What's new
Vietnam - Điện Biên Phủ Kinh Tế

This is a sample guest message. Register a free account today to become a member! Once signed in, you'll be able to participate on this site by adding your own topics and posts, as well as connect with other members through your own private inbox!

EHC Medical

LOBBY.VN

Administrator
Khẩn trương lập chương trình nghiên cứu sản xuất thiết bị y tế
- Chiều 19/4, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo về trang thiết bị y tế

Báo cáo của Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, trang thiết bị y tế là loại hàng hóa đặc biệt, được ứng dụng các thành tựu mới nhất của các ngành khoa học công nghệ cao, có yêu cầu khắt khe về tính ổn định và an toàn nên công tác xây dựng và áp dụng tiêu chuẩn được ngành Y tế quan tâm, chú trọng

Bộ Y tế đã xây dựng Dự thảo sửa đổi bổ sung Thông tư hướng dẫn nhập khẩu trang thiết bị theo hướng giảm thiểu các thủ tục hành chính liên quan đến các doanh nghiệp nhập khẩu. Ngoài ra, Bộ cũng đã xây dựng Dự thảo Thông tư quy định về cấp giấy chứng nhận đăng ký lưu hành và giấy chứng nhận lưu hành tự do đối với sản phẩm trang thiết bị y tế; xây dựng và xin ý kiến các đơn vị về Dự thảo sửa đổi Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế về dược, mỹ phẩm và trang thiết bị y tế…

Bộ Y tế cũng đã thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học, đầu tư các phòng thí nghiệm khoa học; quản lý chặt chẽ hoạt động sản xuất, dịch vụ trang thiết bị y tế; tăng cường hiệu quả sử dụng thiết bị y tế và đào tạo nguồn nhân lực cho lĩnh vực này…

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, đồng thời là Trưởng Ban Chỉ đạo về trang thiết bị y tế đã giao Bộ Y tế, Bộ Công Thương nhanh chóng lập chương trình riêng về nghiên cứu sản xuất thiết bị y tế giai đoạn 2011-2015 và định hướng 2020, từ đó có kế hoạch xây dựng danh mục trang thiết bị y tế có thể sản xuất trong nước

Tháng 10/2011 phải hoàn thành dự thảo về chính sách hỗ trợ cho hoạt động nghiên cứu đối với hoạt động này như: ưu đãi về thuế, chính sách hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm. Trong tháng 11/2011 tổ chức hội nghị toàn quốc nhằm xúc tiến sản xuất trang thiết bị y tế trong nước, từ đó các đơn vị đăng ký thực hiện

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Khoa học và Công nghệ khẩn trương trình Thủ tướng Chính phủ thành phần của Hội đồng Sản phẩm quốc gia. Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng chương trình dự kiến về nguồn nhân lực trong lĩnh vực thiết bị y tế; khuyến khích mô hình đào tạo theo tín chỉ. Bộ Nội vụ xem xét mở mã ngạch để trả lương đối với cán bộ viên chức hoạt động trong lĩnh vực này
 
Last edited:
Thiếu dự án lớn đầu tư vào y - dược
Cho dù được đánh giá là hấp dẫn, song lĩnh vực y tế, sản xuất dược phẩm mới chỉ thu hút được những dự án đầu tư quy mô nhỏ

Theo số liệu thống kê của Bộ Kế hoạch Đầu tư, tính đến tháng 4/2011, cả nước có 76 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào lĩnh vực y tế, trợ giúp xã hội, với tổng vốn đầu tư hơn 1,1 tỷ USD

Theo đánh giá của ông Nguyễn Việt Hùng, Phó cục trưởng Cục Quản lý dược (Bộ Y tế), nguồn vốn FDI và vốn trong nước vào lĩnh vực bệnh viện, nghiên cứu và sản xuất dược phẩm, trang thiết bị, sinh phẩm y tế vẫn còn hạn chế

Vốn đầu tư phát triển được Chính phủ cân đối hàng năm cho toàn ngành y tế chỉ chiếm khoảng 5-6% tổng sản phẩm quốc nội (GDP), không đủ cho việc nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, xây dựng, nâng cấp cơ sở vật chất

Chính phủ đang nghiên cứu các biện pháp hỗ trợ nhằm thu hút nguồn vốn đầu tưu từ khu vực tư nhân thông qua các dự án hợp tác công tư (PPP) về y tế. Bộ Y tế cũng đề xuất một loạt các lĩnh vực dược cần được đầu tư

Nhiều chuyên gia khuyên cáo, điều quan trọng hiện nay là Chính phủ cần gỡ bỏ nhanh hơn các rào cản, vướng mắc liên quan tới chính sách, phân biệt nguồn vốn công – tư; có sự hỗ trợ tích cực về đất, đáp ứng nguồn nhân lực dược sỹ, bác sỹ thì mới có thể hút được lượng vốn cần thiết cho các dự án y tế, dược phẩm

Mấy năm gần đây, cả nước chi tới hơn 1 tỷ USD mỗi năm để nhập khẩu thuốc, hệ thống bệnh viện cũng chưa đáp ứng được yêu cầu khám chữa bệnh của người dân
 
Last edited:
Khuyến khích nghiên cứu công nghệ y tế​

– Chiều qua, Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã có buổi làm việc với Bộ Y tế về hoạt động khoa học và công nghệ

Bà Nguyễn Thị Kim Tiến, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết trong 5 năm qua ngành đã ứng dụng kỹ thuật tiên tiến trong chẩn đoán và điều trị, thu hút được các bệnh nhân trước kia phải ra nước ngoài điều trị, góp phần làm giảm tỷ lệ chảy máu ngoại tệ hàng tỷ đô la Mỹ mỗi năm

Khoa học công nghệ đã phát hiện sớm, khống chế và đẩy lùi các dịch bệnh nguy hiểm. Nhiều kỹ thuật sinh học phân tử mới được nghiên cứu ứng dụng giúp chẩn đoán nhanh các tác nhân gây bệnh. Hiện nay Việt Nam đã nghiên cứu và sản xuất thành công 10 loại vaccine cho tiêm chủng và được xếp vào danh sách các nước có thế mạnh trong sản xuất vaccine trên thế giới

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân ủng hộ ngành y tế lập đề án xây dựng phòng thí nghiệm trọng điểm, phát triển vaccine và các thuốc mới. Đề nghị xây dựng mô hình nghiên cứu khoa học; có cơ chế khuyến khích các nhà khoa học say mê nghiên cứu bằng các chính sách và chế độ phù hợp

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu ngành có cơ chế chuyển giao kỹ thuật điều trị cho các bệnh viện sau khi hoàn thành đề tài nghiên cứu khoa học
 
Thiết bị y tế: Tiềm năng song hành thách thức

“Đầu tư trang thiết bị y tế ít rủi ro, thu hồi vốn nhanh, lợi nhuận tăng trưởng 50-150% mỗi năm”, ông Lê Văn Hướng, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thiết bị Y tế Việt Nhật (JVC), cho biết

Với mức đầu tư trung bình chỉ khoảng 6 USD mỗi đầu người, thị trường trang thiết bị y tế trong nước được dự đoán sẽ đạt tổng giá trị hơn 1 tỉ USD vào năm 2015, gấp đôi hiện nay. Tuy nhiên, nhà đầu tư sẽ gặp không ít khó khăn nếu đầu tư vào lĩnh vực này

Cửa đã mở

Luật Bảo hiểm Y tế bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1.7.2009 đã tạo bước đột phá đối với các doanh nghiệp trong và ngoài nước trong ngành trang thiết bị y tế vốn được đánh giá là mảnh đất màu mỡ nhưng vẫn chưa được khai thác đúng mức. Theo đó, Chính phủ đặt mục tiêu bảo hiểm y tế bắt buộc đối với mọi công dân vào năm 2014 gồm ba mức là 100% tại một số cơ sở khám chữa bệnh chọn lọc, tiếp đến là 95% và 80% cho các đối tượng còn lại. Theo kết quả khảo sát của Công ty Nghiên cứu Thị trường Espicom (Anh) công bố hôm 13.6, tổng vốn đầu tư và nâng cấp hạ tầng trang thiết bị y tế của Việt Nam dự kiến có thể lên tới 2,5 tỉ USD gồm 1.300 bệnh viện và 250.000 giường bệnh vào cuối năm 2020

