What's new
Vietnam - Điện Biên Phủ Kinh Tế

This is a sample guest message. Register a free account today to become a member! Once signed in, you'll be able to participate on this site by adding your own topics and posts, as well as connect with other members through your own private inbox!

Việt Nam khó phồn vinh nếu trọng phát đạt hơn phát triển

LOBBY.VN

Administrator
Việt Nam khó phồn vinh nếu trọng phát đạt hơn phát triển

- TS. Vũ Minh Khương cho rằng, lực cản lớn nhất của Việt Nam hiện giờ là sự lẫn lộn giữa phát đạt và phát triển, với sự thiên lệch nặng nề về tìm kiếm phát đạt trong khi xem nhẹ việc nâng cấp nền tảng phát triển. Chúng ta đang có nguy cơ rơi vào sự kìm hãm của vòng xoáy: khấm khá về vật chất, càng suy yếu năng lực phát triển và giảm sút về sức cạnh tranh quốc tế

Diễn đàn Kinh tế Việt Nam VEF - Báo VietNamNet - đã có cuộc trò chuyện với TS. Vũ Minh Khương - Trường Đại học Quốc gia Singapore xung quanh thuyết trình của GS. Michael Porter,"cha đẻ" thuyết cạnh tranh tại Hà Nội mới đây

Ông Vũ Minh Khương cũng chính là người cùng tham gia xây dựng Báo cáo năng lực cạnh tranh quốc gia, do Viện Nghiên cứu và Quản lý Kinh tế TƯ (Bộ KH-ĐT) phối hợp với Học viện Cạnh tranh châu Á thực hiện

Phải tiên lượng được sự vận động của đất nước

- Báo cáo năng lực cạnh tranh quốc gia công bố mới đây chỉ ra điểm yếu là mô hình kinh tế Việt Nam không còn dư địa phát triển nữa và đang mất dần động lực tăng trưởng. Vậy, đâu là mô hình mới cho Việt Nam, có phải dựa trên 3 nguyên lý nền tảng như ông đề xuất ?

Báo cáo cạnh tranh Việt Nam 2010 được soạn thảo với mục tiêu tạo ra nhận thức sâu rộng trong xã hội, đặc biệt là các nhà hoạch định chính sách và giới doanh nghiệp thấy rõ được tầm quan trọng của nâng cao sức cạnh tranh trong khi cố gắng thúc đẩy tốc độ tăng trưởng. Nâng cao sức cạnh tranh không bắt đầu từ một vài chương trình hay sang kiến cụ thể mà phải là một nỗ lực có tính hệ thống bao gồm ba cấu tầng: Tư duy (gồm những nguyên lý có tính nền tảng); Thiết kế chương trình; và Tổ chức thực hiện

Cội nguồn của sức cạnh tranh bắt nguồn từ tư duy dựa trên ba nguyên lý nền tảng như tôi đã trình bày trong bài viết 3 nguyên lý nền tảng: thành tâm tuân thủ các nguyên tắc thị trường (trong đó hội nhập quốc tế là một nội dung quan trong); coi trọng việc nâng cấp chất lượng của hệ thống quản lý nhà nước; và dốc sức đầu tư và khai thác sử dụng nguồn vốn con người

Thành công trong nỗ lực nâng cao sức cạnh tranh không dựa trên sự phá vỡ tức thời những cái cũ mà là nỗ lực cải biến có tính hệ thống, xây dựng cái mới dựa trên ba nguyên lý nền tảng nói trên

Ví dụ, với các DNNN, bước đi đầu tiên không nên là tư nhân hóa mà là tạo cơ chế buộc họ phải vận hành theo kỷ luật thị trường, hiện đại hóa về quản trị và quản lý, minh bạch về kết quả hoạt động sản xuất - kinh doanh. Tôi nghĩ chúng ta cần có chỉ số đánh giá rất kỹ chất lượng hoạt động hàng năm của các doanh nghiệp thuộc khu vực này và công bố cho toàn xã hội theo dõi giám sát. Tiếp theo, các DNNN đều phải niêm yết trên thị trường chứng khoán và nhà nước nên bán cổ phần cho các nhà đầu tư tư nhân để vừa có sự giám sát nghiêm khắc của thị trường chứng khoán, vừa có thêm nguồn vốn đầu tư vào giáo dục, y tế và cơ sở hạ tầng

Tư duy và hành động với sự coi trọng đặc biệt nỗ lực nâng cấp chất lượng quản lý nhà nước có sức cải biến xã hội rất lớn. Mỗi nỗ lực này đều có tính thông điệp rất lớn trong toàn dân về hiện trạng và qui tắc hành xử trong xã hội ta: Trọng hiền tài hay bị lèo lái bởi chạy chọt phe cánh; dốc lòng vì nước hay vụ lợi cá nhân; chìa khóa cho sự thăng tiến là trung thực và dũng khí hay khôn khéo luồn lọt

