What's new
Vietnam - Điện Biên Phủ Kinh Tế

This is a sample guest message. Register a free account today to become a member! Once signed in, you'll be able to participate on this site by adding your own topics and posts, as well as connect with other members through your own private inbox!

Vietnam Lobbyist

LOBBY.VN

Administrator
Amazon "Nhà nước lobby Doanh nghiệp"

- Đầu tháng 9, Amazon thông báo ý định tìm nơi đặt tổng hành dinh thứ nhì ở Bắc Mỹ, gọi là HQ2. Amazon muốn đầu tư 5 tỉ đô la Mỹ trong 15-17 năm tới để xây dựng HQ2 với diện tích khoảng 74,3 héc ta, có 50.000 nhân viên

Amazon đặt ra một số tiêu chuẩn lựa chọn không khó lắm, như đô thị hoặc ngoại ô có tiềm năng thu hút và giữ tài năng kỹ thuật vững mạnh và gần các vùng đại đô thị có ít nhất một triệu dân, có nhà ở giá dễ chịu, gần sân bay và dễ đi lại

Cuộc chạy đua lý thú


Thông báo này đã khơi mào cuộc chạy đua quyết liệt giữa nhiều thành phố Bắc Mỹ để giành một trong những dự án phát triển kinh tế lớn nhất thế kỷ. Tiềm năng tạo việc làm quá hấp dẫn nên các thành phố nghĩ ra đủ cách đầy sáng tạo để lấy lòng tập đoàn thương mại điện tử này

Ở Philadelphia, hàng trăm sinh viên MBA ở trường Wharton danh tiếng thuộc Đại học Pennsylvania có một bài tập mới cho học kỳ mùa thu: quảng bá thành phố này với Amazon. Lauren Hitt, người phụ trách truyền thông cho chiến dịch của Philadelphia, cho biết các hãng khởi nghiệp cũng đã được yêu cầu nộp ý kiến xác nhận về nền kinh tế sáng tạo của thành phố, và tư vấn về cách tiếp cận Amazon

Phòng họp lớn nhất trong tòa thị chính thành phố Tulsa, bang Oklahoma, được biến thành “phòng chỉ huy chiến sự”, với 50 tình nguyện viên miệt mài xem những video về Jeff Bezos để mong đọc được suy nghĩ của Tổng giám đốc Amazon

Jeff Cheney, Thị trưởng Frisco, Texas, một thành phố có 160.000 dân cách Dallas khoảng nửa giờ lái xe, ngỏ ý xây dựng thành phố mình quanh Amazon. Ông cho biết thành phố chỉ mới xây dựng khoảng 60% và còn nhiều đất có thể xây dựng phù hợp với mục đích của Amazon

Thị trưởng Cheney đã gửi thư bằng video tới Amazon, với cảnh mở màn là ông cầm một kiện hàng Amazon và nói họ muốn lớn mạnh cùng với Amazon. Tài khoản Twitter của thành phố Frisco viết: “Này, Alexa - @amazon nên xây dựng #HQ2 ở đâu? Frisco, Texas sẵn sàng cho công ty của bạn!”

Alexa, trợ lý ảo của Amazon, có vẻ đang được nhiều nơi o bế. Mark D. Boughton, Thị trưởng của Danbury, Connecticut, hôm 14-9 đăng lên YouTube một video tự xưng là “khách hàng Amazon hãnh diện” và hỏi Alexa rằng Amazon nên xây dựng HQ2 ở đâu. Câu trả lời, đương nhiên, là Danbury

Một ngày sau, Alexa đổi ý. Muriel Bowser, Thị trưởng Washington, đăng video với câu hỏi: “Alexa, công ty thú vị nhất thế giới sẽ đóng trụ sở ở đâu?” Alexa đáp: “Đương nhiên là Washington, D.C”

Ở Canada, ngay sau thông báo ngày 7-9 của Amazon, gần như tất cả các thành phố lớn đều tuyên bố sẽ tham gia cuộc đua. Toronto là thành phố lớn nhất Canada, có đủ những tiêu chuẩn theo yêu cầu của Amazon, nhưng để chắc ăn, Toronto rủ thêm mấy thành phố vệ tinh chung sức “đăng cai”. Chính quyền cấp tỉnh cũng góp sức; thủ hiến của Ontario mời cựu Tổng giám đốc RBC, ngân hàng lớn nhất Canada, làm cố vấn cho chiến dịch mời Amazon dọn về Toronto

Lý do chính được Canada đưa ra để thuyết phục Amazon: “Vì chúng tôi là Canada”. Thị trưởng Jim Watson của Ottawa, thủ đô Canada, nói, “Amazon có khoảng 9.000 công việc kỹ thuật không tìm được người. Chính sách di trú của chúng tôi thoáng hơn nhiều. Đó là lợi thế của chúng tôi”. Tuần rồi, ông Watson bay tới Seattle để khảo sát tổng hành dinh của Amazon

Với những hãng công nghệ muốn chiêu mộ tài năng sáng giá nhất từ khắp thế giới, chiến lược kinh tế “Nước Mỹ trên hết” của chính quyền Trump là nỗi lo lớn hiện nay. Trong đó, đáng lo nhất là việc Nhà Trắng siết chặt chương trình thị thực H-1B - đường vào Mỹ của hàng ngàn kỹ sư phần mềm và nhân lực kỹ năng cao khác từ nước ngoài

Được gọi là “thị thực thiên tài” và vũ khí kinh tế bí mật của nước Mỹ, H-1B được xem là đã mang lại sức mạnh lập trình tạo nên Thung lũng Silicon như hiện nay. Ví dụ, tại Facebook, nhân lực từ nước ngoài chiếm 15% nhân viên

Trong khi đó, Canada không có rào cản như vậy. Chương trình thị thực tương đương của Canada (gọi là Chiến lược kỹ năng toàn cầu) từ tháng 6 đã chính thức thực hiện cấp thị thực nhanh (chỉ trong hai tuần) cho những người thuộc diện “tài năng toàn cầu” tới Canada làm việc. Mục tiêu của chiến lược này chính là thu hút những người mà cách đây không lâu hẳn đã tự động tới Thung lũng Silicon

