What's new
Vietnam - Điện Biên Phủ Kinh Tế

This is a sample guest message. Register a free account today to become a member! Once signed in, you'll be able to participate on this site by adding your own topics and posts, as well as connect with other members through your own private inbox!

Vietnam Lobby.vn

Tỷ phú giàu nhất Gruzia từ bỏ chính trường
Tỷ phú Bidzina Ivanishvili, lãnh đạo đảng cầm quyền Giấc mơ Gruzia, tuyên bố rời khỏi chính trường để nhường chỗ cho thế hệ trẻ

"Tôi đã hoàn hành nhiệm vụ", Ivanishvili, người sở hữu khối tài sản trị giá 4,8 tỷ USD và được tạp chí Forbes xếp hạng là người giàu nhất Gruzia, hôm nay tuyên bố. "Tôi quyết định rút khỏi chính trị và tách mình khỏi quyền lực"

Tuyên bố "nghỉ hưu" được Ivanishvili đưa ra sau khi đảng Giấc mơ Gruzia cầm quyền của ông giành chiến thắng sít sao trong cuộc bầu cử quốc hội năm ngoái, sự kiện làm dấy lên nhiều cuộc biểu tình

BC742C37-EF97-443D-8B3C-3433F6-8704-5988-1610359076.jpg

Tỷ phú Bidzina Ivanishvili năm 2012
Ivanishvili cho hay sẽ từ chức chủ tịch đảng trước sinh nhật 65 tuổi vào tháng tới và đó là thời điểm "đưa lớp trẻ lên lãnh đạo". Ông cho biết sẽ "trở lại cuộc sống riêng tư như trước năm 2011"

Gruzia tổ chức bầu quốc hội vào tháng 10 và tháng 11/2020. Biểu tình nổ ra sau vòng bầu cử đầu tiên, còn phe đối lập tẩy chay vòng bầu cử thứ hai. Đảng Giấc mơ Gruzia giành chiến thắng sít sao trước các đảng đối lập, phe cáo buộc họ "gian lận bầu cử quy mô lớn", nhưng đảng cầm quyền bác bỏ

Gruzia ngả về phương Tây sau khi Mikheil Saakashvili lên nắm quyền sau Cách mạng Hoa hồng 2003 và tiến hành cải cái thúc đẩy thể chế dân chủ, chống tham nhũng. Tuy nhiên, các cuộc đấu đá nội bộ và xung đột quân sự với Nga năm 2008 đã làm lu mờ giấc mơ gia nhập NATO và Liên minh châu Âu (EU) của Gruzia

Đảng Giấc mơ Gruzia lên nắm quyền từ năm 2012 sau khi giành chiến thắng trong bầu cử quốc hội, giúp tỷ phú Ivanishvili trở thành thủ tướng. Tuy nhiên, uy tín đảng này dần giảm sút sau thất bại trong việc giải quyết kinh tế trì trệ, chống tham nhũng và thúc đẩy dân chủ. Ivanishvili từ chức năm 2013, nhưng nhiều người vẫn coi ông là chính trị gia quyền lực nhất tại quốc gia này
 
Doanh nghiệp công nghệ Mỹ dừng tài trợ chính trị sau bạo loạn Đồi Capitol
Amazon, Facebook, Google và Microsoft thông báo các ủy ban hành động chính trị (PAC) của họ sẽ tạm dừng tài trợ sau vụ bạo loạn tại Đồi Capitol hôm 6/1

Từ 14h ngày 6/1 (giờ địa phương), người quá khích tràn vào Tòa nhà Quốc hội Mỹ - nơi đang diễn ra phiên họp kiểm phiếu đại cử tri – và gây náo loạn tới 18h. Sau vụ việc, nhiều doanh nghiệp tuyên bố tạm dừng tài trợ chính trị, trong đó có các doanh nghiệp công nghệ Mỹ

Amazon

Cuối ngày 11/1, Amazon thông báo PAC của họ sẽ ngưng tài trợ cho các nhà lập pháp, những người bỏ phiếu chống lại chứng nhận kết quả bầu cử Tổng thống Mỹ 2020. Người phát ngôn Amazon cho biết sẽ thảo luận về các lo ngại trực tiếp với những thành viên mà trước đây họ ủng hộ và đánh giá phản hồi của họ khi cân nhắc các khoản tài trợ trong tương lai

Dữ liệu của Ủy ban bầu cử liên bang (FEC) cho thấy PAC của Amazon cũng đóng góp cho chiến dịch của Thượng Nghị sỹ Ted Cruz vào năm 2017 và 2018. Một số nghị sỹ mà Amazon ủng hộ đã bỏ phiếu chống lại chứng nhận kết quả bầu cử 2020, theo hồ sơ của FEC và website OpenSecrets của Trung tâm phản hồi chính trị

Facebook

Trong một tuyên bố, người phát ngôn Facebook cho hay: “Sau vụ việc tồi tệ tại thủ đô tuần trước, chúng tôi tạm dừng tất cả đóng góp cho PAC trong ít nhất quý này để đánh giá lại các chính sách”. Facebook dường như không quyên góp cho ứng viên nào trong vài lần bầu cử vừa qua

Google

Google cũng nói tạm dừng đóng góp từ PAC của công ty do các sự kiện gần đây. “Chúng tôi ngừng tất cả quyên góp chính trị NetPAC trong khi xem xét và đánh giá chính sách sau các vụ việc rắc rối hồi tuần trước”, phát ngôn viên Google xác nhận

PAC của Google quyên góp cho chiến dịch của Ted Cruz năm 2017 và 2018

Microsoft

Ngày 8/1, Microsoft quyết định đánh giá lại tác động của các sự kiện trước khi thực hiện khoản đóng góp qua PAC của công ty. Công ty tạm dừng quyên góp trong quý I cho Quốc hội mới và sẽ thực hiện một số biện pháp bổ sung trong năm nay

Dữ liệu của FEC cho thấy PAC của Microsoft năm 2018 quyên góp cho chiến dịch của Thượng nghị sỹ Ted Cruz và năm 2016 quyên góp cho chiến dịch của Tổng chưởng lý Missouri

AT&T

Theo người phát ngôn của AT&T, PAC của công ty sẽ “tạm dừng đóng góp tới các thành viên Quốc hội, những người bỏ phiếu phản đối chứng nhận lá phiếu đại cử tri tuần trước”. Năm 2020, PAC của AT&T quyên góp cho chiến dịch của Thượng nghị sỹ Cruz và Hawley

Verizon

Verizon thông báo tạm dừng quyên góp cho bất kỳ thành viên Quốc hội nào bỏ phiếu chống lại kết quả bầu cử. Năm 2020, PAC của Verizon quyên góp cho chiến dịch của Thượng nghị sỹ Ted Cruz

T-Mobile

T-Mobile không nói sẽ tạm dừng quyên góp song sẽ đánh giá lại các khoản tài trợ của PAC. PAC của nhà mạng này đóng góp cho chiến dịch của Thượng nghị sỹ Cruz và Hawley năm ngoái

Comcast

Gã khổng lồ cáp và truyền thông tạm dừng quyên góp cho các chính trị gia bỏ phiếu chống lại kết quả bầu cử 2020. PAC của Comcast đã tài trợ cho chiến dịch của Thượng nghị sỹ Cruz năm 2017 và 2018

Trong một tuyên bố, công ty khẳng định “chuyển giao quyền lực hòa bình là nền tảng của dân chủ Mỹ”. Do đó, công ty sẽ tạm dừng tất cả tài trợ chính trị cho những ai phản đối kết quả kiểm phiếu đại cử tri
 
Trước khi rời chức vụ, ông Trump hủy lệnh cấm quan chức vận động hành lang
Theo Guardian ngày 21-1 đưa tin, ông Trump đã ký đảo ngược sắc lệnh trước khi rời Nhà Trắng, theo đó, không cấm các nhân viên Nhà Trắng vận động hành lang

Ông Donald Trump từng ký một sắc lệnh cấm nhân viên Nhà Trắng tham gia các cuộc vận động hành lang nào liên quan tới cơ quan của họ trong 5 năm. Ngoài ra những người này cũng không được vận động hành lang cho chính phủ nước ngoài suốt đời. Tuy nhiên, buổi sáng trước khi rời Nhà Trắng, ông Trump đã ký đảo ngược sắc lệnh này

Với động thái mới, các trợ lý cũng như tất cả thành viên trong gia đình ông, sẽ vẫn được vận động hành lang hoặc làm việc cho các chính phủ nước ngoài. Một số đời Tổng thống Mỹ trước cũng từng ký đảo ngược sắc lệnh tương tự

Tổng thống Donald Trump và Đệ nhất phu nhân Melania Trump rời Nhà Trắng trên trực thăng Marine One lúc 8 giờ 15, ngày 20-1 (khoảng 20 giờ 15, theo giờ Hà Nội), sau bài phát biểu với 21 loạt đại bác chia tay. Trong bài phát biểu của mình ông Trump liệt kê một loạt thành tựu của chính quyền như: vực dậy nền kinh tế, phát triển vắc xin nCoV, tạo nhiều việc làm cho người dân Mỹ...

Ông cho rằng việc được phục vụ đất nước là thành tựu quan trọng nhất của đời mình và hy vọng đây sẽ không phải là một lời "tạm biệt dài": "Các bạn và đất nước này thật sự rất tuyệt vời. Việc được trở thành tổng thống của các bạn là vinh dự và đặc ân lớn nhất mà tôi từng có được. Tôi sẽ theo dõi, chiến đấu,... vì các bạn, luôn như thế! Xin chúc chính quyền mới gặp nhiều may mắn và thành công, họ đã có những nền tảng tốt. Chúng tôi yêu các bạn, hy vọng sẽ sớm gặp lại"

Tổng thống Mỹ sau đó xuống sân khấu ôm hôn các con trước khi lên trực thăng Marine One rời thủ đô Washington về khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago ở Florida, mà không dự lễ nhậm chức của ông Biden

Lễ nhậm chức của ông Joe Biden diễn ra trong khu vực được bao quanh bằng hàng rào thép gai, dưới an ninh thắt chặt. Ông Joe Biden (78 tuổi) trở thành tổng thống lớn tuổi nhất trong lịch sử Mỹ
 
"Sản xuất chip" Đài Loan làm "chao đảo" từ Bắc Kinh, Washington, Tokyo đến Brussels

photo1611733022716-16117330234751116409060.jpg

Lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn
Khi Bắc Kinh ngăn cản các nước thiết lập quan hệ chính thức với Đài Loan, các lãnh đạo nước ngoài bắt đầu nhận ra sự phụ thuộc của họ vào việc sản xuất chip điện tử của hòn đảo

Đài Loan được đánh giá cao về khả năng sản xuất chip

Trước những nỗ lực của Bắc Kinh trong việc ngăn cản các nước thiết lập quan hệ chính thức với Đài Loan, các lãnh đạo nước ngoài bắt đầu nhận ra sự phụ thuộc của họ vào việc sản xuất chip điện tử của hòn đảo

Đài Loan đang được đánh giá cao về khả năng sản xuất chip. Danh tiếng này chủ yếu nhờ vào Công ty Sản xuất Chất bán dẫn Đài Loan (TSMC) - xưởng đúc và sản xuất lớn nhất và hàng đầu thế giới cho điện thoại thông minh, trí tuệ nhân tạo và máy tính hiệu suất cao của Apple

Trong bối cảnh ngành công nghiệp xe hơi rơi vào tình trạng thiếu chip cho mọi thiết bị, từ cảm biến đỗ xe đến giảm lượng khí thải, vai trò của Đài Loan trong nền kinh tế thế giới bất ngờ nổi bật

Với việc các nhà sản xuất ô tô bao gồm Volkswagen của Đức, Ford Motor Co của Mỹ và Toyota Motor của Nhật Bản buộc phải ngừng sản xuất và các nhà máy ngừng hoạt động, tầm quan trọng của Đài Loan trở nên rất lớn

Các nhà sản xuất ô tô Mỹ, châu Âu và Nhật Bản đang vận động chính phủ giúp đỡ. Bloomberg trích nguồn thạo tin từ Pháp cho biết, Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã thảo luận về khả năng thiếu hụt này vào năm ngoái và nhất trí về sự cần thiết phải thúc đẩy sự phát triển riêng của châu Âu


Nhà sản xuất chip TSMC của Đài Loan

TSMC mang lại đòn bẩy kinh tế và chính trị

Kỹ năng sản xuất chip của TSMC đã mang lại đòn bẩy kinh tế và chính trị cho Đài Loan trong bối cảnh công nghệ đang được ưu tiên trong cuộc cạnh tranh quyền lực lớn giữa Trung Quốc và Mỹ. Căng thẳng này khó có thể giảm bớt trong chính quyền của Tổng thống Joe Biden

Những hạn chế của Đài Loan đối với ngành kinh doanh chất bán dẫn thể hiện điểm còn tắc nghẽn trong chuỗi cung ứng toàn cầu và đang tạo ra sự cấp bách mới cho các kế hoạch từ Tokyo, Washington và Bắc Kinh nhằm tăng cường khả năng tự lực

Jan-Peter Kleinhans, Giám đốc dự án công nghệ và địa chính trị tại tổ chức tư vấn Stiftung Neue Verantwortung có trụ sở tại Berlin, cho biết: bằng cách thống trị mô hình sản xuất chip gia công do Mỹ phát triển, Đài Loan "có khả năng là điểm thất bại nghiêm trọng nhất trong toàn bộ chuỗi giá trị của ngành vật liệu bán dẫn"

Chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump đã khai thác điểm khó khăn đó để từ chối Bắc Kinh tiếp cận vào công nghệ. Bằng cách cấm truy cập vào tất cả công nghệ chip của Mỹ, Washington có thể cắt nguồn cung cấp chất bán dẫn từ TSMC và các xưởng đúc khác cho Huawei Technologies, cản trở bước tiến của công ty công nghệ lớn nhất Trung Quốc

Ngành công nghiệp chip phải tìm cách giải quyết

TSMC cũng được đàm phán để thành lập một nhà máy sản xuất chip trị giá 12 tỷ USD ở Arizona. Công ty điện tử Samsung của Hàn Quốc sẽ tiếp bước với một cơ sở trị giá 10 tỷ USD ở Austin, Texas

Liên minh châu Âu (EU) cũng đặt mục tiêu củng cố "chủ quyền công nghệ" của khối thông qua một khoản đầu tư ban đầu lên tới 36 tỷ USD để nâng thị phần của châu Âu trên thị trường chip toàn cầu lên 20% từ dưới 10% như bây giờ

EU cũng đang khuyến khích Đài Loan tăng cường đầu tư vào khối 27 quốc gia này và đã đạt được một số thành công nhất định

