What's new
Vietnam - Điện Biên Phủ Kinh Tế

This is a sample guest message. Register a free account today to become a member! Once signed in, you'll be able to participate on this site by adding your own topics and posts, as well as connect with other members through your own private inbox!

Vietnam Go Global

Có người Việt, có đại lý hàng Việt​

- Trăn trở trong việc đưa hàng Việt Nam thâm nhập thị trường châu Âu, một doanh nhân Việt ở Hungary mong mỏi, chúng ta hãy gây dựng một chiến lược: “Ở đâu có người Việt Nam sống, ở đó là đại lý tiêu thụ hàng Việt Nam”.

Anh Phạm Ngọc Chu, Hội Nông dân Việt Nam tại Hungary phát biểu như vậy nhân dự đại hội thành lập Hội Doanh nhân Việt Nam ở Nước ngoài, tổ chức ở Hà Nội hôm qua, 10/8.

“Đây là một ngày trọng đại cho giới doanh nghiệp Việt Nam ở ngoài nước, đánh dấu sự trưởng thành của những người con đi xa Tổ quốc để lập nghiệp” - Tiến sĩ Hoàng Văn Khẩn, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Việt Nam tại Thụy Sỹ nói.

Ông cho biết, Hội Doanh nghiệp Việt Nam tại Thụy Sỹ sẽ là cầu nối giữa Việt Nam và Thụy Sỹ nói riêng, cộng đồng quốc tế nói chung. Nhưng trên hết vẫn là mong muốn Việt Nam quyết tâm tạo ra những mặt hàng, những dịch vụ đảm bảo chất lượng cao và thỏa mãn khách hàng, để hình ảnh một nước Việt Nam vẫn luôn nằm trong trái tim bè bạn thế giới.

Để bán được hàng, phải hiểu văn hóa


Phát biểu tại đại hội, Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm cho rằng, việc thành lập Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam ở Nước ngoài là cột mốc đầu tiên rất quan trọng trên con đường xây dựng một mạng lưới đại đoàn kết, tập hợp doanh nghiệp Việt Nam trên toàn thế giới.

Nhiều doanh nghiệp trong nước thường suy nghĩ rằng, thị trường châu Âu khó tính, khó nhập hàng sang đó.

Là chủ của hệ thống cửa hàng bán lẻ ở Hungary và hàng chục năm làm ăn ở xứ người, anh Phạm Ngọc Chu, Hội Doanh nhân Việt Nam tại Hungary lại khẳng định, đa phần hàng hóa Việt Nam sản xuất đều có thể bán được ở thị trường châu Âu, từ chiếc kẹo vừng, kẹo lạc, cốc nước chè xanh của người bán nước ở vỉa hè, đến bộ quần áo, hay những đồ gia dụng cao cấp hơn như giường tủ, bàn ghế...

Câu hỏi được đặt ra là thị trường châu Âu có kỹ tính đến mức như chúng ta nghĩ, hay vì chúng ta chưa đầu tư thích đáng cho sự chuẩn bị để thâm nhập thị trường này.

Theo anh Chu, muốn bán được hàng ở thị trường này, điều đầu tiên là phải hiểu được nền văn hóa và lịch sử của họ.

Chẳng hạn, tại sao lon Coca Cola ở Đông Nam Á lại in hình con rồng, con phượng, trong khi ở châu Âu lại có hình đôi trai gái ôm nhau nhảy múa?

Đó là vì, tại châu Âu, sự bùng nổ ghê gớm của công nghiệp dẫn tới căng thẳng trong đời sống hàng ngày, mô hình gia đình truyền thống trong xã hội bị ảnh hưởng. Vì vậy, quảng cáo cho hình ảnh một gia đình đoàn tụ, hạnh phúc đã được các nhà sản xuất quan tâm.

Ngày 10/8, ban Chấp hành Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam ở Nước ngoài chính thức ra mắt gồm 32 người, trong đó có một chủ tịch và tám phó chủ tịch.

Ông Phạm Nhật Vượng, Tổng Giám đốc Tập đoàn Technocom (Ukraina) được tín nhiệm bầu làm Chủ tịch Hiệp hội.

Hiệp hội là hội viên tập thể của VCCI và có trụ sở tại Hà Nội và có các chi hội, chi nhánh văn phòng đại diện ở trong và ngoài nước theo quy định của pháp luật.

“Tôi khẳng định, đa số các mặt hàng tiểu thủ công nghiệp và công nghiệp nhẹ, tiêu dùng ở trong nước đều có thể đảm bảo yêu cầu chất lượng cho người tiêu dùng châu Âu” - anh Chu nói.

Anh lý giải, người dân châu Âu quen lối sống thực dụng, có thu nhập cao (công việc ít tiền nhất cũng 10 Euro/giờ), cho nên họ vừa mua, vừa dùng, vừa vứt đi.

Một ví dụ, ngày trước, chỉ có hãng LEVIS sản xuất quần jeans, nên họ bán rất chạy (một chiếc quần jeans rẻ cũng phải hàng trăm euro). Bây giờ, nhiều nơi sản xuất quần jeans nên giá thành giảm hẳn, chỉ 15 - 20 euro một chiếc.

Người mua chọn mua loại rẻ tiền, vừa tiện thay đổi màu sắc, kiểu cách mẫu mã, mặc ít lần có thể thay đồ mới cũng không tiếc. Chưa kể những vật dụng gia đình như TV, tủ lạnh, máy giặt... khi hỏng họ cũng thường bỏ đi, mua đồ mới, chứ ít người mang đi sửa.

Cũng theo anh Chu, có hai nguyên nhân khiến hàng Việt Nam khó xâm nhập được vào thị trường châu Âu. Đó là thiếu tính kỹ xảo trong khâu làm bao bì và thiếu chiến lược từng bước thâm nhập thị trường.

Anh đưa ra một ví dụ: “Một lần, tôi nhận được một mặt hàng từ Việt Nam gửi sang bán thử, đó là nấm hộp. Nhãn in ở ngoài màu nâu nâu, chấm đốm đen xì, như nấm bị hỏng. Tôi gửi luôn về với lời nhắn rằng “Không phải thử. Không bán được đâu”. Dân châu Âu thích dùng màu trắng, không nên dùng sắc màu nâu (tối) như thế.
 
Hiệp hội Doanh nhân người Việt ở nước ngoài - Hợp lực để đầu tư lớn​

- Ông Phạm Thanh Tùng, giám đốc công ty PTT Global S.R.O. bức xúc vì suốt 20 năm bán đồ chơi trẻ em ở Czech, ông chỉ làm ăn được với các nhà sản xuất Trung Quốc, chứ chưa hợp tác được với nhà sản xuất trong nước. Ông kể về lần thử làm với doanh nghiệp trong nước cách đây gần 10 năm, nhưng vướng hàng rào thủ tục nhiêu khê. “Với sự ra đời của hiệp hội, tôi hy vọng mọi chuyện sẽ dễ dàng hơn. Tôi sẽ thử một lần nữa”, ông Tùng nói.

Khác với các hiệp hội doanh nhân Việt kiều ra đời trước đó ở trong và ngoài nước, hiệp hội doanh nhân lần này đã quy tụ được đại diện doanh nhân Việt kiều từ 33 quốc gia, trong tổng số hơn 100 quốc gia có người Việt làm ăn và sinh sống. Đặc biệt, theo phó chủ nhiệm uỷ ban Người Việt ở nước ngoài Trần Trọng Toàn, sự có mặt của đại diện các bộ Ngoại giao, bộ Thương mại và phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam đã đảm bảo cho sự hậu thuẫn của Chính phủ đối với các hoạt động của hiệp hội cũng như các thành viên của nó.

Sở dĩ, có sự đảm bảo này, cũng theo ông Toàn, những hiểu biết về chính sách, tập quán kinh doanh và tiêu dùng ở nước sở tại của Việt kiều sẽ giúp rất nhiều cho sứ quán và thương vụ, vốn hạn chế về tài lực và nhân lực, thực hiện tốt nhiệm vụ của mình.

Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc lại đánh giá theo góc độ riêng của mình: “Hiệp hội cũng sẽ trở thành cánh tay nối dài của cộng đồng kinh doanh trong nước, trở thành nguồn hỗ trợ đắc lực cho mạng lưới xúc tiến thương mại, đầu tư của Việt Nam”.

Trong số doanh nghiệp trong nước được mời đến dự đại hội thành lập hiệp hội Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài hôm 10.8, có phó tổng giám đốc Phạm Hoàng Kinh của tập đoàn Phú Cường. Ông tới đây với mục đích tìm hiểu thủ tục luật lệ mở văn phòng đại diện tại Đức, Nhật, Úc và Mỹ, cũng như tìm đối tác để xây dựng các tổng kho và hệ thống phân phối thuỷ sản tại những nước này.

Ông Kinh đã gặp may bước đầu khi gặp được một nữ doanh nhân từ Qatar. “Chúng tôi có chiến lược phát triển thị trường Trung Đông, nhưng định thời gian cụ thể. Gặp chị đó xong, chúng tôi quyết định sắp tới sẽ tiếp cận ngay thị trường này”, ông Kinh nói.

Cà phê Trung Nguyên lại nhận được sự hỗ trợ của ông Phạm Ngọc Chu, hội Doanh nghiệp Việt Nam tại Hungary, theo một cách khác. Ông Chu nhận xét rằng hệ thống cửa hàng của ông có bán sản phẩm cà phê Trung Nguyên G7, chất lượng tốt, giá rẻ, nhưng bán ra được rất ít, so với Nescafe. Theo ông, nguyên nhân có thể là thương hiệu G7 dễ bị người châu Âu liên tưởng đến sắt thép, hoá chất, hay, thậm chí, chính trị, chứ không phải đồ uống, nên ít để ý.

Theo ông Nguyễn Đồng Hải, từ Slovakia, sự liên kết về vốn và kinh nghiệm giữa các doanh nhân Việt ở các nước là rất quan trọng để có thể tham gia vào những dự án đầu tư lớn. “Trước hết, chúng ta nên liên kết với các doanh nghiệp trong nước đầu tư vào các thị trường trung tâm thương mại chất lượng cao, hay kho bãi… ở nước sở tại, hoặc đầu tư vào lĩnh vực sản xuất”, ông Hải nói.

Cho đến nay, những doanh nghiệp trong ngành dệt may, như Phong Phú và Việt Tiến đang xúc tiến việc xây dựng những nhà máy ở Nga, hay Ukraine, từ đó xuất qua thị trường Tây Âu, với sự liên kết với các doanh nghiệp người Việt tại những nước này. Việc liên kết sản xuất ở nước ngoài còn kéo theo sự liên kết trong việc đưa người Việt sang nước ngoài làm việc và quản lý họ.

Ông Trần Trọng Toàn tin rằng yếu tố hiểu biết về văn hoá, khi các chủ sử dụng là người Việt, sẽ khiến cho người lao động khi sang nước ngoài làm việc sẽ đỡ gặp rắc rối, thậm chí xung đột với giới chủ nước ngoài, như trong thời gian vừa
 
'Gặp gỡ Việt Nam' tại Hoa Kỳ​

Vụ Tổng hợp Kinh tế, Bộ Ngoại giao cho biết Bộ Ngoại giao đang phối hợp với các Bộ, Ban ngành để tổ chức sự kiện Gặp gỡ Việt Nam - Meet Vietnam vào ngày 15 -16/11/2009 tại bang California, Hoa Kỳ.

Đây là sự kiện đầu tiên nằm trong loạt các hoạt động/sự kiện về xúc tiến kinh tế đối ngoại và quảng bá hình Việt Nam tại California. Gặp gỡ Việt Nam sẽ bao gồm các hoạt động xúc tiến kinh tế đối ngoại (thương mại, đầu tư, khoa học công nghệ), hợp tác giáo dục và quảng bá hình ảnh, tiềm năng đất nước con người Việt Nam hướng tới đối tượng là chính quyền, doanh nghiệp, người dân California và người Việt sinh sống tại bang này.

Dự kiến các hoạt động xúc tiến kinh tế đối ngoại gồm: Diễn đàn xúc tiến đầu tư vào Việt Nam và các Hội thảo chuyên đề về công nghệ thông tin, phần mềm, thu hút đầu tư và khu công nghệ cao; Hội thảo giới thiệu tiềm năng đầu tư vào các địa phương Đà Nẵng, TP. HCM và Cần Thơ; các cuộc tiếp xúc doanh nghiệp. Ngoài ra, các hoạt động văn hóa sẽ có biểu diễn nghệ thuật, triển lãm tranh, ảnh, hàng thủ công mỹ nghệ; Góc cà phê và chè Việt Nam; Trưng bày và giới thiệu các sản phẩm du lịch và đường bay của Hàng không Việt Nam...

California là bang có tổng sản phẩm quốc dân lớn nhất và đứng thứ hai về xuất khẩu và thu hút đầu tư nước ngoài trong các bang của Mỹ. Nhiều tập đoàn lớn của California đã vào Việt Nam làm ăn, trong đó có Levis Strauss, Calvin Llein, IBM, Sun Microsystem... Hiện có hơn 1,5 triệu Việt kiều đang sinh sống tại bang California.

Các doanh nghiệp có nhu cầu tham gia sự kiện “Gặp gỡ Việt Nam” có thể liên hệ với Vụ Tổng hợp Kinh tế (Bộ Ngoại giao). Tel: 04.3799 3245 hoặc 04.799 3421; fax: 04.3799 3424 hoặc Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam.
 
Doanh nhân Việt kiều Mỹ Calvin P. Tran
Thế giới còn hào hứng đầu tư vào Việt Nam nữa là kiều bào​


avataraspx-10.jpg

Ông Calvin P.Tran.​

- "Niềm tin của doanh nhân kiều bào vào sự phát triển của Việt Nam mạnh lắm. Thế giới còn hào hứng đầu tư vào VN, thì làm sao những người con của đất Việt lại có thể đứng ngoài?

Đó là lý do tôi trở về đầu tư trong nước, để được trực tiếp tham gia vào tiến trình phát triển của VN", ông Calvin P.Tran - doanh nhân gốc Việt tại California, Mỹ - bộc bạch với PV Lao Động.

Trong lúc nhiều người đang nuôi "giấc mơ Mỹ", được sống ở Mỹ, còn ông lại từ bỏ cuộc sống đó để trở về VN. Vì sao vậy?

- Khủng hoảng toàn cầu khiến đa số Việt kiều nhìn thấy ở VN sự mở cửa, thông thoáng kinh tế. Tôi là một doanh nhân kiều bào, và nói thật, tôi thấy sống ở VN rất sung sướng. Tôi cũng đã từng rời bỏ VN ra đi, do những tuyên truyền lệch lạc về chế độ cộng sản. Nhưng sau một thời gian, tôi nhận thấy những người cộng sản rất tốt, rất dễ thương và tôi trở về nước.

Tôi không phủ nhận còn rất nhiều kiều bào nghi ngại và chưa dám về. Vấn đề chính là niềm tin. Khi ra đi, chúng tôi mất niềm tin nhưng giờ đây niềm tin vào sự phát triển của VN mạnh lắm. Thế giới còn hào hứng đầu tư vào VN, tại sao những người con của nước Việt lại đứng ngoài? Đó là lý do tôi trở về.

Vậy tâm trạng của ông khi trở về nước lần đầu như thế nào?

- Vào tháng 8.1990, tôi quyết định trở về VN sau 13 năm sống tại Mỹ. Tôi lo lắng chứ. Nhưng chẳng có gì xảy ra cả. Cái tôi nhớ nhất là cảm giác bức bối đến khó thở vì ô nhiễm khi về đến phi trường Tân Sơn Nhất. Tôi còn ngạc nhiên khi thấy người dân sao nóng tính quá, họ sẵn sàng gây lộn, dù chỉ là một sự cố rất nhỏ ở trên đường. Do làm trong ngành công nghệ thông tin, nên đi đâu tôi cũng hỏi có máy vi tính không?

Nhưng thời kỳ đó, VN còn lạc hậu lắm, đâu có sẵn máy vi tính như bây giờ. Và tôi như một người lính bị tước vũ khí vậy. Tôi đã xin nghỉ phép tại Mỹ để dự định về VN trong hai năm, nhưng do không thích nghi được với môi trường trong nước nên một tháng sau tôi đã trở về Mỹ.

Trên máy bay, tôi suy nghĩ rất nhiều. Vì 13 năm trước, tôi cũng sống trong bầu không khí nóng bức như vậy, với người dân như vậy mà tôi không thấy có vấn đề gì. Tại sao chỉ hơn chục năm sống ở nước ngoài mà tôi đã thay đổi. Tôi có nên chạy trốn khỏi quê hương, chỉ vì đất nước còn nghèo không? Những câu hỏi đó làm tôi thấy nặng nề.

Thật bất ngờ, chỉ vài ngày sau khi về Mỹ, văn phòng của Bộ Công nghiệp Nặng tại TP Hồ Chí Minh khi đó gửi bản fax mời tôi về làm việc, với mức lương 80USD/tháng. Tôi vui mừng, bởi nhận thấy đất nước thực sự đang cầu thị, cần những người có thể chuyển giao kinh nghiệm, chuyển giao công nghệ. Dù mức lương 80USD là quá nhỏ so với khoản lương bên Mỹ của tôi khi đó là 4.000USD, nhưng tôi muốn được cống hiến cho đất nước. Và một tháng sau, tôi lại trở về VN.

