What's new
Vietnam - Điện Biên Phủ Kinh Tế

This is a sample guest message. Register a free account today to become a member! Once signed in, you'll be able to participate on this site by adding your own topics and posts, as well as connect with other members through your own private inbox!

Cờ Vây Lobby.vn

Trung Quốc chuẩn bị kiềm chế thuật toán của các hãng công nghệ lớn
Theo South China Morning Post, Cơ quan Quản lý Không gian mạng Trung Quốc (CAC) hôm 27.8 đã đưa ra bản dự thảo các quy tắc mới 30 điểm chi tiết để “điều chỉnh hoạt động đề xuất dựa vào thuật toán trên internet”, bao gồm tổng hợp nội dung, đề xuất được cá nhân hóa và xếp hạng tìm kiếm. Động thái này diễn ra khi Bắc Kinh đang nỗ lực chuyển hướng sự chú ý của mọi người đến những nội dung trực tuyến mà nhà nước cho là phù hợp với nhu cầu rộng rãi của công chúng. Bản dự thảo đang được trưng cầu ý kiến phản hồi của công chúng cho đến ngày 26/9

“Quy định được đề xuất hiện là bộ tiêu chuẩn hoàn chỉnh nhất để điều chỉnh khuyến nghị thuật toán ở Trung Quốc. Sự ra đời của nó là phản ứng đối với các mối quan tâm xã hội. Công nghệ thuật toán giúp thúc đẩy phát triển kinh tế, nhưng nó cũng gây ra nhiều vấn đề, chẳng hạn việc sử dụng phân tích dữ liệu lớn để định giá sản phẩm gây bất lợi cho người dùng”, Liu Wenjie, Giáo sư luật tại Đại học Truyền thông Trung Quốc ở Bắc Kinh, nói

tno-tq-chuan-bi-kiem-che-thuat-2910-7722-1630244097.jpg

Bản dự thảo quy định về thuật toán đang được trưng cầu ý kiến phản hồi của công chúng cho đến ngày 26/9

Cùng với quy định thuật toán, CAC cũng công bố một thông báo gồm 10 điểm chi tiết yêu cầu các trang web, ứng dụng của Trung Quốc ngừng cho người nổi tiếng tiếp xúc quá nhiều và cấm người hâm mộ của họ thành lập các câu lạc bộ trực tuyến. Cơ quan này đã bắt đầu một chiến dịch để xóa các cảnh báo ứng dụng, đặc biệt nghiêm cấm những thông tin về người nổi tiếng nói chuyện phiếm, bạo lực và nội dung thô tục

Những sáng kiến trên cho thấy sức mạnh và phạm vi tiếp cận rộng lớn của chính quyền Bắc Kinh trong việc kiểm tra cách các thuật toán định hình cuộc thảo luận, cũng như xu hướng trực tuyến tại thị trường điện thoại thông minh và internet lớn nhất thế giới. Một điều khoản chính trong dự thảo là cho phép người dùng có tùy chọn từ chối các đề xuất do thuật toán tạo ra. Theo dự thảo, nhà cung cấp dịch vụ “sẽ phải dừng ngay lập tức” khuyến nghị cá nhân hóa khi người dùng từ chối hoạt động đó

Ngoài ra, quy định được đề xuất cũng đặt ra trách nhiệm pháp lý bổ sung đối với chủ sở hữu thuật toán, kêu gọi các nhà cung cấp dịch vụ “có khả năng tác động đến dư luận” đăng ký thuật toán với cơ quan quản lý trong vòng 10 ngày làm việc sau khi các quy tắc mới có hiệu lực. Các nhà cung cấp dịch vụ cũng cần duy trì “ghi chú đề xuất dịch vụ thuật toán” trong ít nhất sáu tháng và đưa cho cơ quan quản lý khi cần thiết

Theo luật sư Xia Hailong ở công ty luật Shanghai Shenlun Law Firm, những nền tảng có ảnh hưởng lớn đến dư luận và quần chúng, ví dụ như Weibo và trang tổng hợp tin tức Jinri Toutiao, phải trải qua đánh giá bảo mật sau khi đăng ký. Các cơ quan quản lý không gian mạng cấp tỉnh và thành phố của Trung Quốc được trao quyền điều tra, trừng phạt bất kỳ vi phạm hoặc hành vi sai trái nào theo quy định được đề xuất trong khu vực hành chính tương ứng của họ

Có một điểm đáng chú ý là dự thảo yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ thuật toán phải “lan tỏa năng lượng tích cực”, không được sử dụng để khuyến khích sự ham mê và chi tiêu quá mức. Bên cạnh các nhà cung cấp nội dung trực tuyến, quy định được đề xuất cũng hướng dẫn các công ty tránh tham gia vào việc phân biệt đối xử theo thuật toán. Đây là một thực tế phổ biến giữa các nền tảng trực tuyến ở Trung Quốc, nơi họ thường cung cấp các mức giá khác nhau cho người dùng khác nhau, dựa trên sự xác định của thuật toán về mức độ sẵn sàng chi trả của người dùng

Dự thảo quy định về thuật toán mới cùng với luật Bảo mật dữ liệu và luật Bảo vệ thông tin cá nhân nhiều khả năng sẽ khiến các hãng công nghệ ở Trung Quốc khó tiếp cận và sử dụng thông tin người dùng. Việc hạn chế vai trò của các thuật toán cũng có thể dẫn đến mức phí hành chính cao hơn cho các nhà cung cấp nội dung trực tuyến, bao gồm nhà cung cấp video, trò chơi, mua sắm trực tuyến, ăn uống và các hoạt động giải trí
 
Big Tech Mỹ chi mạnh để vận động hành lang ở Châu Âu
Dẫn đầu trong danh sách công ty chi nhiều tiền nhất để vận động hành lang ở châu Âu là Google, theo sau là Facebook, Microsoft, Apple, Huawei, Amazon...

140624.jpg

Alphabet (công ty mẹ của Google), Facebook và Microsoft là ba công ty chi tiêu nhiều tiền nhất để vận động hành lang tại Liên minh châu Âu (EU), trong cuộc chiến chống lại những bộ luật mới nhằm vào các hãng công nghệ khổng lồ (Big Tech) của Mỹ, hãng tin Reuters dẫn một nghiên cứu mới đây cho biết

Nghiên cứu trên được thực hiện bởi hai tổ chức theo dõi hoạt động hành lang ở châu Âu Corporate Europe Observatory và LobbyControl

Các nhà nghiên cứu cho rằng nỗ lực vận động hàng lang của các hãng công nghệ Mỹ nên là hồi chuông cảnh tỉnh cho giới lập pháp EU để cũng cố hơn nữa các dự thảo luận cũng như những quy định về vận động hành lang

Lĩnh vực công nghệ thậm chí vượt qua lĩnh vực dược phẩm, nhiên liệu hóa thạch, hóa chất - những ngành từng thống trị về mức chi tiêu cho việc vận động hành lang ở EU

"Mức chi cho vận động hành lang của các đại gia công nghệ cũng như ngành công nghệ nói chung cho thấy vai trò ngày càng lớn của họ trong xã hội”, nghiên cứu chỉ ra. “Điều này rất đáng lưu tâm và gây lo ngại rằng các nền tảng công nghệ có thể sử dụng sức mạnh này để đảm bảo rằng tiếng nói của họ được lắng nghe - thay vì tiếng nói từ bên phản biện - trong việc xây dựng những quy định mới nhằm điều chỉnh giới công nghệ”

Theo nghiên cứu này, 612 công ty, tổ chức và hiệp hội chi hơn 97 triệu Euro (tương đương hơn 114 triệu USD) một năm để vận động hành lang trong quá trình xây dựng chính sách kinh tế số ở châu Âu. Con số này được đưa ra dựa trên dữ liệu do các công ty nộp lên cơ quan Đăng ký Minh bạch do Ủy ban Liên minh Châu Âu vận hành trong 12 tháng tính tới giữa tháng 6/2021

Trong đó, Google dẫn đầu với mức chi 5,75 triệu Euro, theo sau là Facebook và Microsoft với lần lượt 5,5 triệu USD và 5,25 triệu USD. Apple đứng vị trí thứ 4 với 3,5 triệu USD, tiếp đến là hãng công nghệ Trung Quốc Huawei với 3 triệu Euro. Còn hãng thương mại điện tử Amazon chi 2,75 triệu USD để vận động hành lang, đứng vị trí thứ 6

Theo nghiên cứu trên, hoạt động vận động hành lang của các hãng công nghệ tập trung vào 2 dự thảo luật chính: Đạo luật Thị trường kỹ thuật số (DMA) và Đạo luật Dịch vụ kỹ thuật số (DSA)

DMA nhắm đến các hãng công nghệ có doanh thu hàng năm trên 6,5 tỷ Euro tại châu Âu trong 3 năm gần nhất, có giá trị thị trường trên 65 tỷ USD và cung cấp một dịch vụ nền tảng cốt lõi ở ít nhất 3 quốc gia EU, cùng một số tiêu chí khác

Dự thảo luật này đưa ra một loạt yêu cầu với các đại gia công nghệ, bao gồm chia sẻ một số dữ liệu nhất định với đối thủ và cơ quan quản lý, báo cáo các thương vụ sáp nhập... Các công ty này cũng bị hạn chế một số điều như không ưu tiên các dịch vụ riêng trên nền tảng của mình. Các nhà làm luật cũng kêu gọi áp mức phạt tới 10% doanh thu toàn cầu hoặc thậm chí phải chia tách hoạt động kinh doanh nếu các công ty này không tuân thủ

Trong khi đó, DSA nhắm đến các nền tảng trực tuyến có trên 45 triệu người dùng. Theo dự thảo luật này, các nền tảng phải tìm cách xử lý những nội dung bất hợp pháp, kiểm soát hành vi thao túng trên nền tảng gây ảnh hưởng tới kết quả bầu cử, lan truyền tin giả... Các công ty có thể bị phạt tới 6% doanh thu toàn cầu nếu vi phạm

Nghiên cứu của Corporate Europe Observatory và LobbyControl cảnh báo về việc giới công nghệ tiếp cận sâu trong quá trình xây dựng DMA và DSA khi các bên vận động hành lang tham gia vào 3/4 trong số 270 cuộc họp của quan chức Ủy ban châu Âu về hai dự thảo luận này

Nghiên cứu cũng cảnh báo về vai trò của các hiệp hội kinh doanh, hiệp hội thương mại, viện nghiên cứu hay thậm chí các đảng phái chính trị trong việc thúc đẩy lập trường của ngành công nghệ trong quá trình xây dựng luật
 
Trung Quốc sẽ xây sàn chứng khoán nuôi dưỡng hãng công nghệ nhỏ và vừa trong nước
Trung Quốc sẽ hình thành thị trường chứng khoán mới nhằm giúp các công ty nhỏ và vừa (SME) theo đuổi các ngành công nghệ mới. Kế hoạch này được công bố vào thời điểm chính phủ đang gia tăng trấn áp, thu hẹp sức ảnh hưởng của đại gia công nghệ. Chỉ riêng hai đại gia Alibaba và Tencent đã mất 330 tỉ đô la giá trị vốn hóa kể từ cuối năm 2020 – tức tương đương 13 lần quy mô GDP của Campuchia cùng năm. Các hãng này buộc phải xông pha đất khách để sống còn

Nuôi dưỡng “tiểu công nghệ”

“Chúng ta sẽ tiếp tục hỗ trợ việc sáng tạo và phát triển SME, tăng cường đổi mới, tạo ra một sàn giao dịch mới là Sở giao dịch chứng khoán Bắc Kinh”, Chủ tịch Tập Cận Bình phát biểu qua một video nhân Hội chợ thương mại quốc tế Trung Quốc về dịch vụ đang diễn ra ở thủ đô trong ngày hôm qua

Baidu@HKEX-e1630637421996.jpg

Lễ khai trương sự kiện niêm yết lần đầu (IPO) của công ty Baidu trên sàn chứng khoán Hồng Kông năm 2019
Ông Tập đã không nói rõ các chi tiết hoặc khung thời gian cho thị trường trong tương lai này. Nếu được thành lập, đây sẽ là thị trường chứng khoán thứ ba tại đất nước khổng lồ này, sau hai sàn ở Thượng Hải và Thâm Quyến

Ông cũng cam kết sẽ mở rộng hợp tác trong lĩnh vực này với các nước đang tham gia sáng kiến “nhất đới nhất lộ” nhằm xây dựng cơ sở hạ tầng tại các nước với vốn từ Trung Quốc. Ông cũng nói rằng Trung Quốc sẵn sàng chia sẻ các cơ hội phát triển của ngành dịch vụ mới với tất cả các nước nhằm thúc đẩy kinh tế toàn cầu hồi phục và tăng trưởng

Các thị trường chứng khoán ở Trung Quốc đã đạt quy mô lớn hơn và thăng hạng trong các bảng tổng sắp toàn cầu cả về số công ty niêm yết lẫn vốn hóa kể từ khi hai thị trường Thượng Hải và Thâm Quyến hình thành năm 1990. Sự phát triển của hai thị trường này đi song song với tốc độ phát triển nhanh chóng của nền kinh tế Trung Quốc trong ba thập niên qua

Sàn Thượng Hải hiện là thị trường chứng khoán lớn thứ ba thế giới, với mức vốn hóa 7.620 tỉ đô la tính đến cuối tháng 6 vừa rồi, theo thống kê của trang Statista. Với vốn hóa 5.760 tỉ đô la, sàn Thâm Quyến đứng thứ tư sau vị trí số 3 của Hồng Kông với vốn hóa 6.810 tỉ đô la

Nhiều năm qua, Trung Quốc đã áp dụng các quy định theo chuẩn Nasdaq ở cả hai sàn chứng khoán dành cho các hãng công nghệ là STAR Market ở Thượng Hải và ChiNext ở Thâm Quyến. Các cố gắng này nhằm giúp các công ty khởi nghiệp công nghệ có thể gọi vốn. Các sàn này cũng thu hút các công ty công nghệ lớn nhất đất nước niêm yết sau khi chính phủ Mỹ siết chặt quy định đối với hãng từ đại lục. Những cái tên lớn gần đây là hãng chất bán dẫn SMIC và hãng viễn thông China Telecom

Dù lĩnh vực dịch vụ ở Trung Quốc chỉ chiếm phần nhỏ trong trao đổi hàng hóa, nhưng thị trường đang phát triển nhanh, với động cơ tăng trưởng là du lịch và các dịch vụ có hàm lượng chất xám cao

Trước khi dịch Covid-19 bùng phát, tổng giá trị của các dịch vụ liên quan đến du lịch đạt 5,410 tỉ nhân dân tệ (838 tỉ đô la) trong năm 2019, tăng 23% so với tổng giá trị 4.390 tỉ nhân dân tệ của năm 2016. Nhưng các dịch vụ này đã lao dốc trong sáu tháng đầu 2020 xuống còn 4.560 tỉ nhân dân tệ, giảm 16%. Tổng giá trị thương mại của hàng hóa vật lý giảm 14%, mức độ lớn thứ hai thế giới chỉ sau Mỹ

