What's new
Vietnam - Điện Biên Phủ Kinh Tế

This is a sample guest message. Register a free account today to become a member! Once signed in, you'll be able to participate on this site by adding your own topics and posts, as well as connect with other members through your own private inbox!

Tại sao tôi thích học Tiếng Việt

LOBBY.VN

Administrator
Tại sao tôi thích học Tiếng Việt​

110729104158_kim_huynh_304x171_bbc_nocredit.jpg

Tác giả và anh trai khi mới đến Úc​

Mặc dù sanh ra ở Sài Gòn và có ba má người Việt, nhưng trong phần lớn đời mình, tôi không biết nhiều về tiếng mẹ đẻ của mình

Có nhiều lý do. Gia đình tôi rời đất nước khi tôi chỉ hai tuổi và sau một thời gian ở Mã Lai chúng tôi định cư ở Canberra (thủ đô Úc)


Cộng đồng Việt kiều ở thành phố Canberra nhỏ, không giống như Sydney hay Brisbane. Bất chấp điều đó và còn có nhiều sự thách thức khác, gia đình rất vui ở Canberra và biết ơn Úc Đại Lợi

Ba má tôi không bao giờ quên quê hương, mà lúc đó – cách đây hơn 30 năm – họ nghĩ việc trở lại Việt Nam khó khăn như bước trên mặt trăng

Bởi vậy, ba má tôi đổ hết sức để xây dựng cuộc sống mới, nhất là cho hai đứa con trai của họ

Cả ba má tôi và chính phủ Úc khi đó đều cho rằng, gia đình phải học tiếng Anh để có thể định cư thành công và hạnh phúc

Sau khi học tiếng Anh ban đêm ở trường đào tạo, ba tôi đã tìm được việc ở sở điện lực Canberra tương đương với công việc ở Việt Nam trước 1975. Má tôi đã được tiếp xúc với hàng xóm và cộng đồng, giải thích tại sao mình đến Úc châu

Tôi và anh tôi đã làm quen với bạn bè và học mỗi ngành học mà chúng tôi thích (nhưng toán thì khá nhất). Với tiếng Anh, ba má tôi hy vọng tương lai chúng tôi không bị kỳ thị vì quá khứ

Ba má tôi yêu cầu mọi thành viên trong gia đình phải nói tiếng Anh. Điều này vừa có ích nhưng vừa có hại vì sau chỉ hai ba năm tôi gần như không biết tiếng Việt

Còn nhớ khi nhỏ và khi có khách Việt Nam đến nhà, tôi hay chạy trốn, không dám ra chào khách và cảm thấy lúng túng và xấu hổ khi phải mở miệng. Lúc đó đối với tôi, tiếng Việt là một ngôn ngữ kinh hoàng

Nín lặng

Khi 12 tuổi, tôi còn có thể nghe chút ít tiếng Việt nhưng ráng lắm mới nói được một vài từ. Hơn nữa lại còn không nói tên họ của mình rành

Đến mức đấy thì khó đảo ngược được vì ba má tôi rất bận rộn trong việc mở lò bánh mì và phải làm suốt ngày đêm. Tôi cũng làm phụ ở tiệm khi không phải đi học và cho ba má nghỉ ngơi

Ngoài việc ở chung một ngôi nhà, chúng tôi ít có thời giờ nói chuyện với nhau. Như vậy từ lúc đó tôi ở trong một hoàn cảnh kỳ dị: nói chuyện được với người Úc nhưng với người Việt thì tôi chỉ có sự nín lặng

Vào năm 2000, tôi quyết định học tiếng Việt. Ba Má tôi đã về hưu và tôi vẫn còn ở nhà của ba má trong khi học tiến sĩ

110729104344_kim_huynh_224x280_bbc_nocredit.jpg

Tác giả từng viết hồi ký kể về lịch sử gia đình mình
Mỗi buổi sáng tôi đã thức sớm đi bộ với má và mang theo sách học. Vào mùa đông, dù thời tiết dưới năm độ, hai má con tôi vừa đi vừa nói, ‘à-nh-nhà’, ‘ánh-b-bánh’, ‘ùa-r-rùa’.... Chắc người băng qua đường thấy chúng tôi như vây, họ thấy kỳ lạ vô cùng

Nhưng kỳ lạ hơn là khi tôi bắt đầu đi học

Mỗi buổi sáng thứ bảy cộng đồng Việt kiều Canberra đã tổ chức trường học Tiếng Việt ở cậu lạc bộ Pháp cho trẻ em

Tôi còn nhớ ngày đầu tiên đến lớp học không có ba má dẫn đến như học trò khác và tôi cảm thấy quá căng thẳng. Thầy cô giáo biết tiếng Việt của tôi rất dở nhưng vẫn không cho vô lớp mẫu giáo

