What's new
Vietnam - Điện Biên Phủ Kinh Tế

This is a sample guest message. Register a free account today to become a member! Once signed in, you'll be able to participate on this site by adding your own topics and posts, as well as connect with other members through your own private inbox!

Myanmar open government

LOBBY.VN

Administrator
Myanmar - đất nước hi vọng

Phép mầu “open government

- Mang ấn tượng về một đất nước Myanmar đóng cửa, bị cấm vận, nghèo nàn, lạc hậu... chúng tôi chuẩn bị tinh thần đến với Myanmar như một cuộc hành hương về Việt Nam thời bao cấp và chấp nhận chịu đựng những khó khăn thiếu thốn nhất


Bên cạnh những chiếc taxi đời mới là các phương tiện giao thông cũ kỹ đông nghẹt người​

Thế nhưng 10 ngày trải nghiệm ở đây, chúng tôi đã gặp hết bất ngờ này đến bất ngờ khác về những thay đổi ở đây

Chỉ sau hơn hai năm mở cửa, diện mạo, sinh hoạt đời sống xã hội của Myanmar đã có những thay đổi kỳ diệu, nhiều tuyến đường đã được sửa sang, sóng WiFi, điện thoại di động đã về đến các vùng nông thôn

Xe second-hand Nhật đang tràn ngập

Điều nhiều người nghe ta thán trước chuyến đi và cũng được xem là hình ảnh đặc trưng của Myanmar là xe cộ cổ lỗ, đường sá xuống cấp, việc thanh toán bằng tiền USD rất khó khăn. Thế nhưng ngay khi bước ra khỏi sân bay quốc tế Yangon, chúng tôi đã gặp những chiếc taxi đời mới bóng lộn nối nhau chờ khách và sốt sắng chào mời bằng đồng đôla

Nhưng chúng tôi chọn một chiếc xe cũ thời thập kỷ 1970-1980 cho cả đoàn bảy người với giá 15 USD. Và trên đường từ sân bay vào trung tâm thành phố, chúng tôi bắt đầu nhận ra những thông tin của mình đã lạc hậu

Yangon vẫn còn đó những chiếc xe tải lỡ chen chúc hành khách đứng ngồi đu đeo, vẫn còn đó những chiếc trishaw (phương tiện giống như xích lô đạp của ta nhưng hình dáng rất đặc trưng chở hai khách), nhưng đường phố đã xuất hiện rất nhiều ôtô, xe buýt đời mới

Trên đường đi, anh tài xế Chan liến thoắng mời chúng tôi một ngày city tour Yangon với giá 150 USD và hai ngày đi Golden Rock (Hòn đá vàng) với giá 250 USD bằng xe đời mới cho cả đoàn. Không chỉ vậy, tiền phòng khách sạn, mua hàng mỹ nghệ ở chợ và thậm chí cả trong quán ăn bình dân việc thanh toán bằng USD đều thuận lợi dễ dàng

Chừng như sau mở cửa, việc thanh toán bằng đồng đôla ở Myanmar còn dễ hơn ở Thái. Những ngày sau đó chúng tôi yên tâm bắt taxi đời mới đi thăm thú Yangon với giá rẻ bèo 2 USD mỗi cuốc

Nyi Nyi, người đưa chúng tôi đến Golden Rock, nguyên là thủy thủ từng đến VN. Nyi cởi mở giải thích 99% xe đời mới đang lưu hành là xe second-hand tay lái nghịch mặc dù luật đi đường của Myanmar là theo tay phải

Chính phủ cho nhập xe second-hand với thuế suất 20%, nhờ vậy nhiều người đã mua được xe. Chiếc Toyota cá mập đời 2008 của Nyi chỉ có 8.000 USD bao gồm cả thuế

Nhìn bảng hiệu, hầu hết là xe Nhật, chỉ một ít là xe Hàn Quốc. Tôi hỏi sao không thấy xe Mỹ, Nyi mỉm cười: cấm vận mà, rồi sẽ có, chính phủ mở cửa rồi. Nyi và cả Chan thường nhắc đến từ “open government” (chính phủ mở) với niềm vui rạng rỡ

Hóa ra, Thủ tướng Nhật Shinzo Abe đến Myanmar chậm hơn ông Obama hơn năm tháng nhưng xe Nhật đã vào đây sớm hơn Mỹ đến hai năm. Không chỉ ôtô loại nhỏ, các xe buýt đời mới nội thất tiện nghi của Nhật cũng đang thịnh hành ở đây

Đi lại tăng tốc và chất lượng cao

Tiến bộ giao thông ở Myanmar không chỉ ở xe mà còn ở đường. Golden Rock có ngôi chùa trên 2.000 năm là thắng cảnh nổi tiếng ở Myanmar

Nhiều người rất muốn nhưng không dám đến vì con đường lên núi quá kinh hoàng. Phải vượt 25km bằng xe tải trên đường đèo dốc hiểm trở, sau đó phải leo núi hơn 1,2km vì đoạn đường này không có phương tiện nào đi được ngoài bàn chân người

Nếu không đi nổi phải thuê kiệu với giá 8 USD. Chuẩn bị cho chuyến leo núi đầy thử thách này, chúng tôi đã liều gửi hành lý trong xe của Nyi, chỉ mang theo mỗi người một túi nhỏ thật gọn nhẹ

Nhưng tại trạm xe lên núi, người ta chào giá hai loại xe, 1.500 kyat phải leo núi, tốn thêm 1.000 kyat (hơn 1 USD) sẽ đi xe lên đến tận đỉnh. Hóa ra các chủ xe đã hùn tiền sửa sang đoạn đường 1,2km thử thách này và độc quyền khai thác

Theo thông tin trên mạng cập nhật năm 2011, từ Yangon đi cố đô Bagan dài hơn 503km, mất 11 giờ rưỡi bằng xe hơi hoặc 12 giờ rưỡi bằng phương tiện giao thông công cộng.Chúng tôi đón xe buýt giá 17 USD/người đi từ 7g chiều và dự đoán đến Bagan vào 8g sáng hôm sau, nhưng thật bất ngờ mới 4g khuya xe đã tới nơi. Bối rối trong cảnh tranh tối tranh sáng đất khách quê người, chúng tôi phải vào một quán cà phê ở bến xe để hỏi thăm thông tin và tìm đường vào khách sạn

Con đường từ hồ Inle đến thành phố Mandalay bị du khách ta thán là con đường kinh hoàng giằn xóc, chỉ dài gần 181km nhưng ôtô phải chạy đến 9 giờ. Một “phượt thủ” Hà Lan đã rên rỉ chưa từng đi cung đường nào khốn khổ đến mức đó, đã vậy từ thị trấn Nyaung Shwe du khách phải thuê xe ra quốc lộ để chờ đón. Nhưng hôm nay tình hình đã khác

Ngay tại làng đã có bến xe mini đi ba tuyến Bagan, Yangon và Mandalay. Tuyến Mandalay có hai loại xe: loại thường giá 10.000 kyat/người, loại VIP giá 15.000 kyat/người, xe đón tại khách sạn, thời gian đi rút ngắn chỉ còn 6 giờ

Chúng tôi đã uổng công chuẩn bị đối phó với những trận giằn xóc vì đường rất tốt, xe chạy rất êm và ghế nệm mềm mại, đến cả bệ để chân cũng được bọc nhung

