What's new
Vietnam - Điện Biên Phủ Kinh Tế

This is a sample guest message. Register a free account today to become a member! Once signed in, you'll be able to participate on this site by adding your own topics and posts, as well as connect with other members through your own private inbox!

Lobby & Cộng đồng người Việt ở Đức

LOBBY.VN

Administrator
Ra mắt trung tâm hàng Việt Nam tại Đức​

sasco405.jpg

Doanh nghiệp Việt Nam sẽ có thêm cơ hội quảng bá sản phẩm và tìm kiếm khách hàng tại thị trường Đức và châu Âu khi trung tâm hàng Việt Nam tại Berlin dự kiến sẽ chính thức đi vào hoạt động giữa năm 2012

Công ty TNHH một thành viên dịch vụ hàng không sân bay Tân Sơn Nhất (SASCO) ngày 27-12 đã giới thiệu Trung tâm hàng Việt tại Berlin (Viet-Mart Berlin) cho các doanh nghiệp Việt Nam đang có nhu cầu tìm kiếm khách hàng tại Đức và châu Âu

Trung tâm này thuộc dự án công ty cổ phần Nhà Việt (VietHaus AG) do SASCO và công ty cổ phần dịch vụ viễn thông toàn cầu (GTSC) đầu tư

Dự án VietHaus (ngôi nhà Việt) có tổng vốn đầu tư 10 triệu đô la Mỹ, và là một trong 10 dự án đăng ký đầu tư của Việt Nam tại Đức từ trước đến nay có tổng vốn đầu tư 25 triệu đô la Mỹ

Dự án VietHaus chính thức khai thác kinh doanh vào năm 2008 và bao gồm một cụm nhà hàng, khách sạn, trung tâm tiệc và sự kiện, trung tâm trưng bày và bán hàng Việt Nam…tại trung tâm thủ đô Berlin (Đức).
Trung tâm trưng bày hàng Việt sẽ chính thức khai trương vào tháng 6-2012

Theo đại diện SASCO, doanh nghiệp có thể trả chi phí để hợp tác toàn phần, như ủy quyền VietHaus giới thiệu sản phẩm tại Đức, hoặc hợp tác từng phần để quảng bá sản phẩm theo từng thời kỳ

Phó giám đốc SASCO, bà Đoàn Thị Mai Hương cho biết ngoài việc trưng bày sản phẩm tại các gian hàng, trung tâm này có thể cung cấp dịch vụ nghiên cứu thị trường cho từng sản phẩm của doanh nghiệp. Ngoài ra, trung tâm có các kho lạnh để lưu trữ hàng hoá và giúp vận chuyển đưa hàng Việt Nam đáp ứng các tiêu chuẩn của Đức sang thị trường này

Dự kiến, dự án sẽ được mở rộng và phát triển sau khi được đưa vào kế hoạch hành động chiến lược thuộc “Tuyên bố chung Hà Nội – Việt Nam và Đức - Đối tác chiến lược vì tương lai” được ký kết giữa Chính phủ Việt Nam và Đức nhân chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Đức Angela Merkel vào tháng 10-2011

Ông Nguyễn Quốc Danh, Tổng giám đốc SASCO, cho biết việc đi lại giữa Đức và Việt Nam sẽ thuận tiện hơn khi chuyến bay trực tiếp giữa Berlin và Việt Nam dự kiến sẽ được mở vào năm 2012

Thêm nhiều trung tâm xúc tiến thương mại tại nước ngoài:Theo ông Đỗ Thắng Hải, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương), Chính phủ đã giao bộ này xây dựng đề án xây dựng trung tâm xúc tiến thương mại tại nước ngoài

Tại thị trường Trung Quốc, Việt Nam dự kiến thành lập 5 văn phòng xúc tiến thương mại, dự kiến hoàn tất trong năm 2012. Tại Mỹ, Việt Nam đã có trung tâm xúc tiến thương mại tại New York, và đang xúc tiến mở thêm 1-2 trung tâm xúc tiến thương mại khác

Ngoài ra, một trung tâm hàng Việt Nam với quy mô lớn cũng vừa được mở tại Nga và dự kiến một trung tâm tương tự sẽ được mở vào tháng 3-2012 tại Ukraine
 
Đại hội Thành lập Liên hiệp Người Việt toàn CHLB Đức
Sự kiện trọng đại, cột mốc lịch sử của cộng đồng​

NguoiViet.de - Nếu lấy ngày 22.09.1955, khi đoàn 149 học sinh Việt Nam sang Cộng hoà Dân chủ Đức học tập, làm mốc khởi đầu hình thành cộng đồng người Việt ở Đức, thì tới nay lịch sử cộng đồng người Việt ở Đức đã trải qua non 60 năm, gần một đời người làm việc

