What's new
Vietnam - Điện Biên Phủ Kinh Tế

This is a sample guest message. Register a free account today to become a member! Once signed in, you'll be able to participate on this site by adding your own topics and posts, as well as connect with other members through your own private inbox!

Đầu tư nông nghiệp sang Châu Phi

LOBBY.VN

Administrator
Hỗ trợ doanh nghiệp sang châu Phi làm nông nghiệp​

- Thủ tướng chính phủ vừa ký quyết định hỗ trợ kinh phí cho doanh nghiệp nào đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp tại các nước châu Phi

4c063_c9f50_lua_20_92.jpg

Để làm được lúa nước, người dân châu Phi đang cần chuyên gia nông nghiệp Việt Nam giúp đỡ​

Theo đó, doanh nghiệp được vay vốn để thực hiện đầu tư sản xuất kinh doanh tại châu Phi thông qua Ngân hàng Phát triển Việt Nam. Những chính sách này sẽ hiệu lực từ 1-2-2012

Hiện Việt Nam đã có những dự án phát triển nông nghiệp ở một số nước châu Phi, sau khi kết thúc dự án này sẽ chuyển cho doanh nghiệp để tiếp tục đầu tư mở rộng, phát triển, ứng dụng cho các dự án đầu tư sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp tại châu Phi

Ngoài ra, doanh nghiệp được sử dụng các thông tin thuộc bộ cơ sở dữ liệu về nông nghiệp của Việt Nam tại châu Phi...

Đối với chuyên gia, người lao động sang các nước châu Phi làm việc trong vai trò là chuyên gia được đào tạo ngoại ngữ bằng ngân sách nhà nước

Từ năm 2006, Giáo sư Võ Tòng Xuân, Giám đốc và CEO - Công ty TNHH Phát triển nông thủy sản Việt Phi (VAADCO) bắt đầu đầu tư phát triển nông nghiệp vào châu Phi, chủ yếu là giúp người dân ở các nước như Sierra Leone, Nigeria, Sudan và Mozambique làm lúa nước

Cách làm của VAADCO Việt Nam thực hiện theo bốn bước:

(1) Thử nghiệm xác định giống lúa thích nghi

(2) Nhân giống lúa thích nghi

(3) Thiết lập hệ thống thủy lợi hoặc thiết kế đồng ruộng sử dụng nước trời mưa

(4) Tổ chức sản xuất sử dụng nông dân địa phương dưới sự hướng dẫn cầm tay chỉ việc của nông dân Việt Nam
 
Doanh nghiệp kỳ vọng đầu tư vào nông nghiệp châu Phi​

- Theo một số doanh nghiệp từng làm ăn ở châu Phi thì các doanh nghiệp trong nước có thể làm giàu nhanh chóng khi đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp ở lục địa đen này

ede5c_5c7b6_luagao_nagy_6_12.jpg

Ngoài việc giúp người dân châu Phi làm lúa, doanh nghiệp Việt Nam có nhiều cơ hội xuất khẩu nông cụ sang đây​

Sau khi có thông tin chính phủ sẽ hỗ trợ kinh phí cho doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp ở châu Phi, ông Trịnh Vĩnh Bình, Giám đốc Công ty Long Vân 28 (TPHCM), người từng hợp tác với Công ty TNHH Phát triển nông thủy sản Việt Phi (VAADCO) trong việc trồng lúa nước ở một số nước châu Phi cho biết, sẽ lên kế hoạch vay tiền từ chính phủ để đầu tư sản xuất lúa nước ở Sierra Leone với diện tích vào khoảng 200.000 héc ta

“Từ những thành tựu mà công ty VAADCO đã đạt được tại Sierra Leone thì chúng tôi tin rằng đầu tư vào cây lúa ở đây sẽ mạng lại lợi nhuận cho Long Vân 28”, ông Bình nói

Theo tính toán của ông Bình thì diện tích làm lúa tại Sierra Leone có thể làm ra 5,4 triệu tấn gạo/năm, sau khi cung cấp cho thị trường nội địa, có thể xuất khẩu trên 4 triệu tấn gạo mỗi năm

Theo giáo sư Võ Tòng Xuân, Giám đốc Công ty TNHH Phát triển nông thủy sản Việt Phi ( VAADCO ) thực chất châu Phi có nhiều cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam muốn đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp

