What's new
Vietnam - Điện Biên Phủ Kinh Tế

This is a sample guest message. Register a free account today to become a member! Once signed in, you'll be able to participate on this site by adding your own topics and posts, as well as connect with other members through your own private inbox!

Tập đoàn Viettel

Viettel, VNPT cùng 'kéo quân' sang Myanmar

Nếu lời Chủ tịch Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) Trần Bắc Hà trở thành hiện thực thì lần đầu tiên, hai tập đoàn viễn thông lớn nhất Việt Nam là Viettel và VNPT sẽ cùng “hội tụ” và cạnh tranh ở một quốc gia khác ngoài lãnh thổ quê nhà

Thông tin Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) và Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) đang chờ được cấp giấy phép để mở mạng di động ở Myanmar được ông Trần Bắc Hà cho biết tại một cuộc họp đầu tư song phương tại Hà Nội mới đây, nhân chuyến thăm chính thức Việt Nam của Tổng thống Myanmar Thein Sein

Công ty viễn thông của Việt Nam đầu tư ở ngoài lãnh thổ, đến giờ không còn là một khái niệm mới, đặc biệt với cái tên Viettel. Hiện tại, Viettel đã đầu tư mở mạng lưới viễn thông và đang hoạt động ở 5 quốc gia gồm Lào, Campuchia, Mozambique, Haiti và Peru. Và trong năm 2012, tập đoàn này đặt mục tiêu sẽ mở thêm ở 3 - 4 nước nữa

Tuy nhiên, với VNPT, mở mạng lưới ở thị trường nước ngoài có thể xem là “điều khá mới lạ”. Nếu Myanmar hoặc đất nước nào đó được VNPT đầu tư mạng lưới thành lập mạng di động của mình thì đó sẽ là mạng viễn thông ở nước ngoài đầu tiên của VNPT

“Con đường” đi ra nước ngoài của các doanh nghiệp viễn thông Việt, theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó tổng giám đốc Viettel là do, thị trường trong nước nhìn thì lớn nhưng vẫn là manh áo chật và bắt buộc doanh nghiệp phải ra nước ngoài. Vì thế, chả ai bảo ai, doanh nghiệp cứ “lóp ngóp” kéo nhau đi

Quan điểm đầu tư ra nước ngoài của Viettel khá rõ ràng. Đó là chiến lược “kỹ thuật đi trước, kinh doanh theo sau”. Nghĩa là Viettel sẽ đầu tư hạ tầng riêng của mình ở quốc gia đó hoặc có thể mua lại hạ tầng của doanh nghiệp khác và đầu tư thêm - làm chủ về hạ tầng mạng lưới để phát triển kinh doanh dịch vụ, chứ không liên doanh liên kết với nhà mạng khác để khai thác dịch vụ

Trong khi đó, ban đầu, một lãnh đạo của VNPT cho rằng, VNPT khả năng sẽ không đi theo hướng của Viettel mà theo hướng hợp tác và đầu tư, không theo hướng đầu tư mạng lưới hạ tầng và tổ chức. Tức là hợp tác với các mạng lớn để đầu tư dài hơi hơn và tham gia góp vốn vào các nhà khai thác đó. Nhưng nay, có lẽ, chiến lược ban đầu của VNPT ít nhiều đã thay đổi

Tuy nhiên, một vấn đề đặt ra, do cùng là doanh nghiệp Nhà nước, cùng nguồn vốn Nhà nước nên, nếu cả VNPT và Viettel cùng đầu tư xây dựng mạng lưới tại Myanmar hoặc quốc gia khác, không biết Viettel và VNPT có xây dựng và dùng chung hạ tầng không ? Điều mà cả Viettel và VNPT chưa làm được ở thị trường Việt Nam !

Trong nhiệm kỳ của nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Lê Doãn Hợp, một trong những điều mà ông trăn trở nhất chưa làm được là giải quyết vấn đề dùng chung hạ tầng giữa các doanh nghiệp viễn thông

Theo ông, doanh nghiệp viễn thông cứ phát triển theo kiểu mạnh ai nấy làm “dựng cột” (trạm BTS) thoải mái sẽ vừa lãng phí nguồn tài nguyên quốc gia, vừa lãng phí nguồn vốn và sử dụng nguồn vốn của Nhà nước chưa thật hiệu quả

Một chuyên gia kỳ cựu về viễn thông cho rằng, nếu cả Viettel và VNPT cùng đầu tư vào Myanmar hay một quốc gia nào khác thì nên đầu tư xây dựng hạ tầng dùng chung để tránh làm lãng phí nguồn lực của Nhà nước

Ông phân tích, rất khó để đưa ra con số cụ thể tương đối về nguồn vốn đầu tư cho một hạ tầng mạng lưới mới mà một doanh nghiệp viễn thông đầu tư, vì còn phụ thuộc và về chính sách đầu tư, diện tích quốc gia, dân số… nhưng số tiền sẽ không thể tính đến hàng chục mà phải là hàng trăm triệu USD

Trong khi đó, theo tính toán của ông, hạ tầng trạm BTS hiện nay của cả ba nhà mạng VinaPhone, MobiFone và Viettel lãng phí gấp đôi số tiền cần thiết phải đầu tư, tức lãng phí gấp đôi so với nhu cầu cần thiết của đất nước

“Doanh nghiệp dùng chung hạ tầng sẽ kinh doanh trên những khu vực dải tần khác nhau, hạ tầng dùng chung không làm ảnh hưởng, hạn chế đến chiến lược, hoạt động kinh doanh của mỗi doanh nghiệp”, vị chuyên gia này nói

Tất nhiên, phân tích là vậy nhưng câu trả lời lại thuộc về “hai anh cả” viễn thông và các đơn vị cấp trên

Sự lớn mạnh của ngành viễn thông và của các tập đoàn viễn thông Việt Nam là điều rất đáng khích lệ và tự hào, nhưng đầu tư và phát triển một cách hiệu quả, đem lại nguồn lợi và nguồn lực tốt nhất cho quốc gia, nhân dân mới thực sự là điều cần cân nhắc
 
Last edited:
Viettel khai trương mạng viễn thông tại Mozambique

- Ngày 15-5, mạng viễn thông Movitel đã khai trương tại thủ đô Maputo, Mozambique (châu Phi). Đây là liên doanh giữa tập đoàn viễn thông Viettel và Công ty SPI, Mozambique, trong đó Viettel chiếm 70% vốn

Được vận hành khai thác kinh doanh từ ngày 1-5, đến nay Movitel đã có 400.000 thuê bao và đạt doanh thu 1,2 triệu USD. Số đăng ký dịch dịch mới của Movitel đạt bình quân 30.000 thuê bao/ngày ở thời điểm này

Có mặt tại buổi lễ, Tổng thống Cộng hòa Mozambique Armando Emillo Guebuza ghi nhận sự đóng góp của Movitel đã đưa Mozambique trở thành một trong ba quốc gia có hạ tầng viễn thông lớn nhất châu Phi, cùng với Nam Phi và Nigeria, đưa thuê bao di động và các dịch vụ về mạng viễn thông về tận làng xã và tạo ra hàng chục ngàn công ăn việc làm cho người dân bản địa

Hiện Movitel là mạng viễn thông thứ 3 tại Mozambique, chiếm 70% hạ tầng viễn thông với 1.800 trạm phát sóng, 12.500km cáp quang và còn đang tiếp tục xây dựng hạ tầng. Các dịch vụ Movitel đang triển khai là điện thoại di động, mạng Internet, truyền hình cáp và truyền hình mặt đất

Dự kiến đến cuối năm 2012, Movitel sẽ lắp đặt được 20.000km cáp quang, 3.000 trạm phát sóng gồm cả 3G và BTS. Trước đó, Viettel đặt chân đến Mozambique từ tháng 4-2011 và liên doanh với SPI, ra đời dịch vụ viễn thông Movitel. Đầu tháng 1-2012, Movitel thử nghiệm các dịch vụ trên toàn quốc với 7.000 người sử dụng

Movitel là mạng viễn thông thứ 4 ở nước ngoài mà Tập đoàn Viettel đầu tư, sau Lào, Campuchia và Haiti (châu Mỹ). Ngoài ra, Viettel cũng đã được cấp giấy phép đầu tư tại Peru. Năm 2011, Viettel chuyển lợi nhuận về nước 40 triệu USD và dự kiến năm 2012 lợi nhuận chuyển về nước đạt 80 triệu USD

Theo ông Nguyễn Duy Thọ, tổng giám đốc Công ty cổ phần đầu tư quốc tế Viettel, sau Mozambique, Viettel đang đàm phán và sẽ đầu tư ở các nước trong khu vực này là Kenya, Tanzania và Cameroon, hình thành hệ thống dịch vụ viễn thông mạnh tại khu vực châu Phi

Ngoài khai thác kinh doanh, tại Mozambique, Movitel còn cung cấp dịch vụ Internet miễn phí cho các trường học và hiện số trường học đã được cấp Internet là 500/4.200 trường; cung cấp dịch vụ điện thoại di động miễn phí cho 80.000 quân nhân và hỗ trợ 60 USD/năm cho 600.000 sinh viên, học sinh. Mục tiêu của Movitel trong năm 2012 là đạt 2 triệu thuê bao và 62 triệu USD doanh thu

Mozambique là một quốc gia châu Phi, diện tích trên 800.000 km2, rộng gấp 2,5 lần Việt Nam, dân số 23,5 triệu người

Đặng Đại
 
Last edited:
Hãy cứ đi rồi sẽ đến

Khi được Viettel tuyển dụng và cử đi Mozambique, kỹ năng đáng giá nhất ở Ngà là tiếng Bồ Đào Nga – chuyên ngành chính của cô tại Đại học Hà Nội

Tốt nghiệp khoa tiếng Bồ Đào Nha, Đại học Hà Nội, chỉ sau một năm làm việc, Bùi Thúy Ngà được bổ nhiệm làm phó giám đốc chi nhánh Movitel (công ty của Viettel tại Mozambique) khi mới 23 tuổi

Vào thời điểm đó, Ngà nghĩ công việc của mình chỉ là phiên dịch cho các nhân viên ở Mozambique. Thế nhưng, khi nhận nhiệm vụ tại chi nhánh Movitel Inhambane – một tỉnh nằm ở miền nam của đất nước Mozambique, cách thủ đô Maputo gần 500km, Ngà mới hiểu rằng, mình phải làm nhiều công việc khác chứ không đơn thuần là một phiên dịch