Sự lao dốc của các dịch vụ liên quan đến du lịch được bù đắp bởi tăng trưởng của các dịch vụ thâm dụng công nghệ, chiếm 45% tổng giá trị. Các dịch vụ này gồm viễn thông, công nghệ thông tin và quyền sở hữu trí tuệ, với các tập đoàn như Alibaba Group Holding hay Huawei Technologies đứng sau

Các thông điệp mâu thuẫn

Trong bài phát biểu, ông Tập nói rằng Bắc Kinh sẽ xây dựng các khu vực mẫu (demo) để thúc đẩy phát triển sáng tạo trong lĩnh vực thương mại điện tử và lập danh sách các dịch vụ xuyên biên giới trên cả nước. Hồi tháng 8 vừa rồi, Trung Quốc đã công bố danh sách dự án cảng tự do thương mại Hải Nam, nhằm biến nơi này thành thị trường có tầm cỡ khu vực về dịch vụ tài chính và các dịch vụ xuyên biên giới khác

Thông điệp từ bài phát biểu mới của ông Tập đang phủ mây mù lên nền kinh tế công nghệ ở Trung Quốc. Bởi nó trái ngược hoàn toàn với tình hình nhà nước đang ra sức “tảo thanh” hay “dọn cỏ” trong lĩnh vực công nghệ và giải trí

Chỉ một ngày trước đó, hôm 1-9 nhà chức trách Trung Quốc đã triệu tập cuộc họp với 11 ứng dụng gọi xe ở nước này để buộc các hãng phải cải thiện điều kiện làm việc và thù lao của tài xế và đối tác bán hàng trên các nền tảng này

Trước đó nữa, hôm 31-8 cơ quan quản lý đã ra lệnh cấm người dưới 18 tuổi chơi game trực tuyến quá ba giờ mỗi tuần với giải thích rằng “ngăn chứng nghiện game và biến đổi tâm lý ở trẻ” – theo Caixin. Quyết định này khiến các công ty game trực tuyến lớn nhất nước thất vọng. Hồi đầu tháng 8 rồi, trước áp lực của chính phủ, Tencent tuyên bố sẽ hạn chế trẻ dưới 12 tuổi mua hàng trong kho ứng dụng game. Tencent cũng giới hạn thời gian cho những người chơi dưới 18 tuổi với tựa game hàng đầu Honor of Kings

Cũng đầu tháng 8, Trung Quốc cũng cấm cửa ngành công nghệ dạy kèm trực tuyến của nước này có giá trị đến 70,25 tỉ đô la trong năm 2020 – theo dữ liệu iiMedia Research

Đại gia công nghệ bỏ chạy

Những động thái trừng phạt đối với tỷ phú Jack Ma và đế chế Alibaba, cùng các tập đoàn công nghệ lớn khiến các hãng này đem vốn ra nước ngoài. Dù rằng đã tuyên bố dành 50 tỉ nhân dân tệ, khoảng 7,7 tỉ đô la, cho chương trình “thịnh vượng chung” của chính phủ, Tencent cũng đang tìm cách tìm kiếm những chân trời phát triển mới

Tencent tăng vốn đầu tư vào startup nước ngoài trong năm nay lên gấp 7 lần so với năm trước. Tập đoàn đa ngành về mạng xã hội, trò chơi và công nghệ tài chính đã ký kỷ lục 16 hợp đồng đầu tư mới ở châu Âu trong sáu tháng đầu năm 2021, nâng tổng số dự án quốc tế của tập đoàn lên 34 – theo dữ liệu của Refinitiv. Trong khi đó, cùng kỳ năm 2020 họ chỉ có 4 dự án và cùng kỳ năm 2019 chỉ 3 dự án

“Các quy định siết chặt hơn và tỷ lệ tăng trưởng nội địa giảm đã buộc các hãng tìm kiếm thị trường nước ngoài”, nhà phân tích về game Daniel Ahmad thuộc hãng Niko Partners nói với Nikkei Asia

Phần lớn các hợp đồng của Tencent ở châu Âu là trong lĩnh vực game. Hãng con ở Anh của Miniclip thuộc Tencent đã mua công ty thiết kế Gamebacis ở Hà Lan vào tháng 1-2021. Miniclip cũng mua phần lớn cổ phần trong hãng thiết kể Green Horse Games ở Romania hồi tháng 2. Ngoài ra, Tencent cũng rải tiền ở nhiều series gọi vốn của các startup ở Singapore, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc và Úc trong nửa đầu năm 2021

“Lợi nhuận trong mảng game quốc tế của Tencent tăng nhanh hơn mảng ở nội địa và giờ đây đóng góp 25% doanh số trò chơi trực tuyến của tập đoàn. Chúng ta sẽ thấy nhiều dự án đầu tư hơn trong thời gian tới”, nhà phân tích Wium Malan thuộc hãng Propitious phát biểu

Phần lớn các hợp đồng thu mua hay sáp nhập ở châu Âu được Tencent thực hiện khá kín đáo, thông qua các công ty con ở nước ngoài để tránh bị săm soi. Chẳng hạn như mua nhà phát triển game Crytek ở Đức vào mùa hè này

“Mối lo ngại về công nghệ của Trung Quốc đang làm các nước lo lắng và gây khó cho hoạt động của Tencent ở các thị trường Mỹ, châu Âu và Úc. Sáp nhập các công ty qua nhiều tầng nấc khác nhau sẽ ít bị chú ý hơn và được tiến hành rất thận trọng”, theo lời Mark Natkin, nhà sáng lập hãng tư vấn Marbridge đặt trụ sở ở Bắc Kinh

Các động thái thầm lặng đó sẽ giúp Tencent không cần phải tốn tiền để gầy dựng thương hiệu mới, đồng thời giúp cho các công ty sáp nhập đạt được sự hoàn hảo vốn có, luôn hấp dẫn Tencent – nhà phân tích Daniel Ahmad ghi nhận

Chủ tịch Martin Lau của Tencent đã cảnh báo tại cuộc họp các nhà đầu tư vào tháng 8 vừa rồi rằng nhà chức trách sẽ gia tăng áp lực với các công ty công nghệ ở Trung Quốc. “Môi trường quản lý chặt hơn ở Trung Quốc có khi là tác nhân thúc đẩy Tencent ký kết các hợp đồng quốc tế nhiều hơn”, giám đốc Kevin Ho thuộc hãng đánh giá tín dụng Fitch Ratings nhận định
 
Alibaba 'trả lại xã hội' 15 tỷ USD


Văn phòng của tập đoàn Alibaba tại Bắc Kinh, Trung Quốc

Theo báo South China Morning Post (SCMP), đây là khoản đóng góp lớn nhất của một doanh nghiệp nhằm đáp lại lời kêu gọi của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình

Hồi tháng trước, trong cuộc họp do ông Tập chủ trì, các lãnh đạo cấp cao của Trung Quốc cam kết điều chỉnh các thu nhập quá mức, ngăn chặn thu nhập bất hợp pháp và thúc giục các cá nhân và doanh nghiệp giàu có "trả lại cho xã hội"

Số tiền 100 tỉ nhân dân tệ (khoảng 15,5 tỉ USD) do Alibaba đóng góp sẽ được giải ngân trước năm 2025 nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ, thúc đẩy phát triển các vùng nông thôn và cải thiện phúc lợi cho người lao động như nhân viên giao hàng, tài xế...

Alibaba cũng sẽ thành lập quỹ "phát triển thịnh vượng chung" trị giá 20 tỉ USD trích từ 100 tỉ nhân dân tệ nêu trên

Ông Li Chengdong, một chuyên gia về thương mại điện tử, tin rằng việc Alibaba đóng góp khoản tiền lớn như vậy là do công ty này đang đối mặt với nhiều áp lực pháp lý và chỉ trích

Alibaba và nhà sáng lập công ty này, tỉ phú Jack Ma nằm trong số những doanh nghiệp, doanh nhân giàu nhất Trung Quốc

Mối quan hệ giữa tập đoàn này với các chính trị gia đã bị đặt vào tầm ngắm sau khi Bí thư Thành ủy Hàng Châu Chu Giang Dũng bị điều tra

Thành phố Hàng Châu là nơi đặt trụ sở của Alibaba và Ant Group, một công ty tài chính cũng do Jack Ma sáng lập. Hàng Châu còn là thủ phủ của tỉnh Chiết Giang, nơi ông Tập từng làm lãnh đạo và đang triển khai kế hoạch thí điểm đạt được sự thịnh vượng chung cho toàn Trung Quốc

"Đã có những chỉ trích là các công ty Internet như Alibaba kiếm được quá nhiều tiền. Số tiền 100 tỉ nhân dân tệ này là thông điệp không chỉ cho chính phủ mà còn cho công chúng", ông Li nêu quan điểm với SCMP - một tờ báo thuộc Alibaba

Tencent, nhà phát hành game online lớn nhất thế giới, hồi tháng trước đã cam kết đóng góp 7,7 tỉ USD cho mục tiêu "thịnh vượng chung". Các nền tảng khác như Pinduoduo và Meituan cũng cam kết trả lại cho xã hội nhiều hơn

Theo giới quan sát, việc các công ty công nghệ mở hầu bao là điều dễ hiểu trong bối cảnh chính quyền Trung Quốc đang đặt họ vào tầm ngắm

Tháng 4 năm nay, Alibaba bị phạt số tiền kỷ lục 2,8 tỉ nhân dân tệ sau cuộc điều tra chống độc quyền quy mô lớn tại Trung Quốc. Tencent cũng chịu các áp lực phải kiểm soát người chơi game online và bảo vệ quyền riêng tư của người dùng
 
Ứng dụng gọi xe lớn nhất thế giới Didi Chuxing trở thành 'doanh nghiệp nhà nước
Từ startup triển vọng trở thành ngôi sao sáng trên sàn giao dịch chứng khoán, Didi Chuxing giờ đây sắp thành "doanh nghiệp nhà nước" sau đề xuất của Bắc Kinh

photo1630721825677-1630721825811439153934.jpg

Nguồn tin của Bloomberg cho biết, chính quyền thành phố Bắc Kinh, Trung Quốc đang đề xuất rót một khoản đầu tư vào Didi Global để biến đây thành công ty thuộc sở hữu của nhà nước

Theo đề xuất sơ bộ này, Shouqi Group - một phần Beijing Tourism Group và một vài công ty khác có trụ sở ở Bắc Kinh sẽ mua cổ phần Didi. Các kịch bản đang được xem xét bao gồm nhóm nhà đầu tư nhà nước sẽ chiếm được cái gọi là "cổ phần vàng" với quyền phủ quyết và một ghế trong hội đồng quản trị. Cổ phiếu của Didi hiện đang được giao dịch trên sàn Mỹ đã tăng 7,5% trong phiên giao dịch ngày thứ 6. Hiện chưa rõ chính quyền Bắc Kinh đang nhắm tới việc mua bao nhiêu cổ phần của công ty này và liệu đề xuất đó sẽ được chấp thuận bởi các cấp chính quyền cao hơn hay không

Didi hiện đang bị kiểm soát bởi nhóm lãnh đạo gồm các đồng sáng lập Cheng Wei và Chủ tịch Jean Liu. Cả hai nhận quyền biểu quyết tổng cộng 58% sau khi công ty IPO tại Mỹ. Softbank và Uber cũng là những cổ đông lớn của Didi

Đại diện của Didi hiện chưa phản hồi về câu hỏi của Bloomberg. Chính quyền Bắc Kinh cũng chưa đưa ra bình luận về vấn đề này

Đề xuất của Bắc Kinh có thể sẽ đòi hỏi phải mua một lượng lớn cổ phần của Didi hoặc một cổ phần danh nghĩa kèm theo "cổ phần vàng" và ghế hội đồng quản trị. Mô hình thứ hai sẽ giống với khoản đầu tư trước đó của chính phủ vào chi nhánh Trung Quốc của ByteDance, đơn vị này đã trao cho pháp nhân nhà nước quyền phủ quyết đối với các quyết định quan trọng

Đề xuất thâu tóm Didi tới trong thời điểm hàng loạt hình phạt được chính quyền Trung Quốc đưa ra nhằm kiểm soát ứng dụng gọi xe đứng đầu cả nước. Trước đó, Cục Không gian mạng Trung Quốc (CAC) đã đề cập tới "những vấn đề nghiêm trọng" liên quan tới việc thu thập dữ liệu cá nhân trái phép của Didi Chuxing. Ngoài ra họ cũng chỉ đạo cho Didi Chuxing phải ngay lập tức giải quyết các vấn đề này để "đảm bảo an toàn thông tin cá nhân cho người dùng

Những gì Didi đang trải qua thuộc chuỗi các hành động của cơ quan chức năng nhằm kiềm chế các công ty công nghệ lớn của Trung Quốc - những doanh nghiệp vốn đã trở thành trung tâm của cuộc sống hàng ngày cho hơn một tỷ người. Điều này cũng để nhằm khẳng định rằng chính phủ Trung Quốc sẽ kiểm soát nhiều hơn đối với dữ liệu mà các công ty này nắm giữ. Trung Quốc đã chuyển từ một trong những chế độ kiểm soát dữ liệu lỏng lẻo nhất trên thế giới sang một trong những chế độ dữ liệu được quy định chặt chẽ nhất thế giới, bắt đầu với luật an ninh mạng vào năm 2017, thắt chặt kiểm soát của Bắc Kinh đối với các luồng dữ liệu

Điều đáng nói là vận đen tới với Didi chỉ vài ngày sau khi Didi huy động được khoảng 4,4 tỷ USD sau khi IPO tại Mỹ
 
Sea muốn huy động 6,3 tỷ USD, thương vụ vốn cổ phần lớn nhất toàn cầu năm 2021

photo1631173880142-16311738949061000646209.jpg

Sea, công ty Singapore đang nhắm đến mục tiêu huy động 6,3 tỷ USD trong đợt phát hành cổ phần lớn nhất năm 2021, một thoả thuận sẽ thúc đẩy việc mở rộng toàn cầu và mua lại của công ty lớn nhất Đông Nam Á

Công ty thương mại điện tử và trò chơi trực tuyến được hậu thuẫn bởi Tencent Holdings đang chào bán 11 triệu cổ phiếu, trị giá khoảng 3,8 tỷ USD, đồng thời có ý định phát hành 2,5 tỷ USD trái phiếu chuyển đổi. Cổ phiếu Sea đã tăng hơn 70% trong năm nay

Công ty có giá trị nhất khu vực Đông Nam Á đã nhanh chóng mở rộng thị phần trong lĩnh vực thương mại điện tử và trò chơi trong thời kỳ đại dịch (nổi tiếng với tựa game bắn súng Free Fire và ứng dụng mua sắm trực tuyến Shopee). Vào tháng 8, Forrest Li, người sáng lập công ty đã trở thành người giàu nhất Singapore sau khi cổ phiếu Sea tăng mạnh

"Sea đang có kế hoạch mở rộng, đặc biệt ở các thị trường mới như thương mại điện tử ở Mỹ - Latinh và giao hàng thực phẩm tại Đông Nam Á", Sachin Mittal, phân tích của DBS Group Holdings cho biết

"Sự cạnh tranh đang được tăng cường và việc giành được thị phần mà điều quan trọng nhất"

