What's new
Vietnam - Điện Biên Phủ Kinh Tế

This is a sample guest message. Register a free account today to become a member! Once signed in, you'll be able to participate on this site by adding your own topics and posts, as well as connect with other members through your own private inbox!

Super Lobbyist Thein Sein

Miến Điện tiến gần Ấn Độ, xa Trung Quốc​

111014101940_thein_sein_singh_304x171_elvis_nocredit.jpg

Miến Điện nói Ấn Độ không hề kém quan trọng với họ so với Trung Quốc​


Ấn Độ đã trải thảm đỏ đón tiếp Chủ tịch Miến Điện Thein Sein hôm thứ Sáu ngày 14/10 trong chuyến thăm chính thức của ông đến Ấn Độ trong bốn ngày

Ông sẽ có cuộc hội đàm trong ngày với Thủ tướng nước chủ nhà Manmohan Singh và hai nước sẽ ra bản Tuyên bố chung sau đó

Đi cùng Chủ tịch Thein Sein là 13 bộ trưởng trong chính phủ

Đối với New Delhi, đây là cơ hội kết chặt mối quan hệ với nước láng giềng, vốn vẫn đang chịu ảnh hưởng mạnh từ Bắc Kinh, đối thủ chính của Ấn Độ trong khu vực

Chủ tịch Thein Sein đến Ấn Độ hôm thứ Tư 12/10 và đã dành hai ngày thăm viếng các di tích Phật giáo trước khi đến New Delhi

Phát biểu trong một cuộc họp báo vào sáng nay khi Chủ tịch Thein Sein đặt chân đến New Delhi, Harsh Shringla, một quan chức phụ trách Miến Điện trong Chính phủ Ấn Độ, cho biết Delhi sẵn sàng giúp đỡ Naypidaw xây dựng nền dân chủ vốn còn đang trong giai đoạn phôi thai

Một phái đoàn các nghị sĩ Miến Điện cũng đã nhận được lời mời đến thăm Ấn Độ, ông cho biết

Chuyến thăm của Chủ tịch Thein Sein là cơ hội để hai nước xem xét các hợp tác về an ninh, ông nói thêm. Miến Điện đã đảm bảo với Ấn Độ là họ không cho phép sử dụng lãnh thổ của họ cho các hoạt động thù nghịch chống Ấn Độ

Thuận theo ý dân

Chuyến thăm này diễn ra sau khi Miến Điện quyết định đình chỉ công trình đập thủy điện Myitsone mà Trung Quốc đầu tư đến 3,6 tỷ đôla

Lý do mà Chủ tịch Thein Sein đưa ra trong thư gửi Quốc hội nước này là ‘bảo vệ môi trường’ và nhất là ‘thuận theo ý dân’

Động thái này của chính phủ Miến Điện đã khiến Trung Quốc tức giận và chỉ trích công khai – một việc mà lâu nay rất hiếm khi xảy ra

111014103001_thein_sein_and_wife_304x171_elvis_nocredit.jpg

Chủ tịch Thein Sein và phu nhân đã dành hai ngày chiêm bái các thánh tích Phật giáo​

Công trình thủy điện Myitsone nằm trên thượng lưu sông Irrawaddy mà Trung Quốc đã ký thỏa thuận với chính quyền quân sự Miến Điện vào năm 2002 để cùng khai thác. Trong đó Trung Quốc góp vốn, còn Miến Điện góp tài nguyên

Hai nước dự tính sẽ xây chặn dòng chảy và xây dựng bảy con đập lớn để phát điện trong thời hạn 50 năm

Nhiều nhà phân tích cho rằng những động thái gần đây của Miến Điện cho thấy chính quyền dân sự non trẻ của quốc gia này đang mong muốn rũ bỏ hình ảnh một quốc gia lệ thuộc vào Trung Quốc và mở cửa đối với các quốc gia phương Tây vốn vẫn đang duy trì lệnh cấm vận vũ khí áp đặt lên chế độ độc tài quân sự

Ấn Độ bắt đầu mối liên hệ với chính phủ quân sự Miến Điện vào giữa những năm 1990 trong các lĩnh vực an ninh và năng lượng khi nước này đang tìm cách cân bằng ảnh hưởng chiến lược ngày càng tăng của Trung Quốc ở Miến Điện

Động thái này của Ấn Độ đã bị nhiều nước chỉ trích. Tổng thống Mỹ Barack Obama trong chuyến thăm Ấn Độ năm 2010 đã than phiền là Ấn Độ đã không nói chuyện với Miến Điện về những vi phạm nhân quyền của nước này

Tuy nhiên, Ấn Độ biện minh rằng cách tiếp cận của họ đã giúp khởi động một số bước đi cải cách của Thein Sein khi ông lên cầm quyền

Ông đã đối thoại trực tiếp với lãnh đạo đối lập là bà Aung San Suu Kyi vốn bị chính quyền quân sự giam lỏng trong nhiều năm

Đáng chú ý hơn, trước thềm chuyến thăm Ấn Độ, Miến Điện đã loan báo phóng thích hàng ngàn tù nhân, trong đó các tù nhân chính trị và những nhà bất đồng chính kiến

Hiện tại, kim ngạch thương mại giữa Miến Điện với Ấn Độ và Trung Quốc cũng chênh lệch đáng kể

Miến Điện trao đổi thương mại với Ấn Độ trị giá 1,2 tỷ đô la vào năm 2010, trong khi con số này với Trung Quốc là 4,4 tỷ đô la. Trung Quốc cũng là quốc gia hiện đầu tư nhiều nhất vào Miến Điện

Không có cạnh tranh

Rõ ràng Ấn Độ đang nhận thấy có nhiều cơ hội cho họ dưới chính phủ của Chủ tịch Thein Sein

Cựu đại sứ Ấn Độ ở Miến Điện G. Parthasarathy cho biết chính phủ mới của nước này có vẻ như đang tìm cách tạo nhiều ‘không gian’ cho ngoại giao hơn, trong đó sẽ có nhiều không gian hơn cho Ấn Độ

"Mối quan hệ của chúng tôi với Trung Quốc là mạnh mẽ, nhưng chúng tôi cũng có nhiều hợp tác với Ấn Độ,. Do đó không có gì khác biệt trong cách tiếp cận của chúng tôi với Trung Quốc và Ấn Độ"
Ko Ko Hlaing, người đứng đầu nhóm cố vấn của Chủ tịch Thein Sein


“Chúng ta vẫn phải chờ xem liệu những dấu hiệu mở của gần đây [của Miến Điện] có dẫn tới cải cách kinh tế nhiều hơn hay không,” ông nói

Tuy nhiên Parthasarathy cũng nói rằng Miến Điện sẽ vẫn luôn duy trì mối quan hệ gần gũi với một siêu cường mới nổi như Trung Quốc

Vishnu Prakash, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ấn Độ, cho biết vẫn có đủ chỗ cho vai trò của cả Trung Quốc và Ấn Độ trong sự phát triển tương lai của Miến Điện

“Chẳng có cạnh tranh gì ở đây cả. Quan hệ giữa các nước không phải là một trò chơi mà một bên được tất cả còn bên kia không có gì,” ông trả lời khi được hỏi có phải Ấn Độ và Trung Quốc đang cạnh tranh nhau ở Miến Điện hay không

Lâu nay Bắc Kinh luôn là đồng minh thân thiết của Naypyidaw và đã giúp nước này tránh khỏi những nỗi hổ thẹn trên trường quốc tế với lá phiếu phủ quyết tại Hội đồng bảo an Liên Hiệp Quốc cũng như giúp nước này hạn chế tác động của các lệnh cấm vận của phương tây bằng các quan hệ thương mại, mua bán vũ khí

Trả lời phóng viên BBC, Ko Ko Hlaing, người đứng đầu nhóm cố vấn cho Chủ tịch Miến Điện, đánh giá chuyến đi đầu tiên của ông Thein Sein đến Ấn Độ có ý nghĩa rất quan trọng đối với Miến Điện

“Miến Điện nằm giữa hai cường quốc khu vực – Ấn Độ và Trung Quốc. Ngài Chủ tịch đã đi thăm Trung Quốc và bây giờ là Ấn Độ,” ông nói

Tuy nhiên ông cũng phủ nhận ý kiến cho rằng đối với Miến Điện mối quan hệ với Trung Quốc quan trọng hơn với Ấn Độ

“Mối quan hệ của chúng tôi với Trung Quốc là mạnh mẽ, nhưng chúng tôi cũng có nhiều hợp tác với Ấn Độ,” ông nói, “Do đó không có gì khác biệt trong cách tiếp cận của chúng tôi với Trung Quốc và Ấn Độ

Ác mộng bắt đầu

Trên một bài bình luận mới đây trên tờ Tín báo Tài Kinh Tân văn (Hongkong Economic Journal), nhật báo tiếng Hoa hàng đầu của Hong Kong, Trịnh Khiết, chuyên gia bình luận thời sự của Đài truyền hình Phượng Hoàng, đã gọi quyết định tạm dừng đập thủy điện Myitsone là ‘sự bắt đầu của cơn ác mộng trong mối quan hệ Trung Quốc – Miến Điện’

“Quyết định này không chỉ khiến phía Trung Quốc có thể phải hứng chịu tổn thất kinh tế nặng nề, mà còn khiến quan hệ hợp tác hữu nghị Trung Quốc – Miến Điện bị bao phủ mây đen,” bài báo viết

Truy tìm nguyên nhân, tác giả bài báo cho biết đây là sự tích tụ từ lâu của nhiều vấn đề

Thứ nhất, đó là sự quay ngoắt đột ngột của chính phủ do dân bầu ở Miến Điện vốn ‘bỗng nhiên coi trọng dân ý’ và ra sức thay đổi sự thống trị độc quyền của chính quyền quân sự trong suốt hơn 20 năm qua, chẳng hạn như mở cửa cho báo chí nước ngoài, dỡ bỏ lệnh cấm các trang web nước ngoài, quốc hội được công khai thảo luận cải cách dân chủ…

111014102532_burmese_dissident_304x171_elvis_nocredit.jpg

Chính phủ dân sự đã mời những người chống đối chính phủ lưu vong về nước​

Thứ hai, Chủ tịch Thein Sein đang muốn thoát khỏi ‘cảnh khốn cùng’ bởi sự cô lập của cộng đồng quốc tế, cũng như cần phương Tây dỡ bỏ các chế tài

“Sự thâm nhập không ngừng của phương Tây khiến Chính quyền Thein Sein buộc phải đưa ra một lựa chọn nào đó giữa ‘Trung Quốc’ và ‘phương Tây’”

Bài báo nhắc lại tình nghĩa của Trung Quốc đối với Miến Điện: những lúc nước này khó khăn nhất, Trung Quốc thậm chí không thèm để ý đến sự lên án của cả cộng đồng quốc tế, cung cấp cho Miến Điện các loại viện trợ kinh tế

Tuy nhiên, chính phủ Thein Sein sau khi cân nhắc thiệt hơn, đã quyết định tách dần khỏi Trung Quốc xét trong tình hình hiện nay khi mà họ cảm thấy khó có thể chịu nổi những áp lực chính trị cả bên trong lẫn bên ngoài

Thứ ba, đó là sự bất mãn của dân chúng Miến Điện khi mà Trung Quốc được cho là sẽ tiêu thụ đến 80% tổng lượng phát điện của đập Myitsone trong khi người dân Miến Điện chẳng được hưởng lợi bao nhiêu

“Dư luận Miến Điện cho rằng ưu thế tiền vốn của Trung Quốc và ưu thế tài nguyên của Miến Điện không thể bổ trợ cho nhau, ngược lại còn khiến Miến Địên phải trả giá đắt,” bài viết nhận định

Bên cạnh đó là sự chống đối của tổ chức ‘Cứu sông Irrawaddy’ mà đầu não hậu thuẫn chính bà Aung San Suu Kyi. Bài bình luận gọi tổ chức này là nhằm mục đích ngăn cản sự hợp tác Trung Quốc – Miến Điện với danh nghĩa bảo vệ môi trường

Tác giả than phiền rằng các chính phủ được bầu ra một cách dân chủ hay được dựng lên thông qua cách mạng dân chủ đều bắt đầu điều chỉnh quan hệ với Trung Quốc

Chính phủ Miến Điện hiện nay, lên cầm quyền hồi tháng Ba năm nay, là một chính phủ dân sự sau nhiều năm cầm quyền của nhóm độc tài quân sự

Tuy nhiên chính phủ này vẫn phải được sự hậu thuẫn của phe quân sự. Bản thân Chủ tịch Thein Sein cũng từng là một vị tướng
 
Ấn Độ cho Myanmar vay 500 triệu đô la Mỹ​

- Trong cuộc hội đàm giữa Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh và Tổng thống Myanmar Thein Sein ngày 14-10 tại thủ đô New Delhi, Ấn Độ cam kết cung cấp cho Myanmar 500 triệu đô la Mỹ tín dụng ưu đãi, đồng thời tăng cường hợp tác kinh tế, năng lượng và an ninh giữa hai nước

Ông Thein Sein đến Ấn Độ từ ngày 12-10 và đi thăm các điểm hành hương Phật giáo trước khi đến New Delhi

Sau cuộc hội đàm, hai nhà lãnh đạo đã ký thỏa thuận nâng cấp Bệnh viện nhi Yangon, Bệnh viện đa khoa ở thành phố Sittwe (Myanmar), thỏa thuận về chương trình hợp tác khoa học và công nghệ giai đoạn 2012-2015

Trong tuyên bố chung sau cuộc hội đàm, Thủ tướng Manmohan Singh cam kết cấp hạn mức tín dụng 500 triệu đô la Mỹ cho Myanmar để xây dựng cơ sở hạ tầng, bao gồm đường xá, đường thủy nội địa và cảng. Ấn Độ cũng đề nghị xây dựng một trung tâm giáo dục và nghiên cứu nộng nghiệp cao cấp, một viện đào tạo công nghệ thông tin và một công viên sinh học về gạo ở các thành phố tại Myanmar

Cả hai nhà lãnh đạo nhấn mạnh đến nhu cầu an ninh năng lượng và Myanmar khuyến khích các công ty nhà nước và tư nhân của Ấn Độ đầu tư vào dự án thăm dò dầu khí, xây dựng đường ống dẫn khí đốt. Hai bên cũng đồng ý mở thêm các cửa khẩu giao thương mới ở biên giới của hai nước. Hai bên nhất trí nâng cao hợp tác giữa lực lượng an ninh của hai nước để đối phó với mối đe dọa khủng bố và phản loạn. Tổng thống Thein Sein cam kết không để các hoạt động phản loạn chống Ấn Độ xảy ra trên lãnh thổ của Myanmar

Ấn Độ bắt đầu tăng cường quan hệ và hợp tác với Myanmar trong các lĩnh vực an ninh và năng lượng vào giữa thập niên 1990 nhằm đối trọng với ảnh hưởng của Trung Quốc ở nước này. Thương mại hai chiều giữa Ấn Độ và Myanmar đạt 1,2 tỉ đô la Mỹ vào năm ngoái. Hai nước đặt mục tiêu tăng con số này lên ba tỉ đô la Mỹ vào năm 2015
 
Myanmar: Bà Aung San Suu Kyi có thể ứng cử quốc hội​

- Ngày 29.10, người phát ngôn đảng Liên đoàn quốc gia vì dân chủ (NLD) cho biết NLD sẽ đăng ký tham gia chính trị trở lại sau khi một luật về đảng phái mới được ban hành. Chủ tịch đảng NLD, bà Aung San Suu Kyi có thể ra tranh cử quốc hội

8b029f33fcd9a1b483b942a7ed67ac22.jpg

Bà Aung San Suu Kyi và Ngoại trưởng Indonesia Marty Natalegawa phát biểu với báo chí sau cuộc gặp tại nhà riêng của bà Suu Kyi ở thủ đô Yangon ngày 29.10​

Luật đảng phái mới không còn những điều khoản mà NLD phản đối. Đảng NLD đã bị giải thể sau khi từ chối tham gia cuộc bầu cử năm ngoái. Vào cuối năm nay, Myanmar sẽ tổ chức bầu cử bổ sung. Nói về khả năng tranh cử của bà Aung San Suu Kyi, phát ngôn viên của đảng NLD, Nyan Win nhận định:

"Tôi cho là có và đích thân tôi sẽ đề nghị với bà ấy như vậy". Bà Suu Kyi đã bị cấm tham gia hoạt động chính trị kể từ khi trở về quê nhà vào năm 1988. Việc bà Suu Kyi tham gia tranh cử sẽ giúp cải thiện hình ảnh và tính hợp pháp của chính quyền dân sự mới của Myanmar trong cộng đồng quốc tế và cụ thể là ASEAN

Bà Aung San Suu Kyi đã đón tiếp ngoại trưởng Indonesia, Marty Natalegawa hôm 29.10 tại nhà riêng ở thủ đô Yangon, nhân chuyến công tác Myanmar 3 ngày của ông Natalegawa nhằm đánh giá sự sẵn sàng của Myanmar để đảm nhiệm chức chủ tịch ASEAN luân phiên vào năm 2014 do Myanmar đề xuất, thay vì vào năm 2016 theo kế hoạch ban đầu. Trước đó, ông Marty đã gặp gỡ tổng thống U Thein Sein, bộ trưởng ngoại giao Myanmar U Wunna Maung Lwin và các bộ trưởng khác tại Naypyidaw

Một quan chức cấp cao trong chính phủ Myanmar giấu tên trả lời hãng tin AFP rằng: "Lẽ ra chúng tôi đã là chủ tịch ASEAN vào năm 2006, nhưng chúng tôi nhường trọng trách này lại cho nước khác vì khi đó chúng tôi chưa sẵn sàng. Tôi không hiểu sao lần này lại có nhiều chỉ trích khi chúng tôi muốn tiếp quản chức chủ tịch ASEAN. Bây giờ chúng tôi đã sẵn sàng".

