What's new
Vietnam - Điện Biên Phủ Kinh Tế

This is a sample guest message. Register a free account today to become a member! Once signed in, you'll be able to participate on this site by adding your own topics and posts, as well as connect with other members through your own private inbox!

Myanmar News

Miến Điện đi theo lập trường của Trung Quốc về Biển Đông​

CHINEBIRMANIE31052011.jpg

Tổng thống Miến Điện Thein Sein nâng ly cùng chủ tịch Hồ Cẩm Đào tại Đại Sảnh Đường Nhân Dân ngày 27/5/11​

Phải chăng chính sách chia để trị của Trung Quốc nhắm vào các nước Đông Nam Á đã lại gặt hái thêm thành công với hậu thuẫn của Miến Điện trên hồ sơ Biển Đông? Nhân chuyến công du Trung Quốc vừa qua, tổng thống Miến Điện Thein Sein đã công khai tuyên bố ủng hộ quan điểm của Trung Quốc về vấn đề Biển Đông, cho dù hai đồng minh Việt Nam và Philippines liên tiếp bị Bắc Kinh chèn ép. Theo các nhà phân tích, thái độ của Miến Điện đe dọa sự thống nhất của ASEAN

Từ khi một chính quyền mang vỏ bọc dân sự lên cầm quyền tại Miến Điện, Trung Quốc đã liên tiếp tìm cách lôi kéo nước này. Thượng khách nước ngoài đầu tiên chính thức đến thăm Miến Điện sau khi Tổng thống Thein Sein nhậm chức là ông Giả Khánh Lâm, nhân vật số 4 trong chính quyền Bắc Kinh, mang theo hàng tỷ đô la tín dụng. Vào tuần trước, Trung Quốc lại trải thảm đỏ để đón Tổng thống Miến Điện, nhân một chuyến quốc du ba ngày và hai bên đã quyết định nâng quan hệ song phương lên một “tầm mức chiến lược”

Điều được các nhà quan sát ghi nhận là thái độ thần phục Trung Quốc của nhân vật lãnh đạo Miến Điện. Theo nhật báo Irrawady của người Miến Điện lưu vong tại Thái Lan, một trong những mục tiêu quan trọng mà ông Thein Sein đề ra trong chuyến công du Trung Quốc là tìm kiếm hậu thuẫn của Bắc Kinh trong quan hệ giữa Miến Điện với khối ASEAN

Một cách cụ thể là tổng thống Miến Điện muốn được Trung Quốc ủng hộ trong việc Miến Điện đòi quyền chủ tịch luân phiên của Hiệp hội Đông Nam Á vào năm 2014. Và để tranh thủ Bắc Kinh, ông Thein Sein đã cam kết với chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào là chính phủ của ông tiếp tục duy trì chính sách “Một nước Trung Quốc”, đồng thời hậu thuẫn Trung Quốc trên hồ sơ Biển Đông

Quan điểm “một nước Trung Quốc” không có gì đáng nói vì nước nào quan hệ với Trung Quốc cũng đều chấp nhận chính sách này. Điểm đáng chú ý là tuyên bố ủng hộ Trung Quốc trên vấn đề Biển Đông của ông Thein Sein, vì điều này mặc nhiên phá hoại đoàn kết nội bộ ASEAN, mà Miến Điện là một thành viên

Trước hết, tuyên bố của Tổng thống Miến Điện được đưa ra đúng vào lúc căng thẳng nẩy sinh giữa Việt Nam và Trung Quốc, sau vụ tầu thăm dò của hãng PetroVietnam bị tàu hải giám của Trung Quốc phá hoại tại một vùng biển của Việt Nam, nhưng bị Trung Quốc đòi chủ quyền. Trước đó, tàu thăm dò dầu khí cho một thành viên khác của ASEAN là Philippines cũng bị tàu Trung Quốc sách nhiễu và đuổi khỏi khu vực đang hoạt động thuộc quyền kiểm soát của Manila, những cũng bị Bắc Kinh tranh chấp

Khi ủng hộ chính sách Biển Đông của Trung Quốc, Miến Điện mặc nhiên xem nhẹ các đòi hỏi của các đồng minh trong khối ASEAN

Mặt khác, ASEAN và Trung Quốc đã ký kết vào năm 2002 một bản Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC). Miến Điện, với tư cách là thành viên Hiệp hội Đông Nam Á, có nhiệm vụ tuân thủ văn kiện này và giữ vai trò trung lập trong tranh chấp ASEAN-Trung Quốc. Thế nhưng lần này, Miến Điện lại đứng hẳn về phía Trung Quốc

Ngoài ra, việc ông Thein Sein ủng hộ Trung Quốc trong vùng Biển Đông có thể làm suy yếu sự thống nhất của ASEAN và không phù hợp với tinh thần bản “Tuyên bố chung về Cộng đồng ASEAN trong một cộng đồng toàn cầu của các quốc gia”, vừa được toàn thể các lãnh đạo Đông Nam Á thông qua nhân Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN tại Indonesia đầu tháng năm

Theo bản tuyên bố đó, ASEAN đang nỗ lực tiến tới một cương lĩnh chung vào năm 2022 để có được “một quan điểm có phối hợp hơn, thuần nhất hơn của toàn khối về các vấn đề toàn cầu mà các nước cùng quan tâm, dựa trên một quan điểm chung của ASEAN, qua đó tiếp tục tăng cường giá trị tiếng nói của ASEAN trong các diễn đàn đa phương”

Trong bối cảnh các thành viên ASEAN có tranh chấp với Trung Quốc tại vùng Biển Đông như Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei, và cả Indonesia đang nỗ lực tìm kiếm đồng thuận trong toàn khối để chống lại sức ép thô bạo của Trung Quốc, hành động có thể gọi là “ăn mảnh” của Miến Điện là một mối đe dọa rất lớn. Lý do rất đơn giản. ASEAN vận hành theo nguyên tắc đồng thuận. Nếu không được toàn thể thành viên ASEAN chấp thuận thì bất kỳ một đề xuất nào cũng có thể bị bác bỏ

Từ trước đến nay, trên vấn đề Biển Đông, Trung Quốc luôn luôn tìm cách chia rẽ khối ASEAN để dễ bề thao túng. Việc Tổng thống Miến Điện ủng hộ quan điểm của Bắc Kinh có thể được xem là một thành công mới của Trung Quốc trong âm mưu đó

Trọng Nghĩa
 
John McCain cảnh báo chính quyền Myanmar có thể bị lật đổ​

Thượng nghị sỹ Đảng Cộng Hoà Mỹ John McCain ngày 3/6 tại thủ đô Yangon đã lên tiếng cảnh báo rằng chính quyền mới của Myanmar dưới sự hậu thuẫn mạnh mẽ của quân đội có thể sẽ đối mặt với một cuộc cách mạng lật đổ kiểu Trung Đông nếu tiến trình cải tổ dân chủ và nhân quyền không được thực thi

“Những làn gió thay đổi đang lan toả khắp nơi, chúng không chỉ hoạt động ở thế giới A Rập” – Thượng nghị sỹ John McCain nói với các phóng viên khi kết thúc chuyến thăm 3 ngày quốc gia Đông Nam Á này

Nghị sỹ Mỹ này cũng lên tiếng thúc giục chính quyền mới của Myanmar phải đảm bảo an toàn cho nhà hoạt động chính trị Suu Kyi, người mới được trả tự do và đang có ý định thực hiện một chuyến đi có dụ ý chính trị khắp đất nước Myanmar
 
Quân Kachin tại Miến Điện kêu gọi trợ giúp​


Phiến quân Kachin kêu gọi cộng đồng quốc tế trợ giúp để chấm dứt đợt bùng nổ bạo lực trong xung đột với quân đội Miến Điện

Tại vùng gần biên giới Trung Quốc, phe phiến quân thiểu số Kachin và lực lượng chính phủ Miến Điện đã bắn lẫn nhau trong mấy ngày qua

Theo biên tập BBC Vivien Marsh, theo dõi vụ việc từ London, quân đội chính phủ Miến Điện đã có cuộc tấn công nhằm đẩy phiến quân Kachin ra khỏi một vùng ở miền Bắc đất nước, nơi Trung Quốc đang xây các đập thủy điện

Chiến sự bùng lên từ thứ Năm tuần qua

Biên tập viên BBC Vivien Marsh nói Trung Quốc đang cần có nguồn năng lượng cho sản lượng công nghiệp ngày một lớn lên ở trong nước

