What's new
Vietnam - Điện Biên Phủ Kinh Tế

This is a sample guest message. Register a free account today to become a member! Once signed in, you'll be able to participate on this site by adding your own topics and posts, as well as connect with other members through your own private inbox!

GS. Phan Văn Trường "Tin vào tư chất Việt"

LOBBY.VN

Administrator
GS. Phan Văn Trường "Tin vào tư chất Việt"
Sau hơn 40 năm ở nước ngoài, làm việc cho nhiều tập đoàn lớn, chuyên gia đàm phán quốc tế GS. Phan Văn Trường trở về Việt Nam làm việc. Ông có cái nhìn thú vị về sự thành công của người Việt qua những cuộc di cư khắp thế giới, qua sức sáng tạo lẫn tâm thế Việt trong thế giới phẳng ngày nay

Theo một thống kê của Liên Hiệp Quốc, người Việt có mặt rải rác ở 92 quốc gia, vùng lãnh thổ, tức một nửa địa cầu. Di cư đến một vùng đất mới là chuyện quá quen thuộc với người Việt qua nhiều thế hệ. Đó có thể là một cuộc khẩn hoang tìm đất hứa, do muốn thay đổi nếp sống, trốn chạy thiên nhiên hà khắc, hoặc thoát khỏi những biến động thời cuộc...

Văn hóa là nền tảng

Thống kê đó còn nhìn nhận người Việt là dân tộc hiếm hoi thành công ngay từ thế hệ đầu sau khi di cư. Một dân tộc xuất sắc khác là người Hoa, với nhiều may mắn hơn chúng ta: ra đi trong cảnh êm đềm, vốn liếng dồi dào, chuẩn bị kỹ lưỡng, gia đình đoàn tụ v.v..., nhưng phải cần đến ba thế hệ mới thành công, trong khi người Việt chúng ta chỉ cần một thế hệ, nếu không muốn nói nửa thế hệ

Đó là điều tự hào đến sửng sốt! Ngay cả 92 nước sở tại, nơi mà người Việt chúng ta đã an cư, đều nhìn nhận điều đó. Khả năng thích ứng của người Việt ít ai có được. Người Việt hòa nhập và tiếp nhận cái mới ở nước sở tại rất tốt, dù vẫn có xu hướng sống quần tụ thành những cộng đồng giống người Hoa

Người Việt có nhu cầu vươn lên dựa vào học vấn. Công việc đầu tiên khi đặt chân đến vùng đất mới là tìm ngay cho con cái một môi trường học tập tốt. Người Hoa, người Mã, người Phi thường chú trọng tạo lập sự ổn định ban đầu thông qua kinh doanh, từ nhỏ đến lớn. Người Hoa dành thế hệ đầu để tạo lập, thế hệ thứ hai để củng cố vững chắc và thế hệ thứ ba để đi lên

Những bậc cha mẹ Việt lại ổn định sự học trước, điều đó cho thấy sự chú trọng và cái nhìn chính xác về "kinh tế tri thức" làm nền tảng trước khi có "tư duy làm chủ”

Hơn 40 năm sống ở nước ngoài, tôi không khó để nhìn thấy sự đánh giá cao của những cộng đồng khác về "tư chất người Việt". Tôi cũng nghe thấy những than vãn về nguy cơ tụt hậu. Song tụt hậu là do thiếu đào tạo, thiếu môi trường phát triển chứ không do tư chất của người Việt kém cỏi

Chúng ta vẫn thường xuyên thấy những thông tin về đóng góp, nghiên cứu của người Việt trong các lĩnh vực, những gương mặt trẻ thành công nắm giữ những chức vụ lớn ở đâu đó. Tất cả những điều đó tạo ra niềm tin về cái "gen" cấu tạo có nhiều ưu điểm bẩm sinh

Văn hóa là chìa khóa của tương lai dân tộc. Ý thức giữ gìn văn hóa, ngôn ngữ cũng là nền tảng trong thành công của người Việt di cư. Một câu chuyện thật ở gia đình tôi, mấy đứa cháu cứ đến hẹn lại hỏi ông bà: "Khi nào đến Trung thu?", "Bao giờ đến Tết". Giữa mùa đông Paris lạnh lẽo, bọn trẻ xúm xít mặc áo dài, rước đèn đi chơi đêm trăng cùng bạn bè người Việt, nói tiếng Việt

Ở Pháp, Đức, Mỹ hay Úc... luôn có những cộng đồng người Việt quần tụ và lễ, Tết là dịp để "phô diễn" truyền thống Việt với tất cả sự hào hứng và niềm tự hào trước sự ngưỡng mộ của bạn bè. Rất nhiều tộc người ở châu Phi đã mất hết ngôn ngữ, phong tục sau một quá trình dài đồng hóa từ bên ngoài. Họ mất hút và bị quên lãng thực sự. Nhưng lịch sử ngàn năm chống đô hộ và đồng hóa của người Việt không ghi nhận điều đó