Đổi lại, ở hầu hết các tuyến đường chúng tôi đều gặp những trạm thu phí, dấu hiệu cho thấy những con đường vừa được tu bổ bằng hình thức đầu tư BOT

Wifi đã phủ ở nhiều nơi



Những thông tin trên mạng xem việc gọi điện thoại, ngay cả gọi nội địa, ở đây đã là việc khó khăn, tìm nơi kết nối mạng càng cực kỳ nhọc nhằn, chúng tôi không mang theo laptop vì nghĩ vô dụng. Tuy nhiên điều đó đã xưa rồi, đến nay hầu hết khách sạn, quán ăn của Myanmar đều có free WiFi. Ngay các cửa hàng giới thiệu sản phẩm mỹ nghệ cũng có WiFi. Các cửa hàng điện thoại, tiệm Net, game mọc nhan nhản khắp nơi

Điện thoại di động đã trở thành phương tiện sinh hoạt phổ biến cho mọi người, ngay cả những người lái xe ôm, xe tuk-tuk. Cước điện thoại có lẽ vẫn còn cao, khi chúng tôi gọi nhờ điện thoại của khách sạn cho Chan chỉ hơn 5 phút, bị tính cước 1.000 kyat (khoảng 23.000 VND) nhưng trên hành trình đi Golden Rock chúng tôi vẫn thấy Nyi hồn nhiên “nấu cháo” điện thoại với ai đó. Công nghệ thông tin đã phổ cập đến mức một nhóm tài xế xe tuk-tuk ngồi giải trí bằng laptop trong khi chờ khách dưới chân đồi Sagaing ở Mandalay

Còn báo chí đã bắt đầu thay đổi

Trên các nhật báo của chính phủ màu sắc và thông tin đơn điệu, hình ảnh Tổng thống Thein Sein vẫn thường ngự trị trên trang nhất. Nhưng trên các quầy báo đã xuất hiện một số tờ báo tiếng Anh, song ngữ, báo thương mại thể thao đa dạng

Truyền hình cáp trong các khách sạn có 11 kênh, trong đó có kênh chiếu phim HBO, kênh thể thao châu Á, còn lại là các kênh thông tin địa phương. Chất lượng đường truyền chưa tốt

Trong câu chuyện với Chan, Nyi và những người Myanmar khác, người ta nhắc tới Tổng thống Thein Sein với sự kính trọng và nhắc đến bà Aung San Suu Kyi với tình thương yêu. Anh Yar Man, người xà ích xe ngựa chở tôi đi thăm Bagan, hào hứng kể về chuyện bà từng về thăm Bagan như một niềm tự hào

Anh Kiệt
 
Xứ sở thân thiện
- Bản sắc văn hóa Myanmar còn nổi bật trong lối sống hồn hậu, thân thiện, trong sinh hoạt, những tập tục độc đáo trong đời sống của người dân


Đàn ông và phụ nữ Myanmar đều mặc longhi - loại váy truyền thống ở xứ sở này
Thân thiện mọi lúc mọi nơi

Đến bến xe Mandalay chỉ mới 2g sáng, đoàn chúng tôi bắt taxi đi vào trung tâm thành phố giá chỉ 10 usd, nhưng anh tài xế hứa sẽ bao trọn gói đến khi nào chúng tôi tìm được khách sạn ưng ý. Trước vẻ nhiệt tình ấy chúng tôi lại lo lắng: liệu có bị lừa ?

Chạy một đoạn trên đường chính, chưa vào đến trung tâm xe đột ngột rẽ vào đường nhánh làm tôi càng băn khoăn căng mắt theo dõi. Cuối cùng xe dừng lại trước cổng một ngôi chùa (sau này tôi mới biết đó là ngôi chùa thiêng Mahabohdi)

Em bé chạy đến trao cho anh tài xế một vòng hoa nhỏ, anh thành kính cầm vòng hoa lên chắp tay xá ngôi chùa ba xá rồi lui xe chạy tiếp. Hóa ra anh đi cúng chùa. Nỗi lo nhẹ hẳn đi. Quả nhiên anh đưa chúng tôi đi lần lượt gõ cửa ba khách sạn đến khi tìm được chỗ ở thích hợp mà không kỳ kèo vòi vĩnh thêm tiền

Sự thân thiện đến bất ngờ của khách sạn ở Myanmar là họ nhiệt tình giới thiệu cho khách những cơ sở khác phù hợp nhu cầu của khách. Ở Yangon, chúng tôi chọn Three Seasons Hotel, đây là tòa nhà bằng gỗ khá xinh xắn, nhưng rất tiếc không đủ phòng cho cả đoàn. Tiếp tân ở đây cung cấp thông tin giá cả, phòng ốc và gọi điện cho khách sạn Hninn Si Budget Inn ở gần đó cho chúng tôi

Ở Mandalay, dù bị đập cửa dựng dậy lúc nửa đêm rồi bị chê giá cao, phòng không máy lạnh, nhưng tiếp tân Royal Guesthouse không phiền hà, vẫn nhiệt tình giới thiệu cho chúng tôi khách sạn Grand Royal gần đó với giá cả phải chăng, đủ tiện nghi. Sự thân thiện đó không phải cá biệt mà dường như trở thành lối sống của người dân Myanmar

Hình ảnh quen thuộc hiện diện tất cả mọi nơi công cộng ở Myanmar là những chum nước miễn phí. Đồn cảnh sát, các ngôi chùa, cửa hàng, ngoài khu chợ, trên đường đi... đâu đâu cũng có chum sành đặt trên bệ, nắp đậy hình nón lá. Bên trong là một mâm đậy bằng inox và một ca inox

Trên đất nước nóng bức, khô hạn, một năm chỉ có ba tháng mưa này thì những chum nước uống miễn phí là món quà tuyệt vời. Thông thường những chum nước ấy được đặt trong chỗ râm mát, chứa bằng chậu sành nên dù giữa trưa nước luôn mát lạnh. Ở những điểm di tích như chùa vàng Shwe Dagon, nước uống còn sang trọng hơn là nước lọc đóng bình đặt trên máy nóng lạnh

Ngay nhà người dân, chum nước để dùng cho gia đình cũng thường đặt trước cửa nhà. Trong thời gian chờ xe buýt từ Yangon lên Bagan, chúng tôi ghé nhà tài xế taxi Dyn Dyn để tắm rửa và cũng nhìn thấy một chum nước trước nhà như vậy. Hỏi sinh hoạt này có từ khi nào, Dyn Dyn lắc đầu không biết, vì đã có từ bao đời, trước khi anh sinh ra đã là như vậy

Màu sắc longhi và tanakhan

Người Myanmar ngày nay vẫn trung thành với trang phục cổ truyền, nam nữ đều mặc váy là một khúc vải được may thành ống và thắt quanh người gọi là longhi. Chính cách ăn mặc này đã tạo ra bức tranh sinh hoạt xã hội của Myanmar hết sức đặc thù, đầy màu sắc

Cách vận longhi của phụ nữ rất gọn gàng, nhưng với phái nam mỗi người mỗi kiểu. Có người thắt thành cục to trước bụng, có người cột lại như cái nơ. Việc tụt, sửa longhi giữa đường nơi công cộng là chuyện bình thường. Longhi chừng như không gây cản trở cho sinh hoạt nghề nghiệp nên từ người lái tàu, lái xe, khuân vác đều vận longhi

Một tập quán đặc sắc khác của Myanmar là thoa tanakhan lên mặt. Tanakhan là một loại bột làm từ vỏ cây mài trên một bàn mài bằng đá hòa tan với nước và thoa lên mặt. Hầu hết trẻ em và phụ nữ đều thoa tanakhan. Có người thoa thành bệt tự nhiên nhưng nhiều cô gái đã tận dụng nó để thành một phương cách trang điểm thoa thành hình trái tim, thoa viền hai má...

