổi đầu tư ứng dụng các giải pháp CNTT sang thuê dịch vụ. Nhà cung ứng giải pháp CNTT không chuyển giao công nghệ một lần mà trở thành nhà cung ứng dịch vụ. Hình thức này vừa đảm bảo cập nhật công nghệ mới theo lộ trình nâng cấp sản phẩm của đơn vị cung ứng giải pháp, vừa tối ưu việc sử dụng nguồn nhân lực CNTT tại đơn vị ứng dụng. Hình thức thuê này còn giúp bệnh viện tiết kiệm được chi phí bản quyền phần mềm hoạt động. Nếu như Bộ Y tế sớm có khung pháp lý các chuẩn kỹ thuật cho hệ thống ứng dụng CNTT y tế và việc thuê dịch vụ có thể khơi dậy tiềm năng này trong xã hội một cách mạnh mẽ, góp phần đẩy nhanh tiến trình e-Health ở nước ta

Phần mềm giám định BHYT điện tử bắt đầu hoạt động từ 1/7 vừa qua do Chính phủ tin tưởng giao cho Viettel đảm nhiệm. Trên thị trường hiện có một số phần mền phục vụ cho e-Health. Nhưng để có phần mềm cho một tấm Thẻ y tế trong tương lai đáp ứng đủ yêu cầu của e-Health hầu như chưa có. Rõ ràng là, rất cần sự hợp tác chặt chẽ giữa ngành Y tế, các đơn vị CNTT để có một phần mềm chuẩn dùng chung cho e-Health. Tài năng tin học ở nước ta được cho khá nhiều, vì thế nên tổ chức cuộc thi viết phần mềm e- Health để chọn ra một phần mềm tốt nhất, chứ không nên chỉ định dùng phần mềm của hãng nào

Nguồn "nhân lực số" ở nước ta khá dồi dào, rất nhiều trường đại học, học viện có khoa CNTT, thế nhưng CNTT y khoa hầu như chưa có. Các nước được gọi là có "nền Y tế điện tử" thì các trường Y đều có Khoa CNTT y khoa riêng biệt. Muốn đẩy nhanh bước tiến của e- Health và thực hiện nó một cách chuyên nghiệp chúng ta cần đào tạo ngay nguồn nhân lực chuyên sâu này

Lợi ích của việc giám định BHYT y tế điện tử - một bước thực hiện e-Health đã tạo ra bước đột phá trong công tác quản lý, cải cách thủ tục hành chính, giảm phiền hà cho dân, minh bạch về tài chính, tạo thuận lợi cho người bệnh, tiết kiệm đáng kể chi phí xã hội. Lợi ích lớn hơn qua sự kết nối toàn hệ thống là phục vụ công tác điều hành của ngành Y tế, tập trung dữ liệu phân tích xu hướng bệnh tật của từng nơi, từng nhóm đối tượng, nhóm tuổi..., từ đó phục vụ công tác hoạch định chính sách chăm sóc sức khỏe nhân dân sát thực tế, tạo ra những bước thay đổi căn bản trong phòng bệnh và khám chữa bệnh ở nước ta. Với bước khởi đầu gây hứng khởi trên và tiếp tục đổi mới phương thức đầu tư, "xã hội hóa" ứng dụng CNTT, chuẩn bị tốt đội ngũ tin học y tế..., nước ta sẽ đẩy nhanh e-Health, chăm sóc sức khỏe cho người dân tốt hơn, rút ngắn khoảng cách tụt hậu về y tế của nước ta với thế giới

Đ.Ngọc
 
Top