What's new
Vietnam - Điện Biên Phủ Kinh Tế

This is a sample guest message. Register a free account today to become a member! Once signed in, you'll be able to participate on this site by adding your own topics and posts, as well as connect with other members through your own private inbox!

Bình Minh y tế số

LOBBY.VN

Administrator
Startup khám bệnh tại nhà DispatchHealth huy động thành công 136 triệu USD

Vòng đầu tư mới được dẫn dắt bởi Optum Partners với số vốn gọi thành công thêm 136 triệu USD, nâng tổng số vốn DispatchHealth nhận được đến nay lên 203 triệu USD


Mục tiêu chính của DispatchHealth là đem dịch vụ khám bệnh tại nhà truyền thống trở lại nhằm giảm chi phí, lên tới gần 10 lần, và giúp người bệnh bớt phụ thuộc vào phòng cấp cứu tại bệnh viện vốn thường rơi vào tình trạng quá tải

Dịch vụ khám bệnh tận nhà cũng sẽ mang lại cho các nhân viên của DispatchHealth cơ hội xác nhận liệu môi trường trong nhà của bệnh nhân có phải là rào cản khiến họ không thể khỏe lên hay không, từ đó giúp phòng ngừa các vấn đề sức khỏe về lâu dài cho người bệnh

Kể từ khi dịch bệnh bùng phát, DispatchHealth nhận thấy nhiều bệnh nhân của mình rơi vào tình trạng thiếu thức ăn, vì vậy bên cạnh các thiết bị y tế, nhân viên DispatchHealth cũng mang theo cả các loại thực phẩm khô khi thực hiện dịch vụ khám bệnh tận nhà

"Rất nhiều người gặp vấn đề với nơi sinh sống, nhưng sẽ rất khó nhận ra nếu họ đều đến phòng cấp cứu khi bị bệnh," tiến sĩ Mark Pather, đồng sáng lập và giám đốc điều hành của DispatchHealth cho biết. "Chúng tôi gọi đây là chăm sóc sức khỏe theo hoàn cảnh, với một kế hoạch chăm sóc y tế dựa trên chính môi trường người bệnh đang sinh hoạt hằng ngày"

Mô hình này đã hấp dẫn nhiều nhà đầu tư, những người nhận ra chăm sóc sức khỏe tại nhà là một giải pháp tốt để kiểm soát chi phí chăm sóc sức khỏe. Dịch vụ thăm khám tại nhà của DispatchHealth có chi phí trung bình 200-300 USD mỗi người, thấp hơn gần 10 lần so với mỗi lần bệnh nhân nhập phòng cấp cứu. Viện Chi phí Chăm sóc Y tế ước tính con số này tại bệnh viện là 2.000 USD

"Có rất nhiều thứ bạn có thể làm với một mô hình chăm sóc sức khỏe ảo, nơi các bệnh viện thật sự được cho vào dĩ vãng," Adam Andrew, đồng sáng lập công ty đầu tư Oak HC/FT, một trong những doanh nghiệp tham gia vòng gọi vốn lần này của DispatchHealth nói với Forbes

Công ty đầu tư này cũng đang rót vốn vào các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe có nền tảng công nghệ như VillageMD hay Unite Us

Đồng sáng lập Mark Prather của DispatchHealth vốn xuất thân là một bác sĩ phòng cấp cứu với kinh nghiệm hơn 20 năm. Ông thành lập DispatchHealth năm 2013 cùng với đồng nghiệp là bác sĩ Kevin Riddleberger

Trước đó, RiddleBerger từng đồng sáng lập công ty cung cấp ứng dụng y tế iTriage và thuyết phục Prather tham gia công ty với vị trí giám đốc y tế. ITriage bị Aetna mua lại vào năm 2011 với giá trị không được tiết lộ

"Tại phòng cấp cứu nơi tôi từng làm việc, bệnh nhân thường được điều trị theo một phác đồ chung và không nhất thiết phải điều chỉnh theo tình trạng xã hội của họ," Prather nói

Bệnh nhân có thể trực tiếp yêu cầu dịch vụ của DispatchHealth bằng cách gọi điện thoại hoặc sử dụng ứng dụng của công ty. Các triệu chứng sẽ được xem xét để quyết định xem việc điều trị tại nhà có phù hợp không

Giống với nhiều cơ sở khám bệnh truyền thống, DispatchHealth chấp nhận các chương trình bảo hiểm y tế và làm việc với các công ty bảo hiểm lớn như Aetna, Cigna và UnitedHealthcare

Trong đợt phong tỏa vì dịch bệnh vừa qua, DispatchHealth đã chứng kiến nhu cầu dành cho dịch vụ tư vấn và thăm khám qua điện thoại và tại nhà tăng vọt khi bệnh nhân không muốn đi đến phòng khám hay bệnh viện

"Nhu cầu đã tăng nhanh. Chúng tôi ban đầu đã phải đối mặt với tình trạng thiếu thiết bị bảo hộ cá nhân, nhưng sau đó đã giải quyết được và hiện giờ đã có thể thực hiện xét nghiệp Covid-19 cho khách hàng," Prather nói

Khoản đầu tư mới sẽ giúp DispatchHealth theo kịp nhu cầu gia tăng hiện tại và đảm bảo cho tương lai công ty. Doanh nghiệp này cũng sẽ mở rộng thị trường, bắt đầu bằng khu vực Đông Nam nước Mỹ, nơi báo cáo số ca nhiễm Covid-19 cao kỷ lục trong thời gian gần đây

DispatchHealth cũng bắt tay với các nhà cung cấp lớn hơn để cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần. Susan Diamond, chủ tịch công ty cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe Humana sẽ gia nhập hội đồng quản trị của DispatchHealth và hỗ trợ sự công tác của hai doanh nghiệp trong tương lai
 
Last edited:
Startup kết nối 300 triệu bệnh nhân ở Ấn Độ với bác sĩ trực tuyến
Nhu cầu khám bệnh từ xa bùng nổ trong thời kỳ dịch bệnh giúp công ty khởi nghiệp Practo (Ấn Độ) tăng tốc phát triển một nền tảng tích hợp trực tuyến, không chỉ giúp kết nối hàng trăm triệu bệnh nhân ở Ấn Độ với bác sĩ mà còn giúp họ đặt mua thuốc men và dịch vụ xét nghiệm

23c91_anh_1.jpg

Nền tảng Practo cho phép người dùng gặp bác sĩ trực tuyến bất cứ thời điểm nào trong ngày để thăm khám

Nền tảng của Practo đang giúp kết nối 300 triệu người dùng ở hơn 200 thành phố của Ấn Độ với 100.000 bác sĩ. Nền tảng này nhận được nhu cầu tư vấn, khám sức khỏe từ xa tăng vọt sau khi chính phủ Ấn Độ triển khai một trong những chiến dịch phong tỏa nghiêm ngặt nhất thế giới để kiểm soát dịch bệnh Covid-19

Trong giai đoạn từ tháng 3 đến tháng 6, Practo chứng kiến lượt khám bệnh từ xa của người dùng tăng 500%, trong đó khoảng 7,5% lượt khám bệnh liên quan đến các triệu chứng giống như bệnh viêm phổi cấp Covid-19. Giờ đây, Practo lên kế hoạch thu hút thêm 200 triệu người dùng nữa trong những năm tới

Hồi tháng 8, startup này huy động được 32 triệu đô la Mỹ từ một nhóm nhà đầu tư do Tập đoàn bảo hiểm nhân thọ A1A Corporation (Trung Quốc) dẫn đầu. Các nhà đầu tư hiện tại của Practo gồm Tencent, Sequoia Capital và Sofina Ventures cũng rót thêm vốn cho công ty khởi nghiệp này

Shashank ND, người đồng sáng lập kiêm Giám đốc điều hành Practo, cho biết đại dịch Covid-19 là cơ hội để học hỏi và sáng tạo. Ông cho rằng việc huy động vốn thành công trong giai đoạn kinh tế khó khăn là sự chứng thực cho triển vọng của lĩnh vực công nghệ y tế ở Ấn Độ

Ông nói: “Đại dịch đã dạy cho chúng tôi hiểu rằng không có ai chuẩn bị đầy đủ cho bất cứ bất trắc nào. Một trong những số công việc mà chúng tôi đã triển khai rất kịp thời trong thời kỳ dịch bệnh là dịch vụ khám sức khỏe từ xa 24/7”

Theo một báo cáo nghiên cứu vào năm 2019 của Trung tâm nghiên cứu Chuyển động dịch bệnh, kinh tế và chính sách (Mỹ), Ấn Độ thiếu 600.000 bác sĩ và 2 triệu y tá. Dịch vụ khám bệnh từ xa dựa vào công nghệ số hóa hứa hẹn sẽ lấp khoảng trống giữa cung và cầu trong lĩnh vực chăm sóc y tế ở Ấn Độ

Giữa thời kỳ dịch bệnh, Practo đã ra mắt gói chăm sóc sức khỏe, cho phép bệnh nhân có thể gặp gỡ và khám bệnh với bác sĩ qua video lên đến 15 lần mỗi tháng với mức phí chỉ 399 rupee (5,4 đô la Mỹ)/tháng

Prachi Salve, một người dân ở TP. Mumbai, đã sử dụng nền tảng của Practo để đặt lịch khám qua video với bác sĩ khi cô bị viêm tai giữa nhưng ngại đến phòng khám bác sĩ vì sợ bị lây virus SARS-CoV-2 giữa lúc tinh hình dịch Covid-19 vẫn căng thẳng

Được thành lập vào năm 2008, Practo ban đầu cung cấp phần mềm dựa vào nền tảng đám mây để hỗ trợ bác sĩ và và các phòng khám quản lý và số hóa hoạt động khám chữa bệnh của họ. Công ty này ra đời xuất phát từ vấn đề mà Shashank ND gặp phải mỗi khi ông đưa cha mẹ già nhập viện. Ông nhận ra rằng việc thiếu bệnh án số hóa và chữ viết tay khó hiểu của bác sĩ là nguồn cơn gây ra sự nhầm lẫn giữa bác sĩ và bệnh nhân

“Cha mẹ tôi đều là già cả nên tôi không muốn gây nguy hiểm cho họ nếu đi ra ngoài gặp bác sĩ khám trực tiếp. Qua video, vị bác sĩ ở TP. Hyderabad đã yêu cầu tôi tự kiểm tra xem điểm đau chính xác nằm ở đâu, rồi sau đó, kê đơn thuốc cho tôi

Tôi cũng gọi điện thoại video cho ông ấy khi cơn đau không thuyên giảm trong vòng 24 tiếng sau khi uống thuốc. Đến ngày thứ ba thì tôi khỏe trở lại”

Đến năm 2010, sản phẩm phần mềm quản lý bệnh án của Practo đã được sử dụng ở các bệnh viện tại 4 thành phố Ấn Độ. Ba năm sau đó, Practo mở rộng hoạt động kinh doanh bằng cách cung cấp dịch vụ mới, cho phép bệnh nhân tìm kiếm các bác sĩ đã được xác minh trên nền tảng của công ty này để đặt lịch hẹn thăm khám

Practo đang gia tăng sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo và học máy để vận hành nền tảng Practo, chẳng hạn sử dụng thuật toán để tạo ra kết quả tìm kiếm tốt nhất

Thuật toán này kết hợp thông tin của bệnh nhân bao gồm giới tính, độ tuổi cùng với dữ liệu tương tác trong quá khứ của bệnh nhân để nắm bắt được nhu cầu của họ và cung cấp cho họ các sự lựa chọn phù hợp nhất

Trong những năm qua, Practo nhanh chóng mở rộng các dịch vụ nhắm vào bệnh nhân bao gồm tìm kiếm bệnh viện, cơ sở xét nghiệm chẩn đoán, thăm khám trực tuyến với bác sĩ, giao thuốc men... Practo đã mở rộng dịch vụ giao thuốc men ra khắp hơn 100 thành phố ở Ấn Độ. Giờ đây, Practo dự báo 90% doanh thu của công ty đến từ các dịch vụ dành cho bệnh nhân