“Hiện nhiều quốc gia ở châu Phi sẵn sàng trả lương cao cho các chuyên gia nông nghiệp Việt Nam và hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp khi đầu tư vào phát triển nông nghiệp”, ông Xuân nói

Theo giáo sư Võ Tòng Xuân, ngày 29-12 công ty VAADCO sẽ đưa một đoàn chuyên gia sang Nigeria để khảo sát một số địa phương nước này để trồng lúa nước. Kế hoạch mà VAADCO giao cho nhóm chuyên gia đến cuối năm 2012 là phải có được 5 héc ta lúa để làm giống cho 1.000 héc ta mà công ty sẽ trồng vào năm 2013

Ông Xuân cho biết, các nước châu Phi, ngoài việc kêu gọi đầu tư vào làm lúa nước thì nuôi trồng thủy sản, chế biến nông sản là một trong những nơi tạo ra lợi nhuận cho doanh nghiệp khi đầu tư vào đây

“Đại sứ quán Sudan tại Việt Nam nhiều lần gọi điện cho tôi để nhờ tìm kiếm doanh nghiệp Việt Nam sang đầu tư nuôi trồng thủy sản ở nước này. Hiện Sudan đang có những chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp trong lĩnh vực này”, ông Xuân nói

Ông Hoàng Đức Nhuận, Trưởng phòng châu Phi, Vụ thị trường châu Phi, Tây Á, Nam Á thuộc Bộ Công Thương cho biết, hiện chưa có doanh nghiệp Việt Nam đầu tư vào Bờ Biển Ngà, lĩnh vực mà quốc gia này kêu gọi đầu tư là chế biến hạt điều. Sản lượng điều thô Bờ Biển Ngà vào khoảng 400.000 tấn/năm, nhưng công suất chế biến mới chỉ có 3%

Theo ông Đặng Hoàng Giang, Tổng thư ký Hiệp hội điều Việt Nam, hiện ban chấp hành hiệp hội đang thảo luận những thông tin cho các hội viên trong việc đầu tư vào sản xuất và chế biến điều nhân ở một số nước tại châu Phi như Bờ Biển Ngà. Đây là những quốc gia xuất khẩu hạt điều thô chủ yếu của Việt Nam

Tuy nhiên, ông Giang cũng thừa nhận việc đầu tư nhà máy chế biến hạt điều tại những quốc gia nói trên không phải dễ dàng vì môi trường kinh doanh ở đây chưa thuận lợi

“Mặc dù chính phủ có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp ở châu Phi nhưng do những nước này hệ thống cơ sở hạ tầng về đường, tài chính.... còn nhiều vấn đề nên ít nhiều nản lòng các nhà đầu tư Việt Nam, trong đó, có doanh nghiệp chế biến điều”, ông Giang cho biết

Tuy nhiên, theo ông Nhuận, so với các nước ở châu Phi thì Bờ Biển Ngà, Senegal là hai nước có cơ sở hạ tầng như cảng biển, sân bay, tuyến đường sắt... khá hoàn thiện, có nhiều ngân hàng, tổ chức tài chính đặt văn phòng ở đây nên việc khá thuận tiện cho doanh nghiệp khi đến đầu tư vào đây

Ông Nhuận cũng thừa nhận, những bất ổn chính trị tại một số nước có tiềm năng về phát triển nông nghiệp ở châu Phi cũng là một trong những rào cản thu hút đầu tư từ nước ngoài, trong đó có doanh nghiệp Việt Nam

Ngọc Hùng
 
Trồng thành công giống lúa Việt Nam tại Ghinê​

Mới đây, viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam đã đưa 50 dòng, giống lúa Việt Nam sang trồng khảo nghiệm thành công tại một số địa phương của Ghinê

