What's new
Vietnam - Điện Biên Phủ Kinh Tế

This is a sample guest message. Register a free account today to become a member! Once signed in, you'll be able to participate on this site by adding your own topics and posts, as well as connect with other members through your own private inbox!

Super Lobbyist Shinawatra

LOBBY.VN

Administrator
Tân thủ tướng Thái nối dài quyền lực gia tộc tỷ phú​

Nghịch lý về một gia đình tỷ phú Thái dành chiến thắng trong cuộc bầu cử hôm chủ nhật vừa qua bằng việc đấu tranh cho người ngheo - một quan điểm gây bất ngờ cho các đối thủ - được thể hiện rõ nét tại quê nhà San Kamphaeng của gia đình Shinawatra

Gia tộc Shinawatra đã lại một lần nữa dành chiến thắng bất ngờ khi gia đình giàu có này mà đại diện là Yingluck đã thuyết phục được nhóm cư dân nghèo khó vốn bị tước quyền chính trị, rằng họ thấu hiểu các vấn đề của người dân, cảm nhận được nỗi đau và sẽ chiến đấu cho quyền công dân của họ

Nghịch lý về một gia đình tỷ phú dành chiến thắng trong cuộc bầu cử hôm chủ nhật vừa qua bằng việc đấu tranh cho người ngheo - một quan điểm gây bất ngờ cho các đối thủ - được thể hiện rõ nét tại quê nhà San Kamphaeng của gia đình Shinawatra

Trong những cửa hàng nhếch nhác và xiêu vẹo, người dân vẫy cờ đỏ thể hiện sự ủng hộ của họ đối với Thaksin Shinawatra và em gái của ông là Yingluck - sẽ là nữ thủ tướng đầu tiên của Thái Lan

Một cư dân tên là Somboon Kamduang nói: "Chúng tôi rất vui mừng và thoải mái". Ông cho biết ông là một trong số hàng chục người dân tụ tập ở khu chợ vào tối chủ nhật để xem chương trình công bố kết quả bầu cử trên TV và ăn mừng chiến thắng

Khắp nơi trên miền Bắc và Đông Bắc Thái Lan cũng tổ chức ăn mừng chiến thắng của đảng Pheu Thái. Các đảng đối lập lo sợ sự dấy lên của các chính sách dân túy, tăng nợ của đất nước và các nỗ lực của ông Thaksin nhằm làm giảm giá trị của hệ thống kiểm soát và cân bằng dân chủ

20913851-images1975838ThaksinShinawatra1382583c_1309935306.jpg

Nhiều người cho rằng trong cuộc bầu cử lần này, người chiến thắng là ông Thaksin​


Ông Piyapong Pookklai, 61 tuổi - bạn tiểu học của ông Thaksin nói: "Chúng tôi đã rất đau khổ kể từ năm 2006". Cuộc đảo chính quân sự năm đó đã khiến ông Thaksin bị mất quyền lực và cuộc bầu cử hôm chủ nhật vừa qua được xem như một sự chứng minh và thách thức đối với các cá nhân thực hiện đảo chính

Hôm thứ hai, đoàn xe tải nhỏ diễu hành từ Đảng Pheu Thái đã xuống đường ăn mừng chiến thắng và tung hô các thông điệp cám ơn tới cử tri: "Chúng tôi sẽ mang lại hạnh phúc cho các bạn, những người anh em của tôi! Cám ơn!"

Dẫn đầu đoàn diễu hành là cháu gái của ông Thaksin là Chinnicha Wongsawad, 29 tuổi và đã tái đắc cử làm thành viên Quốc Hội với 78% phiếu bầu

Quyền lực gia tộc Shinawatra ngày càng gia tăng

Gia đình Shinawatra ngày càng gia tăng quyền lực: Bố ông Thaksin được bầu vào quốc hội và phục vụ trong hơn hai năm. Chị gái ông Thaksin là một quan chức chính quyền thành phố Chiềng Mai- thủ phủ sầm uất ở phía bắc Thái Lan. Anh trai ông Thaksin là thành viên quốc hội trong một năm cho đến khi xảy ra vụ đảo chính hồi năm 2006

22028737-20110704094036Yingluck_1309935311.jpg

Thành công của Yingluck Shinawatra chính là bước nối dài quyền lực của gia tộc tỷ phú​


Và hiện nay, chiến thắng của bà Yingluck trong cuộc bầu cử quốc hội vào hôm chủ nhật đã đánh dấu lần xuất hiện đầu tiên trên chính trường của bà. Trước đó bà đảm trách vai trò Giám đốc điều hành tập đoàn của ông Thaksin

Bí quyết thành công

Gia đình Shinawatra bắt đầu kinh doanh tơ lụa vào năm 1911, và trong mấy chục năm trở lại đây đã gắng sức chuyển tiềm lực kinh tế thành sức mạnh chính trị của họ

Là những người Trung Quốc nhập cư vào miền Bắc Thái Lan vào đầu những năm 1990, nhưng gia đình này đã nhanh chóng hòa nhập vào cộng đồng, kết hôn với người dân địa phương, mua đất, trồng cây ăn quả, cho vay tiền và sớm trở thành lãnh chúa của vùng

Bangorn Auppara, 76 tuổi - người đã từng làm việc cho gia đình Shinawatras cho biết, bí quyết thành công của gia đình này là sự kết hợp của tinh thần làm việc chăm chỉ, sự tháo vát và tính keo kiệt

Gia đình này nắm nhiều quyền lực ở trong vùng một phần là do họ cho vay tiền và tịch thu đất nếu người vay không thể trả nợ. Khó có thể tìm thấy một người nào trong vùng nói xấu về gia đình này, bởi có quá nhiều người ở San Khampaeng làm việc và thuê đất của họ

Hầu hết các tòa nhà trong thành phố đều thuộc sở hữu của các chi khác nhau của gia tộc Shinawatra

"Tôi muốn làm thủ tướng"

Người dân kể lại về việc ông Thaksin đã bắt đầu công việc tầm thường như thế nào. Ông Piyapong - bạn cùng lớp của ông Thaksin cho biết, họ đã cùng bán kem trên đường phố và ông Thaksin cũng giúp bố trông coi một quán cà phê trong chợ

Có lẽ chính sự giáo dục này đã giúp ông Thaksin phát triển được khả năng kết nối với cử tri địa ở các vùng nông thôn Thái Lan

Anh trai Payap của ông Thaksin, trong một cuộc phỏng vấn điện đàm hôm thứ hai cho biết, bản chất của việc kinh doanh gia đình đã giúp gia đình họ duy trì mối quan hệ với người nông dân

Ông nói: "Gia đình chúng tôi trước đây có một trang trại trồng cây ăn quả. Chúng tôi trồng cam, xoài và nhãn. Tôi cho rằng chính điều này đã giúp chúng tôi gần gũi với người nông dân hơn các đối thủ khác"

Tuổi thơ lam lũ ở vùng nông thôn cũng giúp ông Thaksin đưa ra nhiều chính sách - kế hoạch cấp vốn cho địa phương, hỗ trợ giá cây trồng, chăm sóc sức khỏe toàn dân - được nhân dân ủng hộ và củng cố lòng trung thành của họ

Đối với ông Piyapong - bạn cùng lớp của ông Thaksin, sự lớn mạnh của gia tộc Shinawatra dường như là định mệnh. Ông nhớ lại lễ hội tại ngôi chùa cách đây 50 năm về trước mà hai ông đã gặp một nhà sư. Nhà sư này có hỏi họ rằng, họ "muốn làm gì trong tương lai"- lúc đó cả hai người mới 7-8 tuổi

Ông Thaksin đã trả lời rằng: "Cháu muốn làm thủ tướng"

Câu trả lời đó còn đọng mãi trong trí nhớ của ông Piyapong cho đến tận bây giờ, bởi thời đó một đứa trẻ trả lời như vậy là rất hiếm

