What's new
Vietnam - Điện Biên Phủ Kinh Tế

This is a sample guest message. Register a free account today to become a member! Once signed in, you'll be able to participate on this site by adding your own topics and posts, as well as connect with other members through your own private inbox!

Cambodia ThinkTank

LOBBY.VN

Administrator

Trung Quốc tích cực đổ tiền vào Campuchia

Chỉ trong một tuần, các doanh nghiệp Trung Quốc thi nhau tuyên bố xây nhà máy lọc dầu 2,3 tỷ USD, đường sắt dài 404 km và cảng biển công suất 50 triệu tấn hàng hóa tại Campuchia

Hôm qua (1/1), Tập đoàn Công nghiệp khai mỏ sắt - thép Campuchia (CISMI) đã ký biên bản ghi nhớ với Tập đoàn Cầu - đường sắt Trung Quốc. Theo đó, hai công ty sẽ hợp tác xây đường sắt dài 404 km từ tỉnh Preah Vihear đến Koh Kong và một cảng biển tại Koh Kong để hỗ trợ ngành công nghiệp khai thác kim loại tại Preah Vihear

Zhang Chuan You - Tổng giám đốc CISMI cho biết đường sắt sẽ chạy qua các tỉnh Preah Vihear, Kampong Thom, Kampong Chhnang, Kampong Speu và Koh Kong. Trong khi đó, cảng biển có thể chuyên chở 50 triệu tấn hàng hóa mỗi năm

Đường sắt này sẽ nối liền khu vực phía Đông Bắc và Tây Nam Campuchia, dự kiến khởi công vào tháng 7/2013 và hoàn thành trong 4 năm. Ông Zhang cho biết: "Dự án này sẽ đóng góp rất lớn vào nền kinh tế đang phát triển của Campuchia khi hoàn thành". Công ty này cũng dự định xây một nhà máy thép tại Preah Vihear sau cuộc nghiên cứu hồi tháng 9 cho thấy tỉnh này rất giàu quặng sắt

Campuchia đang là một trong những điểm đến ưa thích của Trung Quốc và các công ty nước này. Theo một báo cáo hồi tháng 7 của Bộ Tài chính Campuchia, Trung Quốc là nước hỗ trợ tài chính lớn nhất cho ngành nông nghiệp nước này trong 3 năm qua với 436 triệu USD. Ngành dệt may Campuchia cũng nhận được 141 triệu USD từ Trung Quốc trong 6 tháng đầu năm

Gần đây nhất, vào cuối tháng 12/2012, Công ty hóa dầu Campuchia và Tập đoàn máy công nghiệp Sinomach Trung Quốc cũng hợp tác xây nhà máy lọc dầu đầu tiên tại nước này. Việc xây dựng dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2015

Zhang Sugang, Chủ tịch Sinomach cho biết công trình này trị giá 2,3 tỷ USD và được thực hiện trên diện tích 80 hecta ở biên giới tỉnh Preah Sihanouk và Kampot. Khi hoàn thành, nhà máy này có thể sản xuất gần 5 tấn dầu mỗi năm. Sinomach cũng giải thích công ty quyết định đầu tư vào Campuchia do mối quan hệ tốt đẹp giữa hai nước và tiềm năng phát triển ngành dầu mỏ tại đây
 
Last edited:
Ngại Trung Quốc, FDI đổ dồn về Campuchia

Tiffany & Company đang âm thầm xây dựng nhà máy mài kim cương ở Campuchia – đất nước vốn được biết đến chủ yếu bởi các cánh đồng chết chóc và đất đai còn sót nhiều bom mìn hơn là trang sức quý

Không chỉ có Tiffany, một số nhà sản xuất lớn của Nhật Bản cũng đang ráo riết thành lập chi nhánh ở Phnom Penh và sản xuất đủ loại mặt hàng, từ phụ tùng xe hơi cho đến màn hình cảm ứng và các linh kiện khác sử dụng cho điện thoại di động. Các doanh nghiệp châu Âu thì sản xuất giầy khiêu vũ và túi chống sốc cho kính râm

Các công ty nước ngoài đang nườm nượp đổ về Campuchia chỉ vì một lý do đơn giản: họ muốn giảm bớt phụ thuộc vào các nhà máy ở Trung Quốc