Khánh Lan
 
Sự bùng nổ kỹ thuật số trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe
Theo The Economist, bảo thủ, vô định hình, vốn là những thuộc tính luôn khiến lĩnh vực chăm sóc sức khỏe từ lâu đã thận trọng trước sự thay đổi. Tuy nhiên, tình huống khẩn cấp lớn nhất trong nhiều thập niên đã gây ra một cuộc cách mạng

Từ các phòng thí nghiệm cho đến các rạp chiếu phim, sự thay đổi trong ngành công nghiệp đã tăng vọt, khi các nhân viên y tế thay phiên nhau để giúp đỡ người bệnh. Họ đã ứng biến nhanh chóng và thường thành công với các công nghệ mới. Sự sáng tạo của họ hứa hẹn về một kỷ nguyên đổi mới sẽ giảm chi phí, tăng cường khả năng tiếp cận cho người nghèo và cải thiện điều trị

COVID-19 đã dẫn đến sự phát triển ngoạn mục của vaccine sử dụng công nghệ mRNA mới. Có vô số phép lạ nhỏ hơn khi các nhân viên y tế đã thử nghiệm để cứu sống nhiều bệnh nhân. Các quy tắc mua sắm công nghệ thông tin lỗi thời đã được hủy bỏ, thay vào đó người ta áp dụng các cuộc gọi video và phần mềm phiên âm. Máy tính đang được bảo trì từ xa bởi các nhà sản xuất của chúng

bac-si-kham-truc-tuyen_61210116.jpg

Bác sĩ khám trực tuyến qua điện thoại cho bệnh nhân

Với những bệnh nhân ở nhà, các bác sĩ đã gấp rút áp dụng phương pháp theo dõi kỹ thuật số những người đang hồi phục sau cơn đau tim. Các hầm chứa của tổ chức đã được tháo dỡ. Tất cả điều này đã diễn ra cùng với sự bùng nổ huy động vốn mạo hiểm cho đổi mới y tế với mức 8 tỉ USD trên toàn thế giới trong quý gần đây nhất. Con số này gấp đôi mức đầu tư so với cùng kỳ năm ngoái

JDHealth, một ngôi sao y học kỹ thuật số của Trung Quốc, vừa lên danh sách niêm yết trên sàn chứng khoán tại Hồng Kông. Chi tiêu cho y tế toàn cầu chiếm 5% GDP ở các nước nghèo, 9% ở các nước giàu và 17% ở Mỹ. Ngành công nghiệp này sử dụng hơn 200 triệu người và tạo ra hơn 300 tỉ USD lợi nhuận mỗi năm

bieu-do1_61211277.png

Người tiêu dùng Mỹ ngày càng sử dụng Internet và các ứng dụng di động cho nhiều nhu cầu y tế khác nhau
Nhưng đây lại là ngành không thích rủi ro, nó khó bị thay đổi. Bệnh nhân có thể không biết phương pháp điều trị nào hiệu quả. Nhu cầu phân chia rủi ro giữa nhiều người tạo ra những rủi ro hành chính, điển hình là các chương trình y tế quốc gia ở châu Âu, hoặc các công ty bảo hiểm ở Mỹ và một số nền kinh tế mới nổi. Các quy tắc phức tạp cho phép các công ty thu được lợi nhuận cao

Kết quả là năng suất tăng trưởng chậm chạp. Chi phí cao khiến nhiều người ở các nước đang phát triển không được tiếp cận với dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Hiệu quả thấp có thể gây ra khủng hoảng tài chính ở một số nước giàu trong 2 thập kỷ tới, khi dân số già hóa buộc các hóa đơn y tế tăng thêm

Đại dịch đã cho thấy những gì có thể xảy ra, một phần bởi vì nó khiến mọi người gạt sự thận trọng sang một bên. Tư vấn và giám sát y tế từ xa có thể giảm chi phí và tăng khả năng tiếp cận. Tỉ lệ thăm khám từ xa tại nhà cung cấp dịch vụ y tế Mayo Clinic của Mỹ đã tăng từ 4% trước đại dịch lên 85% vào lúc cao điểm

Công ty của Pakistan Sehat Kahani đã giúp các nữ bác sĩ từ xa điều trị cho những người nghèo trong một xã hội bảo thủ về mặt xã hội. Cổng thông tin của Trung Quốc Ping An Good Doctor đã có 1,1 tỉ lượt truy cập trong thời kỳ cao điểm của đại dịch

Hiệu thuốc trực tuyến tăng mạnh sẽ làm tăng cạnh tranh. Ngày 17.11, Amazon tuyên bố tham gia vào lĩnh vực này, hứa hẹn sẽ phá vỡ ngành công nghiệp của Mỹ do các nhà trung gian và dược phẩm lớn thống trị

Đó chỉ là sự khởi đầu. Chẩn đoán giàu dữ liệu có thể giúp các chuyên gia phân tích thông thường, chẳng hạn như X-quang. Máy theo dõi đường huyết liên tục thế hệ mới dành cho bệnh nhân tiểu đường được hưởng lợi từ những cải tiến gần đây. Trong thời gian tới, trí tuệ nhân tạo sẽ dẫn đến những đổi mới về thuốc. Tuần này, phòng thí nghiệm A.I DeepMind đã công bố một bước đột phá trong phân tích protein

Nhiều xu hướng sẽ trực tiếp cải thiện hiệu quả, với giá thuê văn phòng thấp hơn hoặc phân bổ bác sĩ theo thời gian thực đến các vùng nông thôn nơi khan hiếm phẫu thuật. Xu hướng này cũng có khả năng mở ra một cuộc cạnh tranh bùng nổ và cải tiến liên tục. Nhiều dữ liệu hơn sẽ giúp dễ dàng đánh giá phương pháp điều trị nào hiệu quả nhất

Theo dõi sức khỏe cá nhân chính là thiên về hướng phòng ngừa hơn là phản ứng. Và với nhiều thông tin hơn, bệnh nhân có thể đưa ra quyết định tốt hơn

Các chính phủ có thể xây dựng một hệ thống lưu chuyển dữ liệu chăm sóc sức khỏe. Các cá nhân nên có quyền kiểm soát hồ sơ của họ và cấp quyền cho các nhà cung cấp để truy cập vào chúng. Trên khắp thế giới, hàng trăm triệu hồ sơ y tế cần được ẩn danh và tổng hợp hiệu quả hơn để các nhà nghiên cứu có thể tìm kiếm các tập dữ liệu để tìm ra các mẫu

Cơ hội hiếm có để cải thiện chất lượng chăm sóc sức khỏe và giảm chi phí có thể biến mất vào cuối năm 2021. Nhân viên chăm sóc sức khỏe mệt mỏi có thể thích nghỉ ngơi hơn là một cuộc cách mạng. Chăm sóc sức khỏe không phải là một lĩnh vực để học hỏi từ những sai lầm. Tuy nhiên, đại dịch đã tiết lộ rằng ngành công nghiệp vốn đã quá quen với việc cẩn thận này cần phải thay đổi
 
Bình Minh y tế số

ai-chinh-sua_692347.gif

Dịch bệnh đang đưa y tế số trở thành một ngành ngàn tỉ USD tiếp theo

Khoảng 70% bệnh viện ở Mỹ đến nay vẫn còn fax và gửi hồ sơ bệnh nhân qua đường bưu điện. Giám đốc một bệnh viện lớn ở Madrid cho biết không có một hồ sơ y tế điện tử nào được chia sẻ giữa các khu vực ở Tây Ban Nha khi sóng COVID-19 lần đầu tiên ập đến nước này. Không chỉ Mỹ và Tây Ban Nha, hệ thống y tế ở nhiều nước hầu như chưa tiếp cận công nghệ số. Theo McKinsey Global Institute, trong lĩnh vực số hóa, ngành y tế đã bị tụt lại đằng sau không chỉ ngành ngân hàng mà còn cả ngành du lịch, bán lẻ, ô tô...

Đại dịch COVID-19 đã bóc trần khoảng trống quá lớn về số hóa ở các hệ thống y tế trên thế giới, nhưng cũng từ đó kích hoạt sự thay đổi mạnh mẽ trong ngành này. Trước làn sóng phong tỏa và rủi ro lây nhiễm do COVID-19, bác sĩ đã phải ứng dụng các phương tiện liên lạc số và phân tích số. Bệnh nhân cũng ngày càng cảm thấy thoải mái với việc chẩn đoán, điều trị từ xa và dựa trên máy tính. Các startup phát triển ứng dụng sức khỏe, bệnh viện, hãng bảo hiểm, hãng dược, các tập đoàn công nghệ như Amazon, Apple và Google... đều đổ xô cung cấp dịch vụ y tế số

McKinsey ước tính doanh thu y tế số toàn cầu, từ các giải pháp chẩn đoán từ xa cho đến hệ thống nhà thuốc trực tuyến, các thiết bị mang trên người... sẽ tăng từ 350 tỉ USD năm 2019 lên tới 600 tỉ USD năm 2024. Hiện thị trường chăm sóc sức khỏe 3.600 tỉ USD của Mỹ đang diễn ra cuộc thay đổi lớn sang nền tảng số. Điều tương tự đang xảy ra ở Trung Quốc, châu Âu và nhiều nước khác
Dòng vốn cũng ồ ạt chảy vào ngành được cho sẽ là ngành kế tiếp đạt giá trị ngàn tỉ USD. Theo CB Insights, 8,4 tỉ USD vốn cổ đông đã được rót vào các startup tư nhân trong ngành y tế số vào quý III/2020, hơn gấp đôi so với cách đây 1 năm. Các startup kỳ lân (trị giá từ 1 tỉ USD trở lên) của ngành này có tổng giá trị hơn 110 tỉ USD, theo HolonIQ. Tháng 9.2020, AmWell, một startup cung cấp giải pháp y tế từ xa được Google đầu tư 100 triệu USD, đã huy động được 742 triệu USD trong đợt IPO, với vốn hóa 6 tỉ USD. JD Health, thuộc JD.com (Trung Quốc), đã thu về 3,5 tỉ USD trong đợt IPO lớn thứ 2 Hồng Kông trong năm nay


screen-shot-2020-12-05-at-4.12.48-pm_5161651.png

Trước nhu cầu y tế số tăng vọt, không có gì ngạc nhiên khi các nhà đầu tư đều xôn xao. Doctolib (Pháp) cho biết các cuộc hội chẩn qua video tại châu Âu đã tăng mạnh trong năm nay từ 1.000 lên tới 100.000 mỗi ngày. Ping An Good Doctor, một cổng thông tin y tế trực tuyến của Trung Quốc, đang bành trướng sang Đông Nam Á qua liên doanh với hãng gọi xe Grab
Các công nghệ như cảm biến, điện toán đám mây, phân tích dữ liệu... ngày càng trở nên quan trọng đối với hệ thống y tế, trước nguy cơ lây nhiễm cao ở các bệnh viện và phòng khám. Livongo và Onduo, chẳng hạn, sản xuất thiết bị giúp theo dõi liên tục bệnh tiểu đường và các bệnh khác. Một nghiên cứu của Đại học Stanford cho thấy gần phân nửa số bác sĩ Mỹ được khảo sát đã sử dụng các thiết bị như vậy. Trong nhóm này, có đến 71% xem dữ liệu từ các thiết bị y tế số rất hữu ích cho y học

Hồi tháng 6, Mayo Clinic, một tổ chức bệnh viện phi lợi nhuận, đã bắt tay với startup Medically Home để cung cấp dịch vụ “chăm sóc sức khỏe tiêu chuẩn bệnh viện”, từ tiêm, siêu âm, X-quang cho đến điều dưỡng, ngay tại phòng ngủ của bệnh nhân. Thậm chí đồng hồ thông minh Apple Watch được chứng minh là có thể tiên đoán bệnh rối loạn nhịp tim trong một cuộc thử nghiệm lâm sàng

Người bệnh cũng ngày càng hứng thú với y tế số. Một cuộc nghiên cứu với khoảng 16 triệu người Mỹ cho thấy việc sử dụng dịch vụ y tế từ xa đã tăng gấp 30 lần từ tháng 1 đến tháng 5.2020. Người tiêu dùng Mỹ trong cuộc khảo sát hồi tháng 5 của Gartner ngày càng sử dụng ứng dụng internet và di động để phục vụ các nhu cầu y tế khác nhau

