What's new
Vietnam - Điện Biên Phủ Kinh Tế

This is a sample guest message. Register a free account today to become a member! Once signed in, you'll be able to participate on this site by adding your own topics and posts, as well as connect with other members through your own private inbox!

NinhBinh - Điện Biên Phủ kinh tế

LOBBY.VN

Administrator
Ninh Bình thay đổi tư duy cách tiếp cận chuyển đổi số
Chiều 14.6, Đoàn công tác của Bộ Thông tin và Truyền thông do ông Nguyễn Mạnh Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, làm trưởng đoàn đã làm việc với tỉnh Ninh Bình về công tác xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, chuyển đổi số tỉnh Ninh Bình năm 2022 và những năm tiếp theo

1B.jpg

Đoàn công tác của Bộ Thông tin và Truyền thông làm việc với tỉnh Ninh Bình
Cùng đi có ông Nguyễn Huy Dũng, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, lãnh đạo Văn phòng Bộ, lãnh đạo một số Cục, Vụ thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông và một số doanh nghiệp viễn thông

Tại buổi làm việc, các đại biểu đã trao đổi, thảo luận về các giải pháp trong thực hiện chính quyền điện tử như: Giới thiệu, chia sẻ về những địa phương có cách làm hay trong thực hiện chuyển đổi số trên 3 lĩnh vực: xây dựng chính quyền số, kinh tế số, xã hội số; các mô hình điểm xây dựng chính quyền cấp huyện, cấp tỉnh trong toàn quốc

Kinh nghiệm và giải pháp để thực hiện tốt hơn nhiệm vụ chuyển đổi số trong cơ quan Nhà nước; thí điểm cấp xã về số hóa trong quản lý đất đai; giải pháp về công nghệ trong tích hợp chữ ký số trong các giao dịch của các tổ chức, cá nhân; giải pháp công nghệ tự động ngăn chặn hình ảnh phản cảm, nội dung dung tục trên mạng xã hội để không làm ảnh hưởng đến giới trẻ; giải pháp triển khai sinh hoạt chi bộ trực tuyến; sổ tay đảng viên điện tử. Giải pháp đào tạo, bồi dưỡng về chuyển đổi số cho cán bộ chủ chốt đương nhiệm và quy hoạch diện Ban Thường vụ quản lý…

3B.jpg

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông phát biểu tại buổi làm việc
Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đánh giá cao sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và những kết quả quan trọng mà tỉnh Ninh Bình đã đạt được trong thực hiện chuyển đổi số thời gian qua. Đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của người đứng đầu, vai trò của cơ quan chuyên môn trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện chuyển đổi số

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng chia sẻ với những khó khăn, thách thức đặt ra với các địa phương hiện nay trong thực hiện chuyển đổi số và đề nghị tỉnh Ninh Bình tiếp tục quan tâm thay đổi tư duy, cách tiếp cận chuyển đổi số giống như tư duy các nhà đầu tư, lượng hóa giá trị các mô hình triển khai; thực hiện chuyển đổi số hướng về người dân; việc đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, việc chuyển đổi số phải thực toàn diện, đồng bộ trên các lĩnh vực...

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định: Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ luôn đồng hành, hỗ trợ giúp đỡ tỉnh Ninh Bình tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, thực hiện chuyển đổi số thành công, hướng tới làm mẫu cho toàn quốc ở một số lĩnh vực, tạo ra những thay đổi toàn diện cho tỉnh Ninh Bình
 
Chuyển đổi số thành hay bại phụ thuộc vào người đứng đầu
Người đứng đầu có vai trò quyết định trong tháo gỡ, thay đổi thể chế để chuyển đổi số diễn ra nhanh hơn

Chiều 14/6, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cùng đoàn công tác đã có buổi làm việc tại tỉnh Ninh Bình. Chương trình làm việc của Bộ TT&TT với mục tiêu giải đáp, khai mở các vấn đề cụ thể mà địa phương gặp phải trong quá trình chuyển đổi số