“Hôm nay, em sẽ đi thuê nhà trạm với anh”, đó là nhiệm vụ đầu tiên mà giám đốc chi nhánh giao cho Ngà. Thế rồi, chuyện đi tuyến với Ngà trở thành bình thường, bởi ở đây chỉ mình Ngà biết tiếng Bồ, phải đi theo để dịch giúp mọi người. Trong quá trình đi tuyến, Ngà học được rất nhiều kiến thức về kéo cáp trồng cột

Tuy nhiên, để có thể truyền tải thông tin đầy đủ, dễ hiểu tới các đồng nghiệp Mozambique, Ngà buộc phải hiểu như một chuyên gia kỹ thuật thực sự. Nhờ tính ham học hỏi và sẵn sàng làm thực tế, Ngà nhanh chóng thuộc tất cả các quy trình, học được cách làm và có thể hướng dẫn tốt cho nhân công người Mozambique

Chỉ sau một thời gian ngắn, cô sinh viên mới ra trường đã thành thạo nhiều công việc tưởng chừng chỉ dành cho đàn ông và dân kĩ thuật mạng lưới như trồng cột, kéo cáp hay xây trạm... Sau vài tháng, Ngà có thể tự đi một mình, giám sát việc thực hiện của các đội kĩ thuật Mozambique. Về chi nhánh được 4 tháng, Ngà đã đi hết tất cả các huyện, các trạm và các tuyến của tỉnh

Có hôm, Ngà phải đi một mình lên tuyến cách chi nhánh 400 km để kiểm tra. Tới nơi, cô sinh viên tiếng Bồ khá lo lắng vì tuyến này nhiều cây cối, nhà dân thì không có, nên việc hoàn thành kéo cáp rất khó khăn. Thế nhưng, nhìn thấy các công nhân Mozambique mặt lấm lem bùn đất vẫn cười tươi, Ngà lại thấy tự tin

Ngày hôm sau, Ngà cùng những nhân viên chủ chốt của đội kĩ thuật sở tại rong ruổi đi tìm thêm nhân công. Suốt mấy ngày trời, đồ ăn thiếu thốn, nơi nghỉ là một chiếc lều thuê của nhà dân không điện, không nước, nhưng Ngà và các nhân viên vẫn hoàn thành tuyến trong vòng 1 tháng

Một lần khác, Ngà nhận nhiệm vụ phải lắp thiết bị truyền dẫn cho trạm cách trụ sở hơn 100km để cho các tỉnh khác phát sóng, chỉ trong 1 ngày. Từ sáng sớm, Ngà và 2 nhân viên phải tự đi mua sơn để sơn trạm, đi mua gạch men, xi măng để lát nền. Khi đó, cô sinh viên chưa từng làm xây dựng cũng tự trộn xi măng rồi rải ra nền nhà, đặt gạch lên và lát...

Trong khi đó, các nhân viên kỹ thuật của chi nhánh lắp thiết bị truyền dẫn tới gần 1h sáng hôm sau thì hoàn thành

Tháng 10/2011, Phó tổng giám đốc Viettel Global - ông Nguyễn Duy Thọ đi kiểm tra chi nhánh tỉnh Inhambane, chứng kiến một cô gái rất nhỏ con chỉ huy cả một dàn lính kĩ thuật Mozambique to cao

Hôm đó, cả đội làm việc hăng say từ sáng sớm đến 2h chiều mà không ăn trưa để cố làm nốt. Vị lãnh đạo này khá ngạc nhiên khi biết cô gái nhỏ con phụ trách đội kỹ thuật còn đi tuyến hàng ngày

Nhờ những đóng góp thường xuyên và không mệt mỏi, chỉ sau hơn một năm làm việc ở nước ngoài, cô sinh viên mới tốt nghiệp đã có quyết định bổ nhiệm làm Phó giám đốc Kinh doanh chi nhánh Inhambane vào một ngày tháng 11/2011 khi mới ở tuổi 23

“Hãy cứ đi rồi sẽ đến. Đó là một trong những cách giúp người Viettel, trong đó có Ngà - nữ phó giám đốc chi nhánh tỉnh Movitel, trưởng thành và thành công”, ông Nguyễn Duy Thọ - Phó tổng giám đốc Viettel Global chia sẻ
 
Last edited:
Kỳ tích người Việt ở Movitel

Mới hơn một năm "chân ướt chân ráo" sang "mở cõi" Mozambique, những gì mà người Viettel làm được thực sự là một kỳ tích. Phần đa trong gần 400 người Việt tại Movitel đều mới chỉ trên dưới 30 tuổi

Thật xúc động khi chứng kiến giá trị Việt được tỏa sáng, được yêu tin và tôn trọng. Vui hơn, hãnh diện hơn khi làm nên điều này là những người Viettel, những người lính Cụ Hồ, mang thương hiệu Việt “quốc doanh” đã thành danh trên chính quê hương đi cạnh tranh quốc tế. Nói một cách dân dã hơn, họ là những người tiên phong, mang “chuông Việt” đi đánh xứ người…

"Viet Nam, Movitel - OK !"

Chúng tôi đặt chân đến Mozambique vào những ngày đầu đông châu Phi khi cùng đoàn lãnh đạo Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel sang khai trương kinh doanh mạng Movitel (thương hiệu của Viettel tại đây). Trái với vẻ khó đăm đăm và hành chính ì ạch khi làm thủ tục nhập cảnh cho những đoàn khách khác, đoàn chúng tôi lại nhận được những sự niềm nở, đầy thân thiện và cùng với đó là thủ tục rất nhanh gọn mang tính "ưu tiên" của các nhân viên an ninh sân bay thủ đô Maputo

Như hiểu vẻ ngạc nhiên của các nhà báo Việt Nam, một nhân viên an ninh tươi cười giơ ngón tay cái lên trời và nói "Viet Nam, Movitel - OK!". Anh Nguyễn Huy Thọ, TGĐ Công ty Đầu tư quốc tế Viettel (VTG) cũng cười và bảo rằng: "Các anh sẽ còn thấy nhiều điều ngạc nhiên về tình cảm của dân ở đây với người Việt ta. Không phải khoe đâu, nhưng công của Viettel đấy !"

Quả thực, trong những ngày ở đất nước châu Phi này, đi từ thủ đô Maputo đến các tỉnh xa lắc, xa lơ như Tete, Gaza… với cái mác "Viet Nam, Movitel" chúng tôi luôn nhận được sự chào đón ân tình với những nụ cười thiện cảm. Ở Mozambique, khi chạy xe trên đường, nhất là người nước ngoài sẽ rất hay bị cảnh sát, quân đội kiểm tra giấy tờ và "hành" nhưng mỗi khi bị chặn lại, chúng tôi chỉ cần đọc "thần chú" Movitel là được vui vẻ cho qua

Đặc biệt, điều ngạc nhiên hơn cả đối với chúng tôi là sự kiện khai trương kinh doanh mạng Movitel tổ chức tại thủ đô Maputo, tối 15/5 vừa qua. Sự hiện diện cùng lúc của ngài Tổng thống, Thủ tướng, 18 bộ trưởng trong nội các Mozambique và rất nhiều nghị sĩ Quốc hội tại buổi lễ khai trương của một doanh nghiệp là một điều "xưa nay hiếm" ngay tại quốc gia này và đủ nói lên uy tín, sự yêu mến của chính quyền đối với một thương hiệu Việt còn trẻ măng trên đất nước của họ

Trong không gian đầy sắc màu dân tộc Mozambique, đích thân Tổng thống Armando Emilio Guebuza đã xúc động nói rằng: "Cách đây hơn một năm, khi Chính phủ cấp giấy phép cho mạng viễn thông thứ ba này, ai đó trong chúng ta còn nghi ngờ về lý do có mặt của Movitel. Nhưng các bạn đã chứng minh được thiện chí và tấm lòng với người dân Mozambique bằng chính hành động của mình

Chúng tôi đánh giá cao sự đầu tư nghiêm túc của Viettel, Movitel vào hạ tầng viễn thông và CNTT của Mozambique; đồng thời trân trọng cảm ơn về những đóng góp của các bạn vào sự phát triển an sinh xã hội của quốc gia mà chương trình internet miễn phí đến các trường học, chương trình tài trợ chính phủ điện tử là những ví dụ sinh động…"

Tôi hỏi anh Thọ: "Vì sao Viettel mới bắt đầu kinh doanh tại Mozambique, tức là chưa có nhiều sự tương tác, chưa có điều kiện tạo thiện cảm thông qua dịch vụ; vậy kênh nào giúp các anh có được sự yêu mến của người dân ở đây đến vậy ?"

Ông trung tá, TGĐ VTG, vốn là một sĩ quan thông tin trưởng thành từ Quân khu 4 cười hiền và nói một câu rất triết lý: "Nếu chúng ta đến với một thái độ tôn trọng, chúng ta sẽ nhận lại được sự tôn trọng. Ta thật lòng với bạn, bạn sẽ thật lòng với ta. Cứ cho đi, trước khi muốn nhận. Chúng tôi quan niệm, đầu tư ra nước ngoài, bên cạnh việc kinh doanh thì cần giữ thể diện quốc gia

Trước khi là người lính, là người Viettel, thì chúng tôi là người Việt Nam… Do vậy, Viettel đầu tư trên quan điểm bền vững, dung hòa lợi ích của doanh nghiệp với lợi ích của cộng đồng…"

Và anh phân tích, điểm mạnh, lợi thế cạnh tranh của Viettel so với các thương hiệu viễn thông khác trên thị trường này chính là tinh thần "ba cùng" - cùng hợp tác đầu tư, cùng làm và cùng chia sẻ lợi ích - với người bản địa

Trong khi các nhà mạng khác chỉ đầu tư vào những vùng đô thị, tập trung khai thác thu lợi nhuận thì Movitel lại phát triển theo hướng "Mạng lưới đi trước, kinh doanh theo sau", đưa dịch vụ đến với khắp các vùng miền với giá rẻ, tạo điều kiện cho người nghèo được tiếp cận dịch vụ và hỗ trợ an sinh

Bên cạnh đó, các chuyên gia của ta là những người bạn sang để cùng làm, cùng chịu đựng gian khổ và chuyển giao kiến thức công nghệ cho nhân viên bản xứ chứ không phải là những ông chủ "cưỡi ngựa xem hoa"

Điều quan trọng nữa là "nhập gia tùy tục"; khi mình biết tôn trọng truyền thống văn hóa, phong tục của bạn, họ sẽ có ứng xử tương tự với mình… Có được thiện cảm và sự đồng thuận xã hội, tức là đã có 50% thắng lợi

