What's new
Vietnam - Điện Biên Phủ Kinh Tế

This is a sample guest message. Register a free account today to become a member! Once signed in, you'll be able to participate on this site by adding your own topics and posts, as well as connect with other members through your own private inbox!

Bộ kinh tế tri thức Hàn Quốc

LOBBY.VN

Administrator
Hàn Quốc làm công nghiệp thiết kế

9707_Maing-Eunjoo.jpg

Bà Maing Eunjoo, Trưởng phòng Hợp tác quốc tế, Tổ chức Xúc tiến Thiết kế, thuộc Bộ Kinh tế Tri thức Hàn Quốc​

Năm 1970, Chính phủ Hàn Quốc đã thành lập Tổ chức Xúc tiến Thiết kế. Và ngay từ thời điểm đó, Chính phủ đã đầu tư khá nhiều tiền cho ngành công nghiệp này

NCĐT đã phỏng vấn bà Maing Eunjoo, Trưởng phòng Hợp tác quốc tế, Tổ chức Xúc tiến Thiết kế, thuộc Bộ Kinh tế Tri thức Hàn Quốc, về vấn đề phát triển công nghiệp thiết kế. Thiết kế nói ở đây là quy trình tạo dáng sản phẩm, từ ý tưởng đến bản vẽ cho đến cả những chỉ dẫn về sản xuất

Cuộc phỏng vấn được thực hiện bên lề Hội thảo “Việt Nam - Hàn Quốc: Hợp tác và Chia sẻ Kiến thức trong ngành Thiết kế” vào đầu tháng 7.2011 tại TP.HCM. Bà Maing đã tốt nghiệp thạc sĩ chuyên ngành Thiết kế, Đại học Kingston (Anh quốc)

Công nghiệp thiết kế có vai trò như thế nào đối với nền kinh tế của một đất nước ?

Trước hết, ngành thiết kế có thể giúp xây dựng và quảng bá hình ảnh của một đất nước ra thế giới. Do đó nó cũng tác động đến hiệu quả kinh doanh của các công ty. Nếu người tiêu dùng ở các nước khác có ấn tượng tốt về hình ảnh của một quốc gia, họ sẽ sẵn sàng chi nhiều tiền hơn để mua sản phẩm của quốc gia đó

Năm 2010, ngành thiết kế chiếm 0,5% tổng sản phẩm nội địa (GDP) của Hàn Quốc, bao gồm cả đầu tư của nhà nước và đầu tư của tư nhân. Trong giai đoạn 2006-2008, ngành thiết kế chiếm 0,8% GDP nhưng khủng hoảng kinh tế toàn cầu những năm gần đây khiến tỉ trọng ngành này giảm đôi chút

Hàn Quốc đã xây dựng được một ngành công nghiệp thiết kế trình độ cao. Nhờ đâu ?

Điều cốt yếu là phải có sự tác động mạnh mẽ của Chính phủ ngay từ giai đoạn đầu phát triển ngành công nghiệp thiết kế, qua đó tạo sức cạnh tranh cho ngành này. Vì ở giai đoạn này, hầu hết các công ty chưa có khả năng đầu tư cho thiết kế nên rất cần được Chính phủ hỗ trợ. Sau đó chừng 10 đến 20 năm các công ty sẽ đủ lực để tự làm việc đó

Chính phủ Hàn Quốc bắt đầu hỗ trợ cho công nghiệp thiết kế từ khi nào ?

Năm 1970, Chính phủ Hàn Quốc đã thành lập ra Tổ chức Xúc tiến Thiết kế. Và ngay từ thời điểm đó, Chính phủ đã đầu tư khá nhiều tiền cho công nghiệp thiết kế

Ngân sách chính phủ Hàn Quốc bỏ ra cho công nghiệp thiết kế là bao nhiêu ?

Con số của năm ngoái là 35 tỉ won (khoảng 670 tỉ đồng)

Quốc hội Hàn Quốc đã ban hành luật về phát triển công nghiệp thiết kế. Dựa trên bộ luật này, chính phủ trung ương và chính quyền các địa phương đã đầu tư hỗ trợ các công ty nhỏ và vừa, giúp xây dựng các trung tâm thiết kế. Chính phủ còn giúp cả công việc khảo sát, từ đó chúng tôi đã có được các dữ kiện, con số chính xác về công nghiệp thiết kế

Chính phủ Hàn Quốc cũng hỗ trợ cả những đại học có dạy môn thiết kế. Thông thường tại đại học, sinh viên không được thực hành nhiều. Vì thế Chính phủ chúng tôi đang cố cải tiến chương trình môn thiết kế bậc đại học nhằm đáp ứng nhu cầu thực về thiết kế của các doanh nghiệp

Các tập đoàn lớn như Hyundai, LG, Samsung và Daewoo đều có bộ phận thiết kế riêng, mà không cần được Chính phủ trợ giúp. Cách thức hoạt động của họ như thế nào ?