Theo Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình Nguyễn Thị Thu Hà, ứng dụng CNTT, xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số được tỉnh xác định là nhiệm vụ trọng tâm và là 1 trong 3 khâu đột phá để xây dựng địa phương

bi-thu-ninh-binh-10.jpg

Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình Nguyễn Thị Thu Hà phát biểu tại buổi làm việc

Ưu tiên cho chuyển đổi số được thực hiện xuyên suốt từ chủ trương, quan điểm chỉ đạo đến điều hành trong thực tiễn. Tuy nhiên khi triển khai còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Công tác quản trị điều hành cũng còn nhiều lúng túng khi tỉnh chưa có chiến lược tổng thể về số hóa, tích hợp và khai thác mà chỉ mới chỉ triển khai thực hiện ở từng ngành, từng lĩnh vực riêng rẽ; việc triển khai ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số vào một số ngành, lĩnh vực chưa biết bắt đầu từ đâu. Do đó, Bí thư Ninh Bình cho rằng, buổi làm việc là cơ hội để trao đổi, gợi mở cách làm, hướng đi cho tỉnh trong lĩnh vực mới; giải quyết các vấn đề lớn trong thực tiễn và cụ thể hóa thành các bước đi cho từng lĩnh vực

Thay đổi nhận thức và cách tiếp cận chuyển đổi số cho cán bộ địa phương

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cùng đoàn công tác đã dành phần lớn thời gian để đi vào giải đáp các vấn đề cụ thể, cùng địa phương gỡ vướng cho từng ngành, lĩnh vực khi triển khai chuyển đổi số

Thay đổi tư duy, cách tiếp cận về chuyển đổi số được Bộ trưởng nhắc xuyên suốt khi tiếp nhận, giải đáp những câu hỏi của người đứng đầu các sở, ngành, địa phương – những người “ngoại đạo” về CNTT đang tìm kiếm lời giải cho bài toán của mình bằng công nghệ số

bo-tttt-lam-viec-voi-ninh-binh-11.jpg

Buổi làm việc giữa lãnh đạo Bộ TT&TT và tỉnh Ninh Bình
Theo ông Lê Hữu Quý, Bí thư Thành ủy Thành phố Ninh Bình, khi triển khai xây dựng đô thị thông minh, chuyển đổi số cho người dân, địa phương này muốn thí điểm phần mềm quản trị dữ liệu đất đai để cho người dân có thể sử dụng trong các giao dịch. Tuy nhiên, thực tế lại đang vướng mắc về cơ sở dữ liệu đất đai nên vài năm nay chưa làm được

Trả lời vấn đề này, người đứng đầu Bộ TT&TT cho biết, dữ liệu là gốc rễ. Do đó, ngoài việc ban đầu là xây dựng nền tảng làm công cụ thì việc triển khai cơ sở dữ liệu cần phải thực hiện ngay. Bộ TT&TT và doanh nghiệp sẽ hỗ trợ xây dựng phần mềm, địa phương cần lựa chọn các dữ liệu đã có để triển khai trước, đồng thời cần rút ngắn thời gian hoàn thành cơ sở dữ liệu so với kế hoạch thì mới khả thi. Địa phương trao quyền nhập dữ liệu xuống đến các đơn vị phường, xã. Phải giải các bài toán ở cấp cơ sở thì dữ liệu sẽ được triển khai nhanh hơn

Với băn khoăn có thể ứng dụng công nghệ số để nâng cao hiệu quả công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị, quản trị cán bộ hay không và phải triển khai ra sao, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ: Cách tốt nhất hiện nay là sử dụng các nền tảng số để đào tạo cán bộ, Đảng viên. Với các hệ thống này, cán bộ, Đảng viên tự vào tự học và thi, hệ thống tự cấp chứng chỉ điện tử. Cách tiếp cận này giúp cho việc đào tạo duy trì lâu dài, liên tục