Một thành phố khác ở Mỹ cũng dùng chính sách di trú Canada để khoe lợi thế của mình: Detroit. Phối hợp với thành phố lân cận Windsor, Ontario, chỉ cách tám phút lái xe qua biên giới, Detroit tự khắc họa mình là nơi hội tụ những ưu điểm của cả hai nước

Dan Gilbert, sáng lập viên Quicken Loans và doanh nhân địa phương được Thị trưởng Mike Duggan nhờ đứng đầu chiến dịch mời Amazon về Detroit, nói, “Còn đó vấn đề di trú, nhưng chúng tôi tránh được chuyện đó. Ở đây, bạn có được cả Canada và Mỹ”. Ông Gilbert cũng đã lập “phòng chỉ huy chiến sự” với 40 người phân tích xem Amazon thích và không thích gì

Ông Gilbert là chủ địa ốc tư nhân lớn nhất ở khu trung tâm Detroit. Ông nói ông sẽ đưa những người thuê văn phòng của ông tạm thời qua những chỗ khác để có chỗ cho Amazon để công ty này khỏi phải đợi các văn phòng mới được xây dựng

Ngư ông đắc lợi ?


Trong cuộc so kè căng thẳng này, một yếu tố quan trọng mà các đấu thủ không thể phớt lờ là những ưu đãi thuế dành cho Amazon. Năm 2001, Boeing quyết định dời đại bản doanh từ Seattle về Chicago, sau khi hãng này được hứa nhiều hình thức miễn giảm thuế trị giá tới 60 triệu đô la Mỹ, mà chỉ với 500 nhân viên

Bà Hitt cho biết Philadelphia sẽ cân nhắc thay đổi hệ thống thuế của thành phố cho Amazon. G. T. Bynum, Thị trưởng Tulsa, cũng có suy nghĩ tương tự về thuế. Ông cho biết “chẳng lo ngại gì” về việc ưu đãi thuế quá nhiều. “Đây là 50.000 việc làm tại công ty sáng tạo nhất thế giới. Tốn gì cũng được”. Amazon hứa hẹn lương trung bình ở HQ2 sẽ hơn 100.000 đô la Mỹ

Giới chuyên gia chính sách thuế có vẻ nghi ngờ hơn về quy trình mời thầu của Amazon và mức độ lợi ích mà các thành phố có thể hưởng

Matthew Gardner, học giả cao cấp tại Viện Chính sách thuế và kinh tế, nói, “Tại sao họ lại bày cái trò trình diễn này? Amazon muốn được mà chẳng mất gì cả. Họ muốn được một gói ưu đãi thuế cho việc mà dù gì họ cũng sẽ làm”

Art Rolnick, một nhà kinh tế học tại Đại học Minnesota, gọi quy trình mời thầu của Amazon - và tập quán chung của các thành phố cạnh tranh để có cơ sở hạ tầng như sân vận động và nhà máy - là “trò tống tiền”

Ông nói, “Nếu ta nhìn nó từ góc độ quốc gia, lợi ích bằng không. Minnesota có thể thắng một lần, Wisconsin thắng lần sau. Công ty lúc nào cũng thắng. Đó là phúc lợi cho doanh nghiệp”

Nhưng ông Gardner thừa nhận rằng nhiều thành phố không có cách nào khác hơn là cố gắng mời được Amazon về. “Nếu ta hỏi bất cứ thị trưởng nào, họ sẽ nói công việc đầu tiên của họ là mang lại việc làm tốt cho thành phố. Và Amazon đang hứa hẹn mang lại rất nhiều việc làm tốt”

Phạm Vũ Lửa Hạ

Tổng hợp từ The New York Times 25-9-2017 và CBC 23-9-2017
 
Last edited:
Công nghiệp 4.0 là cuộc cách mạng về chính sách

(NDH) Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, các quốc gia đang phát triển với khuôn khổ chính sách không quá chặt chẽ sẽ sẵn sàng thích nghi, linh hoạt hơn khi áp dụng các công nghệ mới

Trong khi các Chủ tịch khác của Hội nghị báo chí diễn đàn Kinh tế Thế giới ASEAN, ngày 12/9 (WEF 2018) nhận được câu hỏi về việc thúc đẩy phát triển trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, quyền Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng được hỏi về khả năng theo kịp của Việt Nam ở cuộc cách mạng lần thứ 4 này trong khi đã không kịp tham gia 3 cuộc cách mạng trước đó

Ông Hùng cho rằng cuộc cách mạng công nghiệp diễn ra trong tương lai không phụ thuộc nhiều vào quá khứ. "Các quốc gia đang phát triển không có quá nhiều những hạ tầng, ràng buộc kết quả trước đó, có nghĩa là họ ít gánh nặng hơn trên vai và có thể di chuyển tốt hơn", vị Bộ trưởng cho biết

Theo ông Hùng, thực chất, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 không quá nặng về cách mạng công nghệ mà liên quan nhiều hơn đến cách mạng chính sách. Vì vậy, các quốc gia đang phát triển với khuôn khổ chính sách không quá chặt chẽ sẽ sẵn sàng thích nghi, linh hoạt hơn khi áp dụng các công nghệ mới

Vị Bộ trưởng chia sẻ diễn đàn là một chủ đề rất thú vị về quản lý công nghệ, cách mạng công nghiệp và khởi nghiệp sáng tạo. Đây cũng là cơ hội để chia sẻ các câu chuyện, trường hợp điển hình, ý tưởng và sáng kiến mới đối với ASEAN