Do tiềm năng của thị trường, một số doanh nghiệp trong và ngoài nước đã gia tăng các dự án đầu tư trang thiết bị y tế và bắt đầu thu được một số kết quả tích cực. Ngày 21.6, Công ty JVC đã chính thức niêm yết 24,2 triệu cổ phiếu trên sàn HoSE để huy động vốn cho các dự án dự kiến sẽ đi vào hoạt động trong năm nay. Công ty này đang triển khai dự án nhà máy sản xuất máy X-quang cao tần tại tỉnh Hưng Yên có vốn đầu tư khoảng 40 tỉ đồng, tham gia các dự án đầu tư liên kết từ 7-10 năm cung cấp 20 máy Cộng hưởng từ (MRI) và 30 máy CT Scanner đa lát cho khoảng 40 bệnh viện đa khoa với tổng vốn khoảng 130 tỉ đồng. Hiện nay, JVC cũng đã chuyển giao 11 xe khám lưu động (600-800 triệu đồng/xe) chuyên phục vụ việc khám bệnh định kỳ cho các doanh nghiệp thuộc các Khu Công nghiệp phía Bắc và sẽ tiếp tục chuyển giao thêm 10 xe nữa trong năm nay để đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp tại Bình Dương và Đồng Nai. Ngoài ra, trong tháng 6 vừa qua, JVC đã trúng thầu dự án cung cấp thiết bị y tế cho Bệnh viện Hoàng Anh Gia Lai giai đoạn 1 với tổng mức đầu tư 110 tỉ đồng. JVC đặt mục tiêu tăng trưởng tổng doanh thu và lợi nhuận sau thuế lần lượt tới 37,5% và 46,8% trong năm nay so với 2010. Sức hấp dẫn của thị trường cũng khiến nhiều tập đoàn lớn của Nhật như Nishimura, Hitachi và JWB đang bày tỏ ý định muốn làm đối tác chiến lược của JVC

Ngày 20.4.2011, sau 4 năm hoạt động, Công ty Phonak Operation Center Việt Nam, thuộc Tập đoàn Sonova (Thụy Sĩ) đã khánh thành nhà máy thứ 2 tại Khu Công nghiệp VSIP I, tỉnh Bình Dương với vốn đầu tư 6,25 triệu USD. “Việc đưa vào hoạt động nhà máy thứ 2 đã nâng tổng vốn đầu tư của Phonak tại Việt Nam lên hơn gấp đôi, đạt 13,3 triệu USD với khoảng 4,9 triệu sản phẩm/năm và chủ yếu dùng cho xuất khẩu đến châu Âu, Mỹ và Nhật”, ông Nguyễn Thái Phương, Tổng Giám đốc Phonak Operation Center Việt Nam, cho biết

Đối với thị trường trong nước, Công ty nhập khẩu các sản phẩm hoàn chỉnh từ nhà máy ở Thụy Sĩ như máy trợ thính Naida và thiết bị truyền âm Inspiro có giá bán lẻ từ 3,6-59 triệu đồng/máy. Hiện nay, các sản phẩm này được phân phối chủ yếu tại 3 trung tâm ở TP.HCM và một ở Hà Nội cùng với kênh bệnh viện Tai Mũi Họng, một số trường khiếm thính và các cửa hàng thiết bị y tế

Rào cản không ít

Kết quả khảo sát của Espicom về thực trạng và triển vọng đầu tư ngành thiết bị y tế trong nước còn nêu rõ hiện có tới hơn 86,5% sản phẩm được nhập khẩu, trong đó Singapore, Trung Quốc và Nhật là 3 thị trường chính, chiếm hơn 43% tổng kim ngạch nhập khẩu trong năm 2008. Vì vậy, việc tỉ giá và lãi suất vay ngân hàng tăng đã ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động kinh doanh thiết bị y tế. “Chênh lệch tỉ giá đã ngốn hết 7 tỉ đồng lợi nhuận của chúng tôi trong năm 2010”, ông Hướng, JVC, cho biết

Hoạt động của ngành chịu sự điều chỉnh của các văn bản pháp luật liên quan đến các tiêu chuẩn kỹ thuật, quy định nhập khẩu và phân phối thiết bị y tế do Bộ Y tế, Bộ Công thương và Tổng cục Hải quan ban hành. Tuy nhiên, hệ thống hiện hành chưa mang tính đồng bộ giữa các bên liên quan nên đã ảnh hưởng không ít đến doanh nghiệp. “Vừa qua chúng tôi có nhập một máy cộng hưởng từ nam châm siêu dẫn Echelon của Nhật, nhưng cán bộ Hải quan yêu cầu chờ làm thủ tục định giá vì không biết áp thuế như thế nào. Sau cùng, nhân viên xuất nhập khẩu phải dùng chiêu ‘biết điều’ thì mới lãnh được hàng”, chủ một doanh nghiệp kinh doanh thiết bị y tế tại quận 11, TP.HCM (đề nghị không nêu tên), cho biết

Thêm vào đó, Nhà nước vẫn chưa có chính sách rõ ràng trong việc điều phối nguồn nhân lực cho công tác đào tạo về nghiên cứu sản xuất trang thiết bị y tế. Do vậy, việc kinh doanh và chuyển giao công nghệ các thiết bị hiện đại đã gặp nhiều trở ngại, tốn thời gian và tiền bạc cho các bên liên quan

Ngoài ra, hiện cả nước có khoảng hơn 1.000 doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh xuất nhập khẩu trang thiết bị y tế nên tình hình cạnh tranh không lành mạnh như tăng mức chiết khấu bán hàng đang diễn ra khá phổ biến

Tuy nhiên, Việt Nam hiện vẫn được đánh giá là một thị trường tiềm năng đối với ngành trang thiết bị y tế với dân số hơn 86 triệu người và tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội dự kiến 6,5-7%/năm trong những năm tới
 
Last edited:
Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo về trang thiết bị y tế

- Ban Chỉ đạo về trang thiết bị y tế sẽ họp định kỳ 6 tháng một lần. Trường hợp cần thiết, Trưởng Ban Chỉ đạo có thể triệu tập họp bất thường

Các Ủy viên BCĐ chủ động đề xuất ý kiến, kiến nghị các vấn đề thuộc chức năng, nhiệm vụ của BCĐ và các vấn đề có liên quan đến chính sách về trang thiết bị y tế

Trưởng Ban Chỉ đạo chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ về nội dung và hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo; lãnh đạo, điều hành hoạt động của Ban Chỉ đạo; phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên Ban Chỉ đạo

Phó Trưởng Ban Chỉ đạo giúp Trưởng Ban trực tiếp điều phối các hoạt động chung của Ban Chỉ đạo trong quá trình triển khai thực hiện chính sách về trang thiết bị y tế, kế hoạch quốc gia về trang thiết bị y tế đã được phê duyệt; tham mưu, đề xuất với Thủ tướng Chính phủ về các chủ trương, chính sách, cơ chế, giải pháp về nghiên cứu, chế tạo, sản xuất và sử dụng trang thiết bị y tế

Các Ủy viên Ban Chỉ đạo chủ động đề xuất ý kiến, kiến nghị các vấn đề thuộc chức năng, nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo và các vấn đề có liên quan đến chính sách về trang thiết bị y tế

Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo là Bộ Y tế

Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương định kỳ 6 tháng và hằng năm báo cáo Ban Chỉ đạo về tình hình thực hiện chính sách về trang thiết bị y tế của cơ quan mình; những khó khăn, vướng mắc và kiến nghị giải pháp tháo gỡ

Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định thành lập Ban Chỉ đạo về trang thiết bị y tế. Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân làm Trưởng Ban Chỉ đạo
 
Last edited:
Bệnh viện phải mượn thiết bị y tế

- Ngày 24-11, Tuổi Trẻ đề cập việc một bệnh viện mượn máy và dùng hóa chất của công ty đã cho mượn máy. Thực tế thời gian qua cho thấy trang thiết bị của bệnh viện hiện đang sử dụng đến từ ba nguồn:

- Một là Nhà nước đầu tư

- Hai là nguồn vốn vay ưu đãi hay nguồn vốn xã hội hóa

- Ba là các công ty dược phẩm hay trang thiết bị y tế cho bệnh viện mượn

Với trang thiết bị do Nhà nước đầu tư, mỗi năm phân bổ ngân sách cho nhiều nơi, do đó nguồn vốn này rất hạn chế. Chưa kể từ lúc nhận được quyết định cấp vốn đến khi có được trang thiết bị mất cả vài năm