Lơ Nguyễn
 
Thaksin làm “đại sứ thương mại” ?​

- Ngày 6-7, báo Bangkok Post dẫn nguồn một quan chức Đảng Puea Thai tiết lộ sau khi thành lập chính quyền liên minh và nội các, bà Yingluck Shinawatra sẽ bổ nhiệm anh trai mình làm “đại sứ thương mại” để quảng bá hàng hóa Thái Lan ở nước ngoài

506501.jpg

Sự trở lại của ông Thaksin có thể dẫn tới làn sóng bạo động mới ở Thái Lan​

Nguồn tin này khẳng định ông Thaksin có thể hỗ trợ chính quyền bà Yingluck thúc đẩy thương mại mà không dính dáng trực tiếp đến chính trị trong nước. Vai trò này cũng sẽ cho phép ông Thaksin tự do đi lại khắp thế giới

Đúng là trên thực tế, ông Thaksin có quan hệ tốt với quan chức nhiều tập đoàn lớn trên thế giới cũng như lãnh đạo các nước. Kinh nghiệm thương mại, kinh doanh của ông cũng có thể giúp Thái Lan tăng cường quan hệ thương mại với các nước. Bangkok Post dẫn lời luật sư của ông Thaksin là Noppadon Pattama cho rằng thân chủ của mình có đủ phẩm chất để đảm nhận chức vụ đại sứ thương mại. “Đây không phải là một chức vụ chính trị. Nếu được bổ nhiệm, ông ấy có thể đi đến các nước khác bằng hộ chiếu do Montenegro cấp” - luật sư Noppadon nhấn mạnh

Thông tin này đã lập tức gây xôn xao dư luận tại Thái Lan và vấp phải những phản ứng khá gay gắt. Bà Yingluck đã lập tức lên tiếng phủ nhận thông tin này. “Không có chức vụ nào cho Thaksin cả. Ông ấy chỉ đóng vai trò hỗ trợ tinh thần và tư vấn - AFP dẫn lời bà Yingluck - Ông ấy hoàn toàn ổn ở nước ngoài và không mong đợi một chức vụ nào”. Luật sư Noppadon cũng đổi giọng: “Thaksin có thể giúp đất nước với tư cách một công dân. Ông ấy không cần chức vụ”

Trên thực tế, sau khi bà Yingluck và Đảng Puea Thai thắng cử, việc ông Thaksin có trở về nước và giữ một chức vụ trong chính quyền hay không đã trở thành chủ đề nhạy cảm và “nóng” nhất tại Thái Lan. Những người “áo đỏ” vốn vẫn xem ông là vị cứu tinh của Thái Lan nên đều muốn ông trở về. Trong khi đó, Đảng Dân chủ và những người “áo vàng” quyết liệt chống lại và cáo buộc chính quyền mới của Đảng Puea Thai là sẽ sớm đưa ra một lệnh ân xá để mở đường cho ông Thaksin trở về nước

Từ khi tranh cử đến nay, bà Yingluck thường né tránh các câu hỏi liên quan đến sự trở về của ông Thaksin. Một số nguồn tin giấu tên từ Đảng Puea Thai cho biết đảng này sẽ đề xuất lệnh ân xá khi có đủ sự ủng hộ của trên 300 thành viên quốc hội mới, dù có phải chờ ít nhất hai năm

Lý do là dễ hiểu, bởi nếu Puea Thai vội vã tìm cách đưa Thaksin trở lại hoặc bổ nhiệm ông vào một vị trí trong chính phủ, hầu như chắc chắn phe “áo vàng” sẽ lại đổ ra đường phố biểu tình. Sự ổn định mong manh mà chiến thắng vang dội của Puea Thai đem lại sau cuộc bầu cử ngày 3-7 sẽ bị phá vỡ. Quân đội chắc chắn cũng không muốn thấy kẻ bị họ lật đổ năm 2006 trở lại để báo thù, và hoàn toàn có thể sẽ lại nhảy vào can thiệp với một cuộc đảo chính mới lần thứ 19

Do vậy, Puea Thai sẽ không dại gì để sớm “tự sát chính trị”, như nhận định của Charl Kengchon thuộc Viện nghiên cứu Kasikorn ở Bangkok được Reuters dẫn lại. Ông cho rằng trước mắt Puea Thai cần ưu tiên cho sự ổn định và thực hiện các cam kết kinh tế đã đưa ra khi tranh cử. Giáo sư Thitinan Pongsudhirak thuộc ĐH Chulalongkorn cho rằng nhiệm vụ thiết yếu đối với bà Yingluck là cần tự tách mình xa ông anh trai và thuyết phục ông tiếp tục ở nước ngoài. Bà cần phải đình chỉ vô thời hạn lệnh ân xá cho ông Thaksin về nước. Một số nhà phân tích còn nhấn mạnh bà Yingluck cần phải cân bằng giữa lợi ích của Đảng Puea Thai với lợi ích quốc gia

Để có thể hòa giải dân tộc, hàn gắn những rạn nứt trong xã hội, chắc chắn tân thủ tướng Thái Lan sẽ phải rất cẩn trọng khi giải quyết “vấn đề Thaksin”. Bất kỳ một động thái ưu ái nào đối với cựu thủ tướng bị lật đổ này, dù là bổ nhiệm một chức vụ thương mại, không dính dáng đến chính trị, cũng sẽ châm ngòi cho ngọn lửa bạo động và hỗn loạn
 
Tân thủ tướng Thái Lan từng gỡ bí cho Viettel​

- Ít ai biết, năm 2004, Viettel ngấp nghé cái ngưỡng hết tiền, phá sản. Trong những ngả túa đi tha phương cầu vốn thời điểm ấy có chuyến bay trực chỉ đến Băng Cốc...

101484_300.jpg

Bà Yingluck từng là chủ Tập đoàn AIS​


Bà giám đốc xinh đẹp

Tôi chỉ biết có 4 người của Viettel trong chuyến bay: Bí thư Đảng ủy Dương Văn Tính, Phó Tổng GĐ Nguyễn Mạnh Hùng, GĐ Viettel Telecom Hoàng Sơn và Đỗ Minh Phương (nay là phụ trách kinh doanh của Viettel). Bài toán mà họ phải giải là hết tiền cạn vốn. Lưng vốn vài triệu USD từ lãi làm VoIP, Viettel mua và lắp được 150 trạm BTS thì cạn. Mọi vận hành của guồng máy Viettel cho cái đích điện thoại di động như dừng lại

Người đẹp thoắt lặng đi. Bà GĐ hỏi lại: “Ông có biết thế giới hiện nay có bao nhiêu công ty viễn thông?”“Khoảng năm sáu trăm”.“Chính xác là 650 công ty. Ông có biết còn bao nhiêu công ty cần mua thiết bị không?”“Tôi không biết”.“Chỉ còn khoảng vài chục công ty như Viettel các ông cần mua thiết bị thôi”

Tới Băng Cốc, được mách phải cố gắng tìm đến Tập đoàn viễn thông AIS của Thái Lan. Cái tên Yngluck Shinawatra, Tổng Giám đốc Tập đoàn AIS không gợi cho họ một ý niệm lẫn cảm giác nào. Một cái tên đặc Thái! Có chăng biết chút chút, đó là cô em gái của đương kim Thủ tướng Thái Lan Thaksin

Ông thủ tướng Thaksin từng sáng lập ra công ty rồi Tập đoàn AIS nhưng hình như theo luật Thái không được phép điều hành quản lý nên giao công việc ấy cho cô em gái mới hơn 30 tuổi này...