Giong_lua_MT6_trong_tai_Ghi_ne_Huynh_Yen_Nghia.jpg

Giống lúa MT6 được trồng tại Ghinê​

Kết quả khảo nghiệm cho thấy, một số giống lúa của Việt Nam tỏ ra thích ứng tốt với điều kiện sinh thái nhiều địa phương tại Ghinê như các giống lúa AC5; HT1; MT6; P6; U17… cho năng suất khá cao và ổn định (từ 5,5 tấn – 6,5 tấn/ha/vụ), nếu chăm sóc tốt có thể đạt trên 7 tấn/ha, tăng trung bình từ 2-3 tấn/ha so với các giống lúa đang được gieo trồng tại địa phương (chỉ đạt 3-4 tấn/ha/vụ) trong cùng điều kiện canh tác

Đặc biệt, giống lúa MT6 được ngành nông nghiệp và nhân dân huyện Mankountan (tỉnh Bofa) đánh giá rất cao và có kế hoạch phát triển rộng trong các năm tới

KS Huỳnh Yên Nghĩa, viện Cây lương thực và cây thực phẩm (Viện KHNNVN) cho biết, đây là lần đầu tiên Việt Nam đưa dòng, giống lúa sang trồng khảo nghiệm tại Ghinê theo Nghị định hợp tác ba bên về nông nghiệp, giữa Việt Nam-Cộng hoa Ghi Nê và Cộng haa Nam Phi

Trước đó cũng đã có một số dòng, giống lúa được trồng rất thành công tại nhiều nước Châu Phi như Ăngola, Mali…
 
Việt Nam đầu tư hợp tác nông nghiệp tại Mozambique​

Theo Thông tấn xã Mozambique, trên 30.000 ha đất tại tỉnh Nampula phía bắc Mozambique sẽ được giao cho các nhà đầu tư Việt Nam tiến hành đầu tư

Một phái đoàn của UBND tỉnh Bình Phước, bao gồm một số doanh nghiệp đã đến thăm các huyện ở Nampula gồm Mogovolas, Ribaue và Meconta và cho biết họ đã rất ấn tượng với tiềm năng nông nghiệp tại đây

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước, ông Trương Tấn Thiệu, dẫn đầu đoàn đại biểu, cho biết các điều kiện sinh thái nông nghiệp ở ba huyện rất phù hợp cho các loại cây như sắn, hạt điều, gỗ và cảng nước sâu của Nacala là điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu

Tuy vậy, ông Thiệu cũng chỉ ra các hạn chế về hạ tầng tại khu vực, bao gồm hệ thống giao thông không đảm bảo, điện không đủ, thiếu nguồn cung cấp nước và thiếu hụt lao động có tay nghề

Thống đốc tỉnh Nampula, Felismino Tocoli, thừa nhận sự tồn tại của những vấn đề này, nhưng nhấn mạnh rằng chính phủ Mozambique đang thực thi một số chính sách phát triển nhằm khắc phục những tồn tại kể trên

Hai bên đã chính thức ký kết một số Biên bản ghi nhớ để thực hiện các thỏa thuận hợp tác giữa chính quyền tỉnh Nampula và Uỷ ban nhân dân Bình Phước đã được ký tắt khi ông Tocoli thăm Việt Nam vào tháng 1/2011

Theo thỏa thuận mới nhất, Chính quyền Nampula sẽ cấp cho các nhà đầu tư Việt Nam 10.000 ha ở huyện Mogovolas để trồng điều và 30 ha đất để xây dựng một nhà máy chế biến điều

Tại huyện Ribaue, Việt Nam sẽ được cấp 20.000 ha để trồng sắn và tại huyện Meconta, Việt Nam sẽ được cấp quyền khai thác rừng và một diện tích để xây dựng nhà máy chế biến gỗ

Phía Việt Nam sẽ cung cấp giống cây điều, giống sắn chịu bệnh, cử các chuyên gia, nhà quản lý và khoa học có kinh nghiệm sang hỗ trợ phía Mozambique về kỹ thuật canh tác điều, sắn
 
Giáo sư hiến kế thoát nghèo cho nông dân: 'Đổi lúa lấy cổ phiếu'​

GS.TS Võ Tòng Xuân hiến kế giúp người trồng lúa thoát nghèo

Bị thương lái ép giá, các bên trung gian hưởng lợi nên dù cả đời "bán mặt cho đất, bán lưng cho trời", cuộc sống của nông dân cũng không khá hơn. GS.TS Võ Tòng Xuân hiến kế giúp người trồng lúa thoát nghèo