Quãng thời gian lịch sử đó đã đưa cộng đồng người Việt ở Đức từ con số 149 thành 125.000 người Việt đông đảo hiện nay, có mặt hầu khắp nước Đức, đứng hàng đầu các sắc tộc ngoại kiều nhiều thành phố

1320842500nv.jpg

Các đại biểu tham gia bầu cử tại Đại hội Thành lập Liên hiệp Người Việt toàn CHLB Đức​

Tại buổi tiếp đón 149 học sinh Việt Nam ở trường phổ thông Moritzburg, Dresden, ông hiệu trưởng lúc đó phát biểu, đây là ngôi nhà của các em, các thầy các cô, sẽ thay mặt cha mẹ các em chăm sóc các em - nghĩa là một cộng đồng người Việt được giám hộ

Gần 60 năm sau, cộng đồng người Việt ở Đức đã có chừng 100 hội đoàn, ước 10.000 doanh nghiệp và gần 50.000 lao động, tạo nên một cộng đồng tự chủ hùng hậu; riêng chuyển về giúp đỡ trong nước, theo ước tính của ngân hàng Đức, Deutsche Bank, chừng 30-35 triệu Euro hàng năm, bình quân mỗi gia đình chừng 1000 Euro

Từ cột mốc 149 học sinh được giám hộ, gần 60 năm sau, nước Đức phải trầm trồ thán phục sức học của con em người Việt, đạt tỷ lệ vào trường chuyên tới 59%, vượt qua học sinh bản xứ chỉ 43%, bỏ xa học sinh Thổ Nhĩ Kỳ đông non 2 triệu người chỉ 14%

Một cộng đồng phát triển hàng đầu các sắc tộc ngoại kiều như vậy, rất cần một tổ chức hội đoàn đại diện cho toàn cộng đồng, vì cộng đồng, khẳng định vị thế và tiếng nói của mình đối với nước sở tại, với trong nước, vốn không thể thiếu đối với một cộng đồng mạnh

Đại hội thành lập Liên hiệp Người Việt toàn CHLB Đức tổ chức tại Viethaus, ngày 22.10.2011, vì vậy, trở thành sự kiện trọng đại, đặt cột mốc, dấu ấn cho lịch sử phát triển cộng đồng người Việt ở Đức

Tầm vóc Đại hội. Đại hội khai mạc lúc 11 giờ, kết thúc sau gần 12 tiếng làm việc khẩn trương, nghiêm túc, thông qua Điều lệ, phương hướng nhiệm vụ, nghị quyết về nhân sự, về lệ phí, bầu cử Ban Chấp hành, bầu cử Hội đồng Thành viên. Với hội trường thiết kế hoành tráng công phu, xen kẽ một chương trình văn nghệ chọn lọc chào mừng đại hội sôi nổi, tổ chức hậu cần và đón tiếp chu đáo, được 7 tiểu ban phân công chuẩn bị cả tháng trời, Đại hội đã thu hút gần 200 người tham dự, trong đó có 172 đại biểu đến từ 72 hội đoàn, tổ chức, trên tổng số chừng 100 hội đoàn toàn Liên bang

Trong 72 hội đoàn, số lượng hội người Việt các điạ phương chiếm trên 1/3, với tổng số đại biểu chiếm trên một nửa Đại hội, số hội đồng hương chiếm gần 1/4, còn lại là các hội đoàn lĩnh vực, cùng các nhân sỹ trí thức doanh nhân hoạt động cộng đồng tích cực trên toàn Liên bang

Đại hội được đón tiếp Đại sứ TS Đỗ Hoà Bình cùng các cán bộ đại diện Đại sứ quán Việt Nam tại Đức. Là tài trợ chính cho Đại hội, Vietinbank có chi nhánh tại Đức, cử cả đoàn lãnh đạo cao cấp, từ trong nước sang dự, mang theo quà hiện vật đầy ý nghĩa trao tặng Hội

Đại hội đạt quy mô tầm cỡ cả về khâu tổ chức, hội trường, lẫn nghị trường, số lượng và cơ cấu đại biểu tham dự, chưa từng có ở bất kỳ đại hội người Việt nào trên toàn Liên bang xưa nay, trước hết bởi nó đáp ứng được ý chí, nguyện vọng của cộng đồng về một Hội người Việt toàn Liên bang, đại diện cho họ, vì họ, nên được chính họ ủng hộ

Về mặt tổ chức là kết quả hoạt động tích cực bài bản, khởi đầu từ thành lập nhóm nghiên cứu đề án xây dựng hội người Việt toàn Liên bang, cuối năm trước, với 6 thành viên, hoàn tất và lấy ý kiến qua nhiều cuộc gặp gỡ hội thảo kéo dài 6 tháng. Tiếp đến, thành lập Ban Tổ chức 25 thành viên ngày 10.07.2011 đại diện cho hơn 56 hội đoàn, tổ chức có mặt lúc đó

Với tinh thần trách nhiệm cao cả, tâm huyết vì cộng đồng, Ban Tổ chức đã làm hết sức mình, chuẩn bị hoàn chỉnh mọi văn kiện, nhân sự đại hội cùng mọi khâu phục vụ, trình duyệt tại Hội nghị Trù bị giữa Ban Tổ chức với đại diện các hội đoàn ngày 17.9.2011, tiếp tục nhóm họp hoàn thiện sau đó, để có được một Đại hội thành lập Hội người Việt toàn Liên bang với quy mô tầm cấp tương xứng, đi vào lịch sử cộng đồng người Việt ở Đức

Hội của ai ?