Khách đã yên vị, một người đẹp với dáng thướt tha có những sải bước hơi điệu xuất hiện. Người ta nói, riêng sắc đẹp đã là một thứ tài năng. Những người đàn ông Việt trong đó có chàng Phó Tổng Nguyễn Mạnh Hùng chưa vợ từng du học ở nước ngoài về không khó khăn gì để nhận ra điều đơn giản ấy. Nhưng đẹp thì đẹp vậy thôi. Dường như nhiều thứ may mắn bề bề đã vây bọc lấy người đẹp trong đó có những quyền hành không nhỏ lây từ vị thủ tướng đương kim sang người em ruột. Đột ngột khi tới cũng như khi lui, người đẹp TGĐ cười tươi ấn định ngay là mời đoàn cứ làm việc cụ thể và đi tham quan tập đoàn với ông phó Tổng điều hành. Cuối buổi cô sẽ gặp lại có gì trao đổi thêm

... Một chút rụt rè và có chi hơi kém tự tin (điều này phải tinh ý thì chủ mới nhận ra ?), ông Phó tổng Nguyễn Mạnh Hùng hướng cái nhìn về phía người đẹp có dáng thướt tha nhỏ nhắn nhưng đang điều hành cả một Tập đoàn khổng lồ ! Khổng lồ bởi quy mô bởi công nghệ. Nội việc Viettel khi ấy đang thử nghiệm có mấy chục cái máy di động nhưng AIS đang là chủ thuê bao của 18 triệu điện thoại di động phủ sóng khắp đất Thái. Bây giờ, Viettel chúng tôi mới bắt đầu làm di động, xin bà cho tôi một lời khuyên ? Nụ cười vẫn sáng bừng trên môi người đẹp: Có hai việc ông phải làm to làm nhanh... Ông Phó Tổng hiểu ngay quy mô lẫn quy trình tốc độ của lời khuyên ấy nhưng cũng cười thành thực bộc bạch cái điều ít khi người đàn ông trên thế gian này chả nên thốt ra chứ đừng nói gì đến vị thế của một doanh nhân. Câu ấy là hiện Viettel không có tiền !

Người đẹp thoắt lặng đi. Bà GĐ hỏi lại: “Ông có biết thế giới hiện nay có bao nhiêu công ty viễn thông ?”. “Khoảng năm sáu trăm”.“Chính xác là 650 công ty. Ông có biết còn bao nhiêu công ty cần mua thiết bị không ?”. “Tôi không biết”. “Chỉ còn khoảng vài chục công ty như Viettel các ông cần mua thiết bị thôi. Vì 650 công ty này đầu tư hơn 10 năm, 20 năm trước rồi, thị trường bão hòa. Không mấy doanh nghiệp đầu tư để đi mua thiết bị nữa đâu. Bây giờ, chưa nói là mua rẻ; các ông xin họ cũng cho. Nếu ông không xin được thì trả chậm bốn năm sau, họ cũng bán”

Ban lãnh đạo Viettel đã nghe theo lời khuyên này. Tất nhiên theo lời khuyên ấy còn năm tao bảy tiết những là đàm phán về giá về phương thức, thời gian trả chậm vv... Nhưng khi ấy thật sự là việc gỡ bí để Viettel sau này làm nên những bí ẩn về doanh thu về những kỷ lục trong đó có con số hơn 40 triệu thuê bao di động !

Sau này, có người đã cật vấn Thạc sĩ đại tá Nguyễn Mạnh Hùng về thời điểm may mắn ấy rằng, có thể người đẹp em gái Thaksin do nhỡ miệng nên đã bộc bạch những thông tin vô giá, mà lẽ ra với doanh nghiệp thời cạnh tranh khốc liệt rất không nên tiết lộ? Ông Phó Viettel cười, tôi không nghĩ như thế! Tôi cho rằng buổi nói chuyện thân mật đã gây thiện cảm chung. Vả lại tôi nghĩ: Doanh nghiệp Việt Nam mới chỉ cạnh tranh ở trong nước, chưa đủ sức cạnh tranh ở Thái Lan. Công ty của bà ấy quá lớn, không phải đề phòng với Viettel nhỏ bé cách xa về không gian, địa lý. Tưởng bà Yngluck chỉ đẹp thôi, hóa ra lại có tài. Mà hình như người tài thường hay truyền bá tư tưởng và kiến thức ?

(Viết đến đây, chợt nhớ bữa đảng của bà Yngluck kiếm thừa số ghế trong Quốc hội để bà có thể trở thành Thủ tướng Thái, tôi có gọi cho ông Phó Tổng Viettel hỏi có lưu lại cái ảnh nào buổi gặp thời gian khó ấy không thì đại tá Nguyễn Mạnh Hùng chỉ ừ hử rằng nếu bà ấy mà làm Thủ tướng thì cũng độc đáo đấy anh nhỉ ?)

Chuyện đàn bà không sắc, nhà văn không tài

Thi thoảng gặp bộ ba của Viettel, tôi hay chợt nghĩ đến chữ may ! Mỗi người một tính nhưng may hợp cạ ! Tổng GĐ Thiếu tướng Hoàng Anh Xuân cố hữu với cái nhìn lừ lừ và thường xồn xồn những khó khăn. Đang khó khăn lắm. Đang phải tìm cách mà vượt đây... Khó khăn ấy là của Viettel của chuyện kinh doanh. Còn thiếu tướng Bí thư Đảng ủy Dương Văn Tính lại cố hữu với nụ cười cởi mở... Người ta nói ông là người tạo ra chất kết dính nội bộ kiểu nói khác đi của hạt nhân đoàn kết

Còn ông phó Nguyễn Mạnh Hùng thì luôn không để hai ông kia yên với những dự định táo bạo này khác... Tôi nghe vậy thì chỉ biết vậy bởi trộm nghĩ, ai cũng đọc được những phẩm chất tính cách luôn phát lộ của ba ông như thế thì bí quyết phồn thịnh của Viettel hơi bị đơn giản và lại nghĩa lộ nữa ? Dứt khoát là bộ ba ấy đang tiềm ẩn những mưu chước nào đó ? Có điều những thứ ấy thuộc về bí ẩn và bí quyết mất rồi ?

101486_400.jpg

Người đẹp Yingluck​

Nghe nhà thơ Hồng Thanh Quang nói lại, ông bạn Nguyễn Mạnh Hùng (hai người cùng học bên Liên Xô cũ) có cái thú (không biết ưu hay nhược ?) là khoái viết những nhận xét bình luận dạng suy ngẫm. Chẳng hạn khi đối diện với khó khăn hay gặp nạn (của cá nhân hay Viettel ?) ông Phó ghi lại đại loại thế này Những lời khuyên đúng lúc sẽ giúp ta không phải trả một giá quá đắt. Hoặc Càng gần những điều khốn nạn, con người càng mãnh liệt vươn đến cái đẹp vv... và vv... Rồi lần ấy, tôi cũng được cầm trên tay một tập giấy dày khổ A4 ghim lại mà ông Phó xâu chuỗi những suy ngẫm ấy! Không xuất bản. Chỉ cho mình và chia sẻ với người thân bạn bè. Ông Phó cười bộc bạch ra nguyên tắc ấy...

Không biết ông phó Viettel kiếm đâu ra thời gian mà đọc khá nhiều ? Một lần ngồi với nhau, tình cờ biết được nhà văn Nguyễn Địch Dũng là chú của Hùng. Một nhà văn viết về phong tục về mảng nông thôn được nhiều người yêu mến. Trai làng Quyền là thứ nổi trội. Rồi một phần đêm chúng tôi vèo đi với cái làng Quyền có tài đánh bạc lẫn hành vợ. Tuổi thơ của Hùng lặng lẽ qua đi ở hai nơi là vùng đất trung du Phú Thọ lẫn Bắc Giang

Hình như hai xứ ấy nó sinh lẫn dưỡng cái thú đọc và viết... suy ngẫm của Hùng ? Thế mà lại nẩy nòi ra cái anh có tài kinh doanh này cũng là sự lạ ?

Một bận kháo nhau về những cuốn sách viết về chiến tranh, nhận xét của ông phó Viettel này cũng không hơn giới phê bình là quá ít những tác phẩm xứng tầm với cuộc chiến tranh vệ quốc ghê gớm của nước mình. Nhưng ông phó Viettel ấy đã làm chúng tôi choáng khi đưa ra một ý tưởng mà chẳng phải là viển vông mà như ông nói là trong tầm tay

Viettel sẽ đặt ra một giải đặc biệt cho tác phẩm nào xứng tầm (na ná như Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh chẳng hạn) với giá vài... tỷ VNĐ ! Thậm chí là 10 hoặc 15 tỷ !