Là người đầu tư nhiều vào lĩnh vực giáo dục, ông nghĩ sao khi VN đang báo động về khan hiếm nguồn nhân lực cao, dù có dân số trẻ và luôn được đánh giá là thông minh?

- Vào năm 2000, tôi nhận thấy nhân lực trẻ của VN trong ngành công nghệ thông tin mà tôi giảng dạy giỏi kinh khủng. Có nhiều người từng là sinh viên của tôi hồi năm 1990, vậy mà chưa đầy 10 năm sau, tôi đã phải phục họ làm thầy. Tôi học rất nhiều từ họ. Họ làm tôi muốn về VN, được tham gia vào quá trình phát triển của đất nước.

Nhưng tôi cho rằng, nền giáo dục VN cần cải tổ càng sớm càng tốt. Thật sự rằng, hầu hết các cử nhân sau bốn năm ở đại học đều không đáp ứng nhu cầu của nhà tuyển dụng. Khung giảng dạy của Bộ Giáo dục Đào tạo quá nặng và không thực tế. Cần hướng các em vào chuyên ngành, và tạo được môi trường sinh hoạt chuyên ngành cho các em. Ngoài ra, còn có trách nhiệm của gia đình nữa.

Tôi nói thế này, nhiều em học đại học mà về vẫn làm nũng bố mẹ, phụ thuộc vào bố mẹ. Người VN luôn cho rằng con mình dù có lớn thế nào vẫn là trẻ nhỏ trong vòng tay cha mẹ. Đó là tâm lý chính khiến các em hay thụ động và ỉ lại vào bố mẹ mỗi khi có khó khăn. Sinh viên VN học rất nhiều, biết rất nhiều, nhưng hiểu thì không được bao nhiêu. Và điều này khiến khi ra đời, các em chỉ là những người tiếp nhận thụ động kiến thức, chứ không chủ động sử dụng nó.

Ông Calvin P.Tran từng là Hiệu trưởng Silicon Technology College tại Mỹ (1994-2001). Hiện ông là Chủ tịch HĐQT Công ty CP IMPACT tại Việt Nam, Phó Tổng Giám đốc Trung tâm Quan hệ Giáo dục Quốc tế (INTECT).

Một câu hỏi cũ, ông nhìn nhận như thế nào về môi trường đầu tư trong nước?

- Tôi biết, chính sách của VN ở trung ương rất tuyệt vời. Tôi đã tiếp xúc với nhiều quan chức cấp cao của VN, họ rất cởi mở và thực sự cầu thị. Nhưng cứ về đến cơ sở, địa phương là nản lòng lắm. Hiện nhiều doanh nhân Việt kiều rất mong muốn về VN làm việc, vì họ thấy có nhiều cơ hội. Nhưng khi về VN, họ rất nản lòng do hành chính nhiêu khê.

Làm kinh doanh ở VN đều có cơ chế xin và cho, đều phải đi cửa sau. Các bộ, ngành giờ có rất nhiều người trẻ, có học thức, nhưng lại ít quyền hạn. Ơ Mỹ, để xin một giấy phép hành chính, chỉ cần 30 phút là xong. Trong khi đó, ở VN, vừa về nước họ đã vướng phải núi hành chính khổng lồ mà không biết khi nào mới vượt qua.

Ông vẫn thường kể câu chuyện là Việt kiều người Nam đầu tiên đầu tư ra miền Bắc, như một ví dụ thú vị cho sự thất bại do không tìm hiểu kỹ văn hoá vùng miền?

- Năm 2000, tôi có một người học trò lớn tuổi và được giới thiệu để làm ăn với một đối tác ở miền Bắc. Khi đó tôi rất lo sợ, vì chưa từng bao giờ đến miền Bắc và luôn bị doạ phải "cẩn thận, vì về là sẽ bị nhốt, bị công an bắt". Nhưng khi đặt chân đến miền Bắc rồi, tôi rất thích. Người miền Bắc, nhất là tuổi trẻ, có thể thích nghi được với lối sống mới, với cách làm việc của Tây phương rất nhanh. Nhưng đôi khi người Nam không hiểu được sự khéo léo của miền Bắc.

Khi bàn luận với các đối tác miền bắc, mọi người rất lịch sự và thường nói: Rất cảm ơn anh, để chúng tôi xem lại. Nhưng cái "xem lại đó" thì không biết đến bao giờ. Còn trong Nam, nếu được, họ sẽ đồng ý ngay và ký hợp đồng hoặc hẹn lịch cụ thể làm việc lần tiếp. Trong suốt hai năm trời theo đuổi đầu tư ở miền Bắc, tôi đã phải bán một căn nhà ở Mỹ để trang trải nợ nần, nhưng thất bại hết. Sau đó, tôi phải rút về Mỹ, chỉnh đốn lại nguồn vốn và một năm sau trở lại TP Hồ Chí Minh.

Tại Hội nghị thành lập Hiệp hội Doanh nhân Việt kiều, ông từng đề cập đến sự tiêu pha nhiều khi lãng phí của người Việt. Ông có thể nói rõ hơn?

- Tôi muốn đưa ra ví dụ thế này, để lấy được của người Mỹ một đồng cũng khó, nếu như chất lượng dịch vụ không đúng như số tiền họ bỏ ra. Họ biết một tháng mình kiếm ra bao nhiêu, phải tiêu bao nhiêu và có thể dành dụm bao nhiêu. Nếu tiêu lạm khoản tiền, họ chẳng kiếm đâu ra thêm để trả cho các chi phí khác.

Còn những người mới giàu ở Việt Nam hiện nay nhiều khi sẵn sàng quẳng đi hàng triệu đồng chẳng tiếc, dù biết rằng đó là lãng phí. Nếu hiện nay một người Việt kiều nào đó về mà dám nói rằng mình giàu có, thì đúng là người chẳng hiểu gì về VN. VN có nhiều người rất giàu.

Điều này liệu có là lý giải cho mốt dùng hàng hiệu đang trở nên phổ biến ở VN, dù VN vẫn chỉ là nước nghèo?

- Đã có nhiều người đi tìm hiểu vì sao vào thời điểm khủng hoảng kinh tế thế giới, hàng loạt các trung tâm thời trang sang trọng lại được khai trương ở VN. Các nhà đầu tư rất giỏi trong việc nắm bắt thị hiếu người dân. Thực tế là có một tầng lớp những người giàu tại Việt Nam rất thích xài hàng hiệu để được thấy là sành điệu.

Tôi cũng thích mặc hàng hiệu, nhưng không phải vì tên tuổi hay độ hào nhoáng của các hãng thời trang, mà bởi vải của nó tốt và bền. Tôi chọn đồ hiệu vì tâm lý "ăn chắc, mặc bền" và chỉ mua vào các đợt bán hạ giá, chứ không phải bởi tâm lý một bộ cánh đẹp giúp nâng vị thế của tôi trên xã hội.

Có vẻ ông đang nói đến căn bệnh sính ngoại?

- Đúng là như vậy. Nhiều cửa hàng đắt tiền chút khi thấy người ăn mặc bình thường bước vào là coi thường ngay. Người VN rất quan tâm đến vẻ bề ngoài. Nhưng ở phương Tây thì một ông bác sĩ, kỹ sư hay một cô quét đường cũng được trọng thị giống nhau trong xã hội. Vì cần phải có cô quét đường dọn dẹp hết rác bẩn, thì các ông bác sĩ hay kỹ sư mới được sống trong môi trường sạch sẽ.

Không chỉ có người Việt trong nước, mà người Việt ở đâu trên thế giới cũng có tính sính ngoại. Khi ở Mỹ, tôi có tổ chức lớp đào tạo về máy tính cho những học sinh người Việt nghèo mới sang.

Sau 3 ngày học lý thuyết, tôi yêu cầu các sinh viên đó tự lắp ráp máy tính và tôi liên hệ một số cửa hàng của người Việt để chọn bộ phận lắp ráp cho rẻ. Nhưng những tiệm đó tiếp đón thầy trò chúng tôi rất hời hợt, dù biết chắc tôi sẽ mua hàng của họ. Trong lúc thầy trò tôi ở đó, có một người Mỹ da trắng bước vào, người bán hàng lập tức nhiệt tình chỉ dẫn. Ông này sau đó ra về tay không.

Còn ở VN, có lần tôi đi cùng một đối tác đến gặp một cán bộ cao cấp. Trời quá nóng, nên tôi sơ suất để hở cúc áo cổ. Khi về, đối tác của tôi nhắc nhở: "Anh hôm nay mặc áo hở cúc, nhưng chắc do anh là Việt kiều nên quen với phong cách bên kia". Chuyện đó để thấy, nếu một người Việt trong nước mà ăn mặc như tôi thì sẽ bị quy ngay là không lịch sự, bị đánh giá vào nhân cách ngay. Nhưng vì tôi là Việt kiều, từ Mỹ về nên họ chặc lưỡi bỏ qua vì cho rằng "ở bển họ quen thế".
 
Đại hội Tài năng trẻ lần thứ nhất: Kết nối tài năng trẻ Việt khắp thế giới​

- Trong ba ngày, từ 11 - 13/9 tại Hà Nội, T.Ư Đoàn tổ chức Đại hội Tài năng trẻ lần thứ nhất. Anh Nguyễn Đắc Vinh - Bí thư T.Ư Đoàn, Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam trao đổi với Tiền Phong những nội dung của Đại hội.

223122.jpg

Nhiều tài năng trẻ là học sinh, sinh viên về dự Đại hội.​

Anh Vinh nói: Quốc gia nào cũng rất coi trọng nhân tài. Việc phát hiện, đào tạo và bồi dưỡng tài năng trẻ từ xưa đến nay ở nước ta đã từng bước được thực hiện. Tuy nhiên, việc theo dõi bước đường phát triển của tài năng trẻ đôi khi chưa tốt.

Ví dụ, nhiều bạn trẻ đoạt giải cao trong các cuộc thi nhưng bẵng đi một thời gian lại thấy nổi lên đạt thành tích xuất sắc ở lĩnh vực khác hoặc nổi tiếng ở cương vị lãnh đạo... Đấy là sự phát triển ngẫu nhiên, do tự thân cá nhân ấy, chứ chưa phải là sự chăm lo bài bản.

Tổ chức Đại hội Tài năng trẻ hàng năm là cách để kết nối, tập hợp tài năng trẻ Việt Nam trên toàn thế giới.

Anh có thể giới thiệu quy mô của Đại hội?

Đại hội triệu tập 450 đại biểu, diễn ra trong ba ngày, có những nội dung chính như: Tổ chức tám trung tâm thảo luận ứng với tám nhóm tài năng trẻ. Trung tâm thảo luận thiết kế theo nhóm đối tượng (mời các bộ, ngành các chuyên gia liên quan đến cùng thảo luận).

Các bộ, ngành đến nghe trực tiếp và trao đổi định hướng. ĐH cũng phát cho mỗi đại biểu phiếu xin ý kiến sáng tạo. ĐH sẽ mời những người thành đạt, tham gia hội đồng bảo trợ tài năng trẻ của mình đến giao lưu, thảo luận, trao đổi kinh nghiệm với các bạn trẻ.

Đại hội phân chia tài năng trẻ theo nhóm là dựa vào tiêu chí nào, thưa anh?

450 đại biểu được chia thành tám nhóm tài năng trẻ: nhóm một, gồm học sinh sinh viên; nhóm hai, tài năng trẻ khối công nhân; nhóm ba, những nhà nông trẻ tài năng; nhóm bốn, tài năng trẻ khối văn nghệ sĩ, vận động viên; nhóm năm, công chức, viên chức trẻ; nhóm sáu, doanh nhân trẻ; nhóm bảy, khoa học, trí thức trẻ; nhóm tám, tài năng trẻ khối lực lượng vũ trang, quân đội công an.

Ban tổ chức phân chia nhóm một cách tương đối dựa trên sự đề cử của các đơn vị để làm sao giữa các nhóm có sự gần gũi, chia sẻ đồng cảm với nhau. Việc chia theo nhóm sẽ tạo nên nội dung thảo luận của đại hội nói chung được sâu sắc hơn.

Bồi dưỡng và sử dụng

Kế hoạch xây dựng cầu nối kết nối tài năng trẻ được tiếp tục tổ chức như thế nào, thưa anh?

Hiện, T.Ư Đoàn có Trung tâm Phát triển Khoa học Công nghệ và Tài năng trẻ. Ngoài ra, T.Ư Đoàn có Quỹ Hỗ trợ Phát triển Tài năng trẻ. Từ ĐH này, T.Ư Đoàn sẽ xây dựng dữ liệu để thành lập Ban Liên lạc Tài năng trẻ.

Thưa anh, từ đại hội này Ban Bí thư T.Ư Đoàn có đề xuất gì với Đảng và Chính phủ biện pháp nào liên quan việc đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng tài năng trẻ?

Mong muốn của tổ chức Đoàn làm sao để tài năng trẻ được chăm lo bồi dưỡng, theo dõi để có sự phát triển, để họ trở thành người tài. Khi thành người tài rồi thì tạo điều kiện để họ được sử dụng đúng chỗ.

P.S: Chính phủ đang thực hiện rất nhiều chính sách để kết nối cộng đồng người Việt tại hải ngoại. Đại hội doanh nhân Việt Kiều, đại hội tài năng trẻ người Việt, tháng 11 tổ chức Đại hội thế giới người Việt nữa. Những bước đi của Lobby Vietnam Club trong 2 năm qua là hướng đi đúng...
 
Làm gì để tập hợp, sử dụng nhân tài hiệu quả ?

- Anh Nguyễn Đức Khương - PGS.TS ngành khoa học quản lý, giảng viên tài chính tại Học viện Thương mại Paris, Pháp, cho rằng, sử dụng tài năng trẻ phải đi đôi với giao trách nhiệm, giao quyền và trao niềm tin cho họ...

223987.jpg

PGS. TS Nguyễn Đức Khương. Ảnh: Hồng Vĩnh​

Cần có chính sách cụ thể

Theo tôi được biết, thời gian qua, có nhiều chương trình cấp quốc gia lẫn địa phương thực hiện nhằm phát hiện, tập hợp, bồi dưỡng, đào tạo và tôn vinh trí thức nói chung và tài năng trẻ nói riêng. Đại hội tài năng trẻ lần này do T.Ư Đoàn tổ chức cũng không nằm ngoài mục đích đó. Tuy nhiên, từ góc độ cá nhân và tham khảo ý kiến tổng hợp của nhiều trí thức trẻ trong và ngoài nước, tôi thấy rằng:

- Chính sách phát hiện, đào tạo và sử dụng nhân tài còn chưa cụ thể, đồng bộ và thống nhất. Kết quả là, ai đó có thể nghe thấy câu hỏi “Tôi là tiến sỹ, tôi có trình độ chuyên môn và làm được việc ở nước ngoài, vậy tôi có được coi là một tài năng trẻ hay không?”, và “Nếu phải thì tôi phải gặp ai, tổ chức nào để có cơ hội mang trí thức của mình phục vụ đất nước?”.

- Công tác bồi dưỡng, hướng đạo cho các tài năng trẻ còn hạn chế, vì nhiều khi chúng ta không biết “nhiều tài năng trẻ” ở đâu sau khi được tôn vinh. Nhiều du học sinh có khát vọng trở về cống hiến cho nước nhà nhưng chưa nhận được những sự giúp đỡ cần thiết, hoặc mức đãi ngộ, “yêu mến người tài” còn chưa tương xứng.

- Còn có ngân sách cho việc tìm kiếm, tập hợp, tổ chức các hoạt động đóng góp của chuyên gia, trí thức trẻ ngoài nước trong khi chúng ta có thể tận dụng được ngay nguồn trí thức giỏi mà không mất công đào tạo.

- Cuối cùng, tất nhiên tài năng mới luôn cần được phát hiện, bồi dưỡng, nhưng tôi thiết nghĩ “sử dụng hết, sử dụng đúng, và sử dụng thật tốt” các nguồn có sẵn, cả trong và ngoài nước, là vấn đề cấp thiết hơn.

Đi vào thực chất

Anh Nguyễn Đức Khương (31 tuổi) hiện là PGS.TS ngành khoa học quản lý, giảng viên tài chính tại Học viện Thương mại Paris, Pháp.

Là một thành viên của khối trí thức trẻ Việt Nam tại Pháp, tôi xin được chia sẻ với đại hội một số nguyện vọng và đề xuất một số giải pháp xung quanh chuyện tập hợp bồi dưỡng, phát triển và sử dụng tài năng trẻ có hiệu quả:

- Thứ nhất, nên hiểu tài năng trẻ theo một khái niệm rộng là “trí thức phục vụ lợi ích quốc gia trong sự hòa đồng với lợi ích quốc tế”, vì các chỉ tiêu đánh giá thường khó định lượng, thay đổi tùy thuộc theo ngành nghề, và mảng hoạt động.