Riêng việc bán 11 triệu cổ phiếu của Sea sẽ là đợt chào bán cổ phần lớn nhất kể từ khi công ty thương mại điện tử Pinduoduo của Trung Quốc huy động 4,1 tỷ USD. Bao gồm cả lượng trái phiếu chuyển đổi, quy mô huy động sẽ là lớn nhất kể từ T-Mobile US Inc (tháng 6/2020)

Thoả thuận được sắp xếp bởi Goldman Sachs, JPMorgan và BofA đến vào thời điểm phát hành xuyên biên giới đến từ châu Á hồi sinh. Nio hôm thứ Ba đã công bố kế hoạch huy động 2 tỷ USD trong đợt chào bán lớn tại Mỹ của một công ty Trung Quốc kể từ Didi Global


Vốn hoá của Sea hiện ở mức 185 tỷ USD

Vào tháng 8, Sea đã nâng dự báo hàng năm cho hai hoạt động kinh doanh chính của mình, qua đó nhấn mạnh niềm tin vào hoạt động kinh doanh quốc tế đang mở rộng và đạt được bước phát triển ra ngoài khu vực

Cổ phiếu Sea đã tăng hơn 8 lần kể từ đầu năm 2020 khi công ty này giành được vị trí dẫn đầu trong lĩnh vực thương mại điện tử ở Đông Nam Á. Sea cũng đã mở rộng hoạt động kinh doanh trực tuyến tại Brazil như một phần của chiến lược trở thành công ty toàn cầu, gia tăng sự cạnh tranh với gã khổng lồ thương mại điện tử Mỹ Latinh MercadoLibre

Tại khu vực quê nhà, Sea vẫn đang mắc kẹt trong cuộc chiến khốc liệt với GoTo và Grab Holdings, tất cả đều đang đẩy mạnh hoạt động thương mại điện tử và fintech tại một trong những thị trường internet phát triển nhanh nhất thế giới. Báo cáo của Google cho thấy thị trường mua sắm trực tuyến tại Đông Nam Á sẽ tăng gấp 3 lên hơn 300 tỷ USD vào năm 2025

Sea hiện đang chuyển dịch sang fintech để có thể tăng trưởng hơn nữa bên ngoài hoạt động trò chơi và thương mại điện tử, đồng thời mở rộng ra ngoài khu vực. Công ty đã giành được giấy phép ngân hàng kỹ thuật số tại Singapore và mua lại PT Bank Kesejahteraan Ekonomi (Bank BKE) tại Indonesia
 
Lãnh đạo doanh nghiệp bị triệu tập chứng khoán Trung Quốc lại rung chuyển

photo1631181495693-16311814958241524261943.jpg

Tổng cộng hơn 60 tỷ USD đã bốc hơi khỏi giá trị vốn hóa của 2 ông lớn Internet Trung Quốc là Tencent và Netease chỉ trong phiên hôm nay

Một lần nữa các nhà đầu tư lại lo sợ các nhà quản lý đang chuẩn bị siết chặt mạnh gọng kìm quản lý, lần này là đối với thị trường game lớn nhất thế giới

Theo tờ Tân Hoa Xã đưa tin, hôm nay các lãnh đạo của một số công ty game đã bị triệu tập tới 1 cuộc họp mà tại đó các nhà quản lý yêu cầu họ phải dừng ngay việc chỉ tập trung vào lợi nhuận, đồng thời phải ngăn chặn tình trạng nghiện game trong giới trẻ

Còn tờ South China Morning Post thì đưa tin sẽ có lệnh tạm thời dừng cấp phép mới cho mọi loại hình game online. Đây là những đòn giáng mạnh vào các tựa game - động lực tăng trưởng lớn nhất của các công ty game

Tâm trạng của nhà đầu tư vốn đang bất an sau khi Trung Quốc triển khai chiến dịch đã kéo dài 10 tháng nhằm tăng cường kiểm soát nhiều ngành, từ thương mại điện tử đến đi chung xe và mạng xã hội

Hiện tại chính quyền của ông Tập Cận Bình muốn giảm tình trạng nghiện game, chi tiền cho các vật phẩm ảo và muốn hướng người trẻ đến những hoạt động giải trí lành mạnh hơn. Tuần trước luật mới vừa được ban hành, trong đó có điều luật giới hạn người trẻ chỉ được chơi video game tối đa 3 giờ mỗi tuần

Năm 2018 Trung Quốc cũng đã thực hiện 1 chiến dịch tương tự. Việc dừng cấp phép cho các tựa game mới trong vòng 10 tháng đã khiến lợi nhuận của Tencent sụt giảm lần đầu tiên trong 1 thập kỷ, có lúc 200 tỷ USD vốn hóa bị thổi bay

Phiên hôm nay cổ phiếu Tencent giảm 8,5%, mạnh nhất kể từ tháng 7. Cổ phiếu Netease mất 11%. Chỉ số Hang Seng Tech Index giảm 4,5%

Cho đến nay một loạt ông lớn công nghệ đã lọt vào tầm ngắm, từ vụ IPO kỷ lục bị hủy của Ant Group cho đến cuộc điều tra nhằm vào Alibaba, Meituan và Didi Global
 
Chính Phủ Trung Quốc sẽ nắm cổ phần ở Alipay

photo1631525043286-16315250434201841030971.jpg

Alipay của Jack Ma bị buộc chia tách, nhà nước sẽ nắm cổ phần ở liên doanh mới

Tờ Nikkei đưa tin, Bắc Kinh muốn chia tách Alipay, siêu ứng dụng hơn 1 tỷ người dùng thuộc sở hữu của Tập đoàn Ant của Jack Ma và tạo ra một công ty riêng cho hoạt động kinh doanh các khoản cho vay có lợi nhuận cao. Đây là diễn biến mới nhất trong lần tái cơ cấu của gã khổng lồ fintech

Các nhà quản lý Trung Quốc đã ra lệnh cho Ant tách 2 mảng kinh doanh cho vay của mình gồm Huabei, tương tự như thẻ tín dụng truyền thống và Jiebei, công ty cho vay các khoản vay nhỏ không bảo đảm. Ngoài ra, nhà chức trách cũng yêu cầu công ty phải thu hút thêm các cổ đông bên ngoài

Hiện các quan chức cũng muốn hai doanh nghiệp được tách thành một ứng dụng độc lập. Hai nguồn tin hiểu vấn đề cho biết, kế hoạch cũng sẽ yêu cầu Ant chuyển dữ liệu người dùng làm cơ sở cho các quyết định cho vay của mình cho một liên doanh chấm điểm tín dụng mới, một phần thuộc sở hữu nhà nước

Một người thân cận với các cơ quan quản lý tài chính ở Bắc Kinh cho biết: "Chính phủ tin rằng sức mạnh độc quyền của các công ty công nghệ lớn đến từ quyền kiểm soát dữ liệu của họ. Và Bắc Kinh muốn chấm dứt điều đó"

Động thái này có thể làm chậm lại hoạt động kinh doanh cho vay của Ant, với sự phát triển vượt bậc của Huabei và Jiebei. CreditTech, chi nhánh quản lý của hai ứng dụng này, lần đầu tiên vượt qua mảng xử lý thanh toán chính của Ant vào nửa đầu năm 2020, chiếm 39% doanh thu của tập đoàn

Quy mô của mảng này quá lớn khiến các cơ quan quản lý cũng phải kinh ngạc. Cụ thể, nó họ phát hành khoảng 1/10 các khoản vay tiêu dùng không thế chấp của nước này vào năm ngoái. Vấn đề gây ra lo ngại về rủi ro tài chính

Cổ phiếu của Alibaba đã giảm tới 5,9% trong phiên giao dịch tại Hong Kong vào thứ hai

Ant đã đấu tranh với các nhà quản lý để giành quyền kiểm soát liên doanh mới, nhưng một thỏa thuận đã đạt được theo đó các công ty nhà nước tại tỉnh quê nhà của nó, bao gồm Tập đoàn Đầu tư Du lịch Chiết Giang, sẽ nắm giữ phần lớn cổ phần

Người dân cho biết, chính quyền tỉnh đã ủng hộ Ant bằng cách thúc đẩy các tập đoàn quốc doanh địa phương trở thành đối tác mới của công ty này

Một cựu quan chức tại Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc cho biết: "Với sự tin tưởng lẫn nhau giữa Ant và chính quyền Chiết Giang, công ty fintech này sẽ có tiếng nói lớn về cách thức hoạt động của liên doanh mới. Tuy nhiên, việc thiết lập mới cũng sẽ đảm bảo rằng Ant phải lắng nghe cả chính quyền khi đưa ra quyết định quan trọng"

Một người thân cận với Ant nói rằng trong thời gian này, nhóm nhân viên của Jack Ma sẽ là người điều hành liên doanh mới. "Tập đoàn Đầu tư Du lịch Chiết Giang biết gì về việc chấm điểm tín dụng? Không có gì cả", người này nói. Tuy nhiên, trong tương lai các giám đốc điều hành Ant vẫn có thể mất quyền kiểm soát

Tờ Reuters tiết lộ cấu thành của liên doanh mới sẽ là Ant và Zhejiang Tourism Group mỗi bên sẽ nắm 35% cổ phần với các đối tác nhà nước và tư nhân khác được phân bổ cổ phần nhỏ hơn

Liên doanh mới sẽ xin giấy phép chấm điểm tín dụng tiêu dùng, điều mà Ant đã khao khát từ lâu. Ngân hàng trung ương Trung Quốc chỉ cấp ba giấy phép - tất cả đều dành cho các hoạt động do nhà nước điều hành - ngăn việc Ant kiếm tiền từ kho dữ liệu khổng lồ mà họ đã thu thập về công dân Trung Quốc

Nhưng theo kế hoạch đang được xem xét, Ant sẽ mất khả năng đánh giá độc lập mức độ tín nhiệm của người vay. Ví dụ: Một người dùng Alipay trong tương lai cần tín dụng sẽ thấy yêu cầu của họ trước tiên được chuyển đến công ty chấm điểm tín dụng liên doanh mới nơi hồ sơ tín dụng của họ được lưu giữ và sau đó đến ứng dụng cho vay Huabei và Jiebei mới để cấp tín dụng

Hiện tại, quá trình này được tích hợp hoàn toàn trong Alipay và Ant cho biết họ đã đưa ra "quyết định tín dụng trong vòng vài giây" trong bản cáo bạch cho đợt IPO bị đình chỉ vào năm ngoái của mình

Ant sẽ không phải là người cho vay trực tuyến duy nhất của Trung Quốc bị ảnh hưởng bởi các quy định mới. Vào mùa hè này, ngân hàng trung ương đã nói với các công ty trong ngành rằng các quyết định cho vay phải được thực hiện dựa trên dữ liệu từ một công ty chấm điểm tín dụng đã được phê duyệt thay vì dữ liệu độc quyền

Một giám đốc điều hành cấp cao của một công ty cho vay trực tuyến khác cho biết điều này có thể chuyển gây ra sự sụt giảm "vừa phải" trong tỷ suất lợi nhuận của họ vì công ty không thể sử dụng dữ liệu của riêng mình để đưa ra quyết định cho vay
 
Amazon sẽ "thống trị" ngành y tế

photo1631783189553-1631783189697265900431.jpg

Amazon đang trong quá trình công bố một loạt dịch vụ y tế hướng đến người tiêu dùng, ví dụ như hiệu thuốc trực tuyến và telehealth. Công ty này cũng đang phát triển các khả năng của AWS, một nỗ lực tạo ra hệ điều hành từ quản lý hồ sơ chăm sóc sức khỏe đến áp dung AI chẩn đoán bệnh tật

Ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe

Thay vì nói những lệnh đơn giản với trợ lý ảo của Amazon như "phát nhạc" hay "hẹn giờ 11 phút cho món mì", bệnh viện Houston Methodist đang bắt đầu ứng dụng công nghệ tương tự với lệnh: "bắt đầu phẫu thuật"

Trong năm qua, có một thỏa thuận giữa mạng lưới 8 bệnh viện và công ty con cung cấp nền tảng điện toán đám mây - Amazon Web Services (AWS) đã thúc đẩy việc sử dụng trợ lý ảo tích hợp trong các phòng phẫu thuật thử nghiệm

Phần lớn công nghệ vẫn là trợ lý ảo Alexa. Các lệnh bắt đầu được đưa ra với những bước sống còn trong một ca mổ, cho phép bác sĩ phẫu thuật xác nhận bằng giọng nói khi đã thực hiện một số hành động như gây mê

Tiến sĩ Nicholas Desai, bác sĩ phẫu thuật bàn chân và mắt cá chân kiêm giám đốc thông tin y tế tại Houston Methodist cho biết: "Alexa nghe giọng của tôi để thực hiện những lệnh đó, vì vậy không có bước nào bị bỏ lỡ. Sau khi hoàn thành, trợ lý ảo sẽ ghi lại thông tin vào hồ sơ y tế điện tử, vì vậy nếu có vấn đề hoặc có phần chưa được hoàn thành, hệ thống sẽ có thông báo"

Trong các phòng khám, công nghệ của Amazon cũng đang được sử dụng với sự đồng ý của bệnh nhân. Những nội dung trợ lý ảo nghe thấy sẽ được nhập vào hồ sơ sức khỏe bệnh nhân để phân tích và đưa ra lựa chọn điều trị sáng suốt


Amazon – Gã khổng lồ thức tỉnh

Hệ thống này chỉ là một phần trong kế hoạch của Amazon để trở nên phổ biến hơn trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe và sản xuất các công cụ, nền tảng củng cố ngành công nghiệp đang trên đà phát triển mạnh mẽ

Amazon đang trong quá trình công bố một loạt dịch vụ chăm sóc sức khỏe hướng đến người tiêu dùng, ví dụ như hiệu thuốc trực tuyến và telehealth. Công ty này cũng đang phát triển đều đặn các khả năng của AWS, một nỗ lực tạo ra hệ điều hành từ quản lý hồ sơ chăm sóc sức khỏe đến áp dung AI chẩn đoán bệnh tật

Lâu nay, Amazon được coi là gã khổng lồ đang ngủ trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe. Nay ông lớn công nghệ cuối cùng cũng đã thức tỉnh. Đối tượng mục tiêu của công ty rất đặc biệt. Amazon bán thông tin chăm sóc sức khỏe trực tiếp cho người tiêu dùng, những người chủ chán nản vì chi phí y tế cho nhân viên và cho các bệnh viện cùng các mạng lưới y tế chịu trách nhiệm quản lý dịch vụ chăm sóc

Tuy nhiên, Amazon đang phải cạnh tranh trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe với rất nhiều gã khổng lồ công nghệ khác như Google, Microsoft, Walmart với các dịch vụ đám mây và AI riêng. Gã khổng lồ bán lẻ Walmart gần đây đã mở một số phòng khám trên toàn quốc cung cấp dịch vụ chăm sóc khẩn cấp, phòng thí nghiệm, chụp X-quang và chẩn đoán, tư vấn, nha khoa, thị giác và thính giác

