What's new
Vietnam - Điện Biên Phủ Kinh Tế

This is a sample guest message. Register a free account today to become a member! Once signed in, you'll be able to participate on this site by adding your own topics and posts, as well as connect with other members through your own private inbox!

Philipp Rösler Lobbyist

LOBBY.VN

Administrator
Cậu bé gốc Việt trở thành Phó Thủ tướng Đức

Từ một cậu bé mồ côi gốc Việt, ông Philipp Rösler đã thẳng tiến lên chiếc ghế Phó Thủ tướng Đức – vị trí quyền lực thứ hai của một trong những cường quốc hàng đầu thế giới

20110515114054_phillipp.jpg

Philipp Rösler trở thành Phó Thủ tướng

Được ví là ngôi sao đang lên trên chính trường Đức, ngày 13/5, ông Philipp Rösler đã chính thức được bầu chọn vào vị trí Nhà lãnh đạo Đảng Dân chủ Tự do (FDP) của Đức với số phiếu rất cao. Khoảng 95% thành viên đảng FDP đã bỏ phiếu ủng hộ ông Rösler, đóng lại một thập kỷ đảng FDP nằm dưới sự lãnh đạo của Ngoại trưởng Guido Westerwelle. Với việc trở thành Chủ tịch Đảng FDP, ông Rösler cũng chính thức trở thành Phó Thủ tướng – vị trí quyền lực thứ hai trong chính phủ của nữ Thủ tướng Angela Merkel

Bà Merkel đã tiến hành một cuộc cải tổ nội các hôm 12/5 theo đề nghị của những người thuộc Đảng Dân chủ Tự do – một đảng đối tác trong liên minh cầm quyền của bà. Theo đó, ngoài việc trở thành Phó Thủ tướng Đức, ông Rösler đã tiếp nhận vai trò Bộ trưởng Kinh tế từ người tiền nhiệm Rainer Brüderle. Trước đây, ông Rösler là Bộ trưởng Y tế Đức

Sự thăng tiến của ông Rösler được xem là một hiện tượng trên chính trường Đức. Chỉ trong một thời gian ngắn, ông liên tiếp được bổ nhiệm vào những vị trí quan trọng, từ Bộ trưởng Y tế đến Bộ trưởng Kinh tế và Phó Thủ tướng. Hiện tại, Phó Thủ tướng Rösler mới chỉ 38 tuổi. Theo lời tân Phó Thủ tướng Đức, ông sẽ chỉ ở trên cương vị Chủ tịch Đảng FDP, Phó Thủ tướng và Bộ trưởng trong nội các Đức trong 7 năm nữa. Đây không phải là giới hạn tuổi do đảng của ông đặt ra mà ông tuyên bố sẽ rời chính trường và làm việc khác khi 45 tuổi

Từ cậu bé mồ côi...

Ông Rösler không chắc chắn về ngày sinh của mình. Trên giấy tờ ghi ông sinh ngày 24/2/1973. Tuy nhiên, đây không phải là con số chính xác

Ông Rösler sinh ra ở tỉnh Khánh Hoà, miền Nam Việt Nam. Cha mẹ ông được cho là đã bị thiệt mạng trong chiến tranh. Một người nào đó đã đưa cậu bé Rösler vào trại mồ côi ở Sài Gòn. Khi được 9 tháng tuổi, một cặp vợ chồng người Đức đã nhận cậu bé Rösler làm con nuôi và đưa cậu sang Đức

Khi trở thành Bộ trưởng Y tế Đức năm 2009, một phóng viên đã đặt câu hỏi: "Có bao nhiêu phần Châu Á trong con người ông?". Ông Rösler đã trả lời: “Đôi mắt bé, chiếc mũi tẹt và mái tóc đen." Theo lời kể của ông Rösler, ông đã có một tuổi thơ hết sức bình thường như bao nhiêu đứa trẻ Đức khác. Khi lên 4 tuổi, bố mẹ nuôi của Rösler ly dị. Ông đã lớn lên cùng người cha làm việc trong quân đội. Sau này, bản thân ông Rösler cũng trở thành một người lính

Sau khi học ngành y ở trường Y khoa Hanover, ông trở thành một bác sĩ trong quân đội và làm công việc này cho đến năm 2003

Sự nghiệp chính trị của ông Rösler ban đầu chỉ dừng lại ở một vài vị trí tình nguyện trong đảng FDP. Tuy nhiên, sau đó, con đường sự nghiệp của ông thăng tiến một cách nhanh chóng bất ngờ. Rösler gia nhập đảng FDP năm 1992 và tham gia vào đội ngũ lãnh đạo đảng này năm 2005. Một năm sau đó, ông được bầu làm Chủ tịch Đảng FDP vùng Lower Saxony. Tháng 2 năm 2009, ông được bổ nhiệm vào vị trí Bộ trưởng Y tế, Lao động và Giao thông Vận tải của bang Lower Saxony và sau đó trở thành nhân vật số hai của bang này

Rösler là một chính khách có tài ăn nói và giao tiếp bẩm sinh. Ông không phải là người tham vọng, tham danh vọng, địa vị. Rösler ban đầu mê ngành y bởi vì ông muốn làm một công việc được giao tiếp với nhiều người. Tuy nhiên, trên thực tế, khi làm việc, ông thấy rằng, có quá nhiều công việc giấy tờ và ông ít có thời gian chữa trị cho các bệnh nhân

"Tôi đã nói với mình: đã lên lúc mình nên thẳng tiến vào chính trường để loại bỏ những luật lệ ngu ngốc," ông Rösler đã cho biết như vậy một cuộc trả lời phỏng vấn

.... đến chiếc ghế Phó Thủ tướng

Vốn là một người đàn ông của gia đình, ông Rösler thực ra đã hài lòng với việc trở thành nhân vật số hai của bang Lower Saxony. Ông đáng ra đã ở lại Hanover cùng người vợ Wiebke, cũng là một bác sĩ, và hai cô con gái sinh đôi 2 tuổi

Tuy nhiên, đảng FDP của ông đã giành thắng lợi lớn trong cuộc tổng tuyển cử hồi tháng 9 năm 2009. Với tư cách là một thành viên trong bộ máy lãnh đạo quốc gia của đảng FDP kể từ năm 2005, ông Rösler đã được bầu vào vị trí Bộ trưởng Y tế

Ông Rösler trở thành Bộ trưởng Y tế Đức khi mới 36 tuổi. Ông là người Châu Á đầu tiên được lựa chọn vào một trong các vị trí Bộ trưởng trong Nội các Đức và cũng là vị bộ trưởng trẻ tuổi nhất trong lịch sử nước này

"Câu chuyện cổ tích của một đứa trẻ mồ côi trở thành Bộ trưởng” là dòng tít lớn được đặt trang trọng ở trang đầu của nhiều tờ báo bán chạy nhất của Đức trong thời điểm đó

Vị trí Bộ trưởng Y tế dường như phù hợp với một người xuất thân từ ngành y nhưng đây thực chất là một chiếc ghế nóng với những khoản ngân sách lớn và những nhân vật vận động hành lang đầy ảnh hưởng nhằm tranh giành khoản tiền này

Vì thế, không có gì ngạc nhiên khi ông Rösler vấp phải những chỉ trích từ các đồng nghiệp bác sĩ, từ ngành công nghiệp dược phẩm, từ công chúng về những cắt giảm trong dịch vụ y tế và phí bảo hiểm cao hơn. Tuy nhiên, ông đã đảm nhiệm vị trí người đứng đầu ngành y tế Đức khá tốt. Ông Rösler thừa nhận: “Vị trí Bộ trưởng Y tế là công việc khó khăn nhất mà tôi từng làm”

Về vị trí Chủ tịch Đảng FDP, ông Rösler tỏ ra rất ngần ngại tiếp nhận vị trí này từ ông Guido Westerwelle, một người thầy của ông trong nhiều năm. Ông Rösler từng nói: "Nếu tôi cảm thấy chính trị làm tổn thương gia đình tôi, tôi sẽ từ bỏ ngay lập tức"

Các đồng minh chính trị miêu tả ông Rösler là một người “thông minh và sáng suốt". Ông Rösler đã từng cùng vợ về thăm quê hương Việt Nam một lần vào năm 2006
 
Last edited:
Chính khách gốc Việt khởi đầu “thời đại Obama” ở Đức

image_thumb.png

“Tự hào về đưá con bị bỏ rơi”. Đó là tít một bài báo Đức tường thuật báo chí Việt Nam đón mừng thành công của Philipp Rösler vốn là một trẻ Việt bị bỏ rơi, như lịch sử thành công của đất nước mình, sau khi ông được bầu làm Chủ tịch Đảng Dân chủ Tự do FDP, Phó Thủ tướng, kiêm Bộ trưởng Kinh tế tại Đại hội Đảng trung tuần tháng 5, ở tuổi 38: có báo chạy tít “Vị Phó Thủ tướng chính cống người Việt của Đức”, có báo với đầu đề “Tương lai mới cho người Việt ở Đức” rồi kết luận, “thành tích của Rösler chứng tỏ cộng đồng người Việt ở nước ngoài đã hoà nhập thành công”, có báo mạng đi xa hơn “Việt Nam là một đất nước đầy nhân tài, Philipp Rösler là một minh chứng”. Thực ra lý lịch Rösler được cha mẹ nuôi người Đức đón từ trại trẻ mồ côi lúc 9 tháng tuổi, chỉ ghi đơn giản sinh ngày 24.2.1973, tại Khánh Hưng, Việt Nam

Có báo ghi Khánh Hoà, hoặc Sóc Trăng hay Ba Xuyên. Hồ sơ lưu trữ về ông cũng như hàng trăm thân phận trẻ bất hạnh thời chiến tại đây đã không còn; nên ngày, nơi sinh, đều không thể xác minh. Chỉ có thể khẳng định, Rösler khi đó được nuôi tại tu viện, Nhà Thờ lớn, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng hiện nay; phóng viên Đức đã đến tận đây tìm hiểu. Trước kia, từ năm 1956 cho đến 1975, thành phố Sóc Trăng có tên gọi Khánh Hưng, tỉnh lỵ của tỉnh Sóc Trăng lúc đó gọi là tỉnh Ba Xuyên. Trước nữa, thời Pháp thuộc, tỉnh Sóc Trăng là một phần tỉnh Bạc Liêu. Tháng 2 năm 1976, tỉnh mới Hậu Giang được thành lập từ hai tỉnh Sóc Trăng và Cần Thơ cũ. Từ 26.12.1991, tỉnh Sóc Trăng được tái lập từ tỉnh Hậu Giang, với 28,9% người Khmer, còn thị xã Sóc Trăng được nâng cấp hành chính lên thành phố năm 2007. Sóc Trăng, tiếng Khmer nghĩa là kho bạc; Philipp Rösler là người Khmer hay người Kinh sinh ra từ kho bạc này, và thuộc bên nào trong cuộc chiến, vẫn còn là ẩn số! Tuy nhiên, dù người dân tộc nào, phe nào, theo điều §116, Hiến pháp Đức, người có quốc tịch Đức là người Đức, thì Philipp Rösler đích thực là người Đức, không phải người Việt, cũng như Tổng thống da đen Obama là người Mỹ không phải người Kenia – biểu tượng cho thời đại thế giới hội nhập, quốc tịch dâu thì có quyền và nghĩa vụ phụng sự quốc gia đó – đích phấn đấu, niềm mơ ước cho mọi tuổi trẻ, chí lớn, tài cao, dù xuất thân từ bất cứ dân tộc nào, thể chế gì, thuộc quốc gia nào trên thế giới, miễn có được hoài bão lớn lao đó

Philipp Rösler trở thành hiện tượng đặc biệt, được chính trường lẫn công luận Đức hết lời ca ngợi ngay từ khi trở thành Phó Thủ hiến Tiểu bang Niedersachsen năm 35 tuổi, với danh hiệu ngôi sao đang lên của đảng FDP – “Shooting-Star” (tên giải thưởng cao nhất của Tổ chức Phim châu Âu EFP tặng tài tử điện ảnh trẻ). Sự nghiệp của ông tới nay được đánh giá là “thẳng đứng”, và “hầu như không có đối thủ” ở bất kỳ vị trí nào. Chức Chủ tịch Đảng FDP Tiểu bang, ông được bầu ở tuổi 33, năm 2006, tới 96,4% phiếu thuận. Trúng Chủ tịch đoàn FDP Liên bang năm 2007 cao thứ 2 với 88% phiếu bầu, chỉ đứng sau Chủ tịch Đảng lúc đó. Ông trở thành vị Chủ tịch thứ 13 của Đảng FDP tại Đại hội Đảng toàn quốc ở Rostock trung tuần tháng 5, với 95,8% phiếu thuận