Rõ ràng tham gia hội chỉ có người Việt (kể cả gốc Việt), bất cứ ai là người Việt đều có thể tham gia, không phân biệt đảng phái, tôn giáo, nguồn gốc, miễn là thừa nhận điều lệ hội, nên nó được coi là của người Việt hiểu theo nghĩa thuộc cộng đồng người Việt, tương tự như bất cứ hội đoàn người nước ngoài nào ở Đức đều được coi là của người nước đó

Nhưng khác với Quốc hội được coi là của toàn dân bầu lên, mọi công dân đều có dự phần là chủ nhân của nó, Hội người Việt toàn Liên bang không phải do 125.000 người Việt bầu lên, cũng không do nhà nước Việt Nam hay Đại sứ quán thành lập, mà do các hội thành viên với 172 đại biểu cùng những cá nhân hoạt động cộng đồng tích cực tự nguyện hợp thành nó

Họ mới thực sự là chủ nhân, chịu trách nhiệm pháp lý về nó, chứ không phải toàn cộng đồng, cho dù nó ra đời chỉ vì cộng đồng, vốn được quy định tại điều §9 Quyền tự do lập hội, Hiến pháp Đức

Giải thích tại sao nước Đức cũng chỉ có 60% dân số thành lập nên tổng số 280.000 Hội đoàn, Hội người Hy Lạp toàn Liên bang Đức, ra đời từ năm 1963 cũng chỉ tập hợp được 60.000 người trên tổng số hơn 300.000 người tộc nước họ (1/5)

Tuy vậy, cả người ngoài hội, lẫn mọi tổ chức, cơ quan nhà nước độc lập với hội, đều ủng hộ hội, bởi đó là tổ chức dân sự thiện nguyện bất vụ lợi, càng đông người tham gia càng quý, không ai chống lại

Thực tế hoạt động hội đoàn đó ở Đức không phải người Việt nào cũng hoà nhập, dẫn tới bao khó khăn cho quá trình chuẩn bị Đại hội thành lập Liên hiệp người Việt toàn Liên bang; phải vượt qua không ít ý kiến tuyên truyền phản đối, do gắn hội với mục đích chính trị, vốn dĩ bị luật hội đoàn cấm

Bức tường Berlin đã phá bỏ cách đây hơn 20 năm, nhưng bức tường lòng người Việt giữa 2 chế độ trước đây, vẫn còn đó. Nặng nề hơn, hoặc ngờ vực Hội do Sứ quán lãnh đạo, mặc dù nó chưa hình thành. Hoặc ngược lại, đòi Sứ quán, viện cả về trong nước can thiệp, hệt mô hình hội đoàn trong nước, vốn được tổ chức theo cấp chính quyền, vi phạm luật pháp Đức, như trường hợp 10 cá nhân đòi “Ban công tác cộng đồng lùi ngày Đại hội một tháng“ vốn do hội nghị trù bị ấn định, không liên quan gì tới Đại sứ quán; viết cả “Báo cáo về việc thành lập Liên hiệp Người Việt toàn liên bang“ gửi về “Ủy ban nhà nước về Người Việt Nam ở nước ngoài“ để phản đối

Chưa kể, nói đến hội là nói đến đồng lòng, trong khi “mỗi đầu óc là một ý kiến, bao nhiêu trái tim có bấy nhiêu cách yêu đương“; không ít người, nhóm người từ chối tham gia, chỉ vì tâm lý trông thấy người khác, nhóm khác, có tên trong danh sách

Cũng không loại trừ động cơ cá nhân nảy sinh, khi ý kiến của mình không được đa số chấp thuận, hay vai trò kỳ vọng của cá nhân mình không được đáp ứng liền tổ chức vận động các cá nhân hội đoàn, yêu cầu không tham gia, vốn bị pháp luật Đức cấm tương tự như đối với cạnh tranh thiếu lành mạnh trong kinh doanh

Trước Đại hội 4 ngày, một danh sách 16 Hội đoàn được công bố không tham gia, rất bất lợi cho Đại hội, truyền khắp nơi qua mạng để “khẳng định“ do vậy “Liên hiệp Người Việt toàn Liên bang sẽ là một tổ chức không lớn mạnh, không xứng đáng như tên gọi“, mặc dù nó chưa ra đời