Về công dụng của nó thì vợ Dyn Dyn cho biết nhằm làm mát, mịn da. Người Myanmar sẽ rất vui sướng khi khách nước ngoài nhờ thoa tanakhan, họ sẽ không ngại tốn thời gian mài vỏ cây thật mịn, thoa thật đẹp cho du khách. Không biết công dụng về dinh dưỡng da của tanakhan ra sao, nhưng với tập quán này thì gương mặt những cô gái Myanmar không thể lẫn với những thiếu nữ các quốc gia khác trong vùng Đông Nam Á. Những quầy hàng tanakhan nhan nhản khắp nơi cũng góp phần tạo ra sắc thái riêng cho phố chợ Myanmar

Suốt mười ngày ở Myanmar chúng tôi ít khi gặp khó khăn về giao tiếp. Không kể tiếp tân khách sạn hay lái xe du lịch như Dyn Dyn là những người thường xuyên giao tiếp với du khách, trong các hàng quán ăn dành cho người dân địa phương vẫn có người nói được tiếng Anh

Tuy chưa phải là thứ tiếng Anh đạt chuẩn nhưng chí ít vẫn đủ để hiểu nhau. Cộng đồng phượt Việt Nam thường thông tin ca ngợi anh Min Thu là một trong rất ít tài xế xe ngựa ở Bagan biết nói tiếng Anh và nhiệt tình giúp đỡ khách. Chúng tôi cũng hỏi thăm và được biết Min Thu đã được giới xe ngựa phong là “guide quốc tế” và chỉ làm dịch vụ môi giới chứ không còn lái xe nữa

Một thanh niên trẻ tự giới thiệu là Min Tuyn, nói tiếng Anh khá tốt, đã chào hàng chúng tôi giá phục vụ rẻ hơn giá của Min Thu và tất cả tài xế xe ngựa nhóm của anh đều biết tiếng Anh và có kiến thức về văn hóa lịch sử Bagan đáp ứng cho du khách

Ngày cuối cùng ở Mandalay, vì quá mê cây cầu Ubien, tôi tách đoàn thuê một chiếc honda ôm quay trở lại cầu này, hóa ra Don Yar, anh tài xế xe ôm theo đạo Islam, cũng biết võ vẽ tiếng Anh. Bốn lần đi ngang qua một văn phòng trung tâm du lịch nhỏ ở bờ hồ Inle vào lúc sáng sớm lẫn chiều tối, tôi đều nghe tiếng phát âm đồng thanh của lớp học tiếng Anh. Rõ ràng trong khó khăn, thiếu thốn của sự đóng cửa, cấm vận, người dân Myanmar đã có những cố gắng vượt bậc để thu hẹp khoảng cách với thế giới hiện đại

Nhưng một trong những hình ảnh ấn tượng nhất với chúng tôi là những đứa trẻ rao bán những cuốn giới thiệu đầu tư nước ngoài vào Myanmar. Đó là một câu chuyện khá “nóng sốt” ở đây và đang gây “rạo rực” đối với nhiều doanh nhân Việt Nam...
 
Doanh nhân Việt đang “bay” đến Yangon
- Vừa bước lên “sân khấu” nhỏ tại tiền sảnh khách sạn Sedona, TP Yangon, nữ ca sĩ Myanmar duyên dáng lên tiếng “Chào những vị khách đến từ Vietnam” bằng tiếng Anh, trước khi cất cao giọng hát ngọt ngào

Phía dưới “sân khấu”, các doanh nhân VN đang ngồi kín hàng chục bàn, vừa nhâm nhi bia Myanmar vừa bàn chuyện làm ăn


Cà phê G7 và áo dài Lan Phương trên đường phố Yangon



Myanmar, đất nước hi vọng, Doanh nhân Việt, Yangon, Hoàng Anh Gia Lai​

Quá nhiều cơ hội...

Lôi từ thùng cactông to tướng ra một viên gạch, ông Mẫn - một doanh nhân đến từ TP.HCM - cho biết loại gạch này do Myanmar sản xuất theo công nghệ cũ, nặng gấp đôi loại gạch thông thường tại Vietnam

“Tôi đang liên kết với một đối tác Myanmar để xây dựng một nhà máy sản xuất loại gạch nhẹ hơn nhưng chất lượng tốt hơn, giá thành cạnh tranh hơn...” - ông Mẫn hào hứng

Theo ông Mẫn, tiềm năng thị trường của sản phẩm này rất lớn, do phù hợp với các công trình cao tầng đang và sẽ mọc lên tại Myanmar, trong đó có dự án của Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai Vietnam. “Khoảng giữa năm 2014, chậm nhất là đến cuối năm, nhà máy liên doanh sản xuất này sẽ được đưa vào hoạt động” - ông Mẫn khẳng định

Từng có hơn 20 chuyến sang thị sát và tìm cơ hội đầu tư kinh doanh tại Myanmar, ông Mẫn cho biết đã tìm được một số khu đất rất thích hợp cho việc xây dựng nhà xưởng, kho chứa hàng...

Ngoài ra, một trong những sản phẩm mà nhóm doanh nghiệp của ông Mẫn nhắm đến là sản xuất các loại máy phát điện phục vụ nhu cầu của người dân

Ông Lê Hùng Dũng - chủ tịch HĐQT Ngân hàng Xuất nhập khẩu Vietnam (Eximbank) - ủng hộ ý tưởng đầu tư nhà máy lắp ráp máy phát điện mà ông Mẫn đưa ra, đồng thời khẳng định Eximbank sẵn sàng tài trợ vốn cho dự án này. Theo ông Dũng, trong ba ngày có mặt tại TP Yangon, ngày nào cũng xảy ra hiện tượng cúp điện. “Với tình trạng thiếu điện và cúp điện thường xuyên ngay tại một thành phố lớn như Yangon, các loại máy phát điện có giá từ 500-1.000 USD chắc chắn sẽ được tiêu thụ rất tốt” - ông Dũng nhận định

Cũng góp mặt trong buổi gặp gỡ này, tổng giám đốc Công ty chứng khoán Phú Gia Phạm Quang Trung, người đã thực hiện hàng chục chuyến đi sang Myanmar với vai trò tư vấn cho một số doanh nghiệp Vietnam, gợi ý “nên sớm tính toán đầu tư một nhà máy ximăng tại Yangon” để đón đầu các dự án nhà cao tầng sắp tới

Theo ông Trung, vào giữa tháng 6 này, một đoàn doanh nghiệp Myanmar sẽ sang Vietnam tìm kiếm cơ hội hợp tác đầu tư xây dựng nhà máy ximăng, do thị trường này hiện đang tiêu thụ chủ yếu là ximăng Thái Lan

Những bước đi đầu tiên

Chính thức khởi công dự án khu phức hợp Hoàng Anh Gia Lai Myanmar Center tại TP Yangon vào ngày 5-6, với số vốn lên tới 440 triệu USD, Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) được xem là doanh nghiệp VN đầu tiên xây dựng chỗ đứng khá vững chắc tại thị trường đầy tiềm năng này