Trị giá của thành công

Mặc dù chỉ mới bắt đầu đặt chân sang Mozambique để triển khai đầu tư từ tháng 4/2011, song với nỗ lực vượt bậc, Viettel đã lắp đặt được 1.800 trạm phát sóng, phủ 100% quận huyện, đóng góp trên 50% hạ tầng mạng di động cho quốc gia châu Phi này. Viettel cũng đã lắp đặt hơn 12.600km cáp quang, đóng góp hơn 70% hạ tầng cáp quang toàn Mozambique

Bên cạnh đó, Viettel còn xây dựng được một mạng lưới bán hàng rộng khắp với 50 cửa hàng, 25.000 điểm bán, đại lý trên tất cả các xã để phân phối sản phẩm - dịch vụ đến tận tay người tiêu dùng. Không chỉ kinh doanh mà công ty còn đào tạo và đem đến công ăn việc làm cho gần 30.000 người dân bản xứ…

Với kết quả này, Movitel của Viettel đã trở thành nhà mạng có hạ tầng tốt nhất, phủ sóng sâu rộng nhất tại Mozambique, vượt qua các nhà mạng khác như MCel hay Vodacom (là những thương hiệu lớn, đã có hàng chục năm khai thác tại thị trường này)

Theo kế hoạch, đến hết năm 2012, Viettel sẽ đầu tư mở rộng hệ thống hạ tầng mạng lưới tại Mozambique lên 20.000 km cáp quang; 3.200 trạm phát sóng (tiếp đó sẽ nâng lên 4.000 trạm) phủ sóng tới 80% dân số và dự kiến đạt 2,5 triệu thuê bao với doanh thu khoảng trên 60 triệu USD để bắt đầu có lãi. Viettel quyết tâm đưa Movitel trở thành nhà mạng số 1 về mọi mặt tại Mozambique vào năm 2013 và mở rộng đầu tư sang một số lĩnh vực khác như truyền hình cáp, truyền hình mặt đất tại đây

Mozambique cũng được Viettel coi là "bàn đạp" để mở rộng đầu tư sang Kenya, Tanzania và Cameroon, hình thành hệ thống dịch vụ viễn thông mạnh tại khu vực châu Phi

Có thể nói rằng, chỉ với hơn một năm "chân ướt chân ráo" sang "mở cõi" tại một địa bàn đầy lạ lẫm và khó khăn, những gì mà người Viettel làm được thực sự là một khối lượng công việc khổng lồ, một kỳ tích. Nhưng, sẽ càng khâm phục hơn, nếu chúng ta biết rằng, kỳ tích ấy được lập nên bởi những người rất trẻ. Phần đa trong gần 400 người Việt tại Movitel đều mới chỉ trên dưới 30 tuổi

Trong những ngày cùng đoàn công tác đi khảo sát địa bàn, chúng tôi đã gặp và ấn tượng vô cùng với những người Viettel trẻ tuổi. Đó là hình ảnh ở Chi nhánh Movitel tỉnh Tete, nơi cách xa Matupo gần 2.000km, cả một địa bàn rộng lớn, từ đầu đến cuối tỉnh dài hơn 500 km, vừa phải triển khai mở tuyến, lắp trạm vừa phải triển khai kinh doanh, vậy mà toàn chi nhánh chỉ có 14 cán bộ người Việt Nam

Họ phải ngày đêm đi tuyến, bám trụ địa bàn, làm việc trong một điều kiện hết sức gian khổ, nhiều lúc dưới cái nóng 47oC để hoàn thành nhiệm vụ được giao là lắp đặt hơn 1.000 km cáp quang, gần 70 trạm BTS và triển khai công tác phát triển dịch vụ xuống từng làng xã

Đó là hình ảnh Giám đốc Chi nhánh Tete Dương Anh Đức, mới 27 tuổi đời, nhưng đã có thâm niên 2 năm làm việc tại Viettel Campuchia rồi lên đường bay thẳng Mozambique, về quê lấy vợ, sau một tuần lại đi ngay. Đức xốc vác và điều hành công việc bằng "5 thứ tiếng"

Thật lạ lùng, do bất đồng ngôn ngữ, để truyền đạt một vấn đề với những nhân viên Mozambique, nhiều khi Đức dùng cả tiếng Bồ Đào Nha, tiếng Anh, tiếng Việt, ngôn ngữ cơ thể và cả… thổ ngữ Quảng Bình quê anh, chắp nối mỗi thứ một từ, vậy mà công việc vẫn trôi chảy…

Và đó là hình ảnh chàng thanh niên Hà Nội Trương Việt Hùng, Trưởng trạm của Movitel tại Chokwe. Hùng là người Việt Nam duy nhất ở đây cùng với đội ngũ nhân viên Mozambique, chịu trách nhiệm "cai quản" một diện tích 65.000 km2 (rộng bằng vài tỉnh ở Việt Nam) với 35.000 dân thuộc 7 huyện của tỉnh Gaza

Kể đôi chút vậy để phần nào hình dung trị giá của thành công mà người Viettel "làm một năm bằng nhà mạng khác làm 10 năm" ở đất này cũng phải đổi bằng rất nhiều mồ hôi, sức lực và cả những hy sinh. Nhưng có một điều mà chính chúng tôi cũng băn khoăn là làm thế nào mà những người lãnh đạo Viettel lại có thể "lôi kéo" được những bạn trẻ Việt Nam đến với vùng đất lạ này ?

Thổi vào họ một ước mơ chinh phục, khám phá thôi thì chưa đủ. Ưu đãi về tài chính cũng không hẳn vì mức lương mà Viettel chi trả chưa hẳn đã cao. Và sẽ là sáo rỗng chăng, nếu ta chỉ nói về khát vọng cống hiến…

Đem băn khoăn này hỏi Đại tá, Phó TGĐ Nguyễn Mạnh Hùng, anh cười và bảo: "Những điều bạn nói đã đúng một phần, nhưng quan trọng hơn là với văn hóa Viettel, dù đã đứng vào hàng ngũ quân đội hay chưa, mỗi nhân viên của chúng tôi đều xác định mình là chiến sĩ và sẵn sàng "ra trận" bất cứ lúc nào. Mặt khác, ở tập đoàn chúng tôi, bao giờ cũng vậy, tướng đi trước, quân đi sau. Người lãnh đạo bao giờ cũng phải làm gương, phải là người tiên phong mở đường, anh em cứ nhìn đó mà theo… "

Còn tôi, tôi nghĩ rằng, người Viettel rất giỏi truyền lửa; những người trẻ này tin rằng, những nỗ lực của họ hôm nay chính là thành quả họ hưởng ngày mai. Họ nhìn vào người lãnh đạo của mình mà làm việc. Họ tin sẽ được tưởng thưởng xứng đáng với cống hiến của mình

Quan trọng hơn, họ cống hiến hết mình vì biết rằng mình được hậu thuẫn, được đảm bảo cho sự phát triển trong tương lai và phía sau họ luôn là một hậu phương vững chắc…

Mozambique là quốc gia thứ 4 (ngoài Việt Nam) mà Viettel đầu tư đã đi vào hoạt động sau Campuchia, Lào và Haiti. Thật may khi cả ở 4 nước Viettel đều đã gặt hái được những thành công bước đầu. Năm 2011, từ nguồn đầu tư nước ngoài, họ đã chuyển về nước được những đồng đôla đầu tiên (40 triệu), đồng thời gây dựng tại các nước bạn một hạ tầng kinh doanh vững chắc ở vị thế dẫn đầu

Dự kiến, đến hết năm 2012 này, tập đoàn sẽ chuyển thêm về nước 80 triệu USD và sẽ có thị trường nước ngoài lớn gấp 2 lần trong nước…

Trong khát vọng hướng ra biển lớn với hành trình mục tiêu "một tỉ dân - một tỉ khách hàng", có thể nói, những thành quả nêu trên thật đáng khích lệ

Chia tay Mozambique, tôi cứ nhớ mãi câu nói của anh Nguyễn Mạnh Hùng: "Mang tiền Nhà nước đi nước ngoài đầu tư, chúng tôi không ngại khó ngại khổ và luôn nỗ lực để có được thành công cao nhất. Nhưng bạn biết đấy, mười vụ, thắng bảy thua ba mà tổng thể là thành công rồi

Chứ mười vụ thắng cả mười là điều không thể. Vì thế, chúng tôi rất cần cái nhìn cảm thông, chia sẻ của những người ở nhà. Hiệu quả đầu tư ra nước ngoài, nhiều khi không chỉ là lợi nhuận…"

Phạm Nguyễn
 
Last edited:
Viettel đến năm 2015 sẽ thành lập 2 Tổng công ty

Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel sẽ tăng cường hoạt động nghiên cứu sản xuất các thiết bị quân sự, dân sự, trong đó có việc hoàn thiện và chế thử máy bay không người lái hạng nhẹ

Thông tin vừa được ông Tống Viết Trung, Tổng Giám đốc Viettel công bố tại Hội thảo “Đầu tư và cơ chế tài chính phát triển khoa học và công nghệ” do Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức ngày 5/6/2012

Đánh giá cao tầm quan trọng của hoạt động nghiên cứu khoa học công nghệ, Viettel đã dành 10% lợi nhuận trước thuế cho hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D). Riêng với năm 2012, hoạt động R&D của Tập đoàn được đầu tư tới 2.000 tỉ đồng (lợi nhuận trước thuế năm 2011 của Viettel là 20.000 tỉ đồng)

Hoạt động R&D của Viettel sẽ được chia thành 3 mảng

Thứ nhất là thiết bị dân sự - gồm thiết bị hạ tầng mạng lưới như tủ nguồn cho trạm BTS, thiết bị giám sát điều khiển trạm BTS; thiết bị đầu cuối viễn thông như điện thoại di động Sumo, máy tính bảng, thiết bị Wifi Access Point, máy tính AIO, điện thoại 3G, USB 3G; thiết bị phục vụ an sinh xã hội như hệ thống cảnh báo sóng thần, hệ thống quản lí giám sát hồ chứa

Thứ hai, thiết bị quân sự: hoàn thiện và chế thử máy bay không người lái hạng nhẹ; nghiên cứu chế tạo máy thông tin quân sự, thiết bị ra đa, thiết bị hỗ trợ đào tạo, huấn luyện, thiết bị tổng đài kĩ thuật số cấp chiến thuật…

Thứ ba, các phần mềm quân sự như quản lí giám sát tình trạng kĩ thuật tàu hải quân, mô phỏng trường ra đa, hệ thống xử lí thông tin ra đa cấp trạm; và phần mềm phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh như hệ thống NocPro, IPCC (hệ thống chăm sóc khách hàng trên nền IP), BCCS (hệ thống quản lí và chăm sóc khách hàng), phần mềm ERP quản lí sản xuất

