What's new
Vietnam - Điện Biên Phủ Kinh Tế

This is a sample guest message. Register a free account today to become a member! Once signed in, you'll be able to participate on this site by adding your own topics and posts, as well as connect with other members through your own private inbox!

Lý Quang Diệu: Cách thức xây dựng một quốc gia

LOBBY.VN

Administrator
Cách thức xây dựng một Quốc Gia

483471.jpg

1. Singapore một sáng sớm mùa hè năm 1994, đang còn mơ màng thì chuông điện thoại réo ầm ĩ. Anh bạn người Mỹ Jack Fee, giáo viên Trường Singapore American, giục giã: “Dậy, dậy mau, ra Holland Village ăn sáng, anh có chuyện muốn nói!”. “Chuyện gì anh ?”, tôi hỏi sau khi nốc nửa ly lemonade đá bào, mới 7 giờ sáng mà trời đã ngột ngạt khó tả. Giọng Jack run lên vì giận dữ: “Em biết không, họ đánh đòn thằng Michael Fay, học sinh của anh!”

Từ mấy tháng trước đó, báo chí đã ầm ĩ về vụ này. Đến cả Tổng thống Clinton cũng lên tiếng xin giảm nhẹ tội hình đánh đòn bằng roi mây (một kiểu hình phạt từ thời thực dân Anh) đối với chàng công dân Mỹ mới qua tuổi vị thành niên phạm tội quậy phá nơi công cộng vì phun sơn vào xe hơi của người khác

“Dù Singapore là một nước vô cùng nhỏ bé ở châu Á, nhưng Lý Quang Diệu là một người khổng lồ”

Mấy chục thượng nghị sĩ Mỹ ký vào một lá thư gửi Chính phủ Singapore, nêu rõ là dấu sơn trên cửa xe hơi có thể xóa ngay được, nhưng những lằn roi sẽ để lại cho Michael Fay những vết sẹo về thể xác và tinh thần lâu dài. Tất cả cũng chỉ giúp Michael chịu ít đi hai roi. Buổi sáng tháng 5 ấy, cậu vẫn phải chìa mông trần ra cho người Singapore quất bốn roi !

Đó là một chuyện hoàn toàn khó hiểu đối với một giáo viên trung học, một công dân trung bình của nền dân chủ Mỹ. Nó cũng không mấy dễ hiểu hơn với người dân một nước châu Á láng giềng là tôi. “Singapore nghiêm khắc quá! - tôi thầm nghĩ, song vẫn cười bảo Jack - Người Mỹ các anh hay thật, đi tra tấn bỏ bom người khác thì được, mới bị quất vài roi đã làm ầm cả lên!”. Jack chống chế, mắt vẫn xanh lè vì xúc động: “Hai chuyện khác hẳn nhau mà. Đây không phải là thời chiến, đây là vấn đề luật pháp và quyền con người trong xã hội hiện đại !”

Chờ cho Jack dịu lại, chúng tôi cố nói sang chuyện khác, tránh cuộc tranh luận chẳng đi tới đâu về đất nước có những luật lệ có vẻ phi dân chủ, có thời tiết nóng ẩm ghê người, nhưng lại giàu có, văn minh, sạch sẽ và an ninh bậc nhất thế giới !

2. Lâu rồi không gặp Jack, không biết anh có như tôi, dù muốn hay không, luôn quan tâm tới đất nước nhỏ bé ấy, nơi mình đã sống ít năm thời trẻ. Chúng tôi chắc ít nhiều đều chịu ảnh hưởng của thói quen tuân thủ những luật lệ công cộng, lối tư duy và làm việc rất hiệu quả của người Singapore

Nên khi đọc cuốn Đối thoại với Lý Quang Diệu, cuốn sách của nhà báo kỳ cựu Mỹ Tom Plate viết về cựu thủ tướng Singapore, tôi chợt nhớ đến Jack. Chắc chắn anh sẽ thấy nó thú vị

Cuốn sách mở đầu cho một loạt sách của Tom Plate về những người khổng lồ châu Á. Đây là một thể loại sách “người thật việc thật” rất khó viết, nhất là khi bàn tới một nhân vật còn sống, và tuy chỉ giữ chức cố vấn nhưng vẫn đang ở trên đỉnh cao của quyền lực

Lấy hai buổi chiều được trực tiếp nói chuyện với nhà lãnh đạo Singapore làm bối cảnh, Tom Plate không hướng độc giả vào hình ảnh “con người trước công chúng” - uyên bác nhưng nóng nảy, ôn hòa nhưng độc đoán, uyển chuyển nhưng cực đoan - mà tìm hiểu những gì ẩn sâu trong con người ông, những gì đã tạo nên triết lý sống, làm việc và lãnh đạo đất nước của Lý Quang Diệu

Những sự kiện trong cuộc đời dài ngót nghét chín thập niên và những nhận định rất thú vị của Lý Quang Diệu về Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Mỹ và châu Âu, cùng những Đặng Tiểu Bình, Richard Nixon, Bill Clinton, Jimmy Carter, Gandhi, Nehru, Suharto… cho thấy ông là người có quan điểm độc lập và phức tạp về nhiều vấn đề chính trị và công quyền trên thế giới, song lại khá nhất quán trong đường lối xây dựng và phát triển Singapore

Tự nhận mình là người chỉ quan tâm đến hiệu quả mà không theo những học thuyết cao siêu, Lý Quang Diệu tin rằng người lãnh đạo “phải tạo cảm hứng, phải khích lệ mọi người chứ không chỉ tâm sự về những nỗi phiền muộn của mình”, và phải “đem lại những gì tốt nhất cho nhiều người nhất, một cách công bằng, không phân biệt đối xử”

Dù có những quan điểm gây tranh cãi như việc áp dụng thuyết ưu sinh, Lý Quang Diệu đã thành công trong việc đầu tư vào chất lượng tinh hoa của nguồn nhân lực. Ở Singapore, đạo đức chuyên nghiệp cũng được nâng cao bằng những phương pháp chống tham nhũng hữu hiệu (như lương công chức cao hơn ở nhiều nước phương Tây). Ông quan tâm đến việc cấp dưới và người dân của mình muốn gì, chứ không phải việc các chính khách phương Tây nghĩ gì về mình

3. Cuốn sách, như Lý Quang Diệu đề nghị “anh cứ viết về tôi như những gì anh thấy”, đã không thuật lại và trích dẫn một chiều mà thể hiện cách nhìn đôi khi rất khác biệt của tác giả. Tác giả có những am hiểu sâu sắc về châu Á, khi ông viết những trang rất thú vị về ảnh hưởng của triết lý đạo Khổng đối với Lý Quang Diệu trên chính trường cũng như trong gia đình. Lý Quang Diệu tin rằng xã hội sẽ phát triển tốt nhất khi mọi người “làm việc thiện, không làm việc xấu, hiếu thảo với cha mẹ, chung thủy với vợ, chăm sóc tốt con cái, hết lòng với bạn, trung thành với vua”

Ông coi trọng việc duy trì trật tự xã hội bằng những biện pháp cứng rắn, từ việc chống ma túy bằng án tử hình, phạt roi với tội phá rối tới việc cấm mua bán kẹo cao su

Tôi tin nếu đọc sách này chắc Jack cũng như tôi và nhiều độc giả khác sẽ càng thấy rõ hơn sự liên quan giữa án phạt ngày nào và những thành tựu tốt đẹp không thể chối cãi của Singapore, hay của Lý Quang Diệu. Vì “hai cái tên ấy”, theo nhà ngoại giao Việt Nam Tôn Nữ Thị Ninh, “dường như không thể tách rời nhau”
 
Last edited:
Lý Quang Diệu - Trung Quốc là 'thách thức'


110514125418_singaporelee_304x171_reuters.jpg

Ông Lý Quang Diệu nói cần có cân bằng quyền lực ở Thái Bình Dương với Hoa Kỳ và Nhật Bản cân bằng lại Trung Quốc

Ông Lý Quang Diệu, chính trị gia lớn nhất của Singapore, nói sự trỗi dậy của Trung Quốc là một thách thức ở Thái Bình Dương

Trong bài viết trên tạp chí Forbes của Hoa Kỳ, ông Diệu cho rằng chính sự hiện diện của Hoa Kỳ ở tây Thái Bình Dương từ khi kết thúc Cuộc chiến Triều Tiên hồi năm 1953 tới khi kết thúc cuộc chiến Việt Nam hồi năm 1975 đã mang lại ổn định và an ninh trong khu vực

Sự ổn định và an ninh này, ông nói, đã tạo điều kiện cho việc phát triển kinh tế qua việc trao đổi đầu tư và thương mại

"Singapore là ví dụ điển hình. Đất nước đã phát triển nhanh chóng trong thập niên 60, tổng sản phẩm quốc nội tăng từ 974 triệu đôla Mỹ hồi năm 1965 lên 223 tỷ trong năm 2010

"Trong cùng giai đoạn, thu nhập bình quân đầu người tăng từ 516 đôla lên 44.000 đôla Mỹ"

Tuy nhiên, ông Diệu nói vai trò thống trị của Hoa Kỳ trong khu vực đang bị thách thức từ phía Trung Quốc, đất nước có sự phát triển kinh tế mà ông đánh giá là "sự kiện kịch tính nhất" của thế kỷ 21

'Chung mâm'

Người sáng lập Singapore nói sự phát triển kinh tế của Trung Quốc có nền móng từ sau Cách mạng Văn hóa 1966-1676

Ông Diệu nhớ lại chuyến thăm hồi năm 1978 tới Singapore của ông Đặng Tiểu Bình, khi đó là Phó Thủ tướng Trung Quốc, và nói rằng ông Đặng đã thấy một hòn đảo không có tài nguyên thiên nhiên mà có thể phát triển được nhờ liên kết với các nền kinh tế phát triển, mời gọi đầu tư từ các tập đoàn đa quốc gia, lập những trung tâm hậu cần, ngành dịch vụ mà trong đó có ngành rất quan trọng là dịch vụ tài chính

Chính sau chuyến đi này của ông Đặng, Trung Quốc đã có chính sách "mở cửa" và lập ra các đặc khu kinh tế và dần tiến tới mở cửa cả nước cho buôn bán và đầu tư với bên ngoài từ năm 2001, khi Trung Quốc trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới

Ông Diệu nói tổng sản phẩm quốc nội của Trung Quốc sẽ vượt Hoa Kỳ trong vòng 20 năm tới và Hoa Kỳ sẽ phải "ngồi chung mâm trên" với một siêu cường khác

Người làm thủ tướng Singapore trong suốt ba thập niên nhận định về cục diện Thái Bình Dương trong thời gian tới đây:

"Để giữ ổn định tại Thái Bình Dương, cần phải có sự cân bằng quyền lực, với Hoa Kỳ và Nhật Bản ở một bên và Trung Quốc ở bên kia

"Sự trỗi dậy của Ấn Độ cũng góp phần vào những thay đổi trong vùng. Ấn Độ có 1,2 tỷ người và trong vòng 20 năm nữa sẽ có số dân đông hơn Trung Quốc

"Tốc độ tăng trưởng của Ấn Độ cũng khá ấn tượng và cùng với Trung Quốc, Nhật Bản và các nước ASEAN, nước này sẽ góp phần chuyển trọng tâm kinh tế từ Đại Tây Dương tới Thái Bình Dương"

Ở phần cuối của bài viết trên Forbes, ông Diệu nhắc lại tuyên bố của ông Mao Trạch Đông hồi năm 1949, năm ông thống nhất Trung Quốc: "Người Trung Quốc đã đứng lên"

Ông Diệu nói Trung Quốc chắc chắn sẽ ngồi ngang hàng các siêu cường nếu họ giữ được mức tăng trưởng 10% một năm như trong những năm vừa qua
 
Last edited:
Lý Quang Diệu & Những chiêm nghiệm cuộc đời

- Sinh nhật lần thứ 88 của người đã dựng nên Cộng hòa Singapore vừa diễn ra hôm thứ sáu 16-9. Mười ngày trước đó, tại Đại học công nghệ Nanyang (ở Việt Nam xem được trên Channel NewsAsia tuần trước), ông Lý Quang Diệu đã cho thấy ông minh mẫn như thế nào khi làm chủ hoàn toàn buổi hỏi và đáp của sinh viên

519910.jpg

Ông Lý Quang Diệu

Sự hóm hỉnh cố hữu của ông vẫn còn nguyên vẹn khi ông được một nữ sinh viên 27 tuổi hỏi: “Người nhập cư nay đang là quá lớn làm hòa tan bản sắc quốc gia, chúng ta cần phải làm gì để tạo ra một ý thức thuộc về đất nước này và để tăng mạnh sự gắn bó ?”

Ông hỏi lại: “Cô đang làm tiến sĩ phải không ? Cô còn mất bao nhiêu năm nữa ? Hai năm nữa cơ à ? Cô đã có bạn trai chưa ? Chưa à ?”. Rồi ông chia sẻ với cô sinh viên độc thân nọ về những nguy cơ sinh con mắc bệnh Down khi người mẹ lớn tuổi và ông khuyên: “Đừng phí phạm thời gian ! Hãy có một bạn trai. Tôi chúc cô vừa có bạn trai vừa xong tiến sĩ nhé”

Lo âu cho tương lai

Thật ra, đây không phải là một sự buông đùa kẻ cả. Hơn ai hết, ông đang lo ngại tình trạng già hóa dân số đất nước ông khi tỉ lệ sinh sản vẫn cứ thấp, phụ nữ nay không chịu sinh con. Và tất nhiên sự tinh khôn chính trị của ông vẫn còn nguyên, nếu không muốn nói là “gừng càng già càng cay” khi trả lời một sinh viên hỏi ông về chính trường Singapore phân hóa sau cuộc bầu cử vừa qua. Ông tỉnh táo thừa nhận rằng “đã có một sự phân hóa chính trị, song không vì thế mà có thể dẫn đến phân hóa xã hội, do lẽ điều đó sẽ tác động đến thành quả và sự tăng trưởng của đất nước Singapore”

“Tôi đang lo âu cho tương lai. Không rõ có còn đoàn kết quốc gia hay không khi việc học hành ngày càng qua nhiều cấp, xã hội càng phân khúc và sẽ không còn một khối quần chúng đồng nhất một lòng sau một chính sách duy nhất”
LÝ QUANG DIỆU


Thật vậy, trong cuộc bầu cử quốc hội đầu tháng 5 năm nay, lần đầu tiên một đảng đối lập là SAD giành được cả một đơn vị bầu cử thay vì Đảng PAP cầm quyền

Cũng thế, trong cuộc bầu cử tổng thống mới đây, lần đầu tiên một ứng cử viên của Đảng PAP cầm quyền, ông Tony Tan, phải chịu về đầu với một tỉ lệ quá sít sao, chỉ hơn ứng cử viên về nhì có 7.269 phiếu trên tổng số 2,1 triệu phiếu (tức hơn được chỉ 0,34%) dù chức vụ tổng thống chỉ là một chức vụ lễ tân

Thừa nhận sự dị biệt mới mẻ đó, song ông Lý Quang Diệu nhấn mạnh từ đó mà biến thành “một cuộc tranh giành liên tục giữa các phe phái như ở phương Tây thì Cộng hòa Singapore cũng sẽ trở thành một đất nước làng nhàng mà thôi”

Một sinh viên ngành sinh học đã nhắc lại ông thực tế dị biệt chính trị đó bằng câu hỏi: “Liệu ông có nghĩ rằng giới trẻ ngày nay có còn chấp nhận “kiểu lãnh đạo cứng rắn” mà Thủ tướng Lý Hiển Long đang hô hào hay không ?”

Ông trả lời bằng những suy nghĩ từ thực tế cầm quyền của ông: “Tôi đang lo âu cho tương lai. Không rõ có còn đoàn kết quốc gia hay không khi việc học hành ngày càng qua nhiều cấp, xã hội càng phân khúc và sẽ không còn một khối quần chúng đồng nhất một lòng sau một chính sách duy nhất”

Vấn đề, theo ông, sẽ là: “Điều gì được giới có thu nhập trung bình xem là tốt sẽ bị giới có thu nhập thấp cho là không thuận lợi cho họ ? Và điều gì được giới có thu nhập cao xem là tốt cũng sẽ không làm vừa lòng giới thu nhập trung bình ?”

Nghiền ngẫm vì sao mất phiếu

Trước cuộc gặp gỡ sinh viên này 20 ngày, hôm 16-8 ông Lý Quang Diệu đã nói chuyện với hơn 1.000 thực khách dự bữa tiệc mừng quốc khánh ở hạt quê nhà Tanjong Pagar-Tiong Bahru. Theo ông, dân chúng chán Đảng PAP vì thiếu nhà ở và vì thấy ngày càng nhiều người nhập cư, đi tàu điện, xe buýt làm chạm trán, khiến Đảng PAP mất 6% số phiếu

Thực tế này không khác gì một số nước trù phú hơn ở châu Âu như Đức, Pháp, Ý... khi mà nhà chung cư không đủ trong khi người nhập cư ngày càng đầy đường. Có khác chăng là Singapore vẫn còn may mắn ở chỗ phần lớn người nhập cư hợp pháp là những người có tay nghề mà nền kinh tế Singapore cần đến, chứ không phải những người “tị nạn kinh tế” như ở châu Âu

Cũng có một thực tế lạ lùng là có một số người mới nhập cư thường trú song lại dư tiền mua nhà, đẩy giá nhà leo thang. Ông Lý Quang Diệu nhấn mạnh: “Nếu ta không lấy người nhập cư vào, xã hội ta sẽ già đi, thiếu sức sống và sức kéo kinh tế”

Và ông hứa rằng chỉ trong vòng bốn năm nữa thôi, Bộ Gia cư và phát triển sẽ lo xong vụ nhà cửa, sẽ tăng thêm chuyến metro và xe buýt để sáng chiều đi lại không mệt mỏi vả cảm thấy bị choán chỗ... Không rõ ông có quá lạc quan khi tin rằng thêm nhà ở, thêm metro, xe buýt... sẽ giải quyết sự bớt bực dọc của một người Singapore bản địa? Dẫu sao, việc xuất hiện các phát biểu liên tiếp của ông cho thấy ông đang nghiền ngẫm sự mất phiếu của Đảng PAP của ông

Nỗi lòng của người chồng

Ngày 2-10 tới là ngày giỗ đầu phu nhân ông Lý Quang Diệu. Xem ông trên truyền hình lần này, thấy ông sinh động hơn lần trả lời phỏng vấn của Charlie Rose hôm 28-3-2011. Ai cũng biết ông rất yêu thương vợ, song vừa gánh việc nước vừa trông chừng vợ từng ngày cũng không phải dễ. Năm ngoái, trước sinh nhật ông ít lâu, ông đã tâm sự khá nhiều với tờ The New York Times

- Ông có cảm thấy giống như lá cây đang rời cành ?

- Có, tôi muốn nói tôi cảm thấy đang giảm dần năng lượng và sức sống. Ý tôi là mỗi năm ta đều cảm thấy không khỏe bằng năm ngoái. Song đời là như vậy. Mẹ tôi vẫn thường dặn đừng để cho mình già đi. Và để tránh già đi, tôi tập thể dục, bơi, đạp xe, yoga, thiền định

- Vào giai đoạn này của cuộc đời, ông có thấy gần gũi với tôn giáo bằng cách này hay cách khác không ?

- Phật tử tin vào sự siêu thoát. Đó là một tư tưởng đầy an ủi, song vợ tôi và tôi không tin vào điều đó. Hai năm trời nay bà nhà tôi liệt giường, không nói nên lời sau mấy lần đột quỵ. Biết tôi tự an ủi sao không ? Tôi tự nhủ đời là như vậy, ai mà chọn được cách mình ra đi, trừ phi nốc đại một mớ thuốc ngủ. Trong suốt hai năm liệt giường, vợ tôi vẫn tỉnh táo và hiểu khi tôi trò chuyện với bà. Tôi thuật lại công chuyện trong ngày của tôi, đọc cho bà ấy nghe các bài thơ bà ấy thích nhất

- Phu nhân đang nằm nhà thương à ? Ông có vô nhà thương không ?