Theo dự kiến, dự án này sẽ hoàn tất giai đoạn 1 vào cuối năm 2014 và giai đoạn 2 là cuối năm 2016. Trao đổi với chúng tôi, ông Đoàn Nguyên Đức - chủ tịch HAGL - tự tin khẳng định dự án này chắc chắn sẽ thành công, đặc biệt là khối văn phòng cho thuê do giá thuê văn phòng tại thành phố này hiện dao động từ 80-130 USD/m2

“Với 250.000m2 văn phòng cho thuê, sau khi hoàn thành chỉ cần cho thuê với giá 80 USD/m2, HAGL sẽ nhanh chóng lấy lại vốn, chưa kể khách sạn 5 sao 480 phòng và bốn khối căn hộ cao cấp 1.800 căn...” ông Đức nói

Ông Lê Hùng Dũng cũng chia sẻ nhận định này khi cho rằng với làn sóng đầu tư nước ngoài đổ vào Myanmar ngày càng tăng, trong đó có các doanh nghiệp Vietnam, trung tâm thương mại và văn phòng cho thuê của khu phức hợp này sẽ là địa chỉ hút khách và sự thành công của HAGL là “đương nhiên”

Vừa trở về trong chuyến làm việc tại Myanmar, ông Lê Quang Định - phó tổng giám đốc Công ty CP Dây cáp điện Vietnam (Cadivi) - cho biết doanh nghiệp này đang xúc tiến việc ký hợp đồng hợp tác thương mại với hai đối tác đến từ Myanmar để đưa sản phẩm cáp điện sang tiêu thụ tại thị trường này

“Chậm nhất là cuối tháng này, chúng tôi sẽ ký kết đại lý độc quyền với hai đối tác Myanmar” - ông Định cho biết. Theo ông Định, khảo sát ban đầu cho thấy tại Myanmar hiện chỉ có chưa đến mười nhà sản xuất cáp điện, nguồn cung ít và chất lượng không cao, chưa kể cáp điện Trung Quốc cũng bị thị trường này chê nên khả năng thành công của Cadivi rất lớn

Tương tự, ông Văn Đức Mười - tổng giám đốc Công ty Vissan - cho biết doanh nghiệp này đã ký hợp đồng độc quyền phân phối sản phẩm Vissan, chủ yếu là đồ hộp và đồ khô, cho thị trường Myanmar. Theo ông Mười, trong đợt hội chợ thương mại hàng Vietnam tại Yangon mới đây, sản phẩm của Vissan đã nhanh chóng được tiêu thụ sạch

“Chúng tôi vẫn đang trong giai đoạn thăm dò để chuẩn bị cơ sở cho việc thâm nhập sâu hơn vào thị trường này trong tương lai, khi các chính sách về thuế đối với mặt hàng thực phẩm nhập khẩu của Myanmar cởi mở hơn” - ông Mười nói. Ông cũng cho biết hàng loạt doanh nghiệp khác thuộc các lĩnh vực dệt may, da giày, sữa, vật liệu xây dựng... cũng đang có kế hoạch đầu tư vào thị trường này


Cà phê G7 và áo dài Lan Phương trên đường phố Yangon​

Theo thông tin từ Tổng công ty Hàng không Vietnam (Vietnam Airlines), hãng này đang khai thác mỗi tuần năm chuyến (thứ hai, tư, sáu, bảy và chủ nhật) bay thẳng từ Hà Nội sang Yangon, Myanmar (và ngược lại) với thời gian bay khoảng 2 giờ 05 phút/chuyến, khởi hành từ Hà Nội lúc 16g35 và đến Yangon lúc 18g10 (giờ địa phương)

Tại TP.HCM, Vietnam Airlines cũng khai thác bốn chuyến bay đi TP Yangon mỗi tuần (thứ hai, ba, năm và chủ nhật). Thời gian bay là 2 giờ 20 phút, khởi hành lúc 15g45 và đến Yangon lúc 18g35 (giờ địa phương)

Hải Đăng
 
Nhanh lên, đừng nản lòng
- Dù “nhìn đâu cũng thấy cơ hội”, nhưng nhiều doanh nhân Việt thừa nhận việc thâm nhập và bám trụ thị trường Myanmar không phải là câu chuyện một sớm một chiều


Rao bán Luật đầu tư nước ngoài trên đường phố Yangon​

Trong các năm qua, theo ông Chu Công Phùng - cựu đại sứ đặc mệnh toàn quyền Vietnam tại Myanmar, đã có hàng ngàn doanh nghiệp Vietnam sang Myanmar tìm kiếm cơ hội đầu tư, nhưng đến nay số doanh nghiệp được cấp phép đầu tư rất ít

Tuy nhiên, ông Phùng cho rằng tiềm năng của thị trường Myanmar là “cực lớn”, các doanh nghiệp Vietnam không thể chậm chân hơn nữa và cũng đừng thấy khó mà nản lòng

Kẹt xe và giá nhà đắt đỏ

Doanh nhân Việt: phải giữ chữ tín với bạn

Cũng như nhiều người tiêu dùng Myanmar, giới doanh nghiệp tại quốc gia này đều không thích hàng “Made in China” do chất lượng không tốt

Ngược lại, người tiêu dùng và giới doanh nhân Myanmar lại rất thích hàng hóa Vietnam cũng như làm ăn với doanh nghiệp Vietnam. “Đây là một lợi thế rất lớn cho các doanh nghiệp Vietnam nếu muốn thâm nhập thị trường này

Tuy nhiên, muốn bám trụ lâu dài thì các doanh nghiệp Việt phải làm ăn uy tín, đừng đem hàng tốt đi giới thiệu tại hội chợ triển lãm rồi giao hàng xấu khi ký hợp đồng” - ông Nguyễn Công Kiên - đại diện của Simco Sông Đà và là người có nhiều năm “ăn dầm nằm dề” tại Myanmar - khuyến cáo


Trở lại TP Yangon sau đúng một năm, sự thay đổi rõ nhất mà chúng tôi ghi nhận được là đường phố xuất hiện nhiều ôtô mới hơn, cùng với các loại ôtô đời cũ tay lái nghịch, và đường phố trở nên chật chội hơn, kẹt xe nhiều hơn. Chỉ với một đoạn đường ngắn từ khách sạn Sedona đến chợ đá quý Boyoke chưa đến 5.000 kyat tiền taxi, chúng tôi phải mất gần một giờ

Cũng từ khách sạn này đến chùa vàng Shwedagon với 3.000 kyat tiền taxi, thời gian ngồi xe cũng gần 45 phút. Vào giờ cao điểm, nhiều đường phố tại Yangon luôn kẹt cứng, ôtô chỉ nhích từng đoạn


Hình ảnh của một Myanmar mở cửa​

Và một hình ảnh đã trở nên quen thuộc vào những giờ cao điểm trên đường phố Yangon là những người bán dạo tranh thủ lúc kẹt xe đem chào bán cho khách đủ các loại mặt hàng, từ thức ăn, nước uống, sách báo cho đến... Luật đầu tư nước ngoài vào Myanmar

Sự khác biệt với TP.HCM có lẽ là Yangon không có cảnh xe máy chen lấn, do xe máy bị cấm tại thành phố này, và đặc biệt là hầu như không nghe tiếng còi gắt gỏng của các bác tài. Hầu hết các bác tài đều kiên nhẫn chịu đựng cảnh kẹt xe chờ đến lượt mình

