What's new
Vietnam - Điện Biên Phủ Kinh Tế

This is a sample guest message. Register a free account today to become a member! Once signed in, you'll be able to participate on this site by adding your own topics and posts, as well as connect with other members through your own private inbox!

Super Lobbyist Thein Sein

Tổng thư ký liên hiệp quốc thăm Myanmar
Theo Reuters, Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon ngày 29-4 đã có chuyến thăm bước ngoặt đến Myanmar nhằm khuyến khích chính phủ nước này tiếp tục chính sách cải cách. Đây là chuyến thăm đầu tiên của người đứng đầu LHQ tới Myanmar kể từ khi Myanmar thực hiện chính sách đổi mới mạnh mẽ cách đây 1 năm

Phát biểu trước chuyến đi, ông Ban Ki-moon nói: “Chúng ta chứng kiến Myanmar đang mở cửa lại với thế giới, một sự khởi đầu vẫn còn mong manh”. Ông Ban Ki-moon dự kiến gặp Tổng thống Myanmar Thien Sein vào ngày 30-4 cùng nhiều quan chức cấp cao khác của Myanmar, ông cũng sẽ thăm bang Shan, khu vực trọng điểm đang được LHQ tài trợ xóa sổ cây thuốc phiện

Gần đây LHQ ghi nhận Myanmar đã thực hiện tốt chiến dịch triệt phá loại cây này. TTK LHQ Ban Ki-moon cũng sẽ có bài phát biểu trước Quốc hội Myanmar. Trước đó, vào ngày 28-4, người đứng đầu chính sách đối ngoại EU, bà Catherine Ashton, cũng đã thăm Myanmar
 
Myanmar cấp hộ chiếu cho lãnh đạo đối lập​

Lãnh đạo phe đối lập tại Myanmar Aung San Suu Kyi đã nhận được cuốn hộ chiếu đầu tiên trong 24 năm, trước chuyến công du nước ngoài hiếm hoi tới Na Uy và Anh

Một trợ lý của bà Aung San Suu Kyi là Htin Kyaw cho biết, hộ chiếu do Bộ Nội vụ Myanmar cung cấp

Bà Aung San Suu Kyi đã nộp đơn xin cấp hộ chiếu sau những thay đổi chính trị gần đây tại Myanmar. Cũng trong làn sóng cải cách này, bà đã tham gia và trúng cử vào quốc hội khóa mới ở quốc gia Đông Nam Á. Đảng của bà - Liên minh Quốc gia vì Dân chủ đã giành 43 ghế trong cuộc bầu cử tháng 4 vừa qua

Hộ chiếu của bà Suu Kyi có giá trị ba năm. Bà chưa từng sở hữu hộ chiếu lần nào kể từ khi rời Anh trở về Myanmar năm 1988. Sau khi trở thành lãnh đạo phong trào ủng hộ dân chủ ở nước này, Suu Kyi bị quản thúc tại gia nhiều năm dưới chế độ quân sự cầm quyền. Chính vì vậy, bà không được tham dự lễ trao giải Nobel hòa bình năm 1991 tại Na Uy. Hiện bà có kế hoạch thăm Na Uy vào tháng 6

Trong đôi lúc được tự do, bà Suu Kyi đã từ chối những cơ hội ra nước ngoài vì sợ không được chấp thuận trở lại Myanmar và cũng không tới thăm người chồng tại Anh Michael Aris trước khi ông mất năm 1999. Lần cuối cùng họ gặp là năm 1995, sau đó, chính quyền quân sự Myanmar từ chối cấp thị thực cho chồng bà Suu Kyi

Kể từ khi được tự do năm 2010, nhiều chính phủ nước ngoài đã mời lãnh đạo phe đối lập tới thăm. Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon cũng đã mời bà Suu Kyi tới thăm trụ sở LHQ ở New York, nơi bà từng làm việc

Trong chuyến thăm ngắn ngủi ở Myanmar hồi tháng 4, Thủ tướng Anh David Cameron đã mời bà Suu Kyi tới thăm Anh và nói rằng, sẽ là dấu mốc quan trọng nếu bà rời khỏi Myanmar và được phép trở lại thực hiện nhiệm vụ của mình như một nhà lập pháp

Ông Cameron công khai đề nghị bà tới thăm Anh tháng 6 để nhìn thấy "Oxford thân yêu" nơi bà từng theo học những năm 1970. Bà Aung San Suu Kyi đã trả lời: "Cách đây hai năm, tôi sẽ nói cám ơn vì lời mời nhưng tôi không thể. Nhưng giờ đây tôi nói có lẽ sẽ tới, và đó là tiến bộ lớn"

Myanmar đang theo đuổi những thay đổi bước ngoặt nhằm thay đổi hình ảnh đất nước và thu hút sự đầu tư nước ngoài sau năm thập niên dưới sự lãnh đạo quân sự cứng rắn. Những cải cách bao gồm cả các biện pháp bất ngờ trong vài tháng qua như phóng thích tù chính trị, dỡ bỏ các hạn chế với Internet và mở cửa kinh tế cho đầu tư nước ngoài...

Cộng đồng quốc tế, đặc biệt là các nước phát triển gần đây đã có những phản ứng tích cực trước những nỗ lực cải cách chính trị, kinh tế, xã hội của Myanmar. Nhật Bản cho biết sẽ từng bước xóa khoản nợ 3,7 tỉ USD và nối lại các cam kết viện trợ phát triển để ủng hộ cải cách dân chủ và kinh tế của Myanmar

Mỹ đã bổ nhiệm đại sứ đầu tiên tại Myanmar sau 22 năm và tuyên bố đang từng bước nới lỏng các hạn chế tài chính với quốc gia này. Australia cũng sẽ gỡ bỏ lệnh trừng phạt đối với Tổng thống Myanmar cùng hơn 200 người nữa đang bị cấm vận về di chuyển và tài chính

Liên minh châu Âu gần đây cũng đã quyết định ngừng các biện pháp cấm vận đối với Myanmar trong vòng một năm, trừ cấm vận vũ khí. Theo phụ trách chính sách đối ngoại EU Catherine Ashton, mục tiêu của khối là ủng hộ những tiến bộ “không thể đảo ngược” ở quốc gia Đông Nam Á. Động thái này chắc chắn mở đường cho các doanh nghiệp nước ngoài tới đây hoạt động
 
Miến Điện cam kết tăng tự do báo chí​

120511113442_burma_464x261_burma_nocredit.jpg

Miến Điện tiếp tục thay đổi sau cuộc bầu cử đa đảng​

Chính quyền Miến Điện cam kết tăng tự do báo chí còn Tổng thống Thein Sein mở trang web để kết nối với dân

Trang Myanmar Times hôm 7/5 vừa qua có bài nói “Chính quyền cam kết tăng thêm tự do báo chí” nhân dịp Liên Hiệp Quốc và cộng đồng truyền thông quốc tế tổ chức lễ về tự do ngôn luận

Lần đầu tiên trong tuần qua, Ngày Tự do Báo chí Thế giới (World Press Freedom) được tổ chức tại Liên bang Myanmar, nơi kiểm soát truyền thông được nới lỏng cùng cải tổ chính trị trong một năm qua

Tại buổi lễ hôm 3/5 ở khách sạn Strand tại Rangoon, UNESCO, đại diện chính phủ Miến Điện và các nhà báo quốc tế đã thảo luận về vai trò của truyền thông trong quá trình chuyển đổi sang dân chủ ở quốc gia Đông Nam Á này

