What's new
Vietnam - Điện Biên Phủ Kinh Tế

This is a sample guest message. Register a free account today to become a member! Once signed in, you'll be able to participate on this site by adding your own topics and posts, as well as connect with other members through your own private inbox!

K Street

Tỷ phú Mỹ thâu tóm báo chí để ‘có tiếng nói’

Ba năm trước, hai tỷ phú Charles và David Koch tổ chức một hội nghị của những nhà tài trợ chính trị cùng chí hướng tại khu nghỉ dưỡng St. Regis tại Colorado. Họ cùng nhau thảo ra một chiến lược 3 điểm, kéo dài 10 năm nhằm thu gọn chính phủ, dỡ bỏ quy định và giảm thuế

Hai chiến lược đầu tiên (xây dựng mạng lưới các nhà hoạt động và tác động vào chính giới) không có gì bất ngờ. Nhưng chiến lược thứ ba rất đáng chú ý: truyền thông

Ngoài tài trợ cho một số nhà xuất bản theo chủ nghĩa tự do, nhà Koch vẫn tránh đầu tư vào báo chí

Nhưng nay Koch Industries đang tìm kiếm cơ hội mua 8 tờ báo địa phương của Tribune Company, bao gồm Los Angeles Times, Chicago Tribune, Baltimore Sun, Orlando Sentinel và Hartford Courant

Đến đầu tháng 5, Tribune sẽ gửi thông tin tài chính cho những bên hỏi mua, đây sẽ vụ mua lại các tờ báo có tổng lượng phát hành lớn nhất từ trước đến nay. Tribune chỉ vừa thoát cảnh phá sản từ 31/12 năm ngoái và đã thuê JPMorgan Chase và Evercore Partners để bán bộ phận in ấn của mình

8 tờ báo với tổng giá trị khoảng 623 triệu USD này không là gì so với đế chế Koch Industries với tổng doanh số hàng năm khoảng 115 tỷ USD

“tiếng nói của phe bảo thủ chưa được đại diện đầy đủ trên báo chí”

Tuy vậy, về mặt chính trị mà nói 8 tờ báo kể trên sẽ giúp cổ vũ cho tư tưởng thị trường tự do của anh em nhà Koch

Los Angeles Times là tờ báo lớn thứ 4, còn Tribune đứng thứ 9 cả nước và một số tờ báo khác nằm ở các bang quan trọng về mặt chính trị như hai tờ Orlando Sentinel và Sun Sentinel tại Florida

Vụ này có thể sẽ gồm cả Hoy, tờ nhật báo lớn thứ hai viết bằng tiếng Tây Ban Nha, được coi là sẽ có ảnh hưởng quan trọng tới cộng đồng gốc Latin

Charles và David Koch chưa bao giờ tuyên bố có ý định mua lại các tờ báo hay các đơn vị truyền thông lớn, nhưng họ thường chia sẻ “tiếng nói của phe bảo thủ chưa được đại diện đầy đủ trên báo chí”

Đến nay, phía Tribune Company cho rằng Koch Industries vẫn là người mua tiềm năng nhất

Các nhóm khác cũng đã thể hiện ý định mua lại là hai tỷ phú Eli Broad và Ronald Burkle (thân Dân chủ) và tập đoàn News Corporation của tỷ phú Rupert Murdoch. Tuy vậy, họ chỉ muốn mua Los Angeles Times

Tribune Company đã ra tín hiệu cho thấy họ muốn bán cả 8 tờ báo trên cùng trụ sở tòa soạn thành một gói duy nhất

Nhà tài trợ lớn của phe bảo thủ

Koch Industries là một trong những nhà tài trợ lớn nhất cho tư tưởng tự do, bao gồm cả việc bỏ tiền cho các nhóm như Viện Cato tại Washington, nhóm hành động chính trị Americans for Prosperity và Đảng Trà (dù Koch nói mình không có liên hệ trực tiếp nào tới Đảng Trà)

Tuần này một đại diện của Koch đã liên hệ với CEO Los Angeles Times, ông Eddy W. Hartenstein, để thảo luận vụ mua lại này

“...nếu Đảng Cộng hòa có thể chi 500 triệu USD quảng cáo trên TV thì tại sao lại không mua đứt cả đài NBC luôn đi ?”

Ở một khu vực tương đối cởi mở như Los Angeles, mở một tờ báo theo khuynh hướng bảo thủ không dễ. David Koch từng nói ông ủng hộ hôn nhân đồng giới và chung quan điểm với nhiều người dân địa phương trên nhiều vấn đề xã hội

Tuần trước, ít lâu sau khi L.A Weekly đưa tin Koch Industries muốn mua lại 8 tờ báo của Tribune, hai website Daily Kos và Courage Campaign đã thu thập hàng ngàn chữ ký để phản đối thương vụ này

Trong khi đó, phe bảo thủ lại rất chào đón chuyện một số tờ báo lớn nay cũng tham gia truyền bá tư tưởng kinh tế tự do (tức giải điều tiết và cắt giảm thuế) mà anh em nhà Koch theo đuổi

Chủ tịch tổ chức chuyên vận động nhằm giảm vai trò của chính phủ Less Government, ông Seton Motley nói sau cuộc bầu cử TT 2012, phe bảo thủ thấy mình cần phải hiện diện nhiều hơn trên truyền thông

“Trong phe bảo thủ có người đùa rằng nếu Đảng Cộng hòa có thể chi 500 triệu USD quảng cáo trên TV thì tại sao lại không mua đứt cả đài NBC luôn đi ?”, ông Motley nói. Đài NBC từ lâu vẫn chống đối phe bảo thủ quyết liệt nhất

Từ nhiều năm nay, Koch Industries đã cảm thấy truyền thông dòng chính đưa tin về công ty và gia đình Koch một cách thiếu công bằng chỉ vì khuynh hướng chính trị của họ. Họ đã lập ra website KochFacts.com chuyên để phản kích lại những thông tin sai lệch trên báo chí

Một nhà hoạt động chính trị của phe Dân chủ nói ông ngưỡng mộ những gì hai anh em nhà Koch đã làm trong hàng chục năm qua nhằm từng bước lực lượng chính trị cho họ. Và việc mua lại một vài công ty truyền thông có vẻ là điều dễ hiểu

Minh Tuấn
 
Last edited:
KKR thuê Cựu Đại tướng - Giám đốc CIA làm cố vấn

Đại tướng David Petraeus và đồng sáng lập KKR, ông Henry Kravis, là bạn hữu và thường xuyên đàm luận nhiều vấn đề

Công ty đầu tư vốn cổ phần KKR đang đàm phán với cựu Giám đốc Cục Tình báo trung ương Mỹ (CIA) David Petraeus về vị trí ông này sắp đảm nhiệm tại KKR. Tới thời điểm hiện tại, vai trò cụ thể của Petraues tại KKR vẫn chưa được quyết định

Đại tướng David Petraeus và đồng sáng lập KKR, ông Henry Kravis, là bạn hữu và thường xuyên đàm luận nhiều vấn đề

Ông Petraeus năm nay 60 tuổi, vừa từ chức Giám đốc CIA vào ngày 9/11 năm ngoái sau khi một cuộc điều tra của Cục điều tra liên bang Mỹ (FBI) phát hiện thấy có bằng chứng cho thấy ông này ngoại tình với bà Paula Broadwell, người chuyên viết tiểu sử cho các cựu chỉ huy quân sự Mỹ tại Afghanistan và Iraq

Tuần trước, Đại học City University of New York vừa bổ nhiệm ông Petraeus làm Giáo sư thỉnh giảng kể từ ngày 1/8. Đại tướng David Petraeus từng là Tư lệnh Liên quân tại Iraq và Tư lệnh Bộ chỉ huy Trung tâm quân đội Hoa Kỳ. Bộ chỉ huy Trung tâm quân đội Hoa Kỳ bao gồm toàn bộ khu vực Trung Đông và Trung Á

“Chúng tôi sẽ công bố thông tin vào thời điểm thích hợp,” ông Robert Barnett, luật sư riêng cho Đại tướng Petraeus, viết trong một email. Nữ phát ngôn viên Kristi Huller của KKR từ chối bình luận về vấn đề này

KKR hiện có hơn 25 cố vấn cao cấp, chuyên giúp công ty tìm kiếm và thẩm định các cơ hội đầu tư. Một số cố vấn còn tư vấn cho các công ty do KKR sở hữu hoặc có ghế trong HĐQT các doanh nghiệp này

Khoản đầu tư vào Masan

Đầu năm 2013 này, KKR thông báo rót tiếp 200 triệu USD đầu tư vào CTCP Hàng tiêu dùng Masan (Masan Consumer, MSF), trong đó khoảng một nửa dùng để mua cổ phiếu từ các cổ đông cũ

Một nửa còn lại, tức khoảng hơn 100 triệu USD, dùng để mua lại 22,84 triệu cổ phiếu MSF trong đợt phát hành riêng lẻ gần đây với giá 99.487 VNĐ/cổ phiếu

Toàn bộ số cổ phiếu trên do quỹ KKR Masan Aggregator nắm giữ

Theo thông tin mới đây từ Masan Group, có thể KKR Masan Aggregator sẽ hoán đổi cổ phần của mình tại Masan Consumer lấy các chứng khoán phát hành mới của công ty mẹ Masan Group, có thể là cổ phiếu thường hoặc chứng chỉ lưu ký của cổ phiếu thường

Năm 2011, một tổ chức đầu tư khác thuộc KKR là MC Holdings II (Cayman) Limited đã rót 159 triệu USD để sở hữu 10% cổ phần của Masan Consumer

Sau đợt phát hành cho KKR Masan Aggregator, vốn điều lệ của Masan Consumer tăng từ 5.025 tỷ lên 5.253 tỷ đồng

Trong đó, 2 tổ chức thuộc KKR nắm 18,04% (KKR Ma San Aggregator nắm 8,7% và MC Holdings II (Cayman) Limited nắm 9,35% cổ phần). Masan Group và các công ty con nắm 77,29% cổ phần

Đội ngũ tư vấn hùng hậu

Năm ngoái, KKR bổ nhiệm cựu CEO Morgan Stanley, ông John Mack, làm cố vấn cấp cao để giúp biến KKR thành “nhà đầu tư thông minh”

Một số cố vấn khác của KKR bao gồm cựu Chủ tịch HSBC John Bond, nhà sáng lập Lenovo Liễu Truyền Chí, cựu Thống đốc NHTW Brazil Henrique Meirelles và Chủ tịch Qantar Airways Leigh Clifford

Các công ty đầu tư vốn cổ phần huy động vốn từ nhiều nhà đầu tư, bao gồm cả quỹ hưu trí với nhiệm vụ mua lại các doanh nghiệp khác trong vòng 5-6 năm rồi bán khoản đầu tư tại các doanh nghiệp này lấy lãi sau khoảng 10 năm

Các công ty dạng này thường thu phí quản lý tương đương 1,5-2% tài sản quản lý cộng thêm 20% lợi nhuận đầu tư

Henry Kravis, George Roberts cùng nhà đồng sáng lập Jerome Kohlberg Jr. thành lập KKR năm 1976. Khi ấy mới có rất ít công ty hoạt động theo mô hình vay nợ để mua lại doanh nghiệp kiều này. Kohlberg rời khỏi công ty vào năm 1987

Tổng cộng, các công ty đầu tư vốn cổ phần hiện quản lý 3 nghìn tỷ USD tài sản. KKR hiện quản lý 78 tỷ USD tài sản bao gồm cả bất động sản, năng lượng và quỹ đầu cơ

Phúc Hưng
 
Last edited:
Phố Lobby ở Washington DC
- Như mọi đô thị lớn khắp thế giới, thủ đô Washington D.C của Hoa Kỳ cũng có những con phố rất nổi tiếng. Rất nhiều du khách biết đường Pennsylvenia là nơi có Nhà Trắng, tức Phủ Tổng thống Mỹ

Nhưng thành phố này còn có một con phố cực kỳ đặc biệt, chắc không sai khi nói đó là con phố độc nhất vô nhị vì chào bán một loại hàng hóa không nơi nào khác có bán

Đó là phố K (K Street, phần Northwest), nơi trong suốt nhiều thập niên tập trung đại đa số các công ty chuyên ngành vận động hành lang, tác động gián tiếp nhưng rất hiệu quả đến quyết định của các nhà làm luật tại lưỡng viện Quốc hội Hoa Kỳ, các nhân vật có quyền lực trong Bộ Ngân khố, Ủy ban Chứng khoán và hối đoái, Tối cao Pháp viện, chính quyền các bang... Và dĩ nhiên tiếp sau đó là hàng vài trăm triệu, thậm chí hàng tỷ đô la do chính phủ chi

Theo công bố năm 2007, tại Washington D.C có đến hơn 17.000 lobbyist chính thức đăng ký hành nghề vận động hành lang. Năm 2011, do ảnh hưởng kinh tế suy thoái, nhiều tập đoàn phải cắt giảm chi tiêu nên số lobbyist giảm còn khoảng 12.000

Tại Mỹ, nghề "lobby" là nghề được công nhận hẳn hoi và các "lobbyist" chủ yếu sử dụng ngón nghề dẻo miệng uốn lưỡi của mình để thuyết phục các nhà làm luật, các chính khách, tạo luồng dư luận ủng hộ dự thảo luật này, dự án nọ... đi đến những quyết định có lợi cho nhóm lợi ích nào đó đã thuê dụng họ

Thời gian gần đây, dư luận Mỹ không có thiện cảm với hoạt động của các công ty lobby, đã có không ít cuộc điều tra xem các lobby ist có hối lộ, đút lót, mua chuộc các dân biểu, nghị sĩ hay không...