Tuy một vài tuyến đường tại thành phố này đang được mở rộng, nhưng tốc độ phát triển hạ tầng giao thông không theo kịp số lượng ôtô ngày càng tăng

Cùng với “đặc sản” kẹt xe, sự nóng lên từng ngày của bất động sản và giá thuê mặt bằng tại TP Yangon cũng đang gây đau đầu với nhiều nhà đầu tư và khách du lịch. Nhiều doanh nhân sau một năm trở lại thành phố này đã rất bất ngờ thấy giá khách sạn và văn phòng cho thuê đã tăng 2-3 lần. Giá đất đai tại Yangon hiện nay cũng “sốt” như Hà Nội và TP.HCM vào những năm bất động sản “sốt” nhất và cũng đắt không kém gì tại Hà Nội và TP.HCM

Ông Đoàn Nguyên Đức - chủ tịch Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai - cho biết doanh nghiệp đang thuê hai căn biệt thự có diện tích sàn 150m2/căn tại Yangon với giá 5.500 USD/căn/tháng. “Nhưng hiện nay, một căn nhà có diện tích tương tự tại khu vực chúng tôi thuê đã có giá cao hơn, thậm chí nhiều nhà đầu tư nước ngoài không tìm được nhà để đặt văn phòng. Giá thuê mặt bằng tại đây tăng lên từng ngày” - ông Đức nói

Trong khi đó, cách nay một năm, ông Nguyễn Công Kiên, đại diện Công ty Simco Sông Đà, cho biết chỉ phải trả 2.000 USD/tháng cho một căn nhà rộng 1.000m2 tại khu vực được mệnh danh là thung lũng vàng ở TP Yangon

Rủi ro song hành với cơ hội

Trò chuyện với chúng tôi về các thủ tục hành chính tại Myanmar, một lãnh đạo liên doanh MysiCo khẳng định không phải “vô duyên vô cớ” mà tại buổi lễ khởi công dự án khu phức hợp Hoàng Anh Gia Lai Myanmar Center vào ngày 5-6 tại TP Yangon, ông Trần Bắc Hà - chủ tịch BIDV - lên tiếng đề nghị chính quyền thành phố này “tạo cơ chế tốt nhất để chủ đầu tư nhập máy móc thiết bị thi công dự án”

Theo vị này, dù đã có nhiều cải cách nhưng thủ tục xuất nhập hàng tại Myanmar là “cực kỳ nhiêu khê”, do tình trạng “trên đã thoáng, dưới chưa thông”

Nhiều doanh nghiệp Vietnam nhận định rằng do thời gian mở cửa chưa lâu, hệ thống pháp luật liên quan đến đầu tư, thương mại của Myanmar vẫn chưa hoàn chỉnh nên đã gây trở ngại không ít đối với các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có Vietnam

“Tôi từng nói đùa với các vị lãnh đạo Hoàng Anh Gia Lai rằng nếu không có cơ chế riêng, không được tạo điều kiện thì chỉ riêng thời gian làm thủ tục xuất nhập khẩu thiết bị thi công cũng tốn cả năm, chứ chưa nói đến khả năng hoàn thành dự án đúng tiến độ” - vị này nói. Dẫn chứng trường hợp của MysiCo, vị này cho biết khi nhập hai chiếc máy phục vụ cho mỏ đá, doanh nghiệp này phải xin giấy phép nhập máy riêng và nhập... các loại dây nhợ kèm theo máy riêng. Thậm chí, từng có thời điểm dù đã có giấy phép nhập một lô hàng, nhưng nếu hàng đưa vào bằng nhiều chuyến thì mỗi chuyến phải có giấy phép riêng

Ngoài ra, một khó khăn khác: hoạt động thanh toán điện tử hầu như không có. Do hệ thống ngân hàng Myanmar vẫn chưa kết nối hệ thống ngân hàng các nước, trong đó có Vietnam nên việc thanh toán tương đối khó khăn, chủ yếu thông qua một số ngân hàng ở Singapore

Trước tình hình đó, theo ông Lê Quang Định - phó tổng giám đốc Công ty CP Dây cáp điện Vietnam, các doanh nghiệp thương mại Vietnam có một cách tốt nhất để thâm nhập thị trường Myanmar là phải liên kết với doanh nghiệp nội địa để họ xúc tiến thương mại và bán hàng cho mình. Chia sẻ với nhận định này, ông Văn Đức Mười, tổng giám đốc Vissan, cho rằng với những doanh nghiệp lần đầu tiên đến Myanmar nhìn đâu cũng thấy cơ hội, lĩnh vực nào cũng có thể tham gia

Lần thứ hai đến lại thấy cái gì cũng khó, đụng đâu cũng vướng chứ không dễ làm, bắt đầu nản chí. Nhưng nếu có thiện chí, lần thứ ba sang sẽ có giải pháp. Đó là liên kết với các doanh nghiệp Myanmar để đưa hàng sang, vì chỉ có những doanh nghiệp nội địa mới rõ đường đi nước bước các thủ tục cũng như nhu cầu của người tiêu dùng

Hải Đăng
 
Chứa chan hạt lúa Việt trên cánh đồng Myanmar
- Trong căn phòng đậm dấu ấn Myanmar với vật dụng trang trí làm từ đá và gỗ Myanmar, ông Nguyễn Văn Thanh - chủ tịch HĐQT Công ty Viettranimex - nói về bao nhiêu “kết quả” mà ông thu được sau hơn mười năm “ăn dầm nằm dề” tại Myanmar


Ông Nguyễn Văn Thanh hướng dẫn Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Tổng thống Myanmar Thein Sein thăm cánh đồng hợp tác Vietnam - Myanmar​

Đó là tình bạn, các mối quan hệ và những cơ hội làm ăn đang được mở ra... Hãy nghe câu chuyện của ông

Kết quả mỹ mãn !

Làm ăn với Myanmar từ những năm trước năm 2000, nhưng nếu không có cuộc gặp gỡ “định mệnh” với ông U Myint Hlaing (bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và thủy lợi Myanmar) khi ông sang thăm Vietnam, hoạt động của chúng tôi đã không chuyển sang một ngã rẽ khác, hiểu biết và gắn bó hơn với đất nước này

Đó là vào tháng 9-2010. Tôi vẫn còn nhớ như in lời tâm sự của ông U Myint Hlaing khi chúng tôi ngồi trao đổi tại phòng chờ sân bay Tân Sơn Nhất trước khi ông về nước: “Tôi rất mong muốn nông nghiệp Myanmar cũng được như nông nghiệp Vietnam”

Từng qua lại Myanmar, tôi nhận thấy nông nghiệp quốc gia này có nhiều nét tương đồng với Vietnam. Do đó trước khi chào từ biệt bộ trưởng, tôi đã long trọng hứa: “Nếu ngài tạo điều kiện, trong vòng hai tháng tới tôi sẽ đưa những chuyên gia giỏi nhất cùng giống lúa và các điều kiện sản xuất sang Myanmar để sản xuất lúa giống”

Với sự hỗ trợ của Bộ NN&PTNT Vietnam cùng Tổng công ty Giống trung ương, tôi và đoàn chuyên gia Vietnam sang Myanmar đúng hẹn và được ông Hlaing hỗ trợ nhiệt tình, cho thực hiện dự án phát triển lúa giống ngay