Ông Hùng cho hay, Việt Nam tham dự sự kiện này với ba sáng kiến: Làm cho ASEAN phẳng, không có sự chênh lệch về khoảng cách, thúc đẩy để các trường đại học trong khu vực theo kịp các kỹ năng công nghệ thông tin của cuộc cách mạng 4.0. Trong bối cảnh cuộc sống đang phụ thuộc vào Internet như hiện nay, Bộ trưởng Hùng chia sẻ ý tưởng về trung tâm đảm bảo an ninh mạng ASEAN

"Cuộc sống chúng ta và sự thịnh vượng phụ thuộc vào Internet. Tương lai an toàn phụ thuộc vào an ninh mạng", ông Hùng phát biểu

Trong bối cảnh của cuộc cách mạng 4.0 và thế giới ngày càng phẳng hơn, làm thế nào để các nền kinh tế mới nổi như ASEAN có thể bảo vệ và hỗ trợ được thị trường trong nước song hành với hội nhập là vấn đề được quan tâm tại buổi họp báo

Chia sẻ kinh nghiệm của mình, Bộ trưởng Tài chính Indonesia cho biết nước này có thâm hụt vãng lai 2% GDP. Trong môi trường kinh tế chính trị toàn cầu thông thoáng, Indonesia hoàn toàn có thể tự cân đối được. Tuy nhiên, trong bối cảnh nhiều biến động như FED tăng lãi suất ảnh hưởng đến chi phí vay của các nước, căng thẳng thương mại, nước này phải có những biện pháp bảo vệ, ví dụ như phát triển những ngành nghề trong dài hạn

Theo bà Bộ trưởng, trong tương lai nếu có cú shock khác, các quốc gia ASEAN phải kết nối chặt chẽ hơn nữa. Đơn lẻ một mình khó chống đỡ

"Một số nền kinh tế có tăng trưởng khá hài hòa nhưng đâu đó có cú shock như khủng hoảng quỹ lương hưu, chiến tranh thương mại sẽ ảnh hưởng tới các quốc gia. Chúng ta phải bảo vệ không chỉ thị trường mà cho chính người dân", vị Bộ trưởng Indonesia nói

NDH
 
Last edited:
Khi Facebook phát triển tiền số
- Facebook cho biết đang xem xét phát hành đồng globalcoin vào quí đầu năm 2020, sau khi thử nghiệm nội bộ vào cuối năm nay

Đây là một công cụ thanh toán trung gian giúp hơn 2 tỉ người sử dụng Facebook có thể chuyển đổi đô la Mỹ hay các đồng tiền quốc tế khác thành tiền số và sử dụng để giao dịch mua bán hàng hóa trên mạng, trong đời sống, hoặc có thể hoạt động như một trung gian chuyển tiền mà không cần ngân hàng

Facebook cho biết họ đang làm việc với Bộ Tài chính Mỹ và Ngân hàng Trung ương Anh cũng như đang đàm phán với những công ty chuyển tiền như Western Union về chuyện này

Các đại gia công nghệ gia nhập cuộc chơi tiền số


Trong những tuần cuối tháng 5 vừa qua, nhân dịp đi dự hội thảo ở Berlin (Đức), người viết vô tình gặp lại một người quen cũ đang làm việc ở một quỹ đầu cơ ở Frankfurt (Đức). Anh nói về chuyện các công ty lớn trên thế giới đang đầu tư vào lĩnh vực tiền số

Anh bạn tôi quan tâm tới điều đó vì công ty anh có đầu tư vào một số công ty FinTech (công ty công nghệ tài chính) làm ứng dụng chuyển tiền. Về cơ bản, các công ty này cạnh tranh với ngân hàng vì họ lấy phí thấp hơn, chênh lệch tỷ giá thấp hơn

Nếu bạn đã từng đi châu Âu và phải đổi tiền với tỷ giá 1 bảng Anh lấy 1 euro hay thậm chí thấp hơn tại các quầy đổi tiền ở nhà ga và sân bay, hoặc khi bạn cần chuyển tiền cho người thân hay bạn bè từ Tây Ban Nha sang Anh và bị lấy phí vài phần trăm, bạn sẽ hiểu ngay thị trường FinTech chuyển tiền này đang âm thầm làm đảo lộn thị phần và lợi nhuận của các ngân hàng và định chế trung gian như thế nào

Việc những nền tảng công nghệ hàng trăm triệu hay hàng tỉ người dùng như Facebook tham gia vào cuộc chơi này sẽ làm thay đổi hoàn toàn diện mạo cuộc chơi (mà anh bạn tôi hình dung là hàng trăm công ty FinTech ở Đức và Anh làm những chuyện “giống giống” nhau sẽ bị loại bỏ hoặc thâu tóm nếu Facebook đánh vào thị trường này)

Giống như khi các bưu điện tham gia làm dịch vụ ngân hàng để tận dụng các chi nhánh có sẵn, Facebook, Apple hay Amazon có nền tảng rất tốt để làm điều đó. Và đồng tiền số các công ty này phát hành sẽ giúp ích rất nhiều trong một hệ sinh thái công nghệ kết hợp với tài chính mà họ hướng tới. Bản thân các ngân hàng cũng đã tham gia vào cuộc chơi này, chẳng hạn ngân hàng JP Morgan đã phát hành JPM coin

Những đồng tiền này về cơ bản có thể chỉ là tiền số (digital currency) chứ không có đầy đủ những thuộc tính của tiền mã hóa (crypto-currency) như bitcoin. Hiểu nôm na là chúng có thể được vận hành trên một mạng blockchain tư nhân do các công ty lớn như Facebook, JP Morgan kiểm soát chứ không phi tập trung như bitcoin và các loại tiền mã hóa khác

Về cơ bản, đây là sản phẩm của xu thế ứng dụng blockchain hoặc các công nghệ mới về đảm bảo tính trung thực của giao dịch vào trong dịch vụ chuyển tiền, mua sắm mà không cần thông qua ngân hàng (chủ yếu là để giao dịch thực thi nhanh chóng, an toàn và chi phí thấp)

