What's new
Vietnam - Điện Biên Phủ Kinh Tế

This is a sample guest message. Register a free account today to become a member! Once signed in, you'll be able to participate on this site by adding your own topics and posts, as well as connect with other members through your own private inbox!

Lấy Phúc Đức để Khởi Nghiệp

LOBBY.VN

Administrator
Vị doanh nhân từ chối chức Bộ trưởng
- Ít ai biết, chính doanh nhân họ Nguyễn kể lại, ông từng được đề nghị giữ chức vụ Bộ trưởng Bộ Kinh tế sau Cách mạng tháng 8 nhưng khiêm nhường xin được từ chối bởi “tự xét thấy mình học ít, tài sơ, nên không dám nhận chức vụ quá to lớn ngoài sức mình”...
Không chỉ theo đuổi nghiệp doanh thương làm giàu cho bản thân, góp phần khơi dậy ý thức tự cường dân tộc, mà khi Tổ quốc cần, doanh nhân Nguyễn Sơn Hà cùng gia đình cống hiến hết mình cho cách mạng, những mong quốc gia, dân tộc đi đến cảnh độc lập, tự do, nhân dân cởi được ách nô lệ

Với bọn thực dân thống trị hống hách, thâm độc, coi khinh dân Việt là “Annamite” thấp kém, vị doanh nhân họ Nguyễn chẳng sợ cường quyền, thế lực của Pháp, ông sẵn sàng đương đầu với chúng, hòng nâng cao thể diện cho dân Nam

Thẳng tay đánh công sứ Pháp

Ý thức cho sức mạnh Việt của Nguyễn Sơn Hà kể ra cao lắm, nhất là giữa lúc bao nhiêu quyền lực trên đất Việt nằm hết nơi người Tây. Thế nên, trong lời kể “Cụ có tinh thần dân tộc như vậy đó” của Họa sĩ Nguyễn Quang Thọ, ta càng thấy hả lòng, hả dạ trước sự khu xử của vị doanh nhân họ Nguyễn

Số là, trong một lần đi đường, có xe viên Công sứ Pháp ở phía sau xin vượt, nhưng đường hẹp nên cụ không cho. Đến lúc vượt được, hắn ỷ thế quan to, lại là người Pháp, nên dừng lại gây sự và chửi ông

Nguyễn Sơn Hà giận lắm, “tặng” luôn cho tên này một nắm đấm, rồi sau đó điện cho Toàn quyền Pháp về vụ việc. Vốn biết danh tiếng của ông, quan chức Pháp không thể làm gì hơn ngoài việc cho qua vụ việc ấy, dẫu chúng cũng thấy bẽ mặt cho cái uy quyền của mình lắm lắm

Khởi nghiệp kinh doanh, chịu sự cạnh tranh khốc liệt, thiếu sòng phẳng của kẻ thù, nhưng chưa bao giờ Nguyễn Sơn Hà thối chí, nản lòng. Đáng quý hơn nữa, ông cũng chẳng bao giờ dựa vào Pháp, thân Pháp hay sợ Pháp, mà càng thêm nỗ lực hơn, đến nỗi làm cho chúng từ việc khinh rẻ sản phẩm của “dân An Nam”, sau này phải quay sang mua sơn ông làm, xin nhận làm đại lý để phân phối kiếm lời

Cứ vị tư sản dân tộc nào cũng có tinh thần tự cường như ông, nước nhà lấy lại độc lập mấy hồi ?. Cái tinh thần khuếch trương hàng Việt của Nguyễn Sơn Hà, nay ta học theo còn dài dài lắm

Sau này, mừng sinh nhật ông, Nhà giáo nhân dân Nguyễn Luân có bài thơ Đường luật viết tặng, trong đó có câu:

Tay trắng làm nên từ thuở trẻ,
Lòng son giữ vững đến khi già.
Tự do, độc lập, coi vô giá,
Của cải, gia tài chẳng thiết tha.

Coi độc lập, tự do của dân tộc cao hơn tất cả mọi thứ lợi ích vật chất tầm thường khác, sẵn sàng hiến tài sản to lớn dày công tạo lập, Nguyễn Sơn Hà cùng gia quyến lại thêm bước dấn thân vì nước...

Luôn vì quốc dân

Không chỉ làm kinh tế, cạnh tranh sòng phẳng với người Pháp để tỏ rõ dân Nam giỏi giang chẳng kém người da trắng, doanh nhân Nguyễn Sơn Hà sớm đi theo tiếng gọi của Tổ quốc. Việc gì lợi cho nước, ông cũng đem hết sức vóc mà tham gia cho đến khi đạt được kết quả

Riêng ông bà có 8 người con, nhiều người tham gia cách mạng; trong đó, con cả Nguyễn Sơn Lâm là liệt sĩ chống Pháp tại Hải Phòng, còn con út Nguyễn Sơn Ngọc là thương binh trong kháng chiến chống Mỹ. Riêng bà Mùi sau Cách mạng tháng 8 được cử làm ủy viên thuộc UBND cách mạng lâm thời đầu tiên tại thành phố Hải Phòng

Còn nhớ nơi đất Hải Phòng, khi Hội truyền bá quốc ngữ được thành lập tại Hà Nội, ông là một trong những người đầu tiên lập chi hội dạy chữ quốc ngữ ở đất cảng này theo đề nghị của Hội trưởng Nguyễn Văn Tố. Nhờ đó “sau vài năm, phong trào diệt dốt đã trở nên mạnh mẽ, sôi nổi, chẳng những ở khắp trong tỉnh, mà còn lan ra các miền chung quanh”