Tuy nhiên, bắt tay vào thực hiện mới phát sinh nhiều khó khăn bởi đặc điểm khí hậu tại Myanmar là ngày nắng nóng nhưng đêm rất lạnh, độ ẩm thấp. Nông dân Myanmar cũng có phong cách làm việc như nông dân Vietnam vào thời kỳ bao cấp, đó là bắt đầu và kết thúc ngày làm việc theo tiếng kẻng


Nông dân Myanmar tìm hiểu giống lúa mới của Viettranimex​

Trong thời gian thực hiện dự án, chúng tôi rất lo bởi đích thân tổng thống và bộ trưởng ra thăm liên tục. Thế rồi sau những thất bại ban đầu, sự tận tụy của đội ngũ chuyên gia Vietnam cuối cùng cũng đã được đền đáp: một kết quả mỹ mãn ! Một số giống lúa của chúng tôi được đánh giá rất cao nhờ năng suất đạt 9-10 tấn/ha. Có bông lúa đến 1.200 hạt, chưa từng có tại Myanmar

Khi công bố kết quả, tiến sĩ Tin Tut - hiệu trưởng Trường ĐH Nông nghiệp Yezin (Myanmar) - khẳng định: “Giống lúa của các bạn đã vượt trội so với lúa của Philippines, Trung Quốc và một số quốc gia khác. Đặc biệt, lúa của các bạn cho loại cơm thích hợp nhất với nhu cầu của người dân Myanmar”

Giấy phép khai thác mỏ số 01

Sau những trục trặc ban đầu, dự án khai thác đá cẩm thạch do công ty chúng tôi góp vốn cùng hai doanh nghiệp khác của Vietnam (Viettranimex góp 40% vốn) làm chủ đầu tư đã được cấp phép, với sự hỗ trợ rất lớn từ những mối quan hệ mà tôi và các đối tác trong liên doanh xây dựng được

Đến thời điểm này, các khâu ban đầu như giấy phép chuyển tiền, máy móc thiết bị, máy xúc, máy ủi, máy phát điện... đã được hoàn tất để chuẩn bị khai thác. Dự kiến vào tháng 8-2013, chúng tôi sẽ khai thác mẻ đá đầu tiên. Với giấy phép khai thác mỏ số 01 được cấp cho nước ngoài, chúng tôi hi vọng thời gian tới sẽ cho ra lò các sản phẩm đá quý thương hiệu Vietnam để xuất đi các nước

Những năm gần đây, nhiều doanh nhân Việt đã bắt đầu đổ xô sang Myanmar tìm kiếm cơ hội đầu tư, kinh doanh. Và trong các cuộc nói chuyện, tôi được nghe không ít lời “phàn nàn” về thủ tục khó khăn và các chi phí không thể đưa vào sổ sách, những lo ngại về rủi ro thị trường...

Bản thân chúng tôi cũng từng trải qua những khó khăn này. Tuy nhiên, tôi cho rằng hiện tượng “thoáng trên, tắc dưới” là chuyện có thể hiểu được, do các cơ quan công quyền chưa chuyển mình kịp với chính sách mở cửa mạnh mẽ của Chính phủ Myanmar

Nhưng nếu vì những rào cản này mà các doanh nghiệp Vietnam ngần ngại, chậm chân là sẽ đánh mất cơ hội vàng để giành được chỗ đứng tại thị trường này

Theo tôi, các doanh nghiệp Vietnam hoàn toàn có thể dùng chiến thuật “du kích”, cử các cán bộ giỏi sang mở văn phòng đại diện hay phòng trưng bày sản phẩm, từng bước đặt chân vào thị trường này để chờ cơ hội thuận lợi hơn

Cơn “sốt” giá thuê đất cũng như khách sạn, văn phòng tại TP Yangon gần đây cho thấy “nhiệt độ” kinh tế Myanmar đang tăng lên với sự đổ xô vào của nhiều nhà đầu tư, đặc biệt là các tập đoàn đa quốc gia có tiềm lực tài chính hùng mạnh. Tuy nhiên, doanh nghiệp Vietnam có một lợi thế rất lớn mà không phải nhà đầu tư quốc gia nào cũng có được, đó là tình cảm mà người dân, doanh nhân và cả lãnh đạo Myanmar dành cho Vietnam

Doanh nghiệp Việt được xếp hàng đầu

Có một người bạn Myanmar vốn là quan chức trong cơ quan chính phủ này nói với tôi rằng doanh nghiệp Vietnam luôn đứng đầu trong danh sách lựa chọn cho các dự án nếu đủ tiềm lực về tài chính và làm ăn nghiêm túc. Tôi tin người bạn ấy nói thật. Người Myanmar vốn trung thực

Đến Myanmar vào thời điểm này, các bạn sẽ khó hình dung những khó khăn trong suốt thời gian chúng tôi làm dự án lúa giống. Sau nhiều năm bị bao vây cấm vận, đời sống tại Myanmar vào thời điểm ấy cực kỳ khó khăn do thiếu đủ thứ, từ nhu yếu phẩm đến phương tiện sinh hoạt, đi lại. Ngay tại TP Yangon, việc tìm được một nơi ăn chỗ ở đàng hoàng cũng là một chuyện khó khăn

Tuy nhiên, có gắn bó với đất nước này chúng tôi mới hiểu hết tình cảm người Myanmar dành cho đất nước và con người Vietnam. Tôi còn nhớ vào tháng 3-2012, nhân một cuộc họp nội các, Bộ trưởng Hlaing kêu chúng tôi luộc một số bắp vừa thu hoạch được, rồi ông cho gói cẩn thận để đem vào mời các thành viên. Tôi nghe kể lại rằng vị bộ trưởng này đã rất tự hào khoe với các thành viên trong nội các rằng “bắp này được trồng bằng giống Vietnam và ăn rất ngon”

Trong suốt thời gian chúng tôi làm dự án, Bộ trưởng Hlaing thường xuyên đến thăm và mỗi chuyến thăm như vậy, trên xe của vị bộ trưởng luôn mang theo đủ loại trái cây như chuối, xoài, có hôm còn mang cả bia đến mời các chuyên gia Vietnam

Có thể nói Bộ trưởng Hlaing cùng nhiều quan chức Chính phủ Myanmar đã dành những tình cảm chân thành nhất cho đoàn Vietnam, dù bên cạnh chúng tôi còn có nhiều dự án đến từ các quốc gia khác

Ngay cả TS Tin Tut cũng dành nhiều tình cảm và đánh giá cao những nỗ lực của các chuyên gia Vietnam. Tâm sự với chúng tôi, vị hiệu trưởng này nói “Các bạn đến với chúng tôi rất thật lòng. Các kỹ sư, chuyên gia của các bạn lăn lộn trên những cánh đồng, hợp tác với chúng tôi để nghiên cứu ra các loại giống tốt nhất cung cấp cho người dân Myanmar

Trong khi đó, các tập đoàn Trung Quốc chỉ quan tâm đến thị trường chúng tôi chứ không quan tâm đến việc chuyển giao giống lúa, công nghệ...”

