What's new
Vietnam - Điện Biên Phủ Kinh Tế

This is a sample guest message. Register a free account today to become a member! Once signed in, you'll be able to participate on this site by adding your own topics and posts, as well as connect with other members through your own private inbox!

Tập đoàn chế biến thực phẩm Thái Minh

LOBBY.VN

Administrator
Tập đoàn chế biến thực phẩm Thái Minh​


tc3-1.jpg

Ông Lê Kiên Thành - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Chế biến thực phẩm Thái Minh​

Mặc dù giữ vai trò lãnh đạo ở một vài lĩnh vực, nhưng cho đến bây giờ, điều thất vọng lớn nhất của tôi là không biết nghề nghiệp của mình là gì”

Trước khi gặp ông, nhiều người nói nhỏ với tôi: “Gặp ông Lê Kiên Thành khó lắm. Mà có gặp cũng khó chuyện trò cởi mở vì ông ít muốn nói về mình". Tuy nhiên, ngay từ phút đầu tiên, ông đã xóa sự căng thẳng trong tôi bằng phong cách giản dị, giọng nói trầm đều nhưng cởi mở, không thiếu những lúc cao trào, sôi nổi

Ông thỏa thuận: “Thích hỏi gì cứ hỏi, nhưng không lặp lại những gì người khác đã viết. Còn tôi nghĩ gì nói nấy, không đầu đuôi thứ tự đâu nhé”. Và không chờ hỏi trước, ông vào chuyện luôn:

* Từng là Chủ tịch HĐQT Techcombank, hiện là Chủ tịch HĐQT Công ty CP Xây dựng và Phát triển đô thị, chủ một sân golf, Chủ tịch HĐQT Công ty Chế biến thực phẩm Thái Minh, và còn giữ vai trò lãnh đạo ở một số công ty khác, vậy nghề nghiệp của ông theo nhìn nhận của xã hội hiện nay là doanh nhân. Sao ông lại nói không biết nghề nghiệp của mình ?

- Theo tôi, nghề nghiệp là cái gì đó phải được đào tạo, theo đuổi từ đầu, nếu không nó cũng phải ăn vào máu thịt, phải có sự đam mê, “máu lửa” với nghề mình đã chọn. Ngẫm lại chặng đường đã qua của mình, tôi thấy đó không phải là nghề nghiệp

Tôi từng được đào tạo là kỹ sư hàng không, sau đó là phó tiến sĩ về hạt nhân. Nhưng thời điểm đó, do cuộc sống quá khó khăn, không đủ sống, lúc nào cũng quanh quẩn với suy nghĩ “Làm gì để có miếng cơm manh áo?” đã khiến tôi phải bươn chải

Và công việc phải đi kiếm ăn đó đã đẩy tôi đến một vị thế mà bây giờ tôi chẳng biết nghề nghiệp là gì. Thật ra, doanh nhân là một cách nói, không phải là nghề nghiệp

Tôi thất vọng vì mình được đi học, được đào tạo, có chuyên môn tay nghề nhưng cuối cùng lại không được làm cái nghề mình có. Mà những gì mình đang làm, đang có lại chỉ là do thời cuộc run rủi

* Nhưng vào thời điểm chưa cho phép đảng viên làm kinh tế tư nhân, hình như ông vẫn lựa chọn con đường làm kinh tế ?

- Như đã nói, kinh doanh không phải con đường tôi chọn mà là do thời cuộc đưa đẩy. Trước đó, khi học xong 6 năm ở Nga ngành gia tốc hạt nhân, tôi cũng muốn về nước theo nghề, nhưng ở Việt Nam lúc đó không có điều kiện làm việc, kể cả ngành học chế tạo máy bay cũng không thuận lợi

Đã vậy, làm cán bộ nhà nước về khoa học lúc đó rất mong manh, lương không đủ ăn nên bảo tôi làm sao gắn bó được? Vì vậy, dù băn khoăn trăn trở vì Nhà nước cho mình ăn học mà không cống hiến được gì, tôi vẫn phải quyết định chọn con đường kinh doanh để kiếm sống

Tuy kinh doanh không phải là “máu huyết” của tôi, ngay cả những lúc “trà dư tửu hậu”, tôi thường say sưa trao đổi về tình hình chính trị, xã hội hơn là chuyện kinh doanh. Nhưng tôi thấy chọn con đường làm kinh tế tư nhân cũng không sai

Nếu ai đó là đảng viên mà không phản bội lý tưởng cách mạng, họ mang trí tuệ ra làm giàu cho bản thân, cho đất nước thì không có gì sai trái. Và tôi tin con đường tôi chọn là đúng và niềm tin ấy đến nay đã được khẳng định

* Nếu không theo đuổi được nghề đã học mà lại thích “bàn chuyện chính trị”, tại sao ông không theo con đường này khi lúc đó điều kiện của ông hoàn toàn thuận lợi vì có người cha là Tổng bí thư Lê Duẩn ?