- Không, bà nhà tôi vẫn đang ở nhà. Chúng tôi kiếm về một cái giường bệnh viện cùng các điều dưỡng chăm sóc bà. Tôi ở phòng kế bên, riết rồi cũng quen với những kêu rên của bà mỗi khi bà bị khô cổ. Do bà không ngồi dậy được nên bà không thở trọn hơi được. Phải đợi họ bơm thuốc cho long đàm rồi hút ra. Thật mệt mỏi, song đó là cuộc đời mà. Làm sao làm khác hơn được ? Song thỉnh thoảng trong những lúc rảnh rỗi, tôi thả hồn về với những ngày hạnh phúc đã vươn lên với nhau

Một năm sau, người quen thuộc với các cuộc phỏng vấn truyền hình của ông Lý Quang Diệu không thể không nhận ra ông như trẻ lại, cặp mắt tinh anh, đầu óc minh mẫn
 
Last edited:
Singapore trẻ hóa đảng cầm quyền
Sáu thành viên kỳ cựu trong Ban Chấp hành trung ương 18 người của đảng cầm quyền từ chức, mở đường cho một cuộc thay đổi quyết liệt ở Singapore

Họ bao gồm cựu Thủ tướng Lý Quang Diệu, cựu Thủ tướng Goh Chok Tong, cựu Phó thủ tướng Wong Kan Seng, hai cựu Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Lim Boon Heng, Lim Hwee Hua và cựu Ngoại trưởng George Yeo. Ông Lý Quang Diệu chính là người đồng sáng lập đảng Nhân dân hành động (PAP) vào năm 1954 và trở thành Thủ tướng Singapore khi PAP giành thắng lợi trong cuộc tổng tuyển cử năm 1959

Từ đó đến nay, PAP liên tục nắm quyền lãnh đạo với số ghế áp đảo trong Quốc hội. Ông Lý, rồi đến ông Goh Chok Tong, và hiện tại là con trai ông Lý - Thủ tướng Lý Hiển Long - nối tiếp nắm vị trí Tổng thư ký PAP, gắn với các nhiệm kỳ thủ tướng của họ

Cuộc bầu cử sóng gió

Sau hơn nửa thế kỷ cầm quyền tuyệt đối, PAP bất ngờ nếm cay đắng trong cuộc tổng tuyển cử ngày 7.5.2011. Đảng này giành 81/87 ghế trong Quốc hội với số phiếu ủng hộ thấp nhất từ trước tới nay là 60,1%. Cũng lần đầu tiên trong lịch sử, PAP đánh mất một khu vực đa nghị viên (khu vực được đại diện bởi nhiều nghị sĩ) gồm 5 nghị sĩ vào tay đảng Lao động đối lập, khiến hai gương mặt sáng giá là ông George Yeo và bà Lim Hwee Hua phải ra đi. Người được PAP chọn sẽ trở thành Chủ tịch Quốc hội sau bầu cử là Zainul Abidin Rasheed cũng phải lặng lẽ rời cơ quan lập pháp quốc gia

Dù vẫn chiến thắng chung cuộc, PAP đã thừa nhận tổn thất và ngay lập tức có hành động sửa đổi chính sách và con người. Đầu tiên, Bộ trưởng Cố vấn Lý Quang Diệu và Bộ trưởng Cao cấp Goh Chok Tong, từng bị một số người cho là “tham quyền cố vị”, từ chức vào ngày 14.5. Theo sau là việc thay thế người đứng đầu Bộ Giao thông và Bộ Phát triển quốc gia. Từ lâu, sự quá tải các phương tiện công cộng trong giờ cao điểm và thực trạng giá nhà đất tăng cao được cho là nguyên nhân sâu xa dẫn đến sự bất bình của công chúng. Cùng lúc, chính phủ cũng thành lập một ủy ban cao cấp xem xét lại mức lương của bộ trưởng và nghị sĩ, vốn bị đánh giá là “cao một cách không cần thiết” gây khó chịu trong công chúng

Sóng gió từ cuộc tổng tuyển cử tháng 5 cũng tác động mạnh đến cuộc chạy đua vào ghế tổng thống, một vị trí mang nặng tính lễ nghi và biểu tượng, hồi cuối tháng 8. Lần đầu tiên trong lịch sử Singapore, cuộc bầu cử tổng thống có đến 4 ứng viên chung cuộc. Người dân đã có một đêm 27.8 nín thở chờ đợi 2,1 triệu phiếu bầu được đếm lại, sau khi đợt kiểm phiếu đầu tiên cho thấy số phiếu của hai ứng viên về đầu chênh nhau không quá 2%. Chiến thắng sát nút với số phiếu ủng hộ chỉ 35,2% của cựu Phó thủ tướng Tony Tan, người được cho là thân chính phủ, tiếp tục là một lời nhắc nhở về sự tín nhiệm của nhân dân đối với PAP

Thay đổi lãnh đạo

Báo Straits Times gọi việc rút lui khỏi Ban Chấp hành trung ương vào ngày 5.10 của 6 thành viên kỳ cựu trong đảng cầm quyền PAP “đánh dấu kết thúc một kỷ nguyên chính trị” ở Singapore. Nghị sĩ đối lập trong Quốc hội Singapore giai đoạn 1984 - 2011 Chiam See Tong cũng nhận định: “Họ (6 người vừa từ chức - NV) từng là những bộ trưởng rất cao cấp. Việc họ từ chức đánh dấu kết thúc kỷ nguyên Lý Quang Diệu”

Tuy vậy, cũng có một số ý kiến cho rằng ngày nào ông Lý, 88 tuổi, còn là thành viên của PAP, ảnh hưởng của ông đối với đảng cầm quyền vẫn còn lớn. Bởi, ông ấy là một “nhân tố thay đổi mạnh mẽ”, một nghị sĩ nhận xét, “Ông ấy luôn nhìn lại những chính sách do mình ban hành trong quá khứ và đề nghị phải sửa đổi quyết liệt khi nhận ra bối cảnh đã đổi thay”. Cùng nhận định này, nhà quan sát Chin Kah Chong nói với Thanh Niên: “Mọi việc sẽ chỉ thay đổi từng bước, từng bước một”. Ông cho rằng việc các chính trị gia kỳ cựu ra đi là “một tất yếu”. Riêng về nhà lãnh đạo Lý Quang Diệu, ông Chin nhận định thêm rằng: “Việc ông ấy ra đi là tốt, tránh những phiền toái cho con trai mình”, ngầm ý rằng dư luận luôn so sánh giữa ông Lý với đương kim Thủ tướng Lý Hiển Long

Trong thông cáo về việc từ chức của 6 chính khách nói trên đăng tại website của PAP, Thủ tướng Lý Hiển Long nói: “Đổi mới ban lãnh đạo trong đảng đi liền với việc tự đổi mới trong các nghị sĩ và bộ trưởng”. Ông cũng nói thêm rằng sự thay đổi này cho phép PAP kết nạp những thành viên trẻ hơn vào ban chấp hành, lập nên một nhóm lãnh đạo mới và dẫn dắt đảng trong cuộc tổng tuyển cử tiếp theo vào năm 2016

Dư luận đã nhắc đến một số nghị sĩ, bộ trưởng rất trẻ - như tân Bộ trưởng Giáo dục Heng Swee Keat, quyền Bộ trưởng Thanh niên và Thể thao Chan Chun Sing - có thể được cơ cấu thay thế những nhân vật kỳ cựu vừa ra đi
 
Last edited:
Lý Quang Diệu đoán tương lai Trung Quốc
Trung Quốc sẽ tiếp tục phát triển nhanh gấp ba lần Mỹ để soán ngôi nền kinh tế số 1 trong thập kỷ tới ? Trung Quốc có muốn vươn lên làm cường quốc số 1 ở châu Á và cả thế giới ?

Trung Quốc có đi theo con đường trở thành thành viên danh dự của phương Tây như Nhật Bản ?

Câu trả lời chắc chắn nhất cho những câu hỏi trên là: Không ai biết! Nhưng các nhà lãnh đạo, nhà đầu tư và người dân trong cũng như ngoài khu vực đều đang đánh cược vào sức mạnh của Trung Quốc. Kể cả các nhà hoạch định chính sách của Mỹ cũng nỗ lực phán đoán khi họ xây dựng chiến lược quay lại châu Á cho Tổng thống Barack Obama

Nếu bạn chỉ có thể tham khảo một người trong thế giới hiện đại về những câu hỏi trên thì nhà ngoại giao kỳ cựu Mỹ rất thông tỏ Trung Quốc Henry Kissinger khuyên bạn nên tìm đến Lý Quang Diệu

Là thủ tướng Singapore từ năm 1959 đến 1990, ông Lý không chỉ đặt nền móng cho một Singapore hiện đại mà còn vận dụng trí tuệ sắc sảo của mình để giữ cho đảo quốc này thế cân bằng giữa Mỹ và Trung Quốc

Các nhà lãnh đạo Trung Quốc từ Đặng Tiểu Bình đến Tập Cận Bình cũng như các đời tổng thống Mỹ từ Richard Nixon đến Barack Obama đều rất tôn trọng ý kiến của ông Lý Quang Diệu. Điều này đem lại cho ông một góc nhìn độc nhất vô nhị về tình hình địa chính trị và địa kinh tế giữa phương Đông và phương Tây

Trong bài viết được tạp chí Foreign Policy đăng tải ngày 16/2, ông Lý Quang Diệu trả lời cho ba câu hỏi trên như sau: Có, có và không

- Có ! Trung Quốc sẽ tiếp tục phát triển nhanh gấp nhiều lần so với Mỹ và các kình địch phương Tây khác trong thập kỷ tới và có thể còn lâu hơn nữa

- Có ! Các nhà lãnh đạo Trung Quốc rất có tham vọng trở thành cường quốc hàng đầu châu Á và cả thế giới

- Không! Trung Quốc sẽ không đơn giản chỉ ngồi vào ghế của mình trong trật tự thế giới thời hậu chiến mà Mỹ đã lập ra. Nói cách khác, “Trung Quốc muốn trở thành cường quốc số 1 thế giới và muốn được nhìn nhận là Trung Quốc chứ không phải một thành viên danh dự của phương Tây” - ông Lý nhận định trong một bài phát biểu năm 2009

Theo quan điểm của ông Lý, người Trung Quốc sẽ “không vội vàng thế chỗ Mỹ”. “Một số người Trung Quốc mường tượng thế kỷ 21 sẽ thuộc về Trung Quốc, trong khi số khác hy vọng sẽ chia sẻ thế kỷ này với Mỹ”

Ông Lý nhận định Trung Quốc xây dựng chiến lược chiếm thế thượng phong bằng cách “sử dụng lực lượng lao động ngày càng được đào tạo kỹ lưỡng để xây dựng nền kinh tế của các nước khác”