Tuy nhiên, nghề lobby không thể bị cấm vì tự do ngôn luận là điều đã được ấn định trong Hiến pháp Hoa Kỳ. Và cũng đã có không ít dân biểu, nghị sĩ rời bỏ nghị trường để mở công ty lobby trở thành triệu phú

Các công ty chuyên ngành vận động hành lang nhận đủ mọi loại đơn đặt hàng, từ những hợp đồng lớn liên quan đến an ninh quốc phòng qua các dự thảo luật về ngân hàng, tài chính đến vấn đề... bữa trưa của học sinh

Chẳng hạn, Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ muốn các trường tiểu học tăng phần rau, trái tươi và loại bỏ những thực phẩm có quá nhiều chất béo trong khẩu phần ăn trưa khiến ngày càng có nhiều học sinh Mỹ bị béo phì

Nhưng những tập đoàn sản xuất và kinh doanh thực phẩm đã hợp lực lobby và cuối cùng, cả đến món bánh pizza cũng được phục vụ cho học sinh. Vì các nhà vận động hành lang đã giỏi chỉ ra rằng trong pizza có nước sốt cà chua, mà cà chua thì đích thị là một loại rau

Và họ không chỉ làm việc cho các khách hàng là những cá nhân, doanh nghiệp, tập đoàn Mỹ, mà còn làm việc cho cả những quốc gia khác dù là đồng minh hay không đồng minh với Mỹ

Cách nay một thập niên, tài tử tài danh George Clooney đã cùng đạo diễn từng đoạt Oscar nổi tiếng thế giới Steven Spielberg thực hiện bộ phim truyền hình 10 tập mang tên K Street thu hút rất nhiều người xem nhờ chỉ ra những ngóc ngách trong nghề vận động hành lang ở thủ đô nước Mỹ

Còn bây giờ, tuy các công ty lobby đã chuyển đến những nơi khác ở thủ đô nhưng K Street vẫn "chết tên" là Phố Lobby, thu hút không ít du khách quốc tế

Khôi Việt
 
Last edited:
KKR thuê cựu giám đốc CIA làm lãnh đạo
David Petraeus sẽ giúp KKR định giá các cơ hội đầu tư ở các thị trường mới

Tập đoàn quản lý tài sản tư nhân KKR & Co. (KKR) vừa thông báo bổ nhiệm David Petraeus – cựu giám đốc Cơ quan tình báo trung ương Mỹ (CIA) làm người phụ trách bộ phận chính sách công, nghiên cứu kinh tế và các thị trường mới nổi

KKR là tập đoàn được điều hành bởi hai tỷ phú Henry Kravis và George Roberts. Tập đoàn này có kế hoạch xây dựng một viện nghiên cứu nghiên cứu về các xu hướng kinh tế vĩ mô và chính sách công nhằm đánh giá ảnh hưởng của các chính sách này đối với các khoản đầu tư của KKR. Petraeus sẽ là Chủ tịch của viện này và giúp công ty định giá các cơ hội đầu tư ở các thị trường mới

Ngày 9/11/2012, ông Petraeus, 60 tuổi, từ chức sau khi bị FBI điều tra. Cuộc điều tra cáo buộc ông Petraeus đã ngoại tình với bà Paula Broadwell – tác giả của cuốn tiêu sử về vị tướng này

Petraeus sẽ làm việc trong một nhóm và cũng hợp tác với Henry McVey – trưởng bộ phận phân bổ tài sản toàn cầu – và Ken Mehlman – trưởng bộ phận quan hệ công chúng và là cựu Chủ tịch Ủy ban cộng hòa quốc gia Mỹ (RNC)

KKR được thành lập năm 1976 bởi Kravis, Roberts và đối tác của họ là Jerome Kohlberg Jr. Ngoài ra, KKR còn làm việc với 25 vị cố vấn cao cấp là các cựu CEO và những người đã từng làm việc trong chính phủ Mỹ

Năm ngoái, KKR cũng bổ nhiệm John Mack - cựu CEO của Morgan Stanley – làm cố vấn cao cấp nhằm giúp KKR trở thành “nhà đầu tư thông minh hơn”. Các cố vấn khác của KKR bao gồm David Cote – CEO của Honeywell International Inc., James Owens - CEO của Caterpillar Inc. hay Leigh Clifford – Chủ tịch của Qantas Airways Ltd

Tháng 1 vừa qua, KKR vừa đồng ý sẽ đầu tư 200 triệu USD vào Masan Consumer. Theo Dealogic , đây là khoản đầu tư từ 1 công ty tư nhân nước ngoài lớn nhất từ trước đến nay mà 1 doanh nghiệp Việt Nam nhận được

Hồi tháng 4 năm 2011, KKR cũng đã rót 159 triệu USD vào Masan Consumer. Sau khoản đầu tư 200 triệu USD này, KKR sẽ có 2 ghế trong hội đồng quản trị của Masan Consumer

Tổng cộng, KKR đã đầu từ 5,2 tỷ USD vào khu vực châu Á – Thái Bình Dương, trong đó chỉ có dưới 20% được rót vào Đông Nam Á với 4 công ty nhận được đầu tư

Thu Hương
 
Last edited:
Hiệp ước hạt nhân Mỹ-Ấn được ký nhờ lobby
Tạp chí Time vừa cho đăng một thông tin gây chú ý: Ấn Độ đã không dựa vào ngoại giao để giành được ủng hộ của Quốc hội Hoa Kỳ đối với hiệp ước hợp tác hạt nhân dân sự mà Tổng thống George W. Bush và Thủ tướng Manmohan Singh đã ký ở New Delhi cách đây hai tuần

Ấn Độ đã chơi trò chơi Washington như cách mà các nhóm lợi tích ở Mỹ thường làm với các nhà vận động hành lang quốc hội. Một thời gian dài trước khi ông Bush thăm Ấn Độ, New Dehli đã làm việc với hai công ty lobby để vận động quốc hội Mỹ cho hiệp ước hạt nhân quan trọng

Đại sứ quán Ấn Độ tại Mỹ đã ký một hợp đồng 700.000 USD vào mùa thu năm ngoái với các hãng lobby Barbour, Griffith & Rogers, một công ty dưới quyền lãnh đạo của Robert Blackwill, đại sứ Mỹ tại Ấn Độ từ 2001 đến 2003. Đại sứ quán Ấn Độ cũng đã trả 600.000 USD cho Venable, một công ty có quan hệ chặt chẽ với cựu thượng nghị sĩ Dân chủ Birch Bayh

- Luật Đăng ký hoạt động lobby cho nước ngoài của Mỹ (FLORA) quy định hoạt động vận động cho đối tác nước ngoài không được đi ngược lại với lợi ích lâu dài của nước Mỹ, nhất là về ngoại giao và quân sự. Và do đó, việc vận động không chính thức để dẫn đến việc ký một văn kiện quan trọng tác động đến an ninh quốc gia là vi phạm hiến pháp Mỹ

Việc ký hiệp định hợp tác hạt nhân cho phép Ấn Độ nhập khẩu (từ Mỹ) những công nghệ, máy móc...tiên tiến (chẳng hạn máy tính tốc độ cao) phục vụ cho nghiên cứu hạt nhân (Theo IAEA)

Đại sứ Ấn Độ chắc hẳn sẽ không phơi bày những việc làm của các nhà lobby, các ông Blackwill và Bayh rồi cũng sẽ không cung cấp chi tiết về công việc của mình. Nhưng theo báo cáo hoạt động lobby cho đối tác nước ngoài (một loại văn bản bắt buộc phải trình lên Bộ Tư pháp Hoa Kỳ) của các công ty này các nhà lobby này đã bắt mối với các quan chức cao cấp trong chính quyền Bush kể từ mùa thu năm ngoái để thúc đẩy hiệp ước hạt nhân

Họ cũng đã sắp xếp nhiều cuộc gặp cho các nhà ngoại giao Ấn Độ với các nhân vật quan trọng ở Đồi Capitol, chẳng hạn như Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Henry Hyde và nghị sĩ Dân chủ thuộc Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Joseph Biden. Trả lời Time, ông Bayh nói: 'Chúng tôi có thể sẽ mở một số cánh cửa và khởi đầu một quy trình tăng cường hiểu biết lẫn nhau'

Nhiều tổ chức kiểm soát vũ khí và một số phụ tá trước đây của ông Bush đã phản đối hiệp định hạt nhân vừa ký, cho rằng Ấn Độ có thể sử dụng công nghệ hạt nhân của Mỹ phục vụ cho quân sự. Chính cựu thứ trưởng bộ Ngoại giao Mỹ phụ trách về vấn đề không phổ biến hạt nhân John Wolf cũng bày tỏ quan ngại về khả năng đó

Song các phụ tá của ông Bush thì nhất mực cho rằng hiệp ước hạt nhân sẽ có tác dụng ngăn chặn chương trình vũ khí khỏi đi chệch hướng

Nhưng họ, những người vận động cho Ấn Độ, vẫn sẽ phải tiếp tục thuyết phục Quốc hội Hoa Kỳ thông quan đề xuất về việc ký hiệp ước

Phụ tá của một nghị sĩ cao cấp nói sau khi nhắm mắt làm ngơ về hiệp định hạt nhân do quá bận rộn với vụ DP World (Nhà Trắng định nhượng quyền điều hành sáu thương cảng khổng lồ cho công ty Ả-rập Dubai Port World ), các nhà làm luật sẽ bắt tay vào việc mổ xẻ việc ký hiệp định hạt nhân (trong đó có việc điều trần tổng thống )
 
Last edited:
Trùm “lobby” nhận chức Chủ tịch Ủy ban Truyền thông liên bang Mỹ
Wheeler hội đủ mọi điều kiện, phẩm chất và kinh nghiệm để điều hành FCC một cách xuất sắc
Ngày 1/5/2013, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã chính thức đề cử ông Tom Wheeler, doanh nhân, nhà đầu tư và cũng là một chuyên gia “lobby” có hạng trong lĩnh vực viễn thông vào chức Chủ tịch Ủy ban Truyền thông liên bang Mỹ (Federal Communications Commission - FCC), cơ quan quản lý nhà nước về viễn thông

Trong bài phát biểu đề cử, Tổng thống Barack Obama nhấn mạnh, ông Tom Wheeler là nhân vật thích hợp nhất hiện nay có thể đảm nhận chức Chủ tịch FCC, bởi ông có kinh nghiệm làm việc cả ở lĩnh vực công lẫn khu vực tư nhân

“Ông Tom Wheeler là một trong những nhà lãnh đạo doanh nghiệp đã tạo ra hàng nghìn việc làm ở lĩnh vực công nghệ cao. Ông cũng đã từng đứng đầu nhóm tư vấn cho FCC và Chính phủ về những vấn đề công nghệ cao trong lĩnh vực viễn thông

Ông cũng đã giúp người tiêu dùng Mỹ có nhiều lựa chọn hơn, được cung cấp các dịch vụ và sản phẩm tối ưu. Ông là ứng cử viên thích hợp nhất để đứng đầu FCC”, ông Barack Obama nói

Đề cử này còn phải được Quốc hội thông qua, song đã ngay lập tức gây ra nhiều tranh cãi. Số người ủng hộ đề cử này cũng nhiều, song phe phản đối cũng rất lớn tiếng và không phải là không có lý do xác đáng

Để rộng đường dư luận, xin cung cấp một số thông tin cơ bản về ông Tom Wheeler

Ông Tom Wheeler đã có hơn 30 năm làm việc trong ngành truyền thông. Cụ thể từ năm 1979 đến 1984, ông là Chủ tịch Hiệp hội Truyền hình cáp quốc gia (National Cable Television Association), sau này đổi tên là Hiệp hội Truyền hình cáp và viễn thông quốc gia (National Cable & Telecommunications Association)

Tiếp theo, sau 8 năm (từ năm 1984 đến 1992) làm việc trong mảng công nghệ ở một số công ty viễn thông, từ năm 1992 đến năm 2004, ông là Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành (CEO) Cellular Telecom & Internet Association (CTIA). CTIA là một công ty “lobby” mạnh trong lĩnh vực viễn thông và Internet ở Mỹ. Vì vậy, ông được coi là trùm sò về “lobby” trong lĩnh vực này. Từ năm 2005 đến nay, ông là CEO Core Capital Partners, một quỹ đầu tư

Về mặt chức năng, nhiệm vụ, FCC có quyền cấp phép hoạt động cho các doanh nghiệp viễn thông; phê chuẩn các dự án đầu tư lớn trong lĩnh vực viễn thông, băng thông rộng, các thương vụ mua bán và sáp nhập (M&A) có quy mô lớn…

Theo nhận định chung, chức Chủ tịch FCC là “rất thơm” về nhiều mặt và đã từng thuộc về những gương mặt đầy thế lực. Bằng chứng là, trong thời gian từ tháng 1/2001 đến tháng 3/2005, Chủ tịch FCC khi đó, Michael K. Powell chính là con trai của ông Colin Powell, Ngoại trưởng Mỹ (từ tháng 1/2001 đến tháng 1/2005) dưới Chính quyền Tổng thống George W. Bush, từng là tướng 4 sao, tham mưu trưởng liên quân của Quân đội Mỹ