Bên cạnh những cá nhân có thành tích cao trong các lĩnh vực khoa học, kinh doanh…v.v, với tôi, một cá nhân tập hợp được nhiều người thực hiện một mục đích có ích cho nước nhà, ví dụ xây một ngôi trường tình nghĩa, làm các công tác từ thiện đến các hộ nghèo, khó khăn ở vùng sâu, vùng xa, cũng là một tài năng theo đúng nghĩa của nó và tài năng đó cần được khuyến khích, tạo điều kiện để phát triển hơn nữa.

- Thứ hai, nên đi vào thực chất của vấn đề “đào tạo, phát triển và sử dụng tài năng trẻ”. Có nghĩa là, phải có thực tiễn, đào tạo phải theo nhu cầu, có định hướng cụ thể. Ít nhất là phải có các chương trình hành động cụ thể để chiêu mộ và tập hợp các tài năng tham gia đóng góp.

- Thứ ba, sử dụng tài năng trẻ cũng phải đi đôi với giao trách nhiệm, giao quyền và trao niềm tin cho họ.

- Thứ tư, chúng ta phải làm thế nào đó để thanh niên trẻ Việt Nam ý thức được rằng, “tài năng chúng ta có, nhưng chưa đủ để có thể sánh vai với các cường quốc năm châu, và chúng ta cần phải cố gắng nhiều hơn nữa, phải có khát vọng đưa Việt Nam phát triển hơn nữa”.

Hay, cụ thể hơn, tài năng không chỉ so sánh trên tiêu chí giữa chúng ta, mà phải trên tầm quốc tế. Tránh tự thỏa mãn, bằng lòng với chính mình.

- Cuối cùng, tôi nghĩ rằng, ý thức được thách thức và nhìn ra được cơ hội cho các tài năng trẻ trong điều kiện nay còn chưa đủ, việc phát hiện, bồi dưỡng và sử dụng tài năng trẻ phải trở thành một cam kết chung của nhà nước, các cơ quan chức năng và các tài năng trẻ.

Tôi tin rằng, học ở trong hay ngoài nước không quan trọng, mà trên hết ý chí quyết tâm của mỗi cá nhân, tấm lòng vì đất nước và tinh thần đoàn kết sẽ là chìa khóa của thành công.
 
Kiều bào là kênh quảng bá Việt Nam​

- “Thay vì nhà nước phải bỏ ra hàng tỷ đồng để thực hiện video clip quảng cáo vài chục giây về Việt Nam trên kênh truyền hình nước ngoài, tại sao chúng ta không tận dụng nguồn lực kiều bào... Cách làm đó vừa không quá tốn kém, vừa hiệu quả hơn nhiều”.

Đó là những suy nghĩ của chị Phan Bích Thiện, chủ khách sạn lâu đài Fred tại Hungary và là một trong những đại biểu kiều bào trẻ được mời về tham dự Đại hội Đại biểu Toàn quốc Mặt Trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ VII sẽ diễn ra tại Hà Nội từ ngày 28 - 30/9 tới.

225569.jpg

Chị Phan Bích Thiện, đại biểu người Việt Nam ở nước ngoài tham dự Đại hội Đại biểu Toàn quốc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Lần thứ VII​

Là một trong 41 đại biểu người Việt Nam ở nước ngoài về dự đại hội, chị Thiện cho rằng chị cũng như nhiều người Việt Nam ở nước ngoài đều mong muốn làm được điều gì đó cho quê hương, trong đó có việc quảng bá cho thương hiệu Việt Nam ở nước ngoài.

“Quán ăn Việt Nam” không nên là “Chinese Restaurant”

Nói về vai trò và trách nhiệm của mỗi người Việt sống ở nước ngoài trong việc quảng bá và tuyên truyền hình ảnh của Việt Nam đổi mới tới bạn bè thế giới, chị Thiện nhận xét: “ Tôi đi nhiều nước ở châu Âu, thấy có những quán ăn của người Việt Nam nhưng đề biển “Chinese Restaurant”.

Các hội đoàn Việt Nam nên vận động các bạn nước sở tại tham gia quyên góp. Khi đó chúng ta sẽ tận dụng được sự ủng hộ lớn từ phía bạn.

Quỹ Phát triển Hữu nghị Hung Việt đang xúc tiến dự án xây đài kỷ niệm tình hữu nghị Hungary - Việt Nam tại một thành phố của Hungary mà kinh phí do phía bạn tài trợ hoàn toàn - Phan Bích Thiện, kiều bào Hungary

Điều đó hoàn toàn không nên vì khi chúng ta treo biển “Quán ăn Việt Nam” mới có thể quảng bá cho chính doanh nghiệp của chúng ta và quảng cáo cho thương hiệu Việt Nam”.

Theo chị, mỗi cá nhân có thể thực hiện việc quảng bá cho Việt Nam hàng ngày ngay trong công việc và cuộc sống. Còn các doanh nghiệp có thể thiết kế đưa những nét bản sắc văn hóa Việt vào cửa hàng, tiệm ăn, khách sạn của mình.

Chị lấy ví dụ từ chính bản thân mình với cương vị chủ một khách sạn ở Hungary. Khách sạn này được trùng tu lại từ một lâu đài cổ ở châu Âu, nhưng các đồ nội thất như bàn, ghế, giường tủ, cầu thang được làm hoàn toàn từ đồ gỗ Việt Nam và do chính các nghệ nhân Việt Nam thực hiện. Và nhờ đó rất nhiều người đã tò mò tìm hiểu thêm về Việt Nam hôm nay.

Tìm hiểu về Việt Nam qua các cuộc thi

Ngoài các cuộc triển lãm hay ngày văn hóa, việc tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về Việt Nam sẽ khuyến khích nhiều người tham dự. Hội Phụ nữ Việt Nam tại Hungary từng thành công qua cuộc thi vẽ dành cho học sinh người Hungary với chủ đề “Việt Nam hôm nay trong con mắt trẻ thơ”.

Cuộc thi được tờ nhật báo lớn nhất Hungary “Tự do nhân dân” tài trợ. Ban tổ chức nhận được sự hưởng ứng của hơn 200 trường học trên toàn Hungary. Đặc biệt có một bức thư mà chị Thiện, thành viên Ban tổ chức, vẫn còn nhớ mãi.

Thư được gửi đến từ một trường ở rất xa thủ đô Budapest có đoạn: “Khi nhận được thông báo về cuộc thi chúng tôi chưa hề biết gì về Việt Nam. Thầy trò chúng tôi đã nhiều ngày mày mò tìm các thông tin về Việt Nam trên mạng internet và qua các phương tiện thông tin. Chúng tôi thật bất ngờ và vui mừng phát hiện ra một đất nước với nền văn hóa phong phú, với những thắng cảnh thiên nhiên tuyệt vời. Xin ban tổ chức đón nhận những bức tranh với lòng yêu mến Việt Nam của chúng tôi”.

Chị Thiện nhấn mạnh, trong các hoạt động quảng bá về Việt Nam cần dành sự quan tâm đến những hoạt động dành cho thế hệ trẻ của nước bạn. Bởi vì thế hệ trẻ chính là tương lai của chúng ta. Những học sinh nước bạn hôm nay sẽ là những đối tác, những khách du lịch trong tương lai của chúng ta.

Thêm vào đó điều này sẽ tạo điều kiện cho con cháu chúng ta, những thế hệ thứ hai, thứ ba tự hào hơn về quê hương của mình. Đó sẽ là động lực cho thế hệ trẻ cố gắng phấn đấu giữ gìn những bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam và tiếng Việt.

Các hoạt động quyên góp cho đồng bào trong nước cũng rất quan trọng. Tuy nhiên, chị Thiện cho rằng, cũng nên có cả hoạt động từ thiện hướng về nước sở tại.
 
Thực trạng người Việt tại Hoa Kỳ​

Kết quả các cuộc nghiên cứu xã hội cho chúng ta một cái nhìn thực tế và khách quan hơn về cộng đồng người Việt tại Hoa Kỳ.

Từ mấy chục năm qua, đã có rất nhiều bài viết trên các phương tiện truyền thông đề cập đến sự thành đạt của người Việt đang sinh sống ở khắp thế giới, nhiều người trong số này đã có những đóng góp không nhỏ trong công cuộc phát triển ở quê nhà. Đa phần những Việt kiều ấy là người đã thành danh ở đất khách, đặc biệt là tại Hoa Kỳ. Mặc dù vậy, con số này không phải là nhiều so với cộng đồng người Việt đang sinh sống tại Mỹ.

Mới đây, một số bài viết của các tác giả ở nước ngoài cũng như kết quả các cuộc nghiên cứu xã hội cho chúng ta một cái nhìn thực tế và khách quan hơn về cộng đồng người Việt tại Hoa Kỳ. Bài viết sau đây tổng hợp từ các nguồn thông tin vừa nói.

ResizedImage400280-hinh-gd.jpg


Một vài con số

"Nghiên cứu về cộng đồng người Mỹ" (American Community Survey - ACS) là bộ phận quan trọng của chương trình điều tra dân số thập niên 2010, do chính phủ Mỹ thực hiện từ năm 2005, với sự tham dự của khoảng ba triệu đơn vị gia cư. Công bố của ACS cách đây hơn một năm cho thấy người Việt đang sống tại Hoa Kỳ chiếm khoảng 10,5% tổng số người Mỹ gốc châu Á, là cộng đồng lớn thứ tư sau người Trung Quốc, Ấn Độ, Philippines; đông hơn các cộng đồng Nhật Bản, Lào, Pakistan, Campuchia, Thái Lan và Đài Loan. Trong tổng số gần 1,3 triệu người Việt đang sống tại Mỹ thì hơn 50% nhập cư vào nước này từ sau năm 1990.

Nghiên cứu cho thấy người Việt tại Hoa Kỳ là cộng đồng Á châu trẻ thứ hai sau người Ấn Độ với 73,5% dưới 44 tuổi, trong số này có gần một phần tư là thanh thiếu niên dưới 18.

Về mặt xã hội, tài liệu ACS cho chúng ta một số thông tin rất đáng quan tâm. Chẳng hạn về khả năng sinh sản, cứ 1.000 phụ nữ Việt ở Mỹ thì có đến 71,8 lần sinh trong một năm, cao hơn nhiều so với phụ nữ Hàn Quốc (chỉ 45,9 lần). Nhưng điều đáng nói là phụ nữ Việt Nam đứng đầu về tỷ lệ "single mom" với 18,6% không chồng mà có con, vượt xa mức trung bình của phụ nữ các nước Á châu khác ở Mỹ.

Điều này đặt ra cho các bậc làm cha mẹ người Việt - vốn còn ràng buộc ít nhiều tập quán phương Đông - một sự lo lắng và cần phải quan tâm hơn nữa về vấn đề giáo dục giới tính cho thanh thiếu niên.

Về tổ chức gia đình thì gia đình người Việt đông thứ nhì sau người Philippines, nhưng tỷ lệ gia đình có đầy đủ chồng-vợ lại thấp nhất trong cộng đồng người châu Á. Phải chăng đây là con số biểu thị tình hình ly dị của người Việt thuộc loại cao, qua danh sách số phụ nữ Việt phải cưu mang gia đình (không có đàn ông) xếp hạng nhì sau người Philippines; đặc biệt số đàn ông Việt làm

1dansoCA.jpg

ResizedImage400350-2phanbotuoi.jpg


Khả năng nói tiếng Mỹ và học vấn chưa cao


Mặc dù cộng đồng người Việt có tỷ lệ đến 79,1% sinh ra tại Mỹ và có cha hay mẹ là dân Mỹ hoặc đã trở thành công dân Mỹ, nhưng về khả năng Anh ngữ thì bảng phân tích cho thấy đây là cộng đồng gìn giữ tiếng quê nhà cao nhất trong sinh hoạt gia đình, chỉ có 11,8% dân Việt nói tiếng Mỹ ở nhà so với 16,9% ở người Hàn hay 53% ở người Nhật. Trong chừng mực, chính điều này đã hạn chế khả năng giao tiếp xã hội khi mà cộng đồng người Việt ở Mỹ có tỷ lệ người kém khả năng Anh ngữ cao nhất, lên đến 55,1% so với 47,6% người Trung Quốc và 48,9% người Hàn Quốc.

Chính khả năng về ngôn ngữ còn thấp khiến cho cộng đồng người Việt ở Mỹ có tỷ số người học lực dưới trung học nhiều nhất (30%). Con số người Việt tại Mỹ tốt nghiệp cử nhân và có bằng cấp sau đại học cũng thấp nhất trong cộng đồng người Mỹ gốc Á châu (23,5%), dưới mức trung bình của toàn nước Mỹ.

Nghề nghiệp và mức sống

Số liệu về phân bố nghề nghiệp, thu nhập trung bình cho thấy tỷ lệ người Việt ở Mỹ làm nghề lao động xí nghiệp và vận tải hàng hóa cao nhất trong cộng đồng châu Á với 21,0%, so với 10% của người Philippines và Hàn Quốc, hai sắc dân có tỷ lệ hành nghề lao động cao đứng ngay sau Việt Nam.

Cũng theo thống kê được công bố, tỷ lệ người Việt tại Mỹ làm việc trong ngành quản trị và chuyên nghiệp thấp nhất so với những sắc dân gốc châu Á khác với 29,2% so với 60,6% người Ấn (mức cao nhất).

Người Việt ở Mỹ có lợi tức gia đình trung bình hằng năm là 45.980 USD và tỷ lệ nghèo là 14%, chỉ cao hơn cộng đồng người Hàn Quốc (có lợi tức gia đình trung bình 43.195 USD và tỷ lệ nghèo 14,9%). Tất nhiên đây là mức nghèo theo tiêu chuẩn Mỹ: chẳng hạn, một gia đình ba người có một trẻ dưới 18 tuổi được xem là nghèo nếu lợi tức gia đình ít hơn 14.974 USD/năm.

Trong hoàn cảnh nghèo hoặc khó khăn nhưng người Việt, cũng như đa phần những người gốc châu Á khác, vẫn thích mua nhà hơn là ở nhà thuê. Có 61,3% người Việt sở hữu nhà tại Mỹ, đứng đầu bảng thống kê. Cho dù không ít người Việt làm ăn thành công tại Mỹ sở hữu những căn nhà vài triệu USD, thì trị giá trung bình của gia cư người Việt chỉ ở mức 207.577 USD, thấp hơn nhiều so với các sắc dân châu Á khác (300.000 USD).

ResizedImage450300-3khanangAnhngu.jpg

ResizedImage450300-4hocluc.jpg

ResizedImage450300-5loitucgiadinh.jpg
Có thể nói, sau mấy chục năm tạo dựng cuộc sống mới nơi xứ người, cộng đồng người Việt tại Mỹ đã có những phát triển tích cực và thành đạt nhất định.

Tuy nhiên, thống kê của ACS cũng đã cho thấy một vài điều đáng lưu ý: tỷ lệ nghèo cao nhất nhì; số lượng người làm nghề lao động cao nhất, tỷ lệ thuận với trình độ học vấn và khả năng Anh ngữ kém nhất; tỷ lệ phụ nữ độc thân sinh con gấp đôi trung bình của người gốc Á châu và gần bắt kịp người Mỹ da trắng.

Đó chính là những vấn nạn cần được các tổ chức xã hội của người Việt quan tâm hầu có những phương án khả thi và hiệu quả để điều chỉnh.

Ông Nguyễn Xuân Vinh, giáo sư danh dự ngành Kỹ thuật không gian của Đại học Michigan - Hoa Kỳ, trong quyển sách về người Việt tại Mỹ đã viết với tất cả tâm tình của mình rằng: "...Tôi mong rằng thế hệ của tôi chỉ là lớp người đi trước đặt những viên đá sơ sài lót đường... Sau này các bạn sẽ đạt được những thành công rực rỡ xây nên một đại lộ thênh thang cho toàn thể những người Việt cùng tiến bước, cho non sông được mở mặt với đời....".

Đó có lẽ cũng là mơ ước của tất cả những người Việt, không chỉ ở đất Mỹ mà ở trên toàn thế giới

Theo Phạm Thành Sơn (Doanh nhân Sài Gòn Cuối tuần)
 
Giáo dục là tài sản lớn nhất​

db344_2_200.jpg

Thế hệ người Việt trẻ trong dự án hội nhập người Việt “Reistrommel Integration” ở Berlin​

- Một nhà báo Đức lý giải vì sao thế hệ thứ hai người Việt ở Đức đang đạt kết quả học tập xuất sắc tại nước này và nhiều nơi khác. Sự quan tâm của cha mẹ và ý thức học tập ngay từ thuở ấu thơ là câu trả lời.

Nhà báo Đức Martin Spiewak mở đầu bài viết của mình bằng cách kể lại câu chuyện của thầy hiệu trưởng Detlef Schmidt-Ihnen ở hạt Lichtenberg thuộc thủ đô Berlin. Thầy hết sức hài lòng về kết quả học sinh mình đạt được trong kỳ thi Olympic toán vừa qua. Sáu học sinh của trường lọt tiếp vào vòng sau trong cuộc thi sẽ diễn ra ở cấp vùng.