Trận chiến Big Tech

Tại Mỹ, chi phí y tế đã tăng cao ngoài tầm kiểm soát. Trung tâm Dịch vụ Medicare và Medicaid của Mỹ (CMS) dự kiến chi tiêu cho chăm sóc sức khỏe vào năm 2021 đạt 4,2 nghìn tỷ USD, khoảng 18% tổng sản phẩm quốc nội, và 5 nghìn tỷ USD vào năm 2025

Phần lớn chi phí do người chủ sử dụng lao động gánh chịu. Theo một cuộc khảo sát do Kaiser Family Foundation thực hiện, 87% các giám đốc điều hành cho biết việc chi trả cho việc chăm sóc sức khỏe của nhân viên sẽ trở nên không bền vững trong vòng 5-10 năm tới

Song, những xu hướng mới đang xuất hiện. Các thiết bị theo dõi sức khỏe ngày càng trở nên thông minh hơn và được sử dụng rộng rãi hơn. Khả năng kết nối được cải thiện và rẻ hơn đã khiến dịch vụ chăm sóc từ xa không chỉ có thể thực hiện được mà còn là một sở thích đối với nhiều người

Trí tuệ nhân tạo, được hỗ trợ bởi việc thu thập dữ liệu lớn, đã mở ra những con đường lớn hơn để tạo ra các phương pháp điều trị hoặc kế hoạch chăm sóc mới

Các công ty công nghệ lớn cho rằng họ đang đứng giữa ngã ba đường. Ngoài các lĩnh vực kinh doanh mà họ đang xây dựng trong nội bộ, các khoản đầu tư chăm sóc sức khỏe tập thể của Facebook, Amazon, Microsoft, Google và Apple đã tăng vọt vào năm 2020, lên 3,7 tỷ USD. Theo CB Insights, từ giữa năm nay, thêm 3,1 tỷ USD đã được đưa vào lĩnh vực này


Amazon khác biệt ở điểm nào

Động thái của Amazon là tung ra những dịch vụ gần như tương đương với dịch vụ chăm sóc sức khỏe của riêng mình. Amazon tận dụng cơ sở hạ tầng hiện có, các kho hàng và trình điều khiển giao thông để làm với lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, tương tự như với mua sắm trực tuyến

Tiến sĩ Desai của Houston Methodist vạch ra tầm nhìn về cách các dịch vụ công nghệ cao có thể hoạt động: "Chúng tôi có Amazon Prime để giao thuốc cho bạn ngay lập tức. Tôi có các hoạt động điều khiển bằng giọng nói với Alexa để đặt lịch hẹn. Tôi có thể giúp bạn gặp bác sĩ trực quan bằng giọng nói và kỹ thuật số"

Dịch vụ chăm sóc sức khỏe do Amazon cung cấp đang dần được mở rộng. Có rất nhiều chủ lao động muốn giảm chi phí y tế cho nhân viên. Theo chuyên gia phân tích về chăm sóc sức khỏe tại CB Insights Jeff Becker, nếu Amazon có thể làm được điều đó, họ sẽ nắm trong tay một ngành kinh doanh béo bở. Chính số lượng 1 triệu nhân viên công ty chỉ tính riêng ở Mỹ đã mang lại cơ hội phong phú để Amazon triển khai các sáng kiến của mình

Vào tháng 3, họ thông báo sản phẩm chăm sóc sức khỏe từ xa Amazon Care sẽ được cung cấp cho các công ty trên khắp nước Mỹ. Dịch vụ cung cấp các cuộc trò chuyện video 24 giờ một ngày với bác sĩ hoặc y tá, cũng như thăm khám trực tiếp ở một số khu vực. Dịch vụ đã có sẵn cho nhân viên của Amazon gần trụ sở chính ở Seattle như một phần của chương trình thử nghiệm từ năm 2019

Theo báo cáo của Business Insider vào tháng 7, Amazon cho biết "nhiều công ty" đã đăng ký sử dụng Amazon Care và công ty được cho là đang đàm phán với các công ty bảo hiểm lớn

Tầm nhìn tương lai

Jeff Bezos từng nói rằng AWS là mảng may mắn nhất trong lịch sử kinh doanh khi không đụng độ với bất kỳ đối thủ nào trong suốt 7 năm. Tuy nhiên, sự cạnh tranh đang gia tăng từng ngày

Các đối thủ của Amazon trong Big Tech đã nhanh chóng thành công hơn khi cung cấp công cụ đám mây dành riêng cho các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Cả Microsoft và Google hiện đều có nhiều khách hàng chăm sóc sức khỏe được tiết lộ công khai hơn Amazon

Với nỗ lực bù đắp và cạnh tranh với các công ty khác, Amazon đã ra mắt AWS for Health, một lựa chọn các dịch vụ phù hợp với các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Nó bao gồm công cụ học máy để nhập và chuẩn hóa dữ liệu sức khỏe

Chương trình tăng tốc phần nào thể hiện vai trò dự kiến của Amazon trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe. Tuy nhiên, trong lĩnh vực này, Amazon sẽ phải đối đầu với các công ty bảo hiểm như Cigna, cũng như các nhà bán lẻ khác như Walmart

Đối với các dịch vụ hàng đầu của mình, chiến lược của Amazon phụ thuộc vào việc thuyết phục người tiêu dùng, những người lớn tuổi hơn so với khách hàng ở mảng thương mại điện tử, để chọn các dịch vụ trực tuyến hơn là những địa điểm thực tế mà họ đã tin tưởng
 
Toyota lobby
Một số nhà hoạt động vì môi trường bắt đầu kêu gọi tẩy chay Toyota khi nhà sản xuất ô tô này tiếp tục sử dụng tiền và ảnh hưởng của mình để làm chậm tiến độ sản xuất xe điện...
toyota-mirai-hydrogen-automotor.jpeg

Toyota Mirai, mẫu xe hydrogen của Toyota

Từng được coi là công ty đi đầu trong lĩnh vực điện khí hóa và hiệu suất với mẫu xe Prius, Toyota đã dẫn đầu và … dẫm chân tại chỗ, để phần còn lại của ngành công nghiệp ô tô vượt mặt khi nói đến xe điện chạy bằng pin

Trong khi các nhà sản xuất ô tô khác bắt đầu nhận ra tương lai ô tô nằm ở các loại xe chạy hoàn toàn bằng điện, thì Toyota đã bắt đầu đi trước bằng xe hybrid và xe chạy bằng pin nhiên liệu

Song điều khiến mọi người tức giận nhất là Toyota rất tích cực làm chậm tiến độ sản xuất xe chạy hoàn toàn bằng điện thông qua các nỗ lực vận động hành lang. Toyota phản đối những cải cách mới được công bố gần đây đối với chương trình khuyến khích xe điện tại Mỹ. Toyota cũng vận động chính phủ Mỹ chống lại các chính sách ưu đãi phát triển xe điện

Đây không phải là lần đầu tiên Toyota vận động hành lang nhằm làm chậm quá trình áp dụng và phổ biến xe điện. Nhà sản xuất ô tô cũng đứng về phía chính quyền của cựu tổng thống Trump trong một vụ kiện nhằm ngăn California áp đặt các tiêu chuẩn khí thải khắt khe hơn tiêu chuẩn liên bang. Toyota chỉ rút đơn kiện sau khi Tổng thống Biden tiếp quản Nhà Trắng và vụ kiện có vẻ rơi vào vô vọng

Những động thái trên của Toyota đã khiến các nhà bảo vệ môi trường kêu gọi tẩy chay thương hiệu xe Nhật

Paul Scott, người sáng lập nhóm vận động EV Plug In America, dẫn đầu nỗ lực tẩy chay, cho biết biến đổi khí hậu đang diễn ra với tốc độ nhanh chóng, những hành động bảo vệ khí hậu phải được thực hiện ngay lập tức. “Tôi đã từng làm việc tại một đại lý xe điện, cùng với luật liên bang, tôi có thể nói rằng đây là cơ hội tốt nhất để chúng ta thay đổi. Toyota đáng bị tẩy chay vì họ muốn tất cả mọi người tiếp tục nghiện những chiếc xe chạy bằng xăng”

Scott đã tổ chức một cuộc biểu tình để tẩy chay nhà sản xuất ô tô tại cơ sở của Toyota ở Santa Monica

Theo trang Electrek, vừa qua, một số nhóm vận động đã gửi thư lên Toyota, yêu cầu một cuộc gặp gỡ với Tetsuo “Ted” Ogawa, chủ tịch và giám đốc điều hành của Toyota Motor Bắc Mỹ để thảo luận về nỗ lực vận động hành lang chống lại xe điện của Toyota

Họ đã viết trong thư rằng: “Thật không may, những nỗ lực của Toyota nhằm vận động Quốc hội từ bỏ tầm nhìn về xe điện có thể gây áp lực, buộc các thành viên Quốc hội giảm tài trợ và phản đối các khoản tín dụng thuế khuyến khích người dân Mỹ tiếp cận với xe điện không phát thải. Điều đó khiến tương lai giao thông và khí hậu của quốc gia chúng ta và thế giới gặp rủi ro. Với tư cách là một nhóm tập thể các tổ chức đang lo ngại về những hậu quả to lớn của hành động đó, chúng tôi yêu cầu Toyota không cản trở Quốc hội ủng hộ tầm nhìn của tổng thống về chính sách phổ cập xe ô tô điện. Thay vào đó, chúng tôi kêu gọi Toyota hỗ trợ đầy đủ các khoản đầu tư vào xe điện chạy bằng pin trong tất cả các phương thức vận tải và trong tất cả các nhu cầu liên quan đến sạc EV không phát thải, cùng với các nhu cầu về cơ sở hạ tầng khác”

Bức thư gửi lên Toyota được nhiều nhóm ủng hộ ô tô điện ký vào, bao gồm: Hiệp hội ô tô điện, Quỹ bảo vệ môi trường, Nhóm công tác môi trường, GreenLatinos, Hiệp hội năng lượng mặt trời Philadelphia, Liên hiệp các nhà khoa học ….

Toyota vẫn được xem một trong những nhà tiên phong đầu tiên trong lĩnh vực điện khí hóa. Toyota cũng đã công bố chiến lược xe điện với 15 mẫu xe chạy mới bằng pin sẽ được tung ra vào năm 2025, bao gồm xe hybrid chạy bằng khí đốt, pin nhiên liệu hydro và xe điện chạy bằng pin

Tuy nhiên trong ngành công nghiệp ô tô, Toyota vẫn bị bỏ lại phía sau trong cuộc đua xe điện. Nhà sản xuất ô tô lớn thứ hai thế giới bước đi chậm một cách đáng ngạc nhiên trong việc tiếp nhận EV, trái ngược với việc họ sớm áp dụng công nghệ hybrid

Toyota chưa có cam kết mạnh mẽ nào về xe điện - thay vào đó hãng nói rằng công nghệ hybrid của họ không phải là bước đệm và sẽ không bị loại bỏ dần để chuyển sang chiến lược xe điện hoàn toàn
 
Sony hợp tác TSMC xây nhà máy bán dẫn 7 tỷ USD ở Nhật
Theo Nikkei, TSMC – nhà sản xuất chip hợp đồng lớn nhất thế giới - và Tập đoàn Sony đang xem xét việc hợp tác xây dựng nhà máy bán dẫn ở miền tây Nhật Bản trong bối cảnh thiếu chip toàn cầu

Tổng vốn đầu tư vào dự án ước tính khoảng 800 tỷ yên (7 tỷ USD) và chính phủ Nhật dự kiến sẽ góp khoảng một nửa số tiền

589824_563430989778710_136292197203968

Nhà sản xuất phụ tùng ô tô hàng đầu của Nhật Bản Denso cũng đang tìm cách tham gia vào dự án này. Toyota Motor Group cũng muốn tìm kiếm nguồn cung cấp chip ổn định từ dự án mới của TSMC và Sony

Sony cũng có thể nắm cổ phần thiểu số trong một công ty mới với nhà máy đặt tại tỉnh Kumamoto, trên khu đất thuộc sở hữu của Sony. Khu đất này nằm liền kề với nhà máy sản xuất cảm biến hình ảnh của hãng này. Nhà máy sẽ sản xuất chất bán dẫn được sử dụng trong cảm biến hình ảnh camera, cũng như chip cho ô tô và các sản phẩm khác. Nó dự kiến sẽ đi vào hoạt động vào năm 2024

Đây sẽ là hoạt động sản xuất chip đầu tiên của TSMC tại Nhật Bản. Nó diễn ra trong bối cảnh ngành công nghệ toàn cầu vật lộn với tình trạng thiếu chất bán dẫn chưa từng có và sự gián đoạn chuỗi cung ứng. Vào tháng 7, gã khổng lồ công nghệ Đài Loan đã xác nhận rằng họ đang "tích cực xem xét" các kế hoạch cho dự án. Nikkei Asia trước đó đã tiết lộ TSMC đang hoàn thiện kế hoạch và sẵn sàng hợp tác với Sony

Nikkei cho biết, Chính phủ Nhật Bản ngày càng lo ngại về việc duy trì sự ổn định của chuỗi cung ứng trong bối cảnh thiếu chip và căng thẳng gia tăng xung quanh eo biển Đài Loan. Vì vậy, họ sẽ hỗ trợ dự án bằng các khoản trợ cấp

Các nhà sản xuất chip Nhật Bản đã từ bỏ cuộc đua phát triển chip quy mô lớn vào những năm 2010. Thay vào đó, họ ký hợp đồng sản xuất chất bán dẫn tiên tiến với các công ty như TSMC. Bằng cách chấp nhận đầu tư trực tiếp từ công ty Đài Loan, Nhật Bản hy vọng sẽ hồi sinh việc sản xuất các sản phẩm tiên tiến trong nước

Kế hoạch đầu tư được đưa ra trong bối cảnh các nền kinh tế lớn như Mỹ và châu Âu cũng đang chạy đua để sản xuất chất bán dẫn tại chỗ vì lí do an ninh quốc gia. Đầu năm nay, Washington đã thông qua dự luật trị giá 52 tỷ USD để hỗ trợ việc nghiên cứu, phát triển cũng như sản xuất chất bán dẫn

TSMC và Sony từ chối bình luận về câu chuyện này

Sony cũng sẽ giúp chuẩn bị địa điểm nhà máy. Mục tiêu của họ là mua sắm ổn định các chất bán dẫn cho các cảm biến hình ảnh của mình

Công ty kiểm soát một nửa thị phần của thế giới đối với các cảm biến được sử dụng trong điện thoại thông minh và máy ảnh, với các cơ sở sản xuất ở tỉnh Kumamoto và Nagasaki. Các cảm biến do họ tự sản xuất nhưng các chất bán dẫn xử lý hình ảnh được mua từ các bên thứ ba, bao gồm TSMC

Giám đốc điều hành Sony Kenichiro Yoshida trước đây đã nói rằng khả năng mua chất bán dẫn đều đặn là rất quan trọng để duy trì khả năng cạnh tranh quốc tế của Nhật Bản

