What's new
Vietnam - Điện Biên Phủ Kinh Tế

This is a sample guest message. Register a free account today to become a member! Once signed in, you'll be able to participate on this site by adding your own topics and posts, as well as connect with other members through your own private inbox!

Cờ Vây Đấu Giá

LOBBY.VN

Administrator
Đấu giá tài sản trực tuyến đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số, công khai, minh bạch
Việc xây dựng Nghị định về đấu giá trực tuyến sẽ hạn chế được 'quân xanh - quân đỏ', dìm giá, tạo sự công khai minh bạch, tiết kiệm thời gian và chi phí cho người dân và doanh nghiệp, thống nhất các quy định về đấu giá, hạn chế thất thoát tài sản công…

8 tổ chức đấu giá có đủ điều kiện đấu giá trực tuyến

Ngày 5/10, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh chủ trì cuộc họp Hội đồng thẩm định dự thảo Nghị định của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 62/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Đấu giá tài sản

Nghị định 62 lần đầu tiên quy định một hình thức đấu giá mới, hiện đại, thông dụng trên thế giới, đó là hình thức đấu giá trực tuyến và thể chế hoá quy định tại Khoản 4, Điều 40 của Luật Đấu giá tài sản

Hình thức này đã được sử dụng rộng rãi tại một số địa phương khi thực hiện giãn cách xã hội, nhờ đó vừa bảo đảm việc xử lý tài sản của các cơ quan, tổ chức theo đúng kế hoạch, vừa góp phần hạn chế tình trạng thông đồng, dìm giá, "quân xanh – quân đỏ", "xã hội đen"

Tính đến 15/8/2022, cả nước có 8 tổ chức đấu giá tài sản được phê duyệt đủ điều kiện thực hiện theo các hình thức đấu giá trực tuyến

Tuy nhiên quy định tại Nghị định 62 hiện hành chưa làm rõ và đầy đủ về hình thức đấu giá trực tuyến hoàn toàn trên mạng Intermet nên các tổ chức đấu giá tài sản lúng túng trong việc áp dụng, dẫn đến mỗi tổ chức bán đấu giá thực hiện một cách khác nhau, làm giảm tính hiệu quả của hình thức đấu giá trực tuyến trên thực tế

Bên cạnh đó, Nghị định 62 cũng quy định các tổ chức đấu giá tài sản tự xây dựng và vận hành Trang thông tin đấu giá trực tuyến của mình sau khi được cơ quan Nhà nước phê duyệt mà chưa có quy định về Trang điện tử đấu giá trực tuyến thống nhất, gây khó khăn cho các tổ chức đấu giá và người có tài sản trong quá trình lựa chọn hình thức đấu giá trực tuyến, tổ chức thực hiện cũng như việc áp dụng rộng rãi hình thức đấu giá này trên phạm vi toàn quốc, nhất là việc đấu giá tài sản công, tài sản là quyền sử dụng đất có giá trị lớn

Vì vậy, việc cơ quan Nhà nước vận hành sử dụng một phần mềm chung về đấu giá tài sản là cần thiết để bảo đảm sự thống nhất, bảo mật trong quá trình đấu giá

Ông Lê Xuân Hồng, Cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp cho biết, Luật Đấu giá tài sản chỉ điều chỉnh bán đấu giá tài sản công và tài sản tư pháp

Vấn đề đặt ra đối với tài sản này là chủ thể nào được bán và bán bằng phương thức nào?

Về chủ thể, Luật Đấu giá tài sản quy định có Trung tâm dịch vụ đấu giá thuộc Sở Tư pháp và doanh nghiệp bán đấu giá

Phương thức bán đấu giá có trực tiếp, bỏ phiếu gián tiếp và trực tuyến. Theo đó, dự thảo Nghị định này chỉ quy định về phương thức đấu giá trực tuyến bởi hơn 90% tài sản đấu giá hiện nay là tài sản công và tài sản tư pháp (tài sản thi hành án dân sự)

Tài sản công phải được đấu giá trên Hệ thống mạng đấu giá quốc gia

Trên cơ sở đó, dự thảo Nghị định được chỉnh lý theo hướng xây dựng mô hình đấu giá trực tuyến "tập trung", theo đó, cơ quan quản lý Nhà nước về đấu giá tài sản ở Trung ương sẽ hình thành hệ thống mạng đấu giá tài sản quốc gia để các tổ chức đấu giá tài sản tổ chức thực hiện đấu giá trực tuyến các loại tài sản

Để đảm bảo tính chặt chẽ, minh bạch, khách quan, trên cơ sở nghiên cứu mô hình đấu giá trực tuyến của một số nước trên thế giới, dự thảo Nghị định quy định cụ thể các yêu cầu đối với hệ thống mạng đấu giá tài sản quốc gia như: Công khai, không hạn chế truy cập, tiếp cận thông tin; người sử dụng nhận biết được thời gian thực khi truy cập vào hệ thống mạng đấu giá tài sản quốc gia; hoạt động liên tục, thống nhất, ổn định, an toàn, bảo mật về tài khoản truy cập

Bên cạnh đó, việc tham gia trả giá, giá đã trả và các thông tin về người tham gia đấu giá, có khả năng xác thực người dùng, bảo mật và toàn vẹn dữ liệu; hiển thị công khai, trung thực giá trả của người tham gia đấu giá; thực hiện ghi lại thông tin và truy xuất được lịch sử các giao dịch, mức giá được trả tại các cuộc đấu giá, việc rút lại giá đã trả và những thông tin cần thiết khác trong quá trình tổ chức đấu giá trên hệ thống mạng đấu giá tài sản quốc gia; hiển thị mức giá cao nhất được hệ thống đấu giá trực tuyến ghi nhận liên tục để những người tham gia đấu giá có thể xem được…

Các ý kiến tại phiên họp về cơ bản nhất trí với dự thảo Nghị định quy định mô hình đấu giá trực tuyến tập trung theo hướng xây dựng hệ thống đấu giá tài sản quốc gia thống nhất để các tổ chức đấu giá tài sản thực hiện đấu giá trực tuyến và lộ trình thực hiện

Quy định rõ trách nhiệm của cơ quan quản lý tài sản công mang ra bán đấu giá

Nhất trí với sự cần thiết xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 62, ông Nguyễn Trung Dũng, Trưởng phòng Phần mềm và cơ sở dữ liệu (Cục Công nghệ thông tin) cho rằng, thời gian qua đấu giá trực tuyến đạt được một số kết quả nhưng cũng bộc lộ nhiều bất cập. Trong Nghị định số 62 hiện hành có quy định để cho các tổ chức, cá nhân tự xây dựng phần mềm và Sở Tư pháp là cơ quan phê duyệt lần đầu hồ sơ đấu giá trực tuyến

Tuy nhiên, để đánh giá hệ thống đó có đáp ứng được yêu cầu về an toàn, an ninh thông tin hay trong quá trình vận hành có cần điều chỉnh thì Sở Tư pháp gần như không có nguồn lực và chuyên môn để đánh giá

Ông Nguyễn Trung Dũng cũng thể hiện băn khoăn khi hồ sơ đã được phê duyệt, thì hệ thống được vận hành, cài đặt ở đâu, có đảm bảo được các yêu cầu về bảo mật, về an toàn, an ninh thông tin không? Bên cạnh đó, tài sản Nhà nước đấu giá qua Trang thông tin tiềm ẩn nguy cơ thay đổi, điều chỉnh thông tin. Do đó, việc xây dựng hệ thống đấu giá tài sản trực tuyến phải được xây dựng tập trung, thống nhất và do cơ quan Nhà nước có chuyên môn, năng lực, thẩm quyền quản lý, vận hành

Ông Dũng cũng đề nghị, liên quan đến hệ thống mạng đấu giá quốc gia được thực hiện có lộ trình và hệ thống đấu giá tài sản trực tuyến quốc gia cũng nên đi theo lộ trình tương tự. Nên quy định trong dự thảo là tài sản Nhà nước phải thông qua hệ thống đấu giá tài sản trực tuyến quốc gia. Đồng thời có thể cân nhắc thêm quy định về giới hạn phạm vi về tài sản hoặc theo giá trị tài sản là từ bao nhiêu thì sẽ thực hiện đấu giá bằng hình thức đấu giá trực tuyến thông qua hệ thống mạng đấu giá tài sản quốc gia