Về mặt quân sự, Trung Quốc sẽ không tính đến khả năng đối đầu cho đến khi nước này “lật đổ được Mỹ trong lĩnh vực phát triển kinh tế và ứng dụng công nghệ”. “Trung Quốc nhận ra rằng nếu tiếp tục “trỗi dậy hòa bình” và chỉ tranh giành vị trí số một về kinh tế và công nghệ thì họ không thể thua. Giới lãnh đạo Trung Quốc sẽ trung thành với bí quyết của Đặng Tiểu Bình: “Ẩn mình chờ thời”, ông Lý nói

Cựu thủ tướng Singapore nghiêng về viễn cảnh thế giới sẽ bước vào một kỷ nguyên Trung Quốc. Nếu ông đúng, Foreign Policy nhận định cả Trung Quốc và Mỹ đều phải đối mặt với thử thách khổng lồ trong những thập kỷ tới khi một cường quốc đang lên đối đầu với một cường quốc đang thống trị. Lịch sử cho thấy 11 trong số 15 trường hợp như vậy kể từ năm 1500 đến nay đều kết thúc bằng chiến tranh
 
Last edited:
Singapore đang trở thành “quốc gia thông minh”
- Khởi đầu 35 năm trước, giờ đây Singapore vững vàng ở ngôi đầu thế giới trong hành trình tiến vào cuộc cách mạng công nghiệp thứ tư - cuộc cách mạng công nghệ số

Theo Báo cáo công nghệ thông tin toàn cầu năm 2016 do Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) thực hiện và công bố mới đây, trong danh sách 139 nền kinh tế được khảo sát về sự phát triển của công nghệ thông tin và truyền thông (ICT), Singapore đứng đầu bảng. Theo sau trong nhóm top 10 lần lượt là Phần Lan, Thụy Điển, Na Uy, Hoa Kỳ, Hà Lan, Thụy Sĩ, Anh, Luxembourg và Nhật Bản

Thành quả của 
hành trình 35 năm

Báo cáo xếp hạng các nền kinh tế dựa trên 53 yếu tố từ môi trường pháp lý, chính trị, kỹ năng của nguồn nhân lực và tính cạnh tranh cho đến việc ứng dụng ICT của cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp...

53 yếu tố này được gom thành 10 tiêu chí gồm

1. Môi trường pháp lý và chính trị

2. Môi trường kinh doanh và sáng tạo

3. Cơ sở hạ tầng và nội dung số

4. Tính cạnh tranh

5. Kỹ năng

6. Ứng dụng ICT của người dân

7. Ứng dụng ICT của doanh nghiệp

8. Ứng dụng ICT của chính phủ

9. Các tác động về kinh tế

10. Các tác động về xã hội

10 tiêu chí này được xếp vào 4 nhóm tiêu chí: nhóm tiêu chí về môi trường; nhóm tiêu chí về mức độ sẵn sàng; nhóm tiêu chí về ứng dụng và nhóm tiêu chí về tác động

Tổng hợp kết quả xếp loại 4 nhóm tiêu chí này sẽ ra chỉ số “sẵn sàng kết nối”, xác định vị trí của các nền kinh tế trên bản đồ ICT toàn cầu

Trong bảng xếp hạng năm nay, Singapore dẫn đầu 3 nhóm tiêu chí (môi trường, ứng dụng và tác động). Đảo quốc sư tử được xếp số 1 ở một số tiêu chí quan trọng như môi trường kinh doanh và sáng tạo, chất lượng nguồn nhân lực ICT, mức độ ứng dụng ICT của chính phủ, tác động xã hội của ICT

Riêng nhóm tiêu chí thứ tư (mức độ sẵn sàng), đảo quốc sư tử tụt xuống thứ 16 do tính cạnh tranh của ICT hạn chế, ảnh hưởng bởi giá thành sử dụng các dịch vụ thông tin viễn thông và chi phí cho nguồn nhân lực cao

“Xét tổng thể, vị trí số 1 trong bảng tổng sắp là hệ quả từ cam kết mạnh mẽ của Chính phủ Singapore đối với lĩnh vực ICT, trong đó đặc biệt nhất là chương trình Quốc gia thông minh” - báo cáo nhấn mạnh

WEF cũng khuyến cáo công nghệ số đang tạo ra cơ chế kinh tế - xã hội mới mà cần thiết phải có sự thay đổi trong quản trị và điều hành để một quốc gia có thể thụ hưởng thành quả lâu dài. “Nền kinh tế số cần kiểu lãnh đạo, quản trị và hành xử mới” - báo cáo viết

Để có mùa quả ngọt

Năm 1981, Singapore bắt đầu kế hoạch máy tính hóa toàn quốc nhằm ứng dụng công nghệ thông tin vào phát triển kinh tế - xã hội. Kế hoạch này đặt mục tiêu “xóa mù” máy tính và tạo nhiều công ăn việc làm trong lĩnh vực công nghệ thông tin. 25 năm trước đây, phần lớn người dân Singapore xa lạ với ICT, ít ai nghĩ tới chuyện công nghệ có thể mang lại cơ hội và thay đổi cuộc sống cho họ. Nguồn nhân lực về ICT của cả nước chỉ vẻn vẹn có 850 người. Hầu như ai cũng cho rằng máy tính và ICT là chuyện khoa học viễn tưởng

Hàng loạt chính sách, chương trình, kế hoạch thúc đẩy sự phát triển của ICT liên tục được Chính phủ Singapore cũng như các tổ chức, doanh nghiệp khởi xướng và quyết liệt thực hiện. Cả đảo quốc sư tử hừng hực lao vào “trận địa” ICT với một quyết tâm biến Singapore thành trung tâm của ICT toàn cầu

Đỉnh cao của những nỗ lực này chính là sáng kiến Quốc gia thông minh (Smart nation) được Thủ tướng Lý Hiển Long công bố vào ngày 24-11-2014 với triết lý: “Thông minh không phải được đo bởi sự phát triển của công nghệ, mà nằm ở việc xã hội sử dụng công nghệ để xử lý các vấn đề cũng như thách thức đang gặp phải. Người dân phải là trung tâm của Quốc gia thông minh, chứ không phải 
công nghệ”

Sáng kiến này nêu rõ: “Singapore nỗ lực để trở thành một quốc gia thông minh nhằm hỗ trợ người dân sống tốt hơn, cộng đồng mạnh mẽ hơn và tạo nhiều cơ hội hơn cho tất cả mọi người”

Trong giai đoạn đầu, Singapore xác định 5 lĩnh vực then chốt đối với bất cứ công dân nào và toàn xã hội mà công nghệ số có thể tham gia gồm giao thông, nhà ở và môi trường, hiệu quả kinh doanh, y tế và các dịch vụ công. Chính phủ cam kết sẽ tạo điều kiện về hạ tầng, chính sách để mọi sáng kiến, ý tưởng đều có cơ hội hình thành và thử nghiệm, kể cả những rủi ro có thể xảy ra

ICT là cốt lõi để thực hiện mục tiêu Quốc gia thông minh, trong đó tập trung vào 3 ưu tiên: công nghệ hỗ trợ xã hội; di động và giao thông thông minh; môi trường dữ liệu an toàn. Chính phủ cũng cam kết hằng năm đầu tư khoảng 1% GDP cho nghiên cứu và phát triển

Những quyết sách đó đã đơm hoa kết trái. ICT giờ đây đã trở thành một phần của cuộc sống tại Singapore. Ba phần tư hộ gia đình có ít nhất một máy tính, cứ hai nhà thì hơn một nhà có kết nối băng thông rộng để lướt mạng. Ngành công nghiệp ICT đóng góp tới 6,5% GDP của cả nước

Hơn 172.000 người làm việc trong lĩnh vực ICT sẵn sàng hỗ trợ mọi nhu cầu về thông tin, truyền thông, viễn thông của nền kinh tế và xã hội. Singapore là một trong các quốc gia đầu tiên trên thế giới triển khai e-government (chính phủ điện tử - năm 1998)

“Tầm nhìn của chúng ta là biến Singapore thành một quốc gia thông minh - một quốc gia mà nhờ vào công nghệ, người dân được hưởng một cuộc sống ý nghĩa và đủ đầy, một quốc gia mà cơ hội rộng mở cho tất thảy người dân. Chúng ta sẽ cảm nhận được điều đó trong cuộc sống thường ngày khi các hệ thống cảm biến và thiết bị thông minh cho phép chúng ta sống thoải mái và bền vững. Chúng ta sẽ cảm nhận được điều đó trong chính cộng đồng của mình khi công nghệ cho phép mọi người kết nối với nhau dễ dàng và chặt chẽ. Chúng ta cũng sẽ cảm nhận được điều đó trong tương lai khi chính chúng ta tạo ra cho mình những khả năng mà mình không thể tưởng tượng được”.

(Trích phát biểu của Thủ tướng LÝ HIỂN LONG tại lễ ra mắt sáng kiến Quốc gia thông minh ngày 24-11-2014)

4 thông điệp quan trọng

Báo cáo công nghệ thông tin toàn cầu được xuất bản thường niên kể từ năm 2001 bởi Diễn đàn kinh tế thế giới, Trường kinh doanh INSEAD và ĐH Cornell. Năm nay, ngoài việc xếp hạng mức độ phát triển ICT của 139 nền kinh tế trên thế giới, báo cáo còn đưa ra 4 thông điệp quan trọng

Một là, các sáng kiến đang ngày càng dựa vào công nghệ số và có thể mang lại nhiều lợi ích về kinh tế - xã hội nếu được triển khai một cách thông minh

Hai là, ứng dụng ICT sẽ là đòn bẩy cho sự phát triển của các doanh nghiệp, do vậy khuyến khích doanh nghiệp tận dụng tối đa sức mạnh của công nghệ số phải là ưu tiên của các chính phủ

Ba là, cả chính phủ và lĩnh vực tư nhân đều cần phải nỗ lực đầu tư cho các giải pháp công nghệ số để thúc đẩy xã hội phát triển

Bốn là, một nền kinh tế số bền vững sẽ phụ thuộc vào các cơ chế quản trị tiến bộ, cho phép mọi thành phần xã hội phát triển các công nghệ mới và phản ứng nhanh nhạy với những tình huống thay đổi

Huy
 
Last edited:
Vì sao Mỹ tổ chức quốc yến đón Thủ tướng Singapore ?
Singapore là quốc gia Đông Nam Á đầu tiên có lãnh đạo được Mỹ chiêu đãi bằng quốc yến...