Rắc rối mà các nhà đầu tư ngoại gặp phải ở Trung Quốc xuất hiện ngày càng nhiều. Do cơn sốt xây dựng nhà máy trùng với thời điểm các lao động trẻ không còn hứng thú với các công việc lao động chân tay, chi phí tiền lương tăng chóng mặt (tăng gấp bốn trong suốt thập kỷ vừa qua). Kể từ năm ngoái, qui mô lực lượng lao động cũng bắt đầu suy giảm do bị ảnh hưởng bởi chính sách một con và dân số già hóa

Bradley Gordon, một luật sư người Mỹ đang làm việc tại Phnom Penh, chia sẻ mỗi ngày ông nhận được rất nhiều cuộc điện thoại từ các nhà sản xuất, nhờ tư vấn về việc chuyển cơ sở sản xuất từ Trung Quốc sang Campuchia

Tuy nhiên, nhiều công ty đa quốc gia đang nhận ra rằng họ có thể chạy trốn khỏi Trung Quốc nhưng không thể tìm được “nơi ẩn náu thực sự an toàn”. Qui mô dân số, nền kinh tế và là cả sản lượng điện năng của các nước Đông Nam Á nhỏ hơn rất nhiều so với các tỉnh của Trung Quốc, thậm chí nhỏ hơn cả một tỉnh đơn lẻ. Khi các công ty chuyển về phía Nam, họ nhanh chóng sử dụng hết nguồn cung lao động và khi đó, chi phí tiền lương lại tăng lên

Mặc dù tiền lương và các phúc lợi xã hội thường ở dưới mức cần thiết để người lao động Campuchia có thể trang trải cuộc sống, lượng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tăng 70% trong năm 2012 đang bắt đầu giúp hàng triệu người dân nước này thoát khỏi cảnh túng quẫn

Theo Peter Brimble, chuyên gia kinh tế cao cấp tại Ngân hàng phát triển châu Á ADB, người dân sống dọc theo sông Mê Kông đang dần thoát khỏi đói nghèo nhờ luồng vốn đầu tư nước ngoài

Chỉ có một số ít các công ty, chủ yếu thuộc lĩnh vực công nghệ không cao như dệt may và giày dép, đang tìm cách rời bỏ Trung Quốc hoàn toàn. Trong khi đó, phần lớn xây dựng các nhà máy mới ở Đông Nam Á với mục đích hỗ trợ hoạt động ở Trung Quốc. Qui mô dân số khổng lồ cùng cơ sở vật chất có chất lượng cao khiến Trung Quốc vẫn là điểm đến hấp dẫn cho nhiều công ty

Mặc dù vậy, lượng vốn FDI đổ vào Trung Quốc trong năm 2012 vẫn sụt giảm 3,5% sau khi tăng liên tiếp kể từ năm 1980 (ngoại trừ năm 1999 và 2009). Tuy nhiên, lượng vốn vẫn ở mức 119,7 tỷ USD, cao hơn bất kỳ quốc gia nào ở Đông Nam Á

Còn ở Campuchia, lượng vốn chỉ ở mức khiêm tốn 1,5 tỷ USD. Tuy nhiên, năm 2012 là năm đầu tiên kể từ những năm 1970, lượng vốn FDI bình quân đầu người của Campuchia vượt qua Trung Quốc

Theo Bretton Sciaroni, một luật sư Mỹ cũng hoạt động tại Campuchia, các doanh nghiệp không hoàn toàn rút khỏi Trung Quốc mà chỉ tìm kiếm những “chiếc dù” để đề phòng rủi ro. Trong số các doanh nghiệp Nhật Bản, Sumitomo sản xuất phụ tùng xe hơi, Minebea sản xuất linh kiện điện thoại và Denso đang bắt đầu sản xuất linh kiện xe máy

Năm ngoái, luồng vốn đầu tư nước ngoài đổ vào Thái Lan, Việt Nam, Myanmar và Philippines cũng tăng lên. Đồng thời, do các công ty phải cạnh tranh để thu hút người lao động, điều kiện lao động đang dần được cải thiện. Pactics, hãng sản xuất túi chống sốc cho các dòng kính râm cao cấp, vừa đưa ra chính sách ưu đãi hấp dẫn chưa từng có


Người lao động được hưởng những chính sách hiếm thấy ở Trung Quốc như bảo hiểm y tế, bảo hiểm tai nạn, trợ cấp giáo dục và phụ cấp ăn trưa. Do các chi phí ở Campuchia là rất thấp (mất vài USD cho một lần đi khám bệnh), tổng phụ cấp chỉ ở mức 130 USD/tháng