Trong vài năm đó xem như bệnh nhân đành phải chịu. Còn nguồn vốn xã hội hóa hay vốn kích cầu thường được đầu tư vào những trang thiết bị có thể thu lại lợi nhuận để hoàn vốn

Nguồn thứ ba có thể giải thích như sau: với các loại thiết bị phục vụ chẩn đoán, phẫu thuật thông thường các bệnh viện phải tự trang bị, thế nhưng rất ít bệnh viện tại VN có thể tự trang bị cho mình

Ví dụ về khoan và cưa trong phẫu thuật chấn thương chỉnh hình. Để mổ một ca gãy xương, một ca thay khớp, các bác sĩ chỉnh hình cần phải có khoan và cưa. Nếu một ngày mổ ba ca cho một phòng mổ thì ít nhất phải có hai bộ khoan, cưa để thay phiên nhau hấp tiệt trùng và sử dụng

Mỗi bộ khoan, cưa y khoa bây giờ không dưới vài trăm triệu đồng, chưa kể phòng thanh trùng phải có hệ thống máy hấp nhanh để sau một hay hai giờ phải có khoan để sử dụng. Một ngày mổ 10 ca thì ít nhất phải có sáu bộ khoan. Chỉ nhiêu đó đã thấy số tiền đầu tư cho khoan nhiều như thế nào. Thế nhưng đầu tư cho khoan thì không thể thu hồi vốn, chưa kể sau năm năm khoan bị hư vì hấp nóng nhiều lần (đối với các loại khoan kém chất lượng, thời gian này chỉ còn một hay hai năm)

Để bán được dụng cụ mổ, các hãng trang thiết bị phải tự mua khoan và cưa cho bệnh viện mượn. Chuyện đương nhiên là không thể lấy khoan của hãng này mà dùng dụng cụ của hãng khác. Những doanh nghiệp chỉ chăm chăm bán hàng và thu lợi nhuận mà không đầu tư dụng cụ mổ sẽ khó bán hàng hơn. Do vậy, thật không công bằng khi nói nhiều doanh nghiệp mất đi cơ hội bán hàng khi bệnh viện mượn máy của công ty và dùng hàng của chính công ty đó

Sự thiếu thốn trang thiết bị của các bệnh viện ở VN là sự thật hiển nhiên. Trong hoàn cảnh như vậy, bệnh viện chắc chắn phải tự thân vận động để có dụng cụ phục vụ bệnh nhân. Không có trang thiết bị thì không làm tốt và không có bệnh nhân

Tự thân vận động kiểu này thì bị cho là làm không đúng. Trong trường hợp này trách nhiệm lớn nhất thuộc về các nhà hoạch định chính sách, các cấp lãnh đạo chứ không phải bệnh viện
 
Last edited:
Tăng cường đầu tư sản xuất trang thiết bị y tế trong nước

Chinhphu.vn - Đó là một trong những chỉ đạo của Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân liên quan đến hoạt động sản xuất trang thiết bị y tế trong buổi làm việc với Ban Chỉ đạo về trang thiết bị y tế, sáng 27/6

Hiện nay, 80% số trang thiết bị y tế (TTBYT) ở nước ta đều phải nhập khẩu, vì vậy, việc Bộ Y tế cho phép các doanh nghiệp nhập khẩu TTBYT đã có thể khai nộp hồ sơ mua sắm qua mạng (ở mức độ 3) đã tạo điều kiện cho việc kiểm soát chặt chẽ, đồng thời giúp các doanh nghiệp tiết kiệm và thuận lợi hơn trong quá trình kinh doanh

Hiện có rất ít các doanh nghiệp Việt Nam sản xuất được TTBYT có hàm lượng khoa học công nghệ cao, hầu hết, đều sản xuất nội thất bệnh viện, các sản phẩm y tế từ nhựa, cao su

Tuy nhiên, từ năm đầu năm 2012, tỷ lệ các sản phẩm TTBYT điện tử đã tăng lên với sự tham gia sản xuất trực tiếp của các doanh nghiệp trong nước. “Đây là tín hiệu đáng mừng và cần khuyến khích”, ông Nguyễn Minh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Trang thiết bị y tế và công trình y tế, Bộ Y tế, nhận xét

Đánh giá về vai trò của Ban Chỉ đạo về TTBYT, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân biểu dương công tác xây dựng văn bản với sự chủ động khá cao và có hiệu quả. Phó Thủ tướng đã yêu cầu từ nay đến hết quý III/2012 Bộ Y tế phải trình chương trình nghiên cứu sản xuất trang thiết bị y tế giai đoạn 2011-2015. Trước ngày 30/7 ban hành thông tư liên tịch quản lý TTBYT có nhu cầu sử dụng cao ưu tiên đầu tư sản xuất trong nước

Liên quan đến quản lý TTBYT cơ sở, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đề nghị trong năm 2012, Bộ Nội vụ và Bộ Y tế phối hợp để tổ chức bố trí cán bộ chuyên trách được tập huấn về quản lý TTBYT hoặc thành lập phòng quản lý TTBYT ở các Sở Y tế các địa phương

Phó Thủ tướng giao Bộ Tài chính trước 30/7/2012 trình Thủ tướng Chính phủ về các phương án miễn thuế nhập khẩu đối với danh mục một số TTBYT, sau đó sẽ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đề nghị tháng 11/2012, Ban Chỉ đạo về TTBYT sẽ họp phiên thứ 2 của năm 2012
 
Last edited:
Đường đến giấc mơ

Trong bối cảnh thực trạng nghiên cứu khoa học và ứng dụng khoa học công nghệ ở Việt Nam còn nhiều khoảng cách so với các nước trong khu vực và thế giới, vẫn có nhiều bạn trẻ đam mê khoa học, từ bỏ những ngành nghề thời thượng để theo đuổi công việc nghiên cứu thầm lặng

Các bạn đang cần mẫn đắp những viên gạch đầu tiên cho một giấc mơ lớn: sẽ có ngày chúng ta làm được những gì thế giới đã làm

Chiếc nôi của sản phẩm y tế thông minh

- Nhiều thiết bị y tế đặc biệt không phải được nhập từ nước ngoài mà được đội ngũ trợ giảng, nghiên cứu sinh và sinh viên VN nghiên cứu chế tạo

Máy đo huyết áp tự động đo, tự động gửi kết quả đến địa chỉ email, trang mạng cá nhân hay điện thoại di động của bác sĩ; xe lăn có thể điều khiển chạy tới, chạy lui, rẽ trái, rẽ phải bằng cách gật đầu, lắc đầu. Đó là những sản phẩm y tế thú vị mà thầy trò Trường đại học Quốc tế (Đại học Quốc gia TP.HCM) sáng tạo nên

Phòng… thư giãn

Phòng thí nghiệm thiết kế khoa kỹ thuật y sinh Trường đại học Quốc tế hầu như lúc nào cũng có người. Đây là căn phòng được mở cửa thường xuyên để hễ có thời gian rảnh, sinh viên và các giảng viên trẻ lại vào đây… thư giãn. Nói là thư giãn vì khi bước vào đây, các bạn trẻ được thả sức sáng tạo và tưởng tượng. Chính nhờ thả sức tưởng tượng mà thầy trò ở đây đã chế ra nhiều chiếc máy có một không hai ở Vietnam

Nhìn chiếc hộp nhỏ màu đen hình chữ nhật khá đơn giản đặt trên bàn, nếu không có sự giới thiệu của thầy Võ Văn Tới, trưởng khoa kỹ thuật y sinh, khó ai hình dung đó là thiết bị đo huyết áp viễn thông. Cách đó không xa là máy đo điện tim viễn thông 12 kênh, máy đo đường huyết viễn thông, máy đo hô hấp viễn thông...