Hiện bộ máy cho hoạt động sản xuất thiết bị điện tử viễn thông & CNTT đang được Viettel tập trung hoàn thiện. Dự kiến đến năm 2015 sẽ thành lập 2 Tổng công ty gồm: Tổng công ty Sản xuất thiết bị Viettel, mức tổng đầu tư 5.000 – 6.000 tỉ đồng, doanh thu đạt 20.000 tỉ đồng, nhân sự đạt 5.000 người, năng lực sản xuất 20 triệu thiết bị/năm (thiết bị điện thoại hoặc tương đương); Tổng công ty Phần mềm Viettel, mức tổng đầu tư 3.000 tỉ đồng, doanh thu đạt 6.000 tỉ đồng, nhân sự 3.000 người

Viettel đã đặt mục tiêu đến năm 2015, sẽ sản xuất thiết bị điện tử viễn thông và CNTT đáp ứng phục vụ các thị trường và khách hàng của Viettel với 500 triệu dân và 100 triệu thuê bao; mặt khác góp phần hiện đại hóa Quân đội nhân dân Việt Nam. Để nâng cao hiệu quả hoạt động nghiên cứu, sản xuất, Viettel đang đề xuất các cơ quan chức năng nghiên cứu ban hành cơ chế đặc thù, cho phép Viettel sử dụng một phần lợi nhuận sau thuế để xây dựng và thực hiện Đề án “Sản xuất thiết bị quốc phòng (dự kiến 2.000 – 3.000 tỉ đồng/năm)

Viettel vừa hoàn thiện dây chuyền sản xuất thiết bị điện tử và viễn thông với tổng giá trị đầu tư 200 tỉ đồng, trong quý 1/2012, dây chuyền đã sản xuất thành công 5.000 USB 3G. Bên cạnh đó, Viettel cũng đã đầu tư dây chuyền sản xuất linh kiện cơ khí điện tử cho Công ty Thông tin M3 với tổng giá trị đầu tư 120 tỉ đồng, dự kiến đưa dây chuyền vào hoạt động trong tháng 7/2012

Ngoài ra, Tập đoàn này đã đầu tư hệ thống phòng lab cho Viện Nghiên cứu và Phát triển Viettel (dự kiến 112 tỉ đồng), hiện đã thực hiện đấu thầu mua sắm trong quý 2/2012
 
Last edited:
Châu Phi - Viettel hãy đến đất nước chúng tôi

Không chỉ xuất hiện dày đặc trên các báo châu Phi, sự kiện Viettel mở mạng di động ở Mozambique còn gây “sốt” với các quốc gia khác trong cùng châu lục

Movitel - “cơn sốt” ở Mozambique

Trước và sau lễ khai trương mạng di động Movitel của Viettel tại Mozambique, thông tin về sự kiện này được đăng tải dày đặc trên các trang nhất của các báo ở các quốc gia lân cận trong khu vực Nam Phi, rồi nhanh chóng bay tới các quốc gia Tây, Trung và Đông Phi chỉ trong vài ngày

Bất chấp những sự kiện lớn diễn ra cùng thời điểm khai trương, hai cái tên Viettel và Movitel liên tục được nhắc đến trên các trang báo của cộng đồng châu Phi

Từ các quốc gia ít biết đến như Chad (Trung Phi), Sierra Leon, Liberia (Tây Phi) đến các nước phát triển như Nam Phi, Kenya (Nam và Đông Phi)…các phương tiện thông tin đại chúng đều dành một mối quan tâm đặc biệt cho mạng di động mới mở của một công ty đến từ Việt Nam

Ngay cả những blog cá nhân, những trang web không phải lĩnh vực viễn thông như du lịch, ngân hàng... cũng quan tâm đăng tải tin với dòng tít “Nhà cung cấp mạng viễn thông hàng đầu khai trương mạng di động tại châu Phi” hay “Viettel tỏa sáng tại Mozambique với cáp quang và di động”

Mong… được phủ sóng

Sau khi những thông tin về Movitel được các phương tiện báo chí truyền đi khắp thế giới, nhiều email đặc biệt gửi tới Viettel với thông điệp: “Hãy đến đất nước chúng tôi !”

Từ đất nước chỉ hơn 10 triệu dân số ở Trung Phi: Chad là cái tên rất xa lạ với nhiều người Viettel và Việt Nam

Tuy nhiên, Zara Mahamat Yacoub - nhà báo kiêm giám đốc một tổ chức phi chính phủ tại Chad, gửi email tới Viettel tâm sự: “Mặc dù đất nước chúng tôi có hai nhà khai thác nhưng kết nối rất tệ và kênh phân phối ở đây cũng rất kém. Tôi được biết những gì các bạn đã làm ở Mozambique. Hãy đến giúp chúng tôi để dịch vụ viễn thông đến được với nhiều người dân Chad hơn”

Cách xa Chad hàng ngàn km ở phía Đông Phi, DenyeRonald - người đang làm việc cho Tổ chức Phát triển sức mạnh Cộng đồng (UNCE) của Uganda, cũng gửi một email tới Viettel với tựa đề: “Hãy đến Uganda” (Coming to Uganda)

Trong thư, DenyeRonald viết: “Tôi đã ghé thăm website của công ty bạn và thậm chí theo dõi những kinh nghiệm, cách làm khác biệt và những công nghệ tuyệt vời mà bạn đã thực hiện. Và tôi tin tưởng nếu những điều này được làm ở Uganda thì nó còn tốt hơn nhiều

Tại Uganda, chúng tôi đã có một số công ty viễn thông nhưng không mang lại những gì tốt nhất cho người dân. Tôi rất muốn biết các bạn cần phải có những điều kiện gì để đến đất nước tôi. Tôi có thể chuẩn bị ngay mọi thứ đón tiếp bạn ở nơi này… Chúng tôi cần bạn. Hãy đến đất nước chúng tôi - Uganda”

Không chỉ dừng ở nước nói tiếng Bồ Đào Nha - nơi diễn ra sự kiện như Mozambique hay tiếng Anh phổ biến như Kenya, Nigeria, Ethiopia…. thông tin Viettel đến châu Phi đã lan sang cả các nước châu Phi nói tiếng Pháp

Trong bức thư bằng tiếng Pháp gửi đến Viettel, đại diện của Công ty Ephrata Telecom ở Cộng hòa Dân chủ Công Gô bày tỏ: “Chúng tôi đã đọc thông tin về các bạn. Được biết các bạn có ý định tìm kiếm cơ hội đầu tư tại Châu Phi và chúng tôi rất mong muốn được hợp tác”

“Điểm nóng” mới trong viễn thông châu Phi

Sự kiện khai trương của Movitel đã trở thành điểm nóng của cả khu vực khi kênh Channel Africa thuộc Tập đoàn Phát thanh và Truyền hình (South Africa Broadcasting Corporation - SABC) hàng đầu của Nam Phi đề nghị được phỏng vấn đại diện Viettel. Channel Africa là kênh phát thanh có vùng phủ rộng khắp châu Phi, được thực hiện bởi 6 thứ tiếng: Anh, Pháp, Bồ Đào Nha, Swahili, Chinyanja và Silozi

Kgomotso Mophulane, phóng viên chương trình kinh tế của kênh này chia sẻ: “Những gì Viettel đã làm cho Mozambique là một kỳ tích. Các nước châu Phi khác cũng cần có nhà đầu tư như Viettel và chúng tôi mong muốn các bạn chia sẻ câu chuyện của mình cho các độc giả ở đây”

Còn Viki Russell, biên tập viên báo điện tử Telegeography (có trụ sở tại San Diego, California, Mỹ) chia sẻ: “Chúng tôi rất ấn tượng với những gì Viettel đã làm tại Mozambique. Đây chính là cái mà độc giả của chúng tôi, những nhà quản lý viễn thông, cần đọc”

Fiona, biên tập viên của Telecomasia - tạp chí nổi tiếng trong lĩnh vực viễn thông tại khu vực Châu Á, nói ngắn gọn: “Vô cùng ấn tượng”

Các trang chuyên về lĩnh vực ICT của cộng đồng châu Phi cũng đăng tải sự kiện này liên tục trong suốt từ ngày Movitel khai trương cho tới đầu tháng 6. Đa phần các bài báo đều cho thấy sự ấn tượng với những kết quả Viettel đã làm được, không chỉ riêng cho Mozambique mà với toàn cộng đồng Châu Phi

Trong buổi tối khai trương Movitel, Tổng thống Mozambique – ông Armando Emilio Guebuza nói: "Cách đây hơn một năm, khi Chính phủ cấp giấy phép cho mạng viễn thông thứ ba này, ai đó trong chúng ta còn nghi ngờ về lý do có mặt của Movitel. Nhưng các bạn đã chứng minh được thiện chí và tấm lòng với người dân Mozambique bằng chính hành động của mình”

Châu Phi được biết đến với thực trạng cấp phép rất nhiều nhưng chỉ có một vài nhà khai thác nghiêm túc triển khai theo cấp phép. Do đó, mặc dù cho phép làm hàng chục năm nay nhưng trung bình số lượng cáp quang mà mỗi quốc gia châu Phi chỉ bằng con số trung bình của cả thế giới trên một triệu dân

Sau khi Viettel xây dựng hơn 1 năm tại Mozambique, số lượng cáp quang tại quốc gia này lên tới 12.600 km, đóng góp 70% hạ tầng cáp quang của toàn Mozambique. Riêng tại tỉnh Tete - tỉnh khó khăn nhất của Mozambique, hơn 700km cáp đường trục, và 1000km cáp nhánh đã được kéo

Công ty Movitel đã sở hữu mạng lưới lớn nhất, có vùng phủ rộng và sâu nhất tại Mozambique với 1.800 trạm phát sóng (2G&3G) phủ 100% quận, huyện và đường quốc lộ, đóng góp hơn 50% hạ tầng mạng di động của toàn Mozambique

Movitel đã đưa quốc gia này từ chỗ gần như không có gì về hạ tầng cáp quang trở thành 1 trong 3 quốc gia có hạ tầng cáp quang lớn nhất khu vực châu Phi (cùng với Nam Phi và Nigieria)

Nam Anh
 
Last edited:
Đông Timor sẽ là “điểm đến” tiếp theo của Viettel
Đông Timor có thể sẽ là đất nước tiếp theo trên hành trình đầu tư ra nước ngoài của Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel)

Tại báo cáo về tái cơ cấu Viettel đến năm 2015, tập đoàn này cho biết, sẽ tiếp tục mở rộng hoạt động ra toàn cầu. Trong đó, triển khai kinh doanh có hiệu quả tại Lào, Campuchia, Haiti, Mozambique, chính thức khai trương kinh doanh tại Peru vào năm 2013 và mở rộng tiếp tại Tanzania, Đông Timor…