Mới đây, nhiều tờ báo còn đưa tin, ông Tom Wheeler là một trong số những thành viên tích cực trực tiếp tham gia vận động nguồn tài chính phục vụ cho việc tranh cử Tổng thống Mỹ của ông Barack Obama trong cả 2 đợt. Cụ thể, năm 2008, ông vận động quyên góp được gần 500.000 USD và năm 2012, gần 1 triệu USD

Tiền vận động được có thể chưa nhiều, nhưng Tổng thống quý ông ở sự nhiệt tình và lòng trung thành. Nên không nói ra, song nhiều người hiểu ngầm là việc đề cử này cũng là một cách Tổng thống trả ơn ông

Trở lại với sự tranh cãi về việc đề cử trên. Phe ủng hộ đánh giá “ông Wheeler hội đủ mọi điều kiện, phẩm chất và kinh nghiệm để điều hành FCC một cách xuất sắc”

Một quan chức Nhà Trắng (đề nghị được giấu tên) nhận định: “Ông Tom Wheeler là nhà lãnh đạo dày dạn kinh nghiệm trong lĩnh vực truyền thông. Ông còn chia sẻ quan điểm và cam kết của Tổng thống trong việc bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng; đẩy mạnh việc nghiên cứu, sáng chế, nâng cao tính cạnh tranh cũng như ủng hộ đầu tư”

Nhiều người thuộc phe phản đối nhẹ thì cho rằng, ở đây khó tránh khỏi chuyện “xung đột lợi ích”. Một số khác thì nặng lời hơn khi khẳng định

“Một nhà đầu tư lọc lõi trong ngành viễn thông, lại có quá trình lobby, thì chắc chắn khi nắm quyền lãnh đạo FCC, khó lòng mà khách quan trong điều hành”

Bà Sascha Meinrath, Giám đốc Viện Open Technology Institute (thuộc New America Foundation) tuyên bố thẳng thừng: “Tôi không tin là cựu sếp lobby trong ngành viễn thông sẽ hoàn toàn khách quan với các đối tượng, vốn là chiến hữu trước đây”

Để chính thức được ngồi vào ghế Chủ tịch FCC, ông còn phải trải qua một cuộc sát hạch tại một tiểu ban của Quốc hội

Theo nhiều nhà phân tích, triển vọng được ngồi vào ghế Chủ tịch FCC của ông khá sáng sủa

Trước hết, chiếc ghế này sắp khuyết, cần sớm có người thay thế. Chủ tịch FCC đương chức Julius Genachowski theo đúng nhiệm kỳ sẽ rời chức vào ngày 30/6/2013, song đã đề nghị được ra đi sớm hơn, có thể ngay sau ngày 9/5 tới

Hơn nữa, một khi đã là chuyên gia “lobby” về viễn thông, thì “lobby” ở chính trường chắc chẳng phải là việc quá sức với ông Tom Wheeler

Trung Hiếu
 
Last edited:
K Street – Điểm nóng nhất ở phố Wall

Tất cả những dữ liệu kinh tế được tạo ra trong phạm vi chỉ vài dặm vuông nhưng có thể ngay lập tức ảnh hưởng đến các thị trường trên toàn cầu

Giống như bất động sản, trong thời đại các giao dịch được số hóa và tốc độ giao dịch ngày càng được nâng cao như hiện nay, vị trí là tất cả

Trên phố Wall, các doanh nghiệp phải trả phí để có thể đặt máy tính của họ ở trong cùng một trung tâm dữ liệu với máy tính của các sàn giao dịch chứng khoán nhằm để đảm bảo các giao dịch không bị gián đoạn bởi những đoạn cáp quang

Tuy nhiên, trong một vài năm trở lại đây, các công ty giao dịch tốc độ cao lại có thể âm thầm tăng thêm server ở một nơi ít ai ngờ tới: thủ đô Washington của nước Mỹ

Mấu chốt của vấn đề nằm ở nhu cầu không giới hạn về các dữ liệu kinh tế được công bố bởi chính phủ liên bang. Các dữ liệu này có thể khiến thị trường dịch chuyển ngay sau khi chúng được công bố

Dữ liệu được săn đón nhiều nhất chính là báo cáo về tỷ lệ thất nghiệp của Bộ Lao động. Báo cáo này được công bố hàng tháng từ trụ sở của Bộ tại Đại lộ Hiến pháp. Cục dự trữ liên bang thông báo thay đổi về Federal funds rate (tỉ lệ lãi suất các ngân hàng cho nhau vay trong khoảng thời gian 1 ngày để có được số tiền bằng đúng yêu cầu dự trữ bắt buộc) trong cuộc họp báo tại một căn phòng ở tầng hầm của tòa nhà Kho bạc Mỹ trên Đại lộ Pennsylvania

Bộ Lao động cũng là cơ quan công bố nhiều chỉ số kinh tế quan trọng khác. Ở gần đó, Bộ Năng lượng công bố dữ liệu về lượng gas tồn kho từ tòa nhà nằm ở mặt bên kia của National Mall

Tất cả những dữ liệu kinh tế được tạo ra trong phạm vi chỉ vài dặm vuông nhưng có thể ngay lập tức ảnh hưởng đến các thị trường trên toàn cầu. Và, đây cũng là một cơ hội vàng cho CoreSite – công ty dữ liệu cung cấp cho các trader ứng dụng cho phép họ lắp đặt các trung tâm máy tính ngay trong lòng Washington. Ý tưởng ở đây là: tiếp cận với các dữ liệu sớm hơn vài milli giây đối với các trader khác vốn đang đợi dữ liệu được truyền từ thủ đô về New York, New Jersey và Chicago

Là người đầu tiên thực hiện phản ứng trước các thông tin tác động mạnh đến thị trường có thể giúp trader thu được khoản lợi nhuận khổng lồ. Đây cũng là nguyên nhân khiến các công ty đầu tư mạnh mẽ vào các nguồn lực nhằm chia nhỏ quãng thời gian giữa thời điểm thông tin được công bố và khi thị trường bắt đầu phản ứng

Quá trình thông tin được truyền đi, diễn giải và đến khi giao dịch được thực hiện diễn ra thậm chí còn nhanh hơn tốc độ suy nghĩ của con người. Một người cần đến 300 milli giây để nhắm mắt, nhưng các công ty chỉ cần chênh lệch vài milli giây để trở thành người chiến thắng hay kẻ bại trận

Mặc dù có vẻ như thông tin được truyền đi rất nhanh trên internet, dữ liệu vẫn không thể di chuyển nhanh hơn tốc độ của ánh sáng. Các công ty đang nỗ lực tiến gần đến tốc độ của ánh sáng càng gần càng tốt, và đặt máy tính ở các gần các trung tâm công bố thông tin là điều cần thiết

Hệ thống máy tính của Washington được đặt ở số 1275 trên K Street. Xét theo cách nào đó, tòa nhà này không có gì mới mẻ so với hoạt động truyền thống ở K Street. Đây vốn là nơi tập trung các hãng tư vấn chính sách và vận động hành lang – bộ phận biết cách thức hoạt động của Washington và sau đó biến những hiểu biết ấy thành tiền. Giao dịch tốc độ cao chỉ là một phát minh của thế kỷ 21 dựa trên ý tưởng cũ

CoreSite là công ty vận hành các trung tâm dữ liệu trên khắp nước Mỹ. Khách hàng của Coresite có thể kết nối máy móc của họ với các server khác và có rất nhiều lựa chọn để truyền dữ liệu một cách nhanh chóng. Đặt trụ sở tại tòa nhà trên K Street, CoreSite có được lợi thế so với các đối thủ cạnh tranh chỉ cách đó vài phút lái xe

Hãng viễn thông Anova Technologies cũng đã công bố thông cáo báo chí nhấn mạnh hệ thống truyền dữ liệu siêu tốc giữa các máy tính ở NASDAQ với một trung tâm dữ liệu khác cũng được đặt ở số 1275 K Street

Need to Know News là một công ty khác hoạt động ở số 1275 K Street. Giờ đây, công ty này thuộc sở hữu của Công ty quản lý sàn chứng khoán Deutsche Boerse (Đức)

Sàn Deutsche Boerse cung cấp cho các nhà đầu tư "Alpha Flash," – sản phẩm tin tức tốc độ cao được thiết kế cho các trader có nhu cầu cập nhật thông tin sớm nhất tại các quỹ đầu cơ cũng như các định chế tài chính khác

Thu Hương
 
Last edited:
Trùm vận động hành lang
Quyền lực nhất ở Washington dưới thời Trump

Việc Tổng thống Donald Trump nhậm chức đã đưa một nhân vật kỳ cựu từ Florida đến Washington D.C. và qua mặt rất nhiều công ty "lão làng" trong giới vận động hành lang tại thủ đô

Khi Brian Ballard ký hợp đồng thuê văn phòng ở tầng 2 tại Home Building, một khu phức hợp tại trung tâm Washington và là nơi "đóng đô" của nhiều hãng vận động hành lang khác, ông tự hứa rằng mình sẽ trụ lại đây trong 5 năm. Kết quả là ông chỉ ở đó 1 năm. Tháng 2 vừa qua, Ballard Partners, công ty của Ballard, chuyển đến một văn phòng mới rộng rãi hơn ở tầng 4, đủ chỗ làm việc cho tất cả những nhân viên mới mà ông đã tuyển kể từ thành công của một trong những khách hàng cũ: Tổng thống Donald Trump

Politico miêu tả trong buổi họp đầu tiên tại văn phòng mới, Ballard và 5 cộng sự của ông ngồi ở dãy ghế lãnh đạo trong một phòng họp nhỏ. Robert Wexler, một cựu nghị sĩ đảng Dân chủ mà Ballard tuyển về năm ngoái, gọi từ Paris để báo cáo nhiệm vụ đang thực hiện với chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ. Jamie Rubin, cựu trợ lý ngoại trưởng thời tổng thống Bill Clinton, gọi từ Brussels thông báo về cuộc gặp của ông với Moise Katumbi, lãnh đạo đối lập lưu vong của Cộng hòa Dân chủ Congo và đồng thời là khách hàng của công ty

"Anh sẽ vui được nghe chúng ta đã ký với Maldives hôm nay", Syl Lukis, một người "lobby" khác trong hãng, nói với Rubin

"Hãy làm nhanh vụ Kosovo và Thổ đi", Ballard chỉ đạo. Chính quyền Kosovo cũng là khách hàng của họ

Những người "lobby" khác cập nhật tình hình về cuộc gặp của họ với các quan chức trong chính quyền Trump và những công việc khác họ thay mặt hàng chục khách hàng ở Washington tiến hành, trong đó có Amazon, Dish Network, Uber,...

"Họ rất vui, rất rất vui. Cảm ơn cô, Susie, vì cuộc gặp ở Nhà Trắng vào tuần trước", Rebecca Benn, một người từng làm việc trong quốc hội và về với Ballard vào năm trước, nói với một người vận động hành lang tên Susie Wiles. "Mọi thứ rất tốt"

download_8.jpg

Ballard Partners là hãng vận động hành lang ăn nên làm ra bậc nhất kể từ sau khi Tổng thống Trump nhậm chức

"Kẻ ngoại đạo" ở Đường K

Ballard, 56 tuổi, là một nhà vận động hành lang kỳ cựu tại Florida, nhưng ông chỉ mới đến Washington D.C. được một năm. Đối với công việc này, nơi những người hành nghề thường phải trải qua hàng thập kỷ tiếp cận giới chức trong chính quyền ở Washington, một năm của Ballard chỉ như cái chớp mắt. Dù vậy, ông lại gần gũi tổng thống hơn bất kỳ người vận động hành lang nào khác ở thủ đô. Ông biến mối quan hệ đó trở thành món hàng kinh doanh, giúp đỡ các khách hàng tìm đường tiếp cận chính quyền Trump

Các khách hàng, và ngay cả đối thủ, thừa nhận rằng Ballard rành rẽ nội tình Cánh Tây của Nhà Trắng hơn bất kỳ ai ở Đường K. Đường K nổi tiếng là nơi tập trung các viện nghiên cứu chính sách và hãng vận động hành lang ở Washington D.C..