Sau bao nhiêu thăng trầm của lịch sử, người Việt vẫn giữ được toàn vẹn bản sắc. Thế giới phẳng đặt ra khả năng đồng hóa nhân loại, giữ lại cái hay, gạt bỏ cái dở. Rất ít dân tộc giống chúng ta. Việt Nam có nhiều thứ để khuyến dụ thế giới phẳng. Ở đó, giá trị thuần túy Việt vẫn có chỗ đứng. Vơ vét là một cử chỉ kém tầm nhìn. Xâm lấn là một việc vừa vô ích, vừa tốn kém nếu nhìn quá trình với nhận thức sáng suốt

"Thằng Bờm", "Phú ông" trong thế giới phẳng

Xã hội Việt Nam đang cổ vũ cho sáng tạo và khởi nghiệp. Ai cũng biết, khả năng sáng tạo là "mẹ” của thế giới tiến bộ ngày nay. Người Việt vốn có sự sắc sảo. Giới trẻ Việt năng động và có óc sáng tạo phong phú

Chính óc sáng tạo là động lực biến đổi thế giới, cho phép khởi nghiệp, đem lại giá trị gia tăng thật cho mọi hoạt động. Xã hội chỉ tiến lên nếu mỗi người trẻ có tinh thần đột phá, óc sáng tạo can đảm, sự đam mê khó cản. Mọi gò bó đều cản trở sự tiến bộ. Và phát triển là tìm hạnh phúc cho cộng đồng chứ không phải những thống kê số lượng

Tôi thích hình ảnh "thằng Bờm có cái quạt mo". Nhìn bề ngoài thì khờ khạo đấy, nhưng không nao núng trước quyền thế của Phú ông. Bờm không mặc cảm mà trái lại biết thức thời, hiểu giá trị của cái mình đang có, dù đó chỉ là cái quạt mo đáng giá một nắm xôi. Trong sự xâm lấn của các giá trị bên ngoài, nội tại có xu hướng bị cuốn theo và thay đổi

Giàu có thì dễ áp đặt giá trị lên nghèo túng vì nắm được sự phụ thuộc. "Thằng Bờm" và cái quạt mo biểu hiện cho sự giản dị nhưng nó là cái riêng, có giá trị riêng của người Việt trong một cuộc thương lượng tưởng chừng bất bình đẳng với những "Phú ông" là những cường quốc

Rất nhiều dân tộc đi vào lỗi lầm theo những mô hình phát triển không phù hợp với dân tộc của họ, đến đỗi làm ô nhiễm cả sông ngòi, rừng núi của họ cho nhiều thế hệ sau. Biết sai vẫn ngoan cố. Đô thị của họ mịt mùng. Hơi thở của họ chỉ toàn khói đen. Cơm của họ chỉ toàn hóa chất. Tôi nghe đâu tại một nước láng giềng của chúng ta có một số nơi trẻ em không biết vẽ mặt trời vì chưa bao giờ nhìn thấy, vì khói thải công nghiệp bao phủ

Câu chuyện của "quốc gia khởi nghiệp" Israel cho chúng ta những bài học quý về phát huy thế mạnh nông nghiệp. Canh nông, đối với dân tộc Việt, là một kho tàng vô tận. Chính người hàng xóm Thái cũng hiểu điều đó, để biến mình thành một nước với đất phì nhiêu và nông dân quá tài ba. Vậy tại sao chúng ta lại bỏ đi thế mạnh của mình ?

Ta có thể mua iPhone do người khác sản xuất ra, có thể lái ô tô do người khác chế tạo từ chính sản phẩm nông nghiệp của mình. Một đất nước có thể ăn no ngủ kỹ chẳng phải là một hạnh phúc? Hãy đẩy xa viễn tưởng mà người lao động Việt chỉ là công nhân. "Phú ông" giàu có đấy, nhưng "thằng Bờm" luôn có vị trí riêng của mình

GS. Phan Văn Trường là chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đàm phán quốc tế và là cố vấn của Chính phủ Pháp về thương mại quốc tế. Ông được trao tặng Huân chương Bắc đẩu bội tinh (Chevalier de la Légion dHonneur) năm 2007. Hiện ông đang là Cố vấn thương mại quốc tế của Chính phủ Pháp

GS. Phan Văn Trường tốt nghiệp ngành Kỹ sư Cầu - Đường tại Pháp năm 1970. Năm 1973 ông bảo vệ Tiến sĩ ngành Kinh tế đô thị và Quy hoạch vùng tại Paris Sorbonne 1. Ông từng làm việc cho các tập đoàn Alsthom Power, Alsthom Transport, Suez, Lyonnaise-BOT, Wah Seong

Hiện ông đang giảng dạy ngành Kinh tế đô thị và Quy hoạch vùng tại ĐH Kiến trúc TP.HCM, Chủ nhiệm Chương trình Đào tạo kỹ năng quản trị và lãnh đạo Viện John Von Neumann (ĐH Quốc gia TP.HCM), Cố vấn HĐQT Công ty CP Xây dựng và Kinh doanh địa ốc Hòa Bình

Lâm Lạc
 
Last edited:
Tầm nhìn Việt Nam 2050

cover-15492459453981138770019-crop-15492459529831388047044.jpg

Khái niệm công dân toàn cầu đang được nói đến nhiều hơn ở Việt Nam, nhưng tinh thần của công dân toàn cầu là gì ? Nói tốt ngoại ngữ, làm việc ở nước ngoài sẽ trở thành công dân toàn cầu? Hay đơn giản như cách nói của GS. Phan Văn Trường, công dân toàn cầu là những người yêu trái đất, yêu nhân loại ?