- Tôi quan niệm làm giàu phải có gan, làm quan phải có số, và tôi chắc rằng tôi không có số làm quan. Khi tôi học hết phổ thông, thời kỳ này còn chiến tranh nên tôi vào bộ đội. Lúc đó trong quân ngũ có một nghịch lý là hễ những người học yếu, điểm thi không cao thì được chọn làm công tác chính trị, trở thành chính trị viên của đại đội....

Còn những người học khá hơn thì được chọn đi học kỹ thuật. Riêng “đoạn đó” đã “bẻ” tôi ra khỏi con đường chính trị, vì những người đã theo ngành kỹ thuật thì rất khó theo chính trị

* Xin lỗi, có bao giờ ông cho rằng, nhờ “bệ đỡ” từ người cha mà con đường kinh doanh của ông thuận lợi hơn ?

- Chưa bao giờ tôi nghĩ mình thành công, nếu không muốn nói thất bại của tôi còn nhiều hơn cả thành công. Nhiều năm theo đuổi nghiệp kinh doanh, nhưng tôi thấy mình không có tố chất gì để làm người kinh doanh thật giỏi, thật giàu. Tôi làm nhiều mà không giỏi gì cả và làm như tôi thì nhiều người làm được

Song, nếu nhìn vào một vài thành công của tôi để nói rằng nhờ uy tín của người cha thì cũng không sai. Một người dù ở địa vị nào cũng sẽ có người ủng hộ và không ủng hộ. Nếu gặp người có tình cảm với cha tôi, họ sẽ giúp đỡ. Còn người không ủng hộ thì công việc của tôi sẽ gặp khó khăn thêm. Vì vậy, trong công việc, tôi vẫn thường phải va chạm cả hai loại người này

* Hơn hai mươi năm trên thương trường, ông ngẫm ra điều gì đáng nhớ và đáng buồn nhất ?

- Tôi nghĩ, trong kinh doanh, điều đáng nhớ nhất, có thể coi như bí quyết thành công, đó là sự trung thực. Khi gặp đối tác, nhất là người nước ngoài, nếu mình trung thực, họ sẽ quý mình

Hồi đất nước mới mở cửa, có một đối tác nước ngoài gặp tôi và đưa ra 10 vấn đề, tôi nói chỉ làm được hai mà là hai vấn đề nhỏ nhất, rồi phân tích tường tận cho ông ta lý do

Những tưởng đối tác thất vọng, nhưng ông ta nói: “Ông Thành ạ, một trong những cái tôi tôn trọng ông chính là sự trung thực, gần như cái gì ông cũng để ngửa trên bàn nên chúng ta rất dễ làm việc”

Lúc đó, tôi nói luôn: “Vẫn có hai con bài tôi úp. Như thế cuộc chơi của chúng ta mới hay”. Vừa dứt lời, đối tác đứng lên bắt tay tôi và nói: “Bấy nhiêu đó càng chứng tỏ ông là người rất chân thực. Tôi quý ông và muốn hợp tác với ông”

Còn đáng buồn? Có lẽ đó là thời điểm tôi rời Techcombank vì đường hướng kinh doanh của tôi và một số người không hợp nhau. Điều đó được hiểu ngắn gọn thế này, khi giá trị đồng tiền chỉ là 100 triệu thì mình có thể hình dung được suy nghĩ của người khác, nhưng nếu giá trị lên tới 100 tỷ thì nó đã vượt qua những gì mình nghĩ

Quyền lực cũng vậy, có người khi chưa có quyền thì rất tốt với bạn bè, nhưng khi được thăng chức rồi thì thay đổi hẳn cách ứng xử, kể cả cung cách làm việc để thể hiện quyền lực

Một điều đáng buồn khác là hiện nay, tôi có cảm giác chúng ta đang thiếu những người làm kinh doanh biết đặt lợi ích quốc gia lên trên.Như vậy, sự tăng trưởng của chúng ta sẽ khó bền vững

* Ông vừa được đề cử làm đại biểu Quốc hội khóa XIII, so với lần trước tự ứng cử, cảm giác của ông có gì thay đổi không, thưa ông ?