Thông thường họ có từ 500-600 nhân viên thiết kế. Mỗi quy trình thiết kế sản phẩm từ khâu phác thảo đến thiết kế thực tế đều được thực hiện một cách chu đáo. Họ còn có 3 hoặc 4 trung tâm thiết kế ở nước ngoài, vì vậy dễ dàng cập nhật được về các xu hướng mẫu mã và thị hiếu người tiêu dùng. Họ cũng thuê các nhà thiết kế nước ngoài. Tôi nghĩ với tình hình kinh tế như hiện nay, điều này rất quan trọng vì phải hiểu rõ khách hàng và thị trường nước ngoài. Và cần có cả con mắt và ý tưởng khác lạ từ những nhà thiết kế nước ngoài

Việt Nam có thể hợp tác như thế nào với Hàn Quốc trong lĩnh vực thiết kế ?

Tôi nghĩ chúng ta có thể hợp tác để xây dựng nền tảng cho công nghiệp thiết kế Việt Nam, ví dụ như tư vấn cho các công ty vừa và nhỏ về thiết kế sản phẩm. Hợp tác trong lĩnh vực giáo dục cũng rất quan trọng. Theo tôi được biết, các trường đại học Việt Nam không có đủ giáo sư về môn thiết kế trình độ cao hoặc chương trình học về thiết kế có chất lượng

Về cấp độ chính phủ, bà có gợi ý nào không ?

Điều quan trọng đối với chính phủ Việt Nam là phải thấy rõ sự cần thiết phải xây dựng một tổ chức hay cơ quan chuyên trách việc phát triển công nghiệp thiết kế và giúp đỡ các doanh nghiệp thành lập bộ phận thiết kế

Tại sao Hàn Quốc lại có cơ quan gọi là Bộ Kinh tế Tri thức ?

Trước đây, cơ quan này có tên là “Bộ Thương mại, Công nghệ và Năng lượng”. Cách đây 3 hay 4 năm, Chính phủ Hàn Quốc đã đổi tên thành Bộ Kinh tế Tri thức, vì lúc đó khái niệm kinh tế tri thức đã thịnh hành trên khắp thế giới

Ý nghĩa thật sự đằng sau tên gọi đó là gì ?

Trước đây, bộ này chỉ chú trọng đến các ngành công nghiệp truyền thống. Nhưng với cái tên mới, lĩnh vực hoạt động đã được mở rộng sang cả ngành dịch vụ và bất cứ ngành công nghiệp mới nào như công nghệ thông tin, internet hoặc công nghiệp thiết kế

Các ngành công nghiệp hiện phát triển rất nhanh, không thể bao hàm hết mọi lĩnh vực công nghiệp, nếu chỉ dựa vào các khái niệm hoặc phạm trù công nghệ truyền thống. Vì vậy cần phải có một danh xưng mới bao trùm
 
Viện nghiên cứu công nghệ - lực đẩy Hàn Quốc cất cánh​

Bộ Khoa học và Công nghệ đang đề xuất xây dựng ở Việt Nam một viện nghiên cứu ứng dụng theo mô hình của KIST, tổ chức đã đóng góp đắc lực trong việc đưa Hàn Quốc từ một nước nghèo lên công nghiệp và hiện đại

KIST2.jpg

Viện KIST ở Hàn Quốc​

"Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam - Hàn Quốc (V-KIST) theo mô hình viện nghiên cứu hàng đầu Hàn Quốc (KIST) sẽ là nơi thí điểm tạo điều kiện làm việc tốt nhất cho nhà khoa học, để họ cảm thấy không thua kém bao nhiêu so với làm việc nước ngoài, bù lại, họ sẽ tự hào hơn khi tạo ra sản phẩm khoa học chất lượng trên chính quê hương mình", Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân nói

KIST viết tắt của Korea Institute of Sicence and Technology tọa lạc tại thủ đô Seoul. KIST được thành lập ngày 10/2/1966 với nhiệm vụ giải quyết những vấn đề bức xúc về kỹ thuật cho sản xuất, hướng Hàn Quốc tới một xã hội phát triển trên nền tảng của các công nghệ hiện đại

Qua quá trình phát triển của mình, KIST đã đóng góp phần vô cùng quan trọng cho sự phát triển kinh tế và hiện đại hóa công nghệ của Hàn Quốc, đặc biệt trong giai đoạn thập niên 70 và 80, khi Hàn Quốc bắt đầu cất cánh từ một nước nghèo khó đi lên công nghiệp và hiện đại hóa