8h sáng, GS. Phan Văn Trường đã có mặt tại L’Espace Tràng Tiền (Hà Nội) để chuẩn bị buổi chia sẻ đầu năm về chủ đề "Người Việt trong môi trường làm việc quốc tế", dự kiến diễn ra vào lúc 9h. Ở tuổi 73, GS. Trường trông tràn đầy năng lượng với khuôn mặt luôn tươi cười. Ông thoải mái đi dọc các dãy ghế, chào từng người một


Công dân toàn cầu là gì? Như giải nghĩa của GS. Phan Văn Trường, đó là người phải biết quan tâm đến các vấn đề toàn cầu, có cái nhìn rộng, không kỳ thị văn hóa nào và sẵn sàng chia sẻ những gì mình biết. Người công dân theo khái niệm mới này, chủ yếu dựa trên sức mạnh nội tâm của chính mình

“Người Việt Nam hay đặt câu hỏi làm trong nước thế này, ra nước ngoài có làm được không, người ta có quý, tôn trọng mình không? Thực ra nó đơn giản vô cùng, không khó khăn gì!”, ông Trường nói với khán giả và cho biết việc quan tâm, yêu thương nhân loại thể hiện qua những cử chỉ rất đơn giản

Kể lại một cuộc nói chuyện với các em học sinh cấp 3 ở Bắc Giang, ông cho biết mình từng yêu cầu các em áp dụng nguyên tắc đầu tiên của công dân toàn cầu: “Hãy hứa với thầy là mỗi tuần các em sẽ nhặt một mẩu giấy dưới đất bỏ vào thùng rác”. Tuy nhiên, thay vì hào hứng đáp lại, khuôn mặt các bạn trẻ ngẩn ra


“Thầy làm cái đó mỗi phút trong suốt cuộc đời. Các em thấy khó vì chưa bao giờ làm. Thậm chí có giấy trong túi còn vứt xuống đất. Thực ra thầy không đòi các em nhặt một tờ giấy, thầy chỉ muốn bẻ gẫy suy nghĩ của các em”, ông Trường bày tỏ

Nói với các bạn trẻ hôm đấy, ông chỉ yêu cầu các em thực hiện điều này. Đây là nguyên tắc đầu tiên mà một công dân toàn cầu phải học, là biết yêu thương địa cầu, nơi mà các em sinh sống. Bởi mỗi người chỉ cần vứt một tờ giấy, trái đất sẽ trở thành trái rác. Đó là bài học vỡ lòng mà GS. Trường muốn các em học sinh hiểu được, trước khi các em ao ước làm việc gì đó lớn lao hơn


Trở lại hội trường với những người trẻ đang mang trong mình nhiều khát vọng, ông Trường nhấn mạnh không phải cứ biết ngoại ngữ, làm ở nơi này, nơi kia là trở thành công dân toàn cầu

Công dân toàn cầu thực ra đơn giản hơn nhiều. Theo ông Trường, khi các bạn trẻ ra nước ngoài, hãy là chính mình, nhưng “đừng nhắc nhở mình mỗi 5 phút: tôi là người Việt Nam”. Đây là tâm lý chung của hầu hết người Việt khi bước ra môi trường quốc tế: mặc cảm về chính mình, lo sợ sự khác biệt của bản thân sẽ là rào cản. Sự tự nhắc nhở này, vô hình chung đã tạo ra những rào cản khiến họ không hòa nhập được trong các môi trường đa văn hoá

“Các em đang may mắn vô cùng vì những người giống các em đông lắm. Ví dụ như sang Pháp ngày xưa, những người ở đó không giống các em, họ chỉ giống nhau thôi. Nhưng giờ nước Pháp đầy màu sắc, đầy quốc tịch. Đừng bao giờ bắt đầu một câu nói, một suy nghĩ với kiểu: Tôi là người Việt Nam, hãy nhìn nó với góc độ của chính em mà thôi”, GS. Trường nói


Ông nhấn mạnh hãy bỏ đi suy nghĩ mình là một nước bé. Giờ đây, khi biên giới quốc gia ngày một bị xóa nhoà, làn sóng di chuyển đang diễn ra trên toàn cầu. Mặt khác, thế giới được vận hành trên những nguyên tắc mà nếu tuân thủ nó, thì dù bạn là ai, bạn cũng có chỗ đứng

“Các em phải tự tin. Nhưng trong sự tự tin đó, phải học tập, tư duy không ngừng. Đất nước chúng ta phải trở thành hùng cường”, GS. Phan Văn Trường nhấn mạnh