Thực tế 12 trên 16 hội đoàn trong danh sách công bố có từ 1-7 thành viên tới dự đại hội, 1 hội có tới 3 thành viên được bầu vào BCH Liên hiệp. Mọi trở ngại, Đại hội đã vượt qua, nhưng hệ quả của nó vẫn chưa hết. Nhiều E-Mail tưởng cứ nặc danh thì không thể điều tra, được truyền đi, vu khống, xúc phạm cá nhân, vi phạm cả pháp luật lẫn đạo đức; rốt cuộc cũng chỉ chĩa vào Hội, bằng cách làm nản lòng những người tâm huyết

Hội có khắc phục vượt lên được hay không, có tập hợp được đông đảo cộng đồng hay không, tùy thuộc vào bản thân hội có khẳng định được vai trò của mình hay không trong việc bảo vệ và phục vụ quyền lợi cho toàn thể cộng đồng, như Hội Thổ Nhĩ Kỳ Liên bang Đức với chương trình Giáo dục cho tương lai, trong vòng 5 năm giảm được 1 nửa học sinh phổ thông bỏ học giữa chừng

Hay Hội Hy Lạp năm 2000 đã thành công đòi chấp thuận song tịch. Trong khi đó cả trăm người Việt bị trục xuất đồng loạt năm trước, chỉ có Hội đoàn người Đức lên tiếng phản đối. Chị Trần Thị Hường tham gia biểu tình chống Trung Quốc trong nước vừa qua bị trục xuất trở lại Đức, liệu đã có hội đoàn người Việt nào chia sẻ ?

Hay Luật quốc tịch Việt Nam phân biệt người Việt định cư ở nước ngoài, họ sẽ bị tước quốc tịch, còn trong nước thì không, cho dù cùng một tội danh...

Ai sẽ bảo vệ được quyền lợi toàn cộng đồng, nếu không phải là Hội người Việt toàn Liên bang ?

TS Nguyễn Sỹ Phương
 
Hành trình tìm cha Việt của một cô gái Đức​

Cám ơn cuộc đời đã cho tôi một cô con gái, dù sinh ra và lớn lên ở nước ngoài, vẫn nhớ và tìm về nguồn cội như một bản năng sâu thẳm trong tâm hồn, trong dòng máu Việt

Tôi, người cha của cô gái ấy, cũng đi tìm cháu. Cuối cùng, cha con tôi đoàn tụ sau 27 năm xa cách

24 tuổi, tôi lần đầu được làm cha. Lúc đó tôi đang học nghề ở Đức. Mẹ cháu là người Đức. Con gái tôi sinh ngày 31 tháng 1 năm 1984, được đặt tên là Franziska Kellner

Tôi vẫn còn nhớ đứa con gái nhỏ xíu rất đáng yêu hồi đó. Thường chỉ cuối tuần tôi mới có dịp về thăm cháu, tôi đặt con lên chiếc xe nôi và đẩy đi chơi…

Sau này, cháu mới được 1 tuổi (năm 1985) thì tôi phải về Việt Nam. Gia đình tôi chuyển từ Hà Nội vào TP HCM. Đến năm 1987, tôi mất liên lạc với mẹ của Franziska, và từ đó không biết làm cách nào để biết được tình hình của con gái mình

Rồi cuộc sống cứ hối hả cuốn trôi mọi việc. Đôi lúc tôi lấy bức hình của Franziska lúc nhỏ ra xem, rồi tự hỏi không biết bây giờ con bé ra sao, nó sống có vui vẻ không, và có biết gì về tôi hay không…

Vài lần tôi đã sang Đức tìm Franziska. Vào các năm 1994, 1997, 2001, 2010; trong những chuyến đi ngắn ngày, tôi tới gặp một số bạn bè, người quen và nhờ hỏi thông tin, nhưng vì chỉ liên lạc được trong phạm vi hẹp nên không có manh mối gì

Sau này, một số người bạn Đức biết chuyện, bảo rằng tôi không biết cách, bởi theo họ, chỉ cần tôi mang hộ chiếu tới tòa Thị chính thành phố và nhờ tra sổ sách thì sẽ ra thông tin về Franziska một cách không mấy khó khăn !

Linh cảm thấy con gái đang tìm mình


Khoảng tháng 5 năm 2012, một hôm, có người gọi tới từ chương trình truyền hình của VTV “Như chia hề có cuộc chia ly”

Họ hỏi: Những năm 1980-1985, anh có ở bên Đức không? Tôi bật ra ngay câu hỏi: “Có phải con anh tìm anh à?”. Tôi nói tên của cháu hồi đó là Franziska Kellner (theo họ mẹ). Đầu dây bên kia ngập ngừng, rồi bảo tôi: “Hơi khác một chút anh ạ!”