Trong khi đó, tại nhà máy của hãng ở ngoại ô Thượng Hải, công nhân làm nhiệm vụ tương tự được trả mức lương lên tới 560 – 650 USD/tháng

Mặc dù các công nhân ở Campuchia hiện vẫn nằm trong nhóm nghèo nhất thế giới, tổng thu nhập của họ đã tăng khoảng 65% trong vòng 5 năm qua. Cách đây 1 thập kỷ, người lao động háo hức nộp đơn vào các nhà máy vốn đang đăng tin tuyển dụng ở Phnom Penh. Tuy nhiên, “khi bạn đăng tin tuyển dụng ngày nay, không có ai đến cả”, Sandra D’Amico, giám đốc điều hành của công ty nhân lực HR Inc. Cambodia cho biết

Trong nỗ lực thu hút người lao động, các công ty mở chi nhánh ở Campuchia phải tung ra những chiến lược mới như chuyển sang sản xuất những sản phẩm có giá trị gia tăng cao hơn. Mức lương trả cho người lao động cũng theo đó mà tăng lên

Tại đặc khu kinh tế Phnom Penh nằm ở trung tâm Campuchia, Minebea đang cố gắng thu hút người lao động bằng cách xây dựng khu kí túc xá 4 tầng hiện đại có sức chứa lên đến 2.000 người. Khu nhà này khác biệt hoàn toàn so với những căn nhà lợp mái tranh mà hàng triệu người dân Campuchia đang sinh sống

Theo Hiroshi Uematsu, giám đốc điều hành của khu kinh tế này, số lượng nhân công tại đặc khu kinh tế này hiện đang ở mức 20.000 người (tăng gấp đôi kể từ đầu năm đến nay) và được dự báo sẽ tiếp tục tăng gấp đôi, lên đến 40.000 người trong một vài năm tới


Thu Hương
 
Last edited:

Vietnam cung cấp 40% điện năng cho Campuchia

Người dân thủ đô Phnom Penh phải sống trong cảnh không điện, không nước đến 20h tối 22/5, vì sự cố đường dây tại Việt Nam

Khi 22 tỉnh thành ở Việt Nam bị mất điện vì xe cẩu gây sự cố với đường dây 500kV, thì nhiều khu vực ở thủ đô Phnom Penh cũng chịu chung hoàn cảnh. Tờ Cambodia Daily trích lời một quan chức từ cơ quan điện lực quốc gia nước này cho biết việc mất điện ở Phnom Penh có nguyên nhân từ sự cố tại Việt Nam

Theo đó, đường dây 500 kV của quốc gia láng giềng cũng là một trong những nguồn cung cấp điện chính cho Campuchia. Hiện 40% điện của nước này là do Việt Nam cung cấp. Do sự cố nêu trên, cơ quan điều độ Campuchia chỉ có thể đảm bảo khoảng 30% điện năng trong thành phố, chủ yếu dành cho các khu vực quan trọng

Cũng theo báo chí nước này, bắt đầu từ khoảng 14h, mất điện khiến nhiều khu vực Phnom Penh rối loạn, hệ thống cung cấp nước ngừng hoạt động. Các hộ dân phải sống trong cảnh không điện lẫn không nước. Đến 19h, toàn bộ khu vực dọc hai bờ sông ở Phnom Penh vẫn chìm trong bóng tối

Tại các nhà hàng, người ta gặp cảnh các đám đông khách du lịch phải uống bia bên ánh nến, còn đội ngũ nhân viên quán thì đứng ngồi bên ngoài vì không có điện để nấu nướng. Đến khoảng 20h, Phnom Penh mới có điện trở lại

Keo Sovannarith, Phó giám đốc cơ quan cung cấp nước của Phnom Penh xác nhận rằng sự cố mất nước có nguyên nhân do mất điện. Theo ông này giải thích, hệ thống bơm nước vào đường ống cần có điện năng. Và sau khi điện được kết nối trở lại, phải 30 phút đến một tiếng sau thì máy bơm mới hoạt động bình thường