Người ta không quan tâm và cũng không cần thiết ứng dụng tiền mã hóa, miễn sao tiền số đáp ứng được nhu cầu của số đông và miễn là các “đại gia” đứng đằng sau lưng các đồng tiền này có những nền tảng có lượng khách hàng lớn, giao dịch nhiều như Facebook, các ngân hàng toàn cầu lớn, hay thậm chí sau này có thể là Amazon hay Alibaba

Anh bạn tôi nói bây giờ người ta còn đồn là những ngân hàng lớn khác ở Mỹ cũng đang có những kế hoạch hợp tác với những nền tảng giải trí như Disney, các loại mạng video xã hội, nền tảng chơi game trực tuyến, siêu thị, dịch vụ y tế và bảo hiểm của Mỹ để triển khai những đồng tiền số khác

Bitcoin đang trở thành một công cụ đầu cơ như mọi loại sản phẩm tài chính có giá biến động khác

Vì vậy, cho dù không ai dùng bitcoin mua bán cái gì thực tế đi nữa thì cũng không có nghĩa là bitcoin sẽ giảm giá

Điểm mạnh của những đồng tiền số do những đại gia có nền tảng hàng trăm triệu hay hàng tỉ người dùng như Facebook phát hành so với hàng ngàn đồng tiền mã hóa phi tập trung đang tồn tại như bitcoin rõ ràng là ở mạng lưới bán lẻ hàng hóa dịch vụ mà họ có sẵn, như chi nhánh ngân hàng, giao dịch trên Facebook, Amazon, mạng lưới khách hàng trung thành của các thương hiệu giải trí...

Người dùng muốn tiện lợi, chuyển tiền, thanh toán nhanh, chứ không phải rất lâu mới mua được hàng, chuyển được tiền như dùng bitcoin (ai muốn biết bitcoin hay các đồng tiền mã hóa khác khó dùng để thanh toán thực như thế nào thì có thể đọc bài Thực tế phũ phàng của bitcoin của tác giả Nguyễn Vạn Phú trên TBKTSG ngày 28-9-2017)


Với triển vọng các nền tảng tiêu dùng, y tế, bán hàng gia nhập nhóm liên minh với các đại gia tài chính (những người đủ khả năng vận động hành lang để các cơ quan quản lý tiền tệ các nước công nhận đồng tiền số của họ và đưa ra một khuôn khổ quản lý tiền số và thanh toán điện tử) thì nhiều khả năng chi phí giao dịch của những đồng tiền này sẽ thấp hơn nhiều so với bitcoin và có tính ứng dụng giao dịch vãng lai cao hơn và nhanh hơn

Vậy vì sao bitcoin tăng giá ?


Nếu những công ty lớn như Facebook phát hành tiền số sẽ làm lu mờ vai trò mà người ta nghĩ bitcoin sẽ có trong hệ thống thanh toán, thì tại sao bitcoin lại tăng mạnh từ mức 4.000 đô la Mỹ lên đến gần 9.000 đô la Mỹ chỉ từ đầu tháng 5 đến nay ?

Rất nhiều người quen của tôi hỏi câu này thời gian gần đây và mặc dù quan sát kỹ đồng tiền này, tôi chỉ có thể lắc đầu trả lời “Không biết”. Lý lẽ hợp lý nhất mà tôi thấy là từ quan điểm phân tích kỹ thuật. Các đồ thị kỹ thuật cùng chỉ ra rằng thế của bitcoin đang tăng, vậy là những người mua đi bán lại bitcoin cứ đổ tiền thật vào đẩy giá đồng tiền này lên thôi

Người ta cũng đang đồn đoán rằng giao dịch ký quỹ (margin) sẽ sớm được ứng dụng cho giao dịch bitcoin trên diện rộng, càng tạo niềm tin cho các nhà đầu cơ là đồng tiền này sẽ ngày càng có nhiều giao dịch và xu thế tăng sẽ được khuếch đại nhờ tiền vay

Về mặt tin tức cơ bản, bitcoin trải qua một giai đoạn đầy tin xấu với những xì căng đan, chẳng hạn các nền tảng giao dịch lớn như Binance bị tấn công (hack). Thế nhưng bitcoin vẫn cứ lên giá đều đều bất kể những nhà phân tích tìm cách lý giải một cách khiên cưỡng vì sao nó tăng, và lần lượt đưa ra các dự đoán đều chỉ ở các mức 6.000 rồi 7.000 đô la Mỹ. Bitcoin thì cứ tăng vùn vụt qua những mức này

Có thể nhận thấy bitcoin hiện tại (cũng như nhiều đồng tiền mã hóa khác) là một cuộc chơi hoàn toàn khác vì đồng tiền này do một cộng đồng giấu mặt rất khác biệt với các đồng tiền số do các công ty và nền tảng ứng dụng tên tuổi kể trên đang triển khai

Người ta gọi những người giấu mặt này là những “con cá voi tiền mã hóa” (crypto whales). Như trường hợp của bitcoin, từ đầu tháng 5, trang tin Kitco dẫn nhiều phát biểu của các chuyên gia thị trường cho rằng giao dịch của chừng 10-50 “con cá voi lớn” đã có thể quyết định xu thế thị trường

Những con cá voi này có thể làm giá thị trường bằng cách bán ra một lượng bitcoin lớn ở mức giá hơi thấp hơn giá thị trường và ngồi xem thị trường hoảng loạn với lượng cung lớn đó. Khi các nhà đầu tư nhỏ đẩy giá bitcoin đủ thấp, những con cá voi này lại có thể mua vào và đẩy giá lên. “Chiêu thức” này đã được nhận diện nhiều lần trong mấy năm nay và đã có những chuyên gia chuyên theo dõi giao dịch của các con cá voi này

Vì tính tập trung sở hữu rất cao của bitcoin và khả năng làm giá của những con cá voi tiền mã hóa, tính ứng dụng của đồng tiền này đã gần như tách biệt hoàn toàn khỏi diễn biến giá bitcoin