Quốc yến mà Tổng thống Mỹ Barack Obama chủ trì để chiêu đãi Thủ tướng Singapore tại Nhà Trắng ngày 2/8 có thể được xem như một “điều phi thường” về ngoại giao đối với đảo quốc nhỏ bé này

Hãng tin CNBC cho biết kể từ khi nhậm chức Tổng thống Mỹ vào năm 2009, ông Obama mới 11 lần tổ chức quốc yến. Trong khi đó, hồi thập niên 1960, Tổng thống Lyndon Johnson đã tổ chức tới 54 lần quốc yến trong một nhiệm kỳ đứng đầu Nhà Trắng duy nhất

“Đánh giá rất cao”

Singapore là quốc gia Đông Nam Á đầu tiên có lãnh đạo được Mỹ chiêu đãi bằng quốc yến. Ở khu vực châu Á, mới chỉ có 4 quốc gia khác được hưởng sự tiếp đãi trọng thị này, là Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản, và Hàn Quốc

“Quốc yến rất hiếm khi được Mỹ tổ chức. Việc Singapore được Mỹ mời quốc yến thể hiện sự đánh giá rất cao”, bà Judith Fergin, Giám đốc điều hành Hội đồng Thương mại Mỹ (AmCham) tại Singapore, giải thích

Bà Fergin nói thêm rằng tiệc quốc yến mà Mỹ chiêu đãi Thủ tướng Lý Hiển Long còn nhấn mạnh “vai trò trụ cột mà Singapore đã giữ nhiều năm qua trong việc giữ vững mối quan hệ giữa Mỹ và châu Á”

Mỹ và Singapore đã có mối quan hệ kinh tế, quân sự và ngoại giao từ năm 1966, một năm sau khi Singapore giành độc lập. Singapore còn là đối tác của Mỹ trong Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), trong liên minh toàn cầu chống tổ chức khủng bố tự xưng Nhà nước Hồi giáo (IS), và trong thỏa thuận khí hậu Paris

Ông Khong Yuen Foong, giáo sư khoa học chính trị Trường Chính sách công Lý Quang Diệu thuộc Đại học Quốc gia Singapore, nói rằng nền tảng quan hệ Mỹ-Singapore đã được thiết lập bởi ông Lý Quang Diệu, Thủ tướng đầu tiên của Singapore, đồng thời là cha thân sinh của ông Lý Hiển Long

“Khi quân Anh tuyên bố rút khỏi Đông Nam Á, ông Lý Quang Diệu đã có 2 tháng sang Mỹ học tập vào năm 1968. Trong khoảng thời gian đó, ông ấy đã hiểu thêm nhiều về người Mỹ, rồi trở về nước mang theo niềm ngưỡng mộ đối với khả năng sáng tạo, các trường đại học và các chiến lược của Mỹ”, ông Khong nói

“Kể từ đó, các nhà lãnh đạo Mỹ coi ông Lý Quang Diệu là một người châu Á có thể gia tăng giá trị cho các đánh giá chiến lược của họ tại khu vực châu Á”, ông Khong cho hay, và nói thêm rằng “hầu như không có nhà lãnh đạo nào ở châu Á được Mỹ nhìn nhận như vậy”

Ông Lý Quang Diệu đã phát triển được mối quan hệ cá nhân thân thiết với nhiều chính trị gia của Mỹ, bao gồm nhà ngoại giao nổi tiếng Henry Kissinger và Tổng thống Richard Nixon. Vào năm 1985, Tổng thống Ronald Reagan đã tổ chức quốc yến chiêu đãi ông Lý Quang Diệu, và đó là tiệc quốc yến gần đây nhất mà Mỹ dành cho Singapore trước quốc yến chiêu đãi ông Lý Hiển Long

Đôi bên khăng khít

Từ lâu, Singapore đã muốn thắt chặt quan hệ quân sự với Mỹ, vì nước này tin sự hiện diện mạnh mẽ về quân sự của Mỹ có thể sẽ tăng cường sự ổn định ở châu Á. Singapore đóng một vai trò trong việc mở đường cho sự hiện diện quân sự của Mỹ trong khu vực, bằng cách ký biên bản ghi nhớ (MoU) năm 1990 cho phép Mỹ sử dụng các căn cứ hải quân của Singapore

“Biên bản ghi nhớ này rất có lợi cho Singapore, vì sau khi quân đội Mỹ rút khỏi Philippines, Mỹ không có căn cứ nào ở châu Á để thực hiện các hoạt động hậu cần và tiếp tế cho tàu hải quân”, ông Khong giải thích

Vào năm 2004, Singapore xây dựng căn cứ hải quân Changi đủ lớn để đón các hàng không mẫu hạm và chiến hạm của Mỹ

Một trụ cột quan trọng khác của quan hệ song phương Mỹ-Singapore nằm ở lĩnh vực thương mại. Hiện có khoảng 3.600 công ty Mỹ hoạt động ở Singapore, chủ yếu là “trụ sở khu vực, các hoạt động thiên về tài sản trí tuệ, trung tâm nghiên cứu và phát triển, phát minh công nghệ cao” - theo một báo cáo của AmCham

Ngoài ra, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) giữa Mỹ và Singapore cũng chảy mạnh. Mỹ hiện là quốc gia có vốn FDI lớn nhất ở Singapore, trong khi Singapore là nhà đầu tư châu Á lớn thứ ba vào Mỹ

Hồi đầu thập niên 2000, Singapore và Mỹ đã ký kết Thỏa thuận Tự do thương mại song phương (USSFTA) - thỏa thuận được xem là “tiêu chuẩn vàng của các thỏa thuận tự do thương mại”, bà Fergin cho hay

Theo bà Fergin, USSFTA đã giúp thay đổi bộ mặt nền kinh tế Singapore, bởi các điều khoản của thỏa thuận vượt xa khỏi vấn đề thuế quan, giúp mở cửa ngành tài chính của Singapore cho đầu tư nước ngoài. Điều này “là một cột mốc trong thành công của Singapore với tư các một trung tâm quản lý tài sản và tài chính”, bà Fergin nói

Bà Fergin cũng nói rằng USSFTA đã giúp đặt nền móng cho TPP, thỏa thuận giữ vai trò trụ cột trong chiến lược xoay trục về châu Á của Mỹ. Trong chuyến thăm Mỹ lần này, Thủ tướng Lý Hiển Long đã cảnh báo uy tín của Mỹ sẽ chịu ảnh hưởng xấu nếu Quốc hội Mỹ không phê chuẩn TPP

An Huy
 
Last edited:
Người khiến cố Thủ tướng Lý Quang Diệu phải khóc
- Năm 1958, Rajaratnam tham gia sáng lập Đảng Hành động nhân dân với Lý Quang Diệu, Toh Chin Chye, Goh Keng Swee và một số nhà lãnh đạo khác. Ông nổi tiếng trong những người ủng hộ bởi khả năng thấu hiểu người dân, cộng đồng
srajaratname14246823241411499050223030370442760crop14990502334951499073750298_MHMH.jpg

Là người bản lĩnh và cứng rắn nhưng cố thủ tướng Lý Quang Diệu từng bật khóc vì một người vào năm 2006. Đó chính là trong tang lễ của S. Rajaratnam, ngoại trưởng đầu tiên của Singapore và một trong những đồng chí thân thiết với Lý Quang Diệu

Đồng chí lớn c ủa cố thủ tướng Lý Quang Diệu

"Dịch vụ chính trị", đó là cách S. Rajaratnam đã nhận xét vào năm 1978 về con đường sự nghiệp mà mình theo đuổi

"Đó là một loại hình dịch vụ đặc trưng trong đó nó kiểm tra, kéo căng tất cả nguồn lực trí tuệ và đạo đức của một cá nhân mà không loại hình nào khác có thể làm được. Nhiều người thất bại và bị bóp vụn dưới áp lực. Nhiều người thoái hoá trở thành những kẻ tham nhũng và xấu xa", S. Rajaratnam nhận xét

Ông nói thêm: "Nhưng những ai vượt qua thử thách sẽ tìm ra câu trả lời cho một câu hỏi triết học và tôn giáo vốn đã rất cũ: "Ý nghĩa của sự tồn tại là gì? Sứ mệnh của một người đàn ông là gì ? "

Rajaratnam, nhà tư tưởng lớn của Singapore, đã tìm ra câu trả lời của mình khi dấn thân vào con đường chính trị vào năm 1959. Ông đã từ bỏ sự nghiệp nổi tiếng vốn là nhà văn, nhà báo tại Straits Time và đặt cuộc sống của mình phục vụ cho tầm nhìn lớn hơn về một nước Singapore độc lập khỏi cai trị thực dân và cuộc xung đột của cộng đồng

Vốn sinh ra tại Sri Lanka năm 1915 nhưng Rajaratnam trưởng thành tại Malaysia. Sau khi học xong trường St Paul, viện Victoria tại Kuala Lumpur, năm 1937 ông theo học trường King’s College tại London với tấm bằng luật sư tuy nhiên việc học bị gián đoạn bởi thế chiến thứ II. Rajaratnam rẽ hướng sang viết lách, báo chí để kiếm sống rồi sau này được tuyển vào làm cho BBC

Năm 1948, Rajaratnam quay trở về Singapore và tham gia vào tờ báo Malayan Tribune rồi chuyển sang Straits Time năm 1954. Tên tuổi của ông gắn liền với những bài viết về thực trạng, cách thức người Anh vận hành Singapore

Năm 1958, Rajaratnam tham gia sáng lập Đảng Hành động nhân dân với Lý Quang Diệu, Toh Chin Chye, Goh Keng Swee và một số nhà lãnh đạo khác. Ông nổi tiếng trong những người ủng hộ bởi khả năng thấu hiểu người dân, cộng đồng. Ông cũng từng đảm nhận những vị trí then chốt trong bộ máy của Lý Quang Diệu như Bộ trưởng văn hóa (1959), Ngoại trưởng (1965-1980), Bộ trưởng Lao động (1968-1971), Phó thủ tướng (1980-1985). Ông cũng là 1 trong 5 người sáng lập nên cộng đồng ASEAN năm 1967