Điều quan trọng là giới chức trách nhiều nước cũng đang thúc giục các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe cởi mở hơn trong việc chia sẻ thông tin với bên thứ 3, một tiền đề cho y tế số phát triển. Liên minh châu Âu đang thúc đẩy việc xây dựng chuẩn điện tử cho hồ sơ y tế. Hay Yidu Cloud có lẽ là hệ thống dữ liệu y tế lớn nhất thế giới, theo đánh giá của Kai-Fu Lee thuộc Sinovation Ventures. Judy Faulkner, đứng đầu Epic, một nhà sản xuất phần mềm đứng đầu trong lĩnh vực quản lý hồ sơ y tế điện tử, cũng cho biết 40% dữ liệu được quản lý bởi Epic đã được chia sẻ với những đơn vị không phải là khách hàng của Công ty

screen-shot-2020-12-05-at-4.12.36-pm_51617996.png

Hiện tại, các công ty trong ngành này đang tận hưởng niềm vui chiến thắng. AliHealth, thuộc Alibaba (Trung Quốc), đang phá bĩnh thị trường nhà thuốc nội địa. Doanh thu công ty này tăng tới 74% trong 6 tháng kết thúc vào tháng 9.2020, đạt 1,1 tỉ USD. Trong khi đó, hãng công nghệ Apple, ngoài Apple Watch, còn có gần 50.000 ứng dụng sức khỏe trên iPhone

Các cuộc hợp tác chưa bao giờ sôi động như hiện nay. Epic đang sử dụng phần mềm giọng nói từ startup Nuance để giúp bác sĩ gửi thông tin cho các chuyên gia bên ngoài. Epic cũng bắt tay với hãng gọi xe Lyft để đưa bệnh nhân đến bệnh viện. Siemens Healthineers, một công ty công nghệ y tế lớn của Đức, đang làm việc với Geisinger, một chuỗi bệnh viện Mỹ, để mở rộng mảng theo dõi bệnh nhân từ xa. Các bệnh nhân của Apollo Hospitals (Ấn Độ) có thể sử dụng ứng dụng để lấy thuốc, hội chẩn từ xa, thậm chí vay khám chữa bệnh qua hợp tác của Apollo với HDFC Bank

Shubham Shingal thuộc McKinsey nhận xét, thực ra, các tập đoàn công nghệ đã sớm bước vào lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, nhưng không thành công, lý do là khi đó, họ chỉ đơn độc một mình. Nhưng với chất xúc tác là đại dịch COVID-19, bình minh của một ngành công nghiệp ngàn tỉ USD đang ló dạng, mang đến cơ hội vàng cho những ai tham gia
 
Ngành y tăng tốc số hóa
Trong khi các ngành khác như du lịch, bán lẻ, ngân hàng... đã số hóa nhiều mảng hoạt động, ngành y vẫn bình chân như vại; thậm chí theo Economist, 70% bệnh viện ở Mỹ vẫn sử dụng máy fax như hồi thập niên 1990. Nay đại dịch Covid-19 đã đẩy ngành y vào chỗ phải nhanh chóng số hóa bằng không sẽ bị lạc hậu

e4add_kttgnganhytangtocsohoa_copy_650.jpg

Do phải đối diện với giãn cách xã hội, bác sĩ phải sử dụng các phương tiện liên lạc kỹ thuật số, còn bệnh nhân cũng dần quen với việc chẩn đoán và điều trị từ xa, có sự hỗ trợ của máy tính. Đây là một thị trường to lớn nên hàng loạt doanh nghiệp đang tìm cách nhảy vào khai thác, kể cả các startup trong lĩnh vực này và các ông lớn công nghệ như Amazon, Apple, Google

Hãng tư vấn McKinsey ước tính doanh thu toàn cầu liên quan đến ngành y kỹ thuật số - từ cho thuốc từ xa, tiệm thuốc trực tuyến đến thiết bị đeo y tế... sẽ tăng từ 350 tỉ đô la Mỹ vào năm ngoái lên 600 tỉ đô la vào năm 2024. Rất nhiều lĩnh vực trong ngành y trị giá 3.600 tỉ đô la ở Mỹ sẽ cần số hóa. Nhu cầu tương tự cũng diễn ra ở Trung Quốc, châu Âu và hầu hết các nước khác

Theo Economist, tiền đầu tư đang rót vào lĩnh vực này, chỉ tính riêng quí 3-2020 đã có 8,4 tỉ đô la rót vào việc mua cổ phiếu các công ty y tế kỹ thuật số chưa lên sàn, gấp đôi cùng kỳ năm ngoái. Các chú kỳ lân trong ngành, tức mỗi công ty được định giá từ 1 tỉ đô la trở lên, có giá trị thị trường tổng cộng lên đến 110 tỉ đô la

Mới tháng 9 vừa qua, AmWell - một công ty trong ngành y tế từ xa được Google đầu tư 100 triệu đô la đã lên sàn và thu hút được 742 triệu đô la tiền phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng, nâng thị giá của mình lên 6 tỉ đô la. Rồi đầu tháng 12 này, JD Health một công ty dược trực tuyến thu hút được 3,5 tỉ đô la trong một đợt phát hành cổ phiếu lớn thứ nhì Hồng Kông trong năm nay

Các nhà đầu tư hăm hở rót tiền vì nhu cầu cho các dịch vụ y tế từ xa đang tăng mạnh. Ví dụ Doctolib, một hãng của Pháp cho biết dịch vụ khám bệnh qua video của họ tại châu Âu tăng mạnh từ 1.000 cuộc lên 100.000 cuộc mỗi ngày. Ping An Good Doctor, một trang web dịch vụ y tế của Trung Quốc đang tìm cách phát triển vào thị trường Đông Nam Á trong một liên doanh với hãng xe điện tử Grab

Tuy nhiên tờ Economist cũng cảnh báo, một tỷ lệ lớn các dịch vụ y tế kỹ thuật số sẽ chỉ để làm màu, kiểu như người ta từng làm ầm ĩ về loại thuốc “chính xác cho từng cá nhân” hay trí tuệ nhân tạo trong y tế. Nhưng cũng sẽ có những công nghệ cải thiện tình hình chăm sóc sức khỏe từ xa do đại dịch làm nhiều người ngại đến bệnh viện

Nhiều hãng đang tập trung sản xuất các thiết bị theo dõi thường xuyên đường huyết hay các chỉ số khác có kết nối với Internet để kịp thời đưa ra cảnh báo hay phối hợp với bác sĩ điều trị. Một khảo sát của Đại học Stanford cho thấy gần một nửa bác sĩ ở Mỹ có sử dụng các thiết bị như thế cho bệnh nhân của mình. Hay chuỗi điều hành Bệnh viện Mayo Clinic phối hợp với một công ty khởi nghiệp để cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe như ở bệnh viện ngay tại phòng ngủ của bệnh nhân, kể cả các dịch vụ chụp phim, truyền dịch...

Ở hướng người bệnh, một khảo sát đăng trên tạp chí JAMA Internal Medicine cho thấy 16 triệu người Mỹ đã tăng sử dụng y tế từ xa đến 30 lần trong sáu tháng đầu năm nay. Người Mỹ cũng sử dụng Internet và các ứng dụng trên điện thoại di động cho nhiều nhu cầu y tế. Trong khi đó các nhà quản lý đang biên soạn các quy định thống nhất để bảo mật hồ sơ y tế của bệnh nhân khi sử dụng trực tuyến và khi chia sẻ giữa bệnh viện, công ty bảo hiểm và các bên thứ ba khác

Trên mức độ tiêu dùng, Amazon mong muốn chiếc loa thông minh Alexa của họ có thể lắng nghe tiếng ho của người sử dụng và chẩn đoán xem ho là vì bị khan giọng hay vì Covid-19. Tháng 11 vừa rồi họ tung ra dịch vụ bán thuốc từ xa để tấn công vào thị trường phân phối dược phẩm của Mỹ, loại trừ các bên trung gian và thậm chí cửa hàng bán lẻ

Đồng hồ Apple và hơn 50.000 ứng dụng trên iPhone là có liên quan đến sức khỏe. AliHealth, một công ty con của tập đoàn bán lẻ Alibaba, Trung Quốc đang gây xáo động cho thị trường dược phẩm nước này: doanh số của nó trong sáu tháng kết thúc vào tháng 9-2020 tăng đến 74%

Cuộc đua giành miếng bánh số hóa ngành y chỉ mới bắt đầu, hứa hẹn còn nhiều sôi động khác ở phía trước

Nguyễn Vũ
 
Việt Nam sẽ từng bước tiến tới nền y tế thông minh
Nhiều bệnh viện tại Việt Nam đang bắt đầu ứng dụng công nghệ để chuyển đổi số. Đây là cách thức giúp thay đổi căn bản ngành y tế hiện nay

Chuyển đổi số sẽ thay đổi bộ mặt ngành y tế Việt Nam


Ngày 3/6 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình chuyển đổi số Quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Chương trình nêu rõ 8 lĩnh vực cần ưu tiên, trong đó y tế là lĩnh vực đầu tiên được nhắc tới khi nói về chuyển đổi số. Điều này cho thấy, việc chuyển đổi số ngành y tế được Chính phủ quan tâm đặc biệt

Dựa trên Chương trình chuyển đổi số Quốc gia, ngành y tế đã đề ra cho mình mục tiêu trước mắt là tới năm 2025, 100% dịch vụ công trực tuyến của ngành đạt mức độ 4, được tích hợp lên cổng quốc gia và có thể sử dụng bằng thiết bị di động

Ngành y tế cũng phấn đấu để 90% người dân và 100% cán bộ y tế được định danh, 60% dịch vụ y tế được thanh toán điện tử, 20% lượt khám chữa bệnh được thực hiện từ xa, 50% lượt khám chữa bệnh được đăng ký trực tuyến,...


Các mục tiêu chuyển đổi số của Bộ Y tế tới năm 2025

Theo ông Nguyễn Trường Nam, Phó Cục trưởng Cục CNTT (Bộ Y tế), chuyển đổi số y tế là quá trình từng bước tích hợp và áp dụng các công nghệ kỹ thuật số như dữ liệu lớn, điện toán đám mây, vạn vật kết nối, trí tuệ nhân tạo.. vào các lĩnh vực của ngành y

Mục đích của điều này là tận dụng các công nghệ số nhằm thay đổi tích cực cách thức quản lý, làm việc của cá nhân, đơn vị trong ngành y và cung cấp các dịch vụ y tế thuận tiện, nhanh chóng, hiệu quả cho người dân trên nền tảng số


Ông Nguyễn Trường Nam, Phó Cục trưởng Cục CNTT

Tầm nhìn của ngành y tế là tới năm 2030, việc ứng dụng công nghệ số sẽ diễn ra trên hầu hết các hoạt động, dịch vụ, hình thành nền y tế thông minh, dùng bệnh án điện tử thay cho bệnh án giấy

Thông qua những việc làm này, ngành y tế mong muốn xây dựng được hệ thống y tế Việt Nam hiện đại, chất lượng, công bằng, hiệu quả và hội nhập quốc tế. Tại đó, người dân có thể dễ dàng tiếp cận thông tin để sử dụng các dịch vụ y tế, đồng thời được bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe liên tục, suốt đời

Ngành y tế và những thách thức để chuyển đổi số


Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP. Hồ Chí Minh) là một trong những đơn vị tích cực nhất tham gia vào công tác chuyển đổi số ngành y tế. Đây là bệnh viện chuyên khoa nhi hạng 1, phụ trách 13 tỉnh thành khu vực đồng bằng sông Cửu Long

Theo ông Đặng Thanh Hùng - Trưởng phòng CNTT (Bệnh viện Nhi Đồng 1), đơn vị này đã bắt tay vào quá trình ứng dụng CNTT, số hóa các hoạt động từ tương đối sớm


Ông Đặng Thanh Hùng - Trưởng phòng CNTT (Bệnh viện Nhi Đồng 1)