Họ không nói gì thêm. Biết họ gọi từ chương trình “Như chưa hề có cuộc chia ly”, tôi gửi lời hỏi thăm chị Thu Uyên vì một lần có dịp quen biết, gặp chị trong công việc. Lúc đó chị đang đi công tác ở nước ngoài

Ngay hôm đó, tôi lập tức liên hệ với Folker Kraus-Weysser, một nhà báo người Đức, người bạn quen đã lâu năm của tôi. Mối liên hệ giữa chúng tôi khá thân thiết, nhưng dĩ nhiên không phải chuyện riêng tư nào tôi cũng chia sẻ với ông. Tôi kể với Folker chuyện mình đang đi tìm con gái, và hỏi ông ở Đức có chương trình nào tương tự như “Như chưa hề có cuộc chia ly không” để nhờ họ giúp...

Một tuần sau, Folker gửi email cho biết đã đến Tòa thị chính hỏi thông tin và biết được tên họ của con tôi nay đã đổi thành Garcia Almendaris. Ông nhắn tôi viết thư ủy nhiệm cho ông thay mặt tôi để tìm Franziska. (Lúc đó, tôi mới thấy tiếc quá, giá tôi nghĩ ra việc liên hệ với ông sớm hơn, nhờ ông tìm Franziska, có lẽ tôi đã có thể tìm thấy con mình từ bao giờ rồi !)

Khi được biết tên họ lúc đó của Franziska, tôi lên mạng Internet tìm thông tin. Có rất nhiều thông tin về một cô gái, cầu thủ đội tuyển bóng ném quốc gia Đức. Tôi ngắm ảnh cô gái, so với tấm ảnh cuối cùng của bé Franziska (năm 1989) tôi còn giữ được trước khi mất liên lạc. Thật kỳ lạ, trông có nét giống

Tôi viết thư đến website của đội tuyển, giới thiệu mình, nói rằng tôi đang tìm con gái, có cái tên giống như vậy. Liệu ban quản trị website có thể giúp tôi liên hệ với cô gái này xem cô ấy có phải là con của tôi không ?

Và rồi ngày hôm sau tôi nhận được một lá thư (email) không ký tên, nói rằng cô ấy đúng là con gái tôi, cô ấy đang đi tìm người cha Việt có tên giống tôi. Người viết email cũng cho tôi địa chỉ của Franziska để tôi liên hệ viết thư cho cháu

Lúc này tôi đã liên lạc được với Thu Uyên của chương trình “Như chưa hề có cuộc chia ly” và nhận được thông tin là con gái tôi, từ tháng 12/2011 đã liên hệ với tòa soạn Thời báo Việt Đức của người Việt ở LB Đức để nhờ tìm cha. Những thông tin mà Franziska gửi đến tòa soạn gồm cả tên tôi, địa chỉ cũ của gia đình tôi, tên cha mẹ tôi tức là ông bà nội của cháu… đủ để khẳng định tuyệt đối rằng Franziska chính là con gái tôi

Phút nghẹn ngào lần đầu thấy con

Tìm thấy con gái rồi. Niềm vui khôn tả xiết khiến tôi nghẹn ngào. Tôi chờ mong ngày được nhìn thấy con bằng da bằng thịt. Hàng ngày, tôi mở mạng Internet, tìm thêm thông tin về con

Tôi tự hào lắm. Tên con bé có trong Wikipedia và rất nhiều trên mạng. Franziska là kiện tượng đội tuyển bóng ném quốc gia ở Bayern. Con gái tôi đã trở thành vận động viên từ năm lên 6 tuổi, chơi rất nhiều môn: bóng đá, bóng ném, điền kinh. Tới 10 tuổi, Franziska quyết định theo đuổi bộ môn bóng ném nữ (woman handball) và được vào đội tuyển HV Guben, rồi đội tuyển TSG Ketsch, sau đó là đội tuyển thanh niên quốc gia rồi kiêm huấn luyện viên cho đội này

Franziska vừa đấu bóng chuyên nghiệp vừa học phổ thông, đỗ tốt nghiệp năm 2003. Con gái tôi đã đạt thành tích tuyệt vời trong thể thao: 2 lần tham gia giải vô địch bóng ném châu Âu và thế vận hội. Năm 2008, chơi cho đội tuyển FC Nurnberg vô địch quốc gia. Hai năm qua, Franziska chuyển qua đội Thuringer HC, và cùng đồng đội giật giải vô địch toàn quốc. Từ mùa hè 2011, Franziska chuyển qua đội tuyển Bayern Leverkusen và chơi cho tới tháng 7/2012

Rồi một ngày tháng 8/2012, tôi sang Paris, nơi cha tôi hiện đang định cư cùng gia đình chị gái tôi. Franziska cũng từ Đức sang Pháp. Ba thế hệ chúng tôi đã có một cuộc đoàn viên xúc động, những nụ cười chen lẫn những giọt nước mắt mừng vui