Khi tình trạng thiếu chất bán dẫn toàn cầu ngày càng trầm trọng, tầm quan trọng của TSMC, công ty có thị phần lớn nhất trên thị trường toàn cầu trong lĩnh vực sản xuất theo hợp đồng, đang ngày càng gia tăng. Theo yêu cầu của chính phủ Hoa Kỳ vào năm 2020, TSMC đã quyết định xây dựng một nhà máy trị giá 12 tỷ đô la ở Arizona. Và vào tháng 2, công ty thông báo sẽ thành lập một cơ sở nghiên cứu tại Tsukuba, tỉnh Ibaraki

Chính phủ Nhật Bản dự kiến trợ cấp khoảng một nửa tổng chi phí của dự án. Khoản tài trợ này sẽ được đưa vào ngân sách bổ sung cho năm tài chính 2021, sẽ được hoàn tất sau cuộc bầu cử hạ viện vào ngày 31 tháng 10. Do quan tâm đến vấn đề an ninh kinh tế, chính phủ đã quyết định xây dựng năng lực sản xuất trong nước cho các chất bán dẫn tiên tiến

Để đổi lấy các khoản trợ cấp, chính phủ muốn các nhà máy này ưu tiên cung cấp chất bán dẫn cho thị trường Nhật Bản

Khi căng thẳng giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ gia tăng, chất bán dẫn ngày càng quan trọng đối với an ninh kinh tế vì chúng là nền tảng của nhiều ngành công nghiệp khác nhau. Tháng 6, Tokyo đã khởi xướng các biện pháp thu hút các công ty nước ngoài trong bối cảnh Trung Quốc đang leo thang áp lực quân sự đối với Đài Loan, nhà cung cấp chất bán dẫn chính cho Nhật Bản
 
Cờ Vây vay vốn "Gần 90% nợ vay ngân hàng đến từ nhà băng nước ngoài"

photo1636360939394-16363609395592106622931.jpg

Các ngân hàng nước ngoài cho MWG vay tổng cộng gần 14.870 tỷ đồng, chiếm 88% tổng nợ vay ngân hàng và gần 30% nguồn vốn hoạt động của ông lớn bán lẻ này

Báo cáo tài chính quý III của CTCP Đầu tư Thế giới Di động (Mã: MWG) cho thấy nhóm các công ty của tập đoàn này có khoản nợ vay lên tới hơn 18.063 tỷ tại thời điểm 30/9. Con số này tương đương gần 58% tổng nợ phải trả và 36% tổng nguồn vốn của cả tập đoàn

Trong đó, nợ vay ngân hàng là gần 16.934 tỷ, giảm 19,7% soi với cuối quý II nhưng tăng 8,4% so với cuối năm trước

Với đặc điểm hoạt động kinh doanh có tính quay vòng vốn nhanh và bán hàng, thu tiền mặt ngay, phần lớn nợ vay của MWG là nợ ngắn hạn. Cụ thể, trong số nợ vay ngân hàng, vay ngắn hạn lên tới 14.165 tỷ và chỉ có duy nhất một khoản vay dài hạn 2.768 tỷ đồng tại ngân hàng TNHH MTV HSBC (Singapore)

Đáng chú ý, phần lớn các khoản vay ngắn hạn của MWG đều do các ngân hàng nước ngoài tài trợ

Báo cáo tài chính quý III cho thấy tại thời điểm 30/9, các ngân hàng ngoại cho ‘’ông lớn’’ bán lẻ này vay hơn 12.100 tỷ để bổ sung vốn lưu động gồm: HSBC Việt Nam (2.312 tỷ đồng), BNP Paribas chi nhánh Singapore (1.830 tỷ đồng), Standard Chartered Việt Nam (1.861 tỷ đồng), Mizuho Bank chi nhánh Hà Nội (1.331 tỷ), Sumitomo Mitsui chi nhánh Hà Nội (886 tỷ đồng)...

Đối với các ngân hàng trong nước, MWG chỉ có quan hệ vay vốn với hai ngân hàng là BIDV và Vietcombank với dư nợ vào cuối quý III lần lượt là 1.000 tỷ và 1.058 tỷ đồng

Như vậy, nếu tính cả khoản nợ vay dài hạn với HSBC thì các ngân hàng nước ngoài cho MWG vay tổng cộng gần 14.868 tỷ đồng, chiếm 88% tổng nợ vay ngân hàng và gần 30% nguồn vốn hoạt động của ông lớn bán lẻ này



Vay ngắn hạn của MWG vào cuối quý III
Được biết, các ngân hàng nước ngoài thường có ưu thế về nguồn vốn giá rẻ, do vậy lãi suất cho vay thường thấp hơn so với các ngân hàng nội. Tuy nhiên, tiêu chuẩn cho vay của các nhà băng này cũng cao hơn, do vậy không phải doanh nghiệp nào cũng có cơ hội được tài trợ vốn

Thực tế, dữ liệu của FiinGroup cho thấy MWG có chi phí vốn vay bình quân (Cost of Financing - CoF) chỉ ở mức 3,7%/năm trên tổng số nợ vay ngắn hạn và dài hạn vào cuối quý 3/2021. Nguồn vốn huy động từ trái phiếu của MWG có thể có mức chi phí vốn cao hơn đáng kể, song chỉ chiếm khoảng 6,3% tổng nợ vay

Trong khi đó, tỷ suất lợi nhuận đầu tư (Investment Yield) bình quân của MWG ở mức 7,2%/năm, ổn định trong 4 quý vừa qua. Nếu đem so với CoF bình quân 3,7% thì chênh lệch tương đối lớn (3,5%)

‘’Đây là mức lợi nhuận cao và không kém gì biên lợi nhuận tín dụng (NIM) của các ngân hàng thương mại và cao hơn cả lợi nhuận kinh doanh trái phiếu của các công ty chứng khoán’’, ông Nguyễn Quang Thuân – Tổng giám đốc FiinGroup cho biết

Với việc vay được nguồn vốn giá rẻ, không quá khó hiểu khi MWG đã gia tăng tỷ trọng đầu tư tài chính trong những tháng đầu năm trong bối cảnh hoạt động kinh doanh chính gặp khó vì dịch Covid-19

Số liệu từ báo cáo tài chính cho thấy, giá trị khoản đầu tư tài chính ngắn hạn của MWG vào cuối quý III đạt hơn 6.814 tỷ đồng. Đây là các khoản tiền gửi và trái phiếu ngắn hạn có kỳ hạn từ 3 tháng đến dưới 1 năm và có lãi suất dao động từ 6% đến 8,65%/năm

Ngoài ra, trong quý III, MWG cũng xuất hiện khoản đầu tư tài chính dài hạn hơn 5.000 tỷ đồng. Được biết, đây là các khoản đầu tư trái phiếu thông qua các ngân hàng thương mại có kỳ hạn từ 3-5 năm và hưởng lãi suất từ 7,6%-9,3%/năm

Bên cạnh đó, MWG cũng cho vay ngắn hạn CTCP Chứng khoán Tp. HCM (HSC) 665 tỉ đồng, hưởng lãi suất từ 6,4 - 7%/năm. Khoản cho vay này bắt đầu được MWG ghi nhận từ cuối quý 2/2021, với dư nợ 500 tỷ đồng
 
Các tỷ phú công nghệ đang ngày càng trở nên giàu có hơn
Trong vòng một thập kỷ qua, không một nhóm ngành nào trở nên giàu có hay quyền lực hơn các ông trùm công nghệ

Khi Mark Zuckerberg lần đầu tiên xuất hiện trong danh sách người giàu có của Forbes năm 2008, ông chủ Facebook khi đó mới chỉ là một trong số 46 tỷ phú kiếm tiền từ công nghệ trên đất Mỹ. Sau hơn 12 năm tăng trưởng mạnh mẽ, số lượng tỷ phú công nghệ Mỹ đã tăng gấp ba lần

Tổng cộng, nước Mỹ đang có 147 tỷ phú giàu lên nhờ ngành công nghệ. So với thời điểm năm 2008, nhóm này đã giàu hơn tới 546% (sau khi điều chỉnh lạm phát). Con số này cao gấp gần 2,4 lần so với mức trung bình 228% của các nhóm ngành khác và cao gấp 5,6 lần so với mức 96% của đại đa số người dân bình thường của Mỹ. Đại dịch Covid-19 đã làm nổi bật khoảng cách này, khi giá trị tài sản ròng của giới tinh hoa công nghệ đã tăng từ 272 tỷ USD năm 2008 lên 1.750 tỷ USD thời điểm gần đây

“Trong khi hàng trăm triệu người phải vất vả kiếm sống trong đại dịch thì các công ty công nghệ lại đạt được tốc độ tăng trưởng bất ngờ", Dan Ives, Giám đốc tại Wedbush cho biết. “Chúng ta đang ở kỷ nguyên vàng của công nghệ. Ngày càng nhiều các viện nghiên cứu, các nhà đầu tư bán lẻ muốn nhập cuộc. Điều này sẽ tiếp tục đẩy giá cổ phiếu và định giá doanh nghiệp trong ngành lên cao"

capture-2-jpg84-5917-1636944233.jpg

Các tỷ phú công nghệ đang ngày càng trở nên giàu có hơn

Chỉ trong năm nay, 32 tỷ phú công nghệ đã xuất hiện trong danh sách những người giàu nhất nước Mỹ của Forbes, trong đó bao gồm những cái tên như CEO Doordash Tony Xu, CEP Apple Tim Cook và CEO Bumble Whitnet Wolf Herd. Những tỷ phú khác như CEO Airbnb Brian Chesky cũng thu được lợi nhuận khổng lồ. Khối tài sản ròng của Brian Chesky đã tăng gấp 3 lần so với năm ngoái, lên 12,5 tỷ USD

“Những công ty công nghệ này đã xây dựng cho mình một thương hiệu riêng trong hơn một thập kỷ qua", Chris Ballard, Giám đốc quản lý đầu tư tại Check Capital Management cho hay. "Họ đang tạo ra một thế giới mà bản thân họ có thể tự vận hành"

Khi Forbes công bố danh sách 400 người giàu nhất nước Mỹ lần đầu tiên vào năm 1982, chỉ có nhà đồng sáng lập Apple Steve Jobs và đồng sáng lập Intel Gordon Moorde đại diện cho ngành công nghệ. Những năm 80, 90, các tên tuổi khác lần lượt xuất hiện như Bill Gates năm 1989 và Michael Dell năm 1991. Cuối những năm 90, bong bóng dotcom bùng nổ và có đến 62 gương mặt ngành công nghệ xuất hiện trong danh sách, trong đó bao gồm Jeff Bezos (năm 1999)

Tuy nhiên, khi bong bóng vỡ vụn, 51 người đã bị đánh bật khỏi danh sách năm 2001, phần lớn trong số đó là các tỷ phú công nghệ. Nhưng đây chỉ là một chướng ngại nhỏ trên cả chặng đường. Năm 2008, khi Mark Zuckerberg gia nhập bảng xếp hạng chỉ sau 4 năm thành lập Facebook và trở thành tỷ phú tự thân trẻ nhất thời điểm bấy giờ, cả nước Mỹ có 46 người trụ vững trong danh sách. (11 năm sau đó, thế giới chứng kiến Kylie Jenner bước chân vào top 1% giàu có khi mới ở tuổi 21)


capture-jpg26-1386-1636944233.jpg

1/5 những người giàu nhất ở Mỹ xây dựng khối tài sản khổng lồ nhờ ngành công nghệ, tăng mạnh so với mức chỉ 9% vào năm 2008

Sau hơn một thập kỷ, công nghệ trở thành một phần không thể thiếu trong cách thức chúng ta giao tiếp, giải trí, làm việc và nhìn nhận thế giới. Các nhà sáng lập thung lũng Silicon đã tận dụng lợi thế từ sự thay đổi này để tạo dựng sự nghiệp trong giai đoạn hoàng kim của các công ty khởi nghiệp. Nhà sáng lập Twitter, Jack Dorsey gia nhập câu lạc bộ tỷ phú năm 2013, theo sau là sáng lập Uber, Travis Kalanick và các nhà sáng lập của Airbnb vào năm 2015

Nhiều doanh nhân công nghệ trở nên giàu có nhờ một loạt các sự kiện như định giá công ty tăng cao, thị trường đại chúng phát triển mạnh mẽ cho tới hàng loạt đợt niêm yết thông qua cả IPO truyền thống và SPAC. Trong số này, có một số tỷ phú đã nổi lên dẫn đầu cuộc chơi

Chẳng hạn như Zuckerberg đã giàu có hơn 7.500% so với năm 2008. Tài sản của ông chủ Facebook đã tăng từ 1,5 tỷ USD lên tới 121,1 tỷ USD, bất chấp những bê bối của Facebook. Jeff Bezos cũng là một ví dụ điển hình khi tài sản ròng tăng mạnh nhờ đầu tư vào lĩnh vực công nghệ vũ trụ. So với năm 2018, ông chủ Amazon giàu hơn 2.210%. Tài sản của đồng sáng lập Google, Larry Page và Sergey Brin cùng với cựu CEO Microsoft, Steve Ballmer tăng gấp 600%. Kể từ tháng 9 năm 2020, khối tài sản ròng của top 10 người giàu nhất trong ngành công nghệ đã tăng 317,4 tỷ USD, tương đương 42%

Công nghệ được cho là lĩnh vực khá mới mẻ so với nhiều ngành truyền thống khác và phần lớn - khoảng 95% - giới siêu giàu trong ngành này là tỷ phú tự thân, có nghĩa là những người giàu lên bằng cách tự thành lập công ty công nghệ hoặc công ty cổ phần. Chỉ có 5 trong số 81 tỷ phú công nghệ của Forbes 400 được hưởng thừa kế từ gia đình, đó là vợ cũ của Bezos, bà MacKenzie Scott; bà Laurence Powell Jobs, vợ Steve Jobs; bà Dagmar Dolby, vợ nhà sáng lập Ray Dolby của Dolby Laboratories; bà Melinda French Gates, vợ cũ của Bill Gates; và Margot Birmingham Perot, vợ của doanh nhân kiêm ứng cử viên tổng thống năm 1992 Ross Perot

Thế nhưng, bất kể đang sở hữu khối tài sản lớn tới cỡ nào, quyền lực của các ông trùm công nghệ cũng đang bắt đầu gióng lên hồi chuông cảnh báo. Nhiều tỷ phú công nghệ đã trở thành mục tiêu của các nhà làm luật, những người cho rằng các tỷ phú này đang nắm trong tay quá nhiều quyền lực tác động tới hầu hết các khía cạnh của đời sống Mỹ

Những người theo chủ nghĩa cấp tiến đã chỉ ra các lỗi, từ sự thiếu minh bạch trên nền tảng mạng xã hội do các tỷ phú công nghệ điều hành cho tới vấn đề nhân quyền và lao động sau khi sự vụ của Amazon nổ ra. Đề xuất gần đây của Đảng Dân chủ về việc thuế đánh vào những người giàu nhất cả nước sẽ có tác động lớn tới các tỷ phú công nghệ, bởi họ không chỉ nằm trong danh sách những người siêu giàu mà còn là chủ của những công ty lớn đang niêm yết trên thị trường chứng khoán

Trong khi đó, phe bảo thủ đã chỉ trích các tỷ phú công nghệ vì ủng hộ các ứng cử viên Đảng Dân chủ, và cáo buộc các công ty truyền thông xã hội thực hiện việc kiểm duyệt nhắm vào các quan điểm bảo thủ