Thứ ba là vấn đề con người, phải khai thác trước, trân trọng trước, bởi đầu tư cho đào tạo mà không chịu dùng người tài cũng không tốt. Cầu phải đi trước, hướng đạo cho cung. Đó là nền tảng cho một thể chế phát triển trong tương lai. Nâng cao năng lực công nghệ cũng là một khía cạnh trong khai thác và đầu tư vào nguồn lực con người

- Ông có thể phác thảo về bộ máy quản lý nhà nhà nước hiện đại trong tương lai đó?

Bộ máy quản lý nhà nhà nước hiện đại là một hệ thống xây dựng trên ba trụ cột cơ bản: nguồn nhân lực ưu tú, cấu trúc tổ chức mạnh mẽ, và thể chế pháp lý hiện đại.

1. Nguồn nhân lực ưu tú. Việc này đòi hỏi phải phát hiện người tài, thu hút và tạo điều kiện cho họ làm việc hết sức mình. Trong đó chọn người có sự thôi thúc đóng góp, đảm bảo thu nhập tốt, và bố trí công việc phát huy hết khả năng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.

2. Cấu trúc tổ chức mạnh. Chọn được người tài mà cấu trúc tổ chức sai, người lãnh đạo thiếu tầm nhìn và phẩm chất, cơ chế đánh giá-đề bạt không xác đáng cũng là không đem lai kết quả tốt. Đây là vấn đề tổ chức (organizational structure and incentives), chứ không phải là nhân sự (human resources). Nó giống như đội bóng đá có nhiều cầu thủ giỏi nhưng sẽ đá không hay nếu bố trí đội hình không đúng; đánh giá - khen thưởng bị thiên vị; huấn luyện viên không sáng suốt.

3. Hệ thống pháp lý hiện đại. Tôi rất thích lời gợi ý của người đại diện hãng Intel trong buổi thảo luận về báo cáo cạnh tranh: tiêu chí hàng đầu hấp dẫn Intel vào đầu tư vào một nước không phải là lao động rẻ mà là khả năng cho nhà đầu tư tiên lượng được sự vận động phát triển của mình. Yếu tố này chỉ có thể có được nếu chúng ta dốc sức xây dựng một thể chế pháp lý hiện đại.

Ba lực cản phát triển

- Nhưng lâu nay, dường như Việt Nam vẫn lúng túng về mô hình kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, thưa ông?

Lực cản lớn nhất của Việt Nam hiện giờ một là tư duy lẫn lộn giữa phát đạt và phát triển, không nhìn thấy những sự thúc bách về phát triển, để Việt Nam có sức cạnh tranh lâu dài hay không, có đẳng cấp, vị thế cao không.

Bán đất, đào mỏ, phá rừng, xuất khẩu lao động thô sơ... có thể tạo ra sự phát đạt ấn tượng nhất thời, nhưng không tạo nên phát triển. Phát triển dựa trên sự tự trọng cá nhân, ý thức trách nhiệm xã hội, và nỗ lực hợp tác.

Do vậy, thiên lệch mù quáng về phát đạt có thể dẫn đến nảy sinh nguy cơ làm thụt lùi phát triển. Đây đó đã xuất hiện những ca thán về ý thức người dân hay hiện tượng vô cảm ở một số cán bộ, công chức trong bộ máy cần được coi là những chỉ dấu đáng quan ngại

Tôi cũng đọc báo cáo của nhiều địa phương, trong đó chỉ nhấn mạnh đến giảm nghèo và tăng trưởng GDP, tức là phát đạt thôi, mà không nghĩ đến phát triển. Tại sao chúng ta không đo ý thức người dân, sự thấu cảm của bộ máy công quyền, và lòng tin của dân đối với lãnh đạo - những thước đo cơ bản của một quá trình phát triển?

Người Việt Nam mình giờ có tự trọng cao hơn hay không, có trách nhiệm với đất nước cao hơn hay không, có tôn trọng đồng nghiệp hơn hay không, có tinh thần hợp tác cao hơn hay không?... Cần phải xem xét, trả lời một cách thấu đáo những câu hỏi quan trọng này.

Lực cản thứ hai là lợi ích cá nhân và lợi ích nhóm. Đã có nhiều tiếng nói tâm huyết của các bậc lão thành, các cựu lãnh đạo đáng kính, các nhân sĩ trí thức cảnh báo về vấn đề này. Nếu không có những giải pháp kiểm soát hữu hiệu và căn cơ thì tổn thất của đất nước của dân tộc sẽ không thể lường hết được.