21-65067.jpg

Cha tôi, con gái tôi và tôi. Cuộc đoàn tụ tại Paris​

Franziska nói với tôi, rằng đã nhiều lần lên các mạng xã hội, gõ tên tôi (không dấu) để thử tìm, nhưng có đến hàng ngàn kết quả, khiến con gái tôi không biết đâu mà lần! Kỳ thực thì lúc đó tôi chưa sử dụng mạng xã hội nên Franziska có tìm cũng không thể thấy

Ai cũng bảo Franziska giống cha. Tôi cũng thấy như vậy. Nét mặt, đôi mắt, cái mũi, ánh nhìn... tôi thấy mình trong khuôn mặt của Franziska. Đứa con bé bỏng ngày nào của tôi nay đã trở thành một cô gái rất mạnh mẽ: Là kiện tướng thể thao, chơi chuyên nghiệp, nhưng cháu vẫn đi học ĐH Thể thao, tham dự khóa học về phát thanh và làm biên tập viên cho một tờ báo thể thao. Franziska ước mơ trở thành phóng viên, nên hiện đang tích cực viết bài cộng tác với nhiều tờ báo khác nhau

Franziska dự định tháng 12 tới sẽ sang thăm Việt Nam- quê cha, và đi một tour xuyên Việt. Cha con tôi hay nói chuyện với nhau về quê cha (fatherland)- Việt và đất mẹ (motherland)- Đức. Franziska dự định sẽ học tiếng Việt Nam. Cháu nói với tôi rằng mong muốn về Việt Nam gây dựng một đội bóng ném nữ thiếu niên, nếu có thể. Franziska cũng muốn làm lại các loại giấy tờ để đăng ký quốc tịch Việt Nam và lấy họ Vũ của cha trong tên minh

22-af519.jpg

Franziska muốn làm lại giấy khai sinh theo họ Vũ của tôi​

Xúc động những tấm lòng Việt

Rất nhiều người đã giúp cha con chúng tôi tìm nhau. Sau này, tìm lại trên mạng, tôi được biết, cách đó gần 2 năm, Thời báo Việt Đức nhận được một bức thư viết bằng tiếng Đức, nội dung như sau: “Tôi tên là Franziska Garcia Almendaris, 27 tuổi, xưa kia sống ở Guben, tiểu bang Brandenburg, sau này chuyển tới Leverkusen. Cha đẻ tôi là người Việt

Trước đây tôi không hề biết gì về cha, kể cả ảnh cũng như tin tức. Cứ mỗi lần hỏi, mẹ tôi lại trả lời đơn giản, cha phải trở về Việt Nam. Năm nay, tôi 27 tuổi và đang cố gắng làm cho mình một giấy khai sinh với tên tuổi đúng người cha Việt của tôi, bởi tôi rất mong mỏi gặp mặt cha của mình. Liệu toà soạn có thể giúp tôi được không ?”

Franziska cũng đưa ra những dữ liệu cần thiết mà cháu có được từ hồ sơ gốc, để tìm tôi, gồm: tên (Vu Tuan Hung), ngày sinh, sang Đức học nghề vào những năm 1983-1987, sống tại ký túc xá của hãng FEW ở địa chỉ 3720 Blankenburg. Địa chỉ ở Việt Nam hồi đó là E5, phòng 96, khu tập thể Kim Liên, Hà Nội. Hộ chiếu lúc đó, và tên cha mẹ tôi, tức ông bà nội của cháu (không dấu)

Tờ báo bình luận rằng: “Có một cô gái Đức thiết tha tìm bố đẻ người Việt vốn chưa từng biết từ khi lọt lòng, thật cực kỳ hiếm!” Bởi vậy, các anh chị ở tòa soạn cũng hết lòng giúp đỡ. Họ đã liên lạc với nhiều bè bạn, qua nhiều mối liên hệ, rồi cuối cùng qua nhà báo Trần Trọng Thức ở báo Doanh nhân Sài Gòn, viết thư nhờ Thu Uyên và chương trình “Như chia hề có cuộc chia ly” tìm giúp, bởi quý cái tình của một cô gái Đức tìm cha là người Việt

Sau hơn 1 năm, thông tin duy nhất mà tờ báo đó có được là khu chung cư E5 phòng 96 Khu tập thể Kim Liên nay không còn nữa, mọi chủ hộ trong chung cư đó hiện đã đi đâu về đâu, còn hay mất, không ai biết. Báo đã đăng thông tin cùng địa chỉ liên hệ để tiếp tục giúp con gái tôi tìm cha (số báo ngày 15/10/2012)