Vừa hướng dẫn một sinh viên thổi mạnh vào ống thở có hình dạng gần giống chiếc phễu, thầy Võ Văn Tới vừa giới thiệu: đây là máy đo dung tích phổi

Khi có người thổi mạnh vào máy, lập tức trên màn hình sẽ có kết quả với đầy đủ các thông số hiện lên. Kết quả này sẽ được lưu giữ và truyền tới địa chỉ mail, điện thoại di động hay trang mạng cá nhân của bác sĩ

Nguyên lý này cũng được áp dụng tương tự với máy đo huyết áp, máy điện tim, máy đo hô hấp. Giả sử khi kết quả đo được ở mức nguy hiểm đáng báo động, máy sẽ tự động có cảnh báo khẩn gửi đến bác sĩ mà không cần sự yêu cầu của bệnh nhân

Với những thiết bị y tế viễn thông, thầy trò khoa kỹ thuật y sinh hướng tới việc nghiên cứu, chế tạo và cung ứng cho các trạm y tế tại hải đảo xa xôi như quần đảo Trường Sa. “Có thiết bị y tế viễn thông, khi bác sĩ ở Trường Sa cấp cứu hoặc phẫu thuật cho người bệnh, bác sĩ trong đất liền có thể theo dõi quá trình thực hiện và có sự hỗ trợ khi cần thiết”- thầy Võ Văn Tới cho biết

Đặc điểm của người bệnh, đặc biệt là người già ở nước ta rất sợ đến bệnh viện. Làm sao để có những thiết bị y tế giúp người bệnh có thể tự theo dõi sức khỏe của mình ngay tại nhà, khi đi công tác, đi du lịch mà không cần phải có một bác sĩ riêng. Thôi thúc đó khiến thầy trò khoa kỹ thuật y sinh luôn trăn trở. Máy đo huyết áp, máy điện tim trên thị trường không thiếu. Các loại thiết bị tự động cũng không phải là hàng hiếm

Nhưng từ trước đến nay chưa ai nghĩ đến chuyện kết hợp chức năng của hai dạng máy này. Về thiết bị y tế, các nước tiên tiến đã đi trước Việt Nam rất xa. Cho nên, muốn đặt chân vào lĩnh vực này phải biết biến những sản phẩm y tế thông dụng, bình thường thành sản phẩm mang tính năng đặc biệt

“Ngành y tế đặt ra mục tiêu đến năm 2010 chúng ta sẽ tự sản xuất được 60% thiết bị y tế. Tuy nhiên đến nay tỉ lệ này chỉ đạt xấp xỉ 20%. Từ thực tế trên, thầy trò khoa thiết bị y sinh quyết tâm theo đuổi việc nghiên cứu, chế tạo những thiết bị y tế thông minh và thông dụng để cung ứng cho thị trường nội địa” - thầy Tới lý giải

Những chiếc máy mà thầy trò thầy Tới chế tạo có giá thành không cao, vì đây là những máy đơn thông số - nghĩa là máy gì thì làm việc ấy. Với giá thành rẻ, máy đơn giản, dễ sử dụng, thầy trò khoa kỹ thuật y sinh nhắm tới việc cung ứng thiết bị y tế cho những nước còn chậm tiến, cho bà con ở vùng sâu, vùng xa - nơi mà việc khám chữa bệnh tại cơ sở y tế hoặc trực tiếp đến gặp bác sĩ còn nhiều khó khăn

Hiện máy đã được giới thiệu đến một số bệnh viện ở TP. Dự kiến trong thời gian sắp tới sẽ cho dùng thử đại trà trên bệnh nhân - thầy Võ Văn tới cho biết

Rẽ trái vì khát vọng sáng tạo

“Tôi làm việc ở đây vì thích cảm giác được làm những thứ mới mẻ mà ở chỗ khác chưa bao giờ làm” - vừa chỉnh lại chiếc mũ đội đầu có gắn thiết bị cảm ứng cho người ngồi trên chiếc xe lăn thông minh, bạn Lưu Gia Lộc, chuyên viên phòng thí nghiệm tại khoa kỹ thuật y sinh đại học Quốc tế, vừa nói đầy cảm hứng. Cảm hứng đó chúng tôi cũng tìm thấy ở nhiều bạn trẻ đang học tập và nghiên cứu tại khoa kỹ thuật y sinh - một ngành học còn rất non trẻ ở Việt Nam

Tốt nghiệp ngành hóa học (đại học Khoa học tự nhiên), bạn Nguyễn Thị Hiệp sang Hàn Quốc học chuyên ngành về tái tạo mô, nhằm khôi phục những cơ quan nội tạng bị hư hỏng do bệnh hoặc tai nạn

Tuy nhiên, khi về nước, Hiệp nhận ra trong nước vẫn chưa có sự kết hợp giữa những nghiên cứu trong phòng thí nghiệm và quá trình ứng dụng vào thực tiễn. Ở bệnh viện, người ta chỉ nghiên cứu về bệnh học chứ không chú trọng nghiên cứu về vật liệu dùng trong y tế

Sau nhiều ngày suy nghĩ, cuối cùng Hiệp chọn về đầu quân tại khoa kỹ thuật y sinh, trở thành giảng viên trẻ nhất tại đây. Ngoài thời gian giảng dạy, Hiệp miệt mài trong phòng thí nghiệm để làm ra những vật liệu y tế kỹ thuật cao với giá thành rẻ

Cô hào hứng: “Không riêng gì máy móc khám bệnh, thuốc chữa bệnh mà vật liệu y tế chúng ta cũng phải nhập rất nhiều từ nước ngoài. Nếu chế tạo và sản xuất được vật liệu y tế trong nước thì giá thành chỉ bằng khoảng 1/10 giá nhập khẩu. Hiện mình đang nghiên cứu làm ra một loại gel mà khi mổ xong, bác sĩ chỉ cần bôi một lớp mỏng là vết thương có thể liền lại mà không cần chỉ khâu”

Cùng chung khát vọng được sáng tạo những thứ mới mẻ, nhiều bạn trẻ đã từ bỏ chuyên ngành mình đang học để rẽ sang ngành kỹ thuật y sinh. Như bạn Lê Đỗ Thái Ngân, hiện là sinh viên năm 2 của khoa. Trước khi vào trường, Ngân đang học năm 3 đại học Kinh tế TP.HCM. “Học kinh tế là ý của ba mẹ Ngân

Ngân cố học đến năm 3 thì thấy thật sự không phù hợp, nên thu hết can đảm xin gia đình cho tạm dừng việc học và làm lại từ đầu. Ngân về nhà ôn thi một năm, quyết tâm thi vào khoa kỹ thuật y sinh. Hai năm học ở đây, điều Ngân tâm đắc nhất là được vừa học, vừa được hướng dẫn thực hành, nghiên cứu. Nhìn các anh chị ứng dụng kiến thức đã học để làm được các loại máy móc hết sức thiết thực, tụi mình thích lắm. Sau này ra trường, Ngân cũng muốn được đi theo hướng nghiên cứu”

Còn Cù Gia Huy, sinh viên năm 2, từng là thủ khoa đầu vào của Đại học Quốc gia TPHCM, cũng chọn ngành kỹ thuật y sinh chỉ với một lý do: muốn chọn một nơi có cơ hội ứng dụng những kiến thức đã học vào thực tiễn. “Mình muốn tập trung chuyên sâu vào nghiên cứu, chế tạo máy

Mình tin là bằng những bước đi rất nhỏ như hiện nay, trong một tương lai gần Việt Nam sẽ tạo ra được nhiều máy móc, thiết bị và vật liệu y tế chất lượng cao, giá rẻ phục vụ bà con trong nước”

Mai Hương
 
Last edited:
Terumo đầu tư gần 100 triệu đô la Mỹ vào Đồng Nai
- Theo chủ đầu tư phát triển hạ tầng khu công nghiệp Long Đức, tỉnh Đồng Nai, nhà sản xuất các sản phẩm và thiết bị y tế lớn của Nhật Bản Terumo đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư để xây dựng nhà máy sản xuất thiết bị y tế tại khu công nghiệp Long Đức có vốn đầu tư 98,9 triệu đô la Mỹ

Theo Terumo, nhà máy sẽ có diện tích 10 héc ta, dự kiến đi vào hoạt động vào quí 2 năm 2015, chủ yếu sản xuất các sản phẩm bảo quản máu như túi chứa máu (9 triệu túi/năm), bộ lấy máu tự động dùng một lần và dụng cụ đi kèm (1,2 triệu bộ/năm). Thị trường hướng đến của công ty là khu vực Đông Nam Á, châu Âu và Mỹ

Đây sẽ là dự án thứ hai của tập đoàn Terumo ở Việt Nam sau dự án tại Hà Nội đã đi vào sản xuất với vốn đầu tư 19,5 triệu đô la Mỹ

* Khu công nghiệp Long Đức, huyện Long Thành chỉ đưa vào khai thác chưa được một năm nhưng đang thu hút được nhiều nhà đầu tư Nhật Bản. Trong đó đáng chú ý nhất là dự án của Tập đoàn Lixil với số vốn đầu tư 441 triệu đô la Mỹ

Theo giấy phép đầu tư, tập đoàn Lixil sẽ xây dựng nhà máy trên diện tích 55 héc ta, chuyên sản xuất vật liệu xây dựng cao cấp mà sản phẩm chủ yếu là nhôm định hình như mái che, cửa nhôm, khung nhôm... Dự án này sẽ bắt đầu xây dựng trong năm nay với kế hoạch toàn bộ sản phẩm làm ra để xuất khẩu

Theo thông tin trên trang web của Ban quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai, Lixil là tập đoàn lớn của Nhật Bản chuyên sản xuất sản phẩm phục vụ trong ngành xây dựng như gạch men, gốm sứ xây dựng, vật liệu trang trí nội ngoại thất...