GS. TS Võ Tòng Xuân dành cả đời nghiên cứu lĩnh vực nông nghiệp, gắn chặt với cây lúa, cuộc sống nông dân đồng bằng sông Cửu Long hàng chục năm nay. "Làm sao cho nông dân tăng lợi tức, bán được lúa giá cao" là nỗi trăn trở lớn nhất của nhà giáo trên 80 tuổi. Sau nhiều năm nghiên cứu, ông cho rằng giải pháp tốt nhất giúp nông dân phất lên là làm chủ doanh nghiệp

Ý tưởng của ông là lập ra công ty cổ phần về nông nghiệp. Nông dân góp cổ phần bằng chính số lúa trích ra sau mỗi vụ thu hoạch. Ví dụ: thu hoạch 7 tấn, người trồng lúa trích 300 kg để chuyển thành cổ phần, 6.700 kg còn lại sẽ mang tiêu thụ. Tới cuối năm, công ty tổng kết lãi lỗ và chia thêm cổ tức, căn cứ trên số cổ phiếu nắm giữ của từng người. Như vậy, không có chuyện công ty thu mua ăn gian hay cố tình chèn ép giá lúa như đã xảy ra thời gian qua

Thế nhưng cái khó nhất là giải thích, thuyết phục nông dân hiểu được cái lợi khi trở thành cổ đông, thông qua việc mua cổ phần. Ngoài ra, chính các nhà đầu tư cũng không tin tưởng vào sự hợp tác này nên hiện không mấy ai tự nguyện rót vốn thành lập công ty mà người bạn đồng hành với họ là những nông dân chân lấm tay bùn

Sự lệch pha về nhận thức, cách tiếp cận, giải quyết vấn đề giữa nông dân và những người có chuyên môn, được đào tạo bài bản trong lĩnh vực này cũng là nút thắt khó gỡ

"Lập công ty cổ phần nông nghiệp mới dừng lại ở thăm dò phản ứng các bên, ít nhất cũng 4-5 năm nữa mới có những bước tiến thực sự", nhà khoa học chia sẻ

Hơn 20 năm gắn bó với đồng ruộng, ông Võ Văn Hiệp, xã Mỹ Thạnh Đông, huyện Đức Huệ, Long An cho biết, thu nhập nghề nông rất bấp bênh, lại thêm tin đồn gạo giả đã ảnh hưởng đến người trồng lúa. Do vậy, nếu có đơn vị đứng ra hướng dẫn nông dân sản xuất gạo theo quy chuẩn sạch, chất lượng, bảo đảm đầu ra, nhà nông sẽ bớt khó khăn

Vụ đông xuân vừa qua, ông Hiệp chuyển sang sản xuất theo quy trình GAP nên thu hoạch tới 8 tấn trên một ha, trong khi trước đó chỉ khoảng 6 tấn. Theo ông, mô hình GAP cho chất lượng hạt lúa no tròn, khỏe, chắc mẩy, tăng sản lượng. Tuy nhiên, vì phải chịu sự kiểm soát chặt chẽ và có quá nhiều quy định phải tuân thủ, chứ không được thoải mái canh tác như trước nên một số nông dân vẫn còn dè dặt

Tuy nhiên, theo ông Lê Đạt Chí, Trưởng bộ môn đầu tư tài chính, Đại học Kinh tế TP HCM, mô hình này có nhiều điểm cần xem xét. Với vốn góp ít ỏi, nông dân khó có tiếng nói trong doanh nghiệp hay can thiệp vào công việc kinh doanh. Thậm chí cổ đông lớn làm lợi cho riêng một nhóm cổ đông nào đó, bản thân nông dân cũng khó nắm tình hình

Ngoài ra, cổ tức chi trả nhiều khi còn thấp hơn cả gửi ngân hàng. Nhận thấy không có lợi, họ có thể bán hết cổ phần. Như vậy, ý nghĩa thực sự khi trở thành cổ đông, làm chủ công ty, giúp nông dân làm giàu khó trọn vẹn. Chưa kể, một doanh nghiệp có hàng trăm nông dân là cổ đông sẽ khó khăn trong quản lý, điều hành