Nguyễn Văn Thanh - Chủ tịch Viettranimex
 
Vào Myanmar: thời cơ có một không hai
- Nhận nhiệm sở trong giai đoạn biến động nhất về chính trị lẫn kinh tế của Myanmar 2009-2012, cựu đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Myanmar Chu Công Phùng cho rằng chỉ trong hai năm qua, kinh tế Myanmar đã chuyển biến bằng 20 năm trước đó và dự báo sẽ còn tăng trưởng mạnh hơn


Thương hiệu LiOA được ghi rõ là Made in Vietnam trên xe buýt ở Yangon​

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Chu Công Phùng cho biết từ năm 2010 trở về trước, Myanmar chỉ thu hút được 16 tỉ USD đầu tư nước ngoài nhưng chỉ hai năm gần đây con số này đã tăng 100%

Và đầu tư Việt Nam sang Myanmar hiện đạt xấp xỉ 500 triệu USD so với con số 22 triệu USD năm 2009. Có thể nói Myanmar đang là địa chỉ thu hút mạnh các dòng vốn đầu tư nước ngoài, trong đó có Việt Nam

* Những hình ảnh nào ông cho là ấn tượng nhất về sự chuyển biến kinh tế Myanmar trong giai đoạn này, thưa ông ?

- Khi tôi nhận nhiệm sở tại Myanmar vào năm 2009, TP Yangon rất thưa thớt xe cộ, phần lớn là xe cũ và đường phố trở nên vắng ngắt sau 8g tối. Nhưng ấn tượng nhất là tại hội chợ hàng Việt Nam tổ chức lần đầu tiên tại TP Yangon vào tháng 4-2010, người dân Myanmar xếp từng hàng dài để tranh nhau mua các mặt hàng bột giặt, màn chống muỗi, giỏ đi chợ, quần áo, giày dép... do các doanh nghiệp Việt Nam đem qua. Những gói bột ngọt cũng là một món quà quý dành cho các bạn bên đấy

Thế nhưng đến TP Yangon vào thời điểm này, bạn sẽ thường xuyên chứng kiến cảnh kẹt xe với rất nhiều ôtô mới, đường phố luôn sôi động kể cả ban đêm. Tôi được biết chỉ trong năm 2012, số lượng ôtô nhập khẩu tại TP Yangon lên tới 70.000 chiếc

Tương tự, hàng hóa tại những thành phố lớn ở Myanmar đã phong phú hơn rất nhiều, không còn cảnh xếp hàng hay chen nhau giành mua như trước. Đặc biệt giá bất động sản Myanmar tăng vọt. Cách nay hai năm, giá thuê phòng tại một khách sạn năm sao ở Yangon chỉ có 60-70 USD/đêm thì nay tăng lên 250-300 USD/đêm nhưng không phải lúc nào cũng có chỗ

Người Myanmar có đặc tính rất đáng quý là trung thực và hiền hòa. Ý thức chấp hành luật pháp cực kỳ nghiêm chỉnh. Suốt bốn năm làm việc tại Myanmar, tôi cũng chỉ thấy doanh nghiệp Myanmar kiện doanh nghiệp Việt Nam chứ chưa thấy ngược lại về vấn đề công nợ, thanh toán...

Người Myanmar rất thích hàng Việt Nam. Điều họ phiền lòng là có hiện tượng doanh nghiệp Việt Nam đưa hàng tốt đi quảng cáo nhưng khi ký hợp đồng rồi thì giao hàng kém, hàng xấu. Đặc biệt, có doanh nghiệp điện tử Việt Nam đưa hàng sang bán với thương hiệu Việt Nam, nhưng họ mua về kiểm tra trong ruột là “made in China”


* Luôn tích cực kêu gọi doanh nghiệp Việt Nam sang Myanmar làm ăn, theo ông, những mặt hàng nào của Việt Nam có khả năng cạnh tranh với hàng Trung Quốc và Thái Lan đang chiếm lĩnh tại thị trường này ?

- Tất cả các loại hàng Việt Nam vào Myanmar đều được chào đón do nhu cầu tại thị trường Myanmar phù hợp với khả năng đáp ứng của Việt Nam, từ công nghệ, mẫu mã, chất lượng. Tôi lấy ví dụ như mặt hàng điện lạnh, điện máy, thực phẩm khô, hàng nông sản chế biến, các loại máy công cụ Việt Nam... đều được tiêu thụ rất tốt tại Myanmar

Cũng đừng quá lo ngại với hàng Trung Quốc và Thái Lan, bởi nhiều sản phẩm Việt Nam đã đánh bật hàng Trung Quốc và Thái Lan tại thị trường này nhờ chất lượng tốt hơn và giá cả phù hợp, như sản phẩm gốm sứ và các mặt hàng nhựa gia dụng Việt Nam. Hơn nữa, với dân số 60 triệu dân trong khi ngành sản xuất trong nước của Myanmar chỉ mới đáp ứng 15% nhu cầu tiêu dùng, dư địa tại thị trường này còn rất lớn

* Còn về đầu tư, thưa ông ?

- Do quan hệ chính trị giữa Việt Nam và Myanmar rất tốt, những dự án của Việt Nam phù hợp với Myanmar đều được hoan nghênh. Đây là một lợi thế vì nhà đầu tư một số nước vào đây gặp khó khăn hơn do không được hoan nghênh. Về lĩnh vực đầu tư, tôi cho rằng nông nghiệp (trồng lúa, xay xát, chế biến...) và thủy sản (nuôi trồng, chế biến xuất khẩu) là những lĩnh vực tiềm năng nhất và đang được khuyến khích đầu tư. Với hơn 3.100km bờ biển cùng hơn 8 triệu ha mặt nước trong đất liền chưa được khai thác, ngành thủy sản Myanmar đang rất khát vốn và kinh nghiệm của doanh nghiệp thủy sản Việt Nam

Ngoài ra, hàng loạt lĩnh vực như vật liệu xây dựng, trang trí nội thất, gạch, kính công nghiệp và đặc biệt là ximăng... đang có nhu cầu rất lớn tại Myanmar do hoạt động xây dựng đang nóng lên

Chẳng hạn với mặt hàng ximăng, hiện sản xuất nội địa của Myanmar chỉ đạt 1,5 triệu tấn/năm, trong khi nhu cầu của thị trường này hiện lên tới 6 triệu tấn/năm

* Như ông khẳng định, tiềm năng thị trường Myanmar rất lớn nhưng vì sao trao đổi thương mại Việt Nam - Myanmar hiện nay vẫn rất thấp, số lượng dự án Việt Nam đầu tư vào Myanmar có thể đếm trên đầu ngón tay, thưa ông ?

- Một trong những cái khó đối với doanh nghiệp Việt Nam là hàng hóa Trung Quốc và Thái Lan đang chiếm lĩnh tại thị trường Myanmar, họ có lợi thế vận chuyển gần, chưa kể trốn thuế, nhập lậu...