Ông Phó cho biết có nhiều cách làm, chẳng hạn như tập hợp những nhà văn chuyên viết về mảng chiến tranh đang độ chín trả họ nhiều triệu mỗi tháng để họ không chia lòng chia trí vào những việc khác mà chỉ chăm chắm vào việc sáng tác mà thôi! Chao ôi, có nên ngơ ngác lẫn cười xòa trước khẩu khí trước đề nghị hơi bị khủng từ cửa miệng Viettel nhà sang có gang có thép ấy không? Cười xòa lẫn ngơ ngác bởi biết bao nhiêu khê của những định chế này khác không dễ vượt qua lẫn cởi bỏ ngay được? Ngơ ngác lẫn cười bởi sao thế kỷ này văn tài nước Nam ta thấy vắng thấy thưa quá đi mất ? Thấy dằng dặc mãi cái bi kịch đàn bà không có nhan sắc lẫn nhà văn không có tài ?
 
Shinawatra - Danh gia vọng tộc của Thái Lan​

Sau khi Thaksin Shinawatra làm thủ tướng trong 5 năm, em rể ông cũng nắm chức vụ này trong thời gian ngắn. Nay em gái út Yingluck Shinawatra đang có cơ hội theo bước anh trai tô đậm bề dày chính trị của gia đình Shinawatra

Ngày 3/7/2011, đảng Pheu Tha dưới sự dẫn dắt của Yingluck Shinawatra giành chiến thắng vang dội trong cuộc tổng tuyển cử, khi giành được 265 trên 500 ghế quốc hội. Trong khi đó, anh trai bà là cựu thủ tướng Thaksin Shinawatra vẫn đang sống lưu vong tại Dubai để tránh án tù vì cáo buộc tham nhũng. Chiến thắng này mở đường để Yingluck có thể trở thành nữ thủ tướng đầu tiên trong lịch sử Thái Lan

Kể từ khi chế độ quân chủ lập hiến thay cho quân chủ chuyên chế tại Thái Lan năm 1932, rất hiếm khi có hai nhà lãnh đạo chính phủ cùng xuất thân trong một gia đình. Trường hợp duy nhất là anh em nhà Pramoj là Seni và Kukrit thay nhau lãnh đạo nội các Thái trong giai đoạn đầy biến động giữa những năm 1970. Nhưng họ thuộc các đảng khác nhau và cũng có quan điểm chính trị khác nhau

Trường hợp của nữ doanh nhân mới bước vào chính trường Yingluck Shinawatra, 44 tuổi, và anh trai là cựu thủ tướng đang sống lưu vong Thaksin hoàn toàn khác nhà Pramoj vì họ có rất nhiều điểm chung. Họ cùng trưởng thành từ quận Sankhampaeng của thành phố Chiang Mai, một điểm du lịch ưa thích tại miền bắc Thái Lan ngày nay

Thaksin là con cả trong gia đình có 10 người con của ông bà Lert và Yindee Shinawatra, hậu duệ những người Hoa nhập cư vào đất Thái. Bố mẹ Thaksin mưu sinh vất vả ở Chieng Mai bằng nhiều nghề khác nhau trong những năm 50 và 60. Khi Thaksin ra đời, dòng họ Shinawatra từ Trung Quốc tới Thái Lan lập nghiệp đã hơn một thế kỷ nhưng vẫn chưa có gì đặc biệt

Thời học sinh, Thaksin từng theo bạn đi bán kem dạo để phụ giúp gia đình. Lớn hơn một chút vào những năm 50, Thaksin được cha giao cho quản lý một cửa hàng cà phê nhỏ đặt ngay dưới tầng một của ngôi nhà gỗ, nơi vừa là chỗ ở vừa là cơ sở buôn bán của cả nhà ở thành phố Chieng Mai

Chìm nổi chính trị nhà Shinawatra

Gia đình Shinawatra bắt đầu bước vào chính trị năm 1969, chi cha của Thaksin là Lert giành được một ghế trong quốc hội. Bản thân Thaksin đã từ công việc làm ăn đơn giản đầu tiên nhanh chóng tạo dựng cho mình một "đế chế kinh doanh" trong ngành viễn thông và thị trường chứng khoán Thái Lan

Nhưng bên cạnh sự nổi tiếng của anh trai cả về kinh doanh và chính trị, đến tận những năm gần đây bà Yingluck vẫn chỉ là một cái bóng không hơn không kém. Yingluck theo bước anh cả bằng cách sang Mỹ học sau đại học tại Kentucky State University, cách không xa trường Eastern Kentucky University, nơi Thaksin từng học về luật

Sau khi trở về Bangkok những năm đầu thập kỷ 90, Yingluck lập tức được tung vào đế chế kinh doanh của gia đình Shinawatra mang tên tập đoàn Shin Corp, mới niêm yết trên thị trường chứng khoán. Có một số anh chị em ruột và rể của Yingluck đã có chân trong tập đoàn viễn thông này, nhưng Thaksin vẫn thuê những chuyên gia cho các vị trí quản lý chủ chốt

Khi Yingluck chập chững bước vào nghiệp kinh doanh thì cũng là lúc Thaksin bắn đầu thăng tiến trong sự nghiệp chính trị. Nhưng trong suốt một thời gian dài, Yingluck vẫn đứng ngoài chính trường ngay cả khi sự nghiệp chính trị của anh cả đã lên như diều gặp gió vào cuối những năm 90

Som.jpg

Rể nhà Shinawatra là Somchai Wongsawat trong ngày được phê chuẩn làm thủ tướng Thái năm 2008​


Người em có hoạt động chính trị năng nổ nhất của Thaksin khi đó là bà Yaowapa Wongsawat, lãnh đạo chi nhánh đảng Thai Rak Thai của Thaksin ở miền bắc Thái Lan. Tháng 9/2006, chính phủ Thaksin bị lật đổ trong cuộc đảo chính quân sự và phải lưu vong ở nước ngoài. Nhưng ông vẫn tiếp tục dẫn dắt được các đảng lớn nhất trong quốc hội Thái nhờ sự giúp đỡ của người thân trong gia đình Shinawatra

Trong giai đoạn đầu Thaksin nỗ lực trở lại chính trường sau khi bị đảo chính những năm 2007 và 2008, hoạt động của ông chủ yếu thông qua đảng People's Power Party. Đây cũng là thời điểm chồng của bà Yaowapa là Somchai Wongsawat, tức em rể của Thaksin, đã trở thành thủ tướng Thái trong thời gian ngắn từ 18/9 đến 2/12/2008. Nhưng ngay sau đó, đảng People's Power Party bị toà án giải tán và các lãnh đạo đảng bị cấm hoạt động

Thua keo này lại bày keo khác, nên ngay khi People's Power Party bị giải tán, Thaksin đã cho lập ra đảng Pheu Thai để kế thừa hoạt động. Đảng này đã lâm vào giai đoạn khó khăn khi đảng Dân chủ đối lập, với sự hậu thuẫn của quân đội và toà án, đã giành quyền lập chính phủ vào tháng 12/2008. Kể từ đó, đảng Pheu Thai chìm trong tình trạng thiếu lãnh đạo thống nhất cũng như phương hướng hoạt động, đồng thời suy yếu vì sự chia rẽ nội bộ

Dòng họ Shinawatra tái xuất

Theo BBC, khi cuộc vận động tổng tranh cử đến gần hồi đầu năm nay, người duy nhất trong nhà Shinawatra đủ sức mạnh chính trị và sự ủng hộ để nắm vị trí lãnh đạo trực tiếp đảng Pheu Thai đang lục đục nội bộ chính là Yingluck, em gái út của Thaksin. Bà cũng chính là người quản lý tất cả những gì còn lại trong đế chế kinh doanh của gia đình sau khi tập đoàn Shin Corp bị bán vào tháng 1/2006

