What's new
Vietnam - Điện Biên Phủ Kinh Tế

This is a sample guest message. Register a free account today to become a member! Once signed in, you'll be able to participate on this site by adding your own topics and posts, as well as connect with other members through your own private inbox!

Lobby Denmark Club

LOBBY.VN

Administrator
Bữa ăn trưa với một ông hoàng
Một ngày cuối đông, 31-1-2013, tôi bất ngờ được mời tham dự một buổi tiệc trưa với Hoàng thân Henrik, chồng nữ hoàng Đan Mạch Margrethe II tại Hà Nội

Khi Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam John Nielsen hướng dẫn khách mời chào Hoàng thân bằng câu Your Royal Highness -Kính chào Điện hạ-thì tôi bắt đầu hồi hộp, vì chưa bao giờ nói điều gì như trong chuyện cổ tích thế

Tôi tò mò muốn biết một trong những nhân vật hoàng gia Châu Âu nổi tiếng nhất thế giới là người như thế nào. Nhất là khi ông từng là chàng hầu tước trẻ tuổi người Pháp Henri de Monpezat có tuổi thơ ở Hà Nội

Đây là chuyến thăm riêng tư nên Hoàng Thân từ chối tất cả các cuộc tiếp xúc với báo chí, chỉ đi với một đoàn tuỳ tùng gồm vệ sĩ và một nhà làm phim tài liệu nổi tiếng của Đan Mạch

Đại sứ Đan Mạch đã khéo léo mời bảy khách mời người Việt từ các lĩnh vực khác nhau, như nhà làm phim Hoàng Điệp, giám đốc Nhà hát Tuổi Trẻ Trương Nhuận, nhạc sĩ Trí Minh và hoạ sĩ Phạm Lực

Sự gần gũi, vui tươi của Hoàng thân đã nhanh chóng xoá tan sự ngại ngùng kiểu cách ban đầu

Hoá ra gia đình Hoàng thân hồi xưa là chủ sở hữu nhà máy dệt Nam Định và mỏ than Hòn Gai. Ông sang Hà Nội vài ngày sau khi sinh vào năm 1934 và ở năm năm. Sau đó ông trở lại Việt Nam năm 16 tuổi, 1950 và về Pháp năm 1952 để học luật và chính trị tại đại học Sorbonne. Ông gặp vợ, Nữ hoàng Margrethe II của Đan Mạch khi đang là Bí thư thứ ba của Sứ quán Pháp tại London

20130315153735_prince-of-denmark_1363315258_zpsb8a0a2a0.jpg

Sau món nem cuốn đu đủ giòn ngọt, bất chợt ông quay sang tôi nói bằng tiếng Pháp: J'aime le nuoc mam - Tôi yêu nước mắm- và đố tôi nước mắm ở đâu ngon nhất. Khi tôi nói là Phú Quốc, ông bảo không, với ông, nước mắm Phan Thiết ngon nhất. Ông nói Việt Nam là nước duy nhất làm được nước mắm ngon. Một số vùng của Thái Lan cũng làm nước mắm nhưng không thơm ngon như nước mắm Việt Nam

Ông mê tranh sơn mài của Việt Nam và nói rằng nghệ thuật làm tranh sơn mài đã gần như biến mất khỏi các nước châu Á khác như Nhật Bản, chỉ có Việt Nam còn có mà thôi

Ông kể ngôi nhà gia đình ông đã từng sống qua ba đời ở Hà Nội bây giờ trở thành trụ sở Uỷ ban dân tộc miền núi ở 80 Phan Đình Phùng, Hà Nội. Cha ông là một trong những người Pháp cuối cùng rời khỏi Việt nam vào năm 1955, sau Điện Biên Phủ

Cậu thiếu niên 17 tuổi de Monpezat đã từng chơi đàn trên sân khấu Nhà Hát Lớn Hà Nội, từng chạy chơi trong nhà in tờ báo Ý Chí Đông Dương của ông nội ông, nơi nguyên Thủ tướng Phạm Văn Đồng từng là nhà báo

