What's new
Vietnam - Điện Biên Phủ Kinh Tế

This is a sample guest message. Register a free account today to become a member! Once signed in, you'll be able to participate on this site by adding your own topics and posts, as well as connect with other members through your own private inbox!

Trung tâm tài chính thông minh

LOBBY.VN

Administrator
Thành phố thông minh nên cần nguồn tài chính thông minh
- Cách đây năm năm, Nghị quyết 16 của Bộ Chính trị về phương hướng nhiệm vụ phát triển TPHCM đến năm 2020 được kỳ vọng sẽ tạo nên bước đột phá mới để thành phố phát triển nhanh, toàn diện, vững chắc, trở thành trung tâm lớn về kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học - công nghệ quốc gia và khu vực Đông Nam Á

Để đạt được các mục tiêu đầy tham vọng này, TPHCM đã tìm mọi cách để được trung ương trao cho cơ chế đặc thù, bằng ước vọng được cấp phép xây dựng mô hình chính quyền đô thị. Ngoài ra, nhiều cơ chế chính sách khác liên quan đến đất đai, phát triển đô thị, tổ chức bộ máy, chống kẹt xe, giảm ô nhiễm liên tục được các lãnh đạo thành phố kiến nghị cũng cần phải có thêm những cơ chế đặc thù. Tuy nhiên, mọi điều cho đến giờ vẫn chưa nhận được nhiều phản hồi tích cực từ trung ương. Cùng lúc đó, thành phố lại còn bị cắt giảm đáng kể nguồn thu từ ngân sách trung ương để lại. Khó khăn lại càng chồng chất khó khăn

Mặc dù vẫn là TPHCM dẫn đầu cả nước về tăng trưởng nhưng nhiều chỉ báo cho thấy vai trò kinh tế đầu tàu của thành phố ngày càng suy giảm đáng kể nếu như không nhận được thêm nhiều sự hỗ trợ cần thiết

Tháng 4-2017 Thủ tướng ban hành Nghị định 48 chính thức trao cơ chế đặc thù mới về tài chính và ngân sách cho thành phố (có hiệu lực ngày 10-6-2017). Trong phiên thảo luận ở Quốc hội mới đây, ông Phạm Phú Quốc, Tổng giám đốc Tổng công ty Đầu tư tài chính nhà nước TPHCM (HFIC), cho rằng Nghị định 48 vẫn chưa tạo đột phá. Ông dẫn chứng, nghị định quy định mức trần dư nợ vay của ngân sách thành phố không vượt quá 70% số thu ngân sách, ước tính chỉ khoảng 50.000 tỉ đồng, là con số quá nhỏ so với nhu cầu đầu tư của thành phố.

Thành phố thông minh cần lắm một trung tâm tài chính thông minh để tạo ra nguồn lực phát triển vô tận từ thị trường chứ không phải từ nguồn lực của Nhà nước

Nhìn chung, khi phân tích khoảng 3.100 chữ ngắn ngủi ở văn bản này, nếu muốn làm một điều gì đó, có đến tám lần quy định thành phố phải “trình” cấp có thẩm quyền, bốn lần phải “xin ý kiến” hoặc “đề nghị gửi” Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính, cùng với hàng loạt những điều “được phép”, “không được phép”, “không được vượt”. Không khó để nhận thấy các câu chữ này mang đậm dấu ấn của cơ chế xin - cho truyền thống. Được ví như đầu tàu kinh tế kéo cả nước đi lên mà gồng gánh quá nhiều giấy phép như thế không biết đến khi nào thành phố mới lê được đoàn tàu về đích

Câu hỏi đặt ra là vì sao trung ương lại quá thận trọng như thế? Không quá khó để tìm ra câu trả lời. Những vấn đề mà TPHCM đề xuất đều có liên quan đến bài toán trần nợ công quốc gia mà Quốc hội có trách nhiệm giám sát chặt chẽ. Nhưng liệu còn những yếu tố nào khác ngoài trần nợ công? Hay nỗi lo TPHCM sẽ trở thành một “vương quốc riêng”. Nói cho công bằng, lý do còn ở cách tiếp cận vấn đề, phương pháp luận và các chứng cứ mà TPHCM trình trung ương và Quốc hội có thể vẫn chưa đủ lý lẽ thuyết phục

Có một cách khác để thoát khỏi vòng kim cô nợ công mà Quốc hội áp đặt là TPHCM phải đi tìm một công cụ tài chính mang tính thị trường. Thành phố kỳ vọng một đồng vốn đầu tư đối ứng của HFIC sẽ huy động thêm được 29,7 đồng vốn đầu tư của xã hội (dẫn số liệu tại hội thảo tổng kết năm năm hoạt động của HFIC). Trên cơ sở này, một số chuyên gia và lãnh đạo thành phố có đề xuất trung ương cần trao cơ chế đặc thù để HFIC thực hiện dẫn dắt thị trường. Thêm vào đó, trong cuộc gặp với giới trí thức mới đây, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân lại nêu lên những nghịch lý trong sử dụng quỹ đất của thành phố và đặt vấn đề liệu có nên chuyển một phần đất nông nghiệp thành đất cho phát triển công nghiệp - dịch vụ. Ông giả định, nếu chuyển đổi một phần ba đất nông nghiệp sang phát triển công nghiệp - dịch vụ có khả năng làm tăng GDP của thành phố khoảng 2,73 lần so với trước. Theo ông, sản phẩm của thành phố tạo ra cao gấp 3 lần cả nước, năng suất lao động của bộ máy gấp đôi cả nước thì chế độ thù lao cũng phải tăng tương xứng. Ngoài ra, ông còn đề cập nhiều điều về phát triển thành phố thông minh để xử lý những vấn đề liên quan đến môi trường. “Tôi cho rằng đây là điều phải thay đổi, cơ chế đặc thù cho thành phố chính là chỗ này”, ông Nhân nêu quan điểm