Báo chí và nhân quyền

Thứ trưởng Miến Điện, ông U Soe Win cũng phát biểu tại ngày lễ 3/5 nói rằng truyền thông có vai trò không thể thiếu để xây dựng quốc gia, và đảm bảo để công dân thực hiện các quyền ghi trong Hiến pháp 2008

Ông U Soe Win cho hay một bản dự thảo luật xuất bản đang thu nhận ý kiến từ UNESCO, các nhà báo và công tố viện để tăng chất lượng cho nền báo chí Miến Điện

Thay mặt chính phủ, ông nói:

“Chúng ta cần tự do báo chí nhưng cũng phải thừa nhận rằng quyền của từng công dân được nhận thông tin đa dạng, các ý tưởng khác nhau là một phần của nhân quyền”

120316034032_thein_sein_304x171_reuters_nocredit.jpg

Tổng thống Thein Sein mở trang web để kết nối với dân​

Tuần này, theo BBC Tiếng Miến Điện ở London, dư luận nước này quan tâm đến tin rằng Tổng thống Thein Sein đã có Bấm trang web để kết nối với người dân

Tuy các biến đổi về báo chí tại Miến Điện được cộng đồng quốc tế ghi nhận, truyền thông đối lập Miến Điện vẫn cảnh báo về vai trò của cơ quan kiểm duyệt

Theo bài trên trang Irrawaddy đóng ở Thái Lan hôm 8/5, Cục Giám sát và Đăng ký Báo chí (PSRD) của chính quyền Miến Điện vừa buộc hai nhà báo của tờ Myanmar Post phải ký giấy tuân thủ quy định của họ trong việc đưa tin về Phó Tổng thống Tin Aung Myint Oo

Ban biên tập của tuần báo Venus News đóng tại Rangoon cũng nói họ bị Cục Giám sát buộc không cho đăng bài tương tự

Tin về vụ từ chức của Tin Aung Myint Oo là tin nóng thời gian qua ở Miến Điện và tờ Myanmar Post đã chạy tin ông ta phải từ nhiệm vì lý do sức khoẻ

Gần đây, các tiến triển ở Miến Điện cũng đặt ra sự so sánh nước này với Việt Nam về tự do báo chí
 
Myanmar kêu gọi kiều dân quay về​

Tổng thống Myanmar Thein Sein vừa kêu gọi hàng triệu kiều dân, từng rời khỏi nước này, quay về quê hương và cam kết sẽ hỗ trợ họ trong việc làm ăn, theo báo New Light of Myanmar ngày 12.5

Việc quá nhiều người rời khỏi Myanmar dưới thời chính quyền quân sự khiến nước này rơi vào tình trạng thiếu nhân lực có trình độ để tham gia công cuộc cải cách đang diễn ra. Tờ báo dẫn lời ông Thein Sein nhấn mạnh rằng những công dân Myanmar sống ở nước ngoài đều được chào đón trở về và “chính quyền sẽ hỗ trợ để họ sinh sống thuận lợi”

Cùng ngày, báo Voice Weekly đưa tin nội bộ đảng Liên minh phát triển và đoàn kết (USDP) đang cầm quyền cũng tiến hành cải cách theo hướng dân chủ

Theo đó, USDP sẽ bỏ phiếu bầu các thành viên ban chấp hành cấp phường, thị trấn, vùng hoặc cấp bang, còn thành viên ban điều hành trung ương sẽ được bầu trong đại hội đảng toàn quốc
 
Tổng thống Hàn Quốc thăm Myanmar sau ba thập kỷ​

Ông Lee Myung-bak hôm qua tới Myanmar trong chuyến thăm đầu tiên của một nhà lãnh đạo Hàn Quốc, kể từ sau vụ Triều Tiên bị cáo buộc tìm cách ám sát một người tiền nhiệm của ông ở Yangoon năm 1983

leemyungbak1.jpg

Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak​

Tổng thống Lee tới thủ đô Naypyidaw để gặp và dùng bữa tối cùng với người đồng cấp chủ nhà Thein Sein, AFP dẫn lời các quan chức Myanmar cho hay. Ông chủ Nhà Xanh có chuyến thăm hai ngày tại quốc gia Đông Nam Á, với mục đích thúc đẩy các mối quan hệ kinh tế và khuyến khích những cải cách chính trị gần đây của nước này

562098_444670015548027_100000150984325_1889027_2143684812_n.jpg

Ông Lee ngày mai dự kiến tới thủ đô cũ Yangoon để thăm Đài tưởng niệm các liệt sĩ, nơi cựu tổng thống Hàn Quốc Chun Doo-hwan từng thoát chết trong gang tấc khi các đặc vụ Triều Tiên bị cáo buộc định ám sát ông năm 1983 bằng cách gài bom. Vụ nổ này cướp đi sinh mạng của 17 người Hàn Quốc, bao gồm ba bộ trưởng nội các của Tổng thống Chun cùng 4 công dân Myanmar

An ninh được thắt chặt ngay trước chuyến thăm của ông Lee. Một quan chức Myanmar giấu tên cho biết Hàn quốc rất quan tâm tới vấn đề an ninh vì những gì từng xảy ra trong quá khứ. Chuyến thăm của tổng thống Lee chỉ được thông báo vài giờ trước khi ông tới Myanmar

Văn phòng tổng thống Hàn Quốc cho biết nhà lãnh đạo nước này sẽ trao đổi việc mở rộng hợp tác trong lĩnh vực phát triển tài nguyên và năng lượng, cũng như nhiều vấn đề khác trong cuộc gặp với Tổng thống Thein Sein. Chuyến thăm của ông Lee cũng được kỳ vọng sẽ góp phần vào những nỗ lực của cộng đồng quốc tế nhằm ủng hộ những nỗ lực gần đây của Myanmar trong việc mở cửa và cải cách
 
Myanmar ngừng hợp tác quân sự với Triều Tiên​

Myanmar sẽ chấm dứt hoạt động mua bán vũ khí từ Triều Tiên, vốn kéo dài suốt 20 năm qua, nhằm tuân thủ nghiêm túc lệnh cấm vận vũ khí của Liên Hợp Quốc

Cam kết được Tổng thống Myanmar Thein Sein đưa ra trong cuộc gặp với người đồng cấp phía Hàn Quốc, ông Lee Myung-bak hôm 14/5, nhằm tuân thủ Nghị quyết 1874 của Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc - Nghị quyết cấm tất cả giao dịch liên quan đến vũ khí với Triều Tiên

Các chuyên gia phân tích, phát biểu này có thể hiểu là Naypyidaw sẽ ngừng hợp tác quân sự với Bình Nhưỡng

Chuyến thăm Myanmar của ông Lee Myung-bak là chuyến thăm đầu tiên của một Tổng thống Hàn Quốc kể từ khi các binh sĩ đặc nhiệm Triều Tiên tiến hành vụ đánh bom đẫm máu nhằm ám sát tổng thống Hàn Quốc vào năm 1983

Sau vụ tấn công năm 1983, trước sức ép từ cộng đồng quốc tế, Myanmar cắt đứt quan hệ ngoại giao với Triều Tiên nhưng đã nối lại vào năm 2007 nhằm tìm kiếm đồng minh trong bối cảnh phương Tây áp đặt các lệnh trừng phạt cấm vận lên nước này, với lý do vi phạm nhân quyền và không thành lập một chính phủ dân chủ

Trong giai đoạn trên, Myanmar đã tiến hành nhập nhiều loại khí tài quân sự từ Triều Tiên, thậm chí Yangon từng bị nghi ngờ nhận công nghệ hạt nhân từ Bình Nhưỡng