Lại để bảo vệ cho đồng bào thấp cổ bé học trước sự hống hách của thực dân cũng như hệ thống luật pháp bảo vệ người của “mẫu quốc”, ông tham gia vào Hội đồng thành phố để tranh đấu cho đồng bào mình

Theo chính lời ông kể, không chỉ dùng sức mạnh tự thân, Nguyễn Sơn Hà còn tranh thủ bè bạn có cảm tình, kể cả người Pháp để “dùng mọi lý lẽ xác đáng đấu tranh, không những ở Hội đồng thành phố, mà cả với tên Thống sứ, tiến tới phải bỏ cái thuế hình, thuế nước, những thứ thuế cực kỳ vô nhân đạo, đánh vào tất cả mọi người có công việc qua lại thành phố”

Một sự kiện rất quan trọng cho tư tưởng cứu nước của Nguyễn Sơn Hà, ấy là chuyến vào thăm cố đô Huế, được tiếp xúc với các nhà yêu nước Phan Bội Châu, Huỳnh Thúc Kháng năm 1939. Cũng chính năm 1939, tại Đông Triều, Nguyễn Sơn Hà và Nguyễn Bình (lưỡng quốc tướng quân) gặp nhau. Bấy giờ, Nguyễn Bình đang lập Đệ tứ chiến khu chống Pháp, ông không ngần ngại ủng hộ một số tiền lớn cho việc mua sắm vũ khí

Trước Cách mạng tháng 8/1945, nạn đói do phát xít Nhật bắt dân ta nhổ lúa trồng đay đã làm cho hơn 2 triệu đồng bào từ Thanh Hóa trở ra Bắc chết đói. Đau xót trước sinh mệnh đồng bào, vợ chồng doanh nhân sơn dầu họ Nguyễn đứng ra tổ chức Ban cứu đói, vận động các nhà hảo tâm góp tiền ủng hộ đồng bào; đồng thời, vợ chồng ông còn mở trường Dục Anh làm nơi nuôi dưỡng trẻ mồ côi

Trong những ngày Cách mạng tháng 8/1945, nhờ có tiền hãng sơn Nguyễn Sơn Hà gửi ở ngân hàng được rút ra ủng hộ, góp phần tổ chức được đoàn tàu ra Côn Đảo đón cán bộ cách mạng bị giam giữ trước đó về đất liền, trong đó có Tôn Đức Thắng, Lê Duẩn, Nguyễn Văn Linh…

Sau khi Cách mạng tháng 8 thành công, lại cũng chính vợ chồng Nguyễn Sơn Hà ủng hộ cho chính quyền cách mạng 105 cây vàng, một số tiền lớn cùng nhiều đất đai. Cũng từ đây về sau, vị doanh nhân họ Nguyễn đi theo cách mạng

Qua hai cuộc kháng chiến

Với uy tín to lớn không chỉ trong việc doanh thương mà cả với đồng bào Hải Phòng, nên sau khi cách mạng thành công, ông là một trong những ứng cử viên được bầu làm đại biểu Quốc hội đầu tiên của Hải Phòng

Tham gia cơ quan lập pháp của đất nước, theo hồi ức “Nguyễn Sơn Hà, một nhà doanh nghiệp và nhân sĩ yêu nước”, thì Nguyễn Sơn Hà là một đại biểu “có ý kiến độc lập, luôn thẳng thắn trao đổi, đóng góp những vấn đề trọng đại mà Quốc hội phải quyết định”

Có điều ít ai biết, mà như chính doanh nhân họ Nguyễn kể lại, ông từng được đề nghị giữ chức vụ Bộ trưởng Bộ Kinh tế sau Cách mạng tháng 8 nhưng khiêm nhường xin được từ chối bởi “tự xét thấy mình học ít, tài sơ, nên không dám nhận chức vụ quá to lớn ngoài sức mình”

Khi Pháp đánh chiếm Hải Phòng, gia đình ông bỏ lại tất cả tài sản ở Hải Phòng, chuyển sang chiến khu Đông Triều, rồi lên Việt Bắc tham gia kháng chiến. Ông tích cực tham gia các hoạt động như Bình dân học vụ, lập trại tản cư…

Không quên nghề cũ đã làm nên tên tuổi Nguyễn Sơn Hà dậy vang ngành sơn dầu, ông lại cùng với anh em công nhân tìm kiếm nguyên liệu, mở xưởng sản xuất mực in li-tô, giấy than, áo mưa ba tác dụng cho quân dân. Bởi vậy mới có bài thơ người bạn tặng ông, có câu rằng

Áo mưa làm rất tài tình,
Dầu ăn, lau súng cũng mình chế ra.
Thi đua bảo vệ sơn hà,
Toàn gia nỗ lực xây nhà tương lai.

Đâu chỉ có thế, ông còn sáng kiến chế được cả lương khô, thuốc ho cho anh em bộ đội. Chính bởi sự cống hiến không mệt mỏi ấy, Hồ Chủ tịch từng hai lần viết thư động viên, khen ngợi ông. Trong thời gian kháng chiến chống Pháp về sau, Nguyễn Sơn Hà tiếp tục là đại biểu Quốc hội, ủy viên Mặt trận Liên Việt

Hưởng ứng lời kêu gọi thi đua ái quốc của Hồ Chủ tịch, ông đã soạn nên cuốn sách “Công nghệ thực hành” dạy một số nghề thông thường, hướng dẫn làm giấm, xì dầu, mực in… được in và phát hành rộng rãi nơi Việt Bắc