Đại hội này được chính trường Đức và công luận hết sức quan tâm, so sánh ý nghĩa với kỳ bầu cử Obama ở Mỹ, coi đó là tín hiệu khởi đầu kỷ nguyên mới của đảng FDP vốn không còn đường lựa chọn, hoặc phải từ giã chính trường hoặc phải cải tổ Đảng, bởi bất cứ đảng nào, dù thần kỳ tới đâu cũng chỉ là niềm tin chứ không phải vua chúa; nếu không muốn bị người dân loại bỏ thì phải giành được sự tín nhiệm của họ. Nhưng Đảng FDP đã từ đỉnh cao tín nhiệm chiếm 14,6% cử tri năm 2009, sau 1 năm tham gia liên minh cầm quyền 2010 chỉ còn 10% cử tri ủng hộ (mất 1/3), nửa năm tiếp, tháng trước, con số đó rớt xuống mức thấp nhất trong lịch sử: chỉ còn 3%; nếu bầu cử, theo luật định sẽ bị loại ra khỏi quốc hội. Ở 3 cuộc bầu cử Quốc hội tiểu bang mới đây, thì cả 3 nơi, Đảng FDP cũng không tránh khỏi thất bại nặng nề, mất từ 1/3 – 1/2 cử tri, bị loại ra khỏi Quốc hội, hoặc ra khỏi Chính phủ tiểu bang. Dân chúng thất vọng, bởi FDP đã thất hứa, tuyên bố sẽ cắt giảm thuế nhưng không thực hiện; ủng hộ nhà máy điện hạt nhân bị dân chúng tẩy chay; việc bỏ phiếu trắng tại Liên Hiệp Quốc về Libya bị chê trách; bị thành phần hưởng trợ cấp phản đối khi FDP lên tiếng chỉ trích chính sách trợ cấp cho họ

Đứng trước nguy cơ mất còn đó, Rösler trở thành kỳ vọng của Đảng ông, có sứ mạng giành lại niềm tin nơi cử tri. Bài phát biểu đầu tiên của ông với tư cách Chủ tịch Đảng được đánh giá mở đầu cho kỷ nguyên Rösler, đáp ứng được mọi mong đợi của Đảng ông. Trước 660 đại biểu, đúng 11 giờ trưa hôm đó, ông bước lên diễn đàn trước tiếng vỗ tay vang dậy như sấm. Không cần nhìn văn bản, với giọng nhỏ nhẹ, từ tốn, điềm tĩnh, và thỉnh thoảng pha chút khôi hài, ông nói vo một mạch 66 phút bị ngắt quãng nhiều lần bởi tiếng vỗ tay liên hồi kéo dài nhiếu phút. Với các tuyên bố về những chính sách cơ bản, ông khẳng định quyết tâm của Đảng FDP

Đề cập đến chính sách năng lượng, với cách tiếp cận hết sức cân nhắc, ông cam đoan sẽ chấm dứt năng lượng hạt nhân, nếu phấn đấu đạt được 3 điều kiện: bảo đảm được nguồn cấp điện, giá điện có thể chấp nhận và loại điện đó không làm tăng ô nhiễm môi trường. Đề cập đến thuế khoá, ông hứa nhanh chóng giảm bớt gánh nặng thuế khoá cho người dân, cảnh báo phiá đảng liên minh cầm quyền phải thực hiện lời hưá đó, vốn đã cam kết khi thành lập chính phủ. Về người nhập cư, chià khoá hoà nhập họ là chính sách đào tạo, chứ không phải thông qua các ngày hành động đa văn hoá như hiện nay. Nền kinh tế Đức cần một hệ thống đánh giá, để trên cơ sở đó thu hút nguồn nhân lực nước ngoài trình độ cao. Ông ủng hộ một đồng Euro mạnh và cảnh báo trước việc giúp đỡ quá mức đối với những nước gây nợ nần, như Hy Lạp. Ông chủ trương, giúp đỡ đó phải được Hạ viện thông qua, bởi quyền ngân sách là quyền tối thượng phải thuộc về Quốc hội chứ không phải Chính phủ, (dù ông là Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Kinh tế). Đối với người ốm đau tàn tật, cần chăm sóc tốt, phải hỗ trợ cho người nhà của họ. Gia đình phải được chú trọng, thông qua chính sách cải thiện nhà trẻ mẫu giáo; tăng thời gian mở cửa, để người nuôi con một mình có thể đi làm. Quyền tự do của công dân, trong thời đại Internet và kết nối điện thoại di động, cần được bảo vệ trước các cơ quan công quyền, nhất là dữ liệu cá nhân. Ông hưá, bất cứ ở đâu tìm cách hạn chế tự do, dù một chút thôi, thi ở đó Đảng ông cũng sẽ có mặt, như trong trường hợp kiểm tra biên giới ở Đan Mạch, tình trạng Đức quốc xã mới ở Berlin-Kreuzberg. Ông chỉ trích Bộ trưởng Nội vụ CSU Hans-Peter Friedrich đã ủng hộ kiểm soát biên giới và kéo dài luật chống khủng bố, vốn hạn chế quyền tự do của công dân, và khẳng định, chúng ta không thể cho phép một sự hạn chế tự do như vậy. Ông so sánh hệ lụy khi hạn chế tự do từng chút một, với hình tượng con ếch, được hội trường vỗ tay tán thưởng nhiệt liệt. Nếu ném nó vào nồi nước nóng nó sẽ phản xạ tức thì, nhảy ra khỏi nồi ngay. Nhưng nếu ném nó vào nồi nước lạnh, rồi đun nóng dần, nó sẽ nằm yên cho đến chín. Hạn chế quyền tự do từng chút một rốt cuộc sẽ dẫn tới như vậy, bởi xã hội mất đề kháng

Ông thẳng thắn, cử tri bỏ phiếu cho chúng ta 2009 là hy vọng nước Đức có một cái gì đó thay đổi. Lẽ ra đảng phải tập trung giải quyết những vấn đề đặt ra từ thực tế cuộc sống, những trăn trở thường nhật của từng người dân. Nhưng dân chúng đã thất vọng, vì cảm thấy những tranh cãi chính trị hầu như không đề cập đến điều đó. Chúng ta sai lầm, bỏ lỡ nhiều chương trình cấp bách và cần thiết, nhất là người dân đã không gắn Đảng FDP với kỳ vọng phát triển kinhh tế. Họ thất vọng là phải. Kết thúc phát biểu, Rösler nhấn mạnh: Thảo luận công khai là bà đỡ cho tất cả mọi vấn đề, rồi ông lên tiếng kêu gọi: Hỡi những công dân thất vọng với chúng tôi, từ hôm nay Đảng FDP sẽ đổi mới lấy lại niềm tin. Cả hội trường đứng bật dậy, vỗ tay vang dội kéo dài đúng 11 phút

Báo chi sau đó dẫn nhiều đánh giá của các chính khách. Cựu Chủ tịch FDP, ông Wolfgang Gerhardt thốt lên: Thật là một Chủ tịch tuyệt vời. Chủ tịch Đoàn Thanh niên FDP: Đúng là viên kim cương đã được mài giũa. Bộ trưởng Y tế mới Bahr: phát biểu rất thiện cảm ở lời nói và nhất quyết trong sự việc. Phó Chủ tịch Đảng đoàn Quốc hội FDP Florian Toncar: Bài phát biểu thật đáng tự hào

Rösler dù tài năng xuất chúng tới mấy, thì cũng chỉ là một cá nhân, không thể trở thành Shooting-Star, nếu không sẵn có một môi trường chính trị, trong đó người dân định đoạt số phận mọi đảng phái, buộc các đảng phái phải tự đổi mới nếu không sẽ bị dân bất tín nhiệm, loại bỏ. Chính nhờ nguyên lý đó mà vị Chủ tịch FDP tiền nhiệm, ông Westerwelle, sẵn sàng từ bỏ quyền lực, chỉ sau 1năm rưỡi tại vị Phó Thủ tướng, để cứu Đảng ông, mặc dù uy tín ông trong Đảng vẫn rất cao. Bài phát biểu từ chức của ông được Đại hội vỗ tay kéo dài 8 phút, nhiều người cảm động luyến tiếc rơi nước mắt, bởi ông đã 10 năm chủ tịch, một thời oanh liệt như Rösler, có công đưa Đảng ông đến mức tín nhiệm cao nhất trong lịch sử ở kỳ bầu cử trước. Ông thẳng thắn: Ai lãnh đạo Đảng lâu như vậy, người đó cũng sẽ mắc sai lầm, như tôi đã phạm phải, và xin được tha lỗi đối với từng sai lầm cụ thể đó. Ông thừa nhận rời bỏ chức vụ với nỗi đau trong tim, như bất cứ con người bằng da bằng thịt nào, nhưng không giận hay buồn mà với tất cả lòng biết ơn Đảng ông từ trong tâm khảm

Rösler trở thành cứu tinh của Đảng FDP, và chắc chắn sẽ trở thành Thủ tướng da vàng đầu tiên của nước Đức, đối diện với bên kia địa cầu là Tổng thống Mỹ da đen Obama, nếu kỳ bầu cử Quốc hội liên bang tới, Đảng FDP chiếm được đa số phiếu. Ngược lại với nhà nước phong kiến Trung Hoa đến xê dịch mỗi chiếc bàn thôi cũng phải đổ máu (Lỗ Tấn), ở các nước hiện đại việc chuyển giao chính quyền vốn nhẹ nhàng như xê dịch chiếc bàn, thì khả năng trên là một thực tế hiện hữu. Người dân Đức đang phập phồng từ bây giờ !

TS Nguyễn Sỹ Phương, CHLB Đức
 
Last edited:
Hiện tượng chính khách gốc Việt Rösler

- Rösler trở thành bộ trưởng ở tuổi 36, trẻ nhất trong nội các Chính phủ Liên bang Đức hiện nay và nhiều khả năng sẽ giữ chức chủ tịch đảng FDP trong kỳ bầu cử sắp tới. Rösler thu hút sự chú ý đặc biệt của chính trường lẫn công luận khi trở thành Phó thủ hiến tiểu bang Niedersachsen, được coi là “vũ khí bí mật của đảng FDP”, “tương lai của FDP”

8025e96c705672450dd77c30abf73e14.jpg

Phillipp Rösler trở thành bộ trưởng ở tuổi 36, trẻ nhất trong nội các Chính phủ Liên bang Đức hiện nay và nhiều khả năng sẽ giữ chức chủ tịch đảng FDP trong kỳ bầu cử sắp tới

Người ta hâm mộ ông bởi tài năng bẩm sinh “nói nhanh, sắc bén”, “điểm đúng huyệt, nhưng chừng mực, lịch sự”, “tuân thủ luật hoàn hảo, không chơi xấu đối thủ kiểu đấm bốc vào vùng cấm dưới thắt lưng, không làm tổn thương đẩy họ vào thế đối đầu”

Sự nghiệp chính trị của ông tới nay được coi là lên nhanh một cách kỳ lạ

Thành công nhờ xây dựng một xã hội mạnh

Tốt nghiệp phổ thông 1992, Philipp Rösler gia nhập đảng FDP, trở thành chủ tịch cấp thành phố năm 1994 (21 tuổi), cấp tiểu bang năm 1996 (23 tuổi); tổng thư ký đảng FDP tiểu bang năm 2000 (27 tuổi); trưởng đoàn nghị sĩ FDP tiểu bang năm 2003 (30 tuổi); chủ tịch đảng FDP tiểu bang năm 2006 (33 tuổi); phó thủ hiến, kiêm bộ trưởng Kinh tế năm 2009 (35 tuổi). Chỉ tám ngày sau nhậm chức phó thủ hiến (chỉ kéo dài tám tháng), đơn đệ trình của ông đòi hoãn một năm kế hoạch tăng 30% lệ phí quản lý đường hàng không, được Thượng viện bỏ phiếu chấp thuận. Chín ngày sau nhậm chức, ông triển khai chương trình kích cầu 50 tỉ euro toàn liên bang lúc đó, cho xây dựng ba tuyến đường tiểu bang kết nối với đường liên bang. Tám tháng sau, với thắng lợi kỳ bầu cử quốc hội liên bang 27.9.2009, Rösler dẫn đầu đảng FDP đàm phán thành công với song đảng Union về các chính sách cơ bản cho chính phủ liên minh, giữ chức bộ trưởng Y tế liên bang

Thành công của chính khách bắt nguồn từ tư tưởng chính trị. Chủ thuyết của Rösler là “cần xây dựng một xã hội mạnh thay vì một nhà nước mạnh“, bởi “trật tự, pháp luật, nhà nước, tất cả chỉ là công cụ, phải phục vụ cho các giá trị xã hội, chứ không phải ngược lại“. “Một chủ trương muốn thuyết phục được dân chúng phải là chủ trương được chính họ phản biện thường xuyên...; và chỉ có thể khẳng định qua thực tế, chứ không phải suy ra từ lý thuyết. Vì thế, Rösler lại cũng là một con người thực tiễn, luôn biết rõ người dân cần gì ở mình; chính là lợi ích thiết thân của họ, chứ không phải những lời kêu gọi, đánh giá, ca ngợi rập khuôn; trang mạng cá nhân ông mang tên “sổ ý kiến“, mở ngỏ ai cũng có thể viết hoặc mở đọc, được chính ông trả lời hàng ngày