Liên quan đến vấn đề này, ông Thein Sein cho biết, nước này đã có ý định mua lò phản ứng thử nghiệm và nghiên cứu với công suất 10 Megawatt của Nga nhưng "hủy bỏ vào phút cuối" do bị cộng đồng quốc tế nghi ngờ dùng để phát triển vũ khí hạt nhân

Tổng thống Hàn Quốc cũng bày tỏ hy vọng Chính phủ Myanmar “sẽ kiềm chế bất kỳ hoạt động nào” với Triều Tiên có thể vi phạm các nghị quyết của Liên Hợp Quốc
 
Hoa Kỳ nới lỏng trừng phạt Miến Điện​


120517224653__60316777_014764284-1.jpg

Hoa Kỳ nới lỏng cấm vận với Miến Điện và cam kết sẽ đẩy mạnh đầu tư và giao thương nghiêm túc

Hoa Kỳ đã nới lỏng một số biện pháp trừng phạt về đầu tư và quan hệ với Miến Điện nhằm đáp lại cuộc cải cách chính trị ở nước này

Tuy nhiên, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton cho biết những đạo luật rộng lớn hơn về trừng phạt đối với Miến Điện sẽ vẫn duy trì để năng ngừa việc cải cách bị "lật ngược" trởl ại

Các hạn chế về đầu tư đã được nới lỏng và vị đại sứ Mỹ đầu tiên trong 22 năm ở Miến Điện đã được công bố

Động thái này theo bước cuộc cải cách dân chủ có giới hạn tại Miến Điện.
Một chính phủ dân sự trên danh nghĩa đã được bầu vào năm 2010 và trong tháng Tư năm nay, các chính trị gia đã gia nhập Quốc hội sau các cuộc bầu cử lịch sử

Tuy nhiên, chính phủ vẫn chịu sự thống trị số đông bởi quân đội và nhiều quan ngại về đàn áp chính trị và vi phạm nhân quyền vẫn tiếp tục

Mở rộng cơ hội

"Chúng tôi sẽ vẫn giữ các quy định của pháp luật có liên quan như chính sách bảo hiểm, nhưng mục tiêu của và cam kết của chúng tôi là càng mở rộng càng sớm càng tốt kinh doanh và các cơ hội đầu tư"
Ngoại trưởng Mỹ Clinton


Sau khi gặp ngoại trưởng Miến Điện, Wunna Maung Lwin, bà Clinton phát biểu tại một cuộc họp báo chung: "Hôm nay chúng ta nói với các doanh nghiệp Mỹ hãy đầu tư vào Miến Điện, và làm điều đó một cách có trách nhiệm"

"Chúng tôi sẽ vẫn giữ các quy định của pháp luật có liên quan như một chính sách bảo hiểm, nhưng mục tiêu của chúng tôi và cam kết của chúng tôi là để di chuyển động càng nhanh càng tốt để mở rộng kinh doanh và các cơ hội đầu tư", bà nói

Bà ngoại trưởng nói rằng Derek Mitchell, điều phối viên về chính sách về Miến Điện của Bộ Ngoại giao, sẽ được đề cử để trở thành Đại sứ Hoa Kỳ tại quốc gia Nam Á

Trước đó, đưa ra lưu ý cảnh báo trước Quốc hội, Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama nói chính quyền "tiếp tục gây những quan ngại, bao gồm viễn vẫn giữ các tù nhân chính trị còn lại, xung đột đang diễn ra và lạm dụng nhân quyền nghiêm trọng ở các vùng dân tộc"

Liên minh châu Âu đã đình chỉ hầu hết các biện pháp trừng phạt Miến Điện, một động thái được lãnh tụ dân chủ Aung San Suu Kyi hoan nghênh. Cả Mỹ và EU đều giữ nguyên cấm vận về vũ khí

Bà Suu Kyi gần đây đã được thả tự do sau khi bị quản thúc tại gia và đã lãnh đạo Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ giành được 43 ghế trong cuộc bầu cử Quốc hội bổ sung hồi tháng trước

Mặc dù chiến thắng trong cuộc bầu cử này, các chính trị gia đối lập sẽ vẫn còn rất thiểu số ở trong quốc hội. Một phần tư số ghế được dành riêng cho phe quân đội và phần đa số do những người khác của đảng cầm quyền được quân đội hậu thuẫn nắm giữ

Tuy nhiên, các quan sát nói sự hiện diện của phe đối lập trong Quốc hội đánh dấu một bước quan trọng trong lộ trình di hướng tới dân chủ của Miến Điện
 
Mở cửa kinh tế và những hệ lụy xã hội​

Trong bài “Myanmar mở cửa kinh tế không phải không có rủi ro”, báo Pháp La Croix viết sau những chuyển biến chính trị sẽ là mở cửa kinh tế và đất nước Myanmar sắp trở thành một công trường xây dựng lớn. Quá trình mở cửa kinh tế tất yếu sẽ dẫn đến những hệ lụy về mặt xã hội

Bài báo đưa người đọc đến miền Nam Myanmar, nơi có khu công nghiệp Dawei đang bắt đầu được xây dựng với sự đầu tư của tập đoàn ITD của Thái Lan. Chính quyền Myanmar có tham vọng đây sẽ là khu công nghiệp lớn nhất Đông Nam Á

Tổ hợp công nghiệp này sẽ nằm trên một diện tích rộng 250 km2 dọc bờ biển tỉnh Andaman và cách thành phố Dawei vài cây số. Tại đây sẽ mọc lên các nhà máy lọc dầu, sản xuất phân bón, bột giấy và cán thép…

Ngay từ khi khởi công, nhiều vấn đề đã nảy sinh. Chính quyền bị phê phán chạy theo mục đích kinh tế, không tôn trọng quyền lợi của người dân sống trong vùng. Người dân sống trong vùng vốn từ xưa đến nay chỉ làm nông nghiệp. Nay đất đai bị lấy làm khu công nghiệp, họ không còn biết làm gì để sinh sống. Mặc dù chính quyền nói sẽ tạo công ăn việc làm cho người dân, nhưng cũng không mấy người được tuyển vào làm việc tại các công trường xây dựng

Theo La Croix, Thái Lan là nước được hưởng lợi nhiều nhất từ Khu công nghiệp Dawei. Vương quốc láng giềng này sẽ có thể nhập cảng hàng hóa, khí đốt từ châu Phi hay Trung Đông về qua cảng nước sâu Dawei mà không phải đi vòng qua Eo biển Malacca

Tại Mayingyi, nơi có công trường xây dựng cảng nước sâu, cư dân sống trong vùng không muốn trở thành nạn nhân của sự cất cánh kinh tế và từ chối không chịu nhượng lại đất đai của mình cho nhà thầu Thái Lan ITD. Bao năm nay vẫn sống bình yên với các công việc nhà nông như thu hoạch mủ cao su, hạt điều hay dừa…, giờ đây họ đang phải chuẩn bị khăn gói ra đi. Một số bắt đầu thương lượng để được đền bù thỏa đáng

Không ít người dân đã bắt đầu phẫn nộ với thái độ thô bạo của nhà thầu Thái lan ITD và chính quyền địa phương. Ông Khun Than, 48 tuổi, một nông dân ở Mayingyi, cho biết: “Người ta nói với chúng tôi hãy bán đất với giá như bây giờ đi, nếu không các vị sẽ chẳng được gì hết khi chính quyền tiến hành trưng thu”