Nhiều địa phương như Huế, Đà Nẵng đã triển khai rất tốt các ứng dụng công nghệ số để người dân tương tác trực tiếp với chính quyền. Ninh Bình có thể học hỏi và xây dựng các phần mềm như vậy và đưa thêm các tính năng có thể giải được các yêu cầu, bài toán của mình. “Tỉnh có thể xây dựng một ứng dụng để cho người dân có thể tương tác hai chiều, nhưng nó phải xuất phát và giải được bài toán cụ thể của địa phương. Doanh nghiệp có thể giúp triển khai, nhưng địa phương cần xem các tính năng có đáp ứng được nhu cầu người dân hay không. Quan trọng là phải thúc đẩy người dân sử dụng ứng dụng này", Bộ trưởng nói

chu-tich-ninh-binh-pham-quang-ngoc-12.jpg

Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình Phạm Quang Ngọc chia sẻ về thay đổi trong nhận thức chuyển đổi số
Ông Phạm Quang Ngọc, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình, Trưởng Ban chỉ đạo chuyển đổi số của tỉnh chia sẻ: “Các gợi mở của Bộ trưởng đã giúp tỉnh Ninh Bình có tư duy, phương pháp, cách tiếp cận mới”

Lãnh đạo UBND tỉnh cho biết, để thực hiện chuyển đổi số thành công phải bắt đầu từ những việc nhỏ nhất, cần nhất để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị tốt hơn. Đồng thời, mong muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ của Bộ TT&TT trong công tác quản lý cán bộ, tạo nền tảng số để tương tác giữa người dân, doanh nghiệp với Đảng và chính quyền; tạo sự đồng thuận và quyết tâm thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội

Thành – bại của chuyển đổi số địa phương phụ thuộc vào người đứng đầu

Thời ứng dụng CNTT và chuyển đổi số có rất nhiều điểm khác biệt căn bản. Do đó, khi tiếp cận với chuyển đổi số thì cần tư duy khác đi. “Đừng tư duy theo hướng CNTT mà cần tư duy khác đi, đó là phải giải bài toán của mình bằng công nghệ số. Nếu viết phần mềm chuyển đổi số nhưng người dân không dùng thì đó là vô nghĩa”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói

Vai trò của người đứng đầu địa phương trong thời chuyển đổi số cũng cần được các địa phương nhận thức lại. “Chuyển đổi số là sự thay đổi, ở đây là thay đổi cơ chế hoạt động. Đã là việc mới, không nằm trong quy định thì việc phải đẩy lên cấp trên. Tôi mong muốn anh em mình nhận thức đúng rằng câu chuyện chuyển đổi số của tỉnh là việc của những người đứng đầu”

bo-truong-nguyen-manh-hung-13.jpg

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng gợi mở nhiều vấn đề về tư duy, cách tiếp cận chuyển đổi số

Thời ứng dụng CNTT thường chú trọng đến vai trò của Giám đốc CNTT, ở các địa phương là Giám đốc sở TT&TT – những người có chuyên môn phụ trách lĩnh vực này. Nhưng bước sang thời chuyển đổi số, người đứng đầu sẽ có vai trò quyết định và quan trọng nhất vì chuyển đổi số là phá hủy đi cái cũ để tạo ra giá trị

Chuyển đổi số phải bắt đầu từ lãnh đạo tỉnh. Các lãnh đạo sở, ngành phải tuân thủ theo các quy định cũ. Người có thể thay đổi cơ chế, hệ thống chỉ có thể là người đứng đầu địa phương. “Công cuộc chuyển đổi số của tỉnh tập trung vào 2 người là Bí thư, Chủ tịch tỉnh. Thành hay bại là ở hai người này. Đó là việc phải chỉ ra và tháo gỡ thể chế. Phải thay đổi thể chế như thế nào để chuyển đổi số diễn ra nhanh hơn. Đây là điểm khác biệt, là kinh nghiệm rất lớn của chuyển đổi số”, Bộ trưởng Bộ TT&TT chốt lại
 