Sau này, lúc đã tìm được con gái rồi, tôi nhận được tin nhắn của một người hàng xóm cũ ở khu tập thể Kim Liên trước kia: “Tôi có cô em gái đang sống ở CHLB Đức. Mấy hôm trước gọi về, có nói là đọc báo, và trong mục Tìm người thân có một thông tin rất giống gia đình anh. Nhà ở E5 KL, bố là Hùng và mẹ là Quý (tên cha mẹ của tôi-VTH). Anh sinh ngày 30 tháng 5 năm 1960

Em tôi có nói là một cô gái đăng tin đó rất muốn tìm người thân ở Việt Nam. Đọc tin này tôi nghĩ ngay đến gia đình anh vì mẹ tôi với cô Quý cùng làm với nhau, hơn nữa tôi vẫn đang sống ở A2 Trung Tự, nơi trước kia nhà anh cũng ở một thời gian. Em tôi bảo gọi cho anh xem có đúng là trường hợp của anh không? Sáng nay tôi gọi vào nhà anh, được gặp và nói chuyện với cô Quý (tên mẹ tôi- VTH)

Nghe giọng cô thì thấy cô đã gần 80 mà vẫn khỏe lắm. Và tôi cũng biết anh đã tìm được cô con gái rồi. Chúc mừng anh nhé. Người Đức không nặng tình bằng người Việt mình. Vậy mà anh có cô con gái muốn tìm lại Nguồn cội thì thật đáng trân trọng. Chúc ngày gia đình anh đoàn tụ vui vẻ. Cho tôi gửi lời chúc sức khỏe tới cô Quý và chú Hùng. Hàng xóm cũ”

Nhận được tin nhắn trên, tôi liên hệ sang Đức nhờ scan nội dung bài trên Thời báo Việt Đức, nên biết được toàn bộ thông tin. Điều này chứng tỏ rằng, bằng cách này hay cách khác, cha con tôi có rất nhiều cơ hội để tìm thấy nhau, nhờ sự giúp đỡ của mọi người

Và cuối cùng không thể không nhắc tới những người làm chương trình “Như chưa hề có cuộc chia ly”. Chính cuộc gọi của họ đã khiến tôi linh cảm thấy con gái đang tìm mình để một lần nữa khởi động cuộc kiếm tìm đã giúp cha con tôi đoàn tụ

Xin cảm ơn tất cả ! Cảm ơn những người đã giúp tôi tìm con và giúp con tôi tìm cha. Cảm ơn cuộc đời đã cho tôi một cô con gái, dù sinh ra và lớn lên ở nước ngoài, vẫn nhớ và tìm về nguồn cội như một bản năng sâu thẳm trong tâm hồn, trong dòng máu Việt

Vũ Tuấn Hưng
 
Người con Đức tìm được cha Việt sau gần 30 năm
Stephan Neubauer hét lên sung sướng trong điện thoại khi nhận ra người đàn ông ở đầu dây bên kia chính là cha của anh. Lần đầu tiên, sau 28 năm xa cách, anh được nghe giọng và sẽ sớm nhìn thấy khuôn mặt cha đẻ của mình

stephan_zps53720816.jpg

Stephan lúc 4 tuổi​

Stephan sinh năm 1982 tại thành phố Jena, vùng Thueringen, thời đó thuộc Đông Đức, và mang họ của mẹ. Cha anh là một người Việt Nam từng làm việc ở Đức, nhưng kể từ ngày ông về nước cách đây gần 30 năm, không ai còn liên lạc được với ông nữa

Nhiều năm qua, Stephan đã gửi các thông tin chi tiết về bản thân và những gì được nghe mẹ và bà ngoại kể về cha cho nhiều tờ báo cả ở Việt Nam và ở Đức với khát khao cháy bỏng là tìm lại được người đã sinh ra mình. Đầu năm 2013, với sự giúp đỡ của nhiều người, Stephan một lần nữa tiếp tục hành trình tìm cha và niềm vui lớn đã đến với anh

Ngày 26/2, Stephan gặp ông Đào Văn Sơn, một người Việt đã sống ở Đức lâu năm và cũng là bạn cũ của cha anh. Biết tin Stephan đang khao khát gặp lại người cha lưu lạc, ông Sơn đã tìm gặp anh và liên lạc về người thân, bạn bè ở Việt Nam để giúp đỡ

Hôm sau, cũng là tròn 4 tuần đăng tin trên báo Đức, Stephan nhận được điện thoại từ ông Sơn báo rằng đã tìm thấy cha anh. Stephan nửa tin nửa ngờ nhưng vẫn nhấc máy điện về Việt Nam theo số điện thoại được cho

Đầu dây bên kia là giọng của một người đàn ông mà Stephan nghĩ rằng mình không hề quen biết. Cho đến khi ông phát âm vài từ tiếng Đức, hai người mới bắt đầu trò chuyện thoải mái hơn