Đối với trường trung học của thầy, điều này cũng chẳng có gì đặc biệt lắm vì trường vốn chuyên chú vào các môn khoa học tự nhiên. Nhưng thầy lại gặp phải một “rắc rối” nho nhỏ. Làm sao phát âm cho chính xác tên của các học sinh đã đoạt giải đây!

Thầy Schmidt-Ihnen thường phải giải quyết “rắc rối” này vì có đến 17 phần trăm học sinh theo học tại trường đến từ các gia đình người Việt. Còn ở các lớp phổ thông cơ sở, con số ở này lên đến 30 phần trăm. “Nhiều em học rất tốt, đặc biệt là khoa học và toán. Học sinh giỏi toán nhất trường cũng là người gốc Việt Nam”, nhà báo Spiewak dẫn lời thầy Schmidt-Ihnen.

Không biết phải gọi học sinh lớp bảy đoạt giải là Trần Phương Duyên hay Duyên Trần Phương đây? Rồi còn em học sinh lớp 10 nữa, không biết gọi là Đức Đào Minh có đúng không? Thầy Schmidt-Ihnen tự hỏi.

Khi viết đến đoạn này thì không phải chỉ có thầy hiệu trưởng Schmidt-Ihnen mới gặp rắc rối. Chính nhà báo Spiewak cũng đã dẫn tên các em học sinh gốc Việt chưa hoàn toàn chính xác. Ông viết Tran Phuon Duyen và Duc Dao Mihn thay vì Tran Phuong Duyen và Duc Dao Minh.

Tuy nhiên, chi tiết nhỏ này trong bài viết của Spiewak không hề ảnh hưởng gì đến những thông tin trong bài báo đề cập đến kết quả học tập của học sinh gốc Việt tại trường của thầy Schmidt-Ihnen nói riêng và tại Đức nói chung.

Nói về thành tích học tập, không có cộng đồng nhập cư nào tại Đức thành công hơn người Việt: tính về tỷ lệ, con cháu các gia đình gốc Việt tham gia kỳ thi Atibur (thi tốt nghiệp trung học và đạt chuẩn học tiếp đại học) nhiều hơn người Đức. “Điểm số của học sinh gốc Việt hoàn toàn tương phản với bức tranh chúng ta thường liên tưởng đến khi nói về học sinh nhập cư [tại Đức]”, nhà báo Spiewak dẫn lời Karin Weiss, ủy viên phụ trách các vấn đề người nước ngoài của bang Brandenburg, một bang thuộc Đông Đức trước đây.

Hàng ngàn người Việt đến lao động tại Đông Đức cũ vào giữa thập niên 80 của thế kỷ trước. Và đến nay, 20 năm sau khi nước Đức thống nhất, con cháu của họ đang viết nên những tấm gương thành công về học tập ít được biết đến. Rất nhiều người trong số họ gặp khó khăn. Tuy nhiên, con em họ đang hội nhập vào xã hội Đức với sự học hành cần mẫn hiếm có.

Spiewak viết: “Áp lực phải mang về nhà điểm số tốt nhất là rất lớn trong các gia đình gốc Việt. Con cháu của họ phải trở thành các tấm gương trong học tập là bằng chứng cho thấy sức mạnh của một nền văn hóa trong đó sự chăm chỉ học hành giúp họ vượt lên trên những điều kiện tồi tệ nhất”.

6f2fa_3_200.jpg

Học sinh giành được học bổng Nguyễn Vân Dung và em gái​

Điều này đã được ghi nhận trong thời gian qua tại Mỹ, nơi tỷ lệ học sinh châu Á—trong đó có người Việt—đang theo học tại các trường đại học hàng đầu của nước Mỹ vượt quá con số trung bình. Điều kỳ diệu đó đang được lặp lại tại nước Đức.

Nhà báo Spiewak kể tiếp câu chuyện về Dung Van Nguyen (có lẽ là Nguyễn Vân Dung). Đã nhiều năm nay, cô học sinh gốc Việt 14 tuổi này đang sống cùng gia đình tại khu vực dành cho người nhập cư. Gia đình Dung phải dùng chung bếp, chịu đựng những cuộc cãi cọ giữa những người khác quốc tịch. Nhưng khó chịu nhất vẫn là sự thiếu thốn nơi chốn riêng tư. Tuy vậy, có một điều họ không bao giờ thiếu. Đó là một góc học tập cho cô con gái.

Họ cũng đã làm nhiều điều khác rất đáng làm. Như phần lớn gia đình gốc Việt, họ cho con cái đến trường ngay từ tuổi mẫu giáo. Vì thế, cô con gái nói tiếng Đức chuẩn xác. Dung hiện đang học tại một trường trung học ở Potsdam, gần Berlin, và là một trong những học sinh xuất sắc của lớp với điểm số trung bình đạt 1,5 (trong thang điểm từ 1 đến 6, điểm 6 là điểm loại).

Hè năm ngoái, Dung đã nhận học bổng của Start Foundation, một tổ chức giúp đỡ học sinh nhập cư học giỏi. Khoảng 30 phần trăm học sinh nhận học bổng Start Foundation ở phía đông nước Đức là học sinh người Việt. Dung cũng không phải là trường hợp cá biệt trong gia đình vì các anh em khác của Dung cũng đã vào trường trung học và mang về nhà điểm số cao nhất.

Theo Spiewak, điều đáng ngạc nhiên là anh chị em Dung không hề có ai giúp đỡ trong việc học ở nhà. Căn hộ của họ chẳng có bao nhiêu sách, còn phòng của các em cũng chẳng có mấy trò chơi giáo dục phát triển trí tuệ. Spiewak viết: “Một chiếc ti vi to tướng đứng hiên ngang trong phòng khách đối diện với chiếc bàn thờ nhỏ trên đó là lư hương nơi gia đình thờ cúng tổ tiên. Căn hộ của họ, nằm trong một khu dân cư ở ngoại ô Potsdam, chật cứng và chất đầy các thùng các tông đựng nước ngọt. Đó là một buổi chiều; cả gia đình uống trà trong khi người cha trò chuyện. Nhưng tiếng Đức ông dùng thì lại khó hiểu. Thế là các cô con gái trở thành người phiên dịch”.

Spiewak viết rằng phần lớn các gia đình gốc Việt ở Đức sống bằng cách bươn chải với việc kinh doanh nhỏ của mình. Trong nhiều trường hợp, họ không thể kiếm việc làm thường xuyên ổn định vì khó khăn về ngôn ngữ.

Thế là họ phải làm việc 60 giờ một tuần trong cửa hàng bán hoa, cửa hàng bán đồ trang trí rẻ tiền, trong cửa hiệu làm móng tay hay các quầy hàng trong chợ. Họ còn mang trên vai gánh nặng giúp đỡ gia đình ở quê nhà. Thế nhưng, con cái họ học rất giỏi. Làm thế nào họ làm được điều này?

Đến câu hỏi này thì người cha dường như đã trút bỏ được gánh nặng trong câu chuyện đời của mình. Ông nở một nụ cười, nụ cười đầu tiên. Câu trả lời của ông thật là đơn giản. “Bởi vì tất cả cha mẹ người Việt đều muốn con cái mình học tốt ở trường”. Theo Spiewak, câu trả lời này có thể hiểu như sau: ngay từ ấu thơ, con cái các gia đình Việt Nam đã ý thức rằng chúng đã nợ cha mẹ mình món nợ học hành.

“Giáo dục là tài sản lớn nhất của các gia đình người Việt”, Spiewak dẫn lời Karin Weiss, ủy viên phụ trách các vấn đề người nước ngoài của bang Brandenburg, người bảo rằng mình biết nhiều gia đình gốc Việt tiết kiệm từng xu để con cái họ có điều kiện học hành tốt hơn dù họ chỉ vừa thoát ngưỡng dành cho người nghèo.

Trở lại câu chuyện của Dung. Cô gái này và các anh chị em của mình không cần sự giúp đỡ đặc biệt nào về việc học ở nhà. Tuy nhiên, nếu thử nhìn quanh căn hộ của họ, sẽ thấy một điều vô cùng ý nghĩa. Căn hộ chẳng có bao nhiêu đồ đạt, nhưng trong phòng của mấy chị em đặt một bộ máy vi tính. Khi Dung muốn học đàn dương cầm, cha mẹ cô mua ngay cho con gái một chiếc piano điện.

“The Vietnamese Miracle” (Điều kỳ diệu Việt Nam)
 
Việt Nam ngày trở về

- Một nhóm những sinh viên Mỹ đến từ trường Đại học California đã "trở lại" Việt Nam theo chương trình học. Nói "trở lại bởi phần lớn trong số họ là người Mỹ gốc Việt. Dù ít hay nhiều, các bạn đều biết nói và viết tiếng Việt, và có những suy nghĩ và cảm xúc riêng với mảnh đất quê hương.

images1871568_s1.jpg

Sinh viên Việt kiều "trải nghiệm" xe buýt Hà Nội​

Chúng tôi là ai?

Vivian Nguyễn: Vivian sinh ra ở bang California. Đây là lần thứ hai Vi trở về Việt Nam, lần đầu là khi cô lên 10 tuổi.

Kim Anh: Hoàng Kim Anh sinh ra tại Việt Nam, sang Mỹ khi lên 7 tuổi. Đây là lần đầu tiên Kim Anh quay về Việt Nam. Cô bạn rất mê âm nhạc, luôn có 1 chiếc ghita hawaii bên cạnh và lúc nào cũng sẵn sàng hát. Có thể nhận diện cô nàng bằng chiếc mũ rất cá tính.

Thúy Vy: Vy sinh ra bên Mỹ, đây là lần thứ 5 Vy về Việt Nam. Thúy Vy nói tiếng Việt rất tốt, thậm chí bạn có thể “thảo luận rất hăng” với cha mẹ bằng tiếng Việt.

Mindy Lê: Mindy rất xinh xắn, cô bạn 20 tuổi sinh ra và lớn lên ở California, có bố mẹ là người Rạch Giá.

Phan Quốc Chánh: Chánh là người ở Cái Bè, Tiền Giang. Sinh ra và lớn lên ở vùng quê Nam Bộ, Chánh rời quê hương sang Mỹ lúc 7 tuổi cùng ba mẹ.

Nguyễn Thị Thùy Trang: Trang sinh năm 1987, có một tuổi thơ “không yên bình” tại Việt Nam. Khi cô bé lên 3 tuổi, Trang cùng mẹ sang Mỹ định cư. Lần này trở về VIệt Nam, cô mang tâm trạng của một người con tìm về với người cha mà 19 năm nay cô xa cách, và đi tìm câu hỏi cho lý do vì sao ba không sang Mỹ cùng cô, để 19 năm qua Trang hờn giận và tủi thân “vì sao những bạn khác có bố, mà Trang lại không có”.

Ấn tượng đầu tiên khi bước chân xuống sân bay

Vivian: Nóng! (cười to).

Kim Anh: Nóng!

Thùy Trang: Ôi, khi bước xuống sân bay mình chỉ nghĩ được tới gia đình mình, ba mình đang ở đâu, khi gặp ba mọi thứ sẽ ra sao. Mình không để ý đến những thứ xung quanh nữa.

Mindy: Woa, mình hào hứng lắm. Mình tự nói với bản thân là mình đã đến Việt Nam, đây là quê hương của mình. Mình đến Việt Nam lần này rất muốn tìm hiểu về đất nước nơi ba mẹ mình đã từng sống, nhưng lại rất mới mẻ với mình.

Chánh: Việt Nam! Mình đã về quê hương, bắt đầu quá trình tìm lại tâm hồn Việt trong mình.

Việt Nam trong tuổi thơ tôi…

Chánh: Hồi còn nhỏ mình là một đứa trẻ nghịch ngợm, nghịch lắm đó, hay nghỉ học đi chơi nữa (cười ngại ngùng) nên những gì mình còn nhớ về Việt Nam thời thơ ấu là những con đường quê mà mình hay chạy chơi thôi.

Kim Anh: Những gì mình thường nghĩ về Việt Nam là có rất nhiều xe máy và những người bán hàng rong.

Vivian: Mình sinh ra ở Mỹ, về Việt Nam lần đầu tiên khi lên 7 tuổi đó. Ấn tượng về Việt Nam hồi đó là ít ô tô lắm. Bác mình có một chiếc ô tô nhưng bác không đi ra đường vì sợ bị cảnh sát để ý. Cho nên bác hay chạy xe trong vườn để không bị hỏng thôi (cười to).

Thùy Trang: Mình nhớ ở quê mình có nhiều đồng ruộng, có bờ bắt cá nè, có nhiều trái dừa, trái ổi, cóc mà mình có thể trèo lên cây để hái ăn được; có nhà lá, có nhiều lúa gạo, trâu, gà, vịt thấy ở mọi nơi. Khi lên 3 tuổi mình hay đi mượn gạo và bắt ốc, bỏ vào cái rổ con có nắp đậy.

Việt Nam trong ngày trở về…

Kim Anh: Trên đường từ sân bay về trường, mình cảm thấy rất bất ngờ. Việt Nam phát triển nhiều hơn những gì mình tưởng tượng. Những hãng nổi tiếng như Canon, Mercedes Benz đang hiện diện ở đây. Thật là quốc tế! Hà Nội bây giờ có nhiều ô tô quá. Nhưng có nhiều xe tải đi trong thành phố quá, mình thấy nguy hiểm lắm. Và vì xe tải to, nên sẽ gây ra nhiều tắc nghẽn giao thông hơn

Vivian: Tồn tại sự đối lập. Một bên là các thương hiệu nổi tiếng thế giới – đại diện cho một Việt Nam phát triển và hiện đại hóa, bên kia lại là các cánh đồng lúa và những hàng quán nhỏ - một Việt Nam của ngày xưa mà mình vẫn thường hình dung trong đầu.

Thúy Vy: Hà Nội bây giờ ít chợ quá, toàn siêu thị không hà. Mình không thể mặc cả khi mua đồ trong siêu thị. Mình thích đi chợ mua đồ mặc cả hơn.

Thùy Trang: Về Việt Nam lần này hình ảnh mà mình nhớ nhất là Hồ Gươm với Tháp Rùa. Hình ảnh rất đẹp và yên bình: Hồ Gươm xanh rất mát mắt, với Tháp Rùa đứng giữa hồ. Nó rất đơn giản, nhưng lại đẹp vì chính điều đơn giản đó. Hơn nữa, Tháp Rùa đã có từ rất lâu nên ta có thể thấy lịch sử lâu đời của Hà Nội.

Chánh: Mình chỉ để ý tới quê Cái Bè - một vùng quê nhỏ nên cũng không có mấy thay đổi, chỉ có nhiều đường sá hơn. À mà mình phát hiện ra rằng, giao thông Việt nam không đến mức tệ như khi ta đứng ngoài nhìn vào. Khi một bạn đèo mình trên xe, mình thấy mọi người đều biết cách xử lý rất hiệu quả. Mình nghĩ là nếu lái xe từ từ và giữ khoảng cách an toàn với xe trước thì sẽ không nguy hiểm.

Việt Nam “xấu xí” trong giai đoạn chuyển giao

Vivian: Hà Nội phát triển nhưng vẫn còn nhiều khu vực còn nghèo quá. Những gì mình nhìn thấy ở khu vực Thanh Xuân giống như hình ảnh ở vùng quê vậy, nhưng lại không được sạch như ở quê. Khu vực Hồ Hoàn Kiếm hiện đại và sầm uất hơn rất nhiều. Một trong những hình ảnh mà mình không quên được là một cái ao làng, nhưng có rất nhiều bong bóng nổi lên, rất nhiều rác thải và khí ga đang bốc lên. Mọi người hay vứt rác ra đây lắm thì phải.

Kim Anh: Mình hay đi xe buýt khi đi đâu đó, và mình thấy xe buýt phục vụ không tốt. Không có dịch vụ dành cho người tàn tật. Mình cũng thấy Hà Nội có rất nhiều hồ, nhưng cũng rất nhiều trong số đó đang bị ô nhiễm nghiêm trọng. Khi đi quanh quận Thanh Xuân, mình thấy vẫn còn rất nhiều người nghèo, họ thật sự rất nghèo.

Vệ sinh an toàn thực phẩm không được đảm bảo. Mấy lần tụi mình bị đau bụng rồi, nên lúc nào đi ăn cũng phải để ý xem nguồn gốc xuất xứ các món ăn ở đâu vì sợ bị ốm đó. Mình muốn có nhiều đồ ăn hữu cơ như ngày xưa hơn.

Mindy: Nhiều trẻ em lang thang ngoài đường phố bán hàng dạo, chạy theo mời mọc khách nước ngoài. Các em cần được đi học để có thể thoát khỏi cảnh nghèo.