Vẫn tin tức từ vùng này cho hay bốn chiến binh Kachin bị giết trong cuộc đọ súng và theo BBC Miến Điện, chừng 2000 dân phải chạy khỏi vùng này

Hiện chưa có tin tức gì về số thương vong của quân chính phủ

Trung Quốc xác nhận chừng 30 kỹ sư và công nhân nhà máy điện bị kẹt trong cuộc xung đột

Tuy nhiên, một phát ngôn viên của phiến quân Kachin nói với đài BBC rằng những người Trung Quốc "đã được cho phép rời khỏi vùng"

Người phát ngôn này cũng nói hiện phiến quân đang kêu gọi một nước láng giềng "môi giới hòa giải" nhưng không nói tên nước nào

Một cuộc ngưng bắn giữa quân chính phủ và quân Kachin năm ngoái đã đổ vỡ vì phiến quân bác bỏ lời đề nghị trở thành lực lượng biên phòng cho nhà nước

Theo bà Vivien Marsh, việc xây các đập thủy điện hiện làm cho xung đột trở nên căng thẳng hơn
 
Phiến quân Myanmar phá nhà máy thủy điện do Trung Quốc xây​

td2.jpg

- Hơn 200 công nhân Trung Quốc buộc phải trở về nước sau khi phiến quân đòi ly khai miền Bắc Myanmar tấn công nhà máy thủy điện do Trung Quốc xây dựng

Truyền thông quốc gia Myanamar hôm nay 18/6 cho hay, cuộc tấn công xảy ra ở tỉnh Kachin, miền Bắc Myanmar, giáp với biên giới Trung Quốc liên tiếp trong nhiều ngày qua

Kể từ ngày 9/6 đến 14/6, phiến quân đã phá hủy 25 cầu trong khu vực này. Hàng trăm người dân ở Kachin đã phải sơ tán để tránh bạo loạn

Đại sứ Trung Quốc đã hội đàm với Bộ trưởng Ngoại giao và Bộ trưởng về các vấn đề biên giới của Myanmar, tuy nhiên, nội dung cuộc thảo luận không được công bố

Nhật báo New Light of Myanmar cho hay, kể từ tháng 4, Lực lượng quân đội độc lập Kachin đã lên tiếng phản đối các dự án mà Trung Quốc đang tiến hành xây dựng ở đây, trong đó có dự án xây dựng nhà máy điện Tarpein

Tarpein được trang bị 4 máy phát công suất 60-MHz và đã ngừng hoạt động từ ngày 14/9 sau khi 215 công nhân Trung Quốc ở đây buộc phải bỏ về nước, “gây tổn thất lớn cho Nhà nước và người dân Myanmar”

Linh Chi - Reuters
 
Miến Điện đổ lỗi cho "phiến quân" Kachin​

110619103512__53500659_012230030-2.jpg

Người dân địa phương trốn chạy khỏi khu vực giao chiến​

Miến Điện cáo buộc các phiến quân thuộc sắc tộc Kachin gây ra vụ giao tranh làm chết người ở gần biên giới với Trung Quốc trong tháng này

Các quan chức nói với truyền thông nhà nước rằng quân đội đã phải hành động sau khi lực lượng quân độc lập Kachin (KIA) không tuân theo lệnh rút khỏi một khu vực gần một nhà máy thủy điện

Đây là cuộc giao tranh dữ dội nhất kể từ khi dân quân thuộc bộ tộc này của Miến Điện ký một thỏa thuận ngừng bắn 17 năm trước

Các tay súng Kachin đổ lỗi cho chính phủ về các cuộc đụng độ, trong đó có tin tức cáo buộc rằng 10.000 người đã phải rời bỏ nhà cửa

Cáo buộc của chính phủ xuất hiện trên tờ báo chính thức Ánh Sáng Mới Miến Điện (New Light of Myanmar) là bình luận lần đầu tiên được các quan chức nhà nước đưa ra về cuộc xung đột

Chính phủ cho biết mục tiêu duy nhất của quân đội là "để bảo vệ các thành viên và một dự án thủy điện quan trọng của đất nước"

Đập Tarpein đang được xây dựng bởi Trung Quốc nhằm hỗ trợ việc đáp ứng nhu cầu điện năng của Miến Điện

Phản đối

Thế nhưng các lực lượng KIA phản đối dự án, nói rằng đập nước sẽ gây phá hoại môi trường và đảo lộn cuộc sống xã hội

Giao chiến nổ ra trong khu vực vào ngày 09 tháng Sáu với ít nhất bốn chiến binh nổi dậy và một số quân lính chính phủ thiệt mạng

Các phiến quân nói rằng họ cũng phá hủy nhiều cây cầu

Các nhóm nhân quyền nhóm nói khoảng 10.000 người đã phải chạy trốn, nhiều người trong số họ lo sợ bị ép buộc tuyển dụng làm phu khuân vác cho quân đội

KIA là một trong số nhiều lực lượng dân quân liên kết với các nhóm dân tộc thiểu số của Miến Điện vốn chiến đấu chống lại chính quyền trung ương trong nhiều năm qua

Hiện họ đang yêu cầu quyền tự trị lớn hơn cho một nhà nước Kachin

Quốc gia láng giềng Trung Quốc đang kêu gọi hai bên "giải quyết sự khác biệt của mình thông qua đàm phán hòa bình"

Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Mỹ kêu gọi chính phủ Miến Điện "chấm dứt thù địch và bắt đầu một cuộc đối thoại với phe đối lập và các nhóm dân tộc thiểu số theo hướng hòa giải dân tộc"
 
Trung Quốc xây dựng 9 dự án thủy điện ở Myanmar​

- Tại bang Kachin, phía bắc Myanmar, có đến chín dự án thủy điện lớn được các công ty Trung Quốc lên kế hoạch và xây dựng, trong đó có đập thủy điện Myitsone trên sông Irrawaddy

503726.jpg

Đoàn khảo sát nghiên cứu thực địa cho thủy điện Myitsone, Myanmar​

Dòng sông Irrawaddy chảy từ bắc xuống nam Myanmar hiện có bảy dự án thủy điện lớn. Năm 2005, chính quyền Myanmar bắt tay với Tập đoàn Đầu tư năng lượng Trung Quốc lên kế hoạch xây dựng đập thủy điện Myitsone, đập thủy điện lớn nhất trong chuỗi bảy đập thủy điện dự kiến xây dựng trên sông Irrawaddy. Đập Myitsone cao 152m, công suất 6.000 MW với sản lượng điện mỗi năm 16,634 GWh

Khi được hoàn thành, lòng hồ của đập thủy điện này sẽ rộng khoảng 1.214km2, gấp đôi diện tích đảo Phú Quốc và làm mất đất sinh sống của hơn 10.000 người, chủ yếu là người dân tộc Kachin

Các nhà môi trường khuyến cáo việc trữ nước đầy hồ chứa của đập thủy điện này sẽ gây thiếu nước cục bộ, lũ bất thường, sụt giảm lượng cá, ngăn chặn dòng di chuyển của phù sa, gây xói lở bờ sông ở hạ lưu, cản trở giao thông và nhiều hậu quả khác. Những di tích lịch sử như nhà thờ, đền chùa và di sản văn hóa lịch sử đặc trưng của người Kachin cũng sẽ chìm trong nước. Hàng triệu người ở hạ lưu sống với rủi ro bị lũ lụt do xả lũ từ con đập

Con đập nằm trong khu vực rừng mưa nhiệt đới, là một trong những cái nôi của đa dạng sinh học và ưu tiên bảo tồn. Khoảng 766km2 rừng nguyên sinh sẽ bị ngập, chưa kể những thiệt hại đối với hệ sinh thái trên con sông Irrawaddy. Chưa hết, đập thủy điện Myitsone chỉ cách đường nứt gãy địa tầng hiện đang hoạt động trong vùng chưa đến 100km. Sức nặng của khối nước khổng lồ sau này sẽ kích thích sự đứt gãy địa tầng và gây nên động đất

Hàng ngàn người dân đã đổ ra bờ sông đào đãi vàng ngày đêm, đổ thủy ngân và chất cyanur độc hại xuống sông bất kể nguy cơ đối với sức khỏe người dân và sinh vật ở hạ lưu. Họ đang cố vơ vét tài nguyên trong vùng lòng hồ sau này

Thông tin từ Mạng lưới sông ngòi Burma (tên cũ của Myanmar) cũng xác nhận việc xây dựng đập được triển khai nhưng chưa có bản đánh giá tác động nào được công bố