“Những công ty này quá lớn mạnh", thượng nghị sĩ Josh Hawley cho hay. “Tôi nghĩ chúng ta sẽ bớt lo lắng hơn nhiều về vấn đề kiểm duyệt nếu họ có ít quyền lực hơn, và nếu chúng ta có một giải pháp thay thế”

Có khá nhiều ý kiến trong giới chính trị gia, những người lo ngại về vai trò của các tài phiệt công nghệ trong vấn đề làm gia tăng chênh lệch giàu nghèo. Chuck Collins, Giám đốc chương trình bất bình đẳng tại Viện nghiên cứu chính sách có trụ sở tại Washington D.C chỉ ra rằng, việc tập trung nhiều hơn vào sự giàu có của ngành công nghệ có thể dẫn tới việc một bộ phận nhỏ dân số có đủ quyền lực để thúc đẩy các lợi ích kinh tế và chính trị cá nhân, từ việc chống lại các quy định mà họ không thích, tới việc kiểm soát lĩnh vực du lịch vũ trụ hay trở nên vượt trội trong các hoạt động từ thiện

“Tôi nghĩ phải có một cách để chúng ta có thể tôn vinh những người tạo ra sự giàu có và sự đổi mới trong khi bảo vệ xã hội khỏi những khía cạnh xuyên tạc của việc củng cố quyền lực", ông Collins cho hay

Những lời kêu gọi hạn chế sự giàu có và quyền lực của các tỷ phú công nghệ chắc chắn sẽ tiếp tục, với việc ngày càng nhiều người trong nhóm đang phải hứng chịu nhiều chỉ trích. Thế nhưng, bất chấp điều đó, những tỷ phú công nghệ này sẽ vẫn cứ tiếp tục giàu lên
 
Trung Quốc đưa vào hoạt động sàn giao dịch chứng khoán dành cho doanh nghiệp vừa và nhỏ

yahoonews_161249.jpg

Sở giao dịch chứng khoán Bắc Kinh được đưa vào hoạt động ngày 15/11

Thị trường chứng khoán mới của Trung Quốc dành cho các doanh nghiệp nhỏ được thiết lập để thúc đẩy sự đổi mới

Sở giao dịch chứng khoán Bắc Kinh đã bắt đầu giao dịch vào ngày 15/11, một bước tiến quan trọng trong nỗ lực cải tạo thị trường vốn của Trung Quốc vì thị trường chứng khoán mới sẽ phục vụ vô số doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME)

Việc ra mắt diễn ra hai tháng sau khi Trung Quốc công bố kế hoạch thiết lập một sàn giao dịch mới, một động thái được thị trường hoan nghênh rộng rãi vì nhằm giải quyết vấn đề hóc búa về tài chính lâu nay của các doanh nghiệp vừa và nhỏ

Thông báo này đã gây được sự quan tâm và háo hức lớn trên thị trường. Trong hai tháng qua, các nhà đầu tư và các công ty đã theo dõi sát sao những diễn biến mới nhất của sàn giao dịch, cạnh tranh với nhau để có đủ điều kiện giao dịch

ck_16125240.jpeg

Hơn 2 triệu nhà đầu tư đã tham gia giao dịch
Tính đến ngày 12/11, hơn 2,1 triệu nhà đầu tư mới đã đăng ký để trở thành nhà đầu tư đủ điều kiện. Sàn giao dịch cho biết thêm rằng, tổng số nhà đầu tư đủ điều kiện sẽ vượt quá 4 triệu sau khi thị trường bắt đầu giao dịch. Tổng số 112 công ty chứng khoán đã được cấp tư cách thành viên cho đến nay

Nhận xét về những công ty niêm yết đầu tiên, ông Li Xudong, Giám đốc Điều hành của China Securities, cho biết các công ty này là "hiện thân đầy đủ cho vai trò của sàn chứng khoán như một nền tảng chính phục vụ các doanh nghiệp vừa và nhỏ sáng tạo. Tất cả 81 công ty, với tư cách là những công ty hoạt động hàng đầu trong các lĩnh vực tương ứng của họ, tự hào về hoạt động kinh doanh tốt và tiềm năng tăng trưởng lớn” ông Li nói

giaodich_16126556.jpg

Trong hai tháng qua, các nhà đầu tư và các công ty đã theo dõi sát sao những diễn biến mới nhất của sàn giao dịch, cạnh tranh với nhau để có đủ điều kiện giao dịch
Các công ty này chủ yếu đến từ các lĩnh vực như sản xuất, dịch vụ công nghệ cao và các ngành chiến lược mới nổi. Chi tiêu trung bình cho nghiên cứu và phát triển của họ là 25,36 triệu Nhân dân tệ (khoảng 4 triệu USD)

Trong khi một loạt các công ty đang xếp hàng để niêm yết, sàn giao dịch cho biết họ sẽ tăng cường giám sát và đẩy mạnh nỗ lực cải thiện chất lượng của các công ty niêm yết, thực hiện các biện pháp tăng cường rà soát trước khi niêm yết, làm rõ trách nhiệm của các trung gian và các công ty niêm yết, và tạo ra các kênh thông suốt để hủy niêm yết

Các nhà theo dõi thị trường cho biết, việc ra mắt giao dịch đánh dấu sự khởi đầu của hành trình thăm dò đối với Sở Giao dịch Chứng khoán Bắc Kinh, khuyến khích tất cả các bên liên quan trở nên thích nghi và hòa nhập hơn, đồng thời làm việc cùng nhau để thúc đẩy một môi trường thị trường lành mạnh nhằm tạo điều kiện cho sự tăng trưởng ổn định và bền vững của sàn giao dịch mới
 
Hàng loạt tập đoàn tự chia tách
Vì sao hàng loạt tập đoàn như Johnson&Johnson, GE, Toshiba tự động chia tách, còn những Facebook, Amazon lại ra sức gộp công ty con và kiên quyết chống chia tách?

2011-general-electric-fi-enternews-1637162571.jpg

Trong vòng một tuần, J&J, GE và Toshiba đều thông báo sẽ chia nhỏ công ty. General Electric sẽ tách thành ba bộ phận, mỗi nơi sẽ tập trung một trong ba mảng chủ lực là hàng không, chăm sóc sức khỏe và năng lượng. Johnson & Johnson sẽ tách các thương hiệu sản phẩm tiêu dùng của mình, trong khi Toshiba cũng sẽ chia thành ba công ty nhỏ hơn

Chỉ trong một thời gian ngắn, các tập đoàn cả trăm năm tuổi bỗng phát hiện ra, mô hình hoạt động của họ bị “lỗi mốt”. Hay nói một cách đơn giản, các nhà đầu tư không còn cảm thấy mặn mà nếu các công ty này tiếp tục các hoạt động kinh doanh trước đây của họ

Các nhà đầu tư muốn các mảng con của những tập đoàn này hoạt động như những thực thể độc lập. Nhưng vì sao lại như vậy?

Để tìm được câu trả lời, hãy đi sâu vào khái niệm “tập đoàn” vốn đang có sự thay đổi. Amazon khởi đầu là một công ty thương mại điện tử, nhưng nay còn là nhà cung cấp các dịch vụ điện toán đám mây

Microsoft không chỉ tập trung vào các công cụ làm việc văn phòng mà còn đầu tư vào ngành công nghiệp trò chơi với Xbox

Tesla cũng không chỉ là một công ty xe hơi, khi các sản phẩm tấm pin mặt trời và bộ siêu tăng áp không thuộc về ngành ô tô mà thuộc về ngành năng lượng

Đó đều là những công ty có giá trị cao nhất thế giới hiện nay, nhưng họ có vẻ không phải là “tập đoàn” giống như các tập đoàn truyền thống vì không bị “hụt giá cổ phiếu”. “Hụt giá cổ phiếu” là một hiện tượng thường xảy ra ở các tập đoàn lớn, khi mà giá cổ phiếu của tập đoàn là nhỏ hơn tổng giá cổ phiếu của các công ty con

Như vậy là đã có sự khác nhau giữa các tập đoàn truyền thống kiểu GE, Toshiba và Amazon, Microsoft. Nhìn rộng hơn, vậy các “tập đoàn” sẽ như thế nào trong nửa sau của thế kỷ 21?

Vì sao xuất hiện tập đoàn

nol1571056663-enternews-1637162595.png

Cuộc cách mạng công nghiệp là khởi đầu cho sự hình thành các tập đoàn lớn. Vào thế kỷ 19, động cơ hơi nước và dây chuyền lắp ráp đã làm thay đổi cảnh quan công nghiệp. Hệ thống cơ khí càng lớn đòi hỏi vốn đầu tư càng nhiều, và do đó hoạt động kinh doanh càng “phình to” ra

Các trùm tư bản Vanderbilt (đường sắt), Carnegie (sắt thép) và Rockefeller (dầu lửa) hiểu điều này. Họ đã làm việc để tiếp cận nguồn vốn. Các công ty lớn được tiếp cận với nguồn vốn lớn hơn. Khi đã rủng rỉnh tiền bạc, họ nghĩ đến việc mua đứt các đối thủ cạnh tranh và hợp nhất các hoạt động, hình thành những tập đoàn khổng lồ

Xu hướng đó còn có thể được nhìn thấy ở Nhật Bản, với một “keiretsu” (tập đoàn) điển hình là Mitsubishi. Ngân hàng Tokyo-Mitsubishi là trung tâm của các hoạt động, hỗ trợ các doanh nghiệp Mitsubishi khác như Mitsubishi Shoji hay tài trợ hoạt động sản xuất công nghiệp của Mitsubishi Electric. Hệ sinh thái còn có Meiji Mutual Life để bảo đảm cho tất cả các thành viên khác của tập đoàn. Có đến 30 công ty trải dài trên một loạt các ngành công nghiệp

Ngoài Nhật Bản, chúng ta còn có những chaebol ở Hàn Quốc. Và ở Đài Loan và các nơi khác ở châu Á, chúng ta có các doanh nghiệp dường như không liên quan được liên kết với nhau bằng quan hệ gia đình. Điểm chung giữa chúng là khả năng tiếp cận vốn

GE nâng cấp tập đoàn

180807d-4-enternews-1637162668.jpg

Sau một thời gian, General Electric đã tìm ra một mô hình khác. Điều mà GE hiểu ra là sự dân chủ hóa tài chính doanh nghiệp, khi mà việc tiếp cận vốn đã dễ dàng hơn trước

Từ giữa thế kỷ 20, các ngân hàng lớn như JP Morgan Chase và Bank of America đã học cách cho các công ty vay vốn. Các công ty tư nhân có thể được niêm yết trên các sàn giao dịch chứng khoán. Các công ty niêm yết có thể phát hành trái phiếu để tăng nợ. Thậm chí còn có một khu vực đầu tư mạo hiểm để tài trợ cho các công ty khởi nghiệp. Tập đoàn lớn không còn lợi thế “vay vốn” mạnh như trước

Thay vào đó, GE đã nâng cấp hệ thống quản lý của mình, và Phố Wall thích mô hình đó. Các công ty con của GE bây giờ hoạt động độc lập, nhưng vẫn có một mối liên kết với trụ sở chính

Các nhà phân tích thông minh tại trụ sở chính có thể mang lại cho công ty một lợi thế thực sự. Họ có thể cung cấp kiến thức chuyên môn về kế toán, và có thể cắt giảm chi phí tại địa phương hay tài trợ cho các dự án nghiên cứu và phát triển - vốn đòi hỏi sự kiên nhẫn mà một nhà quản lý địa phương thường thiếu. Họ có thể đi tiên phong áp dụng quy trình sản xuất mới như phương pháp Sáu Sigma. Họ cũng có thể đưa ra tiêu chuẩn và gặt hái lợi nhuận trên toàn thế giới, hay thu hút nhân tài bằng các chương trình đào tạo

Chính việc nâng cấp các phương pháp quản lý đã đưa GE lên vị trí hàng đầu. Con người, văn hóa và tổ chức được cho là chất kết dính chung. Đó là một câu chuyện mà các nhà đầu tư cảm thấy hứng thú, cũng là điều mà các trường dạy kinh doanh thường hay kể

Làn sóng thứ 3

1623213163_danh-sach-viec-lam-cua-amazon-tim-kiem-khach-hang-enternews-1637162709.jpg

Bây giờ, Amazon, Tesla và Microsoft là các đại diện cho làn sóng thứ ba của các tập đoàn. Họ không chỉ sở hữu vốn và mô hình quản lý, mà còn nắm trong tay khả năng quản lý luồng dữ liệu. Lấy ví dụ, Amazon đã xây dựng một cơ sở hạ tầng được gọi là AWS, là chất kết dính cho đế chế rộng lớn của nó

Lợi thế dữ liệu luôn kết hợp theo cấp số nhân. Khi biết thói quen lái xe của mọi người, Tesla sẽ biết nơi đặt các trạm sạc. Khi Tesla biết mọi người sẵn sàng đợi bao lâu ở bộ tăng áp, thì Tesla sẽ biết nên đầu tư vào công nghệ nào. Bạn càng tham gia nhiều hoạt động kinh doanh, bạn càng có thể thu thập được nhiều thông tin chi tiết hơn. Miễn là bạn có cơ sở hạ tầng dữ liệu liên kết tất cả các doanh nghiệp này lại với nhau

Bản thân Amazon hiểu rằng để đổi mới trên quy mô lớn, bạn phải mã hóa các hành vi mong muốn thành cách mọi người làm việc. Bạn làm được điều này một phần nhờ đào tạo. Nhưng trong thế giới ngày nay, bạn phát triển các công cụ kỹ thuật số để tạo điều kiện cho các ý tưởng đổi mới. Hay nói cách khác, dữ liệu đang là nguồn “nhiên liệu” cho một “bộ máy” khổng lồ. Và chính “nhiên liệu” này là chất kết dính cho toàn bộ tập đoàn thành một khối

Từ góc độ này, câu chuyện của GE, J&J và Toshiba rất dễ hiểu. Các công ty con của họ không đạt được mức độ gắn kết như những Amazon, Microsoft vì dữ liệu không được đủ liên thông. Họ đã thất bại trong việc tìm ra giải pháp, và các nhà đầu tư cũng không tin rằng họ làm được. Mô hình tập đoàn kiểu cũ đã bị “lỗi mốt”. Vậy nên cách tốt nhất là chia nhỏ để cắt giảm chi phí, cũng như tìm cách tái cơ cấu theo hướng cập nhật hơn
 
Trung Quốc lập ủy ban bí mật để tự chủ công nghệ
Trung Quốc được cho là đang âm thầm đẩy nhanh kế hoạch tự chủ công nghệ nhằm sớm thay thế nguồn cung từ Mỹ và nước ngoài

Hãng tin Bloomberg, dẫn các nguồn tin thân cận, tiết lộ Trung Quốc đang trao quyền cho một ủy ban bí mật, có chức năng xem xét và phê duyệt các nhà cung cấp trong nước trong những lĩnh vực nhạy cảm như điện toán đám mây hay chất bán dẫn