Ông hỏi về cô, bác của Stephan, những người mà trước đó anh chưa hề đề cập tới, kể về những kỷ niệm ngày xưa khi Stephan vẫn còn là một cậu bé. Đặc biệt, ông kể về chiếc xe đồ chơi mà ông từng mua tặng con trai. Thời đó, chiếc xe là một món đồ chơi đáng tiền so với đồng lương của vợ chồng ông

Linh tính mách bảo, Stephan nhận ra đó chính là người cha mà anh bấy lâu nay tìm kiếm. Anh thét lên sung sướng trong điện thoại, nước mắt trào ra

Cha anh là ông Trần Duy Sửu, 59 tuổi. Năm 1977, chàng thanh niên Sửu sang Đức học nghề. Một năm sau, hoàn thành khóa học, ông được ở lại để tiếp tục nâng cao tay nghề và làm việc trong một nhà máy về quang học

Cũng chính tại đây, ông nảy sinh tình cảm với một nữ công nhân cùng phân xưởng. Hai người không tổ chức đám cưới mà chỉ làm một buổi lễ nhỏ để từ đó về chung sống một nhà. Năm 1982, hai người đón bé trai đầu lòng chính là Stephan

Tuy nhiên, do chính sách thời bấy giờ, những người được cấp học bổng đi học nghề ở nước ngoài đều phải trở về nước phục vụ, nếu không sẽ phải hoàn trả cho nhà nước một khoản tiền. Dù không đành lòng, ông Sửu vẫn phải chia tay người phụ nữ Đức và đứa con thơ rồi trở về Việt Nam năm 1986

Lúc đó, ông định bụng chỉ về nước tạm thời rồi sẽ tìm cách quay trở lại Đức cùng gia đình. Tuy nhiên, điều kiện kinh tế khó khăn đã khiến dự định của ông tan tành. Tình yêu 6 năm với người phụ nữ Đức cũng cứ thế trôi dần vào quên lãng

Ngày rời Đức về nước, ông 31 tuổi và bây giờ, khi ông đoàn tụ với con trai, Stephan cũng 31 tuổi. Hiện ông Sửu đã nghỉ hưu và đang sinh sống tại tỉnh Lào Cai

Được nói chuyện với cậu con trai đã chia xa từ năm mới 4 tuổi, ông Sửu cũng mừng mừng tủi tủi. Ông nói với Stephan rằng mấy chục năm qua, anh luôn ở trong tâm trí ông và ông vẫn treo một bức ảnh của con trai trong nhà mình ở Việt Nam

Trong những năm về nước, ông cũng có hai lần đến đại sứ quán Đức để xin giúp đỡ tìm lại gia đình bên trời Âu nhưng không thành công. Tiền bạc eo hẹp khiến mong ước sum vầy với con càng trở nên xa vời

stephan1_zpsd525ebe5.jpg

Ông Sửu thời trẻ và Stephan lúc 3 tuổi​

Những ngày này, ông Sửu và Stephan đang chìm trong niềm vui đoàn tụ gia đình. Ngày nào anh cũng gọi điện thoại từ Đức về để trò chuyện với cha và hỏi han về cuộc sống gia đình ông ở Việt Nam

Hay tin cha con ông Sửu đoàn tụ, người thân, họ hàng, bạn bè và hàng xóm láng giềng ai nấy đều mừng cho ông. Điều mà Stephan lo sợ là sự xuất hiện bất ngờ của anh có thể làm ảnh hưởng đến gia đình hiện tại của ông Sửu. Tuy nhiên, mọi chuyện đã xảy ra hoàn toàn trái ngược

Vợ ông Sửu vui mừng không kém chồng khi ông tìm lại được con trai ở Đức. Điều này khiến Stephan rất trân trọng bà và càng hạnh phúc hơn khi biết mình có thêm ba người em gái cùng cha khác mẹ

Tháng 7 tới, anh sẽ cùng vợ con xin nghỉ phép và về Việt Nam gặp mặt cha hai tuần. Anh cũng sẽ đưa người cha Việt lưu lạc bấy lâu trở lại Đức thăm mẹ anh và gia đình bên ngoại. Mẹ Stephan hiện cũng đã yên ấm với gia đình mới

Với Stephan, cuộc hành trình tìm cha đã khép lại nhưng anh sẽ mãi không bao giờ quên ơn tất cả những người đã không quản khó khăn, không tiếc thời gian và sức lực "cùng lên đường đi tìm cha" cho anh

"Thật khó diễn tả cảm xúc lúc này, khi sau gần 30 năm lần đầu tiên tôi sẽ được nhìn thấy mặt cha. Tôi mong ngóng đến tháng 7 để được thăm ông ấy. Dù đôi lúc trong cuộc điện thoại, chúng tôi không hiểu người bên kia nói gì nhưng vẫn thật tuyệt vời khi được nghe giọng nói và tiếng cười của cha", Stephan nói

Anh Ngọc
 
Top