Họ khuyên tôi gia nhập Lớp 1 để giảm bớt sự mắc cỡ. Có khoảng 20 học trò từ tám đến mười tuổi trong lớp

Không những tôi lớn tuổi nhất trong trường mà còn lớn hơn cả anh chị đến rước trẻ em về. Đôi khi về tuổi, tôi không thua xa ba má của họ. Có lúc chúng tôi được học về Âm lịch, tôi cảm thấy cô đơn vì không có ai trong lớp cùng tuổi Tỵ và cũng không ai ở trong giáp (chu kỳ 12 năm) của tôi

Có hai người trong lớp mà tôi còn nhớ rất rõ

Huy (nó hay dùng tên Tiếng Anh ‘Hugh’) thông minh nhất trong lớp, mà cũng ồn ào và bất trị nhất. Đúng như vậy, Huy có nhiều bạn. Nó hay chọc ghẹo thầy giáo bằng tiếng Anh (thường là vì thầy trọc đầu) và không bị khiển trách vì tiếng Anh của thầy không rành bằng nó

Có lúc tôi muốn bảo cho thầy biết, mà sợ làm vậy bị Huy và cả lớp ghét bỏ. Nhiều khi tôi ngờ Huy đã chọc ghẹo tôi bằng tiếng Việt mà tôi không có khả năng hiểu nó nói gì và phản ứng lại. Vì giỏi cả hai tiếng, nó là kẻ hay bắt nạt kinh khủng. Mặc dù đã qua hơn mười năm, nếu gặp Huy hôm nay tôi cũng rùng mình một chút

Long là một đứa con trai nhỏ xíu và bạn thân và duy nhất của tôi ở trường. Nó hay đến lớp trễ vì không thức dậy kịp. Mọi người luôn luôn thấy áo ngủ của nó ở dưới cái áo vét tông và có một ngọn tóc không bao giờ nằm xuống

Khi mọi người được ra ăn trưa và chơi, Long thường ngồi bên cạnh tôi. Nó chơi computer games và ăn hoa quả mà má nó cắt sẵn trong khi tôi đọc báo và uống cafe. Long hát líu lo liên tục, biết nhiều bài hát tiếng Anh và tiếng Việt. Có một lần nó hỏi câu mà tôi không biết trả lời: “Tại sao anh nói tiếng Việt kỳ cục quá ?”

Cuối kỳ học, mỗi lớp phải chuẩn bị buổi biểu diễn cho Tết Trung Thu

Tôi tập với các lớp bạn mà thấy kinh hoàng vô cùng khi nghĩ đứng trên sân khấu với cái đèn lồng hay quả bóng và hát cho cả cộng đồng Việt Nam ở Canberra nghe. Vì thế hai tuần trước Tết Trung Thu, tôi quyết định không đi học nữa

Trong thời gian tôi học ở đó, tiếng Việt của tôi tiến bộ nhiều. Về bài thi tôi không bao giờ được đứng thứ nhất, nhưng đôi khi được xếp thứ ba hay thứ tư. Theo tôi đó là đủ kiến thức để bắt đầu học tiếng Việt ở trường đại học

Sau khi học tiếng Việt một năm ở trường đại học và có bằng tiến sĩ (về chính trị) tôi nghỉ học vài năm để tập trung lập nghiệp

Trở lại

Năm nay tôi trở lại Việt Nam với vợ và có hai mục tiêu:

i) viết một cuốn sách về người Việt hiện đại (bằng Tiếng Anh) và

ii) cố học Tiếng Việt đến mức không thể quên được

Hiện tại mục tiêu thứ nhì thấy khó nhất

Vì sống ở Hà Nội, tôi phải làm quen nghe giọng Bắc, thấy người Hà Nội nói nhanh hơn người Nam và dùng nhiều từ mà tôi không biết như ‘chăn, điều hòa, hoa quả, thìa and tuyệt vời’

Như nhiều người khác, tôi thấy việc học các loại dấu tiếng Việt thật là gian khổ

Tôi không bị trật những từ nhạy cảm như hồi trước, ‘củ và cu’, ‘bưởi và b**i’ và ‘đủ và đ*’. Mà đôi khi người Việt không khoan dung, họ cảm thấy bị xúc phạm khi nghe tôi nói lầm ‘Phản Đinh Phụng’ hoặc là ‘Điền Biên Phú’.
Nói vậy cũng giống như tôi đã kêu tổng thống Hoa Kỳ ‘Porge Poshington’ hay gọi thành phố Úc ‘Smellbourne’

"Tôi không đồng ý với những người nghĩ: ai không biết Tiếng Việt không phải là người Việt. Tuy nhiên học một chút thì có lợi nhiều. Vì vậy người nước ngoài và Việt kiều không nên sợ tiếng Việt"

