What's new
Vietnam - Điện Biên Phủ Kinh Tế

This is a sample guest message. Register a free account today to become a member! Once signed in, you'll be able to participate on this site by adding your own topics and posts, as well as connect with other members through your own private inbox!

Chuyên nghiệp hóa quản trị bệnh viện

LOBBY.VN

Administrator
Chuyên nghiệp hóa quản trị bệnh viện
Ngoài những đòi hỏi tất yếu - cải tiến chính sách vĩ mô, việc đào tạo một đội ngũ quản trị bệnh viện chuyên nghiệp cũng là một đòi hỏi bức bách để ngành y phát triển, nhất là khi chúng ta đang tiến hành trao quyền tự chủ cho các bệnh viện

Hồi đó, bệnh viện tôi có quy định, bệnh nhân nào tử vong, sẽ phải mổ xác. Việc mổ xác giúp các bác sĩ kiểm tra lại chẩn đoán và cách thức điều trị của mình. Tuy nhiên, nhiều người Việt Nam không muốn thực hiện điều đó, vì người ta sợ chết không toàn thây

Để giúp những gia đình không muốn mổ xác cho thân nhân, một nhóm các bác sĩ và nhân viên phòng mổ xác nhận tiền của họ, sau đó lập biên bản mổ xác nhưng thực tế thì không mổ. Ngoài ra, họ còn lợi dụng những quy định về vệ sinh, bắt ép các gia đình có người không may tử vong phải chi tiền, hoặc phải mua những cỗ áo quan với giá trên trời, mới được mang xác về chôn cất

Họ dùng tiền kiếm được từ việc kinh doanh trên những tử thi đi ăn nhậu. Chúng tôi gọi họ là những con kền kền, và những bữa nhậu của họ là bữa tiệc của những con kền kền. Các thầy thuốc nghĩ ra một cách, gọi là “nặng xin về”. Khi bệnh nhân nặng, không còn khả năng cứu chữa, chúng tôi khuyên gia đình ký cam kết, xin đưa bệnh nhân về, với mong muốn giúp cho gia đình người bệnh tránh được bầy kền kền

Khi giám đốc mới nhậm chức, một cuộc chiến cực kỳ căng thẳng xảy ra. Lũ kền kền bị tống vào tù. Thì ra, không có quy định cụ thể nào bắt buộc phải mổ xác sau khi bệnh nhân tử vong cả. Trước đó, không có ai thẩm định, xem quy định bắt buộc mổ xác có thực sự là hợp pháp không, thậm chí có thực là có một quy định như vậy trên đời này hay không

Một quy định mới được đưa ra. Theo đó, chỉ có những ca nào có yêu cầu của bên chuyên môn, hoặc có yêu cầu của cơ quan công an thì mới phải mổ xác. Tuy nhiên, đó cũng mới chỉ là một quy định của bệnh viện mà chưa được cụ thể bằng luật. Do vậy, thỉnh thoảng vẫn có tranh chấp. Lại phải giải quyết bằng cảm tính

Sau này, khi có quy định của Luật Giám định tư pháp, việc mổ xác phải có sự đồng ý của thân nhân, trừ trường hợp tòa án hay viện kiểm sát trưng cầu pháp y. Nhờ đó, ngày nay, chỉ có giới chuyên môn y khoa mới phải gặp khó khăn khi muốn yêu cầu mổ tử thi, không ai có thể gây khó dễ cho gia đình người bệnh tử vong trong chuyện mổ xác được nữa

Kể từ khi xóa bỏ bao cấp, bệnh nhân nhập bệnh viện tuyến trên không cần giấy giới thiệu chuyển viện cũng như phương tiện chuyển viện của bệnh viện như trước. Dịch vụ xe chuyên chở bệnh nhân nở rộ. Cùng với chuyên chở bệnh nhân là chở bệnh nhân nặng xin về, chở xác... Nguồn xe cứu thương của bệnh viện mua không đủ, một số nhân viên của bệnh viện hùn nhau mua xe cấp cứu chở bệnh nhân chuyển viện, về nhà và đi bất cứ đâu họ yêu cầu, miễn là có trả tiền

Khoa tôi có một cô điều dưỡng. Chồng cô ấy làm lái xe. Vợ chồng cô ấy hùn hạp với bạn bè mua được một chiếc xe cấp cứu làm dịch vụ chở bệnh nhân theo yêu cầu của họ. Cuộc sống của họ khá lên, tất cả chúng tôi đều mừng cho họ

Nhưng không phải tất cả bệnh nhân có nhu cầu chuyển viện hay về nhà bằng xe cấp cứu đều có khả năng trả tiền cho dịch vụ xe cấp cứu. Chúng tôi thường nhờ xe của các tỉnh, nơi định chuyển bệnh nhân về, hoặc gần nhà của bệnh nhân, chở họ về khi những xe đó chuyển bệnh nhân đến chỗ chúng tôi