Theo La Croix, người dân trong khu công nghiệp vẫn còn một hy vọng vọng mong manh giữ được đất, đó là nhà thầu ITD dường như không có đủ khả năng tài chính cho một dự án quy mô lớn như vậy. Mặt khác, dưới chế độ hiện nay người dân địa phương ở Dawei có quyền bày tỏ sự phản đối dự án này bằng nhiều cách khác nhau
 
Thủ tướng tiếp Đoàn đại biểu vùng Yangon, Myanmar​

– Chiều 27/5, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tiếp ông Myint Swe, Thủ hiến vùng Yangon và Đoàn đại biểu vùng Yangon, Myanmar đang có chuyến thăm nước ta

DSC_9115JPGmyanma.jpg

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tiếp ông Myint Swe, Thủ hiến vùng Yangon, Myanmar​

Tại buổi tiếp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao chuyến thăm của Thủ hiến vùng Yangon đến Việt Nam và cho rằng chuyến thăm sẽ góp phần tích cực thúc đẩy quan hệ hợp tác nhiều mặt giữa hai nước

Nhấn mạnh tiềm năng hợp tác giữa Việt Nam và Myanmar còn rất lớn, nhất là trên lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư, Thủ tướng cho rằng hai bên cần đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến, khai thác tốt hơn nữa tiềm năng, lợi thế của mỗi nước để phục vụ cho quá trình hợp tác và phát triển, đóng góp vào xây dựng Cộng đồng ASEAN ngày càng vững mạnh

Hoan nghênh vùng Yangon tăng cường thúc đẩy hợp tác với các địa phương của Việt Nam, nhất là thúc đẩy doanh nghiệp hai nước hợp tác trong lĩnh vực đầu tư, thương mại, du lịch, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết, Chính phủ Việt Nam sẽ chỉ đạo các Bộ, ngành phối hợp với các cơ quan chức năng của Myanmar tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư tại Yangon trong tháng 6 tới, Thủ tướng cũng đồng thời đề nghị chính quyền Yangoon tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp Việt Nam tăng cường đầu tư trên địa bàn

Về phía mình, ông Myint Swe cho biết mục đích chuyến thăm Việt Nam của đoàn đại biểu vùng Yangon là nhằm triển khai các thỏa thuận mà lãnh đạo cấp cao hai nước đã thống nhất, đặc biệt là 12 thỏa thuận trong chuyến thăm của Tổng thống Thein Sein tới Việt Nam vừa qua

Đánh giá cao các Hiệp định về hợp tác đầu tư giữa hai nước, ông Myint Swe khẳng định, ủng hộ và khuyến khích các doanh nghiệp Việt Nam sang đầu tư tại vùng Yangon cũng như thúc đẩy thương mại giữa hai bên

Ông Myint Swe bày tỏ mong muốn các địa phương của Việt Nam tăng cường thúc đẩy quan hệ hợp tác với vùng Yangon, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp, năng lượng, khai thác khoáng sản

Nguyễn Hoàng
 
Vén màn bí mật về chủ trương cải tổ ở Myanmar​

Về sự thay đổi đột ngột của chính quyền Myanmar, báo Pháp Le Figaro trích dẫn tài liệu đóng dấu “bí mật quốc phòng” được phác thảo từ năm 2003

Theo Le Figaro, chính sách cải tổ của Tổng thống Thein Sein thật ra là một sự cân bằng về địa chính trị và nằm trong một chiến lược được phác thảo từ năm 2003. Tài liệu của Học viện quân sự Maymyo là bằng chứng cho thấy có cả một chiến lược nhằm cải thiện quan hệ với Mỹ

Dưới tựa đề “Nghiên cứu quan hệ Mỹ-Myanmar”, tài liệu 346 trang nêu chi tiết chiến lược khôn khéo để “bãi bỏ các biện pháp trừng phạt” và “tiếp cận tín dụng của Ngân hàng Thế giới, Quỹ Tiền tệ Quốc tế và những định chế tài chính khác”

Tác giả, theo bài báo đăng trên Le Figaro, là một trung tá bí ẩn mang tên Aung Kyaw Hla - có lẽ đây là bí danh của một cố vấn - đi từ giả định là sự lệ thuộc vào Trung Quốc “tạo căng thẳng quốc gia” , gây “nguy hại cho nền độc lập của đất nước”. Ông này khuyến nghị “Myanmar phải bình thường hóa quan hệ với phương Tây”

Tài liệu này nói nhiều đến bà Aung San Suu Kyi, người mà không ai được nêu tên trước mặt Thống tướng Than Shwe

Bà Aung San Suu Kyi tham dự Diễn đàn WEF ở Bangkok. Ảnh: DPA. Lúc tài liệu trên được soạn thảo, bà Aung San Suu Kyi đang bị quản thúc lần thứ 3. Trong tài liệu có đoạn viết bà Aung San Suu Kyi là “quan tâm chủ yếu của Mỹ” và “sức ép gia tăng mỗi khi bà bị giam cầm”. Tài liệu đánh giá, “việc trả tự do cho bà sẽ cải thiện quan hệ với phương Tây”

Thế nhưng điều đáng ngại, theo bài báo trên Le Figaro, là tài liệu nói trên còn nêu mục tiêu tối hậu là “dẹp bỏ đối lập”

Theo Le Figaro, dù bà Aung San Suu Kyi tin tưởng phần nào về các biện pháp cải tổ đang được thực hiện, bà cũng tỏ ra cảnh giác vì những thay đổi, mở cửa hiện nay không phải là điều “không thể đảo ngược”
 
Bà Suu Kyi cảnh báo về cải cách Miến Điện​


Lãnh đạo đối lập Aung San Suu Kyi vừa lên tiếng cảnh báo về sự "lạc quan thiếu thận trọng" trong cải cách ở Miến Điện

Phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới về Đông Á tại Bangkok, bà nói rằng quá trình này vẫn chưa thực sự chắc chắn

Theo bà Suu Kyi, Quốc hội Miến Điện mà bà mới trở thành đại biểu, vẫn còn chưa dân chủ

Bà cũng kêu gọi các nhà đầu tư đáp ứng nhu cầu của đất nước; rằng công ăn việc làm và đào tạo nhân lực là tối quan trọng đối với dân số trẻ của Miến Điện

Bà cũng nói thêm là cần đề phòng tình trạng đầu tư nước ngoài tiếp sức cho nạn tham nhũng hoặc gây ra bất bình đẳng

"Tôi có mặt ở đây không phải để nói cho quý vị biết quý vị phải làm gì mà là để trình bày về những gì mà chúng tôi đang cần," bà nói trong bài diễn văn quan trọng đầu tiên bên ngoài Miến Điện sau hơn 20 năm

Bà kêu gọi các nhà đầu tư đang có kế hoạch đầu tư vào Miến Điện giữ nhận thức về nhu cầu cải thiện cuộc sống của người dân Miến Điện

“Xin hãy suy nghĩ kỹ càng vì người dân chúng tôi,” bà nói

Chính phủ dân sự Miến Điện do quân đội hậu thuẫn đã bắt đầu một loạt cải cách mở cửa đất nước

Dư luận trong vùng đang chú ý đến viễn kiến của bà Aung San Suu Kyi, một trong số ý người từ vùng Đông Nam Á được giải Nobel, nói về các vấn về khu vực

Kế hoạch thiết thực

Bà Suu Kyi nói rằng Miến Điện không muốn đầu tư nước ngoài kéo theo tham nhũng và gây thêm bất bình đẳng