Bitcoin về cơ bản, đã là một cuộc chơi trong đó cá voi lớn làm giá và nhà đầu tư nhỏ lướt sóng. Nó đang trở thành một công cụ đầu cơ như mọi loại sản phẩm tài chính có giá biến động khác. Vì vậy, cho dù không ai dùng bitcoin mua bán cái gì thực tế đi nữa thì cũng không có nghĩa là bitcoin sẽ giảm giá

Nói vậy để thấy, cuộc chơi của bitcoin hiện tại không nằm ở khả năng ứng dụng của bitcoin trong giao dịch vãng lai nữa mà phần lớn là một cuộc chơi của những giao dịch không ra ánh sáng và nhiều người mua bán bitcoin chỉ quan tâm tính biến động của đồng này mà thôi

Nói như một bài phân tích trên Bloomberg gần đây, dù nhiều lý do được đưa ra để cố giải thích vì sao bitcoin tăng trở lại, người ta không thật sự biết vì sao nó tăng, và thật ra cũng chẳng thèm quan tâm lý do thật sự đằng sau là gì !

Với những diễn biến này, tương lai của tiền số chính thống của những công ty nắm giữ các nền tảng tỉ người dùng và những đồng tiền mã hóa như bitcoin có thể sẽ bắt đầu phân kỳ theo nhiều con đường phát triển ngược nhau. Và mỗi nhóm này sẽ thu hút những tín đồ riêng

Hồ Quốc Tuấn

Giảng viên Đại học Bristol, Anh
 
Mỹ - Pháp căng thẳng vì dự luật đánh thuế dịch vụ kỹ thuật số
- Việc quốc hội Pháp thông qua dự luật đánh thuế dịch vụ kỹ thuật số nhằm vào các “ông lớn” công nghệ của Mỹ khiến nước này nổi giận và tuyên bố mở cuộc điều tra về dự luật mới này

Dự luật đánh thuế dịch vụ kỹ thuật số được Hạ viện và Thượng viện Pháp lần lượt thông qua vào ngày 4-7 và 11-7. Vì dự luật này nhắm đến những công ty công nghệ khổng lồ toàn cầu, chủ yếu đến từ Mỹ nên nó còn gọi được gọi là dự luật GAFA (viết tắt chữ đầu đầu tiên của bốn công ty công nghệ Mỹ gồm Google, Apple, Facebook và Amazon)

Dự luật này nếu được thông qua sẽ đưa Pháp trở thành nước lớn đầu tiên trên thế giới áp thuế dịch vụ kỹ thuật số với các “ông lớn” trong ngành công nghệ

Theo dự luật, các công ty công nghệ lớn nhất đang cung cấp các dịch vụ kỹ thuật số (quảng cáo trực tuyến, dịch vụ kết nối, bán dữ liệu cá nhân...) cho các khách hàng Pháp sẽ chịu mức thuế 3% trên tổng doanh thu hàng năm của họ tại Pháp

Dự luật áp dụng cho các công ty công nghệ có doanh thu dịch vụ kỹ thuật số hàng năm ít nhất 750 triệu euro trên toàn cầu và ít nhất 25 triệu euro tại Pháp. Tiêu chí này sẽ khiến gần 30 công ty công nghệ toàn cầu lọt vào tầm ngắm, chủ yếu là các công ty Mỹ và một số công ty Trung Quốc, Anh, Ấn Độ, Tây Ban Nha

Do được áp dụng hồi tố nên thuế mới dự kiến giúp chính phủ Pháp thu về 400 triệu euro trong năm 2019 và các năm sau đó, con số sẽ tiếp tục tăng lên trong các năm sau đó

Tức giận trước động thái của Pháp, hôm 10-7, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ra lệnh Văn phòng Đại diện thương mại Mỹ mở cuộc điều tra dự luật GAFA dựa trên điều khoản 301 của Đạo luật Thương mại Mỹ 1974

Điều khoản này cho phép tổng thống Mỹ tiến hành các biện pháp thích đáng bao gồm trả đũa để loại bỏ bất kỳ hành động, chính sách hay thực hành nào của một chính phủ nước ngoài bị coi là vi phạm một thỏa thuận thương mại quốc tế hoặc phân biệt đối xử, làm tăng gánh nặng hoặc hạn chế các hoạt động thương mại của Mỹ

Chính cuộc điều tra dựa trên điều khoản này đã dẫn đến quyết định áp thuế của Mỹ nhằm vào hàng hóa Trung Quốc hồi năm ngoái

Cuộc điều tra sẽ xác định liệu thuế GAFA của Pháp có gây tổn thương các công ty Mỹ hay không cũng như làm rõ liệu đó có phải là một thực hành thương mại bất công hay không

Thượng nghị sĩ Chuck Grassley, Chủ tịch Ủy ban Tài chính Thượng viện Mỹ và Thượng nghị sĩ Ron Wyden, một thành viên của ủy ban này, đã ra tuyên bố chung cho rằng thuế dịch vụ kỹ thuật số mà Pháp và các nước châu Âu khác đang theo đuổi rõ ràng là chủ nghĩa bảo hộ và nhắm vào các công ty Mỹ

Trước động thái đe dọa của Mỹ, Pháp đã lên trước đáp trả. Hôm 11-7, Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire ra tuyên bố nhấn mạnh: “Pháp là một quốc gia có chủ quyền và Pháp tự quyết định các quy định thuế riêng”. Ông nói thêm: “Là các đồng minh của nhau, tôi tin chúng ta (Pháp và Mỹ) có thể và phải giải quyết các bất đồng theo cách khác chứ không phải bằng những lời đe dọa”

Pháp là nước dẫn đầu nỗ lực vận động châu Âu buộc các công ty công nghệ toàn cầu kiếm được các khoản lợi nhuận lớn phải nộp thuế nhiều hơn tại nước mà họ kinh doanh. Song cuộc vận động của Pháp đã không nhận được sự ủng hộ rộng rãi, một phần là do một số nước lo ngại Mỹ trả đũa