Ít hôm trước, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng đã đã công bố nghị quyết của Công ty Cổ phần Đầu tư quốc tế Viettel (Viettel Global) về việc thành lập chi nhánh tại Tanzania và chi nhánh này sẽ triển khai các hoạt động cần thiết liên quan tới việc xúc tiến đầu tư, triển khai xây dựng hạ tầng mạng viễn thông tại Tanzania

Với thông tin tại báo cáo tái cơ cấu trên, rất có thể, Đông Timor sẽ là “điểm đến” tiếp theo của Viettel

Từng là tỉnh thứ 27 của Indonesia, năm 2002, Đông Timor (hay Cộng hòa Dân chủ Đông Timor) trở thành quốc gia độc lập. Đây là một đất nước nhỏ bé với diện tích 15.410 km², dân số khoảng 1 triệu người, với hơn 10 dân tộc có văn hoá và ngôn ngữ riêng

Đông Timor là một trong những nước có GDP trên đầu người thấp nhất thế giới (bình quân khoảng 800 USD)

Đông Timor cũng tương tự như các quốc gia mà Viettel đã, đang đầu tư và đang triển khai dịch vụ, đều là những nước có địa hình, điều kiện tự nhiên không thực sự thuận lợi và là những nước có nền kinh tế kém phát triển, thu nhập bình quân trên đầu người rất thấp

Tuy nhiên, theo Viettel, thời điểm hiện tại, chỉ với 5 quốc gia Campuchia, Lào, Haiti, Mozambique và Peru mà Viettel đang đầu tư, tập đoàn đã có thêm một thị trường với khoảng 85 triệu dân, tạo doanh thu gần 10.000 tỷ đồng

“Đây là những lợi thế để Viettel mua được thiết bị viễn thông, thiết bị đầu cuối với giá rẻ, cũng như để nghiên cứu, sản xuất các thiết bị viễn thông”, báo cáo của tập đoàn này nhấn mạnh

Mạnh Chung
 
Last edited:
FPT, Viettel muốn phát triển thì đầu tư cho R&D là đương nhiên

Theo kế hoạch, năm 2012 Viettel sẽ đầu tư khoảng 2.000 tỷ đồng LNTT và FPT dành khoản ngân sách bằng 5% LNTT năm liền trước để chi cho các hoạt động R&D

Ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH MTV phát triển công viên phần mềm Quang Trung (QTSC) trả lời phỏng vấn ICTnews rằng, Viettel, FPT, VNPT... muốn khẳng định được vị thế bền vững của mình tại thị trường trong nước và quốc tế thì phải đầu tư một cách thỏa đáng cho nghiên cứu phát triển (R&D)

Ông có nhận xét gì về tình hình đầu tư cho lĩnh vực R&D trong doanh nghiệp CNTT Việt Nam từ trước đến nay ?

Hoạt động sản xuất, kinh doanh, cung cấp dịch vụ CNTT của các doanh nghiệp CNTT là họat động sáng tạo. Các sản phẩm và dịch vụ của doanh nghiệp phần lớn đều là kết quả của quá trình R&D hoặc sáng tạo. Tuy nhiên, mức độ hàm lượng sáng tạo khác nhau

Nhưng nét đặc trưng cơ bản của doanh nghiệp CNTT Việt Nam khi đầu tư vào R&D là: Chưa tạo ra được nhiều sản phẩm, dịch vụ thuần Việt (thương hiệu Việt)

Các hoạt động sáng tạo này thường dựa vào việc nghiên cứu các sản phẩm, dịch vụ đã có sẵn của các hãng để phát triển lên thành sản phẩm dịch vụ mới. Rất ít các kết quả nghiên cứu được đăng ký sở hữu trí tuệ, cấp Patent

Bên cạnh đó, việc đầu tư cho R&D ở doanh nghiệp chưa tương xứng với đặc điểm và đặc trưng của ngành CNTT là liên tục sáng tạo và thay đổi nhanh

Thường khi đầu tư R&D, các doanh nghiệp CNTT tại Việt Nam hay gặp những khó khăn gì, có phải là nguồn nhân lực hay vốn ?

Các yếu tố cơ bản khuyến khích thúc đẩy quá trình nghiên cứu và phát triển của các doanh nghiệp nói riêng và xã hội nói chung bao gồm

- Quá trình tích tụ của doanh nghiệp (tích tụ về kiến thức, kinh nghiệm, tích tụ về các sáng kiến, tích tụ về vốn, tích tụ về nguồn nhân lực giỏi)

- Những tín hiệu, cơ hội từ thị trường (là động lực để thúc đẩy quá trình nghiên cứu sáng tạo)

- Các thể chế, định chế tài chính thuận lợi cho mời gọi các nguồn lực tham gia quá trình nghiên cứu (quỹ đầu tư, liên kết đại học, viện nghiên cứu và doanh nghiệp…); Và một số yếu tố khác

Quan sát cho thấy các doanh nghiệp đều gặp khó khăn ở tất cả các yếu tố trên: các doanh nghiệp phần lớn quá nhỏ bé, non trẻ và được tạo dựng từ các nguồn lực rất yếu nên chưa có sự tích tụ để tạo ra sự đột phá trong hoạt động R&D. Do đó kết quả hoạt động R&D của các doanh nghiệp CNTT nói chung còn rất khiêm tốn

Chỉ có số ít doanh nghiệp có thời gian hoạt động khoảng trên 10 năm, có tích lũy mới bắt đầu đầu tư mạnh vào hoạt động R&D nhưng quy mô cũng còn rất nhỏ. Yếu tố nhân lực không bền vững và thiếu người giỏi dẫn dắt cũng là nhân tố quan trọng

Mới đây, 2 tập đoàn công nghệ được xếp vào loại lớn nhất Việt Nam là Viettel và FPT đã công bố việc đầu tư mạnh vào R&D (năm 2012 Viettel sẽ đầu tư khoảng 2.000 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế và FPT dành khoản ngân sách bằng 5% lợi nhuận trước thuế năm liền trước để chi cho các hoạt động R&D). Theo ông, đây có phải là hướng đi đúng của các doanh nghiệp công nghệ lớn ở Việt Nam hiện nay ?

Doanh nghiệp CNTT muốn phát triển bền vững thì phải đầu tư cho R&D là lẽ đương nhiên. Viettel, FPT, VNPT và một số doanh nghiệp CNTT hàng đầu của Việt Nam muốn khẳng định được vị thế bền vững của mình tại thị trường trong nước và quốc tế thì phải đầu tư một cách thỏa đáng cho R&D và tương xứng với tầm vóc của mình. Các quyết định trên đáng lẽ ra phải sớm hơn nữa

Ông nhận định thế nào về sự phát triển của sản phẩm công nghệ Việt trong thời gian tới? Liệu chúng ta có tạo ra được những sản phẩm như iPad của Apple (như Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Mạnh Hà từng ví von) ?

Tôi tin rằng trong tương lai chúng ta sẽ có nhiều sản phẩm CNTT thương hiệu Việt hơn hiện nay. Tuy nhiên để có những sản phẩm có thương hiệu Việt nổi tiếng như iPad của Apple thì chắc sẽ rất khó. Nếu có được nhiều sản phẩm chiếm lĩnh được phần lớn thị trường trong nước đã là thành công lắm rồi

Theo ông, để thúc đẩy hoạt động đầu tư cho R&D tại Việt Nam trong thời gian tới, Nhà nước cần phải có chính sách gì ?

Trước tiên, phải nhận thức rằng đầu tư cho R&D là nhu cầu và lợi ích thiết thân, quyết định sự phát triển lâu dài của doanh nghiệp, nên chắc chắn doanh nghiệp phải có kế hoạch, chiến lược đầu tư cho lĩnh vực này

Nếu có môi trường thuận lợi, có tầm nhìn và chính sách, cơ chế quốc gia để hỗ trợ và thúc đẩy các hoạt động R&D của doanh nghiệp và các tổ chức thì kết quả sẽ tốt hơn, sẽ có sự phát triển đột phá nhanh hơn

Các chính sách cụ thể thì tôi chưa thể đề xuất được nhiều nhưng cần sớm triển khai cụ thể tinh thần của Luật Công nghệ cao để luật này thực sự thuận lợi cho doanh nghiệp và đi vào cuộc sống. Có nhiều điều còn rất lý thuyết cần phải thực tiễn hóa nó

Ví dụ như quy định doanh nghiệp được hưởng ưu đãi thuế cao nhất kể từ khi thành lập doanh nghiệp công nghệ cao: Với quy định này, doanh nghiệp triển khai dự án R&D muốn được hưởng ưu đãi thuế lợi nhuận phát sinh từ dự án R&D thì phải thành lập doanh nghiệp mới cho dự án và như vậy quả là chưa mềm dẻo

Các cơ chế đầu tư và sử dụng các hạ tầng dùng chung phục vụ nghiên cứu cũng chưa được thuận lợi, cơ chế hỗ trợ đối với chuyên gia đầu đàn hay thuê chuyên gia nghiên cứu đầu đàn từ nước ngoài để dẫn dắt hoạt động nghiên cứu của doanh nghiệp cũng chưa thật dễ dàng
 
Last edited:
Viettel Global mua lại 65% của mạng viễn thông tại Tanzania
Viettel Global dự định rót 225,8 triệu USD vào dự án này

Công ty CP Đầu tư Quốc tếViettel đã thông qua chủ trương thực hiện Dự án đầu tư thiết lập và khai thác mạng viễn thông tại nước Cộng hòa Thống nhất Tanzania

Theo đó, Viettel Global sẽ mua lại 65% cổ phần của Công ty EPOCHA & GOLDEN OCEAN TANZANIA LIMITED (EGOTEL) để triển khai Dự án. Số cổ phần này được mua lại từ BITMAP - một công ty tại Singapore - với giá 18,05 triệu USD

Tổng vốn đầu tư của Dự án là 337,7 triệu USD, trong đó, vốn đầu tư của Viettel Global là 225,8 triệu USD. Cụ thể như sau

* 18,05 triệu USD để mua lại 65% cổ phần của EGOTEL

* 61,7 triệu USD được góp thêm sau khi công ty sở hữu 65% cổ phần của EGOTEL

* 146,08 triệu được công ty huy động cho EGOTEL theo hình thức vốn vay cổ đông bằng tiền/hoặc thiết bị

Viettel Global là công ty trực thuộc Viettel, chuyên thực hiện các dự án đầu tư tại nước ngoài. Hiện công ty đang vận hành các mạng viễn thông tại Lào, Campuchia, Haiti, Mozambique
 