Được thành lập năm 2016, Ủy ban Công tác Đổi mới Ứng dụng Công nghệ Thông tin (ITAIWC) hiện có nhiệm vụ hỗ trợ thiết lập các tiêu chuẩn ngành và đào tạo nhân sự để vận hành các phần mềm đáng tin cậy. Cơ quan này sẽ đề xuất và thực hiện kế hoạch “đổi mới ứng dụng công nghệ thông tin”, hay còn được gọi là “Xinchuang” trong tiếng Trung Quốc

ITAIWC sẽ lựa chọn những đơn vị được lên kế hoạch cung cấp công nghệ cho các lĩnh vực nhạy cảm, từ ngân hàng cho đến các trung tâm lưu trữ dữ liệu của chính phủ. Theo ước tính từ Bloomberg, đây là một thị trường với giá trị có thể đạt tới 125 tỷ USD vào năm 2025


Đòn bẩy cho việc tự chủ công nghệ

Cho đến nay, 1.800 nhà cung cấp máy tính cá nhân, chip, mạng và phần mềm Trung Quốc đã được mời tham gia ITAIWC. Ủy ban này đã chứng nhận tư cách thành viên đối với hàng trăm công ty địa phương trong năm nay, điều chưa từng có trong suốt nhiều năm qua

Sự tồn tại của “danh sách trắng Xinchuang” được nhận định sẽ tạo thêm đòn bẩy cho Bắc Kinh trong việc thay thế các công ty công nghệ nước ngoài trong nhiều lĩnh vực nhạy cảm. Chúng cũng giúp các công ty trong nước đạt được khả năng tự chủ về công nghệ, và sớm thoát khỏi các lệnh trừng phạt mà chính quyền cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump từng áp đặt trong các lĩnh vực như mạng và chip

Dan Wang, chuyên gia phân tích công nghệ tại Gavekal Dragonomics, cho hay: “Trung Quốc đang cố gắng phát triển các công nghệ “cây nhà lá vườn”. Nỗ lực này ngày càng nghiêm túc hơn khi nhiều công ty trong nước hiện có chung mục tiêu này, vì không ai có thể chắc chắn rằng các công nghệ của Mỹ có thể tránh được các biện pháp kiểm soát xuất khẩu của Mỹ”

Theo Bloomberg, việc thúc đẩy thay thế các nhà cung cấp nước ngoài còn là một phần trong nỗ lực rộng lớn hơn của Bắc Kinh nhằm kiểm soát ngành công nghệ đang phát triển mạnh mẽ của mình, bao gồm cả vấn đề bảo mật dữ liệu

Bộ Công nghiệp và Công nghệ Trung Quốc cũng tăng cường giám sát dữ liệu trong các ngành công nghiệp và viễn thông, đồng thời đề xuất các quy định mới nhằm yêu cầu các dữ liệu quan trọng phải được lưu trữ trong nước

Trong một báo cáo hồi tháng 7, công ty nghiên cứu iResearch có trụ sở tại Thượng Hải cho biết: “Danh sách đen (của Mỹ) trong lĩnh vực công nghệ nhấn mạnh sự cấp thiết đối với Trung Quốc trong việc đầu tư nhiều hơn vào đổi mới công nghệ và có những công nghệ quan trọng được sản xuất trong nước”

Mở cánh cửa vào thị trường 'tỷ đô'

Dù có rất ít thông tin được tiết lộ về ITAIWC, song theo một số nguồn tin, các nhà cung cấp nước ngoài hay bất kỳ công ty trong nước nào sở hữu trên 25% vốn nước ngoài sẽ bị loại khỏi ủy ban. Điều này sẽ gây nhiều khó khăn đối với các startup công nghệ của Trung Quốc chủ yếu được tài trợ bởi đầu tư nước ngoài

Alibaba và Tencent, hai nhà cung cấp dịch vụ đám mây lớn nhất nước này, đã cố gắng “lách luật” bằng cách đăng ký thành viên thông qua những công ty con được hợp nhất

Theo số liệu từ theo công ty điện toán đám mây Netis, tính đến tháng 7/2020, ITAIWC có khoảng 1.160 thành viên. Một số công ty nổi bật khác được cho là thành viên của ủy ban còn có nhà sản xuất CPU Loongson có trụ sở tại Bắc Kinh, nhà sản xuất máy chủ Inspur, nhà phát triển hệ điều hành Standard Software cùng công ty bảo mật thông tin Westone

Tư cách thành viên ITAIWC có thể mang lại cho các nhà cung cấp Trung Quốc một lợi thế quan trọng để công nghệ của họ có thể được phê chuẩn theo kế hoạch của ủy ban, từ đó mở ra cơ hội tiếp cận với thị trường tỷ đô

Theo một báo cáo do Hiệp hội Công nghiệp phần mềm Trung Quốc làm đồng tác giả, hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp liên quan đến ITAIWC đã tạo ra doanh thu lên tới 162 tỷ Nhân dân tệ (tương đương 25 tỷ USD) vào năm ngoái, và đang trên đà đạt tới gần 800 tỷ Nhân dân tệ vào năm 2025

“Xinchuang không thể được xây dựng chỉ trong một ngày, mà đó là một chiến lược dài hạn giúp Trung Quốc phát triển nền công nghệ thông tin của riêng mình”, iResearch ghi nhận
 
Sàn giao dịch 300 tỉ đô la Mỹ không có trụ sở
Dù đồng tình hay phản đối sự xuất hiện của các loại đồng tiền mã hóa, có lẽ phải tìm hiểu các ngóc ngách hoạt động của thị trường mới lạ này và nơi bắt đầu tốt nhất chính là Binance – hiện đang là sàn giao dịch tiền mã hóa lớn nhất thế giới

Changpeng-Zhao-1.jpg

Một khởi đầu không muốn bị ràng buộc


Binance được Changpeng Zhao và một số nhà lập trình thành lập vào năm 2017; Zhao năm nay 44 tuổi là người gốc Hoa nhưng năm 12 tuổi đã theo bố mẹ đến Canada sinh sống. Sau khi học công nghệ thông tin, Zhao làm việc ở Tokyo, New York cho một số hãng tài chính với nhiệm vụ phát triển phần mềm dùng trong giao dịch các hợp đồng triển kỳ

Theo Wall Street Journal, lần đầu tiên Zhao nghe nói đến bitcoin là vào năm 2013; lúc này đồng tiền mã hóa đầu tiên của thế giới đã xuất hiện được vài năm và đang bắt đầu thu hút sự chú ý của giới công nghệ, nhất là những ai mất hết tin tưởng vào hệ thống tài chính truyền thống sau vụ khủng hoảng năm 2008

Zhao có ấn tượng mạnh về một loại tiền phi tập trung, không chịu sự quản lý của bất kỳ chính phủ nào nên bán căn hộ đang ở tại Thượng Hải, lấy bitcoin rồi bắt đầu tham gia vào một số công ty khởi nghiệp tiền mã hóa. Thế nhưng lúc đó mua bán bitcoin khá khó khăn, chỉ có một vài sàn giao dịch như Mt. Gox lại bị nhiều cú tấn công của tin tặc làm mất tiền của khách

Có lẽ Zhao muốn khép mình vào kỷ luật thị trường nhằm hướng đến một phi vụ phát hành cổ phiếu ra công chúng để lên sàn chứng khoán vào năm 2024. Lúc đó tài sản ảo của Zhao và cộng sự mới biến thành tiền thật

Lúc mới thành lập Binance chỉ cho giao dịch bitcoin và một số đồng tiền mã hóa khác nhưng khách không được đổi từ bitcoin sang tiền chính thống, có lẽ vì những người sáng lập muốn cắt đứt mối dây ràng buộc với các loại tiền cũ. Cũng vì thế Binance không có tài khoản ngân hàng, không địa chỉ, không trụ sở

Bất kể những yếu tố có thể gây hoài nghi này, Binance lớn nhanh như thổi, một phần do trang web có đến chín ngôn ngữ, vượt trội hẳn các đối thủ chỉ có phiên bản tiếng Anh. Giao diện Binance dễ sử dụng, dễ theo dõi nên nhanh chóng thu hút người dùng đến từ các thị trường nơi hệ thống tài chính còn ở mức sơ khai, chưa phát triển như Nam Phi, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc

Chỉ trong vòng sáu tháng Binance trở thành sàn giao dịch tiền mã hóa lớn nhất thế giới và duy trì vị trí này cho đến nay. Hiện nay mỗi ngày Binance xử lý lượng giao dịch trị giá đến 76 tỉ đô la Mỹ, nhiều hơn bốn đối thủ xếp hạng kế tiếp cộng lại

Dù không liệt kê văn phòng chính thức nào Binance hiện có 3.000 nhân viên rải khắp thế giới. Dựa vào khối lượng giao dịch, phí giao dịch, nhiều nhà phân tích cho rằng nếu Binance lên sàn chứng khoán nó sẽ được định giá khoảng 300 tỉ đô la Mỹ và Zhao là một tỉ phú đô la vì đang nắm lượng cổ phần lớn nhất trong Binance

Nhưng vòng kim cô các nước đang siết lại dần


Tuy nhiên cũng do Binance lớn quá nhanh nên đang rơi vào tầm ngắm của các cơ quan quản lý tại nhiều nước. Hai tháng sau khi Binance chính thức hoạt động tại Thượng Hải vào mùa hè năm 2017, Trung Quốc ra lệnh cấm các đồng tiền mã hóa vì sợ chúng sẽ là phương tiện để chuyển tiền trái phép ra khỏi nước. Đội ngũ ban đầu của Binance chừng 30 người ngay lập tức dọn sang Nhật. Năm 2018, cơ quan quản lý tài chính Nhật cảnh báo Binance không được giao dịch với người Nhật vì chưa có giấy phép hoạt động

Việc Binance không có một địa chỉ trụ sở cụ thể làm đau đầu nhiều nhà quản lý vì họ không biết ai chịu trách nhiệm cho tổng thể công ty. Công ty mẹ Binance Holdings Ltd. được thành lập ở Cayman Islands nhưng theo giới quản lý tài chính của địa điểm tránh thuế nổi tiếng này thì Binance Holding không đăng ký chức năng cũng như không được cấp phép điều hành một sàn giao dịch tiền mã hóa từ Cayman Islands. Hai năm đại dịch Zhao cư trú tại Singapore

Không như các sàn giao dịch chứng khoán phải đăng ký và được cấp phép ở từng địa phương, Binance lan ra khắp thế giới chỉ dựa vào nền tảng trang web Binance.com và các ứng dụng trên điện thoại di động. Năm 2019 Binance bắt đầu cho phép nhà đầu tư chuyển đổi từ tiền mã hóa sang tiền truyền thống như đô la Mỹ hay euro

Hiện nay người chơi đăng ký một tài khoản trên Binance và có thể bắt đầu mua bán đủ loại tiền mã hóa bằng thẻ tín dụng hay bằng kết nối với tài khoản ngân hàng. Binance liên tục thuê các nhân vật nổi danh trên YouTube làm các video bày cho người mới chơi rồi tạo các nhóm trên Facebook và các mạng xã hội khác để tiếp cận khách hàng mới ngay ở những địa điểm ít sàn khác chú ý như Trung Đông hay châu Phi

Ở Mỹ, theo Bloomberg, Bộ Tư pháp nước này đang điều tra xem thử Binance có hỗ trợ cho chuyện rửa tiền. Còn Ủy ban Giao dịch chứng khoán SEC năm 2019 phát hành tài liệu đưa ra các bài kiểm tra xem thử một tài sản kỹ thuật số có phải là chứng khoán và phải chịu sự giám sát của SEC hay không

Changpeng Zhao bèn cho chuyển hướng người dùng tại Mỹ vào địa chỉ Binance.US; trên đó Zhao cho rút bớt các loại đồng tiền có thể bị tranh cãi và hủy bỏ các dạng dịch vụ phái sinh. Đến cuối năm 2020, SEC yêu cầu Binance.US cung cấp thông tin về hoạt động của nó, như ai đang nắm quyền kiểm soát các ví tiền kỹ thuật số của người chơi, tiền mã hóa được lưu ở đâu, chi tiết mối quan hệ giữa Binance.US và Binance Holding

Một trong những mối lo của giới quản lý tài chính ở Mỹ là việc kiểm soát dữ liệu mua bán tiền mã hóa lại nằm trong tay những người lập trình có mối liên hệ với Trung Quốc như vấn đề TikTok từng gặp phải. Người phát ngôn của Binance cho rằng không có công nghệ hay dữ liệu nào của Binance đang nằm ở Trung Quốc. “Mọi thông tin nhận dạng cá nhân của khách hàng tại Mỹ được lưu trên nền tảng Amazon Web Services tại Richmond, Virginia” – ông này nói

Ngoài ra Binance còn bị cấm hoặc được cảnh báo không được cung cấp dịch vụ đầu tư vào tiền mã hóa tại Anh, Ý, Đức, Hàn Lan, Nhật Bản và Hồng Kông

Bất kể các rắc rối với chính quyền sở tại, Binance vẫn đang bành trướng mạnh. Giao dịch giao ngay trên Binance vào tháng 9 tăng 10% so với tháng trước. Có vẻ như triết lý kinh doanh của Zhao đang thay đổi. Trong một bài phỏng vấn với tờ Wall Street Journal, Zhao cho rằng sàn giao dịch tiền mã hóa sẽ phải được quản lý và cấp phép đúng thủ tục thì mới thu hút thêm khách hàng mới

Binance cũng đang tiến hành lập các văn phòng đại diện và một trụ sở chính – những việc trước đây Zhao cho là đã lạc hậu với tiền mã hóa nhưng nay là cần thiết vì giới quản lý muốn như vậy. Có lẽ Zhao muốn khép mình vào kỷ luật thị trường nhằm hướng đến một phi vụ phát hành cổ phiếu ra công chúng để lên sàn chứng khoán vào năm 2024. Lúc đó tài sản ảo của Zhao và cộng sự mới biến thành tiền thật
 
AI của Tencent đánh bại cao thủ cờ vây hàng đầu thế giới
Chiến thắng này càng trở nên ấn tượng hơn khi AI không đánh bại cao thủ theo luật đấu bình thường, mà là luật chấp 2 quân

Chiến thắng lịch sử của AI DeepMind với chương trình AlphaGo trước kỳ thủ cờ vây Lee Sedol, có thể coi là một dấu mốc quan trọng trong ngành nghiên cứu trí tuệ nhân tạo. AI đã chiến thắng kỳ thủ mạnh thứ 5 thế giới trong một bộ môn tương đối phức tạp như cờ vây

Mới đây, Tencent cũng đã công bố về thành tựu của riêng mình trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo nói chung, cũng như bộ môn cờ vây nói riêng, cùng tham vọng của Trung Quốc trong ngành khoa học này. Cụ thể, tuần trước, AI của Tencent là chương trình Fine Art đã đánh bại kỳ thủ 9 đẳng Kha Khiết - hiện đang đứng hạng hai thế giới


CEO của Tencent, ông Mã Hóa Đằng

Chiến thắng của Fine Art được giới cờ vây chú ý bởi nó đã khiến cho mọi người thấy rõ khoảng cách ngày một xa giữa máy tính và con người trong bộ môn cờ vây, cũng như cho thấy sự thu hẹp khoảng cách trong lĩnh vực nghiên cứu trí tuệ nhân tạo giữa Trung Quốc và Mỹ