Ballard từng là một trong những người gây quỹ quan trọng nhất cho chiến dịch tranh cử tổng thống của ông Trump và đã tiếp tục thu về hàng triệu USD cho chiến dịch tái tranh cử. Wiles là người điều hành chiến dịch của ông Trump ở Florida, xoay chuyển bang chiến trường quan trọng nhất nước Mỹ về phía Trump

Mối quan hệ của Ballard với tổng thống giúp ông một "mảnh ghép" đang làm đau đầu nhiều đồng nghiệp dày dạn kinh nghiệm trong hệ thống. Ông cũng được xem là người có thể làm cầu nối giữa Nhà Trắng thời Trump, đầy những người trung thành với tổng thống, và giới tinh hoa chính trị kỳ cựu tại Washington. Không chỉ gần gũi tổng thống, ông còn là một đồng minh thân cận của Thượng nghị sĩ Marco Rubio, cựu thống đốc Florida Charlie Crist, người từng là đảng viên Cộng hòa và giờ là nghị sĩ đảng Dân chủ. Ballard biết cách khiến các khách hàng yên lòng

Ballard không phải là người duy nhất thành đạt sau khi tham gia vào chiến dịch tranh cử của Trump, nhưng ông hẳn là một trong những người hưởng lợi lớn nhất. Kể từ khi chuyển đến Washington sau khi Trump nhậm chức, Ballard đã ký khoảng 60 hợp đồng với các khách hàng, bao gồm các công ty lớn như American Airlines và Sprint, và thu về gần 10 triệu USD. Con số này tập trung vào những khách hàng nhờ Ballard tiếp cận chính quyền Trump và không bao gồm tiền trả từ những khách hàng như Thổ Nhĩ Kỳ và Cộng hòa Dominica

"Ông ta là người duy nhất có thể làm thế", Robert Stryk, một người vận động hành lang từng làm với Trump và cũng chuyển đến Washington sau cuộc bầu cử

don800.jpg

Mối quan hệ với tổng thống là yếu tố quan trọng làm nên thành công của Ballard và hãng của ông

Không như những người không thể kiềm được ham muốn được huênh hoang về mối quan hệ với Trump trước các khách hàng, Ballard tránh việc tạo ra hình ảnh ông đang kiếm tiền dựa trên quan hệ với tổng thống. Ông từ chối nói về việc ông có thường xuyên nói chuyện với Trump hay không. Dù vậy, các khách hàng vẫn nói rằng ông rành rẽ cách thức chính quyền hoạt động hơn bất kỳ ai. Đến giờ, những kiến thức đó vẫn mang lại thành công cho Ballard

Từ Florida đến Manhattan

Tổng thống Trump gọi Ballard đến vào ngày ông quyết định sẽ ra tranh cử tổng thống. Cả hai đã biết nhau trong gần 30 năm. Ballard gặp Trump sau khi mua một cuốn The Art of the Deal (Nghệ thuật Thương thuyết) của Trump trong thập niên 1980. Ông đã ấn tượng đến độ viết cho vị tỷ phú năm đó một bức thư để khen ngợi

"Tôi thích ý tưởng về những cuộc gặp 15 phút", ông nói với phóng viên Politico nhiều năm sau đó. Trump trả lời thư và đôi bên giữ liên lạc

Sau đó, Ballard trở thành người vận động hành lang cho Trump ở bang Florida, giúp Trump Organization thương lượng với giới chức của bang và địa phương khi có vấn đề nảy sinh với câu lạc bộ golf Doral của Trump. 10 năm trước khi Trump tuyên bố ra tranh cử tổng thống, Ballard đã giúp điều hành một sự kiện gây quỹ vào năm 2005 tại Trump Tower ở New York cho chiến dịch tranh cử thống đốc Florida của ông Crist

Ballard, như hầu hết người Cộng hòa hoạt động trong giới chính trị ở Florida, ủng hộ Jeb Bush trong giai đoạn đầu của cuộc bầu cử. Nhưng sau đó, Ballard đã đề nghị giúp Trump như cách ông giúp một khách hàng. Ballard cử bà Wiles đến New York gặp Trump và sau đó bà trở thành người điều hành tranh cử cho Trump tại Florida. Nhưng Ballard vẫn chưa chính thức làm việc cho Trump

Ông chỉ ký với Trump ngay sau khi mọi thứ rõ ràng rằng Trump sẽ là người đại diện đảng Cộng hòa. Ông ngay lập tức tỏ ra hữu dụng. Florida là địa bàn của những "mạnh thường quân" giàu có và Ballard biết hầu hết họ sau khi ông gây quỹ tranh cử cho John McCain và Mitt Romney

Ballard tháp tùng ứng viên Trump trong nhiều chuyến đi, quen biết những người sau này sẽ tham gia vào nội các và Nhà Trắng

Vào đêm 8/11/2016, Ballard ngồi với Lukis trong một căn hộ ở Manhattan. Họ không biết liệu Trump có thắng không, nhưng hy vọng ít ra ông sẽ giành được Florida. Họ đập tay nhau khi Trump thắng và bước ra ngoài để tiệc tùng. Những cuộc gọi từ khách hàng kéo đến vào hôm sau

"Nói rằng họ hoảng loạn là còn nhẹ", bà nói

Những người từng làm việc trong chiến dịch của Trump bắt đầu cân nhắc liệu họ nên gia nhập chính quyền hay tham gia vào giới vận động hành lang. Ballard chậm hơn nhưng ông ký hợp đồng với hàng chục khách hàng trong 3 tháng đầu sau khi Trump nhậm chức

"Bố già" vận động cho cái gì ?

Ballard sẽ không nói về những gì ông làm cho khách hàng. Một ngoại lệ là công việc của ông với Katumbi, lãnh đạo đối lập lưu vong của Congo. Katumbi thuê Ballard để ông giúp thuyết phục chính quyền Trump gây áp lực lên Tổng thống Joseph Kabila nhằm cho phép ông trở về. Ballard, Lukis và Katumbi xoay xở được một cuộc gặp với cấp phó của Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Nikki Haley, vào tháng 10/2017, trước khi bà Haley lên đường đi Cộng hòa Dân chủ Congo. Bà đã ép nước này phải tổ chức bầu cử trong năm nay

Không phải mọi khách hàng của Ballard cũng trong vai người bị hại. Hồi tháng 5/2017, ông ký một hợp đồng trị giá 125.000 USD/tháng, vài ngày trước khi các cận vệ của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đánh những người biểu tình ôn hòa bên ngoài đại sứ quán Thổ Nhĩ Kỳ. Theo một tài liệu của Bộ Tư pháp, Ballard đã thay mặt Thổ Nhĩ Kỳ đến gặp một số quan chức Mỹ, trong đó có Sean Cairncross, cố vấn cấp cao của chánh văn phòng Nhà Trắng khi đó và Matt Mowers, quan chức Bộ Ngoại giao từng làm việc trong chiến dịch của Trump

Việc vận động hành lang nội bộ thường không phải công khai ở mức độ tương tự nên các thông tin về việc Ballard càng khó tiếp cận. Dù vậy, Politico cho biết Ballard Partner đã vận động hành lang ở gần 20 cơ quan liên bang, từ Bộ Tài chính đến Nhà Trắng, từ văn phòng Phó tổng thống Mike Pence đến quốc hội. Họ kiếm được 550.000 USD trong năm 2017 nhờ vận động giúp tập đoàn GEO, công ty vận hành nhà tù tư nhân, giành được hợp đồng điều hành nơi giam giữ người nhập cư đầu tiên từ Nhà Trắng và Bộ Tư pháp

Hãng cũng đại diện cho LG và 2 công ty chuyên lắp đặt pin mặt trời khác trong lúc chính quyền Mỹ cân nhắc việc áp thuế nhập khẩu đối với máy giặt và pin mặt trời

Những người đồng nghiệp ở các hãng vận động lâu năm ở Washington ngay lập tức ca ngợi Ballard, dù họ cũng nghi ngờ liệu thành công này sẽ tồn tại được bao lâu, trong một chính quyền kỳ lạ như chính quyền Trump. Những công ty vận động từng quyền lực bậc nhất dưới thời chính quyền cựu tổng thống George W. Bush hay Barack Obama giờ đã "bặt vô âm tín"

Quy mô của Ballard Partners vẫn tương đối nhỏ, ít ra so với doanh thu của họ. Hãng có 6 người vận động hành lang được đăng ký trong quý đầu của năm 2017, thu về 3,6 triệu USD và hiện là hãng vận động hành lang lớn thứ 17 tại Washington D.C, theo tính toán của Politico dựa trên các tài liệu về vận động hành lang được công bố

Ballard nói rằng ông muốn xây dựng công ty tiếp tục trụ vững ngay cả sau khi chính quyền Trump ra đi. Mọi thứ phải để thời gian trả lời

Phương Thảo
 

Attachments

  • upload_2018-5-1_7-50-40.png
    upload_2018-5-1_7-50-40.png
    277 bytes · Views: 1
Người Mỹ tin CEO hơn chính khách
Một nghiên cứu của Công ty quan hệ công chúng Edelman vừa công bố cho thấy, hầu hết người Mỹ tin các CEO hơn chính khách, chủ yếu do các CEO đang ngày càng cởi mở hơn

edelman-public-relations1527747005.jpg

“Các CEO đã thay đổi. CEO hiện sẵn sàng đối thoại với người lao động, chứ không chỉ là đối thoại với cổ đông”, ông Edelman phát biểu tại Chương trình Opens a New Window của FOX Business

Theo nghiên cứu của công ty này, 84% người lao động kỳ vọng các CEO sẽ thông tin về các cuộc thảo luận và tranh luận chính sách đối với một hoặc vài vấn đề xã hội cấp bách, như việc làm, nền kinh tế, tự động hóa, điều chỉnh chính sách, toàn cầu hóa

Lan Chi
 
Lý do Mỹ 'đi sau' các nước về đường sắt cao tốc
Người dân quen dùng ôtô, phân bổ dân cư không đều, chính quyền không mặn mà khiến Mỹ gần như không có đường sắt cao tốc

Đường sắt cao tốc đã xuất hiện trên thế giới từ hàng thập kỷ trước. Nhật Bản có Shinkansen cuối thập niên 60. Pháp có TGV năm 1981, kéo theo nhiều nước châu Âu khác. Trung Quốc có hệ thống đường sắt cao tốc lớn nhất và phát triển nhanh nhất thế giới. Loại hình giao thông này gần đây nhanh chóng phổ biến toàn cầu, có mặt tại Hàn Quốc, Ấn Độ, Saudi Arabia, Nga, Iran và Morocco

Mỹ cũng có đường sắt cao tốc, CNET cho biết, với dịch vụ Acela Express của Tập đoàn Vận tải Hành khách Đường sắt Quốc gia Mỹ (Amtrak). Tuy nhiên, tốc độ khi đạt tối đa cũng chỉ là 241 km mỗi giờ, với một chặng ngắn kéo dài vài phút. Con số này khá thấp so với nhiều quốc gia khác, và thậm chí không được coi là cao tốc theo tiêu chuẩn của nhiều nơi

Mỹ từng là một trong những nước dẫn đầu thế giới về hệ thống đường ray. Tuy nhiên, sau Đại chiến Thế giới II, mọi việc hoàn toàn thay đổi. "Các hãng xe hơi và dầu mỏ nhận ra rằng nếu muốn có tương lai thịnh vượng hơn, họ cần cho đường ray biến mất và khuyến khích người dân sử dụng xe hơi", Andy Kunz - CEO Hiệp hội Đường sắt Cao tốc Mỹ cho biết trên CNBC, "General Motors, Firestone Tire, Standard Oil và một số công ty khác đã cùng nhau mua lại hệ thống xe điện trên cả nước và dần ngừng dịch vụ này trong 10 năm"

acela-1563190942-3900-1563191320.png

Tàu Acela chạy tuyến cao tốc của Amtrak

Đến thập niên 50, Tổng thống Mỹ thời đó Dwight Eisenhower ký dự luật xây dựng Hệ thống Xa lộ liên bang. Nước này đầu tư 25 tỷ USD cho gần 66.000 km đường cao tốc. Chính phủ trả 90% và các bang chịu 10% kinh phí. Đường sắt vì thế dần bị quên lãng

"Chúng ta đã đổ rất nhiều tiền vào việc xây dựng cơ sở vật chất cho ôtô giữa thế kỷ 20 và chúng ta vẫn đang gắn chặt với mô hình phát triển đó", Ethan Elkind - Giám đốc Chương trình Khí hậu tại Trường Luật thuộc Đại học California tại Berkeley cho biết

Phụ thuộc vào xe hơi là một trong những lý do hàng đầu khiến Mỹ không tập trung phát triển đường sắt. CNN trích số liệu từ Cục thống kê Mỹ cho biết trong giai đoạn 2012 - 2016, chỉ 5% lao động nước này đi làm bằng phương tiện công cộng, như tàu điện ngầm hay đường sắt

"Hệ thống chính trị của chúng ta có các tổ chức vận động hành lang về dầu mỏ, xe hơi, hàng không rất mạnh. Đường sắt cao tốc không thể cạnh tranh được. Tại Mỹ, cứ 1.000 người thì 850 người có xe hơi. Ở Trung Quốc, tỷ lệ này chỉ là 250", Robert Cervero - Giáo sư Kiến thiết Đô thị ở Đại học California tại Berkeley cho biết

Một nguyên nhân khác, theo Washington Post, là phân bổ dân cư. Ở nhiều nơi trên thế giới, như Trung Quốc, châu Âu hay Nhật Bản, các vùng tập trung dân số lớn ở gần nhau hơn nhiều so với Mỹ. Đây là điều kiện tiên quyết cho việc xây đường sắt cao tốc. Nhưng Mỹ không có điều đó

Elkind thì khẳng định lý do lớn khiến Mỹ đi sau về đường sắt cao tốc chủ yếu là tiền. "Đơn giản là chúng ta không có các lãnh đạo thực sự muốn đầu tư vào đường sắt", ông nói

Năm 2008, chính quyền bang California bỏ phiếu thông qua xây đường sắt cao tốc. Một thập kỷ sau, việc xây dựng được tiến hành tại Central Valley. Đây là dự án đường sắt cao tốc thực sự và duy nhất đang thực hiện tại Mỹ, nối San Francisco với Anaheim. Dù vậy, dự án khá tốn kém với chi phí ước tính 77 tỷ USD. Do đó, hồi tháng 2/2019, Thống đốc bang California - Gavin Newsom cho biết sẽ chỉ cấp vốn hoàn thành một phần tuyến này, do chi phí tăng vọt, việc xây dựng kéo dài và có nhiều vấn đề về quản lý. Đến tháng 5, Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng tuyên bố rút hỗ trợ cho dự án