Tokyo cũng đang cố gắng thu hút TSMC đến Nhật Bản. Quan chức về các vấn đề công nghệ tại Bộ Kinh tế Nhật Bản Kazumi Nishikawa cho biết: "TSMC đang ngày càng trở nên thống trị hơn. Đây là điều mà tất cả mọi người trong ngành công nghiệp chip phải tìm cách giải quyết"


Đài Loan không phải là người chơi duy nhất trong chuỗi cung ứng chất bán dẫn. Mỹ vẫn giữ vị trí thống trị, nổi bật là về thiết kế chip và các công cụ phần mềm điện tử, ASML Holding của Hà Lan độc quyền về máy móc cần thiết để chế tạo ra những con chip tốt nhất, Nhật Bản là nhà cung cấp thiết bị, hóa chất chính

Tuy nhiên, khi sự chú trọng chuyển sang các chip nhỏ hơn, mạnh hơn và đòi hỏi ít năng lượng hơn, TSMC ngày càng thể hiện được sức ảnh hưởng của riêng mình. Và nó đã giúp Đài Loan hình thành một hệ sinh thái toàn diện
 
Báo Trung Quốc loại Jack Ma khỏi danh sách lãnh đạo doanh nghiệp
Người sáng lập Tập đoàn Alibaba Jack Ma đã bị truyền thông quốc gia Trung Quốc loại khỏi danh sách các lãnh đạo doanh nghiệp. Việc này cho thấy Jack Ma không còn được Bắc Kinh ưa chuộng



Theo Reuters, doanh nhân nổi tiếng nhất Trung Quốc không được nói tới trong bài báo đăng trên trang nhất của tờ Tin tức chứng khoán Thượng Hải. Thay vào đó, ông Ren Zhengfei thuộc tập đoàn công nghệ Huawei và Lei Jun thuộc Tập đoàn Xiaomi và Wang Chuanfu thuộc BYD được ca ngợi vì những đóng góp của họ

Thông tin trên vừa được công bố hôm nay (2/2) khi Alibaba sẽ đưa ra báo cáo doanh thu quý mới nhất. Tập đoàn thương mại điện tử khổng lồ này hiện chưa hồi đáp với đề nghị bình luận về thông tin trên

Jack Ma gặp rắc rối sau một bài phát biểu hồi tháng 10 năm ngoái, trong đó ông chỉ trích hệ thống quản lý của Trung Quốc. Điều này dẫn tới việc 37 tỷ USD IPO của tập đoàn Ant Group thuộc sở hữu của Jack Ma bị hoãn trước khi nó được niêm yết

Sau đó, các nhà chức trách Trung Quốc đã mở một cuộc điều tra về chống độc quyền nhằm vào ngành công nghệ với Alibaba trở thành tâm điểm cũng như chấn chỉnh hoạt động của Ant Group

Sau loạt sự kiện trên, Jack Ma bất ngờ biến mất trong vòng 3 tháng, làm dấy lên những đồn đoán về tung tích của ông. Tháng trước, tỷ phú này tái xuất hiện thông qua một đoạn video dài 50 phút

Tờ Tin tức chứng khoán Thượng Hải cho biết, trong khi một số doanh nhân từng được báo này ca ngợi vì hành xử như "những anh hùng liều lĩnh" do nỗ lực tách khỏi hệ thống kinh tế cũ kỹ và cứng nhắc, thì hiện giờ họ đã lãnh đạo một nhóm công ty biết tôn trọng các quy định phát triển và tuân thủ những quy tắc thị trường"
 
Biden chật vật 'ghìm cương' người thân
Công ty luật ở Florida nơi Frank, em trai của Biden làm việc, mua quảng cáo trên báo để nhấn mạnh mối quan hệ với Tổng thống, gây ra nỗi đau đầu cho chính quyền mới

Quảng cáo dài hai trang được đăng vào Ngày nhậm chức 20/1 trên tờ Daily Business Review có trụ sở tại Nam Florida để quảng bá hãng luật Berman, nơi Frank Biden đảm nhận chức vụ cố vấn cấp cao

Họ đăng một bức ảnh Frank Biden tươi cười và làm nổi bật mối quan hệ của ông với Tổng thống Joe Biden, nhấn mạnh giá trị chung của họ. Họ tập trung vào vai trò của Berman trong vụ kiện chống lại những công ty trồng mía bị cáo buộc gây hại cho môi trường và vai trò của Frank trong vụ kiện tụng đó

QVNITGDDC4I6XILXO5S7FGUVEQ-9576-1612325579.jpg


Quảng cáo của công ty luật Berman. Ảnh: Washington Post

Đoạn thứ hai của quảng cáo dài khoảng 1.000 từ nói rằng Berman đã kiện những công ty trồng mía "trong bối cảnh Tổng thống Joe Biden cam kết thúc đẩy công bằng xã hội và bảo vệ môi trường - giá trị mà em trai ông kiêm cố vấn cấp cao của Berman, Frank Biden, cũng chia sẻ"

Tiếp theo, quảng cáo nhấn mạnh rằng anh em nhà Biden có quan điểm tương đồng trong các lĩnh vực mà công ty đang hoạt động, thậm chí còn ám chỉ rằng Biden ủng hộ vụ kiện công ty trồng mía

"Hai anh em nhà Biden từ lâu đã cam kết thúc đẩy các vấn đề môi trường lên hàng đầu", quảng cáo viết và chỉ ra rằng Tổng thống Biden đã cam kết sẽ tái gia nhập Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu và giảm phát thải khí nhà kính

"Vụ kiện chống lại công ty trồng mía là thêm một ví dụ cho thấy niềm tin cốt lõi về môi trường của hai anh em có sự tương đồng", quảng cáo khẳng định

Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki cuối tuần trước đề cập chủ đề này một cách chung chung, không nhắc cụ thể đến quảng cáo của hãng luật Berman. "Chính sách của Nhà Trắng là không nên sử dụng tên tuổi của Tổng thống liên quan đến bất kỳ hoạt động thương mại nào" gợi ý hoặc ngụ ý "sự tán thành hoặc ủng hộ của ông ấy", Psaki nói

Phát ngôn viên Nhà Trắng Michael Gwin từ chối bình luận liệu quảng cáo có vi phạm chính sách của Nhà Trắng hay không

Các nhà quan sát về đạo đức công vụ cho rằng quảng cáo này có vấn đề. "Nước Mỹ, sau một thời gian dài mỏi mệt, đã giao tương lai cho Joe Biden", Norm Eisen, từng là trợ lý đặc biệt của cựu tổng thống Barack Obama về vấn đề đạo đức và cải cách chính phủ, nói. "Vì vậy, việc một thành viên gia đình hoặc một đối tác kinh doanh của thành viên gia đình đó lợi dụng tên của Tổng thống là điều đáng lo ngại cho chính ông, Nhà Trắng và đất nước"

Các hoạt động kinh doanh vì lợi nhuận của các thành viên gia đình Biden đã thu hút nhiều chỉ trích trong chiến dịch tranh cử, tâm điểm chủ yếu tập trung vào con trai Hunter, người đã là thành viên hội đồng quản trị của một công ty năng lượng Ukraine. Khi đó, Joe Biden là phó tổng thống và là người đứng đầu chính sách với Ukraine của chính quyền Obama

Không lâu sau khi cùng cha đến Trung Quốc, Hunter tham gia hội đồng quản trị của một công ty tư vấn đầu tư mới thành lập có đối tác bao gồm các doanh nghiệp Trung Quốc

Frank Biden được hãng luật Berman thuê vào tháng 7/2018, theo một thông cáo của công ty vào thời điểm đó. Thông cáo được đưa ra khi Joe Biden không còn là phó tổng thống và khoảng 9 tháng trước khi ông tham gia cuộc đua vào Nhà Trắng và không đề cập đến mối quan hệ gia đình của Frank

Tuy nhiên, tiểu sử của Frank trên trang web của công ty luật nhấn mạnh mối quan hệ của ông với Tổng thống và con trai quá cố của Tổng thống Beau, người qua đời vì ung thư não năm 2015. Tiểu sử có đoạn viết rằng Frank "đã tham gia vào các chiến dịch tranh cử của anh trai, Joe Biden, và cháu trai Beau Biden với tư cách là cố vấn và điều phối viên chiến dịch không lương trong nhiều năm"

frank-biden-ht-ps-200113-hpMai-7417-4287-1612325579.jpg

Frank Biden trong bức ảnh được đăng trên trang web của hãng luật Berman
Psaki đã xác nhận vào cuối tuần trước rằng Valerie, em gái kiêm cố vấn chính trị lâu năm của Biden, sẽ không giữ vị trí chính thức trong Nhà Trắng. Biden còn có một em trai khác tên là James

Dưới thời Trump, các đảng viên Dân chủ đã đặt câu hỏi về đạo đức công vụ khi Trump, các thành viên gia đình và phụ tá duy trì đế chế kinh doanh trong nhiệm kỳ. Biden đã hứa sẽ hành động trái ngược hoàn toàn với điều những người chỉ trích gọi là "sự háo hức của nhà Trump trong việc sử dụng chức vụ trong chính quyền để làm giàu cho bản thân"

Quảng cáo của Frank có quy mô nhỏ hơn nhiều so với các hoạt động kinh doanh của nhà Trump, nhưng nó liên tục nhắc đến Joe Biden trong nỗ lực nâng cao danh tiếng của doanh nghiệp. "Anh trai tôi là một hình mẫu cho cách chúng tôi thực hiện công việc này", quảng cáo trích dẫn lời của Frank

Joe Biden đã ban hành sắc lệnh hành pháp, áp đặt các hạn chế về đạo đức công vụ đối với những người được bổ nhiệm trong chính quyền của ông, nhưng chính sách đó không đề cập đến các thành viên trong gia đình ông. Không lâu trước lễ nhậm chức, một quan chức nói rằng Nhà Trắng sẽ áp dụng các thủ tục để đảm bảo rằng mọi hành động của các thành viên trong gia đình Tổng thống sẽ không tạo ra xung đột lợi ích

Điều đó sẽ bao gồm việc cấm các thành viên gia đình Biden làm việc hoặc phục vụ trong hội đồng quản trị của các công ty có đa số vốn nước ngoài, người này nói

Tuy nhiên, các anh chị em của Tổng thống là thường dân nên khó có thể áp đặt quy tắc với họ. Các tổng thống, từ Jimmy Carter đến Bill Clinton, đã phải chật vật kiềm chế họ hàng của mình

"Câu hỏi là: Họ biết làm gì đây ? Bởi vì bạn không thể kiểm soát em trai mình", Richard Painter, luật sư đạo đức từng làm việc cho George W. Bush, nói. "Em trai ông ấy có thể đăng quảng cáo. Joe Biden không thể ngăn em trai mình đăng quảng cáo"

Painter cho rằng Nhà Trắng có thể làm rõ rằng họ sẽ không để công ty luật Berman hay khách hàng của họ được hưởng đặc quyền nào. Ông đánh giá Nhà Trắng nên ra quy định rằng các luật sư của Berman không được gặp các quan chức được Biden bổ nhiệm chính trị

Trong khi đó, Frank khẳng định với CNBC rằng ông bao giờ lợi dụng danh tiếng của anh trai để tìm kiếm khách hàng cho công ty. "Công ty của chúng tôi đã tham gia vụ kiện này từ lâu. Công bằng xã hội là điều tôi đã thúc đẩy trong nhiều năm. Tôi sẽ không bao giờ làm việc cho bất kỳ nhà vận động hành lang hay công ty vận động hành lang nào", ông nói

Phương Vũ
 
“Nhà nước ngầm Israel” trong lòng nước Mỹ


Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thủ tướng Israel Netanyahu

Trong thời gian vừa qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã phớt lờ các nghị quyết của Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc để đưa ra hai quyết định đáp ứng lợi ích then chốt của Israel. Đó là, đưa Mỹ rút khỏi Thỏa thuận của Nhóm P5+1 với Iran-“kẻ thù không đội trời chung với Israel” và công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel. Đồng thời, Tổng thống Mỹ Donald Trump còn coi Israel là lực lượng then chốt để Mỹ thực hiện chiến lược mới của Washington ở Trung Đông. Vì thế, một câu hỏi được dư luận quốc tế và giới phân tích đặc biệt quan tâm là do đâu Tổng thống Mỹ Donald Trump lại dành sự ưu ái đặc biệt như vậy cho Israel ?

Câu trả lời là, trong hơn 100 năm qua, bằng hoạt động lobby (vận động hành lang), các tổ chức người Do Thái và chính quyền Israel đã thao túng toàn bộ hệ thống chính trị, kinh tế, an ninh, khoa học-công nghệ, giáo dục và văn hóa của Mỹ. Thậm chí, bất kỳ một ứng cử viên tổng thống nào muốn bước vào Nhà Trắng thì nhất thiết phải có được sự ủng hộ của các tổ chức của người người Do Thái và Israel ở Mỹ!