Xuân Thiện Group muốn làm tổ hợp lọc hoá dầu 2.500ha ở Ninh Bình

photo1676167570782-16761675709071540269099.jpg

Xuân Thiện Group của doanh nhân Nguyễn Văn Thiện vừa đề xuất tỉnh Ninh Bình cho phép khảo sát để đầu tư tổ hợp lọc hóa dầu công suất 9 triệu tấn dầu thô/năm, trên diện tích khoảng 2.500ha

Văn phòng UBND tỉnh Ninh Bình vừa cho biết, UBND tỉnh này đã giao cho các đơn vị chuyên môn nghiên cứu, xem xét về đề nghị khảo sát đầu tư dự án tổ hợp lọc hoá dầu Kim Sơn của CTCP Tập đoàn Xuân Thiện (Xuân Thiện Group). Sau khi các đơn vị chuyên môn của tỉnh Ninh Bình nghiên cứu, xem xét sẽ tham mưu cho UBND tỉnh quyết định đề xuất của Xuân Thiện Group

Trước đó, ngày 30/1, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Xuân Thiện Nguyễn Văn Thiện đã có văn bản gửi UBND tỉnh Ninh Bình, đề xuất được khảo sát để đầu tư tổ hợp lọc hóa dầu ở khu vực ven biển huyện Kim Sơn (Ninh Bình)

Được biết, doanh nghiệp này muốn khảo sát khu vực đất ven biển rộng khoảng 1.500 ha và 1.000 ha mặt nước biển để đầu tư tổ hợp lọc hóa dầu công suất 9 triệu tấn dầu thô/năm (giai đoạn 2025 - 2030 công suất 3 triệu tấn/năm; giai đoạn 2030 - 2035 công suất 3 triệu tấn dầu thô/năm; giai đoạn 2035 - 2040 công suất 3 triệu tấn dầu thô/năm)

Xuân Thiện Group cho biết, doanh nghiệp này đang đầu tư, xây dựng tổ hợp théo xanh ở huyện Nghĩa Hưng (Nam Định), công suất 9,5 triệu tấn/năm, trong đó có cảng biển nước sâu cho tàu có tải trọng hơn 300.000 DWT. Nhà máy thép áp dụng công nghệ sản xuất thép xanh tiên tiến nhất thế giới hiện nay, và rất cần nhiên liệu LPG, LNG và Hydro để thay thế than cốc, nhằm giảm thiểu phát thải khí CO2

Trong khi, nguồn nhiên liệu LPG (khí hóa lỏng) từ quá trình lọc hóa dầu là rất lớn, nên mong muốn đầu tư tổ hợp lọc hóa dầu để vừa cung cấp nhiên liệu cho nhà máy thép xanh, vừa đáp ứng nhu cầu tiêu thụ xăng, dầu trong nước và xuất khẩu… Do đó, việc đầu tư tổ hợp lọc hóa dầu ở H.Kim Sơn là phù hợp với chủ trương của Chính phủ và đáp ứng nhu cầu thị trường trong giai đoạn hiện nay cũng như trong tương lai

Tập đoàn này cũng cam kết khoản kinh phí 300 tỷ đồng cho việc khảo sát dự án sẽ do tập đoàn tự bỏ ra; sẽ không có bất kỳ khiếu nại nào trong trường hợp dự án không được chấp thuận đầu tư

Xuân Thiện Group hiện đang đầu tư, vận hành các dự án năng lượng với tổng công suất hơn 2.000MW; các dự án xi măng công suất gần 30 triệu tấn/năm; Các dự án Nông nghiệp công nghệ cao tại Thanh Hóa và Đắk Lắk; Dự án du lịch nghỉ dưỡng cao cấp tại Cù Lao Mái Nhà (Phú Yên)…
 