Trước đây Thaksin chưa từng bao giờ ngụ ý đặt cô em gái út vào vị trí quan trọng như trên, nhưng thực tế Yingluck đã làm rất tốt công việc cho anh trai. Bà hội đủ các yếu tố như trẻ trung, xinh đẹp, mới mẻ và đầy sự nhạy bén trong kinh doanh. Chiến dịch tranh cử của Yingluck cũng cho thấy khả năng tổ chức tốt, trong đó nhấn mạnh vào gốc rễ của đảng Pheu Thai là những người sống ở các vùng nông thôn

Nhưng vấn đề của Yingluck hiện nay chính là việc bị anh cả chi phối quá lớn, khi xung quanh bà đều là những người của Thaksin và cỗ máy chính trị cũng vận hành theo ý tưởng chính sách của anh trai đang sống lưu vong. Nói cách khác bà chịu một cái bóng quá lớn của người anh ruột khi hoạt động trên chính trường và có rất ít cơ hội cho dấu ấn cá nhân

Shinawatra.jpg

Yingluck chịu sức ép từ cái bóng quá lớn của anh trai Thaksin​


Theo ông Thitinan Pongsudhirak, Giám đốc Viện An ninh và Quốc tế học thuộc Đại học Chulalongkorn Bangkok, ngay cả khi Yingluck có thể tạo ra được khoảng riêng trong chính quyền của mình nằm ngoài sự phủ bóng của anh trai, thì bà sẽ vẫn phải vật lộn với những kẻ thù đầy quyền lực của Thaksin trong quân đội, bộ máy chính quyền, hệ thống tư pháp, Hội đồng Cơ mật, tầng lớp trung lưu và giới trí thức. Họ có thể không thắng cử trong cuộc bỏ phiếu vừa qua, nhưng có thể gây nhiều khó khăn và khiến nhiệm kỳ của bà ngắn hơn dự kiến
 
Thái yêu cầu Nhật cấp thị thực cho Thaksin​

Thái Lan vừa yêu cầu chính quyền Nhật Bản cấp thị thực đặc biệt cho cựu thủ tướng Thaksin Shinawatra khi ông dự kiến thăm Nhật Bản vào cuối tháng này

Hãng tin Kyodo cho biết trong cuộc hội đàm hôm qua với đại sứ Nhật Bản Seiji Kojima, tân ngoại trưởng Thái Lan Surapong Towijakchaikul đã đề nghị Nhật cấp thị thực nhập cảnh cho cựu thủ tướng Thaksin

Cựu thủ tướng Thái dự kiến sẽ đến Nhật Bản từ ngày 22-28/8 tới và thăm tỉnh miền đông bắc Miyagi, nơi bị trận sóng thần và động đất ngày 11/3 phá hủy

Chính phủ Nhật Bản đang xem xét đề nghị trên. Theo Luật quản lý di cư và công nhận người tị nạn Nhật Bản, người nước ngoài vi phạm pháp luật và bị kết án từ một năm tù trở lên sẽ không được cấp phép nhập cảnh vào nước Nhật. Tuy nhiên, luật này có thể ngoại lệ với các tù nhân chính trị và Bộ Tư pháp sẽ ra quyết định cuối cùng tùy vào từng trường hợp

Cuộc hội đàm giữa Ngoại trưởng Surapong, một người thân cận của ông Thaksin, và Đại sứ Nhật Bản Kojima diễn ra chỉ một ngày sau khi bà Yingluck Shinawatra, em gái ông Thaksin, chính thức tuyên thệ nhậm chức Thủ tướng Thái Lan. Cũng trong cuộc gặp trên, ông Surapong cho biết sẽ tìm cách khôi phục hộ chiếu Thái Lan của ông Thaksin, một hành động có thể khiến chính quyền mới của bà Yingluck bị chỉ trích

Cựu thủ tướng Thaksin bị lật đổ trong cuộc đảo chính năm 2006 và hiện sống lưu vong tại nước ngoài nhằm tránh 2 năm tù giam vì tội tham nhũng
 
Thaksin 'lấn át' tân Thủ tướng Thái Lan ?​

Báo chí và tin tức truyền hình giờ đây hầu như tập trung vào Thaksin, một cựu tỉ phú truyền thông, đúng vào lúc cô em gái Yingluck của ông lên nắm quyền

Bị lật đổ trong một cuộc đảo chính năm 2006 và sống ở nước ngoài để tránh án tù vì cáo buộc tham nhũng, cựu Thủ tướng Thái Lan Thaksin Shinawatra từ lâu đã không được coi là một lực lượng chính trị đối lập

Nhưng trong những ngày kể từ khi em gái ông là bà Yingluck thắng cử và trở thành Thủ tướng, Thaksin trở lại nóng hơn bao giờ hết, gây khó khăn cho chính phủ mới trong việc giành được sự chấp nhận của công chúng và làm gia tăng nguy cơ bất ổn xã hội

Là một chính khách mới mẻ, bà Yingluck từng thổ lộ muốn hòa giải đất nước bị chia rẽ sâu sắc kể từ khi anh trai bị hất khỏi chiếc ghế quyền lực

"Dường như ông ấy vẫn không thể tự kiềm chế. Đó là một cuộc chơi rất nguy hiểm", Michael Montesano, một chuyên gia nghiên cứu chính trị Thái Lan thuộc Viện Nghiên cứu Đông Nam Á của Singapore nói

Từ khu biệt thự của mình ở Dubai, Thaksin được xem là người có công trong chiến thắng bầu cử của bà Yingluck, đóng một vai trò "lái buôn chính trị" đầy quyền lực nơi hậu trường và một nhà cố vấn, bất chấp bản án tham nhũng cách đây ba năm

Hầu hết đều cho rằng, Thaksin - người từ nơi lưu vong bằng webcam và điện thoại sẽ tập hợp hàng nghìn người biểu tình chống lại chính phủ cũ của Abhisit Vejjajiva, cho phép các đồng minh chính trị của mình củng cố quyền lực và lát đường cho quyết định ân xá để cuối cùng có thể đưa ông trở về đất nước

Nhưng những gì ông làm chính xác lại ngược lại, với kế hoạch những chuyến viếng thăm Nhật Bản và Campuchia làm Yingluck bối rối và suy giảm sự chú ý vào các chính sách bà đưa ra. "Sự vội vàng và hấp tấp từ phía Thaksin đến sớm hơn tôi dự kiến", Montesano nói. "Hành xử của ông gây khó cho Yingluck. Tôi nghĩ chúng ta sẽ thấy nhiều hơn nữa và những rắc rối của Yingluck trong việc kiểm soát anh trai sẽ trở nên tồi tệ hơn"

Cố vấn luật pháp của Thaksin là Noppadol Pattama hôm thứ năm nói rằng, cựu Thủ tướng Thái Lan đã quyết định hoãn chuyến đi tới Campuchia mà không đưa ra lý do gì. Trước đó, dự kiến trong chuyến thăm, Thaksin sẽ có cuộc gặp gỡ với Thủ tướng Hun Sen

Báo chí Thái Lan đưa tin, vào hôm thứ năm, Thaksin đã ở Macau nơi ông dự kiến sẽ gặp các nghị sĩ trong đảng của bà Yingluck. Với bà Yingluck, hậu quả của những nỗ lực xuất hiện công khai từ anh trai nhằm tái khẳng định bản thân sẽ sớm có thể gây bất lợi

Những vòng xoáy mới

Kể từ sau cuộc đảo chính, Thái Lan rơi vào khủng hoảng bằng những cuộc biểu tình đường phố, phong tỏa sân bay và văn phòng chính phủ, sự can thiệp của quân đội và tòa án vào bộ máy chính quyền