- Những năm gần đây, tôi thấy nhiều người đã nói được ý nguyện của mình, của cử tri. Có lần gặp chú Sáu Dân (cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt), chú nói: “Chúng mày không có điều kiện tham gia vào bộ máy nhà nước thì tham gia vào cơ quan dân cử đi. Đó cũng là nơi đóng góp kinh nghiệm, năng lực của mình cho dân, cho nước”

Ngẫm lại, thấy mình cũng trải qua nhiều “vai”, từ bộ đội, cán bộ khoa học kỹ thuật, đến một người bình thường bươn chải kiếm sống và sau đó là làm kinh doanh, sự từng trải đó cho tôi cái nhìn về cuộc sống thực tế, sâu sát hơn

Song, quan trọng là ở tuổi tôi lúc đó, vật chất khó lòng cám dỗ. Điều đó có nghĩa là suy nghĩ của tôi được sáng hơn, hành động không bị lệch lạc. Vì vậy, dù không được ai giới thiệu, nhưng tôi vẫn quyết tâm ra ứng cử và rất tự tin. Còn lần này, thú thật là cảm giác “được” đề cử lại khiến tôi có vẻ mất “chủ động”

* Giả sử được trúng đại biểu Quốc hội lần này, ông sẽ có những kiến nghị gì ?

- Tôi không thể nói trước. Tuy nhiên, một trong những điều trước đây tôi muốn làm khi ứng cử là thành lập văn phòng đại biểu Quốc hội riêng để tiếp xúc cử tri, làm những việc liên quan đến Quốc hội. Ở các nước, các đại biểu quốc hội đều có văn phòng riêng

Tôi cũng có một kiến nghị là phải nhanh chóng, triệt để sắp xếp lại thành phần kinh tế quốc doanh bằng hình thức cổ phần hóa. Bởi thực tế, tuy kinh tế quốc doanh được chọn làm chủ đạo và chiếm tới 70% tài sản quốc gia, nhưng chỉ làm ra khoảng 40% sản phẩm cho xã hội và giải quyết khoảng 20 - 30% lao động

Trong khi đó, kinh tế tư nhân chỉ chiếm 30% mà làm ra tới 60% sản phẩm cho xã hội. Cũng phải thẳng thắn nhìn nhận rằng, kinh tế quốc doanh là cỗ máy “nghiền” cán bộ nhanh nhất, không ít cán bộ hư hỏng, tham nhũng đều từ bộ máy kinh tế quốc doanh mà ra

Một quan tâm khác là vấn đề việc làm cho người lao động. Thực tế, ở đâu cũng vậy, tệ nạn xã hội xảy ra vì tỷ lệ thất nghiệp cao. Tôi rất ngạc nhiên là ở Việt Nam không có con số thống kê tỷ lệ người thất nghiệp. chúng ta chỉ nói tạo ra việc làm mà ít thông tin đang mất đi bao nhiêu việc làm. Nếu bỏ qua chỉ tiêu thất nghiệp thì việc thông tin lạm phát giảm xuống một con số cũng không ý nghĩa gì nếu tỷ lệ thất nghiệp tăng lên

* Còn ở góc độ một doanh nhân, ông quan tâm điều gì nhất để doanh nghiệp có điều kiện kinh doanh hiệu quả hơn ?

- Cái khó của doanh nghiệp thì nhiều vô kể và điều tôi quan tâm nhất là làm thế nào để bộ máy công quyền không nhũng nhiễu doanh nghiệp. Đơn cử, tôi nhập một máy photocopy giá 1.000USD, có mở L/C, nhưng hải quan cứ khăng khăng bắt đóng thuế 2.000USD chứ không phải 1.000USD. Nhưng khi quyết toán thuế, “ông thuế” lại chỉ chấp nhận 1.000USD để đánh lợi nhuận

* Nhiều năm lăn lộn thương trường, có lúc nào ông ngẫm ra mình đã mất gì, được gì chưa ?