Mặc dù thấy khó khăn, nhưng tôi vẫn rất thích học Tiếng Việt

Học tiếng Việt cũng có những lợi ích đặc biệt. Nghe dấu thì khó, nhưng nghe được thì giúp ích không chỉ về ngôn ngữ thôi mà còn về âm nhạc

Nhà nghiên cứu đã tìm ra rằng những người mà biết tiếng du dương và có dấu như Tiếng Việt hay Tiếng Hoa có năng lực nghe và nhận ra nốt nhạc một cách hoàn hảo như Mozart gấp chín lần người nói tiếng bình thường

Cũng như thế, tôi nghĩ người Việt có năng lực hát karaoke giỏi gấp 99 lần người Tây. Vợ tôi gốc Úc đang học tiếng Việt nhanh lắm. Môt lý do là vì vợ tôi hay hát bài của Trịnh Công Sơn (nhất là những bài Khánh Ly hát)

Tiếng Việt có những đặc tính có khả năng cải thiện tiếng Anh của tôi

Theo tôi tiếng Việt là một ngôn ngữ đầy chất thơ và người Việt biết quá nhiều bài thơ, tục ngữ và thành ngữ

Nhiều khi người mới đến Việt Nam cảm thấy kinh ngạc khi nhìn thấy một xe máy chở năm người hay đồ đạc và con vật mà vốn phải dùng xe tải ở nước khác

Tuy nhiên tôi thấy sửng sốt hơn khi nghe người Việt nhét trong một câu nói rất nhiều ý nghĩa, sự cảm động và hình tượng

Ví dụ tôi đã hỏi em thiếu niên gầy nhom giao bình nước lên đến căn hộ của tôi, ‘Em giao bao nhiêu bình mỗi ngày ?’

'Mùa hè năm ngoái giao 187 bình nước trong một ngày và 180 vào ngày sau, đến khắp mọi nơi ở Hà Nội'

Tôi nói, ‘187 là số kinh khủng!’ và em trả lời, ‘Đó là số phận của tôi.’ Còn lâu nữa tôi mới rành Tiếng Việt như em giao nước. Tôi hy vọng, ‘lửa gần rơm ngày cũng bén’

Điều hiển nhiên mà quan trọng nhất là khi biết tiếng Việt thì biết thêm về người Việt

Tôi hiểu rằng đối với người Việt, việc đặt tên cũng mang nhiều ý nghĩa

Thí dụ tôi có một người bác sanh ra ở miền quê, tên là ‘Biết’. Nhưng sau khi trưởng thành vào thành phố và thêm được học bác lấy tên ‘Nho’

Tôi có một bạn ở Hà Nội sanh vào 1975 tên ‘Thắng’ và hai em họ sinh đôi vào thời Đổi Mới tên ‘Phú’ và ‘Quý’. Khi nào gặp bạn bè và người quen tôi hay suy nghĩ: Trung có trung thành không, Thành có thành thật không, Hiền có hiền lành không và luôn luôn thấy Cô Kiều thật tội nghiệp

Do hành trình học Tiếng Việt này nên tôi được hiểu biết thêm về nguồn gốc, quê hương tôi, gia đình và bản thân

Nhưng theo tôi người ta không cần một ngôn ngữ để xác định gốc gác của mình. Tôi không đồng ý với những người nghĩ: ai không biết Tiếng Việt không phải là người Việt

Tuy nhiên học một chút thì có lợi nhiều. Vì vậy người nước ngoài và Việt kiều không nên sợ tiếng Việt

Về tác giả: Kim Huỳnh là giảng viên về chính trị quốc tế ở Trường Đại Học Quốc Gia Úc. Tiến sĩ đã viết tiểu sử về cha mẹ mình, Where the Sea Takes Us: A Vietnamese-Australian Story (HarperCollins 2008) và là một trong hai chủ bút của cuốn sách The Culture Wars: Australian and American Politics in the 21st Century (Palgrave MacMillan 2009)

Tiến sĩ phải bỏ ra mấy ngày và cố gắng hết sức để viết bài này bằng Tiếng Việt và nhờ Giám đốc Hà Thị Thu Hương từ Trung tâm Integrated Culture and Language Studies (ICLS) sửa lại một chút trước khi xuất bản. Bài viết cũng đã được BBC biên tập lại. Tiến sĩ sẽ có buổi nói chuyện về ‘Cần biết gì trước khi đi du học?’ tại ICLS Thành phố Đà Nẵng vào ngày 14-08-2011. Độc giả có thể đọc bài này bằng Tiếng Anh Bấm ở đây

Tiến sĩ Kim Huỳnh
Gửi cho BBCVietnamese.com từ Đà Nẵng
 
Top