What's new
Vietnam - Điện Biên Phủ Kinh Tế

This is a sample guest message. Register a free account today to become a member! Once signed in, you'll be able to participate on this site by adding your own topics and posts, as well as connect with other members through your own private inbox!

Trung Quốc: 30 năm sóng gió

LOBBY.VN

Administrator
30 năm sóng gió
'Mùa xuân hy vọng’ hay ‘Mùa đông thất vọng’ của Trung Quốc​

30namsonggio1.jpg

Đó là một quốc gia suy kiệt cùng cực, từ lãnh đạo cho đến người dân. Sau 30 năm, họ đã sáng tạo nên một quốc gia có nền thương mại vô cùng sôi động, và thời gian tăng trưởng kinh tế kéo dài nhất

Đó là một quốc gia đã suy kiệt đến cùng cực, từ lãnh đạo cho đến người dân. Bước vào hành trình mở cửa cải cách ấy, tất cả họ đều hoang mang không biết vịn vào đâu, họ vô vọng đối với những sự trợ giúp từ bên ngoài, nội lực thì thiếu thốn, thể chế cứng nhắc đã trói buộc chặt vào tay chân họ

Họ chưa từng được tiếp nhận bất cứ một kiến thức thương mại hiện đại nào. Những ngọn đuốc sáng đã được thắp lên đây đó từ những miền hẻo lánh, sự vươn lên từng ngày của miền duyên hải, những bướcchân rậm rịch đêm ngày, lúc ẩn lúc hiện, tiến lên từng bước, cuối cùng đại nghiệp đã thành

Sau 30 năm, họ đã sáng tạo nên một quốc gia có nền thương mại vô cùng sôi động, và thời gian tăng trưởng kinh tế kéo dài nhất. Bản thân họ cũng đã trở thành những doanh nhân không dễ bị đánh bại

Nhưng, như Ngô Kính Liên, tác giả của Kêu gọi kinh tế thị trường theo hướng pháp trị, đã kết luận: “Trung Quốc đang ở vào cái thế ‘vừa là mùa xuân của hy vọng’ nhưng đồng thời cũng là ‘mùa đông của sự thất vọng’. Tiền đồ của Trung Quốc tuy thênh thang, nhưng đồng thời cũng mong manh hết sức”

Làm thế nào để xây dựng một quốc gia thương mại khỏe mạnh, hài hòa, công bằng… đây sẽ là mệnh đề lớn nhất của cải cách thương mại Trung Quốc sau năm 2008. Liệu rằng Trung Quốc đã tìm được đường thoát khỏi mê cung hay chưa ?

Matunaga Futsuka, Phóng viên thường trú tại Hong Kong của tờ “Yomiuri”, nhận xét “Mục tiêu quan trọng nhất từ nay về sau của Trung Quốc khi bước vào 30 năm xây dựng đất nước là thực hiện chính sách tăng trưởng kinh tế tốc độ cao, biến Trung Quốc trở thành một nước hùng mạnh về kinh tế. Và phương pháp để thực hiện mục tiêu mà Trung Quốc đang sử dụng chính là

“Dưới sự lãnh đao của Đặng Tiểu Bình vừa mới tái nhiệm, tìm cách tăng cường mối quan hệ kinh tế với nước ngoài – trong đó trung tâm là các quốc gia công nghiệp phát triển của phương Tây, còn về mặt đối nội thì thực hiện lộ trình đẩy mạnh nghiên cứu và nâng cao hiệu suất sản xuất”

Lời giới thiệu

Năm 2008, Thế vận hội Olympic được tổ chức tại Bắc Kinh. Việc Trung Quốc được chọn làm địa điểm tổ chức sự kiện thể thao lớn bậc nhất thế giới này vào đúng năm 2008 có lẽ là không tình cờ. Không đơn thuần là kết quả của một quá trình đua tranh và bầu chọn thông thường giữa các quốc gia, sự lựa chọn này mang dấu ấn lịch sử - không chỉ cho hoạt động thể thao thế giới - mà chủ yếu là cho Trung Quốc, khẳng định thành tựu phát triển và vị thế của quốc gia này trong nỗ lực vươn lên để "tiến cùng thời đại"