Phải quy định rõ trách nhiệm của cơ quan, tổ chức quản lý tài sản công mang ra bán đấu giá

Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tịnh nhấn mạnh: Việc sửa đổi, bổ sung Nghị định 62 lần này phải có quy định rõ trách nhiệm của cơ quan, tổ chức quản lý tài sản công mang ra bán đấu giá, nhất là tài sản của Nhà nước

Do đó, cơ quan quản lý tài sản phải có trách nhiệm giám sát chặt chẽ trong quá trình đấu giá như việc định giá, các thủ tục bán đấu giá, lựa chọn tổ chức đấu giá…

Theo Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tịnh, việc ban hành Nghị định này sẽ góp phần phòng chống tham nhũng, lợi ích nhóm, bảo đảm cho tài sản và lợi ích Nhà nước không bị thất thoát khi đấu giá tài sản

Theo đó, hệ thống mạng đấu giá quốc gia áp dụng cho đấu giá tài sản công để thúc đẩy tính công khai, minh bạch của hoạt động bán đấu giá, bảo đảm kết nối thông tin, tính bảo mật, coi đây là biện pháp để bảo đảm tài sản của Nhà nước không bị thất thoát

"Các tài sản công phải được thực hiện đấu giá qua hệ thống mạng đấu giá quốc gia", Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tịnh khẳng định

baochinhphu.vn
 
Last edited:
Thị trường đấu giá xa xỉ đã có một năm “ăn nên làm ra”
Bất chấp nguy cơ khủng hoảng vẫn đang lơ lửng, Federica Levato – nhà phân tích tại Bain & Co, cho rằng "những người nghèo và trung lưu chịu ảnh hưởng nhiều hơn, chứ không phải nhóm khách hàng giàu có"…

dau-gia.jpg

Các hãng kinh doanh hàng xa xỉ thậm chí có thể còn bán được nhiều hàng hơn so với hồi khủng hoảng 2009, do hiện tại mức độ toàn cầu hóa đã lớn hơn, các thị trường đang bùng nổ có thể bù đắp cho những nơi đang suy giảm. "Nhiều người cho rằng các sản phẩm xa xỉ cũng như bất động sản vậy, vì chúng có thể sang tay”, Gachoucha Kretz, Giáo sư marketing tại Trường kinh doanh HEC Paris cho biết. “Với những mặt hàng không có hạn sử dụng, người mua sẵn sàng bỏ tiền mua. Như tháng 9 vừa qua, một chiếc đồng hồ Cartier Cheich hiếm đã được mua tại phiên đấu giá của Sotheby’s với 1 triệu Euro”

Sản xuất giới hạn, đề cao tính độc bản đã biến những chiếc túi, những món trang sức, đồng hồ hay xe hơi trở thành khoản đầu tư an toàn và lý tưởng không kém các tác phẩm nghệ thuật. Việc xem các món xa xỉ phẩm như một dạng đầu tư bắt đầu trở thành xu hướng trong tầng lớp siêu giàu. Món đồ càng hiếm càng có giá và dĩ nhiên, nhiều tiền vẫn chưa phải là điều kiện duy nhất để sở hữu được chúng

Những điều này đã giúp hãng đấu giá Christie's công bố doanh thu kỷ lục 8,4 tỉ USD vào năm 2022, vượt đối thủ Sotheby's - hãng đấu giá cũng đã công bố kết quả tốt nhất từ trước đến nay với doanh thu 8 tỉ USD. Théo đó, Christie's đã thu về 7,2 tỉ USD trong các cuộc đấu giá và 1,2 tỉ USD khác trong doanh số bán hàng tư nhân, vượt qua con số 7,1 tỉ USD mà hãng kiếm được năm 2021 khi đại dịch Covid - 19 tác động nhiều tới hoạt động đấu giá

“Năm 2022, bất chấp tình hình kinh tế vĩ mô đầy thách thức, Christie's đã đạt được doanh thu bán hàng toàn cầu cao nhất từ trước đến nay”, Giám đốc điều hành Guillaume Cerutti thông tin, đề cập tới những thách thức kinh tế do lạm phát và xung đột Nga - Ukraina gây ra. Ông Cerutti ghi nhận khả năng phục hồi của thị trường nghệ thuật và xa xỉ, thành công đáng kể của một số bộ sưu tập nghệ thuật lớn cũng như chuyên môn và nỗ lực làm việc của đội ngũ nhân viên hãng đấu giá này trên khắp thế giới

dau-gia2.jpg

Hãng đấu giá Christie's công bố doanh thu kỷ lục 8,4 tỉ USD vào năm 2022
Đại diện của Christie’s cũng cho biết, phân khúc sản phẩm cao cấp xa xỉ chiếm 36% số người mua mới trong khi danh mục đồ cổ, kỷ vật ghi nhận mức tăng mạnh nhất từ năm 2021 với tổng số tiền lên đến 789 triệu USD trong năm 2022

Nhóm khách hàng đến từ châu Mỹ có mức chi tiêu 4,55 triệu USD, chiếm khoảng 40% tổng doanh thu, trong khi nhóm khách hàng tại châu Âu, Trung Đông và châu Phi chiếm 34% doanh thu với 1,8 tỷ USD. Khu vực châu Á – Thái Bình Dương ghi nhận mức giảm 21% so với năm 2021 với 833 triệu USD. Vào năm 2024, Christie’s dự kiến sẽ mở một trụ sở ở châu Á – Thái Bình Dương với quy mô 4,650 m2 ở Hồng Kông nhằm thu hút người mua tại đây

Trong khi đó, tuần trước, Sotheby's công bố dự báo tổng doanh thu cuối năm 2022 là 8 tỉ USD, tăng so với 7,3 tỉ USD của năm 2021. Doanh số bán hàng xa xỉ và nghệ thuật của Sotheby’s chỉ kiếm được 6,8 tỷ USD, giảm 7% so với năm ngoái. Tuy vậy, nguồn thu cũng tăng lên đáng kể khi Sotheby’s kết hợp thêm danh mục xe hơi cổ và bất động sản thông qua Sotheby’s Concierge Auctions. Nhà đấu giá thuộc sở hữu của ông trùm viễn thông người Pháp gốc Israel Patrick Drahi cũng lưu ý, cơ sở khách hàng của hãng ở châu Á đang "mở rộng nhanh chóng" và những nhà sưu tập ở đây có mức chi tiêu trung bình/người cao hơn nhà sưu tập ở những nơi khác

Nhu cầu đối với đồ sưu tầm, một trong những tài sản thay thế (thuật ngữ dùng để phân biệt với các tài sản truyền thống như cổ phiếu, trái phiếu), đang tăng cao khi giới đầu tư chuyển sang chiến lược phòng thủ chống lạm phát và suy thoái

Thận trọng với những cổ phiếu có giá quá cao, dễ biến động cũng như những trái phiếu có lợi suất thấp, các nhà đầu tư đang ngày càng quan tâm đến các hạng mục tài sản ở thị trường ngách như rượu quý, giày thể thao và kim cương và thậm chí là thẻ bóng chày

Điển hình, chiếc váy đính pha lê của minh tinh Marilyn Monroe đã tăng 300% trong thời gian từ năm 1999, lúc nó được bán với giá 1,26 triệu đô la, đến năm 2016 khi nó được bán lại một lần nữa giá 4,8 triệu đô la. Trong cùng thời kỳ, chỉ số S&P 500 của thị trường chứng khoán Mỹ tăng trưởng ở mức tương đối khiêm tốn, 138%. Darren Julien, người sáng lập hãng đấu giá Julien’s Auction, nơi đã tổ chức đợt bán đấu giá chiếc váy đính pha lê của Monroe lần thứ hai, cho biết thị trường đồ sưu tập từ lâu nằm dưới sự chi phối của những người đam mê sưu tập giàu có