Sau chuyến đi này, ông Marty sẽ gửi báo cáo đến các nước thành viên, và việc có trao ghế chủ tịch cho Myanmar vào năm 2014 hay không sẽ được quyết định trong hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần thứ 19 tổ chức vào tháng 11 tới tại Bali

Chức vụ chủ tịch luân phiên ASEAN vào năm 2014 theo kế hoạch sẽ do Lào đảm nhiệm. Nếu trở thành chủ tịch ASEAN, Myanmar sẽ phải phát ngôn đại diện cho toàn khu vực, tổ chức nhiều sự kiện tại nước mình, trong đó gồm cả hội nghị thượng đỉnh Đông Á mà Mỹ sẽ tham dự

Báo Jakarta Post có bài viết về ba điều kiện để Myanmar được giữ chức chủ tịch ASEAN: môt là Myanmar phải chứng tỏ sẽ thực hiện cải cách và mở cửa lâu dài. Hai là, nếu là chủ tịch ASEAN thì Myanmar phải tiếp tục tập quán của các chủ tịch trước đó, đặc biệt là Indonesia, cho phép sự tham gia của các tổ chức xã hội dân sự trong tiến trình ASEAN

Cụ thể là Myanmar phải tạo điều kiện và tổ chức Hội nghị xã hội dân sự (CSC) tại Yangon vào năm 2012. Ba là, Indonesia sẽ phải hỗ trợ Myanmar toàn diện hơn cho chức vụ này
 
Người Myanmar sẽ được phép biểu tình ?​

111124091605_burma_304x171_getty_nocredit.jpg

Các bước cải tổ ở Miến Điện đang gây ngạc nhiên​

Một nghị sĩ Miến Điện nói quốc hội nước này vừa thông qua dự luật cho phép công dân biểu tình trong hòa bình - bước mới nhất trong tiến trình cải tổ ở Miến Điện

Ông Aye Maung nói với hãng tin AFP rằng luật này sẽ còn chờ Tổng thống Thein Sein ký để chính thức thành luật

Nó đòi người biểu tình phải "thông báo cho giới chức trước năm ngày"

Người biểu tình sẽ được phép cầm cờ và biểu tượng của đảng nhưng phải tránh các tòa nhà chính phủ, trường học, bệnh viện và sứ quán, theo lời vị nghị sĩ

Dự luật được đưa ra quốc hội tuần này, bốn năm sau ngày xảy ra đợt biểu tình lớn do các nhà sư phát động mà đã bị đàn áp nặng nề

Khi đó ít nhất 31 người chết và hàng trăm nhà sư bị bắt - nhiều người vẫn còn bị giam

Quốc hội mới của Miến Điện khai mạc hồi tháng Giêng sau gần năm thập niên bị quân đội cai trị

Cuộc bầu cử tháng 11 năm ngoái là cuộc bỏ phiếu lần đầu sau 20 năm

Giới quan sát đã ngạc nhiên khi giới lãnh đạo đã có một loạt bước cải tổ mà có vẻ nhằm chấm dứt sự cô lập quốc tế

Tuần rồi, Asean đồng ý để Miến Điện nắm chức chủ tịch luân phiên của tổ chức vào năm 2014

Tháng 12, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton sẽ thăm Miến Điện - chuyến đi đầu tiên của một ngoại trưởng Mỹ sau 50 năm

Tuy vậy, chính phủ Mỹ nói vẫn còn quá sớm để bàn về việc dỡ bỏ cấm vận

Trong khi đó, hôm nay Nhật Bản nói sẽ gửi phái đoàn đến Miến Điện thảo luận việc nối lại viện trợ, đã bị ngừng từ năm 2003

Đảng của bà Aung San Suu Kyi cũng nói sẽ quay lại chính trường sau khi tẩy chay cuộc bầu cử năm ngoái
 
Myanmar muốn quan hệ bình thường với Mỹ​

Đó là tuyên bố của Chủ tịch Hạ viện Myanmar Thura Shwe Mann ngày 25.11, vài ngày trước khi Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton thăm chính thức nước này. “Chúng tôi muốn bình thường hóa quan hệ. Con đường đang mở ra quan hệ tốt hơn giữa 2 nước”, AFP dẫn lời ông Thura Shwe Mann, nói trong cuộc họp báo ở thủ đô Naypyidaw

Theo Chủ tịch Hạ viện Myanmar, chuyến thăm sắp tới của bà Clinton không chỉ tốt cho chính phủ 2 bên mà còn cho cả người dân 2 nước và thế giới. Dự kiến, bà Clinton sẽ làm việc tại Myanmar từ ngày 30.11-2.12, trở thành ngoại trưởng Mỹ đầu tiên thăm nước này trong vòng 50 năm qua

Cũng trong ngày 25.11, đảng Liên đoàn quốc gia vì dân chủ (NLD) của chính trị gia đối lập Aung San Suu Kyi nộp đơn đăng ký hoạt động trở lại. Động thái này sẽ mở đường cho bà Suu Kyi tham gia cuộc bầu cử bổ sung sắp tới tại Myanmar
 
Bà Clinton hối thúc Miến Điện cải cách​


111130115000_clinton_304x171_reuters.jpg

Đây là chuyến thăm Miến Điện đầu tiên của một ngoại trưởng Mỹ kể từ 1955​

Trong ngày thứ hai của chuyến thăm lịch sử tới Miến Điện, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton sẽ gặp Tổng thống Thein Sein để thảo luận về tiến trình cải cách ở nước này

Bà Clinton, quan chức Hoa Kỳ cao cấp nhất từng thăm Miến Điện trong nửa thế kỷ nay, tuyên bố bà muốn chứng kiến tận mắt cam kết thay đổi của chính quyền nước chủ nhà

Mỹ vẫn đang duy trì nhiều biện pháp chế tài đối với các lãnh đạo cao cấp ở Miến Điện

Thế nhưng một loạt các cải cách đưa ra trong năm nay đã dẫn đến đồn đoán rằng những thập niên cô lập đã tới hồi kết thúc

Mặc dù vậy, giới chức Mỹ vẫn nhấn mạnh rằng sẽ chưa có tuyên bố gì to tát trong chuyến thăm của bà ngoại trưởng

Các phân tích gia bình luận rằng Hoa Kỳ có lẽ sẽ chỉ đưa ra một số hành động có tính tượng trưng như mở rộng phái bộ của nước này tại Miến Điện thành một đại sứ quán với đầy đủ chức năng

Hôm thứ Năm 1/12 bà Clinton có cuộc gặp với Ngoại trưởng Wunna Maung Lwin trước khi tiếp kiến Tổng thống Thein Sein

Phóng viên BBC chuyên trách Bộ Ngoại giao Mỹ Kim Ghattas, người đi tháp tùng bà Hillary Clinton, nói chuyến thăm của bà có hai ý nghĩa: vừa là khen ngợi các cải cách đã diễn ra, vừa là khuyến khích chính quyền Nay Pi Taw nỗ lực thêm nữa

Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ nói bà hy vọng rằng "các tín hiệu cải cách" sẽ chuyển biến thành một sự thay đổi thực sự

Tuy nhiên phóng viên của chúng tôi cho biết nhiều quan chức Mỹ và giới đối lập ở Miến Điện tỏ ra lạc quan một cách thận trọng

Lần đầu trong 50 năm

Bà Hillary Clinton là ngoại trưởng Mỹ đầu tiên thăm Miến Điện kể từ năm 1955

Phe quân sự chiếm chính quyền ở đây năm 1962 và áp đặt một chế độ hà khắc và khó đoán, cho tới tận năm ngoái, khi quyền điều hành được chuyển giao cho một ban lãnh đạo dân sự

Tuy nội các chính phủ phần đông vẫn là các nhân vật từ chính quyền quân sự cũ, Miến Điện đã thực hiện một số cải cách đáng kể và trả tự do cho nhiều tù chính trị

Chuyến thăm của bà Clinton diễn ra vài tuần sau khi Tổng thống Barack Obama thăm Á châu và có một số tuyên bố khẳng định cam kết của Mỹ trong khu vực

Các nhà quan sát mô tả sự chú ý mới của Hoa Kỳ đối với châu Á như nỗ lực đối trọng với việc Trung Quốc đang muốn trở thành cường quốc thống trị khu vực này

Báo chí Trung Quốc phản ứng dữ dội trước chuyến thăm của bà Hillary Clinton tới Miến Điện

Hoàn cầu Thời báo, vốn nổi danh về lập trường dân tộc chủ nghĩa, cảnh báo Mỹ không nên đụng tới quyền lợi của Trung Quốc

Tờ này viết: "Trung Quốc không phản đối việc Miến Điện cải thiện quan hệ với Phương Tây, nhưng sẽ không chấp nhận điều này nếu như quyền lợi của Trung Quốc bị phương hại"

Trung Quốc đầu tư lớn vào Miến Điện, đặc biệt là lĩnh vực năng lượng

Thế nhưng các dự án lớn mà Trung Quốc đầu tư, như đập thủy điện ở miền bắc đất nước, đã khiến người dân bất bình và dẫn tới tình trạng xung đột giữa phiến quân người sắc tộc thiểu số và quân đội Miến Điện

Bà Clinton đã tới Thủ đô Nay Pyi Taw chiều thứ Tư 30/11

Sau khi gặp ông Thein Sein vào thứ Năm, theo kế hoạch bà sẽ đi Rangoon để găp lãnh tụ dân chủ Aung San Suu Kyi

Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ của bà Suu Kyi mới đây đã đăng ký hoạt động với tư cách đảng chính trị và bà được trông đợi sẽ ra tranh cử trong đợt bầu Quốc hội bất thường tới
 
Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton họp kín cùng tổng thống Myanmar​

- Trong chuyến thăm Myanmar chính thức kéo dài bốn ngày, hôm nay 1.12, ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã có cuộc hội đàm với tổng thống Myanmar U Thein Sein, ngoại trưởng Wunna Maung Lwin và các nghị sĩ cao cấp tại dinh tổng thống ở thủ đô Naypyitaw

937f1cc800f00782f1f70474e45cf218.jpg

Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton và tổng thống Myanmar U Thein Sein tại dinh tổng thống ở thủ đô Naypyitaw, Myanmar ngày 1.12​

“Tôi đến đây ngày hôm nay vì tổng thống Obama và bản thân tôi được khuyến khích bởi những bước đi mà ông và chính phủ của mình đã thực hiện cho người dân của mình”, bà Clinton nói với ông Thein Sein

Đáp lại, tổng thống Thein Sein vui mừng được đón tiếp bà Clinton, gọi chuyến thăm của bà là một “cột mốc”. “Chuyến thăm cấp cao của bà sẽ là một chương mới mang tính lịch sử trong quan hệ hai nước”. Sau phần chào xã giao, ngoại trưởng Mỹ và tổng thống Myanmar đã có phiên họp kín

Trong chuyến thăm đến Myanmar đầu tiên của một Ngoại trưởng Mỹ, bà Clinton đã đặt ra những kì vọng của Mỹ cho những cải cách mà Myanmar cần thực hiện. Phát biểu trước báo chí sau phiên họp, bà Clinton cho biết đã có cuộc trao đổi “thẳng thắn và hiệu quả” với ông Thein Sein

Một trong những tiêu chí của Mỹ sẽ quan sát là việc tiếp tục thả tù chính trị và nỗ lực giải quyết xung đột của chính phủ với các nhóm quân sự và nổi loạn ở dọc biên giới. Mỹ thúc giục Myanmar phải dừng mối quan hệ trái phép với CHDCND Triều Tiên. Mỹ đặc biệt lo ngại việc Myanmar cố gắng thu thập công nghệ tên lửa từ CHDCND Triều Tiên cũng như các mối quan hệ về hạt nhân gần đây của hai nước này

Mỹ muốn Myanmar kí thêm các giao thức bổ sung với Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) để tăng cường khả năng giám sát và kiểm tra Mynmar của cơ quan này

Nếu đáp ứng được, Washington có thể xóa bỏ những lệnh cấm vận áp đặt lên Myanmar đã thắt chặt nền kinh tế nước này. Tuy nhiên việc này không thể diễn ra nhanh chóng do còn cần được sự thông qua của quốc hội Mỹ. Bà Clinton đã trao đổi về những động thái của Mỹ nhằm khuyến khích quá trình cải cách, trong đó có việc nâng cấp đại diện của Mỹ tại Myanmar lên cấp đại sứ đầy đủ hoặc hỗ trợ thêm viện trợ quốc tế

Tin tức về chuyến thăm Myanmar của bà Clinton được đăng tải trên trang hai của tờ báo New Light trực thuộc nhà nước Myanmar số ngày 1.12 kèm theo bài viết về thành viên phái đoàn mỹ

Vào cuối ngày hôm nay, bà Clinton sẽ bay đến thành phố Yangon để gặp gỡ và ăn tối riêng cùng nhà hoạt động dân chủ Aung San Suu Kyi. Phát biểu với báo chí trước đó, bà Suu Kyi hoàn toàn ủng hộ nỗ lực của Washington nhằm đánh giá cải cách của Myanmar. “Tôi nghĩ chúng ta nên chuẩn bị đối mặt với rủi ro. Không gì có thể bảo đảm chắc chắn”
 
Mỹ chia rẽ 'cuộc tình' Trung Quốc - Myanmar​

Việc Myanmar tiến gần hơn với Mỹ đẩy Trung Quốc trước nguy cơ bị đe dọa lợi ích, đồng thời tạo nên phép thử đối với Washington

Myanmar hồ hởi

Myanmar dường như đặt rất nhiều hy vọng vào chuyến thăm lịch sử của bà Hillary Clinton đến Naypyidaw

Theo các quan chức Mỹ, chính quyền Myanmar thừa nhận, nước này tụt hậu quá nhanh so với các nước khu vực vì bao vây cấm vận của Mỹ và châu Âu, đồng thời thiếu đầu tư từ phương Tây. Vì vậy, Chính phủ Myanmar quyết định đã đến lúc thay đổi