Mạng lưới lobby của người Do Thái và nhà nước Israel ở Mỹ

Lobby là một loại hình hoạt động gây ảnh hưởng được luật pháp Mỹ công nhận. Do đó, lobby đã trở thành hoạt động hợp pháp, được tôn vinh và được luật pháp Mỹ bảo vệ và coi là một hành vi đạo đức

Năm 1981, chỉ tính riêng ở thành phố Washington của Mỹ đã có tới 7.000 tổ chức lobby của người Do Thái đăng ký hoạt động. Trong những năm cầm quyền của đảng dân chủ (1990-2000), hoạt động lobby bị hạn chế đáng kể, còn hiện nay hoạt động đó lại bùng phát và hiệp hội lobby Mỹ được đổi tên thành Hiệp hội nghề nghiệp quan hệ với các cơ quan quyền lực với nhà nước Mỹ

Các tổ chức ủng hộ Israel xúc tiến những lợi ích đặc biệt là một trong những lực lượng đáng kể nhất và phổ biến nhất ở Hoa Kỳ, bao gồm rất nhiều tổ chức và cá nhân có ảnh hưởng đến Quốc hội, tổng thống, Viện hàn lâm, tòa án, các phương tiện thông tin đại chúng, các tổ chức tôn giáo và dư luận xã hội Mỹ. Hoạt động này diễn ra trong nhiều thập kỷ

Một số tổ chức trong số đó hoạt động lobby công khai nhằm vận động các quan chức chính phủ trong quá trình hoạch định chính sách theo định hướng ủng hộ Israel. Một số tổ chức khác tác động vào các phương tiện thông tin đại chúng, các tổ chức khoa học và xã hội ủng hộ Israel. Sau đây chỉ là một số ít tổ chức điển hình có chức năng lobby của người người Do Thái và Israel

The American Israel Public Affairs Committee (AIPAC). Ủy ban Mỹ quan hệ với xã hội của Israel là tổ chức lobby của chính phủ nổi tiếng nhất nhằm xúc tiến lợi ích của Israel. Tổ chức này thường giúp các thành viên của quốc hội soạn thảo các đạo luật có lợi cho Israel và thường được cả hai đảng ở Mỹ bỏ phiếu thông qua. Ủy ban này đã quyên góp được số tiền 100 triệu USD và có thu nhập hàng năm khoảng 60 triệu USD. Hàng năm ủy ban này chi khoảng 2-3 triệu USD để lobby các nghị sĩ Quốc hội Mỹ. Trong các cuộc hội nghị hàng năm của AIPAC, nhiều quan chức cấp cao của chính phủ Mỹ đều tuyên bố ủng hộ Israel. Đại diện chính thức của AIPAC từng tuyên bố họ đang lập kế hoạch đảm nhiệm chức năng quản lý sinh viên Mỹ trong tất cả các trường đại học và cao đẳng của Mỹ

Pro-Israel Political Action Committees (PACs). Tổ chức tập hợp các ủy ban hành động chính trị ủng hộ Israel. PACs không trực tiếp thực hiện chiến dịch mà sử dụng mạng lưới cung cấp tài chính cho các chiến dịch vận động tranh cử tổng thống và các nghị sỹ Quốc hội Mỹ, bao gồm khoảng 30 ủy ban hành động chính trị do PACs lãnh đạo. Trong số các ủy ban này có các ủy bản liên quan trực tiếp tới Israel như “Liên minh vì Israel” và “Liên minh toàn cầu vì Israel”, nhưng cũng có ủy ban có tên gọi trung lập như “Ủy ban hành động quốc gia”

Conference of Presidents of Major American Jewish Organizations (CoP). Đại hội chủ tịch đoàn các tổ chức của người Do Thái ở Mỹ, tập hợp trong đó 51 tổ chức tiến hành các hoạt động lobby vì lợi ích của Israel

The American Israel Education Foundation (AIEF). Quỹ giáo dục của Israel ở Mỹ (AIEF) là công ty con của AIPAC có chức năng liên lạc và quan hệ công tác với các thành viên của Quốc hội Mỹ để bàn thảo về mọi chi phí và viện trợ cho Israel

The Washington Institute for Near East Policy (WINEP). Viện nghiên cứu chính sách Trung Đông-một trung tâm phân tích có ảnh hưởng rất lớn, chuyên tiến hành lobby các chính sách có liên quan với hoạt động của Israel ở Trung Đông

International Fellowship of Christians and Jews (Stand for Israel). Tổ chức quốc tế hữu nghị giữa người theo Đạo Kito và người Do Thái có chức năng thúc đẩy và triển khai các hoạt động tuyên truyền về Israel trong hàng ngũ người theo Đạo Kito

Simon Wiesenthal Center. Tổ chức bảo vệ nhân quyền của người Do Thái trên phạm vi toàn cầu. Trụ sở chính của tổ chức này đặt tại Los Angeles với các văn phòng ở New York, Toronto, Miami, Chicago, Paris, Buenos Aires và Jerusalem

The Israel Project. Đề án Israel có chức năng tuyên truyền chống lại mọi biểu hiện gây phương hại tới lợi ích của Israel trên báo chí và dư luận xã hội Mỹ. Biên chế của tổ chức này có 70 nhân viên, có văn phòng đại diện Ấn Độ và Trung Quốc

Friends of the Israeli Defense Forces (FIDF). Tổ chức của những người bạn của lực lượng quốc phòng Israel, có chức năng tuyên truyền và vận động sự ủng hộ đối với Quân đội Israel. Nhân viên của tổ chức này quyên góp tiền cho Quân đội Israel tại 14 khu vực ở Hoa Kỳ và Mỹ Latinh. Hàng năm, FIDF mời hàng trăm quân nhân Israel sang Mỹ giảng dạy trong các trường đại học và trường học để tăng cường sự ủng hộ của Mỹ đối với chính sách của Israel

Hadassah (Women’s Zionist Organization of America). Tổ chức Sion của phụ nữ Mỹ là một tổ chức tự nguyện có chức năng truyền cảm hứng và hỗ trợ người Israel. Ở Mỹ, tổ chức có hơn 330.000 thành viên và những người ủng hộ, thường xuyên thay mặt Israel để lobby nhằm xây dựng các đạo luật chống Iran

America’s Voices in Israel (AVI). Đài tiếng nói Hoa Kỳ ở Israel. AVI có chức năng tăng cường sự hiểu biết và hỗ trợ của Mỹ cho Israel bằng cách mời các diễn giả đài phát thanh Mỹ đến Israel tổ chức phát sóng các chương trình của họ từ Jerusalem. AVI còn thu hút những người nổi tiếng trên khắp thế giới tới du lịch ở Israel

The Jewish Agency for Israel. Hãng thông tấn Israel có chức năng liên kết người Do Thái trên toàn thế giới hướng về nhà nước Israel nhằm hình thành cộng đồng người Do Thái trên toàn cầu. Tổ chức này hoạt động ở 80 nước trên năm châu lục

American Friends of Likud. Tổ chức những người Mỹ ủng hộ đảng Likud, duy trì quan hệ giữa người Mỹ với các bộ trưởng và thành viên của đảng này. Tổ chức này được thành lập ở Mỹ với rất nhiều các tổ chức từ thiện nhằm quyên góp tiền để gửi về Israel

American-Israeli Cooperative Enterprise (AICE) [Jewish Virtual Library]. Xí nghiệp hỗn hợp của Mỹ và Israel trên nguyên tắc phi thương mại nhằm xúc tiến và củng cố mối quan hệ giữa hai nước. Tổ chức này tài trợ cho các giáo sư và giảng viên tại các trường đại học ở Mỹ

The Israel Allies Foundation. Quỹ của các đồng minh của Israel có mối quan hệ với quốc hội và nghị viện của tất cả các nước trên thế giới để tranh thủ sự ủng hộ chính trị đối với người Do Thái và nhà nước Israel

Americans United with Israel. Tổ chức kết nối giữa người Mỹ và người Israel nhằm xây dựng mạng lưới rộng khắp những người ủng hộ sự phát triển thịnh vượng và chủ quyền của Israel

The Jewish Policy Center. Trung tâm chính trị của người Do Thái tập hợp các nhà khoa học và các nhà bình luận để phân tích chính sách đối nội và đối ngoại, ủng hộ sự họp tác với Mỹ trong lĩnh vực an ninh và phòng thủ tên lửa và ủng hộ Israel trong cuộc đấu tranh lâu dài ở Trung Đông

The Haym Salomon Center. Trung tâm tin tức và chính sách xã hội chuẩn bị nội dung cho các ấn phẩm thông tin đại chúng. Các bài viết của trung tâm được công bố trên các ấn phẩm của Mỹ nhằm bảo vệ lợi ích của người Israel như US Today, New York Daily News, Fox News, The Hill, The Washington Times, Wall Street Journal v.v.

Leona M. and Harry B Helmsley Charitable Trust. Quỹ có mục tiêu với ngân sách tới 8 tỷ USD để tài trợ cho các chương trình bảo đảm an ninh và sự phát triển của Israel, trong đó có Trung tâm báo chí ở Israel đóng vai trò như một tổ chức truyền bá và giáo dục trẻ em Do Thái về chủ nghĩa phục quốc để họ trở thành những thành viên tích cực truyền bá tư tưởng Sion trong xã hội Mỹ

Jewish National Fund (JNF). Quỹ quốc gia của người Do Thái và là một tổ chức quốc tế nhằm mục đích mua đất của người Palestine cho nhà nước Israel trong tương lai. Quỹ này còn tài trợ cho các công trình quân sự của Quân đội Israel

Zionist Organization of America (ZOA). Tổ chức phục quốc lâu đời nhất của người Do Thái, được thành lập vào năm 1887 và cũng là tổ chức ủng hộ Israel lâu đời nhất ở Mỹ. Chức năng của tổ chức là truyền bá tư tưởng của chủ nghĩa Sion trong tất cả các lĩnh vực đời sống của xã hội Mỹ. Ngoài ra, tổ chức này còn tiến hành các hoạt động lobby vì lợi ích của Israel

American Jewish Committee (AJC). Ủy ban người Do Thái ở Mỹ được thành lập vào năm 1906 để bảo vệ quyền lợi của Israel như là một nhà nước của người Do Thái. Ủy ban đóng vai trò rất quan trọng trong việc định hướng chủ nghĩa phục quốc Do Thái trên toàn thế giới

World Jewish Congress.Đại hội của người Do Thái toàn thế giới, tập hợp người Do Thái ở 100 nước. Ủng hộ nhà nước Israel là nhiệm vụ chủ yếu của tổ chức này

Republican Jewish Coalition. Liên minh người Do Thái trong Đảng Cộng hòa và là một nhóm lobby nhằm định hướng chính sách ủng hộ Israel trong chính sách đối ngoại của Mỹ. Tổ chức này có mối quan hệ chặt chẽ với đảng cầm quyền Likud ở Israel

National Jewish Democratic Council. Hội đồng quốc gia các thành viên của Đảng Dân chủ ủng hộ Israel trong chính sách đối nội và đối ngoại của Mỹ, nhằm đảm bảo sự độc lập và chủ quyền của nhà nước Do Thái ở Israel. Hội đồng ủng hộ chính sách của Đảng cầm quyền Likud của Israel trong chính sách chống lại Iran, thúc đẩy sự ủng hộ của tổng thống Hoa Kỳ đối với Israel

Center for Security Policy. Trung tâm chính sách an ninh nhằm thúc đẩy quan hệ chặt chẽ giữa Mỹ và Israel. Là thành viên của cộng đồng các luật sư có quan điểm tân bảo thủ và có định hưởng tuyên truyền, ủng hộ các chương trình trang bị của Israel nhằm chống Iran

Israeli-American Council. Hội đồng Israel-Mỹ nhằm tạo ra một cộng đồng người Israel ở nước ngoài trong cộng đồng xã hội Mỹ-một lực lượng chính trị mạnh để chuẩn bị cho tương lai của nhà nước Israel. Có khoảng 700 người Israel ở nước ngoài đã tham gia hội nghị chính trị đầu tiên trong năm 2014
 
Đất đai của Bill Gates đã rộng gần bằng Hong Kong
Sau khi bỏ ra 171 triệu USD mua thêm 14.500 mẫu đất nông nghiệp, nhà sáng lập Microsoft đang trở thành người sở hữu diện tích đất nông nghiệp lớn nhất nước Mỹ

Bill Gates không phải một nông dân, cũng không bao giờ xắn tay tham gia lao động sản xuất nông nghiệp

Dẫu vậy, theo Land Report, người đàn ông giàu thứ 3 thế giới đang nổi tiếng với biệt danh Farmer Bill. Sau khi bỏ ra 171 triệu USD mua 14.500 mẫu đất nông nghiệp khu vực phía đông Washington, Gates đã trở thành người sở hữu bất động sản nông nghiệp số một nước Mỹ

Gates sở hữu diện tích đất nông nghiệp tương đương Hong Kong


Eric O’Keefe, Tổng biên tập Land Report, cho biết thông qua công ty quản lý tài sản Cascade Investment, Gates đã mua lại bất động sản nông nghiệp trong nhiều năm. Tài sản của Gates bao gồm các khu vực như Illinois, Iowa, Louisiana, California cùng nhiều tiểu bang khác

Tổng cộng, ông chủ Microsoft đang nắm trong tay khoảng 242.000 mẫu đất nông nghiệp với giá trị ước tính lên tới 690 triệu USD. Để bạn dễ tưởng tượng, số bất động sản Bill Gates nắm giữ có diện tích gần bằng Hong Kong

mike_guilen.jpg


Số lượng bất động sản thuộc quyền sở hữu của Bill Gates

Đất đai là quyền lực và của cải. Thời đại của chúng ta bị chi phối bởi giới siêu giàu, khủng hoảng tài chính và sự đi lên của chủ nghĩa tư bản xanh. Một số ý kiến tin rằng mối quan tâm đến đất đai của Gates chủ yếu xuất phát từ nỗi lo biến đổi khí hậu

Tuy nhiên, trong một cuộc thảo luận về cuốn sách tự viết mang tên “Cách tránh thảm họa khí hậu”, Bill Gates phủ nhận sự liên quan giữa tình hình biến đổi khí hậu và số đất ông đầu tư

Không chỉ mang lại lợi nhuận, nhiều công ty coi đất nông nghiệp như một danh mục đầu tư bền vững, đáp ứng mục tiêu “không khí thải carbon”

Cascade Investment, công ty đứng sau thương vụ mua 14.500 mẫu đất nông nghiệp, cho biết họ “ủng hộ ngành canh tác bền vững”. Cascade Investment đồng thời là cổ đông của các công ty cung cấp thực phẩm protein gốc thực vật như Beyond Meat, Impossible food và John Deere, nhà sản xuất thiết bị nông nghiệp

Tuy vậy, đây không phải thương vụ giao dịch bất động sản lớn nhất của Gates. Năm 2007, vị tỷ phú Mỹ đã bỏ ra 500 triệu USD mua lại 61 bất động sản nông nghiệp từ một công ty đầu tư của Canada

“Đất nông nghiệp có khả năng chống lại sự lạm phát”, Bruce Sherrick, Giáo sư kinh tế nông nghiệp tại Đại học Illinois, cho biết 60% diện tích đất canh tác khu vực trung tây nước Mỹ được các nhà đầu tư như Gates cho thuê

Theo Sherrick, nếu thị trường chứng khoán đi xuống, lợi nhuận trên đất canh tác có thể tăng lên. Mặc dù vậy, đất nông nghiệp không dễ mua

Nguy cơ nào khi đất canh tác rơi vào tay các ông lớn ?