Sau năm 1954, ông về Hà Nội với cương vị Thường trực Quốc hội, Thường trực Mặt trận dân tộc thống nhất… Ngoài ra, Nguyễn Sơn Hà lại quay về với lợi thế bấy lâu, hùn vốn lập nhà máy đường kính. Sau ông được giao phụ trách ngành sơn dầu Hà Nội

Từ những kiến thức đã tích lũy, tài liệu về sơn dầu được ông viết nên cho lớp trẻ mà không lấy bất cứ đồng tiền thù lao nào… Trong đời mình, ông cũng từng được tín nhiệm tham gia phái đoàn đi dự Hội nghị kinh tế quốc tế tại Moscow năm 1952, tham gia học tập, dự Ngày Quốc tế Lao động tại Trung Hoa…

Ngẫm lại, nghiệp doanh thương, nghiệp cứu nước của Nguyễn Sơn Hà, thật xứng với đôi câu đối cụ Phan Bội Châu viết tặng ông:

Hóa học bác Âu trường, tô điểm sơn hà tâm hữu tất,
Công khoa tồn Việt chủng, chuyên di dời thế thủ vi cơ...

Không chỉ theo đuổi nghiệp doanh thương làm giàu cho bản thân, góp phần khơi dậy ý thức tự cường dân tộc, mà khi Tổ quốc cần, doanh nhân Nguyễn Sơn Hà cùng gia đình cống hiến hết mình cho cách mạng, những mong quốc gia, dân tộc đi đến cảnh độc lập, tự do, nhân dân cởi được ách nô lệ

Trần A.B
 
Last edited by a moderator:
Chuyện rút nhẫn kim cương, hiến 10.5kg vàng của doanh nhân đất Cảng
Trong Tuần lễ vàng tháng 8/1945, doanh nhân Sơn Hà không ngần ngại rút chiếc nhẫn quý gắn kim cương bỏ vào thùng hiến tặng. Theo cụ: “Còn đất nước thì sẽ còn của cải nếu mất nước, tiền và của cải nhiều cũng chẳng để làm gì”

Trong căn biệt thự cổ nhuốm màu thời gian ở quận Ngô Quyền, Hải Phòng, họa sĩ Nguyễn Thị Sơn Trúc (SN 1944) còn lưu giữ khá nhiều kỷ vật về cha mình, doanh nhân Nguyễn Sơn Hà (1894 - 1980)

Cụ là một trong những thương gia hàng đầu của Việt Nam thời Pháp thuộc, được biết đến như ông tổ của nghề sản xuất sơn ở Việt Nam


“Cụ Sơn Hà sinh ra trong một gia đình có 7 anh em ở huyện Quốc Oai, tỉnh Sơn Tây (nay thuộc Hà Nội). Con đường khởi nghiệp kinh doanh của cha tôi không hề dễ dàng. Đó là cả một câu chuyện dài…”, bà Sơn Trúc mở đầu câu chuyện về cha mình

Thời trẻ, doanh nhân Sơn Hà làm thuê cho một hãng sơn của người Pháp ở Hải Phòng. Sau đó, muốn đứng ra kinh doanh độc lập, cụ khởi đầu bằng việc tự chế tạo loại sơn riêng của bản thân

Để có tiền vốn, Nguyễn Sơn Hà bán chiếc xe đạp, tài sản duy nhất mình có lúc bấy giờ, dùng tiền để mua một chiếc máy xay bột. Loại máy này giúp cụ nghiền nguyên liệu để chế tạo sơn. Tuy nhiên mẻ sơn đầu tiên không thành công, sơn bán ra bị ế. Sơn Hà không bỏ cuộc, tiếp tục nghiên cứu và cho ra đời những mẻ tiếp theo

“Trong những câu chuyện sau này của gia tộc kể lại, tôi vẫn thường được nghe về những ngày đầu khởi nghiệp thiếu thốn của cha tôi. Để có tiền, cụ phải tự làm đồ chơi cho trẻ em

Sau đó, những ngày gần đến trung thu, đêm nào cha tôi cũng mang ra ga tàu bán đến tận khuya. Tất cả chỉ để theo đuổi ước mơ tạo được hãng sơn riêng của người Việt. Tôi thường mường tượng về hình ảnh đó và nó ám ảnh tôi mãi”, bà Sơn Hà chia sẻ

Để tạo loại sơn riêng, cụ Sơn Hà chú trọng vào nguồn nhiên liệu có sẵn trong nước như nhựa thông, dầu của các loại cây. Theo cụ, nguồn nguyên liệu này sẽ làm giá thành sản xuất rẻ và an toàn. Sau khi có mẫu sơn ưng ý, cụ đẩy mạnh vào việc tìm kiếm thị trường tiêu thụ

“Cha tôi tìm khách hàng bằng cách bán sơn cho cai thầu người Hoa ở Hải Phòng với giá rẻ, biếu hàng mẫu, gửi sơn cho các hãng buôn lớn bán với lãi suất cao mà lại không phải trả tiền hàng ngay…

Thấy sơn rẻ lại chất lượng tốt, khách bắt đầu đặt hàng. Dần dần, số lượng sơn của cha tôi bán ra ngày càng tăng”, bà Sơn Trúc cho biết

Năm 1920, Nguyễn Sơn Hà khi đó là một thanh niên 26 tuổi đã xây dựng một cơ xưởng ở Lạch Tray, Hải Phòng với diện tích 7.000 m2. Cụ mở rộng sản xuất, sắm máy xay và các phương tiện hiện đại

Để chủ động nguồn nguyên liệu, cụ mua đất ở các huyện trồng các loại cây như trẩy, thông… Doanh nhân này cũng đăng tuyển những thợ giỏi nhất và mày mò nghiên cứu tìm nguyên liệu đa dạng để tạo màu cho sơn