Cố thủ tướng Lý Quang Diệu trong tang lễ S. Rajaratnam năm 2006


Nhà tư tưởng lớn của Singapore

Dấu ấn tư tưởng của Rajaratnam còn để lại trong Tín ước Singapore. Tín ước này được xem là một lời cam kết trung thành với quốc gia. Nó thường được người Singapore tuyên bố trong các sự kiện công cộng, đặc biệt là trong các trường học, trong Lực lượng Vũ trang Singapore và trong Ngày Quốc lễ Parade

Ý tưởng viết Tín ước ban đầu được hình thành vào tháng 10 năm 1965 bởi ông William Cheng, Trợ lý Bộ trưởng Bộ Giáo dục, với mục đích cam kết nuôi dưỡng ý thức quốc gia và lòng yêu nước trong các trường học. Ý tưởng này nhận được sự tán thành của Bộ trưởng Bộ Giáo dục, Ông Ong Pang Boon và người được giao nhiệm vụ soạn thảo lời cam kết cho Philip Liau, Cố vấn về Sách giáo khoa, giáo trình và Ông George Thomson, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Chính trị

Sau này 2 bản thảo được gửi cho S. Rajaratnam để nhận xét góp ý. Bản thảo đã trải qua những sửa đổi khác của các quan chức Bộ cũng như sau đó là Thủ tướng Lý Quang Diệu trước khi trình lên Nội các để phê duyệt cuối cùng

Theo lời S. Rajaratnam, tín ước ra đời trong bối cảnh Singapore đang trong cuộc đấu tranh tái thiết và xây dựng "một Singapore mà chúng ta tự hào". Ông tin rằng ngôn ngữ, chủng tộc và tôn giáo là những yếu tố có khả năng chia rẽ và sử dụng Tín ước để nhấn mạnh rằng những khác biệt này có thể vượt qua nếu người Singapore thống nhất vì một cam kết đối với đất nước

Không chỉ có vai trò ảnh hưởng lớn trong nước, sau khi Singapore được tách ra khỏi Malaysia vào năm 1965, S. Rajaratnam trở thành ngoại trưởng đầu tiên trong bối cảnh đất nước khó khăn, phải đối mặt với tỷ lệ thất nghiệp cao cũng như các mối quan hệ chính trị bất ổn trong khu vực. Trên cương vị bộ trưởng, ông không những tạo mối quan hệ tốt đẹp với các nước mà còn đóng một vai trò quan trọng trong việc mang lại cho Singapore tầm ảnh ảnh hưởng khu vực

Năm 1972, ông Rajaratnam là người có tầm nhìn khi đạt mục tiêu sớm biến Singapore trở thành một loại thành phố mới - một thành phố toàn cầu. Trong suốt sự nghiệp chính trị của mình, ông đã đưa ra nhiều lý tưởng có tầm ảnh hưởng đến tương lai cũng như thiết lập các nguyên tắc cơ bản để lãnh đạo tốt một quốc gia dễ bị tổn thương mà không có nguồn tài nguyên thiên nhiên

Rajaratnam là một trong những Bộ trưởng Nội vụ lâu nhất trong Nội các, sau đó ông được bầu là Phó Thủ tướng (về Ngoại giao) từ năm 1980 đến năm 1985. Năm 1988, Rajaratnam rút lui khởi con đường chính trị

"Tôi muốn nói thêm rằng tôi rất gắn bó với các đồng chí cũ, đặc biệt là những người đã từng vào sinh ra tử với tôi. Tôi biết họ là những người đáng tin cậy. Trong chiến đấu, họ không bao giờ bở rơi tôi", Lý Quang Diệu tại từng nói về Rajaratnam và những người bên cạnh ông trong sự nghiệp xây dựng nên Singapore hiện đại vào năm 1982

TTT
 
Đông Nam Á có thể phải chọn Mỹ hoặc Trung Quốc
Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long cho rằng các nước Đông Nam Á có thể buộc phải lựa chọn giữa Mỹ và Trung Quốc vì khó để dung hòa tầm nhìn của hai đối thủ này trong khu vực

2-0837.jpg

Thủ tướng Lý Hiển Long phát biểu tại hội nghị ASEAN - Mỹ tại Singapore ngày 15/11

“Nếu làm bạn với hai quốc gia vốn ở hai phía khác biệt nhau, đôi khi vẫn có thể hòa hợp với cả hai, nhưng thậm chí còn khó xử hơn khi cố gắng hòa hợp với cả hai”, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long phát biểu tại hội nghị thượng đỉnh thường niên của ASEAN ngày 15/11

“Tôi nghĩ điều chúng ta mong muốn là không phải đứng hẳn về phía bên nào. Tuy nhiên có những tình huống buộc ASEAN phải lựa chọn giữa một trong hai bên. Tôi hy vọng chuyện đó sẽ không sớm xảy ra”, ông Lý Hiển Long nói thêm

Phát biểu tại hội nghị thượng đỉnh ASEAN - Mỹ hôm qua, Thủ tướng Lý Hiển Long, người chủ trì phiên họp của ASEAN, cho biết mặc dù Singapore hài lòng khi chứng kiến mối quan hệ giữa ASEAN và Mỹ phát triển tốt đẹp trong các lĩnh vực như quốc phòng và an ninh mạng, song quan hệ đối tác giữa hai bên cần được đặt trên nền tảng của quan hệ Mỹ - Trung

“Quan hệ Mỹ - Trung có tác động sâu sắc tới ASEAN. Các nước ASEAN mong muốn có thể hợp tác với cả Mỹ và Trung Quốc, đồng thời tối đa hóa quy mô và lợi thế của sự hợp tác này. Do vậy, chúng tôi hy vọng rằng quan hệ Mỹ - Trung sẽ luôn ổn định”, Thủ tướng Singapore nhấn mạnh

Thủ tướng Lý Hiển Long nhận định, trong bối cảnh Trung Quốc tiếp tục mở rộng tầm ảnh hưởng của nước này, thế giới cần chuẩn bị đối mặt với những thay đổi sắp tới. Ngoài ra, nhà lãnh đạo Singapore cũng nhận định khu vực Đông Nam Á cần “làm quen” với cách tiếp cận khác của Mỹ trong chính sách châu Á

1-0836.jpg

Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường (trái) và Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence rời sân khấu sau nghi thức chụp ảnh chung tại hội nghị ASEAN ở Singapore ngày 15/11

Theo SCMP, phát biểu của Thủ tướng Lý Hiển Long đã cho thấy sự quan ngại của các nước trong khu vực về nguy cơ bị mắc kẹt trong tình trạng đối đầu ngày càng tăng giữa Mỹ và Trung Quốc cả về kinh tế và an ninh

Việc Tổng thống Mỹ Donald Trump vắng mặt tại hai hội nghị thượng đỉnh của châu Á trong tuần này, gồm hội nghị thượng đỉnh ASEAN và hội nghị cấp cao APEC, đã đặt ra nhiều nghi vấn về cam kết của Mỹ với khu vực. Tuy vậy, Phó Tổng thống Mike Pence, người thay mặt Tổng thống Trump dự họp, khẳng định Mỹ vẫn coi ASEAN là “đối tác chiến lược không thể thay thế”

Trong một thông điệp được cho là nhằm cảnh báo các động thái cứng rắn của Trung Quốc trên Biển Đông, ông Pence tuyên bố “sự kiểm soát và gây hấn không có chỗ ở Ấn Độ - Thái Bình Dương”. Trong khi Phó Tổng thống Pence dự họp tại Singapore, Hải quân Mỹ thông báo nhóm tác chiến tàu sân bay Ronald Reagan và John C Stennis đang tiến hành tập trận ở vùng biển Philippines nhằm thể hiện cam kết của Mỹ với khu vực

Đại diện cho Trung Quốc dự hội nghị thượng đỉnh ASEAN tại Singapore năm nay là Thủ tướng Lý Khắc Cường. Ông Lý đã tìm cách trấn an các nước láng giềng Đông Nam Á về sự trỗi dậy của Trung Quốc, khẳng định Bắc Kinh cam kết hoàn tất bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông trong vòng 3 năm tới

Thủ tướng Trung Quốc cũng kêu gọi các nước thành viên ASEAN phối hợp với nhau để đối phó với các chính sách thương mại của Mỹ và hoàn tất các cuộc đàm phán về Hiệp định Đối tác Toàn diện Khu vực (RCEP) - một thỏa thuận giữa 10 nước ASEAN và 6 nước châu Á - Thái Bình Dương khác

Trung Quốc và Mỹ dự kiến sẽ tiếp tục “cạnh tranh” trong việc thiết lập ảnh hưởng tại hội nghị cấp cao APEC ở Papua New Guinea vào cuối tuần này. Đại diện cho Mỹ và Trung Quốc tham dự hội nghị là Phó Tổng thống Mike Pence và Chủ tịch Tập Cận Bình

Thành Đạt
 
Trải thảm đỏ chiêu mộ nhân tài công nghệ tầm cỡ thế giới
TS Phạm Mạnh Hùng - Viện Kinh tế & chính trị thế giới, nghiên cứu viên chính chuyên sâu về nhân lực, nhân tài. TS Bùi Khắc Linh - Viện Kinh tế & chính trị thế giới, chuyên gia phân tích dữ liệu & các vấn đề kinh tế phát triển

Hiểu rõ việc đảm bảo nguồn nhân tài sẵn sàng cho chuyển đổi số đóng vai trò quyết định trong cuộc đua toàn cầu ở thời đại 4.0, Singapore có những quyết sách và bước đi bài

Singapore đặc biệt chú trọng xây dựng trung tâm đầu não gồm người đứng đầu thường là những chuyên gia công nghệ tầm cỡ, giàu kinh nghiệm với tầm nhìn chiến lược để đảm nhiệm các vị trí then chốt trong hành trình chuyển đổi số để xây dựng quốc gia thông minh


Singapore tung ra visa mới để thu hút nhân tài công nghệ

Ý thức rất rõ rằng với số dân 5,8 triệu người thì nguồn nhân tài trong nước không thể đáp ứng đủ, Singapore tích cực tìm kiếm từ mọi nguồn để có được đội ngũ nhân tài cốt cán dẫn dắt công cuộc chuyển đổi số. Đảo quốc chú trọng thu hút nhân tài công nghệ toàn cầu, kết nối mật thiết với kiều dân công nghệ cao và cấp học bổng để có lãnh đạo chuyển đổi số