Sự rút lui của người đứng đầu

bdccdabbbd403bdf1d743dfe807d30ab.jpg

Dù Rösler tài xuất chúng tới mấy, thì ghế chủ tịch đảng và phó thủ tướng trước đó không phải bỏ trống chờ ông. Người đứng đầu đảng FDP là phó Thủ tướng Guido Westerwelle. Sinh năm 1961, ông gia nhập đảng FDP năm 19 tuổi và nhanh chóng thành công trên chính trường: 35 tuổi nghị sĩ quốc hội, 40 tuổi chủ tịch FDP. Kỳ bầu cử quốc hội năm 2009, lần đầu tiên trong 60 năm thành lập, đảng FDP do Westerwelle đứng đầu giành được 14,6% phiếu cử tri, chiếm sáu ghế bộ trưởng trong nội các liên minh 16 thành viên


Là biểu tượng tinh thần của đảng, quyền lực thứ hai quốc gia, trong tháng trước, Westerwelle tuyên bố không ứng cử tiếp chức chủ tịch đảng, bàn giao chức phó thủ tướng. Từng mang lại chiến thắng vang dội cho đảng FDP, ông Westerwelle chứng tỏ được bản lĩnh vĩ đại, chiến thắng bản thân khi dám thừa nhận thất bại, từ bỏ quyền lực. Ông này thẳng thắn thừa nhận: “Đó là một quyết định cực kỳ khó khăn đối với một chủ tịch đã cống hiến liên tục suốt mười năm liền (ở Đức, đại hội nhiệm kỳ đảng hai năm một lần) bằng cả trái tim đầy nhiệt huyết!” Ông coi đây là một ngày đặc biệt đối với ông bởi đã đưa ra một quyết định đúng đắn, đặc biệt đối với đảng, bởi đảng sẽ có cơ hội khởi đầu một bước ngoặt mới

Lý do khiến ông Westerwelle rút lui là đảng FDP do ông đứng đầu mất dần sự ủng hộ. Một năm cầm quyền, đảng này chỉ còn 10% cử tri ủng hộ theo thăm dò dư luận. Tháng trước, đảng này chỉ còn 3% cử tri ủng hộ, con số thấp nhất trong lịch sử đảng FDP. Sai lầm đầu tiên là chủ trương hứa cắt giảm thuế không được nội các thông qua do không thể cân đối ngân sách. Sau đó là lời hứa giảm thuế giá trị gia tăng cho ngạch khách sạn từ 19% xuống 7% được thực thi nhưng bị phản đối trên chính trường, do mang tính giải quyết cục bộ. Việc ủng hộ kéo dài thời hạn hoạt động các nhà máy điện hạt nhân để giảm giá nhiên liệu, gặp lúc thảm hoạ nổ lò phản ứng Fukushima Daiichi ở Nhật, bị dân Đức quyết tẩy chay. Sự kiện Đức bỏ phiếu trắng, mà người chịu trách nhiệm là bộ trưởng Ngoại giao Westerwelle, khi Liên hiệp quốc biểu quyết về Libya, bị chính giới chỉ trích nặng nề, cho là lần đầu tiên trong lịch sử, CHLB Đức đã tự cô lập trên trường quốc tế. Phát ngôn của Westerwelle đối với chính sách trợ cấp cho người thất nghiệp lâu dài, bị cả trong và ngoài đảng phản đối, khi ông so sánh chính sách đó với thời La Mã cổ đại tự tiêu vong, do tạo cho lao động không muốn cố gắng

Hậu quả, cả ba cuộc bầu cử quốc hội tiểu bang tháng trước, thì cả ba nơi đảng FDP đều thất bại nặng nề. Tại tiểu bang Sachsen-Anhalt, từ 6,7% cử tri ủng hộ lần bầu cử trước, tụt xuống chỉ còn 3,8%, dưới ngưỡng 5% theo luật định nên không còn đại biểu trong quốc hội. Tại tiểu bang Rheinland-Pfalz thất bại tương tự, rớt từ 8% cử tri kỳ bầu cử trước xuống 4,2%. Tại tiểu bang Baden-Wüttemberg, từ 10,7% trước đây, xuống còn 5,4%, mất luôn vai trò cầm quyền. Cứ theo đà mất từ 1/3 tới 1/2 cử tri như ba tiểu bang trên, thì tương lai đảng FDP có thể sẽ bị loại khỏi quốc hội lẫn chính phủ. Điều này đặt FDP hoặc phải từ giã chính trường hoặc phải cải tổ đảng, để giành lại tín nhiệm cử tri, tuỳ thuộc giữ hay thay người đứng đầu, dù họ là ai

TS Nguyễn Sỹ Phương
 
Last edited:
Kim ngạch thương mại Việt-Đức năm 2011 sẽ đạt 5 tỷ USD​

b07avatar-1aspx3.jpg

Đức hiện là nước nhập khẩu lớn nhất thế giới đối với càphê hạt và hạt tiêu đen của Việt Nam

Ông Nguyễn Hữu Thiện, Chủ tịch Hội hữu nghị Việt-Đức TPHCM, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Đức liên tục tăng trong những năm gần đây, cụ thể năm 2009 đạt 3,4 tỷ USD, năm 2010 đạt 4,1 tỷ USD và dự kiến trong năm 2011 đạt 5 tỷ USD

Theo ông Thiện, Cộng hòa Liên bang Đức luôn là đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam trong EU

Các mặt hàng chủ yếu Việt Nam xuất khẩu sang Đức gồm giày dép, hàng dệt may, thủy sản, nông sản, trong đó Đức hiện là nước nhập khẩu lớn nhất thế giới đối với càphê hạt và hạt tiêu đen của Việt Nam

Hàng hóa nhập khẩu từ Đức của Việt Nam chủ yếu là máy móc, thiết bị điện, thiết bị cho ngành khai khoáng, xây dựng, dệt may, ôtô, dược phẩm

Về lĩnh vực đầu tư, Đức hiện có 210 doanh nghiệp và văn phòng đại diện của các công ty hoạt động tại Việt Nam, trong đó có 139 dự án đầu tư trực tiếp với tổng số vốn đăng ký 778 triệu USD, đứng thứ 22 trên tổng số 89 nước và vùng lãnh thổ đầu tư trực tiếp vào Việt Nam

Hiện hai nước đã và đang triển khai nhiều dự án, trong đó trọng tâm là lĩnh vực cơ sở hạ tầng, năng lượng

Ông Conrad Cappell, Tổng lãnh sự Đức tại TPHCM, cho biết Chính phủ Đức theo đuổi chính sách phát triển mối quan hệ sâu rộng giữa Đức và Việt Nam trên hầu hết các lĩnh vực

Đức quan tâm tới việc hợp tác chặt chẽ hơn nữa với Việt Nam không chỉ về chính trị mà còn về văn hóa, kinh tế, khoa học, chính sách phát triển và pháp lý
 
Thủ tướng Đức sắp thăm Việt Nam

merkel1.jpg

Bà Angela Merkel sẽ cùng đoàn doanh nghiệp Đức tới thăm Việt Nam giữa tháng này, để bàn về việc đẩy mạnh hợp tác trong đầu tư và thương mại

Chuyến thăm của bà Merkel diễn ra trong hai ngày 11 và 12/10 sắp tới, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lương Thanh Nghị cho biết trong buổi họp báo thường kỳ hôm nay. Đây là chuyến thăm đáp lại lời mời của Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng

Trong hai ngày lưu lại Việt Nam, thủ tướng Đức sẽ hội kiến Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và gặp gỡ nhiều lãnh đạo cấp cao của Việt Nam. Bà cũng sẽ đi thăm nhiều cơ sở văn hóa và kinh tế tại thủ đô Hà Nội cũng như thành phố Hồ Chí Minh

Chuyến đi này của bà Merkel nhằm mục đích thắt chặt quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa hai nước trong nhiều lĩnh vực như kinh tế, văn hóa, giáo dục... Đặc biệt, chuyến thăm Việt Nam lần này của thủ tướng Đức được kỳ vọng sẽ kéo theo một làn sóng đầu tư mới của Đức vào Việt Nam

Trong một cuộc họp báo tại Quy Nhơn tháng trước, Thứ trưởng Ngoại giao Đức Cornelia Pieper cũng khẳng định hợp tác đầu tư là chủ đề chính trong chuyến thăm Việt Nam lần này của bà Merkel

Bà Pieper cho hay các công ty Đức đã đầu tư hơn 500 triệu USD vào các dự án tại Việt Nam. Một trong các dự án quan trọng có thể kể đến là tuyến tàu điện ngầm tại thành phố Hồ Chí Minh

Đức là đối tác thương mại trong EU lớn nhất của Việt Nam, với kim ngạch thương mại hai chiều tăng trưởng khoảng 15% mỗi năm, đạt trên 4,1 tỷ USD trong năm 2010
 
Last edited:
Đức ủng hộ mạnh mẽ việc EU ký FTA với Việt Nam

Hãng tin Pháp AFP ngày 7/10 dẫn nguồn tin Chính phủ Đức cho biết Thủ tướng Đức Angela Merkel sẽ thúc đẩy việc ký kết Hiệp định tự do thương mại (FTA) giữa Liên minh châu Âu (EU) và Việt Nam, nhân chuyến thăm của bà tới quốc gia châu Á này, dự kiến vào tuần tới

Theo nguồn tin trên, Đức ủng hộ mạnh mẽ việc ký FTA giữa EU và Việt Nam, bởi "Việt Nam đang có mức độ tăng trưởng rất năng động," và điều này cũng có lợi cho các công ty Đức

Nguồn tin Chính phủ Đức cũng khẳng định Đức và Việt Nam có mối quan hệ lâu đời, và lợi ích của Đức tại Việt Nam hiện nay lớn hơn nhiều so với tại các quốc gia khác trong khu vực

Ngoài thăm Việt Nam, Thủ tướng Đức cũng tới Mông Cổ nhằm tăng cường quan hệ giữa nền kinh tế hàng đầu châu Âu với hai nước châu Á có tốc độ tăng trưởng nhanh này

Một phái đoàn lãnh đạo các doanh nghiệp Đức sẽ tháp tùng Thủ tướng Merkel trong chuyến thăm để tìm kiếm cơ hội làm ăn tại Việt Nam và Mông Cổ
 
Last edited:
Thủ tướng Đức sắp thăm Việt Nam

110920164527_merkel_and_roesler_304x171_afpgettyimages_nocredit.jpg

Giới quan sát ở Việt Nam mong đợi chuyến thăm sẽ có mặt Phó Thủ tướng gốc Việt Philipp Roesler

Thủ tướng Đức Angela Merkel sẽ tới Việt Nam trong chuyến thăm châu Á nơi bà cũng sẽ tới Mông Cổ

Người phát ngôn chính phủ Đức, Steffen Seibert cho biết bà Merkel sẽ đi cùng một phái đoàn doanh nhân

Theo dự kiến Thủ tướng Đức sẽ gặp người tương nhiệm phía Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vào hôm thứ Ba 11/10

Hãng thông tấn Đức DPA cho hay bà Merkel cũng sẽ có các cuộc họp với giới lãnh đạo tôn giáo vào cùng ngày thứ Ba

Được biết vào thứ Tư 12/10, Thủ tướng Đức sẽ bay vào Thành phố Hồ Chí Minh và sẽ có cuộc gặp gỡ với sinh viên trước khi bay sang thủ đô Ulan Bator, Mông Cổ

Được biết Đức quan tâm tới trữ lượng đất hiếm tại Mông Cổ và tin tưởng rằng sẽ đạt được thỏa thuận khung cấp chính phủ

Việt Nam hiện đang đàm phán hiệp định mậu dịch tự do với Liên hiệp Âu châu và Đức, nền kinh tế lớn nhất EU, được cho rằng ủng hộ thỏa thuận này

Hãng tin Bloomberg cho hay theo dự kiến bà Merkel sẽ nói về điều kiện đầu tư, nạn tham nhũng tại Việt Nam

Trong khi đó Bộ Ngoại giao Việt Nam trong thông cáo ra ngày 6/10 cho biết “chuyến thăm Việt Nam lần này của Thủ tướng Merkel nhằm tăng cường mối quan hệ hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và Đức"

Quan hệ này bao gồm "mọi lĩnh vực, đặc biệt là chính trị, ngoại giao, kinh tế, thương mại, đầu tư, hợp tác phát triển, giáo dục, đào tạo”

Bộ Ngoại Giao cũng cho hay Thủ tướng Đức sẽ hội kiến với lãnh đạo cấp cao Việt Nam và thăm một số cơ sở kinh tế, văn hóa tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh

Liên hệ Đức-Việt được đăng tải nhiều hơn trên truyền thông bằng tiếng Việt khi đảng Dân chủ Tự do (FDP) của Đức hồi tháng Tư năm này bầu ông Philipp Rosler là chủ tịch đảng này và đồng thời đảm nhiệm vai trò Phó thủ tướng

Với quyết định của FDP, ông Philipp Rösler, 38 tuổi, người gốc Việt, trở thành vị chủ tịch đảng trẻ nhất của nước Đức, đồng thời là Phó thủ tướng trẻ nhất từ trước tới nay ở quốc gia châu Âu này