Chất lượng sơn của cụ đã chinh phục nhiều người tiêu dùng với giá thành sơn rẻ hơn rất nhiều so với các loại sơn khác. Sơn của Sơn Hà xuất hiện ở các tỉnh phía Bắc sau đó có mặt tại Sài Gòn. Chưa dừng lại ở đó, nó còn được tiêu thụ tại Lào, Campuchia

“Đặc biệt, trước năm 1945, cha tôi từng đưa sơn của công ty sang Pháp tham dự hội chợ. Ông muốn quảng bá sơn của người Việt ra thế giới”, họa sĩ Sơn Trúc cho biết


Uy tín trong giới làm ăn ngày được củng cố, Nguyễn Sơn Hà nhanh chóng vươn lên là một trong những nhà tư sản lớn ở Việt Nam thời bấy giờ. Doanh nhân này sở hữu rất nhiều đất đai, biệt thự tại Hải Phòng, Hà Nội và nhiều tỉnh lân cận

Năm 1939, vợ chồng Nguyễn Sơn Hà được vua Bảo Đại mời vào Huế để dự tiệc chiêu đãi. Cũng trong lần đi này, cụ Sơn Hà có cơ duyên gặp mặt cụ Phan Bội Châu, người đang bị Pháp quản thúc tại Huế

Cuộc gặp gỡ này đã tác động sâu sắc đến vị doanh nhân đất Cảng.

‘Còn đất nước thì sẽ còn của cải’

Cùng với Bạch Thái Bưởi, Trịnh Văn Bô, Trương Văn Bền… dư luận nhắc đến Sơn Hà không chỉ là một doanh nhân thành đạt, cụ còn có nhiều đóng góp lớn cho sự nghiệp cách mạng

Trước cách mạng, Nguyễn Sơn Hà tham gia thành lập các cơ sở từ thiện, mở trường nuôi dạy trẻ lang thang, cơ nhỡ

Cụ còn cho người đến Hà Đông học nghề dệt vải để sau đó về mở cơ sở sản xuất tạo thêm việc làm và thu nhập cho người dân và mua tặng dân làng 4 máy dệt

Trong nạn đói Ất Dậu (1945), cụ dùng số thóc thu được từ 200 mẫu ruộng ở Kinh Môn (tỉnh Hải Dương) vào việc phát chẩn cứu đói. Vợ cụ Sơn Hà là Nguyễn Thị Ngọc Mùi (1918 - 1997) cùng các con trực tiếp nấu cháo và làm bánh tấm, bánh cám để phát cho dân

Đặc biệt, trong Tuần lễ vàng, Nguyễn Sơn Hà rất tích cực đóng góp tiền vàng và vận động các nhà tư sản khác tham gia


Cụ thể, cụ Ngọc Mùi và con gái trong lần ủng hộ đầu tiên đã hiến tặng 105 lạng vàng ròng và số nữ trang của gia đình (gồm vàng bạc, đá quý) lên đến 10,5 kg vàng

“Có giai thoại kể lại rằng, trong sự kiện này, cha tôi không ngần ngại tháo ngay chiếc nhẫn quý bằng platin cẩn kim cương bỏ vào thùng hiến tặng”, bà Sơn Trúc kể

Ngoài ra, gia đình cũng ủng hộ vào quỹ Ủy ban chuẩn bị tổng khởi nghĩa (Tháng 8/1945), 4 vạn 5.000 đông dương (năm 1945, trị giá khoảng 2.000 lạng vàng). Số tiền trên ông ông Vũ Quốc Uy, chủ tịch TP Hải Phòng đương thời, tiếp nhận

Bà Sơn Trúc tiếp tục chia sẻ: “Sau Cách mạng tháng Tám, cha tôi cũng tổ chức một đoàn tàu vượt biển ra Côn Đảo đón tù chính trị bị giam giữ trở về đất liền trước thời điểm Pháp nổ súng gây hấn và chiếm lại Nam bộ ngày 23/9/1945

“Lý giải cho hành động của mình, cha tôi từng nói: “Còn đất nước thì sẽ còn của cải nếu mất nước, tiền và của cải nhiều cũng chẳng để làm gì”, bà Sơn Trúc kể lại

Ngọc Trang - Diệu Bình
 
Last edited:
Phúc âm của sự giàu có

photo1611374959475-16113749597701537851312.jpg

Doanh nhân Andrew Carnegie đã cho đi hết tài sản của mình trước khi qua đời. Ông cũng yêu cầu gia đình khắc trên bia mộ của mình câu nói để đời trên

Cách đây đúng 100 năm, người từng giàu nhất thế giới Andrew Carnegie qua đời tại Lenox, Massachusetts. Nhưng khi ở trên giường bệnh, ông hoàn toàn khánh kiệt. Ông đã cho đi nốt 30 triệu USD cuối cùng của đời mình. Ông ra đi trong sự khánh kiệt, không phải bởi vì ông để lại tài sản cho người nhà mà vì ông đã quyên góp cho đến đồng đô la cuối cùng cho hoạt động từ thiện

Theo Wiki, toàn bộ tài sản (Net worth) của ông Vua thép Andrew Carnegie thời đó, tương đương với 373 tỉ đô la năm 2014, hơn cả tài sản của ba người giàu nhất trên thế giới ngày nay Jeff Bezos, Bill Gates, và Warren Buffett cộng lại