Dự án KIST có tổng giá trị 20 triệu USD do Hàn Quốc và Mỹ cùng tài trợ với tỷ lệ ngang nhau. Viện KIST thành lập dựa trên mô hình của viện Bartell, một viện nghiên cứu hàng đầu của Mỹ, hoạt động dựa trên các hợp đồng yêu cầu

Trong bài viết đăng trên Tia Sáng, cơ quan của Bộ KHCN Việt Nam, tiến sĩ Choi Huyng-sup, viện trưởng đầu tiên của viện KIST, nói về sự lựa chọn con đường đi như sau: "Tình hình khi đó chưa cho phép chúng tôi thành lập một nghiên cứu bao quát cả khoa học cơ bản lẫn các khoa học ứng dụng. Một viện như vậy đòi hỏi những đầu tư tài chính rất lớn. Chúng tôi cần một viện có thể nghiên cứu những công nghệ mà các doanh nghiệp tư nhân đòi hỏi"

Lúc đó, nhiều người bất ngờ với suy nghĩ này, những tiến sĩ Choi nói: "Để tồn tại, không thể làm khác được"

Tiến sĩ Choi Huyng-sup, ông từng giữ cương vị viện trưởng viện nghiên cứu năng lượng nguyên tử. Lúc thành lập, trong tay tiến sĩ Choi chỉ có một tờ giấy quyết định làm viện trưởng, không có tiền, không có cán bộ, không có cả chỗ ngồi làm việc

Tìm hiểu kinh nghiệm của các viện nổi tiếng thế giới và thực tế của Hàn Quốc, viện trưởng Choi đề ra đường lối phát triển riêng cho KIST là tập trung nghiên cứu vấn đề theo hợp đồng với các doanh nghiệp sản xuất, các đề tài có ích cho thực tiễn, xây dựng kế hoạch nghiên cứu có khả năng thu hút các nhà doanh nghiệp để nhận được đơn đặt hàng nghiên cứu từ họ.

Những nghiên cứu chính của KIST hiện tập trung theo các hướng: công nghệ của tương lai, khoa học và công nghệ vật liệu, công nghệ hệ thống, công nghệ môi trường, xử lý môi trường và các khoa học về sự sống

Mỗi phòng của viện KIST đều độc lập lãnh đạo một hệ thống nghiên cứu và phải chịu trách nhiệm về tất cả các chi phí cần thiết để thực hiện các nghiên cứu, bao gồm cả chi tiêu cho cán bộ, tiền thuê các phòng thí nghiệm và thiết bị

Sự hỗ trợ của chính phủ

Thời đó, tổng thống Hàn Quốc Park Chung-hee là người hậu thuẫn viện KIST và đàm phán với Mỹ về viện trợ xây dựng Viện. Ông còn trực tiếp làm việc với tổng thống Mỹ nhờ viện Bartell cử các chuyên gia sang Hàn Quốc

Tống thống Park là người quyết định chính sách cho viện KIST hiệu quả nhất, ra lệnh chuyển giao toàn bộ diện tích 1.256 km2 của Viện Thực nghiệm Lâm nghiệp cho viện KIST, về sau diện tích viện KIST thỏa hiệp lấy 500 km2. Thậm chí, ông khiển trách người lãnh đạo Ủy ban kế hoạch - kinh tế Hàn Quốc khi định cắt giảm ngân sách xây dựng viện

Sau khi thành lập viện, mỗi tháng tổng thống Hàn Quốc đến thăm KIST hai lần trong suốt ba năm liền, để tìm hiểu công việc của viện. Tổng thống tuyên bố rằng viện không phải lo nghĩ về ngân sách hoạt động của KIST; và việc lựa chọn nghiên cứu viên không được dựa trên các mối thân quen hay do áp lực từ chức quyền

Nhờ sự giúp đỡ của tổng thống mà chỉ sau 1 năm, viện KIST đi vào hoạt động nhanh chóng, sau gần 50 năm Viện đã trở thành 1 trong 10 cơ sở khoa học ứng dụng công nghệ hàng đầu thế giới. Theo thống kê của Hàn Quốc, các nghiên cứu của viện KIST đóng góp gần 30% giá trị gia tăng của sản phẩm công nghiệp nước này

Thu hút nhân tài trở về nước

Ngay từ ngày thành lập, viện KIST đứng trước nhiệm vụ làm thế nào huy động đề tài nghiên cứu có tính khả thi và theo hợp đồng. Lúc này, KIST không thể lôi kéo các giáo sư tại các trường đại học, vì thế lãnh đạo viện quyết định mời các nhà khoa học người Triều Tiên ở nước ngoài về nước (chủ yếu là từ Mỹ)