Hồi còn giữ chức Bộ trưởng Y Tế Đức, ông Philipp Roesler đã tiếp phái đoàn gồm một số nhà trí thức Việt Nam hải ngoại thuộc tổ chức Họp Mặt Dân Chủ đến Berlin sau cuộc họp của họ gần Hannover hồi tháng Sáu năm 2010 và ông cũng dự buổi lễ khánh thành Tượng đài thuyền nhân tại Hamburg năm 2009
 
Last edited:
Sẽ lập nhóm điều hành chiến lược quan hệ Việt – Đức

- Một trong những nội dung chính hội đàm giữa Thủ tướng Đức Angela Merkel và các lãnh đạo Việt Nam nhân chuyến thăm của Thủ tướng Đức đến Việt Nam từ 11 – 12.10 là bàn việc lập nhóm điều hành chiến lược, nhằm thúc đẩy hợp tác giữa hai nước, tin từ bộ Ngoại giao cho biết

Đây là cơ chế đối thoại tương tự như uỷ ban hỗn hợp mà Việt Nam đã có với các nước châu Âu là Anh và Nga. Đại diện hai bộ Ngoại giao Việt – Đức sẽ chủ trì nhóm này, cùng với sự tham gia của các bộ, ngành liên quan, nhóm sẽ họp thường niên

Dự kiến Việt Nam và Đức cũng sẽ lập nhóm đối thoại chiến lược về kinh tế, nhằm thúc đẩy thương mại, đầu tư, tháo gỡ các vướng mắc, trao đổi về chính sách kinh tế vĩ mô. Trước mắt hai nước sẽ tập trung vào các dự án trọng điểm là tuyến tàu điện ngầm số 2, Ngôi nhà Đức tại TP.HCM, thành lập trung tâm đào tạo nghề ở miền Bắc. Đức cũng cam kết đưa đại học Việt – Đức (đang hoạt động tại TP.HCM) trở thành cơ sở nghiên cứu hàng đầu của Việt Nam và khu vực

Đến nay, Đức là đối tác thương mại và đầu tư lớn nhất trong EU của Việt Nam, với tổng kim ngạch trao đổi thương mại hai chiều năm 2010 là 4,1 tỉ USD, tăng 18,5% so với năm 2009 (và khoảng 6 tỉ USD theo số liệu của Đức), trong đó Việt Nam xuất nhiều hơn

Con số này bằng cả thương mại của Pháp, Anh và Ý với Việt Nam cộng lại. Đức cũng là một trong những nước viện trợ nhiều và thường xuyên ODA cho Việt Nam, từ năm 1990 đến nay đã cung cấp hơn 1 tỉ euro
 
Last edited:
'Người phụ nữ quyền lực nhất thế giới' đến Hà Nội

Ngay sau khi đến Hà Nội, sáng nay Thủ tướng Angela Merkel đã hội đàm với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng với mục đích tăng cường hợp tác song phương. Bà Merkel từng nhiều năm được bình chọn là "Phụ nữ quyền lực nhất thế giới"

dieu-binh.jpg

Lễ đón Thủ tướng Đức Angela Merkel tại Hà Nội sáng nay

Tháp tùng Thủ tướng Merkel là phái đoàn hùng hậu gồm 27 quan chức cấp cao của chính phủ Đức, 15 đại diện từ các doanh nghiệp hàng đầu của cường quốc kinh tế số một châu Âu, 21 phóng viên báo đài cùng 5 đại biểu quốc hội thuộc 5 đảng khác nhau trên chính trường Đức

Sau lễ đón chính thức tại Phủ Chủ tịch sáng nay, Thủ tướng Merkel sẽ hội kiến Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và cùng ký kết các văn kiện. Trong cuộc hội đàm với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, bà Merkel sẽ cùng nhà lãnh đạo Việt Nam bàn về các vấn đề hợp tác chính, gồm: chính trị và chiến lược; thương mại và đầu tư; pháp luật và tư pháp; phát triển và bảo vệ môi trường; giáo dục và đào tạo; khoa học công nghệ, văn hóa và du lịch

Sau đó bà Merkel hội kiến Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng. Thủ tướng Đức sẽ thăm Văn Miếu - Quốc Tử Giám và nhà máy dược B.Braun, trước khi tới thăm đại sứ quán Đức tại Hà Nội. Bà Merkel cũng dành thời gian để gặp gỡ những người Việt Nam từng học tập và làm việc tại nước Đức, đại sứ quán tại Hà Nội cho biết

Sáng 12/10, thủ tướng Đức bay vào thành phố Hồ Chí Minh để dự Diễn đàn Doanh nghiệp Việt - Đức. Chiều cùng ngày, bà Merkel rời Việt Nam để tới Mông Cổ

Đức là đối tác thương mại trong EU lớn nhất của Việt Nam, với kim ngạch thương mại hai chiều tăng trưởng khoảng 15% mỗi năm, đạt trên 4,1 tỷ USD trong năm 2010, tức là bằng tổng kim ngạch hai chiều giữa Việt Nam và nhiều nước châu Âu khác cộng lại. Theo số liệu của Đức có tính cả sự trung chuyển qua nước thứ ba, kim ngạch song phương thậm chí lên tới 6 tỷ USD. Trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế thế giới, Đức cam kết 400 triệu USD tài trợ phát triển cho Việt Nam

Cộng đồng người Việt Nam lao động và học tập tại Đức hiện có gần 100.000 người, theo số liệu của Văn phòng thống kê Liên bang Đức, và được nước sở tại đánh giá là một cộng đồng tích cực, có nhiều đóng góp cho sự phát triển chung của nước Đức

Ngoài ra, có một số lượng gần tương đương những người Việt Nam từng học tập hoặc làm việc ở Đức nay đã về nước. Đức hiện là nước tích cực nhất trong việc giúp Việt Nam đào tạo tiến sĩ, với khoảng 100 học bổng đào tạo mỗi năm. Những cộng đồng này chính là cầu nối quan trọng làm nên mối quan hệ tốt đẹp giữa hai nước trong suốt 36 năm qua, kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1975
 
Last edited:
Việt Nam - Đức thiết lập quan hệ đối tác chiến lược

Trên cơ sở quan hệ hữu nghị giữa hai nước đang tiếp tục phát triển mạnh mẽ, cũng như đánh giá cao chuyến thăm Đức của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vào tháng 3/2008, nhân dịp chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Đức Angela Merkel vào tháng 10/2011, nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Cộng hòa Liên bang Đức đã nhất trí thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược, tăng cường hợp tác chặt chẽ hơn nữa trong thời gian tới, đặc biệt trong những lĩnh vực then chốt nêu trong Tuyên bố Hà Nội

bacdung.jpg

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chào đón Thủ tướng Đức Angela Merkel


I. Hợp tác chính trị chiến lược

1. Việt Nam và Đức tiếp tục tăng cường trao đổi các đoàn cấp cao. Hai bên hoan nghênh gặp gỡ, tiếp xúc ở tất cả các cấp, bao gồm giữa các đảng chính trị, các cơ quan Chính phủ và Quốc hội, cũng như giữa các viện khoa học và nghiên cứu chiến lược của Việt Nam và Đức

2. Việt Nam và Đức sẽ hợp tác chặt chẽ hơn nữa để cùng thực hiện các dự án đã được thỏa thuận, đồng thời xác định những dự án tiếp theo hướng tới tương lai, đặc biệt trong các lĩnh vực:

(I) Đối thoại chính trị chiến lược

(II) kinh tế, thương mại và đầu tư

(III) tư pháp và pháp luật

(IV) hợp tác phát triển và bảo vệ mội trường

(V) giáo dục, khoa học, công nghệ, văn hóa, truyền thông và xã hội

3. Để triển khai Tuyên bố Hà Nội, hai bên thành lập Nhóm điều hành chiến lược do Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam và Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao Đức đồng chủ trì. Nhóm điều hành chiến lược dự kiến họp định kỳ trong khuôn khổ các cuộc tham vấn chính trị giữa hai Bộ Ngoại giao. Khi cần, đại diện và chuyên gia các bộ, ngành có liên quan có thể được mời tham dự

Các dự án hợp tác được nêu trong Kế hoạch Hành động chiến lược kèm theo

4. Hai bên tăng cường hợp tác trên các diễn đàn đa phương và quốc tế, trong đó có Liên hợp quốc, đặc biệt về những vấn đề toàn cầu, khu vực và chính sách an ninh, và việc ủng hộ lẫn nhau khi ứng cử vào các vị trí tại các diễn đàn này. Hai bên ủng hộ một cuộc cải tổ toàn diện, hướng tới tương lai của Liên hợp quốc và các cơ quan của Liên hợp quốc, kể cả Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc

5. Hai bên tuyên bố sẵn sàng xem xét việc khởi động cơ chế trao đổi mang tính chiến lược về kinh nghiệm liên quan đến những vấn đề chính sách quốc phòng và an ninh hai bên cùng quan tâm, cả trong khuôn khổ song phương cũng như đa phương, bao gồm việc phòng chống tội phạm quốc tế, khủng bố, cướp biển, di cư bất hợp pháp và tội phạm Internet

6. Đức ủng hộ lộ trình của ASEAN về việc thành lập Cộng đồng ASEAN, qua đó tăng cường vai trò tích cực của ASEAN trong việc duy trì ổn định và hòa bình trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương

7. Hai bên cho rằng dự án Ngôi nhà Đức tại thành phố Hồ Chí Minh là một phần quan trọng của quan hệ Đối tác chiến lược. Ngôi nhà Đức sẽ cải thiện điều kiện hoạt động cho Tổng Lãnh sự quán Đức, các hiệp hội kinh tế Đức, các cơ quan giao lưu văn hóa Đức và các doanh nghiệp Đức tại thành phố Hồ Chí Minh. Việt Nam và Đức hoan nghênh việc xây dựng Ngôi nhà Đức tại Thành phố Hồ Chí Minh và việc ký kết thỏa thuận có liên quan để thực hiện mục tiêu này

8. Hai bên sẽ tiếp tục đối thoại và trao đổi quan điểm mang tính xây dựng về quyền con người trong các khuôn khổ song phương và đa phương, bao gồm cả đối thoại thường niên về quyền con người giữa Việt Nam và EU

9. Các bên đánh giá cao ý nghĩa của việc đối thoại về các nguyên tắc nhà nước pháp quyền, cũng như phương thức thực hiện nguyên tắc này, trong đó đề cao việc thực hiện các quyền con người trong nhà nước pháp quyền

II. Thương mại và Đầu tư

10. Việt Nam và Đức nhận thấy tiềm năng to lớn để mở rộng quan hệ hợp tác kinh tế, bao gồm cả thương mại và đầu tư. Hai bên khẳng định mong muốn duy trì đà phát triển trong những năm qua và tiếp tục tạo những điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và nhà đầu tư của hai nước

11. Hai nước mong muốn cùng nhau xác định những dự án hợp tác mang tính hải đăng và thúc đẩy thực hiện nhanh những dự án này, trong đó có việc xây dựng tuyến tầu điện ngầm số 2 tại thành phố Hồ Chí Minh, một dự án sẽ thu hút thêm đầu tư vào Việt Nam

12. Việt Nam và Đức tuyên bố quyết tâm tăng cường hợp tác trong việc EU công nhận nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường

13. Trong khuôn khổ đối thoại chiến lược về kinh tế, hai bên dự định trao đổi quan điểm về các vấn đề trọng tâm trong chính sách kinh tế và thương mại, bao gồm phát triển thương mại, thị trường mở và cạnh tranh bình đẳng, tuân thủ những tiêu chuẩn lao động quốc tế và củng cố Tổ chức Thương mại thế giới (WTO)

Ngoài ra, hai bên mong muốn tăng cường quan hệ hợp tác đối tác nhằm hỗ trợ quá trình chuyển đổi kinh tế tại Việt Nam, với mục tiêu tăng cường giá trị cho ngành công nghiệp Việt Nam, tạo điều kiện tốt hơn cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, thúc đẩy tiến trình cổ phần hóa, cải thiện cơ sở hạ tầng của Việt Nam và góp phần vào tăng trưởng mang lại lợi ích xã hội, bền vững môi trường và thân thiện với khí hậu

14. Trong khuôn khổ quan hệ rất tốt đẹp trong lĩnh vực hàng không giữa Việt Nam và Đức, hai bên bảo đảm sẽ tiếp tục thúc đẩy hợp tác hàng không song phương phát triển phù hợp với nhu cầu

III. Hợp tác trong lĩnh vực tư pháp và pháp luật

15. Việt Nam và Đức đánh giá cao những kết quả đạt được trong đối thoại song phương về nhà nước pháp quyền và nhất trí tiếp tục mối quan hệ hợp tác thành công và mang tính xây dựng này trong thời gian tới

16. Trên cơ sở sự phối hợp chặt chẽ giữa Bộ Tư pháp hai nước và sau khi đánh giá kết quả thực hiện Chương trình hợp tác giai đoạn 2009-2011, hai bên sẽ xác định những lĩnh vực pháp luật phù hợp để tiếp tục hợp tác và cùng nhau ấn định một Chương trình hợp tác cụ thể cho giai đoạn 2012-2014