Theo nghiên cứu của Oxfam năm 2020, lượng carbon thải ra của 1% người giàu nhất thế giới nhiều gấp đôi 50% người nghèo nhất. Theo Forbes, các tỷ phú thế giới đã kiếm thêm tổng cộng 1,9 tỷ USD vào năm 2020, trong khi đó, 22 triệu công nhân Mỹ (chủ yếu là phụ nữ) mất việc làm

alamy.jpg

Bill Gates đang có sự ảnh hưởng nhất định đối với hệ thống lượng thực thế giới

Giống như của cải, quyền sở hữu đất nông nghiệp tập trung chỉ tập trung vào tay một số ít người. Để tạo ra nhiều lợi nhuận hơn, đất nông nghiệp chủ yếu sử dụng cho quá trình độc canh kết hợp thâm canh

Theo một báo cáo do Guardian đề cập, 1% trang trại trên thế giới kiểm soát 70% diện tích đất nông nghiệp

Nếu đất nông nghiệp rơi vào tay những ông lớn như Bill Gates, hệ thống lương thực và mô hình sử dụng đất của chúng ta sẽ phụ thuộc vào họ

Trái lại, nông dân nhỏ và người bản địa thường sử dụng đất nông nghiệp thận trọng hơn. Đối với người bản địa, việc sử dụng đất không hướng tới mục đích thu hồi các khoản đầu tư. Họ có nhiệm vụ duy trì, bảo tồn đất đai cho thế hệ tiếp theo, đáp ứng nhu cầu của hiện tại và tôn trọng sự đa dạng của môi trường sống

Điều này giải thích lý do vì sao các vùng đất do người bản địa quản lý vẫn đang bảo vệ và duy trì 80% sự đa dạng sinh học của thế giới
 
Đại học Hupan của tỷ phú Jack Ma ngừng tuyển sinh
Đại học Hupan do tỷ phú Jack Ma sáng lập đã bất ngờ tuyên bố ngừng tuyển sinh và chưa thông báo thời điểm sinh viên mới có thể nhập học. Theo Financial Times (FT), động thái này là do chịu áp lực từ chính quyền Trung Quốc

jack%20ma.webp

Jack Ma cũng tham gia gảng dạy tại trường Đại học Hupan do ông sáng lập

FT dẫn các nguồn thạo tin cho biết việc đình chỉ tuyển sinh tại Đại học Hupan được coi là bằng chứng nữa cho thấy chính quyền Trung Quốc đang gây sức ép với Jack Ma, nhà sáng lập tập đoàn thương mại điện tử Alibaba

“Chính phủ tin rằng Hupan có tiềm năng ảnh hưởng tới công việc của các doanh nhân chủ chốt Trung Quốc, hướng tới mục tiêu chung do Jack Ma đặt ra chứ không phải do chính quyền Trung Quốc đặt ra. Điều này không thể được cho phép”, một nguồn tin thân cận với Đại học Hupan chia sẻ với FT

Đại học Hupan được Jack Ma và một nhóm doanh nhân Trung Quốc thành lập vào năm 2015 nhằm phát hiện và đào tạo những doanh nhân trẻ, sáng tạo và đam mê với kinh doanh

Đối tượng tuyển sinh là những người đã thành lập các công ty, doanh nghiệp, có ít nhất 3 năm kinh nghiệm khởi nghiệp với quy mô công ty trên 30 người

Bên cạnh đó, doanh thu hàng năm của công ty phải vượt quá 4,5 triệu USD và chứng minh các khoản thanh toán thuế doanh nghiệp. Học phí trong 3 năm học tại trường khoảng 45.000 USD

Tỷ phú Jack Ma cho biết mỗi năm Hupan chỉ nhận khoảng 40 sinh viên, khả năng trúng tuyển là 2%, thấp hơn tỷ lệ thi đậu Đại học Harvard, Đại học Stanford (Mỹ)

Đại học Hupan được xem là một trong những trường kinh doanh danh tiếng nhất Trung Quốc, một số lớp học do chính Jack Ma đứng lớp. Các doanh nhân nổi tiếng Trung Quốc hay nước ngoài như Travis Kalanick, người sáng lập tập đoàn gọi xe Uber, cũng đã có những bài giảng tại trường

Jack Ma trước nay luôn được coi mà một trong những doanh nhân thành đạt nhất Trung Quốc. Tuy nhiên, vận may của người đàn ông này đã suy giảm kể từ khi ông ta lên tiếng chỉ trích các quy định của Trung Quốc đối với lĩnh vực tài chính

Tỷ phú Jack Ma được cho là đã khiến chính quyền “mếch lòng” sau khi công khai chỉ trích những bất cập trong hệ thống quản lý tài chính và các ngân hàng nhà nước Trung Quốc tại hội nghị thượng đỉnh Bund tại Thượng Hải hồi cuối tháng 10

Trong sự kiện này, tỷ phú Jack Ma đã dành 20 phút phàn nàn rằng các quy định chính phủ sẽ gây ảnh hưởng tới cải tiến tại Trung Quốc, thậm chí còn đánh giá các ngân hàng Trung Quốc vận hành với tâm lý của “cửa hiệu cầm đồ”

Sau đó, chính quyền Trung Quốc yêu cầu Ant Group, công ty tài chính thuộc tập đoàn Alibaba, hoãn kế hoạch IPO lớn nhất thế giới. Đây được xem là cú sốc lớn đối với Ant Group và cá nhân tỷ phú Jack Ma

Tiếp đó, cơ quan quản lý thị trường Trung Quốc thông báo điều tra chống độc quyền Alibaba. Đây là vụ điều tra chống độc quyền đầu tiên vào một công ty công nghệ lớn của Trung Quốc, xảy ra trong bối cảnh các nhà chức trách đang giám sát hoạt động thương mại điện tử và fintech của Alibaba theo quy mô chưa từng có tiền lệ

Mới đây, tờ Bloomberg đã đưa về việc Chính phủ Trung Quốc muốn Alibaba bán một số tài sản truyền thông của mình, bao gồm cả tờ South China Morning Post, vì lo ngại ngày càng tăng về ảnh hưởng của gã khổng lồ công nghệ đối với dư luận trong nước
 
Trung Quốc quyết kiểm soát kho dữ liệu của công ty Jack Ma
Bắc Kinh muốn tạo một kho dữ liệu do nhà nước điều hành để quản lý các tài sản có giá trị nhất của các công ty công nghệ tài chính
jack-ma-ft-1619193176372.jpg

Bắc Kinh muốn kiểm soát kho dữ liệu cho vay tiêu dùng khổng lồ của Ant Group

Theo Financial Times, ngân hàng trung ương Trung Quốc đang cố gắng giành quyền kiểm soát kho dữ liệu cho vay tiêu dùng khổng lồ của Ant Group. Đây được cho là một đòn mới của Bắc Kinh đối với tập đoàn công nghệ tài chính của Jack Ma

Cụ thể, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) muốn Ant Group phải chuyển kho dữ liệu - một trong những tài sản có giá trị nhất của đế chế internet trên - cho một công ty xếp hạng tín dụng thuộc sở hữu nhà nước do các cựu giám đốc điều hành của ngân hàng trung ương điều hành

Công ty này sẽ phục vụ các tổ chức tài chính khác như các ngân hàng quốc doanh để cạnh tranh trong hoạt động cho vay với các công ty fintech

Nguồn tin của Financial Times cho biết, Ant Group vẫn muốn lãnh đạo công ty mới. Tuy nhiên, PBoC cho rằng điều này sẽ tạo ra xung đột lợi ích

"Ưu tiên hàng đầu là đảm bảo cho doanh nghiệp mới tuân thủ đầy đủ các quy định", một trong những nguồn tin nói và cho rằng: "Sự tham gia của nhà nước sẽ giúp PBoC đạt được các mục tiêu đó"

Trước đó, trong tháng 1/2021, PBoC công bố những quy định yêu cầu các doanh nghiệp Trung Quốc phải đảm bảo sự chấp thuận của chính phủ trước khi được phép cung cấp dịch vụ tín dụng cá nhân. Công ty này phải đảm bảo có đủ 3 giấy phép và tất cả đều chịu sự kiểm soát của chính phủ

Trong tháng này, các nhà quản lý Trung Quốc yêu cầu Ant Group phải tái cấu trúc và tuyên bố phạt Tập đoàn Alibaba của Jack Ma mức phạt kỷ lục 2,8 tỷ USD

Các ngân hàng ở Trung Quốc từ lâu đã phàn nàn rằng Ant đã được hưởng lợi khi không phải tuân thủ các quy định nghiêm ngặt trong việc cho vay như họ. Công ty này đã tạo dựng được sự thống trị tại Trung Quốc với hơn 700 triệu người dùng mỗi tháng trên Alipay - một ứng dụng thanh toán trên điện thoại di động

Ant Group đã phát triển một nền tảng cho vay tiêu dùng với dư nợ tín dụng lên khoảng 1.700 tỷ Nhân dân tệ (tương đương 262 tỷ USD) tính đến cuối tháng 6/2020, nhiều hơn so với bất kỳ ngân hàng Trung Quốc nào. Thậm chí, công ty fintech này còn tính phí với các ngân hàng cho các khoản vay trên ứng dụng của họ

"Rõ ràng, kho dữ liệu tín dụng của Ant mang lại rất nhiều giá trị cho các ngân hàng", một cựu quan chức của PBoC nói

Một người quen thuộc với vấn đề này cho rằng, Ant Group cần tìm cách hợp pháp hóa kho dữ liệu này. Giải pháp đưa ra là cần thành lập một công ty báo cáo tín dụng do PBoC phê duyệt

Tuy nhiên, việc nhà nước kiểm soát có thể ảnh hưởng đến khả năng thu thập và phân tích thông tin cho các bộ phận kinh doanh cốt lõi của Ant, bao gồm cho vay tiêu dùng

"Ant rất muốn nắm giữ những tài sản quý giá nhất của doanh nghiệp", một nguồn tin cho hay

Financial Times cho biết, ngân hàng trung ương Trung Quốc sẽ công bố một báo cáo vào Chủ nhật này về việc lập công ty dữ liệu do nhà nước kiểm soát

Cả Ant và PBoC hiện chưa có bình luận gì về vấn đề này
 
Samsung xin mua điện không qua EVN
Samsung đề xuất được triển khai thí điểm cơ chế mua bán điện trực tiếp. Nếu đề xuất được chấp thuận thì Samsung có thể mua điện trực tiếp từ đơn vị phát điện năng lượng tái tạo mà không phải thông qua EVN

Trong buổi làm việc với Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên ngày hôm nay 29.4, ông Choi Joo Ho - Tổng Giám đốc Tổ hợp Samsung Việt Nam cho biết hiện hai bên đang phối hợp triển khai hiệu quả các dự án thuộc lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ ở Việt Nam, bao gồm: Chương trình đào tạo chuyên gia tư vấn Việt Nam trong lĩnh vực cải tiến sản xuất và chất lượng; Chương trình đào tạo nhân lực khuôn mẫu tại Việt Nam; Chương trình hỗ trợ tư vấn cải tiến cho doanh nghiệp; Chương trình tìm kiếm nhà cung ứng tiềm năng mới

Đặc biệt, phía Samsung cũng đề xuất được Bộ Công Thương hướng dẫn hỗ trợ Samsung Việt Nam trong việc triển khai thí điểm cơ chế DPPA (Cơ chế mua bán điện trực tiếp)

bandien(1).jpg

Bộ Công Thương dự kiến sẽ triển khai thí điểm cơ chế DPPA này trong giai đoạn 2021-2023
Theo cơ chế mua bán điện trực tiếp, các khách hàng sử dụng điện sẽ có quyền trực tiếp ký kết hợp đồng và thỏa thuận giá điện với đơn vị phát điện năng lượng tái tạo mà không cần phải thông qua Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN)

Hồi tháng 9.2020, nguyên Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh đã yêu cầu Cục Điều tiết điện lực tổng hợp ý kiến các bộ ngành liên quan về dự thảo cơ chế thí điểm mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện năng lượng tái tạo và khách hàng sử dụng điện để chuẩn bị trình Thủ tướng

Bộ Công Thương dự kiến sẽ triển khai thí điểm cơ chế này trong giai đoạn 2021-2023 với công suất khoảng từ 400-1.000 MW, sau đó sẽ đánh giá, tổng kết và chính thức triển khai áp dụng (từ năm 2024)

Dự án đề xuất chính sách về cơ chế hợp đồng mua bán điện trực tiếp (DPPA) do Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ (USAID) phối hợp cùng Bộ Công Thương thực hiện, kỳ vọng sẽ được Chính phủ phê duyệt trong năm 2020 và bước vào triển khai thương mại chậm nhất là vào tháng 3.2021 để hoàn thành chương trình thí điểm bán lẻ điện cạnh tranh vào tháng 12.2023

Hiện nay, giới chuyên gia và các doanh nghiệp cũng đang bày tỏ kỳ vọng vào chính sách mua bán điện trực tiếp để có sự cạnh tranh về giá và đó cũng là tiền đề cho mục tiêu giảm giá điện chưa có trong tiền lệ

Trước đề xuất của phía Samsung, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên bày tỏ kỳ vọng các dự án hợp tác giữa Samsung. Đồng thời khẳng định, Bộ Công Thương sẽ tạo điều kiện tốt nhất trong khuôn khổ luật pháp cho Tổ hợp Samsung mở rộng hoạt động đầu tư kinh doanh tại Việt Nam
 
GDP có thể tăng trưởng đột phá với kinh tế số
Trong kinh tế số, GDP có thể tăng trưởng đột phá chứ không phải tuần tự như kinh tế thực. Không ít sản phẩm, ý tưởng công nghệ trên thế giới đã khiến nền kinh tế bùng nổ. Bởi vậy, GDP trong nền kinh tế số có những con số nhiều khi giật mình, không theo quy luật thông thường

Ông Bùi Quang Tuấn, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, đã dành cho Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy một cuộc trò chuyện về vai trò của kinh tế số trên hành trình Việt Nam trở thành nước phát triển vào năm 2045

2.png



Một trong những mục tiêu mà Thủ tướng đặt ra là coi trọng chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số dựa trên nền tảng phát triển khoa học và công nghệ. Bộ Thông tin và Truyền thông – đơn vị đang xây dựng chiến lược quốc gia về phát triển kinh tế số, xã hội số cũng xác định kinh tế số sẽ là động lực dẫn dắt của nền kinh tế. Ông nhìn nhận thế nào về vai trò và vị trí của kinh tế số hiện nay?


Kinh tế số giai đoạn tới là quan trọng bậc nhất. Bối cảnh kinh tế thế giới cho thấy dưới tác động của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, nhiều mô hình kinh tế số đã xuất hiện và phát triển rất nhanh. Đặc biệt là trong đại dịch Covid, trong khi nhiều ngành kinh tế đang lao đao, khủng hoảng thì kinh tế số lại lên ngôi

Thương mại điện tử bùng nổ ở nhiều quốc gia. Các công ty công nghệ bây giờ chiếm đến 90% trong top các công ty có vốn hóa lớn nhất trên thế giới, khác hẳn với bức tranh 10 năm trước đây

Như vậy, kinh tế số chắc chắn là định hình của nền kinh tế thế giới trong tương lai, là xu thế không thể đảo ngược

Việt Nam cũng đã nhận thức được điều đó nên Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII đã nhiều lần nhấn mạnh vai trò quan trọng của khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số trong giai đoạn tới

Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 10 năm 2021-2030 đã đặt nội dung này là quan điểm số 1 trong các quan điểm phát triển. Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 52-NQ/TW về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư vào năm 2019

Chính phủ Việt Nam cũng đã phê duyệt chiến lược quốc gia về chuyển đổi số vào năm 2020, trong đó đặt ra những mục tiêu làm thế nào để thúc đẩy chuyển đổi số, xây dựng nền kinh tế số, với những mục tiêu và khát vọng cao, đúng với vai trò của kinh tế số

Đến năm 2025, giá trị kinh tế số chiếm 20% GDP, năm 2030 là 30%. Nếu GDP đã được đánh giá lại của Việt Nam đạt khoảng 570 tỷ USD vào năm 2025 và khoảng 895 tỷ USD vào năm 2030 (theo chiến lược và kế hoạch), mà kinh tế số chiếm tới 20-30%, thì giá trị lớn lắm. Kinh tế số càng ngày càng trở nên rất quan trọng là vì thế


3.png


Vậy theo ông, yếu tố dẫn dắt của kinh tế số ở đây nên hiểu như thế nào, nhất là so sánh với các trụ cột kinh tế khác?

