What's new
Vietnam - Điện Biên Phủ Kinh Tế

This is a sample guest message. Register a free account today to become a member! Once signed in, you'll be able to participate on this site by adding your own topics and posts, as well as connect with other members through your own private inbox!

Giấc mơ Việt Nam

LOBBY.VN

Administrator
"Giấc mơ Việt Nam" và "Quyền của tự nhiên"​

Ngày nay chúng ta không thể tiếp tục đặt câu hỏi về chuyện "lớn" hay "nhỏ" theo kiểu Trung Quốc. Ta phải đứng ra ngoài "chiếc hộp Trung Quốc" để tư duy về chính mình.

Quyền của tự nhiên

Đi đến chỗ xây dựng luật pháp để bảo vệ "quyền của con người" là kết quả của một hành trình dài của nhân loại. Trong suốt nhiều thế kỉ, khi một người da trắng Phương Tây cầm súng bắn một con sư tử và bắn một người da đen thì đều là vô tội như nhau. Rồi họ đi đến thời đại mà giết một người da đen thì cũng có tội như giết một người da trắng.

Nhưng, giết một con sư tử thì vẫn vô tội. Bởi lẽ, tự nhiên không có những quyền mà con người có.

Tuy vậy, năm 1972, khi Christopher D Stone, giáo sư luật ở University of Southern California, công bố một luận văn tựa đề "Những cái cây nên có một vị thế? Hướng đến pháp quyền cho những đối tượng tự nhiên" thì con đường xây dựng Quyền của Tự nhiên trong thời đại mới đã được khai mở.

Theo C.D.Stone, thông qua những con người thích hợp làm đại diện, những vật thể trong tự nhiên như rừng, sông, biển... có thể đòi hỏi cho mình những quyền có tính luật pháp, được bảo hộ bởi luật pháp.

Dưới ánh sáng của tư tưởng này, ở Mỹ từ đó đã có nhiều phán quyết của tòa án bảo vệ "quyền của Tự nhiên", chống lại những hành động xâm hại tự nhiên, mở ra một thời đại đặc biệt, thời đại mà tự nhiên được cấp cho những quyền mà con người đã có.

Trước đây, nếu phá hoại thiên nhiên, chúng ta chỉ bị ra Tòa nếu sự phá hoại ấy ảnh hưởng đến một vùng dân cư, còn ngày nay, ngay cả khi phá hoại tự nhiên mà không ảnh hưởng đến con người, chúng ta vẫn phải ra Tòa, bởi Tự nhiên có đầy đủ những quyền mà con người có.

Ở các nước phát triển, do tự nhiên cũng có những quyền mà con người có, tôn trọng Quyền của Tự nhiên, tương tự như tôn trọng quyền của con người, đang trở thành đạo đức. Quyền của Tự nhiên trở thành một nội dung không thể thiếu trong các bài giảng về đạo đức môi trường trong các trường đại học. Nó là chủ đề lớn của các cuộc vận động về tinh thần của các tổ chức phi chính phủ, các đảng chính trị liên quan đến môi trường, ngày càng trở thành một dòng suy nghĩ bình thường của nhân dân.

Thực ra, tinh thần "tôn trọng Tự nhiên" đã xuất hiện từ lâu, nhưng chưa từng trở thành một giá trị đạo đức. Nó chỉ là một phần của giá trị Mỹ học, được xem là một cái Đẹp đứng vượt lên trên cách tư duy thông thường. Nhưng, năm 2001, một trong những nội dung được thảo luận ở Đại hội Mỹ học thế giới ở Tokyo là xu hướng tư duy về cái Đẹp trên cơ sở quyền của Tự nhiên và lấy Tự nhiên làm trung tâm, thay cho tinh thần lấy con người làm trung tâm của Mỹ học truyền thống. Văn hào Xô Viết vĩ đại M. Goroky từng nói "Mỹ học là đạo đức học của tương lai", tức là của xã hội xã hội chủ nghĩa, khi không còn cái xấu thì cái đẹp hòa tan với cái tốt.

Ở thế kỷ 21 này, mỹ học và đạo đức học cũng đã hòa làm một ở một phạm vi hẹp, tuy không ứng hoàn toàn với dự đoán có tính tư biện (biện luận trên cơ sở của tư duy, không phải trên cơ sở của thực tiễn) của M.Goroky.