Trong giai đoạn 1994 – 2003, Bệnh viện Nhi đồng 1 đã tiến hành số hóa thông tin người bệnh, kho tàng. Năm 2004, Bệnh viện bắt đầu số hóa chi phí khám bệnh nội trú. Bệnh viện số hóa việc kê hóa đơn từ năm 2006 và đến năm 2014 đã số hóa một số bệnh án mãn tính, chuyên môn

Một số sản phẩm tiêu biểu trong quá tình chuyển đổi số tại Bệnh viện Nhi đồng 1 có thể kể đến như Kho dữ liệu cảnh báo và ứng dụng nguyên lý máy học trong hệ thống nhắc kê đơn an toàn, Phần mềm đấu thầu thuốc thông minh hay việc ứng dụng công nghệ và thiết bị IoT trong quản lý kho thuốc



Kho dữ liệu cảnh báo việc kê đơn thuốc. Đây là một giải pháp chuyển đổi số được đánh giá cao của ngành y tế

Là một người có nhiều năm kinh nghiệm trong công tác số hóa ngành y tế, ông Hùng cho biết, thách thức lớn nhất khi chuyển đổi số ngành y là sự thiếu hụt nhân lực về CNTT. Trong khi đó, nguồn đầu tư cho CNTT tại các bệnh viện hiện nay ở mức rất hạn hẹp

Theo vị chuyên gia này, để có thể chuyển đổi số ngành y tế thành công, cần phải thay đổi các quy trình, quy định hiện tại trong đầu tư CNTT y tế, đồng thời hỗ trợ công nghệ mới cho các bệnh viện. Bên cạnh đó, cần thay đổi cách thức làm việc của các cán bộ nhân viên ngành y tế, tạo cho họ thói quen làm việc mới trên nền tảng số

Trọng Đạt
 
Chăm sóc sức khỏe từ xa ở ASEAN tăng trưởng vượt trội trong mùa đại dịch
Tại Thái Lan, Indonesia hay Singapore, tần suất sử dụng dịch vụ tư vấn sức khỏe từ xa - telehealth hay telemedicine - gia tăng mạnh khi người dân e ngại việc thăm khám trực tiếp tại các phòng khám hay bệnh viện có thể làm tăng nguy cơ lây nhiễm Covid-19. Các dịch vụ mới này giúp giảm bớt gánh nặng cho hệ thống y tế ở các nước ASEAN đang đương đầu với các ca lây nhiễm mới

Các nhà đầu tư cũng chú ý đến startup telehealth. Các bệnh viện trong khu vực cũng gia tăng đầu tư cho nền tảng công nghệ số. Fortune Business Insights dự báo thị trường dịch vụ telehealth toàn cầu sẽ đạt quy mô 185,7 tỉ đô la trong năm 2026 so với con số 34,3 tỉ đô la của năm 2018, với tỷ tăng trưởng hàng năm trung bình là 23,5%

Tăng trưởng ấn tượng


“Khi dịch bùng phát, chúng tôi thấy nhu cầu gia tăng rõ rệt”, theo lời CEO và nhà sáng lập Jaren Siew của Doctor Raksa - ứng dụng kết nối bệnh nhân với bác sỹ và các nhà thuốc ở Thái Lan. Doctor Raksa đạt mức tăng trưởng lợi nhuận 300% trong quí 3 vừa rồi

“Chi phí và khả năng tiếp cận với các bác sỹ luôn là một vấn đề đối với các hệ thống y tế. Telehealth giải quyết những vấn đề này khi xóa bỏ ranh giới địa lý và cho phép bệnh nhân tiếp cận với bác sỹ bất cứ khi nào và ở đâu”, CEO Siew nói với Nikkei Asia

15c23_doctoranywhere.jpg

Ứng dụng Doctor Anywhere giúp kết nối 1 triệu khách hàng với 1.300 bác sỹ ở Việt Nam, Thái Lan và Singapore. Phí một lần thăm khám trực tuyến là 14 đô la Mỹ

Ông Siew tin rằng dịch Covid-19 sẽ tiếp tục định hình lại lĩnh vực chăm sóc sức khỏe và mở cánh cửa cơ hội với các dịch vụ trực tuyến trong tương lai gần. Ông cũng cho biết Doctor Raksa đang tìm kiếm đối tác nước ngoài ở các thị trường mới

Halodoc là một startup giúp khách hàng có thể tham vấn trực tuyến với các bác sĩ có đăng bạ ở Indonesia. Số khách thường xuyên sử dụng dịch vụ Halodoc đã đạt 20 triệu người trong quí 1-2020, tăng 10 lần so với cùng kỳ năm trước, CEO Jonathan Sudharta cho biết

“Giãn cách xã hội đang trở thành một bình thường mới. Điều này sẽ tiếp tục thúc đẩy nhu cầu chăm sóc sức khỏe từ xa phát triển. Telemedicine đã chứng tỏ là cách tiếp cận hiệu quả với chăm sóc y tế dành cho bệnh nhân ở nông thôn, vốn sống xa các trung tâm y tế uy tín”, ông Sudharta nói

Dịch vụ trọng yếu và nổi trội trong mùa dịch


Trong một báo cáo tháng 11, hãng công nghệ Google, quỹ đầu tư Temasek của Singapore và hãng tư vấn Bain&Co của Mỹ đã trích dẫn dữ liệu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) rằng nhiều nước Đông Nam Á có tỷ lệ bác sỹ trên dân số tổng quát thấp hơn so với các nước như Mỹ và Trung Quốc. Indonesia và Thái Lan có tỷ lệ 4 bác sỹ trên 10.000 dân – theo bản báo cáo. Các nước ASEAN khác có tỷ lệ cao hơn: Việt Nam 8, Philippines 12, Malaysia 16 và Singapore 23. Tỷ lệ này ở Trung Quốc là 22 và ở Mỹ là 27

Các lệnh phong tỏa và giới hạn đi lại được công bố trong nhiều thời điểm trong năm nay ở 10 nước thành viên ASEAN đã khiến bệnh nhân có rất ít lựa chọn. Họ phải tham vấn trực tuyến với các chuyên gia y tế thay cho các thăm khám định kỳ. Các hãng dịch vụ telehealth cung cấp đa dạng các dịch vụ: từ tư vấn tổng quát đến giám sát liên tục các điều kiện y khoa đặc biệt và các liệu pháp điều trị tại nhà. Tất cả có thể thực hiện trực tuyến, mà không cần bệnh nhân đến phòng khám hay bệnh viện

“Telehealth nổi lên là mảng dịch vụ trọng yếu trong mùa dịch nhằm bảo đảm sức khỏe cho mọi người khi việc thăm khám tại bệnh viện có thể đẩy người bệnh vào môi trường có nguy cơ nhiễm Covid-19 cao hơn”, Phó Chủ tịch Rachel Coxon tại hãng giải pháp công nghệ Barco Asia-Pacific

Indonesia, quốc gia đông dân nhất ở Đông Nam Á, hiện có trên 600.000 ca lây nhiễm. Hãng phân tích dữ liệu GlobalData nói rằng hạ tầng chăm sóc y tế thiếu hiệu quả và sự phụ thuộc vào nguồn vật tư y tế bên ngoài đã khiến quần đảo này đương đầu với nhiều khó khăn trong phòng chống dịch Covid-19

GlobalData cũng ghi nhận mức độ sử dụng dịch vụ của các hãng telehealth như Halodoc, Alodokter và GrabHealth tăng như hỏa tiễn trong mùa dịch. Sự phổ biến của các dịch vụ mới này tiếp tục là đặc tính quan trọng của thị trường chăm sóc sức khỏe nội địa trong thời kỳ hậu Covid-19

a774a_samitivejhospital.jpg

Bệnh viện ảo Samitivej thuộc chuỗi Bangkok Dusit Medical Servies (BDMS) có tới 380 bác sỹ túc trực 24/24

CEO Sudharta của Halodoc hy vọng các startup sẽ lấp đầy những lỗ hổng hay giải quyết các bất cập của hệ thống y tế quốc gia. Ông nói rằng các bệnh viện lớn đang là nguồn lây nhiễm bệnh chính và telemedicine có thể giúp giảm khả năng lây nhiễm tại các cơ sở y tế

Cơ hội đầu tư mới


Các nhà đầu tư cũng nhận ra lãnh địa mới. Halodoc, với sự hỗ trợ của siêu ứng dụng Gojek, đang đón nhận luồng gió cơ hội mới. Hồi tháng 7, Halodoc có thêm 100 triệu đô la trong vòng gọi vốn series B từ các nhà đầu tư như Prudential, Allianz X và tổ chức Bill and Melinda Gates Foundation

Sử dụng trí tuệ nhân tạo trong dự đoán đột quỵ, công ty khởi nghiệp See-Mode Technologies ở Singapore cũng gọi được 7 triệu đô la vào tháng 8 rồi. Một startup khác của Singapore là Doctor Anywhere đã gọi được 27 triệu đô la

Doctor Anywhere hiện có khoảng 1 triệu dùng với khoảng 1.300 bác sỹ tổng quát và chuyên khoa từ Singapore, Thái Lan và Việt Nam. Bệnh nhân trả phí 20 đô la Singapore, tức 14 đô la Mỹ, cho một lần tham vấn trực tuyến. Thuốc sẽ được giao đến tận nhà sau vài tiếng. Doctor Anywhere đang tìm cách mở rộng quy mô ở các thị trường này và đang chuẩn bị kế hoạch ở Malaysia và Philippines

Startup eDoctor tại Việt Nam cũng thành công trong vòng gọi vốn hồi tháng 4, nhưng đã không tiết lộ số vốn gọi được. Hệ thống nhà thuốc Pharmacity cũng gọi được 31,8 triệu đô la. Hệ thống nhà thuốc này cung cấp một số loại thuốc và vật phẩm y tế trên mạng, nhưng chưa có ứng dụng riêng

Ngoài các startup, một vài cơ sở y tế trong khu vực cũng chú trọng và đầu tư nhiều hơn cho dịch vụ telehealth

Bệnh viện Alexandra ở Singapore đã thực hiện các ca tư vấn tâm lý trực tuyến dành cho bệnh nhân nội trú của khoa hồi sức vào tháng 2 vừa rồi. Từ tháng 3, các ca tham vấn qua video được mở rộng cho bệnh nhân ngoại trú

Bác sỹ Effie Chew, trưởng khoa hồi sức của Bệnh viện Alexandra, cho biết rằng hồi đầu dịch tỷ lệ bệnh nhân hủy hẹn hay dời hẹn thăm khám chiếm 10-15%. “Dịch Covid-19 ảnh hưởng mạnh mẽ đến nhiều lĩnh vực trong mảng y tế, tuy nhiên nó cũng mở ra nhiều cơ hội và buộc chúng tôi phải suy nghĩ và thay đổi để đáp ứng với tình trạng bình thường mới”, Bác sỹ Chew phát biểu

Tại Malaysia, chuỗi bệnh viện IHH Healthcare với 77 bệnh viện chi nhánh ở nhiều nước đã tăng cường các ca tư vấn trực tuyến ở ít nhất là 8 thị trường, gồm Malaysia và Singapore. Chuỗi này cũng đầu tư vào một ứng dụng telehealth

Dịch bệnh cũng buộc chính phủ các nước châu Á đánh giá lại vai trò của telehealth trong các mạng lưới chăm sóc sức khỏe tổng quát. Ở Nhật Bản, các quy định được nới lỏng trong mùa dịch, cho phép bác sĩ thực hiện các cuộc hẹn thăm khám đầu tiên qua mạng. Trước đó, bác sĩ chỉ được phép tư vấn trực tuyến cho bệnh nhân cũ

Tại Indonesia, Thái Lan và Singapore, các quy định về chăm sóc sức khỏe từ xa cũng không quá nghiêm ngặt. Chẳng hạn, Indonesia đòi hỏi các chuyên gia y khoa muốn thực hiện tư vấn trên các phương tiện trực tuyến chi cần một có đăng ký và giấy phép hành nghề - theo hãng luật Baker McKenzie