Mặc dù vấp phải sự phản đối mạnh mẽ, nhưng uy tín của Thaksin ở vùng nông thôn vẫn được đảm bảo bởi các đảng ông dẫn dắt hoặc ủng hộ trong suốt thập niên qua. Giới phân tích đang đề cập tới những hiệu ứng ngược nếu Thaksin đi quá giới hạn và cố gắng điều hành đất nước từ nơi lưu vong

Yingluck đã nhận được sự đánh giá khá tích cực kể từ khi sự nghiệp chính trị của bà mới bắt đầu cách đây ba tháng. Theo kết quả một cuộc thăm dò trong tuần này, bà là thành viên được yêu mến nhất trong chính phủ mới

Đội ngũ kinh tế của bà đã khẳng định sẽ thúc đẩy những cam kết chính sách dân túy đã từng giúp đảng của bà giành chiến thắng vang dội trong cuộc bầu cử ngày 3/7 - từ việc tăng lương tối thiểu tới cắt giảm thuế tập đoàn và gia tăng quỹ phát triển nông thôn. Giờ đây, nguy cơ là ở chỗ sự tập trung vào Thaksin có thể làm chuyển hướng chú ý vào các kế hoạch của nữ Thủ tướng mới và có thể kích động những vị tướng từng tham gia lật đổ Thaksin năm năm trước đây

Trong những ngày gần đây, báo chí đã "dội bom" nữ Thủ tướng với các câu hỏi về Thaksin, những số báo ra ngày thứ năm thậm chí còn có rất nhiều bình luận không có lợi, một số trong đó đặt ra nghi ngờ rằng liệu bà có thực sự phụng sự đất nước như đã hứa

Rắc rối bắt đầu xảy ra với Yingluck vào ngày 9/8 khi bà công bố tên Ngoại trưởng mới của Thái Lan - một người trung thành với Thaksin và không có kinh nghiệm ngoại giao cũng như làm bộ trưởng. Bản thân Surapong Towichukchaikul đã tự khiến mình bất lợi khi ông có cuộc họp hai ngày sau đó với một quan chức ngoại giao Nhật Bản để đề xuất việc cấp visa cho Thaksin thăm Nhật. Đề nghị này được chấp nhận

Các chính khách đối lập đã mạnh mẽ phản đối viêc cấp visa, gọi Thaksin là kẻ trốn chạy luật pháp. Chính phủ trước đã tước hộ chiếu Thái của ông. Ông đi lại nhờ các hộ chiếu do Nicaragua và Montenegro cấp với tư cách là công dân hai nước này

Khoảng 200 người biểu tình đã tập trung bên ngoài đại sứ quán Nhật ở Bangkok để phản đối quyết định của Tokyo trong việc cấp visa và rõ ràng là đã từ bỏ quy định hạn chế người nước ngoài có "tiền án" vào Nhật

Nhiều người Thái tin là, Surapong sẽ cố gắng đưa lại hộ chiếu Thái cho Thaksin, một động thái có thể thể hiện việc chính phủ mới không công nhận việc kết án ông. Giới phân tích cho rằng, việc hăm hở đi lại của Thaksin có thể là nỗ lực tái thiết hình ảnh của ông và gửi thông điệp tới dân Thái rằng ông là người vô tội

Những diễn biến trên có thể gây ra phản ứng từ phe đối lập với Thaksin, và dễ dàng tạo ra vòng xoáy mới của những cuộc biểu tình và xung đột chính trị. "Cả ông và em gái ông cần phải hiểu rằng, ông vẫn là chiếc cột thu lôi có thể xóa bỏ mọi nỗ lực của đảng Puea Thai nhằm thúc đẩy hòa giải", Joshua Kurlantzick, nhà phân tích đối ngoại tại Mỹ nói. "Thaksin, một chính khách có thể không bao giờ thấy thoải mái vì sống lưu vong dường như không hiểu rằng, ông có thể chôn vùi thành công của đảng mình", Joshua nhấn mạnh
 
Tòa án Thái xóa án cho vợ cũ ông Thaksin​

- Hôm nay 24-8, tòa án tại Thái Lan đã xóa tội trốn thuế đối với bà Pojaman Shinawatra, vợ cũ của ông Thaksin Shinawatra. Như vậy bà Pojaman đã kháng án thành công và thoát khỏi án tù 3 năm

515742.jpg

Bà Pojaman Shinawatra​

Tòa án Hình sự Bangkok cho biết bà Pojaman Shinawatra "không có nghĩa vụ phải trả thuế" khi bán cổ phần trong công ty truyền thông của gia đình cho anh trai của bà. Ngoài ra tòa cũng xóa án khai báo sai sự thật dành cho bà Pojaman Shinawatra, anh trai bà Bannaport Damapong và thư ký của bà Kanjanapa Hongheun

Tuy nhiên Tòa án vẫn giữ nguyên án phạt hai năm tù với ông Bannapot Damapong và nâng mức phạt lên 100.000 baht (tương đương 3.300 USD) vì tội trốn thuế

Còn nhớ năm 2008, bà Pojaman cùng anh trai Bannapot và thư ký Hongheun đã bị buộc tội trốn thuế số tiền lên đến 546 triệu baht - tương đương 18 triệu USD - khi bán cổ phiếu của công ty Truyền thông và máy tính Shinawatra sau đổi tên thành Shin Corp

Sau đó ông Thaksin đã rời khỏi Thái Lan và cho tới nay vẫn chưa trở lại quê hương. Đến tháng 11-2008, bà Pomjaman và ông Thaksin ly dị nhau sau 32 năm chung sống

Năm ngoái ông Thaksin đã bị xử vắng hai năm tù vì một thương vụ mua bán đất liên quan tới vợ cũ. Vào tháng 2-2010, Tòa án tối cao Thái Lan đã tịch thu số tiền 1,4 tỷ USD - khoảng phân nửa tài sản ông Thaksin

Hiện nay thủ tướng Thái Lan là bà Yinglich Shinawatra, em gái ông Thaksin Shinawatra
 
Ông Thaksin Shinawatra từng bước trở lại chính trường

093c8_391658554_2fd382d6e0.jpg

Cựu Thủ tướng Thái Lan Thaksin Shinawatra từng bước trở lại chính trường​

- Cựu Thủ tướng Thái Lan, ông Thaksin Shinawatra, đang nắm vai trò đáng kể hơn ở Thái Lan và khắp châu Á, khuấy động lại những căng thẳng giữa quân đội đầy quyền lực và chính phủ mới do em gái ông, bà Yingluck Shinawatra, vừa trúng cử chức thủ tướng hồi tháng 8-2011, lãnh đạo - theo tạp chí Time

Trước cuộc bầu cử toàn quốc hồi tháng 7-2011, ông Thaksin nhiều lần cho biết sẽ không can thiệp vào các quyết định chính trị nếu em gái ông – cựu giám đốc điều hành doanh nghiệp, 44 tuổi - đắc cử. Nếu can dự, ông chỉ hướng dẫn bà hoạch định chính sách kinh tế

Theo các nhà phân tích chính trị, tuyên bố trên là chiến lược được soạn thảo cẩn thận nhằm làm dịu căng thẳng giữa những người theo phái dân kiểm ủng hộ gia đình Shinawatra và lực lượng vũ trang. Trong cuộc đảo chính không đổ máu năm 2006, lực lượng này đã trục xuất ông

Gần đây, cựu thủ tướng Thaksin tiến hành nhiều chuyến công du từ căn cứ ở Dubai đến Nhật Bản và Campuchia trong khi những người ủng hộ ông yêu cầu luật ân xá mới cho phép ông quay về Thái Lan như một người tự do. Ông hiện đang sống lưu vong ở nước ngoài để tránh vào tù vì bị kết án tham nhũng năm 2008

Chính quyền lâm thời đang cân nhắc việc cấp lại hộ chiếu cho ông khi lập luận rằng ông bị buộc tội vì lý do chính trị. Hiện, ông xuất cảnh bằng hộ chiếu do Montenegro cấp