Trở thành một giá trị đạo đức, quyền của Tự nhiên cũng trở thành một vấn đề kinh tế. Các nước phát triển trở thành một thị trường khó tính, nơi người dân không chỉ tẩy chay những mặt hàng mà quá trình làm ra nó vi phạm Nhân quyền mà còn tẩy chay cả những mặt hàng vi phạm Quyền của Tự nhiên. Và trong cạnh tranh quốc tế, người ta cũng tấn công đối thủ trên cơ sở Quyền của Tự nhiên.

Ngay trong cuộc khủng hoảng toàn cầu hiện nay, các nước phát triển cũng đang tái cấu trúc quyết liệt nền sản xuất của mình theo hướng tôn trọng quyền của tự nhiên để thích ứng với đẳng cấp cao của khách hàng.

Ở Trung Quốc, sự chậm tiến trong tư duy là một rào cản lớn đối với Giấc mơ Trung Quốc. Ngay cả Ngô Quý Tùng, một giáo sư nổi tiếng của Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Trung Quốc, trong sách "Kinh tế tri thức - xu thế mới của thế kỷ 21", vẫn với điệp khúc "Trung Quốc phải nhất thế giới", nên vẫn ca một điệp khúc "con người là Chúa Tể của muôn loài" và Trung Quốc cần... hi sinh môi trường sinh thái cho phát triển kinh tế. Và trong đời sống của họ hôm nay, vẫn còn đó những căn hộ "cao cấp" giá 45 triệu USD mà cửa và giường bọc bằng... da cá sấu.

Tuy nhiên, giữa một khu rừng tinh thần hỗn tạp của một đất nước khổng lồ, ta hi vọng sẽ được thấy trong tương lại những bông hoa tinh thần tươi đẹp của thời đại mới, bởi người dân các đô thị miền đông Trung Quốc ngày càng nâng mình lên theo chuẩn của thế giới, ngày càng văn minh hơn trong cách nhìn đối với Tự nhiên.

Quay trở về với đất nước chúng ta, nếu Việt Nam còn lệ thuộc vào tài nguyên tự nhiên để sống, coi việc khai thác tài nguyên là "chiến lược", đứng ngoài dòng chảy tư duy về Quyền của Tự nhiên, thì trong tương lai gần, hàng hóa Việt Nam làm ra không thể bán được ở bất kỳ đâu.

Chúng ta sẽ bị phần tinh hoa của thế giới loại bỏ, "loại bỏ" theo đầy đủ nghĩa đen trần trụi của từ này.

Tái cấu trúc trên cơ sở "Quyền của Tự nhiên"

Nếu nghĩ về một "Giấc mơ Việt Nam", đó không nên là giấc mơ "nhất" hay "nhì" thế giới. Trong "Giấc mơ Trung Quốc" của Lưu Minh Phúc, nỗi thèm khát "nhất thế giới" được thổi bùng trong niềm đố kỵ cháy bỏng với người Mỹ.

Cái mộng đố kị kiểu này, bất kể là của một quốc gia trong quan hệ quốc tế hay của một cá nhân trong xã hội, chỉ có thể đưa con người trở thành kẻ ác chứ không thể trở thành kẻ mạnh.

Ngày nay chúng ta không thể tiếp tục đặt câu hỏi về chuyện "lớn" hay "nhỏ" theo kiểu Trung Quốc. Thời phong kiến, chúng ta chấp nhận "tư duy nước lớn" kiểu "thiên triều" của Trung Quốc, nên một mặt, chúng ta chấp nhận "nộp cống xưng thần" cho phương Bắc, và mặt khác, để trở thành "nước lớn", ta cũng đánh Champa, Ai Lao, Cao Miên, Xiêm La để bắt họ cống nạp lại cho mình.

Ngày nay, chúng ta cần phải đứng ra ngoài "chiếc hộp Trung Quốc" để tư duy về chính mình.

Ta đã nhận quá nhiều ODA viện trợ, trong khi thế giới vẫn còn quá nhiều nước khó khăn hơn ta nhiều, đến bao giờ ta có thể viện trợ cho họ, trở thành một "lá lành" để đùm những "lá rách" trong cộng đồng nhân loại? Việt Nam xuất hiện trên trái đất này không phải để trở thành gánh nặng mà phải để có ích cho thế giới, để giúp đỡ những dân tộc yếu hơn, để chung vai và sánh vai cùng vực dậy và thúc đẩy một thế giới đang sụp đổ ở mặt này nhưng cũng đang tiến lên ở mặt kia. Đó phải là "tư duy nước lớn" kiểu Việt Nam.