Tuy nhiên, một khung pháp lý đồng bộ giữa các nước thành viên ASEAN sẽ là thách thức lớn nhất và mới nhất trong tương lai đối với các ứng dụng telehealth đang mong muốn mở rộng hoạt động ở thị trường 650 triệu dân này. Chẳng hạn, các quy định thay đổi ở một hay hai nước ở ASEAN cũng có thể ảnh hưởng đến các bác sĩ đang cung cấp dịch vụ tư vấn trên ứng dụng Doctor Anywhere
 
Microsoft sẽ mua lại Nuance Communications với giá gần 20 tỷ USD
Công ty Nuance Communications đã tạo ra công nghệ nhận diện giọng nói giúp Apple Inc cho ra đời trợ lý ảo Siri và là nhà phát hành các phần mềm cho nhiều lĩnh vực từ chăm sóc y tế đến ngành ôtô


Nuance Communications chuyên về điện toán đám mây và trí tuệ nhân tạo

Ngày 12/4, tập đoàn Microsoft (Mỹ) thông báo sẽ mua lại công ty chuyên về điện toán đám mây và trí tuệ nhân tạo (AI) Nuance Communications với giá khoảng 19,7 tỷ USD trong bối cảnh đang tìm cách thúc đẩy các dịch vụ chăm sóc sức khỏe

Động thái trên diễn ra khi cả hai công ty "ăn nên làm ra" trong các dịch vụ viễn thông y tế trong bối cảnh các cuộc tư vấn y tế buộc phải chuyển đổi từ trực tiếp sang trực tuyến do dịch COVID-19

Nuance Communications có trụ sở ở Burlington, bang Massachusetts (Mỹ) và đã hợp tác với Microsoft từ năm 2019. Hãng này chuyên tạo ra công nghệ nhận diện giọng nói giúp Apple Inc cho ra đời trợ lý ảo Siri và là nhà phát hành các phần mềm cho nhiều lĩnh vực từ chăm sóc y tế đến ngành ôtô

Trong một thông báo, Giám đốc điều hành Microsoft Satya Nadella cho biết hãng coi AI là sự ưu tiên quan trọng nhất trong công nghệ và chăm sóc sức khỏe là ứng dụng cấp thiết nhất

Microsoft đã đề nghị trả cho Nuance Communications 56 USD/cổ phiếu, cao hơn 22,86% so với mức giá chốt phiên gần nhất của Nuance Communications

Ngay sau khi thông tin trên được công bố, cổ phiếu của Nuance Communications đã tăng gần 23% trước giờ thị trường chứng khoán mở cửa

Nếu đạt được thỏa thuận, ông Mark Benjamin sẽ vẫn giữ chức Giám đốc điều hành của Nuance Communications và chịu sự giám sát của ông Scott Guthrie, Phó Chủ tịch cấp cao phụ trách điện toán đám mây và AI của Microsoft

Không chỉ vậy, thỏa thuận nói trên với Nuance Communications sẽ là thương vụ sáp nhập lớn thứ hai của Microsoft, sau thương vụ mua lại LinkedIn với giá 26,2 tỷ USD vào năm 2016

Hiện, có tới hơn 55% bác sỹ và 75% chuyên gia về X-quang tại Mỹ sử dụng công nghệ của Nuance Communications

Theo Microsoft, thương vụ thâu tóm trên sẽ tăng gấp đôi giá trị thị trường chăm sóc sức khỏe tiềm năng của hãng, lên mức gần 500 tỷ USD

Tương tự các hãng công nghệ lớn khác, Microsoft được hưởng lợi nhiều trong thời gian phong tỏa để phòng dịch. Doanh thu của hãng đã tăng 33% trong quý 1 năm nay, lên mức 15,5 tỷ USD
 
Buổi bình minh của y học kỹ thuật số
Đại dịch COVID-19 đã mở ra một ngành công nghiệp trị giá hàng nghìn tỷ USD từ lĩnh vực y tế…

Đầu năm ngoái, ông Stephen Klasko, giám đốc điều hành của công ty Jefferson Health chuyên quản lý các bệnh viên ở Philadelphia đã trò chuyện với một ông chủ ngân hàng và được nhà tài chính nói rằng 20 năm trước, ngân hàng và chăm sóc sức khỏe là hai ngành duy nhất chưa nắm bắt được cuộc cách mạng kỹ thuật số nhưng giờ đây chỉ còn lại nganhd chăm sóc sức khỏe mà thôi

Nhận định của ông chủ ngân hàng kia không phải là không có lý. Theo Viện nghiên cứu toàn cầu McKinsey, khi nói đến số hóa, ngành chăm sóc sức khỏe thực sự đã tụt lại phía sau không chỉ lĩnh vực ngân hàng mà còn cả du lịch, bán lẻ, sản xuất ô tô và thậm chí hàng hóa đóng gói. Ở Mỹ, khoảng 70% bệnh viện vẫn sử dụng fax và gửi hồ sơ bệnh nhân qua đường bưu điện. Tại Tây Ban Nha, một giám đốc điều hành tại bệnh viện lớn ở Madrid cho biết hầu như không có bất kì việc chia sẻ hồ sơ điện tử nào trên khắp đất nước khi làn sóng COVID-19 đầu tiên quét qua vào mùa xuân

Bằng việc phơi bày những thiếu sót kỹ thuật số, đại dịch COVID-19 đã thúc đẩy sự thay đổi trong ngành y tế. Khi phải đối mặt với tình trạng hỗn loạn và đóng cửa, các bác sĩ đã chấp nhận sử dụng những phương thức liên lạc và phân tích vốn được sử dụng thường xuyên trong những ngành công nghệ khác. Bệnh nhân cũng ngày càng trở nên thoải mái hơn với việc chẩn đoán và điều trị từ xa có sự hỗ trợ của máy tính. Và nhiều doanh nghiệp táo bạo – từ công ty khởi nghiệp, bệnh viện, hãng bảo hiểm, nhà thuốc cho đến những gã khổng lồ công nghệ như Amazon, Apple và Google - đã nhanh chóng tranh giành quyền cung cấp các dịch vụ đó

McKinsey ước tính rằng doanh thu y tế số toàn cầu sẽ tăng từ 350 tỷ USD năm 2019 lên 600 tỷ USD năm 2024, bao gồm doanh thu từ tất cả dịch vụ: y tế từ xa, hiệu thuốc trực tuyến, thiết bị y tế đeo tay v.v. Thị trường chăm sóc sức khỏe của Mỹ đang được tân trang bằng số hóa, điều tương tự cũng đang xảy ra ở Trung Quốc, châu Âu và nhiều nơi khác trên thế giới

Một lượng tiền khổng lồ đang đổ vào những doanh nghiệp có tương lai hàng nghìn tỷ USD. Theo CB Insights, trong quý III/2020, khoản vốn đầu tư kỷ lục 8,4 tỷ USD đã chảy vào túi những kẻ nắm giữ các công cụ y tế số, gấp đôi so với số tiền năm trước đó. Các “kỳ lân” chưa niêm yết trong ngành này ước tính có tổng giá trị hơn 110 tỷ USD

Vào tháng 9/2020, AmWell, một startup cung cấp dịch vụ y tế từ xa từng được Google đầu tư 100 triệu USD đã huy động thêm 742 triệu USD trong đợt chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO). Giá trị vốn hóa thị trường của AmWell hiện khoảng 6 tỷ USD. Vào tháng 12/2020, JD Health, nhà thuốc điện tử liên kết với trang thương mại trực tuyến khổng lồ JD.com của Trung Quốc, đã thu được 3,5 tỷ USD trong đợt IPO tại Hồng Kông

Không có gì ngạc nhiên khi các nhà đầu tư quay cuồng. Nhu cầu về y học kỹ thuật số đã tăng lên đột biến. Một công ty của Pháp mang tên Doctolib cho biết những cuộc tư vấn sức khỏe qua video của họ tại châu Âu đã tăng từ 1.000 cuộc mỗi ngày lên 100.000 cuộc mỗi ngày trong năm 2020. Nghiên cứu trên khoảng 16 triệu người Mỹ mới xuất bản tại tạp chí JAMA Internal Medicine chỉ ra rằng việc sử dụng điều trị từ xa (telemedicine) của họ đã tăng gấp 30 lần trong khoảng thời gian từ tháng một đến tháng 6/2020. Người tiêu dùng ngày càng sử dụng internet và ứng dụng di động cho những nhu cầu y tế khác nhau

Kỷ nguyên mới của công nghệ

Như với nhiều lĩnh vực công nghệ đang lên, một số công nghệ trong đó đã bị cường điệu. Các nhà phân tích tỉnh táo tại Gartner đã tạt gáo nước lạnh vào những tuyên bố phóng đại của những người ủng hộ cá thể hóa “y học chính xác” và trí tuệ nhân tạo (AI)

Nhưng họ cũng thừa nhận rằng không phải tất cả mọi sự phấn khích trong lĩnh vực này đều quá đáng. Những công nghệ như cảm biến, điện toán đám mây và phân tích dữ liệu đang trở nên chính xác tới chuẩn mực y tế. Trong tình hình nguy cơ lây nhiễm COVID-19, bệnh viện và phòng khám trở nên dễ dàng trong việc chấp nhận sử dụng công nghệ hơn

Những công ty chuyên môn như Livongo và Onduo đang sản xuất các thiết bị theo dõi liên tục bệnh tiểu đường và nhiều bệnh khác. Gần một nửa số bác sĩ Mỹ được khảo sát đã sử dụng các thiết bị như vậy; trong đó 71% bác sĩ coi các dữ liệu là hữu ích về mặt y tế, theo kết quả nghiên cứu của Đại học Stanford

Vào tháng 6/2020, Mayo Clinic, một nhóm bệnh viện phi lợi nhuận có uy tín, đã hợp tác với công ty khởi nghiệp có tên là Medically Home để cung cấp “dịch vụ chăm sóc tại nhà theo tiêu chuẩn bệnh viện”, từ truyền dịch, chụp phân tích hình ảnh cho đến phục hồi chức năng. Ngay cả Apple Watch cũng chứng minh rằng sản phẩm của mình có thể dự đoán được hiện tượng rối loạn nhịp tim rung nhĩ của người dùng trong một thử nghiệm lâm sàng

Quan trọng hơn, các cơ quan quản lý trên toàn thế giới đang thúc ép những nhà cung cấp dịch vụ mở cửa hệ thống dữ liệu cát cứ của mình. Đây là điều kiện tiên quyết để phát triển ngành chăm sóc sức khỏe kỹ thuật số. EU đang thúc đẩy tiêu chuẩn điện tử cho các hồ sơ ý tế. Vào tháng 8/2020, Chính phủ Ấn Độ đã tiết lộ một kế hoạch về định danh y tế số lấy khả năng tương tác thông tin làm cốt lõi

Đại diện từ quỹ đầu tư Qiming nói rằng Chính phủ Trung Quốc cũng đang cố gắng vượt qua những kháng cự về bệnh án điện tử từ những bệnh viện vốn sợ mất bệnh nhân vào tay đối thủ cạnh tranh. Còn đại diện quỹ đầu tư Sinovation Ventures nói rằng Yidu Cloud, nhà cung cấp nền tảng dữ liệu lớn cho bệnh viện của Trung Quốc có thể đã trở thành kẻ nắm giữ bộ dữ liệu y tế lớn nhất thế giới

Gã khổng lồ Apple, với danh tiếng bảo vệ quyền riêng tư của người dùng, cũng đang ủng hộ một tiêu chuẩn chung [về dữ liệu]. Ông Aneesh Chopra, cựu giám đốc công nghệ của Nhà Trắng, nhận định rằng sự kết hợp giữa những nỗ lực này với các áp lực pháp lý báo trước một “kỷ nguyên mới” cho y học kỹ thuật số

Đồng ý với quan điểm đó, bà Judy Faulkner, chủ hãng sản xuất phần mềm hàng đầu Epic System chuyên quản lý hồ sơ sức khỏe điện tử cho biết khoảng 40% dữ liệu do công ty bà quản lý đã được chia sẻ với những bên không phải là khách hàng. Trong khi đó ông Kris Joshi, người điều hành công ty Change Heathcare chuyên xử lý các yêu cầu bảo hiểm y tế của Mỹ trị giá hơn 1,5 ngàn tỷ USD mỗi năm thấy rằng tiềm năng tương tác của lĩnh vực này còn nhiều hơn nữa, ít nhất là giữa các doanh nghiệp với nhau

Tất cả đang giúp ngành y tế phát triển từ chỗ là một “ngành khoa học lâm sàng được dữ liệu hỗ trợ” trở thành một “ngành khoa học dữ liệu được các bác sĩ lâm sàng hỗ trợ”, bà Pamela Spence thuộc công ty tư vấn EY nhận xét. Liệu điều này có biến việc chăm sóc sức khỏe trở thành cuộc chơi của những công ty công nghệ lớn?