Trên cơ sở đó, chính quyền Myanmar mong muốn, chuyến công du đầu tiên sau 50 năm của một Ngoại trưởng Mỹ có thể là dấu hiệu công nhận những cải cách chính trị mà Tổng thống Thein Sein thúc đẩy trong thời gian gần đây và giúp chấm dứt khoảng thời gian dài Myanmar bị cô lập với cộng đồng quốc tế

“Thực ra, chúng tôi muốn có quan hệ chính thức với Mỹ. Chúng tôi vui mừng về cuộc viếng thăm rất quan trọng của Ngoại trưởng Hillary Clinton”, Chủ tịch Hạ viện Myanmar Shwe Mann, trước kia là một trong những tướng lĩnh có thế lực nhất tại Myanmar nhấn mạnh

Chủ tịch Hạ viện Myanmar Shwe Mann cũng thừa nhận “đúng là những thay đổi chính trị diễn ra nhanh hơn chúng tôi nghĩ” và ông hứa sẽ có nhiều cải cách khác

Trước đó, trong một cuộc họp báo với các phóng viên Myanmar tại Bali, Indonesia hôm 19/11, Tổng thống Thein Sein cũng đặc biệt nhấn mạnh đến tầm quan trọng của mối quan hệ với Mỹ cũng như việc gỡ bỏ lệnh cấm vận quốc tế

Theo ông, đây là một điều kiện rất quan trọng với Myanmar nhằm thu hút đầu tư nước ngoài và đem lại những cơ hội hợp tác mới để vực dậy nền kinh tế vốn trì trệ của Myanmar. “Chúng ta mở cửa nền kinh tế để thu hút đầu tư nước ngoài nhưng chưa thực sự hiệu quả vì bị cấm vận”, ông Thein Sein thừa nhận

Phép thử với Mỹ

Những tín hiệu thay đổi tích cực của chính quyền Myanmar thực sự khiến Mỹ mát mặt. Giới quan sát nhận định, một Myanmar thân thiện với phương Tây sẽ hỗ trợ Mỹ trong nỗ lực cạnh tranh với Trung Quốc để giành ảnh hưởng tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương

“Xét về chiến lược, không ai muốn Myanmar trở thành một cái mỏ của Trung Quốc. Myanmar có thể là một trong những yếu tố giúp ông Obama khẳng định Mỹ đã trở lại châu Á và không để Trung Quốc kiểm soát toàn bộ khu vực”, chuyên gia về Myanmar Sean Turnell thuộc ĐH Macquarie ở Australia nhận định

Tuy nhiên, bất chấp những ích lợi to lớn trong mối quan hệ này cũng như sự hồ hởi của Myanmar, tiến trình tiếp cận Naypyidaw của Washington cũng không thực sự đơn giản. Nói cách khác, nỗ lực phá băng trong quan hệ Mỹ - Myanmar là một phép thử đối với Washington

Suốt hai thập kỷ qua, dù liên tục siết chặt các lệnh cấm vận kinh tế với Myanmar nhưng Mỹ vẫn thất bại trong việc hạn chế ảnh hưởng của quân đội đối với nền chính trị Myanmar

Giờ đây, nỗ lực đó của Mỹ cũng chưa có gì đảm bảo sẽ thành công bởi theo ông Thant Myint-U, cựu quan chức Liên Hiệp Quốc và là chuyên gia về Myanmar, dù muốn cải tổ để thuận lòng Mỹ nhưng chính quyền Myanmar sẽ không dễ gì thực hiện bởi đối mặt với sự phản ứng mạnh mẽ của nhóm các doanh nhân giàu có kiếm lợi lớn từ mô hình cũ

Ngoài ra, dù đặc phái viên của Mỹ Derek Mitchell từng có dịp tiếp xúc Tổng tư lệnh Myanmar Min Aung Hlaing nhưng nhìn chung hầu hết các cuộc hội kiến của Mỹ và Myanmar đều chỉ diễn ra giữa các quan chức dân sự

Giới chức Mỹ thường có rất ít cơ hội trao đổi để thực sự nắm bắt được quan điểm của các tướng lĩnh cấp cao của Myanmar, những người có vai trò quan trọng trong công cuộc cải cách tại Naypyidaw

Hơn nữa, trên thực tế Myanmar chỉ mới có một động thái nhỏ là thả một số tù nhân chính trị thay vì tất cả các nhân vật đối kháng chính trị như Washington yêu cầu. Theo thống kê của các tổ chức nhân quyền tại Myanmar, còn ít nhất 1.500 tù nhân chính trị chưa được trả tự do. Do đó, hy vọng về việc nhanh chóng hàn gắn quan hệ với Mỹ là khá mong manh

Trung Quốc trước thách thức lớn

Dẫu vậy, những tín hiệu nồng ấm trong quan hệ Mỹ - Myanmar cũng đủ để khiến Trung Quốc sục sôi

Trong hơn hai thập kỷ qua, khi bị cộng đồng quốc tế cô lập, đồng minh thân cận nhất, quan trọng nhất của Myanmar là Trung Quốc. Cựu Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai từng 9 lần công du Naypyidaw trong khi nhà lãnh đạo Myanmar Ne Win cũng có tới 12 chuyến thăm Bắc Kinh

Trong chuyến thăm Myanmar hồi năm 1954, cựu Thủ tướng Chu đã nhấn mạnh đến 5 nguyên tắc cùng chung sống hòa bình với Myanmar trong các mối quan hệ quốc tế

Cựu Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Trần Nghị cũng từng viết một bài thơ trong đó có câu: “Trung Quốc ở đầu sông còn Myanmar ở cuối sông. Chúng ta cùng chia sẻ nguồn nước bằng tình hữu nghị thắm thiết”

Giờ đây, Myanmar thực sự đóng vai trò quan trọng trong chiến lược toàn diện của Trung Quốc nhằm duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế thần kỳ của mình

Nằm sát với những tuyến đường hàng hải trọng yếu của Ấn Độ Dương và Đông Nam Á, Myanmar đặc biệt quan trọng với sự phát triển các tỉnh Tây Nam Trung Quốc với số dân khoảng 200 triệu người

Vì vậy, giới chức Trung Quốc gần đây thường nhắc đến khả năng sử dụng Myanmar là cầu nối nhằm khôi phục lại con đường tơ lụa Tây Nam đi vào huyền thoại, kéo dài từ Vân Nam và Tứ Xuyên đến Myanmar và từ đó hướng Tây đi tiếp đến Ấn Độ, châu Phi, Trung Đông và châu Âu

Ngoài ra, Myanmar cũng được nhìn nhận là móc xích quan trọng trong mục tiêu sở hữu một đường ống dẫn năng lượng an toàn từ Trung Đông và châu Phi về Trung Quốc

Để thực hiện mục tiêu này, Trung Quốc trong những thập kỷ gần đây liên tục xây dựng các đường ống dẫn dầu và đường cao tốc tại Myanmar để có thể tiếp cận một cảng ở Ấn Độ Dương. Với đường ống dẫn dầu dài 2.000 km nối liền Myanmar-Yunnan-Chongqing, Trung Quốc gần như có thể chắc chắn kiếm được lối thoát đến Ấn Độ Dương cho các tỉnh Tây Nam bị cô lập của Trung Quốc

Tuy nhiên, mọi hy vọng của Trung Quốc có nguy cơ tan vỡ bởi sự xen ngang của Mỹ trong mối quan hệ với Myanmar. Quyết định đình chỉ dự án đập thủy điện Myitsone do Trung Quốc tài trợ của Tổng thống Myanamr Thein Sein vào cuối tháng 9 vừa qua là một trong những minh chứng rõ nhất cho sự mất mát của Bắc Kinh

Theo nhiều chuyên gia phân tích, thậm chí trong hoàn cảnh xấu nhất, lợi dụng quan hệ với Myanmar, Mỹ có thể chặn tuyến đường biển của Trung Quốc và eo biển Malacca. Khi đó, mọi hoạt động thông thương của Bắc Kinh với bên ngoài sẽ bị hạn chế, theo đó, cản trở kinh tế tăng trưởng

Như vậy, dù còn nhiều chông gai nhưng một khi hai đối thủ lâu đời là Mỹ và Myanmar xích lại gần nhau thì Trung Quốc sẽ trở thành kẻ thứ 3 vô duyên và mất đi nhiều quyền lợi

Trà My
 
Myanmar cổ tích thời nay​

- Myanmar đang “kể” về một câu chuyện khó tin nhưng có thật. Các phe phái từng chống đối nhau, chính phủ thẳng tay đàn áp đối lập, nhưng những ngày này tất cả đều đang bỏ qua hận thù, bắt tay nhau để sớm ổn định, cùng xây dựng đất nước

Tuy nhiên, cuối tuần qua khi trả lời báo chí, bà Lynn Yoshikawa, đại diện Refugees International vẫn bày tỏ mối quan ngại trước tình trạng “căng thẳng leo thang” giữa quân đội Myanmar với lực lượng nổi dậy thuộc sắc tộc Kachin sát khu vực biên giới Trung Quốc. Kể từ khi giành được độc lập năm 1948, các chính quyền kế tiếp nhau ở Myanmar hầu như chưa bao giờ thuyết phục được các sắc tộc thiểu số buông vũ khí

7c629cc5d5cac7f92093792dbd9c28dd.jpg

Ngày 10.12, bà Aung Ann Suu Kyi phát biểu tại lễ kỷ niệm 20 năm ngày bà nhận giải Nobel Hoà bình​

Cách đây năm rưỡi, tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, với cương vị chủ tịch ASEAN, đã chuyển tới chính phủ và nhân dân Myanmar thông điệp của ASEAN là mong muốn Myanmar triển khai hiệu quả lộ trình dân chủ vì hoà bình và hoà hợp dân tộc, tổ chức bầu cử công bằng, dân chủ với sự tham gia của tất cả các đảng phái, qua đó sớm tập trung ổn định tình hình để phát triển đất nước

Động lực thay đổi từ đâu ?

Vì sức ép từ bên ngoài, vì phải hoá giải các mâu thuẫn nội bộ hay vì thực sự muốn cải cách, đổi mới để thoát khỏi sự cô lập quốc tế, nhằm đưa đất nước sánh vai với cộng đồng khu vực và thế giới ?

Đâu là động lực để một quốc gia như Myanmar, cho đến cuối những năm 1980 vẫn bị xếp vào nhóm các nước kém phát triển nhất, đã và đang làm một cuộc thay đổi thầm lặng nhưng quyết liệt ?

Câu trả lời có thể là cả ba nguyên nhân vừa nêu và có thể còn hơn thế nữa !

Trong khi Mỹ và phương Tây cấm vận và cô lập Myanmar thì Trung Quốc là nước chiếm vị trí vượt trội trên mọi khía cạnh: kinh tế, tài nguyên, văn hoá, đặc biệt là quốc phòng và an ninh

Điển hình là hai đường ống dầu khí dài trên 1.100km nối liền từ biên giới Trung Quốc ra tận bờ biển Myanmar, với hệ thống đập thuỷ điện khắp trong cả nước. Dự án cảng nước sâu do Trung Quốc xây nhìn ra vịnh Bengal cùng với cơ sở hạ tầng có vốn đầu tư lên tới 16 tỉ USD đã được lên kế hoạch

Nhưng có thể giới lãnh đạo quân nhân của Myanmar cảm thấy bị nghẹt thở bởi mối quan hệ chằng chịt đó. Một trong những tín hiệu được phát ra là chính quyền Naypyidaw công bố ngưng xây đập thuỷ điện Myitsone trên sông Irrawaddy

Dự án thu hút đầu tư hàng chục tỉ USD của tập đoàn Điện lực Trung Hoa (China Power Investment). Khi hoàn thành sẽ dẫn 90% công suất về cho Trung Quốc sử dụng

Naypyidaw – tên của thủ đô mới – có nghĩa là “vùng đất của những ông vua”. Nhưng khi công bố quyết định động trời nói trên vào tháng 9 vừa qua, Tổng thống dân sự Thein Sein lại đưa ra lời giải thích rằng, đấy là quyết định của nhân dân. Chỉ có “vua – nhân dân” mới dám đưa ra những quyết định táo tợn như thế xét trên nhiều khía cạnh, nhất là trong quan hệ với một nước lớn như Trung Quốc

Trước đó, tháng 8.2011, Tổng thống dân sự Thein Sein đã gặp gỡ, trao đổi và nhất trí với lãnh tụ đối lập Aung San Suu Kyi bốn nội dung:

i) Cùng nhau nỗ lực vì hoà bình, ổn định và phát triển của đất nước theo nguyện vọng của nhân dân

ii) Hợp tác vì phát triển kinh tế, xã hội và xây dựng hệ thống dân chủ

iii) Nỗ lực hợp tác trên cơ sở cùng có lợi

iv) Tiếp tục thúc đẩy mạnh đối thoại

Quả là chuyện cổ tích thời hiện đại !


Lộ trình dân chủ của Myanmar là một con đường “vó câu khấp khểnh bánh xe gập ghềnh”. Chính quyền Naypyidaw thừa biết Trung Quốc nắm trong tay không chỉ các lá bài kinh tế. Ảnh hưởng của Trung Quốc đã ăn sâu bén rễ trong cơ cấu quyền lực ở Myanmar

Nhưng Tổng thống Thein Sein dựa vào sự cân bằng phe phái mong manh và đặc biệt là dựa vào tinh thần tự cường quốc gia hoà quyện với tự cường khu vực, nhất là sau khi Mỹ tuyên bố sẽ quay lại và quay lại để ở lại tại châu Á

Xã luận Thời báo Hoàn cầu đã lên tiếng cảnh tỉnh rằng “Trung Quốc sẽ không đứng nhìn các lợi ích của mình bị chà đạp”. Nhưng mặt khác, Bắc Kinh vẫn phải tuyên bố “yêu cầu các nước liên quan dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với Myanmar và thúc đẩy sự ổn định tại nước này”

Trên thực tế, Bắc Kinh không thể công khai chống lại những bước đi của Naypyidaw xích lại gần Washington, mặc dù biết rằng những thay đổi đang diễn ra không thể không ảnh hưởng đến lợi ích địa – chính trị của Trung Quốc

Thế giới đang quan tâm sát sao tới năng lực ngoại giao của Myanmar lẫn các bên liên quan khi tất cả đang phải tiếp tục “cân bằng và đối trọng” trên ván cờ Trung – Mỹ tại xứ sở này

Không phải ngẫu nhiên, trước khi ngoại trưởng Mỹ đặt chân tới Naypyidaw, tổng tư lệnh quân đội Myanmar đã phải bay sang Bắc Kinh

Sự hợp tác chặt chẽ giữa hai lực lượng vũ trang, cũng như quan hệ đối tác toàn diện Myanmar – Trung Quốc không thể không được tái khẳng định trong những giờ phút lưỡng nan này !