Theo giới phân tích, một phần nguyên nhân khiến dự án đắt đỏ nằm ở địa hình, với chi phí đào hầm cao, không bằng phẳng như nhiều vùng ở phía Đông Trung Quốc hay Nhật Bản. Lý do thứ hai nằm ở các chi phí liên quan đến việc đàm phán với chủ sở hữu đất, công ty đường sắt, chính quyền bang hay chuyển hướng các tuyến cao tốc đi qua

"Trung Quốc là nước rất nhiều người vẫn đem ra so sánh. Họ có 29.000 km đường sắt cao tốc. Trong khi 20 năm trước không có gì cả? Vì sao họ làm nhanh đến thế? Một phần lý do là đất đai ở đó thuộc sở hữu quốc gia, không như Mỹ. Họ cũng không có các quy định như chúng ta về sử dụng lao động và môi trường. Đó chính là những yếu tố khiến dự án bị kéo dài", Cervero cho biết. Ông ước tính chi phí làm đường sắt cao tốc dao động trong khoảng 12-50 triệu USD mỗi km

Theo một số chuyên gia, hệ thống giao thông hiện tại của Mỹ đã chạm giới hạn. "Các bang trên khắp nước Mỹ đều nhận thấy họ đã hết không gian để mở rộng đường cao tốc và xa lộ liên bang. Sân bay cũng bị hạn chế và bầu trời thì tắc nghẽn", Caroline Decker - Phó giám đốc phụ trách tuyến Hành lang Đông Bắc tại Amtrak cho biết

Hệ thống đường sắt sẽ giải quyết được các vấn đề này. Bên cạnh đó, nó còn thân thiện với môi trường, nếu chuyển sang đường sắt cao tốc điện khí hóa

"Khi đường sắt cao tốc giữa Madrid và Barcelona tại Tây Ban Nha khai trương, số lượt hành khách di chuyển bằng máy bay giữa các thành phố này giảm mạnh. Mọi người chuyển sang tàu cao tốc vì nó rất tiện lợi. Họ không bị ép phải chuyển, mà vì thấy đây là lựa chọn hợp lý", Elkind cho biết

CNBC trích một khảo sát tại Mỹ cho thấy 63% người Mỹ khẳng định sẽ dùng đường sắt cao tốc nếu có. Tỷ lệ này với người trẻ còn cao hơn

Texas Central - một công ty tư nhân tại Mỹ đang lên kế hoạch làm đường sắt cao tốc nối Houston với Dallas, rút ngắn thời gian di chuyển từ 4 giờ xuống 1,5 giờ. Dĩ nhiên, họ không dùng ngân sách quốc gia. Dự án đã nhận được sự hỗ trợ từ nhiều nhà đầu tư và sẽ sử dụng công nghệ Nhật Bản. Mục tiêu của Texas Central là hoàn thành năm 2025

Fortress Investment Group cũng đang đổ tiền vào dự án đường sắt cao tốc từ Miami đến Orlando. Dự án trước đây có tên Brightline, gần đây được đổi tên thành Virgin Trains, khi công ty này hợp tác với Virgin Group của tỷ phú Richard Branson

Các hãng công nghệ cũng đang tham gia vào lĩnh vực này. Microsoft năm ngoái đầu tư 300.000 USD vào hoạt động nghiên cứu của Pacific Northwest - kế hoạch đường sắt cao tốc nối Portland, Seattle và Vancouver

Hà Thu
 
Làm bạn với vua như chơi với hổ

trumpappletexas.jpg

Tổng thống Trump và Tim Cook trong chuyến thăm nhà máy Mac Pro

Tim Cook đã dành nhiều năm để xây dựng quan hệ hữu hảo với Nhà Trắng: ăn tối cùng Tổng thống Trump, đưa Tổng thống đến thăm nhà máy, xuất hiện bên cạnh con gái Ivanka Trump để quảng bá sáng kiến giáo dục

Dù vậy, điều đó không đồng nghĩa CEO Apple được Tổng thống ưu ái 100% bây giờ và sau này. Nên nhớ rằng, dân gian có câu “làm bạn với vua như chơi với hổ”

Tuần này, Trump tham gia vào cuộc chiến giữa Bộ Tư pháp và Apple. “Táo khuyết” từ chối yêu cầu bẻ khóa iPhone của tay súng trong vụ tấn công cơ sở quân sự Mỹ từ Bộ Tư pháp. Hành động ấy khiến Trump không hài lòng và “vỗ mặt” Apple ngay trên Twitter

Ngày 15/1, ông viết: “Chúng ta suốt ngày giúp Apple trong THƯƠNG MẠI và nhiều vấn đề khác, vậy mà họ từ chối mở khóa điện thoại của kẻ giết người, kẻ buôn bán ma túy và các tội phạm bạo lực khác. Họ phải hành đồng và giúp tổ quốc của chúng ta, NGAY BÂY GIỜ. HÃY LÀM NƯỚC MỸ VĨ ĐẠI TRỞ LẠI”

Khiển trách bất ngờ từ Tổng thống là lời cảnh tỉnh không chỉ dành cho Apple và còn với bất kỳ lãnh đạo doanh nghiệp nào muốn duy trì quan hệ đôi bên có lợi với Trump. Cook không chỉ là một trong những CEO có ảnh hưởng nhất thế giới mà còn được xem là thành công khi xây dựng quan hệ bền chặt với Tổng thống. Bản thân Trump còn khen ngợi Cook là “giám đốc tuyệt vời vì ông ấy điện thoại cho tôi còn người khác thì không”

Song, xung đột mới nhất cho thấy kể cả Cook và công ty vẫn có thể bị ảnh hưởng như thường. Tổng thống hoàn toàn có khả năng “lật mặt” để tìm kiếm giá trị lớn hơn. Một nhà vận động hành lang giấu tên nhận xét: “Dù bạn có làm gì trong quá khứ, ông ấy chỉ muốn những gì bạn làm được hiện nay. Trump dường như đang thay đổi các quy tắc”

Khi Trump tới thăm nhà máy lắp ráp Mac Pro hồi tháng 11/2019, công ty có nguy cơ bị đánh thuế iPhone, MacBook và thiết bị khác sản xuất tại Trung Quốc. Tuy nhiên, Trump nói vì những đầu tư của Cook cho Mỹ, chính quyền có thể tạm hoãn thi hành chính sách thuế với sản phẩm Apple. Cuối cùng, sản phẩm của hãng cũng may mắn thoát hiểm khi Mỹ - Trung đạt thỏa thuận đầu tiên

Những khoản đầu tư của Apple dường như đã bị quên lãng khi Trump gọi tên Apple khi đối đầu với Bộ Tư pháp. Không rõ tweet của Trump có tác động lâu dài không nhưng ít nhất, cổ phiếu công ty đã giảm đi chút ít trước khi tăng trở lại

Trước đây, Apple cũng từng từ chối giúp đỡ nhà hành pháp mở khóa iPhone trong vụ xả súng San Bernadino cuối năm 2015. Sau trận chiến pháp lý dài với Apple, các nhà điều tra cũng mở được iPhone mà không cần nhờ tới sự hỗ trợ của công ty. Những năm về sau, Apple cùng các hãng công nghệ khác ngày một tăng cường biện pháp mã hóa bảo vệ người dùng

Apple cũng kiên quyết không xây “cửa hậu” đặc biệt cho nhà hành pháp để tránh làm suy yếu mã hóa, tranh luận rằng lỗ hổng có thể bị tội phạm khai thác. Công nghệ mã hóa không chỉ dùng để bảo vệ iPhone mà còn mạng lưới doanh nghiệp, email ứng dụng nhắn tin, dịch vụ tài chính, tổ chức chính phủ

Căng thẳng với nhà hành pháp về mã hóa “sống lại” gần đây sau khi Bộ Tư pháp chỉ trích Apple. Hai iPhone của tay súng được thu về từ hiện trường nhưng nhân viên điều tra không thể phá khóa, khiến Bộ Tư pháp phải “cầu cứu” Apple

Việc ông Trump tham gia vào cuộc đối đầu giữa Bộ và Apple làm vấn đề trầm trọng hơn. Theo cựu quan chức chính phủ, Apple có thể tìm kiếm sự giúp đỡ từ các đồng minh trong Nhà Trắng nhưng như thế là không đủ nếu Cook và Apple không có Trump ở cùng chiến tuyến
 
Đêm mở ra chương mới quan hệ Việt - Mỹ
Tối 8/11/2016, quan chức Đại sứ quán Việt Nam tập trung tại trụ sở ở Washington D.C, hồi hộp dõi theo cuộc đua giữa Hillary Clinton và Donald Trump

Không khí trong căn phòng mỗi lúc một nóng lên, khi màn hình lớn liên tiếp xuất hiện các bang chiến thắng của mỗi ứng viên, kèm theo đánh giá tức thì của các bình luận viên. Cuộc đua sít sao dần đổi chiều, với lợi thế nghiêng về phía ông Trump. Khi đó, cả nước Mỹ mang niềm tin lớn "bà Hillary có thể đắc cử", theo như hầu hết các dự báo, cán bộ ngoại giao các nước, kể cả Việt Nam, đều "bất ngờ" đón nhận kết quả: Trump thắng, trở thành tổng thống thứ 45 của Mỹ

Từ khoảng 21h30, khi chiều hướng nghiêng về Trump đã rõ, Đại sứ quán Việt Nam không "mấy hồi hộp như lúc đầu nữa". Việc đầu tiên với họ là phải "sơ bộ báo cáo về", theo Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Phạm Quang Vinh khi đó

Ba vấn đề chính được sứ quán mang ra mổ xẻ. Thứ nhất, Trump thắng cử cho thấy giới quan sát đã sai, vậy Việt Nam cần tìm ai để tham vấn nhằm giữ đà quan hệ với chính quyền mới? Thứ hai, Trump chỉ đưa ra khẩu hiệu chung trong chiến dịch chạy đua vào Nhà Trắng, "Đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại", mà không có cương lĩnh cụ thể, do đó không rõ chính sách đối ngoại của ông với châu Á - Thái Bình Dương là gì? Thứ ba, đội ngũ của Trump chưa xuất hiện những người chủ chốt, vì thế Việt Nam khó hình dung về "gương mặt của chính quyền mới"

Trên thực tế, các vấn đề này đã nằm trong tính toán của Đại sứ quán Việt Nam tại Mỹ từ khi hai ứng viên khởi động chiến dịch chạy đua vào đầu 2016. Từ chặng đầu, khi dư luận Mỹ và thế giới "choáng ngợp" trước ưu thế của đại diện đảng Dân chủ, Đại sứ quán xác định "khả năng bà Clinton thắng cử chỉ nên ở ngưỡng 65%, để dành sức lực cho phương án còn lại vì mình ở tiền tuyến". Giới chức Đại sứ quán Việt Nam tại Mỹ nhanh chóng chia ra các mũi, theo dõi sát chiến dịch của hai bên và dư luận, tham dự các sự kiện liên quan, kết nối với các chính trị gia có ảnh hưởng ở hai đảng và giới nghiên cứu

Thế nhưng, vào đêm Trump đắc cử, họ đối diện với hàng loạt câu hỏi như: cái riêng trong chính sách của Trump là gì ? Tân Tổng thống biết gì về Việt Nam ? Những ai thực sự sẽ nắm các vai trò chính ở Nhà Trắng trong số các lựa chọn từ chiến dịch tranh cử của Trump ?