Vì vậy, Pháp quyết định thúc đẩy dự luật của riêng mình. Phát biểu tại Thượng viện Pháp hôm 11-5 trước khi dự luật GAFA được bỏ phiếu, Bộ trưởng Le Maire nói: “Chúng tôi chỉ tái thiết lập công lý tài chính. Chúng tôi muốn xây dựng cách đánh thuế công bằng và hiệu quả trong thế kỷ 21"

Theo luật của Liên minh châu Âu (EU) hiện nay, các công ty công nghệ toàn cầu có thể chọn báo cáo doanh thu ở châu Âu tại bất cứ nước thành viên EU nào

Do vậy, các ông lớn công nghệ như Apple, Amazon, Google chọn các nước có mức thuế thấp hoặc có các chế độ ưu đãi thuế như Ireland, Hà Lan hay Luxembourg để đặt trụ sở đại diện của họ tại EU và báo cáo doanh thu. Tổ chức Phát triển và Hợp tác kinh tế (OCED) cho biết, các chiến lược như vậy đã khiến các quốc gia trên toàn thế giới mất đi tới 240 tỉ đô la (195 tỉ euro) trong nguồn thu thuế mỗi năm

Ủy ban châu Âu (EC) cho biết trên thực tế, Apple chỉ nộp mức thuế thu nhập 0,005% trên lợi nhuận ròng của họ ở châu Âu vào năm 2014, tức chỉ 50 euro/1 triệu euro lợi nhuận nhờ chuyển doanh thu và lợi nhuận của họ ở châu Âu đến Ireland. Năm 2016, EU đã yêu cầu Apple phải trả 13 tỉ euro tiền nợ thuế cộng với 1 tỉ euro tiền lãi cho Ireland vì cho rằng thỏa thuận thuế giữa Ireland với Apple vi phạm các quy định hỗ trợ tài chính của các nước EU dành cho doanh nghiệp

Chánh Tài
Guardian, Reuters
 
Last edited:
Google
Chuyển sản xuất điện thoại thông minh Pixel từ Trung Quốc sang Việt Nam
Google sẽ di dời phần lớn các cơ sở sản xuất phần cứng ra khỏi Trung Quốc bao gồm điện thoại Pixel và loa thông minh nổi tiếng của Google, Google Home

Với mục tiêu xây dựng một chuỗi cung ứng giá rẻ ở khu vực Đông Nam Á để làm bàn đạp phục vụ cho tham vọng phát triển lĩnh vực phần cứng, Google đang nhanh chóng dịch chuyển sản xuất điện thoại thông minh Pixel từ Trung Quốc sang Việt Nam

Nikkei Asian Review trích nguồn thạo tin cho biết, từ mùa hè năm 2019, Google đã phối hợp cùng một đối tác để chuyển đổi một nhà máy sản xuất điện thoại Nokia cũ ở Bắc Ninh thành nhà máy sản xuất điện thoại Pixel. Bắc Ninh cũng là nơi mà Samsung đang phát triển chuỗi cung ứng của mình trong 10 năm qua. Do đó, Google sẽ có thể tiếp cận được với nguồn lao động cao kinh nghiệm

Việc đẩy mạnh xây dựng cơ sở sản xuất ở Việt Nam cho thấy những áp lực mà Google đang phải đối mặt, đó là chi phí lao động ở Trung Quốc tăng cao cùng với thuế quan tăng vọt từ cuộc chiến thương mại giữa Washington và Bắc Kinh

Theo các nguồn tin, gã khổng lồ internet của Mỹ dự định sẽ di dời phần lớn các cơ sở sản xuất phần cứng ra khỏi Trung Quốc bao gồm cả điện thoại Pixel và loa thông minh nổi tiếng của Google, Google Home

Thay vào đó các dây chuyền sản xuất tại Việt Nam là một phần quan trọng trong động lực tăng trưởng của Google trên thị trường điện thoại thông minh

Năm 2019, Google đặt mục tiêu xuất xưởng khoảng 8 triệu đến 10 triệu điện thoại thông minh, gấp đôi so với năm 2018. Trong khi Pixel của Google vẫn là một thương hiệu nhỏ trong ngành - thậm chí không được xếp hạng trong top 10 doanh thu toàn cầu, dòng điện thoại này đang có tốc độ tăng trưởng nhanh, công ty nghiên cứu công nghệ Counterpoint cho biết

Ra mắt với tháng 4/2019, với mức giá tầm trung, Pixel đã giúp Google trở thành thương hiệu điện thoại di động lớn thứ năm tại Mỹ trong quý II/2019, giành thêm thị phần mặc dù tăng trưởng của ngành này đang chậm lại

Việc đẩy mạnh phát triển phần cứng của Google sẽ gây áp lực lên các nhà sản xuất di động cấp hai như LG Electronics và Sony vốn đang gặp khó khăn khi ngành công nghiệp điện thoại phải đối mặt với năm suy giảm thứ ba liên tiếp

Bằng cách đa dạng hóa sản xuất tại Việt Nam, Google muốn đảm bảo hoạt động sản xuất điện thoại Pixel diễn ra bền vững. Pixel hiện là sản phẩm tích hợp những ưu điểm tốt nhất của hệ điều hành Android của Google. Mặc dù có tới 80% điện thoại thông minh trên thế giới cài đặt hệ điều hành Android, tuy nhiên hiện nay Android đang phải đối mặt với thách thức từ đối thủ Huawei của Trung Quốc. Tháng 8/2019, nhà sản xuất điện thoại di động lớn thứ hai thế giới này đã cho ra mắt hệ điều hành riêng với tên gọi Harmony OS

Theo công ty nghiên cứu IDC cho biết, năm 2018, Google đã xuất xưởng khoảng 4,7 triệu điện thoại thông minh, chỉ chiếm 0,3% thị phần toàn cầu. Tuy nhiên, trong nửa đầu năm 2019, công ty này đã xuất tới 4,1 triệu chiếc với mức giá 399 USD. Sự tăng trưởng này là nhờ vào dòng điện thoại mới Pixel 3A