Tùy giác độ khác nhau mà ta thấy các động lực tăng trưởng khác nhau

Theo mô hình tăng trưởng Solow, các động lực quyết định tăng trưởng gồm: (1) vốn, (2) lao động, (3) công nghệ (là ngoại sinh và sau này được phát triển lên xem công nghệ như nội sinh)

Hay có loại chia nguồn lực tăng trưởng theo sở hữu: khu vực nhà nước, khu vực tư nhân, khu vực có vốn nước ngoài thì khu vực tư nhân là động lực quan trọng vì chiếm hơn 42% GDP

Một loại nữa là thành thị, nông thôn, như Tp.HCM là đầu tàu kinh tế (chiếm khoảng 23% GDP), Hà Nội đóng góp khoảng 16% GDP cả nước...

Trong tất cả các giác độ đó, có thể thấy kinh tế số hiện diện gần như khắp nơi và có đóng góp trực tiếp và gián tiếp cho tăng trưởng kinh tế

Giờ nói đến động lực dẫn dắt của kinh tế số lại khác. Nó không chỉ đơn thuần là thứ chia theo các giác độ ở trên mà là một dạng khác – chia theo kinh tế số (hay có thể gọi là kinh tế ảo) và kinh tế truyền thống. Kinh tế số gắn liền với mô hình kinh doanh kiểu mới, dựa trên các ý tưởng mới, gắn với công nghệ thông tin, gắn với start-up, với kinh tế nền tảng, kinh tế chia sẻ… Nếu kinh tế số chiếm 30% thì kinh tế truyền thống chiếm 70%. Và khi nào kinh tế số chiếm hơn 50% thì lúc đó kinh tế số sẽ đóng vai trò dẫn dắt

Trên thực tế, ở thời điểm cụ thể và ngắn hạn, 6 tháng đầu năm 2021, kinh tế số dưới góc nhìn chủ quan của ông đang được vận hành như thế nào?

Kinh tế của Việt Nam đã là một bộ phận của nền kinh tế thế giới rồi, cho nên xu hướng chuyển đổi số trên thế giới rất nhanh như hiện nay, đặc biệt trong bối cảnh Covid, cũng sẽ có tác động mạnh đến Việt Nam. Chuyển đổi số sẽ diễn ra rất nhanh, vượt tưởng tượng của con người

Cách đây vài năm, không ai nghĩ dịch vụ shipping lại nhiều như hiện nay. Giờ mua bán online, sàn giao dịch điện tử các loại phát triển rất mạnh, ví dụ như câu chuyện vải Bắc Giang, Sơn La đưa lên mạng là bán rất nhanh. Rồi sắp tới là sẽ bùng nổ các công cụ thanh toán điện tử

Càng hạn chế giao tiếp trực tiếp thì càng khuyến khích giao tiếp gián tiếp thông qua mạng, vừa nhanh, vừa an toàn trong dịch bệnh, vừa giảm chi phí giao dịch. Khủng hoảng kinh tế do dịch bệnh Covid như vậy là cú huých rất tốt để phát triển kinh tế số

Cần nói thêm là trong nhóm các nước ASEAN, năng suất lao động của Việt Nam vẫn nằm ở top cuối, vẫn là khoảng cách xa so với nhóm dẫn đầu. Tuy nhiên, khoảng cách này sẽ bị lấp đầy bởi chuyển đổi số và công nghệ, đặc biệt là công nghệ số. Nếu Việt Nam bắt nhịp nhanh, tận dụng được công nghệ và thành tựu của cách mạng 4.0 thì sẽ có cơ hội thu hẹp khoảng cách với các nước trong khu vực rất nhanh, thậm chí là vượt


4.png


Việt Nam đã đặt mục tiêu rất cao về kinh tế số như ở trên ông có đề cập, 20% GDP năm 2025 và 30% năm 2030. Theo ông, liệu mục tiêu này có là “quá sức” không?

Ở đây tôi hiểu hàm ý mô hình kinh tế số được mở rộng, bao quát toàn bộ, có tính lan tỏa, chuyển sang giai đoạn chuyển đổi số ở quy mô lớn thì mới đạt được 20% hay 30% GDP. Chứ nếu chỉ tính riêng kinh tế số theo nghĩa cốt lõi là “core digital economy” thì chắc là sẽ khó vì đến nay chỉ số này ở nhiều nước phát triển cũng chưa tới 10% GDP

Trong kinh tế số, GDP có thể phát triển đột phá chứ không phải tuần tự như kinh tế thực. Đơn cử như các sản phẩm của nhóm Big Tech trên thế giới (những công ty lớn nhất và thống trị trong ngành công nghệ) có thể làm tăng doanh thu cho công ty tới 30-40% một năm. Còn việc các công ty công nghệ đặt mục tiêu tăng trưởng doanh thu 15-20% một năm thì đã trở thành bình thường. Vì vậy, trong kỷ nguyên số, tăng trưởng nhanh là chuyện bình thường

Trong khi đó, nếu bàn đến nền nông nghiệp hay công nghiệp truyền thống, sản xuất lúa, ngô… thì làm gì có chuyện tăng đột ngột lên 30-40%. Đất chỉ có từng ấy, lao động chỉ từng ấy, làm sao tăng trưởng cao và đột phá được

Nhưng với kinh tế số hoàn toàn khác. Chỉ “ăn nhau” ý tưởng, có những sản phẩm trí tuệ lại thông minh, sử dụng trí tuệ nhân tạo và đáp ứng được yêu cầu của người tiêu dùng thì người tiêu dùng sẵn sàng trả tiền để sử dụng sản phẩm ấy và sản phẩm ấy sẽ bùng nổ, và nền kinh tế cũng có điều kiện để bùng nổ

Do vậy, sản lượng và doanh thu trong nền kinh tế số có những con số nhiều khi giật mình, không phải theo quy luật thông thường

Tất nhiên, nếu cứ đi tuần tự như hiện nay mà không có tư duy đột phá mạnh mẽ thì, theo tôi, Việt Nam sẽ khó đạt được khát vọng trở thành nước phát triển năm 2045

Cụ thể là như thế nào, thưa ông ?

Việt Nam là nước đi sau (về trình độ phát triển kinh tế và mức thu nhập trung bình còn thấp), lại có khát vọng vươn lên thành nước phát triển vào năm 2045 – tức phải đạt khoảng trên 12.450 USD/người. Chỉ có kinh tế số chứ đi tuần tự thì không được. Cả giai đoạn thì 2016-2019 (không có Covid) là giai đoạn tăng trưởng tốt nhất của thập kỷ qua chúng ta mới đạt được tăng trưởng 6,8%. Nhưng với tốc độ này thì sẽ không đạt mục tiêu đặt ra vào năm 2045 được. Chúng ta phải đạt mức tăng trưởng cao khoảng 6,8-7% liên tục thì mới có thể đạt được mục tiêu đó

Chúng tôi tính toán, đi tuần tự thì không thể đi được, nhưng đi với kinh tế số thì có thể đạt được. Đó chính là cơ hội cho những “ông” đi sau, biết tận dụng cơ hội như: dân số trẻ tiếp cận công nghệ nhanh, quy mô thị trường, những yếu tố thuận lợi bên ngoài, môi trường ổn định, nhà đầu tư mang công nghệ vào…

5.png

Khó khăn, thách thức sắp tới không hề nhỏ với phát triển kinh tế số ở đây là như thế nào ? Theo ông, đâu là rào cản, thách thức lớn nhất ?

Theo tôi, trước mắt có hai thách thức quan trọng nhất. Thách thức lớn nhất hiện vẫn là tư duy – tư duy phải chuyển đổi nhanh, sẵn sàng bắt nhịp vào tốc độ nhanh của chuyển đổi số. Người làm chính sách, người quản lý phải nhanh nhạy, gắn kịp được với yêu cầu của thời đại của kinh tế số, chuyển đổi số. Việc làm ra cơ chế, chính sách (phần mềm) đòi hỏi phải hiểu hệ thống hoạt động như thế nào, tương tác ra sao, nếu không cơ chế, chính sách sẽ không trúng và không đáp ứng được yêu cầu của phát triển. Trong quá trình chuyển đổi số, phần mềm này đôi khi lại quan trọng hơn là phần cứng - kỹ thuật và hạ tầng

Thách thức thứ hai là cách tính, việc đo quy mô 20%, 30% của kinh tế số trong GDP là như thế nào. Chúng tôi đi tìm hiểu mà vẫn chưa có câu trả lời cụ thể. Ở đây không đơn thuần chỉ là việc đo, cách tính mà quan trọng hơn, qua việc tính toán cụ thể, phạm vi cụ thể của các lĩnh vực của kinh tế số là gì để có những chính sách cụ thể khuyến khích cho kinh tế số phát triển

Khi chưa xác định được phạm vi đối tượng cụ thể, không có cách tính cụ thể sẽ dễ dẫn đến chính sách không rõ ràng, không phát huy, hỗ trợ được tối đa các lĩnh vực của kinh tế số phát triển

6.png
 
Tương lai quan hệ EU - Trung Quốc hậu Merkel
Khi nhiệm kỳ của Thủ tướng Đức Merkel bước vào những tuần cuối cũng là lúc các cuộc thảo luận về tương lai quan hệ với Trung Quốc nổi lên ở EU

Trước khi kết thúc nhiệm kỳ vào tháng 9, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã có chuyến công du tới Washington, tham gia hàng loạt hội nghị cấp cao với các đồng minh phương Tây và nhiều cuộc gặp khác với các quan chức Mỹ công tác ở châu Âu. Trong mỗi sự kiện, Trung Quốc luôn là chủ đề được quan tâm nhất

Bà cũng có một loạt cuộc điện đàm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, trong đó ông cẩn thận nhắc nhở bà về "quyền tự chủ chiến lược" của châu Âu và sự độc lập với Mỹ trong chính sách đối phó Trung Quốc, trong khi nữ Thủ tướng Đức vẫn tiếp tục tìm kiếm những lĩnh vực mà đôi bên có thể hợp tác

126705-7603-1628590219.jpg

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Đức Angela Merkel rời Điện Elysee

Đây là đặc điểm điển hình của Thủ tướng Merkel, người suốt 16 năm qua được coi là nhà bảo trợ chính cho mối quan hệ EU - Trung Quốc, vốn lâu nay vẫn chú trọng đến thương mại song phương

Việc bà chấm dứt nhiệm kỳ thủ tướng dài nhất lịch sử Đức được dự đoán sẽ khiến mối quan hệ EU - Trung Quốc trở nên bấp bênh. Một làn sóng phản đối Trung Quốc đang bùng lên ở châu Âu khi các chính trị gia, nhóm nhân quyền và truyền thông liên tục gây áp lực, kêu gọi khối phải có lập trường cứng rắn hơn với Bắc Kinh

Châu Âu đang bị mắc kẹt giữa hai siêu cường và sẽ sớm mất đi người "trọng tài" giàu kinh nghiệm nhất của họ. Câu hỏi đặt ra lúc này là ai sẽ lấp đầy khoảng trống mà Thủ tướng Merkel để lại

Trung Quốc kỳ vọng vào một tân thủ tướng Đức sẽ duy trì hiện trạng mối quan hệ giữa nước này với châu Âu. Điều đó có thể xảy ra theo hai kịch bản, nhưng cả hai đều có những điểm phức tạp riêng

Kịch bản đầu tiên là ứng viên Armin Laschet thuộc đảng Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo của (CDU) lên làm thủ tướng và theo đuổi chiến lược tương tự người tiền nhiệm đối với Trung Quốc

Hồi tháng 5, CDU bỏ xa đảng Xanh trong các cuộc thăm dò tín nhiệm, nhưng tình thế đang dần thay đổi sau thảm họa lũ lụt ở phía tây đất nước hồi tháng trước khiến 164 người chết và hơn 100 người mất tích. Tỷ lệ ủng hộ CDU đã giảm xuống chỉ còn 26%, trong khi đảng Xanh tăng lên 21%

Theo một cuộc thăm dò do Forsa thực hiện, tỷ lệ ủng hộ đối với Laschet đã giảm xuống còn 17% sau khi ông bị bắt gặp cười khúc khích khi Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier đang phát biểu về lũ lụt. Tỷ lệ ủng hộ đối với ứng viên Annalena Baerbock của đảng Xanh và Olaf Scholz của đảng Dân chủ Xã hội lần lượt là 19% và 18%, trong khi 45% số người tham gia trả lời thăm dò nói họ không thích bất kỳ ứng viên nào

Có vẻ như đảng Xanh, vốn ủng hộ lập trường cứng rắn hơn với Trung Quốc, sẽ đóng một vai trò quan trọng trong liên minh cầm quyền tiếp theo ở Đức nếu Laschet đắc cử. Nhưng ngay cả khi đó, ông sẽ phải nỗ lực rất nhiều và phải mất một khoảng thời gian nhất định mới có được ảnh hưởng như Thủ tướng Merkel tại EU

"Tôi nghĩ ông ấy sẽ cần thời gian. Ông ấy thực sự là một chính trị gia tài giỏi hơn mọi người nghĩ. Bạn không thể đạt được vị trí của ông ấy nếu như không có tài", Jonathan Hackenbroich, chuyên gia tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại châu Âu, nhận xét. "Nhưng ông ấy chưa quen mặt và cũng chưa giao thiệp nhiều với tất cả những người đứng đầu chính phủ trong khối"

"Laschet chắc chắn muốn duy trì chính sách với Trung Quốc giống như bà Merkel, nhưng sẽ gặp khó khăn hơn. Tôi nghĩ có rất nhiều áp lực và Merkel, nhờ sức ảnh hưởng cùng mối hợp tác giữa bà với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, mà các chính sách của bà đứng vững. Nhưng người kế nhiệm Merkel sẽ khó lòng chịu được những áp lực như vậy", Frans-Paul van der Putten, điều phối viên Trung tâm Trung Quốc Clingendael ở The Hague, Hà Lan, đánh giá