Một hệ thống từ điều dưỡng của khoa cấp cứu, nơi tiếp nhận xe cấp cứu, phòng điều dưỡng bệnh viện và điều dưỡng của khoa có bệnh nhân cần chuyển được thiết lập. Tuy nhiên, đôi khi chúng tôi không chuẩn bị trước mà xe của tỉnh lên không chờ được, thế là bệnh nhân lại phải chờ thêm. Anh chồng lái xe của cô điều dưỡng trong khoa đã giúp chúng tôi biết được sớm thời điểm xe lên, do mối quan hệ của anh ấy với các lái xe. Nhờ vậy, bệnh nhân không phải chờ lâu

Lúc ấy, chẳng ai thấy cần phải có quy định về việc chuyên chở bệnh nhân cả. Ai có tiền thì dùng xe dịch vụ, ai không tiền mà thực sự cần phải chở bằng xe cấp cứu thì được giúp, tất cả cùng vui vẻ. Nhưng ở đời đâu phải ai cũng sẵn lòng từ bỏ mối lợi trước mắt. Taxi sân bay giành độc quyền chở khách. Tương tự vậy, xe cấp cứu ở Bệnh viện Nhi Trung ương chở cháu bé hấp hối về nhà bị chặn lại

Nếu không có một quy định hay luật nào giống như kiểu... luật chống độc quyền, những vụ việc như taxi giành độc quyền, hoặc xe cấp cứu bị chặn lại nhất định sẽ tái diễn. Không thể quản lý xã hội này bằng dư luận. Biết được điều đó, Bộ Y tế đã có công văn chấn chỉnh, không riêng gì chuyện xe cấp cứu mà toàn bộ vấn đề xã hội hóa y tế ở các bệnh viện công. Đó là một hành động có giá trị kìm hãm những tiêu cực tất yếu với cung cách quản lý như hiện nay. Tuy nhiên, không thể quản lý xã hội bằng công văn được

Vấn đề quan trọng là phải xác định được, rằng y tế là một ngành dịch vụ. Y tế cung cấp dịch vụ về sức khỏe, người bệnh trả tiền để mua dịch vụ y tế. Nhà nước có trách nhiệm đặt ra các cơ chế kiểm soát, nhằm bảo vệ quyền lợi cho cả hai bên ở mức cao nhất có thể

Vấn đề mấu chốt nằm ở việc xác định quản trị bệnh viện là một ngành. Giám đốc điều hành bệnh viện phải là một nhà quản trị bệnh viện chuyên nghiệp. Ai muốn nắm giữ cương vị quản lý bệnh viện thì phải qua các khóa học quản trị bệnh viện chính quy

Việc tạo ra luật để quản lý xã hội, việc tạo ra các cơ chế kiểm soát nhằm bảo vệ quyền lợi cho tất cả các bên, là những công việc thuộc tầm vĩ mô. Đó là điều kiện cần để ngăn chặn những tiêu cực trong y tế. Nhưng như vậy chưa đủ. Trên thực tế, tại nhiều cơ sở y tế, ban lãnh đạo hết sức lúng túng khi có sự cố xảy ra, dẫn đến những cách giải quyết không những không làm giảm nhiệt sự cố mà còn dẫn đến thảm họa truyền thông. Điều đó thuộc về vi mô, đó là khả năng quản lý cơ sở y tế

Vấn đề mấu chốt nằm ở việc xác định quản trị bệnh viện là một ngành. Giám đốc điều hành bệnh viện phải là một nhà quản trị bệnh viện chuyên nghiệp. Ai muốn nắm giữ cương vị quản lý bệnh viện thì phải qua các khóa học quản trị bệnh viện chính quy. Tại Úc, có rất nhiều trường đào tạo về quản trị bệnh viện chính quy, với các bậc học từ mức chứng chỉ đến cử nhân, thạc sĩ và tiến sĩ chuyên ngành quản trị bệnh viện

Hiện nay, việc bổ nhiệm của chúng ta chủ yếu dựa trên những tiêu chuẩn về chuyên môn như bằng tiến sĩ y khoa hay chuyên khoa cấp II, cùng những yêu cầu rất khắt khe về trình độ lý luận chính trị. Đồng thời, việc có là đảng viên hay không cũng mang tính quyết định trong việc đề bạt. Trong khi đó, khả năng quản trị bệnh viện thì gần như không được chú ý đến. Làm như vậy, chúng ta đánh mất một bác sĩ được đào tạo bài bản, làm cho lực lượng khám chữa bệnh yếu đi. Đồng thời, tạo ra một nhà quản trị bệnh viện tồi, tạo cơ hội làm cho bệnh viện ngày càng thêm yếu kém

BS. Võ Xuân Sơn
 
Last edited:
Top