Andrew Carnegie sinh ra trong một gia đình rất nghèo, di cư từ Scotland tới Mỹ. Với hoài bão to lớn, tinh thần học hỏi mạnh mẽ, ông đã dấn thân vào kinh doanh ngành thép, mở nhà máy thép. Và nhờ vào chất lượng thép và uy tín cá nhân mà ông có được hợp đồng xây dựng cầu sắt và đường ray tàu hỏa với chính phủ Mỹ

Những khác với các triệu phú thời đó, Andrew Carnegie sống rất giản dị. Ông rất xem trọng và luôn cổ vũ việc học và việc đọc. Theo ông đó là nguồn gốc của sự tiến bộ cá nhân và sự phát triển, văn minh của xã hội

Từ 1901 cho tới năm 1919, Carnegie đã cho đi phát hầu hết tài sản của ông cho xã hội, đặc biệt là cho giáo dục như việc in và phân phối sách cho người nghèo, xây rất nhiều thư viện, bảo tàng, và trường đại học (một trong số đó là trường Carnegie Mellon)


Trong cuốn sách The Gospel of Wealth (tạm dịch: Phúc âm của sự giàu có), Carnegie viết rằng những người giàu có không nên giữ lại tài sản của mình khi qua đời. "Những người để lại tài sản của mình theo cách này có thể coi lại không để lại chút di sản nào. Đáng lẽ, họ nên đem theo số tài sản họ có xuống mồ"

Thay vào đó, nghĩa vụ một triệu phú nên làm là hãy phân chia hết tài sản họ có trong cuộc đời. "Một người giàu có chết đi mà vẫn sở hữu số của cải anh ta có trong suốt cuộc đời, sẽ qua đời một cách vô danh. Bất kể mục đích anh ta giữ lại số tài sản đó là gì"

Trước khi từ giã cõi đời, sau khi đã cho đi gần hết tài sản, doanh nhân Andrew Carnegie yêu cầu gia đình ông khắc trên bia mộ của mình một câu đơn giản: "The man who dies thus rich, dies disgraced". Tạm dịch "Người chết đi mà vẫn giàu, là chết nhục nhã!"

Chính Andrew Carnegie là người khởi xướng cho giải pháp thiết thực về vấn đề mà bất kỳ triệu phú, người giàu có nào đang lo lắng về một cái chết bất đắc kỳ tử. Ông viết: Bất kỳ triệu phú nào đang gặp vấn đề về giải pháp để đạt được lợi ích to lớn từ số tài sản còn lại của họ sau khi qua đời, thì đây là một giải pháp không bao giờ lỗi thời. Đó chính là là đầu tư tiền vào lĩnh vực giáo dục. Chính Andrew Carnegie cũng đã chi phần lớn tài sản lúc sinh thời của mình (số tiền tương đương 372 tỉ đô la ngày nay) cho lĩnh vực giáo dục. Điều không chỉ có nghĩa là trao tiền cho các trường học, tổ chức giáo dục, Carnegie con thành lập hơn 3.000 thư viện công cộng trên khắp thế giới. Và đó chính là một trong những di sản từ thiện lớn nhất của ông

Nhưng bất kỳ hành trình nào cũng phải có sứ mệnh. Ông tin rằng, sứ mệnh của các nhà từ thiện là tập trung vào những gì có thể để tạo ra sự khác biệt chứ không chỉ là thỏa mãn niềm đam mê từ thiện

Andrew Carnegie tin tưởng mạnh mẽ rằng, sự giàu có nên được cho đi trong suốt cuộc đời đến nỗi ông đã cho đi 100% tài sản của mình. Các tỷ phú trên thế giới như Bill Gates, Mark Zuckerberg, Jeff Bezos, Mark Zuckerberg đã noi gương của ông bằng cách để lại phần lớn tài sản của mình cho xã hội
 
Giới siêu giàu Đức và lối sống ẩn danh
Nước Đức có 153 tỉ phú tính theo giá trị công ty và hồ sơ thuế còn không thể biết được tài sản thật là có bao nhiêu. Số tỉ phú Đức nhiều nhất châu Âu, gấp đôi Anh và Pháp, đứng thứ 3 thế giới và đứng số 1 nếu tính theo tỉ lệ dân số. Tuy nhiên, rất ít người có thể nhắc tên một vị tỉ phú Đức nào đó

175951101-4060972283963052-1518557480126196211-n-1619062878.jpg

Hầu như mọi người đều biết Jeff Bezos, Amazon bỏ vợ thế nào, anh Mark chủ Facebook lấy vợ Tàu ra sao, anh Musk phê cần sa hú hét thế nào, ông trùm hàng xa xỉ Bernard Arnault, người giàu nhất nước Pháp sang chảnh ra sao, Abramovich tỉ phú song tịch Anh- Nga đốt tiền thế nào nhưng rất ít người có thể nhắc tên một vị tỉ phú Đức nào đó

Nước Đức có 153 tỉ phú tính theo giá trị công ty và hồ sơ thuế còn không thể biết được tài sản thật là có bao nhiêu. Số tỉ phú Đức nhiều nhất châu Âu, gấp đôi Anh và Pháp, đứng thứ 3 thế giới và đứng số 1 nếu tính theo tỉ lệ dân số. Có rất nhiều công ty và gia tộc giầu có nhiều đời không niêm yết, không lên sàn chứng khoán và cho đến hôm nay vẫn quản lý công ty theo mô hình gia đình. Giới siêu giàu Đức khác với các quốc gia khác như Anh, Mỹ, Pháp, Nga, Trung Quốc là họ rất thích ẩn danh. Có thể lịch sử bi thương đã dạy cho họ nhiều bài học, từ chuyện chiến tranh tàn phá, tài sản bị quốc hữu hóa, sau chiến tranh có thể bị bên thắng cuộc đưa ra tòa vì tội đóng góp cho phe thua cuộc. Sự thực thì đã nằm trong một quốc gia tham chiến tránh sao được chuyện đó. Nếu họ hở ra là có thể bị đối thủ công kích rằng họ có dính dáng đến phát xít hoặc giới cần lao ở quê hương của cụ tổ cộng sản đấu tố là giai cấp bóc lột