Hoàng Nguyễn
 
Myanmar lùi một bước để tiến hai bước​

Những thay đổi “trầm trầm mà cương quyết” diễn ra ở Myanmar không chỉ là kết quả các điều chỉnh về ngoại giao và nội trị của giới cầm quyền Naypyidaw, mà còn là phần quan trọng trong chiến lược mới về châu Á của Mỹ

Chuyến thăm Myanmar của ngoại trưởng Hillary Clinton đầu tháng này được cả thế giới chú ý không chỉ vì bà là vị ngoại trưởng Mỹ đầu tiên đến Myanmar trong vòng 50 năm qua, mà còn do kết quả các cuộc tiếp xúc của bà trong vòng 48 giờ đồng hồ tại Naypyidaw (với chính quyền) và tại Rangoon (với lãnh tụ đối lập Aung San Suu Kyi)

Đồng thanh tương ứng

Tháng 10 năm ngoái, Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Liên bang Myanmar được đổi tên thành "Cộng hòa Liên bang Myanmar". Hai tuần sau, nhà nước liên bang tổ chức cuộc bầu cử đầu tiên sau 20 năm người dân xứ này không được cầm lá phiếu

Tại diễn văn nhậm chức của Tổng thống Thein Sein (một vị tướng về hưu), ông tuyên bố với người dân trong nước và thế giới bên ngoài rằng, Myanmar muốn hội nhập vào sân chơi khoáng đạt và bình đẳng của thế giới trong trào lưu dân chủ hóa toàn cầu

Để làm được điều đó, ông nói Myanmar cần giải tỏa cấm vận và áp lực quốc tế, cần tự thân vượt khỏi "cái bóng đè tàn khốc" của ngoại bang, như lòng dân nước này mong mỏi từ lâu. Để đất nước cất cánh, cái gốc chuyển hóa vẫn là đáp ứng khát vọng của người dân đòi đổi mới và cải cách, chứ không chỉ là vấn đề duy trì quyền bính

Một loạt các biện pháp về đối nội và đối ngoại được thực thi với tốc độ "kỷ nguyên số". Đầu tiên Tổng thống Thein Sein thả "quả bom tấn" bằng việc đột ngột thông báo ngừng dự án thủy điện Mitsone; sau đó ông cử tân Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang, tướng Min Aung Hlaing sang Việt Nam thỏa thuận hợp tác quốc phòng, trước khi tới thăm Bắc Kinh

Nhưng có lẽ chuyển biến quan trọng nhất là Tổng thống Thein Sein mời lãnh tụ đối lập Aung San Suu Kyi tham dự một cuộc họp ở Naypyidaw, cho phép bà và đảng của bà tham gia tranh cử. Ông dỡ bỏ nhiều hạn chế đối với truyền thông, trả tự do cho gần 200 tù chính trị, thảo luận ngừng bắn với các nhóm vũ trang thiểu số

Thông điệp của nước Myanmar mới, không chỉ ở cái tên, càng rõ ràng hơn khi Tổng thống Thein Sein khẳng định ông muốn tìm kiếm sự công nhận của quốc tế và dỡ bỏ cấm vận của phương Tây. Chính sách ngoại giao của Tổng thống Obama, vừa "can dự xây dựng", vừa "duy trì cấm vận" đối với Naypiydaw dường như bắt đầu phát huy hiệu quả. Washington đón ngoại trưởng Myanmar và cử đặc phái viên Mỹ Derek Mitchell tới Naypiydaw. Tại Cấp cao ASEAN-19, các nước ĐNÁ nhất trí trao cương vị Chủ tịch luân phiên cho Myanmar vào năm 2014

clinton_1323661200.jpg

Tổng thống Thein Sein bắt tay Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton trong chuyến thăm lịch sử của bà Clinton tới Myanmar​

Tổng thống Obama đã lấy quyết định mau lẹ cử ngoại trưởng Clinton sang Myanmar ngay khi ông đang có mặt ở châu Á cuối tháng trước. Chuyến thăm của bà ngoại trưởng diễn ra vào đầu tháng này đã đạt một số kết quả ngoạn mục

Tuy Mỹ chưa hoàn thoàn bỏ cấm vận nhưng đã loan báo giảm bớt mức độ cấm vận. Nhiều dấu hiệu cho thấy hai nước sẽ tiến tới bình thường hóa hoàn toàn quan hệ song phương, nếu chính phủ Myanmar có thêm đổi mới, tiến tới dân chủ và bớt sự lệ thuộc một chiều vào TQ

Cơ hội đảo ngược tình thế

Những thay đổi nói trên cần đặt trong toàn bộ khung cảnh của bức tranh vân cẩu về một Á châu đang biến động. Nghịch lý trong chính trị quốc tế cũng giống như ngoài đời thường: thái quá thì bất cập! Sau năm 1990, việc Mỹ và phương Tây chấm dứt mọi quan hệ với Myanmar, cô lập quốc gia này đã tạo cơ hội cho TQ nhảy vào thế chân, bằng vũ khí, tiền bạc và cả ngoại giao. Kết quả, giờ đây TQ là đối tác kinh tế hàng đầu của Myanmar. Năm 2010, thương mại song phương lên tới 4,4 tỷ usd, tổng vốn đầu tư của TQ đạt gần 16 tỷ usd

TQ cũng ký được thoả thuận khảo sát dầu và khí đốt trên diện tích 10.000 km2 ở ngoài khơi bờ biển phía Đông của Myanmar. Công ty CNPC đã khởi công xây dựng ống dẫn dầu dài 2300 km để nhập dầu từ Phi châu và Trung Đông, với dung lượng 400. 000 thùng/ngày, từ cảng Sittwe đến hai thành phố Côn minh và Trùng Khánh

CNPC cũng dự trù xây ống dẫn khí đốt dài 1400 km giữa đảo Ramree và Côn Minh để chuyển tải 170 tỷ mét khối khí đốt trong 30 năm. TQ cũng đặt một trạm theo dõi thông tin tại quần đảo Coco để kiểm soát Ấn Độ dương, vùng then chốt của các tuyến hàng hải chuyên chở các nguyên nhiên liệu chiến thuật

Tuy nhiên, chính sự thái quá của Bắc Kinh trong các nỗ lực nắm toàn bộ nền kinh tế, đặc biệt là thâu tóm nhiều nguồn tài nguyên của nước này đã gây ra phản ứng ngược trong dân chúng ở đây. Người dân Myanmar cho rằng TQ đã không giúp ích gì cho việc cải thiện đời sống của họ, không ủng hộ các nổ lực dân chủ và đáng sợ hơn, Myanmar có nguy cơ lệ thuộc TQ ngày càng cao. Làn sóng bài Hoa ngày càng gia tăng, ngay cả trong giới tướng lĩnh quân sự. Ngay cả báo chí TQ cũng để lộ rằng, quan hệ Bắc Kinh - Naypiydaw là kết quả do sự tuyệt vọng của Myanmar

Chính phủ TQ cho biết họ không lo ngại về các cuộc gặp gỡ lịch sử giữa các giới chức Myanmar và Mỹ. Người phát ngôn BNG TQ nói Bắc Kinh hoan nghênh những bước tiến mà chính phủ Myanmar đang thực hiện để mở rộng quan hệ với các nước phương Tây

Bề ngoài, Bắc Kinh không thể công khai chống lại những bước đi của Napyidaw xích lại gần Washington; vẫn phải tuyên bố yêu cầu các nước liên quan dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với Myanmar và thúc đẩy sự ổn định tại nước này. Tuy nhiên, TQ lên án Washington dùng Myanmar trong khuôn khổ một sách lược để kiềm chế TQ

Không phải là "ngậm bồ hòn làm ngọt", nhưng TQ đang tìm cách cân bằng lợi ích giữa chính phủ và nhân dân Myanmar. Truyền thông TQ thừa nhận, vào thời điểm hiện nay, TQ chưa có năng lực xuất khẩu giá trị của mình, chưa thể phát huy được sức mạnh mềm. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là TQ đứng nhìn giá trị Mỹ thống trị cả vùng

Đối với những nước có hoàn cảnh như Myanmar, vẫn theo quan sát báo chí từ Thượng Hải, TQ cần có một tấm lòng rộng mở hơn để hỗ trợ cho chính sách ngoại giao của chính mình. TQ sẽ không trở thành rào cản cho các nước trong việc tìm kiếm sự phát triển và thịnh vượng. Được như vậy, TQ mạnh lên mà vẫn còn bạn !

Hoàng Dũng Nhân
 
Phó chủ tịch TQ Tập Cận Bình sắp thăm Việt Nam​

- Theo thông tin từ Bộ Ngoại giao, từ ngày 20 - 22/12, Phó chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ sang thăm Việt Nam

Ông Tập Cận Bình, 57 tuổi, được cho là lãnh đạo kế cận của Trung Quốc

Trong phần lớn sự nghiệp của mình, ông đã dẫn dắt những khu vực đang bùng nổ ở vùng duyên hải phía đông, nơi thu hút các nhà đầu tư nước ngoài, các công ty tư nhân phát triển và chính phủ ủng hộ mạnh mẽ doanh nghiệp. Tháng 10/2010, ông trở thành Phó chủ tịch Quân ủy Trung ương - một động thái đồng nghĩa với việc ông hầu như sẽ trở thành người kế nhiệm cương vị Tổng bí thư của ông Hồ Cẩm Đào cuối 2012 và Chủ tịch năm 2013

20111212174128_pho.jpg

Ông Tập Cận Bình​

Cách đây 2 tháng, Việt Nam và Trung Quốc đã ký Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa hai nước trong chuyến thăm chính thức Trung Quốc của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng

Hồi tháng 9, đoàn đại biểu Trung Quốc do ông Đới Bỉnh Quốc, Ủy viên Quốc vụ, dẫn đầu đã sang thăm Việt Nam và tham dự phiên họp lần thứ 5 của Ủy ban chỉ đạo hợp tác song phương Việt Nam - Trung Quốc

Trong 8 tháng đầu năm nay, kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc đã tăng 35% so với cùng kỳ năm trước đạt 25 tỉ USD và có thể đạt 40 tỉ USD vào cuối năm
 
Đảng của bà Suu Kyi được phép đăng ký chính thức​

Các phương tiện truyền thông quốc gia Myanmar đưa tin chính quyền đã cho phép đảng đối lập của bà Aung San Suu Kyi đăng ký hợp pháp, dọn đường để đảng này trở lại chính trường

Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (NLD) của bà Aung San Suu Kyi bị chính quyền quân sự tước tư cách chính đảng hợp pháp hồi năm ngoái sau khi đảng này tẩy chay bầu cử

Thông cáo của Ủy ban Bầu cử Liên bang Myanmar (UEC) được công bố trên phương tiện truyền thông chính thức cho biết đánh dấu sự trở lại trên chính trường, NLD đã đăng ký với 21 thành viên trong đó có bà Aung San Suu Kyi

NLD trước đó tuyên bố rõ ràng rằng họ sẽ tham gia vào các cuộc bầu cử bổ sung sắp tới để tranh cử tại tất cả các đơn vị bầu cử trên cả nước sau khi đảng này được khôi phục vị thế hợp pháp của mình

Với mục tiêu trên, NLD cũng thành lập Ủy ban Vì Chiến thắng Bầu cử, gồm 21 thành viên do chính trị gia U Thin Oo đứng đầu, để xúc tiến chiến dịch vận động tranh cử. Tuy nhiên, UEC tới nay vẫn chưa ấn định thời điểm tổ chức các cuộc bầu cử bổ sung tại Myanmar
 
Thủ tướng sẽ dự Hội nghị Thượng đỉnh GMS-4 và thăm Myanmar​

- Nhận lời mời của Tổng thống Myanmar Thein Sein, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Phu nhân sẽ tham dự Hội nghị Thượng đỉnh GMS-4 từ ngày 19-20/12/2011 và thăm chính thức Myanmar ngày 21/12/2011 ngay sau khi kết thúc Hội nghị GMS

GMS được hình thành năm 1992 theo sáng kiến của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB). GMS là chương trình hợp tác hoàn chỉnh nhất trong hợp tác Tiểu vùng Mekong, bao gồm Việt Nam, Lào, Campuchia, Thái Lan, Myanma và tỉnh Vân Nam, tỉnh Quảng Tây của Trung Quốc. GMS ưu tiên phát triển cơ sở hạ tầng, năng lượng, viễn thông, du lịch, thương mại- đầu tư, phát triển nguồn nhân lực và môi trường

Hạ tầng giao thông là lĩnh vực ưu tiên hàng đầu, tập trung vào các hàng lang kinh tế, trong đó có Hành lang kinh tế Đông-Tây (EWEC) chạy ngang Tiểu vùng từ cảng Đà Nẵng, Việt Nam dọc quốc lộ 9 qua Lào và Thái Lan tới Myanmar

Ngay sau khi kết thúc Hội nghị GMS-4, ngày 21/12, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ thăm chính thức Myanmar

Thời gian qua, quan hệ Việt Nam – Myanmar không ngừng phát triển trên nhiều lĩnh vực. Quan hệ thương mại Việt Nam - Myanmar trong những năm qua đã đạt được những thành tựu đáng ghi nhận. Tăng trưởng kim ngạch bình quân hàng năm đạt khoảng 61%. Năm 2010, tổng kim ngạch trao đổi thương mại hai nước đã đạt 152,3 triệu USD

Hồng Phong
 
Thủ tướng Việt Nam thăm Myanmar​

111216084243_min_aung_hlaing-nguyen_tan_dung_304x171_vna_nocredit.jpg

Myanmar và Việt Nam đang xích lại gần nhau ?​

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ có chuyến thăm Miến Điện ngày 21/12, ngay sau khi tham dự Hội nghị Thượng đỉnh các nước Tiểu vùng Mekong Mở rộng (GMS-4)

Bộ Ngoại giao Việt Nam cho hay trong thông báo ngắn rằng chuyến thăm của ông Dũng và phu nhân được thực hiện theo lời mời của Tổng thống Miến Điện Thein Sein

Nội dung chuyến thăm một ngày không được thông báo trước

Tuy nhiên giới quan sát nói ông thủ tướng chắc sẽ thảo luận với lãnh đạo nước chủ nhà về mở rộng khả năng làm ăn kinh doanh giữa hai bên và kêu gọi ủng hộ của Miến Điện, nước sẽ giữ ghế chủ tịch Asean năm 2014, cho các vấn đề mà Hà Nội quan tâm

Ở trong nước hiện đang có kêu gọi từ một số giới về việc Việt Nam nên noi gương đổi mới dân chủ của Miến Điện

Từ chỗ quân phiệt và cô lập, Miến Điện nay cởi mở chính trị rất nhanh.
Mới hôm 3/12, Tổng thống Thein Sein vừa ký luật lần đầu tiên cho phép biểu tình hòa bình ở trong nước

Hợp tác tiểu vùng

Hội nghị GMS-4 sẽ diễn ra trong hai ngày 19/12-20/12 tại thủ đô Miến Điện Nay Pyi Taw với sự tham gia của lãnh đạo sáu quốc gia Việt Nam, Lào, Campuchia, Trung Quốc, Thái Lan và Miến Điện

Các bên sẽ thảo luận việc phát triển cơ sở hạ tầng và tăng cường hợp tác trong khu vực

Trung Quốc vừa xác nhận Ủy viên Quốc vụ Đới Bỉnh Quốc sẽ tới dự GMS-4, thay vì Thủ tướng Ôn Gia Bảo như tin cho hay từ trước. Không hiểu sao có sự thay đổi này

Cũng chưa rõ liệu ông Đới, người đứng đầu ngành ngoại giao của Trung Quốc, có thăm viếng Miến Điện sau khi dự hội nghị hay không

Việt Nam và Miến Điện có quan hệ hữu hảo nhiều năm nay. Hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao cấp đại sứ từ năm 1975

Việt Nam chưa bao giờ ủng hộ quyết định cấm vận của Mỹ và các nước phương Tây, đưa ra nhằm trừng phạt chính quyền quân sự Miến Điện.
Xích lại gần Việt Nam

Quan hệ giữa Miến Điện và bên ngoài đang có thay đổi mạnh mẽ sau khi một chính phủ dân sự lên nắm quyền ở nước này hồi năm ngoái và Nay Pyi Taw đưa ra nhiều dấu hiệu mở cửa nhanh chóng

Miến Điện cũng đưa ra chỉ dấu xích lại gần các quốc gia Asean, trong khi tìm cách tách khỏi quỹ đạo ảnh hưởng của Trung Quốc

Tổng Tư lệnh Lực lượng Vũ trang Miến Điện, Đại tướng Min Aung Hlaing, đã tới Hà Nội hồi giữa tháng 11 trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên kể từ khi nhậm chức, thay vì tới Bắc Kinh như truyền thống

Chuyến đi này lúc đó được bình luận là chỉ dấu rằng quân đội Miến Điện đang muốn có liên minh quân sự tại Đông Nam Á nhằm tìm giải pháp thay thế cho Trung Quốc

Trong khi ở Hà Nội, Đại tướng Min Aung Hlaing cũng hội kiến với Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng và ông Dũng kêu gọi Miến Điện "ủng hộ các doanh nghiệp của quân đội Việt Nam đầu tư kinh doanh tại Myanmar, nhất là trên lĩnh vực viễn thông, ngân hàng, sản xuất nông nghiệp…"


BBC News
 
Cuộc chơi lớn giữa Mỹ và Trung Quốc tại Myanmar ?​

Tờ “Indian Express” của Ấn Độ số ra ngày 7/12 đăng bình luận cho rằng chuyến thăm của bà Hillary Clinton, Ngoại trưởng Mỹ đầu tiên tới Mianma trong hơn 50 năm qua đã tạo ra động lực mới thúc đẩy quan hệ hai nước, song vẫn có hoài nghi về khả năng chuyến thăm này dẫn tới sự thay đổi thực sự ở Mianma cũng như quan hệ giữa Nâypiđô và Oasinhtơn

Nội dung bài viết như sau: Tổng thống Mianma Thein Sein đã nồng nhiệt chào đón Ngoại trưởng Mỹ, bà Hillary Clinton, tại phủ tổng thống tráng lệ ở Nâypiđô, thủ đô mới của nước này trong bộ y phục Xarông truyền thống. Quan hệ giữa hai bên tỏ ra thân mật khi Tổng thống Thein Sein tỏ ra nóng lòng giải thích với bà Hillary Clinton với việc ông đang cố gắng như thế nào để thay đổi một đất nước quyệt quệ do một đảng cai trị thành một nước tốt hơn

Một cuộc trao đổi “thiết thực và khéo léo” (theo phía Mỹ) giữa hai bên đã được tiến hành sau bữa ăn nhẹ. Sau đó, cùng ngày, Ngoại trưởng Mỹ đã đến thăm Răngun để tiến hành cuộc gặp đầu tiên của bà với bà Aung San Suu Kyi, Thủ lĩnh Liên đoàn quốc gia vì dân chủ (NLD), một nhà lãnh đạo chính trị đối lập. Các sự kiện trên hứa hẹn một thởi kỳ “sáng sủa sẽ đến với Mianma sau hàng thập kỷ bị cô lập và chịu các lệnh cấm vận của phương Tây.