Sự "tình cờ" Olympic Bắc Kinh 2008 được giải thích bằng một lý do đơn giản, nhưng mang đậm phong cách Trung Hoa: năm 2008 cũng chính là năm Trung Quốc kỷ niệm 30 năm cải cách - mở cửa, kỷ niệm ngày khởi xướng công cuộc đã làm thay đổi vận mệnh quốc gia có 1,3 tỷ dân và xoay chuyển cả cục diện thế giới

Trong 30 năm đó, Trung Quốc đã làm được nhiều điều kỳ diệu, không chỉ đối với lịch sử của nước mình. Trên nhiều phương diện, đó là 30 năm Trung Quốc làm được những điều "chưa từng có trong lịch sử thế giới"

Cuốn sách mà các bạn đang cầm trên tay - cuốn Ba mươi năm sóng gió, của tác giả Ngô Hiểu Ba - chính là viết về chặng đường lịch sử đó. Xuyên qua hơn một nghìn trang viết, nội dung cuốn sách này chứa đựng nhiều điểm đặc sắc, làm cho nó khác với nhiều cuốn sách khác viết về 30 năm cải cách của Trung Quốc

Trước hết, đây là một cuốn sử biên niên theo nghĩa nó đi xuyên qua lịch sử 30 năm cải cách của Trung Quốc theo một mạch liên tục 30 chương, mỗi năm một chương, với những biến cố đặc trưng, định vị từng năm trong tổng lộ trình 30 năm cải cách

Nhưng cuốn sách này lại không phải là biên niên theo nghĩa ghi chép lại tất cả các biến cố xẩy ra theo mọi chiều cạnh và cấp độ. Nó không "đi ngang, về tắt" theo chiều "không gian", không rẽ qua các ngành hay các địa phương cụ thể mà chỉ đi theo lộ trình thời gian, dõi theo từng bước đi của công cuộc cải cách chủ yếu thông qua một tuyến biến cố. Đó là chuỗi "đột phá" do các doanh nhân - "những đứa con đẻ" của cải cách - thực hiện

Đúng như tên gọi, cuốn sách kể về những "sóng gió" cải cách chứ không "chuyên" mô tả thành công và ngợi ca thành tích với những vần hào quang chói mắt. Nó không "tát nước theo mưa", tung hô Đảng Cộng sản và Nhà nước Trung Quốc theo kiểu hát tụng ca về "người cầm lái vĩ đại". Cuốn sách viết về những sự kiện cải cách mang tính đột phá, gắn với số phận bi kịch của những doanh nhân dám đi tiên phong mở lối

Theo nghĩa đó, cuốn sách đưa ra một định nghĩa có phần khác lạ về sự thành công và tầm vóc của công cuộc cải cách ở Trung Quốc: thắng lợi của cải cách chủ yếu được đo lường bằng việc vượt qua sóng gió, vượt qua những bi kịch cá nhân của những nhà doanh nghiệp tiên phong để thúc đẩy cải cách tiến lên chứ không chủ yếu là những con số đẹp về đầu tư và tăng trưởng

Cuốn sách không mổ xẻ quá trình cải cách trong tất cả các ngành và mọi lĩnh vực. Các chương mục không "chia phần" dành riêng cho những chủ đề lớn và nóng như "cải cách thể chế", "phát triển thị trường", "quản trị nhà nước", "mở cửa hội nhập" hay "cải cách nông nghiệp - nông thôn", v.v...

Nó tập trung vào một "lát cắt hẹp", hầu như chỉ mổ xẻ những "sóng gió" cải cách mà tầng lớp doanh nhân Trung Quốc, con đẻ và là nhân vật trung tâm của quá trình cải cách, phải chịu đựng và đã vượt qua

Giới doanh nhân "ngoài quốc doanh", mà tác giả gọi là lực lượng "tư bản dân doanh", được đánh giá là "lực lượng có cống hiến lớn nhất cho cải cách Trung Quốc". Mặc dù đó là lực lượng "luôn có số phận long đong", "hầu như chẳng có sự ủng hộ nào", "gánh chịu mọi rủi ro chính sách", "thế nhưng, họ lại là lực lượng quan trọng nhất và kiên quyết nhất thúc đẩy cải cách"