Thúy Vy: Chúng mình có học cùng các bạn sinh viên Việt Nam ở một vài môn học và thấy không như những gì mình kì vọng. Mình không đề cập tới cơ sở vật chất mà muốn nói đến các vấn đề ảnh hưởng trực tiếp tới sinh viên tụi mình. Các bạn học gì mà nhiều quá vậy, có bạn nói là các bạn học tới 7 môn/kỳ. Các bạn không được chọn thời gian và thầy cô giáo mà mình muốn học. Sinh viên hay đi học muộn và hay nói chuyện trong lớp. Khi thầy giáo giảng bài các bạn vẫn nói chuyện, điều này là không tôn trọng thầy cô của mình. Các bạn cũng nhắn tin hoặc nghe điện thoại trong lớp. Ba mẹ thường dạy mình phải biết tôn trọng thầy cô, không được cãi lại thầy cô hay nói chen khi thầy cô đang nói. Cho nên khi nhìn thấy các bạn như vậy mình thấy thất vọng. Lớp đại học giống như lớp cấp 2 vậy khi mà học sinh vẫn còn đang rất nghịch ngợm.
 
Người Việt làm bộ trưởng nước Đức​

091024082845_philipp_roesler226.jpg

Ông Philipp Roesler là người Việt đầu tiên trong nội các Đức​

Một người Việt Nam vừa được chỉ định làm bộ trưởng Y tế trong chính phủ liên hiệp tại Đức.

Ông Philipp Roesler, bộ trưởng kinh tế của tiểu bang Niedersachsen, nhận chức vụ quan trọng trong nội các Đức khi mới 35 tuổi.

Sinh hạ tại Khánh Hưng, năm 1973 ông được một gia đình Đức nhận làm con nuôi và đặt tên là Philipp Roesler.

Truyền thông Đức loan tin Roesler lớn lên tại thành phố Hanover và tốt nghiệp đại học y khoa, ngành nha khoa.

Vốn có năng khiếu chính trị, năm 2000 Roesler được bầu làm tổng thư ký đảng Tự do Dân chủ, FDP.

Năm 2003 ông được bầu làm trưởng nhóm dân biểu FDP tại quốc hội tiểu bang Niedersachsen.

Năm 2005 Philipp Roesler được bầu làm chủ tịch đảng FDP. Tin báo chí nói rằng ông thu được 96% số phiếu, trở thành thủ lĩnh đảng trẻ nhất tại Đức từ trước đến nay, khi 32 tuổi.

Theo một số nguồn tin Philipp Roesler là người có năng khiếu chính trị, ứng khẩu tài tình, đầu óc thực tiễn, với lối hành xử khôn ngoan.

Nội các

Theo sau cuộc bầu cử liên bang tháng trước, hai đảng CDU và FDP đồng ý thành lập chính phủ liên hiệp.

Đảng FDP đạt được kết bầu cử cao nhất trong thời gian gần đây.

Thủ tướng Angela Merkel và ông Guido Westerwelle, lãnh đạo của FDP sẽ gặp báo giới để thông báo về chi tiết của chính phủ liên hiệp.

Thỏa thuận thành lập chính phủ liên hiệp đạt được sau ba tuần mặc cả và thương thảo liên tục, hai bên họp cho tới sáng sớm thứ Bảy (24/10).

Hai đảng đồng ý giảm 24 tỷ euro thuế thu nhập cá nhân. Số tiền ít hơn 35 tỷ euro đảng FDP đề nghị. Tuy nhiên nó lớn hơn những gì bà Merkel mong muốn.

Nguồn tin trong đảng FDP cho hãng tin Reuters hay sắp tới Đức sẽ giảm thuế cho khối công ty.

Đức vừa trải qua giai đoạn suy thoái nặng nề nhất sau thế chiến thứ hai. Chính phủ Berlin hiện đang ở trong tình trạng thâm thủng ngân sách, trong lúc tìm cách khôi phục kinh tế với các chương trình kích cầu.

Trong quá trình hội đàm thành lập chính phủ liên hiệp, hai đảng CDP và FDP đã đạt được thỏa hiệp trong một số chủ đề, như y tế, năng lượng hạt nhân và đối ngoại.
 
Người Đức kinh ngạc về 'điều kì lạ Việt Nam'​

Trong các bài viết về giáo dục Đức, VietNamNet đã giới thiệu hiện tượng"Huyền thoại học sinh Việt Nam" giữa lòng châu Âu dẫn nguồn tin trên báo Đức DIE ZEIT cho hay, không một nhóm nhập cư nào ở Đức giàu thành tích học tập như người Việt Nam.

Dưới đây là bài viết của tác giả Martin Spiewak khi nghiên cứu “điều kỳ lạ Việt Nam” trong trường phổ thông Đức

images1873192_images263846_khaigian.jpg


Hơn 50% học sinh người Việt vào được trung học loại ưu


Mới đây, Detlef Schmidt-Ihnen nhận được những kết quả ban đầu của trường mình trong cuộc thi Ôlympích toán học.

Thầy hiệu trưởng hài lòng vì sáu học sinh trường ông lọt vào vòng trong cuộc thi của bang. Ở trường Barnim-Gymnasium thuộc Đông Berlin thì điều này chẳng có gì đặc biệt, vì nhà trường từ lâu vẫn đặt trọng tâm giảng dạy vào các môn khoa học tự nhiên.

Tuy nhiên, một vấn đề khá mới mẻ là làm sao phát âm chuẩn họ tên các học sinh xuất sắc. Cô học sinh đoạt giải ở khối lớp 7 có tên là Trần Phương Duyên hay Duyên Trần Phương? Còn tên cậu học sinh lớp 10 Đức Đào Minh phải đọc thế nào đây?

Thầy hiệu trưởng Schmidt-Ihnen thường xuyên đứng trước thử thách này: 17% học sinh trường trung học tại quận Lichtenberg là con em các gia đình người Việt, ở các lớp dưới con số này còn vượt 30%. "Nhiều em trong số đó giỏi chính các môn tự nhiên và môn toán“, thầy hiệu trưởng kể. Cậu học trò giỏi toán nhất trường cũng là người gốc Việt.

Không một nhóm nhập cư nào ở Đức giàu thành tích học tập như người Việt Nam: Hơn 50% học sinh người Việt vào được trung học loại ưu.

Như vậy, số trẻ em Việt Nam phấn đấu lấy bằng tốt nghiệp trung học hệ 12 năm nhiều hơn trẻ em Đức. So với các em cùng trang lứa đến từ các gia đình Thổ Nhĩ Kỳ hay Italia, thì số học sinh trung học người Việt cao gấp 5 lần.

Thành tích học tập của các em học sinh người Việt hoàn toàn trái ngược với hình dung của chúng ta về trẻ em nhập cư“, nữ viên chức về công tác ngoại kiều bang Brandenburg, bà Karin Weiss nói.

Viết một câu chuyện thành công

20 năm sau ngày bức tường Berlin sụp đổ, con em của những người công nhân xuất khẩu lao động sang Cộng hòa Dân chủ Đức trước kia đang viết một câu chuyện thành công mà cho tới nay còn ít được biết tới.

Đến Đức vào giữa những năm 80 của thế kỷ trước, sau ngày nước Đức thống nhất, những người lao động nhập cư đến từ đất nước xã hội chủ nghĩa anh em này thường xuyên bị rơi vào cảnh thất nghiệp và đói nghèo, họ bị cô lập và trở thành nạn nhân của tệ bài ngoại.

Nhưng giờ đây con em họ đang cố gắng chiếm lĩnh xã hội Đức với sự siêng năng và lòng ham học ghê gớm. Vì trong các gia đình Việt Nam, áp lực giành điểm tốt vô cùng lớn.

Thành tích học tập của trẻ em Việt Nam đồng thời đặt dấu hỏi một loạt những điều mà người ta cho là sự thật trong các cuộc tranh luận về hội nhập.

Nếu ai đó cho rằng sự nghèo nàn về giáo dục thường xuyên có các nguyên nhân xã hội, thì sẽ thấy bị phản bác bởi ví dụ Việt Nam.

Ngay luận điểm cho rằng chính các bậc cha mẹ nhập cư phải hòa nhập tốt thì con cái họ mới có thể theo học tử tế cũng không đúng với những người nhập cư Đông Nam Á này.

Chắc chắn rồi - khác với những người Thổ Nhĩ Kỳ và người Italia - các bậc phụ huynh Việt Nam thế hệ đầu tiên thường có trình độ học vấn cao hơn. Nhưng ngay cả họ cũng hầu như không nói được tiếng Đức mà sống trong một cộng đồng chỉ có họ với nhau và thiết lập nên một thứ xã hội tồn tại song song.

Việc con cái họ trở thành những học sinh kiểu mẫu trong số các học sinh nhập cư là một bằng chứng cho thấy sức mạnh của một nền văn hóa mà sự cần cù của nó trong chính những điều kiện khó khăn lại dẫn đến sự vươn dậy.

Điều này thể hiện từ nhiều năm nay tại Hoa Kỳ, nơi một tỉ lệ lớn sinh viên đến từ các nước châu Á – chính xác hơn: đến từ các nước chịu ảnh hưởng của đạo Khổng Tử – theo học tại các trường đại học hàng đầu của Mỹ. Giờ đây điều kỳ lạ trong giáo dục này lặp lại tại Đức.

Em Nguyễn Vân Dung đã cùng gia đình sống nhiều năm trong một trại tị nạn. Cô bé không giữ những kỷ niệm xấu về thời gian này, mà xét cho cùng thì hồi đó em luôn có bạn chơi.

Ngược lại, cha mẹ em ghét cảnh sống tập trung như thế: bếp chung, rồi xích mích cãi cọ giữa cộng đồng dân nước nọ với nước kia, song trước hết vẫn là cảnh sống chật chội. Duy một thứ không bao giờ thiếu, đó là một chỗ để Dung có thể ngồi học.

Và còn một điều nữa mà cha mẹ em đã làm đúng. Như hầu hết các cha mẹ người Việt, ông bà sớm đăng ký cho con gái đi nhà trẻ.

Vì vậy mà em học tiếng Đức hoàn hảo. Hiện Dung đang theo học một trường trung học ở Potsdam và là một trong những học sinh giỏi nhất lớp với điểm bình quân là 1,5 (ở Đức điểm cao nhất là điểm 1).

Mùa hè năm ngoái, Quỹ hỗ trợ học sinh nhập cư năng khiếu Start-Stiftung đã đưa cô học trò 14 tuổi này vào danh sách được cấp học bổng của quỹ.

Khoảng 30% số học sinh được chọn cấp học bổng tại Đông Đức là người Việt Nam. Dung không phải là tài năng ngoại lệ trong gia đình em. Cả em trai và em gái của Dung đều đang học trung học và có điểm trung bình trên 1 phảy.

Vậy mà mấy chị em đâu có ai có thể giúp chúng làm bài tập ở nhà. Trong nhà chúng chẳng có nhiều sách, cũng không thấy những đồ chơi mang tính giáo dục. Đối diện bàn thờ nhỏ có cắm hương – nơi gia đình thờ tổ tiên - là một màn hình phẳng to đùng ngự trong phòng khách.

Căn hộ nhỏ của gia đình các em nằm ở một khu dân cư ven Potsdam. Trong hành lang chất chồng những thùng nước quả dành cho xe bán đồ ăn nhanh lưu động của cha mẹ chúng.

Buổi chiều, cả gia đình ngồi quây quần uống trà, và ông Nguyễn kể chuyện. Những từ tiếng Đức mà ông cố nói ra nghe thật khó hiểu. Các cô con gái bèn dịch lại câu chuyện ông bố từng làm lao động xuất khẩu ở Liên Xô như thế nào và sau khi quốc gia này sụp đổ thì ông đã xin tị nạn ở Đức ra sao. Và sau nhiều năm bấp bênh, rốt cuộc gia đình họ đã được phép ở lại Đức với điều kiện phải trình được mức thu nhập đủ sống. Cha mẹ Dung làm việc đến kiệt sức. Họ đứng suốt từ sáng đến 10 giờ đêm trên chiếc xe hàng lưu động để bán „súp sữa dừa cay“ hoặc „mỳ gà xào giòn“.

Phần lớn người Việt Nam tự xoay xở kinh doanh để sống. Do không thạo tiếng Đức, họ không tìm được việc làm. Họ làm việc cho đến 60 tiếng một tuần trong những trong những hiệu gốm sứ, những cửa hàng hoa, những tiệm làm móng tay hay trong các khu chợ. Việc nhiều người Việt cảm thấy có trách nhiệm gửi tiền đều đặn về cho họ hàng ở quê nhà, khiến áp lực kiếm tiền càng gia tăng.

Thường thì bọn trẻ phải tham gia vào công việc nhà. Dung phải chăm lo cho em trai và em gái mình. Vì quanh năm bọn trẻ ít khi trông thấy cha mẹ. Chỉ đến chiều mẹ mới đảo về nhà chốc lát để nấu ăn. Còn suốt nhiều giờ chỉ có bọn trẻ ở nhà với nhau. Vậy mà chiều chiều chúng vẫn cắm cúi trên trang sách và mang về nhà toàn điểm ưu.

Sao thế được nhỉ, thưa ông Nguyễn? Vì sao trẻ em Việt Nam lại học giỏi như thế? Lúc này, người cha nãy giờ có ánh mắt khá là nghiêm khắc mới lần đầu tiên nở nụ cười. Ông thích đề tài này hơn là kể về quá khứ. Câu trả lời của ông giản dị đến kinh ngạc: "Vì mọi ông bố bà mẹ Việt Nam đều muốn con cái mình học giỏi“.

Hẳn nếu dịch nghĩa ra thì như thế này: Lũ trẻ sớm nhận ra rằng chúng mắc nợ cha mẹ mình những điểm giỏi và vì vậy chúng phải học thật nhiều.

"Với các gia đình Việt Nam, học hành là tài sản quý giá nhất“, nữ viên chức về công tác ngoại kiều bang Brandenburg Karin Weiss nói. Cho dù công việc khiến các bậc cha mẹ có rất ít thời gian, họ vẫn luôn hỏi con cái về bài vở của chúng. Và nếu cần thì họ cho con học thêm.

Bà Weiss kể rằng bà biết những gia đình sống trong điều kiện kinh tế eo hẹp nhưng vẫn tiết kiệm từng xu để chi cho con học thêm.

Dung và các em không cần phải học thêm. Nhưng chúng vẫn được cha mẹ giúp đỡ. Ai săm soi căn hộ trang bị sơ sài của gia đình ông Nguyễn sẽ phát hiện trong phòng trẻ một giàn máy vi tính. Khi Dung muốn học pianô, cha mẹ em bèn sắm một chiếc đàn Pianô điện tử.

Sự ham học của người Đông Á là thứ tài sản quý giá nhất mà họ mang theo từ quê hương. Chỉ có học hành mới thoát được khỏi đồng ruộng, đó là châm ngôn của họ.

Cũng giống như ở Trung Quốc, Nhật Bản hay Hàn Quốc, nhiều trẻ em Việt Nam theo học gia sư vào các buổi chiều sau giờ lên lớp chính thức hoặc cuối tuần. Khối lượng bài tập giao về nhà lớn hơn ở Đức rất nhiều. Cho tới lúc kết thúc chương trình học phổ thông thì học sinh Việt Nam học hơn học sinh cùng trang lứa người Đức hàng ngàn giờ.

Đây cũng là một trong những điều lý giải kết quả một nghiên cứu mà nhà tâm lý học Andreas Helmke công bố cách đây vài năm.

Ông giao cho các học sinh lớp 4 ở Hà Nội và ở Muyních cùng số bài tập toán như nhau. Tại thủ đô của Việt Nam nhiều trường học trang bị tồi tàn, mỗi phòng học nhồi nhét tới 50 học sinh. Vậy mà các học sinh của đất nước đang phát triển này vượt xa những học trò 10 tuổi của bang Bayern.

"Thậm chí ở cả những câu hỏi đòi hỏi kiến thức toán học sâu hơn, những đứa trẻ Việt Nam cũng hơn hẳn“, vị giáo sư của trường đại học tổng hợp Koblenz-Landau nói. Kết quả này giống với kết quả các cuộc nghiên cứu khác, cho thấy từ nhiều năm nay các nước châu Á luôn chiếm các vị trí dẫn đầu.

Chỉ có tiến

Đó cũng là phương châm của những người nhập cư châu Á tại Đức. Nói chuyện với các bậc phụ huynh người Việt, ta sẽ nghe thấy những câu gợi nhớ tới những châm ngôn về sự tiến thân của Cộng hòa liên bang Đức những năm 50 của thế kỷ trước như "Không cố gắng, chẳng nên người““ hay "Đời con phải hơn đời cha“.

Có lẽ vì vậy mà người ta gọi người Việt Nam là những người Phổ của châu Á.

Trái với những bậc phụ huynh nhập cư đến từ các nước khác - những người thường không biết đâu mà lần với cấu trúc nhà trường phức tạp ở Đức -, những người Việt Nam lập tức hiểu ngay rằng con em họ chỉ có vào các trường Gymnasium – hay không tốt bằng là trường Gesamtschule – mới lấy được bằng tốt nghiệp 12 năm phổ thông và theo học đại học, phần còn lại họ không quan tâm..

Chỉ một con 3 trong bản điểm đã là hồi chuông báo động đối với nhiều phụ huynh.

Đối với không hiếm bậc cha mẹ, nếu con em họ khi học xong tiểu học chỉ vào được một trường Realschule (nơi học sinh sẽ chỉ lấy bằng sau lớp 10, không vào được đại học) đã là một sự mất mặt trong cộng đồng.