Visa 2 năm thu hút 500 nhân tài

Singapore nhìn nhận nhân tài quốc tế, đặc biệt là nhân tài công nghệ cao tầm cỡ là đòn bẩy đưa đất nước lên những chuẩn mực cao hơn trong công nghệ số, đẩy nhanh tiến trình trở thành trung tâm công nghệ cao và đổi mới sáng tạo của khu vực và thế giới. Do vậy, Singapore đã và đang trải thảm đỏ để chiêu mộ các nhân tài công nghệ tầm cỡ thế giới

Singapore vừa đưa ra loại visa thời hạn 2 năm thuộc Chương trình Tech.Pass trong năm 2021 nhằm thu hút 500 nhân tài công nghệ từ khắp nơi trên thế giới

Những người được cấp visa này có thể làm quản lý, điều hành, khởi nghiệp hoặc tư vấn cho các công ty Singapore mà không cần xin giấy phép lao động. Chương trình này chỉ dành cho doanh nhân, chuyên gia công nghệ tầm cỡ mang vốn, mạng lưới, kiến thức thúc đẩy Singapore trở thành trung tâm công nghệ cao và đổi mới sáng tạo của khu vực và thế giới

Tech.Pass mới được thực hiện nên cần có thời gian để đánh giá hiệu quả thực tế nhưng đầy hứa hẹn

Singapore vốn đã có sức hấp dẫn lớn đối với nhân tài công nghệ quốc tế với các cơ sở giáo dục đẳng cấp thế giới, một nền công nghệ mạnh, sự có mặt của đông đảo tập đoàn công nghệ toàn cầu và các quỹ đầu tư mạo hiểm, một hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo với hơn 3.000 DN, hơn 100 vườn ươm tạo và trung tâm hỗ trợ, các dự án R&D hàng tỷ USD, mạng lưới thương mại rộng lớn, vị trí địa lý thuận lợi, môi trường sống lý tưởng...

Bởi vậy, chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi ngày càng nhiều nhân tài công nghệ tên tuổi, doanh nhân tầm cỡ, các nhà khoa học lừng danh chọn Singapore là bến đỗ.

Kết nối mật thiết với kiều dân

Ví kiều dân như đôi cánh giúp đất nước bay cao, bay xa trong hành trình phát triển, Singapore luôn giữ mối liên hệ mật thiết với họ. Mới đây, đảo quốc thiết lập Diễn đàn công nghệ Tech Forum ở vùng Bay Area, đưa ra nhiều cơ hội lớn mà kiều dân công nghệ có thể tham gia ở cả lĩnh vực tư và công, giới thiệu các cách thức mà họ có thể tham gia vào hệ sinh thái công nghệ năng động

Singapore điều chỉnh mức lương hấp dẫn, thiết kế công việc đầy thách thức, thú vị và có ý nghĩa để thu hút kiều dân là các chuyên gia công nghệ tầm cỡ có bề dày kinh nghiệm quản lý các dự án công nghệ lớn

Chương trình Học giả quốc gia thông minh được triển khai nhằm thu hút sự tham gia ngắn hạn của kiều dân công nghệ, từ 3-6 tháng, hợp tác cùng nhau đưa ra các giải pháp công nghệ số, các công nghệ có ảnh hưởng lớn đến cuộc sống người dân và đất nước

Đây là một trong những sáng kiến được đánh giá là rất thiết thực và hiệu quả trong thu hút sự tham gia ngắn hạn của các kiều dân công nghệ vào các dự án số hóa của Singapore

Cấp học bổng để có lãnh đạo chuyển đổi số tài năng

Từ năm 2018, Singapore triển khai Chương trình học bổng quốc gia thông minh với các gói hấp dẫn nhằm nuôi dưỡng và phát triển các tài năng công nghệ và các nhà lãnh đạo tiềm năng trong dịch vụ số của dịch vụ công

Học bổng này không những mở ra những cơ hội nghề nghiệp mới trong thời đại số hóa mà còn thúc đẩy vai trò tham gia của những tài năng công nghệ đối với lợi ích của cộng đồng thông qua dịch vụ công

Các ứng viên phải cam kết sau khi tốt nghiệp làm việc 6 năm đối với các dự án ở nước ngoài hoặc 4 năm đối với các dự án trong nước. Họ thường được phân bổ vào 1 trong 3 cơ quan sau: Cơ quan an ninh mạng, Cơ quan công nghệ chính phủ và Cơ quan phát triển truyền thông - thông tin

Sau khi trải qua quá trình rèn luyện thực tế rất nghiêm ngặt, họ có thể được đảm nhận các vai trò lãnh đạo chủ chốt ở các dự án của Hành trình quốc gia thông minh

Hàm ý với Việt Nam

Singapore vẫn đang trên hành trình chuyển đổi số với không ít thách thức ở phía trước, nhưng những kết quả đã đạt được cho thấy đảo quốc đang dần hiện thực hóa tham vọng trở thành quốc gia thông minh đầu tiên trên thế giới với những nhân tố đặc sắc. Singapore xứng đáng là một hình mẫu điển hình về chuyển đổi số để đất nước thịnh vượng trong thời đại 4.0

Chìa khóa để Singapore chuyển đổi số hiệu quả, đi nhanh, tiến xa trong thời đại 4.0 là sớm biết chăm lo phát triển nguồn nhân lực kỹ năng, nhân tài sẵn sàng cho chuyển đổi số, khai thác triệt để công nghệ số, không ngừng đổi mới sáng tạo để gia tăng năng lực cạnh tranh quốc gia

Giới lãnh đạo đất nước Singapore không những nhìn xa trông rộng, tham vọng lớn, quả cảm tiên phong trong công cuộc chuyển đổi số mà còn rất biết dùng người tài, họ là bậc thầy về kết hợp “chủ nghĩa thực dụng chiến lược” với nguyên lý Pareto trong phát triển nguồn nhân lực. Do vậy, dù với số dân chỉ hơn 5,8 triệu người nhưng Singapore vẫn đảm bảo nguồn nhân lực kỹ năng, nhân tài sẵn sàng cho chuyển đổi số

Hàm ý quan trọng nhất đối với Việt Nam là cần dồn lực cho công cuộc chuyển đổi số, tích cực khai thác triệt để công nghệ số và không ngừng đổi mới sáng tạo, trước hết là đổi mới mô hình phát triển để tạo động lực tăng trưởng mới, tăng nhanh năng suất lao động, gia tăng năng lực cạnh tranh quốc gia

Đồng thời, cần nhanh chóng trang bị kỹ năng phù hợp cho số đông nhân lực tạo nền tảng cho chuyển đổi số, đặc biệt phát triển đội ngũ nhân tài cốt cán với tinh thần đổi mới sáng tạo để dẫn dắt công cuộc chuyển đổi số đưa đất nước đi nhanh, tiến xa trong thời đại 4.0

Trước đây, chúng ta đã từng tìm đến Singapore những mong học hỏi bí quyết hóa rồng để đưa đất nước cất cánh sánh vai cùng các cường quốc năm châu. Song, chúng ta đã không học được nhiều, đến nay, hơn một thế hệ đã qua đi, chúng ta vẫn chưa hóa rồng. Giờ đây, cơ hội ngàn năm có một đã đến, chúng ta không được phép bỏ lỡ, nhất quyết phải học hỏi đến nơi đến chốn, nhanh chóng xây dựng lực lượng cốt cán, chớp thời cơ đưa đất nước phát triển bứt phá, hùng cường trong thời đại 4.0

TS Phạm Mạnh Hùng - TS Bùi Khắc Linh(Viện Kinh tế và Chính trị thế giới)
 
Singapore duy trì sức cạnh tranh bằng cách đào tạo lại toàn bộ nguồn nhân lực
Rơi vào tình thế kẹt: dân số số giảm nhưng tâm lý phản đối lao động nhập cư ngày càng dâng cao, chính phủ Singapore quyết định đào tạo toàn bộ nguồn nhân lực trong nước, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ để duy trì sức cạnh tranh và thúc đẩy kinh tế tăng trưởng

Chương trình tái trang bị kỹ năng của Singapore, có tên gọi SkillsFuture, đang hỗ trợ tái trang bị, nâng cao kỹ năng cho hàng trăm ngàn người lao động mỗi năm

  • Anh-bai-25.jpg
  • Một sự kiện quảng bá chương trình SkillsFuture hồi đầu tháng 7 tại Singapore
Để bảo đảm chỗ làm việc hiện tại ở chi nhánh của Công ty công nghệ tài chính và thanh toán PayPal tại Singapore, Gangadevi Balakrishnan, một kỹ sư phần mềm, đã tham gia chương trình SkillsFuture

Balakrishnan, 29 tuổi, nói: “Cá nhân tôi rất yêu thích chuyên ngành trí tuệ nhân tạo và an ninh mạng. Vì vậy, tôi sẽ tìm kiếm những chương trình và khóa học liên quan đến những lĩnh vực này”

Chương trình SkillsFuture được khởi động từ năm 2014 nhằm đào tạo lại toàn bộ lực lượng lao động của đất nước. Chương trình gồm hơn 24.000 khóa học khác nhau từ công nghệ số hóa đến quản lý kinh doanh. Chính phủ trợ cấp đến 90% học phí của các khóa học, bên cạnh đó, còn cung cấp tín dụng 500 đô la Singapore cho những người từ 25 tuổi trở lên để họ có thể trang trải phần chi phí học tập còn lại

SkillsFuture là sáng kiến nhằm ứng phó cơn khủng hoảng thiếu hụt nhân tài có thể ngày càng nghiêm trọng do dân số của đảo quốc Sư tử đang suy giảm

Lý Quang Diệu, vị thủ tướng đầu tiên của Singapore, từng nói rằng nếu không có lao động nhập cư, nền kinh tế Singapore sẽ sụp đổ vào năm 2050 vì lúc đó, trung bình 1,5 người lao động sẽ phải nuôi một người già

Trong thời kỳ tăng trưởng cao của Singapore thập niên 1980 và 1990, dòng người nhập cư đã bù đắp cho tỷ lệ sinh thấp ở trong nước. Nhưng ngày càng có nhiều dân bản địa lo ngại về đà tăng của số lượng lao động nhập cư, thậm chí, một số ý kiến nói rằng người nước ngoài đang đánh cắp việc làm của người dân địa phương