Tập đoàn Lixil được hợp nhất từ 5 công ty của Nhật là Tostem Corporation, Inax Corporation, Shin Nikkei Co., Ltd., Toyo Exterior Co., Ltd. và Sunwave corporation

Hiện tại Việt Nam, Lixil đang thực hiện một số dự án cung cấp các sản phẩm sứ vệ sinh dưới nhãn hiệu Inax tại Hà Nội, Hưng Yên, Quảng Nam, Vũng Tàu

Chủ trương của tỉnh Đồng Nai và khu công nghiệp Long Đức năm nay vẫn chú ý thu hút nguồn vốn đầu tư Nhật Bản sau 1 năm thành công thu hút nguồn vốn từ đất nước mặt trời mọc này
 
Last edited:
Thiết bị, phần mềm viễn thông cho y tế của Việt Nam
- Bộ môn Kỹ thuật y sinh, Trường ĐH Quốc tế, ĐH Quốc gia TPHCM) vừa cho biết đã nghiên cứu, chế tạo thành công nhiều thiết bị, phầm mền viễn thông hỗ trợ chuyên dụng trong y tế

Các thiết bị sẽ giúp bệnh nhân theo dõi sức khỏe của mình tại nhà trong khi vẫn kết nối với các bác sĩ từ xa một cách dễ dàng

Hệ thống đo huyết áp từ xa: máy viễn áp (giúp đo huyết áp từ xa, tự động truyền dữ liệu qua mạng ADSL hoặc 3G và lưu trữ trên server. Đi kèm là các phần mềm quản lý giúp bác sĩ đăng nhập thông tin về máy và về bệnh nhân, thu thập dữ liệu đo được và tự động gửi dữ liệu đến server. Bác sĩ có thể xem trực tiếp hoặc lấy các dữ liệu từ một server trung tâm

Máy hô hấp ký từ xa: hệ thống này sẽ giúp bệnh nhân mắc bệnh hen suyễn hay phổi tắc nghẽn mãn tính có thể tự kiểm soát bệnh của mình tại nhà bằng cách đo và theo dõi diễn tiến của bệnh

Hệ thống đo hàm lượng đường từ xa: hệ thống này giúp kết nối thiết bị đo hàm lượng đường trong máu (hiện có trên thị trường) với điện thoại di động thông minh (smart phone). Dữ liệu đo được từ các máy đo đường huyết sẽ tự động hiển thị trên điện thoại di động của bệnh nhân qua giao tiếp Bluetooth sau đó chuyển đến server bằng kết nối Wifi hay 3G

Các bác sĩ sẽ theo dõi bênh nhân của mình bằng các dữ liệu trên server trên điện thoại hay hay laptop của mình. Đối với bệnh nhân không quen sử dụng điện thoại di động, dữ liệu đo được có thể tự động truyền trực tiếp đến server bằng GPRS

Máy theo dõi nhịp thở từ xa: máy sử dụng một cảm biến đo gia tốc dể thu thập các dữ liệu từ người bệnh sau đó gửi qua laptop bằng Bluetooth. Bác sĩ có thể theo dõi trực tiếp hiện trạng của bệnh nhân trên màn hình

Phần mềm quản lý bệnh vẹo cột sống: phần mềm sẽ giúp ích các bác sĩ trong việc theo dõi và điều trị bệnh vẹo cột sống, kể cả việc điều trị bằng phẫu thuật. Phần mềm có thể đo độ cong (cobb angle), độ cứng (rigidity) cũng như đô lệch ngang (horizontal shift) của cột sống

Chánh Trung
 
Last edited:
Bố trí vốn đầu tư Trung tâm ứng dụng Robot phẫu thuật nội soi nhi khoa

Chinhphu.vn - Thủ tướng Chính phủ cho phép Bộ Y tế ứng trước 100 tỷ đồng trong tổng mức vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2012-2015 đã được Thủ tướng giao để thực hiện đầu tư đồng bộ Trung tâm ứng dụng Robot phẫu thuật nội soi nhi khoa tại Bệnh viện Nhi Trung ương

Thủ tướng Chính phủ cũng đồng ý bổ sung hạng mục đầu tư Trung tâm ứng dụng Robot phẫu thuật nội soi nhi khoa tại Bệnh viện Nhi Trung ương thuộc Bộ Y tế vào Dự án đầu tư xây dựng cải tạo, mở rộng và nâng cấp Bệnh viện Nhi Trung ương giai đoạn II theo quy định hiện hành về quản lý đầu tư xây dựng và theo nguyên tắc: rà soát, cắt giảm những nội dung đầu tư chưa thực sự cần thiết trong giai đoạn 2012-2015, bảo đảm việc bổ sung hạng mục đầu tư Trung tâm ứng dụng Robot không làm tăng tổng mức đầu tư của Dự án và không ảnh hưởng đến mục tiêu của Dự án

Nguồn vốn đầu tư được bố trí từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ 1.300 tỷ đồng đã giao cho Dự án đầu tư xây dựng cải tạo, mở rộng và nâng cấp Bệnh viện Nhi Trung ương giai đoạn II, không bổ sung tổng vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2012-2015 đối với Dự án

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Y tế chịu trách nhiệm chỉ đạo Bệnh viện Nhi Trung ương và các đơn vị liên quan thực hiện đúng quy định về quản lý đầu tư xây dựng, quản lý đấu thầu và quy định về sử dụng và thanh toán nguồn vốn trái phiếu Chính phủ; chịu trách nhiệm toàn diện về chất lượng đầu tư, hiệu quả nguồn vốn đầu tư

Được biết, có rất nhiều loại phẫu thuật có thể ứng dụng hệ thống phẫu thuật nội soi bằng robot, như phẫu thuật tiêu hóa (cắt mật, dạ dày), sản phụ khoa, tiết niệu, điều trị ung thư, lồng ngực, tim mạch. Đặc biệt, hệ thống phẫu thuật nội soi bằng robot có thể rất hiệu quả để vá màng tim, chỉnh sửa van tim...

Ưu điểm của hệ thống phẫu thuật nội soi bằng robot là vùng phẫu thuật thu hẹp, ít xâm lấn nên bệnh nhân lành bệnh mau hơn. Cánh tay robot có nhiều khớp cử động và camera điều khiển giúp phẫu thuật những vùng khó mà bình thường phải mổ mở mới đánh giá được tổn thương

Phương Hiển
 
Last edited:
Dự kiến thuế nhập khẩu linh kiện thiết bị y tế 0%
Chinhphu.vn – Bộ Tài chính đề xuất áp dụng mức thuế nhập khẩu 0% đối với linh kiện nhập khẩu cho các dự án sản xuất, lắp ráp trang thiết bị y tế thuộc Danh mục trang thiết bị y tế cần ưu tiên nghiên cứu chế tạo và sản xuất để sản xuất, lấp ráp trang thiết bị y tế
Trường hợp mặt hàng nhập khẩu có mức sàn của khung thuế suất lớn hơn 0% thì áp dụng mức thuế nhập khẩu bằng mức sàn của khung thuế suất do Uỷ ban Thường vụ Quốc hội quy định

Đề xuất trên được Bộ Tài chính đưa ra tại dự thảo Quyết định quy định cơ chế hỗ trợ thuế nhập khẩu cho các linh kiện để sản xuất, lắp ráp trang thiết bị y tế trong nước

Theo dự thảo, linh kiện nhập khẩu được áp dụng mức thuế nêu trên phải đáp ứng các điều kiện sau