Theo ông Xuân, việc lập công ty cổ phần, nông dân tùy khả năng mà góp vốn là giai đoạn đỉnh cao, người trồng lúa đã cận kề cơ hội đổi đời. Nhưng trước mắt việc nâng cao chất lượng gạo phải đặt lên hàng đầu. Tổ chức sản xuất chuyên nghiệp, nông dân là chủ doanh nghiệp... chỉ là điều kiện cần. Gạo ngon, có thương hiệu trên thế giới mới khiến công cuộc đổi đời của nông dân trở nên hoàn chỉnh

Chính vì vậy, GS Xuân quyết định đưa Global Gap - GAP (sản xuất an toàn, sạch, chất lượng theo tiêu chuẩn chung của quốc tế) vào quy trình sản xuất lúa để nâng cao chất lượng hạt gạo. Ông so sánh, các loại gạo Việt cùng chất lượng với Thái Lan nhưng giá luôn thấp hơn từ 7-20 USD một tấn và thấp hơn gạo của Mỹ đến 220 USD. Việc tăng chất lượng và giá trị gạo là đòi hỏi bức bách trong giai đoạn hiện nay

Thế nhưng, trái với dự kiến, ông định triển khai thí điểm trên 100 ha ở Long An nhưng vụ đông xuân vừa qua chỉ thực hiện trên 60 ha ở huyện Đức Huệ. Lý do là GAP có quá nhiều tiêu chí bắt nông dân phải thực hiện khi sản xuất lúa, chứ không được tự do như trước. Trong đó, việc phải có nhà vệ sinh tự hủy, phân loại rác thải, không phóng uế bừa bãi, không cho gà vịt xuống ruộng... là khó thuyết phục nông dân nhất

Do đó, dù không cần phải vay hay mua thiếu phân bón, thuốc trừ sâu... mà sẽ có công ty đứng ra bao tiêu mọi chi phí, tới khi bán lúa cho công ty sẽ cấn trừ, thậm chí được bán với giá cao hơn thị trường 10-15% nhưng ít có hộ tham gia sản xuất theo quy trình GAP. Như vậy, họ lại tiếp tục bị thương lái chèn ép giá, bán vội để có tiền trả nợ phân bón, thuốc trừ sâu, nhân công... nên sẽ không được giá cao

Theo ông, nông dân chỉ tin những điều họ thấy, nên nếu nhiều hộ làm thành công theo mô hình GAP, lời lớn, ắt sẽ có nhiều nông dân khác bắt chước làm theo. Do vậy, triển khai GAP nhưng không có nhiều người tham gia cũng là điều dễ hiểu

"Giúp nông dân tăng lợi tức là mong mỏi lớn nhất hiện nay của tôi nên tôi sẽ kiên trì theo đuổi việc lập công ty cổ phần nông nghiệp và tạo lập thương hiệu riêng cho gạo Việt bằng cách đưa quy chuẩn sạch vào sản xuất gạo", vị giáo sư gốc An Giang chia sẻ
 
Muốn cưỡi Ferraris, hãy đầu tư vào đất nông nghiệp​

Nhà đầu tư huyền thoại Jim Rogers, một người có lịch sử đầu tư gắn với chứng khoán và vàng, giờ đây khuyên nhà đầu tư nên kiếm tiền bằng đất nông nghiệp

Ông đưa ra một triết lý đơn giản nhưng vô cùng hấp dẫn: Người nông dân cũng có thể sở hữu chiếc xe Ferraris sang trọng nếu đổ tiền vào đất nông nghiệp để tăng sản lượng nông sản nhằm đáp ứng nhu cầu chóng mặt của nhân loại

Rogers cho biết, hồi tháng 11 năm ngoái, ông đã ở Australia và tham gia tư vấn cho công ty Laguna Bay Capital Pty Ltd - vốn chuyên về đầu tư tài sản như tài nguyên vàng, khoáng sản, đất đai và năng lượng – đầu tư vào đất nông nghiệp

Trước đó, ông cũng gia nhập Genagro Ltd, một công ty đầu tư quốc tế chuyên về tài chính, đất nông nghiệp và các hoạt động kinh doanh liên quan đến đất nông nghiệp, để giúp công ty này có các chiến lược phù hợp nhằm bù đắp phần thiếu hụt nguồn cung ngũ cốc cùng các loại nông sản khác ở các nước phát triển và đang phát triển