Chính vì vậy người Đức cho dù rất giầu nhưng họ thường cố gắng sống ẩn danh, sống “vô hình” không khoa trương, tránh lên truyền thông, không tham gia các chương trình truyền hình kiểu Shark, không viết sách dạy làm giầu vì họ biết mỗi người một khác. Mô hình của họ có thể thành công nhưng chưa chắc đã hợp với người khác

Ngoài ra, người Đức rất coi trọng quyền tư ẩn. Luật pháp bảo về quyền riêng tư. Các tỉ phú triệu phú, quan chức chính phủ Đức có thể hòa mình vào trong đám đông và ít bị làm phiền như những nơi khác trên thế giới. Một ông già dắt chó đi dạo trên hè phố cũng có thể là một tỉ phú. Một cụ bà bình thường trong làng nhưng hóa ra là cao thủ chứng khoán khi qua đời tặng cho hàng xóm trong làng cả chục triệu Euro lúc đó mọi người mới té ngửa

Khi một tờ báo nêu đích danh tỉ phú Heinz của gia tộc Dürr đã mua lại và tư nhân hóa công ty xe lửa nhà nước của cả Đông Đức và Tây Đức (Deutsche Bundesbahn và Deutsche Reichsbahn) rồi hợp nhất thành Deutsche Bahn AG của tư nhân. Tỉ phú Heinz Dürr đã gọi điện đến tòa soạn xin tổng biên tập xem xét đừng đăng vì vi phạm quyền tư ẩn

Nếu bạn google tên tỉ phú Dieter Schwarz, sẽ không tìm kiếm được thông tin gì hết ngoài một trang giới thiệu trên Wikipedia, cánh truyền thông chưa bao giờ phỏng vấn được chứ đừng nói là lên truyền hình. Không có bài báo nào nói về ông, không tài khoản mạng xã hội và không có tick xanh Facebook. Sẽ chỉ có 3 bức ảnh duy nhất chụp theo kiểu ảnh nhân viên công ty. Thông tin hình ảnh về gia đình ông, vợ con cũng hoàn toàn không có. Bức ảnh này cũng chỉ mới có khi công ty trở thành tập đoàn toàn cầu

Nữ tỉ phú Susanne, con gái của gia tộc Quandt nổi tiếng, sở hữu tập đoàn BMW, khi mới tốt nghiệp đại học, vào làm cho công ty gia đình dưới một tên giả, làm từ vị trí nhân viên, cả tập đoàn không ai biết. Ngay cả người yêu và sau này là chồng cũng không biết thân phận thật của cô cho đến ngày cưới

Khi Karl Albrecht, chủ của tập đoàn siêu thị Aldi qua đời, an táng xong xuôi, một tuần sau mới có một mẩu cáo phó nhỏ đăng trên báo địa phương rằng ông Karl một người thích trồng lan và đánh golf đã qua đời trong sự tiếc nuối của gia đình. Ông chơi golf nhưng không tham gia giải nào, không bao giờ có ảnh chụp ông đánh golf vì ông là chủ sân golf và giờ ông chơi golf là chỉ có ông và những người bạn thân cận hoặc gia đình

Theo một nghiên cứu của PWC, một trong tứ đại kiểm toán thế giới, các gia tộc siêu giàu của Đức có những “quốc pháp gia phong” (family code). Ví dụ như “Gia Luật” của gia tộc Reimanns, dòng họ quản lý tập đoàn Jab nắm giữ nhiều thương hiệu nổi tiếng thế giới, việc giữ bí mật gia đình là tối thượng. Tất cả thành viên trong gia đình khi đủ 18 tuổi bắt buộc phải ký điều lệ giữ bí mật, theo đó họ cam kết tránh xa phương tiện truyền thông xã hội, tránh bị chụp ảnh trước công chúng và từ chối các cuộc phỏng vấn, không được để ảnh hưởng đến công việc hàng ngày của doanh nghiệp gia đình. Họ thường sống trong các tòa nhà kín đáo, ẩn sâu trong rừng hoặc một biệt thự với 20 nút chuông và hòm thư trông giống như có nhiều hộ gia đình sống nhưng kỳ thực chỉ một gia đình, chứ ngoài cửa không có biển mạ vàng ghi Biệt Thự Thủy Thắm với rồng bay phượng múa. Họ sở hữu các khu resort hoặc hòn đảo riêng ở một số quốc gia khác nơi không ai biết họ để về đó nghỉ. Các gia tộc này thường để tài sản ở nhiều nơi, tài khoản ngân hàng ở nhiều quốc gia, tuyệt đối không vào phòng VIP của ngân hàng địa phương

Một số yếu tố giải thích cho sự ẩn danh này đó là văn hóa Đức


Dirk Rossmann, người sáng lập ra một chuỗi siêu thị kiêm hiệu thuốc mang tên ông, Rossmann, nói rằng những người giàu Đức rất e dè, cẩn trọng vì họ lo lắng sẽ có những phát biểu hoặc hành động sai lầm gây phản ứng tiêu cực với dân chúng, đặc biệt Đức là quê hương của chủ nghĩa xã hội. Các gia tộc siêu giầu cũng không muốn sống một cuộc đời khác thường, phải sống trong sợ hãi, luôn lo sợ với sự an toàn của bản thân và gia đình, có thể bị bắt cóc hoặc bị ám sát vì các lý do cướp của, tống tiền hoặc cực đoan chính trị. Cậu bé Jakob von Metzler, 11 tuổi, dòng dõi quý tộc, thành viên của một triều đại ngân hàng Đức bị bắt cóc và bị giết vào năm 2002