Một là, linh kiện do các doanh nghiệp đáp ứng đủ tiêu chuẩn sản xuất, lắp ráp trang thiết bị y tế theo quy định của Bộ Y tế trực tiếp hoặc uỷ thác nhập khẩu

Hai là, linh kiện phải có tên trong Danh mục linh kiện để sản xuất, lắp ráp thiết bị y tế theo các chủng loại trang thiết bị y tế cần được ưu tiên nghiên cứu chế tạo và sản xuất do Bộ Y tế quy định

Ba là, linh kiện nhập khẩu là loại trong nước chưa sản xuất được

Theo Bộ Tài chính, trường hợp doanh nghiệp không đưa số linh kiện nhập khẩu được hưởng ưu đãi về thuế nhập khẩu vào sản xuất thiết bị y tế theo đúng Danh mục trang thiết bị y tế được miễn thuế thì không được hưởng ưu đãi thuế nhập khẩu, bị truy thu thuế và xử phạt theo quy định của pháp luật

Bộ Tài chính cho biết, nền sản xuất trang thiết bị y tế của Việt Nam vẫn còn non trẻ, quy mô sản xuất ít. Trong thời gian qua Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ, phát triển sản xuất trong nước, trong đó có chính sách ưu đãi thuế nhập khẩu

Tuy nhiên, chính sách ưu đãi thuế nhập khẩu hiện hành mới chỉ áp dụng đối với dự án sản xuất thiết bị y tế trong công nghệ phân tích và công nghệ chiết xuất trong y học; dụng cụ chỉnh hình, xe, dụng cụ chuyên dùng cho người tàn tật; một số trang thiết bị y tế và thuốc cấp cứu sử dụng trên các dàn khoan và công trình nổi được Bộ Y tế xác nhận và thuộc danh mục trang thiết bị chỉ được miễn thuế lần đầu đối với một số dự án được ưu đãi về thuế nhập khẩu

Mặt khác, các linh kiện phục vụ cho chế tạo, sản xuất trang thiết bị y tế có thể sử dụng cho nhiều ngành, nhiều lĩnh vực khác nhau nên không ảnh hưởng tới các ngành sản xuất trong nước và tạo thuận lợi cho việc thực hiện do tính chất lắp lẫn của các linh kiện, cần thiết phải xây dựng một cơ chế ưu đãi thuế riêng cho linh kiện nhập khẩu để sản xuất, lắp ráp các trang thiết bị y tế

Theo dự thảo, các trang thiết bị y tế thuộc Danh mục trang thiết bị y tế cần ưu tiên nghiên cứu chế tạo, sản xuất gồm

- Thiết bị chẩn đoán (máy X-quang, siêu âm, điện tim, doppler tim thai)

- Thiết bị phòng mổ, gây mê hồi sức (máy thở, máy gây mê, máy tạo ô xy cá nhân, thiết bị theo dõi bệnh nhân, dao mổ các loại, bàn mổ)

- Thiết bị laser y tế

- Hệ thống tán sỏi ngoài cơ thể/tán sỏi nội soi; các thiết bị vật lý trị liệu, phục hồi chức năng

- Thiết bị phân tích xét nghiệm phục vụ tuyến y tế cơ sở (kính hiển vi sinh học, máy phân tích sinh hoá, miễn dịch, huyết học, điện giải, chiết tách tế bào... và các vật tư, hoá chất xét nghiệm đi kèm); thiết bị nội soi chẩn đoán và phẫu thuật…

Thanh Hoài
 
Last edited:
Máy X-Quang kỹ thuật số đa năng công nghệ cảm biến bản phẳng

Chỉ cần ba đến năm giây có thể chụp được hình ảnh một bộ phận trong cơ thể người bệnh và khoảng 10 phút sau là có kết quả phục vụ chẩn đoán, điều trị kịp thời cho bất kỳ ai có nhu cầu; ngoài ra còn hạn chế khá lớn mức độ ô nhiễm môi trường so phương pháp chụp phim tráng bạc truyền thống. Ðó là những ưu điểm của máy X-quang kỹ thuật số đa năng công nghệ cảm biến bản phẳng. Công trình đoạt giải nhì giải thưởng VIFOTEC năm 2012

Bây giờ đến hàng chục bệnh viện và cơ sở y tế lớn, nhỏ từ bắc tới nam như Bệnh viện Nhi T.Ư, Bệnh viện Ða khoa Xanh Pôn, Hà Nội, Bệnh viện gang thép Thái Nguyên, Trung tâm chẩn đoán y khoa Medic - TP Hồ Chí Minh, Bệnh viện Ða khoa tỉnh Hòa Bình...

Không còn cảnh người bệnh chen chúc, chờ đợi lâu để chụp x-quang mà chỉ cần khoảng 20 phút sau đã có kết quả hình ảnh. Trong nhiều nỗ lực tìm biện pháp "giảm tải" tại các bệnh viện, có sự đóng góp của việc sử dụng máy X-quang kỹ thuật số đa năng công nghệ cảm biến bản phẳng (FPD) sản xuất trong nước

Theo kỹ sư Nguyễn Trường Giang, Giám đốc Công ty TNHH thiết bị Việt Ba, chủ nhiệm đề tài "Nghiên cứu, thiết kế và chế tạo máy x-quang kỹ thuật số đa năng công nghệ cảm biến bản phẳng" thì sử dụng loại thiết bị này đem đến nhiều tiện ích không những cho ngành y tế, cho người bệnh mà cho cả cộng đồng

Bởi dùng máy X-quang kỹ thuật số đa năng công nghệ FPD, ngoài việc thao tác nhanh, trả kết quả sớm (từ ba đến năm giây chụp được một ảnh, sau 10 phút có kết quả), còn giảm 50% liều tia chụp cho người bệnh so với công nghệ tráng rửa phim truyền thống mà chất lượng hình ảnh vẫn tốt...

Từ thực tế trong khi các thiết bị như máy siêu âm, nội soi, CT scanner, cộng hưởng từ... đã tạo ra hình ảnh số, còn máy x-quang với phim tráng bạc là chưa được số hóa. Từ năm 2007, kỹ sư Nguyễn Trường Giang và nhóm cộng sự đã có cách nhìn nhận: Ngành công nghiệp chụp ảnh dân dụng với phim tráng bạc từng bước mất "chỗ đứng" trên thị trường, cho nên việc chuyển đổi từ chụp X-quang truyền thống sang chụp X-quang kỹ thuật số là xu hướng tất yếu trong các cơ sở khám, chữa bệnh ở nước ta

Với mục tiêu đặt ra của đề tài là làm chủ được quy trình công nghệ thiết kế, chế tạo, lắp ráp và tích hợp máy X-quang kỹ thuật số đa năng công nghệ FPD, trong đó trước mắt phấn đấu đạt 50% thiết bị nội địa; tạo được giá thành cạnh tranh so sản phẩm nhập khẩu

Theo hướng này, nhóm thực hiện đề tài nghiên cứu, chế tạo bộ giá đỡ đa năng cho cảm biến và bóng X-quang, bàn chụp X-quang di động phù hợp với bộ giá đỡ, hệ thống điều khiển bộ giá đỡ cảm biến đa năng với mức độ tự động hóa cao, phần mềm thu nhận, điều khiển, xử lý hình ảnh và giao tiếp DICOM, ngôn ngữ sử dụng là tiếng Việt và tiếng Anh...

Các thành phần nhập khẩu chỉ gồm bộ phận phát tia X và tấm cảm biến bản phẳng. Từ việc cải tiến, nâng cấp máy X-quang cũ, sau hơn bốn năm, Công ty TNHH thiết bị Việt Ba đã thiết kế và chế tạo hoàn chỉnh máy X-quang kỹ thuật số đa năng công nghệ FPD, với giá thành bằng 50% so thiết bị nhập khẩu

Cũng theo tính toán của kỹ sư Nguyễn Trường Giang và nhóm cộng sự, nếu sử dụng thiết bị này, vừa góp phần "giảm tải" cho các bệnh viện, cho phép thiết lập các thông tin hình ảnh và tích hợp với các hệ thống thông tin khác trong bệnh viện, đồng thời tiết kiệm các loại chi phí cho một bệnh viện tuyến tỉnh và huyện khoảng hơn 700 triệu đồng/năm

Mặt khác, điều quan trọng hơn là loại bỏ được lượng hóa chất dùng xử lý phim (các a-xít HCL, H2SO4 và bazơ), lượng nước thải sau khi tráng, rửa phim và lượng phim thải ra hằng năm... một trong những thủ phạm chính gây ô nhiễm môi trường lâu nay

Hơn nữa, mở rộng sử dụng máy X-quang kỹ thuật số đa năng công nghệ FPD trong khám, chữa bệnh vừa hạn chế tình trạng nhập siêu cho nền kinh tế, vừa tạo thêm việc làm cho các ngành công nghiệp phụ trợ như cơ khí, động cơ điện, vật liệu hàn cắt...