Để làm điều này, KIST đặt mục tiêu phải đảm bảo các nhà khoa học quyền tự chủ trong nghiên cứu, điều kiện sống ổn định, môi trường nghiên cứu tốt nhất. Viện KIST cung cấp cho các nhà khoa học từ nước ngoài về nhà ở và bảo hiểm y tế, tạo điều kiện ngay cả việc giáo dục con cái của họ

Quan trọng hơn, để đảm bảo cuộc sống các nhà khoa học, giúp họ chú tâm vào nghiên cứu, KIST trả lương bằng 1/4 mức họ nhận được ở Mỹ

Mức lương này cao gấp 3 lần lương giáo sư đại học trong nước nhận được. Mức lương này thậm chí còn cao hơn cả lương tổng thống

Không chỉ tạo điều kiện cho giới khoa học về nước ổn định, viện KIST nghiêm cấm hoạt động can thiệp trực tiếp của các cán bộ hành chính vào công tác nghiên cứu, hệ thống hành chính phải hỗ trợ mọi mặt cho nghiên cứu, các cán bộ hành chính không bao giờ được phép phê bình và cãi cọ với nghiên cứu viên

Những yêu cầu không hợp lý của các nghiên cứu viên phải được báo cáo lên viện trưởng hoặc phó viện trưởng, khuyến khích các giải pháp hoà giải giữa các nhà nghiên cứu

Để có nguồn nhân lực làm việc, bước đầu tiên, viện trưởng Choi từng tới Mỹ để phỏng vấn 78 ứng viên lựa chọn từ hàng trăm người có đơn xin việc. Một ứng viên là học trò cũ của tiến sĩ Choi phàn nàn: “Giáo sư, thầy biết em rất rõ, sao thầy không tin em?”. Ông Choi trả lời rằng: “Khó có thể tin chỉ nghiên cứu những gì em thích thú

Cần cấp tốc tập trung vào những nghiên cứu có ích cho các hoạt động kinh doanh ngay cả khi chúng không thú vị đối với các nhà khoa học. Nếu em quyết định sai lầm do không hiểu biết hết được sứ mệnh của em và rồi đây sẽ bỏ cuộc thì điều đó sẽ gây nên những rắc rối nghiêm trọng. Tôi chỉ muốn chắc chắn rằng trong bất cứ hoàn cảnh nào em cũng sẽ diễn đúng vai cần phải diễn của mình ở Hàn Quốc”

Ban đầu, viện trưởng viện KIST chọn chọn 18 nghiên cứu viên, là những người đã có hơn 5 năm kinh nghiệm kể từ khi nhận bằng tiến sĩ. Sau đó, ông Choi chọn thêm 35 nhà nghiên cứu nữa và gửi tất cả họ tới Viện Bartell không chỉ để tăng kiến thức mà còn học cách kinh doanh

Cụ thể là học cách làm thế nào xây dựng được những kế hoạch nghiên cứu có khả năng thu hút các nhà doanh nghiệp để nhận được đặt hàng nghiên cứu từ họ

Luật riêng

Đảm bảo tính pháp lý với hoạt động tự chủ của viện, lãnh đạo viện KIST đề xuất một bản dự thảo luật đặc biệt, đưa ra điều khoản riêng nêu rõ viện cần được miễn kiểm toán và kế hoạch hoạt động hàng năm của viện KIST không cần chính phủ phê duyệt. Đề xuất này gặp phải sự phản ứng của nhiều đại biểu quốc hội, vì nó ngược lại với luật tài sản quốc gia

Khi dự thảo luật sửa đổi đưa ra tại một phiên họp đặc biệt của Quốc hội vào tháng 3/1967, các đại biểu khăng khăng phản đối. Khi đó viện trưởng viện KIST nói rằng, các nhà khoa học thường hay gặp rắc rối vì thủ tục hành chính hơn là công việc nghiên cứu. Vì thế, dự thảo luật đặc biệt nhằm bảo đảm cho các nhà nghiên cứu tránh khỏi những rắc rối không cần thiết. Cuối cùng, nhờ có tổng thống, dự thảo luật được quốc hội thông qua

Mô hình của viện KIST sẽ được Việt Nam học tập và ứng dụng phù hợp với điều kiện thực tế. Với mong muốn xây dựng V-KIST, Bộ trưởng Nguyễn Quân kỳ vọng đây sẽ là hình mẫu cho các viện nghiên cứu khác ở Việt Nam

"V-KIST thành công sẽ là câu trả lời thuyết phục nhất cho cơ chế quản lý tài chính và quản lý khoa học của chúng ta, thay vì thời gian qua chúng tôi mất khá nhiều thời gian, công sức để nói về việc đổi mới cơ chế nhưng chưa có kết quả", ông Quân nói

Hương Thu
 
Top