Tại một nhà hàng mang tên Câu lạc bộ nhà báo quốc tế (FCC) nằm dọc bờ sông, nhân viên tại đây cho biết họ có máy nổ để đề phòng mỗi khi mất điện nhưng cũng không dùng được. "Mất điện xảy ra từ 14h, đến tối thì máy hỏng vì chúng tôi cũng hiếm khi dùng tới nó", quản lý của nhà hàng nói

Thanh Bình
 
Last edited:
Ông Hun Manet tiến gần hơn đến ghế thủ tướng

Đảng Nhân dân Campuchia tuyên bố giành chiến thắng tuyệt đối, ông Hun Manet đã được bầu vào Quốc hội khóa mới


Ông Hun Manet khoe ngón tay nhuộm mực tím - dấu hiệu cho các cử tri đã bỏ phiếu

Theo Hãng tin Reuters ngày 24-7, Đảng Nhân dân Campuchia (CPP) tự tin khẳng định ông Hun Manet - con trai của Thủ tướng Hun Sen đương nhiệm - đã được bầu vào Quốc hội của nước này

Ông Sok Eysan, người phát ngôn Đảng CPP, cho biết: "Rất rõ ràng, ông Hun Manet đã được bầu vào Quốc hội"

Với việc này, ông Hun Manet đã tiến thêm một bước đến việc tiếp nhận ghế thủ tướng Campuchia từ cha mình

Theo báo Khmer Times, Đảng CPP cũng tuyên bố đã giành chiến thắng tuyệt đối trong cuộc bầu cử ngày 23-7. Ông Sok cho biết ông tin đảng của mình đã giành được khoảng 78-80% số phiếu bầu

Ông Sok chia sẻ với Tân Hoa xã: "Chúng tôi đã chiến thắng tuyệt đối trong lần bầu cử này, nhưng chúng tôi chưa tính toán chính xác số ghế đã giành được. Điều này thật sự phản ánh niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng CPP"

Trong khi đó, báo Khmer Times dẫn kết quả không chính thức cho thấy Đảng CPP đã giành 120/125 ghế Quốc hội. 5 ghế còn lại thuộc về Đảng Bảo hoàng FUNCINPEC

Trước đó, Chủ tịch Ủy ban bầu cử quốc gia (NEC) Prach Chan xác nhận lần bầu cử thứ 7 của Campuchia đã được tổ chức thành công, đảm bảo sự công bằng và không có bạo lực xảy ra

Thống kê sơ bộ về số người đi bầu cho thấy tổng cộng 8,2 triệu người đã bỏ phiếu, chiếm 84,58% con số 9,7 triệu cử tri hợp lệ trên cả nước

Ông Hun Manet là ai?

Ngay trước thềm cuộc tổng tuyển cử Campuchia, Thủ tướng Hun Sen đã công khai thông báo Đại tướng Hun Manet có thể làm tân thủ tướng trong 4-5 tuần sau bầu cử

Ông Hun Manet tốt nghiệp Học viện Quân sự West Point và là người Campuchia đầu tiên tốt nghiệp học viện quân sự danh giá này của Mỹ. Ông cũng có bằng thạc sĩ kinh tế tại Đại học New York và bằng tiến sĩ kinh tế tại Đại học Bristol (Anh)

Ông hiện là phó tổng tư lệnh Lực lượng vũ trang Hoàng gia Campuchia (RCAF), tư lệnh Lục quân Hoàng gia

Để trở thành thủ tướng, ông Hun Manet phải là thành viên Quốc hội, phải thắng trong cuộc bầu cử ngày 23-7
 
Con út ông Hun Sen sắp thành Phó Thủ tướng

Ông Hun Many, Bộ trưởng Bộ Công vụ và đồng thời là con trai út của cựu Thủ tướng Campuchia Hunsen, mới đây được đề cử lên chức Phó Thủ tướng

1

Ông Hun Many, Bộ trưởng Bộ Công vụ Campuchia, con trai út của ông Hun Sen

Theo tờ Khmer Times, ngày 15/2, Quốc hội đã nhận được yêu cầu của Thủ tướng Hun Manet triệu tập phiên họp để bỏ phiếu bầu Phó Thủ tướng cũng như 2 quan chức khác cho chức vị Bộ trưởng cấp cao

Theo đó, Uỷ ban thường trực Quốc hội đã họp và đề cử ông Hun Many, Bộ trưởng Bộ Công vụ vào vị trí Phó Thủ tướng thứ 11 của Chính phủ Hun Manet