Đặc biệt, doanh nghiệp xuất nhập khẩu Myanmar chủ yếu là tư nhân, họ không được vay vốn nên rất hạn chế về tiền mặt. Do vậy khi nhập hàng họ thường đòi trả chậm hoặc đổi hàng trong khi doanh nghiệp Việt Nam cũng đang khó khăn nên đòi tiền ngay

Hệ thống ngân hàng Myanmar còn rất yếu. Hoạt động cho vay, thanh toán điện tử chưa phát triển, chuyển tiền khó khăn... Các thủ tục xuất nhập hàng, xin giấy phép đầu tư vào Myanmar dù đã được cải thiện nhưng vẫn còn rất nhiêu khê, không thể nhanh như Việt Nam hiện nay. Vận chuyển hàng hóa Việt Nam sang Myanmar có chi phí cao do đường bộ chưa vận chuyển được, còn đường biển thì xa

Về phía Việt Nam, thủ tục xin giấy phép đầu tư ra nước ngoài tại Việt Nam còn nhiêu khê, chưa kể giấy phép chuyển tiền ra nước ngoài đầu tư cực kỳ khó khăn do chủ trương hạn chế chuyển tiền ra nước ngoài

* Là người sống và làm việc tại Myanmar nhiều năm, có những am hiểu nhất định về con người và đất nước này, ông có lời khuyên gì cho các doanh nghiệp Việt Nam ?

- Tôi tin rằng với quyết tâm rất lớn từ Chính phủ Myanmar, chỉ một thời gian ngắn nữa những khó khăn hiện nay của bạn sẽ được giải quyết

Chẳng hạn, hiện đã có sáu ngân hàng Myanmar được kết nối ra bên ngoài, BIDV của Việt Nam cũng bắt đầu đặt văn phòng tại đây, nên hoạt động thanh toán chẳng bao lâu nữa sẽ thông suốt hơn. Những chệch choạc ban đầu về thủ tục hành chính chủ yếu là do tình trạng “trên thoáng, dưới chưa thông” hoặc các cơ quan công quyền chưa bắt kịp nhịp thay đổi của chính sách

Tóm lại, tôi cho rằng đây là thời cơ có một không hai để doanh nghiệp Việt Nam có thể vươn ra bên ngoài, mở rộng quy mô, phát triển thương hiệu... Nếu chờ mọi thứ ổn định đâu vào đó, nhà đầu tư các nước vào chiếm lĩnh thì doanh nghiệp Việt Nam sẽ bị loại khỏi cuộc chơi

Hải Đăng
 
Doanh nghiệp Myanmar gặp khó trên sân nhà
Các công ty Myanmar không có tiềm lực lớn như các hãng nước ngoài, khó tiếp cận vốn, chi phí ngày càng đội lên do giá thuê văn phòng tăng vọt. Kể cả trong trường hợp lập liên doanh, họ cũng có nguy cơ bị đối tác ngoại chèn ép

Các nhãn hàng tiêu dùng hàng đầu thế giới đang đổ xô về Myanmar để khai thác thị trường mới mở cửa với 60 triệu dân. Tuy nhiên, không phải ai cũng hồ hởi với tin này. Một số công ty lớn tại Myanmar vừa phải vật lộn với tình trạng thiếu tiền mặt hàng thập kỷ, cố gắng kinh doanh dù bị phương Tây cấm vận, lại phải cạnh tranh với các đại gia thế giới như Coca Cola hay Canon

Sai Sam Htun - Chủ tịch Tập đoàn Loi Hein cho biết: "Chúng tôi đang rất chật vật, vì các tập đoàn đa quốc gia lớn đều đã ở đây. Họ có thể dễ dàng vượt mặt chúng tôi trong thời gian ngắn nhờ tiềm lực lớn hơn hẳn"

Star Cola từng là hãng sản xuất các sản phẩm từ cola hàng đầu Myanmar, nhưng giờ lại đang bị Coca Cola và Pepsi lấy mất thị phần. Người dân địa phương hào hứng với đồ uống từ Mỹ sau hàng thập kỷ bị cấm vận


Các thương hiệu nước ngoài đang dần lấn át hàng nội địa tại Myanmar​

Các doanh nghiệp Myanmar còn lo ngại những tập đoàn quốc tế sẽ tận dụng lợi thế mạng lưới rộng, tài nguyên sẵn có tại các nước Đông Nam Á khác, đặc biệt là Thái Lan, để nhấn chìm đối thủ. Zaw Moe Khine - Giám đốc công ty dược phẩm AA Medical cho biết: "Kể cả có mạnh đến đâu, chúng tôi cũng không phải là những tên tuổi lớn trong khu vực. Vì thế, dù rất cố gắng, doanh nghiệp Myanmar cũng khó mà cạnh tranh được"

Các doanh nghiệp vừa và nhỏ khác cũng lo ngại bị đá khỏi chính sân nhà, khi giá thuê văn phòng tại Myanmar đang tăng vọt. Theo hãng nghiên cứu bất động sản Scipio, giá văn phòng tại Yangon đã tăng 80% trong hai năm qua, lên 90 USD mỗi m2, do nguồn cung thiếu hụt

Các công ty nước ngoài cũng có thể dễ dàng đối phó với thị trường tài chính tại Myanmar, vốn đang rất trì trệ sau hàng thập kỷ dưới quyền quản lý của quân đội. Sean Turnell - chuyên gia nghiên cứu kinh tế Myanmar tại Đại học Macquarie (Australia) cho biết

"Các công ty nước ngoài có thể dễ dàng huy động vốn, nhưng doanh nghiệp địa phương thì không". Theo ông, vốn rất cần thiết trong các ngành sản xuất chịu tác động từ cơ sở vật chất nghèo nàn. Loi Hein chỉ được Chính phủ cấp điện 5 tiếng mỗi ngày, còn lại họ phải tự chạy máy phát

Dù vậy, các công ty trong nước cũng được hưởng lợi phần nào từ các vị khách ngoại quốc. Những doanh nghiệp muốn nhanh chóng nắm bắt thị trường thường sẽ hợp tác với các hãng trong nước, để tránh rủi ro về văn hóa và chính trị. Sai Sam Htun - Chủ tịch Loi Hein cho biết: "Liên doanh sẽ giúp chúng tôi tăng trưởng gấp 5 - 6 lần trong 10 năm, đồng thời tăng chủng loại sản phẩm. Đây là mặt khá tích cực"

Tuy nhiên, không phải ngành nào tại Myanmar cũng có thể liên doanh. Hiện tại, các ngân hàng nước ngoài vẫn chưa được cho phép cấp vốn tại Myanmar, dù việc liên doanh có thể sẽ được thông qua trong vài tháng tới, Thứ trưởng Tài chính Myanmar - Maung Maung Thein cho biết. Một số nhà băng nước ngoài, như Standard Chartered hay ANZ đều đã mở văn phòng đại diện tại đây

Tuy nhiên, theo ông Takuya Ito - Giám đốc Ngân hàng Mizuho tại châu Á và châu Đại Dương cho biết: "Kể cả được phép liên doanh, chúng tôi cũng rất khó tìm đối tác. Vì số ngân hàng tư nhân ở Myanmar rất ít"

Một số tập đoàn lớn ở Myanmar cũng không tỏ ra hào hứng với mô hình này. Zaw Moe Khine, giám đốc một công ty tại đây cho biết: "Các công ty nước ngoài thừa biết cách tổ chức doanh nghiệp theo hướng có lợi cho họ. Không như các công ty địa phương, ít được tiếp cận với các luật sư hay công ty tư vấn đa quốc gia giàu kinh nghiệm"

"Các công ty địa phương, một là phải lớn, hai là thật chuyên nghiệp và giàu kinh nghiệm. Dĩ nhiên sẽ có rủi ro, nhưng chúng tôi có lựa chọn nào khác đâu. Phương án cuối cùng có lẽ là bán công ty, nhưng chẳng ai mong điều đó xảy ra cả", Zaw Moe Khine nói

Thùy Linh
 
Top