Nhưng ở đâu tạo ra tiền thì Phố Wall sẽ sớm có mặt ở đó. Mối quan tâm đối với thị trường đồ sưu tập của các công ty đầu tư và quản lý tài sản tăng chậm trong vài năm qua nhưng đã có một sự thay đổi lớn trong 6 tháng qua. Ông Julien cho biết giờ đây, các quỹ phòng hộ và các nhà đầu tư chuyên nghiệp đang rót tiền vào các bộ sưu tập. Theo ông, các công ty đầu tư đang chiếm khoảng một phần ba số khách hàng mua đồ sưu tập, một xu hướng đang tăng nhanh trong bối cảnh lạm phát của Mỹ dao động quanh mức 8,5%. Mùa thu năm nay cũng được coi là một mùa bội thu của thị trường đồ sưu tập đắt tiền

dau-gia3.jpg

Sản xuất giới hạn, đề cao tính độc bản đã biến những chiếc túi, những món trang sức, đồng hồ hay xe hơi trở thành khoản đầu tư an toàn và lý tưởng
Các dữ liệu lịch sử cho thấy đầu tư vào những món đồ sưu tập là cách hiệu quả để phòng thủ lạm phát, Theo sàn giao dịch LiveTrade Bordeaux Index, những chai rượu whisky quý hiếm có tốc độ tăng trưởng giá trị trung bình là 19% trong 10 năm qua. Kim cương hồng có tốc độ tăng trưởng kép hàng năm hơn 11% và đã tăng giá hơn 300% kể từ năm 2008 theo nghiên cứu của FCR, một tổ chức thúc đẩy thương mại công bằng và minh bạch cho ngành công nghiệp kim cương màu. Một chỉ số theo dõi thị trường thẻ bóng chày đã tăng 1.000% từ năm 2021

Trước đây, đồ sưu tầm xa xỉ là sân chơi của một bộ phận nhỏ của những nhà sưu tập hoặc các nhà đầu tư đang tìm kiếm những nơi khác biệt để bảo quản tiền mặt. Giờ đây, các công ty đầu tư chuyên nghiệp đang biến các tài sản thường được tích trữ tư nhân này thành các dịch vụ đa dạng, có thể giúp các nhà đầu tư nhỏ lẻ tiếp cận. Hồi tháng 7, Ben Cleary, nhà quản lý của Công ty đầu tư Tribeca Capital (Bỉ), đã giúp huy động được 50 triệu đô la cho một quỹ đang nắm giữ những viên kim cương tím nhạt quý hiếm, với khoản đầu tư tối thiểu là 1 triệu đô la

Theo Financial Times, nền tảng đầu tư hàng xa xỉ Luxus, được thành lập bởi Dana Auslander, một nhà quản lý tài sản kỳ cựu từng làm việc cho Blackstone, đang tìm cách tạo ra các cơ hội đầu tư kim cương cho các nhà đầu tư nhỏ lẻ. Đa số các nhà đầu tư có thể không đủ khả năng mua một viên kim cương màu vàng kích cỡ 11,7 carat, nhưng họ sẽ có thể sở hữu cổ phần của nó và thu được lợi nhuận khi nó được bán. Luxus có kế hoạch chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng đối với viên kim cương “Golden Dahlia” trị giá 1,7 triệu đô la vào đầu tháng 9 tới
 
Viettel xây dựng giải pháp đấu giá công trực tuyến đầu tiên tại Việt Nam
Phần mềm đấu giá công trực tuyến do đội ngũ kỹ sư trẻ thuộc Viettel Solutions phát triển là giải pháp vừa đoạt giải Sao Khuê năm 2022, ở lĩnh vực chính phủ số. Trước đó, đấu giá công là một lĩnh vực đặc thù, chưa từng tổ chức các phiên đấu giá trực tuyến


Phần mềm đấu giá công trực tuyến do đội ngũ kỹ sư trẻ thuộc Viettel Solutions phát triển là giải pháp vừa đoạt giải Sao Khuê năm 2022, ở lĩnh vực chính phủ số

Tiên phong xây dựng phần mềm đấu giá công online

Hiện nay, nhu cầu đấu giá tài sản công của các tỉnh, thành phố trên cả nước đều rất lớn. Theo số liệu trên website của Bộ Tư pháp, năm 2020 có tới trên 40.000 thông báo đấu giá công được phát đi, năm 2021 là trên 60.000 thông báo

Tuy nhiên, công tác đấu giá công trực tiếp đang có nhiều bất cập trong cả khâu tổ chức và đấu giá tài sản. Với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin (CNTT), người dân dần nảy sinh nhu cầu được đấu giá trực tuyến. Không còn bị giới hạn về không gian, thời gian, chỉ cần có máy tính hoặc thiết bị thông minh kết nối mạng internet, khách hàng có thể đăng ký dự không chỉ một mà nhiều phiên đấu giá cùng lúc. Điều này đang được kỳ vọng sẽ tạo ra thị trường mua bán công khai, minh bạch nhưng vẫn bảo đảm bảo mật thông tin của khách hàng

Xuất phát từ bối cảnh đó, từ khoảng giữa năm 2021, Tổng công ty Giải pháp doanh nghiệp Viettel (Viettel Solutions) - thành viên của Tập đoàn Viettel đã đẩy mạnh việc phát triển và hoàn thiện phần mềm "Đấu giá công trực tuyến"

Để triển khai dự án, đội ngũ kỹ sư trẻ gồm 10 người, tuổi đời từ 25-30 ở Viettel Solutions đã gấp rút thực hiện

"Chúng tôi dành nhiều thời gian để phác thảo ý tưởng. Việc triển khai và thử nghiệm phần mềm chỉ mất khoảng 4 tháng", anh Lê Anh Hiếu, Kỹ sư trưởng của dự án chia sẻ

Theo dự kiến, khi đưa vào sử dụng, phần mềm này đem lại nhiều lợi ích cho địa phương, người sử dụng (khách tham gia đấu giá trực tuyến) và đơn vị tổ chức đấu giá (trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản của tỉnh/ thành phố)

Kỹ sư trưởng của dự án phân tích, đây là một dịch vụ được cung cấp trên nền tảng web-based dùng cho hệ thống máy PC và một ứng dụng (app) dành riêng cho điện thoại di động. Hệ thống này mô phỏng lại phiên đấu giá thực tế với đầy đủ các bước và quy trình quen thuộc


Đây là một dịch vụ được cung cấp trên nền tảng web-based dùng cho hệ thống máy PC và một ứng dụng (app) dành riêng cho điện thoại di động

Thông qua hình thức này, lãnh đạo địa phương dễ dàng quản lý, theo dõi diễn biến, chất lượng các cuộc đấu giá, tỉ lệ thành công/không thành công trong từng phiên… Các lãnh đạo có thể quan sát, giám sát mọi hoạt động online, trực quan, đồng thời nâng cao điểm chuyển đổi số của tỉnh

Đối với người tham gia, hệ thống được thiết kế đơn giản để bất kì ai cũng có thể sử dụng được, giúp tiết kiệm thời gian đăng ký, tham gia đấu giá và thanh toán. Khách hàng có thể tham gia đấu giá qua máy tính hoặc điện thoại thông minh mà không cần có mặt trực tiếp tại phiên đấu giá. Nếu không trúng đấu giá, phần tiền đặt trước của người tham gia sẽ được hoàn lại nhanh chóng theo quy định của pháp luật

Đặc biệt, phần mềm hỗ trợ cán bộ phụ trách khai báo tài sản đấu giá tại trung tâm tổ chức đấu giá tài sản; tích hợp nhiều tiện ích để giảm tải công việc của các chuyên viên, giúp công tác đấu giá hiệu quả và tiết kiệm hơn

Với các phiên đấu giá có số lượng người đăng ký tham gia lớn, yêu cầu phê duyệt thanh toán cũng tăng theo và với thủ tục phê duyệt thủ công, người tham gia sẽ mất nhiều thời gian chờ đợi, thậm chí có rủi ro khi không kịp tham gia trước thời gian đấu giá. Trong khi đó, với phần mềm đấu giá công trực tuyến, việc thanh toán phí đăng ký được phê duyệt tự động, thuận tiện hơn rất nhiều so với trước đây

Giải pháp để giảm tải công việc phê duyệt yêu cầu thanh toán của kế toán là hệ thống đã tích hợp dịch vụ thanh toán trực tuyến của Viettel Money, trong đó người dùng có thể thanh toán qua nhiều hình thức như thẻ ngân hàng, tín dụng, QR code, ví điện tử...