17. Nhằm mục đích trên, hai bên nhất trí tăng cường hợp tác đào tạo cũng như trao đổi chuyên gia pháp luật

IV. Hợp tác phát triển và bảo vệ môi trường

18. Để hỗ trợ Việt Nam trong những cải cách tiếp theo và trong quá trình phát triển bền vững hướng tới trở thành một nước công nghiệp hiện đại vào năm 2020, Việt Nam và Đức sẽ tiếp tục và mở rộng hợp tác rất tốt đẹp trong lĩnh vực hợp tác phát triển, thông qua các cơ chế đã được thiết lập trong ba lĩnh vực hợp tác hiện nay:

1. Chính sách môi trường, bảo vệ và sử dụng bền vững nguồn tài nguyên thiên nhiên

2. Phát triển kinh tế bền vững và đào tạo nghề

3. Y tế

19. Hai bên ngày càng coi trọng hợp tác trong lĩnh vực đào tạo nghề, bảo vệ khí hậu và ứng phó với biến đổi khí hậu. Đối với các dự án trong lĩnh vực năng lượng tái tạo và sử dụng năng lượng hiệu quả, trước hết có thể sử dụng hình thức cấp tín dụng với những điều kiện sát với điều kiện thị trường. Chương trình sáng kiến bảo vệ khí hậu quốc tế của Bộ Môi trường Cộng hòa Liên bang Đức, một cơ chế huy động vốn thành công cho các dự án bảo vệ khí hậu, có thể giúp thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực này

20. Hai bên nỗ lực hỗ trợ và tạo tiền đề để khu vực kinh tế tư nhân tham gia các chương trình phát triển

21. Đức dự định tăng cường hợp tác với Việt Nam và các nước khác trong lĩnh vực chính sách phát triển và cùng với Việt Nam thực hiện thí điểm các “dự án ba bên“ với các nước ASEAN

V. Hợp tác giáo dục, khoa học, công nghệ, văn hóa, truyền thông và xã hội

22. Việt Nam và Đức đánh giá cao hợp tác sâu rộng và thành công trong các lĩnh vực giáo dục, khoa học, công nghệ, văn hóa, truyền thông và xã hội, và mong muốn tiếp tục quan hệ hợp tác này vào thời gian tới trong khuôn khổ Tuyên bố chung Hà Nội

23. Hai bên đánh giá cao và tiếp tục hỗ trợ mối quan hệ đối tác chặt chẽ giữa các cơ sở đào tạo và nghiên cứu của Việt Nam và Đức. Ngoài ra, hai bên mong muốn tăng cường hợp tác giảng dạy và nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực đại học, kể cả thông qua trường Đại học Việt-Đức tại thành phố Hồ Chí Minh, được xây dựng để trở thành một cơ sở đào tạo hàng đầu tại Việt Nam

24. Hai bên sẽ tiếp tục tạo điều kiện đưa các sinh viên và nhà khoa học trẻ tài năng của Việt Nam sang học các khóa đào tạo thạc sĩ hoặc tiến sĩ tại Đức, với sự tài trợ của Cơ quan trao đổi hàn lâm Đức và Chính phủ Việt Nam

25. Trên cơ sở Thỏa thuận khung ký năm 2007 giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Bộ Ngoại giao Cộng hòa Liên bang Đức, Việt Nam tiếp tục khuyến khích dạy tiếng Đức như là một ngoại ngữ trong hệ thống trường học Việt Nam. Hai bên mong muốn ký một thỏa thuận tiếp theo để tiếp tục thúc đẩy việc thực hiện dự án hiện nay

26. Trong khuôn khổ sáng kiến “Trường học - đối tác vì tương lai“ được triển khai trên toàn cầu của mình, Đức tiếp tục hỗ trợ các trường học Việt Nam xây dựng và mở rộng việc giảng dạy tiếng Đức và đào tạo giáo viên dạy tiếng Đức

27. Hai bên mong muốn ủng hộ việc xây dựng một trường phổ thông giao lưu Việt-Đức tại Thành phố Hồ Chí Minh

28. Việt Nam và Đức tuyên bố ý định thúc đẩy tiếp xúc và đối thoại giữa đại diện giới truyền thông hai nước trong khuôn khổ hợp tác truyền thông song phương. Đức tuyên bố sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam đào tạo nhà báo trong các lĩnh vực nghiên cứu, quản lý, truyền thông và bản quyền

29. Việt Nam và Đức hoan nghênh vai trò cầu nối quý báu đối với quan hệ Việt-Đức của những người Việt Nam đang sinh sống ở Đức hoặc đã từng học tập, làm việc ở Đức trước đây

30. Việt Nam đánh giá cao những dự án bảo tồn di sản văn hóa của Việt Nam được phía Đức tài trợ trong khuôn khổ Chương trình bảo tồn di sản văn hóa

Tuyên bố chung ký tại Hà Nội ngày 11/10/2011
 
Last edited:
Đức muốn hợp tác về năng lượng, công nghệ cao với Việt Nam

Năng lượng tái tạo từ gió, mặt trời hoặc sản xuất công nghiệp bền vững dựa trên kỹ thuật cao là các lĩnh vực được doanh nghiệp Đức đánh giá có nhiều tiềm năng hợp tác với Việt Nam trong tương lai

Ngày 12/10, diễn đàn kinh tế Việt - Đức được tổ chức tại TP HCM đã thu hút hàng trăm doanh nghiệp Đức và Việt Nam tham dự. Nhóm ngành được doanh nghiệp Đức kỳ vọng có thể hợp tác phát triển tại thị trường Việt Nam gồm: năng lượng tái tạo, công nghệ cao, hạ tầng, giáo dục, y tế... Trong đó, năng lượng tái tạo và sản xuất công nghiệp bền vững là hai chủ đề được nhắc đến nhiều nhất

Là nhà đầu tư lớn của Đức tại Việt Nam trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp, Tổng giám đốc Công ty Bosch Việt Nam, Võ Quang Huệ cho biết: Thị trường sản xuất công nghệ cao là lĩnh vực hấp dẫn các nhà đầu tư Đức tại Việt Nam. Các công ty Đức nổi tiếng toàn cầu về công nghiệp xanh sạch, tiết giảm được nhiên liệu, nguyên liệu có thể góp phần tích cực vào việc cải thiện khả năng cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam. Ông Huệ thông tin thêm, Đức có công nghệ năng lượng tái tạo, trong đó nổi bật nhất là năng lượng gió và năng lượng mặt trời

a-tb-1-dien-dan-kinh-te-Vie.jpg

Tổng giám đốc Vinacapital Don Lam (bên phải) đang trao đổi với chuyên gia người Đức


Có nhiều năm làm tư vấn cho các công ty Đức đầu tư vào Việt Nam, Giám đốc Công ty Luật Duane Morris Việt Nam, Oliver Massmann nhận xét: "Có hai lĩnh vực nhà đầu tư Đức đề nghị tôi tư vấn nhiều nhất để phát triển vào thị trường Việt Nam là năng lượng tái tạo và phân phối máy móc thiết bị kỹ thuật cao"

Tuy nhiên, theo ông Oliver Massmann, để việc đầu tư được thuận buồm xuôi gió thì các cơ sở luật của Việt Nam phải thống nhất ở 64 tỉnh thành và đạt được độ chính xác cao. Hiện tại, mỗi tỉnh thành giải thích luật một kiểu cũng là rào cản của quá trình đầu tư. Ông cũng cho rằng, hiện Việt Nam chưa chuẩn bị hết các luật về năng lượng tái tạo nên người dân bị bỏ lỡ rất nhiều cơ hội tiếp cận với công nghệ xanh

Theo chuyên gia này, Chính phủ Việt Nam cần xem xét các quy định của WTO, cho phép công ty nước ngoài được trực tiếp phân phối sản phẩm tại Việt Nam. Điều này sẽ thu hút các doanh nghiệp Đức nói riêng và doanh nghiệp quốc tế nói chung đầu tư vào đây

Tại diễn đàn kinh tế Việt - Đức, Thủ tướng Đức Angela Merkel cũng nhấn mạnh mong muốn hợp tác đầu tư nhiều lĩnh vực với Việt Nam, trong đó có năng lượng, sản xuất công nghệ cao, hạ tầng, giáo dục...

a-tb-5-dien-dan-kinh-te-Vie.jpg

Doanh nghiệp Đức quan tâm đến hợp tác năng lượng và công nghệ cao tại Việt Nam

Thủ tướng Đức cho hay, hôm qua Việt Nam và Đức đã ký một hiệp định tài chính trị giá 450 triệu euro và trong mối quan hệ hợp tác này mục tiêu trọng tâm được hai nước đặt ra là đào tạo nghề, y tế, môi trường. Bà Angela Merkel nhấn mạnh, trong bối cảnh toàn cầu hóa, mỗi nền kinh tế không thể sống được nếu như không có các nền kinh tế khác. Việt Nam cũng sẽ có được lợi thế nhờ sự tăng trưởng kinh tế của Đức. "Chúng tôi cần những khuôn khổ pháp lý đáng tin cậy, nền hành chính minh bạch, rõ ràng từ phía Việt Nam", Thủ tướng Đức nói

Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải cho rằng, mối quan hệ hai nước vẫn chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế nhiều mặt của hai nước; đầu tư của Đức tại Việt Nam còn khiêm tốn. Tính đến tháng 9 năm nay, Đức có 167 dự án với số vốn đăng ký là 850 triệu USD, đứng thứ năm trong các nước EU và thứ 24 trên 92 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư ở Việt Nam

Ông Hải kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp Đức và Việt Nam cần tăng cường giao lưu, tìm kiếm các cơ hội hợp tác nhằm thúc đẩy mối quan hệ đầy tiềm năng của hai nước. "Việt Nam sẽ tạo những điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp Đức đầu tư kinh doanh lâu dài, hiệu quả ở Việt Nam trên cơ sở cùng có lợi. Thành công của doanh nghiệp Đức cũng là thành công của Việt Nam", ông Hải nhấn mạnh

Đức là đối tác thương mại trong EU lớn nhất của Việt Nam, với kim ngạch thương mại hai chiều tăng trưởng khoảng 15% mỗi năm, đạt trên 4,1 tỷ USD trong năm 2010, tức là bằng tổng kim ngạch hai chiều giữa Việt Nam và nhiều nước châu Âu khác cộng lại

Theo số liệu của Đức, tính cả sự trung chuyển qua nước thứ ba, kim ngạch song phương lên tới 6 tỷ USD. Trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế thế giới, Đức cam kết 400 triệu USD tài trợ phát triển cho Việt Nam. Năm 2010, Đức nhập khẩu từ Việt Nam tăng 30% so với năm 2009. Nửa đầu năm 2011, nhập khẩu từ Việt Nam vào Đức tăng 40%. Từ phía Đức, xuất khẩu vào Việt Nam năm 2010 cũng tăng 30%. Việt Nam đã xuất siêu 1,5 tỷ Euro sang Đức
 
Last edited:
Bộ trưởng Đức gốc Việt phản đối bán vàng cứu Hy Lạp

bo-truong-duc.jpg

Bộ trưởng Bộ Kinh tế Đức Philipp Roesler (trái) trong một phiên họp nội các của Chính phủ Đức cùng Thủ tướng Angela Merkel

Bộ trưởng Bộ Kinh tế Đức Philipp Roesler tuyên bố, việc Đức bán vàng dự trữ để lấy tiền giải quyết khủng hoảng nợ châu Âu là điều không thể

Hãng tin Reuters cho biết, tuyên bố trên của ông Roesler - một người Đức gốc Việt - được đưa ra sau khi có tin cho rằng, các nhà lãnh đạo G20 tính chuyện sử dụng dự trữ ngoại hối quốc gia để tăng quy mô của Quỹ bình ổn tài chính châu Âu (EFSF)

“Dự trữ vàng của nước Đức phải được bảo đảm nguyên vẹn”, ông Roesler nói

Trước đó, Ngân hàng Trung ương Đức và phát ngôn viên của Thủ tướng Angela Merkel cũng đã tuyên bố họ loại trừ ý tưởng này

Mấy ngày gần đây, báo chí Đức xôn xao chuyện tại cuộc họp thượng đỉnh vào cuối tuần vừa rồi ở Cannes, Pháp, lãnh đạo các nước G-20 đã cân nhắc khả năng sử dụng dự trữ ngoại hối của các nước, bao gồm ngoại tệ và vàng, để tăng quy mô của EFSF thêm 15 tỷ Euro, tương đương 20 tỷ USD

Việc tăng quy mô của EFSF lên 1 nghìn tỷ Euro, tương đương 1,4 nghìn tỷ USD, đang là một bài toán hóc búa của châu Âu. Các nhà lãnh đạo của châu lục này đã nhất trí việc tăng quỹ này, nhưng làm thế nào để có tiền cho quỹ vẫn còn là câu hỏi chưa có lời giải. Trong khi đó, đây lại được xem là chìa khóa để chặn đà tấn công của khủng hoảng nợ từ Hy Lạp sang các quốc gia khác trong khối Eurozone