Ông phân tích rằng bên cạnh những yếu tố thuận lợi về vị trí, tiềm năng, người Việt có khả năng hấp thu và tiến bộ rất nhanh. “Không có một nước nào như Việt Nam có đầy đủ hết các yếu tố để phát triển”, ông nói và nhấn mạnh 50 năm đầu của thế kỷ 21 là cơ hội khủng khiếp để Việt Nam trở thành đất nước mà mỗi người dân mong muốn. Dù vậy, điều này chưa xảy ra vì bản thân người Việt, theo GS. Trường là không có tư duy tiến không ngừng


Thành công của mỗi người sẽ khác nhau, nhưng tựu chung sẽ dựa trên một số nguyên tắc. Trao đổi với Trí Thức Trẻ, GS. Phan Văn Trường nói rằng ông mong muốn các bạn trẻ Việt Nam sẽ hiểu được 5 vấn đề

Thứ nhất, ông thẳng thắn nói rằng bản thân không thể chấp nhận được khi câu cửa miệng của nhiều người là “tranh thủ”. Theo ông, không có công việc nào là tranh thủ cả. Bất cứ việc gì cũng phải làm sâu sắc, làm đến nơi đến chốn, làm theo nhịp độ của bản thân, không phải vội vàng. “Tư duy này ngược hẳn với tư duy làm cho xong việc. Tư duy làm xong việc là tư duy chết”, ông khẳng định

Thứ hai, ông cho rằng đừng nghĩ đến đồng tiền khi làm việc. Bởi khi nhiệt tâm lao động, tiền sẽ đến một cách dĩ nhiên. “Đồng tiền sẽ không thể tránh mình được. Còn khi cứ suy nghĩ về tiền thì sẽ đến lúc các em sẽ cảm thấy đủ rồi, nhưng việc mà mình làm thực tế vẫn còn đào sâu được. Cứ làm đi, tất cả những người nổi tiếng đều thực hiện điều này”


Thứ ba, GS. Trường nhấn mạnh làm bất cứ công việc gì cũng phải cố gắng hết sức. Sự cố gắng này nhằm tạo ra giá trị cho chính bản thân mỗi người. Bởi sự “dày hay mỏng” của mỗi cá nhân là do chính sự cố gắng của họ. Nếu tạo càng nhiều, giá trị của một người sẽ càng dày lên và ngược lại

Thứ tư là về cơ hội. Cơ hội của mỗi người thực tế là rất nhiều nhưng nó thường không đến với hình hài màu mỡ của cơ hội, thay vào đó là dáng vẻ của thách thức

“Nếu cơ hội mà dễ dàng như việc có người mang đến cho các em một khay vàng, hãy sợ điều đó. Cơ hội thật sự là một thách thức mà khi các em làm được, các em sẽ được đánh giá đúng và được giao thêm nhiều trọng trách lớn hơn”, ông nhìn nhận


Thứ năm là lời khuyên về đạo đức. Ông Trường cho rằng bất cứ việc gì cũng cần phải làm với tinh thần nhân ái và đạo đức. Một việc làm cần phải có ích cho mọi người, phải biết xin lỗi mỗi khi mắc phải sai lầm và không để sai lầm tái phạm. Tuy nhiên, ông khẳng định đạo đức là thứ khó giữ và phải luôn rèn luyện mỗi phút trong cuộc đời

“Khi mà các em có đạo đức, làm việc cố gắng hết mình, làm thật sâu sắc công việc và có lòng nhân ái với mọi người, các em sẽ thấy tại sao xã hội đẩy mình lên. Nhưng đây là kết quả chứ không phải là sự tìm kiếm của mình. Mình chỉ tìm kiếm hai thứ thôi: giá trị cho người khác và giá trị cho chính mình”, ông khẳng định




Khiêm tốn là một trong những đức tính được GS. Phan Văn Trường nhấn mạnh nhiều lần trong cuộc nói chuyện. Ông chia sẻ rằng bản thân quen rất nhiều người giỏi nhưng họ không khiêm tốn và họ lo rằng thiên hạ không đánh giá đúng. Nhưng ông lại nghĩ khác

Ông cho rằng không nên bận tâm đến đánh giá của người khác bởi đấy là thứ bản thân mình không thể kiểm soát được. “Các bạn muốn vẽ một bức tranh thật đẹp mà có tôi trong đó không đẹp được thì cũng không biết làm sao bây giờ. Phải xin lỗi và rút lui chứ sao”, ông hóm hỉnh nói

Theo ông, đừng bao giờ cảm thấy bị xúc phạm, mỗi người cần giữ thái độ tích cực, phải tự đánh giá chính mình, chỗ nào sai thì sửa

Mỗi người hẳn nhiên đều có tính tự ái, nhưng quan trọng là không để tự ái sai chỗ. Tự ái đúng chỗ, như ông nói là biết mình thất bại ở đâu để cố gắng bổ sung thêm các giá trị mới


“Xã hội bao giờ cũng đánh giá mình đúng lắm, họ không đánh giá sai ai cả. Nếu đánh giá sai có nghĩa là mình làm chưa đủ tốt”, ông cười nói