"Chúng tôi muốn đầu tư mang đến công ăn việc làm," bà nói thêm

"Tôi có mặt ở đây không phải để nói cho quý vị biết quý vị phải làm gì mà là để trình bày về những gì mà chúng tôi đang cần"
Bà Aung San Suu Kyi


Bà nói đào tạo nhân lực là điều quan trọng giúp người lao động Miến Điện có thể tìm được việc làm

"Các kỹ năng cơ bản hiện đang rất cần thiết", bà nói. "Chúng tôi cần đào tạo nghề hơn là đào tạo đại học”

120601031018_sp_aung_san_suu_kyi_304x171_afp.jpg

Bà Aung San Suu Kyi và Thủ tướng Thái Yingluck Shinawatra​

Bà Suu Kyi nói cho dù bà biết học vấn là quan trọng, cộng đồng quốc tế vẫn nên cân nhắc "nhu cầu của đất nước Miến Điện một cách thiết thực".
Miến Điện đã cam kết cải cách, bà nói, và muốn được "gắn kết với khu vực và toàn cầu để cùng phát triển”

"Chúng tôi muốn là một phần của một thế giới hòa bình và thịnh vượng hơn", bà nói

Trong hơn 20 năm qua bà Suu Kyi đã hoặc bị quản thúc tại gia hoặc luôn sợ rằng nếu rời khỏi Miến Điện sẽ không được phép quay trở lại

Nhưng những cải cách mới đây đã dẫn tới việc bà thắng cử vào Quốc hội hồi tháng trước và vai trò của bà trong và ngoài Miến Điện đang ngày càng trở nên nổi bật

Sau chuyến thăm Thái Lan, bà Suu Kyi sẽ quay trở về Miến Điện trước khi lên đường đi châu Âu trong tháng Sáu

Theo dự kiến, bà sẽ tới Na Uy để chính thức nhận giải Nobel Hòa bình mà bà được trao tặng năm 1991; và thăm Anh Quốc, nơi gia đình của bà sinh sống

Bà đã nhận lời phát biểu tại Quốc hội Anh ngày 21/6. Cũng có tin bà Suu Kyi sẽ đi Geneva, Paris và Ireland
 
Tình trạng khẩn cấp ở miền Tây Miến Điện​

120610153738__60691748_burma_rakhine_0406.gif

Bạo loạn làm 17 người chết, hàng trăm tài sản bị phá hoại​

Tổng thống Miến Điện Thein Sein ban bố tình trạng khẩn cấp ở bang miền Tây, sau một tuần xảy ra các cuộc tấn công tôn giáo ở vùng này

Một loạt các vụ bạo lực liên quan đến người theo Phật giáo và Hồi giáo đã làm 17 người thiệt mạng và hàng trăm tài sản bị hư hại

Rắc rối bùng phát sau vụ một phụ nữ là Phật tử bị sát hại vào tháng trước, và tiếp theo là một xe bus chở những người Hồi giáo bị tấn công

Giới chức trước đó đã công bố lệnh giới nghiêm ở bốn thị trấn và bảy tỏ quan ngại về có thêm các xung đột, đụng độ

Tình trạng khẩn cấp về cơ bản cho phép quân đội kiểm soát hành chính ở khu vực

Truyền hình nhà nước nói lệnh giới nghiêm nhằm đáp lại tình trạng “bất ổn và các cuộc tấn công khủng bố" gia tăng và "dự định khôi phục an ninh và ổn định cho người dân ngay lập tức "

Căng thẳng giáo phái

Bạo lực bắt đầu ngày 04 tháng Sáu, khi một đám đông tấn công một chiếc xe bus ở Taungup, tỉnh Rakhine

Dường như những người tấn công đã nhầm lẫn khi tưởng rằng một số hành khách phải chịu trách nhiệm về việc hãm hiếp và giết chết một phụ nữ theo Phật giáo trước đó

Các nghi phạm sau đó đã bị bắt ở thị trấn Ramree ở mạn nam của tỉnh này và hiện đang bị xét xử

Mười người Hồi giáo đã chết trong cuộc tấn công, dẫn đến bạo loạn tại Maung Daw và Buthidaung hôm thứ Sáu, cùng các cuộc tấn công khác nhắm vào các cơ sở Phật giáo

Theo truyền thông nhà nước, các cuộc bạo loạn làm ít nhất bảy người chết và 17 người bị thương
 
Bà Suu Kyi đến châu Âu sau 24 năm​

120607191054_aung_san_suu_kyi_304x171_bbc_nocredit.jpg

Bà Suu Kyi đã để lại chồng và con ở Anh để quay về Miến Điện 24 năm trước​

Nhà lãnh đạo dân chủ Miến Điện Aung San Suu Kyi đã đến Geneva, Thụy Sỹ, chặng dừng đầu tiên trong chuyến đi châu Âu nơi bà sẽ phát biểu trước Liên Hiệp Quốc

Bà sẽ nói chuyện với Tổ chức Lao động Quốc tế vốn lâu nay vận động chống lại tình trạng lao động trẻ em và lao động khổ sai ở Miến Điện

Phần lớn thời gian trong suốt 24 năm qua, bà Suu Kyi đã sống trong tình trạng quản thúc của chế độ độc tài quân sự

Đây là chuyến đi châu Âu đầu tiên của bà Suu Ky và là chuyến xuất ngoại lần thứ hai của bà trong vòng 24 năm qua sau khi đến Bangkok hồi cuối tháng 5 để tham dự Diễn đàn kinh tế thế giới về Đông Á

Thể hiện lòng biết ơn

Chuyến đi này được xem là một cột mốc nữa trong tiến trình chính trị của Miến Điện và thể hiện lòng biết ơn của bà Suu Kyi đối với các chính phủ và tổ chức quốc tế đã ủng hộ cuộc đấu tranh ôn hòa của bà chống lại các tướng lĩnh quân đội trong thời gian qua

Hơn 20 năm trước, bà rời châu Âu để trở về Miến Điện đang nằm dưới sự kiểm soát của chính quyền quân sự. Bà trở lại lục địa này vào ngày thứ Tư ngày13/6 như là biểu tượng dân chủ của Miến Điện

Châu Âu rất mong mỏi được nghe những phát biểu của bà liệu những cải cách gần đây của Miến Điện có thật sự chấm dứt chế độ độc tài tàn bạo hay không

"Mỗi đất nước sẽ có những điều khác. Tôi sẽ biết Miến Điện đã lạc hậu như thế nào khi tôi đặt chân đến những nước khác"
Aung San Suu Kyi, lãnh đạo dân chủ Miến Điện

Trong chuyến đi kéo dài hai tuần lễ này, bà sẽ đến thăm Anh, Thụy Sỹ, Ireland, Pháp và Na Uy, nơi bà sẽ nhận giải Nobel Hòa bình mà hơn 20 năm qua bà vẫn chưa nhận được

Na Uy cũng là nơi đặt trụ sở của Đài Tiếng nói dân chủ Miến Điện, một đài phát sóng đối lập vốn đã được chính phủ Na Uy và các quốc gia châu Âu khác tài trợ rất nhiều

Ở Ireland, bà sẽ đến xem một biểu diễn của ban nhạc pop U2 và ca sỹ Bono do Ân xá quốc tế tổ chức

Ở Anh, bà sẽ phát biểu trước lưỡng viện Quốc hội nước này và nhận bằng tiến sỹ danh dự tại trường Đại học Oxford

Những bài diễn văn của bà sẽ được các chính phủ và doanh nghiệp lắng nghe kỹ lưỡng