Việc xây dựng đập thủy điện Myitsone được bắt đầu vào ngày 22-12-2009 do công ty đầu tư năng lượng có vốn nhà nước của Trung Quốc hợp tác với Công ty Thế giới châu Á thi công

Hàng ngàn lao động Trung Quốc đã có mặt tại Myanmar với danh nghĩa là công nhân xây dựng thủy điện bất chấp những cuộc tấn công rải rác vào lực lượng lao động này. Ngày 19-5-2010, Mạng lưới sông ngòi Burma đưa tin 300 công nhân Trung Quốc đến Kachin để thay thế cho số công nhân bị thương và những người quyết định trở về Trung Quốc do một vụ đánh bom trước đó. Nhiều nhà ở cho công nhân đã được xây dựng ở làng Mandung

Toàn bộ điện năng của đập thủy điện này sẽ được bán cho Trung Quốc do vị trí quá gần biên giới giữa hai nước. Bảy đập thủy điện trên sông Irrawaddy có tổng công suất 17.160 MW, và phần lớn lượng điện này đều được bán sang Trung Quốc. Trong khi đó, có đến 80% dân số Myanmar sống không có điện
 
Cựu lãnh đạo báo tiếng Anh ở Việt Nam bị kết án​

110630104057_ross_466x350_reuters.jpg

Ross Dunkley từng làm báo tại Việt Nam trong nhiều năm trước khi sang Myanmar​

Ông Ross Dunkley, người từng nằm trong ban điều hành báo Đầu Tư và ấn bản tiếng Anh Vietnam Investment Review trong thập niên 90, vừa bị kết án một tháng tù giam ở Myanmar

Tòa tại Yangon khép ông vào tội tấn công và làm bị thương một phụ nữ cùng tội vi phạm luật di trú

Tòa đưa ra mức án một tháng tù giam nhưng ông Dunkley được thả tự do ngay lập tức vì đã bị giam từ khi bị bắt vào ngày 10 tháng Hai cho tới khi được tại ngoại hầu tra hôm 29 tháng Ba năm nay

Đối với tội vi phạm luật di trú, ông phải nộp phạt một khoản tiền tương đương 125 đô la thay vì bị tù giam sáu tháng

Một số nhà bình luận nói vụ việc liên quan tới những tranh chấp quyền lực tại tờ Thời báo Myanmar, báo mà ông Dunkley làm Tổng Biên tập cho tới khi bị bắt hồi tháng Hai

Báo này có hai ấn bản bằng tiếng Miến Điện và tiếng Anh

Ông Dunkley tới Miến Điện sau khi rời chức giám đốc điều hành trong một liên doanh báo chí ở Hà Nội giữa một công ty của Australia và Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Liên doanh này xuất bản tuần báo Vietnam Investment Review và báo Đầu Tư nhưng đối tác Australia không còn tham gia liên doanh vào cuối thập niên 90 do những thay đổi chính sách ở Việt Nam

Tại Miến Điện ông Dunkley cũng tham gia xuất bản tờ Thời báo Myanmar bằng cả tiếng địa phương và tiếng Anh

Năm nay năm 55 tuổi, ông cũng từng làm báo tại Campuchia

Cáo buộc

Ông Dunkley bị bắt sau khi một phụ nữ Miến Điện, cô Ma Khine Zar Lin, tố cáo ông hành hung và làm cô bị thương tại một quán bar ở Yangon

Các báo Úc, quê của ông Dunkley nói "ông bị bắt hồi tháng Hai sau vụ va chạm với một gái điếm"

Tại một phiên xử trước đây, cô Zar Lin cũng nói ông Dunkley đã cho cô dùng chất kích thích

Nhưng sau đó Ma Khine Zar Lin đã rút lại các cáo buộc này ngay từ hồi tháng Hai, theo Thời báo Myanmar bản tiếng Anh

Các nhà báo phương Tây thạo tin về Myanmar nói phía đối tác Myanmar trong liên doanh báo chí với ông Dunkley muốn đẩy ông ra khỏi chức Tổng Biên tập và vụ ông bị bắt là một phần của những cố gắng tranh giành quyền lực

Quyền phụ trách nội dung tờ báo được cho là đã thuộc về Tiến sỹ Tin Tun Oo, giám đốc công ty Myanmar Consolidated Media, đối tác của nhóm các nhà đầu tư nước ngoài trong đó có ông Dunkley

Giới thạo tin nói các nhà đầu tư nước ngoài đã được phép xuất bản Thời báo Myanmar từ năm 2000 nhờ sự đỡ đầu của cơ quan tình báo quân đội

Con trai của một viên tướng trong cơ quan này lúc đầu là đối tác phía Myanmar trong liên doanh

Tuy nhiên khi cơ quan tình báo và viên tướng bị thất sủng, con trai ông cũng bị bắt và kết án tù giam hồi năm 2004

Các chuyên gia nói kể từ đó tới nay Myanmar đã tăng cường giám sát và kiểm soát hoạt động của liên doanh báo chí duy nhất tại Myanmar này
 
Trung Quốc đầu tư vào Đông Nam Á
Những hệ luỵ về kinh tế - xã hội​

- Trong thời suy thoái kinh tế toàn cầu, đầu tư của Trung Quốc trong lĩnh vực sản xuất tại Đông Nam Á vẫn tăng 214 triệu USD trong năm ngoái, theo số liệu của Bloomberg. Trung Quốc lần lượt trở thành đối tác thương mại lớn nhất của mỗi quốc gia trong khu vực

ce8f44aaeeb1aa27bb63253c7e430fd2.jpg

Một làng sản xuất thảo dược truyền thống của người dân Myanmar có nguy cơ biến mất vì Trung Quốc xây đập Myitsone​

Đầu tư của Trung Quốc tại các nước Đông Nam Á tập trung vào các lĩnh vực: dịch vụ cho thuê và thương mại, khai thác mỏ, bán sỉ và bán lẻ, sản xuất và vận tải. Năm lĩnh vực này chiếm 90% tổng đầu tư, tăng gần 5% so với cách đây năm năm

Đằng sau đầu tư của Trung Quốc là những hệ luỵ về môi trường, nền kinh tế ngày càng bị phụ thuộc. “Đông Nam Á đang dần trở thành sân sau của Trung Quốc”, James Castle, người sáng lập công ty tư vấn Castle Asia cảnh báo. Do vậy, các quốc gia Đông Nam Á đang đau đầu với bài toán tìm thế cân bằng giữa ảnh hưởng của Trung Quốc và các quốc gia khác

Hệ luỵ kinh tế – xã hội

Theo giáo sư kinh tế Zuo Liancun, đại học Quảng Đông, trong mối giao thương với Trung Quốc, các nước Đông Nam Á bị đặt trong tình thế phải bán nhiều sản phẩm nông nghiệp và tài nguyên thiên nhiên. Về phía Trung Quốc đương nhiên sẽ hưởng lợi nhiều nhất từ việc xuất hàng điện tử, thực phẩm, quần áo, giày dép, đồ sành sứ...

Chọn đầu tư các đồn điền cao su và dự án đường sắt cần nhiều lao động, Trung Quốc hợp thức hoá việc di dân người Hoa đến các nước Đông Nam Á. Làn sóng đầu tư nước ngoài của Trung Quốc khiến hàng vạn hộ dân ở nông thôn và lưu vực sông Mekong phải di cư

Trong khu vực, Lào trở thành nguồn cung gỗ, bột giấy hấp dẫn cho các công ty ở Trung Quốc. Các công ty lâm nghiệp Trung Quốc như Oji Paper, Stora-Enso đầu tư khai thác rừng tại Nam Lào có thể đạt doanh thu hơn 12 – 13 tỉ USD/năm, gấp đôi tổng sản phẩm quốc dân của Lào

Tại Campuchia, các công ty Trung Quốc đã giành quyền khai thác mỏ và nông nghiệp trong tỉnh Mondulkiri. Họ rào kín khu vực khai thác mỏ vàng và đồn điền cây gai dầu, giống như “một khu tự trị của người Hoa trong một quốc gia”, theo lời bộ trưởng Nội vụ Campuchia Sar Kheng

Bên cạnh đó, Trung Quốc từng bước độc chiếm cơ sở hạ tầng tại Campuchia với các dự án tổng trị giá khoảng 1,6 tỉ USD. Trung Quốc đang xúc tiến dự án xây dựng đường sắt Trung Quốc – Đông Á trị giá 600 triệu USD

Tại Lào và Campuchia, nghề đánh bắt cá là một nguồn lương thực trọng yếu với người dân địa phương. Từ khi Trung Quốc đầu tư các dự án thuỷ điện, an ninh lương thực trở thành vấn đề nóng. 12 trong tổng số 23 dự án xây đập trên sông Mekong có vốn đầu tư của Trung Quốc.