Thông điệp quan trọng nhất trong chuyến thăm của bà Hillary Clinton là sự sụp đổ tiến trình cải cách ở Mianma được bắt đầu một cách chậm chạp cách đây hơn một năm, nhưng đã lấy được đà tăng nhanh kể từ tháng 8 năm nay khi bà Aung San Suu Kyi đến Nâypiđô để gặp Tổng thống Thein Sein lần đầu tiên, cũng như việc Tổng thống Thein Sein tỏ ra thành thực nhận thầy sự cần thiết phải thay đổi Mianma. Chính thiện chí của bà Aung San Suu Kyi trong việc thừa nhận trên danh nghĩa cuộc cải cách đã thúc đẩy nhanh tiến trình này

Trong hoàn cảnh hiện nay tại Mianma, người này đều cần có sự hợp tác của người kia. Mắt khác, Tổng thống Thein Sein, người nhận chức tháng 3/2011, rất cần “sự chấp thuận” của bà Aung San Suu Kyi để vượt qua sự “ngờ vực” của các chính phủ phương Tây và dân chúng

Chỉ có như vậy Mianma mới có thể tiếp cận trở lại được với hệ thống tài chính quốc tế. Về mặt này, bà Hillary Clinton đã mang một “món quà nhỏ” cho Tổng thống Thein Sein – các đại diện lớn của Ngân hàng thế giới (WB) và Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) tới Mianma để đánh giá các nhu cầu kinh tế của nước này. đây là bước quan trọng đầu tiên

Mặt khác, bà Aung San Suu Kyi cũng rất cần cuộc cải cách của chính quyền Tổng thống Thein Sein nhằm đưa đảng NLD trở lại tham gia đời sống chính trị Mianma. Sau khi tẩy chay cuộc tổng tuyển cử năm 2010 với lý do có sự gian lận, đảng NLD vừa đăng ký hoạt động trở lại như một chính đảng và tiến hành chiến dịch vận động tranh cử trong cuộc bầu cử bổ sung sắp tới

Bản thân bà Aung San Suu Kyi sẽ ứng cử vào một trong 40 ghế bổ sung vào quốc hội. Nếu cuộc tổng tuyển cử trên được tổ chức trong điều kiện tự do và công băng thì sẽ là một mốc lịch sử đáng nhớ nữa trong tiến trình cải cách. Và nếu đảng LND thắng cử trong cuộc tổng tuyển cử tiếp theo vào năm 2015, thì người ta thậm chí có thể nói về khả năng bà Aung San Suu Kyi trở thành Tổng thống Mianma

Tuy nhiên, vẫn còn sớm để có thể nói về điều đó. Trên thực tế ấn tượng đối với bà Hillary Clinton là tiến trình cải cách vẫn mong manh và rất có thể sẽ bị chệch hướng. Trước hết, trong chính quyền có các nhà cải cách, song cũng có những người theo đường lối cứng rắn

Họ sẽ không dễ dàng tư bỏ quyền lực của quân đội trong việc điều hành kinh tế và chính trị. Một trong số các bộ trưởng có tư tưởng cải cách nói về vấn đề đó như thế này: “Ở Mianma có 60 người có quyền hoạch định chính sách; 20 người đã nhìn thấy ánh sáng; 20 đang “ngủ’’ và 20 khác đang chờ xem nên ngả về phe nào”

Hơn nữa, một số lánh đạo thuộc phe đối lập tỏ ra lo ngại rằng động thái “nồng ấm” của bà Hillary Clinton đối với chế độ hiện nay là hơi vội vã. Ông Myat thu, một trong số lãnh đạo phong trào sinh viên nổi dậy bị quân đội đàn áp năm 1988 cho rằng vấn đề được quan tâm lớn hiện nay đối với tiến trình cải cách tại Mianma là hàng trăm, thậm chí là hàng nghìn tù chính trị vẫn chưa được trả tự do. Ông lo ngại rằng chính phủ đã nhận được sự quan tâm quá mức đến nỗi họ không thèm cân nhắc đến việc trả tự do cho bất kỳ tù chính trị nào nữa

Tại đất nước Mianma, nhiều vấn đề trong nước đang gây ra nhiều sức ép. Tuy nhiên, đối với chính phủ Mianma và Mỹ, chuyến thăm của Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton là sự điều chỉnh chiến lược đôi bên cùng có lợi trước sự nổi lên nhanh chóng của người hàng sóm phía Đông Bắc, Trung Quốc. Về mặt này, không giống vấn đề nhân quyền, Mỹ và Mianma có thể có nhiều điểm đồng thuận. Do không phải đối phó với bất kỳ sự cạnh tranh nào từ phương Tây, Trung Quốc đã dễ dàng chiếm đoạn nhiều nguồn tài nguyên dồi dào của Mianma như các loại gỗ quý hiếm, dầu mỏ, khí đốt, đá quý… mà không quan tâm nhiều đến vấn đề bảo vệ môi trường và phúc lợi của người Mianma

Kết quả cho thấy sự kìm kẹp của người Trung Quốc với Mianma ngày càng tạo sự phẫn nộ. Tổng thống Thein Sein rất nhạy cảm về vấn đề này, khi ông quyết định cho ngừng dự án xây dựng đập thuỷ điện trên sông Irrawaddy (tháng 9/2011) và đang cố gắng đa dạng hoá quan hệ thương mại và điều chỉnh chính sách ngoại giao ra khỏi su hướng phụ thuộc vào Trung Quốc. Vừa qua Tổng thống Thei Sein đã đi thăm Ấn Độ trong khi bộ trưởng quốc phòng ông Min Aung Hlaing thăm Việt Nam

Chính quyền của Tổng thống Obama tuyên bố rằng châu Á – Thái Bình Dương hiện sẽ là ưu tiên mới của Mỹ và trong một cuộc chơi chiến lược đang được hình thành tại Đông Nam Á, Mỹ đang tăng cường quan hệ với đồng minh trước sự trỗi dậy của Trung Quốc. Nếu Mianma có tể ngả nhiều hơn về phương Tây, điều này sẽ là một phần thưởng lớn

Về phần mình, Trung Quốc đang tỏ ra cảnh giác. các phương tiện truyền thông nhà nước Trung Quốc đưa tin rất hạn chế trước khi bà Hillary Clinton tới Mianma đồng thời hạ thấp sự kình địch giữa Trung Quốc và Mỹ tại nước này. Tờ “Thời báo toàn cầu” với thiên hướng tư tưởng dân tộc chủ nghĩa đăng bình luận của một học giả bác bỏ việc các phương tiện truyền thông phương Tây nói rằng Trung Quốc đang tranh giành với Mỹ trong việc gây ảnh hưởng với Mianma

Tuy nhiên, cũng tờ báo này, một ngày trước đã bình luận rằng “phương Tây đã nắm lấy cơ hội để đẩy Mianma thân Bắc Kinh ra khỏi quỹ đạo của Trung Quốc”

Tuy nhiên, không thể để cho Mỹ muỗn làm gì thì làm, chon thời điểm đúng lúc, chỉ 3 ngày trước khi Ngoại trưởng Mỹ tới Mianma, Bộ trưởng Quốc phòng Mianma đã được Phó chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình, nhân vật được cho là sẽ kế vị chức chủ tịch nước từ ông Hồ Cẩm Đào, đón tiếp nồng nhiệt tại Bắc Kinh. Tại cuộc gặp này, hai bên đã tuyên bố “tăng cường quan hệ hợp tác đối tác chiến lược toàn diện” giữa hai nước

Cuối cùng, bài báo nhận định rằng Mianma đang đi nước đôi xem ai sẽ là người chiến thắng trong cuộc chơi mới này

Báo điện tử Liên hợp Buổi sáng của Xinhgapo ngày 8/12 đăng bài của bình luận viên Đài Truyền hình Vệ tinh Phượng Hoàng, học giả của Viện Brookings (Mỹ), Trịnh Hạo, cho biết Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã có chuyến thăm lịch sử tới Mianma. Đây là lần đầu tiên trong 50 năm qua một Ngoại trưởng Mỹ đặt chân lên đất Mianma

Do đó, chuyến thăm Mianma của bà Hillary không chỉ có ý nghĩa đặt dấu mốc trong quan hệ giữa Mỹ và Mianma, mà còn ảnh hưởng lớn tới sự phát triển trong tương lai của quan hệ Trung Quốc-Mianma cũng như quan hệ giữa ba nước Mỹ, Trung Quốc và Mianma. Rõ ràng, thông qua chuyến thăm ngắn ngủi và thiết thực của bà Hillary, quan hệ giữa Mỹ và Mianma bắt đầu tan băng, trạng thái đối địch về hình thái ý thức giữa hai nước cũng dần phát triển theo hướng “đối thoại và hợp tác”

Cải cách chính trị ỏ’ Mianma có tiến triển, tình trạng bị quốc tế cô lập của Mianma kết thúc


Cần phải chí ra rằng việc Ngoại trưởng Mỹ Hillary tới thăm Mianma có liên quan chặt chẽ tới những thay đổi về môi trường chính trị trong nước của Mianma. Sau khi Mianma tổ chức thành công bầu cử dân chủ đa đảng phái vào tháng 11 năm ngoái, màu sắc của chính quyền quân sự bắt đầu nhạt dần trên vũ đài chính trị, thay vào đó là chính quyền của “phái cải cách” có chủ trương ôn hòa và cởi mở

Sau khi Thein Sein nhậm chức Tổng thống, không khí chính trị ở Mianma đã có sự thay đổi rõ rệt, đặc biệt là trong việc thực hiện “Lộ trình cải cách dân chủ bảy điểm”, chủ yếu được thể hiện ở các mặt sau

Một là, trong đời sống chính trị, Mianma bắt đầu cho phép du nhập và chấp nhận quan điểm giá trị dân chủ, thúc đẩy cải cách dân chủ trong nước. Chính quyền Mianma chú trọng và tôn trọng hơn ý kiến của người dân, có thái độ cởi mở, bao dung chưa từng có đổi với các tố chức, chính đảng có truyền thống chống đối chính phủ

Ví dụ: Chính phủ Mianma đã dỡ bỏ lệnh giam lỏng lâu dài và tiến hành đối thoại với bà Aung San Suu Kyi; thả tù chính trị (đã tiến hành ba đợt)… Đồng thời, Chính phủ mới còn triển khai đối thoại với các thế lực theo chủ nghĩa li khai dân tộc ở các địa phương trong nước, thực hiện chính sách thiết thực, tích cực “tranh thủ, liên hợp, thỏa hiệp và hợp tác”, nỗ lực thực hiện hòa giải dân tộc ở trong nước. Các động thái này đều nhận được sự ghi nhận và ủng hộ của Trung Quốc, Mỹ cũng như cộng đồng quốc tế

Hai là, do thành tích nhân quyền của Mianma không được tốt, lại chịu sức ép và trừng phạt của các nước phương Tây trong thời gian dài, việc phát triển kinh tế dân sinh của Mianma bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Sau khi thành lập, chính phủ mới đã ra sức khởi xướng cải thiện dân sinh, nên càng cần tới sự giúp đỡ về kinh tế của phương Tây

Để đáp ứng yêu cầu của phương Tây, Chính phủ Mianma không thể không tiến hành cải cách dân chủ, dốc sức hóa giải các mâu thuẫn đối địch trong nước để sớm được phương Tây dỡ bỏ cấm vận. Rõ ràng, cách làm của Mianma là thiết thực và sáng suốt

Ba là, các thế lực chống đối ở Mianma luôn nhận được sự ủng hộ lớn của các nước phương Tây trong đó có Mỹ, cho nên sau tổng tuyển cử càng không ngừng gây sức ép đối với chính phủ dân cử, hối thúc việc thực hiện cam kết cải cách, thể hiện thái độ mềm dẻo mong muốn hợp tác với chính phủ, đồng thời tỏ rõ mong muốn giúp đỡ chính phủ mở rộng không gian quốc tế, kết thúc trạng thái bị cộng đồng quốc tế cô lập trong thời gian dài

Những bưóc đi thận trọng trong việc làm “tan băng” quan hệ giữa Mỹ và Mianma

Cho dù mong muốn tận dụng những sự thay đổi rõ rệt về môi trường chính trị ở nước này đế làm tan băng mối quan hệ căng thẳng trong thời gian dài với nước này, nhưng Mỹ không có ý để tiến trình này diễn ra quá nhanh nhằm tránh bị rơi vào cảnh tay trắng trong “canh bạc Mianma” với Trung Quốc

Khi gặp Tổng thống Thein Sein và bà Aung San Suu Kyi, Ngoại trưởng Mỹ Hillary một mặt tích cực khẳng định những tiến triển mà Chính phủ Mianma đạt đứợc trong việc thúc đấy cải cách dân chủ, mặt khác cũng hối thúc Mianma tiếp tục đẩy mạnh cải cách dân chủ

Đặc biệt, bà Hillary còn đưa ra danh sách cải cách toàn diện trong tương lai cho Mianma, gôm: đoạn tuyệt quan hệ hợp tác quân sự với Bắc Triều Tiên, thúc đẩy cải cách chính trị, trong đó có việc cho phép tất cả các chính đảng tham gia tranh cử, ngừng việc đàn áp nhân quyền đối với người thiểu số, nhanh chóng thực hiện hòa giải dân tộc; thả toàn bộ tù chính trị và thực thi cải cách thể chế tư pháp như cho phép tự do tụ tập, tự do ngôn luận…

Mỹ làm như vậy rõ ràng là muốn đóng vai trò then chốt trong việc dẫn dắt một quốc gia thực hiện giá trị dân chủ phổ biến. Tuy nhiên có thể khắng định sự nồng ấm trong quan hệ giữa Mỹ và Mianma không có nghĩa quan hệ giữa hai nước này lập tức có Sự thay đổi thực chất

Mỹ sẽ không dỡ bỏ toàn bộ cấm vận đối với Mianma, cũng không cung cấp cho Mianma viện trợ kinh tế quy mô lớn và càng không vội vàng kết đồng minh quân sự với nước này

Đối với Mianma, mong muốn lớn nhất của nước này là thông qua chuyến thăm lần này của bà Hillary để kết thúc trạng thái đối địch về hình thái ý thức giữa hai nước và nhận được những khoản viện trợ của Mỹ. Mianma trở lại với cộng đồng quốc tế, trước tiên phải được Mỹ thừa nhận

Nhưng cũng cần phai biết rằng nếu muốn nhận được sự đáp trả tương ứng, Mianma nhất định phải đưa ra cam kết chính trị đối với những kiến nghị của Mỹ trong việc tiếp tục thúc đấy tiến trình dân chủ, không loại trừ khả năng Mianma “chấp nhận hoàn toàn” yêu cầu của Mỹ. Trons đó, điều đáng chú ý nhất là trong các yêu cầu cua Mỹ có bao hàm việc đưa Mianma vào khung chiến lược chính trị và an ninh châu Á-Thái Bình Dương theo bố trí mới của Mỹ hay không

Quan hệ giữa Mỹ và Mianma đưọc cải thiện không ảnh hưỏug nhiều tới Trung Quốc

Đối với Trung Quốc, việc Mỹ và Mianma đến với nhau chỉ là vấn đề thời gian. Trung Quốc không cố ý và cũng không có sức đế ngăn chặn Mỹ và Mianma cải thiện quan hệ song phương. Nhưng điều làm Trung Quốc lo lắng là sự cải thiện’và phát triển trong quan hệ giữa Mỹ và Mianma có phải trả bằng cái giá là hy sinh quan hệ giữa Trung Quốc và Mianma hay không và liệu rằng những lợi ích của Trung Quốc tại Mianma có bị ảnh hưởng ?