Điều thứ ba trong bối cảnh toàn cầu hoá, người Việt Nam rất linh hoạt nhưng lại chỉ nghĩ đến mình nên sinh khí dân tộc không được dung dưỡng phát huy, tản mát khắp nơi.

Để thành một dân tộc đủ ăn đủ mặc, mức trung bình đối với Việt Nam không phải là khó. Nhưng trong những điều tổn thất mà chúng ta hiện đang phải đối đầu, thì lớn nhất không phải về môi trường xuống cấp hay qui hoạch lộn xộn mà là ý chí dân tộc có dấu hiệu bị thui chột, đó là điều đau xót.

Cho nên cái gốc không thể trách người dân được mà phải trách người trí thức, tự mình phải vượt lên được điều đó, sau là người lãnh đạo và doanh nhân, đó là những lực lượng có thể cải biến được xã hội.

Bài toán của sức cạnh tranh lớn như vậy. Phải cảm thấy được sự thôi thúc của người Việt Nam. Thấy rằng đây là vấn đề nội bộ của dân tộc mình. Không tổ chức hay học giả nước ngoài nào có thể giúp chúng ta vượt qua thách thức sống còn này.

Chính phủ mạnh phải biết "ngồi" trên con hổ thị trường

- Bản báo cáo năng lực cạnh tranh Việt Nam cũng chỉ ra rằng, Chính phủ cần nhận thức đúng vai trò của mình trong phát triển kinh tế, ông nghĩ sao về điều này?

Điều đó hoàn toàn đúng. Một chính phủ mạnh là một chính phủ có thể dung dưỡng, phối thuộc một cách hoàn hảo với lực thị trường. Hai bàn tay phải vỗ với nhau, chứ còn định khóa lại thị trường để bao biện làm thay thì khó.

Kinh nghiệm từ Singapore là mọi việc Chính phủ đều ngồi trên con hổ thị trường thì mới hiệu quả, từ việc xây nhà thu nhập thấp, trồng cây xanh... đều thị trường hóa, những gì thị trường không làm được thì Chính phủ sẽ kích thêm. Rõ ràng, mặc dù có nhà nước can thiệp nhưng tối đa tận dụng được thị trường.

- Lúc trước ông có nhắc đến khái niệm tiên lượng (predictability) được sự vận động. Vậy làm sao có thể làm được điều đó?

Predictability bắt đầu từ những điều đơn giản, từ trong điều hành kinh tế vĩ mô, như thời gian tới tỷ giá sẽ mạnh lên hay yếu đi, hay ổn định; lạm phát sẽ ra sao... để từ đó kiểm soát được tỷ giá và lạm phát. Sau đó là nguồn nhân lực, bây giờ có thể Việt Nam không thiếu nhưng liệu có ai đảm bảo rằng 3 năm tới chúng ta sẽ đáp ứng được?.

Thứ ba là hạ tầng cơ sở, về mặt dịch vụ, nhà ở, quy hoạch, cảng, đường xá, sân bay... những cái này là có thể dự tính được.

Điều đó cho thấy, quy hoạch mềm là rất quan trọng.

Thu hút vốn: Cần chiến lược "con ong Chúa"

- Ông đánh giá như thế nào về chiến lược thu hút vốn đầu tư nước ngoài của Việt Nam từ trước đến nay?

Việt Nam đang trải thảm đỏ nhặt từ ong thợ bé đến ong vò vẽ, thậm chí, có cả ruồi nhặng lẫn vào trong thu hút đầu tư mà không biết. Có thể là do mình thiếu con mắt tinh tường, thiếu tầm nhìn chiến lược, không biết lựa chọn các "con ong chúa"

Ưu đãi là phải dành cho con ong chúa, ong thợ cứ thế sẽ tự theo ong chúa mà vào

Một điểm yếu nữa là mình không thôi thúc, hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đã có ở Việt Nam nâng cấp mình lên, hướng tới các hoạt động có giá trị gia tăng cao hơn. May mặc là cứ may mặc, khai thác ở cặn đáy thôi chứ họ không nghĩ đến phải thiết kế, sản xuất nguyên vật liệu ở Việt Nam

Thông thường, từ giai đoạn thấp lên cao các nhà đầu tư nước ngoài cần một cú hích nào đó, hoặc chính sách, hoặc động viên hay hỗ trợ nhân lực