Bên cạnh đó, với hình thức thanh toán chuyển khoản ngân hàng, hệ thống sẽ bắt theo cú pháp giao dịch và duyệt tự động. Giải pháp này giúp tối ưu quá trình phê duyệt yêu cầu thanh toán, không còn tình trạng ùn tắc cho dù số lượng người đăng ký đấu giá lớn

Thêm vào đó, hệ thống còn có điểm khác biệt là xử lý giao dịch theo thời gian thực (realtime), cho phép người tham gia phiên đấu giá có thể cập nhật diễn biến trong phiên ngay lập tức. Ngoài ra, phần mềm được tối ưu hiệu năng tốt, có thể đáp ứng được lượng người dùng lớn với chi phí đầu tư hạ tầng thấp

Trước khi Viettel Solutions phát triển sản phẩm này thì tại Việt Nam cũng đã có khoảng 4-5 nền tảng đấu giá trực tuyến tương tự. Tuy nhiên, tất cả đều là sản phẩm dành cho đấu giá tài sản tư nhân. Viettel Solutions là đơn vị đầu tiên phát triển phần mềm đấu giá công, hướng tới phục vụ mục đích chuyển đổi số của Chính phủ

Nhân tố phi công nghệ tác động quan trọng đến thành công


Mặc dù thông qua hình thức trực tuyến, nhưng hệ thống phần mềm của Viettel Solutions có nhiều tính năng để hỗ trợ chuyên viên đấu giá xác minh mọi thông tin về người tham gia

Cụ thể, người dùng muốn tạo lập một tài khoản trên hệ thống phải cung cấp hình ảnh, thông tin cá nhân, số CCCD; nếu là tổ chức phải có giấy phép đăng ký kinh doanh… Sau đó, cán bộ có thẩm quyền sẽ xác minh tất cả thông tin này

Vòng xác minh sẽ tiếp tục lặp lại trước mỗi phiên đấu giá. Tức là để tham gia một phiên đấu bất kỳ, cán bộ có thẩm quyền sẽ thực hiện rà soát người đăng ký đấu giá theo Khoản 4 Điều 38 Luật đấu giá tài sản 2016, để kiểm tra tính hợp lệ

Theo anh Hiếu, điều thuận lợi lớn của những kỹ sư Viettel khi triển khai giải pháp này là dự án thử nghiệm với tỉnh Thái Nguyên. Bà Nguyễn Thanh Hải, Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên, cũng như lãnh đạo tỉnh đã tạo điều kiện thuận lợi, đặt quyết tâm thực hiện dự án

Trên thực tế, quá trình triển khai dự án có gặp nhiều thách thức vì chưa có văn bản pháp luật hướng dẫn cụ thể về đấu giá công trực tuyến. Vì vậy, các kỹ sư Viettel đã phối hợp chặt chẽ với tỉnh, đặc biệt là Sở Tư pháp tỉnh Thái Nguyên để bảo đảm phần mềm tuân thủ đúng khung hành lang pháp lý và điều chỉnh liên tục để phù hợp với tình hình thực tế tại tỉnh

Sau khi sản phẩm được hoàn thành và đoạt giải thưởng Sao Khuê 2022 ở lĩnh vực chính phủ số, anh Lê Anh Hiếu chia sẻ, để những giải pháp như đấu giá công trực tuyến đi vào thực tiễn, rất cần những lãnh đạo cấp cao nhất ở các địa phương là những người có tư duy mới, quyết tâm thực hiện thay đổi lớn về chuyển đổi số thì những khó khăn đều có thể giải quyết được. Kỹ thuật hay công nghệ có lẽ không phải là vấn đề lớn trong triển khai giải pháp số trong lĩnh vực công mà chính là sự quyết tâm của người đứng đầu tổ chức

Bà Nguyễn Thị Thu Trà, Phó Giám đốc Trung tâm Đấu giá tài sản tỉnh Thái Nguyên cho biết, sản phẩm đấu giá công trực tuyến đã cơ bản hoàn thiện và đang trong giai đoạn thử nghiệm. Tỉnh Thái Nguyên dự kiến đưa vào sử dụng trong năm nay

Hiền Minh
 
Mỹ đấu giá SVB
Sau vụ sụp đổ lớn thứ 2 trong lịch sử ngành ngân hàng Mỹ, cơ quan quản lý đang gấp rút bán tài sản của SVB để hoàn trả tiền gửi không được bảo hiểm cho khách hàng

Công ty Bảo hiểm Ký thác Liên bang Mỹ (FDIC) đã bắt đầu quá trình đấu giá Silicon Valley Bank vào ngày 12/3. Nguồn tin của Bloomberg cho biết giá thầu cuối cùng sẽ được đưa ra trong chiều 13/3 (giờ Mỹ)

Nguồn tin này cho biết FDIC đang hướng tới một thỏa thuận nhanh chóng. Nhưng hiện các bên vẫn chưa đưa ra quyết định cuối cùng và có thể không đạt được thỏa thuận nào

SVB là nhà băng lớn nhất phải đóng cửa kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Vào ngày 8/3, SVB Financial Group - công ty mẹ của SVB - thông báo bán 21 tỷ USD chứng khoán từ danh mục đầu tư và gánh lỗ 1,8 tỷ USD. Ngân hàng này cũng bán thêm 2,25 tỷ USD cổ phiếu mới để huy động thêm tiền

Động thái này khiến các quỹ đầu tư mạo hiểm sốt sắng. Founders Fund, Coatue Management và Union Square Ventures đồng loạt chỉ đạo bộ phận đầu tư của mình rút tiền khỏi nhà băng

Đến ngày 10/3, SVB phải từ bỏ nỗ lực huy động vốn mới hay tìm người mua. Cổ phiếu của ngân hàng bị tạm dừng giao dịch

SVB bị giao lại cho FDIC. Cơ quan này sau đó sẽ thanh lý tài sản của ngân hàng để trả tiền cho người gửi và chủ nợ của SVB

FDIC cho biết đã thành lập một ngân hàng mới để thu giữ tài sản của SVB, Ngân hàng Bảo hiểm Tiền gửi Quốc gia Santa Clara. Theo cơ quan này, đối với những khoản tiền gửi được bảo hiểm - từ 250.000 USD trở xuống, khách hàng có thể lấy lại 100% vào ngày 14/3

FDIC cũng đang chạy đua để bán tài sản của SVB và trả phần tiền gửi không được bảo hiểm cho các khách hàng. Đáng nói, phần lớn tiền gửi tại nhà băng này không được bảo hiểm. Tính đến ngày 31/12/2022, tỷ lệ này lên tới 93%

SVB là ngân hàng niêm yết duy nhất tập trung vào Thung lũng Silicon và các dự án công nghệ mới. Nhà băng này đóng vai trò quan trọng trong giới startup Mỹ

Trước đó, trong thời kỳ đại dịch, SVB gặp phải một vấn đề mà những đối thủ khác phải ganh tị. Đó là các khách hàng của ngân hàng này đổ xô gửi tiền

Theo dữ liệu được Bloomberg tổng hợp, tổng tiền gửi của SVB đã tăng vọt từ 62 tỷ USD trong 12 tháng trước đó lên 124 tỷ USD. Để so sánh, mức tăng của JPMorgan và First Republic Bank lần lượt là 24% và 36,5%

"Tôi luôn nói với mọi người rằng mình tự tin được điều hành ngân hàng tốt nhất thế giới và có thể là một trong những giám đốc điều hành tốt nhất", ông Becker khẳng định trong một cuộc phỏng vấn trên Bloomberg TV vào tháng 5/2021

Khi được hỏi về tính bền vững của đà tăng trưởng, vị CEO khẳng định SVB đang ở trung tâm của một nền kinh tế đổi mới. Nhưng mọi thứ đã hoàn toàn thay đổi

Với tổng tài sản 209 tỷ USD, SVB là ngân hàng được bảo hiểm liên bang lớn thứ 2 phải đóng cửa tại Mỹ. Đáng nói, thay vì đợi thị trường chứng khoán đóng cửa như thường lệ nhằm giảm thiểu thiệt hại, FDIC hành động ngay trong phiên giao dịch hôm 10/3

Sự sụp đổ diễn ra chóng vánh trong ngày 10/3. SVB từ bỏ kế hoạch huy động thêm tiền sau khi cổ phiếu bốc hơi 60% giá trị
 
Đấu giá trực tuyến ô tô của Văn phòng Chính phủ
Người trúng đấu giá chiếc ô tô Toyota Crown 3.0 biển số 80A-03224 với số tiền 847 triệu đồng là một thanh niên đang sống ở huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh

Chiều 7/4, chia sẻ với PV Dân trí qua điện thoại, anh Đ.G. (trú ở huyện Yên Phong, Bắc Ninh) cho biết đã tìm hiểu về chiếc xe ô tô Toyota Crown 3.0 biển số 80A-03224 sau khi đọc được thông báo về cuộc đấu giá 5 chiếc ô tô của Cục Quản trị - Văn phòng Chính phủ

"Tôi không quan tâm lắm đến chủ nhân từng sử dụng chiếc xe ô tô này trước đây là ai. Tôi có sở thích về xe ô tô nên đã đăng ký tham gia đấu giá chiếc xe này. Chiếc xe ô tô sẽ được tôi trưng bày ở gia đình là chính", anh Đ.G nói và cho biết gia đình mình kinh doanh, buôn bán phế liệu ở địa phương

dau-gia-o-to-van-phong-chinh-phu-1680853479178.png

Chiếc xe Toyota Crown 3.0 biển số 80A-03224 đưa vào sử dụng năm 1999, giá khởi điểm 237 triệu đồng, có giá trúng đấu giá cao nhất 847 triệu đồng

Anh Đ.G. dự kiến tuần tới sẽ lên Hà Nội hoàn tất thủ tục, thanh toán tiền mua chiếc ô tô Toyota Crown nói trên và đưa xe về Yên Phong, Bắc Ninh

Theo anh Đ.G., anh chỉ trả giá một lần duy nhất và đã trở thành chủ nhân chiếc xe ô tô rất hiếm trên thị trường hiện nay

Nguồn tin của PV Dân trí từ Công ty Đấu giá hợp danh Lạc Việt (đơn vị tổ chức cuộc đấu giá trực tuyến 5 ô tô của do Cục Quản trị - Văn phòng Chính phủ ủy quyền) xác nhận, người trúng đấu giá chiếc xe biển số 80A-03224 chỉ trả giá duy nhất một lần và đã thắng cuộc

"Thanh niên trẻ này trả giá đúng một lần duy nhất vào giây cuối cùng của cuộc đấu giá chiếc ô tô Toyota Crown 3.0, giá "vênh" hẳn với giá liền kề 5 bước giá và đã thắng cuộc", nguồn tin cho hay

o-to-1680853480440.jpeg

Ô tô Toyota Crown 3.0

Cả 5 chiếc xe ô tô (4 chiếc nhãn hiệu Toyota Crown 3.0 và một chiếc Toyota Camry 2.4G) được đấu giá thành công chiều qua 6/4 đã được thu hồi biển số 80A, 80B. Sau khi người trúng đấu giá hoàn thành nghĩa vụ tài chính với cơ quan thuế, sẽ phải thực hiện thủ tục đăng ký lại chủ sở hữu và được cấp biển số mới

Cuộc đấu giá trực tuyến diễn ra chiều 6/4 trên Cổng đấu giá Lạc Việt đã diễn ra rất sôi động và gây ra không ít bất ngờ, thích thú với những người trực tiếp theo dõi

Hơn 100 người đã tham gia đấu giá 5 chiếc ô tô cũ của Văn phòng Chính phủ, trong đó chiếc xe Toyota Crown 3.0 biển số 80A-03224 đưa vào sử dụng năm 1999, giá khởi điểm 237 triệu đồng, trải qua 54 lần trả giá đã có giá trúng đấu giá cao nhất là 847 triệu đồng

Ngoài ra, ô tô Toyota Crown 3.0 biển số 80B-5896 có giá khởi điểm 194 triệu đồng, trải qua 26 lần trả giá đã thuộc về một cá nhân với giá trúng đấu giá là 359 triệu đồng

Toyota Crown 3.0 biển số 80B-2466 giá khởi điểm 194 triệu đồng đã trải qua 41 lần trả giá, giá trúng 444 triệu đồng

Toyota Crown 3.0 biển số 80B-1819 có giá khởi điểm 215 triệu đồng, qua 43 lần trả giá, giá trúng đấu giá là 530 triệu đồng

Toyota Camry 2.4G biển số 80B-2938 có giá khởi điểm 245 triệu đồng, giá trúng đấu giá 350 triệu đồng

toyota-crown-1680853480470.jpeg

Toyota Crown ra đời vào năm 1995, từng là chiếc sedan giới quan chức đặc biệt yêu thích, chuyên được dùng để tháp tùng những cán bộ, lãnh đạo cấp cao

Toyota Crown ra đời vào tháng 1/1955, từng là chiếc sedan giới quan chức đặc biệt yêu thích, chuyên được dùng để tháp tùng những cán bộ và lãnh đạo cao cấp vào những năm 1990

Từ đó tới nay, Toyota Crown luôn biết cách "tạo sóng" trong phân khúc cao cấp, bên cạnh phân khúc phổ thông đã quá thành công trong thế kỷ qua và được ví như một "huyền thoại". Vào thời điểm ra mắt, Toyota Crown có giá hàng tỷ đồng

Lượng xe nhãn hiệu này còn rất ít trên thị trường. Toyota Crown phiên bản mới vẫn được hãng xe Toyota sản xuất nhưng chỉ cung cấp cho thị trường Nhật Bản

Cuộc đấu giá 5 chiếc ô tô nói trên đã thu hút sự chú ý, thảo luận rất lớn của nhiều diễn đàn trên mạng xã hội, đặc biệt về chiếc xe Toyota Crown 3.0 biển số 80A-03224 trúng đấu giá với số tiền 847 triệu đồng
 
Nữ đấu giá viên xinh đẹp chủ trì phiên đấu giá
Đối với phó chủ tịch của Christie's Hong Kong như Trần Lương Linh, thì mức hoa hồng mà cô nhận được đương nhiên không thể bình thường

Mới đây, video của một nữ đấu giá viên ở Hong Kong (Trung Quốc) đã “gây sốt” trên mạng xã hội. Cô đã tạo ấn tượng mạnh mẽ với khả năng chuyển đổi ngôn ngữ tài tình giữa tiếng Trung và tiếng Anh, giọng điệu tao nhã, khí chất thanh lịch, tinh tế

Vẻ đẹp mềm mại nhưng không kém phần mạnh mẽ này khiến nhiều người bị thu hút, đó là Trần Lương Linh, đấu giá viên của Christie's (một nhà đấu giá của Anh được James Christie thành lập năm 1766)

Đấu giá viên không phải là công việc phổ biến và chưa được nhiều người biết đến. Trong buổi đấu giá do Trần Lương Linh tổ chức, vật phẩm đấu giá có giá hơn 7 triệu đô la Hong Kong (hơn 20 tỷ đồng) đã được bán thành công với giá hơn 50 triệu đô la Hong Kong (hơn 149 tỷ đồng). Đây là một kết quả vô cùng ấn tượng!

Trở thành đấu giá viên nhờ niềm đam mê với đồ sứ cổ

Trần Lương Linh sinh ra ở Đài Loan (Trung Quốc) và tốt nghiệp Đại học Cornell ở New York (Mỹ), chuyên ngành sinh học và chuyên ngành phụ là Nghiên cứu kinh doanh và Khoa học dinh dưỡng

Năm 2009, Trần Lương Linh lấy bằng thạc sĩ về lịch sử nghệ thuật Trung Quốc tại Học viện Giáo dục Christie's ở London. Năm 2010, cô gia nhập Phòng Nghệ thuật và Gốm sứ Trung Quốc của Christie's Hong Kong, sau đó chuyển đến Christie's ở New York và trở lại Hong Kong vào năm 2013

Năm 2014, Trần Lương Linh tham gia khóa đào tạo đấu giá viên của Christie’s. Đến đầu năm 2016, cô đã chủ trì phiên đấu giá đầu tiên. Hiện tại Trần Lương Linh là phó chủ tịch của Christie's Hong Kong, chuyên gia cao cấp và trưởng bộ phận gốm sứ và tác phẩm nghệ thuật Trung Quốc

Không ai không phạm sai lầm. Trong phiên đấu giá đầu tiên, Trần Lương Linh đã rất hồi hộp bước lên sân khấu: “Tôi vẫn nhớ như in buổi đấu giá đầu tiên trong đời. Các bạn biết không, tôi đã quên mang theo búa đấu giá đấy!”