Ngay trước chuyến thăm Mianma của Ngoại trưởng Mỹ Hillary, Chính phủ Mianma đã đơn phương ngừng một dự án hợp tác năng lượng quan trọng giữa Trung Quốc và Mianma – thủy điện Myitsone – khiến Trung Quốc thực sự cảm thấy có một mối đe dọa nào đó đang đến

Nhưng tác giả của bài viết này cho rằng mối lo lắng của Trung Quôc e rằng phần nhiều đến từ phía nhân dân. Chính phủ Trung Quốc không chỉ có thái độ lạc quan đối với sự ổn định cơ bản trong quan hệ với Mianma, mà còn nắm trong tay quyền chủ động trong những vấn đề giữ ổn định quan hệ hai nước

Ví dụ: Sau khi dự án thủy điện Myitsone bị ngừng lại, phía Mianma đã cử phó Tổng thống cấp tốc sang Bắc Kinh gặp Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo để giải thích. Thủ tướng Ôn Gia Bảo tỏ thái độ cứng rắn hy vọng phía Mianma thực hiện cam kết một cách thiết thực, tăng cường sự phối hợp và hiểu biết lẫn nhau, đảm bảo các hạng mục hợp tác song phương được thực thi thuận lợi

Trước đó không lâu, Mianma cũng cử tư lệnh lục quân tới thăm Trung Quốc, tuyên bố Mianma mong muốn duy trì tình hữu nghị truyền thống với Trung Quốc và tăng cường hợp tác giữa hai quân đội

Thẳng thắn mà nói, trong 61 năm qua kể từ khi Trung Quốc và Mianma thiết lập quan hệ ngoại giao, quan hệ hai nước về tổng thể phát triển ổn định, phía Mianma sẽ không và cũng không nên quên rằng vào thời khắc khó khăn nhất vì bị cộng đồng quốc tế trừng phạt, Chính phủ Trung Quốc đã cung cấp cho Mianma những khoản viện trợ kinh tế lớn. về điểm này, ngay cả bà A ung San Suu Kyi cũng nhiều lần bày tỏ sự cảm ơn đối với Trung Quốc.

Những thay đổi có thể xảy ra trong quan hệ giữa Trung Quốc và Mianma

Tác giả của bài viết cho rằng vấn đề mà Chính phủ Trung Quốc cần phải xem xét là sau khi có những thay đổi rõ rệt về hình thái ý thức, liệu Mianma sẽ có những điều chỉnh cần thiết đối với sự phát triển trong quan hệ tương lai giữa nước này và Trung Quốc hay không. Các giá trị dân chủ và những nhận thức về ý nguyện của người dân ở Mianma sẽ tiếp tục được làm sâu sắc hơn

Nhưng đối với Trung Quốc, nước này không có sự thay đổi trong lĩnh vực hình thái ý thức trong một thời gian tương đối dài. Cùng với những chuyển biến về giá trị dân chủ ở Mianma, khoảng cách về hình thái ý thức giữa Trung Quốc và Mianma có khả năng sẽ lan tới quan hệ song phương, và Mianma có thể sẽ xem xét lại tình hữu nghị truyền thống với Trung Quốc

Lý do rất đơn giản, tình cảm “bà con” trước đây giữa Trung Quốc và Mianma là sản phẩm ‘thời đại đặc thù giữa hai hước, chứ không phải được xác lập trên cở sở quan niệm giá trị dân chủ được thế giới thừa nhận

Trong quan hệ giữa Trung Quốc và Mianma, áp lực mà Mianma phải đối mặt lớn hơn Trung Quốc rất nhiều. Điều này chủ yêu thế hiện ở việc Mianma. Sẽ lựa chọn chính sách như thế nào: hoàn toàn ngả vê phương Tây hay vẫn dựa vào Trung Quốc như trước đây? Hoặc là Mianma sẽ thực hiện “chiến lược cân bằng”, lấy lòng cả hai bên? Tác giả cho rằng nhiều khả nắng Mianma đi theo lựa chọn thứ hai. Nguyên nhân là

Thứ nhất, Mianma không thỏa mãn với việc dựa vào Trung Quôc. Hơn nữa, Trung Quốc cũng không có năng lực để có thể làm cho các nước nhỏ, nước yếu, nước nghèo cảm thấy có thể dựa vào được. Trung Quốc chưa từng thực hiện chế độ thực dân ở bên ngoài, hiện nay càng không có khả năng này, do đó, không thể hy vọng nước khác dựa vào Trung Quốc lâu dài

Hơn nữa, đối với một số nước nhỏ, yếu, nghèo, việc dựa vào hai, ba nước lớn không phải là hiếm. Muốn đạt được lợi ích lớn nhất, việc Mianma lấy lòng nhiều phía là điều không thế tránh khỏi. Đương nhiên, một sự “cân bằng” tuyệt đối là không thể có, thực hiện “chiến lược cân băng” cũng có rủi ro lớn, chỉ mong Mianma nhận thức được điều này

Thứ hai, Mianma là nước láng giềng của Trung Quốc, vị trí địa lý quyết định Mianma không thề đoạn tuyệt với Trung Quốc. Đó là chưa nói đến việc Mianma vừa cần Trung Quốc ủng hộ Mianma trong các công việc quốc tế, vừa cần tới sự viện trợ kinh tế của Trung Quốc

Thứ ba, trong khung hợp tác khu vực, Trung Quốc và Mianma đã sớm triển khai các hình thức hợp tác, nếu Mianma trở mặt với Trung Quốc thì rất khó đề nói rằng Mianma sẽ tìm kiếm được bất cứ sự tốt đẹp nào trong khung hợp tác khu Vực. Ví dụ: Khu vực mậu dịch tự do phi thuế quan Trung Quốc- ASEAN (10+1) đã được khởi động và Mianma gặt hái được lợi ích không nhỏ từ đó

Theo thống kê chính thức của phía Mianma, chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2011, kim ngạch thương mại song phương giữa Trung Quốc và Mianma là 1,274 tỉ USD, chiếm 88,3% tổng kim ngạch biên mậu của Mianma, trong đó phía Mianma xuất siêu là 151 triệu USD, tương đương với 103,4% tổng mức xuất siêu biên mậu của nước này. Những con số đó cho thấy mức độ liên hệ kinh tế thương mại giữa Mianma và Trung Quốc vượt xa so với giữa Mianma và nước khác. Ngoài ra, trong tháng 12 này, Trung Quốc, Mianma, Thái Lan và Lào còn tiến hành tuần tra liên hợp trên sông Mê Công

Việc này cùng đặt Trung Quốc và Mianma vào cơ chế hợp tác an ninh khu vực Trong khi đó, hợp tác song phương, đa phương cụ thể giữa Mianma với Mỹ và các nước phương Tây khác vẫn còn chưa bắt đầu. Vì thế, Mianma cần phải thận trọng trong cách đối xử

Thứ tư, nếu tách khỏi Trung Quốc, Mianma sẽ đối mặt với những trở ngại lớn ở trong nước, đặc biệt là từ phía quân đội. Trên thực tế, trong việc xử lý quan hệ giữa Mianma và Mỹ, đã xuất hiện những tiếng nói khác nhau ở Mianma, giới chính trị và giới quân đội đều phải kiềm chế. Vì vậy, Chính quyền Thein Sein không thế cứ muốn là có thể đưa ra bất cứ quyết định nào đối với Trung Quốc

Thứ năm, giả định trong tương lai phe chống đối ở Mianma có thế giành chính quyền, bà Aung San Suu Kyi lên nắm quyền, cũng nhất định phải xem xét thận trọng việc bảo vệ quan hệ giữa Mianma và Trung Quốc

Hơn nữa, Chính phủ Mỹ cũng không phản đối Mianma và Trung Quốc phát triển quan hệ hợp tác, Mỹ từng công khai nói rằng không có ý mượn Mianma chống Trung Quốc. Do vậy, việc Mianma đoạn tuyệt quan hệ với Trung Quốc e rằng cũng không phù hợp với lợi ích lâu dài của Mỹ. Ví dụ: trong việc ngăn chặn hợp tác trong lĩnh vực công nghệ vũ khí hạt nhân giữa Mianma và Bắc Triều Tiên, Mỹ vẫn cần tới sự ủng hộ của Trung Quôc

Nói tóm lại, trong tương lai, giữa Trung Quốc, Mỹ và Mianma sẽ không xuất hiện cục diện “chân vạc”, nhưng nhất định sẽ có cạnh tranh theo kiểu “tam quốc diễn nghĩa”, vấn đề then chốt là Trung Quốc sẽ đưa ra phân tích và phán đoán có lý trí, chính xác như thế nào đối với tình hình mới, sẽ đưa ra sách lược đổi phó hữu hiệu nào với thách thức mới, chứ không phải cứ ngồi đó “buồn lo vô cớ” hoặc quá lo lắng về sách lược của nước khác

Indian Express
 
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thăm chính thức Myanmar
Tham dự Hội nghị Thượng đỉnh GMS 4​

Chinhphu.vn – Nhận lời mời của Tổng thống Myanmar Thein Sein, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Phu nhân và Đoàn cấp cao Chính phủ Việt Nam thăm chính thức Myanmar và tham dự Hội nghị Thượng đỉnh các nước Tiểu vùng Mekong lần thứ 4 (GMS 4) từ ngày 19-21/12

thudomyanmar.jpg

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thăm chính thức Myanmar và tham dự Hội nghị Thượng đỉnh các nước Tiểu vùng Mekong lần thứ 4 (GMS 4) từ ngày 19-21/12​

Tham gia Đoàn chính thức do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng dẫn đầu có: Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình; lãnh đạo các Bộ: Quốc phòng, Công an, Ngoại giao, Tài chính, Công Thương, Y tế…

Tăng cường hợp tác

Đây là chuyến thăm Myanmar đầu tiên của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng kể từ khi được bầu lại giữ chức Thủ tướng Chính phủ và là chuyến thăm Myanmar lần thứ 3 của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng kể từ năm 2007

Trong những năm qua, quan hệ hữu nghị truyền thống, hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam và Myanmar tiếp tục được củng cố và tăng cường. Hai bên duy trì thường xuyên trao đổi đoàn các cấp và tiếp xúc cấp cao

Hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư giữa hai nước tiếp tục trên đà phát triển. Kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam - Myanmar trong năm 2011 ước đạt 180 triệu USD, tăng 18,4% so với năm 2010, trong đó Việt Nam nhập khẩu 90 triệu USD hàng hóa từ Myanmar

Trong năm 2011, hai bên đã tổ chức thành công Hội chợ hàng Myanmar tại Việt Nam (1/2011) và Hội chợ hàng Việt Nam tại Myanmar (11/2011)

Về các cơ chế hợp tác, hai bên đã thiết lập Ủy ban Hỗn hợp về hợp tác kinh tế, văn hóa và khoa học kỹ thuật và tham khảo chính trị thường niên giữa Bộ Ngoại giao của hai nước

Ủy ban Hỗn hợp về hợp tác kinh tế, văn hóa và khoa học kỹ thuật Việt Nam – Myanmar đã họp được 7 kỳ. Tại kỳ họp gần đây nhất (tháng 11/2011), hai bên đã bàn nhiều biện pháp cụ thể nhằm thúc đẩy hợp tác về nông-lâm nghiệp, thủy sản, giao thông-vận tải, năng lượng, thông tin, y tế, văn hóa, giáo dục, du lịch…

Tham khảo chính trị thường niên giữa hai Bộ Ngoại giao đã tiến hành được 6 kỳ. Tại các kỳ họp, hai bên thường xuyên thông báo cho nhau về tình hình mỗi nước; trao đổi ý kiến về những biện pháp nhằm thúc đẩy hợp tác giữa hai nước, đặc biệt là việc thực hiện các thỏa thuận cấp cao

Hai bên còn hợp tác tốt trong khuôn khổ ASEAN, một số tổ chức quốc tế và khu vực như Tiểu vùng Mekong (GMS), Chiến lược phát triển kinh tế 3 dòng sông Ayayewady - Chao Phraya - Mekong (ACMECS), Hội nghị cấp cao Việt Nam-Campuchia-Lào-Myanmar (CLMV). Hai nước cũng có quan điểm gần gũi, thường xuyên phối hợp và ủng hộ nhau trên các diễn đàn quốc tế và khu vực

Trong chuyến thăm chính thức của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lần này, hai bên sẽ trao đổi các biện pháp thúc đẩy quan hệ hữu nghị, truyền thống và hợp tác nhiều mặt giữa hai nước; thúc đẩy triển khai các thỏa thuận đã đạt được giữa lãnh đạo cấp cao hai nước; giải quyết, tháo gỡ những khó khăn cho doanh nghiệp của hai nước khi tiếp cận thị trường của nhau...