Ngoài ra, trong ý tưởng của GS.Michael Porter cũng nhấn mạnh, đó là tính tổ cụm công nghiệp. Cần đặc biệt coi trọng sự gắn kết hữu cơ giữa doanh nghiệp FDI, tư nhân và nhà nước, làm sao nỗ lực giúp các doanh nghiệp FDI hội nhập hoàn toàn vào nền kinh tế trong nước, ưu đãi để họ đặt hàng các doanh nghiệp tư nhân, trên cơ sở đó họ cũng phát triển

Khi đó, chính sách sẽ khuyến khích tư nhân tiếp thu công nghệ, trong nước phải tạo được chuỗi giá trị ngay tại thị trường nội địa của mình thì mới tạo được sự cạnh tranh

- Một vấn đề quan trọng hiện nay là phân cấp, phân quyền giữa trung ương và địa phương, ông nghĩ sao về điều này?

Một khi mình chưa có sự thông tuệ về mặt chiến lược và chưa có sự trung thực, thôi thúc hết lòng ở tất cả các cấp thì phân cấp hay tập trung đều để lại hệ quả xấu

Cho nên, để giải quyết được điều này đầu tiên không phải là phân cấp hay không mà cần quay lại với 3 yếu tố căn bản:

Phải thông tuệ để hiểu rõ các nhà đầu tư nước ngoài có chiến lược với Việt Nam ra sao, họ muốn gì, cần gì ở Việt Nam?

Phải có người đứng ra gánh trách nhiệm nhạc trưởng trong từng chương trình quan trọng. Phân cấp đến đâu, thế nào trên cơ sở cùng tạo nên một bản nhạc hùng tráng chứ không phải phân cấp để mỗi người lao vào cuộc tranh giành chụp giật cho lợi ích cục bộ.

Con người phải rất trung thực không bị lợi ích cá nhân, nếu không thì không thể nào thành công. Thông tuệ, hiến dâng, và được đãi ngộ tốt với sự trân trọng của toàn xã hội là điều kiện tiên quyết để tạo ra bộ máy công quyền mạnh, từ trung ương đến địa phương.

- Vậy, theo ông, chiến lược thu hút vốn FDI của Việt Nam cần thay đổi như thế nào?

Tôi thấy Việt Nam thiếu chiến lược thu hút vốn đầu tư nước ngoài. GS Porter nói rất rõ: lựa chọn để nâng cao năng lực cạnh tranh của mình chứ không phải lựa chọn thu hút đầu tư để có con số cao để báo cáo.

Bây giờ cần phải thay đổi một số chỉ số đánh giá, chứ đừng tự mình chui vào cái bẫy trào lưu mậu dịch tự do mà không biết. Đừng bị trói buộc bởi các con số cứng nhắc ít ý. Chúng không đo được độ phát triển của địa phương và cả quốc gia có cao hơn không, độ cạnh tranh của đất nước có được gia cường hay không, cấu kết của nền kinh tế có tốt hơn trước hay không. Chúng ta cần những chỉ số tinh tế hơn, sâu sắc hơn để đánh giá trong tăng trưởng và phát triển.

- Ông vừa nhắc đến cái bẫy trào lưu thương mại tự do. Trong một bài viết gần đây, GS. Trần Văn Thọ đã nói về cái bẫy này. Có đúng là cái bẫy đó đáng lo ngại? Việt Nam cần đối phó thế nào, thưa ông?

Tôi nghĩ GS. Trần Văn Thọ rất đúng trong chỉ ra điều lo ngại này. Trong môi trường thế giới tự do, cái mình được thụ hưởng hưởng là dựa trên lợi thế của mình. Nếu sức kiến tạo giá trị thấp, chỉ biết tạo ra giá trị ngắn hạn để kiếm ăn thì rất dễ rơi vào bẫy đó.

Người đầu tư họ muốn tìm giá trị, đó là điều tự nhiên, điều quan trọng là chính bản thân chúng ta có nhận ra và ý thức được điều này khi động thái của trào lưu mậu dịch tự do diễn ra hằng ngày rất khốc liệt.

Khác biệt không hẳn là công nghệ mới

- Quay lại tính khác biệt, độc đáo mà GS Porter nhấn mạnh đến khi nói về năng lực cạnh tranh, có bạn đọc cho rằng điều đó chỉ đúng với các nước phát triển, có nền tảng công nghệ, hạ tầng, nhân sự... chứ Việt Nam là nước đang phát triển, chưa có nền tảng thì hướng tới độc đáo rất là khó. Vậy, độc đáo và khác biệt sẽ sinh ra ở đâu?