Nguyễn Minh Long, một chàng trai 20 tuổi, người đã suy nghĩ nhiều về những người đồng hương ở Đức, kể về một cuộc ganh đua thật sự giữa những bậc cha mẹ người Việt. Nếu hai người cha hoặc hai người mẹ gặp nhau, thì một trong những câu đầu tiên họ hỏi nhau là "Lũ trẻ học hành thế nào?“.

Nếu kết quả học tập không được như mong đợi, bọn trẻ sẽ bị trừng phạt, như bị mắng mỏ, nhốt vào buồng, có khi ăn tạt tai.

Cha mẹ tôi liên tục trách mắng tôi rằng những đứa học sinh khác được điểm tốt hơn tôi“, Minh Long nhớ lại.

Họ không cần biết điểm của anh không đủ tốt để được giới thiệu vào một trường Gymnasium.

Và quả nhiên: mùa hè vừa qua nhờ nỗ lực to lớn, Minh Long đã lấy được bằng tốt nghiệp 12 năm phổ thông với kết quả khá.

Trẻ con không đứa nào bẩm sinh giỏi hay dốt, mà chỉ có chăm hay lười mà thôi, nhiều cha mẹ người Việt tin như vậy.

Họ hầu như không bao giờ từ bỏ hy vọng về một đứa trẻ, đồng thời hiếm khi thứ lỗi cho những đứa học kém.

Ít lâu nay tại trường Barnim-Gymnasium ở Berlin niềm vui về lòng tự trọng cao của các bậc phụ huynh người Việt đã xen lẫn với sự lo lắng.

Lần đầu tiên các thầy cô giáo trở nên cảnh giác khi những học trò Việt Nam làm giả giấy bác sĩ để trốn một bài kiểm tra vì sợ bị điểm xấu.

Một lần khác thầy hiệu trưởng nói với một nam học sinh vi phạm nội quy rằng ông sẽ phải thông báo với cha mẹ cậu về việc này. Thế là cậu học sinh quỳ thụp xuống van xin thầy hiệu trưởng đừng làm thế. Trong suốt hơn 30 năm làm nghề giáo, thầy Schmidt-Ihnen chưa bao giờ chứng kiến một cảnh như vậy.

Nhà trường bèn phản ứng bằng cách cho mời một nhà công tác xã hội đến thăm trường vào mỗi thứ sáu, và lần đầu tiên tổ chức một tối gặp gỡ các phụ huynh, có người phiên dịch.

Cuộc gặp gỡ kéo dài nhiều giờ và các bậc cha mẹ có rất hiều câu hỏi. Mối lo lớn nhất của họ là nửa năm đầu tiên học thử ở trường. Vì gần đây học sinh Việt Nam đã không còn vượt lên dẫn đầu trong tất cả các điểm. Thậm chí rất có thể lần đầu tiên một số học sinh Việt Nam sẽ không vượt qua được thời gian thử thách ở trường Barnim-Gymnasium. "Các học sinh Việt Nam đần trở nên ngang bằng với học sinh Đức“, một cô giáo chủ nhiệm lý giải xu hướng này.

Thế nhưng điều bình thường đối với các gia đình Đức lại có thể dẫn tới một cuộc khủng hoảng thật sự trong cộng đồng người Việt.

Vì sự hòa nhập của trẻ em với tốc độ nhanh đã khiến chúng trở nên xa lạ với cha mẹ, đặc biệt khi chúng vào tuổi dậy thì. „

Các em sống trong hai nền văn hóa“, đó là quan sát của bà Tamara Hentschel thuộc Hội Trống Cơm – tổ chức giúp đỡ người Việt sống tại Berlin từ ngày thống nhất nước Đức. Giữa các thế hệ trong gia đình tồn tại một sự "không nói không rằng".

Bà Hentschel nhận xét theo đúng nghĩa đen của cụm từ này. Vì nhiều trẻ em Việt Nam đi nhà trẻ từ lúc còn rất nhỏ, nên sau đó chúng nói tiếng Đức như tiếng mẹ đẻ, trong khi vốn tiếng Việt của chúng lại chỉ đủ cho giao tiếp hàng ngày. Khi đề cập đến những vấn đề tế nhị hay phức tạp – như bị điểm xấu, bắt đầu có bạn trai – thì câu chuyện giữa cha mẹ và con cái trở nên ngắc ngứ hoặc ầm ĩ.

Thế là đôi bên cùng to tiếng bằng hai ngôn ngữ khác nhau. Nếu tình hình trở nên quá tồi tệ, các em sẽ quay lưng lại với nền văn hóa của cha ông và từ chối không ăn các món ăn Việt Nam, hay thậm chí bỏ nhà ra đi.

Tuy nhiên đấy (mới) chỉ là những trường hợp riêng lẻ. Phần lớn các gia đình Việt Nam gắn bó mật thiết với nhau. Và lòng kính trọng cha mẹ nơi bọn trẻ cũng lớn ngang chí tiến thủ của chúng. „Chúng tôi muốn học hành và vươn lên“, ngay Long – vốn có cái nhìn phê phán - cũng nói như vậy. „Như thế, biết đâu sẽ có lúc chúng tôi thuộc vào tầng lớp ưu tú của đất nước này“.
 
Philipp Roesler - Bộ trưởng Đức gốc Việt: “Tôi thích là người quyết định”​

- Hiện trong Đảng Dân chủ tự do (FDP), “A Roesler” là thuật ngữ được dùng cho những chính trị gia trẻ tuổi có kỷ lục thăng chức liên tục trong thời gian dài. Thuật ngữ đó xuất phát từ cái tên Philipp Roesler, một chính trị gia trẻ gốc Việt.

Duc.jpg

Ông Philipp Roesler (phải) trò chuyện cùng Thủ tướng Đức Angela Merkel và chủ tịch Đảng FDP Guido Westerwelle trước cuộc họp ở Berlin ngày 23-10​

Chính phủ của Thủ tướng Đức Angela Merkel hôm 24-10 đã chính thức công bố thành lập liên minh trung hữu mới với FDP sau hơn bốn tuần đàm phán. Một trong những bất ngờ lớn của chính quyền liên minh lần này là việc lần đầu tiên một người gốc Việt, ông Philipp Roesler, đã được lựa chọn đảm nhiệm chức vụ bộ trưởng y tế.

Luôn là “người trẻ nhất”

Ở đất nước mà vấn đề sắc tộc luôn rất được chú trọng, đây là lần đầu tiên một người có gốc gác ngoài châu Âu được bổ nhiệm vào nội các Chính phủ Đức. Ở tuổi 36, ông Philipp Roesler cũng là thành viên trẻ nhất của nội các Đức lần này, thậm chí trẻ hơn cả tân bộ trưởng quốc phòng Karl-Theodor zu Guttenberg (37 tuổi).

Ngay khi có tin Roesler sẽ được bổ nhiệm làm bộ trưởng y tế, chuyên gia y tế của FDP Daniel Bahr viết trên Twitter: “Bác sĩ tim với tầm nhìn xa và thấu đáo sẽ trở thành tân bộ trưởng y tế mới. Tôi mừng cho Philipp Roesler và cho FDP”.

Đây là bước tiến đáng kể cho chính trị gia trẻ đến từ vùng Hạ Saxony. Là ngôi sao đang lên của FDP, Roesler hiện là phó thủ tướng kiêm bộ trưởng kinh tế bang Hạ Saxony (còn có tên Niedersachsen). Walter Hirche, một cựu thành viên chính phủ của FDP, là người đã luôn khuyến khích chàng chính trị gia trẻ tuổi này.

Tại mọi cấp bậc trong đảng, Roesler luôn là người trẻ nhất. Là tổng thư ký hiệp hội quốc gia, chủ tịch đảng tại vùng Hạ Saxony, và cuối cùng là bộ trưởng y tế trẻ nhất. Hiện trong FDP, “A Roesler” đã được dùng cho những chính trị gia trẻ tuổi có kỷ lục thăng chức liên tục trong thời gian dài. Với khả năng ăn nói gãy gọn và hài hước, Roesler đạt được sự tôn trọng của rất nhiều thành viên trong đảng. Khi được hỏi tại sao ông chọn là thành viên của FDP, Roesler giải thích rằng “đây là nơi anh có thể thay đổi bất cứ điều gì nếu có lập luận tốt”.

Một thủ lĩnh kiên định nhưng hài hước

Chào đời tại Khánh Hòa (Việt Nam) năm 1973, Philipp Roesler được một cặp vợ chồng người Đức nhận làm con nuôi từ khi 9 tháng tuổi. Theo ảnh hưởng của người cha nuôi, một sĩ quan quân đội, thời thiếu niên của Roesler chủ yếu là quanh các trại lính ở Hamburg, Buckeburg và Hannover. Khi đang được đào tạo làm lính cứu thương trong quân đội thì Philipp Roesler được miễn nghĩa vụ quân sự để đi học tại trường y ở Hannover và tốt nghiệp năm 2002.

Philipp Roesler gia nhập FDP năm 1992 và được bầu vào nghị viện bang Hạ Saxony năm 2003. Tháng 5-2005, ông trở thành thành viên ban lãnh đạo liên bang của FDP khi giành tới 95% số phiếu - mức phiếu cao nhất tại đại hội đó. Tại đại hội đảng tháng 3-2006, Roesler được bầu làm chủ tịch FDP tại bang Hạ Saxony. Tháng 6-2007, Roesler một lần nữa được bầu vào thành viên lãnh đạo liên bang của FDP.

Nằm trong thành phần lãnh đạo FDP, ông liên tục đấu tranh về những vấn đề liên quan nền tảng của đảng: ông muốn FDP đưa ra cương lĩnh rộng hơn và tập trung vào những vấn đề xã hội. Ông đã viết một tiểu luận với đầu đề khá khiêu khích là “Chúng ta thiếu gì?” để kêu gọi sự đoàn kết trong đảng. Theo Spiegel, dù không phải là người ăn to nói lớn nhưng Roesler là người rất kiên định với những gì đặt ra.

Một trong những thách thức đầu tiên ông Roesler sẽ đối mặt là dẫn dắt cuộc cải cách hệ thống y tế của Đức, dự kiến phải hoàn thành trong hai năm tới. Cuộc cải cách đó sẽ ảnh hưởng tới khoảng 60 triệu người đang nhận bảo hiểm mà dự kiến sẽ thu mức phí cao hơn, trong lúc chính phủ liên bang đang cố gắng duy trì một hệ thống y tế bền vững hơn. Theo tờ Spiegel, điều hành Bộ Y tế Liên bang Đức hiện là một trong những công việc phức tạp nhất trong nội các.

Roesler đã lập gia đình với một bác sĩ và hiện có hai cô con gái sinh đôi mới một tuổi. Dù rất thành công, hiện Roesler vẫn đặt ra dự định sẽ rời chính trường vào năm 45 tuổi. Ông không tiết lộ việc sẽ làm gì sau thời điểm này.

“Chính trị gia nên dũng cảm và trung thực”


* Tại sao ông tham gia chính trị?

- Trước hết là để thay đổi điều gì đó, thứ hai đó là công việc thú vị.

* Là thành viên theo Đảng FDP có ý nghĩa gì với ông?

- Tự do, trách nhiệm và khoan dung.

* Tính cách mà một chính trị gia nên có?

- Dũng cảm và trung thực.

* Chính sách đối xử với bên ngoài của ông thế nào?

- Sự thật luôn có sức mạnh hơn lời nói dối, nó chỉ không to tiếng và đi nhanh bằng lời nói dối.

* Đâu là điểm mạnh của ông?

- Tôi thích là người quyết định.

* Điều gì khiến ông không thích về bản thân?

- Nói quá nhanh và hay lầm bầm.

* Khẩu hiệu hành động của ông?

- Một người có thể nói mọi điều mà anh ta nghĩ - miễn là anh có suy nghĩ.

* Điều gì ông không thể thích?

- Sự ngu xuẩn.
 
Ông chủ trẻ Việt Nam tại Hungary​

Làm kinh doanh ở xứ người, Lê Thanh Bình, Chủ tịch Hội doanh nhân Việt Nam ở Hungary, cho biết anh phải đối mặt rất nhiều khó khăn và thử thách và đã làm gấp đôi, gấp ba doanh nhân bản xứ để có được thành công như ngày nay.

Tháng 8 vừa rồi anh về Việt Nam và vinh dự là một khách quý của Đại hội thành lập Hiệp hội doanh nhân người Việt Nam ở nước ngoài 2009. Khác với hình dung của nhiều người, doanh nhân Lê Thanh Bình còn khá trẻ, nụ cười thường trực trên môi, sự chân thành và cởi mở là một trong những ấn tượng khó quên về người đàn ông tài ba này.

Nhà tự động hóa làm kinh tế


Lê Thanh Bình sinh ra và lớn lên ở Hà Nội. Anh từng có những năm tháng học tập tại Hungary. Năm 1991, sau khi bảo vệ thành công luận án nghiên cứu khoa học, Bình được nhận vào làm việc tại Viện Hàn Lâm khoa học Hungary và có những đóng góp không nhỏ trong ngành tự động hóa ở đây. Tuy nhiên giống như nhiều người trẻ luôn muốn thử sức trong nhiều lĩnh vưc, Bình chuyển sang kinh doanh.

Bình nhanh chóng xây dựng thành công thương hiệu Tập đoàn phân phối mỹ phẩm DDA (Đại Đông Á) ở xứ người. Nhiều chuyên gia kinh tế Hungary đánh giá, không tính đến các tập đoàn đa quốc gia, DDA là tập đoàn phân phối mỹ phẩm số 1 ở nước này trong lĩnh vực mỹ phẩm. DDA hiện có hơn 1.8000 khách hàng bán lẻ; sở hữu 86 cửa hàng và cung cấp tới 70% mỹ phẩm cho tập đoàn bán lẻ lớn nhất Hungary Super market.


cd3110vk1.jpg

Lê Thanh Bình (bên trái) cũng một doanh nhân đồng hương tại Hà Nội​


Khi nói về những thành công, anh cho rằng mình là người may mắn bởi “mưu sự tại nhân thành sự tại thiên”. Tuy nhiên, Bình khẳng định để có được thành công không thể không có sự chăm chỉ, cần cù, thái độ nghiêm túc trong công việc.

Chung tay vì cộng đồng


Với một cơ sở kinh tế vững chắc, Bình có cơ hội giúp đỡ những DN đồng hương. Anh cho biết có khoảng 400 - 500 người Việt ở Hungary làm kinh doanh và hơn 90% trong số đó ngụ tại thủ đô nước này. Do không được ưu đãi, lại hoạt động đơn lẻ nên việc làm ăn của các DN Việt gặp không ít khó khăn.

Cùng với một số DN tâm huyết, Bình khởi xướng thành lập Hội doanh nhân Việt Nam tại Hungary nhằm tạo nên sức mạnh tập thể với 84 DN tích cực tham gia. Từ khi thành lập, Hội đưa ra nhiều chương trình hỗ trợ, giúp đỡ và liên kết giữa các DN Việt. Nhờ đó, hiện nay nhiều doanh nhân Việt tại đây có một vị thế nhất định khi thương thuyết, làm ăn.

Thời điểm khủng hoảng kinh tế (2008-2009), vai trò của Hội càng trở nên quan trọng. Để giúp DN vừa và nhỏ đồng hương không bị phá sản, Bình kêu gọi sự hỗ trợ từ các đơn vị mạnh, tư vấn cho các công ty này giảm chi phí, duy trì hoạt động. Hội còn tổ chức hội thảo Khủng hoảng kinh tế, đi đâu, làm gì để DN tự thấy con đường của mình, tìm cơ hội đầu tư… Cách làm này đã được hoanh nghênh và được nhiều hội doanh nhân Việt Nam ở các nước học tập và áp dụng. Để xây dựng hội ngày càng lớn mạnh, anh Bình còn tập hợp những DN Việt có tiềm lực và lòng nhiệt tình thành lập công ty Cửu Long. Doanh thu từ công ty được trích ra một phần lớn để duy trì hoạt động của Hội.

Từ khi thành lập tới nay, Hội luôn là chỗ dựa cho các hoạt động hướng về quê hương của cộng đồng. Một trong những hoạt động ý nghĩa mà Hội từng tổ chức là Bữa cơm tất niên cho người Việt ăn Tết xa nhà. Mới đây, Hội tài trợ tổ chức Trại hè Măng non đất Việt với 4 tuần vui học tiếng Việt cho con em người Việt thế hệ thứ hai...
 
"Bộ trưởng Đức gốc Việt": Sẵn sàng cho mọi bất ngờ​

Roesler hội tụ khá nhiều tiêu chí làm rung động trái tim cử tri Đức: thông minh, sáng sủa, hoạt ngôn và quá trẻ để dính một scandal trên chính trường đầy cạm bẫy. Vị bộ trưởng trẻ nhất của nội các Đức đang được coi là ngôi sao thu hút mọi sự chú ý....