Giữa lúc các nhà chức trách bế tắc về biện pháp gỡ rối cho khủng hoảng nợ công, thì cơn bão này đang lăm le tấn công vào Italy, mắt xích yếu tiếp theo trong hệ thống Eurozone. Lợi suất trái phiếu chính phủ Italy trong thời gian mở đầu phiên giao dịch tại châu Âu ngày 7/11 đã lên mức kỷ lục. Ngày mai, Chính phủ của Thủ tướng Silvio Berlusconi sẽ đối mặt một cuộc bỏ phiếu ở Quốc hội về vấn đề ngân sách

Theo số liệu từ Hội đồng Vàng Thế giới (WGC), Ngân hàng Trung ương Đức hiện nắm giữ 3.747,9 tấn vàng, trị giá tương đương 218,28 tỷ USD, chiếm 71,4% tổng dự trữ ngoại hối của quốc gia này. Với mức dự trữ vàng này, Đức đang là quốc gia giữ nhiều vàng thứ nhì thế giới, chỉ sau Mỹ với 8.965,6 tấn vàng, trị giá tương đương 522,16 tỷ USD
 
Last edited:
Tổng thống Đức xin lỗi tổng biên tập báo Bild

Tổng thống Đức Christian Wulff thừa nhận, cú điện thoại đầy tức giận mà ông gọi cho tổng biên tập tờ Bild khi báo chuẩn bị xuất bản câu chuyện về khoản vay từ một doanh nhân là "sai lầm nghiêm trọng"

20120105114434_tong.jpg

Tổng thống Đức Christian Wulff

Tuy nhiên, ông Christian Wulff khẳng định ông không có ý định từ chức. Ông Wulff là một đồng minh của Thủ tướng Đức Angela Merkel, đã xuất hiện công khai trên truyền hình để bảo vệ mình trong bối cảnh ngày càng xuất hiện nhiều tin đồn là ông sẽ phải ra đi vì vụ bê bối

"Tôi vui vẻ nhận trách nhiệm của mình (ở cương vị Tổng thống). Tôi thực hiện nó trong 5 năm và mong muốn thể hiện sau 5 năm ấy, tôi là một tổng thống tốt và thành công", ông Wulff nói với truyền hình ARD và ZDF

Khi được hỏi liệu ông có xem xét khả năng từ chức, ông trả lời "không". Ông nói: "Tôi không vi phạm luật pháp, dù hiện tại là tổng thống hay trước đây"

Nhật báo Bild của Đức lần đầu tiên đăng tải vụ việc này vào ngày 13/12. Báo cho biết, ông Wulff đã nhận 500.000 euro khoản vay cá nhân từ vợ của một doanh nhân giàu có với mức lãi suất thấp hơn thị trường vào năm 2008. Ông đã dùng số tiền này để mua nhà

Khi ấy, ông là Thống đốc bang Hạ Saxony. Nhiều tháng trước khi Wulff trở thành tổng thống năm 2010, các nghị sĩ đối lập trong bang đã hỏi ông về mối quan hệ với người bạn lâu năm - nhà đầu tư, doanh nhân giàu có. Ông đã phủ nhận và cũng không đề cập tới khoản vay từ vợ của Geerkens

Các công tố viên cho biết, họ không thấy bằng chứng phạm tội liên quan tới khoản vay và sẽ không điều tra. Nhưng tổng thống nặng về nghi thức của Đức được cho là người đại diện cho uy tín, đạo đức và giới phê bình đã đặt ra những câu hỏi về sự chính trực của ông Wulff

Ngay trước dịp Giáng sinh, ông Wulff đã xin lỗi vì không công bố khoản vay trong năm 2010. Vấn đề tưởng như lắng dịu nhưng lại trở nên nóng hổi hơn bao giờ hết từ hôm thứ hai với thông tin rằng, Tổng thống Wulff đã gọi cho tổng biên tập báo Bild là Kai Diekmann trong một nỗ lực ngăn chặn những thông tin ban đầu về khoản vay

Tin nhắn giận dữ cho tổng biên tập

Tờ Bild cho rằng, ông Wulff đã cố gắng liên lạc với Diekmann nhưng không thành công vì ông này đang đi công tác. Tổng thống Đức sau đó đã để lại tin nhắn trong hộp thư trên điện thoại di động của Tổng biên tập tờ Bild. Tin nhắn khá tức giận và ông Wulff đe dọa sẽ có “hậu quả” nếu tờ báo tung ra bài viết về khoản vay của ông

Ông Wulff còn liên lạc với Chủ tịch hãng xuất bản tờ Bild Matthias Doepfner để thúc giục ông gây sức ép khiến Bild rút lại bài báo. Nhưng ông Doepfner từ chối. Ba ngày sau đó, ông Wulff đã gọi cho Diekmann lần nữa để xin lỗi vì “giọng điệu và nội dung” của tin thoại. Tờ Bild không nói chi tiết nội dung và giọng điệu đó như thế nào

Vụ việc đã khiến giới truyền thông và các chính trị gia đối lập ở Đức chỉ trích nặng nề ông Wulff. Sau hai ngày im lặng từ vị Tổng thống, một người phát ngôn cho bà Merkel hôm thứ tư đã nói rõ ràng về việc Thủ tướng mong muốn ông Wulff sẽ tự giải thích kỹ càng hơn

"Cuộc gọi cho tổng biên tập của Bild là một sai lầm nghiêm trọng và tôi lấy làm tiếc cũng như xin lỗi vì điều đó", ông Wulff nói. Ông thừa nhận cần "sắp xếp lại" mối quan hệ của ông với truyền thông. Tuy nhiên, Tổng thống Đức khẳng định không cố ngăn chặn các báo cáo

"Tôi chỉ yêu cầu hoãn một ngày để chúng tôi có thể nói về nó, để nó có thể chính xác hơn", ông nói. "Có những quyền con người cho dù cả với tổng thống, bạn bè hay người thân của ông ấy, và tôi sẽ không muốn làm tổng thống ở một đất nước mà mọi người không thể mượn tiền từ bạn bè nữa"

Trước khi trở thành Tổng thống, ông Wulff là phó phụ trách đảng bảo thủ của bà Merkel

Theo giới phân tích, nếu ông Wulff từ chức sẽ gây ra sự lúng túng và mất tập trung cho bà Merkel khi bà cố gắng chế ngự cuộc khủng hoảng nợ châu Âu. Vị tổng thống mới sẽ được một hội đồng đặc biệt của quốc hội bầu trong vòng 30 ngày, và hiện chưa thấy "bóng dáng" ứng viên nào

Hermann Groehe, Tổng thư ký đảng Liên minh Dân chủ Thiên Chúa giáo của bà Merkel nói, là phù hợp khi ông Wulff đối mặt với những chỉ trích: "Tôi chắc chắn rằng với điều này, Christian Wulff sẽ thành công để giành lại niềm tin của người dân"

Người phát ngôn của Hội Nhà báo Đức đã chỉ trích hành động của ông Wulff. Tờ Thời báo Tài chính Đức ngày 3/1 lên tiếng kêu gọi Tổng thống từ chức vì ông đã không cư xử thích hợp: “Uy tín của ông ấy đã bị tổn thương bởi hàng loạt sai lầm. Một người kéo theo gánh nặng như vậy không thể tiếp tục là Tổng thống”

Tờ nhật báo rất có ảnh hưởng Sueddeutsche Zeitung cũng nói rằng ông nên ra đi: “Vị trí này là quá lớn với ông Wulff”. Phó Chủ tịch Đảng SPD đối lập Hubertus Heil tuyên bố, ông Wulff cần làm rõ mọi việc càng sớm càng tốt và lẽ ra ông không nên ngăn cản đưa tin về một việc nghiêm trọng như vậy
 
Last edited:
Trái tim tôi dành cho Việt Nam

t69a1.jpg

Doanh Nhân Sài Gòn Cuối tháng đã có buổi trò chuyện với bà Monika Nguyen Nam - một nữ doanh nhân người Đức - vào một ngày bận rộn trước dịp Tết Nguyên đán, tại văn phòng của bà nằm trên một con đường yên tĩnh ở TP.HCM. Chia sẻ cảm nhận về đất nước “nhà chồng” mà mình đã gắn bó hơn 20 năm, bà nói : “Dù tôi không phải người Việt nhưng trái tim tôi luôn dành cho Việt Nam”

* Điều gì khiến bà ấn tượng nhất khi lần đầu đặt chân đến Việt Nam? Bà thấy mọi thứ đã thay đổi ra sao kể từ ngày đó ?

- Có sự khác biệt rất lớn! Tôi đến Việt Nam từ năm 1988. Khi vừa bước xuống máy bay, tôi đã cảm nhận cái nóng hầm hập và những loại mùi rất... Việt Nam. Đường phố khi ấy chưa đông đúc như bây giờ và cuộc sống của người dân còn rất khó khăn

Hơn 20 năm trôi qua, tôi rất vui khi thấy mức sống của người dân Việt ngày càng được cải thiện, cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn. Điều tuyệt vời nhất là đất nước đã mở cửa. So với Trung Quốc, không chỉ tôi mà nhiều khách hàng của tôi cũng thích Việt Nam hơn

Ở đây, chúng tôi có cảm giác như đang ở nhà, một phần vì các bạn sử dụng ký tự Latin (trong khi nhiều nước Châu Á khác sử dụng chữ tượng hình). Dù người phương Tây không hiểu được tiếng Việt, nhưng ít ra họ cũng đọc được thứ gì đó

* Bà có thể chia sẻ một chút với bạn đọc về công việc kinh doanh của bà hiện nay ?

- Thật ra, tôi đang điều hành cùng lúc hai công ty kể từ khi chồng tôi qua đời năm 2010. Chồng tôi là mẫu người đàn ông Việt Nam truyền thống

Năm 2005, ông ấy đã thành lập Công ty IMR chuyên về dịch vụ thuê ngoài quy trình kinh doanh (Business Process Outsourcing), đặc biệt là trong lĩnh vực quản lý hóa đơn

Hằng ngày, chúng tôi nhận hàng nghìn hóa đơn từ các công ty Châu Âu. Hầu hết trong số họ đều có hệ thống ERP (Enterprise Resource Planning - Quản trị nguồn lực doanh nghiệp), trong khi đó, các doanh nghiệp Việt Nam phải mất rất nhiều thời gian để kiểm tra hóa đơn, ngân sách, ghi chú giao nhận...

Nhiều công ty ở Châu Âu hiện đang phải đối mặt với khủng hoảng kinh tế, vì vậy họ muốn cắt giảm tối đa chi phí. Cả chúng tôi và đối tác đều có lợi. Đây là lý do vì sao chúng tôi tham gia kinh doanh trong lĩnh vực này và thành công

Hai năm trước, tôi đã quyết định phải “tự động hóa” quy trình làm việc tại công ty, bằng cách áp dụng những kỹ thuật mới để nhận dạng hóa đơn và các văn bản kinh doanh khác. Đây là cơ hội để nhân viên của tôi chuyển sang làm các công việc khác đòi hỏi nhiều trí tuệ hơn

Năm 2006, tôi thành lập công ty riêng. Tôi đã giúp những doanh nghiệp nước ngoài muốn đầu tư vào Việt Nam thiết lập quy trình sản xuất tại đây từ A-Z: từ việc hiểu về đất nước này, tìm kiếm nơi đặt văn phòng, nhà máy, thiết lập chuỗi cung ứng, quản lý chất lượng, vận chuyển máy móc từ Đức sang Việt Nam, thuê lao động... Một số trường hợp mất khoảng sáu tháng, một số khác kéo dài cả năm

Sau này, chúng tôi vẫn tiếp tục giúp khách hàng quản lý chất lượng và kết nối họ với nhau. Ví dụ, chúng tôi có khách hàng từ Ý muốn đặt sản xuất công cụ công nghiệp, và một khách hàng Đức có thể sản xuất chúng tại Việt Nam. Vậy là chúng tôi kết nối họ với nhau

Tất cả các khách hàng của tôi trong nhiều năm qua đều rất hài lòng và công việc kinh doanh của họ ở Việt Nam đang ngày càng mở rộng. Khi mới khởi nghiệp, chúng tôi chỉ có 5 nhân viên, bây giờ chúng tôi có 50 người

* Theo bà, nhân tố nào khiến một nữ doanh nhân nước ngoài như bà kinh doanh thành công ở Việt Nam ?