Ông Hun Many, 41 tuổi, là em trai của ông Hun Manet và là con trai út của cựu Thủ tướng Hunsen, dự kiến sẽ trở thành Phó Thủ tướng trẻ nhất trong số 11 người có cùng cương vị

Cùng ngày, Ủy ban thường trực Quốc hội đã họp và quyết định đưa ra chương trình nghị sự để bỏ phiếu chính thức vào ngày 21/2

Trong thông cáo đưa ra hôm qua, Quốc hội Campuchia cho biết: “Quốc hội dự kiến tổ chức phiên họp toàn thể Quốc hội khóa VII để biểu quyết về việc bổ nhiệm vào ngày 21/2. Các ứng cử viên bao gồm Hun Many, Bộ trưởng Bộ Công vụ, sẽ được bổ nhiệm làm Phó Thủ tướng bên cạnh vị trí hiện tại của ông”, theo thông báo

Người phát ngôn Chính phủ Pen Bona cho biết, việc bổ nhiệm ông Many làm Phó Thủ tướng nhằm giúp giải quyết nhiều vấn đề quan trọng trong điều hành chính phủ

“Điều cần thiết trong công việc của đất nước chúng ta là cần có thêm nguồn nhân lực. Vì vậy, Ngài Hun Many phù hợp để nhận sự bổ nhiệm này vì ông có nhiều kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực chính trị”, người phát ngôn Pen Bona nói

Chính phủ mới do ông Hun Manet lãnh đạo gồm có 10 Phó Thủ tướng. Họ là Neth Savoeun, người giữ chức Quyền Thủ tướng khi vắng mặt Thủ tướng, Bộ trưởng Kinh tế và Tài chính Aun Pornmoniroth, Bộ trưởng Giáo dục Hang Chuon Naron, Bộ trưởng Quản lý Đất đai Say Samal, Bộ trưởng Nội vụ Sar Sokha, Bộ trưởng Quốc phòng Tướng Tea Seiha, Bộ trưởng Tư pháp Keut Rith, Bộ trưởng Ngoại giao Sok Chenda Sophea, Bộ trưởng Hội đồng Bộ trưởng Vongsey Vissoth và Sun Chanthol, Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng Phát triển Campuchia

Hun Many là ai?

Hun Many bắt đầu sự nghiệp chính trị đầu tiên của mình bằng việc làm trợ lý cho Thủ tướng Hun Sen, cha ông, vào năm 2008

Ông từng là nghị sĩ đại diện cho tỉnh Kampong Speu và Chủ tịch Ủy ban Giáo dục, Thanh niên và Thể thao của Quốc hội; Công tác tôn giáo; Văn hóa và Du lịch vào năm 2013 trước khi trở thành Bộ trưởng Bộ Dịch vụ dân sự vào ngày 22/8/2023

Ông Many còn là Chủ tịch Liên đoàn Thanh niên Campuchia

Hun Many từng theo họctại một số trường đại học nước ngoài, bao gồm Đại học Melbourne ở Úc, Đại học Hofstra và Đại học Quốc phòng ở Mỹ

Từ năm 1987 đến năm 1992, ông học tại trường tiểu học Komarei (Trường tiểu học Chaktomok). Khi ông lên 9 tuổi, vào năm 1992, cha ông, ông Hun Sen, đã gửi ông đến trường cấp hai ở quận Soissons, Pháp cùng với anh trai ông là ông Hun Manet. Hun Many học ở đó cho đến giữa năm 1998, sau đó ông cùng với người anh thứ hai Hun Manit tiếp tục học tại trường trung học Portledge ở Mỹ. Sau đó ông theo học và tốt nghiệp Đại học Hofstra ở Long Island, New York vào năm 2002, chuyên ngành khoa học chính trị

Từ 2002 đến 2006, Hun Many lại học tại Đại học Melbourne ở Melbourne, Úc cùng với anh trai Manit, nhưng cả hai học các chuyên ngành khác nhau và ở các trường đại học khác nhau. Ông Many đã tốt nghiệp với bằng Thạc sĩ về Quan hệ Quốc tế

Năm 2009, sau khi làm trợ lý cho ông Hun Sen, Hun Many tiếp tục sang Mỹ du học. Ông học tại Đại học Quốc phòng ở Washington DC và tốt nghiệp Thạc sĩ về An ninh, Tình báo và Nghiên cứu Chiến lược, chuyên ngành Chống khủng bố
 
Top