Theo đánh giá của Đại sứ quán, Mỹ là đối tác lớn, có tầm quan trọng hàng đầu của Việt Nam nhưng tân Tổng thống Mỹ lại là một tỷ phú, đi lên từ khối doanh nghiệp, chưa chắc đã biết về Việt Nam. Nhiệm vụ của Đại sứ quán Việt Nam là tìm cách giữ được đà quan hệ tốt đẹp mà hai nước đã có trong suốt 8 năm qua, dưới thời Tổng thống Dân chủ Barack Obama. Để thực hiện được mục tiêu này, cơ quan ngoại giao Việt Nam xác định phải kết nối với chính quyền Trump để "giới thiệu" về các giá trị trong quan hệ Việt - Mỹ. Nhưng Trump chưa từng tham gia chính trường nên việc tiếp cận gặp không ít khó khăn. Một số cán bộ của Đại sứ quán đề xuất cần có thêm thời gian để tham vấn. Ý kiến đó không được ông Vinh đồng tình, ông cho rằng Việt Nam khó thể hỏi ai về Trump, vì gần như cả nước Mỹ đã đoán sai kết quả. Với quan sát từ chiến dịch chạy đua của Trump, ông Vinh nhận định điều sẽ chắc chắn tồn tại trong 4 năm tiếp theo là "chữ Trump"

"Cách tốt nhất của Việt Nam là tiếp cận trực tiếp tân Tổng thống Mỹ, vì chúng ta không biết ai có thể là trung gian", ông Vinh nhớ lại đề xuất đã được lãnh đạo Việt Nam nhất trí

anh-dai-su-4992-1594440822.jpg

Cựu đại sứ Việt Nam tại Mỹ Phạm Quang Vinh trong trao đổi với VnExpress đầu tháng 7/2020 tại Hà Nội

Tự cảm thấy kế hoạch này "khá mạo hiểm" nhưng ý nghĩ "tại sao không thử" đã thôi thúc ông Vinh và giới chức ngoại giao Việt Nam. Lần lại danh sách bạn cũ, họ tìm được liên hệ của các quan chức Mỹ đã kết giao trong suốt 7 năm ông Vinh làm Trưởng nhóm quan chức cấp cao Việt Nam trong ASEAN (SOM), từ 2007. Qua những người này, gồm cả người đương chức và đã rời chính trường, sứ quán kết nối với Tổ chức Trump (Trump Organization), cơ quan thực hiện chiến dịch tranh cử của Trump. Từ đó, họ có thêm vô số email và điện thoại, dẫn đến một địa chỉ mà đến nay ông Vinh "cũng chưa biết mặt". Khi đó, các nhà ngoại giao Việt Nam nêu đề xuất lãnh đạo Việt Nam mong muốn có một cuộc điện đàm với Tổng thống đắc cử Trump. Nội dung gồm chúc mừng tân tổng thống và khẳng định tầm quan trọng của quan hệ giữa hai bên

Sau khi "người giấu mặt" tiếp nhận thông tin, ông Vinh thực hiện một số chuyến đi đến New York để gặp gỡ thêm những người liên quan. Đến đầu tháng 12/2016, khi đang trên đường từ New York trở về Washington D.C, ông Vinh nhận được thông báo "sẽ có điện đàm" vào 14/12

"Khi đó tôi vừa mừng vừa lo. Mừng vì nỗ lực của mình đã mang lại kết quả, nhưng lo vì không được gặp trực tiếp các mối liên hệ, sợ có bất trắc", ông Vinh nói

Để trấn an bản thân, ông Vinh đề nghị được có mặt tại căn phòng Tổng thống Trump điện đàm với Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc, để hỗ trợ cuộc trao đổi. Tuy nhiên, đại diện của Trump Organization cho biết không rõ Tổng thống lúc đó sẽ ở đâu vì ông dùng vệ tinh để kết nối. Trong cuộc điện đàm ngày 14/12, Thủ tướng Việt Nam chúc mừng ông Trump đắc cử, khẳng định Việt Nam coi trọng quan hệ hữu nghị, hợp tác với Mỹ. Về phía mình, ông Trump bày tỏ mong muốn hợp tác với Việt Nam để cùng thúc đẩy quan hệ. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sau đó gọi điện cho Đại sứ quán Việt Nam tại Mỹ, cho biết Tổng thống Trump có thái độ rất cởi mở, trông đợi gặp lãnh đạo Việt Nam trong thời gian sớm nhất

Thông tin về điện đàm của Tổng thống đắc cử Trump với Thủ tướng Việt Nam lan truyền nhanh chóng trong giới ngoại giao ở Washington D.C và trên mạng xã hội, khi Trump Organization thông báo về các hoạt động của tân tổng thống trên Twitter

Đại sứ Vinh sau đó bất ngờ nhận được lời mời dự tiệc mừng Trump đắc cử vào 17/1, ba ngày trước khi tân Tổng thống chính thức nhậm chức. Các khách mời có nhiều nhân vật chủ chốt trong chính quyền sau này, như Mike Pence, Phó tổng thống, Rex Tillerson, Ngoại trưởng, Jeff Sessions, Bộ trưởng Tư pháp, Steven Mnuchin, Bộ trưởng Tài chính, Wilbur Ross, Bộ trưởng Thương mại. Ông Vinh là đại sứ duy nhất ở Đông Nam Á tham dự, cùng đại diện các nước châu Âu khác

Nhìn lại khoảng thời gian đó, cựu đại sứ Vinh cho rằng hầu hết các nước trên thế giới đều quan sát và chờ đợi chính quyền Trump công bố chính sách đối ngoại chung. Trong ASEAN, các nước đều ngần ngại trước khẩu hiệu "Nước Mỹ trên hết" và thiên về nghe ngóng. Trong khi đó, sự chủ động của Việt Nam đã mang lại kết quả

"Chúng tôi chủ động, nhưng được ban lãnh đạo ở nhà hỗ trợ và ủng hộ nhiều lắm. Việt Nam đã tiếp cận từ rất sớm và đã tiếp tục phát huy được đà quan hệ. Đó là liên hệ được trực tiếp, chứ thông thường, qua thủ tục lễ tân, chưa biết kết quả sẽ ra sao", ông Vinh nói

Sau trao đổi giữa Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Tổng thống Trump, Đại sứ Vinh miêu tả mọi chuẩn bị cho chuyến thăm Mỹ của lãnh đạo Việt Nam "đều diễn ra suôn sẻ". Trong tháng 1/2017, ông Vinh gặp lại người bạn cũ Matthew Pottinger, người sau đó được bổ nhiệm làm trợ lý Tổng thống về châu Á - Thái Bình Dương, hiện là phó cố vấn an ninh quốc gia Mỹ. Vào tháng 4/2017, hai tháng sau khi Việt Nam đề nghị có chuyến thăm của Thủ tướng đến Mỹ, cố vấn an ninh quốc gia Mỹ H.R. McMaster đã trao thư mời qua Phó thủ tướng Việt Nam Phạm Bình Minh. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vào giữa 2017 trở thành lãnh đạo đầu tiên của Đông Nam Á thăm Mỹ. Sau cuộc hội đàm với Tổng thống Trump tại Nhà Trắng, lãnh đạo Việt Nam cùng thông qua tuyên bố chung về hợp tác, chứng kiến lễ ký các hợp đồng thương mại trị giá khoảng 10 tỷ USD với Mỹ

Mục tiêu tiếp theo "cần chinh phục" của Việt Nam là mời Tổng thống Mỹ Trump dự Hội nghị APEC tại Đà Nẵng và thăm chính thức tại Hà Nội vào cuối 2017

Với tinh thần tổ chức bằng được "chuyến thăm kép" của ông chủ Nhà Trắng, Đại sứ Vinh tham dự nhiều cuộc tiếp xúc của chính quyền Trump dành cho các đại sứ để tìm ra "chìa khoá". Ông đặc biệt lưu ý đến phát biểu của bà K. T. McFarland, Phó cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ lúc đó, rằng Mỹ cần các nước chia sẻ về chính mình và quan hệ với Washington. Phát biểu của bà McFarland củng cố thêm quan điểm của ông Vinh, về việc cần chủ động "giới thiệu về giá trị quan hệ song phương", khi tân Tổng thống Mỹ là người ngoài giới chính trị

Giữa tháng 9/2017, Trump tuyên bố với báo chí sẽ công du châu Á vào tháng 11, trong đó có Việt Nam nhưng chỉ nhắc đến "một hội nghị", không đề cập trực tiếp Hội nghị cấp cao Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC)

"Tôi cho rằng chính quyền Mỹ rất thẳng thắn và sẵn sàng lắng nghe. Khi chia sẻ điều này, tôi nhận được sự phối hợp rất lớn từ trong nước, để xúc tiến kế hoạch theo định hướng", ông Vinh nói

Việt Nam dồn dập thực hiện các hoạt động nhằm khẳng định với Mỹ rằng chuyến thăm đầu tiên của tân Tổng thống không chỉ là câu chuyện tăng cường hợp tác song phương, mà còn là nơi phát ra thông điệp với châu Á - Thái Bình Dương của chính quyền mới. Washington cần cân nhắc về địa điểm nếu muốn bày tỏ mong muốn hợp tác với cả nước lớn và nước nhỏ, dựa trên cơ sở bình đẳng và thúc đẩy trật tự dựa trên luật lệ

Trong bài phát biểu tại APEC ở Đà Nẵng vào tháng 11/2017, Tổng thống Trump lần đầu tiên tuyên bố về Tầm nhìn Ấn Độ - Thái Bình Dương mở và tự do. Ông cho hay khu vực này là nơi các quốc gia độc lập và chủ quyền, với những nền văn hóa đa dạng và nhiều giấc mơ khác nhau, có thể cùng nhau phát triển thịnh vượng trong tự do và hòa bình. Cựu đại sứ Vinh cho rằng trong số 5 điểm đến của Trump ở châu Á gồm Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Việt Nam và Philippines, nếu Tổng thống Mỹ phát biểu ở ba nước đầu tiên, gồm hai đồng minh và một đối thủ, thông điệp sẽ không mang tính toàn diện, nếu ông chọn nước cuối cùng trong chuyến công du, thông điệp khó có sự lan toả. Vì thế dường như Đà Nẵng là nơi tốt nhất để Mỹ phát ra thông điệp về Tầm nhìn mới, khi Việt Nam là cầu nối ở khu vực và nối hai đại dương. Chính quyền Mỹ khi đó có nhiều thay đổi trong cách tiếp cận với các vấn đề đa phương, liên quan đến thương mại, biến đổi khí hậu, vai trò của các thể chế. Việt Nam trong vai trò đăng cai Hội nghị APEC đã giúp dung hoà lợi ích các bên, khi có Mỹ tham dự

Về khả năng Trump đến Hà Nội thăm chính thức, cuối tháng 10/2017, Đại sứ Vinh vẫn nhận được thông tin từ các trợ lý thân cận của Tổng thống, đề nghị chuẩn bị các tiếp xúc cấp cao ở Đà Nẵng. Lý do được nêu lên là "thời gian eo hẹp và các thủ tục lễ tân, hậu cần". Chuyến công du châu Á của Trump kéo dài 12 ngày, là chuyến đi dài nhất của một tổng thống trong 25 năm qua, nên khó chèn thêm một điểm dừng trong lịch trình. Theo thông lệ, khi tổng thống Mỹ đến một điểm, cần có hai đội an ninh, trong đó có một đội tiền trạm với lượng lớn trang thiết bị hiện đại. Hai nhóm này cần luân chuyển liên tục trong 5 nước châu Á Trump đến thăm. Thế nhưng, đúng như trông đợi của Việt Nam, sau khi dự APEC đầu tháng 11/2017, Tổng thống Trump đã bay ra Hà Nội thăm chính thức, hội đàm với Chủ tịch nước Việt Nam khi đó là Trần Đại Quang

"Tôi cho rằng việc Trump đến Hà Nội, vượt qua các quy định về lễ tân của Mỹ, chủ yếu là quyết định của cá nhân ông. Có thể Trump nhận thấy tầm quan hệ và vị thế của Việt Nam trong hợp tác với Mỹ", cựu đại sứ Vinh đánh giá. "Câu chuyện tổ chức được 'chuyến thăm kép' của ông chủ Nhà Trắng, vừa dự APEC vừa thăm Việt Nam, vừa có cả vị thế quan hệ hai nước, vị thế Việt Nam, vừa có cả cái khéo léo của ngoại giao Việt Nam", ông Vinh nói

Trong các cuộc trao đổi với lãnh đạo Việt Nam, Tổng thống Mỹ đã nêu một vấn đề trọng tâm trong chiến dịch tranh cử, là muốn có thương mại công bằng trên phạm vi toàn cầu, đem lại nhiều công ăn việc làm cho người Mỹ. Vấn đề cần điều chỉnh trong quan hệ song phương Việt - Mỹ là giải quyết vấn đề thâm hụt thương mại. Trump nhấn mạnh Mỹ muốn giành lại lợi ích nhưng không đi một mình, mà muốn hợp tác với các nước để có sự bình đẳng và có trật tự dựa trên luật lệ. Trong và sau chuyến thăm Việt Nam, Tổng thống Trump liên tiếp đăng bài trên Twitter, gồm một số đoạn phát biểu tại APEC, cảm ơn lãnh đạo và nhân dân Việt Nam. Ông ca ngợi chuyến đi là "tuyệt vời"

Đà hợp tác Việt - Mỹ trong suốt 4 năm sau đó ngày càng được tăng cường. Một trong những minh chứng sống động nhất là Việt Nam được chọn làm điểm tổ chức Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần hai vào đầu 2019. Cả Mỹ và Triều Tiên đều bày tỏ tin tưởng với Việt Nam là nơi phù hợp, để thúc đẩy đàm phán phi hạt nhân hoá bán đảo Triều Tiên. Những hành động cho thấy thiện cảm của Trump dành cho Việt Nam tiếp tục được thể hiện khi ông đến Hà Nội lần hai

my-6926-1594257177.jpg

Tổng thống Mỹ Trump, trái, gặp Chủ tịch nước Việt Nam năm 2017 Trần Đại Quang tại Hà Nội vào tháng 11 sau khi dự APEC

Trong bối cảnh quốc tế hiện nay, khi đại dịch Covid-19 gây tổn thất lớn cho tất cả các nước, cựu đại sứ Vinh cho rằng chưa khi nào thế giới đứng trước tình trạng "khó hợp tác như vậy". Mỹ và Trung Quốc gia tăng cạnh tranh chiến lược khiến lòng tin xuống mức rất thấp, nhưng hai bên không phân tuyến đến mức triệt tiêu nhau như thời Chiến tranh Lạnh. Không bên nào "đủ sức" yêu cầu nước khác đi với mình và chống lại bên kia, nên các quốc gia vẫn có không gian để xem xét lợi ích quốc gia của mình để hành xử