Cuốn sách tự đặt cho mình nhiệm vụ dựng lại chân dung lịch sử của nhân vật này, coi đó là phần cốt yếu nhất của lịch sử cải cách. Thông qua việc kết nối hàng loạt biến cố gây chấn động thành một chuỗi sự kiện phản ánh xu thế phát triển tất yếu, cuốn sách chỉ ra con đường trưởng thành của lực lượng phát triển chủ lực của Trung Quốc hiện đại, từ chỗ là lực lượng bị coi thường, bị khinh rẻ, từng có thời bị "truy sát" và "tận diệt" trở thành lực lượng dẫn dắt phát triển kinh tế, quyết định vận mệnh hiện đại của dân tộc Trung Hoa

Như một định mệnh, lịch sử hình thành tầng lớp doanh nhân Trung Quốc hiện đại gắn chặt với quá trình - cũng là lột xác, thay da đổi thịt - của một "nhân vật" khác, có tầm quan trọng quyết định số phận cải cách. Đó là Nhà nước

Cũng như tầng lớp doanh nhân, Nhà nước Trung Quốc cũng phải vật lộn với sóng gió cải cách trong suốt 30 năm, thậm chí còn ở một cấp độ khốc liệt cao hơn. Khốc liệt hơn vì lẽ để thực hiện được sứ mệnh cải cách, trước hết, Nhà nước phải "vật lộn" với chính mình, phải tự đoạn tuyệt với những tín điều tư tưởng và ý thức hệ vốn là lẽ sống, là tôn chỉ và mục đích hành động một thời, phải vượt bỏ những giáo điều và cơ chế cũ đã ngấm vào máu thịt để đưa ra những quyết sách cải cách đau đớn và chứa đựng nhiều rủi ro

Tuy chỉ là "nhân vật thứ hai" trong cuốn sách, song cách thức mà nhà nước tác động vào tiến trình cải cách - với tư cách là người chủ xướng, người tổ chức và dẫn dắt - được tác giả dựng nên cho thấy vai trò quyết định của nó đối với tiến trình cải cách

Tại mỗi thời điểm mang tính bước ngoặt, khi tinh thần cải cách có dấu hiệu "lung lay", "dao động", "chệch hướng thị trường" thì nhà nước, thông qua những nhà lãnh đạo cụ thể - như Đặng Tiểu Bình, Chu Dung Cơ, v.v… luôn kịp thời đưa ra các quyết sách có ý nghĩa đột phá mở đường, khai thông ách tắc trên cơ sở kiên định đường lối cải cách thị trường - mở cửa. Nhờ đó, khôi phục và giữ được lòng tin của thị trường, của doanh nghiệp, bảo đảm cho công cuộc cải cách không bị lạc hướng hoặc trở lại quỹ đạo cơ chế cũ

Bảo vệ được tính triệt để và nhất quán của công cuộc cải cách, như kinh nghiệm quốc tế cho thấy, là không dễ dàng. Nó có được chủ yếu là nhờ sự thấu hiểu tính thống nhất sống còn, sự phụ thuộc máu thịt giữa vận mệnh quốc gia - dân tộc với sự phát triển của thị trường và của lực lượng doanh nghiệp trong thời hiện đại

Hai tuyến nhân vật chính của cải cách - Chính quyền và Doanh nhân - trong "Ba mươi năm sóng gió", có số phận "quyện" vào nhau, tranh đấu với nhau, cải cách lẫn nhau. Thật may mắn, trong cuộc vật lộn lộn và đấu tranh này, cả hai "đối thủ" đều chung một nhiệm vụ - cùng đấu tranh không khoan nhượng với cơ chế cũ, đều hướng tới một mục tiêu: chấn hưng dân tộc Trung Hoa

Điều đó giải thích tại sao cải cách kinh tế ở Trung Quốc vẫn tiến lên với một tốc độ phi thường, cho dù đứng về số phận cá nhân, trong nhiều trường hợp, cuộc đấu là không khoan nhượng, gây ra nhiều bi kịch, thậm chí, trả giá bằng sinh mạng của những người ưu tú

Một trong những yếu tố gây ấn tượng mạnh nhất và hàm chứa nhiều gợi ý hành động nhất của cuốn Ba mươi năm sóng gió là cách trình bày tiến trình cải cách dưới dạng một chuỗi liên tục các sự kiện mang tính đột phá. Trục của sự đột phá là thể chế và chính sách, với hai “nhân vật” chủ chốt phối hợp với nhau là doanh nhân và nhà lãnh đạo