Quả thực, đã có những dấu hiệu tham gia của các hãng công nghệ như vậy. Amazon muốn trợ lý ảo Alexa của mình phân tích tiếng ho và báo cho người dùng biết họ có mắc bệnh hay không. Vào tháng 11/2020, gã khổng lồ trực tuyến này ra mắt một nhà thuốc số để đảm nhận việc liên kết và phân phối thuốc giữa các công ty dược phẩm, trung gian và nhà bán lẻ thuốc tại Mỹ

Trong khi đó, AliHealth trực thuộc Alibaba đang phá vỡ thị trường dược phẩm truyền thống của quốc gia với doanh thu trong sáu tháng giữa năm ngoái tăng 74%, đạt mức 1,1 tỷ USD. Tương tự, có thể kể đến hãng công nghệ Apple với sản phẩm đồng hồ thông minh và kho 50.000 ứng dụng sức khỏe sử dụng được trên iPhone; hay công ty mẹ của Google mới phát triển một phân khúc về khoa học đời sống mang tên Verily.
Theo ông Shubham Singhal tại McKinsey, những đột phá trước kia của các gã khổng lồ công nghệ vào lĩnh vực chăm sóc sức khỏe đã thất bại bởi họ đi một mình. Y tế là một bãi mìn quy chế với những người đương nhiệm mạnh mẽ, do vậy mô hình kinh doanh phụ thuộc vào doanh thu quảng cáo của các công ty công nghệ lớn tỏ ra không phù hợp

Nhưng đại dịch COVID-19 đã sáng tỏ rằng những nhà cung cấp y tế hiện hành với phần cứng lỗi thời và chi phí dịch vụ đắt đỏ khó có thể cải thiện sức khỏe đầu ra cho người dân. Nếu một thế hệ công nghệ kỹ thuật số mới được phát triển, nó phải “cải thiện sức khỏe mà không làm tăng chi phí”, đại diện của Verily cho biết. Công ty này đang chuyển từ cách tính phí dịch vụ người dùng sang việc trả tiền dựa trên rủi ro, nghĩa là khách hàng sẽ trả tiền khi kết quả của họ được cải thiện, chẳng hạn như bệnh nhân tiểu đường kiểm soát được lượng đường trong máu dưới mức nhất định

Điều này chỉ ra một tương lai hợp tác - nơi những công ty ở thung lũng Silicon sẽ bắt tay chặt chẽ hơn với những công ty chăm sóc sức khỏe truyền thống. Giờ đây, công ty Epic System đang sử dụng phần mềm nhận dạng giọng nói từ doanh nghiệp khởi nghiệp Nuance để các bác sĩ có thể gửi ghi chú tới những chuyên gia bên ngoài. Họ cũng hợp tác với hãng gọi xe Lyft để đưa đón bệnh nhân tới bệnh viện

Công ty công nghệ y tế lớn của Đức Siemens Healthineers cũng đang làm việc với chuỗi bệnh viện Geisinger của Mỹ nhằm mở rộng việc theo dõi bệnh nhân từ xa. Trong khi đó, bệnh nhân tại bệnh viện Apollo của Ấn Độ có thể sử dụng một phần mềm app để mua thuốc khi hết, nhận tư vấn sức khỏe và chẩn đoán từ xa, thậm chí còn có thể đảm bảo một khoản vay y tế vì bệnh viện của họ liên kết với ngân hàng HDFC

Tại Philadelphia, ông Klasko cũng đang chấp nhận cách tiếp cận mới để chứng minh lời nhận xét ban đầu của người bạn ngân hàng là sai. Ông đã hợp tác với quỹ mạo hiểm General Catalyst, một công ty đặt cược sớm vào nhiều startup sức khỏe kỹ thuật số trong đó có Livongo, để đem họ tới làm việc cùng một nhóm đổi mới sáng tạo của mình. Các bên đã dần nhận ra rằng họ phải thiết lập quan hệ đối tác với các nhà cung cấp chứ không chỉ làm ra hàng trăm ứng dụng không kết nối được với nhau

Trang Linh
 
Last edited:
Tỷ phú hàng không Ấn Độ ‘phát tài’ nhờ kinh doanh y tế
Đứng trước nguy cơ thua lỗ trong lĩnh vực hàng không vì dịch Covid-19, tỷ phú Ajay Singh tìm cách xoay sở tình hình, chuyển hướng kinh doanh sang lĩnh vực chăm sóc sức khỏe

Dù có ít kinh nghiệm trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, tháng 11/2020, Ajay Singh - Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành hãng hàng không SpiceJet - quyết định chuyển hướng kinh doanh sang nghiên cứu bộ test Covid-19 và giải trình tự gen

Với tiêu chí cung cấp các mẫu test Covid-19 nhanh, giá thành hợp lý và luôn có sẵn, tỷ phú Ajay Singh cho ra mắt SpiceHealth - công ty Dịch vụ Chẩn đoán và Thiết bị Y tế. Chỉ trong vài tháng, phạm vi hoạt động của Spice Health đã mở rộng khắp cả nước

Được điều hành bởi Avani Singh - cô con gái 24 tuổi của vị tỷ phú, SpiceHealth hoạt động tách biệt với SpiceJet. Công ty đã triển khai 15 phòng thí nghiệm di động trên khắp quốc gia, mỗi phòng có công suất xét nghiệm 3.000 mẫu/ngày. Ngoài ra, SpiceHealth cũng thiết lập cơ sở giải trình tự gen ở sân bay quốc tế Indira Gandhi (Delhi, Ấn Độ)

Từ tháng 1 đến tháng 4 năm nay, SpiceHealth vận chuyển 34 triệu liều vaccine ngừa Covid-19 trên khắp Ấn Độ. Khi làn sóng Covid-19 thứ 2 xuất hiện, SpiceHealth tiếp tục vận chuyển hàng nghìn máy tạo oxy từ Bắc Kinh, Vũ Hán và Hong Kong đến Ấn Độ, “hạ nhiệt” tình trạng thiếu hụt bình oxy tại quốc gia 1,3 tỷ dân

Sự chuyển hướng nhanh chóng từ lĩnh vực hàng không thua lỗ sang lĩnh vực chăm sóc sức khoẻ của tỷ phú Singh cho thấy cách các chủ doanh nghiệp lớn của Ấn Độ đang cố gắng xoay sở tình hình để phát triển trong thời kỳ đại dịch

Trước đó, SpiceJet - hãng hàng không tỷ phú Singh nắm giữ 60% cổ phần - đã trải qua nhiều “sóng gió” khi chính phủ Ấn Độ ra lệnh phong toả toàn quốc vào năm 2020. SpiceJet liên tục báo cáo lỗ trong 4 quý vừa qua, buộc phải hoãn lương cho một số nhân viên trong nhiều tuần

Thậm chí, hồi tháng 2/2021, kiểm toán viên của Walker Chandiok & CoCo đặt ra nghi ngờ về tương lai "không chắc chắn" của hãng hàng không SpiceJet

Nhiều chuyên gia phân tích và các lãnh đạo trong ngành nhận định Ajay Singh là “kẻ thức thời”, có khả năng vượt qua sóng gió. “Ngành hàng không Ấn Độ đang chết chìm nhưng Ajay Singh sẽ vẫn sống sót”, Financial Times dẫn lời Neelam Mathews - chuyên gia phân tích hàng không ở New Delhi
 
Y tế số là gì và tại sao lại quan trọng trong thời điểm này


Y tế số có tiềm năng ngăn ngừa bệnh tật và giảm chi phí chăm sóc sức khỏe


Theo Deloitte Insights, y tế số không chỉ đơn thuần là sử dụng các công nghệ và công cụ. Nó cũng xem xét “việc triệt để tương tác dữ liệu”, trí tuệ nhân tạo (AI) và các nền tảng mở, an toàn. Đây đều là trọng tâm của “lời hứa” về việc chăm sóc tập trung vào người bệnh và định hướng phòng bệnh hơn chữa bệnh

Những tiến bộ trong AI, dữ liệu lớn, robot và máy học tiếp tục mang lại những thay đổi lớn trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe số. Bên cạnh đó, sự thay đổi trong bối cảnh chăm sóc sức khỏe số tiếp tục phát triển như các cảm biến có thể ăn được (ingestible sensor), y tá robot cũng như các thiết bị và ứng dụng theo dõi bệnh nhân từ xa

Theo Deloitte (một mạng lưới dịch vụ đa quốc gia), AI sẽ tạo ra những đột phá lớn về khoa học, thúc đẩy việc tạo ra các liệu pháp điều trị mới và vaccine để chống lại bệnh tật. Các biện pháp chữa bệnh kỹ thuật số được hỗ trợ bởi AI và các lời khuyên được cá nhân hóa sẽ giúp mọi người chủ động ngăn chặn các vấn đề về sức khỏe

Thông tin chi tiết do AI tạo ra (AI-generated insight) sẽ ảnh hưởng đến chẩn đoán và các lựa chọn điều trị, tạo ra các biện pháp điều trị an toàn và hiệu quả hơn

Ngoài ra, các giải pháp sản xuất và chuỗi cung ứng thông minh sẽ đảm bảo cung cấp các phương pháp điều trị và can thiệp phù hợp vào đúng thời điểm bệnh nhân cần

Precedence Research - công ty nghiên cứu thị trường có trụ sở tại Ottawa dự đoán rằng thị trường sức khỏe số toàn cầu sẽ có Tốc độ tăng trưởng hằng năm kép (CAGR) là 27,9% từ năm 2020 đến năm 2027. Cũng theo Precedence Research, số lượng các ứng dụng chăm sóc sức khỏe tăng vọt đang thúc đẩy sự tăng trưởng này

Bắc Mỹ chiếm thị phần vượt trội trong thị trường y tế số toàn cầu do dân số già của khu vực này tăng lên, tỷ lệ sử dụng điện thoại thông minh cao và nhu cầu cao về phát triển các ứng dụng và nền tảng chăm sóc sức khỏe số để giảm chi phí chăm sóc sức khỏe

4. Một số ví dụ về công nghệ y tế số





Các cải tiến về chăm sóc sức khỏe số được thiết kế nhằm tiết kiệm thời gian, tăng cường độ chính xác và hiệu quả, đồng thời, kết hợp các công nghệ theo những cách mới trong chăm sóc sức khỏe. Những cải tiến này có thể kết hợp y học và IoT, mHealth và IoT, y học và thực tế tăng cường (AR), blockchain và EMR

Internet of medical things (IoMT) là các thiết bị và ứng dụng được sử dụng trong lĩnh vực y tế có kết nối với mạng công nghệ thông tin (CNTT) và chăm sóc sức khỏe qua mạng internet trực tuyến

Các trường hợp sử dụng IoT bao gồm công nghệ điều trị từ xa để cải thiện giao tiếp giữa bệnh nhân và bác sĩ, giảm nguy cơ tiếp xúc với các bệnh truyền nhiễm; các công nghệ cảm biến khác nhau có thể thu thập dữ liệu ở cấp độ người dùng

Ví dụ, nhu cầu về các dịch vụ từ xa tăng lên do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, với số lượng lớn các nhà cung cấp dựa trên công nghệ để cung cấp các dịch vụ khám chữa ảo cho bệnh nhân

Các ứng dụng IoT sáng tạo trong chăm sóc sức khỏe vẫn không ngừng được phát triển. Cleveland Clinic - một trung tâm y tế học thuật phi lợi nhuận của Mỹ đã xếp hạng các thiết bị đo nhịp tim dựa trên điện thoại thông minh là cải tiến hàng đầu của năm 2021