Còn tại Indonesia, các khoản đầu tư của Trung Quốc vào nước này tập trung vào khai thác than đá và dầu cọ. Tuy vậy, ông Fawzi Ichsan, chuyên viên thuộc ngân hàng Standard Chartered tại Jakarta, quan ngại về bản chất của đầu tư Trung Quốc tại Indonesia. “Công nghệ Trung Quốc có giá rẻ, nhưng nó có thân thiện môi trường? Nhiều dự án ghi rõ điều khoản sử dụng lực lượng lao động đến Trung Quốc, tạo mối nguy về an ninh cho Indonesia”, Fawzi nói

Trong khi đó, người dân Myanmar dở cười dở khóc khi nói rằng các bang miền Bắc của họ có như một tỉnh của Trung Quốc. Thống kê chưa đầy đủ cho thấy, ít nhất một đến hai triệu công dân Trung Quốc đã di cư đến miền Bắc Myanmar. Họ mau chóng chiếm lĩnh ngành kinh doanh ngọc bích, đá quý, làm rối loạn thị trường bất động sản. Người Hoa phô trương sự giàu có tại Mandalay và Myitkyina. Họ đi lại trên những chiếc xe sang trọng mang biển số Trung Quốc

Tìm giải pháp cân bằng

Các nhà phân tích tại Indonesia bày tỏ sự cảnh giác với ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc. Họ muốn tăng cường phát triển công nghệ, hơn là bước gia công tiếp theo của công xưởng Trung Quốc. Doanh nghiệp Indonesia tăng cường tiếp xúc với các nhà đầu tư Mỹ, theo hướng chuyển giao công nghệ, thay vì các đối tác Trung Quốc đã mất uy tín qua các dự án “ăn xổi” về kinh tế, môi trường

Là nước giàu tài nguyên thiên nhiên và cần đầu tư nước ngoài để cải thiện cơ sở hạ tầng, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, Indonesia bắt tay với các nhà đầu tư Trung Quốc, nhưng tỏ rõ lập trường không muốn Trung Quốc thống trị về mặt chính trị. Jakarta tin rằng cách tốt nhất để cân bằng đầu tư và ảnh hưởng của Trung Quốc là để Mỹ tiếp tục đóng vai trò trung tâm trong khu vực

Các quan chức Myanmar đang cố gắng giảm thiểu sự phụ thuộc vào Trung Quốc, bằng cách thúc đẩy hợp tác kinh tế với Ấn Độ và phương Tây. Nhưng Ấn Độ không mấy nhiệt tình trong quan hệ với Myanmar. Mỹ và Liên minh châu Âu thậm chí đã gia hạn lệnh cấm vận Myanmar. Lệnh cấm vận khiến các dự án như thuỷ điện Myitsone của Myanmar không có cơ hội vay của ngân hàng Thế giới. Điều này khiến cho Myanmar khó thoát khỏi tầm ảnh hưởng của các nhà đầu tư Trung Quốc
 
Nhiều người dân Myanmar phản đối Trung Quốc xây thủy điện​

- Nhiều người dân gần đây có những hành động kiên quyết phản đối con đập Myitsone do Trung Quốc xây, vì những mối đe dọa tới môi trường và người dân nơi đây

Không chịu trách nhiệm nếu chiến tranh xảy ra vì đập

Lanyaw Zawng HRA, chủ tịch một tổ chức chính trị độc lập của người Kachin, nhóm sắc tộc chủ yếu sống ở miền Bắc Myanmar (bang Kachin) đã gửi thư chính thức cho ông Hồ Cẩm Đào, Chủ tịch Trung Quốc vào ngày 16/5 thúc giục Trung Quốc ngừng xây dựng đập Myitsone gây tranh cãi ở vùng đất của họ

images731678_anh2_23052011_NL_KIOcanhbaodapMyitsonecothechamngoichonoichien.jpg

Đập Myitsone được xây dựng tại hợp lưu sông Mali Hka và Nmai Hka, một địa điểm rất thiêng liêng với người Kachin (Myanmar)

Trong thư, họ cảnh báo việc xây dựng Myitsone và sáu dự án thủy điện khác có thể dẫn đến xung đột giữa nhóm này và quân đội Myanmar

Theo tập đoàn mạng lưới và phát triển Kachin (KDNG, Myanmar), đập Myitsone khi xây dựng sẽ khiến 15.000 dân địa phương phải di dời và hàng triệu người sống ở hạ nguồn có thể bị nguy hiểm vì lũ lụt

Trung Quốc "dửng dưng" ?

Trước áp lực ngày càng lớn, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, ông Hong Lei, vẫn kiên trì khẳng định: “Hợp tác Trung Quốc – Myanmar dựa trên cơ sở bình đẳng và đều nằm trong mối quan tâm chung hướng tới sự phát triển của hai bên cũng như nhân dân hai nước”

Ông nói thêm rằng Trung Quốc luôn chú trọng tới việc bảo vệ hệ sinh thái và luôn yêu cầu các công ty hoạt động ở nước ngoài tuân thủ nghiêm ngặt đạo luật về môi trường và các quy định khác của từng địa phương

Trong bản tuyên bố ngày 4/7, những người phản đối vẫn tiếp tục cáo buộc: việc Chính phủ Trung Quốc hỗ trợ các dự án đập “chẳng khác nào dửng dưng, không quan tâm tới đời sống của người dân Myanmar”

Đập Myitsone được xây dựng tại hợp lưu sông Mali Hka và Nmai Hka, một địa điểm rất thiêng liêng với người Kachin (Myanmar), từ ngày 21/12/2009, do Công ty Đầu tư Điện lực Trung Quốc (CPI) - thuộc sở hữu của nhà nước Trung Quốc cấp vốn và chịu trách nhiệm thi công với sự phối hợp của Tập đoàn Điện lực Myanmar (MEPE) và Công ty Asia World của Myanmar

Đập Myitsone là con đập đầu tiên trong chuỗi 7 con đập trên thượng nguồn sông Irrawaddy mà theo các nhà hoạt động môi trường Myanmar, hàng ngàn người buộc phải di dời khỏi làng của mình, nhường đất cho công trường xây dựng đập, đến một ngôi làng mới, nơi họ phải đấu tranh để tìm kế sinh nhai mới

Dự kiến, đập Myitsone sẽ được hoàn thành vào năm 2019 và cung cấp 6.000 MW điện. Chính phủ Myanmar sẽ bán gần như toàn bộ số điện này cho Trung Quốc để thu lợi nhuận

Trung Quốc là nhà đầu tư nước ngoài hàng đầu tại Myanmar. Đập Myitsone là một trong nhiều dự án về cơ sở hạ tầng, khai thác mỏ và thủy điện của Trung Quốc ở Myanmar
 
Myanmar mời thầu khai thác 18 lô dầu​

- Mỗi nhà thầu được phép đề xuất khai thác 3 lô dầu và đề xuất phải được gửi đến trước ngày 3/8/2011

Myanmar hiện mở thầu khai thác 18 lô dầu nằm rải rác ở 6 tỉnh trên cả nước trên cơ sở thỏa thuận phân chia sản phẩm. Đây là vụ gọi thầu khai thác lớn nhất của Myanmar trong những năm gần đây

Theo Bộ Năng lượng Myanmar, mỗi nhà thầu được đề xuất khai thác 3 lô dầu và đề xuất phải được gửi đến trước ngày 3/8/2011

Myanmar hiện đã tìm thấy 49 lô dầu và khí đốt trong đất liền, cùng với 26 lô ngoài khơi tại bang Rakhine, Tanintharyi và Mon sau khi liên doanh thăm dò với các đối tác nước ngoài kể từ năm 1988

Theo khảo sát của BP Statistical Review, dự trữ dầu thô của Myanmar đã tăng gấp 3 lần trong thập kỷ qua đạt khoảng 800 tỷ mét khối, bằng hơn 1/4 của Úc

Hiện, hai người hàng xóm là Thái Lan và Trung Quốc đang là những nhà đầu tư lớn nhất vào lĩnh vực năng lượng của Myanmar

Ngoài ra, các công y khác từ Úc, Anh, Canada, Ấn Độ, Malaysia, Russia, Hàn Quốc và Việt Nam cũng là những đối tác trong lĩnh vực năng lượng của nước này

Tổng đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI vào lĩnh vực dầu mỏ và khí đốt của Myanmar đã tăng lên 13,5 tỷ USD kể từ năm 1988
 
Myanmar hợp tác với IMF điều chỉnh tỷ giá ngoại hối​

1ce2b_myanmar-dieu-chinh-ty-gia-ngoai-hoi_200.jpg

Đồng kyat quá mạnh ảnh hưởng đến các doanh nghiệp xuất khẩu Myanmar​

- Tuần báo Voice Weekly của Myanmar ngày 31-7 cho biết Myanmar sẽ phối hợp với Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) điều chỉnh tỷ giá ngoại hối nhằm bình ổn thị trường giao dịch ngoại hối nội địa.