- Điều đầu tiên là tôi đã biết đến Việt Nam từ năm 1988. Tuy nhiên, lúc đó tôi chẳng hề dự định kinh doanh. Sau này, tôi và chồng đều đặn về Việt Nam hai năm một lần, và chúng tôi cảm thấy đất nước này đang phát triển. Cuối cùng, chúng tôi quyết định chính thức kinh doanh ở đây vào năm 2006

Một điểm nữa là tôi biết tiếng Việt. Ở Việt Nam, tôi chẳng khác nào “cá gặp nước”, tôi không chỉ sống sót mà còn bơi lội thoải mái ở đây. Với tôi, hầu như không có khác biệt nào giữa Đức và Việt Nam

t70.jpg

Bà Monika Nguyen Nam và đồng nghiệp

Chìa khóa chính là ngôn ngữ. Nếu bạn không hiểu ngôn ngữ thì bạn không thể hiểu tình cảm và tâm tư của những người xung quanh

Và dĩ nhiên, tôi luôn là một người Đức thực thụ. Tôi muốn đem đến điều gì đó cho Việt Nam, giúp Việt Nam bắt kịp với các tiêu chuẩn của thế giới. Tôi cũng rất hạnh phúc khi được làm việc với những người Việt trẻ

Tuổi trung bình của các nhân viên ở đây là dưới 30, tất cả họ đều hăng say học hỏi và làm việc. Những gì chúng tôi cần làm là cho họ một cơ hội và sự tự do để tự mình làm mọi thứ. Ít nhất, chúng tôi có thể cho họ những chỉ dẫn và để họ tự tìm con đường của mình

Người Việt rất thông minh và yếu tố này góp phần vào sự thành công của công ty chúng tôi. Có thể nói, sự kết hợp giữa cá tính Đức và tính cách Việt đã tạo nên sự thành công của chúng tôi

* Là quản lý của một công ty trong lĩnh vực chuỗi cung ứng, bà có lời khuyên nào cho các công ty nước ngoài đang muốn đầu tư vào Việt Nam ?

- Trước khi bắt đầu, tôi nghĩ họ nên tạo cơ hội cho nhân viên người Việt được đào tạo tại nước ngoài, bất kể là nhà đầu tư đó đến từ đâu. Cho dù nhân viên của bạn được đào tạo từ những trường đại học hàng đầu và tốt nghiệp với tấm bằng khá giỏi, họ vẫn thiếu rất nhiều kinh nghiệm thực tế

Đây là vấn đề lớn mà Việt Nam và cả Trung Quốc đang phải đối mặt

Những nhân viên mới ra trường không phân biệt được thứ gì là tốt nhất, thứ gì tốt và thứ gì là bình thường, nên họ không tìm ra được lỗi của sản phẩm. Vì vậy họ cần phải học hỏi. Nhưng học ra sao? Phải có ai đó chỉ cho họ

Các nhà đầu tư nước ngoài không có gì phải lo lắng khi đầu tư vào Việt Nam. Họ sẽ tìm thấy những nhân viên thông minh, nhưng họ cần đầu tư vào việc huấn luyện

Lời khuyên của tôi cho các nhà đầu tư nước ngoài là hãy mang nhân viên ra nước ngoài, để họ làm việc và học hỏi ở đó, và khi trở lại Việt Nam, những nhân viên này sẽ thấu hiểu được mục tiêu và yêu cầu mà công ty muốn đạt được

* Bà đã từng ăn Tết ở Việt Nam bao giờ chưa? Bà cảm nhận ra sao về dịp lễ hội truyền thống này ?

- Tôi đã ăn Tết ở Việt Nam nhiều lần lắm rồi. Tết là dịp để cả gia đình sum họp. Đôi lúc tôi ước gì ở Đức cũng có Tết. Năm mới ở Đức chỉ có mỗi một ngày trong khi Tết kéo dài và chúng ta có thể dành nhiều thời gian hơn cho gia đình

Và dĩ nhiên là tôi thích tất cả các món ăn Việt dành cho ngày Tết. Lần này tôi đã mang bánh tét và tré về Đức. Bạn tin không, tôi còn mang về Đức cả một cành đào nữa. Nhà tôi ở Đức có bàn thờ với ảnh thờ của các thành viên trong gia đình

* Sở thích của bà là gì ?

- Tôi thích chơi golf, nhưng đó là một môn thể thao rất tốn thời giờ, nên tôi chỉ có thể chơi vào cuối tuần. Tuy nhiên, thỉnh thoảng tôi cảm thấy ngại chơi golf ở Việt Nam. Một giờ chơi tốn khoảng 150 đô la, và tôi biết mức lương của nhân viên, nên tôi không muốn chơi golf ở đây nữa

Tuy vậy, ở Đức thì tôi là một tay golf cự phách. Tôi cũng chơi piano, không giỏi lắm, chỉ để thư giãn thôi. Tôi cũng đọc rất nhiều sách và yêu thích vẽ tranh sơn dầu

* Bà tin tưởng những giá trị cốt lõi nào trong cuộc sống ?

- Tôi nghĩ chúng ta nên đặt ra một số “luật lệ” cho bản thân và cố gắng tuân thủ nó. Trở thành một người tốt và cố gắng không ganh tị với ai cả. Ganh tị không giúp bạn khá hơn. Khi bạn nhìn thấy ai đó đang sở hữu những thứ tốt hơn mình, đừng ghét họ

Thay vào đó, bạn nên hỏi chính mình: “Mình nên làm gì để có được thành công như vậy ?”và học hỏi từ những người đó. Hãy hòa hợp với gia đình và môi trường tự nhiên. Hãy sống tốt, và bạn sẽ không phải sợ điều gì cả

Phúc An
 
Last edited:
Phó thủ tướng Đức gốc Việt sắp thăm Việt Nam

Ông Philipp Roesler sẽ tới Việt Nam vào tháng 9 trong một chuyến thăm được kỳ vọng sẽ góp phần làm sâu sắc hơn quan hệ đối tác chiến lược Việt - Đức

roesler-5.jpg

Phó Thủ tướng Đức Philipp Roesler

Hôm 22/8 tại Berlin, Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Kinh tế - Công nghệ Liên bang Đức Roesler đã tiếp Đại sứ Việt Nam tại Đức, bà Nguyễn Thị Hoàng Anh

Tại buổi tiếp, Đại sứ Nguyễn Thị Hoàng Anh nhấn mạnh Việt Nam đánh giá cao những đóng góp tích cực của Bộ Kinh tế - Công nghệ Đức và Phó Thủ tướng Philipp Roesler vào việc phát triển quan hệ đối tác chiến lược Việt-Đức. Đại sứ cũng mong muốn chuyến thăm Việt Nam của ông Roesler vào tháng 9 tới sẽ góp phần quan trọng làm sâu sắc hơn quan hệ đối tác chiến lược Việt-Đức

Đại sứ khẳng định Đức là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam ở châu Âu, hai nước đang tích cực triển khai các dự án trọng điểm như tuyến tàu điện ngầm số 2 ở Thành phố Hồ Chí Minh, trường Đại học Việt - Đức...

Bà Hoàng Anh cũng mong muốn Phó Thủ tướng Roesler trên cương vị trọng trách của mình tích cực ủng hộ, thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược Việt-Đức, nhất là trong lĩnh vực kinh tế

Đại sứ Việt Nam còn thông báo với Phó Thủ tướng Roesler về cộng đồng người Việt tại Đức với trên 125.000 người đang hội nhập tốt vào xã hội sở tại

Cộng đồng người Việt tại Đức không chỉ đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội tại quê hương thứ hai của mình, mà còn là cầu nối quan trọng giúp tăng cường quan hệ hữu nghị truyền thống giữa hai nước. Đại sứ mong Chính phủ Đức và Phó Thủ tướng Roesler tiếp tục quan tâm, tạo thuận lợi cho cộng đồng người Việt sinh sống ổn định, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế, xã hội Đức

Phó Thủ tướng Roesler đánh giá cao vị thế và tiềm năng phát triển của Việt Nam, khẳng định Việt Nam nằm trong chiến lược phát triển kinh tế của Đức; ủng hộ thúc đẩy các dự án trọng điểm mà hai nước đang triển khai

Ông nhấn mạnh chuyến thăm Việt Nam của ông sắp tới thu hút nhiều sự quan tâm của chính giới và cộng đồng doanh nghiệp Đức. Phó Thủ tướng Đức hy vọng chuyến thăm sẽ tạo tiền đề xây dựng các dự án hợp tác mới với Việt Nam

Đánh giá cao cộng đồng người Việt tại Đức hội nhập thành công và tốt nhất ở Đức, ông Roesler cho rằng học sinh con em người Việt là nhóm học sinh giỏi ở Đức nhờ thừa hưởng văn hóa gia đình và coi trọng việc học hành. Phó Thủ tướng Đức mong muốn mở rộng dạy và học tiếng Đức ở Việt Nam, nhằm góp phần tạo thuận lợi cho phát triển quan hệ Việt-Đức. Ông cũng mong sẽ có dịp đưa gia đình về thăm Việt Nam để các con biết về nguồn gốc của mình

Roesler được một cặp vợ chồng người Đức nhận về nuôi khi đang là trẻ mồ côi tại Việt Nam. Ông nguyên là một bác sỹ phẫu thuật tim và lồng ngực. Trước khi là Bộ trưởng Kinh tế - Công nghệ kiêm Phó Thủ tướng Đức, ông Roesler là Bộ trưởng Y tế. Chủ tịch trẻ nhất trong lịch sử đảng Dân chủ Tự do (FDP) từng về thăm quê hương Việt Nam năm 2006
 
Last edited:
Bên cạnh mục đích của một chuyến thăm công vụ, Bộ trưởng Kinh tế - Công nghệ Philipp Rösler cho biết đây là dịp tốt để ông đưa gia đình về thăm Việt Nam, để các con biết về nguồn gốc của mình

Bộ trưởng Kinh tế - Công nghệ (kiêm Phó Thủ tướng) Đức, Philipp Rösler sẽ thăm chính thức Việt Nam từ ngày 17 – 19/9/2012

Tháp tùng ông Rösler là một phái đoàn lớn gồm 80 doanh nghiệp Đức, chủ yếu trong lĩnh vực kinh tế, kỹ thuật, Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức tại Hà Nội cho hay. Phó Thủ tướng Đức gốc Việt hy vọng chuyến thăm sẽ tạo tiền đề xây dựng các dự án hợp tác mới với Việt Nam

Dự kiến trong chương trình làm việc, bộ trưởng Philipp Rösler sẽ có các cuộc gặp với lãnh đạo Việt Nam tại Hà Nội. Bên cạnh đó, ông sẽ tham dự Diễn đàn Kinh tế Đức - Việt tại TP HCM vào ngày 19/9 nhằm thúc đẩy cơ hội hợp tác kinh doanh giữa hai bên

Đức hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam ở Châu Âu. Hai nước đang tích cực triển khai các dự án hải đăng như tuyến tàu điện ngầm số 2 ở Thành phố Hồ Chí Minh, trường Đại học Việt - Đức...

Ông Philipp Rösler mang trong mình dòng máu Việt Nam, sinh tháng 2/1973 tại Khánh Hưng (nay là Sóc Trăng). Ông sống trong một trại trẻ mồ côi Công giáo cho đến khi một cặp vợ chồng người Đức nhận nuôi khi mới 9 tháng tuổi. Năm 2006, vợ ông đã thuyết phục Rösler quay về thăm Việt Nam, nơi ông đã sinh ra

Chính vì vậy, bên cạnh mục đích của một chuyến thăm công vụ tới Việt Nam, ông Philipp Rösler cho biết đây là dịp tốt để ông đưa gia đình về thăm Việt Nam, để các con biết về nguồn gốc của mình

Trong thời gian Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Kinh tế và Công nghệ CHLB Đức thăm chính thức Việt Nam, vào ngày 17/9, trường Đại học Kinh tế quốc dân sẽ tổ chức lễ trao bằng “Tiến sĩ danh dự” cho ông Philipp Rösler

Để chuẩn bị cho sự kiện này, ngày 3/9, trường Đại học kinh tế quốc dân đã làm việc với đoàn công tác của Đại sứ quán CHLB Đức do Ông Carten Meyer-Wiefhausen, Tham tán công sứ kiêm Phó Đại sứ CHLB Đức tại Việt Nam làm trưởng đoàn

Hai bên đã thảo luận về các nội dung liên quan đến lễ phong tặng danh hiệu tiến sĩ danh dự cho ông Philipp Rösler

Phía Đại sứ quán CHLB Đức quan tâm đến công tác chuẩn bị và mong muốn phối hợp với trường ĐH Kinh tế quốc dân tổ chức sự kiện trên
 
Last edited:
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tiếp Bộ trưởng Kinh tế và Công nghệ Đức
Chinhphu.vn – Chiều 18/7, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tiếp Bộ trưởng Kinh tế và Công nghệ Cộng hòa Liên bang Đức Philipp Roesler đang thăm và làm việc tại nước ta

_BAC0005.jpg

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Bộ trưởng Kinh tế và Công nghệ Cộng hòa Liên bang Đức Philipp Roesler

Hoan nghênh Bộ trưởng Philipp Roesler sang thăm làm việc tại Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bày tỏ vui mừng trước mối quan hệ Việt Nam-Đức đang phát triển mạnh mẽ và tích cực trên các lĩnh vực, nhất là sau khi hai bên thiết lập quan hệ đối tác chiến lược vào tháng 10/2011

Đánh giá cao kết quả làm việc giữa Bộ trưởng Philipp Roesler với các Bộ, ngành của Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định sự ủng hộ để triển khai có hiệu quả các thỏa thuận hợp tác giữa hai bên, đặc biệt là những lĩnh vực mà hai bên có thế mạnh như đầu tư hạ tầng, thương mại, giáo dục-đào tạo…