Đã bắt đầu tốn giấy mực

Mấy ngày qua cụm từ "bộ trưởng Đức gốc Việt" có tần suất ngất ngưởng trên mặt báo và màn hình. Thoạt tiên cũng chẳng khó hiểu. Sự kiện một nhân vật 36 tuổi lên ghế bộ trưởng đã là quá hi hữu, bất kể ở quốc gia nào, đã thế lại còn gốc gác ngoại quốc (Không nên so sánh với người Áo Arnold Schwarzenegger được làm thống đốc bang California bên kia cái ao to, vì xứ Cờ Hoa vốn là nơi toàn người tứ chiếng tụ hợp lại, trong khi đất Đức chưa bao giờ được người ngoài khen là đặc biệt thân thiện với các chủng tộc lạ).

bo-truong-tre-nhat.jpg

Tân Bộ trưởng Philipp Roesler​

Nhưng rồi vẫn phải thấy lạ. Roesler là ai? Mới bước vào chính trường đầu năm nay với chân bộ trưởng kinh tế bang Hạ Saxony, con đường hoạn lộ của ông chưa đủ dài để nhiều người phải để ý. Đã có kẻ độc miệng cho rằng vận may của Roesler bắt đầu bằng vẻ ngoài điển trai hơn vì bất kỳ chiến tích lững lẫy nào.

Chả phải John F. Kennedy đã hạ gục Richard Nixon nhờ ngoại hình làm giới nữ cử tri ngây ngất rồi đường đường tiếng vào tòa Bạch Ốc? Nhất là khi đếm phiếu người ta nhận ra rằng Kennedy chỉ nhỉnh hơn Nixon nhờ số phiếu của hai bang mới là Alaska và Hawaii, nơi người dân không hề biết gì hơn về chính trị gia trẻ măng Kennedy ngoài khuôn mặt khả ái xuất hiện trong lần đấu khẩu với một Nixon nhăn nhúm trên màn tivi đen trắng (1960)!

Và trong giới chính trị phương Tây thì khả năng ăn nói là một trong những tiền đề quan trọng nhất để thành công. Lại vẫn phải dẫn USA ra để làm ví dụ: Barack Obama liệu có thể lên ngôi tổng thống nếu không có tài hùng biện? Một điều hầu như chắc chắn là ta sẽ còn nghe nhiều về nhân vật Roesler này.

Xin chúc mừng

Philipp được bố mẹ nuôi đặt cho tên này khi rời một trại cô nhi ở Khánh Hòa (1973) sang Đức. Sau khi ly hôn, ông bố - vốn là sĩ quan chuyên nghiệp - nuôi con trai 4 tuổi và cho nó sớm làm quen đường binh nghiệp. Philipp thành bác sĩ quân y và rời quân ngũ sau 16 năm phục vụ.

Sớm làm chính trị nhưng ở mỗi cuộc bầu cử nội bộ ông luôn đạt số phiếu trên 95%, bất kể để làm tổng bí thư FDP của Hạ Saxony hay chủ tịch đảng FDP ở cùng bang hay khi được chọn ứng cử vào nghị viện bang.

Vậy nên xin chúc mừng ông được tín nhiệm đưa lên ghế bộ trưởng y tế liên bang, vì trong các lĩnh vực nhạy cảm ở Đức thời khủng hoảng tài chính thì bộ Y tế là công trường bề bộn nhất.

Giới bác sĩ suốt ngày biểu tình đòi hỗ trợ, ngành dược phẩm quyết liệt bảo vệ thế độc quyền, rồi các quỹ bảo hiểm sức khỏe, bệnh viện, bệnh nhân..., ai cũng có lý để chê trách bộ y tế. Báo "Welt" cả quyết Roesler chỉ thua bộ trưởng tài chính về cơ may... bị cử tri ghét, chính phủ ghét, thậm chí cả nội bộ FDP ghét.

Thành công này càng được coi trọng hơn, khi ta biết rằng FDP (Đảng Dân chủ Tự do) của Philipp Roesler tuy có chân trong các chính phủ liên minh của CHLB Đức lâu hơn bất kỳ một chính đảng nào khác từ ngày lập quốc (1949), song chưa một lần giành được ghế thủ tướng.

Dưới trướng chủ tịch đảng đương nhiệm Westerweller thậm chí đã có thời kỳ FDP lao đao vì mất thiện cảm của một số ít cử tri sau khi ông Westerweller công khai mình là người đồng tính, thậm chí còn dắt bạn trai đến ăn sinh nhật nữ thủ tướng Merkel.

Ma túy quyền lực

Như đã nói, ta sẽ còn nghe nhiều về Roesler. Vì lý lịch trích ngang của ông thể hiện một điều khó cãi: có thể ông còn thiếu kinh nghiệm đường đời, nhưng đã làm gì thì ông làm đến cùng, và thành công - cho đến nay!

Ông Westerweller có thể đã mát tay khi đưa Roesler vào nội các mới. Đảng FPD cần hậu thuẫn vững mạnh để chứng minh chính sách thân thiện với giới đầu tư của mình khả dĩ đem lại thành công trong thời khủng hoảng.

Riêng về phần Roesler thì có thể đoán rằng con người đầy kỳ vọng này còn tiến xa hơn. Ngày lên chức bộ trưởng kinh tế, lao động và giao thông hạ Saxony (2/2009), ông tuyên bố dõng dạc chỉ ở lại bang quê hương để chăm sóc gia đình (gồm cô vợ bác sĩ và hai con gái song sinh vừa đầy tuổi trong tháng 10 này), thậm chí còn hứa chậm nhất 45 tuổi sẽ rời chính trường.

Ông mang theo niềm tin sắt đá của một tín đồ Cơ đốc giáo: "Chính trị gia và diễn viên cũng giống nhau: nên rời sân khấu khi khán giả còn vỗ tay".

Cú điện thoại ngắn của Westerweller từ Berlin làm thay đổi mọi chuyện. Roesler xin phép vài tiếng suy nghĩ và bàn luận với vợ, sau đó ông đồng ý lên thủ đô. Thứ ma túy mang tên "quyền lực" đã bắt đầu ngấm? Mặt khác thì không có đam mê sẽ không thành công, bất kể trên địa hạt nào.

Kể cũng thiếu công bằng khi góp một giọng hoài nghi vào dàn đồng ca hò reo chiến thắng. Song hoài nghi ở mức độ vừa phải cũng có tác dụng tích cực như ma túy ở liều thích hợp.

FDP tuy thành công ở kỳ bầu cử này nhưng họ chỉ là chiếc bánh xe thứ tư cho cỗ xe CDU (Đảng Dân chủ Cơ đốc giáo) vận hành, và ngay cả CDU cũng không chiếm được đa số phiếu bầu nên mới phải lập chính phủ liên minh, chưa kể năm 2009 từ sau Thế chiến II là năm thảm hại nhất về tỉ lệ cử tri bỏ phiếu: vẻn vẹn 72% trong số 62,2 triệu cử tri Đức sử dụng lá phiếu của mình.

Hãy chờ xem.
 
Nếu vợ không đồng ý, tôi đã không nhậm chức Bộ trưởng​


Những người hâm mộ tân Bộ trưởng Y tế Đức, gốc Việt Philipp Rösler như hâm mộ một siêu sao, tài tử điện ảnh được dịp hiểu sâu sắc thêm về con người và tài năng của ông, khi nhật báo Bild am Sonntag (BaS) thực hiện một cuộc phỏng vấn ông rất thú vị đầu tháng này.

Câu hỏi đầu tiên của họ như muốn thử thách cá tính của ông, người bình thường rất dễ bị chọc tức: "Vừa qua, trong Chương trình truyền hình Đức ARD, mang tên Beckmann, diễn viên hài Jochen Busse nói, chính phủ mới có một người Fidschi. Điều đó liệu có làm cho ngài khó chịu?".

Fidschi là tên bộ lạc và cũng là tên quốc gia quần đảo độc lập năm 1970, dân số gần 1 triệu người, diện tích 18.333 km2, nằm ở Nam Thái Bình Dương, cách Đức 20 giờ bay, dân Đức quen dùng để ám chỉ thời nguyên thuỷ, những người ăn lông ở lỗ.

Nếu ám chỉ đó phát ra từ cửa miệng chính khách sẽ bị coi là xúc phạm cả đối phương lẫn dân tộc Fidschi, một loại tội danh được quy định trong bộ luật hình sự Đức, bất cứ ai cũng có quyền phản ứng trả đũa, nhưng đây lại từ miệng một diễn viên hài kịch. Phản ứng như thế nào, sẽ thể hiện bản lĩnh, tính cách của người đó.

BoTruong1.jpg

Bộ trưởng Y tế Đức Philipp Rösler​

Rösler trả lời: "Là một chính khách, nếu tôi có ngay cảm giác bị xúc phạm, thì đã không còn là chính khách. Mỗi người phải tự quyết định nhân cách của mình, điều đó đúng với cả ông Busse. Ngoài ra đảo Fidschi nằm rất xa Việt Nam, nên nói như vậy cũng giống như bây giờ tôi gọi ngài là người Ấn Độ thôi".

Chính trị gia ngoại kiều ở một quốc gia thuần tộc như Đức là cả một vấn đề lớn, rất "nhạy cảm" hiểu theo nghĩa có nhiều ý kiến quan niệm đối ngược nhau, liên quan đến bản chất Đức trong con người chính trị gia đó, quyết định đến thái độ, tín nhiệm của dân chúng đối với họ.

BaS đặt vấn đề thẳng thắn: "Ngài sinh ở Việt Nam, từ 9 tháng tuổi sống ở Đức. Bao nhiêu chất châu Á còn ở ngài?"

Rösler: "Đôi mắt dẹt, chiếc mũi tẹt, và mái tóc đen".

Câu trả lời thực và ít nhiều hài hước, để né tránh vấn đề cốt lõi, nhưng BaS không buông mục tiêu: "Và bên trong?".

Rösler: "Ít thôi, tôi thích món ăn châu Á". Rồi bổ sung thêm: "Nhiều người Đức cũng vậy".

Sẽ tâm đắc với câu trả lời của Philipp Rösler, nếu thừa nhận 3 khái niệm, con người sinh học nòi giống (Rösler dù sinh ra lớn lên ở đâu cũng không thể thay đổi được ngoại diện của mình), con người dân tộc liên quan đến bản sắc văn hoá (tuy nhiên khác với trước kia, trong thời đại hội nhập toàn cầu, con người ngày càng mang tính đa văn hoá) và con người quốc gia, lãnh thổ.

Hiến pháp Đức, điều 16, tuyên bố: người Đức là người mang quốc tịch Đức, có nghĩa Philipp Rösler là người Đức thực thụ, vì một nước Đức, đặt lợi ích nước Đức lên trên hết, chứ không phải một quốc gia nào khác.

Điều đó được BaS lồng cả trong câu hỏi tiếp theo: "Ngài mang những gì thuộc tuýp người Đức?

Rösler: "Tôi nói tiếng Đức, tìm thấy nước Đức thật tuyệt vời cho mình và là thành viên của Chính phủ Đức. Nhiều hơn nữa, người Đức nào cũng không thể".

vochong.jpg

Rösler và vợ​

BaS chuyển sang vấn đề thời sự nhất đang làm cả nước Đức lo ngại, thuộc trách nhiệm giải quyết của Tân Bộ trưởng: "Ngài là một bác sỹ giữ chức Bộ trưởng Sức khoẻ Liên bang. Ngài đã có quyết định gì chống dịch cúm lợn chưa?"

Rösler: "Trước nhất phải chống dịch cúm thông thường, hiện tại còn nguy hiểm hơn. Tiếp đó chống cúm lợn".

Câu trả lời được BaS khai thác sang khía cạnh phương châm hành xử của một chính khách, bằng một câu hỏi tiếp: "Bộ trưởng Sức khoẻ tiền nhiệm đã từng có lúc nâng phòng cúm lợn lên cấp độ nguy hiểm (hơn cúm thông thường), vẫn bị bình chọn là chính khách không được yêu mến nhất nứơc. Điều đó có làm ngài lo lắng?"

Rösler: "... Nếu người ta nhận thấy phải có trách nhiệm với nhiệm sở của mình, thì buộc phải chấp nhận những chỉ trích không dễ chịu. Phần tôi, vạch ra mục đích rất rõ ràng, áp dụng một hệ thống chăm sóc sức khoẻ mới thực sự phát huy tác dụng đối với cả 80 triệu dân Đức. Nếu người ta chỉ hoài nghi cả những điều tốt đẹp sẽ đến, người ta không thể khởi động bất cứ một cải cách nào".

Chính sách cải cách y tế của FDP được Rösler đàm phán thành công với Union, FDP coi đó là thắng lợi lớn; trong khi phía phản đối, lại cáo buộc tạo ra tầng lớp công dân hạng 2 trong chăm sóc y tế.

Đây chính là thử thách đầu tiên đối với Tân Bộ trưởng, chinh phục được phiá phản đối hay không, phụ thuộc hoàn toàn vào cách thức cùng kết qủa thực tế do chính sách ông áp dụng đem lại.

BaS hỏi: "Ngày càng nhiều người dân có cảm giác, đặc biệt là những người đóng bảo hiểm nhà nước, nước Đức đang trên đường phân hoá thành 2 giới được chăm sóc sức khoẻ khác nhau. Ngài định làm gì chống lại sự phân hoá đó... để những người đóng bảo hiểm nhà nứơc không còn cảm thấy mình là bệnh nhân loại 2, trong khi mức phí đóng rất cao?"

Rösler: "Quan trọng nhất là chúng ta cần một hệ thống bảo hiểm có tính cạnh tranh cao. Phải đặt các quỹ bảo hiểm nhà nước tham gia vào quá trình đó. Họ phải được quyền đòi khách hàng trả mức phí bảo hiểm khác nhau, và có thể chào mức chăm sóc sức khoẻ khác nhau. Hiện nay khắp nơi đều chung một mức chăm sóc sức khoẻ với cùng một mức giá bảo hiểm, mà hầu như không một bệnh nhân nào có thể biết rõ đồng tiền họ bỏ ra đã chi phí tính toán ra sao?".

Ở Đức, bộ trưởng cũng chỉ là một công việc mưu sinh như bất kỳ công việc nào khác luôn chứa đựng trong chúng rủi ro: thất nghiệp, hoặc chuyển chỗ, đổi nghề bất cứ lúc nào. Người ta phấn đấu, làm việc vì mục đích mưu sinh, hạnh phúc cả đời mình, chứ không phải ngược lại vì công việc vốn chỉ đóng vai trò phương tiện. Rösler dù là một tài tử, siêu sao, Shooting-Star, thì vẫn cứ là một con người đời thực.

BaS hỏi: "Theo đuổi công việc chính trường đã làm nhiều cặp vợ chồng và gia đình tan vỡ. Ngài đã sẵn sàng, đặt hạnh phúc cá nhân ngài trước thách thức đó chưa?"

Rösler: "Nếu tôi cho rằng, đường công danh đe dọa gia đình, thì tôi đã lập tức ngừng lâu rồi. Tôi cũng đã nhìn thấy rất nhiều chính khách lao vào sự nghiệp, để đánh mất mái ấm của mình. Tuy nhiên một lúc nào đó sự nghiệp cũng sẽ kết thúc. Được gọi là bộ trưởng, nghe oách thật, nhưng tiếng gọi đó sẽ chấm dứt bất cứ lúc nào, trong khi con tôi cần gọi tôi là ba suốt cuộc đời. Tôi phải chăm sóc gia đình tôi để bảo đảm điều đó".

Người ta hay nói, sự nghiệp của người chồng thường có bóng dáng người vợ "phía sau". Đối với Rösler chính xác hơn phải nói "phía trước" khi ông "xin" ý kiến vợ trước lúc quyết định nhận chức bộ trưởng: "Tôi rất cảm ơn vợ tôi đã đồng ý tôi nhận chức bộ trưởng, nếu không thế, có lẽ tôi đã không thể".

Tác giả: TS Nguyễn Sỹ Phương (Đức)
 
Kiều bào là máu thịt của Việt Nam​

- Kiều bào là máu thịt, là con một nhà của dân tộc Việt Nam. Đảng và Nhà nước luôn khẳng định công tác về người Việt Nam ở nước ngoài là nhiệm vụ quan trọng - Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết phát biểu tại lễ khai mạc sáng nay (21/11) Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài lần thứ nhất ở Hà Nội.

Hơn 900 đại biểu kiều bào từ 52 quốc gia và vùng lãnh thổ đã về nước dự Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài lớn nhất từ trước đến nay, do Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (NVNONN) - Bộ Ngoại giao tổ chức.

Hiểu hơn thuận lợi, khó khăn của quê hương

Phát biểu khai mạc, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Gia Khiêm nói đây là hội nghị đầu tiên có quy mô lớn, với sự tham gia rộng rãi của mọi tầng lớp kiều bào ở khắp bốn phương, cùng các cấp có thẩm quyền trong nước họp bàn "những vấn đề thiết thực xây dựng cộng đồng và phát triển đất nước".

images1884712_2.jpg

Chủ tịch nước: Kiều bào là máu thịt của Việt Nam​

Với chủ đề “Vì một cộng đồng đoàn kết vững mạnh, góp phần tích cực vào sự nghiệp xây dựng đất nước”, Hội nghị đề cập 4 nội dung chính: Xây dựng cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài đoàn kết vững mạnh, thành đạt và hướng về đất nước; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá và truyền thống dân tộc trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài; chuyên gia, trí thức kiều bào góp phần vào sự nghiệp xây dựng đất nước; doanh nhân kiều bào góp phần vào sự nghiệp xây dựng đất nước.