Người đàn ông từng là Phó Chủ tịch của Tập đoàn Alsthom, Pháp với tổng những hợp đồng đã ký trong đời có giá trị hơn 60 tỷ USD, được nước Pháp vinh danh với Huân chương Bắc Đẩu Bội Tinh thường nhìn nhận bản thân là kẻ may mắn

“Hãy nhìn một đàn kiến, trong đó có một con mang tên Phan Văn Trường, chẳng hiểu sao lại được Thượng đế nhấc lên cao”, ông hài hước ví von. Nhưng ông cũng nghiêm túc khi nói rằng nếu ngược lại, nếu Thượng đế dí bẹp “con kiến Phan Văn Trường” thì sẽ thế nào. Do vậy, ông cho rằng được sống và làm việc như hiện tại, đã là một điều may mắn

Cuộc đời mỗi người, như nhân sinh của ông, chỉ là một con kiến trong dòng kiến của nhân loại. Thế nên nếu bất cứ ai nghĩ mình cao hơn, huênh hoang hơn người khác là một sự nhầm lẫn. “Hãy khiêm tốn một cách thành thật, mình chỉ là con kiến chưa bị ông thần nào lỡ tay đè bẹp mà thôi!”, GS. Phan Văn Trường nói

Phương Ánh
 
cover_GFCT.gif



LTS: Kính thưa quý độc giả! trong buổi họp mặt kiều bào mừng Xuân Kỷ Hợi năm 2019 do Thành ủy - HĐND - UBND - Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM tổ chức, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân cho biết TP đang triển khai Đề án xây dựng TP.HCM trở thành đô thị thông minh; xây dựng Khu Đô thị sáng tạo tại Quận 2, Quận 9, quận Thủ Đức; ứng dụng khoa học công nghệ để phát triển… Qua đó, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân bày tỏ mong muốn và tin tưởng bà con kiều bào sẽ đóng góp trí tuệ để TP có những giải pháp hiệu quả trong phát triển. Pháp Luật TP.HCM xin giới thiệu loạt bài viết ghi nhận những tâm tư, gợi ý chính sách từ các kiều bào trí thức nhằm góp phần xây dựng và phát triển TP.HCM nói riêng và Việt Nam nói chung

Dịp đầu năm Kỷ Hợi, tôi có dịp trao đổi với Giáo sư (GS) Phan Văn Trường – một trí thức Việt kiều nổi bật từng có hàng chục năm kinh nghiệm trong lĩnh vực thương mại quốc tế, đàm phán quốc tế. Vài năm gần đây, GS Phan Văn Trường càng được nhiều người Việt Nam biết đến thông qua các hoạt động diễn thuyết, tư vấn, hỗ trợ các hoạt động về giáo dục, khởi nghiệp và hội nhập

Vấn đề mà chúng tôi trao đổi với nhau lần này chính là làm sao để phát huy nguồn lực, nhất là nguồn nhân lực trẻ và năng động của Việt Nam trong bối cảnh cách mạng 4.0 đang diễn ra. Và quan trọng không kém là làm sao để Việt Nam ngày càng có nhiều hơn những đột phá về nông nghiệp lẫn công nghiệp, dựa trên các ưu thế về con người và cơ hội từ quá trình hội nhập

box_wvyf.gif


head-1_sbti.png


+ Phóng viên:Thưa ông, cụm từ “công dân toàn cầu” những năm gần đây liên tục xuất hiện ở Việt Nam. Theo ông, hiểu như thế nào cho đúng bản chất và dễ hình dung nhất về khái niệm này khi áp dụng vào thanh niên Việt Nam ?

. GS Phan Văn Trường: Ngày nay vẫn còn có nhiều bạn trẻ chưa hiểu rõ khái niệm của cụm từ “công dân toàn cầu”, tuy nhiên số người này càng ngày càng ít đi nhờ vào truyền thông, mạng xã hội đã mang cuộc sống toàn cầu đến gần chúng ta hơn. Hình ảnh của nhiều nơi trên thế giới tràn ngập màn hình, nhờ đó chúng ta hình dung được rõ hơn những người dân nước khác sống ra sao

Ngoài ra. nước ta cũng đón nhận nhiều khách nước ngoài, từ đó ta thấy họ gần gũi chúng ta hơn.Xa hơn thế, những hình ảnh trên các phương tiện truyền thông có ảnh hưởng mạnh mẽ đối với lối sống của mỗi người hơn chúng ta tưởng tượng. Rất khó biết là mình đang ở nước nào khi nhìn cách ăn mặc, cách đối xử,… ngày nay qua những hình ảnh ngoài đường phố. Điều này chứng tỏ có một sự đồng hóa về phong cách sống. Thế rồi các thương hiệu đa quốc gia như McDonald’s hay Starbucks càng làm cho mọi người có cảm tưởng trên toàn địa cầu mọi người đang tự đồng hóa theo một phong cách sống duy nhất