Quyết định trên được đưa ra sau cuộc họp giữa Liên đoàn Phòng thương mại và công nghiệp Myanmar với Ngân hàng trung ương Myanmar.

Trong cuộc họp gần đây với Ủy ban điều hành ngân hàng và Hiệp hội các ngân hàng, Bộ trưởng Tài chính Myanmar U Hla Tun cũng thông báo thành lập Ủy ban phát triển hệ thống thanh toán trực thuộc Hiệp hội các ngân hàng. Các thành viên của ủy ban này là các chuyên gia và tổ chức trong và nước ngoài, có nhiệm vụ điều chỉnh hệ thống thanh toán

Myanmar gia nhập IMF và Ngân hàng thế giới (WB) năm 1952 nhưng kể từ năm 1987, hai tổ chức tài chính này đã ngưng hỗ trợ tài chính cho Myanmar. Từ năm 1975 đến nay, Myanmar vẫn giữ nguyên tỷ giá 6 kyat ăn một đô la Mỹ dù tỷ giá này trên thị trường tự do dao động ở mức 780-1.000 kyat/1 đô la Mỹ trong vài năm qua

Các chuyên gia cho rằng nếu tỷ giá Kyat/đô la Mỹ chính thức được điều chỉnh thích hợp, công việc xuất khẩu của các doanh nghiệp của Myanmar sẽ thuận lợi và dễ dàng hơn
 
Myanmar vẫn cho xây đập thuỷ điện ở thượng nguồn​

- Tuần báo Myanmar Times ngày 19.9 cho biết bộ trưởng Điện lực 1 Myanmar, Zaw Min khẳng định sẽ không dừng việc xây đập Mytsone trên sông Irrawaddy do tập đoàn quốc doanh đầu tư năng lượng Trung Quốc làm chủ thầu

25608b6b576f5413040fee5d859ddaa3.jpg

Đập Mytsone tại Myanmar​

Trong tháng 7.2011, Tổ chức mạng lưới sông ngòi Myanmar đã trình bản nghiên cứu tác động môi trường dày 945 trang để phản đối việc xây đập nói trên. Con đập bắt đầu được xây dựng từ năm 2005, dự kiến sẽ hoàn thành trong tám năm và tạo ra 3.600-6.000 MW điện

Đây là con đập mới nhất trong bảy dự án đập thủy điện của nhà đầu tư Trung Quốc tại sông Irrawaddy, và có thể gây ngập lụt một vùng diện tích 750km2, tương đương thành phố New York (Mỹ) và khiến 10.000 người phải di dời, nhấn chìm nhiều chùa, đền thờ lịch sử và các di tích văn hóa

Tại Đông Nam Á, Trung Quốc là nhà đầu tư chính xây dựng các đập trên sông Mekong, sông Irrawaddy và nhiều sông khác. Theo tổ chức Sông ngòi quốc tế, vì những con đập của Trung Quốc đều nằm ở thượng nguồn của các sông chảy qua các nước Đông Nam Á, nên chúng ảnh hưởng đến sự biến động khối lượng nước theo mùa và gây thiệt hại nghiêm trọng đến nông nghiệp và nghề đánh bắt thủy sản ở khu vực hạ lưu
 
Nhật Bản muốn khai thác đất hiếm ở Myanmar​

Nhật Bản có kế hoạch hợp tác với Myanmar để khai thác đất hiếm và những tài nguyên thiên nhiên khác của Myanmar để đa dạng hóa nguồn cung

Nhật Bản cần nhiều đất hiếm cho ngành sản xuất đồ công nghệ cao, trong khi Trung Quốc, nhà cung cấp đất hiếm lớn nhất thế giới, năm ngoái tạm dừng xuất khẩu đất hiếm sang Nhật Bản vì một bất đồng về ngoại giao

dathiem.jpg

Đất hiếm được dùng trong sản xuất điện thoại thông minh, ô tô chạy điện…​

Ngoại trưởng Myanmar Wunna Maung Lwin sẽ thăm Nhật Bản vào cuối năm nay để bàn kế hoạch cụ thể

Nguồn đất hiếm ở Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam và Lào, chưa được khai thác
 
Myanmar gác lại dự án đập thủy điện trị giá 3,6 tỉ USD​

ALeqM5gq8XP6p59b4qFLfjZgUmzcGdbg.jpg

Tổng thống Thein Sein​

- Tổng thống Myanmar Thein Sein ngày 30/9 đã công bố quyết định đình chỉ dự án xây đập thủy điện gây tranh cãi do Trung Quốc đầu tư.

Hãng tin AP dẫn thông báo của Tổng thống Thein Sein đọc trước Quốc hội Myanmar rằng nước này đã đình chỉ dự án đập Myitsone Kachin trị giá 3,6 tỉ USD

Động thái bất ngờ này được các nhà môi trường và các nhà hoạt động xã hội ủng hộ vì dự án trên sẽ khiến hàng chục nghìn người phải di dời và phá vỡ hệ sinh thái của nguồn nước sông Irrawaddy

Đập Myitsone, dự án thủy điện lớn nhất của Myanmar, vốn gây ra một làn sóng chỉ trích hiếm hoi tại nước này. Nhiều tầng lớp trong xã hội Myanmar đã lên tiếng phản đối dự án

Trong khi đó, Reuters cho hay việc ngừng xây dựng đập là một chiến thắng thấy rõ của những người ủng hộ lãnh đạo đối lập Aung San Suu Kyi

Bà Suu Kyi nói con đập đe dọa dòng chảy của sông Irrawaddy và từng cảnh báo rằng có khoảng 12.000 người dân ở 63 ngôi làng sẽ phải di dời để xây đập

Theo các chuyên gia, đập này nếu được xây dựng sẽ khiến một khu vực rộng lớn tương đương diện tích quốc đảo Singapore sẽ ngập chìm trong nước
 
Myanmar từng bước thay đổi​

- Ngày 30-9, Tổng thống Myanmar Thein Sein đã quyết định ngừng công trình xây dựng đập thủy điện khổng lồ Myitsone do Trung Quốc đầu tư ở phía bắc nước này, một động thái đầy bất ngờ sau sáu tháng ông nhậm chức tổng thống

Tổng thống Thein Sein thông báo trước quốc hội là cần dừng dự án đập thủy điện trị giá 3,6 tỉ USD do Trung Quốc đầu tư ở bang Kachin đến khi kết thúc nhiệm kỳ của chính phủ hiện hành

“Tổng thống đã quyết định ngừng dự án xây đập này vì chính quyền này do dân bầu ra, nên chính quyền đó phải tôn trọng ý nguyện của người dân” - ông Thein Sein giải thích và cho biết sẽ trao đổi lại với Trung Quốc sau

Tín hiệu tích cực cho mở cửa

Quyết định đầy bất ngờ này đánh dấu một bước quay ngoắt của Chính phủ Myanmar. Các phương tiện truyền thông Myanmar vào đầu tháng 9 còn dẫn lời Bộ trưởng năng lượng Zaw Min khẳng định dự án đập thủy điện Myitsone sẽ vẫn được tiếp tục tiến hành bất chấp phản đối của người dân

Các nhà hoạt động môi trường từ lâu đã lên tiếng chỉ trích dự án này bởi theo họ, nó sẽ gây ngập hàng chục ngôi làng với diện tích bằng một nước Singapore, buộc ít nhất 10.000 người dân phải di dời cũng như gây nên những thiệt hại không sao sửa chữa nổi cho một vùng đa dạng sinh học

Lãnh tụ đối lập Aung San Suu Kyi đã yêu cầu chính quyền xem xét lại dự án này. “Có một điều gì đó khiến hết thảy chúng ta lo ngại vì sông Irrawaddy rất quan trọng đối với toàn bộ đất nước này cả về kinh tế, địa lý lẫn môi trường và cảm xúc - bà nói với AFP - Tôi nghĩ đã có một nhận thức tăng lên về nhu cầu cần phải bảo vệ sông Irrawaddy”.