Trước hết mình phải nhìn thấy các yếu tố căn bản tạo ra sức cạnh tranh, đầu tiên rất đơn giản là:

Cost: sản phẩm như nhau mà giá thấp hơn

Quality: giá cả như nhau, nếu không giảm được giá thì phải tăng chất lượng lên

Reliablity: độ tin cậy, giá và chất lượng như thế nhưng họ thành tâm chơi hết lòng, mình có trục trặc gì họ chỉnh sửa ngay.

Flexibility/Responsiveness: linh hoạt, đáp ứng mọi yêu cầu của khách hàng.

Communication/marketing: liên lạc thật tốt với khách, tiếp thị tốt, làm họ hiểu thấu giá trị của sản phẩm mà mình sản xuất.

Tạo sự khác biệt không phải chỉ là cố gắng đầu tư vào công nghệ mới hoặc đưa ra sản phẩm khác, mà cùng sản phẩm đó nhưng phải tạo ra sự khác biệt, từ cách chào giá đến tạo cảm nhận về chất lượng sản phẩm; từ nỗ lực gia cường sự tín cậy đến cách liên lạc tiếp thị có hiệu quả và hiệu lực cao hơn... Khác biệt theo cách đó là bước đi khả thi và có sức kiến tạo giá trị cao, làm khách hàng thực sự yên tâm và hài long với mình.

Một câu hỏi hay là doanh nghiệp Trung Quốc yếu ở chỗ nào, có thể là ở reliability (độ tin cậy), đặc biệt về chất lượng. Vì vậy đây là một lợi thế đặc biệt mà doanh nghiệp Việt Nam cần khai thác. Thế nhưng, nếu mình còn yếu hơn họ về mặt này nữa thì chúng ta khó có thể cạnh tranh với các doanh nghiệp Trung quốc và sự thâm hụt ngày càng lớn về thương mại là không thể tránh khỏi.

- Vậy Việt Nam cần định vị mình như thế nào để tạo sự khác biệt?

Phải tổng hợp lại, dựa trên những lợi thế độc đáo của mình trong hiện tại cũng như trong tương lai, đó là những cái không thể thay thế được, rất tiềm tàng của Việt Nam.

Ví dụ, là vị thế chiến lược như hình chữ S, ở ven biển, vị trí trung tâm châu Á, con người tiếp thu kiến thức hội nhập cao, đồng nhất, ổn định xã hội... Thứ tư là điều kiện địa lý tạo ra nông nghiệp trù phú, ánh nắng chan hoà.

Đặc thù của thế kỷ mới là công nghiệp, dịch vụ rất lớn. Nó không chỉ phục vụ cho thế giới mà sẽ giúp cho việc cải biến căn bản một nền kinh tế nhanh hơn: ăn uống, chữa bệnh, giáo dục. Nội sinh mạnh lên làm cho con người mạnh khỏe hơn, nó lại càng hấp dẫn hơn.

Định vị là phải lựa chọn những ngành nghề nền tảng mà mình quyết tâm gia cường. Vị thế, con người, hệ thống chính trị phải vượt bậc lên. Sau đó mới là những lựa chọn tiếp theo, tại sao mình không trở thành nơi sản xuất năng lượng mặt trời tốt, chế biến lương thực thực phẩm an toàn, công nghệ sinh học... Phải thu hút được những "con ong chúa" lớn.

Thế kỷ XXI ai mạnh hơn là người đó có khả năng tổng hợp chứ không phải người thông minh hơn, có tầm nhìn toàn cầu hơn là người đó sẽ chiến thắng.

- Thưa ông, làm thế nào để Hội đồng năng lực cạnh tranh, như đã đề xuất thành lập, hoạt động hiệu quả nhất?

Tôi thấy là cần thiết, nhưng ai chủ trì Hội đồng đó. Cần tính mức hiệu quả và thôi thúc, phải là động lực lớn cho xã hội, chứ không nên làm hình thức dựa trên chức sắc thuần túy. Hội đồng này cần những người có năng lực và uy tín xã hội với sự ủy nhiệm và tin tưởng đặc biệt của lãnh đạo đất nước; đặc biệt là Thủ tướng Chính phủ.

Kinh nghiệm của nước ngoài thường là chọn các học giả doanh nhân và một số cán bộ có năng lực cấp bộ trưởng, rất thân tín với lãnh đạo cao cấp để trình các khuyến nghị chính sách. Do vậy, Hội đồng cạnh tranh là phải có đầu óc chiến lược

- Xin cảm ơn ông

Mục tiêu của Báo cáo Năng lực cạnh tranh quốc gia là tạo một sự hiểu biết sâu rộng hơn trong xã hội về vai trò phải nâng cao năng lực cạnh tranh.