Last edited:
Viettel tung gần 5.000 tỷ vào hai thị trường mới mở

- Viettel Global dự kiến "đổ" 225,8 triệu USD cho thị trường Tanzania - trước mắt sẽ mua lại 65% cổ phần của 1 công ty tại nước này với giá 18 triệu USD. Đồng thời, chi gần 15 triệu USD thành lập công ty con tại Đông Timor

Ngày 9/8, Công ty cổ phần đầu tư quốc tế Viettel (Viettel Global) có văn bản trình lên Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) công bố thông tin về việc Nghị quyết HĐQT công ty đã thông qua chủ trương thực hiện dự án đầu tư mạng viễn thông tại nước Cộng hòa Thống nhất Tanzania

Theo đó, trước mắt, công ty sẽ mua lại 65% cổ phần của Công ty Epocha & Golden Ocean Tanzania Limited (Egotel) từ công ty Bitmap PTE, một công ty Singapore với giá hơn 18,05 triệu USD

Tổng vốn đầu tư của dự án dự kiến là 337,71 triệu USD (đã bao gồm khoản 18,05 triệu USD mua cổ phần)

Vốn đầu tư của Viettel Global vào dự án này là 225,83 triệu USD. Ngoài 18,05 triệu USD được công ty huy động để mua 65% cổ phần của Egotel như quy định, Viettel Global sẽ góp thêm 61,7 triệu USD vào Egotel sau khi sở hữu 65% cổ phần công ty này

Viettel Global cũng cho biết, 146,08 triệu USD được công ty huy động cho Egotel theo hình thức vốn vay cổ đông bằng tiền mặt/thiết bị

Trước đó hồi tháng 6, HĐQT Viettel Global đã phê duyệt việc phân bổ cho Chi nhánh Tanzania khoản ngân sách tối đa 1 triệu USD để đảm bảo nghĩa vụ đại diện cho công ty thực hiện mọi hoạt động cần thiết liên quan đến xúc tiến đầu tư, triển khai xây dựng hạ tầng mạng viễn thông (nếu có điều kiện) tại thị trường này

Cũng trong thời gian gầy đây, Viettel Global mới đây có văn bản nghị quyết về việc thông qua thành lập công ty Viettel Timor Leste do công ty sở hữu 100% vốn điều lệ tại Cộng hòa Dân chủ Đông Timor

Cụ thể, dự án này sẽ được triển khai trên toàn lãnh thổ Đông Timor với tổng vốn đầu tư dự kiến gần 15 triệu USD trong đó 14,4 triệu USD là cho Viettel Timor Leste vay theo hình thức cho cổ đông vay bằng tiền mặt/thiết bị

Hiện Viettel Global đang đầu tư vào 4 công ty khai thác mạng viễn thông tại Lào (StarTelecom - khai thác mạng Unitel), Campuchia (Viettel Cambodia - khai thác mạng Metfone), Haiti (Natcom) và Mozambique (Movitel). Năm 2011, Viettel đã công bố đầu tư vào Peru nhưng các thông tin cụ thể chưa được công bố

Viettel Global bắt đầu có lãi từ năm 2010 và bù đắp được hết lỗ lũy kế của các năm trước. Sang 2011, Viettel Global đạt 5.779 tỉ đồng doanh thu thuần, tăng 33% so với năm 2010, song khoản lỗ từ 2 công ty con tại Haiti và Mozambique đã khiến lợi nhuận ròng chỉ đạt 365 tỷ đồng, giảm hơn một nửa so với mức 784 tỉ đồng của năm 2010
 
Last edited:
Viettel khai trương “nhà sách điện tử - Anybook”

Chinhphu.vn - Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) đã chính thức triển khai "nhà sách điện tử Anybook" và tham gia vào thị trường sách điện tử tại Việt Nam

Là một trong những doanh nghiệp viễn thông lớn nhất, Viettel có nhiều ưu thế trong việc mang sách điện tử đến người tiêu dùng với chi phí thấp nhất, đồng thời góp phần bảo vệ quyền tác giả

Anybook giống như một nhà sách điện tử chứa hàng ngàn các đầu sách thuộc nhiều thể loại khác nhau (truyện chữ, truyện tranh, truyện thu thanh, tạp chí, tài liệu, văn bản) và được chia thành nhiều lĩnh vực phong phú (văn học trong nước và nước ngoài, kỹ năng sống, truyện trinh thám,…)

Khách hàng không những dễ dàng chọn mua hoặc gửi tặng sách, mà còn có thể chia sẻ cảm nhận về những sách mình đã đọc, tự thiết lập thư viện cá nhân…

Trong thời gian tới, các thành viên của Anybook còn có thể chia sẻ sách hay do chính mình sưu tầm, dịch thuật và sáng tác. Khi đảm bảo đầy đủ bản quyền, Anybook sẽ phát hành sách điện tử cho khách hàng

Ngay từ thời điểm khai trương dịch vụ, Anybook đã sở hữu hơn 2.000 đầu sách có bản quyền được cung cấp từ khoảng 50 nhà xuất bản, nhà phát hành sách, công ty cung cấp nội dung số trong cả nước

Ông Hoàng Sơn, Giám đốc Công ty Viễn thông Viettel, cho biết chỉ với 2.000 – 15.000 đồng, khách hàng đã sở hữu một cuốn sách điện tử tại Anybook. Số tiền thanh toán sẽ được trừ trực tiếp vào tài khoản gốc của thuê bao di động mà không yêu cầu khách hàng cần phải có tài khoản ngân hàng, tài khoản Visa/Master hoặc ví điện tử. Hơn nữa, ưu điểm vượt trội của Anybook đó là khách hàng được miễn phí lưu lượng 3G của Viettel khi truy cập Anybook qua ứng dụng hoặc website http://anybook.vn

Anybook cho phép khách hàng đọc sách trên nhiều thiết bị khác nhau: smartphone, máy tính thường, máy tính bảng, đọc trực tiếp trên trang http://anybook.vn hoặc qua ứng dụng Anybook dành cho hệ điều hành Android, iOS. Chỉ với một số thuê bao di động Viettel, khách hàng có thể trải nghiệm ngay dịch vụ mà không cần phải đăng ký thuê bao tháng (sử dụng gói cước mặc định)
 
Last edited:
Viettel dự kiến lãi 60 triệu USD từ mạng Metfone tại Campuchia

Theo ông Lê Đăng Dũng, Phó Tổng Giám đốc Viettel, mạng di động Metfone của Viettel tại Campuchia đang là mạng lớn nhất và dự kiến sẽ đạt doanh thu khoảng 300 triệu USD và đạt lợi nhuận hơn 60 triệu USD trong năm 2012

Chiều ngày 27/9, đoàn cấp cao Bộ BCVT Campuchia do Bộ trưởng So Khun dẫn đầu đã có buổi làm việc với Viettel tại trụ sở của tập đoàn này

Phát biểu tại buổi làm việc, ông Lê Đăng Dũng cho biết, hiện tại Campuchia mạng Metfone của Viettel đang có 6 triệu thuê bao di động 480.000 thuê bao cố định 110.000 thuê bao Interrnet băng rộng

Viettel đã xây dựng 5.500 trạm thu phát sóng và phủ sóng di động đến 98% diện tích dân số. Doanh thu năm 2012 của mạng MetFone của Viettel tại Campuchia dự kiến đạt gần 300 triệu USD và đạt lợi nhuận hơn 60 triệu USD. Lê Đăng Dũng, cho biết hiện Viettel đã đầu tư ra 5 thị trường nước ngoài và hiện đang tập trung đầu tư vào thị trường Châu Phi

Tuy nhiên, ông Lê Đăng Dũng cũng đưa ra kiến nghị với Bộ BCVT Campuchia do chi phí sản xuất tại Campuchia khá cao vì nhiều nới chưa có điện nên doanh nghiệp phải chạy máy nổ bằng xăng dầu. Vì vậy, việc giảm bớt thuế và các chi phí tần số...sẽ giúp giảm gánh nặng cho doanh nghiệp trong thời buổi khó khăn kinh tế như hiện nay

Năm 2011, Viettel đóng góp khoảng 41,4 triệu USD tiền thuế và 16,7 triệu USD tiền phí tần số. "Hiện các khoản thuế đóng góp thì chiếm tới 20% doanh thu của Viettel tại Campuchia, thế những ở những thị trường khác các khoản thuế này chỉ khoảng 10%" ông Lê Đăng Dũng nói

Về vấn đề này, Bộ trưởng So Khun cho biết, các kiến nghị Viettel đề xuất, Bộ BCVT đã đưa lên Chính phủ và đang thảo luận với Bộ tài chính. Dự kiến sang tháng 10, Bộ BCVT sẽ thông báo chính thức với Viettel

"Cho dù kết quả thảo luận như thế nào thì chúng tôi vẫn mong rằng 2 bên cũng sẽ cùng nhau để phát triển", Bộ trường So Khun khẳng định. Bộ trưởng So Khun đã gửi lời cám ơn đến Viettel đã dành tiền bạc và công sức đầu tư vào Campuchia để người dân nước này được hưởng những dịch vụ tốt nhất

Cũng tại buổi gặp mặt, Viettel đã giới thiệu với Bộ trưởng So Khun và đoàn cấp cao Bộ BCVT Campuchia về những kế hoạch phát triển sắp tới của Viettel, trong đó sẽ tập trung vào 3 lĩnh vực chính bao gồm dịch vụ băng rộng, công nghệ thông tin và dịch vụ truyền hình

Trước đó, đoàn cấp cao Bộ BCVT Campuchia do Bộ trưởng So Khun dẫn đầu đã đến thăm và làm việc với 2 đơn vị thuộc Bộ TT&TT là Cục Viễn Thông và Trung tâm Internet Việt Nam

Sau khi nghe 2 đơn vị giới thiệu về chức năng, nhiệm vụ và những kết quả đã đạt được, Bộ trưởng So Khun mong rằng Cục Viễn Thông và Trung tâm Internet Việt Nam sẽ có những buổi làm việc cụ thể với Cục BCVT của Campuchia về các kế hoạch hợp tác, giúp đỡ và trao đổi trong thời gian tới
 
Last edited:
Viettel “tiến quân” vào Cameroon

Cameroon, một trong những nước đông dân nhất tại châu Phi, sẽ là thị trường nước ngoài thứ 7 của Viettel...