Sử dụng ứng dụng di động, các thiết bị máy tạo nhịp tim có thể được thiết kế để truyền dữ liệu không dây và an toàn đến hệ thống mạng của một bệnh nhân, giúp bệnh nhân hiểu rõ hơn về dữ liệu sức khỏe từ máy đo nhịp tim và truyền thông tin về tình trạng sức khỏe đến bác sĩ của họ

MHealth, bao gồm thiết bị đeo, ứng dụng và công nghệ di động cung cấp đường truy cập vào các hỗ trợ và theo dõi chăm sóc sức khỏe cũng đang tăng trưởng. MHealth đặc biệt quan trọng trong việc theo dõi các căn bệnh mãn tính, cần điều trị lâu dài

Đại dịch Covid-19 đã dẫn đến sự gia tăng nhu cầu theo dõi sức khỏe cá nhân thông qua thiết bị đeo. Các nhà cung cấp thiết bị đeo đã bổ sung các tính năng đo nhịp tim, máy đo oxy xung (pulse oximeter - một phương pháp dùng để đo độ bão hòa oxy trong máu, hỗ trợ theo dõi giấc ngủ và thích nghi khí hậu khi ở những nơi cao), điện tâm đồ và theo dõi lượng đường trong cơ thể một cách liên tục

Một ứng dụng quan trọng khác là EMR dựa trên blockchain, được xây dựng giúp giảm thời gian cần thiết để truy cập thông tin bệnh nhân và cải thiện chất lượng dữ liệu cũng như khả năng tương tác. Các lợi ích của blockchain - bảo mật truy cập, quyền riêng tư dữ liệu và khả năng mở rộng - đã trở nên rất hấp dẫn trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe số

Sử dụng AI trong các ứng dụng chăm sóc sức khỏe có thể tăng khả năng đưa ra quyết định điều trị một cách tự động hóa - công việc trước đây đòi hỏi số lượng lớn lực lượng lao động. Nhiều bệnh viện đã sử dụng các công cụ theo dõi bệnh nhân dựa trên AI để thu thập thông tin sức khỏe và điều trị bệnh nhân dựa trên các báo cáo thời gian thực (real-time)

Một ứng dụng khác - bản sao số (digital twin) có thể được sử dụng để mô hình hóa các thiết bị y tế và bệnh nhân, đồng thời cho thấy các thiết bị sẽ hoạt động như thế nào trong điều kiện thực tế

AR - tích hợp thông tin số với môi trường của người dùng trong thời gian thực, có thể áp dụng trong phổ biến thông tin cho bệnh nhân và bác sĩ, giúp hình dung cuộc phẫu thuật và mô phỏng các căn bệnh

Dữ liệu lớn - lấy thông tin từ tất cả các hệ thống và ứng dụng y tế - đang đặt ra cả lợi ích và thách thức cho lĩnh vực chăm sóc sức khỏe bởi lượng dữ liệu y tế rất lớn và tiếp tục tăng lên nhanh chóng

5. Dữ liệu lớn trong chăm sóc sức khỏe




Việc số hóa thông tin y tế dẫn đến sự gia tăng của dữ liệu lớn về chăm sóc sức khỏe. Sự xuất hiện của dịch vụ chăm sóc dựa trên giá trị (value-based) cũng góp phần vào sự xuất hiện của dữ liệu lớn về chăm sóc sức khỏe thông qua việc tăng cường sử dụng phân tích dữ liệu để đưa ra các quyết định sáng suốt

“Việc thu thập, phân tích và tác động của dữ liệu người tiêu dùng, bệnh nhân và dữ liệu khám lâm sàng là quá lớn hoặc phức tạp để có thể hiểu được bằng các phương tiện xử lý dữ liệu truyền thống. Trong khi đó, dữ liệu lớn thường được xử lý bởi các thuật toán máy học và khoa học dữ liệu”, theo Healthgrades - một trang web giúp người dùng tìm bác sĩ, bệnh viện và dịch vụ chăm sóc phù hợp

Tuy nhiên, “đối mặt với những thách thức trong dữ liệu chăm sóc sức khỏe - số lượng và tốc độ, sự đa dạng và tính xác thực - các hệ thống y tế cần áp dụng công nghệ có khả năng thu thập, lưu trữ và phân tích thông tin này để tạo ra những hiểu biết, cuối cùng là đưa ra những quyết định sáng suốt”, Healthgrades nhấn định

Trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, dữ liệu lớn có thể mang lại những lợi ích sau

- Một là, giảm sai sót khi dùng thuốc. Bằng cách phân tích hồ sơ bệnh nhân, phần mềm có thể tìm ra những mâu thuẫn giữa sức khỏe của bệnh nhân và đơn thuốc, sau đó thông báo cho các chuyên gia y tế và bệnh nhân về một lỗi sử dụng thuốc tiềm ẩn

- Hai là, hỗ trợ y tế dự phòng (preventive care). Sử dụng phân tích dữ liệu lớn có thể giúp xác định các bệnh nhân có nguy cơ tái phát bệnh và xây dựng các kế hoạch phòng ngừa để giúp họ được chẩn đoán và được điều trị sớm

- Ba là, có kế hoạch điều động nhân sự chính xác hơn. Phân tích các dự đoán có thể giúp các bệnh viện và phòng khám dự đoán tỷ lệ bệnh nhân nhập viện để họ có thể cải thiện việc sắp xếp lịch khám chữa bệnh cho nhân viên

6. Lợi ích của y tế số


Y tế số có tiềm năng ngăn ngừa bệnh tật và giảm chi phí chăm sóc sức khỏe, đồng thời giúp bệnh nhân theo dõi và quản lý các tình trạng bệnh mãn tính. Nó cũng có thể điều chỉnh thuốc cho từng bệnh nhân

Các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe cũng có thể được hưởng lợi từ những tiến bộ trong lĩnh vực y tế số. Các công cụ số cung cấp cho các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe một cái nhìn sâu rộng về sức khỏe của bệnh nhân bằng cách tăng đáng kể quyền truy cập vào dữ liệu sức khỏe và cho phép bệnh nhân kiểm soát tốt hơn sức khỏe của họ. Cuối cùng là tăng hiệu quả và cải thiện chất lượng y tế

“Từ các ứng dụng và phần mềm y tế di động hỗ trợ các chẩn đoán lâm sàng đến AI và máy học, công nghệ số đã và đang thúc đẩy một cuộc cách mạng trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe. Các công cụ y tế số đã đem lại những tiềm năng to lớn để cải thiện khả năng chẩn đoán và điều trị chính xác bệnh tật, giúp tăng cường cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho cá nhân”, theo trang web của Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA)

Ngoài ra, các công nghệ như điện thoại thông minh, mạng xã hội và các ứng dụng trên internet cung cấp những cách thức mới để bệnh nhân theo dõi sức khỏe của họ và tăng khả năng tiếp cận thông tin

Theo FDA, các công nghệ y tế số giúp các nhà cung cấp giảm thiếu sự kém hiệu quả, cải thiện khả năng tiếp cận, giảm chi phí, tăng chất lượng và cá nhân hóa đơn thuốc cho bệnh nhân hơn. Đồng thời, các công nghệ y tế số cũng cho phép bệnh nhân và người tiêu dùng quản lý và theo dõi các hoạt động liên quan đến sức khỏe một cách hiệu quả hơn

Trong khi đó, các công nghệ như công cụ thực tế ảo (VR), thiết bị đeo, khám từ xa và 5G giúp cải thiện việc điều trị cho bệnh nhân, các chuyên gia y tế có thể hợp lý hóa quy trình làm việc của họ bằng cách sử dụng các hệ thống được hỗ trợ bởi AI

7. Những thách thức của y tế số





Việc chuyển đổi số trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe đã đặt ra một số thách thức liên quan đến bệnh nhân, chuyên gia y tế, nhà phát triển công nghệ, nhà hoạch định chính sách và những người khác. Do lượng dữ liệu đồ sộ được thu thập từ nhiều hệ thống lưu trữ và mã hóa dữ liệu khác nhau, khả năng tương tác dữ liệu là một thách thức liên tục

Ngoài ra, những thách thức khác đến từ các mối quan tâm khác nhau, từ kiến thức số của bệnh nhân và kết quả là khả năng tiếp cận chăm sóc sức khỏe không đồng đều đến các vấn đề liên quan đến lưu trữ, truy cập, chia sẻ và sở hữu dữ liệu

Những mối quan tâm này lại đặt ra các câu hỏi về quyền riêng tư. Ví dụ, điều gì sẽ xảy ra nếu công ty bảo hiểm muốn thu thập dữ liệu từ kết quả xét nghiệm di truyền của bệnh nhân thông qua các y bác sĩ? Hoặc điều gì sẽ xảy ra nếu các thiết bị y tế dễ bị tấn công

Các mối quan tâm khác liên quan đến công nghệ và đạo đức. Ví dụ, khi sử dụng robot y tế, ai sẽ là người đứng ra chịu trách nhiệm cho những sai sót trong quá trình phẫu thuật: bệnh viện, nhà phát triển, nhà sản xuất công nghệ hay bác sĩ phụ trách sử dụng robot ?

8. Quy định và quyền riêng tư của bệnh nhân


Tại Hoa Kỳ, Đạo luật về trách nhiệm giải trình và cung cấp bảo hiểm y tế (HIPAA) năm 1996 được thông qua để bảo vệ dữ liệu cá nhân của bệnh nhân. HIPAA đã được sửa đổi vào năm 2009 với sự ra đời của Đạo luật Công nghệ Thông tin Y tế cho Kinh tế và Sức khỏe Lâm sàng, được thiêt lập để làm cho việc thực thi HIPAA chặt chẽ hơn

Tuy nhiên, một số người chỉ trích rằng HIPAA vẫn chưa đủ chặt chẽ để hạn chế quyền truy cập vào dữ liệu bệnh nhân mà không có sự đồng ý của họ. Vào cuối năm 2020, Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Hoa Kỳ (HHS) đã đề xuất những thay đổi đối với HIPAA liên quan đến các tiêu chuẩn về quyền riêng tư và bảo mật, tập trung nhiều hơn vào giá trị và chất lượng chăm sóc
 
Tập đoàn Nhật đầu tư hàng chục triệu USD vào doanh nghiệp y tế tư nhân Vietnam
Dân số tại Đông Nam Á tăng lên, nhu cầu dịch vụ chăm sóc y tế được dự báo tăng nhanh. Thị trường dịch vụ chăm sóc y tế được dự báo sẽ tăng trưởng 20%/năm tại Việt Nam và 10% tại Malaysia

insmartsumitoto_efee.jpg


Tập đoàn Sumitomo của Nhật sẽ đầu tư vào một công ty liên doanh về y tế tại Việt Nam, tập đoàn muốn hướng đến mục tiêu cung cấp dịch vụ y tế số tại khu vực Đông Nam Á

Cụ thể, theo báo Nikkei đưa tin, Sumitomo dự kiến đầu tư hàng chục triệu USD vào công ty Insmart. Đây là công ty liên doanh giữa các nhà đầu tư Malaysia và Việt Nam đã có lịch sử hoạt động hơn 20 năm tại Việt Nam

Khi mà lĩnh vực chăm sóc y tế công tại nhiều nước Đông Nam Á còn một số hạn chế về quy mô, bảo hiểm y tế tư nhân đã phát triển mạnh. Nhiều công ty cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe có vai trò như bên trung gian giữa công ty bảo hiểm và các tổ chức y tế cũng như cung cấp dịch vụ cho người bệnh. Insmart hiện đang có khoảng 1,5 triệu khách hàng tại Việt Nam

Khi dân số tại Đông Nam Á tăng lên, nhu cầu dịch vụ chăm sóc y tế được dự báo sẽ tăng nhanh. Thị trường dịch vụ chăm sóc y tế được dự báo sẽ tăng trưởng 20%/năm tại Việt Nam và 10% tại Malaysia

Các doanh nghiệp quản lý dịch vụ y tế xử lý những công việc cho công ty bảo hiểm ví như việc đánh giá xem liệu chi phí y tế có phù hợp với các giấy tờ và chế độ thanh toán