Một kịch bản yêu thích khác của Bắc Kinh là Tổng thống Pháp Emmanuel Macron sẽ đứng ra đảm nhận vai trò quan trọng của Thủ tướng Merkel trên sân khấu chính trị châu Âu, sau đó tái đắc cử trong cuộc bầu cử tổng thống tại Pháp vào năm tới. Macron là một người ủng hộ mạnh mẽ khái niệm "tự chủ chiến lược" của châu Âu

Giới quan sát cho rằng Đức nhiều khả năng sẽ duy trì mối quan hệ thương mại bền chặt với Trung Quốc, bất kể ai kế nhiệm Merkel, nhưng tình hình ở Pháp sẽ mơ hồ hơn nếu ứng viên Marine Le Pen từ đảng Mặt trận Quốc gia hay Xavier Bertrand, chủ tịch hội đồng khu vực Hauts-de-France, đánh bại Macron trong cuộc bầu cử mùa xuân năm sau

Jiang Shixue, giáo sư tại Đại học Thượng Hải, tin rằng một lãnh đạo châu Âu cần hội đủ hai điều kiện để trở thành nhà bảo trợ chính cho mối quan hệ chặt chẽ giữa EU và Trung Quốc

"Họ phải là tiếng nói quan trọng trong các vấn đề của châu Âu và có một thái độ đúng đắn về Trung Quốc. Merkel và Macron hội đủ hai điều kiện này. Đức và Pháp luôn là những nước lớn ở EU. Vì thế, chúng ta hãy hy vọng các lãnh đạo tương lai của hai quốc gia này sẽ duy trì một thái độ đúng đắn hoặc thân thiện với Trung Quốc", ông nói

Hai năm qua, Tổng thống Macron đã sát cánh cùng Thủ tướng Merkel trong nhiều hoạt động liên quan đến Trung Quốc. "Rõ ràng là Thủ tướng Merkel đang muốn hỗ trợ Tổng thống Macron. Dường như bà ấy nghĩ rằng cần phải có một người đứng đầu chính phủ khác ở châu Âu đảm nhận được vai trò đặc biệt mà bà đang gánh vác", Andrew Small, thành viên cấp cao Chương trình châu Á thuộc Quỹ Marshall, trụ sở ở Washington, nhận định

"Pháp, Đức và Ủy ban châu Âu, đó là nơi các quyết định được đưa ra và phần còn lại của EU sẽ làm theo. Tôi nghĩ người Pháp và người Đức đã làm khá tốt và khá cân bằng trong mối quan hệ với Trung Quốc. Tôi khen ngợi họ vì điều đó", cựu thủ tướng Phần Lan Alexander Stubb cho hay

Bastiaan Belder, cựu thành viên Nghị viện châu Âu, kêu gọi phải tạo ra một mối quan hệ thực tế hơn với Trung Quốc bằng cách phá vỡ trục Pháp - Đức đã thống trị EU suốt nhiều năm qua

Tuy nhiên, giới phân tích đánh giá điều này sẽ là rất khó khăn dù Belder hay các thành viên Nghị viện châu Âu khác muốn chính sách đối ngoại của khối được "dân chủ hóa"

Một ứng viên nặng ký khác của EU có khả năng thay thế vai trò của Thủ tướng Merkel là Thủ tướng Italy Mario Draghi, nhưng ông được cho là chỉ giữ vai trò này trong thời gian ngắn và Italy, nước Tây Âu duy nhất tham gia Sáng kiến Vành đai và Con đường, những tháng gần đây cho thấy họ cũng đang lúng túng về chính sách với Trung Quốc

Hai lãnh đạo tại nhiệm lâu nhất của EU sau Merkel sẽ là Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte và Thủ tướng Hungary Viktor Orban, song khả năng Orban có thể dẫn dắt EU gần như bằng con số 0

Chính sách đối ngoại của Hà Lan, vốn có truyền thống đứng về phía Anh và Mỹ hơn là Pháp và Đức, đang được điều chỉnh lại. Chính sách Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của họ khá tương đồng với chính sách mà EU đưa ra trong năm nay và giới phân tích chính trị cho rằng Thủ tướng Rutte sẽ có những thay đổi nhiều hơn đối với chính sách Trung Quốc trong tương lai

"Việc định hướng lại chính sách đối ngoại sẽ tạo tiền đề để Hà Lan đóng một vai trò tích cực hơn ở EU", van der Putten nói. "Dù vậy, tôi nghĩ khó có sự thay thế nào cho Đức và rộng hơn là trục Pháp - Đức"
 
Tổng thống Putin yêu cầu kiểm tra việc sở hữu tiền ảo của các quan chức

Tổng thống Nga Vladimir Putin mới đây đã yêu cầu chính phủ chuẩn bị kiểm tra trên diện rộng với các quan chức sở hữu tài sản tiền ảo, tài sản kỹ thuật số khác

Theo Bitcoin News, quyết định của Tổng thống Putin được đưa ra sau khi một số quan chức nước này đệ trình kế hoạch chống tham nhũng bao gồm cả quản lý và kiểm soát tài sản kỹ thuật số nói chung, tiền ảo nói riêng. Hiện chưa rõ thời điểm quá trình kiểm tra diễn ra và liệu những trường hợp liên quan sẽ bị xử lý như thế nào

Động thái mới của Nga liên quan tới kiếm soát tiền ảo

Tổng thống Vladimir Putin đã giao nhiệm vụ cho một số Bộ, ban ngành và Ngân hàng Trung ương chuẩn bị xác minh thông tin do các nhân viên chính phủ cung cấp về việc nắm giữ tài sản kỹ thuật số, tài sản tiền ảo của các quan chức nước này

Lệnh mới được ban hành như một phần của kế hoạch chống tham nhũng mới được nhà lãnh đạo Nga phê duyệt gần đây

Trước hết, việc kiểm soát tiền ảo của Nga sẽ tập trung vào các quan chức nhằm chống tham nhũng

Trước đó, Tổng thống Nga Putin đã ký sắc lệnh phê duyệt Kế hoạch chống tham nhũng quốc gia giai đoạn 2021-2024 của đất nước. Là một phần của chiến lược mới, nguyên thủ Nga đã chỉ thị các Bộ Tài chính, Bộ Lao động và Phát triển kỹ thuật số cùng với Ngân hàng Trung ương đề xuất thanh tra các quan chức – những người được cho là có sở hữu tài sản tiền ảo cũng như các tài sản kỹ thuật số khác

Cổng thông tin kinh doanh Nga RBC đưa tin, các cơ quan chính phủ và ngân hàng của Nga được chỉ định, có thời hạn đến ngày 15/11 tới để đệ trình các đề xuất thanh tra của họ. Việc kiểm tra cuối cùng cần đảm bảo khả năng xác định mức độ chính xác và đầy đủ của dữ liệu do các quan chức cung cấp, liên quan đến các khoản đầu tư tiền ảo của họ trong thực tế

Bên cạnh đó, các tổ chức cũng sẽ phải phân tích thông lệ hiện đang áp dụng đối với việc tiết lộ thông tin về quyền sở hữu tài sản kỹ thuật số cũng như phương pháp kiểm soát đối với chi phí mua lại tài sản tiền ảo

Thời hạn cho nhiệm vụ này là ngày 20/9/2023. Và trước ngày 15/7/2024, Văn phòng Tổng công tố của Nga sẽ được yêu cầu trình bày các sáng kiến nhằm ngăn chặn tham nhũng liên quan đến tài sản tài tài sản kỹ thuật số, quyền kỹ thuật số (mã thông báo) và tiền ảo, báo cáo nêu chi tiết

Các nhà đầu tư tiền ảo tư nhân được "động viên" là không nên lo lắng trong giai đoạn hiện tại, tuy nhiên, việc chính phủ Nga quan tâm hơn đến tài sản kỹ thuật số có nghĩa là các quy định có thể sẽ được thắt chặt trong tương lai

Vào năm 2020, Tổng thống Vladimir Putin từng ký lệnh yêu cầu các nhân viên chính phủ phải khai báo chính xác thông tin về việc nắm giữ tiền ảo của họ. Quan chức Nga được yêu cầu cung cấp thông tin chi tiết về nơi họ mua tài sản kỹ thuật số cũng như giá trị của chúng trước ngày 30/6/2021

Nghĩa vụ này cũng áp dụng đối với vợ/ chồng và con cái của họ cũng như các ứng viên cho các vị trí công và gia đình của ứng viên đó

Theo ông Efim Kazantsev, một chuyên gia tại Moscow Digital School, các nhà đầu tư tiền điện tử thông thường không có gì phải sợ hãi, nhưng họ cũng không nên thư giãn quá

Quy trình quản lý liên quan đến không gian tiền ảo ở Liên bang Nga "đi theo con đường thắt chặt các đinh vít", ông nhận xét, đồng thời lưu ý rằng: "Mong muốn của nhà nước trong việc kiểm soát chặt chẽ lĩnh vực tiền ảo có thể nhìn thấy được bằng mắt thường"

Trong các luật của Nga "Về tài sản tài kỹ thuật số", tiền ảo cũng được định nghĩa là tài sản phải được kê khai và giám sát về nguồn gốc cũng như những khoản chi cần thiết để mua lại, ông Roman Yankovsky từ chi nhánh Moscow của Hiệp hội Luật sư Nga cho hay

Ông nhấn mạnh rằng mặc dù sắc lệnh mới của Tổng thống không nhắm trực tiếp vào các nhà đầu tư tư nhân, nhưng nó có thể ảnh hưởng đến tất cả những người tham gia thị trường tiền điện tử nói chung
 
Last edited:
Big Tech Mỹ chi mạnh để vận động hành lang ở Châu Âu
Dẫn đầu trong danh sách công ty chi nhiều tiền nhất để vận động hành lang ở châu Âu là Google, theo sau là Facebook, Microsoft, Apple, Huawei, Amazon...

140624.jpg

Alphabet (công ty mẹ của Google), Facebook và Microsoft là ba công ty chi tiêu nhiều tiền nhất để vận động hành lang tại Liên minh châu Âu (EU), trong cuộc chiến chống lại những bộ luật mới nhằm vào các hãng công nghệ khổng lồ (Big Tech) của Mỹ, hãng tin Reuters dẫn một nghiên cứu mới đây cho biết

Nghiên cứu trên được thực hiện bởi hai tổ chức theo dõi hoạt động hành lang ở châu Âu Corporate Europe Observatory và LobbyControl

Các nhà nghiên cứu cho rằng nỗ lực vận động hàng lang của các hãng công nghệ Mỹ nên là hồi chuông cảnh tỉnh cho giới lập pháp EU để cũng cố hơn nữa các dự thảo luận cũng như những quy định về vận động hành lang

Lĩnh vực công nghệ thậm chí vượt qua lĩnh vực dược phẩm, nhiên liệu hóa thạch, hóa chất - những ngành từng thống trị về mức chi tiêu cho việc vận động hành lang ở EU

"Mức chi cho vận động hành lang của các đại gia công nghệ cũng như ngành công nghệ nói chung cho thấy vai trò ngày càng lớn của họ trong xã hội”, nghiên cứu chỉ ra. “Điều này rất đáng lưu tâm và gây lo ngại rằng các nền tảng công nghệ có thể sử dụng sức mạnh này để đảm bảo rằng tiếng nói của họ được lắng nghe - thay vì tiếng nói từ bên phản biện - trong việc xây dựng những quy định mới nhằm điều chỉnh giới công nghệ”

Theo nghiên cứu này, 612 công ty, tổ chức và hiệp hội chi hơn 97 triệu Euro (tương đương hơn 114 triệu USD) một năm để vận động hành lang trong quá trình xây dựng chính sách kinh tế số ở châu Âu. Con số này được đưa ra dựa trên dữ liệu do các công ty nộp lên cơ quan Đăng ký Minh bạch do Ủy ban Liên minh Châu Âu vận hành trong 12 tháng tính tới giữa tháng 6/2021

Trong đó, Google dẫn đầu với mức chi 5,75 triệu Euro, theo sau là Facebook và Microsoft với lần lượt 5,5 triệu USD và 5,25 triệu USD. Apple đứng vị trí thứ 4 với 3,5 triệu USD, tiếp đến là hãng công nghệ Trung Quốc Huawei với 3 triệu Euro. Còn hãng thương mại điện tử Amazon chi 2,75 triệu USD để vận động hành lang, đứng vị trí thứ 6

Theo nghiên cứu trên, hoạt động vận động hành lang của các hãng công nghệ tập trung vào 2 dự thảo luật chính: Đạo luật Thị trường kỹ thuật số (DMA) và Đạo luật Dịch vụ kỹ thuật số (DSA)

DMA nhắm đến các hãng công nghệ có doanh thu hàng năm trên 6,5 tỷ Euro tại châu Âu trong 3 năm gần nhất, có giá trị thị trường trên 65 tỷ USD và cung cấp một dịch vụ nền tảng cốt lõi ở ít nhất 3 quốc gia EU, cùng một số tiêu chí khác

Dự thảo luật này đưa ra một loạt yêu cầu với các đại gia công nghệ, bao gồm chia sẻ một số dữ liệu nhất định với đối thủ và cơ quan quản lý, báo cáo các thương vụ sáp nhập... Các công ty này cũng bị hạn chế một số điều như không ưu tiên các dịch vụ riêng trên nền tảng của mình. Các nhà làm luật cũng kêu gọi áp mức phạt tới 10% doanh thu toàn cầu hoặc thậm chí phải chia tách hoạt động kinh doanh nếu các công ty này không tuân thủ

Trong khi đó, DSA nhắm đến các nền tảng trực tuyến có trên 45 triệu người dùng. Theo dự thảo luật này, các nền tảng phải tìm cách xử lý những nội dung bất hợp pháp, kiểm soát hành vi thao túng trên nền tảng gây ảnh hưởng tới kết quả bầu cử, lan truyền tin giả... Các công ty có thể bị phạt tới 6% doanh thu toàn cầu nếu vi phạm

Nghiên cứu của Corporate Europe Observatory và LobbyControl cảnh báo về việc giới công nghệ tiếp cận sâu trong quá trình xây dựng DMA và DSA khi các bên vận động hành lang tham gia vào 3/4 trong số 270 cuộc họp của quan chức Ủy ban châu Âu về hai dự thảo luận này

Nghiên cứu cũng cảnh báo về vai trò của các hiệp hội kinh doanh, hiệp hội thương mại, viện nghiên cứu hay thậm chí các đảng phái chính trị trong việc thúc đẩy lập trường của ngành công nghệ trong quá trình xây dựng luật
 