Ngày 3/12 tới, Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) sẽ chính thức ký kết đầu tư hạ tầng để cung cấp dịch vụ viễn thông và Internet tại quốc gia Cameroon

Thông tin trên được ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó tổng giám đốc Viettel cho biết tại lễ kỷ niệm 15 năm Internet Việt Nam, diễn ra ngày 1/12

Hiện tại, Viettel đã đầu tư kinh doanh tại 6 quốc gia ngoài lãnh thổ Việt Nam (gồm Campuchia, Lào, Haiti, Peru, Mozambique và Tanzania). Tại Tanzania, Viettel đầu tư theo hình thức mua lại 65% cổ phần của công ty Epocha & Golden Ocean Tanzania Limited (Egotel) với tổng số tiền là 18,05 triệu USD

Nay, Cameroon sẽ là thị trường thứ 7

Đây là một trong những nước đông dân nhất tại châu Phi, với diện tích 475.440 km2, dân số (năm 2008) là 18.467.692. Năm 2010, tổng sản phẩm quốc nội của Cameroon là 21,88 tỷ USD, tăng trưởng 2,1% so với năm 2009. GDP bình quân đầu người của Cameroon đạt khoảng 1.100 USD người/năm. Hoạt động kinh tế lớn nhất tại Cameroon vẫn là nông nghiệp (chiếm khoảng 70%)

Theo Viettel, trong năm 2011, đơn vị này đã chuyển về nước 40 triệu USD lợi nhuận từ những thị trường nước ngoài. Dự kiến năm 2012, số tiền chuyển về sẽ tăng gấp đôi, tương đương 80 triệu USD

Ngoài những thị trường trên, Hội đồng Quản trị Viettel Global trước đó cũng đã thông qua chủ trương thành lập công ty Viettel Timor Leste Ltd. tại Đông Timor. Đây sẽ là công ty do Viettel Global nắm 100% vốn điều lệ, để triển khai, thực hiện dự án đầu tư mạng viễn thông trên toàn bộ lãnh thổ Đông Timor, với tổng vốn đầu tư là 14.919.294 USD

Nhiều khả năng, Đông Timor sẽ là quốc gia thứ 8 mà Viettel ký kết hợp đồng đầu tư hạ tầng cung cấp dịch vụ viễn thông và Internet
 
Last edited:
Viettel mở rộng sang thị trường Cameroon
- Ngày 13-12, Tập đoàn Viễn thông quân đội (Viettel) cho biết Chính phủ Cameroon đã công bố kết quả chấm thầu đầu tư mạng di động tại quốc gia này

Theo đó, Viettel Cameroun S.A.R.L (liên doanh giữa Viettel Global và Công ty Bestinver Cameroun S.A.R.L) đã trở thành công ty thắng thầu giấy phép di động thứ ba tại thị trường Cameroon

Cùng tham gia đấu thấu giấy phép viễn thông di động thứ ba tại Cameroon còn có các tên tuổi lớn trên thế giới như: Bharti Airtel, Monaco Telecom, Korea Telecom

Theo cam kết, mạng viễn thông của Viettel khi đi vào hoạt động sẽ phủ sóng 81% quốc gia này và cung cấp cả dịch vụ 2G, 3G. Các chuyên gia nước sở tại đánh giá đây là “cú hích lớn cho ngành viễn thông” tại đây, hứa hẹn một dịch vụ tốt với giá cả hợp lý

Cameroon là một trong số ít quốc gia Châu Phi chỉ có 2 nhà khai thác viễn thông di động và chưa triển khai hạ tầng 3G. Sự tham gia của Viettel cùng với cam kết triển khai sớm mạng di động 3G được đánh giá là nhân tố tích cực thúc đẩy ngành viễn thông tại đây phát triển nhanh, bắt kịp với những nước phát triển lân cận

Cameroon nằm ở phía tây Trung Phi, có diện tích 475.442 km2 với dân số hơn 20 triệu người. Hiện tại quốc gia này có khoảng 11 triệu thuê bao với mức độ thâm nhập di động khoảng 50%

Đầu tư ra nước ngoài là một trong những chiến lược quan trọng của Viettel kể từ khi nhà mạng này trở thành một trong 3 “đại gia” di động tại Việt Nam. Theo quan điểm của ông Nguyễn Mạnh Hùng - phó tổng giám đốc Viettel, trong tương lai lợi nhuận chính của Viettel sẽ từ các mạng di động tại nước ngoài
 
Last edited:
Viettel muốn "nhắm" tới thị trường viễn thông Angola
ICTnews - Với 5 năm kinh nghiệm đầu tư trực tiếp ra nước ngoài, Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) đang xúc tiến tìm cơ hội đầu tư cung cấp dịch vụ viễn thông cho thị trường Angola

Tại Diễn đàn Việt Nam - Angola có chủ đề "Đối tác mới cho sự phát triển" diễn ra sáng nay, 16/2/2012, ông Nguyễn Đức Quang, Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần đầu tư quốc tế Viettel (Viettel Global) là đại diện doanh nghiệp duy nhất của Việt Nam bày tỏ mong muốn hợp tác phát triển kinh doanh tại Angola

Để chứng minh năng lực của mình, đại diện Viettel dẫn ra những thành công đã đạt được tại 3 quốc gia gồm Campuchia (cung cấp dịch vụ với thương hiệu Mefone từ tháng 2/2009), Lào (thương hiệu Unitel, cung cấp dịch vụ từ tháng 10/2009), Haiti (thương hiệu Natcom, cung cấp dịch vụ từ tháng 9/2011). Ở mỗi thị trường này, Viettel đều nhanh chóng trở thành nhà mạng có hạ tầng viễn thông lớn nhất, mở rộng vùng phủ cung cấp dịch vụ cho người dân ở vùng sâu, vùng xa, biển đảo... Trong năm 2012, Viettel sẽ tiếp tục phát triển kinh doanh tại 2 thị trường khác là Mozambique và Peru

"Ở mọi thị trường mà Viettel có hoạt động kinh doanh, Viettel đều muốn tạo ra hạ tầng viễn thông lớn mạnh không chỉ để phục vụ cho riêng doanh nghiệp mà chung cho đất nước sở tại để tăng khả năng tiếp cận dịch vụ viễn thông cho người dân, cộng đồng xã hội

Triết lý kinh doanh của Viettel là lợi nhuận thu được sẽ được dùng để phục vụ việc phát triển của xã hội và quốc gia mà Viettel cung cấp dịch vụ, trong đó có nhiều chương trình ưu tiên dành cho các cơ quan Chính phủ, các trường học, và đặc biệt là những tầng lớp khó tiếp cận dịch vụ viễn thông như người thu nhập thấp", ông Quang nhấn mạnh

Cũng theo ông Quang, từ năm 2010, Viettel đã có nghiên cứu ban đầu về thị trường viễn thông Angola. Theo đánh giá của Viettel, hạ tầng dịch vụ viễn thông của Angola đã phát triển nhưng chưa phát triển đủ mức (vùng phủ, phổ cập dịch vụ viễn thông vẫn còn chưa vươn tới nhiều khu vực địa lý xa xôi)

"Với năng lực của Viettel, chúng tôi mong muốn tìm kiếm cơ hội để hợp tác kinh doanh tại thị trường Angola", ông Quang chia sẻ

Được biết, Angola hiện đang tăng cường thu hút đầu tư trong nước và nước ngoài để tái thiết đất nước, giảm thiểu nghèo đói. Viễn thông là 1 trong 7 lĩnh vực cơ sở hạ tầng đang được Angola ưu tiên đầu tư (6 lĩnh vực còn lại gồm năng lượng, nước, đường bộ, đường sắt, cảng biển, sân bay)

Năm 2007, Viettel thành lập Viettel Global với vốn điều lệ 3.000 tỷ đồng, nhằm mục tiêu đầu tư ra nước ngoài. Năm 2011, doanh thu từ đầu tư ra nước ngoài của Viettel đạt trên 10.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt xấp xỉ 70 triệu USD

Ngọc Mai
 
Last edited:
Viettel tính sản xuất thiết bị thông minh giá rẻ

24ec9_dien_thoai_thong_minh_viettel_zps8a3b7f8d.jpg

Sản phẩm điện thoại thông minh "made by Viettel"​

- Sau khi điện thoại thông minh mang thương hiệu Viettel được đưa ra thị trường vào cuối tháng 10 năm ngoái với giá bán 80-100 đô la Mỹ và tiêu thụ tốt, Viettel đang có kế hoạch sản xuất các thiết bị thông minh có giá 50 đô la Mỹ trong năm nay

Trao đổi với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online, ông Lê Đăng Dũng, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) cho biết, tập đoàn này đang tính đến việc sản xuất thiết bị thông minh (điện thoại thông minh, máy tính bảng) có giá 50 đô la Mỹ tại nhà máy của Viettel ở trong nước

Trước đây những sản phẩm điện thoại thông minh “Made by Viettel” là do Viettel thiết kế, nhưng thuê Trung Quốc sản xuất. “Chỉ có cách đưa sản xuất về trong nước thì mới có cơ hội hạ giá thành sản phẩm”, ông Dũng nói

Viettel đã đưa vào thị trường Việt Nam dòng sản phẩm điện thoại thông minh giá rẻ (80-100 đô la Mỹ) mang thương hiệu Viettel từ cuối tháng 10 năm ngoái. Cùng với việc đưa sản phẩm điện thoại thông minh giá rẻ vào thị trường, Viettel đã đồng loạt mở hệ thống 50 trung tâm trải nghiệm sản phẩm tại Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng

Ông Nguyễn Việt Dũng, Phó giám đốc Công ty Viễn thông Viettel, nói lô điện thoại thông minh đầu tiên được Viettel đặt hàng sản xuất chỉ 20.000 chiếc, để bán thăm dò thị trường. Tuy nhiên, chỉ sau hai tháng, lô hàng này đã hết và Viettel lại đặt hàng thêm 50.000 chiếc. Nhưng lô hàng này cũng hết cách Tết Quý Tỵ 2013 cả tháng. Hiện Viettel đã lên kế hoạch đặt hàng thêm khoảng 50.000-100.000 máy để đáp ứng nhu cầu của khách hàng trước và sau Tết

Do bán điện thoại thông minh “made by Viettel” chạy nên Viettel mới tính đến việc sản xuất điện thoại “made in Viettel” (sản xuất tại Viettel) để hạ giá sản phẩm, nhằm kích thích người dân sử dụng điện thoại thông minh, qua đó kích thích phát triển thuê bao 3G

Vân Oanh
 
Viettel kinh doanh di động tại Đông Timor​

- Tập đoàn Viễn thông quân đội Viettel sẽ bắt đầu kinh doanh dịch vụ di động tại Đông Timor vào cuối tháng này, nâng tổng số thị trường nước ngoài mà Viettel chính thức tham gia kinh doanh lên con số 7