Thêm một tín hiệu tích cực của Myanmar. Như Reuters cho biết, ngày 29-9 tại Washington, Ngoại trưởng Myanmar Wunna Maung Lwin đã có cuộc gặp gỡ lịch sử với ông Derek Mitchell, điều phối viên đặc trách về vấn đề Myanmar, trợ lý ngoại trưởng Mỹ về Đông Á Kurt Campbell và chuyên gia nhân quyền Michael Posner

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Mark Toner mô tả cuộc gặp là tín hiệu tích cực sau gần 24 năm (từ năm 1988) bất đồng trong quan hệ Myanmar - Mỹ về nhân quyền và nhiều vấn đề khác. “Họ đã gặp nhau sau những nỗ lực của Mỹ và đoàn đại biểu của Myanmar tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc cuối tuần qua, cũng như chuyến thăm Myanmar của đại sứ Mitchell hồi đầu tháng 9-2011” - ông Toner nói

Ông Toner nhấn mạnh dưới thời Tổng thống Barack Obama, Washington vẫn theo đuổi chính sách “nước đôi” vừa can thiệp ngoại giao và trừng phạt Myanmar. Song “chúng tôi hoan nghênh những phát triển gần đây ở Myanmar, chẳng hạn chính phủ đã chịu đối thoại với bà Aung San Suu Kyi và Mỹ đang tiếp tục khuyến khích xúc tiến các vấn đề trọng tâm khác” - ông Toner nói

Tổ chức Nghiên cứu khủng hoảng quốc tế mới đây đã khuyến cáo các nước phương Tây nên nhanh chóng tiếp cận Myanmar để thúc đẩy những cải cách mà chính phủ mới ở nước này đang xúc tiến. AFP dẫn lời giám đốc chương trình châu Á của tổ chức này Robert Templer cho rằng Tổng thống Myanmar Thein Sein đang thực hiện nhiều biện pháp cải thiện quan hệ với các nhóm sắc tộc và đối lập ở nước này

“Những nỗ lực chân thành”


Theo ông Robert Templer, phương Tây không nên tiếp tục giữ thái độ hoài nghi và không can dự với Myanmar, mà cần nắm lấy cơ hội mới để thúc đẩy hơn các tín hiệu tích cực ở nước này. Ông kêu gọi phương Tây cần sớm bãi bỏ cấm vận và khuyến khích các thể chế tài chính quốc tế có mặt ở Myanmar

Sau nửa thế kỷ dưới chế độ quân sự cầm quyền, Myanmar xem ra đang bước vào một thời kỳ hứa hẹn những cuộc cải cách. Báo The Irrawaddy ghi nhận mỗi ngày qua lại có thêm tín hiệu mở cửa của Myanmar: sau chuyến đi chính trị của bà Aung San Suu Kyi ở tỉnh, chuyến thăm của bà ở thủ đô Naypydiaw, cuộc gặp gỡ của bà với Tổng thống Thein Sein, việc giảm bớt kiểm duyệt, thành lập một ủy ban về quyền con người, việc trả tự do cho những nhân vật đối lập đầu tiên, nay đến việc mở cửa Internet...

Trả lời phỏng vấn báo chí đầu tiên với AFP ngày 13-9 tại Yangon, bà Aung San Suu Kyi, nhân vật từng được trao giải Nobel hòa bình, cho rằng những nỗ lực của Tổng thống Thein Sein là chân thành, dù chưa thể dự đoán sự thành công của ông về lâu dài ra sao. “Đã có những thay đổi, nhưng tôi không nghĩ tất cả chúng tôi đã được tự do hay đã được tự do hoàn toàn. Vẫn còn một con đường dài phải đi, nhưng tôi cho rằng đã có những diễn biến tích cực” - bà khẳng định

Cải cách tài chính

Từ tháng 10-2011, Myanmar sẽ cho phép sáu ngân hàng tư nhân mở quầy đổi ngoại tệ, như một bước đầu tiên trong cải cách chính sách tiền tệ và ngăn chặn nạn đổi tiền trái phép ở nước này. Du khách đến Myanmar sẽ dễ dàng hơn khi đổi các ngoại tệ như USD, euro theo tỉ giá của thị trường ngoại tệ quốc tế và loại trừ nạn chợ đen đang tồn tại
 
Myanmar chọn dân và từ chối Trung Quốc​

- Cuộc biểu tình hiếm có của người dân Myanmar trước đại sứ quán Trung Quốc ở thủ đô Yangon vào ngày 20.9 dẫn đến quyết định dừng xây đập Myitsone của tổng thống Myanmar vào cuối tuần qua, cho thấy làn sóng ngầm chống Trung Quốc tại xứ sở “vùng đất vàng” đã tạm thời thắng thế

Làm ngơ quyền lợi người dân bản địa

30d03c01bafaf643085bfecf05f85d33.jpg

Đập trên sông Irrawaddy đã tạo nên một túi chứa nước còn lớn hơn cả Singapore​

Dự án đập Myitsone do Trung Quốc làm chủ đầu tư càng làm tình trạng chống Trung Quốc thêm trầm trọng. Xét về văn hóa, địa điểm xây đập ở thượng nguồn sông Irrawaddy là nơi có ý nghĩa thiêng liêng và được coi là nguồn gốc khai sinh ra Myanmar. Xét về ý nghĩa môi trường, nếu xây đập sẽ có thể gây ngập lụt trên diện rộng khiến hàng chục ngàn người dân phải bỏ nhà mà đi, hủy hoại khu vực đa dạng sinh học vào bậc nhất

Tập đoàn đầu tư điện lực Trung Quốc (CPI) đã thành lập một ủy ban gồm các chuyên gia người Trung Quốc và Myanmar để khảo sát ảnh hưởng môi trường khi xây đập. Bản báo cáo không được công bố rộng rãi, nhưng vài nhà hoạt động đã tìm cách có được nó. Trong báo cáo gợi ý nên xây hai con đập nhỏ hơn thay vì một con đập lớn. Lời đề xuất đó đã không được đoái hoài. Ngoài ra, khi đập xây xong, dự kiến khoảng 90% điện năng tạo ra sẽ được xuất khẩu sang Trung Quốc

Người dân Myanmar không muốn phải đánh đổi những thiệt hại quá lớn đó. Họ bắt đầu chiến dịch phản kháng từ năm 2007. Trong tháng 4.2010 đã xảy ra bốn vụ nổ tại khu vực xây đập, khi đó các công nhân Trung Quốc còn đang ngủ. May mắn không có ai thiệt mạng. Còn từ đầu năm 2011 đến nay đã liên tục diễn ra các phong trào đấu tranh kêu gọi ngừng xây đập, của người dân trong nước, các nhà hoạt động vì môi trường và dân chủ

"Người Myanmar sẽ được hưởng lợi rất lớn từ thương mại và đầu tư từ Trung Quốc, nhưng cũng sẽ dẫn dến một phản ứng dữ dội nếu các dự án được thực hiện không minh bạch và không quan tâm đến tác động ở cộng đồng địa phương", tiến sĩ Thant Myint-U, một nhà sử học gốc Myanmar và là cựu chuyên viên Liên Hiệp Quốc nói

Điều cần thiết bắt buộc

Khi Mỹ và EU mở rộng các lệnh trừng phạt Myanmar, chính quyền Myanmar bị kéo vào quỹ đạo giao thương với Trung Quốc như một điều cần thiết bắt buộc hơn là một sự lựa chọn. Trong năm tài chính 2010-2011, các dự án đầu tư nước ngoài vào Myanmar có tổng giá trị 20 tỉ USD, trong đó các công ty Hong Kong, Trung Quốc chiếm tới 70%, khiến Trung Quốc trở thành nhà đầu tư nước ngoài hàng đầu của Myanmar. Đập Myitsone chỉ là một trong nhiều dự án thủy điện, khai khoáng và cơ sở hạ tầng của Trung Quốc ở đây. Tham vọng lớn nhất của Trung Quốc là một cảng biển sâu cho tàu chở dầu, dự kiến hoàn thành vào năm 2013, từ đó vận chuyển khí đốt từ giếng dầu Shwe về Trung Quốc, đáp ứng nhu cầu của đại lục