Tìm hiểu về vận động hành lang làm luật lobby
Theo các chuyên gia, để xem vận động hành lang (lobby) là một nghề và có một đạo luật riêng ở thời điểm này là chưa chín muồi

Vận động hành lang, hình thức vận động chính sách của các nhóm lợi ích được đưa ra mổ xẻ ở góc độ khoa học pháp lý và ngày 27-11, Khoa luật - ĐH Quốc gia Hà Nội với sự tài trợ của Cơ quan phòng chống ma túy và tội phạm Liên Hợp Quốc (UNODC) đã tổ chức hội thảo chủ để “Pháp luật về vận động hành lang trên thế giới và kinh nghiệm cho Việt Nam”

Phân biệt vận động chính sách với vận động hành lang

Về khái niệm, theo PGS Đặng Minh Tuấn, cần phải phân biệt vận động hành lang với vận động chính sách

Vận động chính sách có nhiều hình thức hoạt động như công bố nghiên cứu, giáo dục, tuyên truyền, phổ biến, hội họp, góp ý, đề xuất, phản biện, phân tích… nhằm tác động vào quá trình ban hành chính sách công. Vận động hành lang chỉ là một hình thức trong đó, dưới dạng giao tiếp với các cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền và thường vì lợi ích của nhóm lợi ích cụ thể

Bổ sung, PGS Vũ Công Giao dẫn quan điểm của Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế OECD, đánh giá vận động hành lang là một động lực tích cực trong nền dân chủ nhưng các nhóm quyền lực qua đó tác động để hướng chính sách, pháp luật về lợi ích của mình trong khi có thể tổn hại đến lợi ích cộng đồng, mà chủ yếu là lợi ích kinh tế

Vận động hành lang được cho là có nguồn gốc từ Anh. Hoạt động này phát triển mạnh ở Mỹ và đến thế kỷ 19, vận động hanh lang dần trở thành một nghề. Năm 1946, quốc hội Hoa Kỳ ban hành đạo luật đầu tiên điều chỉnh những mặt tiêu cực của hoạt động này

Cho đến nay, nhiều nước xem vận động hành lang như một nghề, được điều chỉnh bằng một đạo luật riêng hoặc quy định ở trong các luật điều chỉnh các lĩnh vực khác nhau của đời sống kinh tế - xã hội…

Lobby và vận động chính sách ở Việt Nam

Ở Việt Nam, dù chưa được quy định cụ thể nhưng vận động chính sách, trong đó vận động hành lang là một hình thức vẫn đang diễn ra hằng ngày, ở mọi cấp, mọi ngành, các cơ quan quản lý

Ông Đậu Anh Tuấn, Trường ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), chia sẻ: “Vận động chính sách là công việc hằng ngày của chúng tôi”

p4chinhnnhanttam_ilib.jpg
PGS Hà Hùng Cường, nguyên Bộ trưởng Bộ Tư pháp, tại hội thảo


Ông đặt câu hỏi: “Có tiêu cực hay lũng đoạn trong vận động chính sách không?” rồi tự trả lời từ kinh nghiệm của VCCI khi bền bỉ phản biện Thông tư 20 của Bộ Công Thương mà nội dung chính là bổ sung thủ tục nhập khẩu ô tô chở người từ chín chỗ ngồi trở xuống: “Quá trình thảo luận ấy thấy rõ sức mạnh của nhóm lợi ích sản xuất ô tô nội địa”

PGS Hà Hùng Cường, nguyên Bộ trưởng Bộ Tư pháp, cơ quan gác cổng về công tác xây dựng pháp luật của Chính phủ cho hay: Năm 2010, ông nhận được chất vấn của đại biểu Quốc hội khóa XII: Có lợi ích nhóm trong xây dựng pháp luật không?

“Tôi không đắn đo trả lời là không. Vì quy trình xây dựng pháp luật rất nhiều bước, chặt chẽ, gồm cả quy trình về phía nhà nước và quy trình của Đảng và lúc ấy chưa có ai vận động mình cả” - ông Cường nói. Ông cho hay là cũng trăn trở vì “Sau đó có những đại biểu như anh Nguyễn Văn Thuận, lúc ấy là chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, từng phản ánh công khai hiện tượng mời ăn uống trong những dịp Quốc hội thảo luận các luật gây tranh cãi”

Theo ông Hà Hùng Cường, chưa thể nói gì về lợi ích nhóm tiêu cực nhưng cục bộ ngành, lĩnh vực là có. Câu chuyện về dự án Luật Đăng ký bất động sản là ví dụ điển hình

Về dự luật này, năm 2006, Chính phủ khởi động nhằm giúp công khai, minh bạch một phần tài sản cá nhân, là tiền đề để thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, đồng thời góp phần vào công tác phòng chống tham nhũng nhưng các bộ có ý kiến rất khác nhau. Đến tháng 9-2009, khi lãnh đạo Chính phủ quyết định trình xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội thì các ý kiến khác nhau, có phần do cục, bộ, ngành, đã khiến dự án luật phải dừng lại vô thời hạn

“Mới đây, khi Đảng đẩy mạnh công tác phòng chống tham nhũng, Viện trưởng VKSND Tối cao Lê Minh Trí có nhắc lại cần làm luật này” - ông Cường chia sẻ

Hướng tới luật lobby

Theo TS Vũ Thành Tự Anh, Trường Chính sách công và quản lý Fulbright, từ bản chất độc quyền tự nhiên của Nhà nước trong ban hành chính sách, cho rằng vận động chính sách, cạnh tranh lợi ích bằng cách tác động vào chính sách là tồn tại tự nhiên. Với sự phát triển của xã hội thì đây là một thị trường sôi động. Tuy nhiên, trong thị trường ấy, các nhóm nhỏ và dân chúng nói chung luôn chịu thiệt thòi bởi vận động chính sách là cuộc chơi của các nhóm lợi ích lớn

Để ra đời được Luật Vận động hành lang, theo ông Tự Anh, trước hết phải “vận động” để nhóm lợi ích được thừa nhận về mặt chính trị. Song song với quá trình ấy phải xây dựng được thể chế công khai, minh bạch, có trách nhiệm giải trình. Bởi nếu chưa xây dựng được nền tảng ấy mà vội vàng chấp nhận vận động hành lang như việc bình thường thì rất có thể xã hội sẽ phải trả giá cho lợi ích của những nhóm nắm quyền

GS Võ Khánh Vinh, nguyên Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm khoa học xã hội đánh giá Việt Nam, thời điểm này là chưa chín muồi cho một sáng kiến lập pháp để điều chỉnh trực tiếp vấn đề lobby theo nghĩa đây là một nghề. Vậy nên trước mắt cần tích cực tổ chức các thảo luận mang tính xã hội để nhận diện rõ hơn về nhóm lợi ích, vận động chính sách, vận động hành lang. Khi nghị quyết của Đảng đánh giá chính thức về vấn đề này thì đó sẽ là tiền đề chính trị để đi đến luật điều chỉnh cụ thể, qua đó thúc đẩy mặt tích cực và kiểm soát mặt tiêu cực của hoạt động lobby

Chống tiêu cực ngay trong công tác xây dựng pháp luật

Lợi ích nhóm, nhóm lợi ích là những cụm từ xuất hiện trong các văn kiện của Đảng từ nhiệm kỳ Đại hội XI với hàm ý về mặt tiêu cực của hiện tượng tự nhiên này. Gần đây nhất là Kết luận 19-KL/TW của Bộ Chính trị về định hướng chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV

Trong Kết luận 19, Bộ Chính trị yêu cầu các cấp, các ngành “chống tiêu cực ngay trong công tác xây dựng pháp luật, không bị chi phối, tác động bởi các hành vi không lành mạnh của bất cứ tổ chức, cá nhân nào, không để xảy ra tình trạng lồng ghép “lợi ích nhóm”, lợi ích cục bộ của cơ quan quản lý nhà nước trong văn bản pháp luật”

Với công tác phản biện thì cần “nâng cao chất lượng công tác phản biện xã hội đối với quy trình lập pháp và giám sát việc thực hiện pháp luật; chú trọng bản lĩnh, ý thức chính trị, không bị chi phối, tác động bởi các hành vi không lành mạnh của bất cứ tổ chức, cá nhân nào trong quá trình giám sát, phản biện xã hội”
 
Từ Phần Lan nhìn về Ukraine
Vì đại cục, cần một cái đầu lãnh đạo thông minh. Chẳng có gì đạt được mà không trade-off. Chỉ khi cầm bánh lái con tàu mới biết áp lực cỡ nào

phan-lan-5406-1645718046.png

Chiến tranh là sự chết chóc, chia lìa và tốn kém tiền bạc. Trong chiến tranh mong mỏi duy nhất của người dân là hoà bình, đoàn tụ. Để tránh được chiến tranh chúng ta phải hiểu được nguyên do của từng cuộc chiến, từ đó có ứng xử thích hợp góp phần đẩy xa nguy cơ những cuộc chiến. Bài viết chỉ là sự phân tích logic với các sự kiện đang diễn ra. Những sự kiện về Phần Lan - Liên Xô tham khảo từ cuốn Sụp đổ của Jared Diamond

TỪ PHẦN LAN

Nhìn vào bản đồ chúng ta thấy được Phần Lan có phía Bắc giáp với Na uy, phía Tây giáp với Thuỵ Điển, phía Đông giáp với Nga. Cách vịnh Phần Lan có Estonia, Latvia, Luthuania, Belarus

Khoảng từ năm 1100, thì Phần Lan bị Thuỵ Điển và Nga tranh giành. Phần Lan gần như bị Thuỵ Điển kiểm soát đến năm 1809 thì Nga thôn tính hoàn toàn. Cách mạng tháng 10 của Nga nổ ra Phần Lan được độc lập. Từ đó Phần Lan là một nước theo chế độ dân chủ tư bản tự do, nhưng vẫn là một quốc gia nông nghiệp nghèo nàn

Vào tháng 8 năm 1939 Hitler và Stalin ký với nhau Hiệp ước Bất tương xâm Đức - Liên Xô bao gồm cả thoả thuận ngầm Phần Lan thuộc ảnh hưởng của Liên Xô. Việc ký kết vừa xong thì bất ngờ Đức đánh vào Ba Lan. Stalin hiểu càng phải đẩy biên giới của Liên Xô càng xa phía Tây càng tốt nhằm ngăn chặn mối đe doạ của Đức. Do đó vào tháng 10 năm 1939, Liên Xô gửi tối hậu thư yêu cầu bốn nước vùng Baltic: Phần Lan, Estonia, Latvia và Luthuania sát nhập vào Liên Xô duy nhất chỉ có Phần Lan từ chối

Đầu tháng 10 năm 1939 Liên Xô đưa ra hai yêu sách với Phần Lan: Biên giới Liên Xô - Phần Lan ở Eo đất Karelia phải lùi xa Leningrad. Và Phần Lan phải để Liên Xô thiết lập căn cứ Hải quân trên bờ biển phía Nam Phần Lan gần thủ đô Helsinki đồng thời nhượng lại một số đảo nhỏ trong vịnh Phần Lan. Lo sợ nếu nhượng bộ một phần yêu sách sẽ phải tiếp tục nhượng bộ trong tương lai, họ từ chối

Ngày 30 tháng 11 năm 1939 Liên Xô dùng 500.000 quân với hàng ngàn xe tăng, máy bay và pháo binh tối tân. Phần Lan không có xe tăng, máy bay, pháo binh cũng như súng chống tăng. Họ chỉ có súng cá nhân và súng máy nhưng đạn được hạn chế. Họ sử dụng chiến thuật du kích sử dụng ván trượt tuyết để kéo dài trận chiến đấu. Không có một nước nào giúp đỡ họ trong cuộc chiến này cả. Binh lính Phần Lan hiểu họ đang chiến đấu cho gia đình, cho đất nước và nền độc lập. Họ khao khát hy sinh cho nền độc lập của họ. Việc kéo dài chiến tranh làm tổn thất quân lính Liên Xô phục vụ mục đích đàm phán với Liên Xô và chờ sự chi viện các nước đồng minh. Nhưng tất cả lời hứa chi viện đều là lừa phỉnh dối trá, chẳng có quân đội và máy bay nào sẵn sàng cho việc chi viện cả. Yêu sách của Liên Xô để kết thúc chiến tranh là toàn bộ vùng đất của Karelia, số dân ở đây vào khoảng 10% dân số Phần Lan phải rời bỏ Karelia lùi về phần đất còn lại của Phần Lan (giải toả trắng). Cảng Hanko gần Helsinki được Nga sử dụng làm căn cứ hải quân

Đến năm 1941 Phần Lan lại bị cuốn vào chiến tranh thế giới thứ 2 vì họ cũng muốn lấy lại vùng đất Karelia. Đến tháng 7 năm 1944 họ phải đến Moscow để tìm kiếm hoà bình và ký hiệp định mới. Phần Lan trả tiền bồi thường chiến tranh cho Liên Xô 300 triệu đô trong 6 năm. Đó là khoản tiền lớn đối với nền kinh tế nhỏ lẻ chưa công nghiệp hoá của Phần Lan lúc bấy giờ. Rồi chính nghịch cảnh này là động lực cho họ phát triển công nghiệp nặng như đóng tàu, các nhà máy xuất khẩu. Phần Lan phải chấp nhận 20% giao thương thương mại với Liên Xô. Phần Lan nhập khẩu dầu, đầu máy xe lửa, nhà máy điện hạt nhân và kể cả xe Moskvich của Liên Xô. Phần Lan xuất khẩu tàu thuyền, tàu phá băng, hàng tiêu dùng sang Liên Xô. Về phía Liên Xô, Phần Lan là nguồn cung cấp công nghệ và là cửa ngõ của Liên Xô đến với phương Tây

Với họ là một đất nước nhỏ bé và yếu ớt, không nhận được sự giúp đỡ nào từ phương Tây khi bị Liên Xô xâm lược. Do đó việc duy trì sự tin tưởng của Liên Xô đòi hỏi họ phải hạ mình bằng cách hy sinh một số về kinh tế và một số tự do biểu đạt. Họ phải kiểm duyệt để truyền thông không được nói xấu Liên Xô. Họ hiểu rằng Phần Lan sẽ không bao giờ an toàn nếu Liên Xô cảm thấy không an toàn. Trong quan hệ đối ngoại, Phần Lan luôn đi trên dây giữa việc phát triển mối quan hệ với phương Tây đồng thời duy trì tin cậy với Liên Xô. Khi tổng thống của Phần Lan đang được Liên Xô tin cậy thì họ thậm chí thông qua một đạo luật khẩn cấp để gia hạn nhiệm kỳ của tổng thống Kekkonen thêm 4 năm