Bà Suu Kyi chọn phát biểu trước Tổ chức Lao động Quốc tế như sự nhìn nhận mối quan tâm lâu nay của tổ chức này đối với tình trạng nhân quyền yếu kém của chính quyền quân sự trước của Miến Điện

Mở rộng tầm mắt

Phát biểu với các phóng viên trước khi rời đất nước, bà nói bà mong chuyến đi châu Âu lần này sẽ giúp bà mở rộng tầm mắt

“Mỗi đất nước sẽ có những điều khác. Tôi sẽ biết Miến Điện đã lạc hậu như thế nào khi tôi đặt chân đến những nước khác,” bà nói

Bà cũng nói thêm rằng bà ‘muốn làm những gì tốt đẹp nhất cho nhân dân của bà’

Quyết định xuất ngoại của bà được xem là dấu hiệu chứng tỏ bà có niềm tin với chính phủ của Tổng thống Thein Sien – người đã theo đuổi tiến trình cải cách kể từ khi ông lên nắm quyền hồi năm ngoái trong cuộc bầu cử đầu tiên ở Miến Điện sau 20 năm

Aung San Suu Kyi là con gái của vị lãnh tụ đã giành độc lập cho Miến Điện Aung San, người bị ám sát vào năm 1947

Bà đã trở thành người lãnh đạo của phong trào dân chủ Miến Điện khi bà trở về đất nước vào năm 1988 sau nhiều năm sống ở nước ngoài.để chăm sóc mẹ đang nằm trên giường bệnh, để lại chồng và hai người con ở Anh quốc

Bà ở lại Miến Điện kể từ đó và không rời khỏi đất nước vì lo sợ rằng chính quyền quân sự sẽ không cho bà quay lại một khi bà bước chân ra đi

Chính vì thế mà bà đã không thể nhận giải Nobel hòa bình vào năm 1991 và không có mặt bên cạnh người chồng là Michael Aris khi ông qua đời vào năm 1999

Hơn hai thập niên qua bà là tù nhân chính trị của chế độc độc tài quân sự Miến Điện. Nhưng nhờ vào những cải cách gần đây, bà được trả tự do vào cuối năm 2010 và sau đó giành được ghế trong một cuộc bầu cử bổ sung vào Quốc hội hồi tháng 4 năm nay
 
Tổng thống Myanmar công bố “làn sóng cải tổ thứ hai”​

- Tổng thống Myanmar Thein Sein thông báo “làn sóng cải tổ lần 2” hôm 19-6 nhằm tiếp tục nỗ lực đưa Myanmar mở cửa và phát triển nhanh về mặt kinh tế sau những cải tổ bước ngoặt về chính trị

572366.jpg

Lãnh đạo phe đối lập Aung San Suu Kyi gặp lại bạn cũ tại ĐH Oxford, miền nam nước Anh​

Bài phát biểu của ông đã được phát sóng trực tiếp trên truyền hình quốc gia

Ông khẳng định sẽ giảm vai trò của nhà nước trong các lĩnh vực như giáo dục, năng lượng, lâm nghiệp, y tế, tài chính và viễn thông. Đồng thời ông tỏ ý mong muốn có sự tham gia của các đối tác bên ngoài vào nền kinh tế, nhận định xóa đói giảm nghèo sẽ cần “sự hỗ trợ quốc tế, các khoản vay, tài trợ và chuyên môn kỹ thuật”

Trong 15 tháng nắm quyền vừa qua, Tổng thống Thein Sein đã tập trung vào nỗ lực cải tổ chính trị (gọi là làn sóng cải tổ lần 1) để hòa giải dân tộc, trong đó có hòa đàm với các lực lượng thiểu số và phong trào đối lập ủng hộ dân chủ do bà Aung San Suu Kyi lãnh đạo

Tuy nhiên, chưa thấy rõ sự thay đổi về kinh tế ở đất nước đã “đứng im” trong nhiều thập kỷ qua, dù các láng giềng như Trung Quốc và Thái Lan phát triển như vũ bão, do đó "làn sóng cải tổ lần 2" này tập trung vào kinh tế

Dưới sự kiểm soát của nhà nước, điện thoại di động vẫn là mặt hàng xa xỉ với phần lớn 55 triệu dân của Myanmar, và hệ thống ngân hàng vẫn còn rất sơ khai. Myanmar không cho vay tiền quá một năm. Do đó, kế hoạch cải tổ lần này sẽ "tháo gỡ vướng mắc cản đường phát triển của Myanmar, đưa đất nước phát triển nhanh hơn"

Trong bối cảnh cải cách kinh tế bị cho là chậm hơn so với cải cách chính trị, các chuyên gia nhận định phát biểu mới nhất của tổng thống có thể giúp “thuyết phục những người dân bình thường trong xã hội là họ cũng sẽ có lợi từ chương trình cải cách”

Các chương trình cải cách đến nay của Myanmar bao gồm thả tự do cho hàng trăm tù nhân chính trị, nới lỏng kiểm soát truyền thông và đối thoại với lực lượng ủng hộ dân chủ. Các biểu tượng của chủ nghĩa tư bản Mỹ như Coca-Cola và General Electric đều công bố kế hoạch trở lại làm ăn ở Myanmar

Tuyên bố của ông Thein Sein thể hiện sự tự tin là ông có thể điều chỉnh được những xung đột lợi ích của nhiều phe phái trong nước, bao gồm cả những doanh nghiệp sẽ chịu thiệt thòi một khi môi trường kinh doanh tự do và cạnh tranh hơn

Trong khi đó, Bộ trưởng Công nghiệp U Soe Thane đang cùng lãnh đạo phe đối lập Aung San Suu Kyi đi thăm châu Âu và nhận giải Nobel Hòa bình đã thông báo là Tổng thống Thein Sein sẽ trả tự do thêm tù nhân chính trị trong thời gian tới

Bà Suu Kyi trở lại “Oxford thương yêu”

Lãnh đạo lực lượng đối lập Myanmar Aung San Suu Kyi vừa đến Oxford (Anh) trong dịp sinh nhật lần thứ 67 của bà hôm 19-6

Rất nhiều người đã tập trung đón bà, trong đó có hiệu trưởng của Đại học Oxford - nơi bà từng theo học những năm 1960. Bà đã khẳng định mong muốn lãnh đạo người dân Myanmar “nếu tôi có thể lãnh đạo họ đúng cách”

Trong ngày đầu tiên đến Anh, bà đã ghé thăm BBC World Service, tham gia thảo luận ở Trường đại học kinh tế London. Bà cho biết phong trào dân chủ ở Myanmar phải phụ thuộc vào “nguồn tài nguyên trong nước để tạo ra sự thay đổi, thay vì phụ thuộc quá nhiều vào các yếu tố bên ngoài”
 
Mỹ phê chuẩn đại sứ đầu tiên tại Myanmar sau 22 năm​

pho-1.jpg

Ông Derek Mitchell​

Ông Mitchell, 48 tuổi, là một nhà ngoại giao có nhiều kinh nghiệm trong chính sách của Mỹ đối với châu Á

Ngày 29/6, Thượng viện Mỹ đã nhất trí biểu quyết phê chuẩn ông Derek Mitchell làm đại sứ đầu tiên của Mỹ tại Myanmar sau 22 năm

Trong thời gian 1993-1996, ông Mitchell là quan chức phụ trách về các vấn đề châu Á và từ 1996-1997 là quan chức phụ trách về các vấn đề Liên Xô thuộc Viện Dân chủ quốc gia về các vấn đề quốc tế (NDI)