Để duy trì "giá trị" của mình, các nước, trong đó có Việt Nam cần thể hiện sự vững vàng của mình, phát huy vai trò ở khu vực, đặc biệt là trong khuôn khổ ASEAN và các cơ chế hợp tác ở châu Á - Thái Bình Dương. Việt Nam có thể duy trì chính sách độc lập, tự chủ, làm bạn với tất cả các nước, trên cơ sở bình đẳng, không làm hại đến nhau, nhìn vào lợi ích quốc gia để "đẩy" quan hệ với các đối tác. Trên Biển Đông, ông Vinh đánh giá lợi ích sát sườn của Việt Nam là hoà bình, an ninh, an toàn hàng hải và chủ quyền. Khi có khác biệt và tranh chấp, các nước liên quan cần dựa trên luật pháp quốc tế và thoả thuận trong khu vực để ứng xử

Nhìn lại quan hệ Việt - Mỹ sau 25 năm bình thường hoá quan hệ ngoại giao, cựu đại sứ Vinh cho rằng hai nước từ cựu thù trong chiến tranh đã đi đến thống nhất rất nhiều vấn đề mang tính nền tảng. Hai bên tôn trọng độc lập, chủ quyền, chế độ của nhau, có nhiều cơ chế để đối thoại mang tính xây dựng về những khác biệt, phối hợp nhiều hơn trong khuôn khổ của khu vực, trong đó có ASEAN

Theo ông Vinh, xét trong tổng thể quan hệ của Việt Nam và các nước khác, hợp tác Việt - Mỹ mang cả tính toàn diện và tầm chiến lược, trên cả trên bình diện song phương và hợp tác khu vực, quốc tế, cho dù hai bên sau này có đặt tên quan hệ là gì. Hợp tác hai nước dựa trên một số nền tảng cốt yếu, là sự hiểu biết, xây dựng lòng tin, chia sẻ lợi ích và tôn trọng lẫn nhau, trong đó có tôn trọng thể chế chính trị của nhau

"Hiểu biết lẫn nhau đã giúp Việt - Mỹ bình thường hóa quan hệ sau chiến tranh, điều đó cần được tăng cường hơn nữa để xử lý khác biệt và đan xen lợi ích của hai bên trong các mối quan hệ quốc tế ", ông Vinh nói

Việt Anh
 
Tổng thống Donald Trump nói chính phủ nên được phần lớn từ thương vụ TikTok
Tổng thống Mỹ Donald Trump muốn một phần đáng kể từ việc bán TikTok phải được chuyển vào Bộ Tài chính Mỹ vì chính quyền của ông đã thúc đẩy khả năng diễn ra thỏa thuận này

Ông Trump trong cuộc họp tại Nhà Trắng hôm 3.8 nói rằng chính phủ nên nhận được “phần trăm lớn” từ việc bán mảng kinh doanh của TikTok tại Mỹ bất kể số tiền bán được là bao nhiêu, đồng thời đe dọa sẽ khiến ứng dụng thuộc sở hữu của gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc ByteDance ngưng hoạt động ở Mỹ nếu nó không được bán trước hạn cuối vào ngày 15.9, theo Reuters

“Chính phủ nên nhận được phần lớn từ giá bán bởi vì chúng tôi đang làm cho thương vụ này trở nên có thể. Tôi sử dụng cách so sánh giống như mối quan hệ giữa chủ nhà và người thuê nhà. Nếu không có hợp đồng cho thuê, người thuê sẽ không nhận được giá trị nào. Và theo một cách chắc chắn, “hợp đồng cho thuê” của chúng ta đã tạo nên thành công lớn của TikTok. Đó là điều rất công bằng khi chúng tôi không muốn có vấn đề an ninh với Trung Quốc. Nó phải là một công ty Mỹ, nó phải được niêm yết trên sàn chứng khoán Mỹ, và nó phải được sở hữu ngay tại Mỹ”, ông Trump nói

Theo South China Morning Post, ông Trump trước đó cho biết ông không phản đối Microsoft hay bất kỳ một công ty nào khác có trụ sở tại Mỹ mua lại TikTok, nhưng mọi hoạt động trao đổi phải hoàn thành trước ngày 15.9. Hiện ngoài Microsoft, có ít nhất hai người mua khác trong lĩnh vực công nghệ đang đàm phán với ByteDance, một nguồn thạo tin yêu cầu giấu tên chia sẻ

Thông tin về việc ByteDance bán các hoạt động của TikTok ở Mỹ bắt đầu nóng lên kể từ tháng 6.2020 trong bối cảnh rõ ràng rằng nếu muốn kinh doanh tại Mỹ, ứng dụng chia sẻ video ngắn phải cắt đứt quan hệ với chủ sở hữu Trung Quốc. Không lâu sau đó, Quốc hội Mỹ tiến tới với một dự luật cấm nhân viên liên bang sử dụng TikTok trên các thiết bị do chính phủ cung cấp

“Nếu chính phủ Mỹ thực sự thành công trong việc buộc ứng dụng truyền thông xã hội toàn cầu của Trung Quốc phải thoái vốn khỏi các hoạt động tại Mỹ, thì điều đó sẽ đặt ra một tiền lệ nguy hiểm tiềm tàng. Về cơ bản, Mỹ đã nói rằng bất kỳ công ty nào có kết nối Trung Quốc đều không thể hoạt động ở Mỹ nếu vẫn giữ mối quan hệ với công ty mẹ ở Trung Quốc, vì vấn đề quyền riêng tư, kiểm duyệt hoặc tiềm năng sử dụng dữ liệu người dùng sẽ ảnh hưởng đến quá trình chính trị của Mỹ”, Paul Triolo, người đứng đầu về chính sách công nghệ toàn cầu của Eurasia Group, nói
 
Trung Quốc nổi giận vì Microsoft đàm phán mua TikTok
Truyền thông Trung Quốc ví thương vụ Microsoft và TikTok như ‘cưỡng đoạt con khỏi vòng tay mẹ’, còn cư dân mạng nước này tức giận vì ByteDance ‘quỳ gối’ quá nhanh


“ByteDance đồng ý thoái vốn tại TikTok ở Mỹ” là một trong các chủ đề được thảo luận nhiều nhất trên mạng xã hội Weibo của Trung Quốc vào ngày 3/8, thu hút 920 triệu lượt xem. Một số cư dân mạng chỉ trích ByteDance vì không thể hiện sự dũng cảm như đồng hương Huawei, vốn cũng mắt kẹt trong căng thẳng Mỹ - Trung

Một bình luận được “thích” hơn 5.000 lần có nội dung: “ByteDance quỳ gối nhanh tới mức thậm chí còn không chờ chính phủ trả đũa”. Bình luận khác nhận về hơn 3.600 “like” khi viết: “Trương Nhất Minh (CEO ByteDance – PV) từng khen ngợi Mỹ vì cho phép tranh luận… Bây giờ anh ta bị ăn tát rồi, tại sao không đi mà tranh luận với Mỹ đi”

Tài khoản Weibo của nhà sáng lập TikTok đã tạm dừng hoạt động, có lẽ để ngăn chặn cộng đồng mạng hung dữ tràn vào mọi bài viết

Trước đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 31/7 đe dọa cấm TikTok sớm nhất có thể. TikTok trở thành mục tiêu của chính phủ Mỹ vì nguy cơ an ninh quốc gia. Lối thoát mà ByteDance lựa chọn để cứu TikTok tại Mỹ là bán ứng dụng video ngắn cho một người mua tiềm năng, ở đây là Microsoft. TikTok được các nhà đầu tư định giá khoảng 50 tỷ USD. Microsoft cũng đã lên tiếng xác nhận đang đàm phán để mua lại TikTok. Ông Trump cho hai bên 45 ngày để thống nhất thỏa thuận

Nếu mua lại TikTok - ứng dụng được 100 triệu người dùng Mỹ sử dụng – Microsoft có cơ hội hiếm hoi “chung mâm” với các ông lớn mạng xã hội khác như Facebook, Snap. Cổ phiếu của Microsoft đã tăng gần 3% trong phiên giao dịch sớm ngày 3/8

ByteDance không công khai về thương vụ song đã gửi thư cho nhân viên về vấn đề này. Theo Reuters, trong đó, Trương Nhất Minh nói rằng công ty đã bắt đầu đàm phán với một công ty công nghệ để mở đường cho TikTok tiếp tục hoạt động tại Mỹ. Dù vậy, một vụ mua bán làm thỏa mãn tất cả các bên là yêu cầu quá cao và có thể dẫn tới các vụ kiện tụng không ngừng nghỉ nếu kết quả bất lợi cho một nhà đầu tư nào hiện tại

Fred Hu, Chủ tịch Primavera Capital Group, một nhà đầu tư của ByteDance, cho rằng bán phần lớn hoạt động của TikTok vào thời kỳ đầu tăng trưởng không hề tốt với công ty. Ông nhận định ByteDance là “nạn nhân ngây tơ” của chính trị và địa chính trị. Trong khi đó, một quan chức ngân hàng giấu tên bình luận đây không phải thương vụ M&A thông thường và rất khó dự đoán. Phải làm thế nào để khiến Washington hài lòng, không khiến ông Trump tức giận trở thành câu hỏi khó

Trong thư gửi nhân viên, Trương Nhất Minh thừa nhận ByteDance không đồng tình với lập trường của Ủy ban Đầu tư nước ngoài tại Mỹ rằng họ phải thoái vốn hoàn toàn khỏi TikTok. Tuy nhiên, họ phải đặt quyết định trong môi trường vĩ mô

Ngoài cư dân mạng, thông tin Microsoft muốn mua TikTok cũng khiến truyền thông Trung Quốc nổi giận. Một tờ báo ví chuyện này như “cưỡng đoạt con khỏi vòng tay ByteDance”. Thời báo Hoàn cầu lên bài bình luận cho rằng đe dọa cấm TikTok của Washington cũng như hành động đưa Huawei vào danh sách đen là nhằm kìm hãm tăng trưởng của công nghệ Trung Quốc, vốn có khả năng thách thức vị thế công nghệ cao của Mỹ. “Mỹ đang cố gắng củng cố trật tự thế giới công nghệ cao mà trong đó, họ là trung tâm”, Thời báo Hoàn cầu viết

Bài báo thứ hai cũng trên Thời báo Hoàn cầu do Tổng biên tập Hồ Tích Tiến nhắc lại luận điệu của bài báo đầu tiên khi cho rằng nỗ lực cấm TikTok tại Mỹ là do lo ngại thành công của TikTok đe dọa sự thống trị của Mỹ trong giới công nghệ. Ông Hồ còn nhận định Tống thống Trump muốn cấm TikTok vì ứng dụng phổ biến trong giới trẻ, những người không ủng hộ ông và có thể sử dụng ứng dụng để gây nguy hiểm cho cơ hội tái tranh cử của ông vào tháng 11. Ông Hồ khẳng định nó đại diện cho sự bất nhất nghiêm trọng trong giá trị Mỹ truyền thống và thể hiện bộ mặt đạo đức giả của Mỹ

Tờ China Daily hôm 4/8 viết Trung Quốc sẽ không chấp nhận hành vi “đánh cắp” một hãng công nghệ Trung Quốc và có thể đáp trả hành động ép bán TikTok cho Microsoft của Washington. Tờ này cho rằng với việc “bắt nạt” các hãng công nghệ Trung Quốc, Mỹ không cho Trung Quốc lựa chọn nào khác ngoài “chiến đấu sinh tử” trong lĩnh vực công nghệ

Song, theo TechCrunch, chính phủ Trung Quốc không thể làm gì nhiều để trả đũa do thực tế các công ty Internet lớn của Mỹ đều không hiện diện đáng kể tại đây. Bắc Kinh cũng có ít động lực để đứng về phía ByteDance. Không như Huawei – công ty cung ứng “xương sống” cho các mạng viễn thông, ByteDance còn lâu mới được gọi là “nhà vô địch quốc gia”. Xét cho cùng, thuật toán của ByteDance chỉ được dùng để người dùng “dán mắt” vào màn hình
 
Ông Trump chính thức ký lệnh cấm TikTok, WeChat
Bằng sắc lệnh hành pháp, Tổng thống Mỹ Donald Trump chính thức cấm TikTok tại Mỹ sau 45 ngày nữa


Tổng thống Trump đã ký sắc lệnh hành pháp cấm TikTok

Tổng thống Trump đã hiện thực hóa lời đe dọa cấm cửa TikTok bằng hành động. Hôm nay, ông ký sắc lệnh hành pháp cấm TikTok, có hiệu lực sau 45 ngày. Sắc lệnh dựa vào Đạo luật Quyền lực kinh tế khẩn cấp quốc gia và Đạo luật khẩn cấp quốc gia

“Việc truyền bá các ứng dụng di động phát triển và thuộc sở hữu của Trung Quốc tại Mỹ tiếp tục đe dọa an ninh quốc gia, chính sách quốc tế, kinh tế của Mỹ”, sắc lệnh hành pháp viết. “Vào lúc này, hành động phải được đưa ra để xử lý mối nguy của một ứng dụng cụ thể, TikTok”