- Cái tôi không có là khả năng làm quan chức. suốt thời gian dài làm kinh doanh, tôi không còn tố chất làm quan chức, vì làm quan chức đúng nghĩa thì phải có một vài tố chất khác người làm kinh doanh. Đó là sự tận tụy với công việc chung, với quyền lợi chung, không đòi hỏi lợi lộc cho riêng mình, trong khi đó làm kinh doanh đòi hỏi quyền lợi cá nhân nhiều hơn nên sự sẵn sàng hy sinh bị giảm đi

Còn cái được, đó là những người bạn đã từng hiểu nhau, gắn bó với nhau một thời kham khổ. Khi có điều kiện kinh tế tốt hơn, mình cũng giúp được bạn bè nhiều hơn và sự gắn kết thêm bền chặt

Nhờ kinh doanh mà tôi hiểu thêm cuộc sống, ngộ ra nhiều loại người để bừng tỉnh và trưởng thành. Kinh doanh cũng làm tôi vui hơn, cuộc sống cũng bớt đi những lo toan cơm áo gạo tiền

* Có doanh nhân cho rằng: “Thương trường là nơi dễ làm con người thay đổi, thậm chí phải lạnh lùng trong một vài quyết định”. Đã bao giờ ông phải ân hận vì một vài quyết định theo kiểu ấy ?

- Bạn bè gặp tôi chỉ thắc mắc tại sao ông đen thế (vì tôi thường đánh golf) chứ không ai nói tôi thay đổi tính cách. Khi gặp nhau, chúng tôi vẫn rôm rả, nắn vai nhau và vỗ đen đét như ngày nào, sau đó kéo ra quán làm vài ly, chẳng nhà hàng sang trọng, chẳng kiểu cách gì cả

Tuy nhiên, tôi cũng có những lúc thiếu sáng suốt, để rồi phải ân hận vì đã làm vài điều không tốt với người bạn tốt và làm nhiều điều tốt với những người không tốt

* So với thời kỳ đầu đổi mới, kinh doanh thời điểm này, theo ông có gì khó khăn và lợi thế hơn ngày trước ?

- Thời kỳ nào cũng khó, nhưng cái khó trước đây là mình còn ngây ngô lắm, kinh doanh hầu như chỉ là cảm tính, mò mẫm. Tuy nhiên, làm ra đồng tiền thời đó dễ hơn. Bây giờ, người kinh doanh muốn thành công đòi hỏi phải có kiến thức, biết tổ chức chặt chẽ và có cái nhìn thận trọng hơn vì yếu tố thời cơ, may mắn không còn nhiều như trước

* Nhiều người cho rằng ông nằm trong số những người giàu có nhất nhưng tôi thấy ông quá giản dị. Đặc biệt, con trai ông dù du học nước ngoài và làm chủ một nhà hàng lớn. Đấy là lẽ tự nhiên của một người đã từng có nỗi lo cơm áo gạo tiền hay một sự “khổ hạnh” ?

- Tôi nghĩ mình cũng giàu, nhưng nằm trong top 10.000 người giàu ở Việt Nam. Riêng việc dạy con, tôi không quan niệm phải bắt con làm theo ý muốn của mình, tất cả những gì con tôi làm đều là tự nguyện và bắt nguồn từ nhận thức

Song, có lẽ khi mục đích cuộc sống có quá nhiều hoài bão và của cải vật chất không nhằm mục đích tô vẽ điều gì đó cho bản thân thì con người sẽ sống hòa đồng, bình dị và đơn giản hơn

* Ông có thể tiết lộ một vài nguyên tắc sinh hoạt trong cuộc sống của ông ?

- Không cà phê, thuốc lá cũng không trở về nhà quá 9 giờ tối. Thích chơi golf, đọc sách báo và nói chuyện thời sự, xã hội

* Gần đây, nhiều ý kiến ngại rằng, cùng với sự phát triển của kinh tế, đạo đức xã hội đang có chiều hướng đi xuống, ông có cùng lo lắng về điều này ?

- Mấy hôm nay theo dõi tình hình động đất ở Nhật, tôi thấy dù tai họa gây tổn thất và đau thương rất lớn, nhưng người Nhật vẫn rất bình tĩnh, đoàn kết. Nhìn họ, nhiều người trong chúng ta tự hỏi: “Nếu xảy ra sự cố ở Việt Nam, không biết dân mình có làm được như vậy không ?”

Thật ra, trước đây trong chiến tranh, đặc biệt khi Hà Nội bị B52 của Mỹ ném bom, người Hà Nội cũng cao thượng, lạc quan và bình tĩnh không thua gì người Nhật và nụ cười không bao giờ tắt. Nhưng tại sao bây giờ chúng ta lại tự nghi ngờ về chính mình như vậy ?

Phải chăng, rất nhiều giá trị đẹp của con người không còn nữa? Đây chính là điều không chỉ để quan ngại mà là vấn đề vô cùng khẩn thiết, phải làm sao để khơi gợi, đưa trở lại những giá trị tinh thần này vào trong cuộc sống
 
Top