Nếu giới lãnh đạo, học giả, giới doanh nhân cũng như cộng đồng xã hội thấy được tầm quan trọng của việc nâng cao năng lực cạnh tranh thay vì chỉ ưu tiên cho tăng trưởng kinh tế thì đó cũng là một thắng lợi quan trọng.

Thứ hai là nhìn thấu đáo những thách thức gì mà mình đang đương đầu, nếu không vượt qua thì chắc chắn là mình sẽ kẹt bẫy thu nhập trung bình, sẽ luẩn quẩn và không khai thác hết tiềm năng của đất nước.

Thứ ba là đề xuất một số phương án, gợi ý để Chính phủ xem xét. Nó có hiệu lực đến đâu thì còn phải bàn tiếp, nhưng nói chung nó đề ra đường hướng nếu Chính phủ thành tâm xem xét đánh giá.

Đây thực chất là một bước quan trọng trong nhận thức, chìa khóa phải là sự thôi thúc của người Việt Nam trên cơ sở thống nhất được tầm nhìn, chúng ta phải ngồi lại với nhau và cùng hành động
 
Last edited:
Xác lập tinh thần Nguyễn Trãi trong quan hệ kinh tế Việt - Trung

Trong thời đại ngày nay, về phương diện phát triển kinh tế, khí phách Nguyễn Trãi được thể hiện ở quan hệ ngoại thương hàng ngang giữa hai nước Việt Trung. Việt Nam phải từng bước thoát ly khỏi tính chất bắc nam trong quan hệ mậu dịch với Trung Quốc

Từ khoảng năm 2000 cán cân thương mại của Việt Nam ngày càng nhập siêu. Quy mô nhập siêu lớn đến nỗi gây bất ổn trong kinh tế vĩ mô từ năm 2007. Một trong mấy nguyên nhân chính của hiện tượng nhập siêu này có thể thấy trong cơ cấu xuất nhập khẩu của Việt Nam đối với Trung Quốc

Quyết tâm thay đổi cơ cấu này không những cải thiện được cán cân thương mại bất quân bình trầm trọng hiện nay mà còn là con đường để Việt Nam phát triển, tiến lên ngang hàng với trình độ phát triển của nước láng giềng phương bắc

Tính chất "Bắc - Nam" trong quan hệ kinh tế Việt Trung

Từ thập niên 1950, một tiêu điểm nổi lên trong quan hệ kinh tế quốc tế là vấn đề Bắc - Nam. Các nước phát triển hầu hết là ở bắc bán cầu, các nước chậm tiến ở phía nam. Vấn đề ở chỗ là khoảng cách phát triển giữa Bắc và Nam ngày càng mở rộng. Làm sao để các nước phía Nam phát triển nhanh, thu hẹp khoảng cách với các nước phía Bắc là quan tâm chung của cộng đồng thế giới trong hơn nửa thế kỷ qua

Sự cách biệt kinh tế giữa các nước phía Bắc với các nước phía Nam phản ảnh rõ nét trong quan hệ ngoại thương. Các nước phía Bắc xuất khẩu hàng công nghiệp còn các nước phía Nam xuất khẩu nguyên liệu, các hàng nông, lâm, thuỷ sản ở dạng thô hoặc sơ chế

Quan hệ buôn bán giữa Bắc với Nam với đặc tính như vậy còn được gọi là ngoại thương theo hàng dọc (vertical trade). Do đó, quá trình thu hẹp khoảng cách phát triển để giải quyết vấn đề Bắc Nam cũng là quá trình chuyển dịch cơ cấu xuất khẩu của các nước phía Nam để các nước nầy ngày càng xuất khẩu hàng công nghiệp sang phía Bắc, chuyển từ ngoại thương hàng dọc sang ngoại thương hàng ngang (horizontal trade)

Trong khoảng 35 năm qua, một số nước ở phía Nam đã làm được một kỳ tích là nhanh chóng rút ngắn khoảng cách phát triển với phía Bắc, thay đổi hẳn quan hệ ngoại thương từ hàng dọc sang hàng ngang với các nước phía Bắc

Hiện tượng này diễn ra ngoạn mục nhất là tại các nước Đông Bắc Á và Đông Nam Á, gọi chung là Đông Á. Tại đây, ngoài Nhật Bản, một nước vừa thuộc phía Bắc vừa là nước nghèo tài nguyên thiên nhiên, hầu hết các nước Đông Á khác cho đến thập niên 1970 điển hình là những nước ở phía Nam mà quan hệ của họ với Nhật, Mỹ và các nước phía Bắc khác mang nặng tính chất ngoại thương hàng dọc