Lộ diện ‘siêu đô thị', sản xuất nông nghiệp công nghệ cao hơn 900ha ở Ninh Bình

Khu đô thị có quy mô 905ha, dự kiến dân số khoảng 10.000 người sẽ là trung tâm dịch vụ, du lịch, thương mại, sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của Ninh Bình

UBND tỉnh Ninh Bình vừa có quyết định phê duyệt quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000 Khu đô thị dịch vụ và Khu sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thuộc quy hoạch chung xây dựng Khu vực từ đê Bình Minh II đến Cồn Nổi, huyện Kim Sơn

Theo đó, phạm vi nghiên cứu lập quy hoạch thuộc địa giới hành chính của huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình

Dự án có tổng quy mô 905ha, được chia thành 2 phân khu là khu đô thị dịch vụ và khu sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

Cụ thể, khu đô thị dịch vụ có diện tích 449ha với quy mô dân số dự kiến khoảng 10.000 người, quy mô du lịch dự kiến khoảng 600 phòng

Đây sẽ là trung tâm dịch vụ công cộng; khu đô thị dịch vụ sinh thái; khu nhà ở công nhân và chuyên gia; khu dịch vụ hỗ trợ du lịch; khu đô thị nước; khu hỗn hợp dịch vụ du lịch, thể thao

Phân khu này bao gồm các công trình dịch vụ - công cộng (trường học, giáo dục, y tế, văn hóa,...; nhà ở và dịch vụ; khu dịch vụ, du lịch,..; công viên văn hóa - vui chơi giải trí, cảnh quan; trung tâm thể dục thể thao; cơ quan, trụ sở; hạ tầng kỹ thuật (giao thông, trạm bơm, trạm điện, khu tập kết rác thải,...)...

Đối với khu sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao có diện tích khoảng 456ha, quy mô nghiên cứu khoảng 461,5ha. Dân số lao động dự kiến khoảng 1.000 người

Đây sẽ là khu sản xuất giống phục vụ nuôi biển, nuôi trồng hải sản công nghệ cao; dịch vụ hỗ trợ sản xuất; thương mại và giới thiệu sản phẩm,…

Khu vực bao gồm các chức năng chính sau phát triển hỗn hợp (thương mại, dịch vụ); nuôi trồng thủy sản công nghệ cao (Khu trại giống, Khu ao nuôi thực nghiệm và ươm tạo,…); khu cây xanh sử dụng hạn chế (cây xanh công viên, đất cây xanh ven rạch, ven đê); hệ thống mương cấp, thoát nước nuôi trồng; Đầu mối hạ tầng kỹ thuật (giao thông, trạm bơm, trạm điện, khu tập kết rác thải,...)

Chủ đầu tư dự án là UBND huyện Kim Sơn, nguồn vốn lập kế hoạch sẽ lấy từ ngân sách huyện. Thời gian lập quy hoạch, không quá 9 tháng kể từ khi nhiệm vụ quy hoạch phân khu được phê duyệt
 
Ninh Bình sẽ là trung tâm công nghiệp cơ khí ôtô hiện đại hàng đầu đất nước

Quy hoạch đặt mục tiêu phát triển Ninh Bình là một trung tâm công nghiệp cơ khí ô tô hiện đại hàng đầu đất nước; đô thị di sản thiên niên kỷ, thành phố sáng tạo và là một trong 10 tỉnh, thành phố có thu nhập bình quân đầu người cao nhất cả nước

Ninh-Binh-4-3.jpg

Một góc TP Ninh Bình. Ảnh: Báo Ninh Bình

Phấn đấu là một trong 10 tỉnh, thành phố có thu nhập cao nhất cả nước

Ngày 4.3, Văn phòng Chính phủ cho biết, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã ký Quyết định 218/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tỉnh Ninh Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050