Từ năm 2001 đến 2009, ông là Giám đốc phụ trách về châu Á kiêm Giám đốc chương trình Sáng kiến Đông Nam Á thuộc trung tâm nghiên cứu chiến lược quốc tế (CSIS) có trụ sở tại thủ đô Washington

Năm 2008-2009, ông đứng đầu một dự án nghiên cứu về tương lai quan hệ của Mỹ với các đồng minh Đông Nam Á là Thái Lan, Philippines và với các đối tác đang nổi lên là Indonesia, Malaysia, Singapore và Việt Nam

Ông Mitchell được Tổng thống Barack Obama bổ nhiệm làm Phó trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng phụ trách về các vấn đề an ninh châu Á-Thái Bình Dương từ năm 2009 đến năm 2011

Ngày 14/4/2011, ông được bổ nhiệm làm Đại diện-điều phối viên đặc biệt đầu tiên của Mỹ với Myanmar và ngày 17/5/2012 được Tổng thống Obama chỉ định làm Đại sứ Mỹ tại Myanmar

Việc Thượng viện phê chuẩn Đại sứ đầu tiên tại Myanmar là nằm trong chủ trương của Mỹ khôi phục từng bước quan hệ ngoại giao với Myanmar sau 22 năm bị gián đoạn

Quan hệ Mỹ-Myanmar bắt đầu chiều hương cải thiện từ chuyến thăm lịch sử tháng 12/2011 của Ngoại trưởng Hillary Clinton tới Myanmar

Kết quả cuộc bầu cử Quốc hội hội bổ sung ngày 1/5 tại Myanmar với nhà lãnh đạo phe đối lập, bà Aung San Suu Kyi và 42 thành viên đảng NLD trở thành đại biểu Quốc hội được chính quyền Obama hoan nghênh

Bộ trưởng Ngoại giao Myanmar Wunna Maung Lwin đã thăm Mỹ ngày 17/5 vừa qua và Mỹ cũng đã quyết định cho phép người Mỹ đầu tư và xuất khẩu dịch vụ tài chính vào Myanmar
 
Chính phủ Myanmar mạnh tay thay thế các nhân vật bảo thủ​

fdafa.jpg

Các nghị sĩ quốc hội Myanmar trong phiên họp ngày 4/7​

- Khoảng 3 bộ trưởng dự kiến sẽ từ chức và thay thế vào đó là các nhân vật ôn hòa hơn trong nội các mới

Myanmar sẽ thay thế một số nhân vật bảo thủ trong cuộc cải tổ sắp tới, một quan chức chính phủ cho biết ngày 4/7, giữa lúc Quốc hội nước này phe chuẩn việc từ chức của một Phó Tổng thống được quân đội hậu thuẫn

Vị quan chức này cho AFP biết khoảng 3 bộ trưởng dự kiến sẽ từ chức và thay thế vào đó là các nhân vật ôn hòa hơn trong nội các mới

“Việc này sẽ đến sớm. Những người bị thay thế trong lần cải tổ này là các nhân vật bảo thù,” quan chức này nói

Hiện vị trí Phó Tổng thống đang để trống sau khi người tiền nhiệm được cho là có khuynh hướng bảo thủ, Aung Myint Oo từ chức

Giới quan sát cho rằng việc ông Aung Myint Oo từ chức và được thay thế bằng một nhân vật ôn hòa hơn có thể giúp cho việc cải tổ Myanmar diễn tiến nhanh hơn
 
Chính phủ Myanmar trước sức ép cải tổ​

- Trong phiên họp Quốc hội lần 4 của Myanmar bắt đầu từ giữa tuần này, Tổng thống Thein Sein đã thông báo việc từ chức của phó Tổng thống thường trực Tin Aung Myint Oo. Giới phân tích nhận định hành động này có thể là mở đầu cho một cuộc cải tổ rộng lớn hơn trong Chính phủ Myanmar

d06b620c8349bb31b31bd9afc3880ea2.jpg

Phó Tổng thống thường trực Tin Aung Myint Oo (giữa), nhân vật trở ngại lớn nhất của Tổng thống Thein Sein trong chính phủ, nay đã từ chức​

Ông Tin Aung Myint Oo được xem là người lãnh đạo những quan chức bảo thủ và cứng rắn trong Chính phủ Myanmar, luôn thận trọng trước mọi quyết định thay đổi. Từng là tướng bốn sao trong quân đội Myanmar, ông Myint Oo trở thành phó tổng thống vào năm ngoái sau khi được đề cử từ các nghị sĩ thuộc giới quân sự (nhóm này chiếm 25% số ghế tại Hạ viện Myanmar)

Theo báo Irrawaddy (Thái Lan), ông Myint Oo luôn đối đầu nảy lửa với Tổng thống Thein Sein trong các cuộc họp chính phủ. Ông Myint Oo cứng rắn chống lại phiến quân nổi dậy Kachin, trong khi ông Thein Sein khẳng định cần chấm dứt việc phòng vệ quân sự ở miền Bắc Myanmar. Cho nên việc ông Myint Oo từ chức sẽ khiến Tổng thống Thein Sein dễ dàng thực thi các ý định của mình hơn

Ông Myint Oo đã đệ đơn từ chức lên Tổng thống Thein Sein từ đầu tháng 5 vì lý do sức khoẻ yếu. Tuy nhiên, việc công bố chậm trễ dấy lên nhiều tin đồn rằng các quan chức đang cố gắng tìm kiếm người thay thế. Theo Hiến pháp Myanmar, nhân vật phó tổng thống chắc chắn phải đại diện cho quyền lợi của phe quân sự, vì chính các đại biểu quân đội sẽ chọn ra người kế nhiệm ông Myint Oo, chậm nhất là đến ngày 10.7, sau đó Hạ viện thông qua đề cử này

Một số lựa chọn hàng đầu được dự đoán như chủ tịch Hạ viện Shwe Mann ủng hộ đường lối cải cách, hoặc chủ tịch uỷ ban bầu cử Tin Aye – một thành viên quân đội nghỉ hưu được xem là có tính cách ôn hoà. “Ông Thein Sein chắc chắn sẽ phải hội ý với quân đội, và sẽ xảy ra một số bất đồng về tiến độ cải cách. Nó tuỳ thuộc mối quan hệ giữa hai bên, mặc dù quân đội không thể hoàn toàn chống lại tiến trình cải cách trong lúc này”, chuyên viên Jan Zalewski từ viện Nghiên cứu HIS Global Insight, nói

Cùng với việc bổ nhiệm tân phó tổng thống, Chính phủ Myanmar được dự đoán sẽ cải tổ. Một nghị sĩ Myanmar giấu tên, cho biết: “Chính phủ cần phải vận hành sôi nổi và hiệu quả hơn, cho nên tổng thống phải loại bỏ những người đối đầu không muốn chấp nhận các biện pháp cải cách của ông”

Trong tháng 5.2012, Tổng thống Thein Sein đã công bố làn sóng cải cách lần hai, chú trọng vào cải cách kinh tế nhanh chóng để đáp ứng sự kỳ vọng về tốc độ thay đổi của Myanmar, trong đó cho phép đầu tư tư nhân ở nhiều lĩnh vực quan trọng. Tuy nhiên, nhiều nhà đầu tư lo ngại một số ưu tiên hành động có thể không được triển khai, vì vấp phải sự phản đối từ những bộ trưởng do phe quân đội tiến cử vào chính phủ