Mối quan hệ đôi bên cùng có lợi này không khiến người dân Myanmar hài lòng. Đến nay có khoảng 1-2 triệu người Trung Quốc đã nhập cư vào phía bắc Myanmar. Tại những tỉnh như Mandalay và Myitkyina, người Trung Quốc thống trị các ngành thương mại về ngọc và đá quý, đẩy giá bất động sản lên cao, phô trương sự giàu qua những chiếc xe sang trọng mang biển số Trung Quốc. Tại tỉnh Myitkyina, người Trung Quốc chiếm một nửa dân số. Phần lớn dân Myanmar cho rằng các tỉnh phía bắc nước này giống như một tỉnh của Trung Quốc. Dân Myanmar đổ lỗi cho các công ty Trung Quốc đã gây ra sự hoang mạc hóa, và đặc biệt là lộ rõ âm mưu bóc lột tài nguyên của nước mình để đem về Trung Quốc. Một nhà sư cao tuổi người Myanmar giấu tên nói với tạp chí Economist: "Chúng tôi là bếp nhà của Trung Quốc. Họ lấy những gì họ muốn và để lại những thứ thừa thãi cho chúng tôi"

Hoãn xây đập Myitsone lúc này trở thành sự kiện để ăn mừng cho những người lo sợ làn sóng Trung Quốc tại Myanmar. Tuy nhiên, ngay sau khi tổng thống Thein Sein tuyên bố sẽ dừng xây đập Myitsone, người phát ngôn bộ Ngoại giao Trung Quốc, ông Hồng Lỗi đã lên tiếng cảnh báo về việc Myanmar không nể mặt hàng xóm

“Trung Quốc đề xuất đối thoại giữa hai chính quyền để làm rõ vụ việc, yêu cầu Myanmar phải bảo đảm quyền lợi hợp pháp, chính đáng của công ty Trung Quốc... Cả hai bên phải có biện pháp đối phó thích hợp với vấn đề liên quan đến tiến độ dự án thông qua hiệp thương hữu nghị", ông Hồng Lỗi (bộ Ngoại giao Trung Quốc) phát biểu vào ngày 1.10. Trong công văn gửi Quốc hội Myanmar của ông Thein Sein cũng chỉ nói không muốn việc xây đập Myitsone diễn ra trong nhiệm kỳ của mình. Như vậy, số phận con đập Myitsone vẫn còn chưa thể kết thúc
 
Lựa chọn của Myanmar​

- Tổng thống Myanmar đã bất ngờ quyết định đình chỉ dự án xây đập thủy điện Myitsone trên sông Irrawaddy phía Bắc nước này - một động thái hợp lòng dân tuy có thể gây phật ý Trung Quốc, nước láng giềng và là đối tác chính trị, kinh tế chiến lược quan trọng nhất của Myanmar

Quyết định của Tổng thống U Thein Sein được đưa ra vào thứ Sáu tuần trước, trong kỳ họp quốc hội ở thủ đô Naypidaw. Ngày hôm sau, thứ Bảy, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi lên tiếng yêu cầu Myanmar phải “bảo vệ quyền lợi chính đáng và hợp pháp của các doanh nghiệp Trung Quốc”

Dự án thủy điện Myitsone có vốn đầu tư 3,6 tỉ đô la Mỹ do tập đoàn Đầu tư Năng lượng Trung Quốc (CPI) làm chủ và thi công; dự kiến hoàn thành vào năm 2017 và 90% sản lượng điện tạo ra sẽ được cung cấp cho tỉnh Vân Nam của Trung Quốc

Hồ chứa của dự án sẽ làm ngập một khu vực rộng 26.238 héc ta, tương đương diện tích Singapore, tại một khu vực nhạy cảm và có nguy cơ bị động đất. Bắt nguồn từ những dòng sông băng phía Đông dãy Hi Mã Lạp Sơn (Himalaya), sông Irrawaddy chảy về phương Nam, mang phù sa bồi đắp cho vùng miền Trung khô cằn trước khi đổ vào vùng châu thổ Irrawaddy - vựa lúa của Myanmar, tương tự như đồng bằng sông Cửu Long ở Việt Nam. Sông Irrawaddy còn được coi là cái nôi của nền văn minh Myanmar và là nguồn sống của hàng chục triệu người dân ven sông

Những người phản đối nói rằng, lợi ích mà dự án thủy điện đem lại không đáng để đánh đổi giá trị môi trường và văn hóa. Ngay cả báo cáo tác động môi trường của dự án do CPI đặt làm và tài trợ cũng xác nhận những tác động tiêu cực, yêu cầu thực hiện thêm nhiều cuộc khảo cứu, và đề xuất thay thế dự án đập Myitsone bằng việc xây dựng hai con đập nhỏ hơn ở phía thượng nguồn, trên hai nhánh sông hợp thành sông Irrawaddy

Tuy nhiên, do quan hệ đặc biệt với Trung Quốc, chính phủ quân sự trước đây của Myanmar vẫn kiên trì thực hiện dự án đập Myitsone. Vì bị phương Tây cấm vận kinh tế từ cuối thập niên 1990, Myanmar buộc phải dựa vào giao thương với Trung Quốc để duy trì nền kinh tế, theo đó Trung Quốc cung cấp cho Myanmar hàng hóa công nghệ, đổi lại các doanh nghiệp Trung Quốc gần như độc quyền khai thác gỗ và khoáng sản, đặc biệt là các mỏ đá quý có trữ lượng lớn nhất thế giới

Trung Quốc hiện là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất ở Myanmar, chiếm 70% vốn FDI cam kết (khoảng 20 tỉ đô la Mỹ) đầu tư vào hàng trăm dự án khai khoáng, thủy điện, khai thác gỗ, khai thác dầu khí và xây dựng đường ống dẫn dầu từ Ấn Độ Dương sang Vân Nam. Cùng với các dự án này, công nhân và thương nhân Trung Quốc di cư sang Myanmar ngày càng đông, ở miền Bắc Myanmar có những tỉnh mà người Trung Quốc chiếm một nửa dân số

Sự tràn lan của người Trung Quốc, cùng với cung cách làm ăn trục lợi bằng mọi giá của họ đã gây bất bình cho người dân Myanmar. Doanh nghiệp Trung Quốc bị cáo buộc là thủ phạm phá rừng và quá tham lam tài nguyên thiên nhiên của Myanmar

Người dân cũng tin rằng Chính phủ Myanmar trước đây đã bán rẻ tài nguyên cho Trung Quốc mà không quan tâm bảo vệ môi trường và người lao động địa phương. Dự án thủy điện Myitsone càng làm cho nỗi căm ghét ấy thêm sâu sắc. Ngay từ năm 2007, khi CPI ký hợp đồng đầu tư 7 nhà máy thủy điện ở miền Bắc Myanmar, phong trào phản đối đã khởi phát và lan rộng khắp nước. Hồi tháng 4-2011, lán trại của công nhân Trung Quốc xây đập Myitsone đã bị đặt bom nhưng không có thiệt hại đáng kể

Gần đây, nhiều nhân vật nổi tiếng của Myanmar, gồm các nhà văn, nhà báo, nhà khoa học và cả lãnh tụ chính trị đối lập, người được giải Nobel Hòa bình vừa được trả tự do, bà Aung San Suu Kyi, cũng phản đối mạnh mẽ. Được biết, ngay trong giới lãnh đạo cao cấp của Myanmar cũng diễn ra nhiều cuộc tranh cãi nảy lửa về số phận của dự án này và chỉ kết thúc sau quyết định của Tổng thống Thein Sein tuần trước

Quyết định đình chỉ dự án cho thấy sự nhượng bộ của Chính phủ Myanmar trước ý nguyện của người dân. “Là chính phủ do nhân dân bầu lên, chính phủ tôn trọng khát vọng và ước muốn của nhân dân. Chính phủ có trách nhiệm giải quyết những vấn đề mà công chúng lo ngại. Do đó chính phủ sẽ ngừng dự án đập Myitsone trong nhiệm kỳ này”, tuyên bố của Tổng thống Thein Sein đăng trên báo Weekly Eleven ở Yangoon cho biết

Tuyên bố này cũng khẳng định, “để đáp ứng nhu cầu điện năng của đất nước, chính phủ sẽ tiếp tục triển khai các dự án thủy điện khác mà không gây hại cho quốc gia, sau khi tiến hành các cuộc khảo sát có hệ thống”
 