Báo chí Đức tự do và có rất nhiều nhà báo Đức thiên tả và thể hiện thái độ thù địch theo bản năng đối với những người theo chủ nghĩa tư bản. Tạp chí Stern nổi tiếng đã từng giật tít trang bìa bài cover story nhan đề “Người giàu không biết xấu hổ”, các báo khác như Die Zeit, chạy các bài về “trách nhiệm của người giàu”, và đề nghị đánh thuế tài sản của người giầu cao hơn nữa. Tobias Prestel của Prestel & Partner, nhà quản lý tài sản của các gia tộc siêu giàu cho biết “Ông chủ của một đế chế toàn cầu sẽ bị đập chết trên các phương tiện truyền thông Đức"

Các gia tộc Quandts , Krupps , Porsches và nhiều gia tộc khác đã phải vật lộn với những di sản tiền nhân để lại bị kết tội thân phát xít. Vào năm 2000, 4.760 công ty của Đức bao gồm Siemens, Daimler, Deutsche Bank và Volkswagen, đã tạo ra một quỹ từ thiện quyên góp hơn 5 tỷ euro để bồi thường cho những người sống sót vì hành động tàn bạo của chính quyền Đức quốc xã, còn họ chỉ là các công ty hoạt động vào thời Đức quốc xã cầm quyền

Trong kỷ nguyên toàn cầu hóa, để tăng năng lực cạnh tranh, nhiều công ty Đức đã buộc phải công bố một số thông tin ra công chúng và trong kỷ nguyên Internet sẽ khó để sống cuộc sống “mai danh ẩn tích” như trước đây. Họ khó trốn tránh được sự theo dõi của công chúng nhưng các gia tộc siêu giầu Đức vẫn cố gắng duy trì và bắt buộc thế hệ kế tục phải làm theo
 
Việc lớn phụ thuộc vào tầm nhìn và sức hút nhân cách
Vua pha lê Tào Đức Vượng: Là một doanh nhân khi khởi nghiệp phải nhớ rằng "Thành việc nhỏ là nhờ kỹ năng, thành việc lớn phụ thuộc vào tầm nhìn và sức hút nhân cách"

Thắng nhỏ nhờ vào Trí Tuệ

Thắng lớn nhờ vào Phúc Đức

Vào tháng 12 năm 2021, Tào Đức Vượng được chọn vào danh sách “25 lãnh đạo doanh nghiệp có ảnh hưởng nhất của năm” và giành được giải thưởng Thành tựu trọn đời

Tào Đức Vượng được sinh ra ở Thượng Hải trong một gia đình khá giả. Tuy nhiên trong chuyến đi sơ tán về Phúc Kiến tránh chiến tranh, tất cả gia sản của nhà ông đều mất hết vì con tàu vận tải hành lý bị đánh đắm. Họ Tào trở nên bần cùng chỉ sau đúng 1 đêm

Kể từ đó, vì quá nghèo nên việc học của Tào Đức Vượng bị gián đoạn. Tuy nhiên, mỗi ngày khi đi chăn gia súc và kiếm củi ông đều tự học và thực tập buôn bán. Xuất phát điểm rất thấp, ông chọn hướng kinh doanh nhỏ lẻ mà mọi người thường bỏ qua. Năm 30 tuổi tiếp quản một nhà máy thủy tinh sắp phá sản và biến nó thành doanh nghiệp lãi ròng 31.000 USD ngay năm đầu tiên, họ Tào quyết tâm chinh phục thị trường kính ô tô: “Không ai làm thì tôi sẽ làm”

Năm 41 tuổi, họ tào cùng 11 cổ đông thành lập công ty kính ở ngoại ô huyện Phúc Thanh. Bắt đầu với hàng ngàn khó khan như: không nhân lực, không tri thức, không thị trường… ông đã bước một bước đầu tiên là đi mua bản vẽ thiết bị kính ô tô cũ. Tiếp đến, ông lên kế hoạch và đưa một nhóm người đến Phần Lan – đất nước với thiết bị sản xuất thủy tinh tiên tiến nhất để học hỏi công nghệ và mang được về quê nhà một chiếc máy sản xuất kính tiên tiến nhất Trung Quốc. Quá trình sau đó là bền bỉ nghiên cứu và đào tạo nhân tài

Kết quả là sau năm đầu tiên, ông kiếm được 110.000 USD và 786.000 USD vào năm thứ hai. 3 năm sau công ty chiếm 20% thị phần, còn sau 5 năm thì Nhật Bản rút khỏi Trung Quốc vì không thể cạnh tranh. “Nếu bạn theo đuổi tất cả mọi thứ bạn làm trong cuộc sống đến cùng, thì tất cả những thứ đó đều có thể trở thành tác phẩm”

Trong mắt người khác, Tào Đức Vượng có nước da ngăm đen, dáng người chắc nịch, không cao và ngoại hình cũng không đẹp. Nếu không có bộ vest và đôi giày da, ông trông không khác gì một người nông dân cả. Tuy nhiên những gì ông làm cho xã hội quê hương của ông thì lại khác. Từ năm 1983 tới nay, họ Tào đã quyên góc tổng cộng gần 2,6 tỷ USD dưới danh nghĩa cá nhân cho các hoạt động xóa đói giảm nghèo, cứu trợ thiên tai và đào tạo giáo dục. Dù có tài sản cả trăm tỷ NDT nhưng ông chưa từng nằm trong danh sách top 100 người giàu nhất vì phần lớn tiền đã dùng để quyên góp. Danh xưng “nhà từ thiện số 1 Trung Quốc” cũng từ đó mà ra
 