Hiện Mỹ là thị trường tiêu thụ điện thoại thông minh lớn nhất của Google. Năm 2018, gần 70% doanh số điện thoại thông minh của Google đến từ thị trường Mỹ, tiếp theo Nhật Bản. Đối với mặt hàng loa thông minh, Mỹ chiếm khoảng 64%

Theo kế hoạch hiện tại, Google sẽ chuyển một số sản xuất điện thoại Pixel 3A từ Trung Quốc sang Việt Nam trước cuối năm nay

Đối với dòng loa thông minh, một số cơ sở sản xuất sẽ được chuyển tới Thái Lan. Tuy nhiên, những cơ sở sản xuất sản phẩm phần cứng đầu tiên và cơ sở phát triển sản phẩm vẫn được giữ tại Trung Quốc, nguồn thạo tin cho biết

"Google có khả năng sẽ duy trì một số hoạt động ở Trung Quốc. Công ty này nhận thấy rằng họ sẽ không thể rời bỏ thị trường Trung Quốc nếu muốn sản xuất phần cứng. Tuy nhiên, với chi phí gia tăng và môi trường vĩ mô bất ổn, họ cần phải xây dựng cơ sở sản xuất bên ngoài Trung Quốc để hỗ trợ sản xuất phần cứng của họ"

Google không phải là công ty duy nhất dịch chuyển sản xuất để giảm tác động từ chiến tranh thương mại. Trước đó, HP và Dell đã chuyển sản xuất máy chủ của họ ra khỏi Trung Quốc để tránh thuế quan trừng phạt của Washington, đồng thời chuyển một số sản xuất máy tính xách tay sang Đài Loan và các nước Đông Nam Á khác như Việt Nam, Thái Lan và Philippines. Apple cũng đã bắt đầu xem xét việc làm thế nào để có thể đa dạng hóa chuỗi cung ứng của mình, mặc dù họ vẫn phụ thuộc rất nhiều vào Trung Quốc với hơn 90% phần cứng được sản xuất tại nước này

Với quy mô tương đối nhỏ trong sản xuất điện thoại Pixel, Google dễ dàng di dời khỏi Trung Quốc trong giai đoạn này. Google sẽ làm điều này dễ dàng hơn Apple", Mia Huang, nhà phân tích điện thoại thông minh tại TrendForce có trụ sở tại Đài Bắc cho biết

Hà Linh
 
Last edited:
Kiến nghị giảm VAT du lịch từ 10% xuống 5%
-Đề xuất vừa mới được đưa ra bởi Hội đồng tư vấn du lịch nhằm tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiêp trong bối cảnh dịch Covid-19 lan rộng

dulichdongcua07533559isdo_pnkn.jpg

Tỷ lệ lấp buồng của các khách sạn giảm từ 20 - 50% so với cùng kỳ năm ngoái

Theo Hội đồng Tư vấn Du lịch (TAB), nghiên cứu ban đầu cho thấy tỷ lệ lấp buồng của các khách sạn giảm từ 20% - 50% so với cùng kỳ năm ngoái, tùy vào vị trí ở các thành phố lớn (Hà Nội và TP.HCM) hay ở các địa danh nghỉ dưỡng (Sa Pa, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Quảng Nam, Cam Ranh, Nha Trang và Phú Quốc)

Đối với các công ty quản lý điểm đến và các doanh nghiệp lữ hành tại TP.HCM, Hà Nội và Hạ Long, Hội đồng ghi nhận mức giảm khoảng 50% khách so với cùng kỳ năm ngoái

Cũng theo TAB, các hãng hàng không Việt Nam bị thiệt hại rất nặng vì các chuyến bay đến Trung Quốc, Hong Kong và Đài Loan đã bị hủy hoàn toàn hoặc bị hạn chế đáng kể, với mức sụt giảm khoảng 50% đối với số lượng đặt chỗ chuyến bay quốc tế khu vực và 40% đối với đặt chỗ chuyến bay nội địa. Điểm sáng hơn duy nhất là các thị trường đường dài, nơi nhu cầu thị trường mới chỉ giảm khoảng 20%

Các điểm tham quan du lịch và điểm đến du lịch lớn đều bị thiệt hại. TAB cho biết, hồi dịch SARS bùng nổ năm 2013, có tới 400.000 khách du lịch nước ngoài hủy tour đến Việt Nam. Tuy nhiên, ngành du lịch hồi đó có quy mô nhỏ hơn nhiều và tỷ lệ đóng góp trực tiếp của nó vào GDP Việt Nam ít hơn nhiều (dưới 4%)

Hiện nay, ngành du lịch đã đóng góp tới 9,2% GDP Việt Nam và đóng góp gián tiếp và lan tỏa vào GDP Việt Nam có thể lên đến 18%. Bên cạnh đó, ngày trước, chúng ta còn có thể đa dạng hóa thị trường về địa lý, vươn tới Úc, châu Âu, Hàn Quốc thay vì tập trung vào Nhật Bản. Vì thế, Hội đồng Tư vấn Du lịch cho rằng dịch Covid-19 có tác động nặng hơn nhiều đối với ngành du lịch Việt Nam trong năm nay

Trước tình hình khó khăn của ngành du lịch, TAB kiến nghị Chính phủ, miễn thị thực và kéo dài thời hạn lên 30 ngày, cho phép trở lại bất kỳ lúc nào đối với các thị trường ổn định nhất là Vương quốc Anh, châu Âu, Úc, New Zealand và Canada. Chính sách miễn thị thực này bước đầu có thể cho giai đoạn đầu 12 tháng

Đặc biệt, theo TAB, cần giảm ngay thuế GTGT (VAT) du lịch từ 10% xuống 5%. Cho phép nộp thuế chậm từ 6 - 12 tháng không bị phạt. Việc nộp thuế chậm có thể áp dụng đối với các khoản thuế GTGT của Q4, 2019 và thuế thu nhập doanh nghiệp và thu nhập cá nhân cho năm 2019