Với gần 4 triệu người Việt đang sinh sống, lao động, học tập tại 101 nước và vùng lãnh thổ, trong đó khoảng 300 ngàn người có trình độ đại học trở lên, tiềm lực trí thức người Việt ở nước ngoài được coi là một thế mạnh của cộng đồng. Tuy nhiên, mỗi năm mới chỉ có trên 200 lượt trí thức kiều bào về nước tham gia giảng dạy, hợp tác nghiên cứu, hội thảo khoa học…

Về đầu tư, số người về nước tìm hiểu cơ hội đầu tư, kinh doanh tăng đáng kể hàng năm, nhưng đến nay mới có khoảng 3.000 dự án của kiều bào đầu tư về nước với tổng vốn gần 2 tỉ USD (hơn 30.000 tỷ đồng), trong đó khoảng 2/3 dự án làm ăn có hiệu quả.

Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm kỳ vọng kiều bào trở về nước sẽ "tận mắt chứng kiến những đổi thay lớn lao của quê hương, hiểu biết sâu sắc hơn về những thuận lợi và khó khăn của đất nước", để củng cố niềm tin vào sự nghiệp xây dựng đất nước vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh và khi trở về nơi cư trú, sẽ đóng góp nhiều hơn nữa để "xây dựng một cộng đồng đoàn kết vững mạnh".

images1884714_1.jpg

Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị xác định kiều bào là nguồn lực quan trọng của đất nước, của khối đại đoàn kết toàn dân​

Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị xác định kiều bào là nguồn lực quan trọng của đất nước, của khối đại đoàn kết toàn dân.

Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã có phát biểu khá dài, thông tin đến bà con kiều bào về những đổi thay, phát triển của đất nước

Đừng hốt hoảng trước thông tin tiêu cực

Khẳng định những thành quả đổi mới của đất nước, song Chủ tịch nước cũng cho hay đất nước trong quá trình phát triển, không tránh khỏi thách thức, khó khăn như chất lượng tăng trưởng chưa như kỳ vọng, cơ sở hạ tầng kém, tham nhũng, tiêu cực, năng lực quản lý ở mọi ngành còn hạn chế...Tất cả những vấn đề này đang từng bước được khắc phục để đất nước tiến bộ, văn minh hơn, đạt những thành quả tốt hơn.

Do những hạn chế, khó khăn trong phát triển nên có những thông tin tiêu cực, thậm chí được biến báo sai lệch bản chất, đã khiến bà con kiều bào, vốn chưa được tiếp cận thực tế, băn khoăn về tình hình trong nước.

Chủ tịch nước nói, khi nghe những thông tin tiêu cực, bà con kiều bào không nên hốt hoảng bởi những vướng mắc, hạn chế là phần tất yếu của quy luật phát triển.

"Tôi đề nghị quý vị ở nước ngoài khi nghe thông tin này nhìn về Việt Nam cũng đừng có hốt hoảng nghĩ rằng sao trong nước mình tiêu cực quá. Đây là quy luật muôn đời, con người luôn có hỉ nộ ái ố, cho nên phải luôn luôn vượt qua, mà quan trọng hơn phải vượt qua chính mình. Cái đó cực kỳ quyết định", Chủ tịch nước nhấn mạnh.

Chủ tịch nước cũng nhấn mạnh Đảng và Nhà nước luôn khẳng định công tác về người Việt Nam ở nước ngoài là nhiệm vụ quan trọng, người Việt Nam ở nước ngoài là một bộ phận khăng khít, máu thịt.

"Kiều bào là máu của máu Việt Nam, là thịt của thịt Việt Nam. Chúng ta là con một nhà, con Lạc cháu Hồng, cùng một bọc trứng sinh ra".

Để tăng cường công tác người Việt Nam ở nước ngoài, Chủ tịch nước cho hay các ngành, các cấp sẽ tạo điều kiện cung cấp thông tin để bà con nắm bắt kịp thời để luôn hướng về đất nước, hỗ trợ bảo hộ công dân ở nước ngoài, giúp đỡ kiều bào giữ gìn văn hóa, phong tục tập quán, ngôn ngữ....


images1884715_IMG_5943.jpg

Doanh nhân, trí thức kiều bào là một tiềm lực lớn cho đất nước​
 
Thu hút trí thức Việt Kiều: Nhìn từ những trải nghiệm quá khứ​

- Trong lễ khai mạc Đại hội người Việt Nam ở nước ngoài lần thứ nhất, thứ trưởng Khoa học và công nghệ Lê Đình Tiến đã nhắc về thế hệ trí thức Việt kiều lập quốc, trở về theo lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đó là những cái tên như Hồ Đắc Di, Tôn Thất Tùng, Trần Đại Nghĩa, Trần Hữu Tước, Đặng Văn Ngữ, hay Lương Định Của – những người mà đóng góp được thể hiện nhiều nhất trong vai trò đặt nền móng cho nền khoa học Việt Nam cùng một số chuyên ngành của nó sau này.

Trong lễ khai mạc Đại hội người Việt Nam ở nước ngoài lần thứ nhất, thứ trưởng Khoa học và công nghệ Lê Đình Tiến đã nhắc về thế hệ trí thức Việt kiều lập quốc, trở về theo lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đó là những cái tên như Hồ Đắc Di, Tôn Thất Tùng, Trần Đại Nghĩa, Trần Hữu Tước, Đặng Văn Ngữ, hay Lương Định Của – những người mà đóng góp được thể hiện nhiều nhất trong vai trò đặt nền móng cho nền khoa học Việt Nam cùng một số chuyên ngành của nó sau này.

Theo nhà sử học Dương Trung Quốc, thế hệ đó đi ra nước ngoài với tư thế những người vong quốc. Phần lớn họ là con em tầng lớp trên, sau này có bổ sung thêm những người có chí và trưởng thành từ thế hệ con em những người lao động sang Pháp trong Đại chiến thế giới lần thứ nhất. “Họ sang Pháp và, ngoài kiến thức, họ tiếp thu được tinh hoa của nền văn hoá đó, nhất là tinh thần dân chủ”, ông Quốc nhận xét.

Thế hệ vàng đó, theo ông Quốc, đã quay về nước với hoài bão cống hiến hết mình cho đất nước trong cái hào khí chung của cuộc cách mạng dân tộc dân chủ. “Về cơ bản, việc đóng góp cho sự nghiệp độc lập và bảo vệ đất nước, nhất là trong cuộc kháng chiến chống Pháp, họ đã làm được, và làm rất tốt”, ông Quốc nói.

Nhưng khó nhất là con đường phát triển tiếp theo, và bi kịch của một số cá nhân thuộc thế hệ này cũng phát sinh từ đó. Những bi kịch cá nhân đó, theo nhà sử học, xuất phát từ bi kịch riêng của quốc gia và bi kịch chung của thời đại.

Ông ngậm ngùi nhắc tới cố giáo sư triết học Trần Đức Thảo, người không được ông Tiến nêu tên. “Xét cho cùng, dù bị đối xử bất công, ông đã đi đến tận cùng của lý tưởng rất mạnh mẽ là đóng góp hết mình cho đất nước. Cuộc đời ông, xét ở mọi khía cạnh, luôn là một tấm gương”, ông Quốc nói.

“Tư tưởng dân chủ mà họ tiếp thu được, và coi là động lực chính của quá trình phát triển, đã đụng với tính nông dân trong cái phong trào, mà trên thực tế đã tạo ra một sức mạnh to lớn để đạt một mục tiêu rất to lớn của lịch sử, nhưng đồng thời cũng để lại rất nhiều hệ luỵ, trả giá, kể cả sự thay đổi của đất nước”, ông Quốc lý giải.

Gần nửa thập kỷ sau, Việt Nam bước vào giai đoạn đổi mới và hội nhập. Một lần nữa trí thức Việt kiều lại được kêu gọi về góp sức xây dựng lại đất nước, bị tàn phá qua hơn ba thập kỷ của chiến tranh và bị bần cùng hoá sau hơn một thập kỷ bị cô lập và cấm vận. Theo thứ trưởng Tiến, ngoài việc đóng góp xây dựng, đổi mới chính sách cải cách kinh tế, hành chính, hay khoa học – công nghệ, họ cũng đóng vai trò cầu nối giữa giới khoa học Việt Nam với nước ngoài.

Ông Quốc cho rằng cuộc chiến tranh và những hệ luỵ tiếp theo của nó đã có phần nào làm rạn nứt dân tộc, bởi nhiều nguyên do khác nhau. “Về phần mình, thế hệ trí thức Việt kiều buổi đầu mở cửa ấy đã tự vượt qua được những bi kịch, hay mặc cảm, để hàn gắn quá khứ, mở ra một tương lai phát triển của một đất nước Việt Nam thống nhất”, ông Quốc nói.

Còn từ phía trong nước, theo ông Quốc, lúc đó rất cần một chủ trương, một ngọn cờ, một cá nhân quyết đoán. Và ông Võ Văn Kiệt đã cầm ngọn cờ đó. “Mặc dù vẫn dưới sự lãnh đạo của một đảng chính trị duy nhất, những nhân tố thúc đẩy xã hội đi lên, trong đó có các trí thức Việt kiều, đã được tạo lập”, ông Quốc nói.

Còn theo ông Vũ Quốc Tuấn, nguyên trợ lý của Thủ tướng và nguyên thành viên tổ Chuyên gia tư vấn về cải cách kinh tế và cải cách hành chính, được ông Võ Văn Kiệt thành lập năm 1993, có ba trí thức Việt kiều được mời tham gia tổ này. Đó là các ông Vũ Quang Việt từ Mỹ, Trần Văn Thọ từ Nhật, và Trần Quốc Hùng từ Đức.

Ngoài một năm bay về nước họp với Thủ tướng một lần, các chuyên gia Việt kiều trong tổ, trừ ông Trần Văn Thọ về nước thường xuyên vì còn hợp tác với các tổ chức khác trong nước, làm việc chủ yếu qua thư từ, điện thoại. Ông Tuấn cho biết rằng nhờ thái độ cầu thị của các thành viên trong nhóm, và đặc biệt là ông Võ Văn Kiệt, vai trò đóng góp của ba trí thức Việt kiều nói trên rất hữu ích và quan trọng.

“Chúng tôi cần gì về kinh nghiệm của nước ngoài thì nhờ các anh ấy tìm giúp tư liệu gửi về, không biết gì thì nhờ các anh ấy giải đáp. Nhờ có anh Việt mà chúng ta chuyển đổi được phương pháp thống kê theo thông lệ quốc tế. Còn anh Thọ, ngay từ giữa những năm 90, đã nói rất nhiều về công nghiệp hỗ trợ, mà gần đây Chính phủ bắt đầu quan tâm”, ông Tuấn nhớ lại.

“Phải tăng cường các chính sách, quy định mang tính pháp lý mới có thể tạo được thay đổi đột phá trong thời buổi bắt buộc phải hội nhập này”, ông Quốc lập luận.

Đó cũng chính là nỗi băn khoăn của thứ trưởng Tiến. “Hạ tầng chính sách, nhất là chế độ ưu đãi, là thứ chúng ta có thể làm được ngay, mà cũng vẫn chưa rõ ràng”, ông Tiến, người vẫn trăn trở với việc mời các chuyên gia Việt kiều tầm cỡ về nước để tạo những dấu ấn lớn như thế hệ vàng đã làm, than thở.

“Chủ tịch Nguyễn Minh Triết đã thuyết phục được chúng tôi bởi sự chân thành và quan tâm cụ thể của ông với Việt kiều. Điều quan trọng hơn là ông Triết phải thuyết phục các vị khác, cũng như các quan chức trong bộ máy Chính phủ, thể hiện được sự chân thành và quan tâm tương tự như vậy”, giáo sư vật lý Trần Thanh Vân, Việt kiều Pháp, người kể rằng ông đến đại hội này để nêu lại những điều ông đã kiến nghị tại một hội nghị Việt kiều có quy mô nhỏ hơn cách đây bốn năm.
 
Khánh thành Biểu tượng ghi nhớ 50 năm ngày
Bác Hồ đón kiều bào về nước​

Chiều 9/1, tại Hải Phòng diễn ra lễ khánh thành Biểu tượng ghi nhớ 50 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đón kiều bào về nước. Tới dự có đại diện Bộ Ngoại giao, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các cơ quan ban, ngành thành phố Hải Phòng, cùng đông đảo kiều bào.

Vị trí biểu tượng đặt tại khu vực di tích văn hoá Tượng đài công nhân và nhà truyền thống Cảng Hải Phòng. Hướng vị trí biểu tượng quay ra phía cầu tàu, nơi cách đây 50 năm tàu An Phú cập cảng đưa 922 kiều bào về nước chuyến đầu tiên và Bác Hồ đã phát biểu, chúc mừng kiều bào. Khu vực này cũng chính là nơi gần hai vạn nhân dân Hải Phòng và các tỉnh lân cận tổ chức lễ mít tinh chào đón kiều bào về nước.

CD-91-khanhthanh-in.jpg

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Uỷ ban Người Việt ở nước ngoài Nguyễn Thanh Sơn cắt băng khánh thành biểu tượng​

Kích thước biểu tượng được thiết kế phù hợp với vị trí, cảnh quan khu vực Tượng đài Công nhân Cảng Hải Phòng. Bệ biểu tượng thi công móng bê tông cốt thép; dựng bằng đá hoa cương nguyên khối, khắc chữ chìm. Công trình hoàn thành ngày 30/12/2009, đảm bảo yếu tố về giá trị lịch sử cách mạng, văn hoá, mỹ thuật, bền vững với thời gian, phù hợp với cảnh quan thuận tiện cho hoạt động tham quan của nhân dân, khách du lịch và cán bộ công nhân viên chức Cảng Hải Phòng.

P/S: Người VietNam nào cũng có mong muốn đóng góp xây dựng đất nước, những Việt Kiều năm xưa quay trở về theo lời kêu gọi của Bác vì họ tin uy tín cá nhân của Bác và uy tính chính phủ.
 
Hội chợ xúc tiến thương mại đầu tiên của doanh nghiệp kiều bào​

Từ ngày 5-7/2, Hội chợ Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Quốc tế (IFIT) đầu tiên của một DN kiều bào sẽ diễn ra tại Mỹ Đình, Hà Nội.

Đây là hoạt động đầu tiên của Công ty Cổ phần Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Á - Âu (ASEM), một liên doanh của kiều bào Ba Lan, Ukraine và Slovakia. Công ty vừa được thành lập hồi cuối năm 2009.

Theo ông Hoàng Xuân Bình, Tổng Giám đốc Công ty ASEM, sự ra đời của ASEM là nhằm triển khai kế hoạch kết nối các DN của người Việt ở ngoài nước với nhau, và với DN trong nước. Chính vì vậy, với Hội chợ đầu tiên này, ASEM muốn tạo cơ hội gặp gỡ, giao lưu của các DN Việt Nam trong và ngoài nước, nhằm tăng cường hợp tác trong đầu tư, xuất khẩu, quảng bá thương hiệu, nhượng quyền thương mại..Đồng thời, các tỉnh,thành phố cũng có cơ hội giới thiệu các chính sách, dự án kêu gọi đầu tư với kiều bào.

Cdv0901hoicho-to.jpg

Ông Hoàng Xuân Bình giới thiệu về IFIT và ASEM​

Hội chợ diễn ra vào thời điểm đầu tháng 2 còn nhằm để đón bà con người Việt ở nhiều nơi trên thế giới về Việt Nam đón Tết Canh Dần, ông Đinh Tấn Hưng, Phó Tổng Giám đốc Công ty cho hay. Hiện mọi cơ sở vật chất và các công tác chuẩn bị khác đều đã sẵn sàng.

Ông Bùi Mạnh Hải, Chủ tịch Hội Liên lạc với người VN ở nước ngoài, nguyên Thứ trưởng Bộ KH&CN nhấn mạnh, sự ra đời của Công ty ASEM là một sự kiện thể hiện tình cảm hướng về quê hương thực sự của kiều bào. Ông Hải cũng hy vọng Hội chợ IFIT đầu tiên này sẽ trở thành động lực để kêu gọi sự đóng góp nhiều hơn của doanh nhân kiều bào nói riêng và bà con kiều bào nói chung cho sự phát triển kinh tế của đất nước.

Dự kiến, Hội chợ có quy mô khoảng 500 gian hàng, chủ yếu là về lĩnh vực xuất khẩu, bất động sản, du lịch, dịch vụ, nhượng quyền thương mại. Cũng nhân dịp này, ASEM sẽ giới thiệu hoạt động của Quỹ Tu bổ Đền Hùng và chương trình ASEM đồng hành với sức khỏe cộng đồng, phát 10.000 sổ khám bệnh miễn phí cho người dân có thu nhập thấp đến thăm Hội chợ
 
Top