Trong lúc đó, nhà đầu tư cổ phiếu phản đối các kế hoạch nâng lương tối thiểu của bà Yingluck vì thị trường cổ phiếu trong nước sụt giảm do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Liên đoàn các hiệp hội thị trường vốn Thái Lan (FeTCO) ngày 26-9 yêu cầu chính phủ trì hoãn việc tăng lương, bắt đầu từ tháng 1-2012. Ở vài nơi, lương tối thiểu có thể tăng gấp đôi đến 300 baht, tương đương 9,6 đô la Mỹ/ngày

Tuần trước, ông Thaksin triệu tập các thành viên nội các của đảng cầm quyền Vì người Thái tham dự buổi hội thảo qua video, hướng dẫn họ cách ứng phó tình trạng lũ lụt nghiêm trọng tại khu trung tâm trồng gạo ở Thái Lan cùng những đề tài khác

Sau bài phát biểu của ông Thaksin, bà Yingluck cố gắng giảm nhẹ vai trò của ông khi giải thích ông chỉ hỗ trợ bà. Ông Thaksin và những người đại diện pháp luật của mình không đưa ra bình luận gì khi được yêu cầu

Với nhiều quan sát viên, ẩn ý trên quá rõ ràng. Ông Pavin Chachavalpongpun tại Viện nghiên cứu Đông Nam Á (Singapore) nói: “Hai tháng trước, tôi nói Thái Lan có hai thủ tướng là bà Yingluck và anh trai của bà. Bây giờ chỉ có mỗi ông Thaksin”

Theo các quan sát viên, vấn đề là những người nắm quyền bảo thủ, đặc biệt là quân đội, sẽ phản ứng với ý định trở lại chính trường của ông Thaksin ra sao và liệu ý định này sẽ lại làm bùng nổ chiến tranh giữa những nhà hoạt động chính trị theo phái dân kiểm như gia đình Shinawatra với các quan chức và chỉ huy quân đội theo phái bảo thủ hay không

Các tướng lĩnh cấp cao kiên quyết ngăn cản ông Thaksin và bà Yingluck can thiệp vào quân đội. Những người dân nắm rõ tình hình này nói việc chuyển giao quyền lực hàng năm trong tháng 9-2011 có thể khiến tướng Prayuth Chanocha và các sĩ quan thân cận của ông rời chức

Ông Paul Chambers, chuyên gia về quân đội Thái Lan cũng là giảng viên đại học Payap, chỉ ra: “Sau cuộc đảo chính năm 2006, chính quyền do quân đội chỉ định công bố hội đồng mới gồm bảy thành viên có nhiệm vụ bổ nhiệm vị trí trong quân đội. Bốn thành viên trong hội đồng giữ chức sĩ quan quân đội

Đây được xem như biện pháp bảo vệ nhằm phủ quyết bất cứ ảnh hưởng dân sự trong giai đoạn chuyển giao quyền lực một cách hiệu quả. Kể cả nếu chính phủ nỗ lực cách chức tướng Prayuth, chính phủ không thể chọn người kế nhiệm, vì vậy tướng Prayuth tạm thời vẫn giữ chức. Ngay cả khi lực lượng bảo thủ cho phép ông Thaksin và những người ủng ông hộ đắc cử, họ cũng tìm cách ngăn không cho ông kiểm soát quân đội”

Bên cạnh việc đề xuất ban hành luật ân xá cho phép ông Thaksin quay về Thái Lan, các nhà lập pháp cũng yêu cầu thay đổi bộ luật ban hành từ cuộc đảo chính năm 2006, trong đó giới hạn quyền kiểm soát của nhân dân đối với quân đội. Các nhà phân tích nói yêu cầu trên cũng như trận chiến giữa chính phủ lâm thời và tướng Prayuth giành quyền kiểm soát cơ quan an ninh do quân đội nắm quyền - được biết đến như Ban chỉ huy các hoạt động an ninh nội bộ (ISOC) - sẽ làm tình hình thêm căng thẳng

“Ông Thaksin muốn hợp thức hóa chính ông như nhà lãnh đạo chính trị, nhưng phe quân đội cũng không muốn rút lui. Hiện đang có mâu thuẫn lớn, và về lâu dài chúng ta không biết nó sẽ diễn biến như thế nào” – giáo sư khoa học chính trị tại đại học Somchai Phagapasvivat cho biết

Thúy Hằng
 
Super Lobbyist Yingluck​

ThailandPrimeMinisterYingluckShinawatra.jpg

Yingluck – người phụ nữ quyền lực nhất đất nước Thái Lan đang đem đến luồng sinh khí mới cho nền kinh tế lớn thứ 2 Đông Nam Á

Trong khuôn khổ diễn đàn kinh tế thế giới được tổ chức tháng 5 vừa qua tại Bangkok, Thapana Sirivadhanabhakdi, ông chủ một đế chế hùng mạnh trong lĩnh vực bia và bất động sản của kinh tế Thái Lan bất ngờ đứng dậy trong buổi phỏng vấn và cúi đầu chào thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra một cách kính trọng khi bà này đi ngang qua

Trong khi đó, Yingluck – người phụ nữ quyền lực nhất đất nước Thái Lan luôn mang phong cách sang trọng và lịch sự, hôm đó mặc một bộ vest đen, liên tục mỉm cười và chào hỏi quan khách trong sự hộ tống của các thành viên chính phủ

Tỷ phú Thapana, 37 tuổi, không hề giấu giếm sự ngưỡng mộ đối với thủ tướng Yingluck. Ông khẳng định, Yingluck chính là đại diện cho quyền lực mềm của Thái. Sự quyến rũ, bình tĩnh, bản lĩnh và mềm dẻo của nữ thủ tướng đã đưa đất nước Thái Lan thoát khỏi bất ổn chính trị - điều trước khi Yingluck nhậm chức tháng 8/2011 vốn xảy ra như “cơm bữa”

Chính trị bất ổn trước khi Yingluck lên cầm quyền là một trong những nhân tố quan trọng kiềm chế khả năng phát triển kinh tế của Thái Lan

Sau khi nhậm chức, Yingluck, người phụ nữ 45 tuổi em gái cựu lãnh đạo Thái Lan Thaksin đã tiến hành ổn định tình hình khá hiệu quả. Bà giải quyết xung đột giữa quân đội và chính phủ, hòa giải các bên, biếu tặng hoàng gia một mảnh đất trị giá 20 triệu Baht, và lập lại môi trường lành mạnh cho phát triển kinh tế

Thapana hiện sở hữu Thai Beverage Pcl (THBEV) – tập đoàn bia rượu lớn nhất Thái Lan và đang định hướng phát triển chiến lược sang Myanmar, quốc gia láng giềng, thị trường tiềm năng 60 triệu dân đang trong tiến trình cải cách chính trị toàn diện thông qua phương án mua lại

Cụ thể, Thai Beverage sẽ có một thương vụ mua bán lớn nhất trong lịch sử khi đồng ý mua lại 22% cổ phần của Fraser & Neave Ltd, với giá 2,2 tỷ USD và thâm nhập thị trường Myanmar. Fraser & Neave Ltd có trụ sở đặt tại Singapore và chính là hãng sáng lập thương hiệu Tiger Beer

Kế hoạch của Thapana chỉ là một đại diện tiêu biểu cho làn sóng mở rộng ra thị trường nước ngoài nhằm tìm kiếm cơ hội mới của các tập đoàn Thái Lan. Bloomberg ước tính tổng số vốn đầu tư lên tới 20,4 tỷ USD tính từ đầu năm 2008 đến ngày 18/7/2012, tăng gấp hơn 14 lần tổng số vốn giai đoạn từ 2003 đến 2007

Trong số các doanh nghiệp đi đầu còn những cái tên rất nổi tiếng khác là tập đoàn thức ăn chăn nuôi CP Charoen Pokphand Foods Pcl (CPF), nhà sản xuất than Banpu Pcl (BANPU), công ty năng lượng PTT Pcl (PTT), Siam Cement Pcl (SCC), tập đoàn đồ đông lạnh Thai Union Frozen Products Pcl (TUF). Thị trường đầu tiên mà những công ty này nhắm đến sẽ là Campuchia, Lào, Myanmar và ViệtNam