Thực ra, cụm từ “công dân toàn cầu” chứa đựng nhiều ý nghĩa hơn thế. Ngày nay, mỗi người phải ý thức được địa cầu là tài sản chung của nhân loại, và mỗi chúng ta có bổn phận phải giữ cho địa cầu sạch, giảm thiểu ô nhiễm, an toàn, dễ sống, thậm chí bảo vệ địa cầu để con cháu chúng ta có được môi sinh tốt hơn chúng ta ngày nay. Chỉ một vài ví dụ rất nhỏ và gần gũi: Công dân toàn cầu không bao giờ ném giấy xuống đất, làm ô uế một dòng sông, không hút thuốc trong thang máy, không ồn ào, kính trọng phụ nữ, nhường chỗ cho người khuyết tật hay cao tuổi…

Thế rồi mỗi công dân toàn cầu cũng phải tuân thủ một kỷ luật chung, một cách nhìn chung về giáo dục cũng như về tư duy pháp lý; họ cần có một ý niệm giống nhau về cuộc sống văn minh

quote-1_dbxc.png


Trong địa hạt kinh doanh thì các công dân toàn cầu đã hầu hết chọn tiếng Anh làm ngôn ngữ chung. Chúng ta dùng Bộ luật kinh doanh của Anh để điều hành việc thương thảo giữa những đối tác quốc tế. Không có quy luật nào bắt buộc chuyện đó, nhưng tiếng Anh và Luật Kinh doanh Anh từ nhiều năm nay đã được đánh giá là mang lại cá tính giúp cho những vụ thương thảo dễ nắm bắt nhất cho mọi đối tác từ mọi nước. Cách đây hơn trăm năm, người ta cứ mơ cả thế giới sẽ nói tiếng Esperanto nhưng rồi tiếng Anh đã trở thành ngôn ngữ thực dụng nhất

Cùng đi đôi với ngôn ngữ và hành lang luật pháp, thế giới cũng đã chọn một loại phong cách mà chỉ có công dân toàn cầu có được: cách viết email cho nhau, cách giao lưu, cách thương thảo, cách mời nhau, dần dần đi tới những cách ăn mặc cho những buổi họp chính thức, cách phát biểu trong các hội nghị,…. Những cách thức này, tuy không được viết ra, nhưng được mọi công dân toàn cầu nhìn nhận, lại càng làm cho phong cách “công dân toàn cầu” gần như được mã hóa

head-2_kcng.png


+ Là người giàu kinh nghiệm khi từng làm việc với hàng trăm quốc gia, đồng thời cũng đi khắp mọi miền Việt Nam và làm việc với rất nhiều người trẻ, ông đánh giá như thế nào về điểm mạnh nổi bật và hạn chế lớn nhất của thanh niên Việt Nam trong tư thế hội nhập, nhất là khi so sánh với thanh niên các quốc gia phát triển ?

. Người nước ngoài rất kính trọng người Việt chúng ta. Họ ấn tượng với sự ý tứ, giáo dục, tế nhị của phụ nữ Việt; sự nhanh nhẹn, biến báo, lễ độ của phái nam. Tôi đã từng gặp một chủ doanh nghiệp Pháp ở đô thị Lille chỉ muốn mướn người Việt Nam vào làm việc. Người Việt ở nước ngoài số đông gây ấn tượng tốt, tuy vẫn không thể tránh một vài trường hợp tiêu cực hiếm hoi

Ở trong nước thì hơi khác một chút. Chúng ta có những khuyết điểm tập thể làm hại cho công việc của chính chúng ta. Ví dụ như tư duy làm vội cho xong việc, suy diễn phần nhiều bằng linh tính. Do đó những lý luận của chúng ta dễ đưa đến cảm tính, trong khi đáng lẽ lý trí phải chiếm phần mạch lạc hơn

Chúng ta là một dân tộc không biết giữ bí mật, đây là một điều tối kỵ trong công việc, nhất là khi làm việc với các công ty nước ngoài. Ở các nước Tây Phương, chuyện gì không liên quan đến bạn thì bạn sẽ không bao giờ nhận được thông tin. Tại các văn phòng trong nước, ai cũng biết hết mọi chuyện, thành thử không khí làm việc mất phần nghiêm túc. Rồi có người can thiệp vào việc không phải của mình

Tóm lại, tôi cũng như các chuyên gia nước ngoài đánh giá rất cao các cộng sự người Việt Nam, nhất là trong môi trường làm việc ở nước ngoài. Nếu họ làm việc bớt vội vàng, bớt tạm bợ, bớt nói ra nói vào những điều không liên quan đến công việc, nếu lý trí chiếm phần nhiều trong những cuộc đàm thoại công việc thì thật hoàn hảo. Dù vậy nhìn chung, các bạn trẻ Việt Nam rất “có hạng” nếu so sánh với các bạn nước ngoài

quote-2_iytf.png


+ Thời gian qua, nhiều bạn trẻ Việt Nam có xu hướng quan tâm nhiều hơn đến các vấn đề của thế giới, như bảo vệ động vật hoang dã, bảo vệ và phát triển hệ sinh thái rùa biển, phong trào không dùng túi nilong và ống hút nhựa,.... Tuy nhiên, cũng không ít bạn trẻ tỏ ra “vô cảm” hay thờ ơ với các vấn đề chung ngay cả khi họ thuộc nhóm trí thức. Theo quan sát của ông, xu hướng nào trong 2 xu hướng trên đây hiện lấn át hơn, và nguyên nhân vì sao ?