Xuất hiện chỉ vài giờ sau khi Thượng viện Mỹ bỏ phiếu cấm TikTok khỏi tất cả thiết bị chính phủ, sắc lệnh hành pháp khẳng định “bất kỳ giao dịch nào của bất kỳ ai” với ByteDance hay chi nhánh sẽ bị cấm từ 20/9. Không rõ sắc lệnh sẽ ảnh hưởng tới khả năng hoạt động của TikTok như thế nào trong ngắn hạn. Không như Huawei và ZTE, công ty không cần giấy phép để vận hành và sắc lệnh cũng không nhắc tới việc yêu cầu chợ ứng dụng Apple, Google gỡ ứng dụng. Tuy nhiên, nó áp dụng cho cả các chi nhánh của ByteDance – cụ thể là TikTok tại Mỹ - và đối với tất cả giao dịch tài chính đến và đi tới các chi nhánh này

TikTok, ứng dụng video ngắn của ByteDance – công ty có trụ sở tại Trung Quốc – được tải hơn 175 triệu lượt tại Mỹ và hơn 1 tỷ lượt trên toàn cầu. Mỹ tố cáo TikTok tự động ghi lại lượng lớn thông tin từ người dùng như vị trí, duyệt web, lịch sử tìm kiếm. “Bộ sưu tập dữ liệu này cho phép Trung Quốc truy cập thông tin độc quyền và cá nhân của người Mỹ, có khả năng giúp Trung Quốc theo dõi vị trí của nhân viên, nhà thầu liên bang, xây dựng bộ thông tin cá nhân để tống tiền và thực hiện gián điệp doanh nghiệp”, trích đoạn trong sắc lệnh. Mỹ cũng cáo buộc TikTok kiểm duyệt nội dung mà Trung Quốc xem là nhạy cảm chính trị

Ông Trump nhấn mạnh những nguy cơ này là thật. Bộ An ninh nội địa, Ủy ban An toàn giao thông và Lực lượng vũ trang Mỹ đã cấm dùng TikTok trên thiết bị nhà nước cấp. Chính phủ Ấn Độ cũng cấm TikTok và các ứng dụng Trung Quốc khác. Trong một tuyên bố, Bộ Công nghệ thông tin và Điện tử Ấn Độ cho biết, TikTok đã đánh cắp và chuyển dữ liệu người dùng bằng phương thức không được phê duyệt đến máy chủ đặt ngoài Ấn Độ. Các công ty Mỹ cũng bắt đầu cấm TikTok trên thiết bị nhân viên

Trước đó, ông Trump dọa cấm TikTok nếu trước 15/9 không bán được cho một công ty Mỹ. Microsoft đang đàm phán mua lại ứng dụng với mức giá khoảng 30 tỷ USD

Không lâu sau khi công bố sắc lệnh hành pháp liên quan tới TikTok, ông Trump cũng ra sắc lệnh tương tự với WeChat, ứng dụng chat của Tencent. Đối với WeChat, Mỹ sẽ cấm mọi giao dịch tài chính với Tencent. Quyết định cũng có hiệu lực sau 45 ngày
 
Đề xuất ông Biden chọn ông Obama làm bộ trưởng tư pháp


Ông Barack Obama và ông Joe Biden. Ông Biden từng làm phó tổng thống hai nhiệm kỳ dưới thời ông Obama

Tạp chí Newsweek (Mỹ) ngày 2-1 cho biết chia sẻ trên trang The Hill, chuyên gia pháp lý Mỹ Douglas Kmiec nói "việc bổ nhiệm ông Obama làm bộ trưởng tư pháp chắc chắn sẽ là điều chưa từng có tiền lệ", nhưng điều đó sẽ giúp ông Biden cho thấy được rằng ông đang hành động "vì lợi ích quốc gia"

Là cựu giáo sư luật hiến pháp tại trường luật thuộc Đại học Pepperdine (Mỹ), ông Kmiec từng là người đứng đầu Văn phòng cố vấn pháp lý dưới chính quyền tổng thống Mỹ Ronald Reagan và tổng thống Mỹ George H.W Bush. Và còn là đại sứ Mỹ tại Malta từ năm 2009 - 2011

Trong bài viết trên, ông Kmiec đề cập khả năng các thành viên Đảng Cộng hòa thách thức kết quả bỏ phiếu của đại cử tri đoàn khi Quốc hội Mỹ có phiên họp chung để xác nhận kết quả vào ngày 6-1

Một số dân biểu Đảng Cộng hòa đã công khai phản đối, trong khi ông Josh Hawley là thượng nghị sĩ Mỹ đầu tiên công bố kế hoạch phản đối xác nhận kết quả. Mới nhất, 11 thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa, gồm ông Ted Cruz, nối gót tuyên bố sẽ "lật kèo"

Ông Kmiec cho rằng việc phản đối của phía Đảng Cộng hòa đồng nghĩa ông Biden muốn cam đoan với các cử tri - gồm cả ủng hộ Đảng Dân chủ, đảng Cộng hòa và cử tri độc lập - rằng ông đang cầm quyền vì lợi ích quốc gia

"Thay vì tiếp tục mượn đường lối của Barack Obama, ông Biden cần chính ông Obama. Với ông Biden, cách nhanh nhất để tái thiết lập pháp quyền là chọn ông Obama làm bộ trưởng tư pháp" - ông Kmiec giải thích

Ông Biden đã công bố các lựa chọn cho nhiều vị trí trong nội các, hầu hết là những người đã từng làm trong chính quyền Obama, nhưng người được bổ nhiệm làm bộ trưởng tư pháp chưa được công bố. Ông từng nói "không có sự lựa chọn rõ ràng trong đầu tôi" cho vị trí bộ trưởng tư pháp
 
Biden chật vật 'ghìm cương' người thân
Công ty luật ở Florida nơi Frank, em trai của Biden làm việc, mua quảng cáo trên báo để nhấn mạnh mối quan hệ với Tổng thống, gây ra nỗi đau đầu cho chính quyền mới

Quảng cáo dài hai trang được đăng vào Ngày nhậm chức 20/1 trên tờ Daily Business Review có trụ sở tại Nam Florida để quảng bá hãng luật Berman, nơi Frank Biden đảm nhận chức vụ cố vấn cấp cao

Họ đăng một bức ảnh Frank Biden tươi cười và làm nổi bật mối quan hệ của ông với Tổng thống Joe Biden, nhấn mạnh giá trị chung của họ. Họ tập trung vào vai trò của Berman trong vụ kiện chống lại những công ty trồng mía bị cáo buộc gây hại cho môi trường và vai trò của Frank trong vụ kiện tụng đó

QVNITGDDC4I6XILXO5S7FGUVEQ-9576-1612325579.jpg


Quảng cáo của công ty luật Berman. Ảnh: Washington Post

Đoạn thứ hai của quảng cáo dài khoảng 1.000 từ nói rằng Berman đã kiện những công ty trồng mía "trong bối cảnh Tổng thống Joe Biden cam kết thúc đẩy công bằng xã hội và bảo vệ môi trường - giá trị mà em trai ông kiêm cố vấn cấp cao của Berman, Frank Biden, cũng chia sẻ"

Tiếp theo, quảng cáo nhấn mạnh rằng anh em nhà Biden có quan điểm tương đồng trong các lĩnh vực mà công ty đang hoạt động, thậm chí còn ám chỉ rằng Biden ủng hộ vụ kiện công ty trồng mía

"Hai anh em nhà Biden từ lâu đã cam kết thúc đẩy các vấn đề môi trường lên hàng đầu", quảng cáo viết và chỉ ra rằng Tổng thống Biden đã cam kết sẽ tái gia nhập Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu và giảm phát thải khí nhà kính

"Vụ kiện chống lại công ty trồng mía là thêm một ví dụ cho thấy niềm tin cốt lõi về môi trường của hai anh em có sự tương đồng", quảng cáo khẳng định

Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki cuối tuần trước đề cập chủ đề này một cách chung chung, không nhắc cụ thể đến quảng cáo của hãng luật Berman. "Chính sách của Nhà Trắng là không nên sử dụng tên tuổi của Tổng thống liên quan đến bất kỳ hoạt động thương mại nào" gợi ý hoặc ngụ ý "sự tán thành hoặc ủng hộ của ông ấy", Psaki nói

Phát ngôn viên Nhà Trắng Michael Gwin từ chối bình luận liệu quảng cáo có vi phạm chính sách của Nhà Trắng hay không

Các nhà quan sát về đạo đức công vụ cho rằng quảng cáo này có vấn đề. "Nước Mỹ, sau một thời gian dài mỏi mệt, đã giao tương lai cho Joe Biden", Norm Eisen, từng là trợ lý đặc biệt của cựu tổng thống Barack Obama về vấn đề đạo đức và cải cách chính phủ, nói. "Vì vậy, việc một thành viên gia đình hoặc một đối tác kinh doanh của thành viên gia đình đó lợi dụng tên của Tổng thống là điều đáng lo ngại cho chính ông, Nhà Trắng và đất nước"

Các hoạt động kinh doanh vì lợi nhuận của các thành viên gia đình Biden đã thu hút nhiều chỉ trích trong chiến dịch tranh cử, tâm điểm chủ yếu tập trung vào con trai Hunter, người đã là thành viên hội đồng quản trị của một công ty năng lượng Ukraine. Khi đó, Joe Biden là phó tổng thống và là người đứng đầu chính sách với Ukraine của chính quyền Obama

Không lâu sau khi cùng cha đến Trung Quốc, Hunter tham gia hội đồng quản trị của một công ty tư vấn đầu tư mới thành lập có đối tác bao gồm các doanh nghiệp Trung Quốc

Frank Biden được hãng luật Berman thuê vào tháng 7/2018, theo một thông cáo của công ty vào thời điểm đó. Thông cáo được đưa ra khi Joe Biden không còn là phó tổng thống và khoảng 9 tháng trước khi ông tham gia cuộc đua vào Nhà Trắng và không đề cập đến mối quan hệ gia đình của Frank

Tuy nhiên, tiểu sử của Frank trên trang web của công ty luật nhấn mạnh mối quan hệ của ông với Tổng thống và con trai quá cố của Tổng thống Beau, người qua đời vì ung thư não năm 2015. Tiểu sử có đoạn viết rằng Frank "đã tham gia vào các chiến dịch tranh cử của anh trai, Joe Biden, và cháu trai Beau Biden với tư cách là cố vấn và điều phối viên chiến dịch không lương trong nhiều năm"

frank-biden-ht-ps-200113-hpMai-7417-4287-1612325579.jpg

Frank Biden trong bức ảnh được đăng trên trang web của hãng luật Berman
Psaki đã xác nhận vào cuối tuần trước rằng Valerie, em gái kiêm cố vấn chính trị lâu năm của Biden, sẽ không giữ vị trí chính thức trong Nhà Trắng. Biden còn có một em trai khác tên là James

Dưới thời Trump, các đảng viên Dân chủ đã đặt câu hỏi về đạo đức công vụ khi Trump, các thành viên gia đình và phụ tá duy trì đế chế kinh doanh trong nhiệm kỳ. Biden đã hứa sẽ hành động trái ngược hoàn toàn với điều những người chỉ trích gọi là "sự háo hức của nhà Trump trong việc sử dụng chức vụ trong chính quyền để làm giàu cho bản thân"

Quảng cáo của Frank có quy mô nhỏ hơn nhiều so với các hoạt động kinh doanh của nhà Trump, nhưng nó liên tục nhắc đến Joe Biden trong nỗ lực nâng cao danh tiếng của doanh nghiệp. "Anh trai tôi là một hình mẫu cho cách chúng tôi thực hiện công việc này", quảng cáo trích dẫn lời của Frank

Joe Biden đã ban hành sắc lệnh hành pháp, áp đặt các hạn chế về đạo đức công vụ đối với những người được bổ nhiệm trong chính quyền của ông, nhưng chính sách đó không đề cập đến các thành viên trong gia đình ông. Không lâu trước lễ nhậm chức, một quan chức nói rằng Nhà Trắng sẽ áp dụng các thủ tục để đảm bảo rằng mọi hành động của các thành viên trong gia đình Tổng thống sẽ không tạo ra xung đột lợi ích

Điều đó sẽ bao gồm việc cấm các thành viên gia đình Biden làm việc hoặc phục vụ trong hội đồng quản trị của các công ty có đa số vốn nước ngoài, người này nói

Tuy nhiên, các anh chị em của Tổng thống là thường dân nên khó có thể áp đặt quy tắc với họ. Các tổng thống, từ Jimmy Carter đến Bill Clinton, đã phải chật vật kiềm chế họ hàng của mình

"Câu hỏi là: Họ biết làm gì đây ? Bởi vì bạn không thể kiểm soát em trai mình", Richard Painter, luật sư đạo đức từng làm việc cho George W. Bush, nói. "Em trai ông ấy có thể đăng quảng cáo. Joe Biden không thể ngăn em trai mình đăng quảng cáo"

Painter cho rằng Nhà Trắng có thể làm rõ rằng họ sẽ không để công ty luật Berman hay khách hàng của họ được hưởng đặc quyền nào. Ông đánh giá Nhà Trắng nên ra quy định rằng các luật sư của Berman không được gặp các quan chức được Biden bổ nhiệm chính trị

Trong khi đó, Frank khẳng định với CNBC rằng ông bao giờ lợi dụng danh tiếng của anh trai để tìm kiếm khách hàng cho công ty. "Công ty của chúng tôi đã tham gia vụ kiện này từ lâu. Công bằng xã hội là điều tôi đã thúc đẩy trong nhiều năm. Tôi sẽ không bao giờ làm việc cho bất kỳ nhà vận động hành lang hay công ty vận động hành lang nào", ông nói

Phương Vũ
 
Top