Dù đánh giá cao việc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có chỉ thị hỗ trợ các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, tuy nhiên, TAB kiến nghị các cơ quan không cung cấp các khoản trợ cấp và các khoản vay khẩn cấp cho các tập đoàn, tổng công ty lớn

"Điều này sẽ tạo ra sự đối xử không công bằng và méo mó trên thị trường. Chúng tôi cũng kiến nghị Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch và Đầu tư nỗ lực hơn nữa trong việc ban hành các biện pháp hỗ trợ để có thể được áp dụng ngay trong thời gian rất khó khăn này" - TAB nhấn mạnh

Một số biện pháp khác, theo TAB, có thể xem xét thêm như việc miễn các khoản đóng góp bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế của các doanh nghiệp, hoãn nộp thuế thu nhập cá nhân và thuế thu nhập doanh nghiệp cho đến khi dịch virus kết thúc

TAB cũng đồng thời đề nghị giảm tiền sử dụng đất 50% cho các khách sạn, khu nghỉ dưỡng và công viên chủ đề cho năm tài chính 2020 và 2021

Cùng với đó, TAB kiến nghị Nhà nước giảm bớt các cuộc thanh, kiểm tra không cần thiết cho các doanh nghiệp trong ngành. Các cuộc thanh, kiểm tra tiêu tốn rất nhiều thời gian, nguồn lực của các doanh nghiệp vốn đang rất mỏng manh dễ vỡ

Việc giải ngân cho Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch quốc gia cũng được TAB tiếp tục kiến nghị. Điều này nhằm thực hiện kế hoạch hành động tiếp thị và quảng bá thông qua các nền tảng của TCDL và Tổ công tác Marketing của TAB (cổng thông tin Vietnam.travel và các Văn phòng đại diện Visit Việt Nam)

Theo TAB, Chính phủ cũng cần đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư của Chính phủ phát triển cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ tăng trưởng trong tương lai. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng sân bay Long Thành, nâng cấp các sân bay Tân Sơn Nhất, Phú Bài và Đồng Hới, xây dựng mới sân bay Chu Lai và thúc đẩy mở rộng sân bay Nội Bài và sớm hoàn thành đường cao tốc TP.HCM - Cần Thơ và một số đoạn của đường cao tốc Bắc - Nam

Một giải pháp nữa được TAB đưa ra đó là việc đơn giản hóa thủ tục và rút ngắn thời gian cấp phép cho các doanh nghiệp có vai trò quan trọng đối với ngành du lịch như hàng không, sân bay và các doanh nghiệp hàng không chung
 
Cựu Thủ tướng Anh Tony Blair đánh giá cao môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam
Ông Tony Blair đề xuất khả năng hợp tác với Tập đoàn Oracle (Mỹ) trong triển khai Hệ thống Quản lý y tế số tại Việt Nam nhằm ứng phó dịch Covid-19


cuu-thu-tuong-anh-tony-blair-danh-gia-cao-moi-truong-dau-tu-kinh-doanh-tai-viet-nam.jpg

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh điện đàm với cựu Thủ tướng Anh Tony Blair, Chủ tịch điều hành Viện Tony Blair vì sự thay đổi toàn cầu

Chiều ngày 27/10, tại Trụ sở Bộ Ngoại giao, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã điện đàm với cựu Thủ tướng Anh Tony Blair, Chủ tịch điều hành Viện Tony Blair vì sự thay đổi toàn cầu

Tại cuộc điện đàm, cựu Thủ tướng Anh Tony Blair chúc mừng và đánh giá cao kết quả tích cực của Việt Nam trong phòng chống dịch Covid-19 và là một trong số ít những nền kinh tế duy trì tăng trưởng dương trong năm 2020

Ông Tony Blair nhấn mạnh vai trò của chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ trong phòng chống dịch Covid-19; đề xuất khả năng hợp tác với Tập đoàn Oracle (Mỹ) trong triển khai Hệ thống Quản lý y tế số tại Việt Nam nhằm ứng phó dịch Covid-19

Cựu Thủ tướng Tony Blair đánh giá cao môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam không ngừng được cải thiện. Với những kết quả đạt được trong phòng chống dịch Covid-19 và Hiệp định EVFTA chính thức có hiệu lực, Việt Nam đang nổi lên là một điểm sáng trong thu hút dòng đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) toàn cầu đang dịch chuyển. Ông Tony Blair bày tỏ mong muốn hỗ trợ Việt Nam trong thu hút các dòng đầu tư chất lượng cao trong thời gian tới

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Phạm Bình Minh đánh giá cao cựu Thủ tướng Tony Blair đã có đóng góp thúc đẩy quan hệ Việt Nam và Anh cũng như tư vấn, cung cấp kiến nghị chính sách cho Việt Nam trong một số lĩnh vực như thu hút FDI, triển khai mô hình đối tác công tư (PPP)… trong thời gian qua


Trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp trên toàn cầu, Việt Nam chủ trương thúc đẩy hợp tác quốc tế trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19, nhất là nghiên cứu, sản xuất và phân phối vaccine và thuốc điều trị

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Phạm Bình Minh khẳng định thu hút đầu tư nước ngoài chất lượng cao và hợp tác phát triển công nghệ là các định hướng ưu tiên của Việt Nam trong phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn tới; mong muốn hai bên thúc đẩy hợp tác trong thu hút dòng đầu tư nước ngoài chất lượng cao, hướng tới các dự án FDI sử dụng công nghệ cao, thành lập các trung tâm đổi mới sáng tạo, nghiên cứu và phát triển (R&D) và có sự liên kết với hệ thống doanh nghiệp trong nước thông qua đào tạo nguồn nhân lực, phát triển công nghiệp hỗ trợ

Anh Sơn
 
Top