Lấy ví dụ bên ngoài, Rogers cho rằng nhà đầu tư có thể nhìn vào hoạt động đầu tư của các công ty lớn khác, chẳng hạn Adecoagro S.A. ở Luxembourg hay Agcapita Farmland Investment Partnership ở Canada

Hiện Adecoagro đang sở hữu 500.000 mẫu Anh đất nông nghiệp, bao gồm 23 trang trại ở Argentina, 13 ở Braxin và 1 ở Urugoay. Hay Agcapital đang nắm giữ các phần đất nông nghiệp ở Saskatchewan, Alberta và Manitoba

rogersjimcloseup2200.jpg

Jim Rogers: Hãy đầu tư vào nông sản và đất nông nghiệp​

Quan điểm của tỷ phú này xuất phát từ kỳ vọng nhu cầu thịt và các loại nông sản sẽ tăng cao. Ở các thị trường mới nổi như Trung Quốc và Ấn Độ, nhu cầu thịt đang tăng nhanh nhờ tăng trưởng kinh tế giữ tốc độ ấn tượng suốt từ thập kỷ trước, khiến cho giá các nông sản phục vụ ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi như ngô và đậu tương lên mức cao kỷ lục những ngày gần đây

Tốc độ tăng nhu cầu thực phẩm, đặc biệt là thịt ở Trung Quốc và Ấn Độ dự báo sẽ theo cấp số nhân trong thời gian tới do tiêu thụ tính theo đầu người hiện đang ở các mức thấp nhất thế giới, với Trung Quốc là 100 lb và Ấn Độ chỉ 10 lb thịt/người/năm (1lb = 0,454 kg). Ở Mỹ, mỗi người dân hiện đã tiêu thụ tới 250 lb thịt/năm

Một dự báo mới được đưa ra bởi công ty chuyên về nông nghiệp Monsanto thì cho thấy, nhu cầu thực phẩm sẽ tăng với tốc độ chóng mặt, và trong 50 năm tới, người nông dân sẽ phải sản xuất thực phẩm nhiều hơn cả lượng đã tạo ra trong 10.000 năm qua

Trước đó, hồi tháng 5, tại một hội nghị về đầu tư nông sản toàn cầu tổ chức ở khách sạn Waldorf-Astoria tại New York, Jim Rogers cũng đã nhấn mạnh đến sức hấp dẫn của nông sản và đất nông nghiệp

Khi ấy ông nói, "Đất nông nghiệp đang trở thành một tài sản đầu tư phổ biến. Bằng việc sở hữu một mảnh đất, nhà đầu tư sẽ ngồi thu tiền nhờ nhu cầu trồng trọt tăng lên và giá nông sản đắt đỏ"

Ông tuy nhiên khẳng định đây sẽ là khoản đầu tư dài hạn, cần một khoản tiền trả trước lớn nhưng lại không chắc chắn về tính thanh khoản của nó

Trong bối cảnh thị trường vàng, dầu, bất động sản và trái phiếu không mấy hấp dẫn do kinh tế toàn cầu bấp bênh như hiện nay, nhiều nhà đầu tư đã mạnh dạn đổ tiền vào đất nông nghiệp. Nhiều quỹ đầu tư cũng được lập ra để thu hút những nhà đầu tư riêng lẻ chỉ muốn sở hữu một mảnh đất mà không muốn phải bỏ ra nhiều tiền, không muốn phải thuê lao động sản xuất và chờ đợi thành quả

Theo con số được đăng tải trong một bài báo trên New York Times, giá đất nông nghiệp ở các nước châu Âu và Mỹ sẽ tăng khoảng 20% trong năm nay, vượt xa hầu hết các tài sản đầu tư khác. Trong những năm tới, đốc độ tăng sẽ được giữ vững ở mức trên dưới 10%. Trong vòng một thập kỷ qua, việc sở hữu đất nông nghiệp đã tạo ra lợi nhuận hàng năm trên 10%

Hồi đầu tháng này, trong một buổi trả lời phỏng vấn trên CNBC, Jim Rogers cũng đã khẳng định, đầu tư vào vàng, dầu hay tiền mặt đều sẽ không có lợi trong thời gian tới. Ông dự báo giá vàng sẽ xuống dưới 1.200 USD/ounce, giá dầu còn 40 USD/thùng còn nông sản sẽ là vua
 