Theo kế hoạch đầy tham vọng của chính phủ Trung Quốc, thì họ sẽ dồn toàn lực cho các nhà nghiên cứu để AI của Trung Quốc có thể sánh ngang với Mỹ vào năm 2020, rồi tiến đến vượt qua Mỹ vào năm 2030. Chính vì vậy, các công ty và tập đoàn nghiên cứu AI tại Trung Quốc đều nhận được sự đầu tư rất lớn từ chính phủ. Tencent, vốn là một ông lớn trong nhiều lĩnh vực tại Trung Quốc, đã được Bộ Khoa học và Kỹ thuật Trung Quốc coi là "gương mặt quốc gia" trong ngành trí tuệ nhân tạo, cùng với bốn ông lớn công nghệ khác

Lĩnh vực trí tuệ nhân tạo được Trung Quốc đầu tư mạnh hơn hẳn sau chiến thắng của AlphaGo vào năm 2016 - sự kiện mà các giáo sư tại Trung Quốc coi là "khoảnh khắc Sputnik", khi mà người Trung Quốc nhận ra họ thua Mỹ rất xa trong ngành nghiên cứu AI


Chiến thắng của Fine Art trước kỳ thủ Kha Khiết là một thành tựu cực lớn của Trung Quốc, bởi lẽ đây không phải là chiến thắng trong bình thường. Cụ thể, Fine Art đã đánh bại Kha Khiết với luật chấp hai quân. Trong khi, theo nghiên cứu của nhiều chuyên gia cờ vây, thì một "kỳ vương" hoàn hảo với sức mạnh tuyệt đối sẽ có khả năng đánh bại kỳ thủ mạnh nhất thế giới với luật chấp 3 quân. Và chiến thắng của Fine Art cho thấy tham vọng của Tencent để theo đuổi sự "tuyệt đối" này. Tất nhiên, ở thời điểm hiện tại Fine Art vẫn chưa hoàn toàn là bất khả chiến bại, khi mà AI đã đấu tổng cộng 34 trận với các kỳ thủ chuyên nghiệp theo luật chấp 2 quân và chiến thắng 30 trận

Và ở thời điểm hiện tại, cuộc đối đầu được nhiều chuyên gia nghiên cứu AI và cờ vây ngóng trông, có lẽ sẽ là cuộc đối đầu lịch sử giữa Fine Art và AlphaGo, nếu như Tencent và Alphabet đồng ý cho AI của mình so tài
 
Vốn hóa Alibaba bay hơi gần 500 tỷ USD vì đòn trừng phạt của Bắc Kinh
Sau bài phát biểu gây tranh cãi của tỷ phú Jack Ma, vốn hóa của Alibaba - tập đoàn thương mại điện tử hàng đầu Trung Quốc - lao dốc gần 500 tỷ USD

Theo Bloomberg, kể từ khi Ant Group - tập đoàn công nghệ tài chính của tỷ phú Jack Ma - bị các cơ quan quản lý yêu cầu hoãn IPO (phát hành cổ phiếu ra công chúng lần đầu), vốn hóa của Alibaba giảm hơn một nửa

Cuối tháng 10/2020, vốn hóa của Alibaba đạt 6.600 tỷ HKD (tương đương 836 tỷ USD). Nhưng ở thời điểm hiện tại, giá trị vốn hóa thị trường của gã khổng lồ thương mại điện tử chỉ còn 358 tỷ USD, tức giảm gần 500 tỷ USD

Chứng chỉ lưu ký tại Mỹ (ADR) của Alibaba cũng được giao dịch ở mức thấp nhất. ADR là chứng chỉ có thể thương lượng, được phát hành bởi một ngân hàng lưu ký của Mỹ, đại diện cho một số lượng cổ phiếu nhất định ở những công ty nước ngoài

Jack_Ma_2.jpg

Alibaba gặp hàng loạt rắc rối sau bài phát biểu gây tranh cãi của nhà sáng lập Jack Ma

Hầu hết công ty Internet lớn của Trung Quốc như Alibaba đều sử dụng mô hình VIE. Tuy nhiên, VIE đã trở thành mối đe dọa đối với Bắc Kinh khi các công ty công nghệ thâm nhập vào mọi ngóc ngách của đời sống người dân Trung Quốc và kiểm soát khối lượng dữ liệu người dùng khổng lồ

Alibaba thành lập Alibaba Group Holding như một công ty vỏ bọc có trụ sở tại Caymans để niêm yết cổ phiếu ở New York

Công ty holding này đã thành lập các công ty con thuộc sở hữu nước ngoài tại Trung Quốc, trong đó ký kết những thỏa thuận kiểm soát theo hợp đồng với các doanh nghiệp xử lý hoạt động bán lẻ điện tử và những hoạt động khác của Alibaba, cũng như các cổ đông của họ. Những thỏa thuận trên biến các công ty thành những VIE

Các hợp đồng cũng cung cấp cho công ty holding có trụ sở tại Caymans quyền kiểm soát những doanh nghiệp đang hoạt động và cho phép lợi nhuận của họ chảy vào đó

Ngoài ra, theo Nikkei Asian Review, Trung Quốc cũng có thể áp "thuế dữ liệu" đối với các nhà phát triển nền tảng, bao gồm những gã khổng lồ Internet của đất nước tỷ dân. Đó là một khía cạnh trong chiến dịch "thịnh vượng chung" của Chủ tịch Tập Cận Bình
 
Ông trùm điện tử Sony tái sinh sau thời kỳ tăm tối
“Nhiệm vụ của tôi là làm sống lại niềm tự hào trong những gì chúng tôi làm để mang lại giá trị cảm xúc”, cựu CEO Kazuo Hirai đã nói như vậy khi nhìn lại chặng đường hồi sinh Sony

Sony từng là thương hiệu quyền lực nhất trên thị trường điện tử tiêu dùng với hàng loạt sản phẩm đình đám và chất lượng như tivi màu Trinitron, máy nghe nhạc Walkman, máy chơi game PlayStation, Blue-ray, laptop Vaio, smartphone Xperia, tivi Bravia… Tuy nhiên, như nhiều công ty Nhật Bản khác, Sony bỏ lỡ cuộc cách mạng kỹ thuật số và bị các công ty điện tử Hàn Quốc, Trung Quốc lấn lướt. Sony thua lỗ liên tiếp hàng tỷ USD và mất chỗ đứng trên mọi mặt trận, từ smartphone, laptop tới tivi. Vào thời kỳ tăm tối nhất, chúng ta có thể đọc được vô số bài báo, bình luận và báo cáo về Sony mổ xẻ một chủ đề duy nhất: “Ai đã giết Sony”


Ông Kazuo Hirai (trái) và ông Kenichiro Yoshida

Tuy nhiên, ánh sáng đã đến với Sony vào năm 2012, khi CEO Howard Stringer đề cử ông Kazuo Hirai điều hành tập đoàn, người mà ông đánh giá là có “tư duy cứng rắn và kỹ năng lãnh đạo”, sẵn sàng thực hiện thay đổi

Kazuo Hirai, thuyền trưởng hướng ngoại và lôi cuốn

Ngay sau khi nhậm chức, ông công bố chiến lược “One Sony” nhằm cải tổ và vực dậy Sony, với ưu tiên cao nhất đặt vào điện tử, khi đó chiếm khoảng 60% toàn bộ danh mục kinh doanh. Sony muốn là người dẫn đầu trong ba lĩnh vực: hình ảnh kỹ thuật số, game và sản phẩm, dịch vụ liên quan tới di động. Ông khẳng định không vứt bỏ bộ phận tivi bất chấp đây là năm thứ 8 liên tiếp “báo động đỏ”. 5 năm sau, Sony của ông Hirai đã đạt được 2 trong 3 mục tiêu, đó là hình ảnh kỹ thuật số và game. Ông cũng thẳng tay bán mảng kinh doanh laptop Vaio, tái cấu trúc các bộ phận khác, giảm 37.400 nhân lực toàn cầu xuống 125.300

“Chúng tôi là một công ty làm mọi người cảm động”, ông Hirai phát biểu trong một cuộc họp báo cáo chiến lược với các nhà phân tích và nhà đầu tư năm 2017. Bí quyết để nhen nhóm sự trở lại của Sony là khơi dậy xúc cảm với các sản phẩm. Ông Hirai là “tín đồ” cuồng nhiệt của khái niệm Kando, đề cao thiết lập kết nối cảm xúc với khách hàng, tạo ra lòng trung thành

Theo ông, các sản phẩm Sony cần có giá trị cả về mặt tính năng lẫn cảm xúc. Ông áp dụng Kando với mọi bộ phận và làm sống lại vinh quang đã phai nhạt. “Ai cũng có thể cung cấp chức năng song cảm xúc là thứ đã nằm trong triết lý thiết kế của Sony, một phần trong DNA Sony từ khi công ty thành lập 71 năm trước. Chúng tôi đã đánh mất nó một thời gian và công việc của tôi là làm sống lại niềm tự hào trong những gì chúng tôi làm để mang lại giá trị cảm xúc”, ông nói với The Guardian đầu năm 2018

Trọng tâm trong chiến lược của ông Hirai là tạo ra các thương hiệu bền vững, ảnh hưởng lớn đến văn hóa thiết kế của Sony. Ông ngồi lại với giám đốc mỗi bộ phận và khuyến khích họ duy trì thiết kế nếu họ tin rằng đó là một thiết kế tốt. Cách tiếp cận đó đặc biệt hiệu quả với máy ảnh RX cao cấp và tai nghe Sony. Dù vậy, công ty cũng chuyển sự tập trung sang AI và robot, cảm biến hình ảnh và PlayStation

Chiến lược “One Sony” cho thấy thành quả sau 5 năm nhưng không vì thế mà ông Hirai tự mãn. Ông không cho rằng đây là lúc diễu hành chiến thắng mà nhiệm vụ của Sony là không trượt chân như trong quá khứ

Kenichiro Yoshida, chiến lược gia trầm lặng

Năm 2018, ông Hirai từ chức CEO Sony và trở thành Chủ tịch Hội đồng quản trị, nhường chỗ cho Giám đốc Tài chính Kenichiro Yoshida. Ông xem đây là “thời điểm lý tưởng để chuyển giao quyền lực cho ban lãnh đạo mới, vì tương lai của Sony”. Tháng 3/2019, ông Hirai thông báo rời Sony sau 35 năm gắn bó

Ông Yoshida là cánh tay phải của ông Hirai và là Giám đốc cấp cao của Sony từ năm 2005. Theo ông Hirai, ông Yoshida sở hữu kinh nghiệm dày dạn và những phẩm chất lãnh đạo kiên định cần có để quản lý các mảng kinh doanh đa dạng tại Sony, cũng như là người lý tưởng để thúc đẩy công ty trong tương lai

Người hâm mộ và nhà đầu tư của Sony có thể bất ngờ. Tuy nhiên, ông Yoshida chính là ứng cử viên nặng ký nhất cho chức vụ CEO và tiếp tục hành trình vực dậy Sony mà ông Hirai khởi xướng 6 năm trước đó. Nguyên nhân là vì ông có mặt trong mọi đường đi, nước bước khi hãng điện tử Nhật Bản cắt giảm nhân sự, bộ phận không hiệu quả. Động thái được xem là rủi ro đối với các doanh nghiệp trong nước, nơi lịch sử và các mối quan hệ được đánh giá cao hơn tiền bạc

Ông Yoshida hỗ trợ ông Hirai thực hiện nhiều phần trong chiến lược “One Sony”. Một trong những điều này là mang đến sự minh bạch hơn cho mỗi bộ phận. Ông cũng phụ trách bán đi những bộ phận hoạt động kém như máy tính cá nhân, sẵn sàng bút toán giảm khi cần thiết. Với thâm niên công tác từ năm 1983, ông hiểu rõ Sony “từ trong ra ngoài”

Dưới sự lãnh đạo của ông Yoshida, Sony tiếp tục tăng trưởng bất chấp nghịch cảnh. Dịch Covid-19 kéo đến, gây ảnh hưởng trầm trọng tới kinh tế thế giới. Tuy nhiên, Sony vẫn khép lại năm 2020 thành công. Kết thúc năm 2020, Sony chiếm 46% thị trường cảm biến hình ảnh smartphone trị giá 15 tỷ USD. Cũng trong năm này, PlayStation là máy chơi game phổ biến nhất thế giới với thị phần khoảng 57,5%. Trên thị trường tivi, Sony xếp thứ ba, sau Samsung và LG, với 8% thị phần. Từ tháng 4/2020 đến tháng 3/2021, Sony ghi nhận doanh thu thường niên tăng 9%, đạt 83,3 tỷ USD, thu nhập ròng thường niên đạt kỷ lục 10,8 tỷ USD. Lợi nhuận của các bộ phận phim ảnh, âm nhạc, game đều tăng

Thành công của bộ phận cảm biến hình ảnh đã đền đáp quyết định cứng rắn của ông Yoshida trước áp lực ép bán của nhà đầu tư. Ông nhìn thấy tương lai lâu dài của Sony ở trong các mảng như bảo hiểm nhân thọ, thiết bị y tế, bù đắp cho tổn thất của mảng điện tử. “Trong quá khứ, chúng tôi đa dạng để sống sót. Bây giờ, tôi muốn đa dạng là một thế mạnh”, ông nói

Theo ông Yoshida, một nhà lãnh đạo phải “đưa ra quyết định cần thiết vào thời điểm cần thiết và chịu trách nhiệm về kết quả”. Hai trọng trách khác là “vạch ra định hướng cho công ty, bao gồm mục tiêu và hướng đi” và “quyết định giao cho ai nhiệm vụ nào, trong bao lâu”

Kết quả kinh doanh gần đây của Sony khiến các nhà đầu tư khó tính nhất cũng phải gật gù. Theo nhà phân tích Masahiro Ono, Sony là công ty điện tử Nhật Bản duy nhất vượt mốc lợi nhuận trước khủng hoảng Lehman. Năm 2019, Sony gây bất ngờ khi hợp tác với Microsoft trong game đám mây. Với một chiến lược gia tài ba như ông Yoshida, bắt tay với đối thủ là điều nên làm nếu dự báo tương lai của cả ngành không khả quan

Dưới bàn tay của bộ đôi Hirai và Yoshida, Sony đã hồi phục một cách thần kỳ nhưng rất khác biệt so với trước. Chuyển đổi thường là một chuỗi các lựa chọn khó khăn, từ bỏ thị trường truyền thống. Những gì bạn chọn không làm cũng quan trọng không kém những gì bạn theo đuổi. Không có nhiều công ty sẵn sàng xoay trục kinh doanh hoàn toàn, song Sony đã làm được. Đúng như những gì ông Hirai tâm sự khi nghỉ hưu, “Tôi tự tin mọi người tại Sony được sắp đặt hợp lý dưới sự lãnh đạo mạnh mẽ của ông Yoshida và sẵn sàng xây dựng một tương lai tươi sáng hơn nữa cho Sony”
 
Top