Chẳng hạn, mới gần 30 năm trước đây, vào năm 1980, cơ cấu xuất khẩu của các nước ASEAN còn nghiêng về các mặt hàng nguyên liệu và nông lâm thuỷ sản: Tỉ lệ của các mặt hàng này trong tổng xuất khẩu của Thái Lan và Phi-li-pin còn chiếm tới 60%, Malaysia 70% và Indonesia hơn 90%. Nhưng chưa đầy 20 năm sau, vào năm 1999, các tỉ lệ đó chỉ còn 23% tại Thái Lan, 18% tại Malayxia, 7% tại Phi-li-pin và 47% tại Indônêxia. Hiện nay các nước này đã trở thành những nước xuất khẩu hàng công nghiệp đáng kể trên thế giới

Quan hệ Nhật Bản và Trung Quốc mới 20 năm trước đây còn là quan hệ Bắc - Nam. Trước năm 1990, hàng nguyên liệu và các sản phẩm nông lâm thuỷ sản còn chiếm trên 50% tổng nhập khẩu từ Trung Quốc vào thị trường Nhật Bản. Tuy nhiên tỉ lệ này giảm nhanh trong thập niên 1990, còn 23% vào năm 1995 và chỉ còn 17% vào năm 2000

Nói khác đi, hiện nay hàng công nghiệp chiếm tới hơn 80% tổng xuất khẩu của Trung Quốc vào thị trường Nhật (trong tổng xuất khẩu của Trung Quốc ra tất cả thị trường thế giới, tỉ lệ của hàng công nghiệp hiện nay đã tăng lên trên 90%)

Có thể nói trong một thời gian ngắn, Trung Quốc đã thành công trong việc chuyển đổi quan hệ ngoại thương với một nước công nghiệp tiên tiến có quá trình phát triển hơn 100 năm và là một nước vốn phụ thuộc vào tài nguyên của các nước phía Nam

Bây giờ chúng ta xét quan hệ ngoại thương hiện nay giữa Việt Nam và Trung Quốc. Có ba đặc tính đáng chú ý:

Thứ nhất, Việt Nam ngày càng nhập siêu với Trung Quốc. Kim ngạch nhập siêu của Việt Nam với Trung Quốc tăng từ khoảng 200 triệu USD năm 2001 lên 1,4 tỉ năm 2003, gần 7 tỉ năm 2007 và độ 11 tỉ USD năm 2008. Năm 2008, nhập siêu với Trung Quốc chiếm tới 60% tổng nhập siêu của Việt Nam đối với toàn thế giới. Do đó, cải thiện quan hệ ngoại thuơng với Trung Quốc là biện pháp hữu hiệu để giải quyết tình trạng mất quân bình trầm trọng hiện nay trong cán cân thương mại quốc tế của Việt Nam.

Thứ hai, so với quy mô ngoại thương giữa hai nước Việt - Trung, kim ngạch nhập siêu nói trên cũng quá lớn, lớn một cách dị thường. Chẳng hạn vào năm 2008, Việt Nam xuất sang Trung Quốc 4,3 tỉ trong khi nhập từ Trung Quốc tới 15,1 tỉ USD. Nhập khẩu lớn gấp 4 lần xuất khẩu và nhập siêu lên tới mức bằng 3 lần kim ngạch xuất khẩu. Xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc tăng rất chậm, từ năm 2001 đến 2008 chỉ tăng 3 lần (từ 1,4 tỉ tăng lên 4,3 tỉ USD), trong khi nhập khẩu từ Trung Quốc vào Việt Nam tăng ồ ạt, từ 1,6 tỉ lên 15,1 tỉ trong cùng thời gian.

Ngoài ra, mậu dịch ở biên giới chưa được quản lý chặt chẽ. Nhiều điều tra sơ bộ cho thấy hàng lậu nhập từ Trung Quốc rất nhiều. Nếu mậu dịch biên giới được phản ảnh, có lẽ kim ngạch nhập siêu của Việt Nam đối với Trung Quốc còn lớn hơn nhiều

Thứ ba, quan sát mặt cơ cấu ta thấy nổi cộm lên tính chất bắc nam trong quan hệ ngoại thương giữa Việt Nam và Trung Quốc. Trung Quốc chủ yếu xuất khẩu hàng công nghiệp sang Việt Nam trong khi Việt Nam chủ yếu xuất khẩu sang Trung Quốc sản phẩm thô hoặc sơ chế khai thác từ các quặng mỏ. Năm 2007, riêng dầu thô, than đá đã chiếm gần 40% tổng xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc và nếu kể thêm cao su, gỗ, rau quả, trà, cà phê và những sản phẩm thô sơ khác, tỉ lệ đó lên tới 80%. Hàng công nghiệp chỉ chiếm độ 20%