Insmart đồng thời cung cấp rất nhiều dịch vụ cho người tiêu dùng trong đó có bao gồm lên đơn thuốc trực tuyến cũng như làm tham chiếu cho các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ y tế, hồ sơ y tế cá nhân và thông tin y tế thông qua ứng dụng

Vào năm 2019, Sumitomo Mitsui đã đầu tư vào công ty dịch vụ chăm sóc sức khỏe và bảo hiểm Malaysia có tên Health Connect Holdings và PMCare hiện đã có khoảng 3 triệu khách hàng. Sumitomo đã bổ sung thêm dịch vụ khám bệnh và kê đơn thuốc từ xa vào các ứng dụng của doanh nghiệp trên

Tại Nhật, dịch vụ khám bệnh từ xa khó phát triển bởi các lo lắng về yếu tố quyền riêng tư. Tuy nhiên, nhiều nước châu Á nhanh chóng chấp nhận dịch vụ này. Doanh nghiệp Nhật coi đây như mảnh đất màu mỡ để phát triển

Thời gian gần đây, ngày một nhiều doanh nghiệp Nhật đầu tư vào lĩnh vực y tế tại Đông Nam Á. Trong năm nay, Mitsui&Co đầu tư vào MiCare HealthTEC Holdings, doanh nghiệp y tế lớn tại Malaysia đồng thời có hoạt động tại Thái Lan và Philippines

Mitsui hiện đang là cổ đông lớn trong tập đoàn dịch vụ y tế IHH Healthcare. Công ty có kế hoạch sử dụng dữ liệu lớn để phân tích nhằm tăng hiệu suất lợi nhuận của hoạt động y tế. Công ty có kế hoạch đặt mục tiêu tăng gấp đôi lợi nhuận trước thuế vào năm tài khóa 2025 lên mức khoảng 1 tỷ USD

Vào tháng 3/2021, Toyota Tsuchi cũng thông báo đầu tư vào Cross Sync, hệ thống sử dụng trí tuệ nhân tạo nhằm kiểm soát bệnh nhân tại các cơ sở chăm sóc y tế tích cực
 
Trí tuệ nhân tạo trong lĩnh vực y tế
Vào cuối tháng 6 vừa qua, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã ban hành báo cáo(1) đầu tiên về ứng dụng của trí tuệ nhân tạo (Artificial intelligence – AI) trong lĩnh vực y tế

Như tiêu đề của báo cáo “Đạo đức và quản trị AI trong lĩnh vực y tế”, tài liệu này nhấn mạnh tới các khía cạnh đạo đức của việc sử dụng AI, cũng như vấn đề quản trị AI trong việc bảo vệ sức khỏe người dân. Báo cáo cho dù công nhận những “tiềm năng to lớn” của AI, cũng đặc biệt cảnh báo những “tác động tiêu cực” của công nghệ này, và vì thế có mục đích “đưa ra chỉ dẫn cho các quốc gia muốn tối đa hóa những lợi ích của AI, đồng thời hạn chế các nguy cơ và “bẫy” có thể đặt ra trong tương lai”

tri-tue.jpg

Hiện nay, không khó để có thể nhận ra những tác động tích cực của AI trong lĩnh vực y tế, như nâng cao sự nhanh chóng và sự chính xác trong chẩn đoán và phát hiện bệnh, nâng cao chất lượng chăm sóc y tế, góp phần hỗ trợ nghiên cứu và đưa sản phẩm y tế ra thị trường, hỗ trợ quản lý y tế…

Tuy nhiên, một số nguy cơ trong ứng dụng AI cũng được chỉ ra gần đây, như việc thu thập và sử dụng dữ liệu về sức khỏe cá nhân một cách thiếu phù hợp với đạo đức ngành y, hay vấn đề “thiên vị” trong thuật toán (như AI vận hành trên cơ sở dữ liệu thu thập trên người dân ở một nước phát triển thì có nguy cơ không phù hợp khi được sử dụng đối với người dân ở các nước kém phát triển), hay còn là vấn đề nguy cơ đối với an toàn cá nhân của bệnh nhân, với an ninh mạng Internet cũng như với môi trường sống của chúng ta

Báo cáo của WHO vì thế nhấn mạnh vai trò của các quy định pháp lý hiện hành trong lĩnh vực quyền con người, cũng như những khuynh hướng xây dựng luật mới nhằm đảm bảo các nguyên tắc đạo đức (ethics) trong ứng dụng AI

Theo báo cáo này, chính phủ và các cơ quan, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực y tế cần hợp tác phối hợp chặt chẽ để đảm bảo rằng những quy định và nguyên tắc pháp lý, đạo đức nói trên được đặc biệt tôn trọng trong mỗi bước ứng dụng hay phát triển công nghệ AI

Để đảm bảo hạn chế nguy cơ và góp phần tối đa hóa lợi ích của AI, WHO khuyến nghị các quốc gia tuân thủ sáu nguyên tắc căn bản, bao gồm: Bảo vệ sự tự chủ của con người; thúc đẩy sự hạnh phúc, an toàn của con người cũng như thúc đẩy lợi ích công cộng; đảm bảo sự minh bạch, rõ ràng và dễ hiểu; khuyến khích nghĩa vụ và trách nhiệm giải trình; đảm bảo sự công bằng và thúc đẩy AI đáp ứng nhanh và có tính bền vững

Có thể nói, hiện nay, về khía cạnh pháp lý, chúng ta có thể chỉ ra hai thách thức lớn liên quan tới ứng dụng AI trong y tế

Vấn đề thứ nhất, đó là dữ liệu sử dụng để tạo AI. AI sử dụng một số lượng dữ liệu khổng lồ (big data) để tạo ra những mô hình ứng dụng vào thực tế. Những dữ liệu này đến từ những cơ quan nhà nước về bảo hiểm sức khỏe, từ bệnh viện, từ các hồ sơ bệnh lý, từ dữ liệu của các cơ sở y tế công và tư, từ Internet, ứng dụng điện thoại, từ các công cụ tìm kiếm…

Cần nhấn mạnh rằng, các hệ thống AI trong lĩnh vực y tế đều dựa trên nguyên tắc chia sẻ thông tin. Ở đây, bí mật y tế cũng có thể biến thành thông tin được chia sẻ rộng rãi giữa các nhân viên y tế. Khi có sự góp mặt của AI, thì việc chăm sóc người bệnh không còn là một hoạt động mang tính “cá nhân hóa”, mà là một hoạt động nằm trong một mạng lưới lớn

Về nguyên tắc, luật hiện hành ở phần lớn các quốc gia đều quy định rằng dữ liệu y tế cá nhân chỉ có thể được thu thập khi cá nhân cho phép, và với điều kiện cá nhân được thông báo rõ ràng về mục đích thu thập và xử lý dữ liệu đó

Vấn đề là, theo các chuyên gia về AI, dữ liệu thu thập với một mục đích đặt ra ban đầu, lại thường hóa ra cần thiết cho AI để sử dụng trong một mục đích khác

Ngoài ra, có những dữ liệu được thu thập cho một mục đích nhất định, nhưng sau đó được lưu giữ không giới hạn về thời gian để sử dụng sau này cho một mục đích khác phù hợp hơn. Về nguyên tắc, thực tế này có thể đi ngược lại những nguyên tắc căn bản của luật về dữ liệu cá nhân. Vì thế, cần xem xét khả năng xây dựng luật phù hợp hơn với thực tế, và giải pháp “sandbox” thử nghiệm có thể là giải pháp hợp lý

Vấn đề thứ hai cần nhắc tới ở đây, là việc AI vận hành như một chiếc “hộp đen” (black box). Điều đó có nghĩa là một khi dữ liệu được đưa vào để AI sử dụng thì ngay cả người sáng tạo ra thuật toán AI cũng không thể dự doán được những mô hình mà AI sẽ tạo ra. Vì người sáng tạo AI mất sự kiểm soát này, nên đặt ra câu hỏi trách nhiệm pháp lý sẽ thuộc về ai, khi có thiệt hại xảy ra

Ví dụ, ô tô “thông minh” thường được đưa ra để thấy rõ sự thiếu hoàn chỉnh của luật trong lĩnh vực này: khi ô tô không người lái gây ra tai nạn cho một người đi bộ chẳng hạn, thì trách nhiệm thuộc về người tạo ra nó, hay thuộc về người sử dụng ô tô? Câu hỏi tương tự cũng được đặt ra trong lĩnh vực y tế, với những robot phẫu thuật, hay với hệ thống AI dùng để phát hiện bệnh

Chủ đề này đã gây ra nhiều bàn cãi ở các quốc gia phát triển, thậm chí câu hỏi có nên công nhận AI như pháp nhân có tư cách pháp lý cũng đã từng được đưa ra. Hiện nay, một số chuyên gia hướng tới một hệ thống trách nhiệm “đôi” khi có thiệt hại, bao gồm cả người đưa AI ra thị trường, lẫn người sử dụng AI (bệnh viện hay cá nhân bác sĩ sử dụng thiết bị chẳng hạn)

Cách thức này, tất nhiên, có phần làm nhụt chí những cá nhân liên quan. Vì thế, cũng có chuyên gia đưa ra giải pháp xây dựng một “quỹ”, với mục đích đền bù thiệt hại do AI gây ra, mỗi khi không thể chứng minh được lỗi của người sử dụng, hay của người tạo ra AI

Cuối cùng, cần nhấn mạnh rằng, các hệ thống AI trong lĩnh vực y tế đều dựa trên nguyên tắc chia sẻ thông tin. Ở đây, bí mật y tế cũng có thể biến thành thông tin được chia sẻ rộng rãi giữa các nhân viên y tế

Khi có sự góp mặt của AI, thì việc chăm sóc người bệnh không còn là một hoạt động mang tính “cá nhân hóa”, mà là một hoạt động nằm trong một mạng lưới lớn. Vì thế, cần xác định được một sự cân bằng giữa lợi ích cá nhân và lợi ích chung, để mỗi cá nhân đều có thể được chăm sóc sức khỏe một cách hiệu quả, đồng thời vẫn được đảm bảo quyền riêng tư và danh dự cá nhân
 
Amazon tiếp tục dự định mở rộng sang mảng chăm sóc sức khỏe khi định mua lại Signify Health

6097354_cover_Amz_signify.jpg

Theo tờ Wall Street Journal đưa tin thì Amazon đang là 1 trong những nhà đầu tư có ý định mua lại công ty chuyên về chăm sóc sức khỏe là Signify Health. Công ty chuyên về mảng công nghệ chăm sóc tại nhà này đang tự rao bán mình theo hình thức đấu giá. Ước tính số tiền để mua được Signify Health sẽ vào khoảng 8 tỷ đô dù thực tế họ được định giá chỉ ở mức 5 tỷ đô, kể cả sau khi cổ phiếu tăng lên sau các tin đồn mua lại

Vào tháng trước Amazon đã mua lại One Medical với giá 3.9 tỷ đô, rồi đầu tháng này họ mua Roomba với giá 1.7 tỷ và đến giờ lại quay lại mảng chăm sóc sức khỏe với dự định chi 8 tỷ đô cho Signify Health. Nếu thành công thì năm nay sẽ là năm Amazon chi ra số tiền kỷ lục để thâu tóm các công ty khác

Nếu việc này diễn ra vào 1 vài tháng trước thì có vẻ sẽ dễ dàng hơn đối với Amazon. Lý do bởi FTC đang có động thái giám sát gắt gao hơn với những vụ mua bán kiểu này. Gần đây nhất là vụ Meta định mua lại Supernatural và bị cơ quan này đưa vào tầm ngắm với dự định sẽ chặn thương vụ này lại. Việc này có thể cũng diễn ra với Amazon khi họ cũng có kiểu mua bán tương tự khi nhắm những công ty chăm sóc sức khỏe có tiềm năng, mua dần mua dần để đạt được 1 phần đủ lớn trong miếng bánh béo bở này

Đối đầu với Amazon sẽ là 2 ông lớn trong mảng chăm sóc sức khỏe là CVS Health Corp. và UnitedHealth Group Inc. Dự kiến trong thời gian tới sẽ có thêm thông tin liên quan đến thương vụ này, và có thể cũng sẽ có thêm cả thông báo từ phía FTC nữa
 
Top