Myanmar sẽ ân xá tù nhân chính trị​

AungsanSuuKyi.jpg

Thủ lĩnh đối lập ở Myanmar Aung San Suu Kyi​

Myanmar dự kiến sẽ tuyên bố về việc ân xá tù nhân, bao gồm cả các tù nhân chính trị, trong vài ngày tới, hãng AFP dẫn lời các quan chức nước này hôm 10.10 cho hay

Một quan chức giấu tên nói với hãng AFP: “Các tù nhân chính trị sẽ được phóng thích. Song chúng tôi vẫn chưa biết liệu có phải tất cả họ sẽ được trả tự do hay không”

Quan chức này bổ sung rằng, lệnh ân xá sẽ được công bố “trong vòng vài ngày” trong khi một quan chức khác nói việc phóng thích sẽ xảy ra trước khi Tổng thống Thein Sein bắt đầu thực hiện chuyến thăm chính thức Ấn Độ vào thứ tư, 12.10

Việc phóng thích khoảng 2.000 tù nhân chính trị, bao gồm những nhà vận động dân chủ, nhà báo và các luật sư, từ lâu đã là một đòi hỏi hàng đầu của các quốc gia phương Tây vốn áp đặt lệnh cấm vận với Myanmar

Hy vọng về một đợt ân xá đã gia tăng theo sau những dấu hiệu về sự thay đổi bầu không khí chính trị tại Myanmar, dưới sự lãnh đạo của một chính quyền dân sự vốn đang hướng đến việc hòa giải với những người chỉ trích, bao gồm cả thủ lĩnh đối lập Aung San Suu Kyi, người được trả tự do vào tháng 11 năm ngoái

Cũng trong hôm nay, 10.10, một quan chức ngoại giao hàng đầu của Mỹ đã ca ngợi “những chuyển biến ấn tượng” tại Mynamar

Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ về vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương Kurt Campbell tiết lộ, bà Aung San Suu Kyi và giới lãnh đạo Myanmar đã có những cuộc đối thoại “rất có kết quả”

Phát biểu tại một buổi thuyết trình ở thủ đô Bangkok của Thái Lan, ông Campbell cho biết trong khi những lo ngại vẫn còn đó, “không thể phủ nhận thực tế rằng có những chuyển biến ấn tượng đang diễn ra” tại Myanmar
 
Miến Điện sắp có đợt ân xá lớn​

111011075037_insein_jail_304x171_1_nocredit.jpg

Nhà tù Insein ở Miến Điện là nơi giam giữ hàng trăm tù chính trị​

Vài tiếng đồng hồ sau khi có kêu gọi trả tự do cho các “tù nhân lương tâm” từ Ủy ban Nhân quyền mới thành lập, Chủ tịch Miến Điện Thein Sein ra tuyên bố ân xá cho hơn 6.300 tù nhân

Kênh truyền hình nhà nước Miến Điện đưa tin về tuyên bố này hôm thứ Ba 11/10/2011

Tuy nhiên, thông tin này không nêu rõ liệu tù nhân chính trị có nằm trong danh sách ân xá lần này hay không

Được biết, hồi tháng 5/2011, Miến Điện đã ân xá với quy mô lớn đến 15.000 người nhưng không có tù chính trị nào nằm trong số đó

Hành động này sau đó đã bị các tổ chức nhân quyền chỉ trích mạnh mẽ

Trước đó, Ủy ban Nhân quyền do các học giả và các cựu thành viên nội các thành lập hồi th́ang Chín đã kêu gọi trả tự do cho các tù nhân lương tâm, những người được cho là không đe dọa đến sự bình ổn của đất nước

Theo Điều 204B trong Hiến pháp 2008 của quốc gia này, Chủ tịch nước Thein Sein là người có quyền được chọn lựa và đưa ra quyết định

Có khả năng những người tù chính trị cao tuổi hoặc sức khỏe kém được thả đợt này vì thông cáo của chính quyền chỉ nói đến lý do 'y tế và nhân đạo'

BBC tiếng Miến Điện cho hay trong trên 50 nhà tù ở khắp đất nước, có chừng 2.000 tù nhân chính trị bị giam cầm

Có đột phá ?

Phóng viên BBC Miến Điện Myo Tha Htet cho hay, diễn viên hài kịch nổi tiếng Zaganar cũng nằm trong danh sách ân xá sẽ được công bố chính thức trên các phương tiện truyền thông vào ngày 12/10

Hơn 2.000 người bị cho là liên quan đến các cuộc biểu tình phản đối chính phủ năm 2007 trong đó bao gồm nhà báo, các nhà hoạt động dân chủ, nhân vật bất đồng chính kiến, các nhà sư và thành viên của các nhóm sắc tộc đấu tranh vì quyền tự trị hiện đang ngồi tù

Hôm thứ Hai 10/10, Hoa Kỳ cho biết nếu Miến Điện cho thấy rõ có tiến triển cụ thể trước các vấn đề như tù chính trị thì phía Mỹ sẽ có phản hồi

Nhà ngoại giao Hoa Kỳ hàng đầu, Kurt Campbell, nói Hoa Kỳ đã ghi nhận “những phát triển đột biến đang diễn ra” ở Miến Điện

"Hoa Kỳ đã ghi nhận những phát triển đột biến đang diễn ra ở Miến Điện"
Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Kurt Campbell


Lệnh cấm vận do Mỹ và một số quốc gia phương Tây áp đặt lên Miến Điện một phần chính là vì có nhiều tù chính trị bị giam tại đây

Tuy nhiên, trong những tháng qua, đã có các bước tiến mới của chính quyền nước này nhằm cải thiện hình ảnh Miến Điện trên trường quốc tế

Miến Điện đã tổ chức bầu cử lần đầu tiên trong vòng hai thập niên qua vào hơn một năm trước, thay thế nền quân chủ lập hiến bằng thể chế chính quyền dân sự do quân đội hỗ trợ

Sau đó, chính phủ nước này đã trả tự do cho nhà lãnh đạo dân chủ Aung San Suu Kyi và còn tổ chức đối thoại với bà

Theo thông cáo mới nhất từ phía chính phủ trên kênh truyền hình hôm thứ Ba 11/10, chính quyền của ông Thein Sein bày tỏ mong muốn trở thành một bộ máy trong sạch, quản lý tốt và điều hành hệ thống một cách dân chủ

Ông U Win Mara, chủ tịch Ủy ban Nhân quyền Miến Điện nói với BBC rằng ông tin tưởng chính phủ sẽ trả tự do cho các tù nhân lương tâm

Miến Điện cũng mời Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) c̉ư phái đoàn vào giúp họ cải tổ tiền tệ

Tuần tới, Indonesia, nước làm chủ tịch luân phiên Asean sẽ cử ngoại trưởng đến Miến Điện để tiếp tục bàn về lộ trình hội nhập

Các diễn biến tại Miến Điện còn có mục tiêu thuyết phục Asean rằng Miến Điện đủ tư cách làm chủ tịch luân phiên của Hiệp hội vào năm 2014

Thứ Tư 12/10, chủ tịch Miến Điện sẽ có chuyến thăm Ấn Độ
 
Myanmar nhìn nhận quyền lập hội và biểu tình​

- Người dân Myanmar từ nay có thể được lập hội và biểu tình, theo một đạo luật vừa được ban hành. Theo AFP, đạo luật này được quốc hội thông qua và có hiệu lực ngày 11-10 thay thế Luật nghiệp đoàn năm 1962

525672.jpg

Một tù nhân đoàn tụ với gia đình vào ngày 12-10 sau khi Chính phủ Myanmar đặc xá hơn 6.300 tù nhân​

Theo đạo luật này, người lao động, trừ quân đội và cảnh sát, có thể thành lập các nghiệp đoàn với ít nhất 30 thành viên, có tên gọi và logo

Họ có thể biểu tình sau thời hạn 14 ngày sau khi cho biết số người tham gia và báo cho chủ doanh nghiệp

Những người làm việc trong các dịch vụ được xem là thiết yếu (cấp nước, cấp điện, y tế, truyền thông, cứu hỏa) không được quyền biểu tình. Luật cũng không cho phép đóng cửa các nơi làm việc

Đạo luật này là động thái mới nhất trong hàng loạt động thái chính trị của chính quyền dân sự Myanmar từ tháng 3 đến nay

Luật sư Nyan Win, người phát ngôn của lãnh đạo phe đối lập Aung San Suu Kyi, hoan nghênh và xem đây là một bước ngoặt “từ không đến có” của nền dân chủ nước này
 
Top