Các nhà hoạch định chiến lược của Chính phủ cần tư duy trên cơ sở Quyền của Tự nhiên để đưa ra những quyết sách. Việt Nam hãy thử xét lại những "chiến lược" khai thác tài nguyên trên nguyên tắc Quyền của Tự nhiên: Chỉ xâm hại đến sự sống của một dòng sông, một hồ nước, một vùng không khí..., là đã phạm tội, bất kể sự xâm hại ấy có ảnh hưởng đến con người hay không.

Ở bộ phận tiên phong của thế giới, con người ta suy nghĩ về quyền của tự nhiên vì quyền của con người đã được khai phóng đến mức tối đa, đến mức thành có hại, khi mà nhân danh quyền của con người, người ta xúc phạm tự nhiên một cách nghiệt ngã. Ở các nước đang phát triển, làm sao có thể suy nghĩ về "quyền của tự nhiên" khi mà "quyền của con người" vẫn là một món quà xa xỉ, được tặng thì tốt mà không có... cũng không sao.

Nhưng, đi sau cũng có cái hay: Chúng ta cần giáo dục ý thức về quyền của con người, tích hợp với ý thức về quyền của Tự nhiên, để tránh những con đường đen tối mà Phương Tây từng sa lầy, chìm đắm và vật vã để vượt qua.

Ở Anh, người ta từng tẩy chay những chiếc áo nhập khẩu từ một nhà máy may của Bangladesh vì các nữ công nhân của nhà máy này phải làm việc trong một công xưởng tương tự như những công xưởng ở Anh quốc thế kỷ 19 (mà giờ đây ta chỉ có thể hình dung được qua tiểu thuyết của Charles Dicken).

Ngày nay, với sự vận động mãnh liệt của tư duy về Quyền của Tự nhiên, trong tương lai không xa, người ta sẽ không thèm mặc một chiếc áo, ngồi lên một chiếc ghế mà nhà máy sản xuất ra nó xúc phạm đến một dòng sông, một con suối, một cánh rừng nguyên sinh, một mặt hồ hay bầu trời...

Do đó, các doanh nhân của chúng ta cần tư duy trên cơ sở Quyền của Tự nhiên để tái cấu trúc toàn bộ quá trình kinh doanh của mình.

Dĩ nhiên, để biết tôn trọng Quyền của Tự nhiên, người ta trước tiên phải biết tôn trọng những người anh em đồng loại làm thuê cho mình. Một nền sản xuất tôn trọng con người chỉ có thể hình thành trong một xã hội tôn trọng điều ấy.

Tư duy về quyền của tự nhiên là kết quả của sự giao thoa giữa triết học và minh triết, giữa tri thức và sự hiền minh. Nền giáo dục của chúng ta cũng cần được tái cấu trúc lại trên cơ sở của trí tuệ, của sự hiền minh mang tính thời đại ấy.

Nên nhớ bài học xương máu của nền giáo dục của cha ông ta thế kỷ 19. Khi đi học, người ta học những kinh, sử, thơ phú của Trung Quốc ra đời từ hàng ngàn năm trước, nhưng đỗ đạt rồi, ra làm quan, người ta phải giải quyết những vấn đề nóng bỏng của thời đại, không liên quan gì đến những điển tích, điển cố kinh viện đã học.

Kết quả: Bó tay toàn diện trước thách thức của thời đại!

Nền giáo dục chúng ta hôm nay thì có khác gì?

Và cuối cùng, để cho tư duy về Quyền của Tự nhiên, mà cơ sở nền tảng của nó là Quyền của con người, thấm sâu vào nền văn hóa, trở thành cách nghĩ thường trực, tác động trực tiếp vào nền kinh tế, thì sự tuyên truyền có tính quan liêu không thực hiện được.

Việt Nam cần đến xã hội công dân, nơi những con người có ý thức công dân cùng tập hợp lại với nhau thực hiện những sứ mệnh với xã hội và chính mình. Những giá trị tinh thần của văn minh hiện đại chỉ có thể lan tỏa theo nguyên lý "ngọn đèn vô tận" trong kinh "Duy Ma Cật sở thuyết" của Phật giáo đại thừa: một ngọn đèn mớm lửa cho nhiều ngọn đèn, mỗi ngọn đèn lại mớm lửa cho nhiều ngọn đèn khác, tạo ra hàng vạn ngọn đèn, mang tư duy khai sáng đến cho toàn thể chúng sinh.

Có thể nói, chưa bao giờ con người hiện đại lại tìm thấy nơi minh triết Phật giáo những "con đường giải thoát" đúng đắn đến như vậy
 
Top