. Người Việt chúng ta đã để mất đi một cá tính mà thế hệ xưa còn giữ, ngày nay kém đi nhiều, đó là lý luận hệ thống. Khi lý luận hệ thống thiếu vắng, thì không ai còn cảm nhận được trách nhiệm của mình trong thế giới này nữa. Tôi ném giấy xuống đất thì có sao đâu? Tôi chỉ dùng một túi nilon thì bạn trách gì tôi ? Đó là cách nhìn vô cùng sai lầm vì nó không lồng trong một lý luận mang tính hệ thống.

Khi tôi đi nói chuyện tại các trường THPT, tôi xin các bạn học sinh hãy hứa với tôi là mỗi tuần, các em chỉ nhặt cho tôi một giấy rác rồi bỏ vào thùng rác. Em nào cũng bảo dễ, tôi nói thế thì mình làm ngay nhé! Và tôi giải thích cho các em là tôi muốn bẻ gãy tư duy ném rác vô tội vạ của các em

Bạn có biết không, tôi đã đi 80 quốc gia, trên thế giới này có nhiều nước đẹp lắm, như Brasil, Pháp, Ý, Canada. Nhưng Việt Nam của chúng ta là một trong những quốc gia đẹp nhất hành tinh. Người nước ngoài cũng nhìn nhận như vậy. Nếu chính chúng ta trân quý đất nước hơn thì Việt Nam còn đẹp hơn nhiều nữa

Các bạn coi, các nước Ả Rập – từ Nam chí Bắc, từ Đông sang Tây – chỉ toàn cát là cát, không có nước ngọt. Vậy mà họ trân quý đất nước của họ như thế nào. Khác tư duy, khác số phận

quote-3_iuoh.png


head-3_stqo.png


+ Thế giới ngày càng “phẳng” và yêu cầu về việc áp dụng khoa học, công nghệ vào hầu hết các lĩnh vực gần như là bắt buộc. Ông đánh giá như thế nào về khả năng tiếp cận và sử dụng công nghệ vào công việc của các bạn trẻ ngày nay ?

. Tôi rất tin tưởng vào khả năng của dân tộc để bắt ngang đi con đường tắt tới cuộc cách mạng công nghệ 4.0. Tuổi trẻ Việt Nam có thừa khả năng để tiếp cận sớm các công nghệ mới. Ít nhất chúng ta cũng sẽ hơn nhiều quốc gia về mặt này

Nhưng để làm việc này, tôi khuyên mọi trí thức trong nước cùng bắt tay vào hệ thống cải tiến. Việc này không dễ. Trong nhiều lĩnh vực như giao thông, nông nghiệp, có rất đông trí thức vẫn tưởng mình không liên quan trong khi chính họ là lý do của sự tụt hậu

Ví dụ, ngành địa ốc là một trong những nguyên nhân lớn của việc giao thông ùn tắc. Họ không hiểu được rằng việc xây dựng công trình có ảnh hưởng đến số lượng xe đi làm, đi chơi hay sao? Nhưng tôi chưa thấy ai chỉ mặt được ngành địa ốc là một nguyên do của ùn tắc giao thông

Một ví dụ khác là nông nghiệp. Hơn 50 chục triệu nông dân không tìm được đầu ra cho nông sản của họ. Lý do là vì nước chúng ta không có một hệ thống phân phối nông sản quy củ. Bạn hỏi thử xem ai là người mang trách nhiệm? Không ai hết. Trong một nước dài hơn 2000km từ Bắc chí Nam thì lại càng cần có hệ thống phân phối hiệu quả, nếu chúng ta muốn người Nam được thưởng thức vải thiều tươi từ miền Bắc, và ngược lại, người Bắc dễ tìm sầu riêng hoặc trái bơ nõn nà của miền Nam

Thành thử, cách mạng công nghệ 4.0 sẽ mang lại nhiều thành quả về hiệu năng, nhưng trước hết chúng ta phải tạo hệ thống tư tưởng và hành động, cũng như hệ thống hạ tầng để cách mạng 4.0 có sân chơi. Không có sân chơi được tổ chức như là một hệ thống thì không có cách mạng công nghệ nào có thể mang lại cái gì đáng kể

quote-5_hvry.png


+ Tố chất “sáng tạo” rất quan trọng, và ông từng nói rằng “Óc sáng tạo là vua của thế giới mới” (báo VNExpress năm 2015). Thanh niên Việt Nam, trong tương quan với yêu cầu của công việc trong giai đoạn hội nhập hiện nay, có thực sự sáng tạo hiệu quả ?