Đồng thời, hai bên cũng sẽ trao đổi những biện pháp tăng cường phối hợp tại các diễn đàn khu vực và quốc tế

GMS - hướng tới một thập kỷ phát triển mới

Ngày 20/12, lãnh đạo 6 nước Tiểu vùng Mekong mở rộng là Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan, Việt Nam và Trung Quốc sẽ dự Hội nghị Thượng đỉnh GMS 4 tổ chức tại thủ đô Nay Pyi Taw của Myanmar

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ tham dự Hội nghị này

Hội nghị có chủ đề: “Hướng tới một thập kỷ mới về quan hệ đối tác phát triển chiến lược Tiểu vùng Mekong mở rộng”. Theo chương trình nghị sự, các nhà lãnh đạo GMS sẽ tập trung thảo luận về những biện pháp tăng cường hiệu quả hợp tác GMS, cách thức để các địa phương và khu vực tư nhân tham gia nhiều hơn và hiệu quả hơn vào thực hiện Khung chiến lược hợp tác mới GMS giai đoạn 2012 – 2022 và vấn đề huy động đầu tư khu vực tư nhân vào phát triển hành lang kinh tế

Trong khuôn khổ Hội nghị, các nhà lãnh đạo sẽ ký Tuyên bố Nay Pyi Taw và chứng kiến lễ ký các biên bản ghi nhớ về hợp tác phát triển hệ thống siêu xa lộ thông tin và ứng dụng trong khu vực GMS; việc thành lập Hiệp hội Vận tải GMS

Việt Nam là một thành viên tích cực của hợp tác kinh tế GMS và cũng đã hưởng thụ nhiều quyền lợi từ sáng kiến hợp tác này

Nguyễn Hoàng
 
Hướng tới một thập kỷ mới về quan hệ đối tác phát triển chiến lược GMS​

– Với chủ đề “Hướng tới một thập kỷ mới về quan hệ đối tác phát triển chiến lược GMS”, Hội nghị thượng đỉnh các nước tiểu vùng Mekong mở rộng lần thứ 4 đã kiểm điểm lại kết quả đạt được trong thời gian qua và đề ra định hướng cho hợp tác trong 10 năm tới

CacnhalanhdaocacnuoctieuvungsongMekongbamnutkhaimacHoinghi.jpg

Các nhà lãnh đạo các nước tiểu vùng Mekong tại lễ khai mạc Hội nghị​

Trong hai ngày 19 - 20/12, Hội nghị thượng đỉnh các nước tiểu vùng Mekong mở rộng lần thứ 4 (GMS – 4) được tổ chức tại Thủ đô Nay Pyi Taw, Myanmar dưới sự chủ trì của Ngài Thein Sein, Tổng thống Cộng hòa Liên bang Myanmar

Lãnh đạo của 6 nước tiểu vùng là Vương quốc Campuchia, Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào, Vương quốc Thái Lan, Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, Cộng hòa Liên bang Myanmar và Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam tham dự Hội nghị

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị

Các nhà lãnh đạo bày tỏ hài lòng về những kết quả đã đạt được trong việc triển khai các hoạt động và chương trình hợp tác của Khung Chiến lược hợp tác tiểu vùng GMS 2002 – 2012, nhất là trong các lĩnh vực hợp tác về giao thông, năng lượng, thông tin, thuận lợi hóa thương mại và đầu tư, nông nghiệp, du lịch, môi trường…

Trong trao đổi, các nhà lãnh đạo nhấn mạnh sử dụng và quản lý bền vững nguồn nước sông Mekong có ý nghĩa quyết định đối với sự phát triển chung của khu vực

Hội nghị đã thông qua Khung Chiến lược GMS giai đoạn 2012 – 2022 làm cơ sở và định hướng cho phát triển hợp tác kinh tế tiểu vùng. Các nhà lãnh đạo đã tập trung thảo luận về những nội dung quan trọng như chuyển đổi hành lang giao thông thành hành lang kinh tế; huy động nguồn lực thực hiện các hoạt động, chương trình dự án ưu tiên tiểu vùng; bảo vệ các nguồn tài nguyên thiên nhiên vì sự phát triển bền vững; huy động sự tham gia tích cực của các địa phương để hiện thực hóa các hành lang kinh tế

Hội nghị cũng đã thông qua Khung hợp tác giai đoạn 2 từ 2012 – 2016 của Chương trình Môi trường trọng điểm (CEP) – Sáng kiến hành lang bảo tồn đa dạng sinh học; Tầm nhìn mới và chiến lược chung cho Chương trình hỗ trợ nông nghiệp trọng tâm giai đoạn 2011 – 2015; và Chiến lược và Lộ trình của Du lịch GMS giai đoạn 2011 – 2015

_DSC7075.jpg

Tại Hội nghị, các nhà lãnh đạo các nước tiểu vùng Mekong nhấn mạnh sử dụng và quản lý bền vững nguồn nước sông Mekong có ý nghĩa quyết định đối với sự phát triển chung của khu vực​

Trong phát biểu khai mạc Hội nghị, Tổng thống Myanmar Thein Sein nhận định, trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế toàn cầu, các nước trong khu vực tiểu vùng vẫn duy trì ổn định, hợp tác kinh tế giữa các nước GMS phát triển tích cực

Tuy nhiên, các nước thành viên GMS cần nỗ lực hơn để đạt được mục tiêu dài hạn là thúc đẩy, tạo điều kiện thuận lợi cho hợp tác phát triển kinh tế cùng có lợi giữa các nước Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan, Việt Nam và hai tỉnh Vân Nam và Quảng Tây (Trung Quốc), đưa tiểu vùng Mekong mở rộng nhanh chóng trở thành vùng phát triển nhanh và thịnh vượng ở Đông Nam Á

Tổng thống Myanmar Thein Sein nhấn mạnh, với những thành công trong giai đoạn vừa qua, hợp tác GMS cần tập trung vào những sáng kiến cho giai đoạn kế tiếp, bao gồm các lĩnh vực đang đặt ra nhiều thách thức cho sự ổn định và phát triển của khu vực như biến đổi khí hậu, an ninh năng lượng, an ninh lương thực, phát triển nguồn nhân lực, khai thác bền vững các nguồn tài nguyên...

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng một lần nữa khẳng định sự ủng hộ mạnh mẽ của Việt Nam đối với Hợp tác Tiểu vùng Mekong mở rộng (GMS). Về định hướng tương lai, Thủ tướng nhấn mạnh sự cần thiết phải tăng cường huy động vốn đầu tư để phát triển cơ sở hạ tầng cũng như củng cố và hoàn thiện về mặt thể chế hợp tác tiểu vùng; thúc đẩy sự phối hợp giữa các bên liên quan từ trung ương đến địa phương, giữa chính phủ và khu vực tư nhân trong việc phát triển hành lang kinh tế

Thủ tướng cũng khẳng định, để phát triển hành lang kinh tế thành công, cần tăng cường năng lực của các nhà hoạch định chính sách, tăng cường phối hợp giữa các cơ quan trung ương và địa phương, phát triển các mạng lưới kết nối các vùng kinh tế với các hành lang nhằm thúc đẩy giao lưu thương mại và đầu tư

TTG.jpg

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đặc biệt nhấn mạnh yêu cầu sử dụng bền vững nguồn nước sông Mekong vì sự phát triển chung của khu vực​

Trong bối cảnh thiên tai lũ lụt xảy ra và gây hậu quả nặng nề đối với các nước tiểu vùng, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đặc biệt nhấn mạnh yêu cầu sử dụng bền vững nguồn nước sông Mekong vì sự phát triển chung của khu vực, trong đó có cả các nước thượng nguồn cũng như các nước hạ nguồn. Thủ tướng đề nghị, quản lý và sử dụng bền vững nguồn nước sông Mekong phải là một nội dung có ý nghĩa quyết định trong chiến lược hợp tác phát triển Tiểu vùng trong 10 năm tới

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng nhấn mạnh, để bảo đảm nguồn vốn cho các hoạt động hợp tác tiểu vùng, các chính phủ các nước GMS cần nỗ lực hơn nữa và có giải phát hữu hiệu để huy động vốn từ các tổ chức quốc tế, các đối tác phát triển cũng như bảo đảm sân chơi bình đẳng, môi trường kinh doanh hiệu quả và hoàn thiện khuôn khổ pháp lý để huy động vốn đầu tư của khu vực tư nhân

Các nhà lãnh đạo GMS đã chứng kiến ký kết 3 Biên bản ghi nhớ (MOU) giữa các nước GMS về Phối hợp hành động nhằm giảm thiểu tác động của HIV đối với đi lại của dân cư; Hợp tác phát triển hệ thống siêu xa lộ thông tin trong tiểu vùng GMS và Thành lập Hiệp hội Vận tải GMS (FRETA)

Kết thúc Hội nghị, các nhà lãnh đạo đã ra Tuyên bố chung “Sau năm 2012: Hướng tới một thập kỷ mới về quan hệ đối tác phát triển chiến lược GMS”, khẳng định quyết tâm của các bên cùng thúc đẩy hợp tác GMS, vượt qua thách thức và khó khăn, hướng tới một khu vực Mekong hội nhập, thịnh vượng, phát triển hài hòa và bền vững. Các nhà Lãnh đạo đã thống nhất Cấp cao GMS-5 sẽ tổ chức tại Thái Lan trong năm 2014

*Trong ngày 19/12/2011, Hội nghị Đầu tư và Kinh doanh GMS với sự tham gia của khoảng 150 đại diện các doanh nghiệp GMS đã được tổ chức bên lề Hội nghị Cấp cao GMS-4

Nguyễn Hoàng – Nhật Bắc
 
Việt Nam ủng hộ các ưu tiên hợp tác ngành và đa ngành theo
Khung chiến lược hợp tác GMS​

Chinhphu.vn – Phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh tiểu vùng Mekong mở rộng lần thứ 4 (Thủ đô Nay Pyi Taw, Myanmar, ngày 20/12) Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng khẳng định ủng hộ chủ đề của Hội nghị

“Hướng tới một thập kỷ mời về quan hệ đối tác phát triển chiến lược GMS” và nhấn mạnh những nội dung chính về Khung chiến lược Hợp tác mới GMS giai đoạn 2012-2022; về việc tăng cường huy động các nguồn lực trong GMS…

Về Khung chiến lược Hợp tác mới GMS giai đoạn 2012-2022, Việt Nam ủng hộ các ưu tiên hợp tác ngành và đa ngành theo Khung chiến lược hợp tác GMS giai đoạn 2012-2022; phát triển các hành lang giao thông trở thành các hành lang kinh tế để đạt được sự kết nối của tiểu vùng; đẩy nhanh tiến độ đầu tư hạ tầng cứng và hạ tầng mềm

Các nước GMS cần thúc đẩy sự phối hợp giữa các bên liên quan trong quá trình phát triển hành lang kinh tế như các cấp quản lý trung ương, địa phương, các nhà hoạch định chính sách, các thành phần kinh tế trong đó có doanh nghiệp tư nhân, cộng đồng dân cư trong tiểu vùng Mekong mở rộng

Chiến lược phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2011 - 2020 của Việt Nam đã khẳng định tầm quan trọng của hội nhập và hợp tác kinh tế quốc tế, đặc biệt là đối với các nước láng giềng. Việt Nam cũng cam kết tích cực đóng góp và chia sẻ lợi ích từ các sáng kiến hợp tác, trong đó có Chương trình hợp tác tiểu vùng Mekong mở rộng

Việt Nam nhận thức rằng việc hợp tác và liên kết vùng chặt chẽ sẽ góp phần nâng cao vai trò và năng lực cạnh tranh quốc gia; hạn chế các tác động tiêu cực từ bên ngoài, chia sẻ những bài học kinh nghiệm để hoạch địch các chính sách phù hợp đối với việc phát triển kinh tế xã hội của các nước GMS; nhất là chú trọng giải quyết các thách thức trong quá trình phát triển như: suy thoái môi trường, biến đổi khí hậu, dịch bệnh

Mấy năm gần đây, thiên tai lũ lụt xảy ra liên tiếp và gây ra hậu quả rất nặng nề ở khu vực, nhất là ở các nước Thái Lan, Lào, Campuchia và Việt Nam. Vì vậy, cần đặc biệt nhấn mạnh yêu cầu sử dụng bền vững nguồn nước Mekong vì sự phát triển chung của khu vực trong đó có cả các nước thượng nguồn cũng như các nước hạ nguồn

Theo đó, quản lý và sử dụng bền vững nguồn nước Mekong phải là một nội dung có ý nghĩa quyết định trong chiến lược hợp tác phát triển tiểu vùng trong 10 năm tới. Việt Nam rất hoan nghênh việc mới đây Thủ tướng các nước Lào, Campuchia, Thái Lan và Việt Nam thống nhất nghiên cứu khoa học, thận trọng và tổng thể về tác động đối với môi trường sống của các công trình trên dòng chính Mekong; hoan nghênh Thái lan đăng cai Hội nghị thế giới về nguồn nước trong năm tới

Việt Nam mong rằng Khung chiến lược hợp tác GMS giai đoạn 2012-2022 sẽ hỗ trợ các nước hơn nữa trong hội nhập và hợp tác khu vực, trong đó có hợp tác GMS, thực hiện các mục tiêu của Tầm nhìn GMS và kế hoạch đầu tư trong tiểu vùng Mekong mở rộng

Về việc tăng cường huy động các nguồn lực trong GMS, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng các nước GMS cần phải chủ động xây dựng và hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, tạo sân chơi bình đẳng và môi trường kinh doanh thuận lợi để thu hút và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực trong GMS, nhất là các nguồn lực của khu vực tư nhân; tăng cường sự hợp tác giữa các chính quyền địa phương và các doanh nghiệp giữa các nước GMS trong việc thúc đẩy đầu tư, thương mại, du lịch và các lĩnh vực kinh tế xã hội khác; tập trung nguồn lực cho các dự án ưu tiên của tiểu vùng; tăng cường tính sở hữu và sự tham gia trong chương trình GMS

Bên cạnh đó, các nước GMS cần nỗ lực hơn nữa và có các giải pháp hữu hiệu để huy động vốn từ các tổ chức đa phương và song phương

Việt Nam mong muốn Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tiếp tục là đối tác phát triển lớn của Việt Nam và các quốc gia trong GMS, là cầu nối để huy động nguồn lực, tư vấn chính sách và hỗ trợ để các nước GMS thực hiện thành công Khung chiến lược hợp tác GMS 2012-2022

Về tăng cường sự tham gia của các địa phương và khu vực tư nhân vào việc thực hiện Khung chiến lược mới và vai trò của đầu tư công đối với việc huy động đầu tư của khu vực tư nhân vào phát triển hành lang kinh tế, những bài học từ khủng hoảng nợ công ở nhiều quốc gia trên thế giới cho thấy, việc thu hút sự tham gia nhiều hơn của các địa phương và khu vực tư nhân để thúc đẩy thực hiện thành công Khung Chiến lược mới của GMS có vai trò hết sức quan trọng. Với tinh thần đó, Việt Nam đề nghị

Huy động chuyên gia và các bên liên quan ở các cấp tham gia nhiều hơn vào quá trình phát triển các hành lang kinh tế. Phải tăng cường năng lực và sự điều phối giữa các cơ quan trung ương và địa phương, giữa các cơ quan liên quan và các địa phương của các nước GMS. Các nhà hoạch định chính sách ở các nước GMS cũng cần phải hợp tác chặt chẽ và cùng chia sẻ quan điểm để cùng nhau biến ý tưởng của từng nước GMS thành ý tưởng chung của khu vực hướng vào mục tiêu phát triển bền vững

Chính phủ Việt Nam ủng hộ chủ trương phát triển các tuyến hành lang giao thông làm cơ sở để phát triển các tuyến hành lang kinh tế; phát triển các tuyến nhánh giao thông kết nối với các tuyến chính; phát triển các cực tăng trưởng tại các đô thị, thị trấn, địa điểm du lịch nằm trên tuyến hành lang

Như vậy, trong việc chuyển đổi hành lang giao thông thành hành lang kinh tế, chúng ta không chỉ chú trọng đầu tư toàn diện đối với hạ tầng cứng mà còn phải phát triển cả hạ tầng mềm; phát triển toàn diện và nâng cao khả năng cạnh tranh của các thành phố, đô thị dọc các hành lang kinh tế

Việt Nam trước mắt ưu tiên huy động vốn để tổ chức và thực hiện thành công các hành lang kinh tế mang tầm chiến lược quốc gia của Việt Nam trong GMS như hành lang kinh tế Đông Tây, hành lang kinh tế Bắc Nam, hành lang kinh tế phía Nam. Và để phát huy hiệu quả các hành lang kinh tế này, Việt Nam cho rằng cần có các chương trình phát triển các mạng lưới kết nối các vùng kinh tế với các hành lang này nhằm thúc đẩy hợp tác đầu tư, giao lưu thương mại giữa các nước trong khu vực cũng như giữa các vùng lân cận để tối đa hóa hiệu quả của chương trình