Gạo Việt Nam vững giá nhờ bán được cho châu Phi​

G-62244_zpse14511ef.jpg

Tại Việt Nam, gạo xuất khẩu cũng đang vững giá do được hỗ trợ bởi nhu cầu mua vàng để giao cho khách​

Giá gạo Việt Nam được hỗ trợ trong tuần này nhờ nhu cầu giao hàng cho các hợp đồng đã ký với khách châu Phi. Gạo Thái Lan cũng vững giá nhưng được dự báo có thể giảm giá trong một vài tuần tới khi nước này bước vào vụ thu hoạch lúa mới

Hãng tin Reuters cho biết, giá gạo trắng tiêu chuẩn loại 100% B mang mã hiệu RI-THWHB-P1 hiện có giá khoảng 600 USD/tấn, trong khi gạo loại 5% tấm của nước này cũng đứng giá ở mức 585 USD/tấn

Giá gạo Thái Lan không bị ảnh hưởng bởi tuyên bố hồi cuối tuần trước của Bộ trưởng Bộ Thương mại Thái Lan rằng Chính phủ nước này đã bán được 7,3 triệu tấn gạo từ kho tạm trữ cho Indonesia, Philippines và Trung Quốc. Ba khách hàng này đã phủ nhận thông tin cho rằng họ đã ký hợp đồng mua gạo của Thái Lan

“Thị trường không công nhận là có những thỏa thuận này, nên giá gạo không chịu tác động gì”, một thương nhân ở Bangkok cho biết

Tuy nhiên, các thương nhân dự báo, giá gạo Thái Lan có thể giảm trong vài tuần tới khi nông dân nước này bắt tay vào thu hoạch vụ lúa chính bắt đầu từ tháng 11. Theo dự báo, sản lượng thóc vụ này của Thái Lan có thể đạt mức 25 triệu tấn

Trong khi đó, Chính phủ Thái Lan dù khẳng định sẽ gia hạn chương trình thu mua lúa gạo tạm trữ để hỗ trợ nông dân và giữ giá lương thực, nhưng kế hoạch này vẫn chưa được nội các Thái thông qua

Tại Việt Nam, gạo xuất khẩu cũng đang vững giá do được hỗ trợ bởi nhu cầu mua vàng để giao cho khách. Theo các thương nhân, gần đây, các công ty xuất khẩu gạo của Việt Nam đã ký được một số hợp đồng nhỏ với khách hàng châu Phi

Hôm qua (19/9), giá gạo xuất khẩu loại 5% tấm của Việt Nam giữ mức 455 USD/tấn, FOB cảng Sài Gòn, so với mức 455-465 USD/tấn vào hôm thứ Tư tuần trước. Giá gạo loại 25% tấm không đổi ở mức 425-435 USD/tấn

“Nhu cầu chuyển gạo lên tàu đi giao hàng vẫn đang ở mức cao, giúp gạo vững giá, cho dù không có nhu cầu mua mới từ khách hàng”, một nhà xuất khẩu gạo ở An Giang nói với Reuters

Trong khi đó, nhu cầu mua các loại gạo thường của Ấn Độ trong tuần này đã được cải thiện khi các khách hàng truyền thống ở châu Phi tìm hàng giao tháng 10. Nhờ đó, gạo Ấn Độ đã tăng giá

Hiện giá FOB gạo thường của Ấn Độ tăng 15-20 USD/tấn so với tuần trước, lên mức 395-445 USD/tấn

“Nhu cầu xuất khẩu đang tăng, nhưng lượng mưa cao lên vào cuối mùa mưa này sẽ làm chậm việc thu hoạch vụ lúa mới”, một thương nhân ở New Dehli nói

Vụ lúa hè của Ấn Độ được gieo hạt vào tháng 6-7 và thu hoạch từ tháng 10, sau khi 4 tháng mùa mưa ở nước này kết thúc vào tháng 9. Kể từ tuần cuối của tháng 8 trở lại đây, lượng mưa của Ấn Độ lại gia tăng, có thể gây khó khăn cho việc thu hoạch lúa sắp tới
 
Top