Có thể nói việc thiết kế, chế tạo và sản xuất thành công máy X-quang kỹ thuật số đa năng công nghệ FPD, bước đầu góp phần cụ thể hóa, chiến lược nghiên cứu và phát triển trang thiết bị y tế đến năm 2020 của Nhà nước

Với tính mới về mặt khoa học và công nghệ, hiệu quả kinh tế đem lại và ý nghĩa xã hội của công trình, đề tài "Nghiên cứu, thiết kế và chế tạo máy X-quang kỹ thuật số đa năng công nghệ cảm biến bản phẳng" do kỹ sư Nguyễn Trường Giang, Công ty TNHH thiết bị Việt Ba làm chủ nhiệm đã đoạt giải nhì, giải thưởng VIFOTEC năm 2012

Nguyễn Khôi
 
Last edited:
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân chỉ đạo đẩy mạnh công tác y tế
Chinhphu.vn - Chiều 17/7, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, Trưởng Ban Chỉ đạo về trang thiết bị y tế, đã làm việc với các Bộ Y tế, Công Thương, Khoa học và Công nghệ và Tài chính để nghe báo cáo về các hoạt động liên quan đến trang thiết bị y tế
Trong 6 tháng qua, Ban Chỉ đạo về trang thiết bị y tế (TTBYT) đã triển khai 7 nội dung

- Xây dựng Nghị định về trang thiết bị y tế

- Đẩy mạnh công tác đào tạo phát triển nhân lực cho lĩnh vực TTBYT

- Xây dựng khung thuế nhập khẩu linh kiện để lắp ráp, sản xuất TTBYT trong nước

- Xây dựng chính sách, hỗ trợ đầu ra cho sản phẩm TTBYT

- Hoàn thành công tác xây dựng tiêu chuẩn, áp dụng tiêu chuẩn, kiểm tra chất lượng TTBYT

- Đẩy mạnh quản lý hoạt động sản xuất, dịch vụ TTBYT

- Tăng cường hội nhập quốc tế lĩnh vực TTBYT

- Hợp tác giữa Tập đoàn GE trong đầu tư sản xuất và đào tạo

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến kiến nghị Bộ Tài chính sớm có dự thảo quyết định của Thủ tướng Chính phủ về ưu đãi thuế nhập khẩu đối với linh kiện để sản xuất, lắp ráp trang thiết bị y tế để tổng hợp, báo cáo trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt

Đồng thời, Bộ Y tế đề nghị sớm thành lập các bộ phận, đầu mối chuyên trách quản lý TTBYT tại các Sở Y tế. Riêng Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh thành lập phòng quản lý TTBYT để làm tốt hơn chức năng tham mưu về công tác này trên địa bàn

Hiện nay, 80% số TTBYT ở nước ta đều phải nhập khẩu, vì vậy việc Bộ Y tế cho phép các doanh nghiệp nhập khẩu TTBYT có thể khai và nộp hồ sơ mua sắm TTBYT qua mạng (ở mức độ 3) đã tạo điều kiện cho việc kiểm soát chặt chẽ, đồng thời giúp các doanh nghiệp tiết kiệm và thuận lợi hơn trong quá trình kinh doanh

Về thuế nhập khẩu đối với TTBYT, Bộ Y tế đề nghị miễn thuế đối với một số TTBYT. Thực tế cho thấy nếu bông, băng, gạc, quần áo y tế... vẫn bị đánh thuế nhập khẩu như hiện nay thì không thể cạnh tranh được với những chủng loại tương tự thẩm lậu từ các nước láng giềng

Các sản phẩm TTBYT khác có liên quan đến cao su cũng không thể cạnh tranh và không thể khuyến khích sản xuất trong nước vì khó cạnh tranh được với các sản phẩm nhập khẩu từ Malaysia

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đánh giá cao một số công việc lớn mà Bộ Y tế đã và đang triển khai trong thời gian qua. Phó Thủ tướng giao Bộ Y tế và Bộ Nội vụ sớm xây dựng Thông tư liên Bộ về cán bộ chuyên trách về TTBYT tại các Sở và các bệnh viện lớn. Bên cạnh đó, các trường đào tạo cán bộ y tế sớm đăng ký mã ngành đào tạo về TTBYT với Bộ Giáo dục và Đào tạo; các bệnh viện sớm dự báo và đăng ký nhu cầu về nhân lực về sửa chữa TTBYT giai đoạn 2013-2015, có thể tính tới phương án đào tạo có địa chỉ

Phó Thủ tướng đã cho ý kiến về việc quy định vị trí việc làm, chức danh nghề nghiệp dành cho các vị trí quản lý Nhà nước đối với cán bộ về TTBYT. Bộ Y tế và Bộ Tài chính xây dựng dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ trình Thủ tướng để ban hành quyết định ưu đãi thuế đầu vào đối với TTBYT nhập khẩu theo từng dự án, cuối năm 2013 hoàn thành

Từ Lương
 
Last edited:
GM dưới áp lực 'sản xuất máy thở' của Trump
General Motors cho rằng việc dàn xếp để chuyển sang sản xuất máy thở chỉ trong 5 ngày là "nỗ lực không thể tin được". Nhưng Trump không nghĩ thế

Trong khi phần lớn nền kinh tế Mỹ ngưng trệ vì Covid-19, hàng chục công nhân mặc quần áo màu cam và đội mũ bảo hộ vẫn vận chuyển thiết bị tại nhà máy GM ở Kokomo hôm Chủ nhật (27/3)

Họ là một phần trong nỗ lực để sản xuất cấp tốc hàng chục nghìn máy thở - phao cứu sinh cho các bệnh nhân nhiễm Covid-19 nặng. Các bệnh viện Mỹ đang thiếu hụt trầm trọng máy thở, riêng bang New York có thể cần đến 30.000 chiếc hoặc cao hơn

5 ngày để thành công ty sản xuất máy thở

Cuối tuần trước, Tổng thống Trump lần đầu tiên dùng Đạo luật Sản xuất Quốc phòng, yêu cầu GM làm máy thở. GM đã hợp tác với Ventec Life Systems, một nhà sản xuất máy thở nhỏ để tăng tốc sản xuất thiết bị

Trong bối cảnh các ca tử vong tăng vọt, hai công ty đã nhanh chóng tìm linh kiện, đặt hàng và triển khai công nhân. Các công việc này thường mất đến vài tuần hoặc vài tháng đã được hoàn thành chỉ sau vài ngày. Họ dự kiến bắt đầu sản xuất trong ba tuần và những máy thở đầu tiên sẽ được giao trước khi kết thúc tháng 4

GM-worker-5813-1585620457.jpg

Một công nhân GM trong nhà máy tại Kokomo, nơi hãng xe này sẽ sản xuất máy thở với Ventec

Hôm 19/3, GM bắt đầu mối hợp tác với Ventec, công ty thường sản xuất 200 máy thở một tháng để tìm cách tăng gấp 10 lần sản lượng. Làm việc thông cả hai ngày cuối tuần (21 và 22/3), họ nhanh chóng tìm kiếm được các nhà cung cấp mới, có thể đáp ứng linh kiện với khối lượng lớn

Cuối tuần trước, GM yêu cầu công nhân dọn vệ sinh nhà máy Kokomo, nơi từng được dùng để sản xuất các linh kiện ôtô đã phải ngừng hoạt động vì đại dịch. Vài ngày tới, GM và Ventec bắt đầu thiết lập một dây chuyền lắp ráp. Nhà sản xuất ôtô Mỹ cũng đang chọn hàng trăm công nhân

"Chúng tôi tiếp tục làm việc ngày đêm với những nỗ lực cùng Ventec. Chúng tôi đang làm nhanh nhất có thể để sản xuất máy thở tại Kokomo", GM nói trong thông cáo đêm hôm Chủ nhật