Ngoài ra, Việt Nam sẽ tiếp tục thực hiện các nội dung: Xây dựng mô hình cơ cấu tổ chức phù hợp nhằm đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ từ Trung ương đến địa phương trong quá trình nâng cao hiệu quả của Việt Nam trong hợp tác GMS, đặc biệt trong phát triển các hành lang kinh tế

Tăng cường xúc tiến đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp và nâng cao hiệu quả nguồn vốn đầu tư sang các nước GMS; đẩy mạnh hợp tác và phát triển của khu vực tư nhân thông qua việc cung cấp thông tin, đối thoại giữa khu vực công – tư, nghiên cứu tạo ra các ưu đãi tài chính và cơ sở hạ tầng cho khu vực này khi tham gia, thực hiện các sáng kiến trong khuôn khổ GMS
 
Đưa quan hệ hợp tác Việt Nam – Myanmar lên tầm cao mới​

– Việt Nam và Myanmar khẳng định quyết tâm đưa quan hệ hai nước lên một tầm cao mới, đi vào thực chất và có hiệu quả hơn, nhất trí tiếp tục dành ưu tiên cho 12 lĩnh vực đã nêu trong Tuyên bố chung giữa hai nước tháng 4/2010, phấn đấu đưa kim ngạch thương mại hai nước lên 500 triệu USD vào năm 2015

_DSC7183.jpg

Lễ đón chính thức Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng được tổ chức trọng thể sáng 21/12, tại Phủ Tổng thống, Thủ đô Nay Pyi Taw

Nhận lời mời của Tổng thống Cộng hòa Liên bang Myanmar Thein Sein, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng và Phu nhân cùng đoàn Đại biểu Chính phủ Việt Nam thăm chính thức Cộng hòa Liên bang Myanmar ngày 21/12 ngay sau khi tham dự Hội nghị Thượng đỉnh các nước Tiểu vùng Mekong mở rộng lần thứ 4 (GMS – 4)

Lễ đón chính thức Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng được tổ chức trọng thể sáng 21/12, tại Phủ Tổng thống, Thủ đô Nay Pyi Taw. Sau lễ đón chính thức, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã hội kiến riêng với Tổng thống Thein Sein và tiến hành Hội đàm giữa hai đoàn

Thay mặt Chính phủ và nhân dân Myanmar, Tổng thống Thein Sein nhiệt liệt chào mừng Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Phu nhân cùng Đoàn Đại biểu Chính phủ Việt Nam sang thăm chính thức Myanmar và tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Tiểu vùng Mekong mở rộng lần thứ tư (GMS-4); tin tưởng rằng chuyến thăm lần này của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ góp phần quan trọng vào việc củng cố và tăng cường hơn nữa mối quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt sẵn có giữa hai nước cũng như thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực kinh tế, đầu tư, du lịch, môi trường, y tế…giữa các nước trong Tiểu vùng Mekong mở rộng

_DSC7232.jpg

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng và Tổng thống Thein Sein duyệt đội danh dự​

Tổng thống Thein Sein chúc mừng những thành tựu to lớn trong sự nghiệp đổi mới, phát triển đất nước và hội nhập quốc tế của Việt Nam, cho rằng đó là mô hình phát triển tốt mà Myanmar có thể tham khảo để phát triển; đánh giá cao uy tín và vai trò của Việt Nam ở khu vực và cảm ơn Việt Nam đã luôn ủng hộ Myanmar tại các diễn đàn khu vực và quốc tế nhất là việc Myanmar đăng cai Chủ tịch ASEAN năm 2014

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bày tỏ vui mừng được trở lại thăm đất nước Myanmar và cảm ơn Tổng thống, Chính phủ và nhân dân Myanmar về sự đón tiếp trọng thị và lòng mến khách dành cho Đoàn; chúc mừng những thành tựu mọi mặt mà Myanmar đã đạt được, trong đổi mới, hòa hợp dân tộc, phát triển đất nước và hội nhập quốc tế

Hai bên đánh giá cao về những bước phát triển của quan hệ hợp tác nhiều mặt giữa hai nước trong thời gian qua và nhất trí cho rằng hai nước cần phát huy quan hệ hợp tác tin cậy sẵn có, khai thác các tiềm năng và tăng cường hơn nữa hợp tác về kinh tế, thương mại và đầu tư giữa hai nước

_DSC7313.jpg

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Tổng thống Thein Sein​

Trên tinh thần đó, hai bên khẳng định quyết tâm đưa quan hệ hai nước lên một tầm cao mới, đi vào thực chất và có hiệu quả hơn, nhất trí tiếp tục dành ưu tiên cho 12 lĩnh vực đã nêu trong Tuyên bố chung giữa hai nước tháng 4/2010, phấn đấu đưa kim ngạch thương mại hai nước lên 500 triệu USD vào năm 2015

Phía Myanmar khuyến khích và ủng hộ các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư vào các lĩnh vực nông nghiệp, trong đó có trồng lúa, cao su, nuôi trồng thủy sản, xây dựng các khu công nghiệp mới được thành lập, xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông, khách sạn, khai thác mỏ các loại và khí đốt ngoài khơi Myanmar

Theo đó lãnh đạo hai bên nhất trí giao cho các Bộ trưởng liên quan trao đổi, xây dựng các dự án hợp tác trong các lĩnh vực hai bên có nhiều tiềm năng, nhất là về phát triển nông nghiệp, giống cây trồng, cũng như nuôi trồng và chế biến thủy hải sản; đầu tư xây dựng các khu công nghiệp ở Myanmar, hợp tác đầu tư xây dựng cầu kết nối đường bộ giữa Myanmar-Lào-Việt Nam

_DSC7340.jpg

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hội kiến với Tổng thống Thein Sein​

Hai bên khẳng định tiếp tục phát huy các cơ chế hợp tác hiện có giữa hai nước như Uỷ ban Hỗn hợp về thương mại Việt Nam - Myanmar, Tham khảo chính trị thường niên giữa hai Bộ Ngoại giao, hợp tác giữa hai Thành phố Hồ Chí Minh và Yangoon, đồng thời thúc đẩy sự hợp tác trong các lĩnh vực khác như hàng không, du lịch, viễn thông, hợp tác về ngoại giao, an ninh, quốc phòng...

Nhân dịp này, Ủy ban về hợp tác và đầu tư Myanmar đã cấp (2) giấy phép về hợp tác đầu tư sản xuất dược phẩm và xây dựng khách sạn 5 sao cho các doanh nghiệp của Việt Nam

Hai bên cũng đã trao đổi ý kiến về các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm; khẳng định tiếp tục hợp tác chặt chẽ trong ASEAN, về các khuôn khổ hợp tác tiểu vùng như CLMV, ACMECS, GMS, EWEC


Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hội đàm với Tổng thống Thein Sein

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bày tỏ tin tưởng Myanmar sẽ đảm nhận thành công vai trò là Chủ tịch ASEAN năm 2014. Hai bên khẳng định tích cực đóng góp cho nỗ lực chung của ASEAN thực hiện thành công mục tiêu xây dựng Cộng đồng ASEAN đoàn kết, vững mạnh vào năm 2015

Hai bên khẳng định tầm quan trọng và nhất trí cùng phối hợp và hợp tác với các nước liên quan trong việc sử dụng bền vững nguồn nước sông Mekong; ủng hộ việc thực hiện nghiêm túc và đầy đủ Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), đồng thời phấn đấu cùng các nước ASEAN và Trung Quốc sớm xây dựng bộ Quy tắc ứng xử tại Biển Đông (COC), vì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải ở khu vực

Cuộc hội đàm đã diễn ra trong bầu không khí thắm tình hữu nghị, chân thành, hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chuyển lời thăm hỏi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tới Tổng thống Thein Sein và mời Tổng thống sang thăm Việt Nam

Tổng thống Thein Sein đã vui vẻ nhận lời mời, đồng thời chuyển lời mời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thăm chính thức Myanmar vào thời gian thích hợp

ChungkienkybienbanghinhohoptactronglinhvucNNvaPTNT.jpg

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Tổng thống Myanmar Thein Sein chứng kiến lãnh đạo các Bộ, ngành chức năng của 2 nước ký Bản ghi nhớ hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn​


Sau hội đàm, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Tổng thống Myanmar Thein Sein đã chứng kiến lãnh đạo các Bộ, ngành chức năng của 2 nước ký Bản ghi nhớ hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn và Bản ghi nhớ viện trợ kỹ thuật không hoàn lại trị giá 250.000 USD của BIDV cho Bộ Nông nghiệp và Thủy lợi Myanmar để hỗ trợ kỹ thuật và đào tạo về nông nghiệp giữa 2 nước

KyMOUvientrokythuatkohoanlaicuaBIDVchoBoNNvaThuyloiMyanmar.jpg

Ký kết bản ghi nhớ viện trợ kỹ thuật không hoàn lại của BIDV cho Bộ Nông nghiệp và Thủy lợi Myanmar​

*Trước đó, chiều 20/12, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng Tổng thống Myanmar Thein Sein đã đến thăm cánh đồng lúa thí nghiệm do Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Việt Trang (Viettranimex) và Công ty cổ phần Giống cây trồng Trung ương (Vinaseed) của Việt Nam triển khai tại Thủ đô Nay Pyi Taw, Myanmar

Cánh đồng lúa thí nghiệm này nằm trong trang trại hỗn hợp các giống cây trồng rộng 100ha, dưới sự quản lý trực tiếp của Bộ Nông nghiệp và Thủy lợi Myanmar và sự tham gia của 8 chuyên gia Việt Nam cùng nhân công Myanmar

Với sự thống nhất của lãnh đạo hai nước và sự hợp tác chặt chẽ của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam và Bộ Nông nghiệp và Thủy lợi Myanmar, hai bên đã tiến hành trồng thử nghiệm và đánh giá tiềm năng các loại giống lúa, rau, quả của Việt Nam trên đất Myanmar

Theo đó, 11 giống lúa của Việt Nam đã được đưa vào trồng thử nghiệm để sản xuất lương thực. Bên cạnh đó, ngô và các giống rau, củ, quả cũng được trồng thử nghiệm trước khi đi đưa vào triển khai đại trà trên khắp đất nước Myanmar

Theo ông U Kyaw Win, Tổng Vụ trưởng, Bộ Nông nghiệp và Thủy lợi Myanmar, Việt Nam là nước đi đầu và có nhiều thế mạnh trong các lĩnh vực sản xuất, xuất khẩu lúa gạo, cây ăn quả, chế biến thực phẩm

Myanmar mong muốn học tập kinh nghiệm và đẩy mạnh hợp tác với Việt Nam trong các lĩnh vực sản xuất lúa giống, gạo, mía đường, bông và một số cây công nghiệp, qua đó góp phần thiết thực vào sự phát triển quan hệ hữu nghị truyền thống, hợp tác nhiều mặt giữa hai nước Việt Nam – Myanmar


Nguyễn Hoàng – Nhật Bắc
 
Myanmar cấp phép đầu tư cho nhiều doanh nghiệp Việt Nam

Trong đó HAGL dự kiến đầu tư khoảng 300 triệu USD cho khu phức hợp trung tâm thương mại, khách sạn và căn hộ cho thuê trên diện tích 8ha tại Yangon theo hình thức BOT

Theo báo cáo của hiệp hội các nhà đầu tư Việt Nam vào Myanmar, các dự án của các doanh nghiệp Việt Nam bước đầu đã đạt những kết quả tích cực với việc ký kết và trao giấy phép trong các lĩnh vực nông nghiệp, dược phẩm, bất động sản, khai khoáng trong chuyến thăm chính thức Myanmar của Thủ tướng Chính phủ

26ea2_a187.jpg

Về lĩnh vực nông nghiệp: Liên doanh trong lĩnh vực sản xuất giống và kinh doanh nông nghiệp của công ty Viettranimex với đối tác là Công ty Sann Shwe Li Co .Ltd

Tổng mức đầu tư dự kiến 15 triệu USD, triển khai trên diện tích 10.000 ha tại Nay Pyi Taw. Hiện Viettranimex đang trồng trình diễn 12 giống lúa tại trang trại của Tổng thống và Công ty Sann Shwe li. Ruộng lúa thử nghiệm phát triển rất tốt, gây được tiếng vang lớn trong Chính phủ Myanmar và được Bạn đánh giá rất cao

Liên doanh đầu tư khu phức hợp dịch vụ nông nghiệp giữa Vinacapital, Công ty CP Bảo vệ Thực vật An Giang và Công ty Green Asia của Myanmar bao gồm trồng, cung cấp lúa giống, phân bón, thuốc trừ sâu, nhà máy xay sát lúa gạo (công suất có thể mở rộng đến 250 ,000 tấn), sản xuất bao bì, mì gói, sản xuất nông sản xuất khẩu… tại huyện East-Dagon, Yangon

Tổng mức đầu tư dự kiến 55 triệu USD được chia làm 3 giai đoạn; Giai đoạn 1 dự kiến 15 triệu USD bao gồm nhà máy xay xát gạo (công suất 100.000 tấn/năm) và hệ thống kho chứa, nhà máy sản xuất bao bì, mì gói và trang trại sản xuất lúa giống

Về lĩnh vực bất động sản: Dự án khu phức hợp trung tâm thương mại, khách sạn, căn hộ cho thuê cao cấp của Công ty CP Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) trên diện tích 8 ha tại Yangon; tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 300 triệu USD. Thực hiện theo hình thức BOT thời gian 60 năm

Về lĩnh vực sản xuất dược phẩm: Dự án liên doanh sản xuất dược phẩm giữa Tập đoàn ASV Pharma Corporation và Công ty Myanmar Entrepreneur Investment Group với tổng mức đầu tư ước tính 20 triệu USD tại Yangon, sản xuất các loại thuốc kháng sinh, thuốc tiêm và dịch truyền

Bên cạnh những dự án đã ký kết liên doanh được cấp phép, một số những dự án khác của các doanh nghiệp Việt Nam dự kiến cũng sẽ đạt được liên doanh và cấp phép trong thời gian tới với sự ủng hộ, hỗ trợ từ Chính phủ Myanmar như dự án khai thác đá marble của Simco Sông Đà, sản xuất mía đường, trồng và chế biến bông, nhà máy sản xuất bia, nước giải khát, nhà máy sản xuất xi măng; sản xuất thiết bị nội thất…

Theo đánh giá của ông Trần Bắc Hà – Chủ tịch AVIM, so với hơn 1 năm trước đây Chính phủ Myanmar có quyết tâm rất cao về việc sửa đổi cơ chế chính sách trong đầu tư nước ngoài với mục đích nhanh chóng đưa Myanmar trở thành một quốc gia có nền kinh tế thị trường phát triển

Myanmar có thiện chí, dành tình cảm chân thành và mong muốn thúc đẩy mạnh mẽ hợp tác kinh tế giữa Myanmar và Việt Nam đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp

AVIM cho rằng cần nhanh chóng thúc đẩy hoạt động đầu tư tập trung vào các lĩnh vực thế mạnh của Việt Nam và phía bạn quan tâm như lĩnh vực nông nghiệp, trồng cây công nghiệp (cao su, mía đường), cây nông sản…

Các doanh nghiệp và các nhà đầu tư Việt Nam cũng cần kiên trì bền bỉ trong việc thăm dò khảo sát và tăng cường hiểu biết, nắm vững, cập nhật sự thay đổi về cơ chế, chính sách và luật pháp Myanmar để chủ động trong quá trình đàm phán và hợp tác theo nguyên tắc an toàn, bền vững hai bên cùng có lợi với sự chân thành và thiện chí

Tin tưởng rằng với cơ hội và vận hội trong những năm tới, hợp tác kinh tế - du lịch - thương mại - đầu tư của Việt Nam vào Myanmar sẽ có bước đột phá hiệu quả
 
Last edited by a moderator:
Top