Như vậy, ngoài nguồn lực ngân sách mà TPHCM vẫn kiên trì đề xuất bấy lâu nay, có khả năng các nguồn lực đất đai, công cụ tài chính và con người sẽ là những điểm nhấn quan trọng trong cơ chế đặc thù phiên bản mới. Trong phiên thảo luận tại tổ của đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM, ông Nhân cho biết sẽ có kiến nghị để Quốc hội ban hành nghị quyết về các chính sách, cơ chế đặc thù cho thành phố với kỳ vọng “chính sách thì đặc thù nhưng về tổng thể sẽ góp phần phát triển tốt hơn cho đất nước, cho thành phố”

Cái khó cho TPHCM là các con số tính toán hiệu quả sử dụng các nguồn lực tài chính, đất đai và con người (năng suất lao động) chính xác và thuyết phục đến mức độ nào. Đây là những giả thuyết không dễ kiểm chứng bằng số liệu để thuyết phục người khác. Đó là chưa kể đến những vấn đề nhạy cảm khác, nhất là khi chúng liên quan đến đất đai nông nghiệp. Nếu không thuyết phục được bằng dữ liệu, cơ sở khoa học và luật lệ, e rằng một cơ chế đặc thù cho xứng với tầm vóc của thành phố sẽ vẫn là câu chuyện tiếp tục bàn mãi

Tuy nhiên, câu hỏi lớn nhất vẫn là cách tiếp cận của TPHCM về cơ chế đặc thù liệu đã phù hợp hay chưa. Tất cả mọi người dễ nhất trí với nhau rằng, khi xây dựng cơ chế đặc thù, vấn đề không phải là tiền mà là cơ chế. Nói thì dễ nhưng mọi đề xuất dường như cứ dẫn đến điểm cuối cùng là tiền. Không lấy trực tiếp từ nguồn ngân sách thì gián tiếp thông qua đất đai hoặc từ một công cụ tài chính như HFIC cũng có vốn điều lệ ban đầu bằng nguồn vốn ngân sách. Cơ chế đặc thù của TPHCM đâu đó dường như vẫn còn mang tư duy nhà nước đứng ra làm thay cho thị trường. Phải chăng ngoài những phương cách đó ra, không còn giải pháp nào khác thực sự đột phá? Đôi khi những bài toán khó và những điều chưa đồng tình của trung ương và Quốc hội đối với các kiến nghị của thành phố bao năm qua lại là phép thử tốt để các nhà lãnh đạo tìm ra lời giải tối ưu cho cơ chế đặc thù phiên bản mới chăng ?

Nhìn sang Singapore, họ đâu còn đất đai để mà nghĩ đến cơ chế đặc thù như đặc khu Thẩm Quyến của Trung Quốc hay như cách nghĩ phổ biến hiện nay ở nước ta. Họ cũng có một tập đoàn Temasek (gần tương tự với mô hình HFIC của TPHCM và Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước- SCIC- của Bộ Tài chính) với tổng tài sản lên đến 317 tỉ đô la Singapore (vào năm 2013). Nhưng họ đâu dám ỷ lại cho rằng nhờ số đô la đó mà kinh tế Singapore tăng trưởng bền vững

Các học giả của nước này đã đưa ra cách tiếp cận về một thành phố thông minh thì cần phải có một trung tâm tài chính thông minh tương thích với thời đại công nghệ mới. Đó là một hệ sinh thái công nghệ - tài chính kết nối các sáng tạo khởi nghiệp, công ty công nghệ, định chế tài chính, viện nghiên cứu, nhà đầu tư chuyên nghiệp, hệ thống ngân hàng mở hiện đại (open banking platform), cơ quan quản lý nhà nước (với tập hợp những người tài năng nhất trong từng lĩnh vực)

TPHCM có một khu trung tâm công nghệ cao với hàng loạt định chế tài chính ngân hàng, Sở Giao dịch chứng khoán (HOSE), các trụ sở của tập đoàn đa quốc gia và những người tài năng bậc nhất đang sinh sống... sao không thể kết nối để trở thành một hệ sinh thái trung tâm kinh tế - tài chính thông minh ?

Biết rằng mọi so sánh đều khập khiễng. Trong điều kiện đặc thù của TPHCM, không thể hoàn toàn phủ nhận những nội dung mà thành phố đề xuất về xây dựng cơ chế đặc thù và thành phố thông minh. Nhưng để xây dựng một thành phố thông minh hay cơ chế đặc thù như mong muốn của lãnh đạo thành phố, vấn đề đâu phải chỉ có tiền. Thành phố thông minh cần lắm một trung tâm tài chính thông minh để tạo ra nguồn lực phát triển vô tận từ thị trường chứ không phải từ nguồn lực của Nhà nước

Thuyết phục được trung ương và Quốc hội để xin cho bằng được cơ chế này, chắc không thể khó hơn xin ngân sách vì thành phố chẳng những không lấy đi của ai mà còn làm lợi nhiều hơn cho cả nước. Phải chăng đây là cách tiếp cận bền vững nhất cho sự phát triển của TPHCM để thay cho những cơ chế đặc thù nay được mai mất: thành phố thông minh cần lắm nguồn tài chính thông minh !

Trần Ngọc Thơ
 
Top