Trần Lương Linh cho biết vì đang học về lĩnh vực khoa học ở trường đại học nên cô cũng rất lạ lẫm với các buổi đấu giá nghệ thuật. Chính mẹ là người đã mở ra cánh cửa nghệ thuật cho cô

Nữ đấu giá viên chia sẻ, khi còn nhỏ, mẹ thường đưa cô đến tham quan Bảo tàng Cố cung Đài Bắc. Cô rất thích vừa nghe nhạc của Đặng Lệ Quân vừa nhâm nhi tách trà nóng. Cô thường ngân nga những bài thơ từ thời Đường-Tống. Tất cả những điều này dần ảnh hưởng đến tâm hồn nghệ thuật và gu thẩm mỹ của Trần Lương Linh

Sau khi tốt nghiệp tiểu học ở Đài Loan, Trần Lương Linh đến tiếp tục cắp sách đến trường tại New Zealand và Mỹ. Tốt nghiệp lại trở về Đài Loan, cô không vội tìm việc làm mà làm hướng dẫn viên du lịch tình nguyện tại Bảo tàng Cố cung Đài Bắc vì đam mê lịch sử và nghệ thuật

Trong quá trình thuyết minh về các bộ sưu tập trong bảo tàng cho du khách, Trần Lương Linh phát hiện bản thân có tình yêu mãnh liệt dành cho nghệ thuật và quyết định phát triển theo hướng này. Sau đó, cô đã đăng ký các khóa học tại Học viện Mỹ thuật Christie ở London và gia nhập Christie's Hong Kong

Cuộc chiến tâm lý trong từng buổi đấu giá

Trong phiên đấu giá mùa xuân của Christie’s năm 2021, Trần Lương Linh đã chủ trì buổi đấu giá chiếc ghế hoa văn kỳ lân gỗ hoa lê vàng có từ niên đại cuối triều đại nhà Minh và đầu nhà Thanh, lập kỷ lục thế giới khi chốt giá cho chiếc ghế hoa lê vàng với con số 55 triệu đô la đô la Hong Kong (hơn 164 tỷ đồng)



Trần Lương Linh nói rằng một trong những trách nhiệm của cô là tìm ra những món đồ sứ có giá chào bán cao hơn. Cũng bởi vì càng biết nhiều về đồ sứ nên cô càng hiểu rõ hơn về giá trị của chúng. Vì vậy, khi chủ trì một buổi đấu giá nào đó, cô có thể sử dụng kiến thức chuyên môn của mình để giới thiệu cho khách hàng, nhờ đó tỷ lệ “chốt đơn” với giá trị cao ngất ngưởng cũng nhiều hơn

Ví dụ, khi có khách hàng do dự ở một mức giá, Trần Lương Linh sẽ đề cập đến tầm quan trọng của những vật phẩm đấu giá này, bao gồm cả nguồn gốc xuất xứ để tăng thêm sự giá trị: "Lần cuối cùng vật này xuất hiện trên thị trường là 30 năm trước. Nếu bỏ lỡ lần này, bạn sẽ không có cơ hội lần sau, hơn nữa liệu lần sau giá trị còn ở mức này hay không, hay cao hơn?"...

Đứng trên bục cao nhất, Trần Lương Linh mặc bộ sườn xám, toát ra khí chất đoan trang và tao nhã, kết hợp với khả năng nói tiếng Trung và tiếng Anh trôi chảy cùng giọng điệu dứt khoát, hùng hồn. Đối với khách hàng, người trực tiếp tham gia phiên đấu giá của Trần Lương Linh, họ cảm thấy vui vẻ và thoải mái, thậm chí bật cười thành tiếng, hơn là phải căng não để mua được vật phẩm với giá “hời” nhất

"Một cú gõ búa" bỏ túi tiền tỷ?

Đấu giá viên rốt cuộc có thể kiếm được bao nhiêu tiền?

Theo nhiều thông tin, một số đấu giá viên chia sẻ rằng, công việc đấu giá viên thực chất chỉ là “việc làm thêm”, họ phải có công việc chính như nghiên cứu, bán hàng...

Trên thực tế, đấu giá viên chỉ là công việc bán thời gian, còn chuyên gia cao cấp của bộ phận đồ sứ và tác phẩm nghệ thuật Trung Quốc là công việc toàn thời gian của Trần Lương Linh, cụ thể là sưu tầm và định giá. Sau đó, cô nghiên cứu về tính hợp lý của việc định giá này thông qua các tài liệu nghiên cứu, hồ sơ lưu hành, bản khắc, ấn phẩm và triển lãm trước đây và các thông tin khác

Sở dĩ Trần Lương Linh trở thành đấu giá viên là vì muốn giúp đồ sứ được bán ra với giá trị cao hơn



Đối với phó chủ tịch của Christie's Hong Kong như Trần Lương Linh, thì mức hoa hồng mà cô nhận được đương nhiên không thể bình thường

Năm 2019, trong phiên đấu giá mùa xuân của Christie’s, Trần Lương Linh đã “chốt đơn” thành công một cuộn thơ thể thất ngôn của Văn Trưng Minh (một học giả, nhà thơ, nhà thư pháp, và danh hoạ nổi tiếng của Trung Quốc thời nhà Minh) với giá cao hơn giá khởi điểm gấp 10 lần

"Tôi nhớ rằng giá trị ước tính của cuộn thơ vào thời điểm đó là 5 triệu đô la Hong Kong (gần 15 tỷ đồng), sau đó đã được nâng lên 50 triệu (gần 150 tỷ đồng). Hai khách hàng phải cạnh tranh nhau dữ dội mới chốt được giá này", nữ đấu giá viên chia sẻ

Theo thông tin của tài khoản mạng xã hội "Cục thông tin đấu giá", theo tiêu chuẩn tính phí của Trần Lương Linh, hoa hồng là 25% cho giá giao dịch dưới 500.000 đô la Hong Kong (gần 1,5 tỷ đồng), 20% cho giá giao dịch từ 500.000 đến 1 triệu đô la Hong Kong (khoảng 1,5-3 tỷ đồng); trên 1 triệu đô la Hong Kong thì tính phí 12,5%

Lấy chiếc ghế hoa lê vàng nói trên làm ví dụ, với tài nghệ của Trần Lương Linh, cuối cùng chiếc ghế cổ đã được chốt giá 55 triệu đô la đô la Hong Kong (hơn 164 tỷ đồng), tức là cô có thể nhận về khoảng 8 triệu đô la đô la Hong Kong (gần 24 tỷ đồng). Tất nhiên, mức thu nhập thực tế của đấu giá viên sẽ không được công khai, con số này chỉ mang tính chất tham khảo
 
Quỹ gia đình sẽ là nguồn vốn mới cho thị trường Vietnam

PENM Partners – quỹ cổ phần tư nhân tập trung vào Việt Nam có trụ sở tại Đan Mạch, đang tiếp cận các công ty quản lý tài sản của các gia đình và gia tộc kinh doanh lớn trên thế giới cho vòng huy động vốn thứ năm (PENM V). Sự chuyển hướng này diễn ra khi các quỹ hưu trí đang giảm phân bổ vốn ở các lĩnh vực đầu tư trước đây. Quỹ gia đình là đích ngắm mới!

2-3.jpg

Niềm tin vào sự phục hồi tăng trưởng trong nửa cuối năm 2023 của Việt Nam giúp các quỹ cổ phần tư nhân tích cực gọi vốn, hướng tiếp cận chính là các quỹ gia đình thay vì quỹ hưu trí như trước đây

Không chỉ các quỹ nước ngoài, các quỹ cổ phần tư nhân tại Việt Nam cũng tích cực tiếp cận các quỹ gia đình để gọi vốn

Săn vốn từ quỹ gia đình

Hiện diện tại TPHCM từ năm 2006, PENM Partners đã chủ yếu huy động vốn từ các quỹ hưu trí ở Đan Mạch, Hà Lan, Đức và châu Mỹ. Sau đó, PENM Partners đầu tư vào các công ty tư nhân tại Việt Nam trên các lĩnh vực sản xuất, nông nghiệp, thực phẩm, bán lẻ và dịch vụ, đồng thời tiếp tục giữ cổ phần cho đến khi các công ty này lên sàn chứng khoán

Tuy nhiên, việc gây quỹ thông qua kênh quỹ hưu trí đã trở nên “khó khăn hơn một chút so với trước đây” vì các tổ chức này đang thận trọng trong bối cảnh lãi suất tăng và những bất ổn địa chính trị – theo lời Hans Christian Jacobsen, đối tác quản lý tại PENM Partners