Đây là một thể chế dân chủ xã hội tự do mà trong nhiều thập niên vẫn duy trì được một mối quan hệ tuyệt hảo và tin cậy với Liên bang Xô Viết trước đây và nước Nga hiện thời mà không phải trở thành một nước đàn em

Phần Lan chỉ là một nước nhỏ, có biên giới dài với Liên Xô. Không thể trông cậy vào các nước đồng minh. Trách nhiệm sống còn của của dân tộc, của đất nước phải tự thân. Nước xa không cứu được lửa gần. Cho dù là một thành viên của EU và từng được mời gia nhập khối NATO nhưng cho đến nay Phần Lan vẫn chỉ bảo lưu lời mời đó. Họ biết rằng nếu họ gia nhập NATO thì chắc chắn Nga không để cho họ được yên ổn

NHÌN VỀ UKRAINE

Năm 1991 Liên Xô Viết tan rã, 12 nước cộng hoà lần lượt được tách ra và tuyên bố độc lập. Ukraine là một trong số các nước cộng hoà đó tách ra từ Liên Xô. Giống như Nga sau khi được tách ra, Ukraine cũng có tình trạng kinh tế trì trệ. Hy vọng kinh tế khởi sắc nhờ việc bắt tay hợp tác với phương Tây và Mỹ. Sự thật Mỹ và phương Tây không hậu thuẫn cho Ukraine phát triển kinh tế trong hoà bình và thịnh vượng. Họ chỉ hậu thuẫn vũ khí quân sự để Ukraine đối đầu với Nga. Ukraine không học được bài học mà Phần Lan đã rút ra: họ sẽ không an toàn nếu Nga không cảm thấy an toàn

Lịch sử không có chữ nếu, nhưng lịch sử mang lại cho chúng ta những bài học. Tại thời điểm Nga chiếm đóng bán đảo Crimea của Ukraine, sau đó sáp nhập vào Nga, nếu Ukraine chấp nhận thực tại như Phần Lan đã từng chấp nhận mất lãnh thổ, đồng thời không có ý định gia nhập vào khối NATO, làm cho Nga không cảm thấy bị mất an toàn thì sẽ không có sự kiện Putin ký sắc lệnh công nhận độc lập hai vùng ly khai Ukraine ngày hôm nay. Chấp nhận thực tại về lãnh thổ, đóng sách vở sang Phần Lan học cách phát triển bên cạnh một nước lớn mà không phải làm đàn em. Tranh thủ nguồn năng lượng giá rẻ của Nga để giảm chi phí đầu vào cho sản xuất công nghiệp. Bài học đầu tiên mà Phần Lan dạy cho Ukraine không phải là phát triển kinh tế mà: Muốn mình an toàn thì đừng để Nga cảm thấy mất an toàn từ mình và nước xa không cứu được lửa gần

Bài học Phần Lan không được áp dụng, nên Ukraine trở thành con tốt trong bàn cờ địa chính trị giữa Nga với Mỹ và các nước phương Tây, để tự mình đứng vào những nước thuộc Thế giới hỗn loạn. Đó là những nước mà tiến hay lùi đều không được nữa. Lưu ý với các bạn rất nhiều nước thuộc Thế giới hỗn loạn có nguyên nhân từ Mỹ mà tôi có thể kể tên: Iraq, Somali, Afghastan, Syria ... Ukraine sẽ không bao giờ thắng Nga trong các cuộc tranh chấp và Mỹ cùng với các nước phương Tây cũng chẳng bao giờ cho phép Ukraine thua tan tác. Họ sẽ tiếp tục hơi thổi ngạt để Ukraine ít nhất cũng sống lâm sàng với mục đích là một cái gai chọc vào sườn của Nga

Lần lượt các nước Đông Âu trong phe CNXH cũ và những nước cộng hoà tách từ Liên Xô trở thành thành viên của EU và gia nhập khối NATO. Rào dậu biên giới, bước đệm để bảo vệ sự tấn công quân sự ngày càng siết chặt nước Nga. Kinh tế giảm sút, tiếng nói trên nghị trường Quốc tế không có giá trị, chỉ còn lại sức mạnh quân sự. Các đòn trừng phạt của Liên minh Châu Âu (EU) liên tục giáng vào Nga làm cho nền kinh tế khó khăn càng khó khăn hơn. Do đó Nga có thể cho rằng nền kinh tế của họ đã nằm ở đáy rồi, họ không còn gì mà mất về mặt kinh tế nữa, mà nếu có mất cũng không đáng kể

Là một Quốc gia đã từng là cường quốc, Nga không thể đứng khoanh tay nhìn bản thân bị siết chặt đến mức ngạt thở. Nga sẽ không chấp nhận việc bị đe doạ về quân sự và kinh tế. Đó là lý do mà Putin ký sắc lệnh công nhận độc lập hai vùng ly khai Ukraine
 
Mỹ trừng phạt giới tài phiệt Nga, 'bỏ quên' những người giàu nhất
Chuyên gia nhận định đòn trừng phạt của Mỹ thể hiện sự ủng hộ mạnh mẽ với Ukraine nhưng không có tác động lớn. Lệnh trừng phạt cũng bỏ qua những người giàu có nhất của Nga

Nhắc tới những nhà tài phiệt (“oligarch”) người Nga, nhiều người dễ hình dung đến những biệt thự xa hoa ở London, những chiếc xe Bentley mạ vàng hay những siêu du thuyền ở biển Địa Trung Hải

Nhưng các lệnh trừng phạt mà Tổng thống Mỹ Joe Biden tung ra trong tuần này, để phản ứng trước khủng hoảng Ukraine, chẳng những ít có khả năng tác động tới lối sống xa xỉ ấy, mà còn khó có thể buộc Nga rút quân, theo nhận định AP

Danh sách trừng phạt của Mỹ hôm 25/2 bao gồm Tổng thống Vladimir Putin và một số ít cá nhân được cho là cố vấn thân cận nhất, bao gồm Ngoại trưởng Sergei Lavrov

Nhưng điều đáng chú ý của danh sách này còn ở những cái tên không xuất hiện trong đó, chẳng hạn hầu hết người Nga giàu có nhất theo danh sách của tạp chí Forbes

Đồng tình, Max Bergmann, viện sĩ cấp cao thuộc Trung tâm vì sự phát triển Mỹ - một tổ chức nghiên cứu chính sách công lập tại Mỹ - cho rằng tài sản của mọi nhà tài phiệt Nga được bảo toàn là nhờ Điện Kremlin

Dù vậy, các chuyên gia nhận định những lệnh trừng phạt được công bố tuần này sẽ làm suy yếu nền kinh tế Nga, và cuối cùng sẽ buộc Điện Kremlin đưa ra những lựa chọn khó khăn về hoạch định ngân sách

“Ông Putin sẽ phải chọn giữa rót tiền vào quân đội hay trả tiền hưu trí cho dân”, ông Bergmann nói. “Như vậy lệnh trừng phạt có mục đích làm giảm quyền lực của ông Putin về lâu dài”

Trong lúc này, giới nhà giàu Nga đang đầu tư vào tiền mã hóa hoặc dùng các chiến lược khác để bảo vệ tài sản, giống những gì họ từng làm để thích ứng với đợt lệnh trừng phạt trước đó từ Mỹ vào năm 2014

“Việc đảm bảo thực thi lệnh trừng phạt vốn dĩ là trò mèo vờn chuột”, Marhsall Billingslea, người từng tham gia xây dựng chính sách trừng phạt dưới thời Trump, nói. “Từ sau Crimea, họ đã có 8 năm để lập ra các cơ chế giúp dòng ngoại tệ mạnh chảy vào Nga được thông suốt”

Edward Fishman, một cựu quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ dưới thời Obama, nhận định động thái trừng phạt ông Putin gửi đi thông điệp mạnh mẽ về sự ủng hộ đối với người Ukraine

Nhưng những đòn trừng phạt này không có hiệu quả thực chất đối với tổng thống Nga. “Không lệnh trừng phạt nào có thể giảm thiểu đáng kể chất lượng cuộc sống của ông Putin”, ông Fishman nói
 
Vatican đề nghị làm trung gian hòa giải cho Nga và Ukraine
Vatican kêu gọi Nga hãy ngừng chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine và ngồi vào bàn đàm phán trong nỗ lực chấm dứt xung đột thông qua hòa giải, và Giáo hoàng Francis sẵn sàng làm trung gian cho nỗ lực này

pope-30.jpg

Giáo hoàng Francis của Giáo hội Công giáo La Mã

Trong tuyên bố hôm 28.2, Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Tòa Thánh, lên tiếng kêu gọi chính quyền Moscow hãy chấm dứt chiến dịch tại quốc gia Đông Âu

“Tòa Thánh, trong những năm gần đây thường xuyên theo dõi tình hình Ukraine, kín đáo và sự quan tâm sâu sắc, đề nghị bắc cầu đối thoại với Nga. Tòa Thánh luôn sẵn sàng giúp đỡ hai bên nối lại con đường này”, theo Đức Hồng Y

Ukraine liên tục hoan nghênh đề nghị trên của Vatican. Ông Andrei Yurash, Đại sứ Ukraine phụ trách quan hệ ngoại giao với Tòa Thánh, gọi Vatican là một nơi vô cùng có ảnh hưởng cho một cuộc gặp hòa giải

Ngày 25.2, Giáo hoàng Francis đã đến đại sứ quán Nga phụ trách quan hệ ngoại giao với Tòa Thánh để bày tỏ những lo ngại về tình hình đang xảy ra tại Ukraine

Đây được cho là lần đầu tiên một giáo hoàng đến một sứ quán nước ngoài trong thời gian xảy ra xung đột vũ trang. Trong những trường hợp khác, Phủ Quốc vụ khanh của Tòa Thánh thường triệu tập các đại sứ

Theo ông Matteo Bruni, Giám đốc phòng Báo chí Tòa Thánh, Giáo hoàng Francis đã lưu lại tại trụ sở cơ quan ngoại giao của Nga khoảng 30 phút. Tuy nhiên, lúc đó ông Bruni không đưa ra bình luận về thông tin cho rằng giáo hoàng muốn Vatican đóng vai trò hòa giải giữa Ukraine và Nga

Tối 28.2 (giờ Việt Nam), giới chức Nga và Ukraine kết thúc cuộc đàm phán ở Belarus, trong khi chiến dịch quân sự của Moscow ở Ukraine bước sang ngày thứ 5. Hai bên quay về thủ đô của họ để tiếp tục các cuộc tham vấn trước khi bắt đầu vòng đàm phán mới. Chưa có thông tin chính thức về kết quả cuộc đàm phán này

Sáng nay (1.3, giờ Việt Nam), Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho hay sẽ phân tích các kết quả đang được phái đoàn nước ông mang về Kyiv. Ông nói rằng cho đến nay Ukraine vẫn chưa nhận được kết quả mong muốn. Tuy nhiên, ông Zelensky đề cập về “một số tín hiệu”, nhưng ông không nói rõ là gì
 
Hơn 1 triệu người di tản khỏi Ukraine, Nhật hứa nhận người tị nạn
Liên Hợp Quốc thống kê, hơn 1 triệu người Ukraine đã rời bỏ đất nước đi lánh nạn kể từ khi Nga mở chiến dịch tấn công quân sự vào nước láng giềng

"Chỉ trong 7 ngày, chúng tôi đã chứng kiến cuộc di tản của 1 triệu người tị nạn từ Ukraine sang các nước láng giềng. Đối với nhiều triệu người khác đang ở trong lãnh thổ Ukraine, đã đến lúc tiếng súng im bặt để công tác hỗ trợ nhân đạo cứu người có thể diễn ra", Filippo Grandi, Cao ủy Liên Hợp Quốc về người tị nạn viết trên Twitter tối 2/3


Hành khách cố chen lên một chuyến tàu chuẩn bị rời nhà ga Lviv, phía tây Ukraine đi Slovakia ngày 2/3

Theo AP, số liệu thống kê từ đại diện cơ quan tị nạn của Liên Hợp Quốc tương đương hơn 2% dân số Ukraine đã bị buộc phải rời khỏi đất nước trong vòng chưa đầy một tuần kể từ khi Nga tấn công

Cuộc di tản quy mô lớn có thể thấy rõ ở Kharkiv, nơi những người dân tuyệt vọng đang tìm chỗ trú ẩn trước các đợt "mưa bom", pháo kích trút xuống thành phố. Ga tàu ở trung tâm Kharkiv chật cứng người và ai cũng cố gắng lên được các chuyến tàu dù họ không phải lúc nào cũng biết chúng sẽ đi về đâu


Đám đông người tị nạn từ Ukraine xuống tàu ở Przemysl, Ba Lan

BBC đưa tin, những người tị nạn đang tìm cách vượt qua biên giới Ukraine đến các nước láng giềng ở phía tây như Ba Lan, Romania, Slovakia, Hungary và Moldova

Liên minh châu Âu (EU) ước tính, có tới 4 triệu người ở Ukraine có thể đang tìm kiếm cơ hội được sơ tán. EU đã nới lỏng các quy định về người tị nạn, đồng thời khẳng định các nước thành viên liên minh sẽ chào đón những người trốn chạy chiến tranh từ Ukraine với "vòng tay rộng mở"


Hàng trăm nghìn người tị nạn từ Ukraine đang tìm cách vượt biên sang các nước láng giềng

Thủ tướng Nhật Kishida Fumio ngày 2/3 cũng tuyên bố, nước này sẽ đón nhận những người tị nạn Ukraine như "sự thể hiện tình đoàn kết với người dân Ukraine vào một thời điểm cấp bách như hiện tại". Theo báo Guardian, động thái là sự thay đổi lớn vì đất nước mặt trời mọc lâu nay thường chỉ chấp thuận vài chục trường hơn xin tị nạn mỗi năm

Hiện chưa rõ có bao nhiêu người Ukraine sẽ cân nhắc xin tị nạn ở Nhật hoặc họ sẽ được phép lưu lại trong bao lâu. Phát biểu trước các phóng viên sau một cuộc điện đàm với Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki, ông Kishida nói, những trường hợp có người thân hoặc bạn bè ở Nhật sẽ được ưu tiên hơn

"Tuy nhiên, chúng tôi sẽ không dừng lại ở đó và sẽ phản hồi các trường hợp đăng ký tị nạn khác từ góc độ nhân đạo. Tình hình Ukraine đang căng thẳng, người tị nạn ngày càng đông. Chúng tôi sẽ chuẩn bị để xử lý tình huống này trong thời gian sớm nhất", Thủ tướng Nhật cho biết thêm

Theo nhà chức trách Nhật, những người tị nạn Ukraine sẽ không bị tính vào con số 5.000 người, bao gồm cả các công dân Nhật hồi hương, được phép nhập cảnh vào đất nước mỗi ngày theo các hạn chế biên giới để phòng chống Covid-19
 
Top