Kristin Dziczek, phó chủ tịch ngành công nghiệp và kinh tế tại Trung tâm nghiên cứu ôtô ở Ann Arbor, Mich cho biết rất ấn tượng với những gì GM và Ventec làm. Theo ông, việc sản xuất của GM đòi hỏi một chuỗi cung ứng khổng lồ và họ có khả năng đối mặt với những thách thức lớn về sản xuất khác

Tuy nhiên, Trump không lại thấy như vậy. Cuối tuần trước, ông nói trên Twitter rằng CEO Barra và GM hứa cung cấp "rất nhanh chóng" 40.000 máy thở nhưng hiện họ nói chỉ có thể sản xuất được 6.000 đến cuối tháng 4 và muốn giá cao cho những chiếc máy này. "Luôn luôn là một mớ hỗn độn với Mary B", Trump nói

GM đã không đàm phán giá và các chi tiết khác với Chính phủ. Ventec đã dẫn đầu các cuộc đàm phán với Cơ quan quản lý khẩn cấp liên bang (FEMA), Bộ Y tế về việc Chính phủ muốn mua bao nhiêu máy thở và giá thế nào. GM cho biết họ sẽ không tính lãi từ sản xuất máy thở và chỉ tìm cách để trang trải các chi phí

Tháng này, bà Barra nhận cuộc gọi từ đại diện của Stop the Spread, một chiến dịch phi lợi nhuận được phát động bởi Rachel Romer Carlson, CEO Guild Education và Kenneth I. Chenault, chủ tịch và giám đốc quản lý hãng đầu tư mạo hiểm General Catalyst

Hai người này đã viết một bài trên The New York Times kêu gọi lãnh đạo các doanh nghiệp tham gia vào cuộc chiến chống đại dịch hôm 18/3. Và khoảng 1.500 giám đốc điều hành các công ty đã ký vào thư cam kết giúp đỡ để đáp lại yêu cầu trên

ventec-8340-1585620874.jpg

Phó chủ tịch Ventec, Joe Cipollone giải thích về máy thở VOCSN cho các lãnh đạo GM hôm 20/3

Bà Barra đã đề nghị giúp đỡ và đại diện của Stop the Spread gợi ý GM nên sử dụng nhà máy của mình để có thể giúp Ventec tăng quy mô sản xuất máy thở

Ventec không phải một đại gia trong ngành sản xuất máy thở. Tuy nhiên, họ nổi tiếng với mẫu VOCSN, được FDA cấp chứng nhận năm 2017. VOCSN chỉ có kích thước như một lò nướng cỡ lớn, kết hợp một số chức năng mà trước đây đã được thực hiện bởi một số máy móc để bơm không khí vào phổi, hút dịch tiết ra và cung cấp oxy. Thiết bị này có thể sử dụng trong các đơn vị chăm sóc đặc biệt ở bệnh viện và cũng có thể dùng tại nhà

Khi được yêu cầu, GM, Ford và Fiat Chrysler đã phải chật vật với việc có giữ nhà máy hoạt động không. Liên minh các công nhân sản xuất ôtô Mỹ đã gây sức ép để các doanh nghiệp hành động nhiều hơn để bảo vệ công nhân. Một ngày sau khi bà Barra nói chuyện với Stop the Spread, GM và hai đại gia ngành ôtô Mỹ thông báo đóng cửa nhà máy ít nhất đến 30/3

Hôm sau, Phil Kienle, người đứng đầu mảng sản xuất Bắc Mỹ và một số lãnh đạo khác bay đến trụ sở của Ventec ở Bothell, Wash. Sáng sớm ngày 20/3, đội ngũ GM ngồi lại cùng các lãnh đạo Ventec để học về những chiếc máy thể được tạo ra thế nào và các linh kiện cần thiết

Khi đó, Ventec đã bắt đầu nâng công suất lên 1.000 chiếc một tháng. Công ty này cho rằng, với nguồn lực của GM, mục tiêu 20.000 máy thở cùng lúc sẽ khả thi

Ngay ngày sau đó (21/3), GM gửi email cho các nhà cung cấp của Ventec để hỏi xem ai có thể cung cung cấp với khối lượng lớn. Đồng thời, đội ngũ của Kienle đã nhanh chóng chọn Kokomo làm nơi sản xuất máy thở. Nhà máy này không giống các nhà máy lắp ráp ôtô khác khi có không gian sạch sẽ cần thiết để sản xuất thiết bị y tế

Tối chủ nhật (22/3), Giám đốc mua sắm Shilpan Amin email cho bà Barra và các lãnh đạo cao cấp khác để báo cho họ biết rằng – GM và Ventec đã nhận đảm bảo cam kết từ các nhà cung cấp đến 95% linh kiện cần thiết

Thứ 3 tuần trước (24/3), GM và Ventec đã tiết lộ chi tiết của sự hợp tác. Theo đó, GM sẽ hoạt động như một nhà sản xuất hợp đồng cho Ventec - đơn vị sẽ bán và phân phối máy thở. Ventec cũng có kế hoạch tăng sản xuất tại nhà máy của họ ở bang Washington

Trump vẫn không hài lòng

Khi các cuộc đàm phán giữa hai bên diễn ra, các ca bệnh tăng chóng mặt tại thành phố New York và cũng tăng nhanh tại Boston, Detroit, New Orleans... Trong một cuộc họp báo, Thống đốc New York phàn nàn rằng chính phủ chỉ cung cấp 400 máy thở cho bang này. "Bạn có 26.000 người sắp chết và bạn chỉ được cung cấp 400 chiếc máy thở", ông Andrew M. Cuomo nói hôm 24/3

Hai ngày sau, Trump phản bác về số lượng của Cuomo khi trả lời phỏng vấn trên Fox New. "Tôi không nghĩ ông cần 40.000 hoặc 30.000 máy thở. Ông vào trong các bệnh viện lớn mà xem. Họ sẽ chỉ có hai chiếc", Trump nói

Chính quyền liên bang chỉ thị các nhà sản xuất nên làm bao nhiêu máy thở, bao gồm cả GM và Ventec. Ventec cũng chưa bao giờ được chính quyền xác nhận về việc ai quan tâm đến việc mua máy thở, số lượng họ muốn và giá thế nào

Cùng lúc này, các cơ quan quản lý nói với The Times rằng họ đang chật vật để tìm hiểu hai công ty có thể sản xuất bao nhiêu máy thở. Chiều hôm 25/3, FEMA nói với Nhà Trắng rằng họ cần thêm thời gian để đánh giá các yêu cầu với máy thở

Khi ông Trump đả kích GM tối 27/3, lãnh đạo hai công ty GM và Ventec đã rất choáng váng. Đồng thời, các lãnh đạo GM đã rất tức giận với Tổng thống Mỹ khi mà họ đã đạt được nhiều tiến bộ chỉ trong một tuần và ngay trước đó chính quyền còn ủng hộ nỗ lực này

"Những gì chúng tôi làm trong 5 ngày là không thể tin được", Larryson Foltran, công nhân làm việc trong bộ phận hỗ trợ công nghệ tại GM viết trên Facebook và nói thêm anh đã làm việc 14 – 18 tiếng một ngày. Anh cho rằng ý kiến của ông Trump làm mình tổn thương hơn

Tuy nhiên, cuối cùng các lãnh đạo GM và Ventec quyết định sẽ không đưa ra bất cứ phản hồi trực tiếp nào với tổng thống vì việc này sẽ chỉ khiến họ nhận thêm chỉ trích từ Nhà Trắng

Bốn nguồn tin của NYT thân cận với kế hoạch của GM và Ventec cho biết ngay cả khi chính quyền liên bang từ chối mua máy thở của Ventec và GM, hai doanh nghiệp này sẽ vẫn làm vì họ biết nhiều khách hàng trên khắp nước Mỹ và thế giới sẽ cần

Bài đăng chỉ trích GM của Trump dường như cũng làm mất lòng lãnh đạo các công ty khác. Một nguồn tin thân cận với chiến dịch Stop the Spread cho biết vài lãnh đạo từng sẵn sàng đóng góp trước đó đã rút lui vì họ sợ trở thành mục tiêu công kích của Trump như bà Barra

Đến cuộc họp báo hôm Chủ nhật (29/3) tại Nhà Trắng, Trump đã đổi giọng điệu hoàn toàn khác. "GM đang làm một công việc tuyệt vời. Tôi không nghĩ chúng ta phải lo lắng về GM lúc này", Trump nói

Tú Anh
 
Top