Giờ đây, PENM Partners đang tập trung vào nguồn vốn mới từ các quỹ gia đình

Theo định nghĩa của Forbes, văn phòng gia đình (family office) hay quỹ gia đình là một công ty quản lý tài sản tư nhân được thành lập bởi một gia đình hay gia tộc kinh doanh lớn. Quỹ cung cấp một loạt giải pháp được cá nhân hóa hay chuyên biệt hóa cho gia đình hay gia tộc đó, gồm quản lý đầu tư, lập kế hoạch tài chính, lập kế hoạch thuế và bất động sản, đầu tư phục vụ mục đích từ thiện, dịch vụ tư vấn nhà đầu tư…

Trên thế giới, theo CNBC, có khoảng 10.000 quỹ gia đình quản lý nguồn quỹ hơn 6.000 tỉ đô la Mỹ. Phần lớn các quỹ có tài sản trị giá hơn 200 tỉ đô la Mỹ

Trong khi đó, hãng tư vấn vốn cổ phần tư nhân Toptal nói chi phí điều hành các quỹ gia đình này thường tối thiểu là 1 triệu đô la mỗi năm. Vì thế vốn tối thiểu của các quỹ cũng phải từ 50-100 triệu đô la. Quỹ gia đình ngày càng trở nên phổ biến và nổi bật trong giới đầu tư. “Sự gia tăng các quỹ gia đình là do các điều kiện kinh tế đang thay đổi và sự linh hoạt cũng như khả năng kiểm soát ngày càng tăng mà các gia đình hay gia tộc kinh doanh muốn sử dụng vốn của mình”, Toptal nhấn mạnh

“Các yếu tố cơ bản của nền kinh tế Việt Nam vẫn rất hứa hẹn. Đây là nơi thích hợp để đầu tư nếu bạn muốn hiện diện ở châu Á”, Jacobsen nói

Jacobsen đồng ý với nhận xét đó. Ông nói rằng các quỹ gia đình thường có xu hướng chấp nhận rủi ro cao hơn. Ông nhấn mạnh rằng ông đang nhắm đến các quỹ gia đình “hiểu được các cơ hội ở Việt Nam và đang tìm kiếm sự đa dạng hóa, thoát khỏi phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc”

Năm ngoái, Jacobsen cho biết công ty của ông đã nối lại quy trình gây quỹ cho PENM V, với mục tiêu huy động được khoảng 150-200 triệu đô la trong nửa đầu năm 2023. Mặc dù PENM V vẫn giữ nguyên mục tiêu gây quỹ, nhưng DealStreetAsia nói rằng “thời gian chốt sổ có thể được kéo dài”, tức vẫn tiếp tục kéo dài trong tháng 7 này và sau đó

“Các yếu tố cơ bản của nền kinh tế Việt Nam vẫn rất hứa hẹn. Đây là nơi thích hợp để đầu tư nếu bạn muốn hiện diện ở châu Á”, Jacobsen nói. Ông kỳ vọng nền kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi trong nửa cuối năm nay

Quỹ nội cũng tiếp cận nguồn quỹ mới

Các quỹ cổ phần tư nhân thành lập sớm ở Việt Nam vào những năm cuối thập niên 1990 – khi Việt Nam bắt đầu mở cửa hoàn toàn từ năm 1994, mang lại nhiều cơ hội của “chiến trường biến thành thị trường” – như lời của cố Thủ tướng Thái Lan Chatchai Choonhavan

Thành lập từ năm 2001 tại TPHCM, Mekong Capital là một trong những quỹ đầu tư lâu đời nhất Việt Nam với các thương vụ đầu tư “xôm tụ” như Thế giới Di động, Pizza4P, Pharmacity, F88, Nhat Tin Logistics và Maison Marou… Mekong Capital hiện chuẩn bị huy động ít nhất 150 triệu đô la và tối đa 200 triệu đô la cho quỹ mới về tái tạo rừng và phát triển bền vững ở Đông Dương và Thái Lan. Chris Freund, nhà sáng lập và đối tác quỹ, nói rằng sớm nhất quỹ sẽ hoạt động từ đầu năm 2024 sắp tới

Thành lập năm 2003, cuối năm ngoái VinaCapital cho biết sẽ gọi vốn đến 100 triệu đô la cho quỹ VinaCapital Venture II trong năm 2023. Ông Hoàng Đức Trung, Phó giám đốc điều hành VinaCapital Ventures nói quỹ sẽ xem xét hơn 300 hồ sơ các doanh nghiệp và startup trong năm nay. Từ đầu năm đến nay, quỹ này đã rót 1 triệu đô la cho nền tảng công nghệ nông nghiệp Koina, 38 triệu đô la cho nền tảng quảng cáo điện tử trong thang máy Chicilon Media…

Hiện chưa có các thông tin về việc tiếp cận quỹ gia đình của hai quỹ tư nhân lớn tại Việt Nam là Mekong Capital và VinaCapital. Nhưng với các quỹ nhỏ hơn và thành lập sau này thì chắc chắn có

Thành lập từ năm 2013, ABB là đơn vị tư vấn nhiều thương vụ thâu tóm và sáp nhập (M&A) nhỏ hơn. Trong số hàng chục thương vụ M&A và đầu tư của ABB có những thương vụ không kém phần đình đám, như Toenec (hãng xây dựng, phát triển hạ tầng cơ điện và năng lượng Nhật Bản) thâu tóm Hawee Mechanical & Electrical; Noritz mua lại Kangaroo; Bảo hiểm FWD mua GINET Việt Nam; hay Advantage Partners đầu tư vào chuỗi thời trang bán lẻ Elise…

ABB Merchant Banking – thành viên của Asia Business Builder (ABB), đang tiếp cận các quỹ gia đình, các tổ chức tài chính phát triển (DFI) và các nhà đầu tư khác để gọi 100 triệu đô la trong nửa đầu năm 2023. Đây là lần huy động quỹ thứ hai, sau đợt gọi 20 triệu đô la vào năm 2018

Có thể kể tên vài quỹ có tuổi đời hơn và ở phân khúc tầm trung, cũng đang tiếp cận quỹ gia đình: Vietnam Investment Group (VI Group) thành lập năm 2006, SSIAM (thành viên của Công ty Chứng khoán SSI) hình thành năm 2007, và Excelsior Capital Vietnam Partners (thành viên của Excelsior Capital Asia) thành lập năm 1998

Hướng tiếp cận quỹ gia đình của Excelsior “có tuổi” cũng nói lên rằng hai ông lớn Mekong Capital và VinaCapital sẽ không thể không hiện diện trên đường đua này

Bao giờ có quỹ gia đình tại Việt Nam?

Các tập đoàn gia đình hay gia tộc kinh doanh lớn của Việt Nam đã thành lập quỹ quản lý tài sản riêng kiểu family office hay không vẫn là câu hỏi

Tháng 12-2018, Vingroup Ventures thành lập với số vốn điều lệ 70 tỉ đồng, trong đó Vingroup góp 70% và số còn lại là hai cổ đông cá nhân khác. Quỹ mạo hiểm này đặt mục tiêu gọi được 100 triệu đô la để đầu tư vào các startup giai đoạn tăng trưởng và tiềm năng ảnh hưởng rộng như trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ tài chính (FinTech), dữ liệu lớn (big data) và Internet vạn vật (IoT) với 5-10 triệu đô la/dự án. Chưa tròn hai tuổi, tháng 3-2020 quỹ này “không còn mạo hiểm nữa”, đổi tên và chuyển sang đầu tư vào bất động sản công nghiệp

Như vậy xét theo quy mô vốn 50-100 triệu đô la của Forbes và chi phí hoạt động mỗi năm theo Toptal, có thể nói rằng các tập đoàn hay gia tộc kinh doanh tại Việt Nam chưa thành lập được hay đủ sức điều hành quỹ gia đình đúng nghĩa

Nhưng dòng vốn gia tộc vẫn chảy mạnh

Hầu hết các quỹ cổ phần tư nhân tại Việt Nam đã huy động nhiều vốn từ các định chế tài chính phát triển (DFI) như Công ty Tài chính Quốc tế (IFC), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Ngân hàng Phát triển Doanh nghiệp Hà Lan (FMO), Norfund có trụ sở tại Na Uy và các tổ chức khác