Những bộ trưởng này luôn lo sợ bị mất thế độc quyền, trong bối cảnh phần lớn nền kinh tế Myanmar vẫn do những công ty có liên kết với quân đội và nhà nước thống trị. Bộ luật về đầu tư nước ngoài, được soạn thảo nhằm thống nhất các luật lệ về thuế và quyền pháp lý của những công ty nước ngoài, dự kiến sẽ hoàn thành đầu năm nay nhưng bị trì hoãn vì nhiều lý do mà không ai nắm rõ

“Tiến trình cải cách diễn ra chậm chỉ khiến tổng thống bị đánh giá thấp và có thể phủ định những gì mà ông đạt được đến nay”, một cố vấn tổng thống không muốn nêu tên nói với báo Irrawaddy

Nếu bị đánh giá là quá trình cải cách diễn ra chậm chạp thì đảng cầm quyền của Tổng thống Thein Sein – đảng Liên minh đoàn kết và phát triển (USDP) – sẽ dễ dàng bị đảng của bà Aung San Suu Kyi đánh bại trong cuộc tổng tuyển cử năm 2015. Ở kỳ bầu cử quốc hội bổ sung hồi tháng 4, đảng Liên đoàn quốc gia vì dân chủ (NLD) đã chiến thắng áp đảo, gửi tín hiệu đáng ngại đến đảng USDP

Một quan chức chính phủ tiết lộ với hãng tin AFP, rằng khoảng ba bộ trưởng trong nội các 37 thành viên của Myanmar sẽ được thay thế, qua đó củng cố quyền lực của Tổng thống Thein Sein trong việc điều hành đất nước. “Điều này sẽ sớm diễn ra. Những người được thay thế là những quan chức cứng rắn”

Giới thạo tin cho hay có thể bảy bộ sẽ được sáp nhập theo ba danh mục: nông nghiệp, vận tải và điện lực. Các nguồn tin của Reuters cho rằng hai bộ trưởng quan trọng sẽ được phân công lại nhiệm vụ để nắm vai trò trọng tâm hơn trong quá trình cải cách, là bộ trưởng Vận tải Aung Min – nhà đàm phán hoà bình đắc lực của tổng thống – sẽ trở thành bộ trưởng Văn phòng tổng thống; và bộ trưởng Công nghiệp Soe Thein kiêm chủ tịch uỷ ban Đầu tư sẽ trở thành bộ trưởng Phát triển và hoạch định kinh tế quốc gia, thay thế ông Tin Naing Thein sẽ nhận chức mới ở bộ Tài chính. Bộ trưởng Tài chính hiện tại là cựu tướng quân đội Hla Tun
 
Thái Lan hướng sang Myanmar​

Sau những đổi thay về chính trị mới đây, Myanmar đã trở thành một địa chỉ hấp dẫn đối với các nhà đầu tư ASEAN

Theo hãng tin TNA của Thái Lan, giới chuyên gia kinh tế nước này đang hối thúc chính phủ cũng như các doanh nghiệp tăng cường đầu tư tại đất nước láng giềng, để có thể “cắm rễ” tại Myanmar vào thời điểm Cộng đồng Kinh tế ASEAN chính thức ra đời vào năm 2015

Ông Ath Pisalvanich, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Thương mại quốc tế thuộc Phòng Thương mại Thái Lan, trong cuộc hội thảo hôm 23.7 nói rằng các doanh nghiệp vừa và nhỏ nên tăng cường tìm hiểu các cơ hội hợp tác với phía Myanmar, đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp và thủy sản cũng như khai thác các tài nguyên thiên nhiên khác

Myanmar có lợi thế về giá nhân công và đất đai, chuyên gia Ath nói. Cũng theo vị này, hướng đầu tư cần chú trọng là liên doanh với đối tác Myanmar để hạn chế rủi ro

Các chuyên gia kinh tế cũng đề xuất chính phủ thực hiện việc dịch toàn bộ các văn bản luật của Myanmar sang tiếng Thái để giúp doanh nghiệp Thái Lan hạn chế những rủi ro liên quan đến pháp lý khi đầu tư sang nước láng giềng
 
Miến Điện thay đến 9 bộ trưởng​

Tổng thống Miến Điện Thein Sein đã công bố cải tổ nội các với 9 trong số 29 vị trí bộ trưởng bị thay trong một thông báo trên trang web của ông.
Các bộ trưởng thông tin, công nghiệp, kế hoạch và phát triển kinh tế nằm trong số những người bị thay

Đây là đợt cải tổ nội các lớn nhất kể từ khi chính phủ của ông Thein Sein lên nắm quyền hồi tháng Ba năm 2011 sau khi phe quân phiệt nhường lại quyền lực

Trong nhiều tháng ở Miến Điện đã xuất hiện những tin đồn về việc sắp xếp lại nội các

Hiện tại, phe quân đội vẫn nắm ưu thế vững chắc trong Quốc hội và hệ thống chính trị của Miến Điện với 25% số ghế nghị sỹ đương nhiên dành cho các quân nhân

Tuy nhiên, phóng viên BBC Jonathan Head ở Bangkok cho biết rằng Tổng thống Thein Sein dường như làm những gì có thể để duy trì các cuộc cải cách mà ông đã hứa hẹn

Phóng viên Head giải thích rằng một trong những thành phần cứng rắn nhất trong nội các là Bộ trưởng Thông tin Kyaw Hsan nằm trong số những người bị thay

Ông này đã được điều chuyển sang một vị trí bộ trưởng kém quan trọng hơn ở một bộ mà cuối cùng có thể bị thu gọn lại hoặc thậm chí bị dẹp bỏ

Bộ trưởng Thông tin mới là ông Aung Kyi, người có tư tưởng ôn hòa hơn và từng là người đại diện cho quân đội đàm phán với lãnh đạo đối lập Aung San Suu Kyi trong thời gian bà bị quản chế tại gia
 
Myanmar sẽ mở cửa cho báo chí tư nhân​

- Vài tuần sau việc bãi bỏ kiểm duyệt truyền thông, Bộ Thông tin Myanmar tuyên bố chính phủ có thể sẽ cho phép truyền thông tư nhân xuất bản nhật báo từ năm 2013

f403e8b5f9f1634fb0f579bdabb31ef8.jpg

Hiện mới chỉ các tờ báo nhà nước được phép xuất bản nhật báo ở Myanmar​

Hiện nay ở Myanmar chỉ các tờ báo của nhà nước mới được phép xuất bản hằng ngày. Nhiều nhóm xuất bản tư nhân đã chuyển sang đăng tải tin tức trên mạng để đáp ứng nhu cầu thông tin của công chúng

Tân Bộ trưởng thông tin Aung Kyi tiết lộ thời điểm cấp phép xuất bản báo ngày cho truyền thông tư nhân có thể là đầu năm sau

Hiện Myanmar đang xem xét luật cải tổ truyền thông. Ông Aung Kyi khẳng định chính phủ đang thảo luận với các phóng viên, chuyên gia truyền thông để hoàn thiện luật này

“Tôi muốn có được một đạo luật truyền thông toàn diện theo các tiêu chuẩn quốc tế”

Ông Aung Kyi nhấn mạnh. Ngoài ra, các tờ báo nhà nước vốn chậm đổi mới cũng sẽ được chấn chỉnh. Nhiều khả năng khối tư nhân sẽ được phép đầu tư vào các tờ báo nhà nước

Hồi tháng 8.2012, Chính phủ Myanmar đã bãi bỏ biện pháp kiểm duyệt đối với báo chí
 
Top