. Thanh niên Việt Nam có óc sáng tạo rất phong phú và trong sáng, thật đáng quý! Đây không phải lời nói suông của cá nhân tôi mà cũng là sự đánh giá của biết bao nhiêu công ty nước ngoài, nhất là những công ty IT và công ty chế tạo vũ khí bên Mỹ

Hệ thống nghiên cứu và phát triển công nghệ ở nước ngoài, nhất là Mỹ, là một hệ thống chặt chẽ. Hễ ai chế tạo ra được cái gì, thì cả hệ thống sẽ được hưởng ngay tất cả kết quả của sự phát minh. Và người sáng tạo cũng được hưởng ngay phần thưởng xứng đáng từ cả hệ thống công nghệ

Ngay ở đây, chúng ta thấy quốc gia nào không có cả một hệ thống sáng tạo như Silicon Valley sẽ không tạo ra được sự trù phú kinh tế. Nước Pháp chẳng hạn. Người Do Thái đã thành công trong việc tạo nên hệ sinh thái cho việc nghiên cứu và phát triển công nghệ, kể cả cho nông nghiệp

Vì Việt Nam chúng ta chưa có hệ thống sinh thái cho việc sáng tạo, nên chúng ta có rất ít sáng chế trong nước. Trong khi đó các chuyên gia và nhà khoa học Việt Nam rất được chuộng tại nước ngoài do những phát minh của họ. Ở đây, tôi muốn mọi người chú ý rằng việc trả lương cao cho chuyên viên Việt Nam về nước là một cử chỉ đáng quý, nhưng vẫn chưa quan trọng bằng việc tạo ra hệ sinh thái cho việc phát triển và nghiên cứu

quote-6_onqd.png


head-4_ruuq.png


+ Gắn bó với rất nhiều bạn trẻ ở Việt Nam trong khởi nghiệp, ông đánh giá như thế nào về năng lực của họ trong tương quan với chất lượng khởi nghiệp của khu vực Đông Nam Á và thế giới nói chung ?

Tương lai của các quốc gia tùy thuộc khá nhiều vào các công ty khởi nghiệp trong mọi ngành. Thử tưởng tượng nước Mỹ ngày nay mà không có Microsoft hay Google. Trong nông nghiệp, Việt Nam có khả năng thuộc top 10 thế giới nếu các nhóm nông dân trẻ tuổi được khuyến khích đúng mức. Trong công nghệ và các ngành công nghiệp cũng vậy, tuổi trẻ Việt Nam có rất đông nhân tài

Tuy nhiên, hệ sinh thái cho việc khởi nghiệp tại nước ta không có. Cả nước chúng ta tham gia vào ngành địa ốc. Tuy nhiên, chúng ta không tham gia vào việc tạo hệ sinh thái khởi nghiệp

Ví dụ, trong nông nghiệp, hệ sinh thái khởi nghiệp trước hết là một đạo luật về đất đai. Sau đó là hệ thống hành chính và thuế vụ tạo thuận lợi cho các công ty khởi nghiệp dễ dàng. Một tổ chức toàn quốc để phân phối nông sản cũng vô cùng quan trọng. Rồi cả việc chọn giống một cách hệ thống: giống chăn nuôi, giống lúa, giống cây… Cuối cùng là hệ thống kiểm chứng nông sản, và giám sát việc sử dụng hóa chất; một hệ thống ngân hàng tạo nguồn vốn cho các nông dân trẻ tuổi,… Chúng ta thực ra cũng làm chút ít mỗi thứ nhưng không có hệ thống quy củ và đoàn kết. Các nông dân khởi nghiệp trẻ còn lẻ loi, không biết vịn vào đâu để khởi nghiệp và phát triển

Về công nghiệp cũng vậy. Chúng ta mua tàu metro, nhưng chúng ta không mua chuyển giao công nghệ. Vậy biết bao giờ chúng ta sẽ có đủ khả năng tự tạo tàu điện ngầm? Tại sao chúng ta không làm được trong khi bao nhiêu quốc gia khác làm được? Đó là vì chúng ta không có tổ chức hệ thống. Người mua tàu metro không liên quan gì với người phát triển công nghệ metro tại nước Việt Nam chúng ta

Nhìn dưới góc cạnh này, thì nếu chúng ta tiếp tục, chúng ta không có mảy may hy vọng có được bước tiến đột phá trong tương lai, trong khi Việt Nam có đầy nhân tài có nhuệ khí và lý tưởng

quote-7_evmd.png


+ Để cải thiện các hạn chế hiện nay của thanh niên Việt Nam, ở góc độ mỗi cá nhân người trẻ, ông có lời khuyên gì với họ ?

. Vì không có hệ sinh thái đón nhận họ tại Việt Nam, tôi khuyên các bạn trẻ Việt Nam hãy đi tập sự ở nước ngoài trước khi về nước để cố tạo ra hệ sinh thái cho sự phát triển công nghệ và công nghiệp sau này. Hiện thời trong nước, các doanh nghiệp nước ngoài cũng tham gia vào việc này một cách gián tiếp. Nhưng từ hàng ngũ chúng ta thì chưa thực sự phôi thai

Thực hiện
ĐỖ THIỆN (nội dung)
HOÀNG QUYÊN (đồ họa)
TRƯỜNG GIANG & THANH VÂN (Ảnh)
 
Top