Thương vụ Sơn Kim Retail và IFC cùng đầu tư 20 triệu đô la cho chuỗi cửa hàng tiện lợi GS25 hôm 15-6 có thể giúp hiểu phần nào cách thức tiếp cận các DFI để gọi thêm vốn có lãi suất nhẹ hơn của các doanh nghiệp sở hữu gia đình tại Việt Nam. Sơn Kim Retail là một phần trong tập đoàn đa ngành Sơn Kim Group thuộc gia đình nữ doanh nhân Nguyễn Thị Sơn. Trong liên doanh điều hành chuỗi GS25, Sơn Kim Retail góp 70% vốn

Các hãng quản lý tài sản gia đình hay gia tộc rồi sẽ sớm hình thành tại Việt Nam – một chuyên gia về vốn mạo hiểm và sáp nhập (M&A) nói với Kinh tế Sài Gòn. Bởi các gia tộc kinh doanh đang chuẩn bị các kế hoạch chuyển giao quyền lực và quyền điều hành kinh doanh cho thế hệ thứ hai hay thứ ba. Nhiều trong số đội ngũ kế thừa là những người được đào tạo bài bản trong và ngoài nước, có chuyên môn và từng làm việc tại các quỹ đầu tư mạo hiểm lớn

Theo dòng chảy xu hướng

Các quỹ gia đình châu Á đang được các quỹ mạo hiểm săn đón trong bối cảnh startup toàn cầu đang trải qua “mùa đông băng giá” trong gọi vốn, nhất là sau sự sụp đổ hồi tháng 3 của Silicon Valley Bank (SVB) – ngân hàng chuyên biệt cho giới đầu tư, quỹ mạo hiểm và startup ở Mỹ

Theo DealStreetAsia, Raffles Family Office có trụ sở tại Hồng Kông và Singapore đang tăng gấp đôi các giao dịch cổ phần tư nhân ở Đông Nam Á như một phần trong chiến lược đa dạng hóa danh mục đầu tư của mình. Kín tiếng hơn gia đình Raffles là quỹ CrimsoNox Capital ở Singapore chuyên quản lý tài sản cho một gia tộc ở Đông Nam Á

Đặt trụ sở tại Hồng Kông, Tập đoàn Tsangs đã thành lập văn phòng tại Singapore, cũng đang mở rộng đầu tư sang các nước như Ấn Độ, Indonesia, Việt Nam và Philippines

Tại Thái Lan, gia đình tỉ phú Chaleo Yoovidhya (chiếm 51% cổ phần trong hãng nước giải khát Red Bul GmbH) cũng thành lập công ty quản lý tài sản riêng

“Châu Á đang trở nên hấp dẫn hơn đối với một thế hệ mới các nhà đầu tư Mỹ và châu Âu từ các quỹ gia đình với tầm nhìn quốc tế”, Agnes Chen, giám đốc quản lý dịch vụ quỹ có trụ sở tại Singapore của hãng giải pháp kinh doanh CSC, viết trong báo cáo đầu tháng 6-2023

Bà nói thêm rằng những cá nhân siêu giàu ở châu Á cũng hình thành “khẩu vị rủi ro khác”: “Họ nhận thấy sự đa dạng về tính an toàn ngoài các tài sản truyền thống và yêu cầu tiếp xúc nhiều hơn với các khoản đầu tư thay thế”

Các quỹ gia đình ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương đang lạc quan, cho rằng vốn cổ phần tư nhân là “loại tài sản tốt nhất trong thập niên tới”, theo báo cáo của hãng dữ liệu đầu tư tư nhân Preqin có trụ sở tại London

Hồ Nguyên Thảo
 
Sập sàn đấu giá và hiện thực hóa tài sản vô hình

Phiên đấu giá trực tuyến biển số ô tô được tổ chức lần đầu tiên tại Việt Nam hôm 22-8 phải hủy để tổ chức lại. Công ty đấu giá hợp danh Việt Nam giải thích là do sự cố kỹ thuật, lượng truy cập tăng đột biến gây quá tải hệ thống, khách hàng không truy cập được vào phòng đấu giá. Đồng thời, đơn vị tổ chức cũng cam kết giữ nguyên quyền lợi khách hàng khi tham gia cuộc đấu giá tiếp theo

Sapndaugiavahienthuchoataisanvohinh.jpg

Có 11 biển số đẹp của 10 tỉnh, thành được đấu giá. Theo quy định, người tham gia đấu giá phải nộp 40 triệu đồng tiền cọc cho mỗi biển số mong muốn. Nếu thông tin số người tham gia phiên đấu giá lên đến hàng ngàn người, dẫn đến nghẽn mạng như ban tổ chức công bố là đúng thì lượng tiền đặt cọc không nhỏ. Những người muốn sở hữu biển số xe đẹp một cách minh bạch, hay xem việc sở hữu này là khoản đầu tư sinh lợi hẳn đã tham gia vì muốn cạnh tranh sòng phẳng chứ không chỉ ngồi hóng

Thật không may khi phiên đấu giá chưa “mở hàng” đã sập sàn. Điều đó cho thấy nhu cầu về biển số xe đẹp của người chơi và có thể là nhà đầu tư cho loại “tài sản ảo” này là rất lớn

Đề xuất đấu giá biển số xe từng được đưa ra từ khoảng ba thập kỷ trước nhưng đều nhận được những ý kiến trái chiều nên cả năm lần đề xuất ở các thời điểm khác nhau đều bị gác lại. Các tranh cãi nên, không nên vẫn chưa dứt ngay cả khi Quốc hội quyết nghị về thí điểm đấu giá biển số ô tô theo Nghị quyết 73/2022/QH15 ngày 15-11-2022. Cần tiếp tục xem xét từ thực tiễn để hoàn thiện cơ chế quản lý và quy định pháp lý có liên quan

Trên thực tế, chúng ta không cổ xúy cho mê tín dị đoan cũng không dung túng cho các hành vi trục lợi bất chính, các sai phạm trong quản lý, đăng ký, cấp biển số xe. Cũng theo thực tế, việc có biển số xe, số tài khoản ngân hàng, số điện thoại đẹp, dễ nhớ luôn đi kèm tiện dụng và phiền toái cho người sở hữu. Và tâm lý chuộng số đẹp, nhu cầu sở hữu biển số ô tô theo quan niệm tâm linh, hợp phong thủy hay các con số mang ý nghĩa kỷ niệm là một nhu cầu có thật

Dù pháp luật có thừa nhận hay không, thì thực tế vẫn đang diễn ra các hoạt động trao đổi, mua bán các loại số đẹp. Có số điện thoại được mua hàng tỉ đồng. Nhiều ngân hàng thương mại cũng cung cấp các dịch vụ tài khoản số đẹp để thu tiền. Thay vì để mặc cho hoạt động mua – bán diễn ra không có sự kiểm soát, thì đưa chúng vào quản lý

Về mặt pháp lý, có thể xem xét và phát huy giá trị các loại “số đẹp” như một loại tài sản. Vấn đề quan trọng là cần hoàn thiện khung pháp lý đi kèm. Tại Việt Nam, các loại tài sản vô hình như thương hiệu, nhãn hiệu, phát minh, sáng chế và quyền sở hữu trí tuệ ngày càng được quan tâm. Hệ thống pháp luật trong lĩnh vực này ngày càng được hoàn thiện hơn

Tài sản vô hình (intangible property) được xác định là loại tài sản không có hình dạng vật chất, chứa đựng trong hoặc trên thực thể vật chất, có thể nhận biết được, định lượng được và có khả năng tạo ra các quyền, lợi ích kinh tế của chủ sở hữu. Theo đó, các loại “số đẹp” cần được xem xét là loại tài sản vô hình để trao đổi, mua bán và phát huy giá trị sử dụng của nó

Sự cố “sập sàn đấu giá” biển số ô tô đẹp cần được hoàn thiện về kỹ thuật, quy định pháp lý có liên quan, đảm bảo lợi ích khách hàng, thực hiện chủ trương thí điểm đấu giá ô tô đã được Quốc hội thông qua

Qua đó, cần tiếp tục nghiên cứu để hoàn thiện quy định về sở hữu, hiện thực hóa các loại tài sản vô hình như biển số xe gắn máy đẹp, số tài khoản ngân hàng, số điện thoại đẹp, đưa chúng vào dòng chảy thương mại theo quy luật cung – cầu và mang lại nhiều lợi ích không chỉ cho nguồn thu ngân sách mà còn là lợi ích hợp pháp của người dân, doanh nghiệp
 
Top