Cách liên kết chuỗi đột phá cải cách làm cho người ta hình dung được sức mạnh lan tỏa của cải cách, tính lãng mạn và hào hùng của hành động mở đường của những người dám đi tiên phong đương đầu với bão tố

Nó cũng giúp cho thấy rõ hơn giá trị của các quyết sách chiến lược, thể hiện tầm nhìn sáng suốt và bản lĩnh vững vàng của lãnh tụ tại những thời điểm sóng gió, đầy rủi ro kinh tế - chính trị. Logic “dò đá qua sông”, cộng với tinh thần khuyến khích sáng tạo và đổi mới là bà đỡ thực sự của các thử nghiệm cải cách táo bạo mà chủ thể thực hiện là các doanh nhân

Như một học giả nước ngoài – James Kynge – trong tác phẩm China shakes the World: the Rise of a Hungry Nation (Trung quốc định dạng thế giới: sự trỗi dậy của một quốc gia nghèo đói), đã nhận định về nét đặc sắc của quá trình cải cách kinh tế ở Trung Quốc (đã được trích dẫn trong cuốn sách), đại ý là sự kết hợp của quá trình thúc đẩy của các lực lượng và nhu cầu từ dưới lên và cách thức cải cách chính sách từ trên xuống

Chính nhờ đó, dù bị vùi dập bởi thiên kiến và bởi cuộc đấu đá khốc liệt giữa các phe nhóm lợi ích, cải cách vẫn tiến lên, ổn định, vững chắc và mạnh mẽ

Tất nhiên, như đã nói, và cũng là điều mà tác giả tự định, Ba mươi năm sóng gió chủ yếu bàn về lịch sử cải cách giới doanh nhân, về sự ra đời, trỗi dậy, trưởng thành chỉ của một lực lượng cải cách

Người ta ít thấy thật rõ bóng dáng của nhân dân, của người lao động – tuy không dẫn dắt nhưng là lực lượng chủ yếu tạo nên sức mạnh của công cuộc cải cách và phát triển ở Trung Quốc trong 30 năm qua

Cách viết liệt kê các hoạt động đột phá do các cá nhân thực hiện làm cho cuốn sách mang hơi hướng “anh hùng ca”. Vì thế không khí hào hùng, lạc quan bao phủ cả cuốn sách, trùm lên cả những câu chuyện và số phận mang tính bi kịch. Nhưng cũng vì thế, nó không thể - và có lẽ đây là chủ ý của tác giả - đề cập một cách khách quan và đầy đủ đến những thất bại và giá phải trả của công cuộc cải cách ở đất nước này

Nhiều công trình nghiên cứu chỉ ra rằng để có được tốc độ tăng trưởng kinh tế cao 9-10% trường kỳ trong suốt mấy chục năm, Trung Quốc đã phải đánh đổi nhiều thứ, với giá cả không hề rẻ. Môi trường thiên nhiên bị tàn hai, phân hóa kinh tế và xã hội sâu sắc, bất bình trong xã hội, đặc biệt là trong nông thôn – nông dân, gia tăng

Đó là chưa kể đến những rủi ro phát triển và những tệ nạn sản sinh ra từ quá trình tốc độ cao rất khó kiểm soát này – nạn tham nhũng trầm trọng, tình trạng hàng giả, hàng chứa chất độc hại lan tràn, thói vô trách nhiệm trước sinh mạng con người, v.v… Đó cũng là những sản phẩm của cải cách, là mặt bên kia của đồng tiền

Để nhận diện đầy đủ và sâu sắc khía cạnh đó của công cuộc cải cách ở Trung Quốc, phải tìm đọc thêm những cuốn sách khác nhưng cuốn sách đồ sộ Ba mươi năm sóng gió của học giả Ngô Hiểu Ba có sứ mệnh riêng của mình. Và hơn 1000 trang sách đã hoàn thành sứ mệnh đó

Đây thực sự là một cuốn sách có sức lôi cuốn mạnh mẽ và đặc biệt bổ ích

Mong các bạn không đánh mất cơ hội tận hưởng sức lôi cuốn và sự bổ ích đó

Hà Nội, ngày 3 tháng 9 năm 2011
PGS.TS. Trần Đình Thiên
Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam


Alphabooks
 
Top