Đáp lại, chính phủ đã thắt chặt các hạn chế nhập cảnh đối với người nước ngoài, vốn đang chiếm gần 30% dân số Singapore

Năm ngoái, dân số người nước ngoài của Singapore giảm 10% xuống còn 1,47 triệu người, chủ yếu do các biện pháp kiểm soát Covid-19. Tổng dân số Singapore cũng lần đầu tiên giảm hai năm liên tiếp (2020 và 2021)

Điều đó khiến Singapore không còn lựa chọn nào khác ngoài việc phải đẩy mạnh tái đào tạo lực lượng lao động hiện có, bao gồm cả người trung niên và cao tuổi. Chính phủ Singapore kỳ vọng các nỗ lực nâng cao năng suất của người lao động sẽ duy trì động lực tăng trưởng cho nền kinh tế

Cuộc vận động tái trang bị kỹ năng cho người lao động ở Singapore đã bước vào giai đoạn thứ hai và tăng tốc trong đại dịch Covid-19. Người lao động trong nước được tiếp cận với các khoản tín dụng để trang trải chi phí cho các khóa học. Tuy nhiên, cũng có nhiều chương trình hợp tác giữa chính phủ với với các công ty trong và ngoài nước để phát triển các kỹ năng phù hợp với yêu cầu công việc

PayPal, Microsoft, Siemens và một số tập đoàn tên tuổi khác là đối tác của chương trình SkillsFuture và các ban ngành liên quan của Singapore. Một chương trình hợp tác công tư để tái đào tạo người lao động như vậy có rất ít tiền lệ trên thế giới

Năm ngoái, có khoảng 660.000 người lao động ở Singapore tham gia các khóa đào tạo của SkillsFuture, tăng so với 540.000 người trong năm 2020. Con số này tương đương 25% tổng dân số ở độ tuổi lao động của Singapore. Khoảng 24.000 doanh nghiệp ở Singapore cử nhân viên tham gia các khóa học của SkillsFuture, tăng so với 14.000 doanh nghiệp vào năm 2020. Các khóa học liên quan đến các kỹ năng trong ngành công nghệ thông tin, chăm sóc sức khỏe và kiểm toán chứng kiến lượng người học đăng ký đông nhất

Giám đốc điều hành SkillsFuture, Tan Kok Yam cho biết: “Covid-19 và những thay đổi mà đại dịch này tạo ra đã cho người dân Singapore thấy rằng các yêu cầu tại nơi làm việc có thể thay đổi rất nhanh. Điều này đã thúc đẩy người dân Singapore tìm cách nâng cấp kỹ năng cho bản thân”

Cố Thủ tướng Lý Quang Diệu từng nói: “Chúng ta không thể thay đổi đặc điểm di truyền của dân số. Nhưng chúng ta có thể phát huy tối đa tiềm năng của họ bằng con đường giáo dục và đào tạo”

Với mức tăng trung bình 3% mỗi năm kể từ năm 2015, năng suất lao động trên đầu người ở Singapore trong năm 2020 đạt 170.000 đô la Mỹ. Đối với một nước giàu như Singapore, sẽ rất khó khăn để đẩy năng suất lao động trên đầu người lên mức cao hơn

Luxembourg, nơi có tổng sản phẩm quốc nội bình quân đầu người ở mức cao nhất thế giới, cũng đang đối mặt với tốc độ tăng trưởng năng suất lao động chậm lại. Vì vậy, nước này đã khởi động một dự án trang bị các kỹ năng nâng cao. Từ năm 2020, công nghệ số hóa đã được bổ sung vào chương trình giảng dạy bắt buộc cho học sinh tiểu học và trung học cơ sở của Luxembourg

Dân số giảm, kéo theo tăng trưởng kinh tế chậm lại đi sẽ là một thực trạng mà Nhật Bản và các nền kinh tế tiên tiến khác như Singapore cần phải giải quyết trong tương lai. Thúc đẩy chuyển đổi số, giảm bớt quy định quản lý để thúc đẩy tăng trưởng cũng như đào tạo lại lực lượng lao động có thể là con đường giúp họ tránh được viễn cảnh đó
 
Kinh tế số, trụ cột của quốc gia thông minh Singapore
Kinh tế số là một trong ba trụ cột của chiến lược Quốc gia thông minh Singapore. Kinh tế số tận dụng lợi thế của công nghệ tối tân nhằm số hóa quy trình và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế

Môi trường kinh doanh thân thiện, hạ tầng công nghệ xuất sắc, vị trí gần gũi với các nền kinh tế Đông Nam Á lớn, cũng như vốn đầu tư sẵn có khiến Singapore có lợi thế để phát triển nền kinh tế số mạnh mẽ. Chính phủ Singapore xác định ba chiến lược chính trong Khung hành động Kinh tế số là: tăng tốc tăng trưởng kinh tế thông qua số hóa doanh nghiệp và ngành công nghiệp; phát triển hệ sinh thái hỗ trợ doanh nghiệp cạnh tranh; chuyển đổi ngành công nghệ thông tin và truyền thông thành động lực tăng trưởng chính của kinh tế số

Khung hành động Kinh tế số Singapore

Mục tiêu của Singapore là trở thành nền kinh tế số hàng đầu thế giới. Các kế hoạch trọng điểm xoay quanh hợp tác được Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông S. Iswaran thông báo vào ngày 21/5/2018. Ba ưu tiên chiến lược trong khung hành động và các chương trình của SG:D (Digital Singapore) cụ thể như dưới đây


Với chiến lược tăng tốc số hóa doanh nghiệp và ngành công nghiệp, năm 2017, chính phủ triển khai 23 bản đồ chuyển đổi ngành (ITM). Đi cùng các ITM này là các kế hoạch kỹ thuật số ngành để tạo điều kiện số hóa mọi ngành nghề. Doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) được hỗ trợ từng bước trong quá trình chuyển đổi số, còn những doanh nghiệp đã số hóa sẽ được tài trợ để thúc đẩy các ranh giới và khám phá lĩnh vực tăng trưởng mới. Đồng thời, các nền tảng số như hóa đơn điện tử sẽ giúp tiết kiệm chi phí, tăng tốc độ giao dịch, giảm sai sót. Nhờ vậy, doanh nghiệp sẽ cạnh tranh hơn trên thị trường thay đổi nhanh chóng

Với chiến lược thứ hai, Singapore muốn mài dũa lợi thế cạnh tranh bằng cách hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng công nghệ số. Số hóa mở ra các cơ hội tăng trưởng mới. Chiến lược sẽ giúp doanh nghiệp trong nước phát triển mô hình kinh doanh và tìm kiếm cơ hội để mơ rộng quy mô trong và ngoài nước. Chính phủ cũng hoan nghênh các giải pháp mới và nhân tài mới để giải quyết những thách thức kinh doanh thực tế

Chiến lược thứ ba là chuyển đổi ngành công nghệ thông tin, truyền thông (ICM) thành động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế số Singapore. Những công ty mang tư tưởng kỹ thuật số sẽ được tiếp cận kết nối, hạ tầng và tên tuổi uy tín của Singapore để vươn ra thị trường toàn cầu

Không ai bị bỏ lại phía sau

Theo Bộ trưởng S. Iswaran, Singapore cần chuẩn bị cho giai đoạn phát triển tiếp theo của kinh tế số hậu Covid-19. Ông vạch ra chiến lược ba mũi nhọn, đó là: đặt nền móng vững chắc cho kinh tế số bằng cách đầu tư vào hạ tầng số; xây dựng các khuôn khổ quản trị quốc tế để có luồng thông tin tự do hơn và chống lại bất bình đẳng số thông qua trang bị kỹ năng số cho doanh nghiệp và người dân

Ông cũng cho biết Singapore sẽ đầu tư phát triển mạng 5G bảo mật, ổn định. Năm 2019, Singapore cam kết chi 40 triệu USD để khởi động 5G. Hàng ngàn chuyên gia 5G ra đời từ cái bắt tay giữa Cơ quan Phát triển Truyền thông thông tin (IMDA) và các nhà mạng. Ngoài 5G, quốc đảo sư tử cũng chú trọng xây dựng năng lực trong các lĩnh vực tuyến đầu như trí tuệ nhân tạo (AI) và Internet vạn vật kết nối (IoT). Bộ trưởng Iswaran cho rằng AI và IoT có tiềm năng quan trọng để nâng cao chất lượng sống, cải thiện hiệu suất và mở ra địa hạt tăng trưởng mới

Bên cạnh đó, Singapore tạo điều kiện cho luồng dữ liệu lưu thông tự do để thương mại quốc tế tiếp tục phát triển và người dân được kết nối trên toàn cầu. Chẳng hạn, Singapore ủng hộ các thỏa thuận kinh tế số (DEA), thiết lập quy định thương mại kỹ thuật số và hợp tác kinh tế số giữa hai nền kinh tế. Nước này đã ký thỏa thuận DEA với New Zealand, Chile và Australia

Cuối cùng, khi tiến vào thế giới số, Singapore muốn đảm bảo “không ai bị bỏ lại phái sau trong cuộc chuyển đổi số kinh tế - xã hội”. Để đáp ứng mục tiêu, Văn phòng Kỹ thuật số Singapore đã được thành lập vào tháng 6/2020. Văn phòng bổ nhiệm hơn 1.000 đại sứ kỹ thuật số để giúp doanh nghiệp nhỏ ứng dụng các giải pháp thanh toán số và hướng dẫn người già kỹ năng số

Chính phủ cũng hợp tác chặt chẽ với đối tác ngành để tăng tốc độ tạo công ăn việc làm công nghệ và liên quan đến công nghệ, trong khi đầu tư để nâng cao tay nghề cho mọi người qua các chương trình đào tạo. Doanh nghiệp vừa và nhỏ được phép tiếp cận nguồn vốn tài trợ khi ứng dụng giải pháp điện tử. Các chương trình hỗ trợ cũng áp dụng cho những đối tượng yếu thế trong xã hội như hộ gia đình thu nhập thấp

“Chúng tôi muốn bảo đảm mọi doanh nghiệp – bất kể quy mô ra sao và mọi công dân – bất kể hoàn cảnh thế nào đều có thể tham gia một cách có ý nghĩa trong môi trường kinh tế, xã hội hậu Covid-19”, Bộ trưởng chia sẻ
 
Top