Last edited:
Cựu giảng viên tặng trường y 1,3 tỷ USD để miễn học phí cho sinh viên

Bà Ruth Gottesman - một cựu giảng viên Trường Y dược Albert Einstein đã quyên góp 1 tỷ đô la Mỹ cho ngôi trường này để trả học phí cho tất cả các sinh viên

btruth20240226-2195.jpg

Bà Ruth Gottesman

Theo Reuters , số tiền trên được bà Gottesman quyên góp từ tài sản của người chồng quá cố David “Sandy” Gottesman - một nhà tài chính ở Phố Wall đã qua đời vào tháng 9/2022

Bà Gottesman cho biết trong một tuyên bố: "Tôi rất biết ơn người chồng quá cố vì đã để lại số tiền này cho tôi. Tôi cảm thấy may mắn khi được nhận đặc ân lớn lao là tặng món quà này vì mục đích xứng đáng như vậy"

Bà Gottesman bắt đầu công tác tại trường y dược vào năm 1968. Trong thời gian làm việc tại trường, bà đã nghiên cứu về trẻ em và xây dựng chương trình xóa mù chữ cho người trưởng thành

Với món quà của bà Gottesman, tất cả các sinh viên chính quy hiện tại sẽ được hoàn trả học phí học kỳ mùa xuân năm 2024, và các học sinh trong tương lai cũng sẽ được miễn học phí

Học phí của trường y Albert Einstein là khoảng 60.000 đô la Mỹ /năm/sinh viên. Trong đó nhiều sinh viên đã mắc nợ hơn 200.000 đô la Mỹ sau khi tốt nghiệp

Nhà trường cho biết: “Món quà này sẽ giúp thu hút một nhóm cá nhân tài năng và đa dạng, những người có thể không có đủ điều kiện để theo học ngành y". Đây là món quà lớn nhất từ trước đến nay được trao cho một trường y ở Mỹ

Trường Albert Einstein có khoảng 1.100 sinh viên theo học, nằm ở Bronx (New York)
 
Sự tử tế giúp mọi thứ phát triển

Theo Chủ tịch Thế Giới Di Động, đức tính này là điều cốt lõi để tạo dựng thành công

Ông Nguyễn Đức Tài: Có động lực mạnh sẽ tạo nên thứ vĩ đại, nhưng muốn tồn tại phải dựa vào 2 CHỮ này - Ảnh 1.
Ông Nguyễn Đức Tài

Sự tử tế là phong thủy tốt nhất của một người

Sự tử tế là nền tảng của cuộc sống. Một cuộc sống tốt đẹp phải dựa trên lòng tốt, sự tử tế. Đây chính là nền tảng của vẻ đẹp nhân cách, nếu một người có ý đồ xấu thì chỉ có thể làm điều ác hoặc đạo đức giả. Giống như cây mục từ rễ, dòng nước bị ô nhiễm từ nguồn

Sự tử tế giống như mảnh đất màu mỡ, chỉ trên mảnh đất đó, cây cối mới tươi tốt, cũng giống như con người có sự tử tế mới có hành động lịch sự, thái độ khiêm tốn, sẵn sàng giúp đỡ và biết lắng nghe...

Có một câu chuyện nhỏ như thế này

Một con bọ cạp rơi xuống nước, thiền sư đưa tay ra bắt nhưng suýt bị bọ cạp đốt, ông thay đổi phương pháp, cuối cùng đã cứu được con bọ cạp. Hòa thượng trẻ ở một bên bối rối hỏi: "Sư phụ, bọ cạp muốn đốt ngài, nhưng ngài còn muốn cứu nó?"

Thiền sư già chậm rãi nói: "Bản chất của bọ cạp là đốt người, bản chất của con người là nhân hậu, tôi không thể đánh mất bản chất của mình chỉ vì nó đốt người"


Người có tấm lòng nhân hậu, tử tế sẽ không đánh mất nhân cách và nguyên tắc của mình vì cái ác của người khác. Lòng tốt là một loại bản chất, và lòng tốt là một sự lựa chọn. Lòng tốt không phải là một biểu hiện mà là một hành động thiết thực. Người sẵn sàng làm điều tốt sẽ tích lũy được nhiều phước lành cho bản thân và gia đình

Mạnh Tử từng nói: "Người quân tử không bao giờ làm gì khác ngoài việc tử tế với mọi người". Tiêu chuẩn cao nhất của người quân tử là phải có tấm lòng nhân hậu, tử tế với người khác và đối xử chân thành

Người ta vẫn nói, điều tốt sẽ đến với người tốt. Người tốt luôn phải đi kèm với may mắn. Một số người có thể nói rằng bạn càng tốt thì càng thiệt. Nhưng trên thực tế, mọi thứ bạn cho đi đều sẽ được đáp lại, và lòng tốt của bạn sẽ được người khác cảm nhận

Hãy là một người tử tế và bao dung hơn trong cuộc sống, bạn sẽ bớt quan tâm hơn. Bạn biết đấy, đôi khi giúp đỡ người khác cũng chính là giúp đỡ chính mình. Chỉ cần mọi người có tấm lòng nhân hậu hơn, thế giới sẽ trở nên ấm áp hơn bạn sẽ có nhiều phước lành hơn
 
Top