Trong cuốn hồi ký "Mệnh giời bắt thế" mà Hoàng Thân tặng các khách mời, có vài chương dành riêng cho tình yêu Việt Nam. Một tình yêu tha thiết đến mức cậu thiếu niên Henri de Monpezat tả mình đã sống qua thời Đức quốc xã chiếm đóng nước Pháp với "một ám ảnh duy nhất: tìm lại được miền đất An Nam của mình"

"Qua những cuộc trò chuyện với những người bạn Việt Nam," ông viết trong hồi ký "tôi hiểu là còn tồn tại những điều kỳ diệu khác cần quan sát... có những sự dịu dàng trong các quan hệ với những sự vật không thể bỏ qua bởi chúng là duy nhất. Những nền văn minh phương Tây của chúng ta đã thường xuyên thuyết phục ta rằng cuộc sống dựa trên những mối quan hệ về sức mạnh xen kẽ với những thất bại và sụp đổ"

"Ở vùng Viễn Đông tôi tin rằng mình đã hiểu được thời gian là một sợi dây không thuần nhất, nơi quá khứ hoà trộn với hiện tại để chuẩn bị cho tương lai. Rằng quan trọng không phải là cú sốc giữa những mối quan hệ, mà là sự hài hoà mà người ta thiết lập quanh mình và dẫn đến sự bình yên trong tâm hồn..."

Ông viết, "Một thứ triết lý về sự đúng đắn, về sự hợp lý trong các hành động, về sự ngay thẳng. Tôi từng cảm thấy trong tâm hồn người Việt Nam một tính nhạc êm dịu và thanh thản, cái tính nhạc trong những mối quan hệ thân tình giữa hai con người, cho phép quên đi sự bạo ngược của các thứ luật lệ, của gia phong, giữa các giới, của lao động, của chính trị hay tôn giáo"

20130315153735_ResizedImage498600-17684-dan-mach-3_1363315266_zps9c0647fc.jpg

Khi tôi hỏi ông thấy cuộc sống hồi xưa ở VN thế nào, ông bảo "rất hài hoà" và bất chợt trở nên suy nghĩ. Ông nói VN đang thay đổi quá nhiều, đang Mỹ hoá, vật chất hoá quá. Điều hay nhất của người Việt, ông nói, là mặc dù đã bị Trung Quốc, Pháp, Nhật...đô hộ bao nhiêu năm, nhưng không bị đồng hoá, mà rút ra những điều hay nhất về văn hoá và lối sống

Chính vì vậy VN mới đặc biệt. Nhưng bây giờ người Việt đang bị ảnh hưởng quá nhiều từ văn hoá Anh Mỹ. "Còn có nền văn hoá khác, lối sống khác lối sống Mỹ", ông nói. Ông nói nhận xét này đến từ tiếp xúc của ông với người Việt từ những chuyến đi gần đây

Ông cho rằng người Việt có tính cách giống người Pháp, người Ý, người Bồ Đào Nha hơn, "nghĩa là có triết lý sống hài hoà, sâu sắc chứ không chỉ biết có tiền"

Tôi hy vọng biết đâu vị Hoàng thân này có thể là một chứng nhân văn hoá Việt Nam thời Pháp thuộc. Nên khi ông nói gia đình ông từng sở hữu nhà máy dệt Nam Định, tôi tranh thủ kiểm chứng một giả thiết đưa ra gần đây rằng món phở bắt nguồn từ món ăn của công nhân nhà máy dệt Nam Định và từ chữ "pot de feu" tiếng Pháp

Ông không biết điều này, nhưng cười lớn, rất thích thú khi biết nguồn gốc món phở. Ông nói "Tôi rất thích món phở. Sáng nào tôi cũng ăn phở ở khách sạn Metropole nơi tôi ở"

"Có rất nhiều món ăn ngon ở VN. Tôi thích nhất món thịt lợn quay, có da rất giòn phủ một lớp vàng óng như caramen"