Được biết, Viettel đã đầu tư gần 15 triệu đô la Mỹ vào Đông Timor – một quốc gia nhỏ bé nằm ở phía đông Indonesia, diện tích chỉ hơn 15.000 ki lô mét vuông và dân số khoảng một triệu người này. Đông Timor là một trong những nước có thu nhập bình quân đầu người thấp nhất thế giới, chỉ khoảng 800 đô la Mỹ một người mỗi năm

Ngoài ra, tại một cuộc họp gần đây Bộ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông Nguyễn Bắc Son cho biết, trong chuyến thăm và làm việc tại Cuba với đoàn của Bộ Thông tin Truyền Thông, Viettel cũng đã kí kết một số thỏa thuận hợp tác với các công ty viễn thông của quốc gia này; có khả năng Viettel sẽ đầu tư vào Cuba trong thời gian tới

Trả lời cho câu hỏi liệu Viettel có đầu tư vào Cuba, ông Lê Đăng Dũng, Phó tổng giám đốc Viettel cho biết, tập đoàn này đang cố gắng để có thể kinh doanh tại 3-4 quốc gia khác nữa, nhưng ông Dũng không tiết lộ cụ thể đó là quốc gia nào vì đó là “bí mật kinh doanh”. Ông Dũng chỉ tiết lộ, khu vực Châu Phi và Mỹ La Tinh là những nơi mà Viettel thấy còn có nhiều cơ hội

Trước Đông Timor, Viettel đã kinh doanh tại các nước Campuchia, Lào, Haiti, Mozambique, Peru, Tanzania (tập đoàn này mới nhận giấy phép đầu tư tại quốc gia đông dân nhất Cameroon nhưng đang trong thời gian chuẩn bị, chưa khai trương kinh doanh)

Viettel cho biết, doanh thu dịch vụ viễn thông ở nước ngoài của Viettel đạt gần 600 triệu đô la Mỹ, lợi nhuận mang về nước năm 2012 là 76 triệu đô la Mỹ, tăng 85% so với năm 2011. Ông Dũng cho biết, Viettel đã có lãi ở 4 thị trường nước ngoài: từ năm 2011 đã có lãi ở Campuchia và Lào; tại Mozambique và Haiti Viettel dự kiến sẽ có lãi trong năm nay

Năm ngoái, Viettel đạt tổng doanh thu 140.000 tỉ đồng; trong đó doanh thu từ thị trường nước ngoài mới chiếm khoảng 15%. Dự kiến đến năm 2015 thì doanh thu từ thị trường nước ngoài mới chiếm tỉ trọng lớn trong tổng doanh thu của tập đoàn này

Trong kế hoạch năm 2013, Viettel đặt mục tiêu tăng trưởng chung gần 20%; nhưng riêng thị trường nước ngoài Viettel lại dự kiến sẽ tăng trưởng tới 50%

Vân Oanh
 
Viettel chuẩn bị đầu tư vào Myanmar
- Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel cho biết họ đang tham gia đầu thầu giấy phép cung cấp dịch vụ viễn thông di động tại Myanmar

Theo đó, Viettel sẽ cùng 17 nhà mạng và 7 tập đoàn công nghệ thông tin (CNTT) khác cùng cạnh tranh để giành một trong hai giấy phép cung cấp dịch vụ viễn thông di động tại quốc gia này. Cùng đấu thầu vào thị trường Myanmar còn có các hãng viễn thông lớn như Vodafone (Anh) và China Mobile (Trung Quốc)

Nhà mạng thắng thầu sẽ xây dựng và nâng cấp mạng lưới di động quốc gia này. Giá trị của giấy phép hoạt động chưa được công bố song theo các chuyên gia viễn thông khu vực ước tính có thể hơn 1,5 tỉ đô la Mỹ. Giấy phép xây dựng, sở hữu và kinh doanh mạng di động quốc gia tại Myanmar có thời hạn 15 năm

Trong một cuộc trao đổi gần đây với báo chí, ông Tống Viết Trung, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel, cho biết Viettel đã có thời gian dài nghiên cứu và tìm hiểu thị trường Myanmar và nhận thấy đây là thị trường tiềm năng cho phát triển viễn thông di động

Hiện quốc gia này được xem là một trong số ít thị trường viễn thông chưa được khai phá trên thế giới. Dịch vụ viễn thông ở Myanmar chưa phổ biến, mức cước quá cao, hạ tầng và chất lượng viễn thông còn ở mức thấp. Mức giá sim điện thoại ở Myanmar đang ở mức từ 240 đến 300 đô la Mỹ/sim

Viettel cho biết, năm ngoái doanh thu dịch vụ viễn thông ở nước ngoài của Viettel đạt gần 600 triệu đô la Mỹ, lợi nhuận mang về nước là 76 triệu đô la Mỹ, tăng 85% so với năm 2011

Năm nay, tập đoàn này đặt mục tiêu tăng trưởng chung gần 20%; nhưng riêng thị trường nước ngoài dự kiến sẽ tăng trưởng tới 50%. Hiện Viettel đã đầu tư vào bảy thị trường, gồm Cameroon, Campuchia, Lào, Haiti, Peru, Mozambique và Tanzania

Ngoài Viettel, MobiFone là doanh nghiệp thứ hai trong ngành viễn thông đang có hoạt động làm ăn ở Myanmar khi họ mở văn phòng đại diện tại quốc gia này vào năm ngoái

Tuy nhiên, một nguồn tin từ Tập đoàn VNPT (đơn vị sở hữu MobiFone) cho biết, MobiFone đã không tham gia đấu thầu giấy phép viễn thông tại Myanmar trong lần này
 
Last edited:
Google lên kế hoạch đối đầu Viettel trên một loạt thị trường
Theo Thời báo Phố Wall, Google đang thảo luận với các chính phủ, trong đó có Kenya và Nam Phi để giúp đầu tư tài chính và triển khai mạng di động ở các quốc gia này, sử dụng tần số viễn thông dự trữ cho truyền hình

Chiến lược của Google ở đây là càng nhiều người sử dụng Web, Google càng có lợi. Đó cũng chính là lý do mà Google triển khai mạng cáp 1Gbps ở Mỹ. Google đang có tham vọng đặt chân vào lĩnh vực cung cấp mạng di động và không có nơi nào tốt hơn để hãng tham gia như các vùng còn thiếu Internet trên thế giới

Trong đó có thể có Việt Nam, đất nước có tới gần 50 triệu người chưa được tiếp xúc với internet và sẽ số hóa truyền hình vào năm 2015

Giữ lấy ‘huyết mạch’

Google giờ đây không chỉ muốn biết bạn đang làm gì trên Internet, mà còn muốn sở hữu hạ tầng mạng mà bạn kết nối

Theo WSJ, Google sẽ sử dụng các “dải tần trắng” (white space), nhữngbăng tần viễn thông được giải phóng khi chuyển sang truyền hình số, để truyền dẫn. Google sẽ cung cấp nhiều cơ sở hạ tầng quan trọng, như các trạm phát sóng BTS và các mạng lưới

Thậm chí, hãng sẽ triển khai “nền tảng phát sóng trên cao” (high-atitude platform) sử dụng các khí cầu nhỏ và bóng bay kỹ thuật để phát sóng di động tới hàng trăm dặm. Goolge cũng có thể sẽ sử dụng mạng thông qua vệ tinh, một kỹ thuật sẽ giúp nhiều vùng xa xôi được cung cấp dịch vụ di động một cách nhanh chóng

Google cũng đang làm việc với các nhà sản xuất như Samsung, HTC, LG,… để ra mắt những thiết bị Android giá rẻ, phục vụ cho nhu cầu kết nối internet ở các quốc gia đang phát triển ở khu vực Hạ Sahara ở châu Phi và Đông Nam Á được Google đầu tư mạng di động

Khi những người dùng này online, Google hy vọng sẽ bán được quảng cáo và các sản phẩm tìm kiếm

Google đang đẩy mạnh việc đưa các thiết bị Android tới với những người dùng internet mới. Chợ ứng dụng Android Google Play mới đây vừa công bố đã có thể thanh toán được ở 134 quốc gia – giúp hãng này có thẻ bán được app, sách, nhạc và video tới một phần lớn của thế giới

Google cũng đã chi khá nhiều để có thể kết nối mọi người tốt hơn, đặc biệt là trong lĩnh vực giáo dục. Hãng từng tặng miễn phí laptop Chrombooks cho các trường học, hay miễn phí bộ phần mềm Google Apps để khuyến khíc h việc chia sẻ. Google cũng đã thành lập “Đội Đối phó với thảm họa” để giúp các khu vực bị thiên tai trên thế giới có thể kết nối và cập nhật tình hình với phần còn lại của thế giới

Đây sẽ là một bước đi chiến lược của Google, hãng sẽ cung cấp cho những người chưa được tiếp xúc với internet một cổng để có thể online (ở đây là smartphone Android giá rẻ) và môi trường để online (qua dịch vụ di động hãng cung cấp) và dĩ nhiên họ sẽ sử dụng dịch vụ của Google

GenK
 
Last edited:
Viettel có thể bị giảm 50% doanh thu
Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó tổng Giám đốc Viettel, nếu 100% thuê bao, tức trên 40 triệu thuê bao di động đều dùng 3G và dùng Viber thì doanh thu của Viettel có thể bị giảm đi 40-50%

Theo đánh giá của Viettel, các dịch vụ cơ bản đang chiếm gần 80% doanh thu của Viettel thì nay đã có thể cung cấp miễn phí trên Internet, có xu thế làm xói mòn doanh thu chính của Viettel

Hiện nay mới chỉ có 7-8% người dùng điện thoại 3G, họ sử dụng dịch vụ Viber để gọi điện thoại qua mạng miễn phí

Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2012, lượng người dùng Viber đã làm giảm doanh thu của Viettel 1.500 tỷ đồng

Nếu 100% thuê bao, tức trên 40 triệu thuê bao di động đều dùng 3G và dùng Viber thì doanh thu của Viettel có thể bị giảm đi 40-50%

Viettel cũng nhận định rằng, hiện các doanh nghiệp viễn thông vẫn chưa có chiến lược để ứng phó và cạnh tranh với loại hình dịch vụ OTT (over the top). Đây là dịch vụ dựa trên lưng của người khác, dựa trên nền Internet nhưng chi phí băng thông quá rẻ và các công ty OTT không thu phí trên dịch vụ viễn thông cơ bản mà thu phí dựa trên quảng cáo hoặc dịch vụ khác ngoài viễn thông

Hữu Tuấn
 
Last edited:
Top