Chính phủ Thái Lan khuyến khích, hỗ trợ tối đa làn sóng này bằng cách giảm mạnh thuế thu nhập cho các doanh nghiệp từ 30% xuống chỉ còn 23% bắt đầu từ tháng 1 năm nay, và dự kiến sẽ còn tiếp tục giảm xuống 20% vào năm tới

Đan Phong
 
Yingluck Shinawatra - Một năm trên ghế Thủ tướng Thái Lan​

428800_443407479037046_363725337_n.jpg

Cách đây 1 năm, khi nhắc đến cái tên Yingluck Shinawatra, nhiều người không khỏi lo ngại về khả năng “trụ hạng” của “Người đàn bà đẹp trên ghế Thủ tướng” khi tiếp quản đất nước Thái Lan đang “rối như tơ vò”

Nhưng một năm qua, Yingluck đã cho thấy, sắc đẹp không phải là thứ vũ khí duy nhất của bà

Nhân dịp Yingluck Shinawatra vừa chính thức kỷ niệm tròn 1 năm ngày tiếp quản chiếc ghế Thủ tướng Thái Lan, hãng tin AP đã có bài viết phân tích, đánh giá lại những gì “người đàn bà đẹp” này đã làm được cho đất nước Thái Lan trong khoảng thời gian đó

Theo AP, 12 tháng không phải là một khoảng thời gian ngắn nhưng đồng thời đó cũng là khoảng thời gian không phải dài đối với cương vị một Thủ tướng, đặc biệt là nữ Thủ tướng và là em gái ruột của người tiền nhiệm, nhân vật trung tâm cho tình trạng bất ổn chính trị kéo dài tại Thái Lan

Nhưng giờ này, bà Yingluck Shinawatra hoàn toàn có quyền tự hào bởi dưới sự lãnh đạo của bà, lần đầu tiên sau 6 năm, đất nước Thái Lan đã được trải qua một khoảng thời gian ổn định đến như vậy

Đánh giá về 1 năm cầm quyền của bà Yingluck Shinawatra, giáo sư Thitinan Pongsudhhirak của trường ĐH Chulalongkorn ở Bangkok nói

“Xuất phát điểm là một người chưa có kinh nghiệm chính trị, song người đàn bà này đã làm được rất nhiều thứ chỉ trong vòng 1 năm mà nhiều thủ tướng tiền nhiệm khác không thể làm nổi”

Cách đây 2 năm, Thái Lan rơi vào tình trạng gần như không thể kiểm soát nổi khi những người ủng hộ ông Thaksin chiếm đóng trung tâm thủ đô. Cuộc biểu tình kéo dài hơn 2 tháng này đã biến thành bạo lực khiến 91 người thiệt mạng và hơn 1700 người bị thương. Tình hình nghiêm trọng đến mức quân đội đã phải vào cuộc

Nhưng cũng chỉ 1 năm sau đó, bà Yingluck đã dẫn dắt chính bộ máy chính trị của ông Thaksin giành thắng lợi trong cuộc tổng tuyển cử. Khi mới nhậm chức, nhiều người đã khinh thường bà vì cho rằng bà chưa có kinh nghiệm gì trong lĩnh vực chính trị

Tuy nhiên, bằng thứ vũ khí “lợi hại” là sắc đẹp, sự quyến rũ và tài thuyết phục, cũng như sự ủng hộ của một bộ phận lớn người dân nghèo Thái Lan với anh trai bà, Yingluck và đảng Pheu Thai đã chiến thắng

Nhiệm vụ quan trọng đầu tiên của bà Yingluck là phải đưa đất nước Thái Lan trở lại ổn định càng sớm càng tốt. Bà phải tiếp tục duy trì được sự ủng hộ của tầng lớp dân nghèo thừa hưởng từ các chính sách dân túy của ông Thaksin đồng thời phải làm dịu sự chống đối và lôi kéo sự ủng hộ của những người dân trung lưu, thành thị

Bên cạnh đó, bà phải tìm cách để anh trai mình về nước một cách an toàn. “Đây là một màn biểu diễn đi thăng bằng trên dây, đòi hỏi phải hết sức khéo léo với rất ít không gian để xoay sở”, giáo sư Thitinan Pongsudhhirak nhận xét

Nhưng những gì diễn ra tại Thái Lan khi đó cho thấy bà Yingluck cũng phải rất tinh tế và khéo léo. Trước bà, 2 vị thủ tướng khác đã phải “mang vạ” và phải rời nhiệm sở trước kỳ hạn vì đã ủng hộ cũng như thể hiện ý định muốn đưa ông Thaksin về nước

Phe áo vàng khi đó đã bao vây, chiếm giữ văn phòng của 2 vị thủ tướng này trong suốt 3 tháng và làm tê liệt sân bay Bangkok trong vòng 1 tuần để rồi các tòa án đã ra phán quyết “xô đổ” các vị thủ tướng này

Chưa hết, bà Yingluck còn chứng minh được sự “cao tay” của mình khi có thể làm hạ nhiệt những cái đầu nóng của phe quân đội hay tòa án – những thế lực nắm quyền lực thực sự tại Thái Lan. Còn nhớ, cũng chính quân đội và tòa án là nguyên nhân chính khiến anh trai bà, cựu thủ tướng Thaksin phải mất chức

Trong khoảng thời gian mà Yingluck nắm quyền, quân đội và tòa án đã tỏ ra khá rộng lượng và hòa nhã hơn – một kiểu trả lễ cho cách tiếp cận “tránh đối đầu” của bà

Hồi tháng trước, khi đảng Pheu Thai nỗ lực tìm cách thông qua một dự luật có thể giúp ông Thaksin về nước, tòa án hiến pháp Thái Lan chỉ khiển trách nhẹ nhàng và gạt dự luật này ra ngoài lề chứ không phản ứng dữ dội như thường thấy là buộc đảng này phải giải thể

Kể từ khi nhậm chức, chính phủ của bà Yingluck đã thực hiện được một số cam kết trước đây và chúng đều phù hợp với chính sách dân túy của ông Thaksin trước kia như: Cung cấp máy tính bảng cho học sinh, cấp thẻ tín dụng và trợ giá mua gạo cho nông dân, miễn thuế cho những người mua nhà và ô tô lần đầu, tăng đáng kể mức lương tối thiểu…

Nhưng một năm trôi qua, sự non kém về kinh nghiệm của bà Yingluck cũng đã bắt đầu bộc lộ. Hồi cuối năm 2011, khi thủ đô Bangkok và một số tỉnh bị nước lũ tràn về gây ngập lụt nghiêm trọng, chính phủ Thái Lan đã phản ứng rất chậm chạp, lúng túng và vụng về.

Chalidaporn Songsamphan, một chuyên gia khoa học chính trị của trường ĐH Thammasat (Bangkok) đã cho rằng bà Yingluck không thể hiện được sự quan tâm của mình với các vấn đề quan trọng, đặc biệt là ít phát biểu tại những phiên tranh luận tại Quốc hội. “Trong một số lần với những vấn đề quan trọng, bà Yingluck đã để người khác đại diện cho bà phát biểu hoặc hành động”, Chalidaporn nói

“Tôi vẫn thấy bà Yingluck giống như một diễn viên đóng vai thủ tướng hơn là một thủ tướng thực sự”, Micheal Nelson, một giảng viên chuyên nghiên cứu về Thái Lan tại ĐH Walailak nói

Trong lúc này, đã bắt đầu có một số ý kiến cho rằng bà Yingluck thực chất chỉ là người đang thực hiện những chỉ đạo từ xa của ông Thaksin và người ta nghi ngờ việc ai mới thực sự là người nắm quyền Thủ tướng của Thái Lan

Câu trả lời nằm trong tay bà Yingluck và những năm tiếp theo trong nhiệm kỳ của bà
 
Top