Tôi tò mò không biết liệu ông có từng tận mắt trông thấy tượng Nữ thần tự do ở Hà Nội, mà vào thời ông, có lẽ đang nằm trên nóc Tháp Rùa hoặc vườn hoa Cửa Nam

Nhưng ký ức tuổi thơ của cậu bé 4 tuổi De Monpezat không có Bà Đầm Xoè, mà là Chị Hai, chị Ba, chị Tư, những người vú nuôi bốn anh chị em. Ông chỉ một tấm ảnh trong cuốn sách về cuộc đời ông, Mệnh giời bắt thế, và nói tiếng Việt "Đây là chị Hai", người đang đội nón quay thao bế ông trên tay. Bức ảnh bây giờ nằm cạnh ảnh đám cưới Hoàng gia và lễ tiếp đón Giáo hoàng trong cuốn sách

Bữa ăn kết thúc trong tiếng cười vang của ông và khách mời trước những bức ký hoạ chân dung được hoạ sĩ Phạm Lực vẽ rất nhanh. Có lẽ tôi vừa gặp không chỉ một ông hoàng, mà là một người hạnh phúc

Trần Lệ Thùy
 
Đan Mạch viện trợ 100 triệu đô la Mỹ


Ông John Nielsen trả lời phóng viên tại buổi họp báo​

- Tại buổi họp báo ngày 12-7, Đại sứ quán Đan Mạch John Nielsen cho biết Đan Mạch sẽ giải ngân 100 triệu đô la Mỹ nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức không hoàn lại (ODA) cho Việt Nam trong năm 2013-2014

Nguồn vốn này của Đan Mạch chủ yếu tập trung vào phát triển những cộng đồng nghèo ở ba miền Bắc, Trung, Nam, đặc biệt là tại Đăk Lăk, Đăk Nông, Lai Châu, Điện Biên, Bến Tre và Quảng Nam

Trong số 100 triệu đô la Mỹ viện trợ chính thức lần này, phần lớn nhất (25%) sẽ được dành cho các dự án về chống biến đổi khí hậu; 20% cho các dự án tăng trưởng xanh; 15% cho các dự án về nước sạch và vệ sinh môi trường và số còn lại cho các dự án khác

Cũng tại buổi họp báo, liên quan đến quyết định dừng hoạt động ba trong bốn dự án nghiên cứu chống biến đổi khí hậu sử dụng vốn ODA do Danida, cơ quan viện trợ của Bộ Ngoại giao Đan Mạch thực hiện tại Việt Nam hồi giữa năm ngoái, ông John Nielsen cho hay, phía Đan Mạch và Việt Nam vẫn đang tiếp tục điều tra những bất thường về tài chính trong ba dự án này. Ông Nielsen cũng khảng định, vấn đề tham những trong ba dự án nói trên không ảnh hưởng đến quyết định hỗ trợ của Đan Mạch cho Việt Nam

Trả lời Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online về những điều kiện để Việt Nam nhận được khoản viện trợ này, ông Nielsen nói, hầu hết những khoản viện trợ phát triển của Đan Mạch cho Việt Nam đều dựa trên những điều khoản trong tuyên bố chung giữa hai chính quyền

“Song, chúng tôi nhấn mạnh đến tính hiệu quả cũng như tính minh bạch trong việc sử dụng những đồng vốn ODA mà phía Đan Mạch hỗ trợ Việt Nam”, ông Nielsen bày tỏ

Theo ông Nielsen, Việt Nam đã trở thành nước có thu nhập trung bình nên nguồn vốn ODA từ các nước đã giảm rất nhiều. Tuy nhiên, số vốn ODA của Đan Mạch dành cho Việt Nam không thay đổi so với năm trước và cả một vài năm tới. Nhưng từ năm 2015 trở đi, số vốn này sẽ giảm đi đáng kể

Theo sách Xanh phiên bản 2013 của Phái đoàn Liên minh châu Âu về hợp tác với Việt Nam, Đan Mạch hiện là nhà tài trợ lớn nhất trong các nước thuộc Cộng đồng châu Âu trong năm 2012-2013

Thùy Dung
 
Top