Về mục tiêu, phát huy mọi tiềm năng, lợi thế, nguồn lực, động lực để đưa tỉnh Ninh Bình phát triển nhanh và bền vững. Đến năm 2030 là tỉnh khá, cực tăng trưởng các tỉnh phía Nam Đồng bằng sông Hồng, cơ bản đạt tiêu chí thành phố trực thuộc Trung ương với đặc trưng đô thị di sản thiên niên kỷ, thành phố sáng tạo

Phát triển Ninh Bình là một trong những trung tâm lớn, có giá trị thương hiệu cao về du lịch, công nghiệp văn hóa, kinh tế di sản của cả nước và khu vực Đông Nam Á; một trung tâm công nghiệp cơ khí ô tô hiện đại hàng đầu đất nước; cơ bản hình thành đồng bộ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo

Chỉ tiêu cụ thể về kinh tế, tốc độ tăng trưởng GRDP (theo giá so sánh năm 2010) bình quân thời kỳ 2021-2030 đạt 9,2%

GRDP bình quân đầu người khoảng 200 triệu đồng. Phấn đấu là một trong 10 tỉnh, thành phố có thu nhập bình quân đầu người cao nhất cả nước

Cơ cấu các ngành kinh tế trong GRDP: Nông - lâm - thuỷ sản 5,3%; công nghiệp - xây dựng 45,3%; dịch vụ 38,3%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm 11,1%

Tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn nghèo đa chiều) đạt dưới 2%

Đến năm 2035, tỉnh Ninh Bình trở thành thành phố trực thuộc Trung ương với đặc trưng đô thị di sản thiên niên kỷ, thành phố sáng tạo; một trung tâm lớn, có giá trị thương hiệu cao về du lịch, công nghiệp văn hóa, kinh tế di sản của cả nước và khu vực châu Á - Thái Bình Dương; một trung tâm hàng đầu đất nước về công nghiệp cơ khí giao thông hiện đại; một trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của các tỉnh phía Nam Vùng đồng bằng sông Hồng

Về các nhiệm vụ trọng tâm, đột phá phát triển, phát triển công nghiệp cơ khí ô tô, công nghiệp công nghệ cao, thân thiện môi trường là động lực cho tăng trưởng. Phát triển du lịch, công nghiệp văn hóa là mũi nhọn gắn với những sản phẩm và dịch vụ cao cấp, đặc sắc, có giá trị thương hiệu cao

Phát triển toàn diện văn hóa - xã hội; coi trọng văn hóa cơ sở, xây dựng nếp sống văn minh; bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của con người vùng đất cố đô. Tập trung bảo quản, tu bổ, phục hồi, phát huy di sản Cố đô Hoa Lư và Di sản Văn hoá và Thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An

Tập trung phát triển kinh tế vùng ven biển Kim Sơn trở thành động lực, không gian và cực tăng trưởng mới của tỉnh

Tập trung và ưu tiên phát triển công nghiệp cơ khí chế tạo, cơ khí sản xuất lắp ráp ô tô; công nghiệp điện tử; công nghiệp vật liệu mới

Phát triển 4 nhóm sản phẩm du lịch chính

Với ngành dịch vụ, trong đó, về du lịch, xây dựng và phát triển du lịch tỉnh Ninh Bình là ngành kinh tế mũi nhọn, có thương hiệu và hình ảnh riêng gắn với tiềm năng, giá trị Cố đô Hoa Lư và Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An

Phát triển 4 nhóm sản phẩm du lịch chính

- Nhóm sản phẩm du lịch văn hóa - lịch sử là nhóm sản phẩm du lịch đặc thù, mang thương hiệu riêng cho du lịch Ninh Bình

- Nhóm sản phẩm du lịch tham quan thắng cảnh thiên nhiên

- Nhóm sản phẩm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe gắn với các khu nghỉ dưỡng cao cấp và các hệ sinh thái biển, rừng, các nguồn khoáng nóng

- Nhóm sản phẩm du lịch sáng tạo theo tư duy đột phá, có hàm lượng chất xám cao, tiết kiệm tài nguyên
 
Top