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng khẳng định Chính phủ Việt Nam sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư Đức đầu tư, kinh doanh thuận lợi tại Việt Nam, trong đó ưu tiên cho các doanh nghiệp Đức đầu tư dự án sản xuất, xây dựng cơ sở hạ tầng lớn, dự án điểm để tăng cường thu hút đầu tư của Đức vào Việt Nam, phù hợp với quan hệ đối tác chiến lược

_BAC0042.jpg

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định Chính phủ Việt Nam sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư Đức đầu tư, kinh doanh thuận lợi tại Việt Nam

Để thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa hai nước ngày càng hiệu quả, thiết thực, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị hai bên triển khai có hiệu quả các dự án đã thỏa thuận như dự án Tuyến tàu điện ngầm số 2 tại TP Hồ Chí Minh, dự án Ngôi nhà Đức, trường Đại học Việt-Đức, trường Quốc tế Đức…

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng mong muốn Đức ủng hộ việc giải quyết vấn đề tranh chấp ở Biển Đông bằng đàm phán hòa bình, trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế

Cảm ơn Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dành thời gian tiếp, Bộ trưởng Philipp Roesler cho biết mục đích chuyến thăm nhằm thúc đẩy hơn nữa quan hệ giữa hai nước trên các lĩnh vực, nhất là trên lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư, giáo dục đào tạo…

Bộ trưởng Philipp Roesler nhấn mạnh, Đức ủng hộ Việt Nam tăng cường quan hệ hợp tác toàn diện với Liên minh châu Âu (EU) cũng như thúc đẩy tiến trình tiến trình phê chuẩn Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU…; khẳng định Đức sẵn sàng hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực tài chính, khoa học công nghệ, tăng viện trợ phát triển cho Việt Nam, thúc đẩy các dự án hợp tác lớn giữa hai nước

Nguyễn Hoàng
 
Last edited:
Chuyến “về quê” bận rộn của Philipp Rosler

0-1b62f_zps6d2a66d4.jpg

Chính khách có gốc gác Việt Nam này từng thừa nhận sự liên hệ "hạn chế" với đất nước từng sinh ra ông, tuy nhiên, trong chuyến thăm Việt Nam lần này, ông cho biết mình có những cảm xúc đặc biệt

Chuyến thăm Việt Nam của Bộ trưởng Bộ Kinh tế và Công nghệ Đức Philipp Rosler có những ý nghĩa vượt khỏi khuôn khổ của một hoạt động ngoại giao đơn thuần

Xét trên phương diện kinh tế, chuyến thăm từ ngày 17 - 19/9 của ông Rosler khá bận rộn với nhiều sự kiện quan trọng. Tháp tùng ông là một phái đoàn lớn gồm 80 doanh nghiệp Đức, chủ yếu trong lĩnh vực kinh tế, kỹ thuật

Trong cuộc hội đàm với Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh, hai bên đã thống nhất thành lập tổ công tác bàn về các dự án theo mô hình đối tác công tư (PPP) trong tương lai tại Việt Nam. Tổ công tác này gồm đại diện phía Việt Nam là Bộ Kế hoạch và Đầu tư và đại diện phía Đức là Đại sứ quán Đức tại Việt Nam

Thậm chí, hai bên đã bày tỏ ý định tiến hành một dự án cụ thể và từ đó sẽ biến thành một mô hình chung của các dự án PPP trong tương lai trong các lĩnh vực khác ở Việt Nam

Ông Rosler cũng cho biết Đức sẵn sàng chuyển giao kinh nghiệm về lĩnh vực năng lượng tái tạo cho Việt Nam. Đức là nước có rất nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực này với bằng chứng là mức độ năng lượng tái tạo chiếm từ 20-25% tổng số năng lượng được sử dụng tại Đức

"Chúng tôi nắm được quyết tâm nâng cao tỷ lệ năng lượng tái tạo trong toàn bộ nguồn năng lượng của Việt Nam, vì thế Đức sẽ ưu tiên hợp tác với Việt Nam trong vấn đề này", ông cho biết

Một trong những hoạt động thu hút sự chú ý là việc tổ chức Diễn đàn Đối thoại Việt - Đức, nơi có sự tham gia của hàng trăm doanh nghiệp Việt Nam và Đức. Qua hai phiên thảo luận với chủ đề “Môi trường đầu tư tại Việt Nam và Đức” và “Phát triển hạ tầng sáng tạo: Tập trung về cung cấp năng lượng và an ninh năng lượng”, hàng loạt vấn đề mà cộng đồng doanh nghiệp quan tâm đã được đưa ra thảo luận

Bộ trưởng Philipp Rosler cũng chứng kiến lễ ký kết hai văn bản quan trọng giữa hai bên. Thứ nhất là thỏa thuận hợp tác giữa Bộ Xây dựng và Ngân hàng Tiết kiệm cho vay nhà Schwaabisch (BSH) về việc đưa mô hình quỹ tiết kiệm cho vay nhà ở đã được triển khai thành công tại Đức và một số quốc gia khác vào áp dụng tại Việt Nam

Văn bản quan trọng thứ hai là hợp đồng sản xuất xe buýt mẫu, được ký kết giữa Vinamotor và công ty Siemens Vietnam

Cảm xúc đặc biệt

Chính khách có gốc gác Việt Nam này từng thừa nhận sự liên hệ "hạn chế" với đất nước nơi sinh ra ông, tuy nhiên, trong chuyến thăm Việt Nam lần này, ông cho biết mình có những cảm xúc đặc biệt

“Sáu năm trước, tôi đã đến Việt Nam lần đầu tiên, và lúc đó tôi không nghĩ lần này sẽ trở lại Việt Nam với tư cách là một Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng. Việt Nam có nhiều thay đổi sau 6 năm, nhưng có một đặc tính không thay đổi đó là người Việt Nam chăm chỉ và năng động. Và điều đó thể hiện rất rõ cả ở những người Đức gốc Việt như tôi”, ông nói trước đông đảo sinh viên tại cuộc giao lưu tổ chức chiều ngày 18/9

Trước đó, khi trả lời phỏng vấn báo chí, ông nói rằng tài sản lớn nhất của người Việt chính là nguồn nhân lực dồi dào và ông đánh giá rất cao mối quan hệ giữa hai nước Việt Nam và Đức nếu xét trên phương diện nguồn lực con người

Việt Nam có tới 70 ngàn người từng học tập và làm việc tại Đức, nơi có nền giáo dục tốt, và đó là nguồn vốn quý để thúc đẩy sự hợp tác giữa hai bên

“Tôi cũng sẽ không được đứng ở đây nếu bố mẹ nuôi tôi không cho tôi ăn học tử tế”, ông nói, nhấn mạnh rằng việc coi trọng lĩnh vực giáo dục và đào tạo sẽ tạo cơ sở cho Việt Nam phát triển dài hạn.

Nhưng cho dù có nhiều cảm xúc với chuyến đi của mình, ông cũng nhấn mạnh đến mục tiêu ngoại giao của chuyến thăm. “Việt Nam đã tạo ra khuôn mặt tôi, làm tôi nhớ lại chính nơi đã sinh ra tôi. Nhưng tôi nghĩ tôi không nên chỉ nhớ về đất nước đã sinh ra mình, mà phải hướng tới mối quan hệ hợp tác giữa Đức và Việt Nam”

* Ông Philipp Rosler sinh ngày 24/2/1973 tại Sóc Trăng và được nuôi tại trại trẻ mồ côi Công giáo La Mã gần Sài Gòn. Khi được chín tháng tuổi, ông được một cặp vợ chồng người Đức vốn đã có hai con gái nhận nuôi. Sau khi cha mẹ nuôi ly thân năm ông được bốn tuổi, ông được một quân nhân Đức nhận nuôi dưỡng

Ông tốt nghiệp phổ thông trung học năm 1992 và theo học y khoa tại trường y tế Hannover và được đào tạo để trở thành một bác sĩ quân y

Năm 2002, ông trở thành tiến sĩ trong phẫu thuật tim mạch lồng ngực

Năm 2003, ông rời quân ngũ và trở thành bác sĩ chuyên ngành phẫu thuật. Đồng thời năm đó, ông kết hôn với vợ cũng là một bác sĩ và có hai bé gái song sinh năm 2008

Philipp Rosler tham gia chính trị từ năm 1992 và trải qua nhiều trọng trách quan trọng của bang Niedersachsen và CHLB Đức. Năm 2009, ông là Bộ trưởng Bộ Kinh tế - Lao động và Giao thông kiêm Phó thủ hiến bang Niedersachsen

Từ năm 2009-2011, ông là Bộ trưởng Bộ Y tế Đức. Ngày 13/5/2011, tại Đại hội Đảng FDP, ông Philipp Rosler được bầu làm Chủ tịch Đảng FDP và sau đó được bổ nhiệm làm Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Kinh tế và Công nghệ Đức

Hoài Ngân
 
Last edited:
Phó Thủ tướng Đức gốc Việt muốn từ chức chủ tịch đảng
Ông Philipp Roesler, phó thủ tướng kiêm bộ trưởng kinh tế Đức, hôm nay bày tỏ ý định xin từ chức chủ tịch đảng Dân chủ Tự do (FDP), sau một thất bại tại cuộc bầu cử địa phương ở bang Hạ Saxony

roesler-1_zps2b8e4c6e.jpg

Ông Philipp Roesler

Roesler nói với FDP rằng ông sẽ sẵn sàng nhường đường cho đối thủ chính Rainer Bruederle trong việc dẫn dắt đảng này tham gia cuộc bầu cử lớn vào tháng 9. "Ông ấy sẵn sàng từ chức", AFP dẫn một nguồn tin cho hay sau cuộc bầu cử ở bang Hạ Saxony, bang có dân số đông thứ tư tại Đức và là nơi có đại bản doanh của hãng sản xuất ôtô Volkswagen

Trong một trong những cuộc đua gay gắt nhất những năm gần đây, đảng Dân chủ Xã hội và đảng Xanh hôm qua giành chiến thắng sít sao trước liên minh cầm quyền giữa đảng Dân chủ Thiên chúa giáo (CDU) của Thủ tướng Angela Merkel và FDP. Liên minh đối lập giành được tổng cộng 46,3% số phiếu, trong khi liên minh cầm quyền nhận được 45,9% tỷ lệ ủng hộ

Tuy nhiên, trong diễn biến mới nhất, FDP đã từ chối đề xuất của Roesler. Ông sẽ vẫn là lãnh đạo đảng FDP, cũng như là phó thủ tướng kiêm bộ trưởng kinh tế. Đối thủ Bruederle sẽ vẫn là ứng viên chủ tịch FDP trong cuộc tổng tuyển cử diễn ra vào tháng 9

Roesler là người Đức gốc Việt. Ông sinh năm 1973 tại Việt Nam, sau đó được một cặp vợ chồng người Đức nhận về nuôi lúc 9 tháng tuổi. Ông từng là bác sĩ phẫu thuật tim và lồng ngực. Trước khi là Bộ trưởng Kinh tế - Công nghệ kiêm Phó Thủ tướng Đức, ông Roesler là Bộ trưởng Y tế. Chủ tịch trẻ nhất trong lịch sử đảng Dân chủ Tự do (FDP) từng về thăm quê hương Việt Nam năm 2006. Năm ngoái, ông dẫn đầu một đoàn quan chức và doanh nghiệp Đức thăm Việt Nam

Nhật Nam
 
Last edited:
Chính khách gốc Việt được bầu lại làm Chủ tịch FDP

avatar-2_zps67815063.jpg

Ông Philipp Roesler

Với 85,7% số phiếu ủng hộ, Đại hội Đảng Tự do Dân chủ Đức (FDP) ngày 9/3 tại Berlin đã bầu lại ông Philipp Roesler, 40 tuổi, người gốc Việt, làm chủ tịch đảng này

Đây vẫn được coi là một kết quả tốt sau những tranh cãi vừa qua trong đảng, mặc dù tại đại hội đảng tháng 5/2011, ông Roesler được bầu làm chủ tịch đảng với 95,1% số phiếu

Trước đó, ông Roesler - Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Kinh tế Đức - đã có bài phát biểu hùng hồn gần một tiếng đồng hồ, nhấn mạnh sự đóng góp của FDP vào thành công của nước Đức, kêu gọi sự quyết tâm, đoàn kết và ý chí giành chiến thắng của FDP

Ông hối thúc các đối tác trong liên minh cầm quyền nhượng bộ trong một số lĩnh vực như áp dụng mức ưu đãi thuế chung đối với các cặp đồng giới và các cặp truyền thống, ủng hộ về nguyên tắc hai quốc tịch... Ông phản đối ấn định mức lương tối thiểu đối với mọi ngành nghề và các địa phương

Tại Đại hội Đảng FDP diễn ra trong hai ngày 9-10/3, hơn 600 đại biểu cũng sẽ bầu ra ba phó chủ tịch và bầu lại Đoàn Chủ tịch cũng như Ban chấp hành mới
 
Last edited:
Top