Cơ cấu ngoại thương Việt Trung như vừa thấy gợi ta nhiều suy nghĩ. Đây là một quan hệ ngoại thương Bắc - Nam điển hình, một quan hệ mậu dịch hàng dọc thường thấy giữa một nước tiên tiến và một nước chậm phát triển

Cần xác lập tinh thần Nguyễn Trãi

Phân tích ở trên cho thấy vấn đề của Việt Nam hiện nay là phải làm sao tiến lên giai đoạn phân công hàng ngang trong quan hệ ngoại thương với Trung Quốc

Nói khác đi, Việt Nam phải sản xuất ngày càng nhiều các mặt hàng công nghiệp đủ sức cạnh tranh để thay thế nhập khẩu từ Trung Quốc và thâm nhập được vào thị truờng rộng lớn này. Có như vậy mới thoát khỏi tính chất Bắc - Nam hiện nay và cải thiện được cán cân mậu dịch

Về chiến lược và biện pháp cụ thể liên quan đến việc phát triển công nghiệp Việt Nam, tôi đã có dịp trình bày trong cuốn sách xuất bản vài năm trước đây (Biến động kinh tế Đông Á và con đường công nghiệp hoá Việt Nam, NXB Chính trị Quốc gia xuất bản năm 2005, NXB Trẻ tái bản năm 2006)

Ở đây tôi muốn kết nối kết quả phân tích này với một vấn đề thời sự đang được chú ý ở Việt Nam. Gần đây, dự án khai thác bô xít ở Tây Nguyên đã được chính phủ quyết định tiến hành khai thác thí điểm. Nhìn từ góc độ gìn giữ môi trường, hiệu quả kinh tế và sự phát triển bền vững ở Tây Nguyên, nhiều nhà nghiên cứu, nhà văn hoá, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và cựu Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình đã có ý kiến không đồng tình với việc khai thác này

Theo tôi, dự án bô-xít Tây Nguyên, sau giai đoạn thí điểm, nếu thực hiện trên quy mô lớn sẽ bất lợi cho con đường phát triển của Việt Nam. Không kể đến những điểm đã được các nhà nghiên cứu, nhà văn hoá bàn đến, việc khai thác tài nguyên để xuất khẩu không phải là chính sách khôn ngoan

Xưa nay những nước phát triển được đều là những nước biết dùng tài nguyên chứ không phải biết khai thác và xuất khẩu tài nguyên. Khôn ngoan nhất (như Nhật hoặc Hàn Quốc) là khai thác hoặc mua nguyên liệu ở nước ngoài mang về nước mình chế biến thành những sản phẩm công nghiệp có giá trị. Các sản phẩm dùng nhiều tài nguyên càng về hạ nguồn càng có giá trị tăng thêm cao nên những nước đó phát triển nhanh. Chí ít là khai thác và chế biến tài nguyên, dùng ngay tại nước mình để sản xuất và xuất khẩu các mặt hàng công nghiệp có giá trị tăng thêm cao (như kinh nghiệm của Mỹ và nhiều nước Tây Âu)

Dự án khai thác bô-xít ở Tây Nguyên còn có một đặc tính nữa là trong quá trình khai thác có sự tham gia của các công ty Trung Quốc và sản phẩm bô xít khai thác ra sẽ được bán sang Trung Quốc. Như vậy thì dự án này sẽ làm mạnh thêm tính chất Bắc - Nam trong quan hệ ngoại thương giữa hai nước, một khuynh hướng hoàn toàn bất lợi cho Việt Nam

Sau khi thắng giặc Minh, giành lại chủ quyền cho đất nước, trong Bình Ngô Đại Cáo, Nguyễn Trãi nhấn mạnh thực thể độc lập, hiên ngang của nước Đại Việt, một đất nước đã sánh vai được với cường quốc phương bắc:

Trải Triệu, Đinh, Lý, Trần nối đời dựng nước

Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên đều chủ một phương...

Trong thời đại ngày nay, về phương diện phát triển kinh tế, khí phách Nguyễn Trãi được thể hiện ở quan hệ ngoại thương hàng ngang giữa hai nước Việt Trung. Việt Nam phải từng bước thoát ly khỏi tính chất bắc nam trong quan hệ mậu dịch với Trung Quốc

Cũng theo Nguyễn Trãi, so với Trung Quốc, nước Đại Việt trước đây "tuy mạnh yếu có lúc khác nhau, mà hào kiệt không bao giờ thiếu". Rất mong Việt Nam ngày nay cũng không thiếu "hào kiệt"

GS. TRẦN VĂN THỌ
 
Last edited:
Top